TIÊU ĐIỂM TUẦN 12 NĂM 2017

Nhật Bản giảm phí BHNT do tuổi thọ trung bình tăng; Cổ đông Allied World ủng hộ sáp nhập vào Fairfax; Cháy lớn tại Khu công nghiệp Trà Nóc

12-1

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

MIC hỗ trợ nhân đạo khách hàng tham gia bảo hiểm tín dụng cá nhân

12-2(MIC) – Vừa qua, Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang đã trao 21 triệu đồng hỗ trợ nhân đạo cho gia đình chị Huỳnh Thị Út, là vợ của anh Nguyễn Văn Mười bị tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng nghi do vỡ tĩnh mạch thực quản/xơ gan/nghiện rượu.

Anh Mười là khách hàng vay vốn tín chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Tiền Giang và mua bảo hiểm tín dụng cá nhân cho khoản vay tại MIC Tiền Giang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 15005043/TDCN.1 cấp ngày 24/10/2015.

Trong thời gian vay vốn, anh Mười chấp hành tốt việc thanh toán gốc, lãi cho MB nhưng kể từ lúc mất mặc dù gia đình nạn nhân đã cố gắng thanh toán cho MB khoản vay đến nay không còn khả năng thanh toán do điều kiện gia đình hết sức khó khăn.

Căn cứ vào nguyên nhân tử vong và theo quy định của quy tắc bảo hiểm tín dụng cá nhân loại trừ bảo hiểm đối với Người sử dụng rượu, bia, ma túy, các chất kích thích thì trường hợp của anh Mười không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Tuy nhiên, căn cứ đề xuất của MB Tiền Giang và xét thấy đây là trường hợp đặc biệt, gia đình hết sức khó khăn, MIC đã hỗ trợ cho gia đình anh Mười trên tinh thần nhân đạo nhằm nâng cao hình ảnh và chất lượng dịch vụ của hai đơn vị MB, MIC tất cả vì khách hàng.

Chiều ngày 27/3 tại Tiền Giang, Đại diện Lãnh đạo hai đơn vị MB và MIC Tiền Giang đã trao số tiền trên cho chị Út, hy vọng gia đình chị sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống tiếp tục đồng hành cùng MB và MIC.

Vụ cháy Công ty Kwong Lung – Meko là vụ cháy ‘kỷ lục’ của Cần Thơ

12-3(TNO) – Chiều 28/3, Sở Thông tin Truyền thông TP.Cần Thơ đã phát đi thông cáo báo chí chính thức về vụ cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung – Meko (Lô 28, Khu công nghiệp Trà Nóc, đường Lê Hồng Phong, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ) vào lúc 9 giờ 15 phút, ngày 23. 3 vừa qua.

Theo thông cáo, ngay sau khi nhận được tin báo, lúc 9 giờ 17 phút (ngày 23/3), Lãnh đạo Cảnh sát PCCC cùng với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và 26 phương tiện chữa cháy của Cảnh sát PCCC TP.Cần Thơ có mặt tại hiện trường để triển khai đội hình, tiến hành đồng thời các biện pháp chữa cháy, cứu người và cứu tài sản.

Do đám cháy có chiều hướng diễn biến phức tạp, Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã xin chỉ đạo của Cục C66 Bộ Công an và xin chi viện từ lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP.HCM, Quân khu 9, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Công ty Công trình đô thị, Công ty xăng dầu Petrolimex… với tổng số 56 phương tiện chữa cháy và trên 370 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy.

Khu vực xuất phát cháy là tầng 5 của nhà xưởng công ty Kwong Lung – Meko, có diện tích trên 1.800 m2. Địa điểm xảy ra cháy có chứa nhiều chất dễ cháy như vải sợi, lông vũ, bông ép, mút xốp… nên lửa nhanh chóng bùng cháy dữ dội, phát triển ra nhiều hướng, kèm theo bức xạ nhiệt tỏa ra rất lớn với khói đen dày đặc và rất nhiều khí độc.

Do điểm chữa cháy ở trên cao, diện tích đám cháy rộng, xung quanh khu vực cháy chật hẹp, phía trên khu vực cháy bị che kín bằng mái vòm nên khói từ đám cháy không thoát được. Bề mặt bên ngoài nhà xưởng xây bằng tường đặc, chia thành nhiều khu vực nhỏ, ngăn bằng nhiều lớp cửa…cùng với điều kiện gió khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Có những thời điểm đám cháy đã được khống chế xong lại bùng phát trở lại, lực lượng chữa cháy phải tiếp tục phun nước dập tắt đám cháy và làm mát các điểm trong tòa nhà, tránh sụp đổ nhà xưởng.

Đến 22 giờ ngày 26/3 đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn và may mắn không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân và thiệt hại về tài sản của vụ cháy đang được tiến hành điều tra làm rõ.

Thông cáo trên cũng nêu đây là vụ cháy lớn nhất, huy động nhiều lực lượng tham gia nhất từ trước đến nay tại TP.Cần Thơ.

2. Một vòng doanh nghiệp

Sun Life hợp tác với Timo cung cấp dịch vụ bảo hiểm trực tuyến

13-4(ĐTCK) – Sun Life Việt Nam vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh bảo hiểm có thời hạn 3 năm với Global Online Financial Solutions Limited (GOFS), một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ (Fintech) hàng đầu và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với Dịch vụ Ngân hàng số Timo.

Việc ký kết hợp tác này diễn ra sau khi Tập đoàn Sun Life Financial mua lại 25% cổ phần của Crescent Asia Limited, công ty chủ quản của GOFS.

Theo thỏa thuận hợp tác này, Sun Life Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đến khách hàng của Timo.

Tùy theo sản phẩm lựa chọn, khách hàng của Timo sẽ có thể đăng ký các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe của Sun Life Việt Nam ngay trên ứng dụng điện thoại Timo, hoặc sẽ được giới thiệu đến tư vấn tài chính của Sun Life Việt Nam.

Ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam cho biết, “việc hợp tác với Timo sẽ tăng cường vị thế của Sun Life tại Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ, góp phần mang Sun Life Việt Nam đến gần hơn với người dân”.

Dai-ichi Life hợp tác với Đại học Quốc tế Stamford – Laureate Thái Lan

13-5(ĐTCK) – Dai-ichi Life Việt Nam vừa chính thức giới thiệu Chương trình “Quyền ưu tiên tuyển sinh du học tại Đại học Quốc tế Stamford – Laureate Thái Lan.

Chương trình được thiết kế đặc biệt, với nhiều ưu điểm nổi trội, dành cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 0-15 và có nguyện vọng cho con theo học một chương trình giáo dục chất lượng quốc tế với mức học phí hợp lý.

Theo chương trình này, khi khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm với Dai-ichi Life Việt Nam với thời hạn hợp đồng 6, 9, 12, 15, 18 hoặc 21 năm, ngoài các quyền lợi cơ bản của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như được bảo vệ toàn diện khi có rủi ro xảy ra; nhận mức tiết kiệm hấp dẫn với lãi suất cao theo sát thị trường tài chính; nhận tiền mặt định kỳ vào ngày kỷ niệm của mỗi 3 năm hợp đồng bảo hiểm…, khách hàng còn được nhận thêm Bằng chứng nhận “Quyền ưu tiên tuyển sinh du học tại Đại học Quốc tế Stamford -Laureate Thái Lan”.

Đặc biệt, con em của khách hàng Dai-ichi Life Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi miễn lệ phí nhập học và được giảm ngay 250 USD cho kỳ học phí đầu tiên.

Trước đó Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã giới thiệu Chương trình quyền ưu tiên tuyển sinh du học tại Hoa Kỳ và Úc.

Dai-ichi Life Việt Nam là công ty bảo hiểm nhân thọ duy nhất tại thị trường Việt Nam tiên phong mang đến quyền lợi ưu việt cho khách hàng thông qua việc kết hợp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với giáo dục đại học chất lượng quốc tế.

Bảo Minh bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc

13-6(BMI) – Ngày 20/03/2017, tại Văn phòng Trụ sở chính Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh đã công bố và lưu hành quyết định bổ nhiệm ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo Minh Hà Nội, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh với thời hạn 5 năm kể từ ngày ký quyết định.

Ông Vũ Anh Tuấn gửi lời cám ơn đến Ban Điều hành, các thành viên đơn vị Bảo Minh, cán bộ nhân viên Bảo Minh đã tin tưởng và giao trọng trách. Ngoài ra, ông cũng cam kết hoàn thành, thực hiện tốt kế hoạch do HĐQT đã đề ra trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020 của Bảo Minh.

BIC tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017

13-7(BIC) – Ngày 28/3/2017, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Đại hội đã có sự tham dự của các cổ đông đại diện cho 100.905.472 cổ phần, chiếm 86% cổ phần có quyền biểu quyết của BIC.

Tại Đại hội, đã có 6 nhóm vấn đề lớn được BIC báo cáo và xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông gồm:

– Báo cáo Đại hội đồng cổ đông chấp thuận việc bầu bổ sung ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV là thành viên Hội đồng Quản trị BIC.

– Kết quả kinh doanh năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017.

– Quyết toán tài chính, phân phối lợi nhuận sau thuế và mức chia cổ tức năm 2016.

– Kết quả hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2016, mục tiêu phương hướng hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2017.

– Kết quả chi trả thù lao, trợ cấp cho các thành viên HĐQT và BKS năm 2016 và kế hoạch năm 2017.

– Phương án lựa chọn đơn vị kiểm toán giai đoạn 2017 – 2020.

Về kết quả hoạt động của BIC, Tổng Giám đốc Trần Hoài An cho biết, năm 2016, BIC bám sát mục tiêu tăng trưởng hiệu quả thông qua nhiều chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ. Kết quả, tổng doanh thu phí bảo hiểm hợp nhất của BIC đạt 1.794 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm của riêng Công ty mẹ BIC đạt 1.671 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIC đạt 165,7 tỷ đồng, tiếp tục duy trì là 1 trong 5 công ty bảo hiểm có tỷ suất sinh lời cao nhất trên thị trườngbảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng Giám đốc BIC, với các chính sách hướng tới mục tiêu hiệu quả, Ban Điều hành BIC đã thực hiện việc kiểm soát chặt chi phí, nhờ đó, chi phí hoạt động năm 2016 của BIC đã giảm 3,1%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ phí toàn Tổng Công ty được duy trì ở mức 3,1%, là mức thấp nhất của BIC từ trước tới nay.

Ngoài ra, BIC cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý khác như: được tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới A.M.Best nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ Ổn định lên Tích cực và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành bbb-. Đặc biệt, BIC là 1 trong số ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ được Bộ Tài chính công nhận có chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán…

Đại hội đã thảo luận và thông qua toàn bộ các nội dung Báo cáo, Tờ trình Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đã thống nhất cao các nội dung trình bày, giải trình tại Đại hội. Đoàn Chủ tịch đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của cổ đông và đã trả lời thấu đáo trên tinh thần cầu thị và minh bạch đối với các vấn đề mà cổ đông có ý kiến.

Về mục tiêu hoạt động năm 2017, Tổng Giám đốc Trần Hoài An cho biết, BIC xác định sẽ tập trung các giải pháp để tăng trưởng hiệu quả, an toàn, bền vững, gia tăng thị phần và vị thế của BIC trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

BIC đặt mục tiêu tổng doanh thuphí bảo hiểm năm 2017 đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu đạt 186 tỷ đồng, tập trung xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại trong 2-3 năm tới đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành theo yêu cầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Đối với các liên doanh tại hải ngoại, BIC sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Lào, Campuchia.

PJICO khuyến mại “Mua Bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân tặng phiếu xăng dầu”

13-8(PJICO) – Từ ngày 01/04/2017 – 30/06/2017, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) chính thức triển khai chương trình khuyến mại “Mua Bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân tặng phiếu xăng dầu” áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Hình thức khuyến mại: Khi mua bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân với phí bảo hiểm tối thiểu 2 triệu đồng, khách hàng sẽ được tặng 150.000 đồng giá trị phiếu mua xăng dầu Petrolimex và cứ mỗi 700.000 đồng phí bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân, khách hàng được tặng 1 phiếu mua xăng dầu Petrolimex trị giá 50.000 đồng.

Đối tượng áp dụng: Mọi khách hàng đăng ký xe ô tô đứng tên cá nhân (không bao gồm: Khách hàng cá nhân mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng; các trường hợp có thỏa thuận khác với chương trình này do Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex hoặc người được Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex ủy quyền ký kết).
Phạm vi khuyến mại: Trên toàn quốc.

Thời gian áp dụng: Từ ngày 01/04/2017 đến ngày 30/06/2017.

Mỗi phiếu xăng/dầu có giá trị sử dụng 1 lần. Khách hàng được tặng Phiếu mua xăng dầu Petrolimex sẽ đến các cửa hàng xăng dầu Petrolimex được chỉ định để được xuất trả xăng dầu. Phiếu mua xăng dầu có giá trị sử dụng từ ngày 01/04/2017 đến hết 31/07/2017.

3. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: Mua sao cho đúng?

13-9(ĐTCK) – Khi thị trường tràn ngập các sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, từ mức tối thiểu khoảng 30-40 bệnh đến tối đa gần 100 bệnh, khách hàng khi quan tâm đến sản phẩm này có lẽ sẽ khá băn khoăn: nên mua sản phẩm nào phù hợp và đúng với nhu cầu của mình? Có cần thiết phải mua sản phẩm có rất nhiều các loại bệnh hay không?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, về nguyên tắc, đa số các bệnh hiểm nghèo phổ biến đều được bảo hiểm và sẽ có sự khác nhau về phạm vi bảo hiểm đối với một số bệnh tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi bệnh hiểm nghèo.

Ví dụ, một số sản phẩm chỉ bảo hiểm HIV do truyền máu, nhưng không bảo hiểm HIV do nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, số bệnh hiểm nghèo càng nhiều có nghĩa là khả năng nhận được quyền lợi sẽ cao hơn nếu chẳng may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Chính vì thế, nếu là người mua bảo hiểm, việc cân nhắc sản phẩm bảo hiểm bao nhiêu bệnh là một yếu tố quan trọng để quyết định có nên mua sản phẩm hay không, vì sản phẩm thể hiện phạm vi bảo hiểm rộng hay hẹp.

Tất nhiên, ngoài khả bảo hiểm các bệnh hiểm nghèo có thể mắc phải, khách hàng cũng nên cân nhắc một số quyền lợi và dịch vụ khác. Chẳng hạn, sản phẩm có thể kết hợp nhu cầu vừa bảo vệ, vừa tiết kiệm hay đầu tư tích lũy không? Quyền lợi bảo vệ được kéo dài đến năm bao nhiều tuổi (cần lưu ý là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh cũng càng cao, trong khi khả năng tài chính có thể bị hạn chế)? Hay sản phẩm có bảo hiểm cho những nguy cơ biến chứng phổ biến khác của người mắc bệnh hiểm nghèo thường mắc phải như tim mạch…?

Theo số liệu vừa được đại diện Hội Ung thư TP.HCM chia sẻ, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, ước tính năm 2012, cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, 73% trong đó là các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh ung thư, tim mạch, phổi mãn tính, đái tháo đường…

Một điểm đáng quan ngại là tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng nhanh ở phần lớn các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nghoại lệ.

Theo thống kê, năm 2010, Việt Nam có 126.307 ca ung thư mới mắc ở cả 2 giới, trong đó hơn 54.000 nữ và 72.000 nam. Ước tính, trong năm 2020, sẽ có ít nhất gần 200.000 ca ung thư mới mắc. Tỷ lệ mắc mới ung thư ở nam là 101.000 ca. Dẫn đầu là ung thư phổi, sau đó đến dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến… Tỷ lệ mắc mới ở nữ là 83.385 ca, nhiều nhất lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, giáp trạng, buồng trứng…

Trong bối cảnh bệnh tật gia tăng, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có thể là một giải pháp bảo vệ không tồi cho khách hàng và các công ty bảo hiểm cũng nhìn nhận, sản phẩm này sẽ vẫn là một trong những sản phẩm chủ lực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về dự đoán tỷ lệ ung thư nói riêng và các bệnh hiểm nghèo nói chung trong vài năm tới ở Việt Nam có thể khiến các các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ phải chi trả bồi thường nhiều hơn cho các bệnh hiểm nghèo, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, tỷ lệ bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, ngày càng gia tăng là một trong những rủi ro chính của sản phẩm.

Vị này cũng nhìn nhận, tỷ lệ bồi thường thực tế có thể cao hơn dự tính của các công ty bảo hiểm. Khi tỷ lệ bồi thường tăng quá cao, có thể công ty bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh thay thế sản phẩm đang bán bằng một sản phẩm mới.

“Vì phí bảo hiểm của sản phẩm được đảm bảo và không thay đổi trong thời hạn đóng phí, nên nếu tỷ lệ bồi thường thực tế cao hơn nhiều so với dự đoán, thì ngừng bán hợp đồng mới là một trong những giải pháp của công ty bảo hiểm. Và trước khi dừng bán, công ty bảo hiểm đó thường có sản phẩm thay thế”, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết.

4. Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo – giám định bồi thường xe cơ giới

12-10(IRT) – Từ ngày 21/3/2017 đến ngày 23/3/2017 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT) tổ chức Khóa đào tạo – giám định bồi thường xe cơ giới cho các học viên đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Nội dung của khóa học đề cập các vấn đề: đại cương về bảo hiểm xe cơ giới, bồi thường xe cơ giới; kiểm tra hư hỏng và giám định thiệt hại; hướng dẫn giải quyết tai nạn trong trường hợp CSGT không tham gia và phòng chống trục lợi trong bảo hiểm xe cơ giới.

Đây là khóa đào tạo về giám định – bồi thường bảo hiểm xe cơ giới đầu tiên do Trung tâm tổ chức cho doanh nghiệp trong năm 2017. Trong năm 2017, Trung tâm dự kiến tiếp tục tổ chức một số khóa đào tạo nâng cao về công tác giám định – bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong các tháng tiếp theo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Khai giảng khóa đào tạo Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh

13-11(IRT) – Sáng 17/03/2017, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm đã chính thức khai giảng khóa đào tạo chuyên đề về Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh tại Hà Nội.

Tại khóa đào tạo, giảng viên đã chia sẻ với các học viên các khái niệm trong bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, đơn bảo hiểm tiêu chuẩn, số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, các bước và cách tính giải quyết bồi thường bảo hiểm gián đoạn kinh doanh gắn với ví dụ thực tiễn.

Với thời lượng 2 ngày, ngoài việc cung cấp những kiến thức về các nghiệp vụ bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, giảng viên còn đưa ra các tình huống thực tế trên thị trường, phương hướng giải quyết và giải đáp các vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình triển khai nghiệp vụ tại đơn vị.

Đây là khóa đào tạo chuyên đề nghiệp vụ dầu tiên của Trung tâm đối với nghiệp vụ bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Trong tháng 4/2017, Trung tâm dự kiến tổ chức các khóa đào tạo như khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ, khóa nguyên lý bảo hiểm và khóa đào tạo nâng cao bảo hiểm con người phi nhân thọ.

5. Tin quốc tế

Thị trường BHNT Đông Nam Á tăng trưởng 13% đến năm 2020

13-12(IAN) – Theo phân tích của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu gộp bảo hiểm nhân thọ tại các thị trường mới nổi Đông Nam Á dự kiến đạt từ 8-13% vào năm 2020. Trong khi đó, khối bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến tăng trưởng từ 7–11%.

Trước đó, Swiss Re cho biết thị trường bảo hiểm các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia đạt tốc độ tăng trưởng chung 41,9% trong giai đoạn 2010-2015 lên 59,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời báo Financial Times nhấn mạnh rằng, mặc dù thị trường tiếp tục mở rộng song xét trong tương quan với các khu vực khác thì ngành bảo hiểm châu Á vẫn chưa phát triển. Theo đó, tổng quy mô các thị trường Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Malaysia mới chỉ tương ứng với 13% thị trường Nhật Bản và 4,5% thị trường Hoa Kỳ xét về doanh thu phí bảo hiểm.

Dẫu vậy, khoảng cách này được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận là cơ hội lớn để các hãng bảo hiểm quốc tế có thể ghi dấu ấn của mình tại khu vực.

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty BHNT Chubb Hồng Kông

13-13(IAN) – Hãng bảo hiểm Chubb vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Michael Ho làm Tổng Giám đốc Công ty BHNT Chubb Life tại Hồng Kông.

Theo đó, ông Michael Ho sẽ báo cáo trực tiếp lên ông Kevin Goulding, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chubb Life.

Theo thông tin từ Chubb, Công ty BHNT Chubb Life cung cấp đa dạng các sản phẩm trong lĩnh vực BHNT và quản lý tài sản cho khách hàng ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời.

Chia sẻ về sự kiện này, ông Goulding khẳng định tin tưởng rằng với kinh nghiệm 16 năm của ông Ho trong ngành bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển đại lý, ông Ho sẽ đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của Chubb ở Hồng Kông và hỗ trợ cho sự phát triển đa kênh phân phối của Chubb Life.

Trước khi gia nhập Chubb, ông Michael Ho làm việc cho Prudential châu Á với cương vị Giám đốc Đại lý khu vực, chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển đội ngũ đại lý tại châu Á.
Chubb đã có trụ sở tại Hồng Kông từ năm 1976 và bắt đầu kinh doanh sản phẩm quản lý tài sản tại đặc khu này từ năm 2015.

Trung Quốc: Công ty bảo hiểm công nghệ đầu tiên ra mắt vào năm 2020

13-14(IAN) – Nguồn tin hôm Thứ 6 tuần trước cho biết, có ít nhất 5 công ty, phần lớn là các công ty liên kết với Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đang tài trợ cho việc ra đời công ty bảo hiểm công nghệ đầu tiên tại nước này.

Theo ông Wu Lebin, Chủ tịch Công ty Viện khoa học Trung Quốc, lĩnh vực bảo hiểm công nghệ đang trong xu hướng phát triển từ nay tới năm 2020 nhờ có được sự ủng hộ tích cực từ Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Boao Forum tổ chức tại châu Á năm 2017, ông Wu cho biết, vốn điều lệ của công ty bảo hiểm công nghệ đầu tiên này sẽ là trên 1 tỷ Tệ (145,2 triệu USD).

Về hoạt động kinh doanh, công ty sẽ phục vụ tất cả các công ty công nghệ ở mọi quy mô và mọi giai đoạn khác nhau, từ khi phê duyệt dự án tới khi bán sản phẩm.

CAS là viện nghiên cứu quốc gia, chuyên tiến hành các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trong khi đó, Công ty Viện khoa học là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản.

Trung Quốc: yêu cầu DN bảo hiểm báo cáo về giao dịch trái phiếu

13-15(IAN) – Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) vừa yêu cầu các công ty bảo hiểm và công ty quản lý tài sản nước này phải nộp báo cáo về các giao dịch trái phiếu lên CIRC trước ngày 28/3.

Động thái này là một phần trong nỗ lực của CIRC điều tra giao dịch trái phiếu nhằm đánh giá rủi ro.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các giao dịch trái phiếu bị điều tra không có nghĩa là đang phát sinh vấn đề, mà chỉ đơn thuần là hoạt động của cơ quan quản lý nhằm tăng cường giám sát trong lĩnh vực này do những cảnh báo về rủi ro gia tăng.

Số liệu của CIRC cho thấy, đến cuối tháng 2/2017, doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc đã đầu tư 4,5 nghìn tỷ Tệ (653 tỷ USD) vào trái phiếu, tương đương 32,6% tổng nguồn vốn của ngành bảo hiểm.

Bên cạnh giao dịch trái phiếu, CIRC cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo hiểm nộp báo cáo chi tiết về các sản phẩm quản lý tài sản của mình trước ngày 7/4 năm nay.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hai hãng bảo hiểm tại Thượng Hải cho biết họ đang tuân thủ đúng các hướng dẫn về việc chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu.

Internet vạn vật sẽ chuyển đổi hoạt động quản trị rủi ro chuỗi cung ứng

13-16(INN) – Theo công ty phân tích Transvoyant của Hoa Kỳ, dữ liệu và học máy* (machine learning) của Internet vạn vật (IoT) có thể sẽ vượt qua được những thiếu sót của hệ thống quản trị rủi ro chuỗi cung ứng truyền thống.

Bản báo cáo nhận định: “Bằng việc liên tục thu thập các dòng dữ liệu theo thời gian thực và có dung lượng lớn thông qua các thiết bị IoT trên toàn thế giới, các giải pháp này sẽ giúp cán bộ quản lý rủi ro tại doanh nghiệp tiếp cận được với mọi nơi ngay lập tức”.

Thông tin theo thời gian thực cũng giúp cho cán bộ quản lý rủi ro theo dõi được mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng, đồng thời chỉ ra các rủi ro từ thảm họa thiên nhiên, đình công, bạo động và các rủi ro khác.

“Những giải pháp này giúp cho các tổ chức đánh giá cả rủi ro nội bộ và bên ngoài theo thứ tự ưu tiên, căn cứ vào các thuật toán học máy bậc cao”.

Trong lịch sử, rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu thường khá cao, đặc biệt là với doanh nghiệp chế tạo tại các nước phát triển đã chuyển cơ sở sản xuất ra hải ngoại, tới những khu vực có chi phí thấp.

Tuy vậy, khảo sát năm 2014 của Viện Chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy 90% trong số 150 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn đã không lượng hóa rủi ro khi tiến hành thuê ngoài hoạt động sản xuất.

Transvoyant cho biết, chi phí do đổ vỡ chuỗi cung ứng vào khoảng 73 triệu USD/năm đối với 69% số doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500. Bên cạnh đó, Viện Kinh doanh liên tục chỉ ra rằng có khoảng 70% nhà quản lý doanh nghiệp được phỏng vấn năm ngoái cho hay có ít nhất 1 vụ đổ vỡ chuỗi cung ứng xảy ra trong năm.

Trong số đó, 43% không được bảo hiểm.
Theo sách trắng công bố trên website của Cộng đồng Rủi ro và Quản trị Bảo hiểm, cách tiếp cận rủi ro chuỗi cung ứng thông qua các công nghệ mới sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn.
——–

(*) Chú thích: Học máy (machine learning) là một phương pháp phân tích dữ liệu mà sẽ tự động hóa việc xây dựng mô hình phân tích. Sử dụng các thuật toán lặp để học từ dữ liệu,machine learning cho phép máy tính tìm thấy những thông tin giá trị ẩn sâu mà không được lập trình một cách rõ ràng nơi để tìm.

Nhật Bản giảm phí BHNT do tuổi thọ trung bình tăng

13-17(IAN) – Trước thực trạng tuổi thọ kỳ vọng kéo dài hơn tại Nhật Bản, doanh nghiệp bảo hiểm nước này dự kiến sẽ giảm phí từ 5-10% bắt đầu từ năm 2018.
Giá phí cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ giảm do tỷ lệ tử vong tiêu chuẩn tại Nhật dự kiến được giảm xuống.

Viện Actuary Nhật Bản đang lên kế hoạch đề xuất về những thay đổi trong Bảng tỷ lệ tử vong lên Cơ quan Dịch vụ Tài chính lần đầu tiên trong 11 năm qua.

Bản dự thảo cho thấy, tỷ lệ tử vong tiêu chuẩn đối với đàn ông 40 tuổi sẽ giảm khoảng 20%, từ mức 1,48 trên 1000 người xuống còn 1,18.

Đối với phụ nữ 40 tuổi, tỷ lệ tử vong giảm từ 0,98 trên 1000 người xuống 0,88 trên 1000 người.

Tuổi thọ kỳ vọng trung bình cũng tăng lên từ 1,62 đến 2,53 tuổi.

Báo cáo cho biết, việc cắt giảm phí bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2018 và sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến những người trong độ tuổi từ 30 đến 40 so với những độ tuổi khác.

Myanmar mở cửa đặc khu kinh tế cho doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài

13-18(IAN) – Theo một thông báo chính thức từ chính phủ Myanmar, tất cả các công ty bảo hiểm nước ngoài có văn phòng đại diện tại Myanmar đều có thể được cấp phép kinh doanh tại Đặc khu kinh tế (SEZ) Thilawa của nước này.

Theo đó, các công ty bảo hiểm quốc tế sẽ được phép cung cấp dịch vụ trong phạm vi Đặc khu kinh tế Thilawa – đây là đặc khu kinh tế đang hoạt động duy nhất tại Myanmar và là sản phẩm liên doanh giữa chính phủ Myanamar và Nhật Bản.

Hiện tại, chỉ có 3 hãng bảo hiểm Nhật Bản, gồm Sompo Japan Nipponkoa, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance và Mitsui Sumitomo Insurance có giấy phép hoạt động tại đặc khu này.

Trên 20 công ty bảo hiểm quốc tế đã có văn phòng đại diện tại Yangon trong vòng 3 năm qua, đang nóng lòng chờ cơ hội để được kinh doanh tại thị trường bảo hiểm còn chưa phát triển của nước này.

Theo ông Thant Zin, Cục trưởng Cục Quản lý tài chính thuộc Bộ Tài chính Myanmar, việc cho phép các hãng bảo hiểm nước ngoài được hoạt động tại đặc khu Thilawa là bước khởi đầu trong quá trình tự do hóa ngành bảo hiểm nước này.

Cổ đông Allied World ủng hộ sáp nhập vào Fairfax

13-19(INN) – Tuần vừa qua, cổ đông của Công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm Thụy Sỹ Allied World đã biểu quyết thông qua chủ trương thâu tóm từ Tập đoàn Tài chính Fairfax của Canada trị giá 4,9 tỷ USD.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Allied World, ông Scott Carmilani, nói: “Với kết quả biểu quyết này, chúng tôi đã tiến một bước nữa gần hơn tới việc hoàn tất giao dịch với Fairfax, nhằm phục vụ cho lợi ích của cổ đông, khách hàng, đối tác kinh doanh và cán bộ nhân viên công ty”.

Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào Quý II năm nay.

Bên cạnh đó, Fairfax cũng đang cạnh tranh với Suncorp New Zealand nhằm thâu tóm hãng bảo hiểm Tower của đảo quốc New Zealand.

BTV (tổng hợp).