TIÊU ĐIỂM TUẦN 19

Manulife tìm kiếm đối tác mới tại châu Á; Các hãng bảo hiểm hàng đầu sụt giảm lợi nhuận; Bảo Việt tiếp tục bảo hiểm cho Vinasat 1 và Vinasat 2

 tin tiêu điểm bảo hiểm

 

TIÊU ĐIỂM TUẦN 19:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

MIC Bình Thuận trao 70 triệu đồng bồi thường tai nạn xe máy 

 

(MIC) – Ngày 06/05/2016, Công ty Bảo hiểm MIC Bình Thuận (MIC Bình Thuận) thuộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quânđội (MIC) đã tổ chức trao bồi thường bảo hiểm 70 triệu đồng cho chủ xe mô tô là bà Nguyễn Thị Chín. Được biết trước đó bà Nguyễn Thị Chín đã tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (TNDS BB) cho xe mô tô biển số 86B3-281.73 tại MIC Bình Thuận, phí bảo hiểm là 66.000/năm. 

Vào ngày 05/01/2016, ông Nguyễn Văn Minh là con trai của bà Nguyễn Thị Chín điều khiển xe 86B3-281.73 chạy trên đoạn đường QL1A thuộc Xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc do thiếu chú ý quan sát đã gây tai nạn cho ông Đặng Văn Xuân chạy xe mô tô 86T1-8436 cùng chiều.Hậu quả làm ông Đặng Văn Xuân tử vong. Sau tai nạn gia đình bà Nguyễn Thị Chín đã bồi thường cho gia đình ông Đặng Văn Xuân số tiền 70 triệu đồng.

Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường của bà Nguyễn Thị Chín, MIC Bình Thuận đã nhanh chóng xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự bắt buộc về người đối với người thứ ba cho chủ xe trong vụ tai nạn trên theo đúng mức trách nhiệm tối đa thiệt hại về người quy định tại Thông tư 151/2012/TT-BTC ngày 12/09/2012 của Bộ Tài chính với số tiền 70 triệu đồng.

BSH trao 72 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm tai nạn điện

 

(ĐTCK) – Ngày 10/5, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đã trao số tiền bồi thường 72 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Tá Hữu (thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) không may có người thân tử vong vì tai nạn điện.

Cách đây hơn 1 tháng, vợ ông Hữu là bà Nguyễn Thị Thuần trong quá trình làm bếp tại nhà đã không may bị điện giật chết. Ngay sau khi nắm được thông tin, đại diện BSH Hải Dương đã cử cán bộ tới thăm hỏi, động viên đồng thời hướng dẫn gia đình các thủ tục bồi thường.

Với việc tham gia bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao nhất, gia đình ông Hữu nhận số tiền bồi thường 72 triệu đồng từ đại diện BSH, ông Đỗ Văn Hải, Phó tổng Giám đốc BSH và ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc BSH Hải Dương.

Trong thời gian tới, BSH sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, đặc biệt là đại hiện Hội liên hiệp phụ nữ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm tới nhân dân trong xã. Đại diện chính quyền cũng cam kết hỗ trợ BSH, đồng thời mong muốn BSH sẽ tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm bảo hiểm phù hợp và hữu ích đối với nhân dân địa phương.

Ước chi trả bồi thường 110 triệu đồng cho tàu cháy Aphrodite

 

(ĐTCK) – Chia sẻ thông tin chi tiết hơn trong thông cáo vừa phát đi bởi Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt), số tiền chi trả bồi thường của hãng ước tính là 110 triệu đồng. 

Số tiền 110 triệu đồng trên là khoản ước chi trả bảo hiểm cho các tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm bao gồm chi phí khắc phục tràn dầu ra biển và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách trên tàu. 

Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã giải quyết bồi thường tai nạn hành khánh với số tiền gần 18 triệu đồng cho 3 du khách Đài Loan bị thương được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, ngày 6/5. 

Cũng theo Bảo hiểm Bảo Việt, chủ tàu QN 6299 là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch VIT Hạ Long, đã tham gia bảo hiểm tại Công ty Bảo Việt Quảng Ninh – đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với bên thứ 3 với mức trách nhiệm tối đa là 100 triệu đồng/vụ tổn thất; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách chở trên tàu mức trách nhiệm 30 triệu đồng/người/vụ; 6 thủy thủ đoàn được bảo hiểm với mức trách nhiệm tối đa là 20 triệu đồng/người/vụ.

Ngoài ra, toàn bộ khách du lịch trên tàu cũng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm du lịch mà Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ký với Công ty Bảo Việt Quảng Ninh với mức trách nhiệm bảo hiểm du lịch là 20 triệu đồng/người/vụ.

2. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục bảo hiểm cho vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2

 

(ĐTCK) – Đây là năm thứ 9 liên tục Công ty Viễn Thông Quốc tế – VNPTI tin tưởng, lựa chọn liên danh Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Bưu điện bảo hiểm cho hoạt động của Vệ tinh Vinasat trên quỹ đạo giai đoạn 2016-2017.

Lễ ký kết Hợp đồng bảo hiểm cho Vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 đã được tổ chức ngày 11/5/2016 giữa chủ đầu tư vệ tinh là VNPTI với Liên danh bảo hiểm Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) và Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Theo Hợp đồng được ký kết, hai vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 tiếp tục được bảo hiểm trong thời gian hoạt động trên quỹ đạo từ 00 giờ 01’ ngày 16/5/2016 đến 00 giờ 01’ ngày 16/5/2017 với tổng mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa gần 222 triệu USD, trong đó vệ sinh Vinasat-1 được bảo hiểm với giá trị trên 72,936 triệu USD và Vinasat-2 là hơn 148 triệu USD.

Việc bảo hiểm cho hai vệ tinh này được thực hiện theo kỳ tái tục hàng năm – tương ứng với mỗi kỳ bảo hiểm kéo dài là 12 tháng. Các rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng này gồm tổn thất toàn bộ hoặc tổn thất toàn bộ ước tính hoặc tổn thất bộ phận gây ra bởi tổn thất, thiệt hại hoặc hư hỏng vệ tinh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm.

PVI bảo hiểm cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn 

(ĐTCK) – Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) vừa ký “Thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý rủi ro trong bảo hiểm giai đoạn 2016 – 2020” với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Theo thỏa thuận, Bảo hiểm PVI với vai trò là nhà bảo hiểm gốc sẽ cung cấp toàn bộ dịch vụ tư vấn quản lý rủi ro và hỗ trợ BSR xây dựng các chương trình bảo hiểm tối ưu nhất cho Nhà máy.

Trong những năm qua, Bảo hiểm PVI đã phối hợp chặt chẽ với BSR trong việc đàm phán được chương trình bảo hiểm cạnh tranh với điều kiện điều khoản không ngừng được mở rộng, đảm bảo quyền lợi tối đa cho BSR cũng như đã thành công trong việc đàm phán với thị trường xử lý thỏa đáng các sự kiện bảo hiểm phát sinh.

Bản thỏa thuận tiếp tục khẳng định vai trò của Bảo hiểm PVI trong tư vấn quản lý rủi ro cho các dự án dầu khí, đảm bảo an toàn cho toàn bộ hoạt động và tài sản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Năm 2015, PVI Sun Life hoàn thành 117% kế hoạch doanh thu 

(ĐTCK) – Đó là con số được đưa ra trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của Tổng giám đốc CTCP PVI (PVI Hodings) tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra.

PVI Holdings hiện nắm 25% vốn tại PVI Sun Life sau khi bán bớt cổ phần cho đối tác Sun Life (Canada) vào cuối năm 2015.

Cụ thể, năm qua, PVI Sun Life đạt tổng doanh thu 973 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch năm 2015; lỗ kỹ thuật 78,4 tỷ đồng, thấp hơn lỗ thực hiện trong năm 2014 (118 tỷ đồng).

Với kết quả trên, PVI Holdings cho rằng năm 2015 đã thực hiện thành công kế hoạch đề ra đối với mảng bảo hiểm nhân thọ nhờ việc đẩy mạnh việc kinh doanh mảng hoạt động này đi đôi với đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh ở cấp Công ty cùng việc kiện toàn khối đại lý.

Báo cáo cũng cho biết năm 2015 trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát triển với tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng khoảng 29,5%, PVI Sun Life vẫn giữ vị trí số 1 thị trường bảo hiểm nhân thọ về sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện và đứng thứ 6 toàn thị trường về doanh thu phí năm đầu.

Năm 2016, PVI Hodings sẽ tiếp tục hỗ trợ PVI Sun Life trong định hướng phát triển và thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm duy trì vị trí số 1 thị  trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam về bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Năm 2015, doanh thu khai thác mới của Hanwha Life Việt Nam tăng 37% 

(ĐTCK) – Công ty TNHH bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam (Hanwha Life) cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015 lên đến 710,6 tỷ đồng, tăng trưởng 59% nhưng lợi nhuận sau thuế âm hơn 526 tỷ đồng.

Theo Hanwha Life, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015 tăng trưởng mạnh, đạt 710,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu khai thác mới tăng 37%.

Tuy nhiên, tổng chi phí lên tới 1.535 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014, nên lợi nhuận sau thuế âm hơn 526 tỷ đồng, tăng thêm 360 tỷ đồng so với khoản lỗ hơn 166,9 tỷ đồng trong năm 2014.

Mặc dù vậy, với việc tăng dự phòng hơn 100% với hơn 500 tỷ đồng (đưa tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2015 lên con số 1.375 tỷ đồng), ngoài góp phần củng cố tình hình tài chính, Công ty cũng đảm bảo mọi quyền lợi cho chủ hợp đồng.

Kết thúc năm 2015, Công ty có vốn chủ sở hữu 730 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 2.275 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 1.900 tỷ đồng (thuộc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có quy mô vốn lớn nhất thị trường tại Việt Nam).

Tính đến hết 31/12/2015, Hanwha Life Việt Nam có 55 điểm phục vụ khách hàng trong cả nước, bao gồm 3 chi nhánh, 16 văn phòng kinh doanh và 35 văn phòng tổng đại lý, bảo vệ gần 90.000 khách hàng sau hơn 7 năm hoạt động (từ năm 2009). Tổng số nhân viên trong Công ty là 238 người, tổng số đại lý bảo hiểm là 24.000 người.

Bảo hiểm ngân hàng Công thương lãi 68,5 tỷ đồng trước thuế năm 2015 

(ĐTCK) – Số liệu từ Công ty TNHH MTV Bảo hiểm ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI) cho biết, năm 2015, Công ty đạt tổng doanh thu 400,7 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 332,6 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính 67,6 tỷ đồng, phần còn lại là doanh thu từ các hoạt động khác.

Lợi nhuận trước thuế trong năm qua của VBI đạt 68,5 tỷ đồng, trong đó lãi chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, đạt 66,1 tỷ đồng; còn hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ lãi 2,2 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE đạt 9,05%, tăng trưởng 6% so với năm 2014.

Được biết, VBI tiền thân là Công ty liên doanh bảo hiểm Châu Á- Ngân hàng công thương (liên doanh giữa VietinBank và Công ty bảo hiểm Châu Á Singapore), được thành lập năm 2002.

Đến năm 2008, trên cơ sở mua lại toàn bộ vốn góp của phía đối tác nước ngoài trong liên doanh, VBI đã chuyển đổi thành Công ty TNHH Bảo hiểm ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam như hiện tại. VBI chủ yếu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho khách hàng là các tổ chức, cá nhân, nhất là các khách hàng vay vốn của Vietinbank.

Quý I/2016, PVIRe lãi 33 tỷ đồng, hoàn thành 112% kế hoạch quý

 

(ĐTCK) – Tin từ Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe), 3 tháng đầu năm 2016, PVIRe hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu kinh doanh chính về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 419,2 tỷ đồng, hoàn thành 122,6% kế hoạch, trong đó phí nhận tái bảo hiểm ước đạt 329,6 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 33 tỷ đồng, hoàn thành 112% kế hoạch quý I/2016

Trên bình diện thị trường, PVIRe nhìn nhận, quý I/2016 tình hình thị trường bảo hiểm trong nước nhìn chung không có nhiều biến động. Tăng trưởng về doanh thu vẫn diễn ra chủ yếu ở các nghiệp vụ bán lẻ, còn với những nghiệp vụ có tái bảo hiểm (như xây dựng lắp đặt, trách nhiệm, thân tàu và P&I…) bị sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp.

Đáng chú ý, nghiệp vụ năng lượng, tài sản trong ngành sụt giảm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tái bảo hiểm (giảm phí, giảm thị phần).

Cũng theo PVIRe, 3 tháng đầu năm 2016, thị trường xảy ra một số tổn thất lớn như Tàu Đông Thiên phú; Cháy kho hàng tại Bắc Ninh, cháy công ty gỗ tại Bình Dương; cháy Công ty Norco tại Hưng Yên; nhà máy Vigracera tại Phú thọ…

Mặc dù nguồn vốn tái bảo hiểm thị trường quốc tế đã có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên vẫn dư thừa dẫn đến sự cạnh tranh cao và tiếp tục giảm phí trong lĩnh vực tái bảo hiểm.

Năm 2015, Chubb Việt Nam tiếp tục lãi 46,8 tỷ đồng

(ĐTCK) – Báo cáo sau kiểm toán của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nan (tiền thân là ACE Life Việt Nam) cho biết, năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 1.662 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế 46,8 tỷ đồng.

Năm 2015 cũng là năm thứ 7 liên tiếp Công ty có lãi trong 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Chubb Việt Nam cũng cho biết, năm 2015, Công ty đã phát triển đội ngũ kinh doanh lên trên 16.000 người cùng với hơn 340 nhân viên trên toàn quốc. Với tính chuyên nghiệp của đội ngũ kinh doanh, tỷ lệ chi trả bồi thường của Công ty thuộc nhóm an toàn cao so với bình quân toàn thị trường, tỷ lệ thanh toán bảo hiểm thấp, tương đương 4,7% tổng doanh thu so với tỷ lệ 17,6% bình quân của toàn thị trường, giúp Công ty đạt hiệu quả kinh doanh, bảo vệ khách hàng dài lâu.

Năm qua, Chubb Việt Nam cũng đã mở thêm 8 văn phòng mới, nâng tổng số văn phòng lên 35 tại 31 tỉnh thành.

Được biết, ngày 14/1/2016, Tập đoàn ACE chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Tập đoàn bảo hiểm Chubb với trị giá 29,5 tỷ USD để trở thành Tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 4 thế giới (tính theo giá trị thị trường). Tại Việt Nam, ACE Việt Nam cũng đã được Bộ Tài chính chấp thuận đổi tên thành Chubb Việt Nam từ ngày 9/3/2016.

3. Nhịp đập thị trường

Sự đổi ngôi của khối bảo hiểm nhân thọ

 

(ĐTCK) – Thị phần cả tổng doanh thu và doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong những tháng đầu năm 2016 có sự thay đổi mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê từ Bản tin bảo hiểm toàn cầu, trong 2 tháng đầu năm 2016, Bảo Việt vươn lên đứng đầu thị trường cả về thị phần phí bảo hiểm khai thác mới (18,51%) và thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm (27,7%). Vị trí này trước đó thuộc về Prudential Việt Nam.

Một số vị trí khác về tổng doanh thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm cũng có sự thay đổi như AIA Việt Nam vươn lên vị trí thứ tư, trước Dai-ichi Life Việt Nam. Ấn tượng hơn là sự tăng trưởng của PVI Sun Life khi doanh nghiệp này vượt qua nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường sớm hơn, vươn lên vị trí thứ sáu về thị phần tổng doanh thu.

Thực tế, nhờ có những lợi thế riêng biệt nên PVI Sun Life ngay từ khi hoạt động đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt trong mảng bán buôn (bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp). Kết quả kinh doanh của hãng bảo hiểm này có vẻ không bị ảnh hưởng sau những thay đổi về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, cũng như một vài thay đổi về nhân sự cấp cao.

Tương tự, việc thay đổi nhân sự cấp cao không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Generali Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016, khi kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, đối với Hanwha Life, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Trước đó, hãng bảo hiểm này cũng có những thay đổi về nhân sự cấp cao điều hành kinh doanh.

Nhóm 3 doanh nghiệp Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam được nhận định là những doanh nghiệp dễ có sự “đổi ngôi” về thị phần nhất, vì thị phần luôn theo nhau sát nút.

Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, thứ hạng thị phần tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp trên là: Manulife Việt Nam đứng thứ ba, Dai-ichi Life Việt Nam đứng thứ tư và AIA Việt Nam đứng thứ năm thị trường. Nhưng cũng như Prudentila Việt Nam và Bảo Việt, thị phần khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam biến đổi liên tục trong từng quý.

Trước đó, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2014, thị phần tổng doanh thu của Manulife Việt Nam là 11,80%, Dai-ichi Life Việt Nam là 9,29% và AIA Việt Nam là 9,13%.

2 tháng đầu năm 2016, AIA Việt Nam vượt qua Dai-ichi Life Việt Nam, với thị phần tổng doanh thu là hơn 10% (số liệu từ Bản tin tài chính toàn cầu).

Tất nhiên, mọi sự thay đổi về thị phần hiện nay chỉ là tạm thời, bởi theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, doanh thu những tháng đầu năm chưa khẳng định được gì nhiều về sự bền vững của thị phần. Tuy nhiên, dù thị phần này có thể thay đổi ở những tháng hay quý tiếp theo của năm 2016, thì cũng phải nhìn nhận rằng, thời gian qua, Bảo Việt là một nhân tố đáng chú ý của thị trường vì những nỗ lực và khả năng vươn lên. Một nhân tố khác cũng gây sự chú ý không kém cho thị trường là PVI Sun Life như đã nêu trên.

Những biến chuyển trong kết quả kinh doanh cũng như thị phần doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong những tháng đầu năm 2016 hứa hẹn tạo ra nhiều sự thay đổi cho khối nhân thọ, không chỉ là thị phần, mà có thể sẽ có những chiến lược kinh doanh mới mẻ.

Ngoài sự thay đổi về sản phẩm thì kênh phân phối cũng là một trong những mục tiêu quan trọng. Cùng với các chiến lược đẩy mạnh kênh phân phối bancassurance, bảo hiểm trực tuyến trong thời đại kỹ thuật số cũng đang được các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn.

4. Tin đào tạo

Giảm 10% học phí với chương trình học ANZIIF đầu tiên tại Việt Nam

 

(Webbaohiem) – Ngày 10/5/2016 tại khách sạn Mövenpick Hà Nội, Học viện Tài chính Bảo hiểm Australia và New Zealand (ANZIIF) đã giới thiệu chương trình đào tạo bảo hiểm của ANZIIF tại Việt Nam thông qua đối tác phân phối chính thức là GiNET Việt Nam.

Đến dự lễ ra mắt có đại diện lãnh đạo các công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam như: Bảo Việt, PVI, Fubon, ABIC, Phú Hưng, các công ty môi giới: Aon, Jardine Lloyd Thompson, các công ty giám định, lãnh đạo Học viện Tài chính và đông đảo cán bộ, nhân viên bảo hiểm trên thị trường.

Học viện Tài chính Bảo hiểm Australia và New Zealand thành lập năm 1884 và là hiệp hội giáo dục, đào tạo hàng đầu trong ngành bảo hiểm tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong suốt hơn 100 năm qua, ANZIIF và đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo bảo hiểm kỹ thuật. Dịch vụ giáo dục của ANZIIF được công nhận là đặt ra những tiêu chuẩn cho ngành bảo hiểm toàn khu vực. Điều này được thể hiện qua việc 11 lần ANZIIF đạt danh hiệu “Nhà cung cấp Dịch vụ Giáo dục của Năm” do Tạp chí Bảo hiểm Châu Á tổ chức.

Mặc dù nhu cầu học tập các chứng chỉ quốc tế về bảo hiểm nói chung, đặc biệt là ANZIIF, tại Việt Nam hiện nay là khá lớn song số người có bằng và chứng chỉ của ANZIIF tại Việt Nam chưa nhiều. Tính đến tháng 5/2016, toàn ngành bảo hiểm Việt Nam mới chỉ có 500 người sở hữu chứng chỉ danh giá này và phần lớn trong số đó là cán bộ lãnh đạo và chuyên gia cao cấp tại các công ty bảo hiểm. 

Sự bất cập này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là những hạn chế vốn có của hình thức đào tạo từ xa, như: rào cản về ngôn ngữ, các khó khăn trong tương tác giữa cơ sở đào tạo và học viên, khó khăn trong tổ chức ôn tập, học nhóm, quản lý thời gian và tiến độ học tập…

Trước thực trạng đó và xuất phát từ chủ trương đẩy mạnh hoạt động đào tạo tại thị trường Việt Nam giàu tiềm năng, ANZIIF đã quyết định lựa chọn phương thức phát triển hoạt động đào tạo thông qua một đối tác được ủy quyền chính thức (Authorized Agency) có bề dày kinh nghiệm và khả năng tổ chức đào tạo về bảo hiểm.

Với nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường bảo hiểm và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, từ tháng 02/2016, GiNET đã chính thức được lựa chọn và trở thành Đối tác được ủy quyền của ANZIIF.

Đăng ký học ANZIIF thông qua GiNET, học viên có thể được tư vấn và hỗ trợ thông tin về các chương trình học của ANZIIF ngay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, học viên còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình trên nhiều mặt, như: ngôn ngữ, chương trình học, tổ chức học nhóm, ôn luyện với các chuyên gia bảo hiểm đầu ngành là thành viên của ANZIIF.

Để chào mừng sự kiện này, GiNET Việt Nam sẽ giảm 10% học phí cho tất cả các học viên đăng ký qua GiNET cho tới ngày 15/7/2016. Đây là mức giảm phí bổ sung, bên cạnh mức phí niêm yết riêng (đã được giảm giá) cho thị trường Việt Nam.

Tăng cường quan hệ hợp tác đào tạo bảo hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế 

 

(IRT) – Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Sáng ngày 10/5, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục QLGSBH đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT) với Viện Bảo hiểm, Tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF) nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ để hướng tới các chương trình đào tạo, chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam liên tục tăng trưởng trong nhiều năm, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm; năm 2015 tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt 84.375 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP. Trong những năm tiếp theo, thị trường còn hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển. Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển thị trường đảm bảo an toàn, bền vững và hiệu quả, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh đang đặt ra cho các Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm những khó khăn và thách thức trong đó có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực.

Trên tinh thần đó, Cục QLGSBH đã ký kết hợp tác với ANZIIF, đây là sự khởi đầu trong mối quan hệ hợp tác giữa IRT và ANZIIF, cũng như việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Việc hợp tác được thực hiện trên cơ sở giúp Việt Nam xây dựng các Khung tiêu chuẩn năng lực cũng như Hệ thống chứng chỉ tương ứng với các bằng cấp của ANZIIF và được sự thừa nhận của quốc tế.

PJICO tổ chức đào tạo nghiệp vụ đại lý Bảo hiểm tại cửa hàng xăng dầu

 

(PJICO) – Trong hai ngày 10 và 11.5.2016, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã phối hợp với Công ty TNHH Xăng dầu Kiên Giang (Petrolimex Kiên Giang) tổ chức đào tạo nghiệp vụ đại lý Bảo hiểm PJICO cho CBNV và NLĐ Petrolimex Kiên Giang.

Dự khai giảng, có Phó Tổng giám đốc Petrolimex Kiên Giang Nguyễn Phong Thiên, Giám đốc PJICO Kiên Giang Tô Văn Hùng, Phó Phòng quản lý và phát triển đại lý của PJICO Đinh Vũ Thanh trực tiếp giảng dạy và hơn 30 học viên là cán bộ quản lý cấp phòng, chuyên viên tiếp thị và Cửa hàng trưởng các Cửa hàng xăng dầu (CHXD).

Đây là khóa đào tạo thứ 2 trong năm 2016 nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và kiến thức về nghiệp vụ bảo hiểm con người, xe cơ giới, hàng hóa, xây dựng lắp đặt và cháy nổ, cụ thể hóa cam kết giữa Chủ tịch HĐQT PJICO Đinh Thái Hương và Chủ tịch HĐTV Petrolimex Kiên Giang Nguyễn Văn Cảnh về một số giải pháp phát triển kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm PJICO, đặc biệt là khai thác tốt lợi thế hệ thống CHXD của Petrolimex Kiên Giang đã và đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ trên địa bàn toàn tỉnh Kiên Giang.

5. Bảo hiểm với cộng đồng

VASS tài trợ bảo hiểm giải bóng bàn toàn quốc 2016

 

(ĐTCK) – Lần đầu tiên Giải vô địch bóng bàn toàn quốc lần thứ 34 năm 2016 có tài trợ bảo hiểm từ Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). 

Theo đó, VASS bảo hiểm miễn phí về các rủi ro tai nạn dẫn tới tử vong hoặc thương tật thân thể cho 236 vận động viên, ban tổ chức và điều hành Giải đấu từ ngày 10-15/5, với mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa là 200 triệu đồng/người/vụ. Tổng giá trị bảo hiểm cho toàn đoàn là gần 50 tỷ đồng.

Đại diện Ban tổ chức giải bóng bàn toàn quốc năm 2016 cho biết, việc bảo hiểm cho vận động viên thể thao khá phổ biến trên thế giới và một số môn thể thao khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 34 năm của giải, các vận động viên tham dự giải bóng bàn quốc gia sẽ được bảo hiểm.

Theo bà Đỗ Thị Minh Đức, Chủ tịch HĐQT VASS, theo quy định của ngành thể thao, chỉ các vận động viên đã vào biên chế hoặc có hợp đồng dài hạn mới được mua bảo hiểm, trong khi có tới 90% không thuộc diện này lại là vận động viên chuyên nghiệp. Không ít tuyển thủ tên tuổi và gia đình đã mất cả số tiền chắt bóp nhiều năm, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần để có tiền chữa trị chấn thương.

Chính vì vậy, VASS quyết định chia sẻ một phần gánh nặng về tài chính cho Người được bảo hiểm trước rủi ro về tai nạn suốt 24/24 giờ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

6. Tin quốc tế

Phí bảo hiểm châu Á tăng trưởng 25% vào năm 2025

 

(INN) – Trong bản báo cáo mới đây có tựa đề “Nghiên cứu Kinh tế tháng 5/2016”, Munich Re dự kiến vào năm 2025, hơn 1/4 phí bảo hiểm toàn cầu đến từ các quốc gia mới nổi, chủ yếu là châu Á.

Báo cáo cho biết, ngành bảo hiểm toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong vòng 2 năm tới, tiếp theo sự cải thiện đáng kể trong 12 tháng qua xuất phát từ khu vực châu Á.

Năm 2015 vừa qua, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là các quốc gia đứng đầu thị trường bảo hiểm toàn cầu.

Đến năm 2015, dự kiến Trung Quốc sẽ là thị trường bảo hiểm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Còn Australia sẽ tụt hai bậc từ bậc 11 hiện tại xuống bậc 13.

Báo cáo cũng nhận định trong vòng 2 năm tới, doanh thu phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng trưởng khoảng 4%, trong khi phí bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 4,5% với tốc độ tăng trưởng cao nhất thuộc về các nước phát triển.

Dự kiến trong năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng đạt trên 10% nhờ nhu cầu bảo hiểm tiếp tục ở mức cao.

Tổn thất bảo hiểm do thiên tai tháng 4 cao nhất trong 5 năm 

 

(INN) – Tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm do thiên tai trên toàn cầu trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 7,4 tỷ USD, trong đó tổn thất tháng 4 cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Theo báo cáo thảm họa định kỳ hàng tháng của Impact Forecasting – đơn vị phân tích rủi ro thuộc Aon Benfield – tổn thất trong tháng 4 chủ yếu đến từ động đất tại Nhật Bản với hơn 2 tỷ USD và hiện tượng thời tiết đối lưu cực đoan tại Mỹ với tổng thiệt hại 3 tỷ USD.

Báo cáo cho biết, mặc dù thiệt hại kinh tế từ trận động đất tháng 4 tại Nhật Bản có thể vượt quá 10 tỷ USD, song chỉ có 2 tỷ USD tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm.

Đối với vụ động đất xảy ra tại Ecuador, thiệt hại kinh tế lên tới 3 tỷ USD, song thiệt hại cho ngành bảo hiểm không đáng kể.

Ông Steve Bowen, Giám đốc tại Impact Forecasting, nhận định, mặc dù tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm tháng 4 năm nay cao nhất kể từ năm 2011, song khoảng cách khá lớn giữa tổn thất được bảo hiểm và thiệt hại kinh tế cho thấy còn nhiều cơ hội lớn cho ngành bảo hiểm có thể khai thác.

Các hãng bảo hiểm hàng đầu sụt giảm lợi nhuận Quý I

 

(INN) – Nhiều công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận hoạt động Quý I năm nay giảm sút mạnh.

Nguyên nhân của tình trạng này, đối với MetLife, Prudential và Lincoln Financial là do thu nhập đầu tư giảm sút, còn Allstate là vì sự tăng mạnh của các tổn thất do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, tình trạng lãi suất thấp kéo dài tại Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới cũng tác động đáng kể tới kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành.

MetLife cho biết thu nhập đầu tư Quý I giảm 5,5%, xuống còn 4,71 tỷ USD, chủ yếu do các quỹ hedge fund hoạt động kém hiệu quả, còn AIG cũng lý giải kết quả kinh doanh kém do thu nhập đầu tư sụt giảm.

Về phần mình, Prudential đã nỗ lực đạt được mức tăng nhẹ 0,4% về thu nhập đầu tư, tuy nhiên danh mục đầu tư bị biến động rất lớn.

Chubb là một trong số rất ít các công ty đi ngược lại xu thế với kết quả lợi nhuận hoạt động Quý I tăng trưởng tốt.

Manulife tìm kiếm đối tác mới tại châu Á

 

(INN) – Manulife cho biết hãng tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp tại khu vực châu Á do doanh thu của thị trường này vẫn duy trì tăng trưởng tốt.

Theo ông Steve Roder, Giám đốc Tài chính, hoạt động kinh doanh sôi động tại thị trường châu Á đã giúp hãng đạt được mức tăng trưởng doanh thu của các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi 14% trong Quý I, lên mức 954 triệu đô la Canada (741 triệu USD).

Tháng 4 vừa qua, hãng đã hoàn thành việc ký kết thỏa thuận đối tác bancassurance trị giá 1,2 tỷ USD với ngân hàng DBS (Ngân hàng phát triển Singapore) trong thời hạn 15 năm. Theo đó, Manulife sẽ bán sản phẩm của mình thông qua mạng lưới kinh doanh của DBS tại châu Á.

Mối quan hệ đối tác này đã nhanh chóng phát huy tác dụng tại Singapore và Hồng Kông, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng doanh thu của hãng trong khu vực.

Hiện tại, Manulife đã hiện diện tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Á, trừ Hàn Quốc và Ấn Độ. Mặc dù vậy, theo ông Roder, hãng chưa có kế hoạch thâm nhập các thị trường này.

Ông Roder cũng cho biết Manulife sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác phù hợp tại các quốc gia có sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

AIA tăng trưởng mạnh tại Philippines

 

(INN) – Công ty bảo hiểm BPI-Philam Life Assurance, liên doanh giữa AIA và Ngân hàng Philippine Islands (BPI), bày tỏ sự lạc quan về triển vọng ngành bảo hiểm tại Philippines.

Phát biểu trước báo giới, ông Ariel Cantos, Tổng Giám đốc liên doanh, cho biết tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, khoảng trống bảo hiểm ngày càng lớn và thu nhập trung bình tăng lên là các cơ hội đáng kể cho ngành bảo hiểm trong thời gian tới.

Năm 2015 vừa qua, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của BPI-Philam Life đã đứng thứ 4 toàn quốc với 20,79 tỷ Peso (441 triệu USD). Tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm năm 2015 của liên doanh này đạt 44%, lợi nhuận ròng duy trì ở mức 1,2 tỷ Peso (25 triệu USD). Công ty cũng đã đặt ra các mục tiêu rất tham vọng cho hoạt động kinh doanh trong năm 2016.

Ông Cantos cho biết, hiện Công ty đang cung cấp ra thị trường 10 sản phẩm và dự kiến sẽ bổ sung từ 3 đến 4 sản phẩm trong năm nay. 

Trung Quốc: Marketing từ xa BHNT đạt 2,2 tỷ USD doanh thu 2015

 

(AIR) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ từ hoạt động marketing từ xa năm 2015 tại nước này tăng trưởng 16%, đạt 14,2 tỷ tệ (2,2 tỷ USD). Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng gộp bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015.

Trong tổng doanh thu hoạt động marketing BHNT từ xa của toàn thị trường, doanh thu đến từ bộ phận kinh doanh marketing từ xa trực thuộc các công ty BHNT chiếm 77%.

Về cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm, các sản phẩm BHNT chiếm tỷ trọng lớn nhất với 60%, tiếp đó là bảo hiểm sức khỏe với 18%, phần còn lại là doanh thu bảo hiểm tai nạn và niên kim.

Báo cáo cũng cho biết, tính đến cuối năm 2015, có tổng số 69.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực marketing bảo hiểm từ xa, tăng 11% so với đầu năm. Doanh thu phí bảo hiểm và số hợp đồng trung bình của mỗi người tương ứng là là 18.900 tệ và 3,4 hợp đồng.

Theo Cơ quan Quản lý bảo hiểm Trung Quốc, thị trường bảo hiểm nhân thọ quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2015 tăng trưởng 25%, đạt 1,6 nghìn tỷ tệ doanh thu phí bảo hiểm.

Chi phí hợp nhất làm sụt giảm lợi nhuận Quý I của Chubb

 

(INN) – Tập đoàn bảo hiểm Chubb (Hoa Kỳ) cho biết lợi nhuận ròng Quý I giảm 35,6% xuống còn 439 triệu USD, chủ yếu do chi phí hợp nhất và sự dịch chuyển bất lợi của dòng tiền.

Trong quý, Chubb đã phải gánh chịu khoản chi phí một lần 106 triệu USD cho các hoạt động nhằm hợp nhất doanh nghiệp, xuất phát từ thương vụ thâu tóm của ACE trị giá 28,3 tỷ USD năm 2015 vừa qua và đã hoàn tất vào tháng 1 năm nay.

Trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại: phí thuần tăng trưởng 52,8, đạt 5,5 tỷ USD, tỷ lệ kết hợp tăng từ mức 88,4% lên 90%.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 52,3% lên 612 triệu USD. Những chuyển dịch bất lợi từ các dòng ngoại tệ đã làm tăng chi phí 21 triệu USD.

Ông Evan Greenberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, cho biết giao dịch hợp nhất đã bắt đầu đem lại hiệu quả, mặc dù ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận Quý I.

“Những tác động từ việc tập trung nguồn lực cho hoạt động hợp nhất đang giảm dần và ảnh hưởng bất lợi của tỷ giá sẽ giảm trong Quý II”, ông nói.

“Trên thực tế, chúng tôi đã thấy những dấu hiệu đó.

“Tỷ lệ tái tục hợp đồng của khách hàng tại Chubb trong Quý I vẫn rất tốt, do đó tác động tới tăng trưởng chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh mới – đây là các lĩnh vực chúng tôi đang tập trung nguồn lực để phát triển”.

Chubb cho biết, quá trình hợp nhất vẫn đang tiến triển tốt và sẽ tiết kiệm chi phí khoảng 750 triệu USD vào năm 2018 so với mức 650 triệu USD dự kiến ban đầu.

BTV (tổng hợp).

 

Comments are closed.