TIÊU ĐIỂM TUẦN 04 NĂM 2019

Allianz và FPT thành lập liên doanh bảo hiểm; Tokio Marine hướng đến M&A hải ngoại;Philippines hoãn thực hiện IFRS 17

I. Tin trong nước

1, Tin bồi thường, tổn thất

Vụ tai nạn nghiêm trọng tại Hải Dương: VNI ước tổng tiền chi trả bảo hiểm hơn 800 triệu đồng

(ĐTCK) – Khoảng 14h00, ngày 21/01/2019, tại Km76+500, QL5 thuộc địa phận thôn Cổ Phục, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô tải loại 3,4 tấn (được phép chở hàng đến 6,35 tấn theo đăng kiểm), nhãn hiệu HUYNDAI, biển kiểm soát 29C – 719.53 của Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại NEWPRO.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 8 người tử vong và 8 người bị thương đang điều trị tại các Bệnh viện Hải Dương, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.

Xe 29C – 719.53 trong vụ việc nêu trên đã tham gia bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm Hàng không Thăng Long thuộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ xe ô tô.

Ngay sau khi xác nhận thông tin về vụ tai nạn, VNI đã phối hợp với Công An huyện Kim Thành, UBND xã Kim Lương để xác minh vụ việc và tiến hành các thủ tục hỗ trợ bồi thường cho gia đình các nạn nhân tử vong.

Chiều ngày 22/1/2019, chưa đầy 24 giờ kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, đoàn VNI do ông Bùi Hữu Ánh – Phó Tổng Giám đốc VNI, lãnh đạo VNI Thăng Long, VNI Hải Dương, đại diện Công ty Newpro cùng đoàn UBND xã Kim Lương do ông Vũ Ngọc Uông làm Chủ tịch đã đến động viên, thăm hỏi, gửi lời chia buồn sâu sắc và hỗ trợ bồi thường cho 8 gia đình có người thân không may tử vong trong vụ tai nạn.

Trước mắt, đã tiến hành hỗ trợ bồi thường bước đầu cho 8 nạn nhân bị tử vong, mỗi nạn nhân là 10 triệu đồng/người, tổng số tiền hỗ trợ ban đầu là 80 triệu đồng. Ngoài ra, VNI đã cử đại diện trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả.

Bảo hiểm Hàng không (VNI) cho biết sẽ tiếp tục chi trả cho những người bị thương và tử vong trong vụ tai nạn trên theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Theo quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe ô tô đối với người thứ ba thì mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ôtô gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

VNI cũng ước tổng tiền chi trả bảo hiểm là hơn 800 triệu đồng trong vụ tai nạn thảm khốc này.

Agribank Cao Bằng chi trả bảo hiểm Bảo An tín dụng

(ABIC) – Ngày 17/01/2019, Agribank chi nhánh huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng không may gặp rủi ro.

Khách hàng là chị Nông Thị Thu Thủy, sinh năm 1987, trú tại Thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Ngày 03/08/2018, chịThủy đến làm thủ tục vay 200 triệu đồng tại Chi nhánh Agribank huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng, thời hạn vay 12tháng. Khi thực hiện hợp đồng vay vốn, chịThủy đã được cán bộ ngân hàng tư vấn mua sản phẩm

Bảo an tín dụng thời hạn 1 năm từ 03/8/2018 – 03/8/2019 với số tiền bảo hiểm 200 triệu đồng, đến ngày 13/11/2018, trên đường đi làm từ huyện Quảng Uyên đến huyện Trà Lĩnh, chị Thủy đã không may gặp phải tai nạn giao thông và tử vong ngay sau đó.

Ngay sau khi được tin chị Thủy mất, Công ty ABIC đã xác minh làm các thủ tục hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng và tiến hành chi trả quyền lợi cho gia đình người được bảo hiểm số tiền 201 triệu 997 nghìn 500đồng. Trong đó, 200 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cơ bản; 997 nghìn 500 đồngquyền lợi bảo hiểm lãi tiền vay; còn lại là tiền mai táng phí 1 triệu đồng, qua đó giúp cho gia đình bước đầu vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.

Bảo hiểm Bảo An Tín Dụng là sản phẩm của ABIC bảo hiểm cho người vay vốn của Agribank. Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người vay vốn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, ABIC thay mặt người vay trả cho ngân hàng số tiền tương ứng với dư nợ được bảo hiểm; số tiền còn lại (nếu có) sẽ được chuyển cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng hợp pháp. Đây là sản phẩm chiến lược của ABIC, hơn mười năm qua, Bảo An Tín dụng đã khẳng định là sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đặc biệt ưu việt trên trên thị trường, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người nông dân Việt Nam.

2, Một vòng doanh nghiệp

Dai-ichi Life Việt Nam tiếp tục khai trương văn phòng tổng đại lý tại TP.HCM

(ĐTCK) – Dai-ichi Life Việt Nam vừa hợp tác cùng Công ty TNHH MTV G.A Duy Vinh Phát chính thức khai trương Văn phòng Tổng đại lý Bình Tân tại địa chỉ 288/7, đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM.

Tính đến thời điểm này, Dai-ichi Life Việt Nam đang giữ vị trí thứ 3 trên thị trường với 285 văn phòng “phủ sóng” khắp 63 tỉnh, thành tại Việt Nam, vinh dự phục vụ trên 2,5 triệu khách hàng thông qua đội ngũ hơn 1.300 nhân viên và 92.000 tư vấn tài chính chuyên nghiệp.

Kết thúc năm 2018, Dai-ichi Life Việt Nam đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm gần 11.500 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2017; doanh thu khai thác mới đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2017, vươn lên vị trí dẫn đầu về thị phần doanh thu khai thác mới trong khối các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.

BIC hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh 2018

(BIC) – Ngày 18/01/2019, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Theo ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC, năm 2018, BIC đạt được những kết quả kinh doanh rất tích cực và toàn diện. Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ năm 2018 đạt 2.105 tỷ đồng, tăng trưởng 16,3% so với năm 2017, hoàn thành 103,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 202,8 tỷ đồng, tăng trưởng 8,8% so với năm ngoái, hoàn thành 106,7% kế hoạch năm. Hoạt động bán lẻ của BIC cũng tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2018, nổi bật là kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) với tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 50%.

Cùng với những kết quả tích cực tại thị trường trong nước, hoạt động kinh doanh tại hải ngoại của BIC năm 2018 cũng đạt được những con số rất khả quan. Công ty liên doanh bảo hiểm Lào Việt (LVI) đạt 13,3 triệu USD doanh thu phí bảo hiểm, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế ở mức 550,3 nghìn USD, hoàn thành 100,1% kế hoạch năm. Tại thị trường Campuchia, Công ty bảo hiểm Cambodia – Việt Nam (CVI) cũng gặt hái được nhiều thành công và vươn từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 4 về thị phần.

Bên cạnh những kết quả kinh doanh tích cực, năm 2018, BIC còn được ghi nhận ở các mặt hoạt động khác như: được A.M. Best nâng hạng tín nhiệm từ B+ lên B++; được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín như Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 100 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng.

Năm 2019, BIC sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng gắn với hiệu quả hoạt động. Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ năm 2019 phấn đấu đạt 2.202 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 223 tỷ đồng. Để đạt được những mục tiêu đó, BIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, quản lý rủi ro; cải thiện chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; tập trung phát triển các kênh phân phối bán lẻ, đặc biệt là bancassurance; áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhanh việc xây dựng các sản phẩm mới, cải tiến các kênh phân phối theo hướng hiện đại và kiểm soát chặt chẽ hoạt động bồi thường.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Phạm Quang Tùng, Ủy viên Hội đồng Quản trị BIDV, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà BIC đã đạt được trong năm 2018. Theo ông Tùng, trong bối cảnh Ngân hàng mẹ BIDV đang phát triển vượt trội, toàn diện, BIC cần đồng hành và tận dụng các cơ hội kinh doanh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong hai trụ cột kinh doanh chính của hệ thống BIDV. Đối với hoạt động của BIC trong thời gian tới, ông Tùng yêu cầu BIC cần tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý rủi ro, đảm bảo phát triển bền vững, tiến tới nâng cao định hạng tín nhiệm. Hệ thống công nghệ thông tin cần được đầu tư, xây dựng mới để gia tăng hơn nữa sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Đối với hoạt động kinh doanh tại Lào và Campuchia, BIC cần có những chiến lược kinh doanh mới để tạo ra những bước tăng trưởng đột phát tại các thị trường này.

Generali Việt Nam phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng CIMB Việt Nam

(ĐTCK) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam (Generali Việt Nam) và Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam (CIMB Việt Nam) đã tiến hành lễ ký kết hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng trong thời hạn 5 năm.

Cụ thể, Generali Việt Nam và CIMB đã đi đến thỏa thuận hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm ưu việt như Vita – Sống Tự Tin, Vita – Lá Chắn Vàng… của Generali Việt Nam qua mạng lưới phân phối của CIMB.

CIMB Việt Nam thuộc Tập đoàn CIMB (Malaysia), tập đoàn ngân hàng quốc tế hàng đầu ASEAN với bề dày kinh nghiệm và chuyên môn trong khu vực. Công ty mẹ CIMB cũng là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Á.

Ngân hàng CIMB vào Việt Nam năm 2016, có trụ sở chính tại Hà Nội, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho cá nhân, doanh nghiệp và tập đoàn. Tháng 10/2018, Ngân hàng khai trương chi nhánh TP.HCM.

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với CIMB là tín hiệu khởi đầu tích cực cho năm 2019 của Generali Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác này sẽ mang đến sự tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn cho khách hàng của Generali Việt Nam và CIMB.

Generali Việt Nam cũng kỳ vọng việc tăng cường kinh doanh với các đối tác ngân hàng hiện có và triển khai thêm với các đối tác mới, kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự tăng trưởng của Generali Việt Nam trong năm 2019.

Được biết, doanh thu khai thác mới đến từ kênh bancassurance của Generali Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 20%/tổng doanh thu.

Thương hiệu Bảo Việt được định giá 116 triệu USD

(TBTCO) – Theo đánh giá của Brand Finance, thương hiệu Bảo Việt được định giá 116 triệu USD, cao nhất trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm tại Việt Nam năm 2018.

Brand Finance – nhà tư vấn định giá thương hiệu và chiến lược kinh doanh độc lập hàng đầu thế giới, vừa công bố bảng xếp hạng thương hiệu Việt Nam 2018. Theo đó, Bảo Việt là thương hiệu đứng đầu trong ngành tài chính – bảo hiểm, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu Bảo Việt được định giá đạt 116 triệu USD, tăng 8 triệu USD so với năm 2017. Điều này ghi nhận sự cải thiện của thương hiệu Bảo Việt qua từng năm.

Brand Finance đánh giá thương hiệu dựa trên các thông số: chỉ số sức mạnh thương hiệu BSI, tỉ lệ phí bản quyền thương hiệu, dự báo doanh thu và giá trị thương hiệu. Kết quả này dựa trên đánh giá đối với 7.000 thương hiệu trên thế giới và Brand Finance là công ty duy nhất sử dụng phương pháp đánh giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO 10668 về tiêu chuẩn đánh giá.

Thương hiệu Bảo Việt đã đáp ứng tốt các tiêu chí đánh giá cả về vị thế trên thị trường và tiềm năng tạo ra lợi nhuận ổn định trong tương lai. Bảo Việt luôn chú trọng giữ gìn hình ảnh thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động. Việc Bảo Việt được công nhận là 1 trong những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng đầu trong ngành tài chính – bảo hiểm là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu.

3, Quản lý thị trường bảo hiểm

Khắc phục những hạn chế trong việc thi cấp chứng chỉ bảo hiểm

(IRT) – Chiều 14/1, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm – Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLGSBH) tổ chức Hội thảo “Tập huấn Thông tư 125/2018/TT-BTC và trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức thi chứng chỉ”. Phó Cục trưởng Cục QLGSBH Phạm Thu Phương chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của gần 60 đại biểu đến từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các Doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trên thị trường.

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết: Trong những năm qua, doanh thu bảo hiểm thực hiện qua kênh đại lý chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm. Số lượng đại lý được cấp chứng chỉ và hoạt động trên thị trường rất lớn, mỗi năm khoảng hơn 300 nghìn chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp. Tuy nhiên, còn một số những hạn chế, bất cập trong hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm (ĐLBH) hiện nay. Để khắc phục tình trạng này và đặt mục tiêu nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ ĐLBH, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 125/2018/TT-BTC quy định việc cấp chứng chỉ ĐLBH.

“Thông tư 125 được ban hành sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ĐLBH của các DNBH, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý, giám sát hiệu quả hơn”, bà Phương nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, đại diện Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (TTNCĐTBH) trình bày các nội dung cơ bản của Thông tư 125/2018/TT-BTC như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Quy trình tổ chức thi chứng chỉ ĐLBH; Cấp, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ ĐLBH; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ĐLBH.

Phạm vi điều chỉnh,Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ ĐLBH, gồm: Tổ chức thi chứng chỉ ĐLBH; Cấp và thu hồi chứng chỉ ĐLBH; Quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cấp chứng chỉ ĐLBH.

Đối với kế hoạch thi chứng chỉ ĐLBH, đại diện TTNCĐTBH cho biết: Trước ngày 25 hàng tháng, cơ sở đào tạo đăng ký với Cục QLGSBH (qua Hệ thống Quản lý thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm) kế hoạch thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm của tháng sau liền kề theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 của Thông tư 125 (kế hoạch lần đầu). Trong tháng, trường hợp cơ sở đào tạo đăng ký bổ sung các kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm (kế hoạch bổ sung), thì kỳ thi bổ sung phải cách thời điểm đăng ký tối thiểu 05 ngày làm việc.

Căn cứ vào kế hoạch của các cơ sở đào tạo đã đăng ký, Cục QLGSBH thông báo cho cơ sở đào tạo về kế hoạch tổ chức thi trước ngày mùng 1 của tháng sau liền kề (đối với kế hoạch lần đầu) hoặc trước ngày tổ chức thi tối thiểu 02 ngày làm việc (đối với kế hoạch bổ sung).

Đối với việc ra đề thi, đại diện TTNCĐTBH cho biết: Đề thi chứng chỉ ĐLBH được Cục QLGSBH cấp cho từng kỳ thi. Đề thi được ra dưới dạng trắc nghiệm, số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chung về bảo hiểm chiếm 75%, số lượng câu hỏi liên quan đến phần sản phẩm bảo hiểm chiếm 25% tổng số lượng câu hỏi của mỗi đề thi.

Đề thi chứng chỉ ĐLBH được xây dựng theo nội dung chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm quy định tại Điều 88 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm… Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2019.

Tại Hội thảo, đại diện TTNCĐTBH cũng trình bày về nội dung dự thảo Quy chế thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Bên cạnh đó, công bố Kế hoạch tổ chức thi tập trung năm 2019. Theo đại diện TTNCĐTBH, việc công bố kế hoạch tổ chức thi sẽ giúp cho các DNBH có cơ sở pháp lý để triển khai công tác tổ chức thi năm 2019.

Theo đó, năm 2019, sẽ nâng số tỉnh/tp thực hiện việc thi tập trung từ 37/63 lên 50/63 tỉnh/tp, số tỉnh/tp có địa điểm thi tập trung từ 23 lên 30 tỉnh/tp (năm 2019 có 7 tỉnh được bổ sung: Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Bạc Liêu). Bên cạnh đó, thay đổi số ngày tổ chức thi tại 3 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thừa Thiên – Huế từ 2 ngày/tháng còn 1 ngày/ tháng. Đồng thời điều chỉnh lịch thi tại 3 tỉnh trên và tỉnh Bình Dương để phù hợp với công tác tổ chức thi tập trung.

Kết luận Hội thảo, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết, để việc triển khai việc cấp chứng chỉ ĐLBH đạt hiệu quả, rất mong nhận được các phản hồi từ phía Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam; Đại lý Doanh nghiệp bảo hiểm. “Qua buổi tập huấn hôm nay, cũng như trong thời gian tới, Cục QLGSBH hy vọng nhận được sự đóng góp, xây dựng của các đại biểu để tiếp tục phát triển các ĐLBH trở thành kênh huy động vốn chủ lực của thị trường bảo hiểm Việt Nam”, bà Phương cho biết.

Ngay sau Hội thảo này, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm – Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo tập huấn về “ Thông tư 125/2018/TT-BTC và trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức thi chứng chỉ” cho các đại biểu đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm khu vực phía nam tại TPHCM vào ngày 16/1/2019.

II, Tin quốc tế

Allianz hợp tác với FPT thành lập liên doanh bảo hiểm

(IAN) – Allianz đang tìm cách xâm nhập vào lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) của Việt Nam thông qua liên doanh kỹ thuật số Tập đoàn Tài chính và Thúc đẩy Công nghệ sẽ được thành lập với Tập đoàn CNTT lớn nhất Việt Nam.

Các bên muốn thành lập một công ty bảo hiểm P&C liên doanh và sẽ nộp đơn cho cơ quan quản lý vào “thời điểm thích hợp”.

Theo đó, Tập đoàn FPT sẽ hỗ trợ Allianz phát triển các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu bảo vệ của khách hàng địa phương.

Bản ghi nhớ đề xuất Allianz cung cấp kiến thức chuyên môn và tư vấn các thực tiễn tốt nhất về tùy biến sản phẩm bảo hiểm, công nghệ tài chính và quản lý tài sản, trong khi FPT sẽ cung cấp quyền truy cập vào các kênh phân phối và đơn vị liên kết. Ngoài ra, FPT sẽ tư vấn và hỗ trợ Allianz có kiến thức về thị trường địa phương và kết nối công ty với các công ty con cũng như đối tác của FPT.

Lễ ký kết thỏa thuận diễn ra tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos và có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Sergio Balbinot – thành viên hội đồng quản trị Allianz và chủ tịch điều hành FPT Trương Gia Bình.

Bình luận về sự kiện này, ông Trương Gia Bình nói: “Allianz có chuyên môn sâu trong việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm dễ tiếp cận và sáng tạo, trong khi FPT cung cấp kiến thức địa phương và mạng lưới kỹ thuật số tiếp cận với dân số trẻ, có học thức và trẻ trung. Sự hợp tác giữa hai bên rất hữu ích cho tiềm năng phát triển trong tương lai của Việt Nam và chúng tôi mong muốn đạt được nhiều thành công”.

Ông George Sartorel, Tổng Giám đốc Allianz khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “FPT là đối tác phù hợp để Allianz tăng cường khả năng xây dựng vị thế thị trường mạnh mẽ trong nước và nhấn mạnh hơn nữa chiến lược tăng trưởng đầy tham vọng của chúng tôi ở khu vực rộng lớn hơn.

Chúng tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển liên tục của ngành bảo hiểm đang lớn mạnh nhanh chóng của Việt Nam, thúc đẩy các giải pháp tài chính cho những người còn thiếu sự bảo vệ cần thiết cũng như tiếp cận với đối tượng người tiêu dùng có tư duy kỹ thuật số”.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Willis Re bổ nhiệm Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc chiến lược và phân tích tài chính

(IBM) – Willis Re vừa bổ nhiệm ông Brian Shea giữ chức Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc chiến lược và phân tích tài chính cho Willis Re International.

Trong vai trò mới, ông Shea sẽ tiếp tục làm việc tại Luân đôn và báo cáo lên ông Tony Melia, Tổng Giám đốc Willis Re International. Ông Shea sẽ hợp tác chặt chẽ với cố vấn tài chính hiện tại, cơ quan xếp hạng tín nhiệm và đội ngũ quản lý để tư vấn cho khách hàng về các vấn đề quản lý vốn và chiến lược. Ông cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và các dịch vụ thị trường thay thế, đồng thời thúc đẩy khuôn khổ tư vấn vốn toàn diện hơn.

Ông Shea gia nhập Willis Towers Watson vào năm 2015 tại vị trí Giám đốc Willis Towers Watson Securities Europe. Ông có 26 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, từng đảm nhận các chức danh: Giám đốc chiến lược công ty tại SCORand và Giám đốc nhóm nghiên cứu cổ phần bảo hiểm châu Âu tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch.

Bình luận về sự kiện này, ông Melia nói: “Có được hiểu biết sâu sắc về sức mạnh cũng như những thách thức về chiến lược và tài chính củatừng khách hàng là rất quan trọng để xác định các giải pháp quản lý vốn và chuyển giao rủi ro phù hợp nhất với nhu cầu và mục tiêu kinh doanh của họ. Tôi rất vui mừng được chào đón Brian đến Willis Re International. Kinh nghiệm, chuyên môn sâu rộng và các mối quan hệ cấp cao của anh ấy sẽ đưa hoạt động chào bán khách hàng của chúng tôi lên một cấp độ cao hơn.

“Brian mang đến một hướng đi mới có giá trị để hiểu và tư vấn cho khách hàng về cách tốt nhất để đạt được mục tiêu, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Willis Re để cung cấp các giải pháp tốt nhất cho khách hàng của mình”.

Guy Carpenter bổ nhiệm Chủ tịch Châu Á-Thái Bình Dương

(IAN) – Ông Jeremy Fox (ảnh), Tổng Giám đốc JLT Re Châu Á Thái Bình Dương, sẽ trở thành Chủ tịch của Guy Carpenter Châu Á Thái Bình Dương sau khi Marsh & McLennan hoàn tất việc mua lại JLT.

Trong vai trò mới, ông Fox sẽ làm việc tại trụ sở Singapore và báo cáo lên ông Tony Gallagher, Tổng Giám đốc Guy Carpenter Châu Á Thái Bình Dương. Ông Fox chịu trách nhiệm phục vụ các khách hàng đa quốc gia trong khu vực và phát triển các hoạt động kinh doanh mới. Ông cũng sẽ làm việc với Gallagher về thiết kế và cung cấp các ưu tiên chiến lược quan trọng cho khu vực.

Trong một thay đổi khác, Guy Carpenter sẽ tạo ra nhóm Giải pháp Vốn toàn cầu dưới sự lãnh đạo của ông David Priebe – Phó Chủ tịch Guy Carpenter. Ông Priebe sẽ hợp tác chặt chẽ với các phòng phân tích,tư vấn chiến lược và môi giới của Guy Carpenter. Nhóm này sẽ được tạo thành từ hai thành phần: Global Capital Solutions và Guy Carpenter Securities, cả hai đều báo cáo cho ông Priebe.

Trong khi đó, ông James Boyce, Phó Giám đốc Bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu và Giám đốc Bảo hiểm chuyên biệt phi hàng hải tại Guy Carpenter, sẽ trở thành Giám đốc Bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu.

Ông Bradley Maltese, Phó Tổng Giám đốc JLT Re Vương quốc Anh và châu Âu, sẽ trở thành Phó Chủ tịch Bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu, báo cáo lên ông Boyce. Ngoài ra, ông Maltese sẽ làm việc với ban lãnh đạo cấp cao để phát triển dịch vụ bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu, đồng thời cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tích hợp các hoạt động đặc biệt của JLT Re với Guy Carpenter.

Sau khi mua lại, ông David Flandro, Giám đốc phân tích toàn cầu của JLT Re, sẽ trở thành Giám đốc toàn cầu về kinh tế và tư vấn rủi ro nhượng quyền, báo cáo lên ông Rob Bentley, Tổng Giám đốc tư vấn chiến lược toàn cầu Guy Carpenter. Trong vai trò này, ông Flandro sẽ phụ trách các bộ phận toàn cầu của Guy Carpenter gồm: tư tưởng lãnh đạo, trí tuệ kinh doanh, tư vấn xếp hạng và thông tin thị trường.

Bà Vicky Carter, Phó Chủ tịch cố vấn chiến lược toàn cầu của Guy Carpenter, sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo của mình, đồng thời ông James Nash sẽ vẫn là Tổng Giám đốc toàn cầu của Guy Carpenter International.

Cựu nhân viên Swiss Re đầu quân cho Liberty

(IAN) – Ông Jacky Chan (ảnh) đã gia nhập Bảo hiểm Liberty (Hồng Kông), công ty con của nhà bảo hiểm khổng lồ Liberty Mutual (Hoa Kỳ), với vai trò Giám đốc phân phối bảo hiểm tài sản và thiệt hại tại Hồng Kông.

Ông Chan trước đây là trưởng phòng kinh doanh, phân phối môi giới và quản lý khách hàngSwiss Re Corporate Solutions khu vực Bắc Á có trụ sở tại Hồng Kông. Ông gia nhập Swiss Re Corporate Solutions vào tháng 3 năm 2013 và sau đó nghỉ việc vào giữa tháng 10 năm ngoái. Trước khi về đầu quân cho Swiss Re Corporate Solutions, ông Chan là Giám đốc Đánh giá rủi ro danh mục đầu tư của Trung Quốc tại Asia Capital Re và là Giám đốc bán hàng và phân phối khu vực của Aon-Cofco có trụ sở tại Thượng Hải.

Vai trò của ông tại Liberty bắt đầu từ ngày 3 tháng 1 và có nhiệm vụ báo cáo lên ông Stella Fok, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khu vực phía đông Bảo hiểm tai nạn và sức khỏe Bảo hiểm Liberty (Hồng Kông), và ông Sucheng Chang, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Liberty (Singapore) và Giám đốc bảo hiểm P&C Singapore và Hồng Kông.

Tại Hồng Kông, Bảo hiểm Liberty (Hồng Kông) thuộc sở hữu 100% của Liberty từ năm 2002, cung cấp một loạt các dịch vụ bảo hiểm du lịch, xe cơ giới, sức khỏe, nhân thọ, bảo hiểm doanh nghiệp vừa và nhỏ và bảo hiểm hàng hải. Đây là một trong 10 công ty bảo hiểm y tế hàng đầu và 20 công ty bảo hiểm P&C hàng đầu tại đặc khu kinh tế này và có trụ sở tại Vịnh Quarry trên đảo Hồng Kông.

Tập đoàn bảo hiểm tương hỗ Liberty có trụ sở tại Boston là công ty bảo hiểm P&C quốc tế lớn thứ ba có trụ sở tại Mỹ và có 50.000 nhân viên tại 800 văn phòng trải rộng trên 30 quốc gia; đạt doanh thu hợp nhất trên toàn cầu là 39,4 tỷ USD trong năm 2017.

Vào tháng 11/2018, Swiss Re Corporate Solutions cho biết, công ty đang tìm kiếm nhân sự thay thế ông Chan, và cũng tuyên bốvề việc sáp nhập và tái cấu trúc các hoạt động tại Trung Quốc và Bắc Á.

Thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại 255 tỷ USD năm 2018

(IAN) – Theo báo cáo Thời tiết, Khí hậu và Thảm họa năm 2018 của Aon, các thảm họa thiên nhiên năm 2018 đã gây ra tổn thất kinh tế 225 tỷ USD, trong đó tổn thất bảo hiểm từ các chương trình bảo hiểm do khu vực tư nhân và chính phủ tài trợ là 90 tỷ USD.

Tính trên toàn thế giới, có tất cả 394 thảm họa thiên nhiên. Đây là năm thứ ba liên tiếp giá trị tổn thất cao hơn 200 tỷ USD và là lần thứ 10 kể từ năm 2000. Điều này đồng nghĩa với khoảng cách bảo vệ ở mức 60% – thấp nhất kể từ năm 2005.

Ông Andy Marcell, Tổng Giám đốc Aon Reinsurance Solutions, nhận xét: “2018 là một năm hoạt động tích cực của các thảm họa thiên nhiên toàn cầu. Mặc dù không xảy ra thảm họa ở cấp độ ‘mega’, nhưng có tới 42 thảm họa với giá trịtổn thất 42 tỷ USD khiến cho 2018 vẫn cao hơn mức trung bình một chút. Ngành (tái) bảo hiểm tiếp tục chịu được các khoản bồi thường nhờ sự hỗ trợ của giá trị vốn 595 tỷ USD nhưng tập trung vào việc quản lý chi phí biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết bằng cách giúp thu hẹp khoảng cách bảo vệ”.

Bảy trong số 10 thảm họa nguy hiểm nhất năm 2018 đã xảy ra ở châu Á và 79% trong số 10.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu đã xảy ra trong khu vực này. Có 17 thảm họa tự nhiên ở châu Á với giá trị thiệt hại hơn 1 tỷ USD mỗi vụ.

Lũ lụt gây thiệt hại lớn nhất trong năm xảy ra ở Nhật Bản vào tháng 7 khiến cho 246 người thiệt mạng và tổng thiệt hại kinh tế lên tới 10 tỷ USD.

Các sự kiện gây chết người nhiều nhất trong năm là trận động đất xảy ra ở Indonesia vào ngày 28 tháng 9 làm cho 2.256 người chết và một trận động đất khác xảy ra vào ngày 5 tháng 8 khiến 560 người thiệt mạng. Hơn 200.000 ngôi nhà và các công trình khác đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, tổng thiệt hại kinh tế gần 2,3 tỷ USD.

Châu Á cũng bị tấn công bởi một loạt các cơn bão mạnh nhất là ở Nhật Bản với Jebi và Trami. Bên cạnh đó, cơn bão Mangkhut, tấn công Trung Quốc, đảo Guam, Hồng Kông và Philippines gây thiệt hại kinh tế 6 tỷ USD. Lũ lụt ở miền bắc Trung Quốc cũng khiến thiệt hại kinh tế lên tới hơn 5,7 tỷ USD.

Để xem thêm các bình luận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các cơn bão châu Á, xin mời xem tại đây.

Tokio Marine hướng đến các mục tiêu M&A hải ngoại

(IAN) – Ông Satoru Komiya, Giám đốc điều hành cấp cao của Tokio Marine, quan tâm đến việc theo đuổi các thương vụ mua lại ở nước ngoài khi ông kế nhiệm Tổng Giám đốc Tsuyoshi Nagano sắp mãn nhiệm vào tháng 6 sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tuần trước, ông Komiya cho biết: “Giá trị của các công ty, hoặc giá giao dịch, đã trở nên đắt đỏ do lượng tiền toàn cầu đang cao vượt mức. Nhưng nếu có một công ty thực sự tốt và cơ hội tốt thì chúng tôi muốn thử”.

Tokio Marine đã thực hiện một loạt các vụ mua lại kể từ khi ông Nagano đảm nhận vai trò này vào năm 2013, bao gồm cả việc mua công ty bảo hiểm chuyên biệt HCC của Hoa Kỳ với giá 7,5 tỷ USD vào năm 2015. Ý tưởng phía sau các hoạt động này là đa dạng hóa doanh thu và lợi nhuận trên toàn cầu để nếu thảm họa xảy ra ở một khu vực thì vẫn còn rất nhiều lợi nhuận ở những nơi khác.

Tokio Marine và các công ty bảo hiểm P&C khác của Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn tại Nhật Bản vào năm 2018 với một loạt các cơn bão cực đoan dẫn đến các khoản thanh toán kỷ lục. Ba công ty bảo hiểm P&C hàng đầu của Nhật Bản đã phải chi trả khoản bồi thường kỷ lục 1 nghìn tỷ Yên (tương đương 8,8 tỷ USD) trong năm tài chính 2018. Dự kiến phí bảo hiểm sẽ tăng trong năm nay.

Trong tuần vừa qua, một công ty bảo hiểm khác của Nhật Bản là Nippon Life cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến M&A ở nước ngoài.

Chủ tịch Nippon Life, ông Chihuahuahi Shimizu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đang tìm kiếm các vụ mua lại ở các thị trường mới nổi ở Mỹ và Châu Á. Các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đặc biệt muốn phát triển ở nước ngoài do kết quả của tình trạng dân số già tại xứ sở mặt trời mọc.

Ngoài ra, Nippon Life cũng sẵn sàng mua lại các doanh nghiệp nội địa, điển hình là thương vụcông ty này mua 85% cổ phần của công ty bảo hiểm Nhật Bản MassMutual với giá 980 triệu USD.

Philippines hoãn thực hiện IFRS 17

(IAN) – Ủy ban Bảo hiểm Philippines đã hoãn lại thêm1 năm nữa việc thực hiện các quy tắc kế toán mới tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ để giúp họ có thêm thời gian tuân thủ.

Ủy viên bảo hiểm Dennis Funa cho biết, cơ quan quản lý đã hoãn ngày thực hiện chuẩn mực IFRS 17 cho các doanh nghiệp bảo hiểm sở tại đến ngày 1 tháng 1 năm 2023. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm ở Philippines sẽ có thêm một năm kể từ ngày 01/01/2022 do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế(IASB) đề xuất – mốc thời gian này vốn đã bị hoãn 12 tháng so với kế hoạch trước đây.

Theo ông Funa: “Cần phải có thêm thời gian, bên cạnh thời gian trì hoãn 1 năm do IASB đề xuất, để chuẩn bị cho việc thực hiện IFRS 17”.

Ông nhấn mạnh rằng việc triển khai IFRS 17 gặp phải không ít vấn đề như: khó khăn về khung thời gian, sự cần thiết phải xác định các mô hình nội bộ, thiếu sự rõ ràng và ngân sách eo hẹp. Ông chia sẻ thêm rằng các quốc gia khác cũngáp dụng các giai đoạn thực hiện IFRS 17 khác nhau.

Tuy nhiên, Ủy ban Bảo hiểmPhilippines cho biết, các công ty bảo hiểm địa phương đã sẵn sàng tuân thủ các quy tắc kế toán mới sẽ được phép triển khai trước.

Ông Patrick Rozario, Tổng Giám đốc Moore Stephens tại Hồng Kông, dự đoán sẽ có thêm nhiều hành động trì hoãn thực hiện IFRS 17: “Sự chậm trễ này có ý nghĩa của nó. Đó là một quá trình dài và phức tạp và bạn cần có khả năng kiểm tra các hệ thống của mình. Trì hoãn một năm để thực hiện là hợp lý nhưng có thể sẽ có nơi còn kéo dài hơn – đặc biệt là đối với một số thị trường nhỏ”.

Rủi ro gián đoạn kinh doanh đang ngày càng phức tạp

(IAN) – Báo cáo toàn cầu Allianz Risk Barometer 2019 cho biết, những người được phỏng vấn đang ngày càng lo ngại về rủi ro gián đoạn kinh doanh, rủi ro không gian mạng, công nghệ mới và những thảm họa tự nhiên ngày càng tồi tệ. Ở Châu Á Thái Bình Dương, gián đoạn kinh doanh là rủi ro lớn nhất, rồi đến rủi ro mạng.

Các kịch bản gián đoạn kinh doanh tiềm năng đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn bao giờ hết trong nền kinh tế đang ngày càng kết nối. Rủi ro bao gồm sự cố của các hệ thống CNTT cốt lõi, thu hồi sản phẩm hoặc các vấn đề chất lượng, khủng bố, bạo loạn chính trị và ô nhiễm môi trường.

Rủi ro không gian mạng là một vấn đề lớn, trong đó tội phạm mạng gây ra thiệt hại tới 600 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu, tăng từ mức 440 tỷ đô la Mỹ trong năm 2014.

Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, khoa học dữ liệu và blockchain đang làm gia tăng các chương trình rủi ro trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải vật lộn với việc thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống và kéo theo các rủi ro liên quan.

Các nhà quản lý rủi ro cũng lo ngại rằng thảm họa tự nhiên gần đây và hoạt động thời tiết khắc nghiệt có thể là điềm báo cho sự gia tăng tổn thất tài chính. Điều này dẫn đến sự thay đổi khí hậu và sự biến động ngày càng tăng của thời tiết leo lên vị trí cao nhất từ trước đến nay trong bảng xếp hạng rủi ro toàn cầu –đứng thứ tám.

Báo cáo nói rằng con người đang bổ sung một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển và kéo theo tình trạng nóng lên trên toàn cầuthông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch, giảm diện tích rừng nhiệt đới và chăn nuôi gia súc.

Ông Mark Mitchell, Tổng Giám đốc Allianz Global Corporate Solutions, cho biết: “Các doanh nghiệp trên khắp Châu Á Thái Bình Dương đang lo ngại sâu sắc về tác động của rủi ro gián đoạn kinh doanh. Yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản gián đoạn kinh doanh trung bình hiện nay là hơn 3 triệu euro (3,44 triệu đô la Mỹ)”.

“Khi sản xuất dịch chuyển về phía đông và với tần suất ngày càng tăng của hoạt động thảm họa tự nhiên trong khu vực, Châu Á Thái Bình Dương ngày càng phải đối mặt với những tổn thất này. Điều đó phản ánh tầm quan trọng của các công ty trong việc áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với quản lý rủi ro.

Mặc dù gián đoạn kinh doanh và rủi ro mạng là mối quan tâm hàng đầu trên toàn cầu song mỗi quốc gia đang có những ưu tiên khác nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, ba mối quan tâm hàng đầu là gián đoạn kinh doanh, thảm họa tự nhiên và hỏa hoạn, trong khi ở Úc, những cân nhắc hàng đầu là những thay đổi về luật pháp, gián đoạn kinh doanh và rủi ro mạng.

Báo cáo Allianz Risk Barometer 2019 dựa trên kết quả phỏng vấn từ hơn 2.400 chuyên gia làm việc trong lĩnh vực quản lý rủi ro và bảo hiểm từ 86 quốc gia. Trọng tâm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

BTV (Tổng hợp).