TIÊU ĐIỂM TUẦN 14 NĂM 2015

Korean Re gia nhập thị trường Lloyd’s; Allied World thâu tóm RSA Hồng Kông và Singapore; Đức tăng cường an ninh hàng không sau thảm họa Germanwings

 I. Tin trongnước

1. Tin bồithường, tổnthất

Cháy chợ ở Huế, tiểu thương thiệt hại 10 tỷ đồng

(Vnexpress) – Sáng 3/4, lực lượng chức năng vẫn phong tỏa hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ cháy chợ Nong tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Ông Hồ Trọng Cầu, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết thống kê sơ bộ thiệt hại của vụ cháy chợ Nong tối 2/4 ở xã Lộc Bổn khoảng 10 tỷ đồng. Theo ông Cầu, có 38 quầy hàng của 21 hộ tiểu thương bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn, người thấp nhất cũng mất khoảng 70 triệu đồng. “Trước mắt UBND huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ các hộ bị thiệt hại, mỗi hộ 3 triệu đồng”, ông Cầu nói.

Trước đó khoảng 19h tối 2/4, chợ Nong (thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn) bốc cháy dữ dội. Theo một số nhân chứng, ngọn lửa phát ra từ tầng chính của chợ rồi lan rộng sang các khu vực khác.

Chính quyền xã Lộc Bổn đã huy động các lực lượng cùng người dân chữa cháy, nhưng do trời tối trong khi ngọn lửa bùng phát mạnh vì thời tiết khô nóng nên không thể dập được.

Sau 30 phút xảy ra hỏa hoạn, nhiều xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã tiếp cận hiện trường. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Hiện trường được phong tỏa đề phòng tình trạng hôi của trong đêm tối.

Ông Trần Văn Hoa, Chủ tịch xã Lộc Bổn cho hay, chợ Nong có 168 hộ đăng ký kinh doanh trên tổng diện tích 1.500 m2. Trước thời điểm cháy, đã có 154 hộ đăng ký quầy hàng và được chuyển sang chợ Nong mới (thôn Bình An, cách chợ cũ khoảng một km). Hỏa hoạn thiêu rụi hàng hóa của các tiểu thương chưa di dời.

Xe ben gây tai nạn kinh hoàng trong đêm

(Vtcnews) – Chiếc xe ben loại 1,9 tấn đi đến đoạn đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM thì gây tai nạn kinh hoàng trong đêm khiến nhiều người phải nhập viện.

1h ngày 7/4, lực lượng công an Q.Bình Tân, TP.HCM vẫn tiếp tục khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ tai nạn giữa xe ben, xe du lịch và hai xe máy trước nhà hàng Đồng Quê (số 666 Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) khiến 4 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 6/4, anh Trần Công Thuận (36 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) điều khiển xe máy hiệu Honda Wave chở theo vợ là chị Nguyễn Thị Quyên (37 tuổi) và con gái Trần Nguyễn Thanh Vân (10 tháng tuổi) lưu thông trên đường Lê Trọng Tấn hướng từ Tân Kỳ Tân Quý đi ngã tư Gò Mây.

Khi đến trước số 666 Lê Trọng Tấn, một chiếc xe ben loại 1,9 tấn do tài xế Phạm Ngọc Tuyên (29 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển, lưu thông theo chiều ngược lại bất ngờ lao sang làn đường anh Thuận đang chạy.

Chiếc xe ben tông vào xe vợ chồng anh Thuận rồi tiếp tục tông vào một chiếc xe khác hiệu Honda SH do một người đàn ông chưa rõ danh tính (khoảng 50 tuổi) điều khiển. Chiếc xe chỉ chịu dừng lại khi tông vào chiếc xe du lịch loại 4 chỗ ngồi hiệu Ford đang đậu ven đường.

Chiếc xe Wave bị cuốn vào gầm xe ben, vỡ nát, biến dạng. Các nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện nhân dân 115 và bệnh viện Nhi đồng 2. Trong đó, anh Thuận bị thương rất nặng, nguy kịch đến tính mạng.

Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát giao thông Q.Bình Tân phối hợp với các đơn vị liên quan đã có mặt xử lý vụ việc. Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn tiếp tục được làm rõ.

2. Mộtvòngdoanhnghiệp

Great Eastern Việt Nam tiếp tục năm thứ 8 chưa có lãi

(ĐTCK) – Báo cáo tài chính sau kiểm toán của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam cho biết năm 2014, Công ty đạt tổng doanh thu hơn 72,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 19,2 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính 53,5 tỷ đồng, còn lại là thu nhập hoạt động khác.

Cũng trong năm 2014, Công ty tiếp tục lỗ sau thuế 82,3 tỷ đồng. Năm ngoái, Công ty lỗ 89,5 tỷ đồng, tổng doanh thu  đạt 88,6 tỷ đồng.

Như vậy sau 8 năm hoạt động, kể từ năm 2007, đến nay Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam vẫn chưa có lãi.

Tuy nhiên, đó cũng là điều dễ hiểu với một DNBH không phải là lâu năm, mà theo DN này, năm 2014 Công ty vẫn tăng trưởng ổn định và đạt được kết quả khởi sắc hơn.

Great Eastern Việt Nam cũng cho biết với chiến lược tái định vị thương hiệu năm 2012, Công ty đã vượt ra khỏi ranh giới 1 công ty bảo hiểm truyền thống để trở thành công ty “Vì cuộc sống”. Công ty chú trọng phát triển các giải pháp bảo hiểm giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhằm giúp khách hàng thực hiện mong muốn sống tốt hơn, sống khỏe mạnh hơn, sống trường thọ hơn và trên hết vui sống một cách trọn vẹn. Để phát triển lâu dài và bền vững, Great Eastern Việt Nam tập trung đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và coi đây là yếu tố cốt lõi trong chiến lược của mình.

PTI và Gara liên kết: cam kết đồng nhất chất lượng phục vụ trên toàn quốc

(PTI) – Ngày 3/4/2015, PTI tổ chức hội nghị “Thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa PTI và Gara liên kết” tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 50 gara lớn trong khu vực Hà Nội. Hội nghị nằm trong chuỗi các sự kiện được PTI tổ chức thường niên nhằm rà soát, hoàn thiện chất lượng phục vụ khách hàng của PTI tại hệ thống gần 500 gara liên kết của PTI trên toàn quốc. Các hội nghị tương tự đã được PTI tổ chức tại khu vực Hồ Chí Minh và Quảng Ninh.

Năm 2014, PTI đã hợp tác thành công với các gara liên kết trong việc đưa vào áp dụng nhiều hình thức phục vụ khách hàng mới như: Ra mắt website truy vấn tiến độ giải quyết bồi thường ô tô. Thông qua website này, PTI có thể chủ động theo dõi, rà soát, đối chiếu tiến độ và chất lượng sửa chữa của gara đối với các khách hàng của PTI; Miễn phí cứu hộ kỹ thuật (Cứu hộ PAN) trong phạm vi 100 km kể từ các thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Cam kết có mặt tại hiện trường trong vòng 30 phút sau khi nhận được thông báo tổn thất của khách hàng;

Phát huy những hiệu quả của những năm trước, năm 2015, PTI tiếp tục chú trọng đầu tư thêm công nghệ hiện đại nhằm đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm mới, tiện lợi hơn cho khách hàng. Cụ thể: Trung tâm chăm sóc khách hàng của PTI sẽ quản lý, xác định giám định viên gần vị trí của khách hàng nhất để điều phối kịp thời đến hỗ trợ khách hàng. PTI cũng dự kiến sẽ nâng mức yêu cầu hồ sơ công an từ mức 10 triệu đồng mà thị trường đang áp dụng lên thành 30 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không may xảy ra những vụ tổn thất dưới 30 triệu mà không liên quan đến người thứ 3, khách hàng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức khi không phải thực hiện hồ sơ công an.

Chia sẻ tại hội nghị, các gara đánh giá rất cao việc thường niên tổ chức hội nghị gara liên kết của PTI, tạo cơ hội để các gara trao đổi, thảo luận trực tiếp với ban lãnh đạo Tổng công ty nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, từ đó, tăng cường hiệu quả hợp tác, cải thiện chất lượng phục khách hàng của PTI.

MIC thành lập thêm 2 công ty bảo hiểm thành viên

(MIC) – Ngày 6/4/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Giấy phép điều chỉnh số 43/GPĐC16/KDBH chấp thuận cho Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) thành lập thêm 02 Công ty bảo hiểm thành viên:

1/ Công ty Bảo hiểm MIC Điện Biên Phủ

Địa chỉ: Tầng 6 và tầng 7, Tòa nhà văn phòng số 14, phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

2/ Công ty Bảo hiểm MIC Vĩnh Phúc

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Viettel, Khu đô thị Chùa Hà Tiên, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh

(TBTCVN) – Công bố mới nhất từ Cục QLGSBH, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3.074,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 2 tháng đầu năm ước đạt 1.249,75 tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí của nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt hơn 43%, bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 39,8%, bảo hiểm tử kỳ chỉ chiếm tỷ trọng 4,74%, bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,64%, các nghiệp vụ gồm bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) trong 2 tháng ước đạt 179.828 hợp đồng, tăng 44,39% so với cùng kỳ 2014, trong đó bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,94%), tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (31,46%) và bảo hiểm liên kết chung (25,89%), các sản phẩm còn lại chiếm tỷ trọng 0,71%.

Tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực (theo hợp đồng chính) tính đến thời điểm tháng 2/2015 ước đạt 5.847.915 hợp đồng, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm đánh giá, sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2014 và 2 tháng đầu năm cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý về bảo hiểm và của chính DNBH nhân thọ trong việc nâng cao chất lượng đại lý, chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới và ra mắt nhiều sản phẩm mới.

Đặc biệt, từ phía cơ quan quản lý đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DNBH, hỗ trợ DN phát triển; bãi bỏ quy định về việc phải tăng vốn khi mở chi nhánh; cho phép DNBH chủ động trong đào tạo đại lý bảo hiểm, đưa ra các tiêu chí đánh giá xếp hạng…, đã thúc đẩy DNBH trong việc tự quản lý, tăng cường chất lượng kinh doanh.

Để thị trường BHNT tiếp tục phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo Cục QLGSBH cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để DN phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích DN đầu tư phát triển hệ thống công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới người dân; nắm sát tình hình hoạt động của DN, kịp thời hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường.

Phía DNBH cũng kiến nghị cơ quan quản lý mở rộng quy định về danh mục đầu tư đối với các DNBH nhân thọ, theo đó, cho phép các DNBH nhân thọ đầu tư vào các tài sản phái sinh dài hạn; cho phép đầu tư vào công trình xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục; đầu tư ra nước ngoài…, để tăng cường hoạt động đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển toàn diện.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Sẽ sớm áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát bảo hiểm

(ĐTCK) – Mới đây, tại Bộ Tài chính đã diễn ra buổi làm việc giữa Cục QLGSBH và Cục Tin học & Thống kê tài chính, CTCP hệ thống thông tin FPT, Công ty CMC, CTCP Tập đoàn HiPT về các giải pháp xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong công tác quản lý, giám sát bảo hiểm.

Tại cuộc gặp gỡ, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục QLGSBH cũng thừa nhận, hiện Cục này và toàn thị trường bảo hiểm chưa có một hệ thống CNTT tổng thể, kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm với tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong khi đó, dù công nghệ thông tin đã được các DNBH áp dụng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhưng vẫn còn chưa đồng nhất, chỉ có một số DNBH áp dụng ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh, còn đối với phần lớn các doanh nghiệp còn lại, hệ thống công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.

Theo khảo sát của ĐTCK, hầu hết DNBH thuộc khối nhân thọ đã triển khai việc áp dụng công nghệ thông tin trong bán bảo hiểm, do khối này có tới 16/17 DN là DN nước ngoài. Còn với khối phi nhân thọ, do đa số vẫn là DN nội (chỉ có 7/29 DN là DN ngoại) nên chưa nhiều DN áp dụng. Hiện mới có một vài DN tiên phong trong áp dụng công nghệ thông tin như bán bảo hiểm trực tuyến, qua di động hay truy vấn bồi thường qua điện thoại…tuy nhiên, vẫn chủ yếu tập trung vào các DN lớn như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, PJICO, PTI, còn đối với DN nhỏ thì chỉ có BIC và MIC.

Với 1.200 sản phẩm bảo hiểm hiện có (800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 400 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ) được bán tại gần 2.000 điểm kinh doanh, việc thiếu công cụ giám sát hiện đại, được chuẩn hóa cũng khiến công tác giám sát chưa triển khai một cách toàn diện, trong bối cảnh việc tuân thủ pháp luật tại một vài DNBH còn chưa cao. Cũng bởi thế, cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho quản lý giám sát liên quan đến định giá sản phẩm, đánh giá mức độ tương thích giữa phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm, tính toán dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán… hiện được xem là còn sơ khai.

Áp dụng công nghệ trong giám sát cũng là một trong số các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm được đưa ra tại Chiến lược Phát triển thị trường Bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ban hành theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, Cục QLGSBH đang trong quá trình soạn thảo trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát bảo hiểm và sẽ sớm triển khai áp dụng.

Trục lợi bảo hiểm có thể bị phạt 10 năm tù

(TBTCO) – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho biết, tiếp thu đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung một nội dung mới vào Bộ luật, coi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Hiện nay trục lợi bảo hiểm diễn ra trong tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm tại hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đang hoạt động tại Việt Nam.

Các chuyên gia ngành bảo hiểm đánh giá, trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến, lây lan nhanh.

Theo cơ quan quản lý về bảo hiểm, ước tính mỗi năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho các DNBH, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Có những DNBH có thị phần lớn, số vụ trục lợi lên đến con số 2.000 vụ/năm.

Nhiều DNBH cố gắng ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm bằng nhiều giải pháp khác nhau, tuy nhiên hiệu quả không cao do pháp luật chưa có chế tài đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, theo đó, số vụ trục lợi hàng năm không giảm. Cơ quan quản lý về bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và lãnh đạo các DNBH đã nhiều lần kiến nghị luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm nhằm bảo vệ lợi ích của người mua bảo hiểm và DNBH.

Chia sẻ tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2015 mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho biết, hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì 2 đạo luật quan trọng là Bộ luật Dân sự sửa đổi và Bộ luật Hình sự sửa đổi, đang được lấy ý kiến rộng rãi. Tại Bộ luật Dân sự sửa đổi, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ đã đồng ý đưa phần chế định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm ra khỏi Bộ luật, chỉ để luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh.

Còn với Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Tư pháp cũng đã tiếp thu đề xuất của Bộ Tài chính và bổ sung một nội dung mới, đó là coi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù.

“Đây sẽ là những quy định cần thiết tạo cơ sở pháp lý, công cụ hữu hiệu nhằm phát triển thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, cần thực thi cũng như giám sát việc thực thi luật cho tốt, nếu không pháp luật cũng chỉ trên giấy”, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh.

II. Tin quốc tế

Đức thử nghiệm các biện pháp tăng cường an ninh hàng không sau vụ thảm họa Germanwings

(Bloomberg) – Chính phủ Đức sẽ thành lập một ủy ban chuyên trách để phối hợp cùng các hãng hàng không nước này kiểm tra các thiết bị an ninh sau khi xảy ra thảm họa rơi máy bay của Germanwings hai tuần trước.

Bộ trưởng Giao thông Alexander Dobrindt nói ủy ban này sẽ rà soát lại các yêu cầu an toàn hàng không, như việc khóa cửa buồng lái của phi công, yêu cầu kiểm tra sức khỏe nhân viên ngành hàng không cũng như quy trình phát hiện các biểu hiện rối loạn về tâm lý.

Mới đây, hãng hàng không Deutsche Lufthansa AG – công ty mẹ của Germanwings – cho biết hồi 6 năm trước, cơ phó Andreas Lubitz của chuyến bay xấu số 4U9525 tới Pháp đã thông báo cho trường đào tạo hàng không về việc anh ta mắc chứng trầm cảm.

Tín hiệu ghi âm từ hộp đen chỉ ra rằng Andreas Lubitz đã khóa trái buồng lái khiến cơ trưởng không thể vào, sau đó điều khiển cho máy bay rơi xuống sườn núi, khiến bản thân và 149 người khác trên máy bay thiệt mạng.

Phát biểu hôm Thứ 5 tuần trước, cùng với ông Klaus-Peter Siegloch – Chủ tịch Hiệp hội hàng không Đức – ông Dobrindt nói: “Chúng tôi thống nhất rằng sẽ thảo luận kỹ lưỡng về các tiêu chuẩn cao đối với an toàn hàng không”.

Liên quan đến hậu quả vụ tai nạn vừa qua, các nhà bảo hiểm của Germanwings đã chuẩn bị 300 triệu USD để chi trả bồi thường.

Ông Dobrindt cho biết Chính phủ Đức cũng đang xem xét việc yêu cầu hành khách cung cấp thông tin cá nhân khi lên máy bay tại 26 quốc gia châu Âu thuộc khu vực Schengen.

Cảnh sát thành phố Dusseldorf, bang North Rhine-Westphalia, Đức – nơi máy bay cất cánh đi Pháp – đã thu thập đủ dữ liệu về tất cả các hành khách trên chuyến bay xấu số. Đoàn công tác từ Dusseldorf được cử đến hiện trường làm việc với các đồng nghiệp Pháp hiện đã trở về.

AIG bổ nhiệm Giám đốc Khối bảo hiểm cá nhân

(Bloomberg) – Hãng Bảo hiểm quốc tế Mỹ AIG vừa tuyển dụng ông Gaurav Garg từ công ty Mercer thuộcTập đoàn Marsh & McLennan vào vị trí Giám đốc Khối bảo hiểm cá nhân.

AIG cho biết đây là sự trở lại của ông Garg về AIG – nơi ông đã có thời gian 12 năm làm việc trước khi chuyển sang Mercer.

Tại vị trí này, ông sẽ báo cáo lên ôngKevin Hogan, Tổng Giám đốc bảo hiểm thương mại toàn cầu và phụ trách các nghiệp vụ bảo hiểm ô tô, bảo hiểm tài sản cá nhân và tai nạn cá nhân.

Bình luận về sự kiện này, ông Hogan nói: “Ông Gaurav là chuyên gia lâu năm trong ngành bảo hiểm với kỹ năng lãnh đạo dày dạn và khả năng bao quát tốt”.

Trước đó, ông Garg là Giám đốc các thị trường tăng trưởng của Mercer, quản lý hoạt động kinh doanh tại 22 nước thuộc các khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Tiếp quản vị trí hiện tại của ông tại Mercer sẽ là ông David Anderson.

Hàn Quốc: Korean Re gia nhập thị trường Lloyd’s

(Asiainsurancereview) – Korean Re, hãng tái bảo hiểm lớn thứ 9 thế giới, vừa hoàn tất các thủ tục gia nhập thị trường Lloyd’s và thành lập công ty đánh giá rủi ro Korean Re Underwriting Ltd tại Luân đôn vào ngày 1/4/2015.

Việc gia nhập vào thị trường Lloyd’s sẽ đem đến cho Korean Re cơ hội tiếp nhận các thông lệ và kỹ thuật tái bảo hiểm tiên tiến nhất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh của hãng tại thị trường châu Âu.

Korean Re Underwriting Ltd là nghiệp đoàn bảo hiểm chuyên biệt với năng lực tái bảo hiểm 10 triệu Bảng (14,9 triệu USD). Korean Re Underwriting Ltd có quan hệ đối tác chiến lược với Beazley, công ty mẹ của các hãng bảo hiểm chuyên biệt tại các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á, Trung Đông và Úc. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, Korean Re và Beazley sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm đánh giá rủi ro tại các thị trường truyền thống của mình.

Trước đó, trong thời gian chuẩn bị cho việc thành lập Korean Re Underwriting Ltd, ông Jong Gyu Won, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Korean Re, đã tới Luân đôn và ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Beazley vào ngày 26/3. Phát biểu trong buổi lễ, ông Won nói: “Tôi hy vọng mối quan hệ đối tác giữa hai bên sẽ tạo động lực mạnh thúc đẩy sự tăng trưởng cho cả hai công ty, dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của Beazley tại rất nhiều thị trường trên thế giới cũng như bề dày nhiều năm kinh doanh của Korean Re tại thị trường châu Á”.

Ông Andrew Horton, Tổng Giám đốc Beazley, nói: “Korean Re thuộc top 10 hãng tái bảo hiểm lớn nhất thế giới. Chúng tôi rất hân hạnh với mối quan hệ hợp tác này. Korean Re là nhà tái bảo hiểm chính trên thị trường Hàn Quốc và là đối tác tuyệt vời để phân phối các sản phẩm của Beazey tại châu Á. Chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác sẽ giúp Beazley tăng trưởng doanh thu tại châu Á và giúp Korean Re xây dựng được nền tảng vững chắc tại thị trường Lloyd’s”.

Korean Re được chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1963, sau đó cổ phần hóa vào năm 1978, là công ty tái bảo hiểm lớn nhất nước này, được AM Best xếp hạng tín nhiệm A. Doanh thu phí của hãng năm 2014 đạt 6 tỷ USD.

Tại thị trường nội địa, Korean Re cung cấp dịch vụ tái đối với tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Về hoạt động kinh doanh tại nước ngoài, khu vực Viễn Đông chiếm tới 50% tổng doanh thu phí hải ngoại, tiếp đó là các thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Âu, Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh và châu Phi.

Tổn thất được bảo hiểm do giông bão tiếp tục tăng lên 

(Propertycasualty360) – Theo báo cáo mới đây của Swiss Re, tổn thất do giông bão (thunderstorms) đang tăng lên, trở thành thách thức lớn đối với xã hội và ngành bảo hiểm.

Giông bão là hình thái thời tiết nguy hiểm, gồm mưa đá, mưa lớn, lũ quét, gió lốc và sấm sét. Giông bão nghiêm trọng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới và để lại những hậu quả nặng nề đối với mùa màng, tài sản, xe cộ tại các khu vực đông dân cư.

Do đặc điểm địa lý của mình, nước Mỹ phải gánh chịu nhiều bão lốc nhất trên thế giới. Khối khí lạnh từ Canada và núi Rocky Mountains, khối khí nóng từ sa mạc vùng tây nam và khối khí ẩm từ vùng vịnh Mexico gặp nhau tại vùng Trung Mỹ. Vào mùa xuân, các khối khí khổng lồ này đổ về và gặp phải gió từ các tầng thấp khí quyển đối lưu theo nhiều hướng khác nhau, gây ra các trận bão lốc lớn. Theo thống kê, hàng năm tại Mỹ có tới 60 người chết và khoảng 1.500 người bị thương do giông bão.

Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2014, tổn thất được bảo hiểm do giông bão tại Mỹ trung bình 8 tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2008, tổn thất được bảo hiểm trung bình mỗi năm vượt 10 tỷ USD. Đặc biệt, 2011 là năm ghi nhận mức tổn thất kỷ lục với 28 tỷ USD tiền bồi thường bảo hiểm và 39 tỷ USD tổng giá trị thiệt hại do giông bão.

Ngoài ra, năm 2001 là năm có mức độ thiệt hại do mưa đá lớn nhất, gây thiệt hại nghiêm trọng tại thành phố Kansas với 2,9 tỷ USD (quy đổi theo thời giá năm 2014) tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, chủ yếu xảy ra đối với tài sản và xe cộ.

Tình trạng tổn thất được bảo hiểm tăng cao xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu gồm: gia tăng nguy cơ rủi ro đối với đối tượng được bảo hiểm, tăng mức độ xâm nhập bảo hiểm, tăng dân số và tình trạng đô thị hóa, tăng giá trị tài sản và giá trị công nghệ được bảo hiểm.

Hiện trạng kể trên càng khẳng định sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như việc ban hành các tiêu chuẩn và thông lệ chặt chẽ hơn trong xây dựng.

Allied World thâu tóm RSA Hồng Kông và Singapore với giá 193 triệu USD

(Insurancebusinessreview) – Công ty bảo hiểm Allied World đã hoàn tất việc thâu tóm chi nhánh của Royal & Sun Alliance Insurance (RSA) tại Hồng Kông và Singapore với giá khoảng 193 triệu USD. Đồng thời, Allied World cũng đã hợp nhất danh mục sản phẩm hiện tại, các tài sản và trách nhiệm có liên quan của cả hai chi nhánh.

Giao dịch này được công bố lần đầu tiên vào tháng 8/2014.

Hai chi nhánh kể trên sẽ được gộp vào bộ phận thị trường bảo hiểm toàn cầu của Allied World và báo cáo trực tiếp lên ông Julian James, Chủ tịch Allied World châu Âu.

Ông Scott Carmilani, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Allied World, nói: “Việc sáp nhập chi nhánh RSA Hồng K ông và Singapore sẽ tăng cường sự hiện diện của Allied World tại các thị trường trọng điểm châu Á cả về bề rộng và chiều sâu”.

“Giao dịch này giúp chúng tôi nâng cao khả năng cung cấp sản phẩm và hệ thống phân phối, đồng thời bổ sung một lực lượng cán bộ quản lý kinh nghiệm với các mối quan hệ sâu rộng trong khu vực”.

Về sản phẩm, hai chi nhánh này sẽ bổ sung năng lực bảo hiểm của Allied World với các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, bảo hiểm thương mại và bảo hiểm cá nhân.

RSA hiện đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ tại các thị trường ngách của bảo hiểm chuyên biệt, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm, xây dựng và kỹ thuật, hàng hải và tài sản. Goldman Sachs là nhà tư vấn tài chính độc lập cho Tập đoàn RSA.

Công ty này đã có kinh nghiệm hoạt động trên 40 năm tại Hồng Kông và trên 180 năm tại Singapore. Tổng doanh thu phí của RSA năm 2013 đạt khoảng 250 triệu USD.

Về phần mình, Allied World đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tài sản, trách nhiệm, chuyên biệt và tái bảo hiểm thông qua các đơn vị thành viên.

CII tiết lộ kết quả khảo sát về thu nhập ngành bảo hiểm 

(Insuranceage) – Theo khảo sát mới đây của Học viện Bảo hiểm Hoàng gia Anh (CII), các chuyên gia bảo hiểm được chứng nhận (chartered insurance professionals) có thu nhập cao hơn 25% so với nhân viên bảo hiểm thông thường. Bên cạnh đó, thu nhập của nhân viên ngành bảo hiểm cao hơn 12% so với ngành môi giới bảo hiểm.

Khảo sát cũng chỉ rõ sự mất cân bằng về giới đang là thách thức chủ yếu của ngành bảo hiểm, theo đó 72% nhân viên nữ ở mức thu nhập thấp so với tỷ lệ 47% của nam giới. Đồng thời, chỉ có 2% nhân viên nữ có mức thu nhập trên 80.000 Bảng/năm, trong khi ở nam giới, tỷ lệ này là 11%.

Theo ông David Ross, Giám đốc Truyền thông CII, nói: “Hiến chương Hoàng gia Anh yêu cầu CII phải tìm cách để đảm bảo và duy trì niềm tin của xã hội đối với các thành viên của CII nói riêng và cộng đồng bảo hiểm nói chung”.

“Để chúng tôi có thể đạt được mục tiêu đó, việc hiểu rõ về các thành viên CII, mối quan tâm và nguyện vọng của họ là hết sức cần thiết”.

Ông nói thêm: “Nghiên cứu này là sự bổ sung hữu ích đối với khảo sát kỹ năng hàng năm, cung cấp bức tranh toàn cảnh về kỹ năng nhân viên ngành bảo hiểm”.

“Kết quả của hai nghiên cứu này khi được phối hợp với nhau sẽ đem đến một góc nhìn mới về ngành bảo hiểm sau hậu quả của khủng hoảng tài chính, đồng thời củng cố thêm niềm tin trên chặng đường tiến lên chuyên nghiệp”.

BTV (tổnghợp).

Comments are closed.