TIÊU ĐIỂM TUẦN 17 NĂM 2018

Talanx muốn sở hữu chi phối tại PVI; SCIC chưa thoái vốn tại Bảo Minh; Ngành bảo hiểm tăng đầu tư vào quỹ cổ phần tư nhân

I. Tin trongnước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Trao tiền bảo hiểm cho nam sinh tử vong do thi đấu võ cổ truyền

(PTI) – Ngày 24/04, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Gia Lai đã đến chia buồn cùng gia đình em Trần Hường (sinh năm 1999, trú huyện Chư Pưh, Gia Lai) và chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm là 15 triệu đồng cho thân nhân của em theo hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người.

Được biết, hợp đồng trên do ban tổ chức Đại hội thể dục thể thao tỉnh thuộc Sở Văn hóa-Thể dục-Thể thao Gia Lai ký với Công ty Bảo hiểm Bưu điện Gia Lai vào ngày 28-3-2018 cho gần 1.400 vận động viên trong thời gian thi đấu các môn tại ‘đại hội thể dục thể thao tỉnh Gia Lai lần thứ VIII năm 2018”, với mức phí bảo hiểm là 50.000 đồng/vận động viên. Tính đến trước vụ rủi ro của em Hường, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Gia Lai đã chi trả 4 vụ tổn thương thân thể cho vận động viên trong quá trình thi đấu theo tỷ lệ thương tật.

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Libertybảo hiểm sức khỏebảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Trước đó, chiều ngày 17/04, sau khi thi đấu môn võ cổ truyền trong trận chung kết, em Hường có biểu hiện nôn ói và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Sau đó, các bác sĩ phát hiện có máu tụ trong não nên tiến hành mổ và sau 5 ngày hôn mê, em Hường tử vong. Qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án của bệnh viện, Sở Y tế Gia Lai kết luận, bệnh nhân Hường được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tử vong do bị chấn thương sọ não nặng.

Cháy lớn quán cà phê hồ Tuyền Lâm Đà Lạt

(Laodong) – Vào khoảng 6h30, ngày 28.4, tại một quán cà phê nằm trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vụ cháy, khiến 10 chiếc xe cổ và toàn bộ vật dụng bên trong bị thiêu rụi.
Vào thời điểm trên, người dân sống xung quanh nghe tiếng nổ lớn phát ra từ quán cà phê Pini, do quán được làm chủ yếu bằng gỗ và vật liệu dễ bắt lửa nên ít phút sau ngọn lửa đã bao trùm tòa bộ quán.

Thời điểm xảy ra vụ cháy, không có khách đến ăn sáng và uống cà phê nên may mắn không gây thiệt hại về người.
Nhận được tin báo, lực lượng PCCC tỉnh Lâm Đồng đã điều động nhiều xe chữa cháy và chiến sĩ đến tiến hành dập lửa.

Tại hiện trường, 10 chiếc xe cổ dùng để trưng bày trong quán cà phê cũng bị ngọn lửa thiêu rụi cùng toàn bộ vật dụng bên trong rộng gần 200 m2. Ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.

Đến 8h sáng cùng ngày công tác chữa cháy vẫn đang được triển khai. Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

2. Một vòng doanh nghiệp

Talanx muốn nắm cổ phần chi phối tại PVI

(Dân trí) – Chiều 19/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp ông Christian Hinch, Phó Chủ tịch Tập đoàn TalanxAG và Chủ tịch HDI Global SE- doanh nghiệp đang sở hữu trên 47%% cổ phần tại Công ty cổ phần bảo hiểm Dầu khí (PVI).

Ông Christian Hinch cho biết Tập đoàn Talanx (Cộng hoà Liên bang Đức) đầu tư vào Việt Nam từ năm 2011 với việc nắm giữ 25% cổ phần tại PVI. Tới nay, Talanx đã nâng tỷ lệ sở hữu tại PVI lên trên 47%, phần lớn cổ phần còn lại thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Talanx mong muốn nắm giữ cổ phần chi phối tại PVI, đáp ứng lợi ích và yêu cầu của các cổ đông tại PVI là phát triển phạm vi hoạt động của công ty bảo hiểm này ra thị trường ASEAN. Để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch Talanx đề nghi Chính phủ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp lên trên mức 49%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thị trường doanh thu bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại Việt Nam tăng trưởng nhất nhanh nhưng quy mô còn rất khiêm tốn so với GDP của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tái cơ cấu lại để phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Việc PVI tham gia, mở rộng đầu tư tại Việt Nam phù hợp với chủ trương tái cơ cấu hệ thống tài chính, tín dụng, trong đó có thị trường bảo hiểm.

Với vai trò cổ đông lớn, Talanx đã giúp PVI nâng cao năng lực quản trị, tăng cường nguồn nhân lực. Chính phủ Việt Nam chủ trương thoái hết vốn góp của PVN tại PVI và hoan nghênh Talanx tham gia mua lại số cổ phần của PVN. Chính phủ sẽ giao Bộ Công Thương nghiên cứu việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại PVI, xây dựng lộ trình thoái vốn, phương pháp thoái vốn, giá bán phù hợp với các cam kết của PVI với PVN trước đây.

Quý I/2018, Bảo hiểm PVI đạt hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu

(ĐTCK) – Ngày 23/4/2018 tại Đà Nẵng, Bảo hiểm PVI đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh quý I/2018 và triển khai kế hoạch kinh doanh quý II/2018.

Kết thúc quý I/2018, Bảo hiểm PVI đạt tổng doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng, hoàn thành trên 115% kế hoạch quý và 27% kế hoạch năm, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Khối bán lẻ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, doanh thu từ các đơn vị thành viên tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ tăng, các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp được chủ động tập trung đẩy mạnh.
9 tháng cuối năm, Bảo hiểm PVI cho biết, sẽ giữ vững khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp trên cơ sở xây dựng chương trình bảo hiểm an toàn và hiệu quả cho các tài sản, công trình, hoạt động của khách hàng.

ĐHĐCĐ Bảo Minh: SCIC chưa thoái vốn trong năm nay

(BMI) – Tại Đại hội đồng cổ đông Tổng CTCP Bảo Minh hôm 24/4, đại diện Quỹ đầu tư PXP chất vấn một loạt câu hỏi liên quan đến tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm của BMI năm 2018, kế hoạch mở room cho nhà đầu tư ngoại tại BMI, kế hoạch thoái vốn của SCIC tại BMI, kế hoạch của cổ đông chiến lược nước ngoài AXA về việc mua thêm cổ phiếu BMI.

Đáp lại câu hỏi của cổ đông PXP, Đoàn Chủ tịch cho biết, năm 2018, BMI đặt kế hoạch tăng trưởng 8% doanh thu bảo hiểm gốc, tăng trưởng 3% nhận tái bảo hiểm.

Còn về room ngoại, theo trả lời bằng văn bản từ Bộ Tài chính, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như BMI hay doanh nghiệp tái bảo hiểm như Vinare, tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư ngoại là 49%.

“SCIC đang tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp, trong đó có BMI theo kế hoạch được Chính Phủ phê duyệt. Liên quan đến việc thoái vốn tại BMI, SCIC sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để thoái vốn. Khi thoái vốn sẽ có phương án phù hợp, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2018 không có nội dung thoái vốn tại BMI”, ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐQT BMI cho biết.

Về nhà đầu tư chiến lược nước ngoài AXA, lãnh đạo BMI cho biết, nhà đầu tư này đang chờ đợi những thay đổi trong quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài tại BMI, chủ trương của AXA là linh hoạt và cởi mở đối với mọi cơ hội đầu tư mua bán cổ phần của BMI.

Đại hội cũng đã nhất trí thông qua mọi tờ trình, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2018 với tổng doanh thu 4.318 tỷ đồng (tăng trưởng 5%), lãi trước thuế 210 tỷ đồng (trong đó lãi từ kinh doanh là 50 tỷ đồng, lãi từ hoạt động tài chính và khác là 160 tỷ đồng), kiểm soát tỷ lệ bồi thường ở mức thấp hơn năm 2017. Năm 2017, BMI đạt hơn 3.911 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, lãi trước thuế 198 tỷ đồng.

Đại hội cũng đã miễn nhiệm và bầu bổ sung HĐQT/Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2014- 2019.
Cũng theo thông tin từ BMI, kết thúc quý I/2018, Công ty lãi sau thuế 67,89 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng trưởng mạnh là chủ yếu do năm nay thay đổi phương pháp dự phòng phí so với cùng kỳ năm trước (áp dụng phương pháp dự phòng toán học đối với các loại hình bảo hiểm tử kỳ). Ngoài ra, do diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán, nên kết quả kinh doanh hoạt động đầu tư tăng đáng kể so với cùng kỳ.

10 năm, doanh thu Bảo hiểm Hàng Không tăng gấp 10 lần

(ĐTCK) – Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) tối 23/4, bà Lê Thị Hà Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNI cho biết, với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 500 tỷ đồng, thành lập 5 chi nhánh, doanh thu năm đầu đạt khoảng 80 tỷ đồng, sau 10 năm hoạt động, đến nay, vốn điều lệ của VNI tăng gấp 1,6 lần (đạt 800 tỷ đồng).

Doanh thu tăng gấp 10 lần (đạt xấp xỉ gần 1.000 tỷ đồng), tổng tài sản tăng gấp 2,5 lần (đạt 1.600 tỷ đồng). Công ty thành viên tăng gấp 5,8 lần (29 Công ty), triển khai khai thác hơn 100 sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, tàu thuyền, tài sản kỹ thuật, con người và bảo hiểm hàng không.

Trong 2 năm từ 2016-2017, VNI đã có bước phát triển đột biến, tăng 5 bậc xếp hạng về thị phần đứng thứ 16/29 và đang dần hướng tới TOP 10.

Bà Thanh cho biết, với quan điểm phát triển hiệu quả, an toàn, VNI sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới có chọn lọc; đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng, giám định bồi thường, xây dựng công nghệ lõi insurtech; quản trị doanh nghiệp hiện đại hướng chuẩn quốc tế, hướng đến TOP 10 doanh nghiệp bảo hiểm tốt nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Đại diện cho cơ quan quản lý, ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ghi nhận thành tích mà VNI đã đạt được trong 10 năm qua. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, hoạt động của VNI có bước chuyển mình mạnh mẽ, mạng lưới phát triển nhanh, là một trong các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường (gấp 3 lần mức tăng bình quân của thị trường), kiểm soát tốt hoạt động bồi thường, biên khả năng thanh toán luôn được đảm bảo ở mức cao.

PTI ra mắt Bảo An khang trên mạng Viettel

(PTI) – Sau 6 tháng tích cực chuẩn bị, ngày 20/04/2018, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã cho ra mắt Bảo An Khang – sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ viện phí đầu tiên triển khai trên mạng di động đến đông đảo thuê bao Viettel trên toàn quốc.

Bảo An Khang dành cho khách hàng từ độ tuổi 5 – 65 với các quyền lợi thiết yếu bao gồm trợ cấp nằm viện, hỗ trợ phẫu thuật trong trường hợp bệnh tật và tai nạn, quyền lợi tử vong khi đang điều trị rủi ro do tai nạn tại bệnh viện. Khách hàng không phải kiểm tra sức khỏe mà chỉ cần cam kết tình trạng sức khỏe ngay trên mẫu đơn đăng ký online hoặc xác nhận trên điện thoại.

Điểm nổi bật của sản phẩm là khách hàng có thể tự chọn cách thức tham gia thuận tiện nhất cho mình ngay trên di động: gọi tổng đài tư vấn 1900 633 699, nhắn tin cú pháp BAK gửi về 5515 để nhận tư vấn hoặc đăng ký tại website http://baoankhang.baohiem-online.vn/lp/

Ngoài ra, để đảm bảo mọi thuê bao đều có thể tiếp cận được dịch vụ, tới đây Bảo An Khang cũng sẽ được triển khai qua kênh USSD, tổng đài IVR và các kênh kỹ thuật số khác của nhà mạng Viettel.

Phí bảo hiểm sẽ được đóng theo tuần qua tài khoản di động của khách hàng đối với thuê bao trả trước và ghi nhận vào hóa đơn cước hàng tháng đối với thuê bao trả sau. Các lựa chọn thanh toán phí qua ví điện tử cũng sẽ được triển khai trong năm 2018.

Bên cạnh việc chi trả quyền lợi bảo hiểm qua internet banking, chuyển khoản, PTI vẫn duy trì kênh chi trả truyền thống qua mạng lưới 10.800 bưu cục – điểm bán lẻ kênh Bưu điện của PTI trên toàn quốc.

Song song với việc cung cấp sản phẩm, bán hàng và vận hành nghiệp vụ của PTI, Viettel cũng đã hoàn thiện nền tảng kỹ thuật để đảm bảo trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Việc ra mắt sản phẩm Bảo An Khang đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược trở thành công ty bảo hiểm bán lẻ dẫn đầu thị trường và tiên phong phát triển và ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI.

3. Tin đào tạo

MIC đào tạo kỹ năng bán hàng KHDN và thẩm định nghiệp vụ TSKT, Hàng hải

(MIC) – Ngày 16/04/2018 tại Nhà khách La Thành, 218 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Đống Đa, Hà Nội, Khối PTNNL đã phối hợp cùng Khối Kinh doanh, Khối Nghiệp vụ tổ chức Chương trình “Đào tạo kỹ năng bán hàng KHDN và thẩm định nghiệp vụ TSKT, Hàng hải” cho CBNV các Công ty thành viên khu vực phía Bắc trong 2 ngày từ ngày 16/4 đến 17/4/2018.

Đến khai giảng khóa học còn có sự tham dự của Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Hiện, đại diện các Khối Kinh doanh, Khối PTNNL và 66 học viên là CBNV của các Công ty thành viên khu vực phía Bắc.

Với mục tiêu bổ sung, cập nhận những kiến thức cần thiết cho CBNV để đáp ứng yêu cầu công việc, khóa đào tạo đã được các giảng viên nội bộ của MIC truyền tải đến học viên những kiến thức bổ ích. Kết thúc khóa học, các học viên đủ điều kiện đã được cấp Chứng chỉ chứng nhận hoàn thành khóa học.

Thời gian tới, Tổng Công ty tiếp tục thực hiện đào tạo các khóa học tương tự và các khóa đào tạo khác đáp ứng yêu cầu công việc cho CBNV trên toàn hệ thống của MIC nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Tổng Công ty.

4. Quản lý thị trường bảo hiểm

Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

(TBTCO) – Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ gồm: 1- Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; 2- Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm; 3- Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ gồm:

1- Rủi ro thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2- Rủi ro dịch bệnh gồm: a- Dịch bệnh động vật: Dịch bệnh động vật trên cạn (các bệnh truyền nhiễm của động vật trên cạn theo danh mục bệnh động vật phải công bố dịch (bao gồm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật) do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y); Dịch bệnh động vật thủy sản (các bệnh của động vật thủy sản theo danh mục bệnh phải công bố dịch do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y); b- Dịch hại thực vật: Sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại nghiêm trọng đối với thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Nghị định nêu rõ dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định, địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể triển khai toàn bộ địa bàn hoặc trên một số địa bàn cấp huyện, xã. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được hỗ trợ, loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn được hỗ trợ tổ chức lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc hỗ trợ phí bảo hiểm được thực hiện thông qua doanh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định khi đã thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu sau:

1- Được triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp theo Giấy phép thành lập và hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về vốn, khả năng thanh toán theo quy định, có quy trình của doanh nghiệp bảo hiểm về khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm nông nghiệp, quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ theo quy định pháp luật; có chương trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.

2- Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hoặc doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định làm đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

5. Tin quốc tế

Bảo hiểm HSBC bổ nhiệm Giám đốc Phát triển sản phẩm và Actuary

(IAN) – Ông Alistair Chamberlain, cựu Giám đốc Tài chính của AIA, vừa gia nhập công ty Bảo hiểm HSBC với tư cách là Giám đốc Phát triển sản phẩm và Actuary toàn cầu. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 16/4.

Trong vai trò mới này, ông Chamberlain được giao nhiệm vụ lãnh đạo các nhóm actuary toàn cầu và dẫn dắt sự phát triển và quản lý tất cả các giải pháp sản phẩm do HSBC sản xuất.

HSBC cho biết, ông Chamberlain cũng sẽ giám sát các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm có nguồn gốc đối tác của Tập đoàn.
Ông Chamberlain từng là Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực của AIA và là người đứng đầu nhóm chiến lược sản phẩm.

Trước khi gia nhập HSBC, ông là Giám đốc Sản phẩm và tiếp thị khu vực tại Aviva.
HSBC cho biết việc bổ nhiệm ông Chamberlain là một minh chứng rõ ràng về cam kết của ngân hàng trong việc phát triển và tăng cường hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong khu vực và trên toàn cầu.

Ông Chamberlain sẽ làm việc tại trụ sở Singapore.

Markel bổ nhiệm Chuyên gia Đánh giá rủi ro cao cấp tại Singapore

(IAN) – Hãng bảo hiểm Markel International (Anh) đã bổ nhiệm ông Nicholas Davies làm Chuyên gia Đánh giá rủi ro tín dụng thương mại và Chuyên gia phân tích rủi ro cao cấp tại Singapore.

Ông Davies báo cáo lên ông Abhishek Chhajer, Giám đốc Bảo hiểm tín dụng thương mại châu Á Thái Bình Dương và sẽ tập trung phát triển danh mục đầu tư của Markel trên toàn khu vực, bên cạnh việc quản lý các mối quan hệ giữa khách hàng và nhà môi giới hiện tại.

Ông Davies có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ ngành ngân hàng.

Năm 2012, ông đảm nhận vai trò Chuyên gia đánh giá rủi ro và tái bảo hiểm cấp cao tại công ty tái bảo hiểm Atradius Re, có kinh nghiệm làm việc tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Gần đây nhất, Davies là Chuyên gia đánh giá rủi ro cấp cao tại AIG Châu Âu ở Luân đôn.

Nhóm bảo hiểm tín dụng thương mại ở Singapore có phạm vi kinh doanh khắp châu Á, cung cấp bảo hiểm không thanh toán toàn diện trên cơ sở vượt mức bồi thường.

Bà Ewa Rose, Giám đốc Điều hành bảo hiểm tín dụng thương mại, rủi ro chính trị và bảo lãnh của Markel, cho biết: “Quyết định bổ nhiệm này thể hiện sự đầu tư liên tục của Markel vào các dòng sản phẩm của chúng tôi trên toàn cầu. Bề dày kinh nghiệm của ông Davies sẽ là một tài sản khổng lồ cho công ty chúng tôi”.

Trung Quốc xiết chặt xử phạm vi phạm về tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm-ngân hàng

(IAN) – Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát nhằm ngăn ngừa các loại rủi ro tài chính, tiếp tục củng cố vững chắc những kết quả đã đạt được trong quý đầu tiên của năm 2018. Trong một tuyên bố được phát hành trực tuyến, Cơ quan quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho biết, cơ quan này đang tích cực theo dõi và ngăn ngừa tất cả các vi phạm có thể xảy ra nhằm ngăn chặn rủi ro tài chính hệ thống.

Trong ba tháng đầu của chiến dịch chống vi phạm, đã có 646 hình phạt được áp dụng đối với các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm nước này.

Các trường hợp vi phạm bao gồm cơ chế quản trị doanh nghiệp không hiệu quả và vi phạm các quy định an toàn vĩ mô.
Tổng giá trị xử phạt lên tới 1,1 tỷ Tệ (184 triệu USD).

Ngoài ra, đã có 798 hình phạt áp dụng đối với các cá nhân vi phạm, với số tiền phạt là 28,6 triệu Tệ.

Philippines: Cảnh báo rủi ro đầu tư vào tiền điện tử

(AIR) – Cơ quan quản lý bảo hiểm Philippines đã cảnh báo các công ty bảo hiểm, các tổ chức khác thuộc sự quản lý và công chúng về những rủi ro liên quan đến giao dịch tiền điện tử.

Cụ thể, Ủy ban Bảo hiểm (IC) đã cảnh báo các công ty bảo hiểm, các công ty tiền lương, các tổ chức chăm sóc sức khỏe (HMO), các hiệp hội lợi ích tương hỗ, môi giới và đại lý, cũng như công chúng về rủi ro khi tham gia vào các giao dịch tiền tệ kỹ thuật số, đặc biệt khi chúng được sử dụng dưới dạng một hình thức đầu tư.

Trong một thông báo được đăng trên trang web của IC, Ủy viên bảo hiểm Dennis Funa cho biết văn phòng của ông “không trực tiếp hay gián tiếp xác nhận tiền điện tử là một hình thức đầu tư khả thi hoặc công cụ thanh toán liên quan đến bất kỳ và tất cả các giao dịch bảo hiểm, tiền đặt trước hoặc các giao dịch liên quan đến HMO”.

Ông cũng bình luận thêm rằng, mặc dù IC thừa nhận giá trị của công nghệ trong việc thúc đẩy kinh doanh song công nghệ tiền điện tử cũng có thể bị các nhóm tội phạm sử dụng vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, gian lận, lừa đảo và tài trợ khủng bố.

“Hơn nữa, tiền điện tử không được phát hành cũng như không được bảo đảm bởi bất kỳ chính phủ nào. Do đó, giá trị của nó hoàn toàn phụ thuộc vào cung và cầu của thị trường, điều này khiến cho tiền điện tử mang tính đầu cơ cao và không thích hợp cho đầu tư ”.

Tổn thất thảm họa tại châu Á lên tới 160 tỷ USD/năm kể từ năm 2030

(IAN) – Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tổn thất phát sinh từ thiên tai ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang gia tăng, nhưng chỉ có 8% trong số này thuộc bảo hiểm chi trả.

Sự cần thiết phải bảo hiểm cho nhiều tổn thất hơn nữa sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi Liên hợp quốc hy vọng giá trị tổn thất được bảo hiểm đạt 160 tỷ USD hàng năm kể từ năm 2030.

Việc nâng cao năng lực của khu vực tư nhân nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm thiên tai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay là điều cần thiết vì thiên tai và thảm họa thời tiết đang trở nên phổ biến hơn.
Ông Shamshad Akhtar, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhận định: “Giờ đây là lúc xây dựng giải pháp cho các vấn đề phức tạp này”.
Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra không được bảo hiểm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong 50 năm qua đã lên đến gần 1,3 nghìn tỷ USD.

Ngành bảo hiểm toàn cầu tăng đầu tư vào quỹ cổ phần tư nhân

(IAN) – Các công ty bảo hiểm toàn cầu đang có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư vào quỹ cổ phần tư nhân trong vòng 12 tháng tới.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Goldman Sachs Asset Management (GSAM), 32% các công ty bảo hiểm toàn cầu đang muốn tăng vốn đầu tư cổ phần tư nhân nhằm tìm kiếm lợi tức cao hơn.
Các công ty bảo hiểm đã thực hiện nhiều lựa chọn tài sản mạo hiểm hơn, vì lãi suất thấp đã làm chậm lợi tức đầu tư truyền thống.

Cuộc khảo sát có sự tham gia của 300 cán bộ quản lý cấp cao, quản lý hơn 10 nghìn tỷ USD tài sản bảo hiểm. Kết quả khảo sát cho thấy, vốn cổ phần tư nhân là lựa chọn ưu tiên khi phân bổ tài sản, tiếp theo là trái phiếu phát triển cơ sở hạ tầng và vay thế chấp thương mại.

Theo ông Mike Siegel, Giám đốc Quản lý tài sản bảo hiểm GSAM toàn cầu, ngành bảo hiểm đang tăng đầu tư vào các quỹ cổ phần tư nhân vì lợi nhuận hấp dẫn trong lĩnh vực này.

Zurich thảo luận phương án IPO 100 triệu USD cổ phần tại chi nhánh BHNT Malaysia

(IAN) – Theo báo cáo của Bloomberg, một trong số các lựa chọn đang được hãng bảo hiểm Zurich thảo luận với đơn vị tư vấn là đợt chào bán công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 30% tổng số cổ phần tại công ty con về bảo hiểm nhân thọ ở Malaysia. Doanh thu dự kiến là 100 triệu USD.

Các hãng bảo hiểm nước ngoài đang trong quá trình giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con ở Malaysia do chính phủ nước này quy định tỷ lệ sở hữu trần là 70%.

Hiện nay, Prudential và Chubb cũng đang làm việc với các ngân hàng để tìm giải pháp.
Theo một tuyên bố được đăng trên trang web của mình, Zurich đã tách riêng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ tại Malaysia thành các pháp nhân riêng biệt kể từ đầu năm nay. Đây là một phần trong lộ trình tuân thủ các quy định mới của chính phủ.

Tuy nhiên, Zurich chưa đưa ra nhận xét đối với báo cáo của Bloomberg và cũng chưa đưa ra tuyên bố chính thức về kế hoạch của mình đối với công ty con tại quốc gia này.

Ấn Độ: sáp nhập 3 công ty bảo hiểm nhà nước

(IAN) – Đề xuất sáp nhập ba công ty bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ – gồm Bảo hiểm Phương Đông, Công ty Bảo hiểm Quốc gia và Bảo hiểm Liên hiệp Ấn Độ – đã chính thức được khởi động thông qua các cuộc họp của chính phủ Ấn Độ về vấn đề này.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết chủ trương này mới dừng ở bước sơ bộ và chính phủ vẫn chưa đưa ra lộ trình cho việc sáp nhập. Dự kiến, quá trình này có thể diễn ra trong 12 tháng tới.

Sự kết hợp của ba công ty bảo hiểm nhà nước này dự kiến sẽ tạo ra một công ty bảo hiểm phi nhân thọ khổng lồ.
Sau sáp nhập, pháp nhân mới sẽ được niêm yết lên sàn chứng khoán.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng doanh thu năm 2017 của cả ba công ty bảo hiểm là 4,40 tỷ Rupee (6,62 tỷ USD).

Swiss Re tăng trưởng tốt nhờ tăng phí

(INN) – Swiss Re đã đạt mức tăng giá trên 2% đối với danh mục bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) và doanh thu phí bảo hiểm đạt 8,1 tỷ USD ($ 10,6 tỷ) trong mùa tái tục này.
Phát biểu trong cuộc họp ĐHĐCĐ hồi tuần trước, ông Christian Mumenthaler, Tổng Giám đốc, nói: “Chúng tôi đã đạt được mức tăng 8% này nhờ giá phí cao hơn và quy mô giao dịch lớn hơn ở tất cả các phân khúc và khu vực, cũng như các giao dịch lớn”.

“Chúng tôi rất hài lòng với mức tăng giá khoảng 2% trên toàn bộ danh mục đầu tư, điều này chứng tỏ sự thay đổi chiến lược định giá của chúng tôi là cần thiết”.

Mỹ cân nhắc các phương án có khả năng chi trả cho bảo hiểm lũ lụt

(INN) – Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Hoa Kỳ đã công bố các phương án nhằm phát triển một chương trình có khả năng chi trả dành cho bảo hiểm lũ lụt được bán theo Chương trình Bảo hiểm lũ lụt quốc gia (NFIP).
Cụ thể, cơ quan này đã đưa ra các đề xuất trong khuôn khổ, theo yêu cầu của Đạo luật về Khả năng chi trả bảo hiểm lũ lụt của chủ nhà năm 2014.

Khuôn khổ này cung cấp kết quả phân tích dữ liệu về thu nhập của chủ hợp đồng và chủ hợp đồng tiềm năng căn cứ vào rủi ro lũ lụt và tình trạng sở hữu nhà.

“Lần đầu tiên, một công trình phân tích về khả năng chi trả và bảo hiểm lũ lụt được hỗ trợ bởi dữ liệu chuyên sâu”,
Giám đốc Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp, ông Roy Wright cho biết. “Với sự hỗ trợ của dữ liệu, chúng tôi có thể tiếp tục đạt được những thành quả lớn hơn và đưa ra được các giải pháp bền vững hơn”.
NFIP đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng tài sản được bảo hiểm lũ lụt bảo hiểm từ 4 triệu lên 8 triệu vào năm 2023.

BTV (Tổng hợp).