TIÊU ĐIỂM TUẦN 28 NĂM 2018

DNBH không nên vội vã triển khai chatbot; Blockchain bảo hiểm đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2023; Hanwha Life tăng vốn lên hơn 4.891 tỷ đồng

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

ABIC chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho khách hàng(TQĐT) – Ngày 4/7, Agribank Tuyên Quang phối hợp với Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng với tổng trị giá 102 triệu đồng cho gia đình ông Ninh Văn Bộ, thôn Kẽm, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Tháng 11/2017, ông Bộ đã có hợp đồng vay tín dụng trị giá 100 triệu đồng và tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng. Đến nay, khách hàng này bị bệnh và qua đời. ABIC đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục chi trả bồi thường bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình khách hàng trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, thăm hỏi, chia buồn, động viên sâu sắc tới gia đình khách hàng.

Khu dân cư Sài Gòn náo loạn vì kho vải cháy ngùn ngụt

(VnExpress) – Khói lửa từ kho vải ở khu dân cư đông đúc quận Tân Bình bốc cao hàng chục mét khiến hàng trăm người náo loạn.

Rạng sáng 12/7, người dân ở đường Hồng Lạc (phường 11, quận Tân Bình) hốt hoảng khi khói lửa dữ dội từ kho vải Ngọc Châu. Họ hô hoán báo động, tìm cách dập lửa… nhưng tất cả cửa của kho vải đều khóa kín.

Đám cháy nhanh chóng bùng phát, lan rộng, do trong kho có nhiều vải, vật liệu ngành may… Các nhà dân lân cận hốt hoảng di dời đồ đạc, tài sản, tháo chạy.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Cảnh sát PCCC điều 19 xe, 4 máy bơm và 116 chiến sĩ đến hiện trường. Lính cứu hỏa chia làm nhiều mũi, leo lên mái nhà gần đấy để xịt nước xuống dập lửa. Gần một giờ sau đám cháy mới được khống chế do lửa cháy âm ỉ, nhiều khói.

Hỏa hoạn đã thiêu rụi ôtô tải, xe ba gác cùng nhiều tấn vải, tài sản khác trên diện tích khoảng 180 m2. Mái tôn và tường nhà đổ sập. Sự cố xảy ra lúc kho vải không có người trông coi.

Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.

2. Một vòng doanh nghiệp

Hanwha Life Việt Nam tăng vốn điều lệ lên hơn 4.891 tỷ đồng

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo Hiểm Hanwha Life Việt Nam (Hanwha Life Việt Nam) vừa được Bộ Tài chính phê chuẩn về việc tăng vốn điều lệ bằng giấy phép điều chỉnh số 51/GPĐC6/KDBH cấp ngày 10/7/2018 tại Hà Nội.

Theo đó, Hanwha Life Việt Nam tăng vốn điều lệ từ hơn 1.891 tỷ đồng lên hơn 4.891 tỷ đồng và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có số vốn điều lệ lớn thứ ba tại Việt Nam.

Đây là lần tăng vốn thứ hai của Hanwha Life Việt Nam kể từ năm 2014. Việc tăng vốn thể hiện cam kết gắn bó lâu dài và mạnh mẽ của Hanwha Life Việt Nam đối với thị trường Việt Nam và là nền tảng tài chính vững chắc giúp công ty đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển các dịch vụ quan trọng để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Ông Back Jong Kook, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam nói rằng “nguồn lực tài chính vững mạnh là một tiêu chí quan trọng để công ty bảo hiểm nhân thọ trở thành điểm tựa tài chính tin cậy cho khách hàng trước mọi rủi ro trong cuộc sống. Việc tăng vốn khẳng định cam kết đầu tư dài hạn của Tập đoàn Hanwha và Hanwha Life tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, mang đến chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn nữa”.

Thành lập năm 2009, hiện Hanwha Life Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên nhóm những doanh nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng trong ngành bảo hiểm. Tăng trưởng doanh thu phí mới trong 5 năm qua (2013- 2017) đạt 41%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành là 33%. Cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng tổng doanh thu phí luôn đạt mức 54%, cao hơn 24% so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường (30%). Ngoài ra, Hanwha Life Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 120 điểm phục vụ khách hàng cùng 40.000 tư vấn tài chính tận tâm chuyên nghiệp.

VBI ký kết bancassurance với Ngân hàng TMCP Đông Á

(VBI) – Sáng ngày 10/7/2018, tại Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ký kết Bancassurance phi nhân thọ giữa Tổng Công ty Bảo hiểm Vietinbank (VBI) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) nhằm triển khai cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng.

Theo hợp đồng ký kết, VBI và DAB cam kết hợp tác triển khai một số nội dung như: DAB trở thành đại lý bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng tại DAB, bao gồm: Bảo hiểm người vay vốn (còn gọi là bảo hiểm khoản vay); Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm nhà tư nhân. Về phía VBI sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm dành cho Ngân hàng và CBNV của DAB như: Bảo hiểm tài sản và tiền, xe cơ giới cho nội bộ ngân hàng; Bảo hiểm sức khỏe và xe cộ dành cho CBNV của Đông Á Bank.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc VBI, ông Lê Tuấn Dũng chia sẻ: “Việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống Đông Á Bank sẽ mang nhiều lợi ích cho các bên. Theo đó, phía Ngân hàng sẽ đa dạng giỏ sản phẩm bằng những loại hình sản phẩm trọn gói bảo vệ kế hoạch tài chính và bảo hiểm dành cho khách hàng, đồng thời phía doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phân phối được các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng thông qua hệ thống mạng lưới chuyên nghiệp và bài bản. Với các lợi thế từ từ 02 tổ chức tài chinh lớn, các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hang sẽ được đẩy mạnh và nâng cao, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”.

Theo định hướng 2018, VBI sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ cho các khách hang cá nhân của VietinBank và các Ngân hang hợp tác như Indovinabank, Oceanbank, GP Bank và Đông Á Bank.

6 tháng, doanh thu phí khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam tăng hơn 60%

(ĐTCK) – Tin từ Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Công ty đã tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí khai thác mới tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017.

Đầu tháng 5/2018, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã được Bộ Tài chính cấp Giấy phép chấp thuận cho đợt tăng vốn thứ bảy lên gần 6.000 tỷ đồng để đầu tư mở rộng hệ thống phân phối.

Với việc tăng vốn này, Dai-ichi Life Việt Nam trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn đầu tư lớn nhất thị trường.

Mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam cũng được trao giải thưởng “Top 50 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam 2018” do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng.

Được biết, để được công nhận là một trong 50 nhãn hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam năm 2018, các doanh nghiệp trong danh sách xét duyệt cần đáp ứng được những tiêu chí cơ bản về đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng như: Tính phổ biến của nhãn hiệu; Phạm vi bao phủ và phục vụ của nhãn hiệu; Doanh số từ việc kinh doanh hàng hóa và cung cấp dịch vụ; Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; Uy tín nhãn hiệu; Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; Giá trị đầu tư của nhãn hiệu…

BIC giảm 20% phí bảo hiểm BIC Tâm An nhân dịp ra mắt

(BIC) – Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tận hưởng các dịch vụ y tế hiện đại, cao cấp của khách hàng, từ tháng 7/2018, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) chính thức cung cấp sản phẩm Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân – BIC Tâm An. Đặc biệt, nhân dịp ra mắt, BIC dành tặng chương trình ưu đãi giảm 20% phí bảo hiểm cho 500 khách hàng đầu tiên tham gia BIC Tâm An trong thời gian từ ngày 16/7/2018 đến 15/8/2018.

BIC Tâm An là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe toàn diện dành cho các khách hàng cá nhân, các hộ gia đình có nhu cầu trên toàn quốc. Khách hàng tham gia sẽ được chi trả bảo hiểm trong trường hợp tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn do tại nạn; chi trả các chi phí y tế do tai nạn; trợ cấp trong thời gian điều trị nội trú do tai nạn; chi phí phẫu thuật, điều trị nội trú do ốm đau, bệnh tật; chi phí điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật. Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể tham gia thêm các quyền lợi bổ sung thai sản và điều trị răng. Tổng mức chi trả bảo hiểm của BIC Tâm An lên tới 1 tỷ đồng.

BIC Tâm An được thiết kế gồm 5 chương trình bảo hiểm với các quyền lợi linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu và khả năng thanh toán của khách hàng. Đặc biệt, khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời, được hưởng dịch vụ bảo lãnh viện phí tại hơn 80 bệnh viện, cơ sở y tế tiên tiến và hiện đại hàng đầu tại các tỉnh/thành phố có liên kết với BIC.

Bảo Việt trao thưởng đợt 1 chương trình “Mùa hè sôi động”

(BVH) – Chương trình “Mùa hè sôi động” – chương trình tri ân khách hàng lớn nhất mùa hè năm 2018 của Tập đoàn Bảo Việt với tổng giá trị quà tặng lên đến 15 tỷ đồng diễn ra từ 1/6 đến 29/8/2018, dành cho khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty Chứng khoán Bảo Việt và Ngân hàng TMCP Bảo Việt tại 63 tỉnh/ thành phố trên toàn quốc.

Ngày 14/7/2018, tại Thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức quay thưởng đợt 1 để tìm ra chủ nhân của 241 giải thưởng có giá trị dưới sự chứng kiến của gần 400 khách hàng và cơ quan thông tấn báo chí.

Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, chương trình “Mùa hè sôi động” đã được đông đảo khách hàng đón nhận: hơn 38.000 khách hàng tham gia, hơn 88.000 mã dự thưởng đã được phát ra với tổng doanh thu và huy động vốn đạt gần 1.500 tỷ đồng. Hơn 38.000 khách hàng của chương trình đã được nhận ngay những quà tặng hấp dẫn trao tay gồm mũ bảo hiểm, ô gấp đồng hành với mùa hè, ưu đãi lãi suất khi gửi tiết kiệm, và quà tặng thú vị là Lịch thi đấu World Cup 2018 để cùng cuồng nhiệt với sự kiện thể thao lớn nhất trong năm. Những con số ấn tượng đó thể hiện niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu Bảo Việt và sự nỗ lực không ngừng của Bảo Việt để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Sau hơn 1 tháng triển khai chương trình khuyến mại, Lễ quay thưởng đợt 1 “Mùa hè sôi động” đã được tổ chức với 241 giải thưởng giá trị được công bố, bao gồm 01 giải Rực rỡ là 1 Xe máy Honda Vision 2018, 03 giải Năng động, mỗi giải là 1 chiếc Điện thoại Iphone X 64GB, 64 giải Sôi động là Ti vi Samsung Smart 43 inch, 80 giải Mát lạnh là Tủ lạnh Electrolux 254l, và 93 giải Nắng ấm là Quạt phun sương Kangaroo. Danh sách chi tiết 241 khách hàng may mắn trúng thưởng được công bố trên website Bảo Việt và thông báo trực tiếp tới khách hàng. Các giải thưởng sẽ được Bảo Việt trao tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi lễ, khách hàng tham dự được chia sẻ, giới thiệu về các gói giải pháp bảo vệ, đầu tư tài chính tích hợp của Bảo Việt, về sản phẩm dịch vụ tiêu biểu của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Công ty Chứng khoán Bảo Việt…- những sản phẩm dịch vụ luôn hướng tới mục tiêu hỗ trợ và đồng hành cùng gia đình Việt. Bảo Việt luôn ấn tượng trong cảm nhận của khách hàng thông qua việc hướng tới kênh bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân về một thương hiệu Bảo Việt hiện đại, năng động, chuyên nghiệp.

Chương trình “Mùa hè sôi động” còn kéo dài tới hết ngày 29/8/2018. Dự kiến, lễ quay thưởng đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 12/8/2018 tại Nghệ An.

MIC khuyến mại bảo hiểm du lịch và bảo hiểm nhà tư nhân

(MIC) – Từ ngày 8/7/2018 đến ngày 8/10/2018, EMIC ưu đãi 50% phí bảo hiểm du lịch quốc tế và bảo hiểm nhà tư nhân; 30% phí bảo hiểm vật chất xe ô tô đối với các xe có giá trị từ 500 triệu trở lên.

Nhằm tri ân khách hàng hướng tới kỷ niệm 11 năm ngày thành lập, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC) triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt dành cho các khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến qua website https://emic.vn/ và các website bán hàng trực tuyến liên kết với MIC. Theo đó, khách hàng khi tham gia chương trình sẽ nhận được ưu đãi “Giảm 50% phí bảo hiểm Du lịch quốc tế và Bảo hiểm nhà tư nhân; Giảm 30% phí bảo hiểm Vật chất xe ô tô” (áp dụng với các xe có giá trị bảo hiểm từ 500 triệu đồng trở lên).
Thời gian khuyến mãi: Từ ngày 08/07/2018 đến hết ngày 08/10/2018.

Quà tặng: Ngoài ưu đãi giảm phí, MIC còn tặng 01 mũ bảo hiểm cho các đơn hàng có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên.

Đơn vị tư vấn và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm: Phòng Bảo hiểm Trực tuyến – Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội

3. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh đầu tư công nghệ số

(TBTCVN) – Trong chiến lược phát triển năm 2018 và những năm tiếp theo, một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là đầu tư phát triển công nghệ số, nhằm giúp khách hàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ dễ dàng hơn, thu hút ngày càng nhiều khách hàng.

Việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh BH sẽ giúp DN đơn giản, tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng. Đây là mục tiêu sống còn và là bàn đạp cho sự tăng trưởng của DN.

Không chỉ những tên tuổi lớn trên thị trường BH nhân thọ mà các DNBH mới tham gia thị trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh BH, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điển hình như Prudential đã triển khai PRUbot – Chatbot để tiếp nhận thông tin tư vấn cho khách hàng; triển khai MatchBook – phần mềm giúp khách hàng tiềm năng có thể lựa chọn gặp gỡ các chuyên viên tài chính của Prudential. “Với MatchBook, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi muốn thay đổi cách tiếp cận khách hàng và trao cho họ quyền chủ động lựa chọn gặp chuyên viên tài chính”, đại diện Prudential nhấn mạnh.

Mới đây, Prudential cũng chính thức đưa vào áp dụng biên nhận thu phí điện tử thay cho phiếu thu giấy, điều này không những giúp khách hàng không phải lưu trữ toàn bộ phiếu thu giấy mà còn giúp khách hàng có thể truy cập thông tin biên nhận thu phí điện tử của mình bất kỳ lúc nào tại PruOnline – Cổng thông tin khách hàng trực tuyến. Như vậy, xuyên suốt quá trình khách hàng tham gia hợp đồng BH, từ đăng ký đến nộp phí và nhận hợp đồng, các bước đều được thực hiện tự động, nhằm đảm bảo tính an toàn, minh bạch và thuận tiện cho cả khách hàng và DN.

Một DN khác là Generali cũng đã ra mắt GenVita – một ứng dụng công nghệ đột phá trong ngành BH nhân thọ. Là một ứng dụng tích hợp, GenVita mang lại những giá trị đa dạng cho người dùng. Theo đó, người dùng có thể cập nhật kiến thức hữu ích về sức khỏe, thông tin chuyên sâu về các bệnh lý thông thường và hiểm nghèo, các chủ đề về giáo dục gia đình, tài chính gia đình và BH. Người dùng cũng có thể gửi bất kỳ thắc mắc nào lên GenVita, trong vòng 24 giờ, cộng đồng GenVita, bác sỹ hoặc các chuyên gia tài chính sẽ trả lời những thắc mắc đó. Trước đó, Generali cũng ra mắt ứng dụng GenClaims. Điểm độc đáo của dịch vụ này là khách hàng không cần đến văn phòng của công ty, không cần chờ đến khi Generali nhận được chứng từ gốc, mà chỉ cần mất 5 phút để gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi BH, chờ 30 phút để nhận được phản hồi từ Generali; nhận chi trả quyền lợi BH trong vòng 24 giờ đối với các trường hợp: hợp đồng BH tham gia trên 2 năm, đóng phí đầy đủ, đúng hạn; không có yêu cầu giải quyết quyền lợi BH trong vòng 6 tháng trước đó…

Không chỉ những DNBH tham gia thị trường lâu năm mà những DN mới tham gia thị trường cũng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ. Điển hình như FWD đã số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ khi tiếp cận, tư vấn, tìm hiểu sản phẩm BH cho đến lúc chốt hợp đồng và chi trả quyền lợi BH. Các quy trình và giao dịch được chuyển đổi qua công nghệ số, loại bỏ hoàn toàn giấy và tiền mặt. Công nghệ số cũng giúp việc tra cứu và truy cập thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn cho khách hàng; thông tin dữ liệu được quản lý có hệ thống, tăng tính bảo mật và được dự phòng cẩn thận. Việc này không chỉ tiết kiệm chi phí quản lý và vận hành của DN về lâu dài mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp, hiện đại của một DNBH trẻ, năng động.

Đại diện Prudential chia sẻ, xu hướng hành vi tiêu dùng của khách hàng ngày một thay đổi đòi hỏi các DNBH trên thị trường phải điều chỉnh, theo đó Prudential đã xây dựng và dần hoàn thiện các giải pháp nâng cao gắn kết khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thành thị trong thời đại kỹ thuật số, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số vào việc phân phối sản phẩm và cung cấp các dịch vụ nhằm giúp khách hàng dễ dàng giao dịch với Generali mọi lúc mọi nơi”.

Đại diện FWD cho biết, FWD xác định công nghệ số là chiến lược phát triển trọng điểm của công ty ngay từ những ngày đầu tham gia thị trường BH. “Đây cũng chính là điểm mạnh của FWD và chúng tôi không ngừng tận dụng lợi thế này để đem đến khách hàng những trải nghiệm dịch vụ BH khác biệt và thuận tiện nhất. Quy trình hoạt động của FWD hướng đến việc ứng dụng công nghệ số 100% và loại bỏ hoàn toàn 100% việc sử dụng giấy tờ và tiền mặt trong các giao dịch”, đại diện FWD nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia trong ngành BH, khi công nghệ phát triển, việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh BH sẽ giúp DN đơn giản, tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng từ xử lý thông tin, bán sản phẩm, công tác chi trả bồi thường…; đồng thời giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm BH nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi DN phải đầu tư chiều sâu vào công nghệ và có được những dòng sản phẩm phù hợp. Với sự hỗ trợ về nhân sự, công nghệ, hệ thống quản lý của công ty mẹ dường như các DNBH nước ngoài có nhiều lợi thế hơn các DN trong nước, điều này đòi hỏi các DN trong nước phải nỗ lực hơn để thu hút khách hàng, gia tăng thị phần.

4. Tin quốc tế

Lloyd’s ra mắt nền tảng phân phối kỹ thuật số mới

(IAN) – Lloyd’s vừa cho ra mắt nền tảng phân phối kỹ thuật số mới để kết nối các doanh nghiệp bảo hiểm với các chuyên gia đánh giá rủi ro của Lloyd’s.

Lloyd’s Bridge là một nền tảng trực tuyến cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thay mặt Lloyd’s để đánh giá rủi ro một số loại hợp đồng bảo hiểm nhất định.

Chương trình thí điểm ban đầu được thực hiện tại Anh, Úc và New Zealand. Sau đó, nền tảng này sẽ được mở rộng phạm vi truy cập đến nhiều thị trường trong năm 2019, tạo tiền đề cho kế hoạch triển khai trên toàn cầu.

Ông Bruce Carnegie-Brown, Chủ tịch Lloyd’s, nói: “Lloyd’s là thị trường bảo hiểm hàng đầu và có danh tiếng trên toàn thế giới, là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho các giải pháp bảo hiểm”.

“Tuy nhiên, trong thời đại chịu tác động mạnh của kỹ thuật số, các đối tác của chúng tôi ở cả hai thị trường đã và đang phát triển đều đang ngày tăng cường tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận thị trường Lloyd’s”.

Theo ông Carnegie-Brown, nền tảng Lloyd’s Bridge giúp cho việc thực hiện điều đó một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.

“Nó sẽ cho phép các công ty bảo hiểm ở các khu vực khác nhau trên thế giới được hưởng lợi từ việc tiếp cận dễ dàng hơn với chuyên môn, đội ngũ chuyên gia đánh giá rủi ro tài năng, năng lực bảo hiểm và khả năng an ninh tài chính của Lloyd’s”, ông nói thêm.

Lũ lụt tại châu Á gây thiệt hại hàng trăm triệu USD trong tháng 6

(IAN) – Lũ lụt theo mùa ở châu Á đã dẫn đến hàng chục người tử vong và thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đô la ở các vùng của Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tổn thất kinh tế toàn cầu trong tháng 6/2018.

Theo báo cáo Tóm tắt thảm họa toàn cầu hàng tháng của công ty Giải pháp tái bảo hiểm Aon, mưa đá và bão và gió lớn là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại kinh tế nhiều tỷ USD trong tháng vừa qua.

Trong số các tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Hoa Kỳ có bang Colorado, nơi những trận mưa đá lớn đã tấn công các khu vực tàu điện ngầm Denver, Boulder và Colorado Springs.

Tổng thiệt hại kinh tế kết hợp từ cả ba sự kiện này dự kiến lên đến 4 tỷ USD, trong đó các công ty bảo hiểm phải chi trả hơn 3 tỷ USD.

Một trận động đất ở Nhật Bản vào ngày 18 tháng 6 cũng kéo theo 78.838 khiếu nại bồi thường với tổng giá trị bồi thường vào khoảng 125 triệu USD.
Tình trạng hạn hán ở Nội Mông của Trung Quốc cũng dẫn đến thiệt hại nông nghiệp ít nhất là 91 triệu USD.

Ấn Độ: doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài chờ thay đổi luật

(IAN) – Cuộc họp Hội đồng quản trị gần đây của Cơ quan Quản lý và Phát triển bảo hiểm Ấn Độ đã không đem đến bất kỳ thay đổi nào về tình hiện phí tái bảo hiểm của Ấn Độ.
Công ty tái bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước GIC Re vẫn được ưu tiên đối với bất kỳ hợp đồng tái bảo hiểm cố định nào của Ấn Độ trước các hãng tái bảo hiểm khác của Ấn Độ và nước ngoài.

Các công ty tái bảo hiểm toàn cầu có văn phòng ở Ấn Độ đang tìm kiếm các quyền giống như các nhà tái bảo hiểm của Ấn Độ và muốn làm rõ từ ban điều hành càng sớm càng tốt để kịp thời ra các quyết định đầu tư.

Thay đổi quy tắc truyền thống đang diễn ra chậm ở Ấn Độ. Nước này chỉ tăng trần giới hạn sở hữu nước ngoài của các công ty Ấn Độ từ 26% lên 49% trong năm 2015 thông qua Dự luật sửa đổi Luật bảo hiểm sau nhiều năm không chắc chắn quốc hội.

Các công ty tái bảo hiểm nước ngoài ở Ấn Độ bao gồm Axa Re, Gen Re, Hannover Re, Munich Re, Tái bảo hiểm nhân thọ RGA, SCOR Re, Swiss Re và XL.

Đài Loan: kêu gọi DNBH tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền

(IAN) – Trong một hội nghị tại Đài Bắc, Viện Chống gian lận bảo hiểm của Đài Loan (IAFI) cho rằng các công ty bảo hiểm cần cải thiện tình trạng tuân thủ quy định pháp luật.

Hội nghị được tổ chức trước khi diễn ra đợt đánh giá do Tập đoàn châu Á-Thái Bình Dương về Rửa tiền thực hiện. Cơ quan liên chính phủ khu vực sẽ tiến hành kiểm tra ba năm một lần vào tháng 11 này.

Để chuẩn bị thành công cho việc kiểm tra, Giám đốc Văn phòng Chống rửa tiền, ông Tsai Pi-chung và Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Huang Tien-mu kêu gọi các công ty bảo hiểm nhân thọ của quốc gia thực hiện các quy định đã phổ biến và liên tục phát triển các thủ tục tuân thủ .

Tsai đưa ra ví dụ về vụ việc xảy ra năm 2016, khiến các nhà quản lý của Hoa Kỳ xử phạt Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega State với số tiền lên tới 180 triệu đô la Mỹ do vi phạm quy tắc rửa tiền.

Trung Quốc: Doanh thu phí bảo hiểm giảm 5,9%

(IAN) – Số liệu chính thức cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm trên thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1,9 nghìn tỷ Tệ (286 tỷ đô la Mỹ).

Tình trạng này xảy ra khi các nhà chức trách đang tìm cách cải thiện quy định của ngành để giảm rủi ro tài chính.

Dữ liệu từ Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho thấy, mặc dù doanh thu phí của các công ty bảo hiểm tài sản tăng 15,3% thì các công ty bảo hiểm nhân thọ – vốn chiếm hơn 70% tổng doanh thu phí toàn thị trường – lại giảm tới 11,5%.

Đầu tháng 5, CBIRC cho rằng ngành bảo hiểm ở Trung Quốc đang hoạt động chắc chắn và các rủi ro đều trong khả năng quản lý được, cho thấy khả năng thanh toán vẫn ở mức cao.

Thái Lan: Phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 4,1% trong Quý 1

(IAN) – Một báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Thái Lan (TGIA) đã chỉ ra rằng tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tại quốc gia này tăng 4,1% trong ba tháng đầu năm 2018.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của nền kinh tế toàn cầu, sự tăng trưởng trên đây một phần là do chính sách của chính phủ Thái khuyến khích đầu tư và khởi động các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Quy mô nền kinh tế Thái Lan tăng 4,8% trong quý 1 với mức xuất khẩu cao hơn, kéo theo các ngành sản xuất và du lịch cũng được hỗ trợ tích cực. Chính phủ quân đội Thái Lan đã cố gắng khuyến khích đầu tư nước ngoài thông qua chính sách lãi suất thấp và giảm thiểu quan liêu, hành chính.

TGIA dự kiến tổng mức tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ hàng năm từ 3,5% đến 4,5%.

Blockchain trong bảo hiểm đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2023

(IAN) – Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường mới do Market and Markets công bố, trong năm 2017, quy mô thị trường bảo hiểm sử dụng công nghệ blockchain đã đạt 43 triệu USD.
Bản báo cáo có tựa đề “Blockchain trong thị trường bảo hiểm”, cho thấy quy mô thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 1,4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, tương ứng mức tăng trưởng hàng năm là 84,9%.

Động lực cho sự tăng trưởng này là nhu cầu ngày càng cao đối với các hệ thống minh bạch và đáng tin cậy, cũng như chống lại xu hướng gia tăng các gian lận liên quan đến khiếu nại trong ngành bảo hiểm.

Báo cáo cho biết các công ty bảo hiểm cũng đang triển khai các hợp đồng thông minh dựa trên blockchain để giảm chi phí xác minh, thực hiện, trọng tài và phòng chống gian lận.
Kết quả là, báo cáo cho thấy blockchain và các hợp đồng thông minh có tiềm năng cải thiện hiệu quả của ngành bảo hiểm lên gần 30%.

DN bảo hiểm không nên vội vã triển khai chatbot

(INN) – EY nhận định, doanh nghiệp bảo hiểm cần có bước đi cẩn trọng khi triển khai công nghệ chatbot cho trải nghiệm khách hàng.

Theo đó, việc ứng dụng hệ thống quá nhanh có thể dẫn đến kết quả triển khai vụng về và chưa hoàn thiện, kéo theo sự thất bại của công nghệ này.

EY tư vấn, doanh nghiệp bảo hiểm nên ứng dụng công nghệ này theo từng giai đoạn, trước hết là giám sát nội dung, xây dựng câu hỏi thường gặp ‘bot’ và thí điểm hệ thống ‘bot’ giới hạn để thu thập kinh nghiệm và phản hồi của khách hàng.

Thời gian đầu, cần có sự hợp tác giữa các nhân viên dịch vụ khách hàng con người với chatbot để giám sát được hệ thống. Sau đó, chatbot mới có thể tự vận hành mà không cần tới sự giám sát của con người.

BTV (Tổng hợp).