TIÊU ĐIỂM TUẦN 12

Từ 1/4/2016, phí bảo hiểm xe tăng đến 20%; Nhật Bản thay đổi chính sách thuế đối với bảo hiểm D&O; AIA tăng cường đầu tư vào hạ tầng châu Á-Thái Bình Dương

 tieu diem tuan 12

 

TIÊU ĐIỂM TUẦN 12:

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Golfer trúng giải, PJICO bồi thường 1,2 tỷ đồng

 

(PJICO) – Ngày 23/03/2016, ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã trao bồi thường giải thưởng Hole in one là 1 chiếc xe ô tô Honda CRV 2.4 trị giá 1,2 tỷ đồng cho golfer Phạm Vĩnh Hà.

Phần trao giải trên nằm trong khuôn khổ lễ trao giải Faros Golf Tournament 2016do Công ty Faros Construction phối hợp với Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức tại Quần thể du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn.

Tại đây, golfer Phạm Vĩnh Hà đã may mắn ghi điểm “Hole in one” ở lỗ số 03 từ khoảng cách 165 yards. Với thành tích đó, chủ nhân may mắn đã nhận được giải thưởng là 01 chiếc xe ô tôHonda CRV 2.4trị giá 1,2 tỷ đồngtừ nhà tài trợ – thông qua PJICO là đơn vị cung cấp bảo hiểm cho giải thưởng này và có trách nhiệm bồi thường nếu có người trúng giải.

2. Một vòng doanh nghiệp

MIC tiếp tục đưa ra phương án tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng

 

(ĐTCK) – Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra sáng 28/3 của Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2016.

Cụ thể, doanh thu 1.870 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2015. Trong đó, tổng thu phí bảo hiểm đạt 1.790 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 80 tỷ đồng. tỷ lệ bồi thường năm 2016 dự kiến đạt 34%. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 phấn đấu đạt 72 tỷ đồng, tăng trưởng 43,7% so với năm 2015, cổ tức phấn đấu đạt 7%.

Năm 2015, MIC đạt doanh thu 1.594 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2014, vươn lên đứng thứ 6 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, thị phần chiếm 4,4%. Lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt hơn 50 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.

Đai hội cũng thông qua phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Trong đó, MIC dự kiến phát hành 28,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 1,5 triệu cổ phiếu phát hành cho cán bộ công nhân viên. Chủ trương tăng vốn lên 800 tỷ đồng cũng đã được MIC đặt ra cho năm 2015, nhưng vì một số lý do chưa thực hiện thành công.

Theo ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT MIC, việc tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính để MIC tham gia vào mọi dịch vụ bảo hiểm trên thị trường.

MIC tổ chức Hội nghị chiến lược phát triển Khu vực Miền Nam 

 

(MIC) – Ngày 18/03/2016, tại TP Nha Trang, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã tổ chức Hội nghị chiến lược khu vực Miền Nam giai đoạn 2016-2018. Đến dự hội nghị có Ông Uông Đông Hưng – Phó Tổng Giám đốc MB, Chủ tịch HĐQT MIC; Ông Phan Phương Anh – Ủy viên thường trực HĐQT,  Ông Nguyễn Quang Hiện – Ủy viên TT HĐQT, Tổng Giám đốc, Bà Nguyễn Thị Phương Thúy –  Trưởng Ban Kiểm soát cùng các ông bà trong Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các Khối, Vùng, Ban Hội sở và Giám đốc các đơn vị khu vực phía Nam.

Hội nghị đã được nghe đánh giá tổng quan về kết quả kinh doanh, tình hình thị trường, cạnh tranh, sản phẩm bảo hiểm và tham luận của các khối phát triển nguồn nhân lực, khối nghiệp vụ, khối quan hệ khách hàng cùng những giải pháp chiến lược, đề xuất phát triển Khu vực này cho giai đoạn 2016 – 2018. Phát biểu tại Hội nghị, Ông Uông Đông Hưng – Chủ tịch HĐQT và ông Phan Phương Anh – Thành viên HĐQT MIC đánh giá cao nội dung của bản chiến lược cùng các tham luận đã có báo cáo rất cụ thể, chi tiết, phân tích sâu về đặc điểm thị trường Miền Nam đồng thời đồng ý với các đề xuất như tăng năng lực tài chính, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng công tác giám định bồi thường, đẩy mạnh bán lẻ và phát triển khách hàng doanh nghiệp nhằm hoàn thành mục tiêu doanh thu chiến lược.

Với sự quan tâm của HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Lãnh đạo và các đơn vị đều quyết tâm thực hiện thành công chiến lược phát triển khu vực Miền Nam giai đoạn 2016-2018. 

PJICO Cần Thơ kỷ niệm 20 năm thành lập

 

(PJICO) – Ngày 25/03/2016, tại Khách sạn Mường Thanh – Cần Thơ, Công ty Bảo hiểm PJICO Cần Thơ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (11/03/1996 – 11/03/2016) và đón nhận Bằng khen do Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ trao tặng.

Tới dự và chia vui với tập thể CBNV Công ty Bảo hiểm PJICO Cần Thơ có sự hiện diện của ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, ông Trương Cẩm Tuyên – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang, đại diện các cơ quan/ban ngành địa phương; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); về phía Tổng Công ty PJICO, có ông Đào Nam Hải – Tổng Giám đốc, ông Bùi Hoài Giang – Phó Tổng Giám đốc cùng các đồng chí Lãnh đạo, nguyên là Lãnh đạo PJICO qua các thời kỳ; và đặc biệt là sự hiện diện của các vị khách quý, khách hàng và đối tác thân thiết trong khu vực miền Tây Nam Bộ.

Tại buổi Lễ, ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ đã biểu dương những nỗ lực, đóng góp của PJICO Cần Thơ trong công cuộc xây dựng, phát triển khu vực. Ngoài công tác sản xuất kinh doanh, để ghi nhận trách nhiệm của đơn vị đối với xã hội, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ đã có bằng khen “có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội” cho tập thể PJICO Cần Thơ. Đây là nguồn động viên khích lệ tinh thần rất lớn cho đơn vị tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Nằm trong khuôn khổ chào mừng Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập PJICO Cần Thơ, ngày 19/03/2016 vừa qua, PJICO Cần Thơ đã phối hợp với Trung tâm phát triển vì phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long tổ chức chương trình thăm hỏi và tặng quà cho 4 hộ gia đình nghèo, mỗi phần trị giá 5 triệu đồng nhằm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Trong không khí vui mừng của buổi Lễ, ông Đào Nam Hải – Tổng Giám đốc PJICO đưa ra đánh giá “PJICO Cần Thơ là một trong những đơn vị phát triển mạnh mẽ nhất trong ngôi nhà chung PJICO; đồng thời, thể hiện sự tin tưởng đơn vị sẽ giữ vững và không ngừng phát triển về mọi mặt trong các năm tiếp theo”.

AIA Việt Nam khai trương GA NEXT tại TP. HCM

 

(ĐTCK) – AIA Việt Nam vừa chính thức khai trương Văn phòng Tổng đại lý kiểu mẫu thế hệ mới với tên gọi GA NEXT tại 148 đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM.

GA NEXT được thiết kế với không gian mở cho dịch vụ chăm sóc khách hàng, các phòng đào tạo hiện đại cho công tác phát triển đại lý, các bàn làm việc kiểu mẫu tạo môi trường làm việc lý tưởng cho đại lý. Đây là mô hình GA NEXT đầu tiên tại TP. HCM và là văn phòng thứ 5 trên toàn quốc của AIA Việt Nam.

Bà Huỳnh Nhung, Giám đốc GA NEXT TP. HCM cho biết, AIA đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng và rất lạc quan về việc sẽ đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp trí thức thành thị và các gia đình trẻ tại TP. HCM.

Cùng với việc đầu tư vào các trung tâm dịch vụ khách hàng thời gian gần đây như “nest by AIA” và các trung tâm đào tạo phát triển chuyên viên hoạch định tài chính chuyên nghiệp “AIA Exchange”, AIA Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng mạng lưới văn phòng để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Với việc khai trương Văn phòng Tổng đại lý theo mô hình GA NEXT nói trên, mạng lưới phục vụ khách hàng của AIA Việt Nam hiện bao gồm hơn 130 văn phòng tại 53 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Trong 2 năm tới AIA Việt Nam sẽ tiếp tục khai trương thêm nhiều Văn phòng Tổng đại lý theo mô hình mới này trên toàn quốc.

PJICO khuyến mại Bảo hiểm nhà tư nhân

 

(PJICO) – Mới đây, PJICO đã đưa ra chương trình khuyến mại”AN CƯ LẠC NGHIỆP”

1. Nội dung khuyến mại: Khách hàng mua bảo hiểm nhà tư nhân thuộc địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ được tặng quà tương ứng với mức phí bảo hiểm, có trị giá từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng.

Với mức phí bảo hiểm từ 01 triệu đồng trở lên sẽ được PJICO bổ sung thêm quyền lợi mở rộng bảo hiểm cho tài sản bên trong tòa nhà với số tiền bảo hiểm 50 triệu đồng.

2. Thời gian áp dụng khuyến mại: Từ ngày 01/04/2016 đến hết ngày 31/12/2016.

3. Đối tượng bảo hiểm: Nhà tư nhân, căn hộ thuộc chung cư cao từ 5 tầng trở lên; nhà liền kề; biệt thự có đường vào nhà rộng tối thiểu 4 mét tại 02 địa điểmlà TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

4. Phí bảo hiểm: Tối thiểu là 400.000 đồng (Chưa bao gồm thuế VAT).

5. Thời hạn bảo hiểm: 01 năm trở lên/1 căn hộ.

Lưu ý: 

 – Khách hàng tham gia bảo hiểm trong chương trình khuyến mãi và đã nhận được quà tặng sẽ không được hoàn phí trong mọi trường hợp.

– Quà tặng không có giá trị quy đổi bằng tiền mặt hoặc bất cứ hình thức tài sản hiện hữu nào khác.

– Các trường hợp khách hàng đang tham gia bảo hiểm tại PJICO hoặc DNBH khác nhưng chưa hết hạn bảo hiểm (còn hiệu lực bảo hiểm) có nhu cầu tham gia khuyến mại đều có thể tham gia với điều kiện mua bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm trong thời gian diễn ra chương trình.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Từ 1/4/2016, phí bảo hiểm xe tăng đến 20%

 

(ĐTCK) – Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ đầu tháng 4 tới đây. 

Thông tư này quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC và Thông tư 43/2014/TT-BTC.

Một trong những điểm mới thu hút sự quan tâm của không chỉ các thành viên tham dự Hội nghị tập huấn Thông tư 22 do Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tuần qua, mà còn của tất cả các thành viên thị trường, đó là quy định mức tăng phí bảo hiểm trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới từ 10% đến 20% đối với một số dòng xe (13 dòng) có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.

Cụ thể, bao gồm xe dưới 6 chỗ ngồi, xe 16 chỗ ngồi, 24 chỗ ngồi và trên 25 chỗ ngồi; xe tải từ 8 đến 15 tấn, trên 15 tấn và một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ-moóc, xe máy chuyên dùng).

Mức tăng phí này, theo đại diện cơ quan quản lý là nhằm đảm bảo an toàn tài chính của các DN bảo hiểm phi nhân thọ – đơn vị trực tiếp cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và cũng phù hợp, do mức trách nhiệm bảo hiểm đã được tăng lên.

Đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng cho biết, dù có tăng nhưng mức tăng này không đáng kể, nhìn chung vẫn giữ nguyên và chỉ tăng từ 10 – 20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.

Như vậy, mức tăng này đã không được điều chỉnh hoàn toàn theo đề xuất trước đây của các DN bảo hiểm cũng như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI). Trước đó, AVI từng đề xuất tăng thêm 50% mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với xe đầu kéo, xe giường nằm, xe cứu thương cũng như kiến nghị mức phí áp dụng với dòng xe có trọng tải trên 15 tấn phải tăng thêm 70%.

Và đề xuất tăng tới 70% này từng được các DN bảo hiểm phi nhân thọ cho là hợp lý trong bối cảnh rủi ro cho các dòng xe này đối với bên thứ ba ngày càng lớn, trong đó xe đầu kéo, xe giường nằm, xe cứu thương có mức độ nguy hiểm cao hơn, do đây là loại xe này có quán tính lớn, có mức độ nguy hiểm cao hơn với người và các phương tiện giao thông khác trên đường.

Việc không tăng phí tới 70% như đề xuất cũ được lý giải chủ yếu là do vấp phải sự phản đối của các DN vận tải trong bối cảnh các loại chi phí liên quan khác tăng, trong khi phí bảo hiểm vật chất xe cũng vừa tăng trong năm qua (kể từ 1/5/2015).

Một điểm mới khác tại Thông tư 22 là điều chỉnh tăng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với loại sản phẩm bảo hiểm bắt buộc này lên, cụ thể tăng 25% và 43% so với mức trách nhiệm bảo hiểm cũ. Cụ thể, tăng mức trách nhiệm bồi thường từ 70 triệu đồng/người/vụ lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về người; từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về tài sản xe ô tô, xe máy….

Theo các DN bảo hiểm, mức tăng này đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong bối cảnh tăng chi phí khám chữa bệnh và chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện. Và mức tăng trên cũng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của DN cũng như đề xuất trước đó từ AVI.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

 

(TBTCO) – Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) đã tổ chức hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2016.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục QLBH Phạm Thu Phương cho biết, mặc dù năm 2015 nền kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế khả quan, tổng cầu và sức mua được cải thiện, tuy nhiên thị trường bảo hiểm năm 2015 cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro bảo hiểm diễn ra nhiều, thiên tai diễn ra khó lường, các vụ cháy nổ, tai nạn giao thông…, có xu hướng tăng. Tuy nhiên với việc cơ quan quản lý triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), thị trường bảo hiểm đã đạt kết quả tích cực.

Theo đó, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 84.375 tỷ đồng, tăng 17,48% so với cùng kỳ; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 130.391 tỷ đồng, tăng 21,09%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu là 44.797 tỷ đồng, tăng 23,4%; đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 157.266 tỷ đồng, tăng 24,9%…

Đặc biệt, trong năm 2015, công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện chủ động, thường xuyên, toàn diện và chặt chẽ, theo đó, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra chuyên đề 13 DNBH, đồng thời thanh tra chuyên đề 3 DNBH, thanh tra toàn diện 3 DNBH thuộc cả 3 lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm.

Bà Phạm Thu Phương cũng cho biết, với nỗ lực của cơ quan quản lý và của chính DNBH, năng lực tài chính của DNBH tiếp tục được tăng cường thông qua tăng vốn điều lệ. Trong năm 2015, đã có 15 DNBH tăng vốn điều lệ với tổng số vốn tăng thêm là 3.486 tỷ đồng…

Các DNBH cũng đã nỗ lực trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các sản phẩm hiện đang triển khai nhằm phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển sản phẩm bảo hiểm mới. Theo đó, năm 2015, thị trường bảo hiểm có thêm 89 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường là 1.187 sản phẩm, trong đó có khoảng 350 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và 837 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.

Bên cạnh đó, mạng lưới hoạt động, kênh phân phối của các DNBH ngày càng được mở rộng và chuyên nghiệp hóa, chất lượng dịch vụ bảo hiểm từng bước được nâng cao, tính đến cuối năm 2015, số lượng đại lý phục vụ trong lĩnh vực bảo hiểm là 561.773 người, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại lý được chú trọng hơn.

Mặc dù thị trường bảo hiểm đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Phạm Thu Phương quy mô thị trường vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2% thấp hơn sơ với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn tình trạng bồi thường không đúng quy tắc điều khoản, hạch toán doanh thu – chi phí chưa đúng quy định; đối với lĩnh vực nhân thọ vẫn còn tình trạng giải quyết quyền lợi bảo hiểm không thống nhất, chi trả quyền lợi bảo hiểm không theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm…

Năm 2016 là năm bản lề cho chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020, theo đó cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về kinh doanh bảo hiểm; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế, đầu tư, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy DNBH tăng trưởng hiệu quả; tăng cường quản trị doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch và an toàn tài chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Về công tác quản lý, giám sát sẽ tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng kết hợp giữa giám sát từ xa và tăng cường đối thoại, trao đổi với DNBH dưới nhiều hình thức. Tăng cường chất lượng và số lượng các cuộc thanh tra và kiểm tra dưới cả hai hình thức toàn diện và theo chuyên đề. Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn để tạo điều kiện cho DNBH phát triển.

Lãnh đạo Cục QLBH cũng đề nghị các DNBH hoàn thiện công tác quản trị tài chính, quản trị kinh doanh DNBH theo hướng tập trung hóa, tăng cường kỷ luật và hiệu quả quản lý tài sản, quản lý chi tiêu tài chính và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, các DNBH cần rà soát danh mục đầu tư, đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, hiệu quả và đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt các DNBH cần hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm hạn chế hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng lôi kéo cán bộ, nhân viên bảo hiểm và mua bán tổng đại lý (trong lĩnh vực nhân thọ); tăng tính tuân thủ các quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.

Cơ quan quản lý bảo hiểm cũng đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần triển khai công tác đào tạo, tổ chức đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo hiểm, đào tạo đại lý cho thị trường; tăng cường hợp tác với các Hiệp hội bảo hiểm nước ngoài để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác trong việc phát huy vai trò của Hiệp hội trên thị trường.

Cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, thị trường bảo hiểm tiếp tục thực hiện theo các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp phát triển thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ- TTg ngày 15/2/2012.

Vụ nổ tại Hà Đông, ai sẽ bồi thường cho hàng chục tỷ đồng thiệt hại?

 

(ĐTCK) – Vụ nổ kinh hoàng diễn ra tại khu đô thị Văn Phú – Hà Đông hôm 19/3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm này, đã  có 4 người tử vong; 10 người bị thương trong đó có 1 người đang bị thương nặng trong vụ nổ; 1 ô tô bị hư hỏng nặng, 6 mô tô bị cháy, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng hơn chục tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 623, Bộ luật Dân sự, người trực tiếp gây ra vụ nổ này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, người trực tiếp gây ra vụ nổ này đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp các nạn nhân có mua bảo hiểm, liệu có được các doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán thiệt hại?

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PTI cho biết, nếu các chủ hộ trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ nổ có tham gia bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt thì sẽ được nhà bảo hiểm thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến tổn thất về tài sản trong nhà, thiệt hại về khung nhà.

Ví dụ như với sản phẩm bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt mà PTI đang triển khai trên thị trường, trong trường hợp không may xảy ra cháy nổ, Công ty sẽ thanh toán toàn bộ chi phí để khắc phục thiệt hại về kết cấu khung nhà (sập toàn bộ hoặc một phần nhà) và những thiệt hại về cửa kính. Các tài sản trong nhà như tivi, tủ lạnh, giường tủ… cũng sẽ được PTI thanh toán, tùy theo định mức bảo hiểm mà khách hàng mua.

Trở lại vụ cháy nổ tại Văn Phú – Hà Đông, trao đổi với ĐTCK, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết đã rà soát lại danh sách khách hàng và không có bồi thường nào trong những tổn thất tại đây.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cháy nổ cũng như vai trò của bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm nhà tư nhân. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, trong năm 2015, cả nước xảy ra gần 2.800 vụ cháy, làm chết 62 người, bị thương 264 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.498 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2014, số vụ cháy tăng 417 vụ; về người chết giảm 28 người. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu là sự cố hệ thống và thiết bị điện chiếm 51%; sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 23,3%.

Dù số lượng vụ cháy diễn ra khá nhiều, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ý thức về mua bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm nhà tư nhân hiện nay chưa cao, kể cả những sản phẩm cháy nổ đã có quy định bắt buộc phải mua. Sản phẩm cháy nổ và rủi ro đặc biệt đang được triển khai trên thị trường chủ yếu thông qua các hợp đồng mua nhà của ngân hàng, hoặc của các ban quản lý tòa nhà cho các khu chung cư.

Sau một loạt các vụ cháy nổ diễn ra trong năm 2015, số lượng người mua có tăng lên, tuy nhiên không đáng kể so với mức độ cần được bảo hiểm.

Cũng theo PTI, mức phí bảo hiểm cháy nổ nhà phụ thuộc vào giá trị khung nhà và các tài sản bên trong. Thông thường, để mua bảo hiểm cho một căn nhà có giá trị là 2 tỷ đồng, khách hàng chỉ phải bỏ ra mức phí 200.000 đồng/năm, nhưng rất ít người dân chịu chi để bảo vệ tài sản của mình.

Hiện nay, trên thị trường đang cung cấp 3 loại sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cháy nổ là: bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (dành cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương), bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt (dành cho cả doanh nghiệp và cá nhân); bảo hiểm nhà tư nhân (dành riêng cho khách hàng cá nhân). Mỗi sản phẩm bảo hiểm đều có những quy định về phạm vi bồi thường khác nhau nên khi mua sản phẩm bảo hiểm, khách hàng cần lưu ý tìm hiểu kỹ các điều khoản để được bảo vệ tốt nhất.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

Đoàn thanh niên Bảo Việt tặng nhà cho hộ gia đình chính sách

 

(BVH) – Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016), chiều ngày 26/3/2016, Đoàn thanh niên Tập đoàn Bảo Việt đã phối hợp cùng Công ty Bảo Việt Đông Đô, chính quyền huyện Hoài Đức tổ chức lễ khởi công công trình nhà nhân ái tặng cho hộ gia đình ông Nguyễn Bá Chi, ngụ tại Thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Lễ khởi công có sự tham dự của Lãnh đạo huyện Hoài Đức, Lãnh đạo Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Bảo Việt Đông Đô, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Đông Đô cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên Tập đoàn Bảo Việt và nhân dân địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Đỗ Trường Minh – Phó Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Khối Quản lý Hoạt động cho biết: “Công tác tri ân gia đình có công với cách mạng là một trong bốn trụ cột trong hoạt động an sinh xã hội của Tập đoàn Bảo Việt. Cùng với việc tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội theo Nghị quyết 30a-NQ/CP của Chính phủ, Tập đoàn Bảo Việt cũng tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đặc biệt là các gia đình có công với cách mạng.”

Gia đình ông Nguyễn Bá Chi thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Ông Chi hiện đã 70 tuổi, là thương binh hạng 4/4, có vợ là bà Đào Thị Dần, 67 tuổi, là cựu thanh niên xung phong. Trước đây gia đình ông phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, mất an toàn và gia đình không có điều kiện xây mới. Căn nhà nhân ái đã được trao tặng cho gia đình ông Chi với tổng trị giá 120 triệu đồng với sự chung tay góp sức của Đoàn thanh niên Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Bảo Việt Đông Đô và huyện Hoài Đức.

Căn nhà được khởi công, sớm được đưa vào sử dụng sẽ giúp tạo điều kiện cho gia đình ông Chi có chỗ ở ổn định, khang trang, tập trung phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc tặng nhà nhân ái của Đoàn thanh niên Tập đoàn Bảo Việt trong tháng thanh niên cho gia đình có công với cách mạng góp phần thể hiện trách nhiệm của lớp trẻ Bảo Việt hôm nay với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, thể hiện sức trẻ Bảo Việt và tinh thần tiên phong trong các hoạt động của Tập đoàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, phát triển bền vững.

Trong các năm qua, Đoàn thanh niên Tập đoàn Bảo Việt luôn tích cực tham gia quyên góp các vật dụng thiết yếu dành tặng cho các đối tượng gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại một số tỉnh thành trên toàn quốc. Trước đó, trong chuỗi chương trình Sức trẻ Bảo Việt, 3 Chi đoàn thuộc Đoàn thanh niên Tập đoàn Bảo Việt đã được tặng bằng khen Chi đoàn tiêu biểu giai đoạn 2013 – 2016 của Đoàn Khối Doanh nghiệp trung ương, tham dự tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2016, tham dự ngày hội tuổi trẻ do Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức.

II. Tin quốc tế

Cathay Life đạt lợi nhuận 154 triệu USD trong Quý 1

 

(Insuranceasianews) – Theo nguồn tin từ công ty mẹ Cathay Financial, Công ty BHNT Cathay Life đã nỗ lực bù đắp cho khoản lỗ chưa được ghi nhận quý IV/2015 trị giá 3,9 tỷ Đài tệ (119,91 triệu USD) thông qua khoản lợi nhuận 5 tỷ Đài tệ quý I năm nay.

Tuy nhiên, lý do đạt được kết quả kinh doanh kể trên chưa được công bố. Công ty BHNT Cathay Life cũng là đơn vị có lợi nhuận tốt nhất toàn Tập đoàn Cathay Financial, với lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 38,4 tỷ Đài tệ, tăng trưởng 21,74% so với năm 2014. Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015 tăng trưởng 1%, đạt 645,2 tỷ Đài tệ.

Trước đó, Cathay Life lên kế hoạch phân bổ thêm vốn cho các khoản đầu tư nước ngoài trong năm nay nhằm tìm kiếm cơ hội lợi nhuận cao hơn từ các thị trường khác.

Công ty cũng đang tiến hành phân bổ lại tài sản bằng việc cắt giảm tỷ trọng tiền mặt và các dự án cho thuê tài sản trong nước, sau đó sẽ chuyển một phần sang các khoản đầu tư lãi suất cố định, bất động sản và cổ phiếu tại thị trường nước ngoài.

Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản được nâng giá trị tối đa của hợp đồng BHNT 

 

(Insuranceasianews) – Chính phủ Nhật Bản vừa chấp thuận Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản được nâng giá trị tối đa của hợp đồng BHNT lên 20 triệu Yên (178.000 USD) so với mức 13 triệu Yên hiện nay.

Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đồng thời cũng đã phê duyệt nâng trần hạn mức tiền gửi tại Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản mặc dù gặp phải sự phản đối từ một số ngân hàng nhỏ vì khả năng làm giảm nguồn tiền gửi của họ.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 1/4/2016 và là lần điều chỉnh hạn mức đầu tiên đối với Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (sau 25 năm) và Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản (sau 30 năm).

AIA tăng cường đầu tư vào hạ tầng khu vực châu Á-Thái Bình Dương

 

(Insuranceasianews) – Tập đoàn AIA đang lập kế hoạch đầu tư mở rộng vào các dự án hạ tầng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Mark Tucker, Tổng Giám đốc Tập đoàn, trong thập niên tới, nhu cầu thị trường đầu tư vào hạ tầng trong khu vực dự kiến sẽ đạt 8 nghìn tỷ USD và AIA chỉ chiếm 40 tỷ USD trong số đó.

Về bảo hiểm, ông Tucker cho biết, trong thập niên tới Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất của AIA do khoảng trống bảo hiểm của nước này còn khá lớn. Cụ thể, khoảng trống bảo hiểm của Trung Quốc lớn nhất trong khu vực với 32 nghìn tỷ USD.

Hiện nay, thị trường lớn nhất của AIA là Hồng Kông với khoảng 33% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2015.

AIA đang hiện diện tại 18 thị trường trong khu vực và đang tăng cường đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội châu Á-Thái Bình Dương.

Ấn Độ: Chương trình bảo hiểm “Pay As You Drive” vẫn còn thử nghiệm

 

(Asiainsurancereview) – Việc triển khai chương trình bảo hiểm “Pay As You Drive” (tạm dịch là “Lái xe đến đâu, đóng phí đến đó”) tại Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cho dù các nhà khổng lồ CNTT như Infosys, Tech Mahindra và Harman India đang cung cấp nền tảng CNTT cho các doanh nghiệp bảo hiểm toàn cầu triển khai giải pháp telematics (công nghệ thu phát tín hiệu từ xa).

Theo tờ Thời báo Ấn Độ, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như ICICI Lombard General Insurance và Liberty Videocon General Insurance đã có các dự án thử nghiệm telematics. Tuy nhiên, chi phí là vấn đề nổi cộm làm trở ngại sự phát triển của các dự án này.

Theo ông Vinaya Kumar Nerella, Phó Tổng Giám đốc công ty môi giới bảo hiểm Toyota Tsusho: “Ấn Độ là nước có công nghệ chuyên sâu về telematics tuy nhiên chưa có hàng lang pháp lý cần thiết để phát triển. Do vậy, các hãng sản xuất ô tô chưa thể chắc chắn về khả năng tung ra thị trường những mẫu xe hơi đắt tiền cùng với hộp đen thiết bị telematics trong bối cảnh sức ép cạnh tranh buộc họ phải cắt giảm chi phí như hiện nay”.

Ông Vijay Kumar, Giám đốc Công nghệ khối Bảo hiểm xe cơ giới, công ty bảo hiểm Bajaj Allianz General Insurance, nói: “Một trở ngại khác trong việc tích hợp telematics vào xe hơi là phí bảo hiểm cho xe cơ giới 4 bánh thường chỉ từ 3.000 INR (45 USD) đến 4.000 INR, trong khi phí bảo hiểm cho hộp đen của thiết bị telematics cũng ở mức tương tự. Do vậy điều này không có ý nghĩa tại thị trường Ấn Độ do phí bảo hiểm rất cạnh tranh và tỷ lệ tổn thất vốn ở mức cao. Giải pháp telematics trên nền điện thoại di động có thể sẽ khả dĩ hơn”.

Tỷ lệ kết hợp của Lloyd’s năm 2015 tăng lên 90% 

 

(Canadianunderwriter) – Hôm thứ 4 vừa qua, thị trường Lloyd’s Luân đôn thông báo cho biết tỷ lệ kết hợp năm 2015 đạt 90%, tăng so với 88,4% năm 2014.

Lloyd’s cũng cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 2,1 tỷ bảng, giảm so với mức 3 tỷ bảng năm 2014.

Theo Báo cáo thường niên 2015 của Lloyd’s, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 6% lên 26,7 tỷ bảng, so với 25,3 tỷ bảng năm 2014. Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đạt 2 tỷ bảng, so với 2,3 tỷ bảng năm 2014.

Trong một thông cáo báo chí gần đây, Lloyd’s viết: “Kết quả này cho thấy Lloyd’s tiếp tục duy trì nền tảng tài chính vững mạnh và hoạt động kinh doanh hiệu quả cho dù trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động”

“Lợi nhuận vẫn ổn định ở mức cao mặc dù thu nhập đầu tư giảm và áp lực lớn về giá phí”.

Ông John Nelson, Chủ tịch Lloyd’s, bình luận: “Mỗi năm đều có những thách thức riêng biệt, đòi hỏi khả năng tư duy cũng như hành động quyết đoán và sáng tạo”.

“Năm nay cũng vậy. Trong điều kiện thị trường khó khăn hơn nhiều năm trước, chúng tôi đã chứng tỏ được khả năng của mình trong việc thích nghi và hành động kịp thời. Vì vậy, những kết quả kể trên là rất đáng tin cậy và xuất phát từ những kỹ năng và sự chuyên nghiệp của cộng đồng Lloyd’s”.

Trong năm 2015, các vụ khiếu nại lớn của Lloyd’s có tổng trị giá 724 triệu bảng, so với 670 triệu bảng năm 2014 (đã trừ tái bảo hiểm đồng thời đã bao gồm các khoản phải trả và phải thu của các hợp đồng khôi phục hiệu lực). Có một số tổn thất do thiên tai lớn trong năm, trong đó đáng chú ý nhất là tổn thất do bão mùa đông tại Hoa Kỳ.

“Mặc dù Anh quốc phải gánh chịu mùa đông khắc nghiệt và lũ lụt vào tháng 12/2015 song mức độ khiếu nại không lớn đối với thị trường Lloyd’s market”, bản báo cáo viết.

Đối với các tổn thất do con người gây ra, khối bảo hiểm năng lượng tại thị trường nước ngoài chịu ảnh hưởng lớn nhất, trong đó tiêu biểu là vụ nổ tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số vụ tai nạn lớn trong ngành hàng không và không gian, trong đó có vụ tai nạn máy bay tại Đức.

Sun Life thâu tóm toàn bộ quyền kiểm soát tại CIMB Sun Life 

 

(Insuranceasianews) – Tập đoàn tài chính Sun Life Financial đang tiến hành mua lại quyền kiểm soát (buy out) của đối tác dài hạn, CIMB Group, nhằm nắm toàn bộ quyền điều hành liên doanh bảo hiểm tại Indonesia.

CIMB đã khẳng định thông tin này, đồng thời cho biết hãng đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện nhằm thoái 51% vốn cổ phần tại công ty bảo hiểm CIMB Sun Life (Indonesia).

Giao dịch này có trị giá khoảng 550 tỷ Rupiah (42 triệu USD) và dự kiến sẽ được cơ quan quản lý nhà nước thông qua vào cuối tháng 9.

Trong một thông cáo báo chí gần đây, Sun Life Financial cho biết hãng sẽ sáp nhập hoạt động kinh doanh của CIMB Sun Life vào cùng hệ thống thương hiệu Sun Life (do Sun Life Indonesia quản lý).

Sun Life Financial hiện đang sở hữu 49% cổ phần CIMB Sun Life và 100% tại Sun Life Financial Indonesia. CIMB Group và Sun Life là đối tác bancassurance tại các thị trường Indonesia và Malaysia tương ứng từ năm 2009 và 2013.

Ông Zafrul Aziz, Tổng Giám đốc CIMB, cho biết động thái này sẽ giúp Tập đoàn tập trung vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua việc thoái vốn tại các hoạt động kinh doanh không trọng yếu đối với các sản phẩm bảo hiểm ngành sản xuất.

Sun Life nói hãng có thể sẽ mua tiếp 51% sở hữu của CIMB Sun Life nhằm mở rộng hoạt động tại thị trường châu Á giàu tiềm năng.

Nhật Bản thay đổi chính sách thuế đối với bảo hiểm D&O

 

(Insuranceasianews) – Theo Tổng cục Thuế Nhật Bản (NTA), trong thời gian tới, phí bảo hiểm trách nhiệm Giám đốc và Người điều hành (D&O) sẽ không phải tính vào thu nhập của người được bảo hiểm, với điều kiện người sử dụng lao động trang trải khoản chi phí này. 

Hiện tại, phí bảo hiểm D&O vẫn được ghi nhận là thu nhập từ lương của người quản lý doanh nghiệp.

Bảo hiểm D&O rất phổ biến tại Nhật Bản do các doanh nghiệp muốn bảo vệ trước những tổn thất mà người quản lý doanh nghiệp có thể gây ra.

Tính đến tháng 3/2015, khoảng 90% công ty niêm yết tại Nhật Bản mua loại hình bảo hiểm này.

Theo Luật Doanh nghiệp Nhật Bản, người quản lý công ty phải chịu trách nhiệm đối với công ty và bên thứ ba về những thiệt hại do mình gây ra vì bất cẩn hoặc cố ý.

BTV (tổng hợp).

 

Comments are closed.