TIÊU ĐIỂM TUẦN 12 NĂM 2015

BIC lập Văn phòng đại diện tại Myanmar; Cathay thâu tóm 2 công ty BHNT thua lỗ; Tổn thất hàng hải toàn cầu giảm mạnh

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Náo loạn vì vụ cháy giữa trưa

(Dân trí) – Trưa 24/3, một vụ cháy đã xảy ra tại tầng 3 của shop bán đồ thể thao tại địa chỉ 125 Phổ Quang (phường 3, quận Phú Nhuận, TPHCM) khiến cả khu dân cư hốt hoảng.

Thông tin ban đầu, khoảng 10h trưa cùng ngày, đám cháy bùng lên từ một căn phòng trong trên tầng 3 căn nhà ở số 125 Phổ Quang chuyên bán đồ thể thao. Phát hiện cháy, người dân quanh khu vực đã hô hoán cho chủ shop và hỗ trợ đi chuyển đồ đạc trong nhà ra ngoài.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh đã diều 5 xe chuyên dụng cùng 35 CBCS tới hiện trường để dập lửa. Đường Phổ Quang bị phong tỏa để phục vụ công tác chữa cháy.

Khoảng 20 phút sau, đám cháy được không chế hoàn toàn. Không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê. Nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.

Khách hàng tạo áp lực đòi Bảo hiểm Xuân Thành bồi thường

(ĐTCK) –  Do bị từ chối bồi thường bảo hiểm tổn thất tàu Hoàng Thịnh 17, người của CTCP Hoàng Thịnh (Thanh Hóa) vừa tụ tập trước trụ sở của văn phòng Tổng công ty bảo hiểm Xuân Thành (XTI) tại tòa tháp CEO, đường Phạm Hùng, Hà Nội để đòi quyền lợi.

Phía Hoàng Thịnh quả quyết sự kiện bảo hiểm này thuộc trách nhiệm bảo hiểm của XTI. Khách hàng này cũng cho biết thêm, mặc dù vụ tổn thất tàu đã diễn ra cách đây gần 1 năm (tại ngày 16/4/2014) nhưng vẫn chưa nhận được tiền thanh toán bảo hiểm, trong khi theo cam kết tại Hợp đồng bảo hiểm được ký giữa 2 bên nêu rõ trong vòng 45 ngày phải thanh toán đầy đủ. Còn phía XTI thì cho rằng Công ty buộc phải từ chối bồi thường bảo hiểm do phía Hoàng Thịnh không nộp phí theo đúng quy định tại hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa hai bên.

Không dừng lại ở việc tụ tập gây áp lực, phía Hoàng Thịnh sau đó còn gửi đơn thư lên 2 cơ quan quản lý là Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính – đơn vị trực tiếp quản lý Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành) để kêu cứu, nhằm can thiệp đòi quyền lợi bồi thường với tư cách người mua bảo hiểm và Bộ Công thương để can thiệp đòi quyền lợi trong tư cách của người tiêu dùng.

Từ chối bảo hiểm là điều không mong muốn với các nhà bảo hiểm trong khi số tiền bồi thường không quá lớn, chỉ hơn 600 triệu đồng, nhưng theo ông ông Nguyễn Quang Thương, quyền Tổng giám đốc XTI, XTI vẫn buộc phải từ chối do khách hàng chọn hình thức đóng phí thành nhiều kỳ và tại thời điểm xảy ra sự cố tổn thất tàu trên thì khách hàng chưa đóng phí kỳ cần đóng. Trên thực tế, XTI đã từng làm tròn trách nhiệm của nhà bảo hiểm khi bồi thường đầy đủ cho phía Hoàng Thịnh tại các sự cố không may xảy ra trước đó. “Giai đoạn 2013-2014, khách hàng này cũng tham gia mua bảo hiểm của XTI và khi không may xảy ra sự cố, chúng tôi đều bồi thường theo cam kết. Nhưng lần này, khách hàng bị tổn thất xong mới thực hiện trách nhiệm nộp nốt tiền phí nên không được bồi thường”, ông Thương cho biết.

Đây đã là lần thứ 3 phía CTCP Hoàng Thịnh thực hiện các hành động kể trên để đòi quyền lợi bảo hiểm nhưng sự việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Theo ông Thương, phía khách hàng nên cùng thống nhất giải quyết bằng pháp luật, nghĩa là cùng ra tòa để đưa ra phán xét cuối cùng, chứ không nên hành động theo kiểu này.

Sau khi nhận được đơn thư của phía khách hàng Hoàng Thịnh, 2 bộ là Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng đã đề nghị XTI có phương án giải quyết, trả lời khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

2. Một vòng doanh nghiệp 

BIC lập Văn phòng đại diện tại Myanmar

(BIC) – Ngày 23/3/2015, tại Nay Pyi Taw, thủ đô Liên bang Myanmar – Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã chính thức nhận được Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar từ Tổng Vụ Đầu tư và Hành chính, Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế Quốc gia Myanmar.

Theo nội dung Giấy phép, Văn phòng đại diện Myanmar có thời hạn hoạt động 5 năm, từ tháng 11/2014 – 10/2019 và có Trụ sở đặt tại địa chỉ: Số 629/631, đường Pyay, 5 ½ Miles, Kamaryut township, Yangon, Myanmar. Văn phòng đại diện có vai trò là cầu nối xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm giữa Việt Nam và Myanmar, cụ thể gồm: hỗ trợ BIC và các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam tiếp cận với thị trường bảo hiểm Myanmar; nghiên cứu và cung cấp các thông tin về thị trường bảo hiểm Myanmar cho các tổ chức, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động bảo hiểm qua biên giới với Myanmar,…

Myanmar có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để phát triển thị trường bảo hiểm.Theo lộ trình, trong vòng 2-3 năm tới, Myanmar sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép kinh doanh tại thị trường này. Việc tiếp cận sớm thị trường này là một tiền đề thuận lợi để BIC nghiên cứu, tìm hiểu và làm quen với thị trường, chuẩn bị cho việc thành lập Công ty bảo hiểm của BIC tại Myanmar vào thời điểm phù hợp.

BIC đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường Myanmar từ đầu năm 2014 và triển khai các thủ tục xin cấp phép thành lập Văn phòng đại diện từ tháng 10/2014. BIC đã được Chính phủ Myanmar chấp thuận về nguyên tắc vào tháng 11/2014 và đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có chấp thuận từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi nhận Giấy phép hoạt động chính thức từ Tổng Vụ Đầu tư và Hành chính Myanmar.

Bên cạnh lợi ích của việc tiếp cận sớm thị trường phục vụ mở rộng hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc đầu tư sang Myanmar của BIC cũng phù hợp với định hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài và hội nhập kinh tế khu vực của Chính phủ Việt Nam, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của Ngân hàng mẹ BIDV và của BIC.

Hiện BIC là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có mạng lưới hoạt động tại hải ngoại rộng nhất, gồm các liên doanh tại Lào, Campuchia và VPĐD tại Myanmar.

BIC và PJICO được bình chọn là Thương hiệu mạnh Việt Nam 2014

(BIC, ĐTCK) – Ngày 21/3/2014, tại Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam 2014 được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã vinh dự được trao tặng giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam 2014.

Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam là chương trình thường niên do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương tổ chức nhằm ghi nhận, động viên và cổ vũ những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, áp dụng các giải pháp công nghệ bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cũng như đảm bảo cho người lao động tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Năm 2014, với chủ đề “Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh”, 71 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được trao tặng danh hiệu Rồng Vàng và 95 thương hiệu đạt danh hiệu Thương hiệu mạnh.

BIC được trao tặng giải thưởng Thương hiệu mạnh dựa trên việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quan trọng của Ban tổ chức, bao gồm: có sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng cao; có phong cách nổi bật trong kinh doanh; có tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững; đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và các quy định của Pháp luật; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

Tiếp tục được vinh danh là Thương hiệu mạnh Việt Nam chính là sự ghi nhận đối với những thành công của BIC trong các năm qua. Năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, BIC vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, với doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 25,5%, cao hơn mức bình quân của toàn thị trường (11,8%). BIC hiện đứng trong Top 10 về thị phần và là một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường.Trong 95 doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng Thương hiệu mạnh năm 2014, BIC là một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu đã tham dự và được vinh danh trong nhiều năm.

Về phần PJICO, năm 2014 vừa qua doanh nghiệp này đã tăng trưởng 8,2% so với năm 2013, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2,123 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên mức trên 9 triệu đồng/tháng.

20 năm qua, PJICO đã không ngừng phát triển lớn mạnh với quy mô trải rộng toàn quốc gồm 56 đơn vị thành viên, là doanh nghiệp đứng thứ 2 thị trường bảo hiểm Việt Nam về mạng lưới kinh doanh – hơn 200 văn phòng đại diện tại hầu khắp các địa bàn.

Fubon Life Việt Nam nhận ‘Giải thưởng Rồng Vàng 2014’

(TBTCO) – Tiếp theo chuỗi giải thưởng “Rồng Vàng” trong 2 năm liên tiếp 2012, 2013, Fubon Life Việt Nam tiếp tục vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp để giành chiến thắng trong giải thưởng Rồng Vàng 2014.

Giải thưởng không những là minh chứng khẳng định cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam mà còn là niềm tin của cộng đồng xã hội đối với quyết tâm trở thành điểm tựa an ninh tài chính cho gia đình Việt của Fubon Life Việt Nam.

Ông Anton Chang, Tổng Giám đốc của Fubon Life Việt Nam cho biết: “Chiến lược phát triển bền vững” của Fubon Life Việt Nam được giới chuyên gia và cộng đồng đánh giá cao trên tiêu chí tính năng vượt trội của sản phẩm, chất lượng dịch vụ và trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội.

Sản phẩm của Fubon Life Việt Nam đã được đánh giá cao về tính độc đáo và hiệu quả vượt trội dựa trên quyền lợi sản phẩm dành riêng cho từng phân khúc khách hàng. Nhóm khách hàng Fubon Life hướng tới chủ yếu là các bậc phụ huynh và phụ nữ mang thai.

Trong “Chiến lược phát triển bền vững”, ngoài quyết tâm phát triển sản phẩm chuyên nghiệp phù hợp với nhu cầu khách hàng, Fubon Life Việt Nam còn không ngừng tạo nên giá trị cho khách hàng. Với triết lý kinh doanh “Thành Tín, Thân Thiện, Chuyên Nghiệp, Sáng Tạo”, Fubon Life Việt Nam đưa mục tiêu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng là một tiêu chí hàng đầu trong mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ.

Công tác từ thiện xã hội cũng là trọng điểm mà Fubon Life Việt Nam theo đuổi trong “Chiến lược phát triển bền vững” tại Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập năm 2010, Fubon Life Việt Nam đã triển khai chương trình học bổng “Vì nhân tài ngành Bảo hiểm Việt Nam”; chương trình tặng quà cho học sinh giỏi vượt khó…

Quán triệt “Chiến lược phát triển bền vững” cũng đã giúp Fubon Life Việt Nam mở rộng nhanh chóng hệ thống kinh doanh tại hai miền Nam Bắc kể từ khi thành lập năm 2010 tới nay. Theo đó, 7 văn phòng Tổng đại lý đã được thành lập và hoạt động hiệu quả tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hải Phòng… Năm 2015, Fubon Life Việt Nam dự kiến sẽ ra mắt 6 văn phòng Tổng đại lý…

Generali Việt Nam ra mắt sản phẩm “Bảo gia An thịnh”

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam chính thức đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm liên kết chung Bảo gia An thịnh với nhiều quyền lợi vượt trội.

Bảo gia An thịnh sẽ giúp khách hàng có được một kênh đầu tư hiệu quả và an toàn với lãi suất đảm bảo trong 2 năm đầu được cam kết lên đến 6% và 5,5%/năm. Đặc biệt, Bảo gia An thịnh là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đầu tiên và duy nhất trên thị trường cung cấp quyền lợi đảm bảo thời giá theo ngoại tệ (giữa VNĐ và USD) cho khách hàng.

Quyền lợi đảm bảo thời giá ngoại tệ sẽ được tự động cộng vào giá trị tài khoản hợp đồng vào mỗi năm hợp đồng cho khách hàng trong năm năm đầu (với tỷ lệ trượt giá đảm bảo tối đa 6,25%/năm) hoặc vào cuối năm hợp đồng thứ năm (với tỷ lệ trượt giá đảm bảo tối đa 8%/năm) tùy theo lựa chọn của khách hàng.

Bên cạnh việc Khách hàng có thể lựa chọn đóng phí trong thời gian ngắn song vẫn được bảo vệ và chủ động thực hiện kế hoạch tài chính trong suốt cuộc đời, Bảo gia An thịnh còn mang lại số tiền bảo hiểm có thể lên đến 80 lần phí bảo hiểm cơ bản. Khách hàng cũng sẽ nhận được quyền lợi duy trì hợp đồng bắt đầu từ năm hợp đồng thứ tư và mỗi 4 năm sau đó, lên đến 440% phí bảo hiểm cơ bản.

Được biết, năm 2014, Generali Việt Nam đã có những bước chuyển biến rõ rệt với doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm cũng được giữ vững với mức phí bình quân trên mỗi hợp đồng đạt trên 17,2 triệu đồng (mức bình quân trên thị trường là 7,17 triệu đồng/hợp đồng).

2 tháng đầu năm, phí bảo hiểm của Hanwha Life Việt Nam tăng 126%

(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, Công ty đã đạt gần 50 tỷ doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, tăng trưởng 126% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, từ quý III/2014 đến nay, số lượng tư vấn tài chính hoạt động luôn duy trì đều đặn trên 1.500 người.

Hanwha Life Việt Nam cũng vừa được nhận giải thưởng Rồng Vàng 2014 với danh hiệu “Dịch vụ chất lượng”. Đây là lần thứ 5 liên tiếp công ty được nhận giải thưởng này.

Sau gần 6 năm chính thức hoạt động ở thị trường Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên nhóm những doanh nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng trong ngành bảo hiểm. Tháng 6/2014, với việc chính thức tăng vốn điều lệ lên 1.891,14 tỷ đồng (tương đương 102,78 triệu USD), Hanwha Life Việt Nam đang nằm trong Top 3 công ty bảo hiểm nhân thọ có số vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam. Năm 2014, Hanwha Life  đạt 104% so với kế hoạch và tăng trưởng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Back Jong Kook, Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam cho biết, trong năm 2015, kế hoạch trọng tâm của Hanwha Life Việt Nam sẽ là tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi đang không ngừng phấn đấu để năm 2017 có thể đạt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về chất lượng dịch vụ …

MIC cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua NCB 

(MIC) – Vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB). Đây là thoả thuận hợp tác được ký kết giữa hai tổ chức ngân hàng, bảo hiểm lớn của Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác, tận dụng tối đa lợi thế, kinh nghiệm và tiềm năng của hai bên. Hai bên hợp tác xây dựng, phát triển sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng.NCB sẽ tạo điều kiện để MIC giới thiệu, tư vấn và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm với điều kiện tốt nhất cho khách hàng của NCB. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ bảo hiểm không may xảy ra sự kiện bảo hiểm sẽ được MIC giải quyết quyền lợi bảo hiểm một cách chính xác, nhanh chóng và thuận lợi.

NCB và MIC mong muốn hợp tác hiệu quả phát huy thế mạnh của mỗi bên để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn đồng thời khách hàng được sử dụng dịch vụ tốt nhất của hai đơn vị đem lại dịch vụ trải nghiệm cho khách hàng.

Fubon Việt Nam ra mắt nhiều sản phẩm dành cho phụ nữ và trẻ em

 

(TBTCO) – Hơn 4 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Fubon Life Việt Nam không ngừng nỗ lực xây dựng chuỗi sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hoàn chỉnh và chuyên sâu tới người dân Việt Nam với mong muốn gia đình và trẻ thơ được bảo vệ từ nguồn lực tài chính của ngành bảo hiểm nhân thọ.

Hàng loạt sản phẩm cho từng nhóm đối tượng với quyền lợi độc đáo được Fubon Life Việt Nam cung cấp tới khách hàng. Điển hình như sản phẩm bảo hiểm giáo dục “Phúc bảo thành đạt” dành cho cha mẹ lên kế hoạch tương lai giáo dục cho con trẻ với đặc tính tiên phong trong thiết kế là tập trung nguồn tài chính vào tính năng giáo dục, bệnh hiểm nghèo, phòng vệ tai nạn rủi ro… Giá trị quyền lợi bảo hiểm gấp 200% số tiền bảo hiểm, Phúc bảo thành đạt là sản phẩm được các bậc cha mẹ đón đợi nhiều nhất cho con yêu.

Sản phẩm “Phúc bảo an sinh” sản phẩm bảo hiểm thai sản đầu tiên trên thị trường mà phụ nữ đang mang thai không quá 28 tuần vẫn có thể mua và hưởng các quyền lợi thai sản. Còn “Phúc bảo an mỹ” là lựa thông minh dành cho phụ nữ có kế hoạch mang thai. Với khoản bồi thường lên tới 2 tỷ đồng, bảo vệ cho mẹ trong kỳ mang thai, sinh nở và nuôi con kết hợp với quyền lợi bảo vệ nhiều tầng chi trả điều trị biến chứng sản khoa và điều trị dị tật bẩm sinh. “Phúc bảo an mỹ” và “Phúc bảo an sinh” giúp phụ nữ sắp mang thai và đang mang thai dễ dàng tạo dựng nguồn tài chính sẵn sàng trước những biến cố thai sản không lường trước được để bé yêu được khỏe mạnh chào đời và lớn lên trong vòng tay của mẹ.

Hay sản phẩm bảo hiểm mới “Phúc bảo bổ trợ nằm viện do tai nạn”, với mức phí rất thấp, không tới 1.000 đồng/ngày, sản phẩm mới gồm ba tầng bảo vệ song song, chi trả tiền hỗ trợ chi phí nằm viện do tại nạn lên đến 300.000 VND/ngày, chi trả tới 90 ngày nằm viện/năm. Hơn thế nữa, Fubon Life Việt Nam mở rộng quyền lợi tham gia sản phẩm này cho các thành viên trong gia đình như một món quà giúp đảm bảo thành viên gia đình được che chở an toàn trước biến cố tai nạn luôn rình rập.

Cùng với việc cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu từng đối tượng khách hàng, Fubon Life Việt Nam không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi cho khách hàng, giúp giải quyết bồi thường nhanh chóng, hiệu quả, chính xác…

Bảo hiểm hưu trí, giải pháp hiệu quả để thu hút và giữ nhân tài

 

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife Việt Nam vừa phối hợp với Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) và Công ty Môi giới bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson (JLT) – nhà tư vấn về bảo hiểm rủi ro, tổ chức thành công buổi hội thảo “Đầu tư hiệu quả – Chinh phục nhân tài”.

Buổi hội thảo có sự tham gia của khoảng 100 Quản lý Nhân sự và Tài chính của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Tại sự kiện này, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam (MAMV) đã chia sẻ về các lựa chọn đầu tư cho hưu trí, ưu điểm của việc đầu tư gián tiếp thông qua quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong việc giúp cá nhân tích lũy đầu tư cho hưu trí.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể cân nhắc việc đầu tư này như một trong những giải pháp hiệu quả về phúc lợi trong tuyển dụng, thu hút và giữ nhân tài.

Chia sẻ bên lề Hội thảo, bà Bùi Thị Kim Quy, Giám đốc Khối Tiếp thị và truyền thông Manulife Việt Nam cho biết, bên cạnh danh tiếng doanh nghiệp, chính sách lương thưởng cạnh tranh, thì chế độ phúc lợi tốt chính là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế tuyển dụng của mình. Trong đó, bảo hiểm hưu trí được xem là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao chế độ phúc lợi cho nhân viên, đồng thời giúp người lao động chủ động lập kế hoạch tài chính cho một cuộc sống an nhàn, tự chủ về tài chính lúc về hưu”.

Bên cạnh một danh mục các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đa dạng, Manulife Việt Nam cũng đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tên gọi “Manulife – Điểm Tựa Hưu Trí”, được thiết kế dành cho người lao động có độ tuổi tham gia từ 18-65 tuổi (nam/nữ) với phương thức nhận quyền lợi hưu trí đa dạng, có thể giúp doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn sao cho phù hợp với đặc điểm của tổ chức tại từng thời điểm.

Ngoài những quyền lợi hưu trí, người lao động còn được bảo vệ toàn diện trước những rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn và quyền lợi trợ cấp mai táng.

3. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Ngân hàng Thế giới ‘vạch chiến lược’ giảm giờ làm thủ tục BHXH

(TBTCO) – Nếu BHXH áp dụng tất cả các khuyến nghị của WB thì số giờ giao dịch của DN với BHXH trong các quy trình về đăng ký, thu, cấp sổ, thẻ BHXH chỉ còn 35 phút/tháng so với 12 giờ/ tháng như trước đây.

Đó là nhận định của nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo “Đánh giá các quy trình nghiệp vụ của BHXH” do WB và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 24/3.

Kết quả phân tích quy trình nghiệp vụ của WB cho thấy, ít nhất 55% các tác nghiệp bao gồm các quy trình nghiệp vụ dành cho đăng ký, thu phí và phát hành sổ và thẻ được tiến hành thủ công mà không có sự hỗ trợ về mặt công nghệ thông tin (CNTT).

Số tác vụ được tự động hóa hoàn toàn nằm vào khoảng 12-13%, các tác vụ được hỗ trợ bởi CNTT khoảng 32-33% và có khoảng 40% tác vụ được lặp lại qua các quy trình nghiệp vụ.

Các chuyên gia của WB chỉ ra rằng, chính việc kiểm tra, kiểm soát thông tin dữ liệu ở các cấp không hiệu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dữ liệu, dẫn đến việc khách hàng và BHXH lặp đi lặp lại các quy trình chỉ để đảm bảo dữ liệu chính xác.

Với những hạn chế trên, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với BHXH trong năm 2015 giảm thời gian giao dịch xuống còn 49,5 giờ là một thử thách lớn.

Do đó, các chuyên gia của WB khuyến nghị 10 giải pháp liên quan tới các vấn đề như: Cơ chế kiểm tra, kiểm soát thông tin; tập trung hóa dữ liệu đối tượng tham gia BHXH; sử dụng mã định danh duy nhất; phối hợp với cơ quan thuế trong việc sử dụng mã đơn vị sử dụng lao động; hợp nhất một số quy trình khai BHXH; khai BHXH trực tuyến, đơn vị sử dụng lao động chỉ khai 1 lần trong tháng; tổng hợp phát sinh trong kỳ; cấp sổ thẻ…

TS. Đỗ Văn Sinh- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nhằm tiếp tục giảm thiểu thủ tục, thời gian của tổ chức và cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam hiện đang rà soát các quy trình, nghiệp vụ, triển khai giao dịch hồ sơ qua mạng internet, giao dịch điện tử trước mắt là thực hiện việc khai báo tham gia đóng BHXH, BHYT, cấp sổ, thẻ.

Trong số các giải pháp đưa ra, nhóm nghiên cứu của WB nhấn mạnh tới việc triển khai mã số định danh. Các chuyên gia của WB cho rằng, nên cấp một mã số định danh duy nhất cho đơn vị sử dụng lao động/ đối tượng nộp tiền. Vì vậy, sẽ triển khai sử dụng mã số thuế hiện nay làm mã số định danh chính thức của BHXH Việt Nam cho đơn vị sử dụng lao động, đối tượng đóng BHXH và cơ quan thu BHXH. Trong ngắn hạn, có thể triển khai giao thức FTP (truyền tệp tin) tại BHXH Việt Nam làm tầng trung gian để nhận và truy xuất thông tin giữa BHXH và Tổng cục Thuế.

II. Tin quốc tế

Máy bay A320 rơi tại Pháp: Bảo hiểm Allianz và AIG sẽ đền bù từ 6 đến 7 triệu USD

(Thethaovanhoa) – Allianz và AIG là hai trong số các nhà bảo hiểm cho chiếc máy bay Airbus A320 số hiệu 4U 9525 của hãng hàng không Germanwings vừa gặp nạn tại Pháp.

Đứng đầu nhóm các nhà bảo hiểm cho chiếc máy bay này là Allianz. Bên cạnh đó, AIG cũng là một đối tác khác tham gia bảo hiểm cho chiếc máy bay xấu số vừa gặp nạn.

Hạn mức bảo hiểm của chiếc máy bay này vào khoảng từ 6 đến 7 triệu USD.

Đáng nói hơn, Allianz cũng đồng thời là nhà bảo hiểm cho các máy bay mang số hiệu MH370 và MH17 của Malaysia Airlines, QZ8501 của Air Asia gặp nạn trong năm 2014 vừa qua.

Chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings mang số hiệu 4U 9525 chở 142 khách và phi hành đoàn 6 người từ Barcelona (Tây Ban Nha) đi Duesseldorf (Đức) đã bị rơi lúc 16:47 theo giờ Hà Nội khi bay qua không phận Pháp.

Phát biểu trước các phóng viên, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng như Bộ trưởng Giao thông Pháp đều chia sẻ thông tin không chút lạc quan nào: “Dường như không có ai sống sót”.

Rất khó để đo lường rủi ro thảm họa 

(Insurancenews) – Theo Công ty quản trị rủi ro thảm họa RMS, để đo lường những tiến bộ trong hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa là rất khó khăn.

Phát biểu tại Hội thảo toàn cầu của Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thảm họa tổ chức tại Sendai, Nhật Bản, ông Robert Muir-Wood, Giám đốc Nghiên cứu của RMS, nói do đặc thù của thiên tai nên không thể đưa ra các kết luận đáng tin cậy dựa trên việc phân tích số liệu quá khứ.

Trường hợp rủi ro động đất ở Haiti là một ví dụ: trong giai đoạn từ năm 1900 đến năm 2010, có không tới 10 người thiệt mạng do động đất tại đây, tuy nhiên chỉ trong một buổi chiều tháng 1 năm 2010, đã có 200.000 người chết do thảm họa này.

“Để đánh giá về một rủi ro nào đó, bạn không thể chỉ căn cứ vào số liệu quá khứ trong một thập niên. Cách làm này sẽ đem đến nhận định hoàn toàn sai lầm”.

Theo ông Robert Muir-Wood, câu trả lời duy nhất là sử dụng mô hình thảm họa để xây dựng cơ sở dữ liệu của hàng chục ngàn năm về trước.

Trên thực tế, ngành bảo hiểm đã sử dụng những mô hình như vậy trong 25 năm nay. Ông Muir-Wood tin tưởng rằng cách làm này sẽ được nhân rộng trong cộng đồng những người làm về giảm thiểu rủi ro nhằm đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này.

“Tương lai của hoạt động quản trị rủi ro thảm họa tập trung vào việc xây dựng các mô hình và sử dụng chúng nhằm không chỉ đo lường sự thay đổi của rủi ro mà còn để xác định những việc cần phải làm”.

Chỉ khoảng 2% doanh nghiệp tại Anh có bảo hiểm mạng máy tính 

(Insurance-business-review) – Một báo cáo mới đây của chính phủ Anh chia sẻ quan điểm với đánh giá của nhà môi giới bảo hiểm Marsh rằng hầu hết các doanh nghiệp tại quốc đảo này không được bảo vệ trước rủi ro tấn công mạng.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời bản báo cáo cho biết chỉ 2% số doanh nghiệp lớn ở Anh mua bảo hiểm mạng máy tính, trong khi đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn thì con số này gần như bằng 0.

Cũng theo báo cáo, những doanh nghiệp không có bảo hiểm mạng đang tạo ra gánh nặng tổn thất rất lớn cho nền kinh tế nước này.

Vì vậy, chính phủ và ngành bảo hiểm Anh quốc đang thực hiện các biện pháp nhằm khích lệ các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm mạng.

Bản báo cáo nhận định: “Tấn công mạng đối với các doanh nghiệp Anh đang là mối đe dọa hàng ngày tới sự vận hành ổn định của nền kinh tế Anh quốc, và mức độ nghiêm trọng đang ngày càng tăng lên”.

“Mặc dù một số thành viên thị trường cho rằng chính phủ nên có những biện pháp ngăn chặn cần thiết song đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận nào rõ ràng về nhu cầu đối với các biện pháp này”.

Báo cáo cũng gợi ý rằng dữ liệu về an ninh mạng nên được chia sẻ giữa chính phủ, thị trường Lloyd’s và Hiệp hội bảo hiểm Anh quốc.

Hiện tại, chính phủ Anh vẫn đang ủng hộ chương trình bảo hiểm rủi ro khủng bố Pool Re, đồng thời đang phối hợp với ngành doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng chương trình bảo hiểm lũ lụt Flood Re cho các hộ gia đình.

Đài Loan: Cathay thâu tóm 2 công ty BHNT thua lỗ 

(Asiainsurancereview) – Theo một quan chức chính phủ Đài Loan, Tập đoàn Tài chính Cathay – công ty tài chính lớn nhất tại Đài Loan xét về giá trị tài sản – sẽ thâu tóm 2 công ty bảo hiểm nhân thọ thua lỗ tại hòn đảo này.

Hãng tin Reuters dẫn lời vị quan chức tại Quỹ Đảm bảo bảo hiểm Đài Loan cho biết Tập đoàn Tài chính Cathay, thông qua công ty BHNT thành viên của mình, đã mua lại thành công Singfor Life Insurance và Global Life Insurance. Quỹ Đảm bảo bảo hiểm Đài Loan được đặt dưới sự giám sát của Hội đồng Giám sát Tài chính của quốc đảo này.

Tin cho biết chính quyền Đài Loan sẽ chi trả 30,3 tỷ Đài tệ (963,77 triệu USD) để Cathay thâu tóm hai doanh nghiệp BHNT kể trên.

Giao dịch này là nỗ lực gần đây nhất của Đài Bắc nhằm hợp nhất các doanh nghiệp trên thị trường bảo hiểm Đài Loan vốn đang rất phân tán, điều này càng khiến cho các hãng BHNT nhỏ hơn khó khăn hơn bao giờ hết. Cathay và Fubon là 2 trong số 5 hãng bảo hiểm lớn nhất tại đây.

Hồi tháng 8 vừa qua, Hội đồng Giám sát Tài chính đã đặt Global Life Insurance và Singfor Life Insurance dưới sự quản lý tài chính của chính phủ do hai hãng này mất khả năng thanh toán. Tại thời điểm đó, Global Life Insurance có 393.000 khách hàng với 790.000 hợp đồng còn Singfor Life Insurance có 362.000 khách hàng và 260.000 hợp đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi ASEAN giảm bớt các hàng rào với ngành bảo hiểm 

(Insurancenews) – Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN mới công bố một nghiên cứu về ngành bảo hiểm tại Đông Nam Á, trong đó có khuyến cáo về việc tiếp tục phát triển “thị trường bảo hiểm linh hoạt và dẫn đầu thế giới”.

Bản nghiên cứu được giới thiệu tại phiên họp đầu tiên giữa Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN với bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước ASEAN tổ chức tại Kuala Lumpur hôm Thứ 7 vừa qua. Năm 2013, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của các quốc gia trong khu vực đạt 3,2%, cao hơn mức trung bình của các thị trường mới nổi (2,7%).

Ông Chris Humphrey, Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN, nói sự phát triển của ngành bảo hiểm trong khối sẽ có “ảnh hưởng đáng kể” tới khu vực.

“Ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính ASEAN”, ông nói. “Bảo hiểm cung cấp sự bảo vệ tài chính cho con người, doanh nghiệp và chính phủ, là cơ sở đảm bảo cho sự bền vững dài hạn về tài chính”.

“Phần lớn nguồn tài chính này được đầu tư vào các dự án hạ tầng dài hạn, giúp cho các quốc gia ASEAN đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của mình”.

Hiện tại, có 25 doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn của châu Âu đang hoạt động tại các nước ASEAN. Tuy nhiên, Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN tin tưởng rằng số lượng này sẽ tăng lên khi các hàng rào xâm nhập được dỡ bỏ.

Bản nghiên cứu kêu gọi việc loại bỏ các hạn chế về sở hữu nước ngoài, về chuyển thu nhập, cổ tức và vốn ra khỏi biên giới cũng như các hạn chế về tái bảo hiểm xuyên biên giới đối với các doanh nghiệp tái bảo hiểm đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán.

Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN cũng kêu gọi tạo lập “cơ chế quản lý minh bạch nhằm khích lệ hoạt động đầu tư dài hạn” và phát triển thị trường vốn trong khu vực theo chiều sâu nhằm “đảm bảo ngành bảo hiểm đáp ứng được các yêu cầu về vốn và đầu tư trong dài hạn”.

Vào ngày 23/8 tới đây tại Kuala Lumpur, Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN và Phòng Thương mại và Công nghiệp EU-Malaysia sẽ đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hàng năm EU-ASEAN.

Năm 2014: Tổn thất hàng hải toàn cầu giảm mạnh

(Canadianunderwriter) – Theo “Báo cáo An toàn và Hàng hải 2015” do Công ty Bảo hiểm doanh nghiệp và chuyên biệt toàn cầu Allianz (AGCS) ấn hành hôm Thứ 3 vừa qua, tổn thất hàng hải toàn cầu năm 2014 có thể tiếp tục giảm, nhưng rủi ro từ các tàu vận tải cỡ lớn và rủi ro tấn công mạng đang là mối đe dọa với ngành hàng hải.

Đối tượng phân tích của bản báo cáo là các tàu có trọng tải trên 100 tấn. Báo cáo cho biết tín hiệu tích cực trong năm 2014 là tổn thất vận chuyển đường biển tiếp tục xu hướng giảm trong dài hạn với tổng số 75 tổn thất được ghi nhận. Vì vậy, 2014 là năm có mức độ an toàn hàng hải cao nhất trong 10 năm qua.

Cụ thể, số lượng tổn thất năm 2014 giảm 32% so với năm 2013 (110 vụ), giảm 50% so với năm 2005, đồng thời thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 10 năm (127 vụ).

Báo cáo viết: “2014 là năm thứ hai trong vòng 10 năm qua có ít hơn 100 vụ tổn thất hàng hải”. Đáng chú ý là hơn 50% số vụ tổn thất trong năm vừa qua xảy ra đối với tàu chở hàng (25 vụ) và tàu cá (14 vụ).

Nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất là chìm đắm do nước rò vào khoang tàu: 49 vụ, chiếm 65% (mặc dù đã giảm xấp xỉ 30% so với năm trước); chìm đắm do thân tàu bị phá hủy: 13 vụ; cháy nổ: 4 vụ, giảm 73% so với năm trước; hư hại vỏ tàu: 3 vụ; đổ vỡ máy móc: 3 vụ; đâm va: 2 vụ; cuối cùng là rủi ro hỗn hợp: 1 vụ.

BTV (tổng hợp).

Comments are closed.