TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 29

Ngành tái bảo hiểm không đủ sức gánh chịu rủi ro đại dịch; Bảo hiểm Hàng không tăng trưởng 40%; MIC bồi thường tự động Bảo hiểm trễ chuyến bay

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

PTI tạm ứng bồi thường cho nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc tại Quảng Bình

(ĐTCK) – Sáng ngày 27/7, đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phối hợp cùng chủ xe tạm ứng cho các nạn nhân vụ trong vụ tai nạn thảm khốc tại Quảng Bình với số tiền là 10 triệu đồng/người tử vong.

Đồng thời, PTI cũng đã đến bệnh viện động viên và thăm hỏi những người bị thương đang điều trị và tạm ứng bồi thường 5 triệu đồng/người. Tổng số tiền thăm hỏi là 260 triệu đồng.

Hiện tại, PTI đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến vụ việc. Khi xác định được các phạm vi trách nhiệm bồi thường, PTI sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường theo quy định.

Được biết, chủ xe biển số 73B – 009.25 đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ 3 và hành khách vận chuyển trên xe tại PTI Quảng Bình.

Trước đó, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 26/7, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa phận xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Xe khách loại 47 chỗ BS 73B-009.25 do anh Hoàng Trung Toán (27 tuổi, trú phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc – Nam chở 40 người, khi đến địa điểm trên đã mất lái, tự lật về bên trái đường. Vụ việc đã khiến cho 15 người tử vong, 22 bị thương đang được điều trị tại bệnh viện Quảng Bình.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm Hàng không  tăng trưởng 40% nửa đầu năm 2020

(VNI) – 06 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế xã hội; doanh thu Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không vẫn tăng trưởng tích cực ở mức 40% so với cùng kỳ, đạt top 4 tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường (cao gấp gần 06 lần mức tăng trưởng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm là 7%). VNI cũng tiếp tục tăng 01 bậc lên vị trí 12/31 trong bảng xếp hạng thị phần doanh thu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo đó, tổng doanh thu bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2020 của VNI đạt 786 tỷ đồng tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu theo các mảng nghiệp vụ đều bám sát kế hoạch đề ra và có tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu nhận tái bảo hiểm tăng trưởng 23%; doanh thu nghiệp vụ phi hàng không và doanh thu qua kênh bancassurance đều tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, các nghiệp vụ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm hàng hóa của VNI đạt mức tăng trưởng lần lượt là 32%, 47% và 31% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 285% do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhu cầu tìm mua các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ sức khỏe tăng mạnh.

Mạng lưới kinh doanh của VNI tiếp tục được tăng cường với việc mở mới 05 đơn vị, nâng tổng số công ty thành viên của VNI từ 36 lên 41 đơn vị trên toàn hệ thống; thành lập mới hàng loạt phòng kinh doanh và hệ thống đại lý rộng khắp cả nước. Ngoài ra VNI còn hợp tác với nhiều kênh bán qua ngân hàng, trạm đăng kiểm, showroom, môi giới…; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý như ứng dụng e-office, giám định bồi thường online (My VNI), thực hiện hóa đơn và giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.

VNI cũng nằm trong số ít doanh nghiệp không cắt giảm lao động, thậm chí tăng trưởng quy mô nhân sự bất chấp dịch bệnh Covid-19. Tính đến 30/06/2020, tổng số nhân sự của VNI là 1.257 người, tăng 262 người so với cuối năm 2019. Các chế độ đối với người lao động như: lương, thưởng & chế độ phúc lợi; Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp…vv đều được thực hiện đúng quy định, đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời nhằm chung tay cùng người lao động vượt qua khó khăn.

Song song với các hoạt động kinh doanh, 06 tháng đầu năm, VNI triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội như: ủng hộ 1,7 tỷ đồng đồng hành cùng Chính phủ chung tay chống dịch Covid; tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng VNI”; tặng quà các gia đình chính sách tại huyện Ba Vì (Hà Nội) cùng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác. Với các kết quả đạt được trong năm 2019 và 06 tháng đầu năm 2020, VNI vinh dự nhận Cờ thi đua xuất sắc của TP.Hà Nội; TOP 10 Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín và Top 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất do Vietnam Report công bố.

Năm 2020, VNI đặt mục tiêu doanh thu 1.840 tỷ đồng và Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về thị phần với nhiều giải pháp điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường như: tăng cường mở rộng mạng lưới công ty thành viên và hợp tác các kênh bán, đối tác mang lại doanh thu cao; tăng cường công tác marketing, xây dựng thương hiệu; lấy công nghệ thông tin làm cốt lõi để phát triển; triển khai các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường…vv.

Bất chấp Covid, PJICO báo lãi tăng tới 35%

(TBTCO) – Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán PGI) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, theo đó đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc kỷ lục, cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây bất chấp Covid.

Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc (đã bao gồm doanh thu từ chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ) trong 6 tháng đầu năm 2020 của PJICO đạt 1.776 tỷ đồng, tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ năm 2019 và gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thị trường, đạt 61,2% kế hoạch năm.

Đây là mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất của PJICO trong vòng 15 năm trở lại đây, cao hơn mức tăng trưởng doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng qua.

Con số doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2020 theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) chỉ tăng trưởng khoảng 7%, ước đạt 26.991 tỷ đồng.

Cũng tại PJICO, mảng bảo hiểm xe cơ giới trong 6 tháng cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng bình quân của mảng này tính trên phạm vi toàn thị trường, tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu ước tính của IAV, 6 tháng đầu năm 2020, mức tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 8.236 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn của Covid, PJICO vẫn ghi dấu ấn đặc biệt về hiệu quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của PJICO trong 6 tháng đạt 134,8 tỷ đồng, tương đương hoàn thành khoảng 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Bảo Minh: Tổng doanh thu 6 tháng đạt 2.381 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17%

(ĐTCK) – Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, tổng doanh thu 6 tháng đạt 2.381 tỷ đồng, hoàn thành 61,1% so với kế hoạch đề ra, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc 2.026 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch; doanh thu phí nhận tái bảo hiểm là 245,2 tỷ đồng, đạt 57,6% kế hoạch.

Riêng trong quý II/2020, tổng doanh thu tăng 6% so với quý II/2019, đạt 886 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính không có sự thay đổi đang kể so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 5,8 tỷ đồng.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát  dự báo sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm của Bảo Minh, từ bảo hiểm con người đến bảo hiểm tài sản và kỹ thuật. Vì vậy, Bảo Minh đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá thận trọng.

Cụ thể, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu chỉ ở mức 3.895 tỷ đồng, bằng 85% doanh thu thực hiện năm 2019; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế dự kiến 188 tỷ đồng, bằng 85,21% so với thực hiện năm 2019; tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2020 là 10%.

Tăng trăm tỷ trích quỹ dự phòng, MIC vẫn ghi nhận lợi nhuận hơn trăm tỷ

(MIC) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội vừa có báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận sau thuế đạt 100,6 tỷ đồng.

Riêng trong quý II/2020, lợi nhuận trước thuế của MIC hơn 64 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của MIC đạt 51,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 80,5 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là lợi nhuận của MIC 6 tháng đầu năm 2020 đạt được trong bối cảnh Tổng công ty đã thực hiện các khoản trích lập quỹ dự phòng với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mức trích lập cũng được ghi nhận cao hơn rất nhiều so với mức trích lập của 6 tháng đầu năm 2019.

Việc trích lập dự phòng được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phải trích dự phòng phí tương ứng với trách nhiệm giữ lại của từng nghiệp vụ bảo hiểm. Quỹ dự phòng phí được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm các năm tiếp theo.

Với MIC, tổng các khoản tăng dự phòn gphí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm cộng với tăng dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 106 tỷ đồng. Mức trích lập này tăng tới 48,7% so mức trích lập trong 6 tháng đầu năm 2020.

Việc trích lập dự phòng này cũng làm cho chi phí hoạt động kinh doanh Bảo hiểm của MIC 6 tháng đầu năm tăng từ 600,64 tỷ đồng đến 868,05 tỷ đồng. Mặc dù vậy, với hiệu quả hoạt động đầu tư tăng trưởng 29,03% trong bối cảnh dịch Covid-19 MIC vẫn đạt được con số lợi nhuận hơn trăm tỷ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm quý II/2020 của MIC đạt 641,4 tỷ đồng, tăng trưởng 36,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm đạt 1.258 tỷ đồng, tăng trưởng 33,6% so với cùng kỳ.

Riêng phí bảo hiểm gốc của MIC tăng trưởng 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất trong top 7 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Tổng tài sản của MIC tính đến cuối tháng 6/2020 đạt 5.205 tỷ đồng tăng 106% so với cuối năm 2019. Chỉ số sinh lời thu nhập trên vốn (ROE) đạt 11,1% là tỷ lệ tăng trưởng cao so với thị trường thời điểm này. Tổng tài sản sinh lời của MIC tăng 105% so với thời điểm cuối năm 2019.

Năng lực kinh doanh cùng nền tảng tài chính vững vàng của MIC ngay cả trong giai đoạn sóng gió của nền kinh tế cũng đã được thị trường và các tổ chức uy tín ghi nhận. Ngoài các con số doanh thu tăng trưởng cao như trên, MIC được xếp hạng cao trong Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2020 do VNR bình chọn.

PVI sơ kết hoạt động kinh doanh 06 tháng đầu năm 2020

(PVI) – Sáng 27/7/2020, tại Trụ sở chính Tòa nhà PVI, Công ty cổ phần PVI (PVI) đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm 2020. Chủ trì hội nghị ông Bùi Vạn Thuận-Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc PVI. Tham dự hội nghị có Ông Nguyễn Xuân Hòa- Phó Chủ tịch thường trực HĐQT PVI, Ông Dương Thanh Francois – Ủy viên HĐQT (Trực tuyến), Trưởng Ban kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các Ban, Văn phòng thuộc Công ty mẹ, Các đồng chí trong BCH Đảng bộ, Ban lãnh đạo các công ty thành viên trong hệ thống PVI gồm Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI, Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI, Công ty cổ phần Phát triển Tài sản Việt Nam.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, theo số liệu trước kiểm toán cập nhật đến ngày 20/07/2020, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 toàn hệ thống PVI đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cụ thể Tổng Doanh thu và Lợi nhuận trước thuế Hợp Nhất và của Công ty Mẹ đều hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Hòa – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT PVI đã thể hiện niềm vui trước kết quả của Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên PVI trong toàn hệ thống đã vượt mức các chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020 đồng thời tin tưởng PVI sẽ tiếp tục phát huy để hoàn thành kế hoạch cả năm 2020.

Điều hành và Phát biểu kết luận Hội nghị Ông Bùi Vạn Thuận – Tổng giám đốc PVI cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020 của tập thể người lao động PVI dù cho tình hình chung vẫn đang phải chịu sức ép và đối phó với các yếu tố chủ quan lẫn khách quan đến từ khủng hoảng giá dầu, khủng hoảng Covid và các diễn biến căng thẳng chính trị leo thang trên thế giới, đồng thời đưa ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ công tác trong 6 tháng cuối năm 2020 đảm bảo hoàn thành kế hoạch do Đại hội cổ đông giao.

Generali triển khai chương trình “Sinh Con, Sinh Cha” đầu tiên tại miền Trung

(ĐTCK) – Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam triển khai thành công chương trình “Sinh Con, Sinh Cha” tại Thừa Thiên Huế.

Đây cũng là chương trình “Sinh Con, Sinh Cha” đầu tiên được triển khai tại khu vực miền Trung.  Chương trình có sự tham dự của hơn 300 phụ huynh, cán bộ mầm non và các em thiếu nhi đến từ hai trường mầm non Họa Mi và Hoa Hướng Dương thuộc xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau lễ ra mắt ngày 23/06/2020 tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ đã được Generali Việt Nam cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam khẩn trương triển khai trên toàn quốc với việc phát hành chuỗi video tiểu phẩm hàng tuần trên kênh Youtube chính thức của Generali Việt Nam và tổ chức các buổi hội thảo tại địa phương, trong đó Bắc Giang và Thừa Thiên Huế là các tỉnh đầu tiên thuộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Tại Huế lần này, Chương trình tập trung thảo luận cùng các bậc phụ huynh các nội dung: phát triển cảm xúc tích cực ở trẻ khi thường xuyên khích lệ, động viên trẻ; cha mẹ nên làm gì khi trẻ ăn vạ và đảm bảo một ngôi nhà an toàn cho trẻ. Những nội dung này thuộc ba nhóm chủ đề chính của chương trình về phát triển trí tuệ (cùng con lớn khôn); hành vi (cùng con hành xử) và sức khỏe (cùng con sống khỏe) của trẻ từ 0 – 6 tuổi.

Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi “Sinh Con, Sinh Cha” bắt đầu tăng tốc trên hành trình đi dọc chiều dài đất nước đến với miền Trung trong tháng 7 này, góp phần mang đến những tác động tích cực, bền vững cho sự phát triển toàn diện của các em nhỏ tại địa phương. Chương trình giúp Generali tiếp tục thực hiện sứ mệnh trở thành “Người bạn Trọn đời” của nhiều gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và trên khắp cả nước nói chung.”

Generali Việt Nam cũng trao 150 phần quà tặng ý nghĩa cho các em nhỏ và 150 bộ tài liệu chương trình cho các phụ huynh cùng với 30 phần quà đặc biệt và 30 phần hỗ trợ tài chính cho 30 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương.

Bồi thường tự động với Bảo hiểm trễ chuyến bay MIC

(MIC) – Với sứ mệnh mang đến cho khách hàng “trải nghiệm thuận tiện” hàng đầu, Bảo hiểm Quân đội – MIC đã tập trung nguồn lực, nâng cấp hệ thống, ứng dụng nền tảng số hóa cho các sản phẩm của mình. Đặc biệt, Bảo hiểm Trễ chuyến bay MIC là một trong những sản phẩm tiên phong trong công nghệ bồi thường tự động 100%.

Trong xã hội hiện đại, việc lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không càng ngày càng trở nên phổ biến bởi nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là tỷ lệ trễ chuyến, hủy chuyến bay ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao, mang lại những bất tiện không đáng có với khách hàng.

Vì vậy, sản phẩm Bảo hiểm Trễ chuyến bay MIC được thiết kế với hi vọng sẽ giúp xua tan bớt những mệt mỏi của Quý khách hàng. Trường hợp chuyến bay của khách hàng bị trễ từ 01 giờ, công nghệ bồi thường tự động của MIC sẽ tự động chuyển tiền thẳng về tài khoản ngân hàng đã đăng ký mà khách hàng không cần bất cứ thao tác gì. Sản phẩm Bảo hiểm trễ chuyến bay MIC đang được được phân phối trực tuyến trên https://emic.vn/ với mức phí chỉ từ 42.000 VNĐ.
Nếu như trước đây, khi nghĩ tới bảo hiểm, mọi người sẽ liên tưởng đến các thủ tục giấy tờ phức tạp, thì hiện nay, với nền tảng công nghệ Bảo hiểm số của MIC, chắc chắn khách hàng sẽ có những trải nghiệm thú vị, góp phần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm đặc thù, MIC sẽ tiếp tục xây dựng hệ sinh thái sản phẩm Bảo hiểm trên môi trường công nghệ số, đơn giản mọi thủ tục để tất cả mọi khách hàng đều dễ dàng mua và sử dụng sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình.

  1. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm phi nhân thọ những tháng cuối năm: Tăng cường hợp tác, mở rộng kinh doanh

(TBTCVN) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ chỉ tăng 8%. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 10 – 15% theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm các DNBH phi nhân thọ đang tăng tốc mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh hợp tác, ra mắt các sản phẩm mới…, kỳ vọng sớm về đích.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, công ty vừa triển khai chương trình bảo hiểm bảo lãnh với những quyền lợi vượt trội  – cung cấp sự bảo đảm cao nhất cho doanh nghiệp là nhà thầu và chủ đầu tư. Cụ thể, sản phẩm đa dạng về quyền lợi như: bảo lãnh dự thầu (bảo đảm cho quyền lợi của chủ đầu tư khi nhà thầu đã trúng thầu nhưng không ký kết hợp đồng); bảo lãnh thực hiện hợp đồng (bảo đảm cho quyền lợi của chủ đầu tư khi nhà thầu không thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định trong hợp đồng); bảo lãnh tiền tạm ứng (bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư khi nhà thầu không trả hoặc sử dụng sai mục đích khoản tiền tạm ứng của hợp đồng)…

“Không giống như bảo lãnh của ngân hàng, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh này mang lại nhiều lợi ích cho các nhà thầu cũng như chủ đầu tư” – đại diện Bảo hiểm Bảo Việt nhấn mạnh.
Trước đó, Bảo hiểm PTI cũng ký kết hợp tác toàn diện với WeBuild – công ty khởi nghiệp sáng tạo trong ngành xây dựng, để cung cấp gói bảo hiểm tai nạn trên nền tảng điện thoại tới người dùng ứng dụng WeBuild cũng như cộng đồng thợ, nhà thầu ngành xây dựng. Với chi phí 165.000 đồng/năm, gói bảo hiểm mang đến cho khách hàng nhiều quyền lợi như chi trả tối đa lên đến 100 triệu đồng, chi trả chi phí nằm viện do tai nạn, chấn thương thể thao và tai nạn xảy ra trong quá trình lao động tại các công trình xây dựng.

“Hồ sơ sẽ được PTI phê duyệt và gửi xác nhận tới khách hàng thông qua ứng dụng WeBuild, giấy chứng nhận bảo hiểm cũng sẽ được cấp trực tiếp qua ứng dụng. Với sự hợp tác này, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký, quản lý, theo dõi tình trạng hợp đồng bảo hiểm, tra cứu lịch sử bồi thường, gia hạn đóng phí bảo hiểm trực tuyến và bồi thường trực tuyến…” – đại diện Bảo hiểm PTI cho biết thêm.

Đại diện Bảo hiểm PVI cũng cho biết, công ty vừa ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Mobifone. Theo nội dung thỏa thuận, dựa trên thế mạnh của mình, Bảo hiểm PVI sẽ nghiên cứu bán các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng của Mobifone thông qua các kênh hiện có của Mobifone như: tin nhắn (SMS), website, ứng dụng My Mobifone, Mobifone Next… và hệ thống đại lý của Mobifone.

Đồng thời, Bảo hiểm PVI cũng ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Thể thao VGS (thành viên của VGS Group) cung cấp dịch vụ bảo hiểm thông qua ứng dụng VHandicap. Đây là ứng dụng tính điểm chấp VHandicap quốc gia cho toàn bộ người chơi golf tại Việt Nam, đáp ứng và phục vụ được nhu cầu của các golfer một cách tốt nhất. Tính tới nay đã có gần 35.000 tài khoản hoạt động trên ứng dụng.

Đại diện Bảo hiểm PVI chia sẻ, các thỏa thuận hợp tác này sẽ góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh của các bên thông qua việc hợp tác phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đảm bảo chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Không chỉ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác khác, các DNBH còn tiếp tục mở rộng mạng lưới. Điển hình như Bảo hiểm PJICO mới đây đã ra mắt Công ty bảo hiểm PJICO Tràng An. Đây là đơn vị thành viên thứ 60 của PJICO chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc và là đơn vị thứ 5 tại địa bàn trọng điểm Hà Nội.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ, trên thế giới, bảo hiểm bảo lãnh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đây là công cụ tài chính hữu hiệu để giải quyết rủi ro về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên trong các giao dịch thương mại, qua đó thúc đẩy giao dịch và sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với ngành xây dựng, một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế do dịch Covid-19, bảo hiểm bảo lãnh mang đến một giải pháp mới và hiệu quả để bảo vệ cho cả nhà thầu cũng như chủ đầu tư, kỳ vọng sẽ được khách hàng đón nhận.

Ông Phạm Anh Đức – Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI nhấn mạnh, đây là sự hợp tác toàn diện, bền vững trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tin tưởng lẫn nhau và là cột mốc đánh dấu sự thành công của các doanh nghiệp. Bảo hiểm PVI sẽ phát huy kinh nghiệm và nền tảng vốn có của mình cùng với mạng lưới phục vụ khách hàng rộng lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng đồng thời mang lại giá trị gia tăng cho các bên tham gia.

Còn đại diện PJICO chia sẻ, PJICO Tràng An được thành lập là một bước tiến nhằm hiện thực hóa một trong các chiến lược phát triển năm 2020 đã được đại hội đồng cổ đông PJICO thông qua hồi tháng 6/2020 – là nghiên cứu, mở rộng quy mô, tăng thị phần đối với các địa bàn còn nhiều tiềm năng như tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các địa bàn khác như khu vực Đông Nam Bộ, Quảng Ninh…

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

BSH ủng hộ 700 triệu đồng cho cuộc chiến chống Covid – 19 tại Miền Trung

(BSH) – Ngày 29 tháng 7 năm 2020, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đã ủng hộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) 700 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại miền Trung.

Tham dự buổi trao tặng, về phía MTTQ Việt Nam có ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các lãnh đạo phòng ban của Mặt trận.
Về phía Bảo hiểm BSH có ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Trung Kiên – Tổng Giám đốc.

Đại diện cho Bảo hiểm BSH, Tổng Giám đốc Bùi Trung Kiên đã trao 700 triệu đồng cho ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để thông qua Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các địa phương gửi đến nhân dân 3 tỉnh, thành phố miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công cuộc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Trong ít ngày qua, cơ quan chức năng đã công bố các trường hợp mắc Covid-19 tại các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngay lập tức, toàn bộ hệ thống chính trị, y tế Trung ương và địa phương đã vào cuộc. Các đoàn công tác của ngành y tế từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được tăng cường hỗ trợ các tỉnh miền Trung đối phó với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải chuẩn bị kinh phí không nhỏ để đảm bảo hỗ trợ kịp thời người bệnh, người khó khăn bị cách ly và giãn cách xã hội.

Tại buổi trao tặng, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự ủng hộ kịp thời của Bảo hiểm BSH trong công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ông Trần Thanh Mẫn cho biết “Mới có 3 ngày thôi kể từ khi dịch bệnh Covid-19 quay trở lại cộng đồng nhưng bằng tấm lòng cao quý, trách nhiệm với xã hội, Bảo hiểm BSH đã chủ động liên hệ và trực tiếp đến MTTQ Việt Nam ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại miền Trung. Tôi đánh giá cao nghĩa cử này, thật rất đáng trân trọng”.

Trước đó, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp giai đoạn đầu, Bảo hiểm BSH đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 vào tháng 3/2020.

VNI ủng hộ 700 triệu đồng cho cuộc chiến chống Covid – 19 tại Miền Trung

(VNI) – Trước diễn biến phức tạp và sự lây lan trở lại của dịch Covid – 19 trong cộng đồng, chiều ngày 29/07, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không đã ủng hộ 700 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch tại 3 địa phương ở miền Trung là: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tại buổi lễ, bà Lê Thị Hà Thanh – Chủ tịch HĐQT VNI đã trao tặng số tiền ủng hộ thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận, gửi lời cảm ơn, đánh giá cao và hết sức hoan nghênh tấm lòng cao quý, nhân văn của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Các nguồn lực ủng hộ từ người dân và doanh nghiệp sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam điều chuyển cho ngành y tế, lực lượng vũ trang để mua sắm trang thiết bị, chi phí cho công tác phòng chống dịch.

Ông cho biết thêm, qua hơn ba tháng phát động, đến nay, số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ công tác phòng, chống dịch qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Khẳng định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều hơn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; tiếp thêm sức mạnh để đất nước đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Trước đó, tháng 03/2020, VNI cũng đã thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ ủng hộ 1 tỷ đồng nhằm chung tay cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

  1. Tin quốc tế

Danh mục đầu tư đa dạng giúp Chubb vượt qua COVID-19 tốt hơn

(AIR) – Sự tập trung kinh doanh của Chubb trong phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ của Hoa Kỳ cùng với sự suy thoái kinh tế tiềm năng trong khu vực và sự gia tăng yêu cầu bồi thường của một số sản phẩm đã khiến cho công ty dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus Corona.

Tuy nhiên, theo công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, sự phụ thuộc tương đối nhỏ vào phân khúc bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp giảm tổn thất.

Bà Deblina Mitra, chuyên gia phân tích bảo hiểm của GlobalData, cho biết “Tỷ trọng bảo hiểm nhân thọ tương đối nhỏ của Chubb (14%) là yếu tố tích cực trong điều kiện hiện tại. Bảo hiểm nhân thọ phải đối mặt với tác động bất lợi tiềm tàng của COVID-19 dưới dạng rủi ro tử vong, lãi suất thấp kéo dài, thị trường vốn không thuận lợi và giảm doanh số sản phẩm”.

Mặc dù Chubb có cơ cấu kinh doanh đa dạng với hoạt động trên hầu hết các nghiệp vụ, nhưng công ty đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch vì có sự hiện diện cực kỳ mạnh mẽ ở Mỹ, nơi có số lượng ca nhiễm virus cao nhất trên thế giới và thị trường Mỹ đóng góp tới 63,6% doanh thu của Chubb trong năm 2018.

Ở một chiều hướng tích cực hơn, bà Mitra chỉ ra rằng châu Á là thị trường quan trọng thứ hai của Chubb với 17,6% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Theo bà, việc chỉ có ít ca lây nhiễm COVID-19 ở Đài Loan và Hàn Quốc và sự mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế trong khu vực làm cho khả năng phục hồi kinh doanh của Chubb tốt hơn.

Zurich cung cấp xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho 4.500 nhân viên

(AIR) – Bảo hiểm Zurich (Zurich) cung cấp quyền lợi một lần xét nghiệm kháng thể COVID-19 cho tất cả nhân viên và các thành viên gia đình trực tiếp sống trong cùng một nhà (trên 18 tuổi).

Chương trình xét nghiệm không liên quan đến việc quay trở lại văn phòng làm việc mà được đưa ra chủ yếu nhằm giúp cho người lao động yên tâm về việc bản thân hay gia đình mình có bị nhiễm COVID-19 hay không. Các xét nghiệm này được Zurich tài trợ hoàn toàn.

Chương trình này đã được thử nghiệm thành công tại Thụy Sĩ và sắp tới sẽ được triển khai rộng khắp trên toàn cầu. Người lao động không bị yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm và việc xét nghiệm hoàn toàn không bắt buộc.

Theo Giám đốc Hoạt động của Zurich Anh quốc John Keppel, có tới 95% trong số 4.500 nhân viên của Zurich Anh quốc, bày tỏ sự quan tâm đến việc được xét nghiệm: “Chúng tôi đã chọn Bupa là nhà cung cấp uy tín và đáng tin cậy. Họ sẽ thay mặt chúng tôi quản lý xét nghiệm kháng thể đã được phê duyệt”.

“Trong thời gian ngắn, Zurich không có bất kỳ mức độ cam kết nào về việc trở lại làm việc tại văn phòng, thay vào đó công ty chọn cách tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ và thực tiễn tốt nhất trong ngành. Khi các hạn chế về giãn cách xã hội được giảm bớt, chúng tôi sẽ đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của khách hàng tại văn phòng. Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn chủ yếu để nhân viên làm việc tại nhà”.

Zurich đã cung cấp hàng loạt hỗ trợ cho nhân viên của mình để giúp họ vượt qua được những tháng qua mà chỉ bị gián đoạn tài chính tối thiểu.

Các giải pháp này bao gồm các lựa chọn giảm cắt giảm lương hưu trong năm và bán lại kỳ nghỉ cho công ty, cung cấp thêm thiết bị văn phòng miễn phí để đảm bảo làm việc an toàn và hiệu quả tại nhà, và khoản vay khẩn cấp lên tới 750 GBP (955 USD) cho mỗi người 72 giờ sau phê duyệt.

Công ty cũng đã quyên góp 13 triệu bảng cho quỹ hỗ trợ COVID-19 của ngành bảo hiểm và quỹ tiết kiệm dài hạn của Anh để giúp những người gặp khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng.

 Ngành tái bảo hiểm không đủ sức gánh chịu rủi ro đại dịch

(AIR) – Ông Jean-Jacques Henchoz, Tổng Giám đốc Hannover Re, cho rằng ngành tái bảo hiểm không có vốn và không đủ khả năng gánh chịu rủi ro hệ thống toàn cầu như đại dịch COVID-19.

Theo một báo cáo, ông Henchoz nói với tờ Neue Zürcher Zeitung (New Zealand): “Chúng tôi không thể đa dạng hóa nó như một rủi ro thông thường”.

Theo ông, chính phủ các nước phải lựa chọn cách thức tiếp cận khác để giảm thiểu rủi ro đại dịch thay vì dựa hoàn toàn vào thị trường bảo hiểm tư nhân.

Ông Henchoz cho biết quan hệ đối tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân là cần thiết và đã có những cuộc thảo luận đáng khích lệ giữa các chính phủ và đại diện của ngành.

Trang web www.artemis.bm dẫn lời ông Henchoz cho biết “Một hướng đi là sử dụng giải pháp nhóm, tương tự như bảo hiểm rủi ro khủng bố, được phát triển sau vụ tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ”.

“Một lựa chọn khác là bảo hiểm đại dịch bắt buộc, dưới dạng một tổ chức kinh tế hỗn hợp”, ông nói và lấy ví dụ về một tổ chức đã tồn tại ở Thụy Sĩ để bảo hiểm cho tổn thất thảm họa tự nhiên.

Tuy nhiên, Hannover Re cũng tin rằng các quốc gia cần phối hợp các giải pháp ở cấp độ quốc tế. Ông kêu gọi các quốc gia châu Âu hợp tác chặt chẽ hơn với Ủy ban châu Âu.

Ông Henchoz nói với NZZ rằng các giải pháp thị trường vốn có thể là một lựa chọn khác để đối phó với các rủi ro lớn như đại dịch nhưng cảnh báo rằng vốn và rủi ro trong lĩnh vực này hiện đang bị hạn chế.

Hàn Quốc mở rộng bảo hiểm việc làm

(AIR) – Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc đã tuyên bố rằng nước này sẽ đưa tất cả công dân đang làm việc vào chương trình bảo hiểm việc làm vào năm 2025. Đây là một phần của chính sách quốc gia nhằm chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch.

Theo dự án 5 năm, khoảng 21 triệu người dự kiến sẽ được bảo hiểm bởi chương trình bảo hiểm việc làm của nhà nước, so với con số hiện tại chưa đến 14 triệu, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin. Chương trình này sẽ không bao gồm các binh sĩ, công chức và giảng viên tại các trường tư đang được bảo hiểm bởi một chương trình bảo hiểm riêng biệt.

Chương trình này sẽ bảo vệ những người lao động tạm thời và những người làm việc tự do không được các công ty trực tiếp tuyển dụng và do đó không được bảo hiểm việc làm. Điều này có nghĩa là họ sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp nếu họ mất việc.

Bộ cũng tuyên bố sẽ mở rộng các chương trình bảo hiểm thương tích lao động trong kế hoạch tổng thể của dự án này.

Hàn Quốc: Cạnh tranh trong tiếp thị bảo hiểm trực tuyến nóng lên

(AIR) – Ba công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã hợp tác với công ty Internet Naver để cạnh tranh với công ty bảo hiểm hàng đầu Samsung Fire & Marine trong tiếp thị trực tuyến.

Tờ Pulse News  trích dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết, Bảo hiểm DB, Bảo hiểm hàng hải và hỏa hoạn Hyundai và Bảo hiểm KB đang đàm phán về phí bán bảo hiểm ô tô với Dịch vụ bảo hiểm của NF, một đơn vị bảo hiểm thuộc Naver Financial.

Công ty Dịch vụ bảo hiểm NF sẽ cung cấp một nền tảng để bán bảo hiểm và so sánh giá cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ để đổi lấy khoản phí dịch vụ được cho là 11%.

Sự hợp tác này có thể thúc đẩy doanh số của các công ty bảo hiểm do sức mạnh của Naver, công ty vận hành công cụ tìm kiếm số một của Hàn Quốc. Nhưng phí yêu cầu của Naver có thể dẫn đến tăng giá phí bảo hiểm cho khách hàng, một quan chức trong ngành cho biết. Nhưng những người khác cho rằng mức phí thấp hơn mức hoa hồng 12-14% mà các công ty bảo hiểm trả cho các đại lý và tương tự như các khoản phải trả cho các nền tảng tài chính kỹ thuật số khác như Toss và Bomapp, vì vậy mức phí 11% là hợp lý so với mức độ ảnh hưởng của Naver.

Samsung Fire & Marine Insurance hiện đang chiếm thị phần 50-60% trên thị trường bảo hiểm Hàn Quốc.

Chính phủ Pakistan xây dựng kế hoạch bảo hiểm cây trồng

(AIR) – Ông Syed Fakhar Imam, Bộ trưởng Nghiên cứu & An ninh lương thực quốc gia Pakistan, cho biết chính phủ nước này đang xây dựng kế hoạch bảo hiểm cây trồng để bảo vệ cho nông dân.

Ông nói rằng Bộ lương thực phối hợp với Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia sẽ nỗ lực hết sức để cứu cây trồng khỏi mưa và lũ lụt.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Pakistan Today, ông Imam nói: “Hiện không có mối đe dọa nào về tình trạng thiếu lương thực ở nước này cho dù châu chấu đang tàn phá trên diện rộng và dự đoán về lượng mưa lớn trong mùa mưa vượt trên mức bình thường. Chính phủ đang thực hiện chiến lược cho năm tới trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp suy giảm”.

Theo Bộ trưởng, Cục Khí tượng thủy văn dự đoán lượng mưa tăng thêm 10% trong mùa mưa năm nay có thể ảnh hưởng đến mùa màng.

Ấn Độ: DN bảo hiểm quốc doanh điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh

(AIR) – Công ty bảo hiểm quốc doanh của Ấn Độ United India Insurance Company (UIIC), một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất nước này, cho biết Công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng ban đầu 14% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Express, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc UIIC Girish Radhakrishnan nói rằng đang xem xét lại tất cả các khía cạnh của kế hoạch kinh doanh năm nay.

Đề cập đến những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, ông chia sẻ: “Chúng tôi phải đối mặt với sự tăng trưởng âm về doanh thu trong một số nghiệp vụ vì khách hàng buộc phải trì hoãn tái tục bảo hiểm. Bảo hiểm xe cơ giới mới, vốn đã quay cuồng với sự suy thoái kéo dài cả năm trong lĩnh vực ô tô, đã bị ảnh hưởng nhiều hơn kể từ khi các đại lý đã bị đóng cửa và doanh số sụt giảm tiếp tục. Các nghiệp vụ cốt lõi cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch”.

Nhận xét về hiệu suất tài chính của công ty trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2020, ông nói: “Công ty đạt doanh thu phí bảo hiểm gộp là 17.500 INR (2,3 tỷ đô la), với tốc độ tăng trưởng 6,6%. Các nghiệp vụ tăng trưởng đáng kể là trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, bao gồm bảo hiểm kỹ thuật, thân tàu biển, tai nạn cá nhân và cây trồng. Mặc dù kênh đại lý của chúng tôi tiếp tục đóng góp hàng đầu với tỷ lệ 47% tổng doanh thu, song điều đáng khích lệ là doanh thu kỹ thuật số đang có sự tăng trưởng tốt, mang lại khoảng 15% tổng doanh thu phí và 42% tổng số hợp đồng mới phát hành trong năm”.

BTV (Tổng hợp).