TIÊU ĐIỂM TUẦN 01 NĂM 2015

Bắt cóc con tin tại Sydney: bảo hiểm chờ phán quyết của chính quyền; M&A tái bảo hiểm không thể trì hoãn; Bắt đầu thụ lý khiếu nại bảo hiểm vụ tai nạn máy bay QZ-8150

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Nổ điện thoại di động làm cháy khách sạn ở Tp. HCM 

(ĐSPL) – 7 giờ sáng ngày 5/1, vụ cháy lớn xảy ra tại khách sạn Văn An (193A/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3). Nhân viên khách sạn cho biết một chiếc điện thoại đã phát nổ trong phòng khách sạn khi đang được cắm sạc.

Ngọn lửa bùng phát tại phòng 201, tầng 2 của khách sạn Văn An. Nhiều khách ở các phòng bên phát hiện khói, lửa nên đã báo với tiếp tân của khách sạn. Khách sạn lập tức phát chuông báo động cháy để mọi người nhanh chóng tháo chạy ra ngoài, nhiều khách hoảng loạn bỏ chạy, không kịp mang theo hành lý.

Nhân viên tiếp tân và bảo vệ của khách sạn đã dùng nguồn nước tại chỗ và bình chữa cháy mini để dập lửa nhưng không thành. Nhận tin báo, phòng cảnh sát PCCC quận 3 điều động 4 xe chuyên dụng cùng hơn 30 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Một phần đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được phong tỏa gây nên cảnh ùn tắc trong sáng nay. Rất may chỉ trong 30 phút sau, ngọn lửa đã được khống chế.

Theo lời kể của các nhân viên trong khách sạn, một vị khách thuê phòng đã để điện thoại trên giường và cắm sạc. Chiếc điện thoại này đã phát nổ và bốc cháy trên nệm, khiến toàn bộ đồ đạc trong phòng bị thiêu rụi, rất may đám cháy đã được khống chế kịp thời nên các phòng bên cạnh không bị ảnh hưởng.

Thông tin ban đầu cho biết không có thiệt hại về người.Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.

2. Một vòng doanh nghiệp 

(BIC) thành lập 3 Công ty thành viên mới 

(TBTCO) – Bộ Tài chính vừa cấp Giấy phép điều chỉnh số 11/GPĐC13/KDBH chấp thuận cho Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) thành lập 3 Công ty thành viên mới.

Công ty thành viên mới là BIC Cửu Long, trụ sở tại 71A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; BIC Lào Cai, trụ sở tại Số 2 đường Hoàn Liên, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai; BIC Tây Bắc, trụ sở tại Số 1 Chu Văn Thịnh, TP. Sơn La.

Theo đánh giá của BIC, khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển với địa bàn rộng lớn. Việc thành lập thêm 3 Công ty thành viên mới cùng việc củng cố, kiện toàn các công ty thành viên đã có mặt tại địa bàn như BIC Vĩnh Phúc và BIC Miền Tây sẽ giúp BIC tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc có thêm các đơn vị kinh doanh sẽ tạo điều kiện để BIC tiếp cận hơn nữa hệ thống khách hàng của BIDV trong khu vực.

Với 3 đơn vị thành viên mới thành lập, BIC đã có mạng lưới hoạt động lên tới 25 công ty thành viên và hơn 120 phòng Kinh doanh phủ kín hầu hết các địa bàn trọng yếu trên toàn quốc.

Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội có tân CEO

(ĐTCK) – Ông Đỗ Văn Hải vừa chính thức được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), từ ngày 1/1/2015, thời hạn bổ nhiệm 1 năm.

Trước khi giữ vị trí điều hành cao nhất tại BSH, ông Hải từng là Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty.

Ngoài ông Hải, ông Vũ Đức Trung cũng được bổ nhiệm lại chức Phó TGĐ từ ngày 26/12/2014, thời hạn bổ nhiệm 1 năm.

Việc thăng chức của ông Hải và tái bổ nhiệm của ông Trung cũng là sự ghi nhận của HĐQT BSH với Ban điều hành BSH nói chung, cá nhân hai ông nói riêng vì những đóng góp cho thành tích chung của BSH trong năm 2014, với tốc độ tăng trưởng đạt trên 40%.

Cũng trong năm 2014, BSH đã tiến hành bồi thường kịp thời cho nhiều sự cố lớn như: cháy Nhà máy giấy Thành Đạt (hơn 45 tỷ đồng), đắm tàu chở hàng Vinacomin 3 (gần 30 tỷ đồng).

Trong năm 2014, BSH đã thực hiện hàng loạt những cải tiến trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm chuyên nghiệp, mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh đó, năm qua, BSH đã hoàn thiện hệ thống, bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ.

MIC đạt hơn 1.100 tỷ đồng doanh thu 2014 

(MIC) – Tính đến hết 31/12/2014, doanh thu của MIC đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2013, lợi nhuận 45 tỷ đồng, tăng trưởng 32,35% so với 2013. Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải đạt mức tăng trưởng cao nhất hơn 82%, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng hơn 46%, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật tăng trưởng hơn 44% cùng doanh thu bảo hiểm bancassurance qua ngân hàng tăng trưởng 200%, doanh thu quốc phòng tăng trưởng hơn 30% so với 2013.

Trong năm 2014, MIC tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Hoàn thành tái cấu trúc, phát triển bền vững”. Với các định hướng hoạt động: Tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, tạo đột phá về tăng trưởng doanh thu, triển khai mô hình kinh doanh bán chéo trong tập đoàn, tái cấu trúc các dự án bất động sản và tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Ngay từ đầu năm, MIC triển khai dịch vụ bảo hiểm trải nghiệm mua bảo hiểm trên điện thoại di động với Viettel qua đầu số *566#.

Chương trình ưu đãi “Xuân Phát Lộc – Hưng Gia Đón Tết”

(VietinAviva) – Công ty TNHH  Bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva giới thiệu Chương trình ưu đãi “Xuân Phát Lộc – Hưng Gia Đón Tết” dành tặng quý khách hàng.

Theo đó 500 suất quà tặng đặc biệt dành cho 500 khách hàng đầu tiên tham gia mua sản phẩm Bảo hiểm liên kết chung Phát Lộc Hưng Gia. Phạm vi áp dụng chương trình trên hệ thống Đại lý của VietinAviva toàn miền Bắc. Thời gian ưu đãi từ ngày 24/12/2014 đến hết ngày 24/03/2015.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

(TBTCO) – Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 195/2014/TT-BTC hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2015.

Phân nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

Thông tư quy định Nhóm 1 gồm những DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong 2 năm liên tục, trong đó: Nhóm 1A là nhóm DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc; có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt trên 700 điểm và tất cả các nhóm chỉ tiêu xếp mức A; nhóm 1B là nhóm DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong 2 năm liên tục; có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu từ 700 điểm trở xuống…

Nhóm 2 là nhóm DN phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, không có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong 2 năm liên tục, trong đó: Nhóm 2A là nhóm DN đảm bảo khả năng thanh toán, không có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong 2 năm liên tục, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt trên 700 điểm, tất cả các nhóm chỉ tiêu xếp mức A; Nhóm 2B là những DN đảm bảo khả năng thanh toán, không có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong 2 năm liên tục, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu từ 700 điểm trở xuống.

Nhóm 3 là những DN có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán, bao gồm DN có chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán không bảo đảm biên độ hoặc chỉ tiêu trích lập dự phòng nghiệp vụ không đáp ứng theo quy định.

Nhóm 4 là nhóm DN mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, bao gồm DN xếp loại vào nhóm 3 và không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Phân nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

Thông tư nêu rõ: Nhóm 1 gồm những DN bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, trong đó:

Nhóm 1A là những DN bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt từ 850 điểm trở lên, tất cả các nhóm chỉ tiêu xếp mức A; nhóm 1B là những DN đảm bảo khả năng thanh toán, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt từ 650 điểm đến dưới 850 điểm, có tối thiểu 1 nhóm chỉ tiêu xếp mức B và không có nhóm chỉ tiêu nào xếp mức C hoặc D.

Nhóm 1C là những DN đảm bảo khả năng thanh toán, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt từ 400 điểm đến dưới 650 điểm, có tối thiểu 1 nhóm chỉ tiêu xếp mức C và không có nhóm chỉ tiêu nào xếp mức D; Nhóm 1D là những DN đảm bảo khả năng thanh toán, không được xếp loại nhóm 1A hoặc 1B hoặc 1C.

Nhóm 2: DN bảo hiểm nhân thọ không thực hiện xếp loại nhóm 2 theo quy định tại tiết iii điểm a Khoản 5 Mục III Quyết định số 1826/QĐ-TTg.

Nhóm 3 là những DN bảo hiểm nhân thọ có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán, bao gồm DN có chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán không bảo đảm biên độ hoặc chỉ tiêu trích lập dự phòng nghiệp vụ không đáp ứng quy định.

Nhóm 4 là những DN mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, bao gồm DN xếp loại vào nhóm 3 và không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Sẽ thu hồi giấy phép nếu DN bị xếp vào nhóm 4

Thông tư nêu rõ, căn cứ vào kết quả xếp loại DN bảo hiểm theo quy định, Bộ Tài chính thực hiện một hoặc một số biện pháp quản lý, giám sát đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ.

Cụ thể, đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 1A, Bộ Tài chính sẽ khuyến khích DN mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động; thực hiện hình thức giám sát từ xa; đối với DN xếp loại vào nhóm 1B sẽ chỉ đạo DN đánh giá nguyên nhân và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu; giám sát DN thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa của từng chỉ tiêu…

Đối với DN xếp loại vào nhóm 2A: Ngoài các biện pháp quản lý, giám sát theo quy định, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp: Cảnh báo DN và chủ đầu tư về thực trạng DN; chỉ đạo DN tăng vốn điều lệ (nếu cần); rà soát tính hiệu quả, an toàn và thanh khoản của các tài sản đầu tư để tái cơ cấu hoạt động đầu tư cho phù hợp…; DN xếp loại vào nhóm 2B, ngoài các biện pháp quản lý, giám sát theo quy định Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp: Thanh tra DN; thu hẹp phạm vi, nội dung hoạt động của DN nếu sau 24 tháng, DN vẫn không có lãi kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 3, Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 80 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Các DN bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 4, Bộ Tài chính thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đề xuất tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc

(ĐTCK) – Đó là đề xuất được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Thông tư 35/2009/TTLT-BTC-BCA của Liên Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới vừa diễn ra.

Theo thống kê, giai đoạn 2009 – 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đạt 5.105 tỷ đồng; trong đó, năm 2013 đạt cao nhất với 1.853 tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng C67 Bộ Công an, các cơ quan quản lý đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Hiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới cũng đã được đưa vào sử dụng và đây là phần mềm cơ sở dữ liệu đầu tiên được sử dụng trong ngành bảo hiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần giảm thiểu trục lợi bảo hiểm.

Hoạt động giải quyết bồi thường cũng đã được đánh giá đạt kết quả tích cực. Theo đó, nhờ mua sản phẩm bảo hiểm này, mà người bị nạn, chủ xe được hỗ trợ tài chính để ổn định cuộc sống, công việc sau tai nạn thông qua bồi thường bảo hiểm. Tỷ lệ bồi thường được thống kê đạt tỷ lệ 35%, chưa tính các vụ tổn thất đang giải quyết bồi thường.

Tuy nhiêntỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, giải quyết bồi thường chậm trễ, còn có hiện tượng gây phiền hà cho chủ xe cũng như người bị tai nạn. Theo thống kê, trong khi tỷ lệ xe ô tô tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe đạt 95% tổng số xe lưu hành thì con số này đối với mô tô – xe máy chỉ là 40%. Đồng thời, điều đáng nói là mức trách nhiệm và phí bảo hiểm chưa phù hợp với thực tế, trong bối cảnh giá cả và chi phí khác đang tăng cao.

Tại hội nghị, đại diện ngành Công anđề xuất điều chỉnh tăng mức trách nhiệm bảo hiểm.Trên thực tế, từ thời điểm 1/11/2012, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo… gây ra đều tăng 40% so với trước đây, từ 50 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn lên 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Thế nhưng, mức này vẫn được xem là chưa đủ.

Đại diện một DN bảo hiểm cho rằng, tăng mức trách nhiệm bảo hiểm thì DN cũng phải tăng phí bảo hiểm, nhằm cân đối thu chi. Chính vì vậy, việc cần làm trước hết là cơ quan quản lý cần tăng mức xử phạt đối với hành vi trốn mua bảo hiểm bắt buộc, song song với tuyên truyền về ý nghĩa của loại bảo hiểm này.

4. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thủ tướng đốc thúc việc thi hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

(TBTCO) – Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo công điện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Để việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đảm bảo kịp thời, thống nhất, đúng quy định, không để ảnh hưởng đến việc tham gia Bảo hiểm y tế của nhân dân, cũng như hoạt động tổ chức khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế từ ngày 1/1/2015 được bảo đảm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó lưu ý chỉ đạo việc lập danh sách người tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định của Luật.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện đúng quy định công tác khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi người có thẻ Bảo hiểm y tế; chủ động, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt các địa phương có tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế thấp dưới 60% dân số cần có biện pháp quyết liệt về tuyên truyền, khuyến khích để người dân tham gia nâng cao tỷ lệ; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại địa phương.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế trong cả nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo kịp thời về những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn để người dân biết, chủ động tham gia Bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm y tế Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ, Chính phủ; đảm bảo việc tham gia và quyền lợi khám chữa bệnh của nhân dân.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện Quyết định số 2028/QĐ-TTg ngày 10/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại cơ quan và địa phương mình.

II. Tin quốc tế

M&A: doanh nghiệp tái bảo hiểm không thể trì hoãn

(Canadianunderwriter) – Báo cáo về mùa tái tục đầu tiên trong năm 2015 do Willis Re vừa phát hành ngày 02/01 cho biết: những đồn đoán về hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) “nay đã trở thành hiện thực, trong đó có những công ty nhận thấy việc trì hoãn chỉ làm xói mòn thêm giá trị của đơn vị mình”.

“Mặc dù chỉ nhận được rất ít sự ủng hộ của các công ty mục tiêu M&A (target companies), các công ty thâu tóm (consolidators) đang định hướng M&A theo tiêu chí mở rộng quy mô và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để có được mức giá phải chăng cho cả hai bên”.

“Việc phân lớp tái bảo hiểm và thu hút vốn từ thị trường tài chính đang là xu hướng nổi bật thời gian gần đây.Hiệu quả tài chính và sức mạnh cạnh tranh của các quỹ và các công ty xít-đờ-ca (sidecar) đang tạo ra áp lực thực sự lên các hãng tái bảo hiểm có quy mô nhỏ hoặc chỉ kinh doanh một dòng sản phẩm nhất định”.

“Mặc dù đối tượng chính được bảo hiểm vẫn là rủi ro thiên tai song cũng đang có sự chuyển dịch sang một số loại rủi ro khác. Cấu trúc thị trường đang có sự thay đổi khá rõ nét với việc các hãng bảo hiểm có xu hướng tiếp cận trực tiếp với thị trường tài chính thông qua các tổ chức xít-đờ-ca, bỏ qua thị trường tái bảo hiểm truyền thống”.

Theo ông Peter Hearn, Chủ tịch Willis Re: “nhiều công ty tái bảo hiểm đã nhận thấy không thể tiếp tục đặt hy vọng tồn tại chỉ nhờ sự xuất hiện của tổn thất lớn đột biến hay trông chờ vào lãi suất tăng. Con đường phát triển bền vững duy nhất là phải thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa danh mục và nỗ lực mở rộng quy mô”.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay – cắt giảm lãi suất, thu nhập đầu tư thấp và dòng chảy vốn thay thế đang ngày càng mạnh – “khiến cho các nhà tái không thể trì hoãn được hơn nữa tại mùa tái tục 01/01/2015 với sự định hình lại thị trường tái bảo hiểm đang dần rõ nét”, báo cáo của Willis viết.

Mặc dù đòi hỏi đa dạng hóa sản phẩm là khá bức thiết song báo cáo chỉ ra rằng không phải tất cả các hãng tái bảo hiểm đều chấp nhận mở rộng điều kiện, điều khoản cùng với những nỗ lực giảm phí.

Nhận định về xu hướng thị trường năm 2015, ông John Cavanagh, Tổng Giám đốc Willis Re, nói: “thị trường tái bảo hiểm toàn cầu hiện vẫn đang cố gắng trang trải chi phí vốn năm 2014, tuy nhiên điều này có thể sẽ không thực hiện được trong năm 2015”.

Ông Cavanagh nhấn mạnh tới việc cần thiết phải tạo lập chiều sâu thị trường (market depth – là tình trạng số lệnh mua và bán đủ lớn để duy trì cân bằng về giá, giảm thiểu được biến động giá do sự xuất hiện các giao dịch lớn đột biến). Ông nói: “Có thể cho rằng sự tiếp tục thiếu hụt cầu và dư cung về vốn thay thế càng tạo áp lực khiến giá giảm: không giống như các thị trường tài chính khác, thị trường tái bảo hiểm vẫn chưa có chiều sâu thị trường cần thiết bởi không có thị trường thứ cấp để hấp thụ những nguồn vốn dư thừa”.

Báo cáo tái tục là bản báo cáo định kỳ do Willis Re phát hành 3 lần mỗi năm.

Vụ bắt cóc con tin tại Sydney: bảo hiểm chờ phán quyết của chính quyền 

(Asiainsurancereview) – Các hãng bảo hiểm Úc có liên quan tới vụ bắt cóc con tin tại quán cà phê Lindt, khu Martin Place, thành phố Sydney, đang chờ kết luận của chính phủ liên bang Úc để xác định đây có phải là hành động khủng bố hay không. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến số tiền bồi thường cho các chủ cửa hàng kinh doanh trong khu vực.

Theo Fairfax Media, sau khi vụ việc kết thúc, các chủ cửa hàng bán lẻ thuộc khu Martin Place đã gửi khiếu nại tới doanh nghiệp bảo hiểm, cho biết doanh thu tháng 12/2014 của họ đã giảm tới 70% do một vùng rộng lớn của khu trung tâm Sydney bị cách ly, gây ra gián đoạn kinh doanh. “Giáo sỹ” Hồi giáo cực đoan Sheik Man Haron Monis được cho là kẻ bắt cóc trong vụ này, y đã khống chế 17 người trong quán cà phê trong hơn 16 giờ. Sau đó, cảnh sát nổ súng giải cứu con tin và bắn chết Monis.

Theo đạo luật thông qua năm 2001 liền sau vụ tấn công khủng bố tại tòa tháp đôi WTC của Hoa Kỳ, Bộ Ngân khố liên bang Úc có thẩm quyền công bố về hành vi khủng bố để ngành bảo hiểm có căn cứ chi trả bồi thường. Nếu vụ việc kể trên được xác định là có liên quan đến khủng bố, các chủ cửa hàng sẽ chỉ nhận được khoản tiền bồi thường nhỏ hơn. Sở dĩ như vậy vì khi đó, Công ty Quỹ tái bảo hiểm Úc (Australian Reinsurance Pool Corporation) – đơn vị được cấp vốn từ ngân sách chính quyền liên bang – sẽ đánh giá tổn thất và giảm trách nhiệm của các hãng bảo hiểm.

Mục tiêu của việc làm này là nhằm hạn chế tổn thất mang tính thảm họa đối với doanh nghiệp bảo hiểm, qua đó duy trì hoạt động kinh doanh của ngành.Trong vụ việc này, Công ty Quỹ tái bảo hiểm đã yêu cầu các công ty bảo hiểm thông báo về các khiếu nại đã nhận được cũng như ước tính tổn thất.

Người phát ngôn Bộ Ngân khố, ông Joe Hockey, nói: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tiến hành điều tra vụ việc. Việc xác định vụ bắt cóc có liên quan tới khủng bố hay không sẽ được công bố trong những tuần tới”.

BHSI của tỷ phú Warren Buffettkhai trương hoạt động tại Hồng Kông

(Insurancebusinessreview) – Hãng bảo hiểm chuyên biệt Berkshire Hathaway Specialty Insurance (BHSI) của tỷ phú Warren Buffett vừa thông báo cho biết họ đã được cấp giấy phép

kinh doanh tất cả các loại hình sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ tại Hồng Kông, đồng thời hãng cũng đã phê chuẩn một số vị trí chủ chốt tại văn phòng Hồng Kông.

Ông Marc Breuil được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc BHSI châu Á và làm việc tại văn phòng Hồng Kông.

Phát biểu nhân sự kiện này, ông Peter Eastwood, Tổng Giám đốc BHSI, nói: “Chúng tôi rất vui mừng với việc khai trương văn phòng tại một trong những thị trường bảo hiểm quan trọng hàng đầu thế giới. Với đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, khối đánh giá rủi ro dày dặn kinh nghiệm và bảng cân đối kế toán mạnh, chúng tôi đã sẵn sàng để cung cấp các giải pháp bảo hiểm chất lượng, bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và các nhà môi giới tại Hồng Kông”.

Các vị trí chủ chốt được bổ nhiệm lần này bao gồm:

Ông Ricky Ho đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc cấp cao, phụ trách bảo hiểm trách nhiệm.Ông Ricky đã có hơn 30 năm kinh nghiệm bảo hiểm trong cả hai lĩnh vực đánh giá rủi ro và giải quyết khiếu nại bồi thường.

Ông Kai Tse được bổ nhiệm làm Giám đốc Tài chính kiêm Giám đốc Hoạt động, BHSI châu Á. Ông Kai đã có hơn 20 năm kinh nghiệm tại nhiều vị trí lãnh đạo về bảo hiểm, ngân hàng, quỹ cổ phần tư nhân và huy động vốn. Ông Kai là thành viên Hiệp hội Định phí bảo hiểm trách nhiệm và có chứng chỉ Chuyên gia phân tích tài chính (CFA).

Ông Roseline Liu được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, phụ trách bảo hiểm trách nhiệm.Ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Một số chức danh lãnh đạo khác như ông Irene Li, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc về bảo hiểm trách nhiệm, và ông Ophelia Szeto, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm tài sản và khủng bố.

Nguyên Giám đốc Tài chính Prudential được bổ nhiệm thành viên HĐQT Admiral

(Walesonline) – Hãng bảo hiểm danh tiếng Admiral của Anhvừa tăng cường năng lực cho HĐQT với việc bổ sung một thành viên HĐQT độc lập không điều hành. Người được bổ nhiệm là bà Penny James, Giám đốc Tài chính của Prudential.

Trước đó, bà James từng là Giám đốc Tài chính công ty bảo hiểm Omega Insurance Holdings và Giám đốc Tài chính Bảo hiểm phi nhân thọ của Zurich tại Anh quốc.

Ông Alastair Lyons, Chủ tịch Tập đoàn Admiral, nói: “Tôi rất vui mừng chào đón bà Penny vào HĐQT Tập đoàn cùng với kiến thức chuyên môn và bề dày kinh nghiệm sâu rộng. Việc làm này sẽ đảm bảo sự vận hành bình thường của HĐQT khi một số thành viên khác sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới”.

Indonesia: Bắt đầu thụ lý khiếu nại bảo hiểm vụ máy bay QZ-8150

(Asiainsurancereview) – Theo ông Firdaus Djaelani, Giám đốc khối giám sát các tổ chức tài chính phi ngân hàng thuộc Cơ quan Quản lý Tài chính Indonesia (OJK), các hãng bảo hiểm đang tiến hành thụ lý khiếu nại bảo hiểm vụ tai nạn máy bay QZ-8150 và hy vọng đến cuối tháng 1/2015 sẽ xác định được người thụ hưởng trong các hợp đồng bảo hiểm.

Những suy đoán bắt đầu dấy lên sau khi Bộ Giao thông Indonesia cho biết AirAsia chỉ được phép bay chặng Surabaya-Singapore vào các ngày Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5 và Thứ 7 hàng tuần, trong khi chuyến bay xấu số lại bay vào ngày Chủ nhật, 28/12.

Ông Firdaus Djaelani nói vụ việc vẫn thuộc diện “có thể khiếu nại bảo hiểm” cho dù có những tranh luận quanh việc vi phạm lịch trình bay quy định. Ông đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành việc chi trả bảo hiểm cho 155 hành khách trên chuyến bay vào cuối tháng này.

Ông cũng cho biết 3 công ty bảo hiểm của hành khách trên chuyến bay đã bắt tay vào việc xác định người thụ hưởng trong hợp đồng.

Ông Firdaus Djaelani nói, căn cứ quy định của Bộ Giao thông nước này, các hãng bảo hiểm phải chi trả 1,25 tỷ IDR (98.700 USD) cho mỗi người thụ hưởng. PT Asuransi Sinar Mas và PT Asuransi Jasa Indonesia (Jasindo) là các hãng bảo hiểm cho chuyến bay này và cũng là nhà bảo hiểm cho AirAsia.

Thêm vào đó, 25 hành khách còn có hợp đồng bảo hiểm du lịch với công ty PT Dayin Mitra – nhà bảo hiểm du lịch của AirAsia.

Theo bà Elizabeth M Quendangen, Phó Giám đốc Kỹ thuật tại PT Dayin Mitra, đối với 10 hành khách có vé một chiều, công ty sẽ chi trả 750 triệu IDR cho thân nhân mỗi người. Còn với 15 hành khách có vé khứ hồi, khoản tiền chi trả cho thân nhân mỗi người sẽ là 315 triệu IDR.

Ngoài ra, theo ông Firdaus, một số hành khách khác có hợp đồng BHNT đang có hiệu lực, chẳng hạn với công ty PT Jiwasraya.

Ông Hendrisman Rahim, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PT Jiwasraya, nói: “Chúng tôi ước tính số tiền bảo hiểm trả cho người thụ hưởng của mỗi nạn nhân trong vụ tai nạn là hơn 100 triệu IDR”.

BTV (tổng hợp).

{fcomment}

Comments are closed.