Lợi nhuận của Allianz không đạt kỳ vọng; Khai trương công ty tái bảo hiểm thứ hai của Trung Quốc; Hơn 62% thị phần BH PNT trong tay 5 ‘ông lớn’
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
Hai ô tô nát đầu sau cú va chạm lúc nửa đêm
(Dân trí) – Chiếc xe tải mất lái đã đâm trực diện vào xe bồn chở xi măng lưu thông chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến đầu cả 2 chiếc xe nát bét, tài xế xe tải bị thương nặng.
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 23h30 ngày 22/2, tại km18 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, một chiếc xe tải cỡ lớn chở nhiều hàng hóa lưu thông trên QL 1A, hướng Hà Nội – Hà Nam. Đến đoạn đường trên, do trời tối, đường trơn, chiếc xe tải mất lái, đâm trực diện vào một chiếc xe bồn chở xi măng di chuyển theo hướng ngược lại.
Cú đâm mạnh khiến đầu 2 chiếc xe bị hư hỏng nặng. Tại hiện trường, mảnh vỡ từ đầu hai xe rơi khắp nơi.
Nhận tin báo, Đội CSGT số 8 đã cử cán bộ chiến sỹ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phân luồng giao thông, tránh ùn tắc. Do chiếc xe tải quay ngang, chắn hết lòng đường, lực lượng chức năng đã khẩn trương di chuyển chiếc xe này đi ngay trong đêm.
Sáng 23/2, đoạn QL 1A qua khu vực xảy ra tai nạn vẫn xảy ra ùn ứ. Các chiến sỹ CSGT phải phân luồng trong mưa rét, điều tiết cho dòng phương tiện đi từng chiều một.
“Chúng tôi đã cử 10 cán bộ chiến sĩ kết hợp cùng lực lượng công an huyện Thường Tín giải quyết vụ việc ngay trong đêm và phân luồng giao thông suốt đêm qua đến qua. Đến nay đã xử lý xong hiện trường vụ tai nạn, giao thông đã thông thoáng trở lại” – Đại diện lãnh đạo đội CSGT số 8 cho biết.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
2. Một vòng doanh nghiệp
Doanh thu phí Dai-ichi Life Việt Nam tăng hơn 40%
(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) cho biết, năm 2015, Công ty đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm trên 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2014.
Năm 2016, hướng đến kỷ niệm 10 năm hoạt động, ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ, Công ty sẽ tăng cường mở rộng mạng lưới kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phấn đấu đạt 10% thị phần bảo hiểm nhân thọ.
Ngày 18/1, Công ty đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 87 triệu USD lên 100 triệu USD, dự kiến hoàn tất trong quý I/2016. Với vốn mới, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn hóa lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Manulife rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm còn 30 phút
(ĐTCK) – Nhằm tạo điều kiện giao dịch thuận lợi và nhanh chóng cho khách hàng, từ đầu năm 2016, Manulife đã triển khai thành công việc rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng xuống còn 30 phút đối với các quyền lợi có mệnh giá tối đa 100 triệu đồng.
Quy trình mới này đã được triển khai tại 16 văn phòng của Manulife tại Việt Nam và sẽ được tiếp tục nhân rộng ở tất cả các văn phòng trên cả nước.
Đồng thời, Manulife cũng chính thức triển khai Dịch vụ bảo lãnh viện phí cho khách hàng. Đây là dịch vụ cho phép khách hàng không cần trả viện phí khi nằm viện trong hạn mức, bởi công ty sẽ trực tiếp thanh toán viện phí cho hệ thống Bệnh viện đối tác. Trong giai đoạn đầu, Manulife Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí cho Khách hàng đang tham gia các quyền lợi bảo hiểm như: Quyền lợi trợ cấp nằm viện, Quyền lợi hỗ trợ phẫu thuật, Quyền lợi phẫu thuật phục hồi do tai nạn.
Thêm vào đó, Manulife vừa giới thiệu “Trang thông tin trực tuyến dành cho Bên mua bảo hiểm – ManuConnect”, cung cấp rất nhiều tiện ích nổi bật cho khách hàng như: dễ dàng tra cứu toàn bộ thông tin và lịch sử các giao dịch; thay đổi Hợp đồng… thông qua thao tác đăng ký trực tuyến đơn giản; nhanh chóng; tài khoản sử dụng riêng tư và bảo mật….
Cổ đông ngoại đăng ký mua hơn 9 triệu cổ phiếu PVI
(Trí thức trẻ) – Cổ phiếu PVI hiện đang giao dịch quanh vùng giá 25.000đ/cp và nếu thực hiện giao dịch tại mức giá này, HDI Global SE sẽ phải bỏ ra khoảng 230 tỷ đồng.
Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), HDI Global SE đã đăng ký mua vào 9,18 triệu cổ phiếu PVI của CTCP PVI. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 18/2/2016 đến 16/3/2016 qua phương thức thỏa thuận.
HDI Global SE đang nắm giữ 74.53 triệu cổ phiếu PVI (tỷ lệ 33.5%) và là cổ đông lớn thứ 2 tại PVI sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Nếu giao dịch được thực hiện thành công, PVI sẽ nắm giữ 83.71 triệu cổ phiếu PVI, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35.74%.
Cổ phiếu PVI hiện đang giao dịch quanh vùng giá 25,000đ/cp và nếu thực hiện giao dịch tại mức giá này, HDI Global SE sẽ phải bỏ ra khoảng 230 tỷ đồng.
Hiện tại, danh sách cổ đông lớn của PVI gồm có PVN (36.88%); HDI Global SE (33.5%); Fuderburk Lighthouse Limited (11.58%); PVCombank (6.23%).
Trước đó, PVI đã đăng ký bán gần 12 triệu cổ phiếu quỹ với Giá bán ra được xác định theo giá thị trường, phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 15/12/2015 đến 13/1/2016. Tuy vậy, PVI mới chỉ thực hiện bán ra hơn 200 nghìn cổ phiếu.
Quỹ Prudence khởi động chương trình Safe Steps – An toàn đường bộ
(ĐTCK) – Tại Kuala Lumpur, ngày 13/2/2016, Quỹ Prudence của Prudential châu Á đã chính thức khởi động chương trình Safe Steps An toàn đường bộ. Đây là chương trình hợp tác giữa Quỹ Prudence cùng đại sứ ngôi sao điện ảnh Dương Tử Quỳnh, kênh National Geographic và Liên đoàn xe thể thao quốc tế FIA.
Đây là chương trình giáo dục dài hạn kết hợp nhiều kênh truyền thông như truyền hình, website, đồng thời cung cấp rộng rãi tài liệu cho các hoạt động cộng đồng.
Theo đó, thông qua loạt video thông tin công cộng do Quỹ Prudence, liên đoàn xe thể thao quốc tế FIA và kênh National Geographic phối hợp thực hiện, ngôi sao điện ảnh Dương Tử Quỳnh là đại sứ của chương trình sẽ chia sẻ cho người dân những bí quyết an toàn khi đi bộ cũng như khi vận hành xe máy, ô tô.
Đây là sáng kiến vì cộng đồng lần đầu tiên được phát động tại châu Á nhằm nâng cao nhận thức về tai nạn giao thông cũng như tích cực truyền thông vì an toàn đường bộ.
Sáng kiến này mang ý nghĩa xã hội cao, trong bối cảnh tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho nạn nhân trong độ tuổi từ 15-29 và đang là một vấn nạn ở châu Á, trong đó có Việt Nam – một trong những quốc gia đang trong quá trình phát triển nhanh.
Hiện mỗi năm trên thế giới có 1,3 triệu người thiệt mạng vì tai nạn đường bộ, trong đó mỗi ngày có 500 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông khi đi đến trường.
Tại Việt Nam, năm 2015 đã xảy ra 22.827 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 8.727 người chết và 21.069 người bị thương. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, theo thống kê của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết, riêng ngày mùng 6 (12/2) cả nước xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người và 37 người bị thương. Tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc nâng lên 100 triệu đồng/người/vụ
(TBTCO) – Mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra sẽ được nâng lên 100 triệu đồng/1 người/vụ thay vì mức 70 triệu đồng/1người/vụ như hiện nay.
Cùng với đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn, tăng 10 triệu đồng so với quy định hiện nay.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Đây là một phần quan trọng của Thông tư 22/2016/TT-BTC thay thế Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 của Bộ Tài chính quy định sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2008/TT-BTC và Thông tư 103/2009/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ký ban hành.
Về thanh toán phí bảo hiểm: theo Thông tư 22/2016/TT-BTC, trường hợp phí bảo hiểm dưới 50 triệu đồng, chủ xe cơ giới thanh toán 1 lần tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Trường hợp phí bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thanh toán 1 lần, thời hạn thanh toán không quá 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Riêng trường hợp phí bảo hiểm từ 100 triệu đồng trở lên, chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với DNBH việc thanh toán phí bảo hiểm như sau: Lần 1 thanh toán 50% tổng phí bảo hiểm trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm; lần 2: Thanh toán 50% phí bảo hiểm còn lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Việc thanh toán phí bảo hiểm được xác nhận bằng biên lai thu phí bảo hiểm; hóa đơn thu phí bảo hiểm của DNBH; xác nhận thanh toán phí bảo hiểm của chủ xe cơ giới trên Giấy chứng nhận bảo hiểm (đối với trường hợp chủ xe cơ giới đã thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ); các hình thức chứng từ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chủ xe cơ giới không thanh toán đủ phí bảo hiểm quy định, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày chủ xe cơ giới phải thanh toán phí bảo hiểm.
Về thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường: Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định và các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho DNBH.
Thời hạn thanh toán bồi thường của DNBH là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.
Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp từ chối bồi thường, DNBH phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 3 năm kể từ ngày DNBH thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên quyền khởi kiện không còn giá trị.
4. Nhịp đập thị trường
Hơn 62% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong tay 5 ‘ông lớn’
(TBTCO) – Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), kết thúc năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 32.038 tỷ đồng, tăng 17,18% so với cùng kỳ.
Vị trí của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ không có sự xáo trộn nhiều, Bảo hiểm PVI tiếp tục với vị trí dẫn đầu thị trường phi nhân thọ, với doanh thu phí gốc đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 16,66% so với cùng kỳ, chiếm 20,84% thị phần.
Vị trí thứ hai tiếp tục thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt, với doanh thu ước đạt 5.934 tỷ đồng, tăng 4,97% so với cùng kỳ, chiếm 18,52% thị phần; Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ, chiếm 8,88% thị phần.
Bảo hiểm PTI chính thức bứt phá, vượt qua Bảo hiểm PJICO giữ vị trí thứ 4 (năm 2014, PTI đứng vị trí thứ 5), với doanh thu ước đạt 2.432 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ, chiếm 7,59% thị phần. Bảo hiểm PJICO, lùi một bậc từ vị trí thứ 4 năm 2014 xuống vị trí thứ 5 năm 2015, với doanh thu ước đạt 2.231 tỷ đồng, tăng 5,07% so với cùng kỳ, chiếm 6,96% thị phần.
Theo đó, 62,79% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vẫn nằm trong 5 tay “ông lớn” quen thuộc, 24 DN còn lại và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam chỉ chiếm 37,21% thị phần.
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, với 9.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,08%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 7.643 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,85%, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đạt doanh thu 5.915 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,46%…
Cũng theo Cục QLBH, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước khoảng 13.579 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 42,38% cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (39,37%).
Cục QLBH cũng cho biết, năm 2015 tổng tài sản của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 61.499 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 31.306 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng dự phòng nghiệp vụ của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 18.078 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ; tổng vốn chủ sở hữu ước đạt 21.533 tỷ đồng, tăng 17,03% so với năm cùng kỳ.
Nhìn lại năm 2015, lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm chia sẻ, thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng đã vượt qua những khó khăn nhất định, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng thừa nhận, quản trị tài chính của một số DNBH phi nhân thọ vẫn phi tập trung, phân cấp cho các chi nhánh dẫn đến hiệu quả quản lý tài sản, chi phí kinh doanh thấp. Qua đó dẫn đến việc tuân thủ pháp luật còn chưa cao; hoạt động kinh doanh vẫn còn chạy theo mục tiêu doanh thu trước mắt…
Để thị trường phát triển bền vững trong năm 2016, lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm yêu cầu các DNBH phi nhân thọ tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm hạn chế việc nhận bảo hiểm những dịch vụ xấu, giảm hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH như giảm phí, mở rộng điều kiện, điều khoản, tăng chi phí… phát hiện và ngăn ngừa các hành vi trục lợi bảo hiểm.
“Các DNBH cần xây dựng cơ sở dữ liệu tính phí tối thiểu, phí nghiệp vụ, tạo mặt bằng về mức phí sàn, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường. Trước mắt, áp dụng cho 2 nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn là bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đề xuất xây dựng các cơ chế hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ phòng chống trục lợi, giải quyết tranh chấp, khiếu nại và cạnh tranh không lành mạnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển bền vững”, lãnh đạo Cục QLBH đề xuất.
5. Tin đào tạo
PJICO tổ chức đào tạo cho các cán bộ mới
(PJICO) – Ngày 20/02/2016, tại Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) khai mạc khóa đào tạo Tổng quan về Bảo hiểm Phi nhân thọ dành cho các cán bộ mới thuộc Văn phòng Tổng Công ty. Tham gia giảng dạy, có Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ, chức năng PJICO.
Khoá đào tạo kéo dài 04 ngày từ ngày 20 – 23/02/2016, bao gồm 9 chuyên đề: Tổng quan về bảo hiểm, luật bảo hiểm; Bảo hiểm Xe cơ giới; Bảo hiểm Hàng hóa; Bảo hiểm Tài sản kỹ thuật; Bảo hiểm sức khỏe; Bảo hiểm Tàu thủy; Tái bảo hiểm; Các kênh bán Bảo hiểm và Hướng dẫn hội nhập.
Xác định yếu tố con người là nền tảng, cốt lõi tạo ra giá trị, thương hiệu PJICO, do vậy Ban Lãnh đạo rất quan tâm, sâu sát đến công tác đào tạo con người, đặc biệt là các cán bộ mới.
Khóa đào tạo với mục đích giúp các cán bộ mới cập nhật, trau dồi kiến thức và có cái nhìn Tổng quan về PJICO, đồng thời đây cũng là dịp để cán bộ các Phòng Ban học chéo nghiệp vụ nhằm phục vụ công tác giới thiệu, bán đa dạng sản phẩm tới khách hàng.
Khóa đào tạo sẽ tiếp tục được tổ chức cho các đối tượng cán bộ mới trên toàn hệ thống PJICO trong thời gian tới với hy vọng đây là những “mầm ươm” mới – đội ngũ tạo cán bộ nguồn cho PJICO trong tương lai.
II. Tin quốc tế
Lợi nhuận của Allianz không đạt kỳ vọng do bồi thường thiên tai
(Bloomberg) – Hãng bảo hiểm lớn nhất châu Âu Allianz SE không đạt được kỳ vọng của các chuyên gia về lợi nhuận trong quý IV/2015 do phải bồi thường lớn cho các tổn thất thiên tai.
Lợi nhuận ròng của hãng quý IV/2015 đạt 1,42 tỷ Euro (1,6 tỷ USD) – tăng so với 1,22 tỷ Euro cùng kỳ năm trước, song thấp hơn mức trung bình trong 6 năm do Bloomberg ước tính: 1,56 tỷ Euro. Giá cổ phiếu của công ty giảm 1,44% xuống còn 133,75 Euro vào 12h07 ngày 19/02/2016 tại Frankfurt.
Ông Oliver Baete, Tổng Giám đốc Allianz, bình luận: “Allianz liên tục gặt hái được kết quả kinh doanh khả quan trong môi trường nhiều thách thức”.
“Hoạt động kinh doanh của Công ty vững mạnh và đa dạng hóa tốt. Điều này giúp chúng tôi tự tin rằng sẽ tiếp tục đạt được thu nhập tốt”.
Ngành bảo hiểm châu Âu đang phải nỗ lực đối mặt với quy định về vốn pháp định nghiêm ngặt hơn, lãi suất thấp làm giảm thu nhập đầu tư và giá phí giảm tại một số thị trường. Mặc dù vậy, Allianz vẫn tìm kiếm phương cách nhằm nâng tốc độ tăng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) giai đoạn 2016-2018 lên 5%. Hãng cũng đặt mục tiêu ROE năm 2018 đạt 13%, đã loại trừ ảnh hưởng của lãi vốn trái phiếu và các khoản mục đầu tư khác.
Bên cạnh đó, Allianz có kế hoạch tăng cổ tức năm 2015 thêm 6,6% lên 7,3 Euro/CP – thấp hơn mức kỳ vọng của Bloomberg là 7,4 Euro.
Các chuyên gia phân tích dự đoán rằng hãng sẽ thông báo kế hoạch mua lại cổ phần song song với việc chia cổ tức nhằm đạt được các mục tiêu về vốn cổ phần và EPS.
Lợi nhuận hoạt động của Allianz trong năm 2015 tăng 3,2% đạt 10,7 tỷ Euro – so với mục tiêu từ 10 đến 10,8 tỷ Euro. Trong năm 2016, Công ty đặt kế hoạch từ 10 đến 11 tỷ Euro. Riêng trong quý IV/2015, lợi nhuận hoạt động bị ảnh hưởng lớn từ khiếu nại bồi thường của các trận bão, lụt tại châu Âu.
Tỷ lệ kết hợp bảo hiểm tài sản và thiệt hại cải thiện từ mức 96,5% về 96,2%, không đạt được kỳ vọng 94,4% của các nhà phân tích.
Trong năm vừa qua, Allianz phải chi trả 738 triệu Euro bảo hiểm P&C, so với mức 400 triệu Euro năm 2014. Lỗ ròng từ các cơn bão và lụt tại châu Âu trong tháng 12 là 163 triệu Euro, trong đó riêng nước Anh chiếm tới 102 triệu Euro.
Giá cổ phiếu của Allianz tại thị trường Frankfurt giảm 19,5% trong năm 2015, tương ứng 60 tỷ Euro. Cũng trong thời gian này, chỉ số Bloomberg Europe 500 Insurance của ngành bảo hiểm châu Âu giảm 16%.
Tháng 01: lợi nhuận doanh nghiệp BHNT Đài Loan lao dốc
(Insuranceasianews) – Các công ty BHNT Đài Loan cho biết lợi nhuận tháng 01/2016 sụt giảm do thị trường chứng khoán Đài Loan tụt dốc.
Đối với công ty BHNT Cathay Life, lợi nhuận tháng 01/2016 rơi tự do từ mức 4,34 tỷ Đài tệ (năm 2015) xuống 1,56 tỷ Đài tệ.
Trong khi đó, Fubon Life chứng kiến lợi nhuận giảm 10 lần, từ mức 6,48 tỷ Đài tệ tháng 01/2015 xuống còn 648 triệu Đài tệ.
Sở dĩ thu nhập tháng 01/2015 của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cao do việc ghi nhận thu nhập đầu tư vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán tăng điểm.
Tính chung, lợi nhuận gộp tháng 01/2016 của 15 công ty tài chính tại Đài Loan đã giảm 40,41% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 18,87 tỷ Đài tệ, do những biến động của thị trường chứng khoán.
Khai trương công ty tái bảo hiểm thứ hai của Trung Quốc
(Asiainsurancereview) – Công ty tái bảo hiểm Taiping Reinsurance (Trung Quốc) đã chính thức khai trương hoạt động ngày 18/02 vừa qua, trở thành công ty tái bảo hiểm thứ hai của Trung Quốc đại lục.
Taiping Re là công ty con trực thuộc China Taiping Insurance Group – tập đoàn tài chính, bảo hiểm 100% vốn nhà nước có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông. Bản thân tập đoàn này cũng đã có một công ty con về tái bảo hiểm tại Hồng Kông lấy tên là Taiping Reinsurance, thành lập năm 1980.
Vào tháng 11/2015 vừa qua, Taiping Reinsurance được sự cho phép của Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc chuyển đổi chi nhánh của mình tại Bắc Kinh trở thành công ty con, lấy tên là Taiping Re (Trung Quốc).
Vốn điều lệ của Taiping Re (Trung Quốc) là 1 tỷ nhân dân tệ (153,4 triệu USD). Công ty cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tài sản, nhân thọ, sức khỏe và tai nạn.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Wang Bin, Chủ tịch Tập đoàn China Taiping Insurance, nói: “Việc thành lập Taiping Re (Trung Quốc) sẽ khai thông các cơ hội bên trong cũng như bên ngoài Trung Quốc; thu hút dòng vốn đầu tư, công nghệ và những bí quyết quản trị trên thị trường tái bảo hiểm quốc tế; hiện thực hóa tiềm năng thị trường tái bảo hiểm nội địa cũng như mở rộng danh mục các sản phẩm và dịch vụ tái bảo hiểm tại thị trường Trung Quốc đại lục”.
Với việc ra đời của Taiping Re (Trung Quốc), China Taiping Insurance sẽ trở thành tập đoàn bảo hiểm duy nhất do chính quyền trung ương trực tiếp quản lý, kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và tái bảo hiểm.
Theo quy định, chính phủ Trung Quốc cấp vốn cho China Taiping Insurance, đồng thời toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này do chính phủ bổ nhiệm. Chủ tịch tập đoàn có hàm tương đương ít nhất Thứ trưởng.
Ngoài Taiping Re (Trung Quốc), hiện có khoảng 10 công ty tái bảo hiểm đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc, trong đó công ty tái bảo hiểm đầu tiên của Trung Quốc đại lục là China Re.
Global Aerospace giới thiệu hệ thống quản lý bảo hiểm hàng không trực tuyến
(IBR) – Hãng bảo hiểm hàng không Global Aerospace vừa giới thiệu hệ thống đánh giá rủi ro và quản lý hợp đồng bảo hiểm hàng không trực tuyến Aeroinsure.
Hệ thống này sẽ giúp các nhà môi giới cung cấp đúng sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của các chuyến bay nhỏ.
Gần đây, công ty đã thiết kế hệ thống thương mại điện tử mới để có thể vận hành tốt với nhiều dòng sản phẩm khác nhau tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Phần mềm Aeroinsure giúp khách hàng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm các chuyến bay quốc tế quy mô nhỏ, bao gồm cả các chuyến bay thử nghiệm và các máy bay tự chế.
Ông Nick Brown, Tổng Giám đốc Global Aerospace, nói: “Aeroinsure là một minh chứng khác về việc Global Aerospace tăng cường đầu tư vào công nghệ nhằm đem đến dịch vụ bảo hiểm hàng không đơn giản và thuận tiện hơn”.
Vào tháng 4/2015, Global Aerospace đã thiết lập quan hệ đối tác với Zurich Canada cung cấp gói sản phẩm bảo hiểm cho máy bay không người lái (UAS) cho khách hàng.
Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản tăng đầu tư vào trái phiếu nước ngoài
(Insuranceasianews) – Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản vừa thông báo kế hoạch tăng đầu tư vào công cụ nợ nước ngoài nhằm cải thiện thu nhập do nguồn thu từ trái phiếu nội địa giảm sút bất thường.
Trả lời phỏng vấn gần đây, ông Masami Ishii, Tổng Giám đốc cho biết công ty đang nỗ lực tăng tỷ trọng phân bổ đầu tư cho cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài lên 10% tổng danh mục vào tháng 3/2018, từ mức 6,4% tháng 12/2015. Trong đó, phần lớn là trái phiếu.
Công ty hiện có hơn 50% tổng tài sản (82,7 nghìn tỷ Yên) dưới dạng trái phiếu chính phủ Nhật Bản và đang cân nhắc tăng mức độ bảo vệ trước rủi ro tiền tệ.
Việc thông báo chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành bảo hiểm nước này đang tụt dốc do ngân hàng trung ương công bố lãi suất âm.
MBK Partners chào bán ING Life Korea với giá 1,63 tỷ USD
(Insuranceasianews) – Công ty đầu tư góp vốn tư nhân MBK Partners của Hàn Quốc cho biết kế hoạch bán lại công ty BHNT ING Life Korea cho các nhà đầu tư quan tâm với giá khoảng 2 nghìn tỷ Won (1,63 tỷ USD).
Theo một báo cáo mới đây, MBK Partners thuê hãng Morgan Stanley quản lý doanh thu bán từ giao dịch này. Hiện đã thu hút được sự quan tâm của các công ty BHNT Hàn Quốc Hanwha Life Insurance và Kyobo Life Insurance.
Bên cạnh đó, tin tức trên thị trường cho biết các hãng bảo hiểm Trung Quốc và Đài Loan cũng đang quan tâm tới việc mua lại ING Life Korea.
MBK Partners là công ty đầu tư góp vốn tư nhân lớn nhất tại Hàn Quốc và là một trong các công ty lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. MBK Partners đã mua lại hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ ngân hàng ING Groep của Hà Lan với giá 1,27 tỷ Euro (1,41 tỷ USD) sau đợt khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra lý do bán ING Life Korea.
Thị trường bảo hiểm Trung Quốc thăng hạng
(INS) – Theo tin từ hãng thông tấn Xinhua, năm 2015, Trung Quốc trở thành thị trường bảo hiểm lớn thứ ba thế giới với tổng doanh thu phí hàng năm đạt 2,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (518 tỷ USD).
Số liệu từ Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc cho thấy 5 năm trước đây, Trung Quốc mới chỉ đạt doanh thu phí 1,3 nghìn tỷ tệ (281 tỷ USD), đứng thứ 6 trên thế giới.
Năm 2015, lợi nhuận ròng của ngành bảo hiểm nước này đạt 282,4 tỷ tệ (61 tỷ USD), tăng cao so với mức 83,7 tỷ tệ (18,1 tỷ USD) năm 2010.
Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Trung Quốc tăng trưởng mạnh do nền kinh tế nước này đang phát triển hơn, kéo theo nhu cầu bảo hiểm tăng lên ở cả hai khối: cá nhân và doanh nghiệp.
Các nhà khổng lồ bảo hiểm như Munich Re dự đoán rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để trở thành thị trường bảo hiểm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Những quan ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không đạt hai con số cũng không làm ảnh hưởng tới ngành bảo hiểm nước này, Munich Re nhận xét.
Theo ông Michael Menhart, Kinh tế gia trưởng của Munich Re: “tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm tại Trung Quốc vẫn ở mức thấp, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường mới chỉ đạt 3,6% GDP”.
Tuy nhiên, theo ước tính của Munich Re, năm 2015, thị trường bảo hiểm Trung Quốc chỉ đứng thứ 4 thế giới với quy mô doanh thu 272 tỷ Euro (426 tỷ USD) và sẽ tăng lên 715 tỷ Euro (1,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2025, trở thành thị trường lớn nhất châu Á và đứng thứ hai thế giới. Thị trường bảo hiểm Anh quốc đứng thứ ba và sẽ tụt xuống thứ tư vào năm 2025.
Cũng theo Munich Re, Nhật Bản là thị trường bảo hiểm lớn thứ hai thế giới năm 2015 xét về doanh thu phí với 389 tỷ Euro (609 tỷ USD), song dự kiến sẽ xuống hạng ba vào năm 2025 với 506 tỷ Euro (792 tỷ USD) doanh thu phí bảo hiểm.
Đối với Hoa Kỳ, doanh thu phí ước sẽ tăng từ mức 918 tỷ Euro (1,4 nghìn tỷ USD) năm 2015 lên 1,32 nghìn tỷ Euro (2,1 nghìn tỷ USD) vào năm 2025.
BTV (tổng hợp).
Comments are closed.