Tiêu Điểm Tuần 27: BIC bồi thường hỏa hoạn ngõ Đồng Nhân, 2 doanh nghiệp bảo hiểm lọt vào “top 100”, Bảo Minh tái cơ cấu

I. Thị trường trong nước

1. Tin bồi thường:

altBIC bồi thường gần 400 triệu đồng vụ hỏa hoạn ở ngõ Đồng Nhân

 

Ngày 2/7/2013, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã chi trả bồi thường cho khách hàng Quách Văn Chiến, chủ cửa hàng “Phụ tùng ô tô Chiến Hảo”, bị thiệt hại nặng nề do hỏa hoạn.

Trước đó, vào hồi 10h30 ngày 18/3/2013, tại tầng 6 cửa hàng phụ tùng ô tô Chiến Hảo đã xảy ra cháy lớn, ngọn lửa bùng phát nhanh chóng và lan sang các phụ tùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy. Mặc dù không có thiệt hại về người song tổn thất về tài sản tương đối lớn. Trên cơ sở giám định tổn thất và xác định phạm vi bảo hiểm, BIC đã chấp nhận chi trả bồi thường cho ông Chiến, san sẻ một phần thiệt hại của cửa hàng.

Ông Chiến đã tham gia sản phẩm Bảo hiểm Nhà tư nhân của BIC cho cửa hàng Phụ tùng ô tô Chiến Hảo, 24B, Đồng Nhân, Hà Nội từ đầu năm 2013 và là khách hàng đầu tiên tham gia sản phẩm này gặp rủi ro và được chi trả bồi thường từ BIC.

ABIC thông qua phương án vay 25 triệu USD bồi thường vụ Vinalines Queens 

altĐại hội đồng cổ đông CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã thông qua tờ trình bổ sung khoản vay ngắn hạn tiền mặt tương đương 25 triệu USD nhằm giúp ABIC hoàn tất nghĩa vụ bồi thường tàu Vinalines Queens bị tổn thất toàn bộ tại vùng biển Luzo – Philippines ngày 25/12/2011.

Hiện tại, cơ cấu danh mục đầu tư của ABIC như sau: đầu tư tiền gửi có kỳ hạn tại hệ thống Agribank 542 tỷ đồng, trong đó, tháng 7/2013 đáo hạn 63 tỷ đồng; để tài khoản thanh toán tại Agribank 36 tỷ đồng; đầu tư tiền gửi tại ALC I và II 10 tỷ đồng; đầu tư cổ phiếu ALC I 18 tỷ đồng; đầu tư cổ phiếu tại Agriseco 14,7 tỷ đồng; ký quỹ 6 tỷ đồng.

Tại đại hội, cổ đông cũng đề xuất ABIC nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, vì hiện mới chỉ tập trung vào tiền gửi. Đại diện ABIC cho biết, năm 2013, doanh thu tài chính của Công ty sẽ giảm mạnh, do tập trung tiền để thanh toán bồi thường vụ Vinalines Queen. Về lâu dài, Công ty sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các kênh như trái phiếu chính phủ để mang lại hiệu quả cao hơn.

2. Một vòng doanh nghiệp:

Generali Việt Nam và Manulife Việt Nam lọt vào “Top 100 – sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em 2013”

altGenerali Việt Nam (GVL) và Manulife Việt Nam vừa được trao tặng danh hiệu “Top 100 – sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em 2013” trong Lễ trao giải được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội nhân kỷ niệm “Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2013”.

Chương trình bình chọn “Top 100 – sản phẩm dịch vụ tốt nhất 2013” đã được Báo Lao động & Xã hội, Tạp chí Gia đình & Trẻ em, cùng CTCP Phát triển Báo Sáng tổ chức nhằm vinh danh, khuyến khích các doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; đồng thời giúp người tiêu dùng có thêm thông tin để lựa chọn các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp. Chương trình được thực hiện qua 3 kênh bình chọn: lấy ý kiến độc giả Báo Lao động & Xã hội, Tạp chí Gia đình & Trẻ em, qua website chính thức của Chương trình tại địa chỉ www.top100vn.vn và lấy ý kiến trực tiếp của khách hàng tại một số trung tâm mua sắm lớn trên cả nước.

Bảo Minh tái cơ cấu mô hình tổ chức kinh doanh

altThực hiện lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm, ngày 01/7/2013, tại Trụ sở chính Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh đã tổ chức buổi họp công bố các quyết định tái cơ cấu bộ máy tổ chức Văn phòng Trụ sở chính Tổng Công ty.

Theo đó, Bảo Minh giải thể Ban Quản lý nghiệp vụ và Ban Bồi thường để thành lập mới 4 Ban: Bảo hiểm Con người, Bảo hiểm Hàng hải, Bảo hiểm Tài sản – Kỹ thuật và Bảo hiểm Xe cơ giới; tách bộ phận pháp chế và bộ phận xây dựng cơ bản từ Văn phòng để thành lập mới Phòng Pháp chế và Phòng Xây dựng cơ bản; tách Ban Tài chính – Kế toán thành Ban Kế toán Trụ sở chính và Ban Tài chính & Kế hoạch; và thành lập mới Phòng Quản trị rủi ro và Định phí.

Với mô hình sau tái cơ cấu, bộ phận tham mưu giúp việc cho Ban lãnh đạo Tổng Công ty sẽ gồm 24 bộ phận với 14 Ban, 3 Văn phòng, 4 Trung tâm và 3 Phòng chức năng chuyên môn theo định hướng chuyên sâu, gắn trách nhiệm với các đơn vị thành viên để giúp hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn.

Bancassurance mang về cho ABIC 336 tỷ đồng 

alt

ĐHCĐ của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) vừa nhất trí thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 448 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ kinh doanh bảo hiểm 18 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 92 tỷ đồng, cổ tức 10%.
Đáng chú ý trong hoạt động của ABIC vẫn là mô hình bancassurance thông qua hệ thống Agribank. Tính đến ngày 31/12/2012, đã có 94/131 tổng đại lý tham gia triển khai mô hình kênh phân phối bancassurance. Năm 2012, sự hợp tác này mang về cho ABIC tổng doanh thu 336,5 tỷ đồng, tăng trưởng 36,3% so với năm 2011.
Năm 2013, ABIC đặt kế hoạch lợi nhuần thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm bằng 63% so với thực hiện năm 2012; LNTT đạt 75%; cổ tức 8 – 10%.
Tập đoàn Bảo Việt: Niêm yết và giao dịch bổ sung 53,6 triệu cổ phiếu
 
altNgày 01/07/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo số 657/2013/TB-SGDHCM về việc niêm yết và giao dịch bổ sung cổ phiếu phát hành thêm của Tập đoàn Bảo Việt như sau: số lượng 53.682.474 cổ phiếu với tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 536.824.740.000 đồng; ngày chính thức giao dịch: 08/07/2013
Đây là số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho HSBC Insurance (Asia – Pacific) Holdings Limited theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 1527/2009/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/12/2009 của Tập đoàn Bảo Việt. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm theo Điều lệ của Tập đoàn Bảo Việt tại thời điểm phát hành.
Hiện tại, 53,6 triệu cổ phiếu này đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng và thuộc quyền sở hữu của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo theo thông tin đã công bố ngày 26/3/2013.
3.  Quản lý thị trường bảo hiểm
 

Hội nghị CEO doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lần thứ XI 

Ngày 5/7/2013 tại Gia Lai đã diễn ra Hội nghị CEO doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lần thứ XI.

Hội nghị lần này tập trung đề cập đến khá nhiều nội dung. Trong đó, 2 chủ đề được các CEO quan tâm thảo luận đó là những khó khăn vướng mắc và cơ hội để phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2013; tái cơ cấu về tài chính (nợ phí, hiệu quả đầu tư, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, biên khả năng thanh toán), vốn được xem là khá “nóng” trong năm 2012.

Ngoài ra, Hội nghị cũng tập trung thảo luận các nội dung như phát triển kênh phân phối (đại lý, ngân hàng và các tổ chức, điện thoại, thương mại điện tử); Phát triển sản phẩm bảo hiểm cá nhân (tài sản và con người); Phát triển sản phẩm bảo hiểm được quy định trong văn bản pháp quy; phòng chống trục lợi bảo hiểm…

Gian nan vận hành dữ liệu bảo hiểm
altKết quả kiểm tra của đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH), Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) và Công ty hệ thống thông tin FPT (đơn vị thiết kế cơ sở dữ liệu) tại từng doanh nghiệp bảo hiểm cuối tháng 5 cho thấy, chỉ có 12 doanh nghiệp đăng tải thành công dữ liệu bảo hiểm trong số 26/29 DN tham gia cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Trong số 12 doanh nghiệp đăng tải dữ liệu thành công là Bảo Minh, Cathay, Hùng Vương, Bảo Long, Liberty, Fubon, Bảo Việt Tokiomarine, QBE, MIC, ABIC, MSIG và Xuân Thành, chỉ có 5 đơn vị đăng được dữ liệu bồi thường (BX, BO), gồm Cathay, Hùng Vương, Bảo Long, Liberty và MSGI. Các doanh nghiệp PVI, BIC, SVIC, Xuân Thành và PJICO cho biết, do chưa đồng bộ hóa được cơ sở dữ liệu của mình phù hợp với hệ thống chung nên đã đề nghị lùi thời gian đăng tải dữ liệu đến cuối năm 2013.
Các doanh nghiệp còn lại vẫn đang gặp khó khăn về khâu chuẩn hóa bảng dữ liệu theo hệ thống chung hoặc thiếu nhân sự sử dụng hệ thống chuyển công tác. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của FPT, các đơn vị này cũng đưa ra cam kết sẽ đăng tải lên cơ sở dữ liệu chung theo đúng quy định của Cục QLGSBH.
4. Góc nhìn chuyên gia
 
Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Bảo Việt: Quản trị rủi ro doanh nghiệp bảo hiểm 
 
altQuản trị rủi ro (QTRR) nói chung và QTRR tài chính nói riêng là phục vụ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. QTRR cần có khung QTRR, mô hình quản lý rủi ro, chương trình quản lý rủi ro, hệ thống QTRR doanh nghiệp, khẩu vị rủi ro (risk appetite) và mức độ chịu đựng của doanh nghiệp (stress testing), các chương trình bảo vệ doanh nghiệp thông qua tái bảo hiểm và các mô hình bảo vệ trong trường hợp rủi ro thảm họa (động đất, sóng thần, lũ lụt…).
Nhìn chung, để QTRR, có rất nhiều công việc cần phải làm trên cơ sở những nghiên cứu điều tra, thống kê hết sức tỷ mỉ, thận trọng, cùng các mô hình hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa những yếu tố định tính và định lượng; giữa tính độc lập, khách quan của người làm công tác QTRR và mối quan hệ phù hợp với quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Do vậy, QTRR là một công việc khá khó khăn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Để có thể vượt lên những khó khăn đó, trước hết cần “nhập khẩu” công nghệ từ các đối tác, các tổ chức tư vấn có uy tín quốc tế và khu vực thông qua các hợp đồng tư vấn và chuyển giao năng lực; sau đó các doanh nghiệp phải tự đào tạo từ trong nước và ngoài nước nguồn nhân lực về quản trị rủi ro; và đặc biệt là cần phải có sự thấu hiểu, quan tâm sát sao, nhận thức đúng tầm của các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp về tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của QTRR doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm – tổ chức kinh doanh rủi ro – nói riêng.
Cũng giống như trong một đội bóng có nhiều vị trí khác nhau, nếu các vị trí hậu vệ và thủ môn không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì kết quả thi đấu của đội bóng sẽ không được như ý, thậm chí thất bại, dù cho các vị trí tiền đạo có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
II. Tin quốc tế
 
Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ: Marsh cảnh báo về tình trạng bất ổn ảnh hưởng tới bảo hiểm
 
altNhà môi giới Marsh cảnh báo chủ hợp đồng bảo hiểm về khả năng thay đổi nhanh chóng của điều kiện thị trường do xung đột tiếp tục leo thang tại Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong trường hợp xung đột tại hai nước này gây ra thiệt hại vật chất đối với tài sản được bảo hiểm, thường sẽ không thuộc phạm vi bảo hiểm của các đơn truyền thống về bảo hiểm tài sản và khủng bố mà sẽ được bồi thường theo đơn bảo hiểm rủi ro chính trị.
Marsh khuyến cáo các doanh nghiệp hoạt động tại Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ chưa tham gia bảo hiểm cho rủi ro chính trị cần bổ sung rủi ro này vào đơn bảo hiểm của mình.
Đức: Lũ lụt gây thiệt hại cho các nhà bảo hiểm 2 tỷ Euro 
 
altHiệp hội thương mại Đức mới đây cho biết trong tháng 6 vừa qua, lũ lụt tại nước này đã khiến các nhà bảo hiểm phát sinh chi phí bồi thường dự kiến xấp xỉ 2 tỷ Euro.
Theo cơ quan này, số liệu ước tính ban đầu dựa trên 180.000 khiếu nại bảo hiểm, lớn hơn nhiều so với con số 150.000 khiếu nại bảo hiểm từ hậu quả trận lụt sông Elbe năm 2002, gây thiệt hại 1,8 tỷ Euro cho các hãng bảo hiểm.
Allianz tiết lộ khoản tiền bồi thường dự kiến phải trả của công ty này là 500 triệu Euro – bao gồm cả những khu vực chịu ảnh hưởng khác của Châu Âu, tuy nhiên chưa trừ đi khoản chi phí san sẻ cho nhà tái cùng gánh chịu.
Về phần mình, hôm Thứ ba vừa qua, Munich Re cho hay chưa có con số ước tính về tiền bồi thường thuộc trách nhiệm của hãng này đối với tổn thất từ hậu quả lũ lụt.
Indonesia: Động đất ở Sumatran không làm gia tăng đáng kể trách nhiệm bảo hiểm
 
altTheo đánh giá của AIR Worldwide – công ty chuyên nghiên cứu rủi ro thảm họa và cung cấp dịch vụ tư vấn – trận động đất 6,1 độ Richte tại Sumatra, Indonexia, hôm Thứ ba vừa qua không gây ra tổn thất lớn cho các hãng bảo hiểm. Sở dĩ như vậy vì khu vực xảy ra động đất cách thành phố Bireun 55km về phía tây. Dân số tại thành phố này là 2.600 người, đồng thời chỉ có rất ít đơn bảo hiểm động đất tại thành phố này.
Sau trận động đất, tiếp tục có hai dư chấn với cường độ 5,2 và 5,3 độ Richte xảy ra.
AIR cho biết nhà cửa tại khu vực này ít có khả năng kháng cự với động đất. Thêm vào đó, các yếu tố như thiết kế nền nhà không đúng quy chuẩn, tay nghề thợ thấp, vật liệu không phù hợp và thiếu sự kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công càng làm tăng mức độ thiệt hại trong khu vực.
Ấn Độ: Air Asia tìm cơ hội xâm nhập thị trường bảo hiểm
 
altHãng hàng không Air Asia (Malaysia) đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm bảo hiểm của mình tại Ấn Độ.
Theo tạp chí Oman Tribune, hãng này cung cấp bảo hiểm du lịch và bảo hiểm sức khỏe thông qua liên doanh Tune Money. Bên cạnh đó, Air Asia cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh mảng kinh doanh khách sạn, Tune Hotels, tại Ấn Độ với việc đầu tư 30 triệu USD vào liên doanh với tập đoàn Tata.
Tổng Giám đốc Air Asia, ông Tony Fernandes chia sẻ  “Chúng tôi đang chờ đợi thị trường Ấn Độ trở nên thuận lợi hơn để có thể duy trì hoạt động tại đây trong thời gian dài. Tôi cho rằng những biến chuyển tại thị trường này đang diễn ra với tốc độ khá nhanh”.
Munich Re chuyển giao rủi ro bão và lốc xoáy sang thị trường tài chính  
 
altMunich Re vừa thực hiện việc chuyển giao rủi ro bão tại Mỹ và lốc xoáy tại Úc sang thị trường tài chính với tổng trị giá 75 triệu USD thông qua trái phiếu Queen Street VIII Re. Giao dịch được thiết kế và thu xếp thôngqua nhà tái Munich Re.
Việc làm này đánh dấu lần phát hành thứ 7 trái phiếu rủi ro thảm họa tính từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên rủi ro lốc xoáy tại Úc được chuyển giao sang thị trường tài chính thông qua trái phiếu Queen Street. Đồng thời, Queen Street VIII hiện cũng là trái phiếu duy nhất trên thị trường bảo hiểm cho rủi ro lốc xoáy.
Công ty AIR Worldwide là đơn vị thực hiện việc khảo sát và đánh giá rủi ro. Theo đó, phần lớn rủi ro lốc xoáy tại Úc được tính toán căn cứ trên thống kê tại bang Queensland.
Lô trái phiếu này đáo hạn vào ngày 8/6/2016 và được phát hành bởi Công ty tái bảo hiểm Queen Street VIII có trụ sở tại Bermuda. Trái phiếu có mức lãi suất linh hoạt dựa trên phí thu và lợi tức từ thị trường tiền tệ Mỹ. Nhà đầu tư sẽ được nhận phí bảo hiểm theo tỷ lệ 6,5% mỗi năm. Công ty Queen Street VIII tiến hành chào bán trái phiếu này rộng rãi trên toàn cầu cho nhiều nhóm nhà đầu tư quốc tế khác nhau.
Nhà tư vấn Tata giới thiệu ứng dụng “ví điện tử bảo hiểm” cho lái xe 
 
altỨng dụng Insurance Quickpass dành cho điện thoại thông minh (smartphone) cho phép người lái xe lưu giữ đơn bảo hiểm được phát hành bởi Công ty dịch vụ tư vấn Tata (Ấn Độ) cũng như các hợp đồng và thông tin có liên quan.
Không những thế, phần mềm này còn cho phép người sử dụng có thể gọi điện trực tiếp tới nhà bảo hiểm chỉ thông qua một chạm (one-touch), lịch theo dõi các sự kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và khả năng truy cập trực tiếp tới trang chủ của công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chụp và lưu giữ ảnh và rà soát các thông tin của đơn bảo hiểm.
Ông Vinod Kachroo, Giám đốc công nghệ và giải pháp bảo hiểm, bảo hiểm sức khỏe của Tata, cho biết Công ty đang xây dựng một số sản phẩm khác bao gồm các thiết bị phát tín hiệu thông minh dành cho ô tô (telematics), Di động an toàn (Go Safe Mobile), Hỗ trợ ảo (Virtual Assistant), dịch vụ bảo hiểm ô tô, và công cụ phân tích rủi ro không gian địa lý.
BTV (tổng hợp).
{fcomment}

Comments are closed.