Willis sáp nhập với Towers Watson; 2,25 tỷ rupian bồi thường tai nạn máy bay Indonesia; MIC thành lập thêm 7 công ty thành viên
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
BSH trao bồi thường bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện
(ĐTCK) – Ngày 3/7, Công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội Hải Dương ((BSH Hải Dương, trực thuộc BSH) đã trao số tiền bồi thường 10,8 triệu đồng cho anh Vũ Đình Sáu (xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương) bị tai nạn khi sử dụng điện tại gia đình.
Hồi cuối tháng 5, trong quá trình làm việc tại xưởng cơ khí gia đình, anh Sáu đã bị điện giật ngã từ bậc giáo xuống đất, khiến anh bị gẫy xương cánh tay phải phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh và buộc phải dừng mọi hoạt động trong xưởng. Trước đó, anh Sáu đã tham gia chương trình bảo hiểm tai nạn cho hộ sử dụng điện của BSH Hải Dương.
Sau khi nhận được thông tin, BSH Hải Dương đã ngay lập tức cử người xuống gia đình trực tiếp thăm hỏi và tiến hành tổng hợp thông tin, nhanh chóng thực hiện các thủ tục bồi thường. Đến ngày 3/7, đại diện BSH Hải Dương đã có mặt tại gia đình, trực tiếp trao số tiền bảo hiểm 10,8 triệu đồng đến tay anh Sáu.
Được biết, đây cũng là trường hợp đầu tiên ở Hải Dương tham gia bảo hiểm tai nạn sử dụng điện và xảy ra rủi ro. Chương trình bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện đã được BSH Hải Dương triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố từ năm 2014 và đã nhận được sự hưởng ứng từ phía chính quyền và người dân. Thái độ quan tâm và trách nhiệm chia sẻ của BSH Hải Dương đối với khách hàng đã được gia đình anh Sáu và chính quyền xã Quốc Tuấn ghi nhận, đồng thời cam kết sẽ tuyên truyền hiệu quả của chương trình tới rộng rãi người dân.
AIA Việt Nam đã chi trả cho khách hàng hơn 1.780 tỷ đồng
(ĐTCK) – AIA Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 5, AIA Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gần 270.000 trường hợp với tổng số tiền hơn 1.780 tỷ đồng.
Hiện, AIA Việt Nam đã thiết lập được hệ thống hơn 100 văn phòng tại 52 tỉnh, thành trên toàn quốc và đang phục vụ gần 500.000 khách hàng tham gia bảo hiểm.
AIA Việt Nam vừa được trao tặng Danh hiệu “Thương hiệu Việt Nam tin dùng 2015” trong Chương trình Khảo sát sản phẩm, dịch vụ tin cậy vì Người tiêu dùng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam phối hợp cùng Báo Người tiêu dùng tiến hành khảo sát và công bố.
1.000 m2 công ty gỗ Hàn Quốc bị thiêu rụi
(Vnexpress) – Ít phút sau khi bùng phát, lửa bao trùm toàn bộ nhà xưởng rộng 1.000 m2 của công ty gỗ chuyên xuất khẩu của Hàn Quốc.
Sáng 6/7, lửa bùng lên tại xưởng sơn và kho thành phẩm của Công ty TNHH Gỗ Mỹ Products (100% vốn Hàn Quốc) ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An (Bình Dương).
Lực lượng tại chỗ nỗ lực dập lửa nhưng bất thành. Khu vực cháy chứa nhiều gỗ, sơn, hóa chất… nên lửa lan nhanh. Sức nóng làm cửa kính nhà xưởng văng tung tóe.
Trong khi hàng chục công nhân bỏ chạy, một số khác dùng xe nâng và khuân các sản phẩm ra khỏi đám cháy trước khi ngọn lửa bao trùm toàn bộ nhà xưởng rộng 1.000 m2.
Gần 100 Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cùng nhiều xe cứu hỏa có mặt, kéo vòi rồng khống chế không cho lửa lan sang các khu kế bên. Sau hai giờ nỗ lực, lính cứu hỏa đã dập tắt đám cháy.
Hỏa hoạn không có thương vong, song đã khiến toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi. Nguyên nhân và thiệt hại đang được làm rõ.
2. Một vòng doanh nghiệp
Bảo hiểm PVI đạt 3.599 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc
(ĐTCK) – Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác kinh doanh, hoàn thành kế hoạch cả doanh thu lẫn lợi nhuận mà công ty mẹ là PVI Holdings giao.
Theo đó, trong 6 tháng, Bảo hiểm PVI đạt tổng doanh thu xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch 6 tháng và tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 3.599 tỷ đồng, hoàn thành 103,3% kế hoạch 6 tháng.
Cũng trong 6 tháng, Bảo hiểm PVI tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt thị trường trong các lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp như năng lượng, hàng hải, tài sản- kỹ thuật, hàng không; ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế với Tập đoàn Lotte, mở ra cơ hội phát triển của Bảo hiểm PVI trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống bán lẻ cũng đạt mức tăng trưởng cao, trong đó có 26/27 đơn vị hoàn thành kế hoạch 6 tháng.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, công tác dịch vụ khách hàng được chú trọng thông qua hoàn tất việc chuyển đổi mô hình trung tâm bảo lãnh viện phí thành trung tâm chăm sóc khách bảo hiểm con người tại Hà Nội và TP. HCM; mở rộng phát triển bệnh viện, phòng khám bảo lãnh, ký kết thỏa thuận hợp tác với các garage có chất lượng cao tại Hà Nội và TP. HCM.
Bảo hiểm Samsung “quan tâm” tới Bảo Việt
(ĐTCK) – Đầu tuần qua, ông Kim Chang-su, Tổng giám đốc điều hành Samsung Life đã có 2 buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Qua đó, nhà bảo hiểm Hàn Quốc này mong muốn tìm đối tác có tiềm lực tài chính đủ mạnh tại Việt Nam để mở rộng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam – lĩnh vực mà DN này đã khá thành công tại một số nước trong khu vực.
Đối tác mà nhà bảo hiểm Hàn Quốc này quan tâm cũng được vị Tổng giám đốc Samsung Life hé lộ đó là Tập đoàn Bảo Việt, mà cụ thể là kế hoạch cổ phần hóa Công ty Bảo Việt Nhân thọ (công ty hiện do Tập đoàn Bảo Việt sở hữu 100% vốn).
Tuy nhiên, kế hoạch hợp tác với Bảo Việt Nhân thọ dường như đóng lại khi theo lộ trình tái cấu trúc Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn sẽ tập trung ưu tiên cổ phần hóa một công ty thành viên trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Trong khi đó, với mảng bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt cũng đang có đối tác chiến lược nước ngoài duy nhất là Sumitomo Life (Nhật Bản).
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hoan nghênh Samsung Life tham gia vào quá trình sắp xếp, đổi mới các DN thuộc Tập đoàn Bảo Việt. Phó Thủ tướng cũng gợi ý Samsung Life tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp – một lĩnh vực có nhiều tiềm năng khi dân số làm nông nghiệp của Việt Nam chiếm tới 70% dân số cả nước, nhưng quy mô thị trường vẫn nhỏ.
Đại diện Samsung Life cho biết, Công ty hướng đến hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, công ty mẹ là Tập đoàn Samsung cũng đang có một công ty đang hoạt động khá hiệu quả tại thị trường bảo hiểm Việt Nam là Samsung Vina.
Tại Hàn Quốc, Samsung Life đang có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, chiếm 30%, cao gấp 2 lần công ty đứng vị trí thứ hai. Chính vì vậy, mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam đang được Công ty xúc tiến, nhằm tận dụng các tiềm năng sẵn có cũng như hiện thực hóa mục tiêu thành lập công ty bảo hiểm sau hơn 7 năm nghiên cứu thị trường bảo hiểm Việt Nam.
MIC thành lập thêm 7 đơn vị phục vụ khách hàng
(MIC) – Ngày 29/6/2015, Bộ Tài chính đã ký Giấy phép điều chỉnh số 43/GPĐC17/KDBH chấp thuận Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội thành lập thêm 7 Công ty Bảo hiểm thành viên như sau:
1/ Công ty Bảo hiểm MIC Bắc Giang
Địa chỉ: số 46, đường Hùng Vương, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
Điện thoại: (0240) 6251888
Fax: (0240) 6251888
2/ Công ty Bảo hiểm MIC Thái Bình
Địa chỉ: số 309 đường Trần Thái Tông, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 036.3835886
Fax:0363835198
3/ Công ty Bảo hiểm MIC Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: số 07 đường Ngô Quyền, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 053.3556124
4/ Công ty Bảo hiểm MIC Quảng Ngãi
Địa chỉ: số 179 đường Phan Đình Phùng, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Điện thoại: 055.3714250
5/ Công ty Bảo hiểm MIC Bình Định
Địa chỉ: số 120 đường Diên Hồng, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 056.3525777
Fax: 056.3523686
6/ Công ty Bảo hiểm MIC An Giang
Địa chỉ: tầng 2, tòa nhà HT, số 204-204A, đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang
Điện thoại: 076.3912089
7/ Công ty Bảo hiểm MIC Đông Đồng Nai
Địa chỉ: số 43, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: 0616.293.578 – 0616.293.656
Fax: 0616.293.679
Với việc thành lập thêm 7 Công ty Bảo hiểm thành viên, MIC nâng tổng số Công ty bảo hiểm thành viên lên 37 đơn vị và hơn 200 phòng kinh doanh, hơn 2.000 đại lý tại hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước nhằm mục đích phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm cũng như bồi thường tốt nhất.
BIC và OCB ký kết thỏa thuận hợp tác
(MIC) – Vừa qua, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, BIC và OCB sẽ hỗ trợ nhau trong việc phân phối các sản phẩm, dịch vụ và phát triển thương hiệu của cả hai bên.
Trong lĩnh vực phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), BIC và OCB sẽ hợp tác phân phối gần 20 sản phẩm bảo hiểm của BIC tại các điểm giao dịch của OCB trên toàn quốc. Đặc biệt, với lợi thế về mảng tín dụng ô tô cùng mối quan hệ thân thiết với các hãng, showroom ô tô, BIC và OCB sẽ tập trung đẩy mạnh việc phân phối sản phẩm bảo hiểm ô tô để tận dụng tối đa lợi thế này.
Để hợp tác có hiệu quả cao nhất, hai bên sẽ phối hợp với nhau trong công tác đào tạo nghiệp vụ, sản phẩm. Về phía BIC, sẽ hướng dẫn thu tục và các quy trình khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm cho OCB, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ ngân hàng, hướng dẫn các chương trình tiếp thị, chào hàng, hướng dẫn khách tham gia bảo hiểm của BIC. Đối với các khiếu nại bồi thường, sau khi tiếp nhận hồ sơ, BIC sẽ trực tiếp hướng dẫn khách hàng hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết bồi thường theo quy định và thông báo, phối hợp với OCB khi cần thiết.
BIC là công ty bảo hiểm đi đầu trong việc phát triển kênh Bancassurance cả về số lượng sản phẩm và mạng lưới ngân hàng cung cấp. Bancassurance được coi là kênh bán lẻ quan trọng của BIC và hiện đang đóng góp phần ngày càng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm với tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm. Trên cơ sở các thế mạnh và kinh nghiệm nhiều năm triển khai Bancassurance, BIC hiện đang tích cực đẩy mạnh kênh bán lẻ này.Năm 2015, OCB là ngân hàng thứ ba ký kết hợp tác với BIC, việc mở rộng hợp tác này sẽ đem tới cơ hội cho BIC tiếp cận số lượng khách hàng đông đảo của OCB.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Bảo hiểm tài sản công: Đảm bảo tài chính cho phục hồi và tái thiết sau thiên tai
(TBTCO) – Ngày 2/7 tại Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm cho tài sản của Nhà nước.
Trong khuôn khổ tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới (WB) về “Giải pháp tài chính và bảo hiểm cho rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia”, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phối hợp với WB tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm cho tài sản của Nhà nước.
Trình bày tại Hội thảo, ông Jose Angel Villalobos, chuyên gia của WB đã chia sẻ thông tin về cơ sở pháp lý, mô hình triển khai bảo hiểm tài sản Nhà nước tại một số quốc gia.
Theo đó, tài sản công như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, đê, kè, cảng, kênh mương,…) được coi là nhân tố quan trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện chính sách bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng để ứng phó với thiên tai và phòng tránh rủi ro (bao gồm cơ chế bảo hiểm), đầu tư vào phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chính phủ một số nước như Phillipines, Mexico, Columbia, Peru, Panama đã quy định bảo hiểm tài sản công là bắt buộc, yêu cầu chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát phải mua bảo hiểm tài sản, trong đó có rủi ro thiên tai. Các quốc gia khác tuy không có quy định cụ thể về yêu cầu mua bảo hiểm cho tài sản Nhà nước nhưng phần lớn chủ thể quản lý, sử dụng các tài sản này đã ý thức được vai trò, tác dụng của bảo hiểm trong công tác quản lý rủi ro nên đã hình thành thói quen mua bảo hiểm.
“Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai bảo hiểm tài sản Nhà nước trên thế giới là gợi ý quan trọng cho Chính phủ Việt Nam trong công tác hoạch định chính sách, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Quản lý tài sản công (sửa đổi)”, ông Jose Angel Villalobos nhấn mạnh.
Theo tính toán sơ bộ của WB, thiệt hai đối với trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn Việt Nam chiếm tỷ lệ từ 30% đến 40% tổng giá trị tổn thất ước tính do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, do các tài sản Nhà nước này không được bảo hiểm nên việc tái thiết, phục hồi sau thiên tai phụ thuộc phần lớn vào nguồn hỗ trợ tài chính eo hẹp của Nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế.
Vì vậy, cơ sở hạ tầng cần thiết phải được bảo hiểm để đảm bảo nguồn tài chính cho phục hồi và tái thiết sau thiên tai, đóng góp cho an toàn tài chính của Chính phủ, đảm bảo tính kinh tế của chi phí khắc phục thiên tai.
4. Bảo hiểm với cộng đồng
MIC hành trình về nguồn và tri ân gia đình chính sách, trẻ em nghèo
(MIC) – Trong 4 ngày, từ ngày 2 đến ngày 5/7/2015, Đoàn cơ sở Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn lần 2 – năm 2015 và tặng quà gia đình đối tượng chính sách, các em có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình” nhân kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2015). Dẫn đầu đoàn CBNV MIC về nguồn lần này là ông Nguyễn Quang Hiện – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc cùng Ban điều hành, Giám đốc các đơn vị và gần 90 đoàn viên thanh niên tiêu biểu đại diện cho các đơn vị trên toàn hệ thống của MIC. Trong chuyến hành trình, Đoàn đã đến đặt vòng hoa và viếng 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng Thành cổ Quảng trị, viếng anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn. Tại các điểm di tích lịch sử đoàn đã được nghe chiến tích hào hùng, sự hy sinh anh dũng của nhiều anh hùng khi tuổi đời còn rất trẻ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Và tại 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình di chứng chiến tranh đã làm cho nhiều gia đình, trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tại đây, Đoàn đã trao 40 suất quà, 450 quyển vở, 20 bút máy, 7 hộp bút chì… để giúp đỡ các em có cơ hội đến trường cũng như động viên các gia đình chính sách.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc MIC khẳng định ngoài hoạt động kinh doanh, MIC luôn quan tâm đến cộng đồng, hàng năm dành hàng trăm triệu đồng ủng hộ hoạt động xã hội được trích từ quỹ tấm lòng vàng của MIC nhằm giúp đỡ các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh – sinh viên nghèo vượt khó và thông qua những phần quà tại Quảng Trị, Quảng Bình, MIC mong muốn chia sẻ, giúp đỡ các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng và các em học sinh có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chuyến về nguồn lần thứ 2, năm 2015 của MIC thành công tốt đẹp, thông qua chuyến hành trình MIC mong muốn giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn đến CBNV trên toàn hệ thống, luôn ghi nhớ công lao to lớn của anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc, CBNV MIC hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao xây dựng đơn vị phát triển nhanh-khác biệt- bền vững – hiệu quả.
II. Tin quốc tế
Vụ rơi máy bay Indonesia: Tiền bảo hiểm khoảng 2,25 tỷ rupian
(Vietnamplus) – Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bumiputera 1912 (AJB) đang tiến hành các thủ tục để chi trả các khoản tiền bảo hiểm cho những thành viên của lực lượng không quân Indonesia bị thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay Hercules C-130 ở Medan, Bắc Sumatra hôm 30/6.
Tất cả những quân nhân này sẽ nhận được một khoản tiền bảo hiểm với các giá trị khác nhau.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn lời Giám đốc Marketing AJB, Nurseto, ngày 3/7 cho biết số phi công và phi công phụ sẽ được thanh toán tiền bảo hiểm 400 triệu rupiah mỗi người.
Theo ông Nurseto, trong năm 2015, số lượng quân nhân tham gia bảo hiểm là 41.753 người, trong đó riêng phi hành đoàn là 557 người với số tiền 225 triệu rupiah. Cán bộ và công chức trong lực lượng không quân được bảo hiểm ở mức 25 triệu rupiah/người; sinh viên là 20 triệu rupiah/người.
Đại diện của AJB cho biết, công ty sẽ phối hợp với lực lượng không quân để thu thập dữ liệu các nạn nhân và con số chính xác về số lượng quân nhân bị thiệt mạng cũng như mức bảo hiểm mà họ sẽ được chi trả.
Ông Nurseto tuyên bố hiện nay ước tính số tiền bảo hiểm sẽ lên tới khoảng 2,25 tỷ rupiah.
Hiện nay tất cả các quân nhân thuộc lực lượng không quân Indonesia đều được mua bảo hiểm nhân thọ của AJB.
Hợp tác giữa AJB và không quân để bảo vệ cuộc sống của những người lính đã được thực hiện từ năm 2013 và được cập nhật hàng năm.
Trong khi đó, mới chỉ có một số quân nhân trong quân đội nói chung, hải quân và cảnh sát được mua bảo hiểm nhân thọ.
Vụ rơi máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules tại thành phố Medan ngày 30/6 đã khiến 141 người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu được cho là do động cơ cánh phải hỏng.
Nepal: Giải quyết được 16% tổng số khiếu nại bồi thường do động đất
(Asiainsurancereview) – Hội đồng bảo hiểm Nepal (IB) cho biết, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Nepal đã chi trả bồi thường cho 2.466 vụ, chiếm 15,82% tổng số khiếu nại bồi thường tính đến 29/6/2015, cho thảm họa động đất xảy ra hôm 25/4.
Theo thời báo Himalaya, so với tuần đầu tháng 6 mới chỉ có 16 hãng bảo hiểm phi nhân thọ giải quyết 3,6% tổng số khiếu nại bồi thường.
Tại thời điểm 30/6, ngành bảo hiểm đã tiếp nhận tổng số 15.591 khiếu nại với tổng số tiền bảo hiểm khoảng 14,05 tỷ NPR (138,24 triệu USD). Tính đến nay, ngành bảo hiểm đã chi trả 763,18 triệu NPR, tương ứng 5,43% tổng số tiền khiếu nại bồi thường.
Khoảng 85% số vụ khiếu nại liên quan đến bảo hiểm hỏa hoạn do có phạm vi bảo hiểm cho rủi ro động đất.
“Mặc dù khối bảo hiểm phi nhân thọ đang có những tiến bộ trong công tác giải quyết bồi thường song vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh quá trình này”, một quan chức tại Hội đồng bảo hiểm Nepal nói.
Theo IB, trong số các doanh nghiệp bảo hiểm PNT, Sagarmatha là công ty nhận được nhiều khiếu nại nhất với tổng số 2.544 vụ, trị giá 1,3 tỷ NPR và đã giải quyết được 332 vụ (chiếm 13,05%) – tương ứng 98,70 triệu NPR.
Tiếp đó là công ty bảo hiểm Siddhartha với tổng số 1.532 khiếu nại, trị giá 1,59 tỷ NPR. Công ty này đã giải quyết được 230 vụ, chiếm 15% và tương ứng 83,07 triệu NPR.
Công ty có số vụ khiếu nại lớn thứ ba là Shikhar: nhận được 1.419 vụ với trị giá 1,47 tỷ NPR. Đến nay công ty đã giải quyết thành công 476 vụ, chiếm 33,54%, với tổng trị giá 205,80 triệu NPR.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết nguyên nhân chính dẫn đến trì hoãn trong việc xử lý tổn thất là do thiếu hụt giám định viên. Đến ngày 29/6 mới hoàn tất được khoảng 3.600 báo cáo giám định.Trong số đó, giám định viên kết luận 1.179 vụ không thuộc diện bồi thường.
Trước đó, các quan chức IB ước tính tổng giá trị tổn thất được bảo hiểm do vụ động đất gây ra vào khoảng 20 tỷ NPR, trong đó 5-6 tỷ NPR thuộc trách nhiệm của các hãng bảo hiểm nội địa và phần còn lại thuộc về các nhà tái bảo hiểm.
Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Nepal chỉ giữ lại một tỷ lệ nhỏ trong tổng số rủi ro nhận bảo hiểm. Số còn lại được chuyển cho các nhà tái tại thị trường Ấn Độ, Malaysia và các nước châu Phi.
Trận động đất nặng 7,8 độ richte hồi tháng 4 tại nước này khiến hơn 8.800 người thiệt mạng, hơn 23.000 người bị thương, hàng ngàn nhà cửa bị phá hủy và một số khu làng bịxóa sổ hoàn toàn.
China Re lần đầu phát hành trái phiếu thiên tai ra thị trường quốc tế
(Asiainsurancereview) – Tập đoàn Tái bảo hiểm Trung Quốc (China Re) vừa phát hành trái phiếu thiên tai ra thị trường quốc tế, trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc thực hiện thành công hoạt động này.
Hãng tin Xinhua News dẫn lời China Re cho biết lô trái phiếu được Panda Re phát hành hôm thứ 4 tuần trước. Panda Re là công ty công cụ đặc biệt (SPV) thành lập tại Bermuda với mục tiêu gây quỹ 50 triệu USD nhằm bảo hiểm cho rủi ro động đất tại Trung Quốc.
Công ty Tái bảo hiểm thiệt hại và tài sản Trung Quốc (China Re P&C) – công ty con 100% vốn của China Re – là đơn vị bảo lãnh phát hành lô trái phiếu này.
Ông Li Peiyu, Chủ tịch China Re, nói: “Trung Quốc đã đặt bước đi đầu tiên trong việc liên kết các rủi ro quốc nội với thị trường vốn quốc tế”.
Một phần trong số các hợp đồng bảo hiểm rủi ro động đất do China Re và các công ty con cấp đơn được chuyển sang Panda Re để công ty này tìm kiếm tái bảo hiểm thông qua thị trường trái phiếu.
Theo China Re, đợt phát hành này đánh dấu bước “đột phá” của thị trường bảo hiểm Trung Quốc, mở đường cho việc chia sẻ rủi ro thảm họa theo cơ chế đa dạng hóa thông qua thị trường vốn.
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quá trình xây dựng hệ thống bảo hiểm thảm họa nhằm bảo vệ con người và tài sản trước các thiên tai như động đất, ngập lụt và giông bão.
Ấn Độ: ngành bảo hiểm mất 6% doanh thu mỗi năm do gian lận
(Asiainsurancereview) – Theo ông Sanjiv Kumar Dwivedi, Phó Giám đốc ngăn ngừa trục lợi và giảm thiểu tổn thất tại công ty bảo hiểm phi nhân thọ Bajaj Allianz, các doanh nghiệp BH PNT tại Ấn Độ bị thiệt hại xấp xỉ 6% doanh thu mỗi năm do gian lận bảo hiểm. Để ngăn chặn tình trạng này, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ra tay.
Trên thực tế, các công ty bảo hiểm PNT đang phải đối mặt với rất nhiều khiếu nại nghi vấn, như các hóa đơn bệnh viện khống, khiếu nại bồi thường vượt mức và thậm chí là các bệnh án giả mạo.
Ông KK Mishra, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành công ty bảo hiểm Tata AIG, nói Ủy ban Thông tin bảo hiểm Ấn Độ và ngành bảo hiểm nước này đang triển khai việc xây dựng ngân hàng dữ liệu bệnh viện nhằm nhận diện tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.
Ông cũng cho biết các bệnh viện tại Ấn Độ hiện đang áp dụng các biểu phí khác nhau và một số khách hàng muốn kiếm tiền nhanh thông qua việc mua bảo hiểm. Vì vậy, công ty bảo hiểm Tata AIG sử dụng chi phí hoạt động tại một bệnh viện chuẩn để làm căn cứ cho các bệnh viện khác. Nếu người được bảo hiểm xuất trình hóa đơn cao hơn nhiều so với mức chi trả chuẩn, nhà bảo hiểm sẽ tiến hành điều tra vụ việc.
Ông Sanjay Datta, Giám đốc đánh giá rủi ro và khiếu nại bảo hiểm tại công ty bảo hiểm phi nhân thọ ICICI Lombard, cho biết ngành BH PNT cũng đang xem xét kỹ lưỡng các khu vực xảy ra nhiều gian lận trong quá khứ.
Phòng điều tra khiếu nại tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, như Bajaj Allianz, đang thuê các chuyên gia pháp y, chuyên gia y khoa và điều tra viên chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực phát hiện trục lợi bảo hiểm.
Một nghiên cứu mới đây do công ty tư vấn quốc tế Accenture đã chỉ ra 24% số người tham gia phỏng vấn cho rằng việc khiếu nại vượt quá tổn thất thực tế là hoàn toàn bình thường. 11% số người được hỏi nghĩ rằng gian lận bảo hiểm là chấp nhận được. Đặc biệt, có khoảng 92% số người được hỏi cho biết họ đã từng gian dối trong khai báo hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
Ngành bảo hiểm cần củng cố khung pháp lý nhằm loại bỏ trục lợi bảo hiểm. Ông Mishra cho biết, bộ luật Hình sự Ấn Độ hiện chưa quy định gian lận bảo hiểm là tội.
Đến hết năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2015, ngành bảo hiểm phi nhân thọ Ấn Độ ghi nhận 847,15 tỷ INR doanh thu phí bảo hiểm (13,4 tỷ USD).
Willis sáp nhập với Towers Watson
(Insurancenews) – Nhà môi giới toàn cầu Willis và công ty tư vấn chuyên nghiệp Towers Watson vừa công bố thương vụ hợp nhất giữa hai đơn vị này trị giá 18 tỷ USD. Giao dịch đã nhận được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên HĐQT mỗi công ty.
Doanh nghiệp sau hợp nhất lấy tên là Willis Towers Watson, trong đó cổ đông hiện hữu của Willis sở hữu 50,1% và của Towers Watson sở hữu 49,9%.
Ông Dominic Casserley, Tổng Giám đốc Willis, nói: “Đây là hai doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và có chung giá trị”.
“Cơ sở hợp nhất rất vững chắc. Cụ thể, nó sẽ thúc đẩy chiến lược tăng trưởng của mỗi công ty và đem lại giá trị tốt hơn cho khách hàng”.
Công ty mới sau hợp nhất có trên 39.000 nhân viên tại hơn 120 nước. Dự kiến giao dịch này sẽ tiết kiệm được tới 125 triệu USD chi phí trong vòng 3 năm.
Năm 2013, Towers Watson đã bán lại mảng môi giới tái bảo hiểm cho JLT với giá 250 triệu USD.
Moody’s vừa công bố nâng hạng triển vọng tín nhiệm của Willis Group từ mức tiêu cực lên mức ổn định căn cứ vào những tiến bộ trong việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và đòn bẩy tài chính.
BTV (tổnghợp).
{fcomment}
Comments are closed.