TIÊU ĐIỂM TUẦN 15 NĂM 2015

Cục QLGSBH làm việc với Viện Bảo hiểm ANZIIF; M&A tái bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng; Singapore cung cấp bảo hiểm cho bác sỹ sản khoa sau nghỉ hưu

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả bảo hiểm cho khách hàng của Ngân hàng Liên Việt

(ĐTCK) – Công ty bảo hiểm BIDV Vĩnh Phúc (BIC Vĩnh Phúc) vừa tổ chức chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng vay vốn của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tham gia bảo hiểm tại BIC. Bên nhận tiền bảo hiểm là gia đình khách hàng Vũ Thị Lộc, người đã không may qua đời do tai nạn giao thông.

Được biết, khách hàng Vũ Thị Lộc đã vay vốn với số tiền 41,8 triệu đồng trong kỳ hạn 3 năm từ ngày 14/1/2015 tại Chi nhánh LVPB Vĩnh Phúc và đã tham gia sản phẩm bảo hiểm cho người vay vốn BIC Bình An tại BIC Vĩnh Phúc cho khoản vay này.

Do một tai nạn giao thông, mặc dù được gia đình, bệnh viện 354 và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tận tình cứu chữa, khách hàng đã không qua khỏi và qua đời sau đó. BIC Vĩnh Phúc và LVPB Vĩnh Phúc đã kịp thời thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình khách hàng. Đồng thời, hai bên đã phối hợp nhịp nhàng cùng nhau hỗ trợ gia đình khách hàng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được chi trả bảo hiểm theo quy định.

Đây là trường hợp rủi ro đầu tiên của khách hàng Ngân hàng LVPB trong khuôn khổ hợp tác giữa LVPB và BIC. Theo điều kiện bảo hiểm BIC Bình An, trong trường hợp này, BIC sẽ thay mặt khách hàng trả nốt phần gốc và lãi của khoản vay tại thời điểm khách hàng tử vong cho Ngân hàng LVPB là 41,1 triệu đồng.

BIC và Ngân hàng LVPB đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện từ năm 2014.Theo đó, trong lĩnh vực hoạt động của mình, các bên sẽ giới thiệu và tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau tiếp cận với những khách hàng có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng, Bảo hiểm.

Trong lĩnh vực phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), BIC và LVPB đang hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm ô tô tại các điểm giao dịch của LVPB trên toàn quốc, bao gồm cả thu hộ phí bảo hiểm đối với khách hàng có hoặc không có tài khoản tại ngân hàng.

Sản phẩm BIC Bình An hiện cũng đang được một số công ty thành viên BIC và chi nhánh LVPB hợp tác phân phối. Hai bên đang nghiên cứu triển khai sản phẩm này trên toàn hệ thống LVPB trong thời gian tới.

Cháy lớn tại xưởng chứa vải ở TP Hồ Chí Minh 

(NDĐT) – Vụ cháy xảy ra lúc 16 giờ ngày 14-4 tại xưởng chứa vải nằm trên đường Bùi Thanh Khiết (ấp 3, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).

Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên người dân phát hiện lửa bốc lên đã dùng nước chữa lửa, nhưng do kho chứa vật liệu vải dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng lan nhanh rồi bao trùm cả kho xưởng rộng hơn 1.000 m2. Người dân sống gần đó buộc phải sơ tán do ngạt khói.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy huyện Bình Chánh đã điều động 20 xe cứu hỏa và hơn 200 chiến sĩ đến hiện trường. Sau hơn hai giờ, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế.Tuy không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ nguyên vật liệu trong phân xưởng rộng hơn 1.000 m2 đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

2. Một vòng doanh nghiệp

Fubon Life Việt Nam phát triển mạng lưới Tổng đại lý

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Life Việt Nam vừa chính thức khai trương văn phòng Tổng đại lý đầu tiên tại TP.Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và 2 văn phòng Tổng đại lý tại TP. Hồ Chí Minh.

Văn phòng Tổng đại lý đầu tiên tại Hải Phòng được đặt tại Khu 3, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng; văn phòng Tổng đại lý Bà Rịa được đặt tại số 31A Nguyễn Văn Linh, phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Văn phòng Tổng đại lý Hồ Chí Minh được đặt tại số 29/12 đường Lê Đức Thọ và số 221/7, đường Nguyễn Thái Sơn, thuộc phường 7, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Anton Chang, Tổng Giám đốc Fubon Life Việt Nam cho biết, văn phòng được mở tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhằm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tới khách hàng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có tính năng bảo vệ nhiều tầng, lãi suất cao sẽ giúp người dân nơi đây được bảo vệ nguồn tài chính, dự phòng tài chính chữa bệnh, lập kế hoạch tài chính giáo dục cho con trẻ.

Thông qua văn phòng Tổng đại lý, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Fubon Life Việt Nam, đồng thời, cũng thông qua đại lý, Fubon Life Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng để cải tiến, thiết kế sản phẩm phù hợp cũng như nâng cao chất lượng phục vụ.

Nhân dịp khai trương văn phòng Tổng đại lý tại các tỉnh, thành trên cả nước, Fubon Life Việt Nam đã trao tặng hàng trăm suất quà cho các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, nhằm cổ vũ tinh thần học tập vươn lên của các em hướng tới tương lai tươi sáng.

Những thách thức lớn của PVI

(ĐTCK) – Diễn ra trong điều kiện có không ít tin vui (năm đầu về nhất thị phần phi nhân thọ cũng như bảo hiểm hàng không) nhưng tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 15/4, lãnh đạo CTCP PVI lại tập trung chia sẻ về thách thức.

Lãnh đạo PVI xác định rõ năm 2015 là năm rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của PVI. Vẫn là những dự báo không mới như nền kinh tế chưa thực sự phát triển bền vững, thị trường tài chính còn biến động và xu hướng trần lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm; thị  trường  bất  động  sản  chưa  có  nhiều  dấu  hiệu  khởi  sắc, trục lợi bảo hiểm ngày càng tăng, sức ép cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm lớn…

Thách thức trong nội tại hệ thống: khi PVI tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đứng  đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ về sản phẩm hưu trí tự nguyện và là nhà tái bảo hiểm  chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thách thức ở thị trường nước ngoài: phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ở thị trường nước ngoài khi PVI phải không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ khi cạnh tranh trực tiếp với các DNBH nước ngoài khi Việt Nam hoàn thành các Hiệp định hội nhập quốc tế.

“Giá dầu giảm sâu ảnh hưởng đến hoạt động phát triển chung của PVN cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp lớn đến hoạt động kinh doanh lõi của PVI. Hay thảm họa thảm họa toàn cầu ngày càng phức tạp, gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả kinh doanh bảo hiểm. Sự biến đổi khí hậu kéo theo gia tăng tổn thất trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt là các thị trường tái bảo hiểm nước ngoài. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho PVI Re- công ty con của PVI khi cần nâng cao hiệu quả thu xếp tái bảo hiểm cho toàn bộ hệ thống”, báo cáo của PVI nêu rõ.

Thách thức Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVI AM) mới được thành lập và hoạt động trong bối cảnh khó khăn khi lãi suất huy động giảm, môi trường đầu tư chưa thực sự phục hồi. Trên thực tế, khó khăn/thách thức cũng đã từng xảy đến với PVI khi lỗi hẹn với tăng vốn của PVI Re và lập PVI AM theo đúng lộ trình. Theo lộ trình thì cách đây 2 năm, PVI Re đã phải tăng vốn lên 800 tỷ đồng và có cổ đông chiến lược nước ngoài và PVI AM phải ra đời cũng từ cách đây 2 năm và có cổ đông nước ngoài góp vốn.

Thách thức từ cổ đông ngoại nắm cổ phần lớn: Do khác nhau về mặt quan điểm trong chuyển đổi mô hình hoạt động của Bảo hiểm PVI (hiện do PVI nắm 100% vốn) nên cổ đông chiến lược ngoại Talax (nắm khoảng 32% CP tại PVI) và PVI có lúc tưởng như không thể “chung đôi”.

Trước và sau khi diễn ra đại hội lần này, phía Talanx vẫn bảo lưu một quan điểm đó là Bảo hiểm PVI nên được chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên thay vì cổ phần hóa (như chủ trương ban đầu của PVI và PVN).

Đại hội cuối cùng cũng đã thông qua hầu hết tờ trình. Chỉ rõ thách thức, cũng là để cách để vượt qua, lãnh đạo PVI cũng đưa ra nhóm giải pháp liên quan đến tái cấu trúc, kinh doanh  & phát triển thị trường,  thương hiệu, quản trị… Năm 2015, PVI đặt kế hoạch tổng doanh thu 8.426,8 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 298,5 tỷ – tăng 21,3%, tỷ lệ cổ tức dự kiến 9%.

BIC: quý I/2015, doanh thu phí bảo hiểm tăng 48,5%

(ĐTCK) – Ngày 15/4, ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV kiêm Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm BIC cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC trong quý I/2015 tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 314 tỷ đồng, tương đương 24% kế hoạch năm 2015; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 44% và doanh thu phí tái bảo hiểm tăng 121,4%.

Trong quý I/2015, tỷ lệ bồi thường của BIC vẫn duy trì ở mức thấp 42%, lợi nhuận trước thuế lợi nhuận hợp nhất đạt 44,28 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 30% mục tiêu kế hoạch kinh doanh của năm 2015.

Với kết quả tăng trưởng tốt trong quý I/2015, BIC đặt mục tiêu tới 30/6/2015 sẽ hoàn thành trên 50% cả chỉ tiêu quy mô và lợi nhuận của năm 2015.

Tại nước ngoài, hoạt động của các công ty LVI và CVI tiếp tục khẳng định hiệu quả đầu tư của BIC. Doanh thu phí bảo hiểm của LVI trong 3 tháng đầu năm đạt 2,7 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 447 nghìn USD, tăng trưởng 37,93% so với cùng kỳ năm 2014. LVI tiếp tục là 1 trong 2 công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường Lào về thị phần. Tại Campuchia, hoạt động của CVI tăng trưởng , với doanh thu phí bảo hiểm tăng 23% và lợi nhuận tăng 65,8% so cùng kỳ 2014.

Theo kế hoạch, tại phiên họp ĐHCĐ thường niên BIC vào ngày 20/4 tới, BIC sẽ xin ý kiến ĐHCĐ phê duyệt phát hành 41 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tương đương 35% vốn điều lệ của BIC sau khi hoàn thành việc bán cổ phần.

Kế hoạch phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của BIC nhận được quan tâm của nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn tài chính, bảo hiểm quốc tế. Xác định đây là dự án rất quan trọng, BIC đã tìm hiểu kỹ lưỡng để lựa chọn được nhà đầu tư có cùng chiến lược kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, có năng lực tài chính tốt, có kinh nghiệm kinh doanh bảo hiểm toàn cầu và cam kết gắn bó lâu dài để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị của BIC.

BIC đang tập trung đàm phán với mục tiêu chốt được giao dịch trong tháng 4/2015, sau khi được ĐHCĐ thông qua sẽ thực hiện báo cáo cơ quan chức năng để được chấp thuận trong quý II/2015 và đặt mục tiêu hoàn tất giao dịch trong quý III/2015.

Với vốn điều lệ mới sau khi chào bán dự kiến đạt trên 1.000 tỷ đồng và thặng dư sau giao dịch này, BIC sẽ là 1 trong 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có quy mô vốn tự có lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Phụ nữ mang thai được bảo hiểm đến 2 tỷ đồng

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam đã chính thức ra mắt thị trường hai sản phẩm bảo hiểm thai sản mới “Phúc bảo an sinh” và “Phúc bảo an mỹ”.

“Phúc bảo an sinh” là sản phẩm bảo hiểm thai sản mà phụ nữ đang mang thai không quá 28 tuần vẫn có thể mua và hưởng các quyền lợi thai sản. Còn “Phúc bảo an mỹ” là lựa chọn thông minh dành cho phụ nữ có kế hoạch mang thai.

Với khoản bồi thường lên tới 2 tỷ đồng, bảo vệ cho mẹ trong kỳ mang thai, sinh nở và nuôi con kết hợp với quyền lợi bảo vệ nhiều tầng chi trả điều trị biến chứng sản khoa và điều trị dị tật bẩm sinh, “Phúc bảo an sinh” và “Phúc bảo an mỹ” giúp phụ nữ sắp mang thai và đang mang thai dễ dàng tạo dựng nguồn tài chính sẵn sàng trước những biến cố thai sản không lường trước.

Để chuẩn bị nguồn tài chính sẵn sàng kịp thời bảo vệ cho mẹ và thai nhi, nhiều phụ nữ đã tìm mua sản phẩm bảo hiểm thai sản. Tuy nhiên, quy định về “thời gian chờ mang thai” của các sản phẩm bảo hiểm thai sản hiện có trên thị trường yêu cầu phụ nữ phải mua sản phẩm bảo hiểm trước thi mang thai một thời gian nhất định thì mới được hưởng quyền lợi bồi thường. Nếu mang thai rồi mới mua bảo hiểm thì không được hưởng quyền lợi, hoặc nếu có thai trước thời gian chờ theo quy định của sản phẩm bảo hiểm thì người mua bảo hiểm cũng không được hưởng quyền lợi. Còn nếu sau thời gian chờ mang thai, người mua bảo hiểm không có thai thì coi như không có cơ hội sử dụng bảo hiểm thai sản đó.

Ông Anton Chang, Tổng Giám đốc Fubon Life Việt Nam cho biết, hai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bảo vệ nhiều tầng dành riêng cho phụ nữ với số tiền bảo hiểm lên tới 2 tỷ đồng. Khách hàng chỉ cần đóng phí ngắn từ 1 tới 5 năm nhưng được bảo vệ dài từ 5 tới 10 năm, quyền lợi thai sản nhiều tầng.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

436.749 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hủy bỏ năm 2014

(ĐTCK) – Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng số hợp đồng bảo hiểm chính hủy bỏ trong năm 2014 là 436.749 hợp đồng.

Trong đó, số hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ năm thứ nhất là 118.735 hợp đồng, năm thứ 2 là 165.192 hợp đồng và các năm sau là 152.822 hợp đồng.

Theo báo cáo này, bảo hiểm hỗn hợp đứng đầu trong danh sách hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ nhiều nhất  khi năm thứ nhất hủy bỏ 58.935 hợp đồng, năm thứ 2 hủy bỏ 73.580 hợp đồng, năm thứ 3  hủy bỏ 86.668 hợp đồng.

4. Tin đào tạo

Cục QLGSBH gặp gỡ và làm việc với Viện Bảo hiểm ANZIIF

(IRT) – Nhân chuyến thăm và làm việc với các đơn vị chủ chốt của ngành bảo hiểm tại Việt Nam vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Viện Bảo hiểm, Tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF) đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhằm mục tiêu tìm hiểu thị trường bảo hiểm và nhu cầu đào tạo của thị trường Việt Nam, hướng tới việc hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bảo hiểm Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện ANZIIF (Bà Prue Willsford – Tổng Giám đốc điều hành) và đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng) đã cùng nhau trao đổi thông tin về tình hình thị trường bảo hiểm tại Việt Nam và những thách thức của thị trường. Hai bên cũng chia sẻ thông tin về công tác đào tạo nguồn nhân lực bảo hiểm tại Việt Nam và Úc.

Trong quá trình trao đổi, hai bên đều thể hiện rõ thiện chí cùng nhau xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đồng thời sẽ cùng hợp tác để tổ chức các chương trình đào tạo, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm.

Kết thúc buổi làm việc giữa hai bên, đại diện ANZIIF và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đều thống nhất sẽ đi đến ký kết biên bản hợp tác (MOU) nhằm tạo tiền đề cho những hoạt động hợp tác tiếp theo.

Khai giảng khóa đào tạo Nhà tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp

(IRT) – Ngày 8/4/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT) phối hợp với Công ty đào tạo Hiền Tài Việt tổ chức khai giảng khóa đào tạo Nhà tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp.

Tham dự khóa đào tạo có 18 học viên đến từ công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.

Khóa học diễn ra 2 ngày, ngày 8 và 15/4/2015 với những nội dung: Tổng quan về nghề tư vấn bảo hiểm; Thách thức tư vấn bảo hiểm hiện nay; Những thay đổi cấp thiết của nhà tư vấn và Kế hoạch hành động đột phá với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên đến từ công ty Hiền Tài Việt nhằm cung cấp những kiến thức, năng lực cho nghề tư vấn, đưa ra giải pháp, năng lực, kỹ năng và công cụ tư vấn cùng giải pháp thông minh cho nhà tư vấn bảo hiểm.

Theo phía ban tổ chức khóa học cho biết, khóa học được thiết kế xây dựng chương trình trong 02 ngày (16 giờ), ngày thứ hai cách quãng với ngày thứ nhất nhằm mục đích cho học viên có thêm thời gian tự nghiên cứu và thực hành phương pháp đã học tại công ty mình làm việc.

Đây là khóa học kỹ năng đầu tiên trong chuỗi chương trình học về kỹ năng IRT dự kiến phối hợp với công ty Hiền Tài Việt triển khai trong năm 2015 cho thị trường, bao gồm: Khóa đào tạo Nhà tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp, Khóa đào tạo Kỹ năng xây dựng thương hiệu khác biệt và Khóa đào tạo Kỹ năng diễn thuyết.

Khóa đào tạo cơ bản về BH PNT cho cán bộ Công ty phần mềm FPT tại Đà Nẵng

(IRT) – Từ ngày 05-08/4/2015, tại thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (Trung tâm) tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về Bảo hiểm Phi Nhân thọ cho 20 học viên là cán bộ của Công ty TNHH phần mềm FPT (Fsoft).

Trong thời gian 4 ngày, ngoài việc được truyền tải kiến thức cơ bản về bảo hiểm như: Lý thuyết, thực hành các nghiệp vụ bảo hiểm; các học viên còn được trang bị những kiến thức pháp luật về bảo hiểm và những nội dung cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Các quy trình khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm và công tác quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm.

Đây là khóa đào tạo được tổ chức đầu tiên trong các khóa đào tạo hợp tác giữa Trung tâm và Fsoft.

Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ tại thành phố Hồ Chí Minh

(IRT) – Từ ngày 13-17/4/2015, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về Bảo hiểm Phi Nhân thọ cho 47 học viên đến các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam. Đây là khóa đào tạo phi nhân thọ cơ bản đầu tiên được Trung tâm tổ chức trong năm 2015 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian 5 ngày, các học viên đã được truyền tải kiến thức cơ bản về: Lý thuyết, thực hành và các văn bản pháp quy mới ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

II. Tin quốc tế

Bão mạnh tàn phá châu Âu 

(Insurancenews) – Theo bản báo cáo thảm họa toàn cầu tháng 3 của Impact Forecasting (bộ phận chuyên nghiên cứu mô hình thảm họa của Aon Benfield), các cơn bão Mike và Niklas tràn qua châu Âu hồi cuối tháng 3 đã gây ra tổn thất kinh tế và tổn thất được bảo hiểm hơn 1 tỷ USD.

Báo cáo cũng cho biết nước Mỹ đang có giai đoạn khởi đầu khá êm ả cho mùa mưa bão năm nay, tuy nhiên mùa đông khắc nghiệt đã tràn qua một số vùng và gây ra tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 110 triệu USD.

Đối với nước Úc, thiệt hại kinh tế do bão Olwyn tại bang Tây Úc và bão Marcia tại bang Queensland lần lượt là trên 100 triệu AUD và trên 767.86 triệu AUD.

Trong khi đó, bão Pam đổ bộ vào quốc đảo Vanuatu vùng nam Thái Bình Dương, gây ra sụt lở đất lớn nhất tính từ sau khi siêu bão Hải Yến tàn phá châu Á năm 2013.

M&A tái bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng 

(Insurancenews) – Theo Moody’s, các hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) sẽ gia tăng mạnh trong lĩnh vực tái bảo hiểm do môi trường kinh doanh của ngành này đang trở nên xấu hơn.

Mới đây nhất, công ty bảo hiểm chuyên biệt Endurance vừa cho biết họ sẽ mua lại hãng tái Montpelier với giá khoảng 1,83 tỷ USD, theo sau các thương vụ RenaissanceRe thâu tóm Platinum Underwriters, XL sáp nhập với Catlin, và PartnerRe hợp nhất với Axis Capital.

Moody’s cho biết trong năm vừa qua chỉ có một nửa số doanh nghiệp tái bảo hiểm có lãi, mặc dù tổn thất thảm họa ít hơn và đồng USD mạnh.

Đáng chú ý là phí bảo hiểm thảm họa tài sản – vốn là lĩnh vực sinh lời tốt nhất – tiếp tục giảm do sự cạnh tranh từ các nguồn vốn tái bảo hiểm thay thế với chi phí thấp.

Theo Moody’s: “mức độ cạnh tranh gia tăng nhanh chóng khiến cho các hãng tái bảo hiểm đang có xu hướng lựa chọn phương án ‘mua thay vì xây’ và hướng tới M&A bởi họ không có đủ thời gian để xây dựng nền tảng kinh doanh mới”.

“Mặc dù M&A, với những rủi ro nội tại của mình, không đủ để giải quyết các vấn đề kể trên, song nó cũng có tác dụng giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, cung cấp thêm cơ hội sinh lời thông qua việc cắt giảm các chi phí không cần thiết”, Moody’s viết.

DBS và Manulife hợp tác cung cấp bảo hiểm qua kênh ngân hàng

(TBTCO) – Ngân hàng DBS và Manulife Châu Á vừa công bố thỏa thuận hợp tác có thời hạn 15 năm, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng tại 4 thị trường lớn của hai bên ở Châu Á là Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Indonesia. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2016.

Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên mang tính độc quyền và sẽ kết hợp được những điểm mạnh của hệ thống ngân hàng cao cấp của DBS cùng với kinh nghiệm quản lý tài sản và cung cấp dịch vụ bảo hiểm của Manulife, một trong những tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới với cam kết phát triển lâu dài tại Châu Á.

Tại bốn thị trường triển khai sự hợp tác này, hơn sáu triệu khách hàng trong các lĩnh vực bán lẻ, đầu tư và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của DBS sẽ được tiếp cận với các giải pháp bảo hiểm nhân thọ của Manulife, thông qua mạng lưới hơn 200 chi nhánh, 3.000 nhân viên bán hàng chuyên nghiệp và nền tảng ngân hàng điện tử và di động của DBS.

Để đi đến thỏa thuận hợp tác với Manulife, DBS đã tiến hành một quy trình lựa chọn đối tác bảo hiểm chặt chẽ, thu hút sự quan tâm của rất nhiều công ty bảo hiểm hàng đầu trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Quy trình lựa chọn đối tác của DBS dựa trên rất nhiều các yếu tố như chú trọng vào khách hàng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động và tiềm năng tạo ra các giá trị trong dài hạn.

Ông Donald A. Guloien, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Manulife, cho biết: “Thỏa thuận hợp tác 15 năm giữa Manulife và DBS được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác thành công trong hiện tại của chúng tôi. Điều này giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của chúng tôi ở châu Á, tăng cường và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cũng như mang đến những cơ hội tiếp cận với lượng khách hàng rộng lớn hơn”.

Được biết, DBS là ngân hàng lớn nhất ở Singapore và cũng là ngân hàng hàng đầu ở Hongkong – một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất châu Á. Hiện DBS Bank đang hoạt động trên 16 thị trường và là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao.

Manulife là công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản. Hiện nay, Manulife đang là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 6 trên toàn cầu với hơn 118 năm kinh nghiệm tại Châu Á, phục vụ hơn 6 triệu khách hàng tại 12 thị trường trong khu vực.

Generali bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc khu vực châu Á 

(ĐTCK) – Tập đoàn Generali đã chính thức thông báo việc bổ nhiệm ông Jack Howell vào vị trí Tổng giám đốc khu vực châu Á.

Ông Jack Howell sẽ làm việc tại Hồng Kông và báo cáo trực tiếp cho ông Mario Greco, Tổng giám đốc Tập đoàn. Ông Howell đảm nhận vai trò từ người tiền nhiệm là ông Sergio Di Caro, hiện đã chuyển sang vị trí Tổng giám đốc hệ thống Generali Employee Benefits toàn cầu.

Ông Howell sẽ quản lý hoạt động của Generali châu Á bao gồm cả hai lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. Ông cũng chịu trách nhiệm thúc đẩy các kế hoạch phát triển tại 10 thị trường châu Á. Với tiềm năng phát triển to lớn, châu Á là một trong những thị trường quan trọng nhất của Tập đoàn.

“Với kiến thức sâu rộng trong ngành bảo hiểm cũng như những thành tích đạt được trong hoạt động quản lý bảo hiểm tại châu Á, tôi tin tưởng ông Jack Howell sẽ nhanh chóng đẩy mạnh chiến lược phát triển của Generali tại châu Á”,Tổng giám đốc Tập đoàn Generali, ông Mario Greco, phát biểu về việc bổ nhiệm này.

Ông Howell tốt nghiệp Đại học Tufts chuyên ngành Kinh tế Định lượng, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Chicago.Ông gia nhập Generali với hơn 20 năm kinh nghiệm dày dạn trong ngành bảo hiểm và có tầm nhìn rộng, từng làm việc tại nhiều thị trường ở châu Á và Mỹ.

Trước khi gia nhập Generali, ông làm việc tại Tập đoàn Prudential với chức vụ Tổng giám đốc tại Việt Nam và Indonesia, chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh, xây dựng và quản lý các kênh phân phối đa dạng và ký kết các hợp đồng hợp tác chiến lược.

Trước khi tham gia Prudential, ông cũng đã làm việc tại Tập đoàn AIG trên cương vị Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Philam Plans, cũng như một số vị trí quản lý cấp cao khác tại New York và Hồng Kông. Ông cũng là người đồng sáng lập của TwentyTen LLC, một công ty tư vấn ngân hàng đầu tư được cấp phép bởi NASD/SIPC.

New Zealand: lợi nhuận ngành bảo hiểm cao nhất trong 10 năm qua

(Asiainsurancereview) – Lần đầu tiên trong vòng ít nhất 10 năm lại đây, khách hàng bảo hiểm phi nhân thọ (không kể bảo hiểm sức khỏe) tại New Zealand được nhận về ít nhất trong tương quan với số tiền họ phải đóng cho ngành bảo hiểm. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm thu về nhiều phí hơn trong khi chỉ phải trả tiền bồi thường ít hơn so với mọi năm.

Thông tin từ trang web interest.co.nz dẫn nguồn của Hội đồng bảo hiểm New Zealand (ICNZ) cho biết: tính trung bình đối với mỗi 100 NZD phí bảo hiểm mà hãng bảo hiểm thu về trong năm (tính đến tháng 9/2014), khách hàng được bồi thường 60 NZD – đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2004 tới nay.

Ông Tim Grafton, Tổng Giám đốc ICNZ, nói rất khó để xác định được nguyên nhân chính xác của tình trạng này: “Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả kể trên”.

Ông cho biết phí bảo hiểm và số tiền bồi thường biến động lên hoặc xuống tùy thuộc từng loại hình nghiệp vụ, trong khi chi phí kinh doanh vẫn tiếp tục tăng kể từ sau vụ động đất năm 2010, 2011.

Mặc dù chi phí tăng cao, như chi phí trả lương cho người lao động, chi phí mua sắm tài sản và marketing, song 2014 vẫn là năm có lợi nhuận tốt nhất kể từ năm 2005. Cụ thể, lợi nhuận năm 2014 cao hơn 89% so với năm 2013 và cao hơn 249% so với năm 2009. Trong các năm 2010 và 2011, do phải gánh chịu tổn thất nặng nề của động đất nên ngành bảo hiểm xứ Kiwi thua lỗ tương ứng 20 triệu NZD và 1,37 tỷ NZD.

Nếu chỉ xét riêng rủi ro động đất, bức tranh ngành bảo hiểm năm 2014 khá ảm đạm: với 100 NZD tiền phí thuần thu về, nhà bảo hiểm phải chi trả bồi thường tới 109 NZD.

Thị trường tái bảo hiểm Nga: tụt hạng tín nhiệm và trông đợi Trung Quốc 

(Asiainsurancereview) – Nga trông đợi các công ty bảo hiểm Trung Quốc sẽ đứng ra nhận tái bảo hiểm cho các dự án hạ tầng nhằm thay thế các hãng bảo hiểm phương Tây đã rút khỏi thị trường sau khi hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh tụt hạng tín nhiệm nước này xuống mức “không nên đầu tư (junk)” hồi đầu năm nay.

Đại

Ông Nikolai Korolyov, Phó Chủ tịch cơ quan Du lịch liên bang Nga, trưởng phái đoàn Nga, cho biết hai bên đã đàm phán việc sử dụng đồng tiền của hai nước (rúp hoặc nhân dân tệ) thay vì USD trong giao dịch bảo hiểm. diện của chính phủ và doanh nghiệp bảo hiểm các nước Trung Quốc và Nga đã có cuộc tiếp xúc, thảo luận về vấn đề này hồi đầu tháng 4/2015. Thời báo Matxcơva dẫn lời trang tin điện tử tiếng Nga Gazeta.ru cho biết hai bên thống nhất xây dựng “năng lực tái bảo hiểm chung” giữa ngành bảo hiểm hai nước. Thỏa thuận này nhằm bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các dự án nhiều tỷ USD như dự án đường ống dẫn khí đốt từ Xibêri tới Trung Quốc hay từ Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu.

Trước khi rút khỏi thị trường Nga, các hãng bảo hiểm phương Tây vẫn là nhà bảo hiểm chính cho các dự án hạ tầng nước này. Thống kê cho thấy các công ty bảo hiểm nước ngoài chiếm tới 80%-90% doanh thu tái bảo hiểm của các dự án lớn.

Giờ đây, làm việc với các hãng bảo hiểm phương Tây sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho doanh nghiệp Nga bởi hai tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế là Moody’s và S&P đã đánh tụt bậc tín nhiệm của nước này xuống mức “không nên đầu tư”.

Singapore: Chính quyền cung cấp bảo hiểm cho bác sỹ sản khoa sau nghỉ hưu

(Asiainsurancereview) – Bộ Y tế Singapore cho biết bác sỹ sản khoa tại các bệnh viện công của nước này sẽ tiếp tục được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sau khi họ nghỉ hưu.

Thời báo The Straits Times dẫn lời người phát ngôn của Bộ Y tế Singapore, nói: “Các bệnh viện công cam kết sẽ tiếp tục mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho bác sỹ sản khoa sau khi họ nghỉ hưu. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian để đưa ra nội dung chi tiết và cân nhắc các vấn đề khác có liên quan. Việc này cũng đã được truyền đạt tới các bác sỹ sản”.

Theo quy định trước đây, các bác sỹ sản khoa đóng phí thường niên cho Cộng đồng Bảo vệ Y khoa (MPS) sẽ được bảo vệ trong trường hợp bị kiện tụng về trách nhiệm của mình, bất kể vụ kiện đó diễn ra khi nào. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ được tiếp tục bảo hiểm trách nhiệm cho đến hết đời.MPS là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính đặt tại Anh quốc, thành lập và hoạt động nhằm mục tiêu bảo vệ cho bác sỹ, nha sỹ và các chuyên gia y tế.

Tuy nhiên, chính sách của MPS năm nay đã thay đổi.Theo đó, MPS chỉ bồi thường cho các trách nhiệm phát sinh trong thời gian người bác sỹ là thành viên của tổ chức này.Vì hầu hết các bác sỹ khi nghỉ hưu sẽ không còn là thành viên của MPS nên họkhông được bảo vệ nếu phát sinh kiện tụng sau thời điểm đó.Theo quy định của luật pháp Singapore, một người có quyền khiếu nại bác sỹ sản khoa đối với những bất cẩn trong hành nghề gây hậu quả cho bệnh nhân.Thời gian hiệu lực của khiếu nại lên tới 24 năm.

Báo cáo cũng cho biết, trong tổng số 311 bác sỹ sản khoa của quốc đảo sư tử, có 91 người đang làm việc tại các bệnh viện công, số còn lại làm việc cho các bệnh viện tư nhân trên toàn quốc.

BTV (tổng hợp)

{fcomment}

Comments are closed.