TIÊU ĐIỂM TUẦN 07-08 NĂM 2015

Fubon Life Việt Nam nhận giải thưởng tin và dùng 2014; Aon tăng ngân sách cho thâu tóm và sáp nhập; Aviva bị phạt 27 triệu USD

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

PTI HCM tạm ứng bồi thường vụ tai nạn tại Sân bay Tân Sơn Nhất

(PTI) – Sáng ngày 13/2/2015, Ông Phạm Việt Phương – Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện TP.HCM, đại diện cho Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) – đơn vị bảo hiểm cho chiếc xe 51A-661.28 – đã cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà, mẹ ca sĩ cùng người đại diện,  tới bệnh viện 115 và bệnh viện Chợ Rẫy đi thăm hỏi các nạn nhân trong vụ tai nạn tối 10/2/2015 ở sân bay Tân Sơn Nhất.

PTI cũng tiến hành trao phần tiền tạm ứng bồi thường trước cho các nạn nhân với số tiền từ 2triệu đồng đến 10 triệu đồng/người tùy theo mức độ nặng nhẹ của vết thương.

Được biết xe 51A-661.28 đứng tên chủ xe Nguyễn Quốc Cường đã tham gia cả bảo hiểm TNDS và vật chất tại PTI. Hiện tại, PTI đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết hậu quả của vụ tai nạn.

Khoảng 19h15’ tối 10/2, chiếc xe Audi A8L biển số 51A-661.28 do Nguyễn Duy Tân (25 tuổi, ngụ Nhà Bè) điều khiển vào nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đón người thân là ca sỹ Hồ Ngọc Hà. Do đạp nhầm chân phanh và chân ga khiến cho 11 người bị thương phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 5 người bị thương nặng, số còn lại bị xây xát, 2 xe ô tô khác cũng bị hư hỏng do chiếc Audi tông phải.

2. Một vòng doanh nghiệp 

Fubon Life Việt Nam nhận giải thưởng tin và dùng 2014

(TBTCO) – Vượt lên hàng nghìn sản phẩm, “Phúc bảo an sinh” và “Phúc bảo an mỹ” của Fubon Life Việt Nam đã được bình chọn “TOP 100 sản phẩm dịch vụ Tin & Dùng 2014” vì tính năng bảo vệ nhiều tầng, cho con trẻ được lớn khôn trong vòng tay mẹ.

Được biết, giải thưởng “Tin & Dùng” được tổ chức từ năm 2006. Năm 2014, có hơn 4.000 sản phẩm dự giải, vượt lên hàng nghìn sản phẩm, “Phúc bảo an sinh” và “Phúc bảo an mỹ” của Fubon Life Việt Nam đã được bình chọn “TOP 100 sản phẩm dịch vụ Tin & Dùng 2014” vì tính năng bảo vệ nhiều tầng, cho con trẻ được lớn khôn trong vòng tay mẹ.

Ông Chang, Chin-Tang, Tổng giám đốc Fubon Life Việt Nam cho biết: Fubon Life Việt Nam rất vinh dự nhận giải thưởng “Tin & Dùng” và niềm tin người tiêu dùng dành cho. Sản phẩm của Fubon Life Việt Nam được đánh giá cao cả bốn tiêu chí gồm: Chất lượng sản phẩm; mức độ phù hợp giá cả với chất lượng; đa dạng trong hình thức cung cấp; uy tín của thương hiệu.

Được biết, ngoài giải thưởng “Tin & Dùng 2014”, năm 2014, Fubon Life Việt Nam cũng vinh dự nhận giải “Rồng vàng 2013-2014”do Thời báo Kinh tế trao tặng doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ưu tú. Vượt lên 1.000 DN, Fubon Life Việt Nam đã trở thành một trong 78 DN nhận giải vì quyết tâm thực hiện “phát triển lâu dài bền vững tại Việt Nam”.

Nối tiếp vinh dự đó, Fubon Life Việt Nam cũng vinh dự nhận giải “TOP 100 sản phẩm xuất sắc cho gia đình và trẻ em 2014” do Báo Lao động và Xã hội trao tặng. Vượt lên sản phẩm từ 147 DN, sản phẩm “Phúc bảo an lộc” của Fubon Life Việt Nam đã nhận giải thưởng danh giá với thiết kế quyền lợi độc đáo, nộp phí ngắn, bảo vệ lâu dài và bồi thường gia tăng trong trường hợp tai nạn, giúp người trụ cột gia đình đảm bảo tài chính trước mọi biến cố không lường trước.

MIC hợp tác bảo hiểm với PVcomBank 

(MIC) – Vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) ký thỏa thuận hợp tác bảo hiểm với Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), theo thỏa thuận hợp tác MIC cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ: Bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, tầu thuyền, Bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm tín dụng cá nhân, bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm trách nhiệm… qua hệ thống phân phối của PVcomBank.

MIC và PVcomBank cam kết cung cấp dịch vụ bảo hiểm tốt nhất đem lại tiện ích cho khách hàng, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời, chính xác khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhằm đem lại cho khách hàng an tâm và an toàn về tài chính.

MIC hợp tác với Toyota Tsusho Insurance Broker Nhật Bản 

(MIC) – Sáng ngày 13/2/2015, tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã có buổi làm việc với Công ty Toyota Tsusho Insurance Broker Nhật Bản, dự buổi lễ có ông Lê Quốc Bình – Giám đốc Khối Khách hàng lớn, ông Ngô Hồng Khoa – Giám đốc Khối Nghiệp vụ, ông Masuda Hajime – Tổng Giám đốc Toyota Tsusho Insurance, ông Kengo kobata – Phụ trách bộ phận bảo hiểm tập đoàn Toyota tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo hai bên.

Với chiến lược trở thành doanh nghiệp bảo hiểm thuận tiện hàng đầu, MIC nỗ lực xây dựng kênh phân phối rộng khắp trên cả nước, hợp tác với nhiều ngân hàng lớn, đối tác trong và ngoài nước triển khai bán bảo hiểm qua nhiều kênh khác nhau. Trong thời gian tới, MIC hợp tác với tập đoàn Toyota tại Việt Nam triển khai bán bảo hiểm qua hệ thống đại lý, showroom của Toyota, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán lẻ và áp dụng bán bảo hiểm trên điện thoại (Mobile Insurance) qua mạng lưới phân phối của Toyota Tsusho Insurance.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Từ 1/1/2016, DN bảo hiểm phải “tách” rõ nguồn tiền

(ĐTCK) – Để tránh tình trạng DN bảo hiểm phi nhân thọ “mập mờ” giữa tiền phí bảo hiểm của khách hàng và vốn chủ sở hữu, Bộ Tài chính đã ban hành quy định mới về việc tách bạch giữa quỹ vốn chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng, tương tự như tại các DN bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, theo Thông tư 194/2014 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2016, DN bảo hiểm phi nhân thọ phải tách riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm (gọi tắt là quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng). DN bảo hiểm phi nhân thọ phải theo dõi riêng doanh thu, chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo từng nghiệp vụ bảo hiểm; ghi nhận, theo dõi riêng tài sản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và tài sản đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ; theo dõi riêng doanh thu, chi phí hoạt động tài chính liên quan đến tài sản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và tài sản đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ.

Doanh thu, chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động nào của DN thì được ghi nhận trực tiếp cho hoạt động đó. Các khoản doanh thu, chi phí chung phải được phân bổ theo nguyên tắc hợp lý, nhất quán. Định kỳ hàng quý, DN bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính việc tách quỹ này.

Việc tách quỹ này, theo Bộ Tài chính, ngoài đáp ứng đặc thù riêng của ngành bảo hiểm thì còn nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Đó là phí bảo hiểm thu được phải để hình thành nên quỹ bảo hiểm, dự phòng bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, chứ không phải thuộc sở hữu chung của DN bảo hiểm. Quy định này cũng phần nào giống việc tách biệt tiền gửi của nhà đầu tư tại khối công ty chứng khoán, để tránh tình trạng công ty chứng khoán chiếm dụng tiền của nhà đầu tư.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, trong khi đa số DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn thì vẫn có 2 DN không đảm bảo chỉ tiêu này. Trong đó, một DN đã đầu tư tới 210 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu vào một dự án từ năm 2010, nhưng đến nay chưa thu hồi được vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Công ty, không đảm bảo biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định, buộc Bộ Tài chính phải “mạnh tay” xử lý.

Chia sẻ với ĐTCK, các DN bảo hiểm đồng tình với việc Thông tư 194 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, nhưng thời hạn áp dụng tách quỹ được giãn gần 1 năm (1/1/2016), để các DN bảo hiểm có đủ thời gian chuẩn bị. Bởi quy định tách quỹ sẽ kéo theo sửa đổi chế độ kế toán DN bảo hiểm hiện hành (theo Thông tư 232/2012/TT-BTC) và phần mềm kế toán DN bảo hiểm.

Hợp tác ngăn chặn trục lợi bảo hiểm xe cơ giới

(TBTCVN) – Báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho thấy, năm 2014, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục là nghiệp vụ có doanh thu cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tuy nhiên, đây cũng là mảng nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao và trục lợi diễn ra ngày càng phức tạp.

Số liệu từ AVI cho thấy, năm 2012, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 6.329 tỷ đồng, đã giải quyết bồi thường 3.382 tỷ đồng, tỷ lệ đã trả bồi thường 53%. Trong năm 2013, doanh thu là 6.854 tỷ đồng và tỷ lệ đã trả bồi thường trong khoảng 51% giảm so với năm 2012 (do số vụ tai nạn giao thông trong năm 2013 giảm so với năm 2012). Năm 2014, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục dẫn đầu doanh thu, ước đạt 7.400 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 53% doanh thu.

Cùng với sự gia tăng về doanh thu thì đây cũng là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất trong lĩnh vực phi nhân thọ và là nghiệp vụ xảy ra trục lợi nhiều nhất, diễn ra thường xuyên, ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo thống kê của các DN bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ có trục lợi bảo hiểm cao hơn các nghiệp vụ khác. Năm 2008, tổng số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới mới chỉ hơn 150 tỷ đồng, nhưng năm 2014, con số này đã tăng hơn gấp đôi.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bồi thường cao và trục lợi lớn của nghiệp vụ này là do nghiệp vụ này có nhiều hồ sơ yêu cầu bồi thường trong khi quy định DN bảo hiểm phải giải quyết, thanh toán bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chứng từ, khiến DN bảo hiểm không đủ thời gian để giám định, kiểm tra tính xác thực của những hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Bên cạnh đó, trục lợi bảo hiểm không chỉ do khách hàng mà thời gian gần đây nhiều vụ trục lợi do chính nhân viên hoặc đại lý của DN bảo hiểm thực hiện. Nhiều đại lý cố tình thông đồng với khách hàng trục lợi trong khi chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm còn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi trục lợi.

Đặc biệt, do mạng lưới công ty thành viên, phòng giao dịch của DN bảo hiểm còn mỏng, chưa phủ kín trên nhiều địa bàn, nên nhiều khi khách hàng gặp rủi ro thì giám định viên của DN không thể tiếp cận hiện trường nhanh chóng, khi giám định viên đến thì hiện trường đã không còn “nguyên vẹn”, đây cũng là một nguyên nhân khiến trục lợi của nghiệp vụ này gia tăng.

Trong khi các hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, thì các quy định hiện hành về phòng chống trục lợi và chế tài xử lý các hành vi trục lợi hiểm còn thiếu.

Mới đây, AVI cũng đã có công văn gửi Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát điều tra và công an cấp huyện hỗ trợ DN bảo hiểm trong việc cung cấp hồ sơ hiện trường, kết quả điều tra các vụ tai nạn giao thông, tai nạn cháy nổ…, để phục vụ cho công tác bồi thường, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu trục lợi bảo hiểm.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

Prudential Việt Nam đem xuân đến công nhân nghèo

(ĐTCK) – Prudential đóng góp 200 triệu đồng vào Quỹ Tấm Lòng Vàng để tặng quà Tết cho 400 công nhân lao động nghèo thuộc các khu Công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang, mỗi phần quà trị giá 500,000 đồng.

Đây là một trong những hoạt động thường niên mà Prudential Việt Nam thông qua Quỹ Prudence thực hiện trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, Prudential đã đền thăm hỏi, trao quà Tết đến các đối tượng khó khăn hoặc thuộc diện chính sách tại nhiều địa phương trên cả nước với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Ông Wilf Blackburn, Tổng Giám đốc Prudential chia sẻ, quan tâm, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn là một trong những hoạt động tương thân tương ái mà Prudential thực hiện xuyên suốt những năm qua nhất là vào dịp Tết cổ truyền.

“Chúng tôi mong muốn được san sẻ phần nào để người dân có được cái tết ấm áp bên người thân và gia đình. Điều này cũng nằm trong phương châm hoạt động của Prudential là nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi gia đình Việt Nam”.

Với cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam, Prudential đã và đang đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội cộng đồng tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2014, thông qua Quỹ Prudence, Prudential Việt Nam đã tổ chức gần 3.000 chương trình xã hội từ thiện, với tổng kinh phí trên 90 tỉ đồng, đã hỗ trợ cho hơn 260.000 người thụ hưởng, tập trung vào ba lĩnh vực: giáo dục, hỗ trợ cộng đồng và sức khỏe cộng đồng.

MIC sẻ chia với bệnh nhân khó khăn 

(MIC) – Sáng ngày 14/02 (26  tết), Đoàn Thanh niên Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng không có điều kiện về quê ăn tết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Tham dự buổi lễ tặng quà, có bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Tổng Giám đốc MIC, đại diện Ban Lãnh đạo Tổng Công ty cùng gần 30 đoàn viên thanh niên đến từ các MIC khu vực Hà Nội. Đoàn đã trao 50 suất quà trích từ Quỹ Tấm lòng vàng MIC do CBNV đóng góp, phần quà tuy nhỏ nhưng là sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với các cháu và gia đình. Ngoài những phần quà của đơn vị, Phó Tổng Giám đốc cũng chuẩn bị phong bì lì xì để mừng tuổi các cháu nhỏ và mong muốn các cháu mau khỏi bệnh, mạnh khỏe, sớm về với gia đình.

PJICO Hà Giang tặng quà Tết hộ nghèo

(PJICO) – Nhân dịp Tết cổ truyền, ngày 10/02/2015, Công ty Bảo hiểm PJICO Hà Giang đã cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đi thăm, chúc tết và tặng quà tại huyện Đồng Văn.

Tại xã Tả Lủng, ông Nguyễn Xuân An, đại diện công ty đã tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã một bộ máy vi tính và 10 suất quà cho 10 hộ nghèo của xã, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.

Trước đó đoàn cũng đã đến thăm, chúc tết và tặng quà Đồn Biên phòng Đồng Văn.

Tổng giá trị các phần quà PJICO Hà Giang trao tặng đợt này gần 20 triệu đồng được huy động từ sự đóng góp của tập thể, cán bộ công nhân viên trong công ty.

II. Tin quốc tế

Nippon Life và Dai-ichi Life đàm phán mua 5% cổ phần tại ngân hàng Resona 

(Asiainsurancereview) – Theo Reuters, hai hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản Nippon Life và Dai-ichi Life đang trong quá trình đàm phán với tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư nước này Resona Holdings nhằm mua lại 5% cổ phần trị giá 80 tỷ Yên (665 triệu USD).

Dai-ichi Life hiện đang nắm giữ 2,5% cổ phần tại Resona. Hai doanh nghiệp này đã thiết lập quan hệ liên kết từ năm 2007.

Năm 2014, ngân hàng Resona đã hoàn trả 2 tỷ USD trong tổng số 26 tỷ USD mà chính phủ Nhật Bản cứu trợ hồi năm 2003. Resona dự kiến sẽ trả tiếp 1 tỷ USD trong tương lai gần và hiện đang tìm kiếm các nhà đầu tư dài hạn lớn.

Thương vụ này sẽ giúp Resona bán thêm các sản phẩm bảo hiểm thông qua hai hãng bảo hiểm lớn của Nhật Bản. Về phần mình, Nippon Life và Dai-ichi Life cũng sẽ được lợi từ việc mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Theo Thời báo Nhật Bản, trong nửa đầu năm tài chính 01/04/2014 – 31/3/2015 (từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2014), Nippon Life bị đối thủ Dai-ichi Life vượt lên về doanh thu phí bảo hiểm và đây là lần đầu tiên Nippon Life để tuột mất vị trí đứng đầu thị trường BHNT. Nguyên nhân chủ yếu là do Dai-ichi Life đạt được doanh thu tốt qua hệ thống các ngân hàng liên kết.

Dự kiến Nippon Life sẽ không thể dành lại vị trí đứng đầu tại thời điểm cuối năm tài chính này. Hiện công ty đang mở rộng hợp tác với các ngân hàng nhằm cạnh tranh với đối thủ Dai-ichi Life.

Willis: Lợi nhuận quý IV vượt kỳ vọng của các chuyên gia 

(Propertycasualty360) – Hãng môi giới bảo hiểm Willis vừa thông báo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014, theo đó thu nhập quý IV đạt 76 triệu USD, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích phố Wall.

Cụ thể, thu nhập của Willis trong quý IV là 0,46 USD/cổ phần, vượt mức 0,45 USD/cổ phần theo dự kiến của các chuyên gia. Trên phạm vi toàn công ty, Willis đạt được 958 triệu USD doanh thu quý IV.

Bên cạnh đó, Willis thông báo mức tăng cổ tức năm 2015 là 3,3%, đạt 0,31 USD/cổ phần. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch mua lại 175 triệu USD cổ phần.

Tuy nhiên, năm 2014 cũng ghi nhận những kết quả không được như mong muốn. Cụ thể, thu nhập thuần cả năm chỉ đạt 362 triệu USD so với 365 triệu USD năm 2013, trên tổng số 3,8 tỷ doanh thu. Biên lợi nhuận hoạt động giảm 60 điểm cơ bản xuống còn 18%, so với 18,6% năm 2013.

Indonesia: Số lượng khách hàng bảo hiểm vi mô tăng lên 6 triệu 

(Asiainsurancereview) – Theo Cơ quan Quản lý Tài chính Indonesia (OJK), số lượng khách hàng bảo hiểm vi mô tại nước này đã đạt con số 6 triệu vào thời điểm cuối năm 2014.

Ông Firdaus Djaelani, Giám đốc bộ phận quản lý các tổ chức tài chính phi ngân hàng thuộc OJK, cho biết hiện có 53 công ty đang bán các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Theo báo Bưu điện Jakarta, 6 triệu khách hàng đem lại 106 tỷ IDR (8,21 triệu USD) phí bảo hiểm và nhận bồi thường 71,76 tỷ USD.

“Chúng tôi chưa nghĩ tới lợi nhuận. Nếu kinh tế Indonesia tăng trưởng, người dân sẽ có thêm thu nhập. Điều đó sẽ tạo ra sự dịch chuyển khách hàng tiềm năng từ khu vực thu nhập thấp sang khu vực thu nhập trung bình, kéo theo nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng lên”, ông Firdaus nói.

Bảo hiểm vi mô đã có bước tăng trưởng mạnh tại Indonesia từ tháng 10/2013 khi OJK triển khai kế hoạch hỗ trợ marketing và phân phối các sản phẩm bảo hiểm vi mô trên toàn quốc vào năm 2016.

Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về phân phối loại hình sản phẩm này vẫn tồn tại. Phí bảo hiểm thấp khiến cho việc phân phối thông qua đại lý hoặc văn phòng chi nhánh vẫn chưa khả thi.

Aon tăng ngân sách cho thâu tóm và sáp nhập 

(Insurancenews) – Theo Tổng Giám đốc Aon, ông Greg Case, dự kiến dòng tiền tự do (free cashflow) của Aon vào cuối năm 2017 sẽ đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp rưỡi so với năm 2012 (1,5 tỷ USD).

Ông Greg Case cho biết Aon cũng sẽ chú trọng đầu tư vào hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A). Quỹ đầu tư cho M&A của Aon đã tăng từ mức 54 triệu USD năm 2013 lên 479 triệu USD năm 2014.

Dòng tiền tự do tăng nhờ sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động, giảm thiểu dòng tiền chi cho quỹ hưu trí và tái cấu trúc, và thuế suất thấp.

Dòng tiền tự do tăng từ mức 816 triệu USD năm 2006 lên 1,38 tỷ USD năm 2014, cùng với 425 giao dịch thâu tóm trong vòng 25 năm qua.

Aon thực hiện được việc tiết kiệm chi phí thông qua lĩnh vực CNTT và bất động sản. Công ty dự kiến sẽ cải thiện được hiệu quả trong hoạt động định phí bảo hiểm.

Lloyd’s bổ nhiệm Trưởng đại diện tại Hàn Quốc

(Insurancejournal) – Lloyd’s vừa bổ nhiệm ông Jin-Yung Sun làm Trưởng đại diện tại Hàn Quốc.

Ông Jin-Yung Sun đã có 35 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm/ tái bảo hiểm ở cả hai vai trò kinh doanh bảo hiểm và môi giới bảo hiểm. 17 năm đầu tiên, ông làm việc ở Hàn Quốc, sau đó ông chuyển tới Luân đôn năm 1996, đảm nhiệm vị trí quản trị viên cấp cao về môi giới chuyên theo dõi thị trường Hàn Quốc.

Ở cương vị mới này, ông Sun sẽ thay mặt Lloyd’s trong các giao dịch với chính quyền địa phương, hỗ trợ Lloyd’s tìm hiểu thị trường Hàn Quốc và xây dựng các mối quan hệ trong khu vực.

Aviva bị phạt 27 triệu USD do không quản lý được xung đột lợi ích 

(Insurancejournal) – Aviva, hãng bảo hiểm lớn thứ hai của Anh quốc về giá trị thị trường vừa bị Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) phạt 17,6 triệu bảng do không quản lý được xung đột lợi ích giữa các quỹ trong hoạt động kinh doanh lãi suất cố định.

Từ tháng 8/2005 đến tháng 6/2013, một số quỹ lãi suất cố định của Aviva áp dụng mức phí (tính trên hiệu quả hoạt động) khác nhau, khiến cho các giao dịch viên – người được nhận một phần phí – có thiên hướng ưu tiên các khách hàng trả nhiều phí. Theo FCA, một nhóm giao dịch viên đã thu được 27,4 triệu bảng trong giai đoạn này nhờ tận dụng mức phí cao hơn từ các quỹ phòng hộ (hedge funds).

Aviva đã trả 132 triệu bảng tiền phí cho 8 quỹ trong tháng 3/2014. Trước đó, Aviva đã phát hiện ra 2 giao dịch viên lãi suất cố định tiến hành các giao dịch không đúng chuẩn mực và thông báo cho FCA ngay trong tháng 3.

Ông Georgina Philippou, Quyền Trưởng phòng quản lý thị trường của FCA, nói: trường hợp này là bài học “nhắc nhở các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc quản lý xung đột lợi ích thông qua việc triển khai môi trường kiểm soát chặt chẽ bằng các hệ thống hiệu quả”.

FCA cho biết Aviva quy định mức phí tính trên hiệu quả đối với quỹ phòng hộ là 20%, cao hơn nhiều so với các dạng quỹ khác. Tuy nhiên, Aviva đã được giảm 30% tiền phạt do sớm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình điều tra.

Ông Euan Munro, Tổng Giám đốc Dịch vụ nhà đầu tư toàn cầu của Aviva, nói: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận của FCA. Về phần mình, Aviva đã khắc phục được những sai sót, đồng thời cũng đã tiến hành những thay đổi cần thiết đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhằm phục vụ nhà đầu tư được tốt hơn”.

BTV (tổng hợp).

Comments are closed.