TIÊU ĐIỂM TUẦN 13 NĂM 2015

MSIG đặt mục tiêu lọt vào top 3 thông qua M&A; Thái Lan nới lỏng quy định về sở hữu nước ngoài; Website so sánh bảo hiểm Singapore đi vào hoạt động

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo hiểm PJICO tạm ứng bồi thường vụ sập giàn giáo Vũng Áng

(TBTCO) – Sáng 28/03/2015, đoàn công tác của Tổng công ty PJICO do Ông Nguyễn Thịnh – Chủ tịch Công đoàn, đại diện cho người lao động PJICO tiếp tục tới Bệnh viện Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên và trao quà của CBNV PJICO tới tay người lao động bị nạn.

Trước đó, PJICO đã tạm ứng bồi thường ngay đối với mỗi công nhân tử nạn là 25 triệu đồng/người; với các công nhận bị thương, PJICO cũng tạm ứng số tiền tối đa 5 triệu đồng/người.

Được biết, theo hợp đồng ký kết với PJICO, mỗi công nhân lao động được bảo vệ về rủi ro tai nạn trong suốt 24/24h với hạn mức trách nhiệm 50 triệu đồng/người.

Đại diện đơn vị tham gia bảo hiểm đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của PJICO đồng thời cũng thể hiện quyết tâm sớm khắc phục hậu quả, vượt qua những khó khăn hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, Hà Tĩnh xảy ra tối 25/3 làm 13 người chết, 28 người bị thương. Ngay trong đêm, các lực lượng cứu hộ Hà Tĩnh đã dồn toàn lực tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát. Tính đến 15h30 chiều 26/3, lực lượng cứu hộ đã kết thúc tìm kiếm.

VBI trao tiền bảo hiểm cho khách hàng tại Tuyên Quang

(VietinBank) – Bảo hiểm VietinBank (VBI) và VietinBank Tuyên Quang vừa tới thăm hỏi, trao số tiền bảo hiểm 100 triệu đồng cho gia đình khách hàng…

Bà Tạ Thị Thiệu là khách hàng vay vốn của VietinBank Tuyên Quang và có tham gia bảo hiểm con người Vietincare của VBI với số tiền bảo hiểm 100 triệu đồng. Ngày 14/01/2015, khi đang lưu thông trên đường QL2 theo hướng Hà Giang – Tuyên Quang, bà Thiệu không may gặp tai nạn dẫn đến tử vong. Ngay sau khi nhận được thông tin từ gia đình cũng như Ngân hàng, các cán bộ VBI khu vực Tây Bắc đã phối hợp với VietinBank – chi nhánh Tuyên Quang hướng dẫn gia đình thu thập hồ sơ để làm thủ tục nhận bảo hiểm.

Ngày 24/3/2015, đại diện VBI và VietinBank Tuyên Quang đã tới thăm hỏi, trao 100 triệu đồng tiền bảo hiểm cho gia đình bà Thiệu.

Bảo Việt hỗ trợ khách hàng vụ tai nạn tại cao tốc Trung Lương

(ĐTCK) – Khoảng 1h10  rạng sáng ngày 28/3/2015, tại km13+100 đường cao tốc TP. HCM-Trung Lương, thuộc địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức (Long An), ôtô khách của Công ty Phương Trang biển số 51B-13756 do tài xế Hồ Kim Luân điều khiển đã tông vào phía sau xe tải 94C-00108, lúc này đang dừng trên đường cao tốc vì va quệt với một xe tải khác trước đó.

Vụ tai nạn khiến nhân viên phục vụ Nguyễn Thanh Bình (ngụ tại TP. Cần Thơ) của xe Phương Trang tử vong tại chỗ. 10 hành khách bị thương được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện ở TP. HCM, trong đó 7 người bị thương nhẹ được ra viện ngay, 3 người đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

Xe biển kiểm soát 51B-13756 – hiệu xe Thaco (Năm sản xuất 2014) thuộc chủ xe là CTCP Vận tải dịch vụ du lịch Phương Trang, đã tham gia bảo hiểm thân vỏ tại Công ty Bảo Việt Sài Gòn với số tiền bảo hiểm 2,5 tỷ đồng; bảo hiểm trách nhiệm bảo hiểm dân sự người/tài sản tối đa là 70 triệu đồng, mức trách nhiệm bảo hiểm lái phụ xe là 10 triệu đồng và mức trách nhiệm bảo hiểm cho người ngồi trên xe (xe khách tối đa chở 40 người) tối đa là 10 triệu đồng/người/vụ.

Sáng 29/3/2015, đại diện Bảo Việt Sài Gòn đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh Viện Triều An để thăm hỏi các nạn nhân vụ tai nạn đang nằm điều trị tại đây. Đồng thời, Bảo Việt Sài Gòn cũng đã đề nghị Công ty Bảo Việt Cần Thơ cử đại diện đến viếng và gửi vòng hoa chia buồn cùng gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Bình tại Cần Thơ – nhân viên nhà xe bị tử vong trong vụ tai nạn. Bảo Việt cũng chuyển trước một phần số tiền đền bù theo trách nhiệm của Công ty cho thân nhân bà Nhớ.

Qua đánh giá ban đầu, trường hợp xe bị nạn đáp ứng đầy đủ mọi quy định của pháp luật hiện hành (giấy tờ, bằng lái và các yêu cầu khác theo quy định), thì mức độ thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm đối với người bị chết và bị thương là khoảng 210 triệu đồng, ước thiệt hại về vật chất xe khoảng 400 triệu đồng. Hiện do các điều kiện khách quan, thiệt hại về tài sản trên xe chưa thể giám định được.

Hà Nội: Xe khách tông xe con bẹp dúm, 4 người thoát chết

(VTC News) – Chiếc xe con đang dừng ở làn dừng khẩn cấp thì bị ôtô khách đi phía sau tông vào đuôi, khiến xe lao về phía trước vài chục mét.

Vụ tai nạn xảy ra vào chiều 31/3 trên đường cao tốc trên cao hướng Linh Đàm đi Phạm Hùng (đoạn qua tòa nhà Keangnam, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến chiếc xe con bẹp dúm, 4 người trong xe may mắn thoát chết.

Theo một số nhân chứng, khi chiếc xe 4 chỗ mang biển kiểm soát Hà Nội lưu thông đến đoạn đường trên đã giảm tốc độ và dừng xe vào làn khẩn cấp.

Khi chiếc xe này vừa dừng lại đã bị một xe khách lưu thông tới đâm mạnh vào đuôi xe. Cú đâm mạnh khiến  chiếc xe 4 chỗ lao về phía trước vài chục mét.

Thời điểm xảy ra tai nạn, trong xe con có 4 người. Có một cháu nhỏ bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Trong khi đó, nhiều hành khách trên xe khách hoảng loạn sau vụ va chạm mạnh.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, phần đuôi chiếc xe 4 chỗ bẹp dúm, hư hỏng nặng. Ngay sau đó lực lượng CSGT đã có mặt phân luồng giao thông, giải quyết vụ việc.

2. Một vòng doanh nghiệp 

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 2014 (đã kiểm toán)

(BVH) – Tổng doanh thu hợp nhất năm 2014 toàn Tập đoàn đạt 19.050 tỷ đồng, tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ 2013, trong đó: Doanh thu từ lĩnh vực bảo hiểm đạt 14.070 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8%, chiếm 73,9% tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.627 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.331 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2013.

Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 1.340 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 1.121 tỷ đồng, tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ đạt 16,5%.

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: là điểm sáng năm 2014 khi vượt tất cả các chỉ tiêu về phát triển kinh doanh, lợi nhuận và dịch vụ khách hàng. Cụ thể: tổng doanh thu năm 2014 đạt 10.765 tỷ đồng, tăng trưởng 26,9% so với năm 2013, trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt 7.959 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 590 tỷ đồng, tăng trưởng 11,4% so với năm 2013. Đặc biệt, doanh thu khai thác mới năm 2014 đạt 2.093 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2013. Bảo Việt Nhân thọ tích cực phát triển các sản phẩm bảo hiểm mang tính tiết kiệm và đầu tư nhằm khai thác cơ hội của thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường với tổng doanh thu đạt 6.510 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng. Một số nghiệp vụ ghi nhận mức tăng trưởng tốt như bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt (+13,3%), bảo hiểm trách nhiệm chung (+8,4%), bảo hiểm y tế tự nguyện và con người (+8,1%). Năm 2014, Bảo hiểm Bảo Việt đã tiến hành mở rộng hợp tác với một số đối tác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các dòng sản phẩm với nhiều quyền lợi ưu đãi cho khách hàng.

12.876 thuyền viên đã được bảo hiểm với tổng tiền 898 tỷ đồng

(ĐTCK) – Đó là con số vừa được cung cấp từ Cục QLGSBH. Cụ thể, đến nay, 12.876 thuyền viên đã được bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là  898 tỷ đồng; 1.057 tàu được bảo hiểm với tổng giá trị được bảo hiểm là 752 tỷ đồng.

Đây là kết quả của việc triển khai bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc.

Cục này cũng cho biết, việc triển khai bảo hiểm thủy sản theo NĐ 67 đã được thực hiện tại 17/28 tỉnh.

4 doanh nghiệp bảo hiểm được giao triển khai sản phẩm bảo hiểm này là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và Bảo hiểm PVI. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt được giao đứng đầu hợp đồng bảo hiểm thủy sản (thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, thuyền viên khai thác hải sản) tại 10 địa phương, Bảo Minh và PJICO triển khai bảo hiểm tại 7 địa phương, Bảo hiểm PVI triển khai tại 4 địa phương trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có đội ngũ tàu thuyền khai thác hải sản. Đây được xem là cơ sở để triển khai mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm của ngư dân khai thác hải sản, với sự hỗ trợ của Nhà nước.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Phát huy vai trò của bảo hiểm trong phát triển kinh tế – xã hội

(TBTCO) – Sáng ngày 27/3 tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức “Hội nghị thường niên Thị trường bảo hiểm năm 2015”. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả mà thị trường bảo hiểm đã đạt được.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời gian qua thị trường bảo hiểm đã đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, năng lực tài chính của DNBH tiếp tục được nâng cao. Đặc biệt, năm 2014, tổng doanh thu của thị trường đạt 67.169 tỷ đồng, đạt mức 2,44% so với GDP. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 54.635 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2013; tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 20.766 tỷ đồng, tăng 11,7%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế là 128.938 tỷ đồng, tăng 13,4%; tạo công ăn việc làm cho hơn 400 nghìn người.

Đặc biệt, cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và ban hành kịp thời, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, tới 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trước các rủi ro bảo hiểm. Ngành bảo hiểm còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ.

Tuy vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, “Về quy mô, tỷ lệ doanh thu bảo hiểm trên GDP năm 2014 mới chỉ đạt 2,44%, thấp so với mức 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,2% trên toàn thế giới. Nhận thức, hình ảnh về bảo hiểm chưa sâu rộng; sản phẩm bảo hiểm chưa linh hoạt; kênh phân phối chưa tiếp cận đến mọi tổ chức, cá nhân; công tác quản trị, điều hành DN còn nhiều bất cập; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại,…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2015-2020 là phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế – xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mức cao và ổn định (trên 10%/năm); tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, năng lực cạnh tranh của các DNBH…

Theo đó, năm 2015 được xem là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục QLGSBH tổng hợp đầy đủ những ý kiến và góp ý của đại diện các cơ quan, đơn vị, DNBH, Hiệp hội bảo hiểm để trình Lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phê duyệt các giải pháp, đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.

4. Tin đào tạo

Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ từ ngày 23-27/3/2015 

(IRT) – Từ ngày 23-27/3/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về Bảo hiểm Phi Nhân thọ cho 45 học viên đến các doanh nghiệpbảo hiểm, môi giới bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam. Đây là khóa đào tạo phi nhân thọ cơ bản đầu tiên được Trung tâm tổ chức trong năm 2015.

Trong thời gian 5 ngày, các học viên đã được truyền tải kiến thức cơ bản về: Lý thuyết, thực hành và các văn bản pháp quy mới ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

5. Bảo hiểm với cộng đồng

Tập đoàn Bảo Việt xây dựng trường tiểu học xã Định Biên, Thái Nguyên

(BVH) – Ngày 20/3/2015, đoàn công tác Tập đoàn Bảo Việt đã tham dự buổi Lễ khởi công công trình Trường tiểu học xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với số tiền đầu tư lên đến gần 6 tỷ đồng. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo Việt (1965-2015), kỷ niệm 70 năm thành lập Khu căn cứ lịch sử cách mạng An toàn khu (ATK) (1945-2015) và 70 năm thành lập Ngành Tài chính Việt Nam (1945 – 2015).

Định Biên nằm trên lưu vực của sông Chợ Chu, xã trực thuộc vùng ATK Định Hóa trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và là nơi diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu Quốc quân thành Đội Việt Nam giải phóng quân. Định Biên là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm gần 25%, trong đó đồng bào dân tộc chiếm trên 90%, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Trường Tiểu học của xã hiện nay chỉ có một nhà 2 tầng với 8 phòng học, còn lại là hệ thống nhà tạm, không đảm bảo cho việc dạy và học của cô và trò trong tình hình mới, đồng thời cũng khó khăn trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tại buổi khởi công, ông Ma Khánh Huân – Chủ tịch UBND xã Định Biên đã chia sẻ những khó khăn trong sự nghiệp ươm mầm non tương lai của địa phương do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn.Việc xây dựng trường tiểu học tại xã Định Biên là một vấn đề rất cấp thiết. Thay mặt cho Lãnh đạo UBND xã Định Biên, ông bày tỏ lòng cảm ơn tới Tập đoàn Bảo Việt đã ủng hộ công trình xây dựng trường Tiểu học tại xã, góp phần tạo điều kiện cho các em được đến trường, để các em có một tương lai tươi sáng.

Cô Trần Thị Dương – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với 135 học sinh cấp 1, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy và quản lý các em trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, không có phòng chức năng, không có phòng y tế, không có tường rào… Lễ khởi công công trình Trường tiểu học hôm nay là món quà quý giá khích lệ tập thể giáo viên của trường yên tâm dạy dỗ các cháu học sinh chăm ngoan, học giỏi, các phụ huynh cũng sẽ tin tưởng hơn khi gửi gắm con em học tập tại một ngôi trường khang trang.

Công trình trường học dự kiến sẽ được tiến hành xây dựng và hoàn thành vào tháng 7/2015 với dãy nhà 2 tầng gồm 06 phòng học chức năng, 01 nhà hiệu bộ, 01 nhà bảo vệ, 01 nhà để xe, tường rào cùng các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ nhu cầu học tập cho gần 135 học sinh.

II. Tin quốc tế

Máy bay Canada trượt khỏi đường băng khi hạ cánh

(Vnexpress) – Independent dẫn thông báo của hãng hàng không Air Canada cho biết phi cơ Airbus A320 mang số hiệu AC624 của hãng hàng không Air Canada hôm 29/3 đâm vào một đường dây điện và bị hư hỏng nặng sau khi trượt bánh khỏi đường băng trong lúc hạ cánh tại sân bay quốc tế Stanfield ở Halifax.

Toàn bộ 132 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đã rời khỏi máy bay an toàn. 23 người được đưa tới bệnh viện để theo dõi và điều trị vì một số vết thương nhẹ.

Ông Peter Spurway, đại diện sân bay, cho hay chiếc phi cơ hạ cánh trong khi trời đang có bão và nhiều khả năng đây là nguyên nhân khiến nó bị trượt khỏi đường băng.

Sự cố khiến toàn sân bay mất điện trong khoảng 80 phút.

“Chúng tôi đâm khá mạnh, mọi thứ vỡ tan tành”, hành khách Gordon Murray kể và thêm rằng ông vẫn bình tĩnh mặc dù có đôi chút khiếp sợ đồng thời cảm thấy may mắn vì còn sống sót sau những gì xảy ra.

Air Canada là hãng hàng không quốc gia Canada, được thành lập vào năm 1937, có trụ sở ở Montreal, Quebec. Đây là hãng hàng không lớn thứ 13 thế giới xét theo quy mô đội tàu bay.

Vụ tai nạn Airbus A320: Hãng Lufthansa đối mặt với khoản bồi thường lớn

(TBTCO) – Theo các chuyên gia, Lufthansa có thể đối mặt với một số tiền bồi thường vô cùng lớn trong vụ tai nạn máy bay tại Pháp vừa qua khiến 150 người thiệt mạng và sẽ khó tránh nghĩa vụ pháp lý.

Hiệp định về thương vong trên các chuyến bay quốc tế quy định, các hãng hàng không buộc phải bồi thường cho thân nhân của nạn nhân số tiền lên tới 157.000 USD, bất kể máy bay rơi vì lý do gì. Tuy nhiên, mức bồi thường có thể cao hơn nếu một hãng hàng không phải gánh trách nhiệm pháp lý.

Theo luật sư người Đức trong lĩnh vực hàng không, Marco Abate, thiệt hại có thể là rất lớn.

Theo Điều 21 Công ước Montreal năm 1999, để tránh nghĩa vụ pháp lý, một hãng hàng không phải chứng minh được vụ tai nạn là không phải là do sự bất cẩn hoặc một hành động vô cớ khác của thành viên phi hành đoàn.

Ông Abate cho rằng Lufthansa gặp bất lợi khi một phi công cố tình để máy bay đâm vào núi và có thể khó tránh việc bị ảnh hưởng đến danh tiếng. Theo các nhà điều tra, cơ phó của chuyến bay gặp nạn của Germanwings (công ty con của Lufthansa) đã khóa buồng lái và điều khiển máy bay lao vào núi.

Tổng giám đốc Lufthansa Carsten Spohr cuối tuần qua cho biết hãng sẽ tuân thủ các thỏa thuận quốc tế quy định nghĩa vụ pháp lý. Hãng đã hỗ trợ ngay lập tức 50.000 euro (54.800 USD)/hành khách cho thân nhân của các nạn nhân. Khoản hỗ trợ này không liên quan tới khoản bồi thường cuối cùng.

Theo luật sư người Hà Lan Sander de Lang, số tiền mà Lufthansa phải bồi thường sẽ phụ thuộc vào việc đơn đòi bồi thường sẽ được gửi đến đâu. Ông cho biết có nhiều lựa chọn trong trường hợp chuyến bay của hãng Germanwings từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Duesseldorf (Đức).

Ông nói việc xử lý đơn kiện có thể là theo luật của Pháp, nơi máy bay rơi, hoặc Đức bởi hầu hết hành khách có vé khứ hồi đến hoặc đi từ đây, hoặc Tây Ban Nha, nơi một số người có thể đã mua vé.

Trong khi đó, các gia đình của ba nạn nhân người Mỹ trong vụ tai nạn vừa qua có thể kiện Lufthansa ra các tòa án Mỹ. Chi phí bồi thường ở châu Âu thường thấp hơn nhiều so với ở Mỹ, nơi mà trong các vụ tai nạn máy bay trong nước, số tiền bồi thường có thể là hàng triệu USD cho mỗi hành khách.

Bên cạnh đó, ông Abate cho biết, ở các tòa án Đức, Lufthansa có thể phải chịu mức bồi thường lớn nếu người thiệt mạng là lao động chính của một gia đình.

Theo Điều 33 Công ước Montreal, nơi cư trú chính và thường xuyên của hành khách sẽ được lấy làm căn cứ cho việc giải quyết các đơn kiện liên quan đến khách hành bị tử nạn hoặc bị thương.

Một số nhà phân tích cho rằng Lufthansa có thể thỏa thuận với các thân nhân nạn nhân để không phải hầu tòa.

Generali tìm kiếm 20 tài năng trẻ để phát triển sự nghiệp trên toàn cầu

(ĐTCK) – Những ứng viên là sinh viên đã tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm hoạt động đa quốc gia với các kỹ năng toàn diện, chuyên ngành kinh tế, tài chính, kinh doanh, công nghệ thông tin, digital marketing hoặc các ngành định lượng (toán, thống kê…).

Đây là hồ sơ của 20 bạn trẻ mà Tập đoàn Generali đang tìm kiếm trên khắp thế giới cho “Chương trình đào tạo sau đại học của Generali trên toàn cầu” vừa được khởi xướng, một chương trình nhằm mục đích tuyển dụng những tài năng trẻ phát triển cùng Tập đoàn và theo đuổi một sự nghiệp trên phạm vi quốc tế.

Chương trình kéo dài 18 tháng, bắt đầu vào tháng 9/2015 và kết thúc vào tháng 3/2017. Những người tham gia chương trình sẽ làm việc mang tầm đa quốc gia và luân phiên tại nhiều bộ phận khác nhau trong phạm vi 60 nước mà Tập đoàn đang hoạt động. Dự án này bao gồm việc tham gia một khóa học “Cao học Generali MIB về quản lý bảo hiểm”, liên kết đào tạo với Trường Quản trị kinh doanh MIB Trieste. Các học viên sẽ ký hợp đồng làm việc chính thức với Văn phòng chính Assicurazioni Generali trong thời gian tham gia chương trình này và sau đó sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại một trong các công ty của Tập đoàn trên thế giới.

Các ứng viên phải là sinh viên chưa tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp với kết quả học tập xuất sắc, kinh nghiệm làm việc không quá 2 năm và sẵn sàng làm việc toàn thời gian kể từ tháng 9/2015. Có trình độ tiếng Anh xuất sắc và ít nhất một ngôn ngữ khác, cũng như có ít nhất 4 tháng kinh nghiệm học tập hoặc làm việc ở nước ngoài.

Ngoài khả năng chuyên môn, các ứng viên phải là người rất năng động và đam mê làm việc trong môi trường quốc tế, mong muốn phát triển sự nghiệp trên phạm vi toàn cầu và chia sẻ các giá trị của Tập đoàn Generali, nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra, truyền sức mạnh và niềm tin cho con người và cộng đồng.

Generali cho biết, thời hạn nộp hồ sơ cuối cùng là ngày 12/04/2015.

Singapore: trang web so sánh bảo hiểm đi vào hoạt động từ ngày 7/4 

(Asiainsurancereview) – Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), kể từ ngày 7/4/2015, khách hàng có thể so sánh sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp khác nhau thông qua cổng điện tử có tên gọi compareFIRST (www.comparefirst.sg).

Cũng từ ngày 7/4, các doanh nghiệp BHNT quốc đảo này sẽ bắt đầu bán các loại sản phẩm “Bảo hiểm Mua trực tiếp” (DPI) – đây là dòng sản phẩm không cần tới tư vấn của đại lý và vì vậy không phải trả hoa hồng cho họ.

Cả hai sáng kiến kể trên là tác phẩm của Hội đồng tư vấn tài chính Singapore (Financial Advisory Industry Review FAIR) – gồm 13 đại diện đến từ các hiệp hội nghề, các tổ chức bảo vệ quyền lợi khách hàng, cộng đồng đầu tư, giới học thuật, truyền thông và các đơn vị có liên quan khác. FAIR có chức năng rà soát toàn diện ngành tư vấn tài chính và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chuẩn mực và tính chuyên nghiệp cho ngành này.

– Trang web compareFIRST: là cổng điện tử tương tác, cho phép khách hàng so sánh nhanh phí bảo hiểm và các đặc điểm của sản phẩm BHNT từ các doanh nghiệp khác nhau trên thị trường. Từ đó giúp khách hàng có đầy đủ thông tin hơn để ra quyết định mua hàng. Tuy nhiên, khách hàng muốn mua sản phẩm BHNT vẫn cần liên lạc với các nhà tư vấn tài chính hoặc trực tiếp với công ty bảo hiểm.

– “Bảo hiểm Mua trực tiếp” (DPI): Với DPI, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, trọn đời và/hoặc các sản phẩm bổ trợ bảo hiểm bệnh hiểm nghèo thông qua các quầy dịch vụ bảo hiểm hoặc trang web của công ty BHNT. Do không phải bán qua trung gian và không mất tiền hoa hồng nên phí bảo hiểm của DPI thấp hơn mức thông thường.

Các sản phẩm DPI được thiết kế với độ chuẩn hóa cao nhằm giúp khách hàng hiểu và mua một cách đơn giản mà không cần đến sự tư vấn của đại lý. Khách hàng có trách nhiệm đọc kỹ thông tin sản phẩm và điền vào mẫu đơn do doanh nghiệp BHNT cung cấp.

Ông Lee Boon Ngiap, Trợ lý Giám đốc điều hành MAS, nói: “Mua BHNT là một quyết định cho dài hạn. Chúng tôi khuyến khích khách hàng sử dụng trang web compareFIRST và đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm BHNT của các công ty khác nhau trước khi mua hàng”.

Lloyd’s đạt 3,16 tỷ Bảng lợi nhuận trong điều kiện thị trường khó khăn 

(Insurancenews) – Lloyd’s cho biết thị trường này đã đạt 3,16 tỷ Bảng lợi nhuận trước thuế năm 2014, cho dù điều kiện kinh doanh bất lợi với lãi suất thấp và thị trường định giá mềm*, giảm nhẹ so với mức 3,21 tỷ Bảng năm 2013. Tỷ lệ kết hợp tăng lên 88,1% từ mức 86,8% và tổng phí bảo hiểm giảm 1% xuống còn 25,28 tỷ Bảng.

Kết quả nói trên tốt hơn so với dự kiến, chủ yếu do 2014 là năm ít xảy ra tổn thất thảm họa trên toàn cầu. Tổng giá trị các vụ khiếu nại bảo hiểm lớn là 670 triệu Bảng, giảm 23% so với năm 2013, mặc dù trong năm đã xảy ra một loạt các vụ tai nạn và mất tích trong ngành hàng không.

Tổn thất do thiên tai thấp hơn mức trung bình, đáng chú ý là trong năm không xảy ra trận bão lớn nào tại vùng vịnh Mexico.

Bà Inga Beale, Tổng Giám đốc Lloyd’s, nói các thách thức của thị trường vẫn tiếp diễn trong năm nay: “Trong điều kiện ngành bảo hiểm đang mở rộng, tình trạng không cân bằng giữa vốn và rủi ro làm gia tăng mức độ cạnh tranh, khiến cho cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rất khó khăn”.

“Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hoạt động M&A lại nở rộ trong giai đoạn này – tương tự những gì đã xảy ra trong giai đoạn giữa đến cuối thập niên 1990”.

“Chúng tôi dự kiến xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay và chấp nhận thách thức này – để bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của thị trường Lloyd’s”.

Báo cáo của Lloyd’s viết: các nghiệp đoàn phải tăng cường sự nhạy bén và sáng tạo với tinh thần “sẵn sàng triển khai những chuyển đổi cần thiết”.

Duy trì các nguyên tắc đánh giá rủi ro và thường xuyên rà soát là yêu cầu “hết sức quan trọng” trong giai đoạn này.

Bà Inga Beale kết luận: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống các nghiệp đoàn và các công ty môi giới bảo hiểm trên toàn cầu nhằm đảm bảo Lloyd’s luôn duy trì vị trí tiên phong trong ngành bảo hiểm”.

—————

(*) Thị trường bảo hiểm định giá mềm: là tình trạng thị trường trong đó: giá phí bảo hiểm thấp, các điều kiện thẩm định rủi ro được nới lỏng, nguồn cung bảo hiểm dồi dào và mức độ cạnh tranh cao.

Thái Lan nới lỏng quy định về sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp bảo hiểm 

(Insurancenews) – Theo tin từ hãng luật DLA Piper, những thay đổi về luật bảo hiểm Thái Lan sẽ khiến cho các hãng bảo hiểm nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty bảo hiểm nội địa nước này.

Trong bản báo cáo phát hành gần đây, DLA Piper nhận xét: “động thái này phù hợp với xu thế chung hướng tới việc mở cửa thị trường bảo hiểm Thái Lan rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo Luật Bảo hiểm Nhân thọ và Phi nhân thọ mới được thông qua tháng 3/2015, tỷ lệ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư Thái tại các doanh nghiệp là 75% (thay vì trên 75% như trước đây), đồng thời tỷ lệ này có thể được xem xét giảm xuống 51% tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần chi phối tại các công ty bảo hiểm nội địa nhằm “tăng cường sức mạnh (của doanh nghiệp bảo hiểm) hoặc nhằm tăng sự lành mạnh (ngành bảo hiểm)”. Đây là điểm khác biệt so với quy định trước đây: chỉ cho phép trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đó lâm vào tình trạng “có thể gây thiệt hại cho người được bảo hiểm hoặc cộng đồng”.

“Điều này làm gia tăng đáng kể phạm vi của hoạt động xin phép và cấp phép gia tăng room sở hữu tại các doanh nghiệp bảo hiểm”, DLA Piper nhận định.

MSIG đặt mục tiêu lọt vào top 3 thông qua M&A

(Asiainsurancereview) – Hãng bảo hiểm MSIG Thái Lan đang trong quá trình tìm mua các công ty bảo hiểm khác nhằm nâng hạng từ vị trí thứ 16 lên top 3 các công ty bảo hiểm lớn nhất nước này.

Ông Rattapol Gitisamchaiyakul, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: “Điều mà công ty mẹ (tại Nhật Bản) cần là MSIG mua lại các công ty bảo hiểm tại Thái Lan để tăng giá trị và thăng hạng công ty lên vị trí top 3 trên thị trường”.

Mục tiêu thâu tóm tiềm năng của Công ty là các doanh nghiệp có thể bổ sung vào lĩnh vực bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp mà không phải là bảo hiểm xe cơ giới vốn đang là thế mạnh của MSIG.

Trong quá khứ, MSIG từng đứng thứ 9 trên thị trường bảo hiểm Thái Lan trước khi bị rớt xuống vị trí thứ 16 do ảnh hưởng của trận lụt lịch sử năm 2011 làm thay đổi hoạt động kinh doanh của Công ty. Tại thời điểm đó, MSIG đã chuyển trọng tâm kinh doanh từ các sản phẩm bảo hiểm thương mại sang dòng sản phẩm cá nhân, đồng thời cắt giảm nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp, trong đó có bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp. Hiện tại, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tới 59% doanh thu phí của Công ty.

Năm 2014, phí thu của Công ty từ nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 20% do cuộc chiến giảm phí trong lĩnh vực này.

Cho dù MSIG có thể không thực hiện được các giao dịch M&A, Công ty kỳ vọng sẽ thăng hạng lên top 10 trong năm nay với mục tiêu doanh thu phí đạt 4 tỷ Bạt (122,84 triệu USD), tăng trưởng 10% so với năm 2013.

BTV (tổng hợp).

Comments are closed.