TIÊU ĐIỂM TUẦN 25 NĂM 2015

BIC khai trương Văn phòng đại diện tại Myanmar; Tổn thất hàng hải tăng do kỹ năng xử lý kém; Tiềm năng bảo hiểm rủi ro chính trị

I. Tin trongnước

1. Tin bồithường, tổnthất

BSH ước bồi thường 700 triệu đồng vụ “siêu giông”

 

(ĐTCK) – Sau “siêu giông” hôm 13/6 tại Hà Nội, chia sẻ với ĐTCK chiều 17/6, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho biết, những thiệt hại bảo hiểm tại doanh nghiệp này cũng chủ yếu xảy ra với nghiệp vụ xe cơ giới và tài sản, tổng thiệt hại ước khoảng 700 triệu đồng.

Trong đó, BSH ghi nhận nhiều trường hợp xe ô tô bị hư hỏng nặng sau trận giông do bị cành cây rơi và đá bắn vào, ước tính bồi thường khoảng 600 triệu đồng.

Về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, Tòa nhà Ligico 13 bị vỡ kính, bung ốp gạch, hỏng biển quảng cáo… ước bồi thường 100 triệu đồng. Công tác giám định và bồi thường được thực hiện nhanh chóng, khẩn trương.

Ngay sau khi nhận được thông báo của tòa nhà sau ngày trận giông diễn ra, BSH đã cử người xuống hiện trường chụp ảnh và kiểm tra thiệt hại, sau đó gửi cho bên giám định thứ 3 để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó giám đốc Ban Marketing BSH cho biết, do thiệt hại chủ yếu xảy ra với lĩnh vực xe cơ giới và tài sản nên BSH khuyến cáo các cá nhân là chủ xe hoặc chủ doanh nghiệp nên nâng cao ý thức về việc mua bảo hiểm cho tài sản của mình để giảm thiểu được những thiệt hại bất ngờ do thiên nhiên gây ra.

2. Mộtvòngdoanhnghiệp

BIC chính thức khai trương Văn phòng đại diện tại Myanmar

BIC) – Trong khuôn khổ các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam nhân chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Myanmar, ngày 23/6/2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV(BIC) đã phối hợp tổ chức Lễ khai trương hoạt động Công ty TNHH Tài chính BIDV Myanmar (BMF) và Văn phòng Đại diện BIC tại Myanmar.

Tới dự buổi lễ khai trương, về phía nước CHLB Myanmar, có Phó Tổng thống Sai Mauk Kham cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Về phía nước CHXHCN Việt Nam, có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn lãnh đạo cấp cao các Bộ Ngành, Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV. Cùng dịp này, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức Lễ bàn giao mặt bằng và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 Dự án HAGL Myanmar Center, là dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam vào Myanmar, biểu tượng cho sự hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 nước. Buổi lễ cũng được nhiều cơ quan báo chí Myanmar và Việt Nam đến chứng kiến và đưa tin.

Văn phòng đại diện BIC tại Myanmar có trụ sở đặt tại địa chỉ: 33/36 Đường Garden (Đường Ou Yin), Đại lộ New University, Bahan, Yangon, Myanmar; Trưởng Đại diện là Ông Nguyễn Mậu Lộc (hiện là Phó Giám đốc Ban Tái bảo hiểm BIC). BIC đã được Tổng Vụ Đầu tư và Hành chính – Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar cấp Giấy phép chính thức chấp thuận cho thành lập Văn phòng Đại diện tại Myanmar từ ngày 23/3/2015. Ngay sau khi nhận được Giấy phép, BIC đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Myanmar cũng như phối hợp với BIDV hoàn thiện các thủ tục cần thiết về mặt pháp lý cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực,.. để đưa vào hoạt động Văn phòng đại diện cùng các hiện diện khác của BIDV.

Theo Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc BIDV kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIC, quá trình xúc tiến các thủ tục để xin phép thành lập Văn phòng Đại diện tại Myanmar được BIC triển khai từ tháng 10/2014 và đã nhận được sự quan tâm sát sao và tạo điều kiện của các cơ quan Nhà nước Việt Nam và Myanmar. Việc khai trương Văn phòng đại diện của BIC tại Myanmar nhân chuyến làm việc tại Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với sự tham dự và chứng kiến của nhiều lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Myanmar là một vinh dự lớn của BIC và là sự khởi đầu tốt đẹp cho hoạt động của BIC tại thị trường nước bạn.

Văn phòng đại diện của BIC tại Myanmar có vai trò là cầu nối xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm giữa Việt Nam và Myanmar, cụ thể gồm: hỗ trợ BIC và các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam tiếp cận với thị trường bảo hiểm Myanmar; nghiên cứu và cung cấp các thông tin về thị trường bảo hiểm Myanmar cho BIC và các tổ chức, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động bảo hiểm qua biên giới với Myanmar,… Đây là bước khởi đầu để BIC sớm tiếp cận với thị trường bảo hiểm Myanmar, cũng như tìm hiểu, làm quen với thị trường, chuẩn bị cho việc thành lập Công ty bảo hiểm của BIC tại Myanmar vào thời điểm phù hợp trong tương lai.

Bảo Long thay Tổng giám đốc

(ĐTCK) – Bộ Tài chính vừa chấp thuận ông Phan Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (Bảo hiểm Bảo Long) giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Trần Văn Hồi.

Như vậy, ông Hồi, Thành viên HĐQT Bảo hiểm Bảo Long sẽ không còn kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc.

Ông Phan Quốc Dũng tốt nghiệp Kỹ sư Hàng hải và tham gia chương trình sau đại học Fullbright Kinh tế học ứng dụng dành cho chính sách công.

Với hơn 19 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành bảo hiểm, ông Dũng từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp bảo hiểm như Phó giám đốc Sở giao dịch kiêm Trưởng phóng Quản ly nghiệp vụ Công ty Bảo hiểm TP. HCM; Giám đốc Bảo Minh Bến Thành của Tổng CTCP Bảo Minh; Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Viễn Đông; Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson.

Bảo hiểm Bảo Việt nhận bảo hiểm cho máy bay của Hãng hàng không VietJet tại Paris Air Show 2015

(BVH) – Ngày 17/6/2015, tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris Air Show 2015 – Sự kiện hàng không lớn nhất thế giới diễn ra tại Paris – thủ đô nước Pháp,  bên cạnh việc ký kết hợp đồng tín dụng mua máy bay mới, Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) đã ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ bảo hiểm với Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và hai nhà bảo hiểm khác, theo đó đội máy bay của Vietjet Air chính thức được bảo hiểm với giá trị lên tới 1,5 tỷ Đôla Mỹ cho thời hạn hoạt động 2015-2016.

Được biết, Bảo hiểm Bảo Việt đã đồng hành cùng Vietjet Air từ năm 2011. Trong các năm từ 2011 đến 2013, Bảo hiểm Bảo Việt đóng vai trò là doanh nghiệp bảo hiểm gốc đứng đầu thu xếp bảo hiểm cho Vietjet Air.

PVI Sun Life cung cấp bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho Jakob Sài Gòn

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life  vừa ký hợp đồng Bảo hiểm Hưu trí tự nguyện với Công ty TNHH Jakob Saigon.

Theo hợp đồng này, PVI Sun Life sẽ thiết lập một chương trình phúc lợi phù hợp, dựa trên sự đóng góp của doanh nghiệp dành cho nhân viên của mình và một phần đóng góp tự nguyện đến từ mỗi nhân viên, mà nhờ đó, đội ngũ nhân viên của Jakob Saigon có thể tiếp tục yên tâm cống hiến cho công việc khi luôn được bảo vệ trong suốt thời gian làm việc và còn được bảo đảm tài chính kể cả khi đã nghỉ hưu.

Quyền lợi từ bảo hiểm hưu trí tự nguyện do PVI Sun Life cung cấp, cùng với các quyền lợi mà người lao động được nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẽ giúp cho người lao động yên tâm công tác, giúp doanh nghiệp duy trì được nhân tài cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Jakob Saigon thuộc tập đoàn Jakob AG Thụy Sĩ là công ty 100% vốn nước ngoài được thành lập ngày 29/06/2006 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công sản xuất dây cáp có trụ sở chính đặt tại số 37 Đại lộ Hữu Nghị, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương.

Dai-ichi Life Việt Nam giới thiệu sản phẩm An Thịnh Đầu Tư tại TP HCM

(ĐTCK) – Cuối tuần qua tại TP HCM, Dai-ichi Life Việt Nam đã tổ chức lễ giới thiệu sản phẩm mới An Thịnh Đầu Tư với chủ đề “Trao gửi niềm tin, đầu tư sáng suốt” với khoảng 900 khách hàng.

Là sản phẩm cao cấp thuộc dòng sản phẩm bảo hiểm Liên kết đơn vị (Unit-link), An Thịnh Đầu Tư là sự kết hợp hài hòa giữa tính năng bảo vệ tài chính vốn có của bảo hiểm, đồng thời mang đến cơ hội gia tăng giá trị tài sản thông qua sự linh hoạt trong lựa chọn đầu tư vào các danh mục đầu tư khác nhau.

Nói về lý do ra mắt An Thịnh Đầu tư tại thời điểm này ông Trần Đình Quân, Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, với nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mức sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu của khách hàng tìm kiếm một kênh đầu tư vừa có khả năng sinh lợi hiệu quả, vừa bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình là rất lớn.

Nắm bắt xu hướng thị trường và với nỗ lực mang đến các sản phẩm bảo hiểm-đầu tư-tài chính cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng, Dai-ichi Life Việt Nam đã nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư tài chính “An Thịnh Đầu Tư”.

“Chúng tôi tin rằng bên cạnh tính năng bảo vệ tài chính vốn có của bảo hiểm, “An Thịnh Đầu Tư” sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho các khách hàng muốn tạo dựng và tăng trưởng tài sản bằng những giải pháp đầu tư linh hoạt thông qua danh mục đầu tư đa dạng, được quản lý bởi các nhà đầu tư có trình độ chuyên môn cao, am hiểu thị trường…”, ông Quân nói.

Được biết, tiếp theo TP. HCM , Dai-ichi Life Việt Nam sẽ lần lượt tổ chức lễ giới thiệu sản phẩm “An Thịnh Đầu Tư” tại 7 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Cần Thơ, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng và Vĩnh Phúc trong tháng 6 và tháng 7/2015.

BIC và PTI tiếp tục thuộc top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

(BIC) – Ngày 19/6/2015, tại GEM Center, Số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã được vinh danh là 1 trong 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2015.

Đây là kết quả tổng kết chuyên sâu về tình hình kinh doanh và năng lực quản trị của 668 Công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán do tạp chí Nhịp cầu Đầu tư phối hợp với Công ty Chứng khoán Thiên Việt, Công ty Quản lý Quỹ VIG và Hội đồng tư vấn bao gồm nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu tổ chức và công bố. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp đối với BIC và lần thứ 3 đối với PTI được nhận giải thưởng này.

 

Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2015 là sự kiện được Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức lần thứ 4, nhằm khảo sát chuyên sâu và xếp hạng doanh nghiệp thông qua các phương pháp đo lường khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế dựa trên các tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên vốn (ROC) bình quân 3 năm liền trước năm khảo sát. Chương trình nhằm đánh giá những điểm mạnh và hạn chế trong mô hình kinh doanh, cách thức quản trị, tầm nhìn của các nhà quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế 3 năm liền kề.

Cũng như các năm trước, các công ty niêm yết được khảo sát năm nay phải thỏa mãn các điều kiện: có giá trị vốn hóa từ 500 tỷ đồng trở lên (xác định đến hết năm tài chính liền trước), doanh thu 3 năm liền trước năm khảo sát từ 200 tỷ đồng/năm trở lên và lợi nhuận 3 năm liền trước năm khảo sát từ 20 tỷ đồng/năm trở lên.

Trong giai đoạn 2012 – 2014, nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn (tăng trưởng bình quân chưa tới 10%/năm). Mặc dù vậy, với các giải pháp kinh doanh hiệu quả, quy mô doanh thu của BIC vẫn liên tục được mở rộng, lợi nhuận luôn đạt mức cao. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm 3 năm qua của BIC tăng trưởng bình quân 21,7% (cao hơn gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của thị trường), lợi nhuận tăng trưởng gần 10%/năm, tỷ lệ ROE trung bình đạt 12,2%/năm.

5 năm liền, MIC được Cục thuế tuyên dương 

(MIC) – Ngày 11/6/2015, Cục Thuế TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tuyên dương 423 tổ chức, cá nhân người nộp thuế (NNT) tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2014. Trong đó, UBND TP Hà Nội tặng Cờ xuất sắc cho 02 đơn vị và Bằng khen cho 9 đơn vị; Bộ Tài chính tặng Bằng khen cho 25 đơn vị; Tổng cục Thuế tặng Giấy khen cho 77 đơn vị và Cục Thuế TP Hà Nội tặng Giấy khen cho 310 tổ chức, cá nhân NNT.

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) vinh dự là 1 trong 2 đơn vị được UBND TP Hà Nội tặng cờ thi đua xuất sắc vì thành tích chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình hình cạnh tranh trong ngành bảo hiểm khốc liệt nhưng MIC luôn thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, nhiều năm liền chấp hành tốt chính sách thuế và được Tổng Cục thuế, Cục thuế các tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen. Năm 2014, MIC đã nộp ngân sách là 55 tỷ đồng bao gồm các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân, thuế thu nhập đại lý đầy đủ và đúng hạn theo đúng hướng dẫn của cơ quan thuế.

Để có được thành tích trên, MIC đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Tổng cục thuế, Cục thuế các tỉnh, thành về các văn bản hướng dẫn, tư vấn giải đáp thắc mắc, tổ chức lớp tập huấn và đặc biệt là việc nộp thuế điện tử đã giúp đơn vị giảm thiểu rất nhiều thời gian, chi phí, thủ tục nộp thuế. Hy vọng, Cơ quan thuế tiếp tục cải cách để thủ tục nộp thuế được dễ dàng, thuận tiện, giúp MIC và các doanh nghiệp khác thực hiện nộp thuế đúng theo quy định của Nhà nước.

3. Tin đào tạo

Khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm tàu thuyền tại Hà Nội

 

(IRT) – Ngày 22/6/2015, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm tàu thuyền.

Với thời lượng 04 ngày (22 – 25/6/2015), Giảng viên sẽ chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về: bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm nhà thầu đóng tàu, đánh giá rủi ro, công tác giám định, giải quyết bồi thường và phòng chống trục lợi bảo hiểm tàu thuyền.

Học viên được thực hành nhiều bài tập tình huống thực tế đã xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tàu thuyền, đặc biệt các vụ tổn thất điển hình đã được tòa án và trọng tài xét xử.

GiNet Tổ Chức Khóa Đào Tạo Về Nghiệp Vụ Bảo Hiểm Xây Dựng Nâng Cao

Trong các ngày từ 18-19/06/2015 tại Hà Nội, 25-26/06/2015 diễn ra khóa đào tạo “Nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng nâng cao” do GINET Việt Nam Ltd.(đơn vị quản trị website Cổng thông tin Thị trường Bảo hiểm Việt Nam: www.webbaohiem.net) kết hợp với Học viện Tài chính đồng tổ chức.

Giảng viên Lê Hoài Nam chia sẻ tại lớp học tại Hà Nội. Ảnh: Webbaohiem

Giảng viên Lê Hoài Nam chia sẻ tại lớp học tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Webbaohiem

Học viên tham dự khóa đào tạo đa phần là các cán bộ bảo hiểm có kinh nghiệm tại các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm trên thị trường. Bên cạnh đó, khóa học còn có sự góp mặt của các cán bộ phụ trách công tác xây dựng, thu xếp hợp đồng, các cán bộ pháp chế của các doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu mua bảo hiểm xây dựng.

Hội thảo Xác lập phương pháp dự phòng trong bảo hiểm

(ĐTCK) – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa phối hợp với Trường Đại học Quốc tế tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề “The Chain-ladder Claims Reserving Method in Insurance” (Phương pháp Chain-ladder xác lập dự phòng trong bảo hiểm).

Đối với một DN bảo hiểm, xác lập dự phòng là một trong những hoạt động thiết yếu nhằm dự báo chi phí và lợi nhuận hàng năm. Do đó, sử dụng phương pháp dự báo phù hợp góp phần rất quan trọng cho việc tính toán chính xác.

Hiện nay, Chain-ladder là một trong những phương pháp phổ biến nhất, đang được các công ty bảo hiểm trên thế giới sử dụng để tính toán trích lập dự phòng cho việc bồi thường các khiếu nại trong tương lai.

Hội thảo được chủ trì bởi giáo sư Mario V. Wüthrich, đến từ RiskLab, Trường Đại học ETH Zurich (trường xếp hạng thứ 13 trên thế giới theo Times Higher Education).

4. Bảo hiểm với cộng đồng

Đoàn TN MIC Đà Nẵng “Hướng về biển đảo quê hương”

(MIC) – Ngày 13/6/2015, Đoàn Thanh Niên MIC Đà Nẵng cùng với Đoàn Thanh Niên của Vụ công tác Miền Trung – Tây Nguyên – Văn phòng Quốc Hội tại Đà Nẵng tổ chức chương trình “Hướng về biển đảo quê hương” tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động có ý nghĩa của Đoàn Thanh Niên MIC Đà Nẵng trong năm 2015, Đoàn đã đến thăm và tặng quà cho các chiến sỹ của 2 đơn vị bộ đội Biên phòng cùng 10 hộ ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bị thiệt hại do va chạm với tàu lạ trong thời gian qua tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngay sau chương trình tặng quà quân và dân trên huyện Đảo Lý Sơn, Đoàn Thanh Niên MIC Đà Nẵng tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ và trao đổi kinh nghiệm với Đoàn Thanh Niên Vụ Công tác miền Trung – Tây Nguyên cùng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Đây là chuỗi hoạt động của tuổi trẻ MIC nhằm chào mừng ngày Đại hội đại biểu Đoàn TN Tổng công ty MIC, lần thứ 2, nhiệm kỳ 2015-2017.

II. Tin quốc tế

Tổn thất hàng hải tăng do kỹ năng xử lý kém

(Insurancenews) – Theo Công ty bảo hiểm Doanh nghiệp và Chuyên biệt toàn cầu Allianz (AGCS), tổn thất lớn đối với tàu và hàng hóa vận chuyển đường biển đang tăng lên do thiếu kỹ năng và nguồn lực để điều khiển tàu trọng tải lớn.

Mới đây, AGCS phối hợp với Hội P&I Anh quốc ấn hành bản hướng dẫn chất, xếp, dỡ và đảm bảo an toàn cho hàng hóa và tàu biển. Bản hướng dẫn tập trung vào các đối tượng môi giới và khách hàng trong lĩnh vực logistic và vận chuyển hàng hải.

Những thiếu sót được chỉ ra trong bản hướng dẫn gồm sử dụng tàu chuyên chở không phù hợp, chất hàng lên tàu quá nhanh hoặc quá chậm và thiếu sự đảm bảo an toàn đối với hàng hóa có khối lượng lớn.

Bên cạnh đó, ông Joseph Alphonse, thuyền trưởng và là chuyên gia tư vấn về hàng hải tại AGCS Thái Bình Dương, đã tiến hành khảo sát thực địa và tìm ra các nguy cơ bổ sung. Các nguy cơ này bao gồm: thiếu các hướng dẫn cụ thể về chất xếp và xử lý hàng hóa, thiếu rà soát và kiểm tra sự phù hợp của tàu trước khi xuất hành.

Ông Joseph Alphonse bổ sung: “chi phí từ các vụ tổn thất hàng hóa có thể rất lớn, lên tới hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách xây dựng kế hoạch cụ thể và dành sự quan tâm thích đáng tới hàng hóa trước khi hành trình bắt đầu. Đồng thời, thường xuyên bám sát các quy trình được nêu trong hướng dẫn này”.

Tiềm năng bảo hiểm rủi ro chính trị

(Insurancenews) – Theo báo cáo mới đây của Marsh có tựa đề “Cập nhật Thị trường rủi ro chính trị”, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho lĩnh vực bảo hiểm rủi ro chính trị – hiện đem lại thu nhập tốt hơn so với các dòng sản phẩm bảo hiểm tài sản và thiệt hại truyền thống.

Dung lượng thị trường của sản phẩm này trên toàn cầu hiện đã vượt 2 tỷ USD (2,57 tỷ USD), gần gấp đôi so với 6 năm trước.

Theo báo cáo, sự tăng lên về nhu cầu loại hình sản phẩm này là một phần của xu hướng dịch chuyển sang các sản phẩm chuyên biệt và có khả năng sinh lời cao hơn.

“Nhiều dòng sản phẩm truyền thống… đã trở nên dày đặc trên thị trường do cạnh tranh tăng cao. Từ đó khiến cho tình trạng thị trường “định giá mềm” kéo dài và khả năng sinh lời bị thu hẹp. Bên cạnh đó, thu nhập đầu tư cũng hạn chế do lãi suất thấp, khiến cho doanh nghiệp bảo hiểm phải mở rộng danh mục sản phẩm cung cấp để tìm thêm nguồn thu”.

Trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ kết hợp đối với các rủi ro chính trị duy trì ở mức dưới 100, trừ các năm 2008/2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Việc Tokio Marine Kiln mới đây đã thuê một chuyên gia về rủi ro tín dụng và chính trị từ châu Á cũng như việc Lloyd’s và Beazley mở văn phòng đại diện tại Dubai là những minh chứng cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này đang tăng lên.

Theo ông Evan Freely, Giám đốc Rủi ro tín dụng và Chính trị toàn cầu của Marsh: “Bức tranh rủi ro chính trị toàn cầu tiếp tục được định hình với tình trạng giá dầu giảm, căng thẳng về địa chính trị và những thay đổi về thể chế. Tuy nhiên, các xu hướng này vẫn chưa chuyển tải toàn bộ thành tổn thất thảm họa đối với doanh nghiệp bảo hiểm”.

Việc tăng dung lượng thị trường bảo hiểm rủi ro chính trị là động lực cho các hãng bảo hiểm vốn đã phải thu hẹp thị trường do phí bảo hiểm giảm xuống mức thấp lịch sử.

“Sự tiếp cận vội vàng các rủi ro chính trị có thể khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương khi họ muốn bảo hiểm với phạm vi rộng, ông Freely nói.

“Vì vậy, đây là thời gian thích hợp để các chuyên gia quản lý rủi ro làm việc với nhà tư vấn để đàm phán về mức phí, điều kiện và điều khoản hợp đồng nhằm xây dựng các chương trình bảo hiểm  hiệu quả, nhằm bảo vệ kết quả kinh doanh của mình”.

Hàn Quốc: Ngân hàng được phép bán sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm cùng tập đoàn

(AsiaInsuranceReview) – Cơ quan Quản lý tài chính Hàn Quốc (FSC) vừa cho biết sẽ dỡ bỏ các rào cản đối với các tập đoàn ngân hàng lớn nhằm tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm nới lỏng các quy định pháp luật trong ngành tài chính.

Hãng tin Yonhap dẫn lời FSC cho hay trong năm nay, các ngân hàng con của tập đoàn tài chính có thể bán chéo sản phẩm của các công ty bảo hiểm và chứng khoán trong cùng hệ thống.

Bên cạnh đó, các tập đoàn ngân hàng cũng có thể thành lập văn phòng môi giới ngân hàng để cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và quản lý tài sản.

9 tập đoàn ngân hàng, trong đó có Tập đoàn Shinhan và KB,do các ngân hàng lớn đứng đầu, dưới đó có các công ty con trực thuộc. Tuy nhiên, hoạt động bán chéo sản phẩm còn rất hạn chế do luật pháp hiện tại của Hàn Quốc quy định các tổ chức tài chính phải có văn phòng riêng và hoạt động độc lập.

FSC cũng cho biết công ty con có thể thực hiện các giao dịch gửi hoặc rút tiền với ngân hàng mẹ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và chia sẻ lợi ích.

“Công ty mẹ tại các tập đoàn tài chính không đạt được kỳ vọng trong việc đa dạng hóa danh mục kinh doanh và tạo lập sức mạnh tài chính”, FSC nhận định.“Hoạt động gần đây nhất tập trung vào việc khích lệ các doanh nghiệp này tham gia bán chéo sản phẩm và nâng cao chất lượng cạnh tranh”.

FSC nói họ sẽ cho phép các công ty con trong tập đoàn ngân hàng mẹ chia sẻ và trao đổithông tin khách hàng nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Ngành dịch vụ tài chính phải gánh chịu tần suất tấn công mạng cao hơn 300% so với các ngành khác

(Canadianunderwriter) – Tần suất các vụ tấn công xâm nhập mạng mà ngành dịch vụ tài chính phải gánh chịu cao hơn 300% so với các ngành khác. Đây là nội dung một nghiên cứu do công ty Raytheon | Websense – đơn vị chuyên hỗ trợ các tổ chức trong việc bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng và ăn cắp dữ liệu – phát hành hôm thứ 3 tuần trước.

Bản báo cáo có tựa đề Báo cáo chuyên sâu về ngành dịch vụ tài chính năm 2015, đã chỉ ra “mức độ chuyên môn hóa cao của các vụ tấn công mạng nhắm vào ngành dịch vụ tài chính, sự đầu tư lớn vào giai đoạn tấn công thu hút và các vụ tấn công có tính chất cụ thể và khác biệt với mục tiêu là các giao dịch trong ngành tài chính trên toàn cầu”.

Ông Carl Leonard, trưởng phòng phân tích tại Websense, nói: “Nhiều năm qua, ngành tài chính đã phải hứng chịu các vụ tấn công từ các nhóm tội phạm chuyên môn hóa”.

“Bằng việc phân tích hành vi và mô hình tấn công bất thường trong ngành này, chúng tôi có thể chia sẻ nhằm bảo vệ dữ liệu và tài sản của khách hàng hiệu quả hơn”.

Bản báo cáo cho biết ngành ngân hàng/tài chính – trong đó có thị trường vốn và thị trường cổ phiếu – là nguồn cung cho “hầu hết các dòng tài chính phục vụ cho xã hội và các hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới”.

“Sự lưu thông tự do về vốn là rất quan trọng nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của hệ thống tài chính và ngành tài chính. Mỗi ngày cần có hàng ngàn tỷ USD chảy vào lưu thông”.

“Những tổn thất tiềm tàng đối với các thị trường này do bị xâm nhập dữ liệu rất khó có thể tính toán được, nhưng hậu quả nhãn tiền như mất thu nhập và lòng tin của khách hàng, sụt giảm lợi nhuận, tổn hại đến danh tiếng, tăng gánh nặng nợ và mất giá đồng tiền”.

Báo cáo chỉ ra 33% các tấn công “giai đoạn thu hút” nhắm tới các dịch vụ tài chính. Tin tặc sử dụng nguồn lực lớn vào việc tấn công thu hút và tấn công thăm dò.

Fubon Financial và thương vụ thâu tóm đầu tiên tại Hàn Quốc

(AsiaInsuranceReview) – Fubon Financial Holding vừa đồng ý chi khoảng 220 nghìn tỷ Won (198 triệu USD) để mua lại 48% cổ phần của công ty BHNT Hyundai Life. Đây là thương vụ thâu tóm đầu tiên của Fubon Financial tại thị trường Hàn Quốc.

Fubon Financial sẽ trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn ô tô Hyundai – đơn vị sở hữu 50% cổ phần tại Hyundai Life sau vụ giao dịch.

Ông Richard Tsai, Phó chủ tịch  Fubon Financial Holding, nói: “Bằng việc mua lại cổ phần củaHyundai Life, Fubon muốn mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại thị trường Đông bắc Á và phát triển hoạt động kinh doanh hải ngoại”.

Fubon Financial cũng cho hay, hai công ty có thể sẽ phối hợp với nhau tại thị trường Trung Quốc và thành lập liên doanh nhằm mở rộng hoạt động của mình.

Tờ báo The Korea Herald dẫn lời ông Lee Joo-hyuk, Tổng Giám đốc Hyundai Life, cho biết mối quan hệ hợp tác không chỉ đơn thuần là nâng cao năng lực về vốn mà còn là việc chia sẻ chiến lược quản trị tài sản, phát triển sản phẩm và kênh phân phối.

Trong một diễn biến có liên quan, Fubon tiết lộ việc công ty con của mình, Fubon Life, sẽ mua 37 triệu cổ phần của Hyundai Life với giá 5.945 Won/cổ phần. Giao dịch đang chờ sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước tại Đài Loan và Hàn Quốc.

Fubon là công ty dịch vụ tài chính lớn thứ hai tại Đài Loan, xét về mức độ vốn hóa. Các lĩnh vực kinh doanh chính của hãng là bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và ngân hàng.

BTV (tổnghợp).

{fcomment}

Comments are closed.