TIÊU ĐIỂM TUẦN 19 NĂM 2015

New Zealand: 11 tỷ USD bồi thường động đất Canterbury; AXA được nâng room sở hữu lên 49% tại Ấn Độ; Generali khai trương hoạt động tại Quảng Ninh

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả bảo hiểm cho khách hàng gửi tiền tại BIDV

(TBTCO) – Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa chi trả 16 triệu đồng tiền bảo hiểm cho gia đình khách hàng Lê Duy Phương tại Quảng Trị theo điều kiện của sản phẩm bảo hiểm An sinh toàn diện.

Được biết, khách hàng Lê Duy Phương đã gửi tiết kiệm theo chương trình Tích lũy bảo an tại BIDV Quảng Trị và được tặng sản phẩm bảo hiểm An sinh toàn diện của BIC kể từ ngày 22/1/2014.

Ngày 24/1/2015, trong khi tham gia giao thông, anh Phương không may gặp tai nạn và tử vong sau đó. Trên cơ sở hướng dẫn và phối hợp của BIDV và BIC, gia đình anh Phương đã thực hiện các thủ tục cần thiết để được chi trả bảo hiểm theo quy định. Cụ thể, theo điều kiện của sản phẩm An sinh toàn diện, số tiền gia đình khách hàng được chi trả tương đương với số dư tài khoản tích lũy của khách hàng tại BIDV tính đến thời điểm gặp rủi ro là 16 triệu đồng.

An sinh toàn diện là sản phẩm bảo hiểm con người được tích hợp trong các chương trình tiền gửi tích lũy của BIDV, bao gồm: Tích lũy bảo an, Tích lũy hưu trí và Tích lũy trẻ em. Khi khách hàng tham gia tiền gửi tích lũy định kỳ tại BIDV sẽ được tặng ngay bảo hiểm BIC – An sinh toàn diện. Theo đó, trong trường hợp khách hàng chẳng may gặp rủi ro hoặc tai nạn không lường trước được, khách hàng sẽ được nhận nhân đôi số tiền đã được gửi vào tài khoản của khách hàng, bao gồm cả số lãi tính đến thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.

PJICO Bình Phước trả tiền bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện

(PJICO) – Chiều 6-5, ông Nguyễn Mạnh Hải, quyền Giám đốc Công ty bảo hiểm PJICO Bình Phước đã đến động viên, chia buồn và trao 40 triệu đồng cho chị Ngô Thị Hương (ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp) có chồng là anh Phan Văn Vinh (1982) bị chết do tai nạn điện. Gia đình chị Hương là hộ cận nghèo của xã Thanh Hòa 2 năm nay. Anh Vinh mất khi chị Hương đang mang bầu và 2 con còn nhỏ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, tháng 3-2015, gia đình chị Hương có tham gia chương trình “Bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện” với 100.000 đồng/năm của Công ty bảo hiểm PJICO Bình Phước. Đến ngày 11-4, trong lúc bơm nước tưới tiêu, anh Vinh đã vô tình chạm vào dây kẽm cột máy bơm nước bị rò điện dẫn đến tử vong. Sau khi xảy ra sự việc, đại diện Công ty bảo hiểm PJICO đã kịp thời hoàn tất thủ tục bồi thường cho gia đình. Ông Hải cho biết: Đây là trường hợp đầu tiên trong tỉnh tham gia bảo hiểm xảy ra sự cố và được nhanh chóng bồi thường ngay theo quy định. Công ty triển khai chương trình bảo hiểm này từ cuối năm 2013 nhằm chia sẻ với những gia đình không may gặp sự cố tai nạn điện.

2. Một vòng doanh nghiệp

PTI thay đổi chủ tịch HĐQT và TGĐ

(ĐTCK) – Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, Bộ Tài chính đã chính thức chấp thuận thay đổi nhân sự cấp cao đối với ông Nguyễn Trường Giang và ông Bùi Xuân Thu.

Cụ thể, ông Nguyễn Trường Giang – nguyên Tổng Giám đốc sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay ông Phạm Anh Tuấn, ông Bùi Xuân Thu – giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Ông Nguyễn Trường Giang có bằng thạc sỹ về quản trị kinh doanh tại trường Kinh tế Quốc dân. Về PTI với chức vụ Trưởng phòng Đầu tư vào tháng 3.2008, chỉ sau 6 tháng, ông đã được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. Đến năm 2011, ông được được bầu là Ủy viên HĐQT và được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Gia nhập vào PTI từ năm 2001 với vai trò là Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hải Phòng, đến năm 2010, ông Ông Bùi Xuân Thu chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc và giữ chức vụ này đến nay.

Tính đến hết tháng 4 năm 2015, PTI đạt doanh thu khoảng 650 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 32% kế hoạch kinh doanh của năm 2015. Trong đó, doanh thu về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nghiệp vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 51% so với cùng kỳ, trong khi đó, nghiệp vụ Hàng hải tăng trưởng 35%, nghiệp vụ bảo hiểm con người tăng 27% và nghiệp vụ tài sản kỹ thuật tăng -3%.

PTI kỳ vọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2015 sẽ đạt 2,106 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 141.5 tỷ đồng, tăng 72%. Cổ tức dự kiến chi trả ở mức 12%, cao hơn so với mức cổ tức 11% của năm 2014 đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Generali Việt Nam khai trương hoạt động tại Quảng Ninh

(ĐTCK) – Sáng ngày 8/5, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam chính thức khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng và Văn phòng tư vấn bảo hiểm với trang thiết bị hiện đại để phục vụ khách hàng tại tầng 12B, Tòa nhà Hạ Long DC, số 8 đường 25/4, phường Hồng Gai, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh là một trong những đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là 1 trong 4 trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Việc khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng và Văn phòng tư vấn bảo hiểm tại Quảng Ninh sẽ mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng, giúp người dân địa phương dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm đa dạng và dịch vụ chuyên nghiệp của Generali Việt Nam.

Ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, cho biết: “Việc mở rộng hoạt động kinh doanh đến Quảng Ninh, cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, thể hiện sự mạnh mẽ phát triển và khẳng định cam kết phát triển bền vững của Tập đoàn Generali tại Việt Nam”.

Nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành mới, Generali sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam.

Theo đó, Generali Việt Nam tiếp tục tuyển dụng những nhân sự phù hợp cho đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp, cũng như nhiều vị trí kinh doanh khác nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của Công ty tại địa phương.

Bên cạnh đó, Generali Việt Nam cũng không ngừng mang đến cho khách hàng những sản phẩm sáng tạo, độc đáo phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân Việt Nam và mới đây nhất là sản phẩm Bảo gia An thịnh – giải pháp hàng đầu cho những người thành đạt trong xã hội hiện có nguồn tài chính dồi dào và đang lựa chọn kênh đầu tư tốt nhất để bảo vệ và gia tăng khối tài sản cho mình.

Năm 2014, Generali Việt Nam đã có những bước chuyển biến rõ rệt với doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm cũng được giữ vững với mức phí bình quân trên mỗi hợp đồng đạt trên 17,2 triệu đồng (mức bình quân trên thị trường là khoảng 7 triệu đồng/hợp đồng).

Tính đến nay, Generali Việt Nam đã có các Văn phòng Tư vấn bảo hiểm và Trung tâm dịch vụ khách hàng tại TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Trong thời gian tới, Generali Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các thị trường tiềm năng khác.

VietinAviva ra mắt hệ thống đại lý

(ĐTCK) – Bảo hiểm nhân thọ VietinAviva vừa chính thức ra mắt hệ thống đại lý và khai trương văn phòng đại lý tại Hà Nội.

Hệ thống đại lý của VietinAviva sẽ được huấn luyện và đào tạo dựa trên những giá trị, giải pháp, sản phẩm, công nghệ, quy trình phân phối và bồi thường bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế của Tập đoàn Aviva. VietinAviva cũng trang bị cho tất cả các đại lý bảo hiểm công cụ mPOS – một trong những hình thức thanh toán phí bảo hiểm tiên tiến và hiện đại nhất thị trường.

Bên cạnh các hình thức thu phí truyền thống, chỉ với một chiếc smartphone, khách hàng của VietinAviva có thể sử dụng thẻ để thanh toán phí bảo hiểm tại bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.

Cùng với lễ ra mắt hệ thống đại lý, VietinAviva đồng thời khai trương văn phòng hoạt động đầu tiên tại Hà Nội. Trong năm 2015, VietinAviva cũng sẽ khai trương các văn phòng tại TP. HCM, Đà Nẵng và tiến tới nhanh chóng phủ sóng hệ thống đại lý trên toàn quốc.

MIC ra mắt phiên bản bảo hiểm vật chất xe ô tô ưu việt 

(MIC) – Kể từ ngày 1/5/2015, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội ra mắt dịch vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô phiên bản mới với nhiều tính năng vượt trội đem lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng khi sử dụng. Phiên bản mới có nhiều ưu việt như mở rộng bảo hiểm mất cắp bộ phận, bảo hiểm gián đoạn thiếu xe trong thời gian sửa chữa, bảo hiểm thủy kích, thay thế phụ tùng mới, chính hãng, không khấu hao. Trong thời gian qua, MIC không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới giúp khách hàng “chăm sóc xế yêu” của mình như hợp tác với 400 garage uy tín trên toàn quốc, thành lập 3 trung tâm cứu hộ giao thông miễn phí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, dễ dàng mua bảo hiểm qua website: www.baohiem247.vn, qua đầu số *566# và dịch vụ tra cứu bồi thường xe ô tô qua website: boithuong247.mic.vn cùng nhiều quà tặng hấp dẫn. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tham gia bảo hiểm xe cơ giới của MIC qua nhiều ngân hàng lớn như MB, Pvcombank, NCB, OCB, TP Bank,…theo chương trình ưu đãi dành cho khách hàng vay mua xe ô tô và nhiều showroom các hãng xe lớn.

Kết thúc Quý I/2015, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của MIC tăng trưởng 45%, trong đó doanh thu bảo hiểm vật chất tăng 70% so với cùng kỳ. MIC là DNBH có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường về bảo hiểm xe cơ giới và vươn lên TOP 6 DNBH lớn nhất trên thị trường bảo hiểm hiện nay.

BIC giảm phí cho khách hàng mua bảo hiểm du lịch trực tuyến

(BIC) – Chào đón mùa du lịch 2015, từ 29/4 – 29/7/2015, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) triển khai chương trình khuyến mãi “An tâm du lịch”, giảm phí cho khách hàng tham gia bảo hiểm du lịch quốc tế tại website www.baohiemtructuyen.com.vn.

Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng mua bảo hiểm du lịch quốc tế tại website www.baohiemtructuyen.com.vn sẽ được ưu đãi giảm phí từ 15 – 25%, cụ thể như sau:

Tổng phí bảo hiểm/đơn bảo hiểm Mức giảm phí

Trên 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng 15%

Trên 2 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng 20%

Trên 3 triệu đồng 25%

 

Sản phẩm bảo hiểm du lịch quốc tế của BIC được thiết kế linh hoạt với 5 chương trình: chương trình A (số tiền bảo hiểm là 10.000 USD/EUR), B (20.000 USD/EUR), C (30.000 USD/EUR), D (50.000 USD/EUR), E (100.000 USD/EUR). Khách hàng có thể lựa chọn chương trình phù hợp nhất theo nhu cầu và khả năng tài chính. Tham gia bảo hiểm du lịch quốc tế tại BIC, khách hàng sẽ được tận hưởng rất nhiều quyền lợi hấp dẫn và thiết thực như: cứu hộ y tế khẩn cấp, hỗ trợ tìm bác sĩ và bệnh viện, chi trả tiền khám điều trị ốm đau ở nước ngoài, tiền thất lạc hành lý, hoãn hủy chuyến bay… Đặc biệt, khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ cứu trợ y tế và hỗ trợ du lịch toàn cầu của Công ty Cứu trợ Quốc tế SOS.

Tham gia bảo hiểm du lịch quốc tế tại website www.baohiemtructuyen.com.vn, bên cạnh ưu đãi giảm phí, khách hàng còn được trải nghiệm rất nhiều tiện ích hấp dẫn như:

– Dễ dàng tra cứu các thông tin chi tiết về quyền lợi, biểu phí bảo hiểm, hướng dẫn bồi thường, hướng dẫn sử dụng dịch vụ cứu trợ toàn cầu SOS…

– Thanh toán online đơn giản, nhanh chóng thông qua các phương thức đa dạng như: chuyển khoản, thẻ quốc tế visa-master, thẻ nội địa, ví điện tử…

– Có thể đăng ký nhận ngay Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (với giá trị pháp lý tương đương với Giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng) qua email hoặc đăng ký nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng tận nhà trong vòng 1 ngày làm việc.

Bảo hiểm xe cơ giới từ 1/5: Doanh nghiệp hết thời cạnh tranh không lành mạnh

(TBTCVN) – Từ 1/5, doanh nghiệp điều chỉnh phí bảo hiểm xe ô tô theo quy định mới của Bộ Tài chính. Dưới đây là nội dung chính bài phỏng vấn ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ có mức tăng trưởng cao nhất trên thị trường phi nhân thọ, nhưng đây cũng là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ phí, mở rộng điều khoản diễn ra tràn lan khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bị thua lỗ về mặt nghiệp vụ. Thực hiện Thông tư số 124/2012/TT-BTC, Bộ Tài chính đã yêu cầu DNBH thua lỗ phải giải trình và đăng ký lại quy tắc, điều khoản, biểu phí để Bộ Tài chính phê chuẩn. Theo đó, Bộ Tài chính đã phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô mới được áp dụng từ 1/5.

Điều này sẽ có tác động tích cực đến thị trường xe cơ giới, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ phí, mở rộng điều khoản bảo hiểm, đảm bảo thị trường phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Nhờ vậy, các quy tắc, điều khoản bảo hiểm được thống nhất trên toàn thị trường đảm bảo công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Về biểu phí thì DNBH sẽ chia theo dòng xe, loại xe… Theo đó, chất lượng dịch vụ sẽ là khâu quyết định thành công của DNBH, những DNBH có dịch vụ tốt, giải quyết bồi thường nhanh, chính xác… sẽ được khách hàng lựa chọn.

Thời gian tới, nếu DNBH tiếp tục thua lỗ sẽ phải dừng triển khai và thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Tài chính (theo quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC hướng dẫn đánh giá, xếp loại DNBH có hiệu lực từ 1/3/2015). Đây là bước quan trọng để DNBH thích nghi với chế độ quản lý nhà nước mới và buộc phải kiểm soát được doanh thu, chi phí bồi thường. Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực hơn.

Về quy định tăng phí, ông Lộc nhận định mức phí chỉ tăng thêm 0,2% không phải là cao trong khi các nước khác mức này cao hơn nhiều, như Lào 6%, Nhật Bản là 5%… Ông Lộc cho rằng, khách hàng đủ “khôn ngoan” để đánh giá từng DNBH, chứ không vì mức phí rẻ mà ham bởi yếu tố phí bảo hiểm chỉ là một phần, chất lượng dịch vụ và hậu mãi mới là yếu tố quan trọng thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay các DNBH đã cơ cấu lại hoạt đông sản xuất kinh doanh và chú trọng đánh giá rủi ro theo từng nhóm khách hàng. Theo đó, biểu phí sẽ ưu đãi phí cho những khách hàng có độ rủi ro thấp, khách hàng có nhiều năm tham gia bảo hiểm, nhiều xe tham gia bảo hiểm, tổn thất thấp… tất nhiên là theo biểu phí an toàn của Bộ Tài chính hướng dẫn, điều này cũng giúp DNBH giữ chân khách hàng.

Đánh giá về xu hướng thị trường, ông Lộc nhận định thị trường đang có những thay đổi tích cực, tình trạng cạnh tranh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản bảo hiểm sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên về lâu dài vẫn cần phải thay đổi tích cực hơn, bởi giá xe ô tô sẽ giảm khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 và thuế xe các nước ASEAN vào Việt Nam đến 2018 sẽ bằng 0. Hiện nay dòng xe rẻ của các nước ASEAN đã vào Việt Nam, giá xe sẽ rẻ hơn và khi giá xe rẻ khách hàng sẽ thay đổi suy nghĩ về việc tham gia bảo hiểm.

Theo đó, khách hàng tham gia bảo hiểm bị tổn thất năm đầu có thể yêu cầu bồi thường bằng xe mới như các nước tiên tiến đang làm, hoặc xe bị tổn thất đến mức độ nào thì sẽ từ bỏ xe và không khôi phục nguyên trạng nữa. Cách bảo hiểm tổn thất cũng phải khác đi, sửa chữa sẽ không phải là sơn, vá, gò, hàn mà là thay mới bộ phận bị hư hỏng. Ví dụ, bẹp cửa xe thì phải thay mới cánh cửa, lúc đó chi phí bồi thường sẽ tăng. Điều này buộc các DNBH phải quan tâm đến việc hợp tác với nhà sản xuất, nhà phân phối để đảm bảo phụ tùng thay thế đạt chất lượng, giá thành phù hợp và phải thay đổi cách thức bảo hiểm cho khách hàng.

Đặc biệt, DNBH sẽ phải chú trọng đến công nghệ, dịch vụ, giải quyết bồi thường nhanh, phòng chống trục lợi hiệu quả… Như vậy mới đáp ứng nhu cầu và được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

3. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Quảng Trị: Nhiều doanh nghiệp trốn tránh nộp bảo hiểm

(TBTCO) – Trong năm 2014 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã chủ trì phối hợp với Liên đoàn lao động cùng các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra tại 64 doanh nghiệp đã phát hiện 11 doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; 28 doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ cho toàn bộ số lao động; 35 doanh nghiệp chưa chi trả kinh phí bảo hiểm xã hội; 15 doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng…

Đây chỉ là con số rất nhỏ trong toàn bộ 2.738 doanh nghiệp với trên 33.000 lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang hoạt động.

Thực trạng trên diễn ra trong nhiều năm qua, gây khó khăn cho các cấp chính quyền, đặc biệt hiện nay khi tình hình kinh tế thị trường mở rộng, rất nhiều doanh nghiệp mới được thành lập nên việc đảm bảo quyền lợi người lao động rất khó.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 276 doanh nghiệp mới thành lập với tổng số vốn đăng kí 889 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp sử dụng người lao động có trách nhiệm đóng 26% số tiền lương của người lao động; trong đó, 18% là tiền của doanh nghiệp và 8% được trích từ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị tính đến 31/12/2014, tổng số nợ bảo hiểm gần 17 tỷ đồng; trong đó, có 45 doanh nghiệp nợ trên 3 tháng. Tính đến ngày 31/3/2015, có 29 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ gần 20 tỷ đồng.

Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp nợ thời gian dài từ 4-5 năm, với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng không có khả năng nộp do doanh nghiệp đã phá sản. Rất nhiều trường hợp đã bị Bảo hiểm xã hội khởi kiện đưa ra tòa án, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ hoặc chây lì không chịu nộp bảo hiểm cho người lao động.

Riêng năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 51 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ trên 4,6 tỷ đồng bị Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị khởi kiện ra Tòa án xét xử. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp sau khi nộp đơn kiện do không liên lạc được với chủ doanh nghiệp để thực hiện luật tố tụng hoặc có những trường hợp tiến hành hòa giải nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện đúng như cam kết hòa giải.

Năm 2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi kiện 45 đơn vị với tổng số tiền nợ 7.529 triệu đồng, nhưng chỉ thu hồi được 2.389 triệu đồng sau khi thi hành án.

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Trị, hiện hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện việc báo cáo tình hình sử dụng lao động, chưa lập sổ theo dõi biến động lao động.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có sử dụng lao động thông qua cai thầu đều không nắm được danh sách người lao động gây khó khăn cho công tác quản lý lao động và thực hiện chế độ như: bảo hiểm xã hội, chế độ làm thêm giờ, nghỉ lễ tết, huấn luyện an toàn lao động, trang cấp thiết bị phương tiện bảo hộ lao động… nên rất khó để quản lý được việc thực hiện các quy định pháp luật của chủ doanh nghiệp đối với người lao động.

Sở dĩ có những nguyên nhân trên một phần do ý thức người lao động chưa được cao do không nắm rõ được quyền lợi của mình để đề xuất kiến nghị. Mặt khác, do hạn chế về nhận thức với tâm lý giữ được việc làm nên người lao động “nhắm mắt làm ngơ” trước việc doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, do mức xử phạt hành chính các doanh nghiệp còn thấp chỉ mang tính cảnh cáo chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận hình phạt để kéo dài thời gian nợ tiền bảo hiểm của người lao động.

4. Tin đào tạo

MIC đào tạo CBNV nâng cao dịch vụ khách hàng 

(MIC) – Trong tháng 5/2015, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo hiểm/Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm tổ chức các khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho CBNV MIC tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Chương trình đào tạo giới thiệu tổng quan về bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm và các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, con người, hàng hải, tài sản kỹ thuật, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp cho các học viên những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong từng nghiệp vụ bảo hiểm.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Nhân sự đánh giá, đây là khóa đào tạo rất hữu ích giúp CBNV MIC nâng cao kiến thức cũng như nghiệp vụ bảo hiểm và mong rằng 100% các học viên hoàn thành tốt bài kiểm tra cuối khóa được Trung tâm nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm cấp chứng chỉ. Việc CBNV MIC hoàn thành khóa đào tạo giúp đáp ứng nhu cầu bảo hiểm, xử lý bồi thường của khách hàng ngày càng tốt hơn.

II. Tin quốc tế

Ấn Độ: AXA là công ty đầu tiên được nâng room sở hữu lên 49% 

(Asiainsurancereview) – Theo nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ, tập đoàn bảo hiểm AXA của Pháp vừa được sự phê duyệt của chính phủ Ấn Độ cho phép tăng vốn tại 2 liên doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ với công ty bảo hiểm nội địa Bharti lên 49%.

Đây là trường hợp tăng vốn đầu tiên được Ủy ban xúc tiến đầu tư nước ngoài của Ấn Độ (FIPB) chấp thuận kể từ khi quốc hội nước này thông qua luật bảo hiểm sửa đổi bổ sung vào tháng 3, theo đó cho phép nâng room vốn đầu tư ngoại tại các công ty bảo hiểm trong nước lên 49%.

AXA hiện nắm giữ 26% cổ phần tại các liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Bharti AXA và Bảo hiểm phi nhân thọ Bharti AXA, số còn lại thuộc sở hữu của Bharti Enterprises.

Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, căn cứ phê duyệt, AXA sẽ đầu tư thêm 8,59 tỷ INR (135 triệu USD) vào liên doanh nhân thọ và 4,31 tỷ INR vào liên doanh phi nhân thọ với Bharti.

Các hãng bảo hiểm nước ngoài khác cũng đang lập kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại các liên doanh với doanh nghiệp Ấn Độ.

Cụ thể, hãng bảo hiểm Cigna (Hoa Kỳ) sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại liên doanh bảo hiểm sức khỏe JB-Cigna TTK từ mức 26% lên 49%.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Ấn Độ (Bank of India, ngân hàng lớn thứ hai tại nước này) đang bắt đầu quá trình thu hẹp tỷ lệ sở hữu của mình tại công ty BHNT Star Union Dai-ichi từ 48% xuống còn 25-28%. Star Union Dai-ichi là liên doanh giữa Ngân hàng Ấn Độ, Ngân hàng Liên đoàn Ấn Độ (26%) và công ty BHNT Dai-ichi Life của Nhật Bản (26%).

Theo Thời báo Ấn Độ, công ty bảo hiểm Tokio Marine (Nhật Bản) cũng đang lập kế hoạch tăng vốn tại liên doanh BHNT India — Edelweiss Tokio với giá trị đầu tư khoảng 4,5-5 tỷ INR. Tokio Marine hiện đang nắm giữ 26% cổ phần của liên doanh này.

Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng quốc doanh State Bank of India (SBI) vừa thông báo về việc thoái vốn khoảng 10% tại công ty con BHNT SBI Life – đây là liên doanh giữa SBI (74%) và BNP Paribas Cardif của Pháp (26%).

SBI cũng thông báo kế hoạch thoái vốn tại liên doanh BHNT SBI General. Hiện tại, SBI đang nắm giữ 74% cổ phần và số còn lại thuộc về Insurance Australia Group của Úc. Sau khi thoái vốn, SBI sẽ chỉ nắm giữ 51% sở hữu tại liên doanh này.

Áp lực gia tăng khi thời điểm hiệu lực của Solvency II đang đến gần

(Insurancenews) – Theo Moody’s, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn sẽ duy trì thái độ thận trọng về quản lý tài chính trong quá trình chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng Luật Đảm bảo khả năng thanh toán II (Solvency II).

Hãng định giá tín nhiệm này cho biết quy định mới tạo áp lực lớn lên các tỷ lệ vốn trong điều kiện lãi suất thấp và yêu cầu pháp lý về thay đổi các mô hình nội bộ.

Ông Benjamin Serra, Phó Tổng Giám đốc Moody’s, dự kiến các tỷ lệ theo quy định của Solvency II (áp dụng từ 1/1/2016) sẽ thấp hơn các tỷ lệ vốn năm 2014.

“Cơ quan quản lý nhiều khả năng sẽ yêu cầu thay đổi các quy định về vốn hoặc phải bổ sung vốn trước khi chấp nhận các mô hình nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm được áp dụng Solvency II”, ông nói.

“Cùng với xu hướng giảm lãi suất, điều này sẽ khiến cho các tỷ lệ theo quy định của Solvency II thấp hơn tỷ lệ vốn hiện hành”.

Theo Moody’s, sự không thống nhất về các mô hình nội bộ là khá phổ biến tại các doanh nghiệp bảo hiểm châu Âu, nhất là đối với các giả định về chi phí vốn của các khoản nợ chính phủ.

Áp lực về tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng vốn. Bên cạnh đó, các hãng bảo hiểm có rủi ro về lãi suất càng lớn thì sẽ càng chịu nhiều áp lực từ quy định đảm bảo khả năng thanh toán của Sovency II. Đây là trường hợp của một số công ty bảo hiểm tại Đức, Hà Lan và Na Uy.

Mặc dù lãi suất thấp ảnh hưởng tới thu nhập và lợi nhuận đầu tư, Moody’s tin rằng trong năm nay, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải tiến hành những điều chỉnh lớn về phân bổ tài sản và nâng giá trị tổng tài sản chịu rủi ro để tăng thu nhập đầu tư.

Luật Đảm bảo khả năng thanh toán II yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm duy trì mức chi phí vốn đối với tất cả các tài sản chịu rủi ro. Điều này làm giảm các tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định.

New Zealand: Bồi thường 11 tỷ USD cho thảm họa động đất tại Canterbury

(Asiainsurancereview) – Theo Hội đồng bảo hiểm New Zealand (ICNZ), từ khi xảy ra các vụ động đất tại Canterbury năm 2010 và 2011 đến nay, ngành bảo hiểm nước này đã chi trả xấp xỉ 15 tỷ NZD (11 tỷ USD) tiền bồi thường bảo hiểm thiệt hại do động đất, trong đó trên 6 tỷ NZD bồi thường cho các tổn thất trong nước.

Cụ thể, các hãng bảo hiểm đã giải quyết bồi thường 15.000 khiếu nại bảo hiểm nhà tư nhân vượt quá giới hạn trách nhiệm, trong đó có 1.100 vụ trong quý I/2015 – tương đương 12 vụ/ngày. Đến cuối tháng 3/2015, tổng số khiếu nại bồi thường vượt giới hạn trách nhiệm là 24.200 vụ.

Khiếu nại bồi thường vượt giới hạn trách nhiệm là các vụ khiếu nại trong đó chi phí sửa chữa hoặc thay thế nhà cửa vượt quá trần bồi thường của Ủy ban động đất (EQC). Theo quy định, trần EQC đối với hầu hết dân chúng tại New Zealand là 100.000 NZD (chưa bao gồm thuế GTGT). Nếu thiệt hại của mỗi vụ tổn thất vượt quá trần EQC, trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế nhà cửa sẽ được chuyển giao cho các công ty bảo hiểm. EQC là cơ quan chính phủ chuyên cung cấp bảo hiểm thiên tai cho các chủ sở hữu nhà tư nhân.

Căn cứ số liệu do ICNZ và Cơ quan Phục hồi động đất Canterbury (CERA) cung cấp, tính đến nay, 71% tổng số vụ khiếu nại vượt giới hạn trách nhiệm đã được giải quyết. Ở đây, “giải quyết” được hiểu là đang tiến hành quá trình sửa chữa/xây dựng lại, theo đó các hợp đồng xây dựng đã ký kết. 23% tổng số vụ khiếu nại vượt giới hạn trách nhiệm đang trong quá trình chờ thanh toán tiền hoặc việc sửa chữa/xây dựng lại đang trong quá trình thương thảo giá và thiết kế. CERA là cơ quan của chính phủ chỉ đạo và phối hợp việc phục hồi các thảm họa động đất tháng 9/2010 và tháng 2/2011.

Theo ông Tim Grafton, Tổng Giám đốc ICNZ, quá trình sửa chữa/xây dựng lại tại Christchurch kéo dài hơn dự kiến của các hãng bảo hiểm. “Một số hãng bảo hiểm đã khuyến nghị khách hàng lựa chọn hình thức tự quản lý tiến độ sửa chữa/xây dựng lại thay vì phối hợp với công ty bảo hiểm hoặc xếp hàng chờ đợi đến lượt mình”.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 11.200 khiếu nại vượt mức giới hạn bồi thường được xử lý theo hướng trả tiền cho người được bảo hiểm mua nhà và tự quản lý quá trình sửa chữa/xây dựng lại. Số khách hàng chờ giải quyết từ công ty bảo hiểm là 570. Ngoài ra, 430 khách hàng chưa ra quyết định về hình thức nhận bồi thường.

Theo ICNZ, trong tổng số 64.576 vụ khiếu nại vượt giới hạn trần EQC, 89% số vụ đã được giải quyết hoàn toàn.

Thái Lan: DN bảo hiểm có thể giảm phí do thị trường trầm lắng 

(Asiainsurancereview) – Theo ông Chai Sophonpanich, Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm Bangkok (BKI), thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Thái Lan dự kiến chỉ tăng trưởng 5% năm 2015 thay vì kế hoạch 9% do tăng trưởng kinh tế trong quý I thấp hơn kỳ vọng.

Tờ báo The Nation dẫn lời ông Chai Sophonpanich cho biết tổng doanh thu phí BKI cũng có thể chỉ tăng trưởng 5%, bằng với mức tăng trưởng chung của ngành, do điều kiện kinh doanh của hãng không thuận lợi.

Hiện tại, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu đến từ lĩnh vực bảo hiểm ô tô, bảo hiểm các dự án của chính phủ và hoạt động kinh doanh của khối tư nhân. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu bán xe mới giảm 12% và chi tiêu chính phủ giảm thấp hơn dự kiến. Niềm tin của khách hàng đứng ở mức thấp kể từ quý IV năm trước.

Khi nhu cầu thị trường giảm sút, doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng hạ giá phí nhằm lôi kéo khách hàng của các hãng bảo hiểm khác. Vì vậy, biên lợi nhuận và khả năng sinh lời của ngành bảo hiểm Thái Lan năm 2015 giảm thấp so với các năm trước.

Châu Âu: thiệt hại do bão Mike-Niklas gây ra ước tính 853 triệu Euro

(Canadianunderwriter) – Công ty phân tích dữ liệu thảm họa bảo hiểm PERILS (Zurich, Thụy Sỹ) vừa đưa ra dự kiến ban đầu về tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm do hậu quả của các cơn bão Mike và Niklas tại trung và tây Âu là khoảng 853 triệu Euro.

Hai trận bão này xảy ra chỉ cách nhau 36 giờ (từ 29/3 đến 1/4) và cùng gây ảnh hưởng tại những khu vực địa lý tương tự. Tuy nhiên, Niklas là cơn bão mạnh hơn.

Bình luận về những yếu tố kể trên, PERILS cho biết: “phân tách tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm đối với từng cơn bão là không hề đơn giản, vì vậy tổn thất được tính chung cho cả Mike và Niklas”.

Tuy nhiên, phần lớn thiệt hại (tính theo số liệu của doanh nghiệp bảo hiểm và không tính tới những tổn thất được chính phủ bồi thường) xảy ra trên lãnh thổ nước Đức.

Những nước phải gánh chịu tổn thất ít hơn (dựa trên số liệu ban đầu) là Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ và Anh.

Theo ông Edi Held, Giám đốc sản phẩm tại PERILS: “có hai yếu tố đặc trưng khiến Mike-Niklas khác biệt so với các trận bão tương tự”. Một là chúng xảy ra vào cuối mùa mưa bão của châu Âu, và hai là “hầu như tất cả các vùng của nước Đức đều chịu sức gió phá hủy với tốc độ trên 80km/h”.

Ông Held cho biết thêm: “lần cuối nước Đức phải hứng chịu gió bão mạnh trên diện rộng là cơn bão Kyrill tháng 1/2007, mặc dù những trận bão đổ bộ sau đó thậm chí còn mạnh hơn”.

Báo cáo tiếp theo của PERILS về hậu quả của Mike-Niklas dự kiến sẽ phát hành vào ngày 29/6 tới đây.

BTV (tổnghợp).

Comments are closed.