TIÊU ĐIỂM TUẦN 06 NĂM 2017

IAG thành lập trung tâm InsurTech tại Singapore; AIG thua lỗ nhiều hơn dự kiến; Tập đoàn Dầu khí quốc gia thoái vốn tại PVI.

t6-1

 

Tin trong nước

Tin bồi thường, tổn thất

MIC Bình Thuận bồi thường 40 triệu đồng bảo hiểm tai nạn hộ sử điện

t6-2(MIC) – Ngày 18/01/2017, Công ty bảo hiểm MIC Bình Thuận (MIC Bình Thuận) thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội đã tiến hành trao 40 triệu đồng bồi thường bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện cho ông Đỗ Văn Quân. Được biết trước đó gia đình ông Đỗ Văn Quân đã tham gia loại hình bảo hiểm Tai nạn hộ sử dụng điện cho cả hộ gia đình có 04 người tại MIC Bình Thuận, phí bảo hiểm tham gia là 100.000/năm. Vào ngày 04/10/2016, ông Đỗ Văn Huân là con trai của ông Đỗ Văn Quân sử dụng khoan điện để bắn tôn vách nhà thì bị điện giật dẫn đến tử vong.

Sau khi nhận được thông tin, MIC Bình Thuận đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hoàn thiện thủ tục bồi thường theo đúng mức trách nhiệm ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn về điện gây thiệt hại về người và tài sản nhất là tại khu vực nông thôn bà con sử dụng điện để chong đèn thanh long nếu không cẩn thận rủi ro bị điện giật là rất cao. Từ tháng 06/2016, MIC Bình Thuận đã triển khai loại hình bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã Lagi, qua hơn 06 tháng có hơn 12.000 hộ gia đình tham gia và dự kiến MIC Bình Thuận sẽ triển khai loại hình bảo hiểm này trên toàn tỉnh trong năm 2017.

Hai mẹ con tử vong trong vụ cháy ở chợ đêm Bình Phước

t6-3(TNO) – Lúc 0 giờ 55 phút ngày 15.2, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại cửa hàng quần áo, giày dép Thủy Trinh ở khu chợ đêm Đồng Xoài (Bình Phước) khiến hai mẹ con tử vong.

Khi phát hiện đám cháy tại cửa hàng Thủy Trinh (nằm trong khu chợ đêm Đồng Xoài, thuộc khu phố Phú Thanh, P.Tân Phú, TX.Đồng Xoài), những người dân xung quanh đã cố gắng nạy cửa cuốn, cứu được anh Trần Thanh Tâm (41 tuổi, ngụ địa chỉ trên, chủ cửa hàng) cùng với cháu Trần Thị Kiều Trinh (3 tuổi, con anh Tâm) thoát ra ngoài.

Nhưng chị Trần Thị Thủy (34 tuổi, vợ anh Tâm) và bé Trần Thế Long (6 tuổi, con trai anh Tâm) bị kẹt sâu bên trong cửa hàng nên mọi người không thể tiếp cận được.

Ngay sau khi nhận được tin báo, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ cùng 4 xe chữa cháy đã có mặt tại hiện trường, dập lửa, khống chế đám cháy không để cháy lan ra các cửa hàng xung quanh.

Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, ngọn lửa bùng phát dữ dội do cửa hàng đang chứa nhiều mặt hàng dễ cháy. Khi lực lượng chữa cháy phá các cửa, tiến vào bên trong phát hiện chị Thủy đã tử vong.

Cơ quan chức năng sau đó tiếp tục tìm thấy thi thể cháu Thế Long.

Vụ cháy đã thiêu rụi gần như hoàn toàn cửa hàng Thủy Trinh cùng nhiều hàng hóa của một cửa hàng giày dép bên cạnh, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Một vòng doanh nghiệp

PVN thoái vốn tại PVI: “Sân chơi” bảo hiểm dầu khí sẽ cân bằng?

t6-4(ĐTCK) – Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP PVI (PVI) cho biết, PVI vừa báo cáo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về phương án thoái vốn khỏi PVI, nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại một số tổng công ty, tập đoàn của Chính phủ.

Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán từ PVN cũng cho hay, phương án thoái vốn kể trên đang trong quá trình được PVN xem xét, chưa được phê duyệt chính thức.

Trước mắt, PVN sẽ giảm sở hữu tại PVI xuống dưới 20% vốn và đến năm 2020 sẽ thoái toàn bộ.

Theo phương án của PVI trình lên PVN, số vốn được thoái sẽ được phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Hiện PVN sở hữu 35% vốn tại PVI.

Ông Tuấn cho biết, nếu thực hiện thành công, Tập đoàn sẽ thu về một khoản tiền lớn, khoảng 2.400 tỷ đồng. Trước đó, sau khi hoàn tất phương án bán vốn nhà nước để cổ phần hóa, PVI đã nộp về cho Tập đoàn số tiền 2.200 tỷ đồng.

“Xét về hiệu quả, PVN đang ‘thắng lớn’ với khoản đầu tư vào PVI. Bởi giá trị khoản đầu tư ban đầu chỉ khoảng 300 tỷ đồng, nhưng đến nay, sau 10 năm, PVN dự kiến thu về tới 4.600 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn. Đó là chưa tính đến các khoản thu ngân sách trong 20 năm qua cũng lên tới trên chục ngàn tỷ đồng”, ông Tuấn cho hay.

Theo chủ trương dài hạn thì đến năm 2020, PVN mới thoái toàn bộ vốn khỏi PVI, nhưng ngay từ lúc này, động thái thoái vốn xuống dưới 20% tại PVI đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp bảo hiểm khác, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần đáng kể ở mảng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm bán lẻ, nhưng muốn lấn sâu hơn ở mảng “bán buôn” như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PTI.

Về phần PVI, bên cạnh vị trí số 1 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, Công ty còn là nhà bảo hiểm hàng đầu về bảo hiểm công nghiệp, trong đó có mảng dầu khí. Với lợi thế có cổ đông lớn là PVN, PVI gần như chiếm trọn thị phần ở mảng bảo hiểm dầu khí này.

Cũng bởi thế, việc thoái vốn của PVN tại PVI được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn trên “sân chơi” bảo hiểm dầu khí.

Bảo hiểm Bảo Việt và Baoviet Tokio Marine hợp tác về bảo hiểm nông nghiệp

t6-5(BVH) – Ngày 13/2/2017, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) và Công ty TNHH Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine (BVTM) đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.

Đây là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động mở rộng hợp tác đối tác được Bảo hiểm Bảo Việt xúc tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Với tiềm lực lâu đời, cùng bề dày kinh nghiệm trên 50 năm trong lĩnh vực Bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp dẫn dắt thị trường trong nhiều năm qua. Không những thế, Bảo hiểm Bảo Việt luôn chủ động tiên phong trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược được cân nhắc kỹ càng nhất, nhằm mang lại quyết lợi tốt nhất cho khách hàng.

Trong khuôn khổ đó, thỏa thuận giữa Bảo hiểm Bảo Việt và BaoViet Tokio Marine sẽ hướng dẫn triển khai Bảo hiểm nông nghiệp từ các khâu khảo sát, thiết kế sản phẩm, quản lý kênh phân phối, giám định và giải quyết bồi thường.

Thỏa thuận hợp tác được xây dựng nhằm phát huy tối đa lợi thế kinh nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt tại Việt Nam và kinh nghiệm của Tập đoàn Tokio Marine trên thế giới nhằm triển khai Bảo hiểm nông nghiệp mang tính phát triển bền vững lâu dài, hướng tới lợi ích chung của đôi bên và người nông dân Việt Nam, qua đó chung tay góp sức tạo ra sự ổn định cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.

Việt Nam là một nước có sản lượng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn trên thế giới. Bảo hiểm nông nghiệp, với mục đích đảm bảo sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp, là lĩnh vực gần đây được nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trải qua nhiều giai đoạn triển khai thí điểm, gần đây nhất là quyết định 315/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên Bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa phổ biến tại Việt nam và tỷ lệ tham gia bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp.

Bảo hiểm Bảo Việt, với vai trò là một trong ba đơn vị được lựa chọn giao triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp theo quyết đinh của Thủ tướng Chính phủ, mong muốn chủ động hợp tác với các đối tác bảo hiểm nước ngoài chuyên nghiệp như BaoViet Tokio Marine để khai thác một cách bài bản lĩnh vực bảo hiểm còn khá khiêm tốn so với tiềm năng này và mang đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp có chất lượng nhất, mang lợi lợi ích thiết thực cho khách hàng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.

Hanwha Life Việt Nam hợp tác với Woori Bank

t6-6(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam và Ngân hàng TNHH một thành viên Woori Việt Nam (Woori Bank) vừa tổ chức buổi lễ ký kết hợp đồng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Theo thỏa thuận hợp tác, Woori Bank sẽ trở thành đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm của Hanwha Life Việt Nam đến khách hàng thông qua kênh phân phối của Woori Bank tại Việt Nam.

Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên kênh phân phối dịch vụ tài chính toàn diện, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng của cả hai bên khi tận dụng và phát huy được ưu thế của hai doanh nghiệp hàng đầu tại Hàn Quốc.

Theo ông Back Jong Kook, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, hợp tác này là một trong những hoạt động của Hanwha Life Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối, giúp phục vụ khách hàng thuận tiện hơn và góp phần đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Tại các quốc gia phát triển về bảo hiểm, đây là kênh chiếm tỷ trọng rất cao về phí bảo hiểm mới, trong khi ở Việt Nam chỉ mới phát triển và còn rất nhiều tiềm năng.

Manulife nhận giải thưởng Doanh nhân doanh nghiệp tiêu biểu 2016

t6-7(TBTCO) – Manulife Việt Nam vừa vinh dự được trao tặng liên tiếp 2 giải thưởng uy tín dựa theo kết quả cuộc khảo sát do Mạng Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

Theo đó, Manulife Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Top 10 sản phẩm dịch vụ xuất sắc vì người tiêu dùng” vì đã liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tạo sự tin tưởng và hài lòng cho người tiêu dùng.

Đồng thời, Manulife Việt Nam cũng vinh dự nhận giải thưởng “Doanh nhân tiêu biểu 2016” dành cho cá nhân Tổng giám đốc Paul Nguyễn vì đã có những đóng góp to lớn không chỉ cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng mà còn cho toàn thị trường nói chung.

Được biết, chương trình Khảo sát – truyền thông “Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu” trao biểu tượng “Sản phẩm, dịch vụ xuất sắc vì người tiêu dùng năm 2016” được báo Đời sống & Tiêu dùng và Mạng hội đồng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Council) phối hợp tổ chức.

Tiêu chí đánh giá “Doanh nhân tiêu biểu” gồm: Phong cách lãnh đạo lôi cuốn; có tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển kinh doanh, tạo tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận ổn định; có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đóng góp của đổi mới công nghệ vào doanh thu…

MIC ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Bảo hiểm trách nhiệm người sửa chữa tàu” và “Bảo hiểm trách nhiệm hoạt động cảng”

t6-8(MIC) – Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và yêu cầu của các đơn vị tại MIC, vừa qua Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã nghiên cứu và triển khai ban hành hai sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm người sửa chữa tàu” và “Bảo hiểm trách nhiệm hoạt động cảng”. Đây là hai sản phẩm mới tại MIC nói riêng và trên thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung.

Đối với sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm người sửa chữa tàu”, khi khách hàng tham gia đơn bảo hiểm này, MIC đồng ý bồi thường cho Người được bảo hiểm tất cả các khoản tiền mà Người được bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả phát sinh từ trách nhiệm pháp lý của Người được bảo hiểm với tư cách là bên sửa chữa tàu đối với:

Tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh cho bất kỳ tàu nào do Người được bảo hiểm bảo quản, giám sát hoặc quản lý để thực hiện công việc bao gồm chuyển dịch và di chuyển trong phạm vi giới hạn của cảng đang tiến hành công việc và bao gồm các hoạt động chạy thử nhưng không vượt quá 100 dặm tính từ cảng;

Tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh cho bất kỳ tàu nào khác mà Người được bảo hiểm đang thực hiện công việc ngoại trừ các tàu đang hoạt động trên biển trừ khi đang chạy thử;
Tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh cho hàng hóa hoặc các vật thể khác trên các tàu hoặc được bốc dỡ từ các tàu quy định tại điểm (i) hoặc (ii) ở trên;

Tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh cho máy móc hoặc thiết bị của bất kỳ tàu nào khi máy móc hoặc thiết bị đó được di chuyển ra khỏi tàu và thuộc sự bảo quản, giám sát hoặc quản lý của Người được bảo hiểm để thực hiện công việc, bao gồm trường hợp máy móc hoặc thiết bị đó được vận chuyển giữa tàu và địa điểm của Người được bảo hiểm hoặc được vận chuyển đến hoặc từ địa điểm của hãng sản xuất hoặc các cơ sở sửa chữa chuyên nghiệp;

Di chuyển xác tàu;

Tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh cho tài sản của bên thứ ba xảy ra trong quá trình hoặc phát sinh từ hoạt động sửa chữa tàu của Người được bảo hiểm, trong trường hợp trách nhiệm của Người được bảo hiểm phát sinh từ hành vi bất cẩn của Người được bảo hiểm, nhân viên, đại lý hoặc nhà thầu phụ của Người được bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm.
Đối với sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm hoạt động cảng”, khách hàng hướng tới của sản phẩm này là Bên điều hành bến cảng. Việc tham gia loại hình bảo hiểm này sẽ giúp khách hàng hạn chế tối đa các rủi ro trách nhiệm pháp lý đối với bên thứ ba phát sinh từ hoạt động vận hành cảng của họ.

Nhịp đập thị trường

‘Ngôi vương’ trên thị trường bảo hiểm thuộc về ai?

t6-9(TBTCVN) – Báo cáo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (QLBH), Bộ Tài chính cho thấy năm 2016, thị trường bảo hiểm (BH) nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu phí BH ước đạt 49.677 tỷ đồng, tăng trưởng 29,8% so với cùng kỳ.

Về BH nhân thọ: thị phần doanh thu phí BH không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2015, theo đó, Prudential tiếp tục dẫn đầu thị trường với 27,11% thị phần, theo sát nút là Bảo Việt Nhân thọ với 26,02% thị phần, vị trí thứ 3 thị trường thuộc về Manulife với 11,91%, tiếp đến là AIA (10,34%), Dai-ichi 10,27%. Ngoài top 5 thị trường cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của Chubb Life, Generali, Hanwha, Sun Life…

Số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) ước đạt 6.833.677 hợp đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm BH hỗn hợp chiếm tỷ trọng đa số (58,3%), tiếp đến là sản phẩm liên kết đầu tư (32,9%), sản phẩm tử kỳ (7,2%), sản phẩm hưu trí (0,4%), các sản phẩm còn lại chiếm 1,1%. Các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao về số lượng hợp đồng có hiệu lực bao gồm Dai-ichi, Generali, Hanwha, Aviva….

Cũng theo Cục QLBH, năm 2016, doanh thu phí BH khai thác mới ước đạt 16.753 tỷ đồng (bao gồm cả sản phẩm chính và bổ trợ), tăng 26,3% so với cùng kỳ. Phí BH bình quân hợp đồng khai thác mới ước đạt 10,4 triệu/hợp đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó, phí BH bình quân của một hợp đồng BH hỗn hợp là 10,5 triệu/hợp đồng, hợp đồng liên kết đầu tư là 12,8 triệu/hợp đồng, hợp đồng tử kỳ là 2,7 triệu/hợp đồng…

Trong năm 2016, tổng số tiền chi trả quyền lợi BH ước đạt 13.301 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ. Tất cả các doanh nghiệp BH nhân thọ đều có tình hình tài chính lành mạnh, đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

Về BH phi nhân thọ: năm 2016, tổng doanh thu phí BH gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, tăng 14,04% so với cùng kỳ. Theo đó, vị trí dẫn đầu thị trường BH phi nhân thọ về doanh thu phí gốc là Bảo hiểm PVI với doanh thu đạt 6.782 tỷ đồng, chiếm 18,65% thị phần, vị trí thứ 2 thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 6.333 tỷ đồng, chiếm 17,41% thị phần. Vị trí thứ 3 thị trường thuộc Bảo Minh với doanh thu ước đạt 3.034 tỷ đồng, chiếm 8,34% thị phần. Bảo hiểm PTI đứng thứ 4 với doanh thu ước đạt 3.020 tỷ đồng, chiếm 8,30% thị phần, tiếp đến là PJICO với doanh thu ước đạt 2.467 tỷ đồng, chiếm 6,78% thị phần.

Ngoài các doanh nghiệp BH dẫn đầu thị trường nêu trên, một số doanh nghiệp BH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí BH gốc trên 50% so với cùng kỳ như: Bảo hiểm Phú Hưng, Bảo hiểm Hàng không, Cathay…

Xét theo nghiệp vụ, BH xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu đạt 11.754 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,3%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (9.472 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,0%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (5.409 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,9%)…

Báo cáo số liệu từ Cục QLBH cũng cho thấy, số tiền thực bồi thường BH gốc của thị trường phi nhân thọ năm 2016 ước khoảng 12.571 tỷ đồng, tỷ lệ 34,56%, thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường BH gốc cùng kỳ năm 2015 (43,31%).

18/30 doanh nghiệp BH có tỷ lệ thực bồi thường BH gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, 11 doanh nghiệp BH còn lại và 1 chi nhánh doanh nghiệp BH phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường BH gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 3 doanh nghiệp BH có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Phú Hưng (53,07%), Fubon (75,89%), Cathay (62,74%).

Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý cũng như của chính doanh nghiệp BH trong việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quản trị rủi ro…, góp phần quan trọng vào sự phát triển ngày càng bền vững của thị trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu BH đa dạng của các tổ chức, cá nhân.

Tin quốc tế

IAG thành lập trung tâm InsurTech tại Singapore

t6-10(AIR) – Theo Thời báo Tài chính Australia, hãng bảo hiểm IAG đang trong quá trình thành lập trung tâm InsurTech tại Singapore có tên gọi Firemark Labs, trở thành công ty bảo hiểm Australia đầu tiên thực hiện hoạt động này tại đảo quốc sư tử.

Trung tâm này sẽ hoạt động với tư cách là vườn ươm khởi nghiệp để IAG hợp tác với các startup châu Á, các viện nghiên cứu và các nhà cung cấp công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm.

Động thái này diễn ra sau khi IAG khai trương quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 57,7 triệu USD để đầu tư vào startup hồi tháng 12/2016

Lý giải về việc chọn đặt trung tâm InsurTech ở Singapore, IAG cho biết, một trong các nguyên nhân chính là mối quan hệ truyền thống của hãng với Ngân hàng trung ương Singapore, MAS, và cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các khuyến khích về thuế và cơ hội hợp tác không phải lúc nào cũng có thể tìm được ở Australia.

Theo bà Julie Batch, Giám đốc Quan hệ khách hàng IAG, hãng đã hiện diện ở Singapore từ nhiều năm trước, thành lập IAG Re Singapore vào năm 2006. Trong thời gian vừa qua, hãng đã xây dựng mối quan hệ mật thiết với MAS, là cơ sở cho việc phát triển và hỗ trợ trung tâm. “Singapore là một trong các nơi chứng kiến sự phát triển nhanh nhất của fintech, đi cùng với các khởi nghiệp InsurTech”, bà Batch nói.

“Chúng tôi là công ty bảo hiểm Australia đầu tiên thành lập trung tâm InsurTech tại Singapore và sẽ gia nhập mạng lưới sáng tạo toàn cầu”.

Mặc dù việc thành lập trung tâm tại Singapore vào thời điểm này không được hưởng ưu đãi về thuế, song hãng hy vọng sẽ có những thay đổi về hành lang pháp lý theo hướng có lợi cho cộng đồng fintech trong tương lai, bà Batch nhận định.

Dai-ichi Life xem xét sử dụng fintech vào bảo hiểm nhân thọ

t6-11(IAN) – Hãng bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life đang tìm cách kết hợp công nghệ tài chính (fintech) vào hoạt động bảo hiểm nhân thọ thông qua việc đầu tư vào bitFlyer – sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, ngành ngân hàng gần đây đã nỗ lực tìm cách nghiên cứu ứng dụng của fintech vào hoạt động kinh doanh với sự hỗ trợ của chính phủ nước này nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa các tổ chức tài chính và khởi nghiệp fintech.

Năm ngoái, Nippon Life đã cử đại diện đến thung lũng Silicon với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ với các khởi nghiệp tại địa phương.

Gần đây, có hai thêm doanh nghiệp đứng đầu ngành ngân hàng Nhật Bản đã đầu tư vào bitFlyer do các tổ chức lớn đang nỗ lực thúc đẩy đổi mới thông qua việc kết hợp giữa tài chính và công nghệ số.

Đến nay, bitFlyer đã gọi vốn được khoảng 200 triệu Yên (1,75 triệu USD) từ các nhà đầu tư Mizuho Capital, SMBC Venture Capital và Dai-ichi Life.

Thái Lan: cơ quan quản lý bảo hiểm tham gia điều phối fintech

t6-12(AIR) – Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm Thái Lan (OIC) – cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm của nước này – đang phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm phát triển và giám sát fintech.

Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SEC) cho biết, cấu trúc của trung tâm điều phối fintech sẽ sớm được công bố trong một vài tháng tới.

Theo nguồn tin của Thời báo Bangkok, các cơ quan quản lý nhà nước, gồm OIC, Ngân hàng Trung ương Thái và SEC, sẽ cùng chịu trách nhiệm cho việc quản lý và phát triển chiến lược fintech thông qua trung tâm điều phối kể trên.

Ông Rapee Sucharitakul, Tổng Thư ký SEC, cho biết, ba cơ quan này đang phối hợp để xây dựng cơ cấu tổ chức của trung tâm. “Trong một vài năm tới, fintech sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành dịch vụ tài chính và cho phép con người tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng”.

Tại thời điểm hiện nay, các khởi nghiệp fintech phải báo cáo lên nhiều cơ quan quản lý nhà nước do sản phẩm và dịch vụ của họ còn mới mẻ và có liên quan đến lĩnh vực quản lý của các cơ quan này.

Với việc thành lập một trung tâm duy nhất điều phối hoạt động fintech, tất cả các quy trình sẽ được tập trung lại một điểm, làm đơn giản hóa quy trình và cho phép fintech mở rộng vai trò của mình trong thị trường tài chính.

Theo ông Hugh Terry, sáng lập viên của Bảo hiểm công nghệ số, châu Á là thị trường bảo hiểm hấp dẫn cao với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa, đa quốc gia và bảo hiểm phi truyền thống gia nhập. Trong bản báo cáo “Tương lai ngành Bảo hiểm” của Raconteur, ông Terry nhận định, châu Á là thị trường bảo hiểm có độ hấp dẫn ngày càng tăng và đang có ảnh hưởng lớn tới thế giới. Đến năm 2030, châu Á sẽ chiếm hai phần ba dân cư trung lưu của thế giới. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại, cho dù họ phải đối mặt với hàng loạt các thách thức lớn, song tỷ lệ tăng trưởng và lợi nhuận vẫn sẽ duy trì ấn tượng.

Marsh & McLennan tăng trưởng tốt trong quý IV/2016

t6-13(INN) – Marsh & McLennan cho biết, thu nhập thuần quý IV của hãng tăng trưởng 16% lên 436 triệu USD, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng thu nhập từ hoạt động kinh doanh các rủi ro chính và dịch vụ bảo hiểm.

Tổng thu nhập thuần năm 2016 đạt 1,77 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD năm 2015.

Theo ông Dan Glaser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc: “Marsh & McLennan đã có một năm hoạt động rất tốt với kết quả kinh doanh tuyệt vời.”

Khối kinh doanh rủi ro và dịch vụ bảo hiểm, trong đó có Marsh và Guy Carpenter, đã tăng trưởng doanh thu 4%, đạt 1,79 tỷ USD. Riêng doanh thu của Guy Carpenter tăng trưởng 3%, đạt 222 triệu USD.

Khối tư vấn, bao gồm Mercer và Oliver Wyman Group, ghi nhận doanh thu giảm 2%, xuống còn 1,58 tỷ USD.

Doanh thu của Marsh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 1%, đạt 153 triệu USD.

AIG thua lỗ nhiều hơn dự kiến

t6-14(IAN) – Quý IV/2016, AIG thua lỗ nhiều hơn dự kiến do phải trích lập dự phòng bồi thường nhiều tỷ USD.

Điều này khiến cho lỗ lũy kế tăng từ 1,84 tỷ USD (1,50 USD/cổ phần) lên 3,04 tỷ USD (tương đương 2,96 USD/cổ phần) sau khi có kết quả kinh doanh quý IV.

Hãng cũng đã thực hiện chương trình mua lại cổ phiếu quỹ lên tới 3,5 tỷ USD.

Theo AIG, phần lớn khoản lỗ kể trên xuất phát từ việc trích lập dự phòng bồi thường cho rủi ro dài hạn trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản thương mại tại Hoa Kỳ.

Tháng trước, AIG đã chi trả khoảng 10,2 tỷ USD cho hãng bảo hiểm BHSI của tỷ phú Warren Buffett để được bảo hiểm cho các rủi ro kể trên.

Vào cuối năm 2015, hãng cũng đã phải trích lập thêm 3,6 tỷ USD dự phòng bồi thường.

Doanh thu Manulife Hồng Kông tăng trưởng 11%

t6-15(IAN) – Kết quả kinh doanh bảo hiểm và quản lý tài sản đã giúp Tập đoàn Manulife đạt được doanh thu cao trong quý IV và cả năm 2016.

Nhà cung cấp quỹ hưu trí bắt buộc lớn nhất của Hồng Kông ghi nhận doanh thu bảo hiểm quý IV đạt 1,1 tỷ HK$, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu cả năm 2016 đạt 3,8 tỷ HK$ (489,8 triệu USD), tăng 27% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, hãng cũng ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm và tiền gửi tăng 22% trong quý, từ mức 10,7 tỷ HK$ quý IV/2015 (1,4 tỷ USD) lên 13 tỷ HK$ (1,7 tỷ USD).

Đạt được kết quả khả quan trên là nhờ sự tăng trưởng doanh thu khai thác mới hoạt động bảo hiểm và hưu trí cũng như tăng trưởng doanh thu phí tái tục.

Đồng thời, doanh thu gộp quản lý tài sản của hãng trong quý IV cũng tăng 14%, đạt 5,8 tỷ HK$ (747,6 triệu USD).

Ông Guy Mills, Tổng Giám đốc Manulife (Quốc tế) rất hân hoan với kết quả kể trên và cho rằng năm 2016 là một năm đáng nhớ với tốc độ tăng trưởng và doanh thu lập kỷ lục mới trong lịch sử của hãng.

Ấn Độ: Tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm đạt 4% trong năm nay

t6-16(IAN) – Với sự phong phú của các sản phẩm và chương trình bảo hiểm trên thị trường, Ấn Độ dự kiến sẽ đạt được tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm 4% trong năm nay.

Một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Ấn Độ (Assocham), tỷ lệ xâm nhập thị trường bảo hiểm đã bắt đầu bước vào xu hướng tăng từ vài năm nay, với tốc độ tăng 3,3% năm 2014 và 3,44% năm 2015.

Nguyên nhân chính của tình trạng này được lý giải là nhờ các chương trình bảo hiểm đa dạng của chính phủ Ấn Độ.

Trong quá khứ, thị trường bảo hiểm nước này đã duy trì tốc độ tăng tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm đều đặn, từ mức 2,71% năm 2001 lên 5,2% năm 2009.

Sau đó, tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm biến động và tụt xuống thấp hơn mức đỉnh đã tạo lập. Năm 2014, tỷ lệ này giảm từ 3,9% xuống 3,3% do những thay đổi trong môi trường luật pháp và sự không thuận lợi của các điều kiện thị trường.

Năm 2015, tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm ở Ấn Độ chỉ đạt 3,44%, so với mức trung bình toàn cầu là 6,2%.

Theo báo cáo, số lượng người được bảo hiểm theo các chương trình bảo hiểm sức khỏe giai đoạn 2015-2016 là 360 triệu người, tương ứng 30% dân số nước này.

Phí bảo hiểm toàn cầu tiếp tục giảm

t6-17(IAN) – Theo Chỉ số Thị trường bảo hiểm toàn cầu của Marsh, tỷ lệ phí bảo hiểm toàn cầu tiếp tục giảm quý thứ 15 liên tiếp tính đến hết quý IV/2016.

Tuy nhiên, mức giảm tỷ lệ phí bảo hiểm hỗn hợp ở châu Á cao hơn tỷ lệ giảm trung bình toàn cầu.

Tỷ lệ phí bảo hiểm tài sản trong khu vực cũng giảm song với mức giảm thấp hơn trung bình, cụ thể giảm 3,1% trong quý IV từ mức 3,2% quý III và 3,6% trong quý II/2016.

Chỉ số Thị trường bảo hiểm toàn cầu là một tiêu chuẩn đo lường tỷ lệ phí tái tục toàn cầu, đại diện cho các thị trường bảo hiểm lớn trên thế giới và chiếm tới 90% doanh thu phí của Marsh. Sở dĩ phí bảo hiểm duy trì xu hướng giảm là do thời gian vừa qua thiếu vắng các tổn thất thảm họa lớn và thị trường bảo hiểm vẫn trong tình trạng dư cung.

Mặc dù xu hướng giảm tiếp tục duy trì song theo Marsh, Quý IV đã khép lại một năm 2016 với tỷ lệ giảm phí chỉ ở mức trung bình.

Trong cả năm, thị trường đã chứng kiến sự cạnh tranh về phí rất gay gắt trên toàn cầu.

BTV (tổng hợp).