TIÊU ĐIỂM TUẦN 22 NĂM 2018

Khuyến nghị của Lloyd’s từ thảm họa bão lụt 2017; Swiss Re xác định hàng loạt rủi ro mới nổi; Công ty bảo hiểm chuyên ngành và rủi ro khủng bố

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Vụ cháy lớn làm náo loạn TP.Sóc Trăng

(Thanh niên) – Khoảng 15 giờ 10 ngày 1/6, một vụ cháy lớn xảy với những cột khói cao ngút đã gây náo loạn P.6, TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng). 2 căn nhà liền kề bị thiêu rụi.

Vụ cháy xuất phát từ căn nhà số 3 đường Lê Lai, P.6, TP.Sóc Trăng và nhanh chóng cháy lan, bao trùm lên cả căn nhà số 5 bên cạnh.

Bà Tôn Thị Thiện (con dâu của chủ cả 2 căn nhà) cho biết, trong lúc bà đang bán quán nước giải khát ở tầng trệt căn nhà số 3 thì nghe tiếng tri hô cháy.

Bà Thiện chạy ra ngoài thì lúc này ngọn khói đã bốc lên từ trên lầu. Bà chạy lên lầu xem thì chỉ kịp thấy ngọn lửa cùng khói đang bốc lên dữ dội nơi chiếc giường nệm.

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Libertybảo hiểm cho bébảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Nhân viên từ một trung tâm thương mại đã nhanh chóng hỗ trợ người dân dập lửa.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy tỉnh Sóc Trăng điều 5 xe chữa cháy tới hiện trường, khống chế ngọn lửa.
Tuy nhiên do căn nhà chứa nhiều vật dụng dễ cháy nên phải sau gần 1 tiếng đồng hồ ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn. Rất may là vụ cháy không có thiệt hại về người.
Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân vụ cháy.

2. Một vòng doanh nghiệp

Thêm điều kiện ràng buộc: Khách hàng phản đối UIC

(ĐTCK) – Mới đây, Đầu tư Chứng khoán đã nhận được phản ánh của bà Vũ Thị Hà, thông qua đại diện được ủy quyền là Công ty Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA với nội dung cho rằng, việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) từ chối bồi thường bảo hiểm cho con bà là không hợp lý.

Bà Hà là người được bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm số FSI177121HRD ký giữa bà với UIC. Qua nghiên cứu các hồ sơ bệnh án mà con bà Hà đã điều trị và hồ sơ giao dịch bảo hiểm, người đại diện của bà cho rằng, bà Hà có quyền lợi hợp pháp phải được UIC chi trả, phù hợp với hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.

“Việc từ chối bảo hiểm của nhà bảo hiểm là không đúng, bởi 2 chứng cứ và bằng chứng pháp lý sau. Thứ nhất, việc UIC viện dẫn quy định “Thời hạn nộp hồ sơ của bà Hà trong vòng 60 ngày theo thời hiệu nộp hồ sơ trong Quy tắc bảo hiểm” để từ chối bồi thường là không hợp lý.

Thứ hai, điều khoản giao kết bảo hiểm về thời hạn nộp hồ sơ 60 ngày là điều khoản trái quy định pháp luật – Luật Kinh doanh bảo hiểm”, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc TILA cho biết.

Cụ thể, theo phân tích của ông Nguyên, quy tắc bảo hiểm quy định: “Khi yêu cầu UIC trả tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm và/hoặc người thừa kế hợp pháp phải gửi các chứng từ cho UIC trong vòng 60 ngày (quá thời hạn trên sẽ bị từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm trừ trường hợp bất khả kháng) kể từ ngày điều trị cuối cùng hoặc tử vong”.

Tuy nhiên, ngày xuất viện là ngày 2/1/2018, và ngày xuất viện này cũng không phải là ngày điều trị cuối cùng. Hồ sơ bệnh án cho thấy, bác sỹ đã kê toa cho cháu về nhà uống thuốc và hẹn ngày tái khám. Ngoài ra, cũng theo hồ sơ bệnh án, ngày 11/1/2018, bà Hà đã đưa cháu quay lại bệnh viện tái khám và tiếp tục uống thuốc. Như vậy, ngày điều trị cuối cùng là ngày 11/1/2018.

“Do đó, ngày nộp hồ sơ là ngày 9/3/2018 vẫn trong thời hạn 60 ngày nộp hồ sơ mà UIC đã ký hợp đồng với bà Hà. Xin lưu ý tháng 2/2018 chỉ có 28 ngày”, ông Nguyên nói.

Về luận điểm thứ hai, ông Nguyên cũng khẳng định điều khoản có trong quy tắc bảo hiểm về thời hạn nộp hồ sơ 60 ngày là điều khoản trái Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Điều 28 của luật này ấn định rõ thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm là một năm, kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường. Còn căn cứ vào Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời gian nộp hồ sơ chậm không thể là lý do để nhà bảo hiểm từ chối giải quyết bồi thường một phần hay toàn bộ số tiền bảo hiểm.

“Từ các dẫn chứng, chứng cứ nêu trên, chúng tôi đề nghị UIC thanh toán bảo hiểm cho gia đình bà Vũ Thị Hà và có thể sẽ báo cáo các vi phạm nói trên cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài Chính”, đại diện khách hàng cho biết.
Liên hệ với đại diện UIC là bà Đào Thị Minh Phương, Giám đốc Ban pháp lý UIC thì được biết, hiện Công ty đang chờ bản chính của hồ sơ bồi thường do người đại diện của người được bảo hiểm gửi đến để rà soát lại các thông tin có liên quan.

“Các phòng ban liên quan của UIC sẽ nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ hồ sơ này để trình Ban lãnh đạo Công ty quyết định. Chúng tôi sẽ trả lời cụ thể về các vấn đề này vào một thời điểm phù hợp hơn”, bà Phương nói.

Trong khi đó, theo nội dung mới nhất trả lời khách hàng, phía UIC cho biết, Ban lãnh đạo Công ty đã thành lập Ban rà soát hồ sơ bồi thường của trường hợp này và đang xem xét hồ sơ nhận được. Quan điểm của Công ty là không “cắt xén” hồ sơ để cố tình từ chối bồi thường.

Bảo Việt tri ân khách hàng 15 tỷ đồng từ 1/6/2018

(TBTCO) – Tiếp nối thành công của các chương trình khuyến mại tích hợp, Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục triển khai chương trình ưu đãi lớn “Mùa hè sôi động” với hàng trăm nghìn quà tặng và giải thưởng với tổng giá trị lên đến 15 tỷ đồng. Đây cũng là chương trình ưu đãi khuyến mại lớn nhất của Tập đoàn Bảo Việt từ trước đến nay.

Chương trình áp dụng hai hình thức tặng quà là “quà tặng trực tiếp” và “quay số trúng thưởng”. Với chương trình “quà tặng trực tiếp”, khách hàng được nhận ngay hàng trăm ngàn quà tặng hấp dẫn trao tay gồm mũ bảo hiểm, ô gấp đồng hành với mùa hè và ưu đãi lãi suất khi gửi tiết kiệm. Sôi động cùng mùa hè rực rỡ, tất cả các khách hàng sẽ nhận quà tặng thú vị là lịch thi đấu World Cup 2018.

Với chương trình “Quay số trúng thưởng”, khách hàng sử dụng sản phẩm của từng đơn vị thành viên sẽ được nhận mã số quay thưởng để tham gia quay thưởng với Giải thưởng đặc biệt nhất của chương trình là 1 xe ô tô Mercedes-Benz C200 2018 sang trọng. Các giải thưởng hấp dẫn và giá trị khác bao gồm xe máy Honda Vision, điện thoại IphoneX sành điệu, Tivi Samsung 43 inch, tủ lạnh Electrolux 254 lít và quạt phun sương hiện đại.

Chương trình quay thưởng dự kiến được tổ chức thành 3 đợt vào trung tuần tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2018 tại 3 địa điểm lần lượt là Hải Phòng, Nghệ An, Đồng Nai và trao thưởng trong tháng 9/2018.

“Mùa hè sôi động” là chương trình khuyến mại tích hợp lớn thứ ba được triển khai với quy mô toàn Tập đoàn, liên kết nhiều công ty thành viên, khẳng định định hướng phát triển của Tập đoàn Bảo Việt trở thành Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Chương trình là lời tri ân gửi tới những khách hàng đã tin tưởng gắn bó với Bảo Việt trên toàn quốc, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới với nhiều quyền lợi tích hợp, lợi ích vượt trội, góp phần “Khẳng định thương hiệu Việt” cũng như phát huy sức mạnh tổng thể, nâng cao vị thế và sức mạnh của Tập đoàn Bảo Việt.

Được biết, trong quý I/2018, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng trưởng mạnh 43,9% so với cùng kỳ, ước đạt 10.190 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất hoàn thành 33% so với kế hoạch năm. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/3/2018 ước đạt 99.330 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 372 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hoàn thành 26% kế hoạch năm.

ABIC tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018

(ABIC) – Ngày 01/6/2018 vừa qua, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, với sự tham dự của các Quý cổ đông, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát Công ty.

Đại hội đã được nghe đoàn Chủ tịch trình bày các báo cáo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017, phương hướng nhiệm vụ kinh doanh năm 2018.

Đại hội đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100% số cổ phần biểu quyết của các cổ đông dự họp một số chỉ tiêu cơ bản cho hoạt động kinh doanh năm 2018 như sau:

– Tổng doanh thu bán hàng tăng trưởng 12% so với năm 2017.
– Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10 % so với năm 2017.
– Cổ tức dự kiến chi trả 12%/ cổ phần.

3. Nhịp đập thị trường

Sôi động thị trường bảo hiểm nhân thọ

(TBTCVN) – Báo cáo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) Bộ Tài chính cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm (BH) khai thác mới quý I/2018 ước đạt 5.683 tỷ đồng, tăng 35,49% so với cùng kỳ. Về thị phần doanh thu khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong top 5 có sự xáo trộn, cụ thể, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, với 22,12% thị phần, Dai-ichi vượt qua Prudential vươn lên vị trí thứ 2 với 15,59% thị phần (cuối năm 2017, Prudential đứng ở vị trí thứ 2); Prudential lùi về vị trí thứ 3 với 15,25% thị phần, tiếp theo là Manulife (14,34%), AIA (10,51%).

Cũng theo Cục QLBH, các nghiệp vụ BH hỗn hợp và BH liên kết đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới. Trong đó BH liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 44%, BH hỗn hợp chiếm tỷ trọng 29%, BH tử kỳ chiếm tỷ trọng 3,44%, BH hưu trí chiếm tỷ trọng 0,75%… So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khai thác mới của các nghiệp vụ BH liên kết đầu tư tăng 47%, nghiệp vụ BH hỗn hợp tăng 2,07%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 227%. Về số lượng hợp đồng khai thác mới trong quý I, dẫn đầu là nghiệp vụ BH liên kết đầu tư với 198.352 hợp đồng, tiếp theo là sản phẩm BH tử kỳ với 137.984 hợp đồng, nghiệp vụ BH hỗn hợp là 130.543 hợp đồng..

Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt 8.906.333 hợp đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí BH nhân thọ ước đạt 16.382 tỷ đồng, tăng 34,41% so với cùng kỳ năm 2017.

Với kết quả tăng trưởng khả quan của thị trường, nhiều DNBH đặc biệt là các doanh nghiệp top dưới đang nỗ lực tăng vốn, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa kênh phân phối…, kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và thị phần trong thời gian tới.

Điển hình như Sun Life Việt Nam, doanh nghiệp này vừa được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 1.870 tỷ đồng. Mới đây, Sun Life Việt Nam cũng chính thức mở thêm 2 văn phòng tại Ninh Thuận và Lâm Đồng. Theo đại diện công ty, các văn phòng mới được triển khai với trang thiết bị, tiện nghi hiện đại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục vụ khách hàng và là môi trường làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên, tư vấn tài chính với một tinh thần đầy phấn khởi, kỳ vọng sớm tăng trưởng doanh thu.

Trước đó, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (Mirae Asset Prévoir) cũng chính thức công bố thương hiệu Mirae Asset Prévoir sẽ thay thế cho thương hiệu Prévoir Việt Nam, đã có mặt tại thị trường Việt Nam 13 năm. Thương hiệu mới Mirae Asset Prévoir là sự kết hợp hài hòa giữa thương hiệu Mirae Asset và Prévoir với phương châm “Cho ngày mai tốt hơn, từ hôm nay”.

Ông Khamsaya Soukhavong, Tổng giám đốc Mirae Asset Prévoir, chia sẻ: “Mirae Asset Prévoir rất vui mừng khi cùng hợp tác với đối tác chiến lược Mirae Asset Life, chúng tôi sẽ tăng cường tận dụng các lợi thế cạnh tranh về công nghệ, sáng kiến, mạng lưới, chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động kênh phân phối BH qua ngân hàng của đối tác, để đạt được các mục tiêu dài hạn”.

Mới đây, Fubon Life Việt Nam đã hợp tác với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Tín Long Xuyên khai trương văn phòng tổng đại lý mới tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Việc khai trương này nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới kinh doanh nhằm mang tới từng gia đình tại tỉnh An Giang những sản phẩm, dịch vụ BH nhân thọ chuyên sâu, bảo vệ cả gia đình trong một hợp đồng BH. “Việc thành lập văn phòng mới là minh chứng cho quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển lâu dài bền vững tại Việt Nam của Fubon Life Việt Nam”, đại diện công ty chia sẻ.

Đại diện một số DNBH cũng chia sẻ sẽ sớm cho ra đời các sản phẩm mới, đồng thời mở rộng mạng lưới bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với công ty. Theo các chuyên gia trong ngành BH, những nỗ lực của DNBH nhân thọ trong việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm BH, nâng cao chất lượng đại lý và chất lượng dịch vụ… sẽ tạo đà để thị trường BH nhân thọ tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2018.

4. Tin đào tạo

Agribank Tây Nghệ An tập huấn Bancassurance

(ABIC) – Trong 02 ngày 19 và 20/05/2018 tại Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Agribank – chi nhánh Tây Nghệ An phối hợp cùng ABIC Nghệ An tổ chức chương trình tập huấn nghiệp vụ tín dụng năm 2018 và công tác bán chéo sản phẩm Bancassurance.

Nội dung tập huấn bao gồm: Một số lưu ý cho vay đối với khách hàng trong hệ thống Agribank theo quyết đinh số 226/QĐ-HĐTV-TD, quy trình cho vay với khách hàng cá nhân quyết định số 839/QĐ-NHNo-HSX, Nghị định 55…Kỹ năng bán chéo các sản phẩm của ABIC thông qua các đại lý là các cán bộ tín dụng, giải đáp các vấn đề liên quan đến chăm sóc, phục vụ khách hàng sau bán hàng của ABIC trên địa bàn. Trong khuôn khổ chương trình tập huấn các giảng viên đã trình bày, hướng dẫn quy trình cho vay đối với khách hàng cá nhân và hộ sản xuất.

Bốn tháng đầu năm 2018 Agribank Tây Nghệ An đã đồng hành cùng ABIC bán chéo sản phẩm bảo hiểm đạt doanh thu cao, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 5,393 tỷ, đặc biệt sản phẩm bảo an tín dụng (BATD) đạt 5,124 tỷ chiếm 95,01%, đây là sản phẩm mang lại tiện ích rất lớn cho khách hàng, để sự phối kết hợp giữa ABIC-AGRIBANK đạt kết quả tích cực hơn trong thời gian tới cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ giám đốc Agribank Tây Nghệ An đến toàn thể cán bộ chi nhánh, đặc biệt là cán bộ trên mặt trận tín dụng. Chương trình cũng dành cho ABIC Nghệ An một thời lượng để giải đáp thắc mắc trong quá trình phối hợp với giữa hai bên, như công tác triển khai cấp đơn online bảo an dùng chữ ký số, thông tin 2 chiều, công tác bồi thường,…, đồng thời ABIC cũng phổ biến, hướng dẫn cách thức triển khai một số sản phẩm mới như: Sản phẩm bảo hiểm bảo an chủ thẻ, bảo hiểm nhà tư nhân góp phần đang dạng sản phẩm của kênh Bancassurance (ABIC-Agribank).

Chia sẽ với hội nghị tập huấn Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc ABIC Nghệ An đã phát biểu cảm ơn, tri ân đến toàn thể cán bộ lãnh đạo đã đồng hành ủng hộ hợp tác với ABIC Nghệ An trong hơn 10 năm qua, đồng thời ABIC Nghệ An cũng mong muốn nhận được hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ của toàn thể cán bộ Agribank Tây Nghệ An nhiều hơn nữa trong thời gian tới để sự phối hợp giữa hai bên đạt kết quả tương xứng với tiềm năng tại địa bàn.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hoàn – Giám đốc Agribank Tây Nghệ An đã động viên, ghi nhận tinh thần học tập của các học viên và nêu lên những khó khăn trong hoạt động tín dụng và thực hiện chỉ tiêu dịch vụ trong năm 2018, qua đó có những định hướng, chỉ đạo để toàn chi nhánh nỗ lực thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch tín dụng, dịch vụ năm 2018 và những năm tiếp theo.

5. Bảo hiểm với cộng đồng

Fubon trao quà tết 1/6 cho các em học sinh học giỏi vượt khó

(ĐTCK) – Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) vừa trao quà cho các cháu thiếu nhi, các em học sinh học giỏi vượt khó tại nhiều trường mầm non và tiểu học trên cả ba miền của đất nước, với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng, với hơn 400 suất quà.

Ông Rick Chiang, Tổng giám đốc Fubon Life Việt Nam chia sẻ: “Những món quà nặng tình cảm được trao tặng hôm nay sẽ là nguồn động viên tinh thần quý báu giúp các em học sinh vượt qua khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống để vươn lên trong học tập. Đồng thời, Fubon Life Việt Nam kêu gọi cộng đồng, các bậc phụ huynh cùng chung tay bảo vệ con trẻ trước rủi ro của cuộc sống. Chúng tôi tin tưởng mỗi nỗ lực cho dù là nhỏ của cộng đồng xã hội và nhận thức của cha mẹ về an ninh tài chính gia đình đều mang tới lợi ích cộng hưởng to lớn để mọi trẻ em được chăm sóc, bảo vệ”.

Đồng hành với các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ sức khỏe, tương lai giáo dục của trẻ em, ngay từ ngày đầu tiên thành lập, Fubon Life Việt Nam đã thực hiện kế hoạch cung cấp sản phẩm bảo hiểm và quỹ giáo dục “Phúc bảo Thành đạt” để giúp các bậc phụ huynh đảm bảo tương lai trẻ thơ bằng Tổng quyền lợi trao tiền mặt hàng năm lên tới 170% số tiền bảo hiểm; Trao quà tiền mặt khởi nghiệp khi con tốt nghiệp lên tới 100% số tiền bảo hiểm; Chi trả 100% Số tiền bảo hiểm nếu con trẻ không may may mắc một trong mười bệnh hiểm nghèo, tất cả quyền lợi giáo dục, bảo vệ khác vẫn duy trì hiệu lực.

6. Tin quốc tế

Hồng Kông: bổ nhiệm Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý Bảo hiểm

(IAN) – Theo một báo báo cáo mới đây của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Clement Cheung, 56 tuổi, cựu Ủy viên Bảo hiểm Hồng Kông, dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý Bảo hiểm của đặc khu này.

Cơ quan Quản lý Bảo hiểm được thành lập vào tháng Sáu năm ngoái để thay thế Văn phòng Ủy viên Bảo hiểm nhằm nỗ lực tạo ra một cơ quan điều hành hiệu quả ngang bằng với Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai.
Sở dĩ ông Cheung là ứng viên sáng giá của vị trí này vì những kinh nghiệm của ông trong giai đoạn làm Ủy viên Bảo hiểm giai đoạn 2006-2009.

Nếu quyết định bổ nhiệm này được thông qua, ông Cheung sẽ có nhiệm vụ thiết lập các hướng dẫn về cấp phép bảo hiểm cũng như quản lý gần 100.000 đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm tại Hồng Kông.
Ông cũng sẽ quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm trực tuyến, vốn đang tăng trưởng mạnh tại Hồng Kông và có ít nhất 40 công ty đang quan tâm và mong muốn có được giấy phép trong lĩnh vực này.

AXA bổ nhiệm tân COO cho thị trường châu Á

(IAN) – AXA đã bổ nhiệm bà Myriam Moufakkir làm Giám đốc Hoạt động của các thị trường châu Á tại AXA.
Trong vai trò mới của mình, bà Moufakkir sẽ tiếp tục dẫn đầu và chuyển đổi toàn bộ năng lực của hãng trong hai lĩnh vực CNTT và Hoạt động đối với tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm tại Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan. Bà báo cáo trực tiếp lên ông Gordon Watson, Tổng Giám đốc AXA Châu Á.

“Tôi tin tưởng rằng bà Moufakkir sẽ có những đóng góp giá trị đối với sự phát triển và lãnh đạo của các trung tâm CNTT ở Manila và Kuala Lumpur, đồng thời giúp AXA hiện thực hóa khả năng tăng trưởng và tham vọng tại các thị trường châu Á”, ông Watson nói.

Bà Moufakkir có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính. Sau khi giữ các vị trí quản lý CNTT với Banque Paribas và Aviva, bà gia nhập AXA Group vào năm 2005, dẫn dắt các chương trình chuyển đổi toàn cầu lớn, bao gồm đa truy cập và triển khai toàn cầu nền tảng mạng nội bộ AXA.

“Tầm nhìn của tôi là phát triển các trung tâm CNTT có hiệu suất cao ở [Manila và Kuala Lumpur] để trở thành các trung tâm dịch vụ và công nghệ ưu tiên cho các thực thể AXA trong khu vực,” bà nói.

Bà Moufakkir gia nhập AXA ở khu vực Châu Á vào năm 2016 với tư cách Giám đốc Danh mục đầu tư chuyển đổi, và sau đó được bổ nhiệm chức Giám đốc Công nghệ thông tin khu vực về Bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe.

Trung Quốc: phí bảo hiểm giảm gần 8%

(IAN) – Số liệu do bộ phận ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu phí của các công ty bảo hiểm của nước này đã giảm 7,84% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 4, các công ty bảo hiểm của Trung Quốc đạt 1,67 nghìn tỷ Tệ (258,64 tỷ USD) tổng doanh thu phí bảo hiểm. Vào cuối tháng Tư, tài sản của ngành bảo hiểm của Trung Quốc là 17,34 nghìn tỷ Tệ, tăng 3,55% so với đầu năm nay.

Ngày 31/5 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã thành lập cơ quan Quản lý bảo hiểm y tế mới của nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của dân chúng, giảm gánh nặng chi phí y tế và cải thiện tình trạng sức khỏe. Việc quản lý bảo hiểm y tế nhà nước trực tiếp thuộc sự quản lý của Hội đồng Nhà nước và được cơ quan lập pháp quốc gia thông qua vào tháng Ba năm nay.

Ấn Độ: công ty cổ phần tư nhân (PE) nhắm tới thị trường bảo hiểm

(IAN) – Theo Cơ quan Quản lý và phát triển bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI), số lượng các công ty cổ phần tư nhân (PE) quan tâm đến việc mua cổ phần trong các công ty bảo hiểm địa phương đang tăng lên sau khi chính phủ nước này cho phép các công ty PE trở thành cổ đông sáng lập của công ty bảo hiểm.

Theo quy định này, các công ty PE có thể nắm giữ cổ phần đáng kể trong các công ty bảo hiểm và thoái vốn trong 5 năm.

Thông tin cho biết, công ty PE toàn cầu quy mô lớn Warburg Pincus đang mua 26% cổ phần của IndiaFirst Life Insurance từ Legal & General Group với giá 7,1 tỷ Rupee (106 triệu USD).

Thị trường bảo hiểm Ấn Độ hiện đang được đánh giá là có nhiều tiềm năng tăng trưởng do tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm ở nước này còn thấp.

Theo báo cáo Tổng hợp của Swiss Re, tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm trong năm tài chính 2017 đã tăng lên 3,49% từ mức 3,4%.
Tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm nhân thọ duy trì ở mức 2,72%, trong khi tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ ở mức 0,77%.

Ấn Độ: cho phép nước ngoài sở hữu 100% tại DN môi giới bảo hiểm

(IAN) – Báo cáo mới đây từ moneycontrol.com dẫn lời nhà quản lý cấp cao của một công ty môi giới lớn ở Ấn Độ cho biết, chính phủ Ấn Độ đã đồng ý xem xét yêu cầu của ngành bảo hiểm cho phép doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được tiếp nhận 100% vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Tuy nhiên, phê duyệt sẽ đi kèm với những hạn chế nhất định, chẳng hạn như doanh nghiệp môi giới phải duy trì tỷ lệ phần trăm tối thiểu các thành viên Hội đồng quản trị là người Ấn Độ và hạn chế thuê ngoài các hoạt động kinh doanh.
Theo quy định hiện tại, room sở hữu nước ngoài tại các công ty đại lý và công ty bảo hiểm Ấn Độ là 49%, số 51% còn lại phải do các tổ chức/cá nhân Ấn Độ nắm giữ.

Theo báo cáo, quyết định phê duyệt này nhiều khả năng sẽ được cơ quan quản lý ban hành trong một vài tháng tới.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ của các hãng môi giới tăng trưởng từ khoảng 192,74 tỷ Rupee (2,9 tỷ USD) năm tài chính 2015 lên 300 tỷ Rupee trong năm tài chính 2018.

Khoảng 65% doanh thu phí bảo hiểm doanh nghiệp, bao gồm bảo hiểm sức khỏe nhóm, bảo hiểm cháy, bảo hiểm dự án và bảo hiểm hàng hải, được khai thác qua kênh môi giới.

Swiss Re xác định hàng loạt rủi ro mới nổi

(INN) – Thay đổi địa chính trị và “xói mòn đa dạng hóa rủi ro” là những rủi ro có tác động cao nhất, được báo động đỏ trong báo cáo Sonar của Swiss Re năm nay.

Báo cáo Sonar đề cập tới 18 rủi ro mới nổi, chia thành các chủ đề khác nhau và tương đồng về khung thời gian, được xếp hạng theo tác động cao, trung bình và thấp.

Ông Patrick Raaflaub, Giám đốc Rủi ro của Swiss Re Group, nói: “Báo cáo Sonar của chúng tôi không phải là dự báo tương lai hoặc bao gồm tất cả các rủi ro mới nổi, mà là báo cáo về việc chuẩn bị đối phó với khả năng xảy ra của chúng”.

“Nếu càng minh bạch hơn và càng có nhiều thời gian thì chúng tôi càng có thể thích nghi tốt hơn với sự thay đổi bức tranh rủi ro”.

Báo cáo cho biết, mối nguy hiểm địa chính trị liên quan đến những thay đổi trong cân bằng quyền lực toàn cầu, trong khi chủ nghĩa bảo hộ và sự khác biệt về quy định giữa các quốc gia gây ra rủi ro đối với sự đa dạng hóa quốc tế – vốn là một phần của mô hình kinh doanh tái bảo hiểm.

Khuyến nghị của Lloyd’s từ thảm họa bão lụt năm 2017

(INN) – Lloyd’s đã chuẩn bị cho mùa bão mới của Đại Tây Dương, bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước, bằng cách vạch ra những bài học quan trọng từ các cơn bão tàn phá năm 2017.

Theo Lloyd’s, doanh nghiệp bảo hiểm cần nhớ rằng mỗi cơn bão là duy nhất và bất ngờ luôn luôn có thể xảy ra, ngay cả đối với những rủi ro “được mô hình hóa” – nghĩa là các kế hoạch được xây dựng tốt nhất thường trở nên tồi tệ.
Chẳng hạn, cơn bão Harvey tháng 8 năm ngoái đã gây ra ngập lụt do mưa lớn, điều không được dự đoán trong mô hình.
Lloyd’s cho rằng: “Quy mô tàn phá tuyệt đối năm ngoái là một vấn đề khác. Thực tế là ba cơn bão đổ bộ trong vòng vài tuần đã phát sinh các chi phí bổ sung do thiếu vật liệu xây dựng, tăng chi phí và gây chậm trễ trong việc xây dựng lại”.

“Đây là yếu tố mà doanh nghiệp bảo hiểm nên xem xét chặt chẽ hơn khi bảo lãnh rủi ro trong tương lai”.
Tổng thiệt hại kinh tế trị giá 200 tỷ USD từ các cơn bão Harvey, Irma và Maria đã cho thấy sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân vào thị trường bảo hiểm lũ lụt của Hoa Kỳ là rất cần thiết, Lloyd’s bình luận.

Hiện Lloyd’s đang làm việc với các nhà lãnh đạo chính phủ, các cơ quan trong ngành và đối tác phân phối tại Mỹ để thu hút nhiều hơn sự quan tâm đầu tư của khu vực tư nhân.

Theo Lloyd’s: “Sự tham gia nhiều hơn của các công ty bảo hiểm khu vực tư nhân có thể dẫn đến khả năng phục hồi cao hơn và tăng mức độ thâm nhập bảo hiểm. Đồng thời phát triển một thị trường bảo hiểm lũ lụt hoạt động tốt hơn, có thể bằng cách nhấn mạnh nguy cơ xây dựng ở một số khu vực nhất định”.

Chuyên gia dự báo mùa mưa bão 2018

(INN) – Dự báo mùa bão của Đại Tây Dương năm nay sẽ tạo ra từ năm đến chín cơn bão, trong đó có đến bốn cơn có thể trở thành bão lớn.

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ cho biết, sẽ có khoảng 10-16 cơn bão trong mùa mưa bão năm nay, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước và kéo dài đến ngày 30/11.

Trung bình mỗi mùa thường có khoảng 12 cơn bão nhỏ (storm, sức gió từ 39 đến 73 dặm/giờ, bắt đầu được đặt tên để theo dõi), trong đó 6 cơn trở thành bão to (hurricane, sức gió trên 74 dặm/giờ) và có 3 cơn đặc biệt lớn.
Xác suất của một mùa mưa bão lớn trên mức trung bình là 35%, tương đương mức trung bình là 40% và thấp hơn trung bình là 25%.

Fitch Ratings cho biết các công ty bảo hiểm của Mỹ đủ mạnh về mặt tài chính để đối phó với các thảm họa lớn, với mức thặng dư vốn cổ phần đạt kỷ lục 765 tỷ USD.

Một phần lớn trong số 80 tỷ USD tổn thất bảo hiểm phát sinh từ các cơn bão Harvey, Irma và Maria năm ngoái thuộc trách nhiệm bồi thường của các công ty tái bảo hiểm nước ngoài, nguồn vốn tái bảo hiểm thay thế và Chương trình Bảo hiểm lũ lụt quốc gia Hoa Kỳ.

Công ty bảo hiểm chuyên ngành tiếp cận với rủi ro khủng bố

(INN) – Theo báo cáo thường niên của Marsh, số lượng các công ty bảo hiểm chuyên ngành (captives) tiếp cận với thị trường bảo hiểm khủng bố quốc tế đã tăng 333% trong 5 năm qua.

Sự tăng trưởng này bắt nguồn chủ yếu từ sự ra đời của Đạo luật Tái xác nhận Chương trình Bảo hiểm Rủi ro Khủng bố tại Hoa Kỳ cách đây ba năm.

Theo Đạo luật kể trên, các công ty bảo hiểm chuyên ngành ở Mỹ có nghĩa vụ cung cấp bảo hiểm cho rủi ro khủng bố.
Số lượng công ty bảo hiểm chuyên ngành cung cấp bảo vệ cho trách nhiệm rủi ro mạng máy tính cũng tiếp tục tăng, với tốc độ 240% trong giai đoạn 2012-2017.

Về tính chất sở hữu, công ty bảo hiểm chuyên ngành hoàn toàn thuộc sở hữu của người được bảo hiểm. Chúng thường được thiết lập khi rủi ro lớn của một doanh nghiệp nào đó không thể giải quyết một cách hiệu quả được thông qua phương thức bảo hiểm truyền thống.

Số lượng công ty bảo hiểm chuyên ngành tiếp tục giảm từ mức cao 6.851 vào năm 2015 xuống 6700 trong năm 2016 và hiện tại có 6.647 công ty trên toàn thế giới.

Các tổ chức tài chính tiếp tục nắm giữ doanh thu phí bảo hiểm cao nhất và tỷ lệ sở hữu lớn nhất trong số các công ty bảo hiểm chuyên ngành thuộc khảo sát của Marsh quản lý, tương ứng 20,91 tỷ USD và 24%.

Ngành công nghiệp truyền thông và công nghệ là đối tượng có doanh thu phí cao thứ hai với 4,86 tỷ USD.
Về sở hữu, ngành y tế có tỷ lệ sở hữu các công ty bảo hiểm chuyên ngành lớn thứ hai với 11,5%.
Báo cáo cũng cho biết, cấu trúc chủ đạo của các công ty chuyên ngành tiếp tục là mô hình 1 công ty mẹ sở hữu.

BTV (Tổng hợp).