Bảo hiểm trực tuyến vào cuộc chiến mới; Willis hoàn thành thâu tóm Gras Savoye; Ngành bảo hiểm Nhật Bản tiếp tục theo đuổi M&A
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
Trao tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá cho ngư dân Bình Định gặp nạn
(PJICO) – Sáng ngày 09/01/2016, tại Hội trường UBND xã Hoài Thanh, Huyện Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính – Cục Giám sát Bảo hiểm phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cùng các Doanh nghiệp bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh và PVI tiến hành trao tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cho ngư dân Bình Định gặp nạn khi hành nghề trên biển.
Theo đó, ngày 08/08/2015, tàu cá BD 97157TS do Ông Trần Kim Trung là chủ tàu cùng các thuyền viên cư ngụ tại xã Hoài Thanh, Huyện Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định đang khai thác trên biển thì bị mắc cạn thiệt hại toàn bộ tàu. Sau khi nhận được thông tin, PJICO đại diện cho 4 doanh nghiệp đồng bảo hiểm đã tích cực phối hợp chặt chẽ với chủ tàu, các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương tiến hành giám định, xác định rõ nguyên nhân thuộc trách nhiệm bảo hiểm và tính toán giá trị tổn thất toàn bộ tàu là 4 tỷ đồng. Theo ghi nhận, đây là vụ tổn thất lớn nhất xảy ra đối với ngư dân trong tổng số 552 vụ tổn thất năm vừa qua.
Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp Bảo hiểm PJICO, Bảo Việt, Bảo Minh và PVI đã trao số tiền bồi thường là 4 tỷ đồng cho chủ tàu Trần Kim Trung. Việc các công ty bảo hiểm chi trả bồi thường cho ngư dân khi tàu cá gặp nạn đã khẳng định cam kết và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng tham gia bảo hiểm. Đây là nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ chủ tàu bị nạn nhanh chóng khắc phục khó khăn, yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống của đất nước.
2. Một vòng doanh nghiệp
Sun Life hoàn tất thương vụ tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần PVI Sun Life
(TBTCO) – Ngày 8/1, Công ty Bảo hiểm Sun Life Canada- công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Tài chính Sun Life và CtyCP PVI (HNX: PVI) chính thức thông báo Sun Life đã hoàn tất thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PVI Sun Life, từ 49% lên đến 75% bằng việc mua thêm 26% cổ phần từ PVI.
PVI vẫn tiếp tục nắm giữ 25% cổ phần trong liên doanh này. Thỏa thuận về thương vụ này đã được công bố vào tháng 11/2015 và hôm nay chính thức hoàn tất sau khi nhận được sự chuẩn y của các cơ quan quản lý tại Việt Nam và Canada.
“Với việc gia tăng quyền sở hữu tại PVI Sun Life, chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn về nguồn lực của Tập đoàn Sun Life cũng như kinh nghiệm và năng lực kinh doanh của Sun Life tại thị trường Châu Á cho PVI Sun Life”, ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại Châu Á cho biết.
Cũng theo ông Kevin Strain, từ sự hợp tác lâu dài và hiệu quả với PVI và Việt Nam, Tập đoàn Tài chính Sun Life cam kết mang đến những sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất nhằm giúp người dân Việt Nam đạt được sự an toàn tài chính trọn đời.
Đối với PVI Sun Life, đây thật sự là một bước phát triển vượt bậc, hứa hẹn sẽ tạo cú hích cho giai đoạn tăng trưởng mới, tiếp nối thành công của công ty trong thời gian qua.
Ông Michael Elliott, Tổng giám đốc của PVI Sun Life chia sẻ: “Bằng việc vận dụng thế mạnh về chuyên môn, kinh nghiệm và cả tầm nhìn chung vì cuộc sống của người dân Việt Nam từ PVI và Sun Life, PVI Sun Life sẽ nghiên cứu và mang đến những giải pháp tài chính phù hợp nhất cho khách hàng Việt Nam”.
Được biết, Công ty PVI Sun Life được thành lập bởi CtyCP PVI và Công ty Bảo hiểm Sun Life thuộc Tập đoàn Tài chính Sun Life của Canada. Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2013, đến nay, PVI Sun Life đã vươn lên giữ vị trí thứ 6 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ và hiện là công ty hàng đầu trong mảng bảo hiểm hưu trí.
Ký kết bảo hiểm cho gói thầu số 3 tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội
(ĐTCK) – Lễ ký kết Hợp đồng bảo hiểm gói thầu số 3 – Hầm và các ga ngầm, thuộc Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội giữa Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và liên danh 3 nhà bảo hiểm (Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo Minh) vừa diễn ra.
Theo đó, phía liên danh bảo hiểm sẽ cung cấp bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công gói thầu số 3 cho Ban quản lý Dự án và toàn bộ các nhà thầu chính và phụ trong suốt quá trình thi công 49 tháng của dự án.
Được biết, đây là dự án thuộc đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm được sự quan tâm của cả xã hội, với tổng vốn đầu tư là 18.408 tỷ đồng, xuất phát từ Nhổn theo Quốc lộ 32 – Cầu Diễn – Mai Dịch – Nút giao với đường Vành đai 3 – Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2) – Kim Mã – Giảng Võ – Cát Linh – Quốc Tử Giám – điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Prudential đầu tư trái phiếu chính phủ 30 năm
(ĐTCK) – Ngày 4/1/2016, Prudential chính thức công bố nhận chứng nhận đầu tư của Bộ Tài chính cho khối lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm trị giá 500 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm.
Ngoài việc phát hành trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng kể trên, Prudential cũng cam kết đầu tư tiếp tục 5.500 tỷ đồng trong năm 2016, nâng tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm lên đến 6.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 7/2015, Prudential cũng có mức đầu tư kỷ lục 3.200 tỷ đồng vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm.
MIC: Vượt mốc doanh thu 1.500 tỷ đồng sau 8 năm hoạt động
(TBTCVN) – Thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) của các tập đoàn nước ngoài vào lĩnh vực BH của Việt Nam thời gian qua như: Thương vụ tập đoàn tài chính nổi tiếng Canada Fairfax Financial Holdings thông qua công ty con là Fairfax Asia Limited đã mua đến 35% cổ phần của Bảo hiểm BIDV (BIC); thương vụ M&A giữa Bảo hiểm bưu điện (PTI) và doanh nghiệp Hàn Quốc Dongbu, chiếm 37% cơ cấu vốn của PTI… Hàng loạt các DNBH khác cũng đang “trăn trở” tìm cách thích ứng với thị trường, trong đó tập trung vào việc nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, phát triển sản phẩm hay phát triển kênh phân phối…
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) chọn cho mình hướng đi khác, không mua bán sáp nhập mà nỗ lực đổi mới một cách mạnh mẽ từ bên trong, tạo sức mạnh nội lực để chủ động hội nhập.
Một trong số những điểm khác biệt nổi bật: MIC là DNBH đầu tiên và duy nhất trên thị trường đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty kiểm toán, tư vấn hàng đầu thế giới PwC xây dựng mô hình tổ chức chiến lược giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Với dự án này, MIC kỳ vọng sẽ cơ cấu lại mô hình tổ chức hoạt động của mình một cách khoa học, hiệu quả và phù hợp với các chuẩn của quốc tế.
Bên cạnh đó, để phù hợp với mô hình mới, MIC đã mạnh dạn đầu tư cho việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài hấp dẫn, đồng thời tích cực đào tạo cho cán bộ nhân viên vững về nghiệp vụ, giỏi về kỹ năng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quyết liệt trong mọi hoạt động.
Kết quả sau 8 năm hoạt động đến nay, MIC đã khẳng định là DNBH uy tín hàng đầu tại Việt Nam, thị phần đứng TOP 7 thị trường, có hơn 100 sản phẩm dịch vụ BH phù hợp với thị trường trong nước và thông lệ quốc tế. Mạng lưới của MIC có 37 Công ty thành viên với trên 1.000 cán bộ nhân viên, gần 2.000 đại lý tại 55/63 tỉnh thành trên cả nước. Nhờ đó, kết thúc năm 2015, tổng doanh thu của MIC đã vượt mốc 1.500 tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2014. MIC trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường BH lọt vào Top 1.500 tỷ đồng chỉ sau 8 năm hoạt động và là doanh nghiệp luôn duy trì mức độ tăng trưởng cao (trên 30%) trong 3 năm liên tiếp.
Những kết quả đã đạt được sau 8 năm hoạt động là tiền đề để MIC thực hiện kế hoạch chiếm lĩnh thị trường BH trong những năm tới. Năm 2016, MIC dự kiến đưa doanh thu xấp xỉ 2.000 tỷ đồng và kỷ niệm 10 năm thành lập (năm 2017) doanh thu của MIC sẽ cán mốc 2.500 tỷ đồng.
Chiến lược giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến 2025, MIC đặt mục tiêu trở thành “Nhà bảo hiểm thuận tiện hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ”. MIC quyết tâm lọt vào Top 5 doanh nghiệp lớn nhất năm 2020 và Top 3 năm 2025 cùng với phương châm hoạt động “Nhanh – Khác biệt – Bền vững”.
Prévoir Việt Nam sẽ đảm bảo quyền lợi người mua bảo hiểm qua VNPost
(ĐTCK) – Sau 10 năm hợp tác, Prévoir Việt Nam sẽ rời vị trí đối tác phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua hệ thống bưu điện, bưu cục của VNPost. Trước sự kiện này, Prévoir Việt Nam vừa phát đi thông cáo về đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Cụ thể, Prévoir cho biết, đã thống nhất cùng VNPost ký hợp đồng cung ứng dịch vụ sau bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho các chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bưu điện.
Theo đó, tại hợp đồng cung ứng dịch vụ sau bán hàng vừa ký, kể từ ngày 1/1/2016, các hoạt động như góp phí định kỳ, đóng thêm phí, thay đổi thông tin hợp đồng, công tác chăm sóc khách hàng hay các yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm … của khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ bưu điện với Prévoir Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được đội ngũ nhân viên bưu điện tiếp nhận và xử lý tại các điểm giao dịch trên toàn hệ thống bưu cục của VNPost trên toàn quốc.
“Mọi nghĩa vụ và quyền lợi của các khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bưu điện với Prévoir Việt Nam vẫn được đảm bảo giữ nguyên không thay đổi. VNPost vẫn là đối tác đại diện cho Prévoir tiếp tục thực hiện các giao dịch, cũng như các chương trình chăm sóc khách hàng trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực”, thông tin từ thông cáo cho biết.
Ngoài ra, Prévoir Việt Nam và VNPost cũng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ cùng nhau tiếp tục đồng hành và phục vụ tập hợp khách hàng hiện hữu với chất lượng dịch vụ tốt nhất cho giai đoạn sắp tới từ năm 2016 đến khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm.
Nói về kết quả hợp tác sau 10 năm hợp tác, Prévoir Việt Nam cho biết, 2 bên đã xây dựng hệ thống công nghệ, huấn luyện đội ngũ cán bộ kinh doanh, giao dịch viên để triển khai dịch vụ bảo hiểm nhân thọ trên mạng lưới bưu điện trên toàn quốc với hơn 660 bưu cục đã được kết nối vào hệ thống bán hàng, hơn 31.000 lượt nhân viên bưu điện được đào tạo và gần 170.000 khách hàng tham gia bảo hiểm (chiếm gần 50% số lượng khách hàng hiện có tại DN này).
Sau 10 năm hoạt động, Prévoir Việt Nam hiện phục vụ hơn 350.000 khách hàng. Ngoài hợp tác với VNPost triển khai hoạt động bảo hiểm nhân thọ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, Prévoir còn đang hợp tác kinh doanh bảo hiểm với 15 ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam.
Năm 2015, Bảo hiểm PVI đạt 6.500 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc
(ĐTCK) – Năm 2015, Tổng công ty Bảo hiểm PVI tiếp tục giữ vị trí số 1 về bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6.500 tỷ đồng, chiếm 21% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.
Đó là thông tin được lãnh đạo Tổng công ty Bảo hiểm PVI đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 ngày 6/1/2016.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, Công ty dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không, bảo hiểm năng lượng, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm hàng hải, đồng thời là nhà bảo hiểm bán lẻ hàng đầu.
Bảo hiểm PVI cũng là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam duy nhất đạt tín nhiệm B++ và cải thiện xếp hạng theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng quốc tế A.M. Best, đồng thời chuyển đổi thành công mô hình quản trị theo khối, áp dụng hệ thống KPI vào quản trị doanh nghiệp…
Dai-ichi Life Việt Nam khai trương thêm văn phòng tổng đại lý tại TP.HCM
(ĐTCK) – Thông qua sự hợp tác cùng công ty TNHH Tường Phúc An Thịnh, ngày 7/1, Dai-ichi Life Việt Nam đã chính thức khai trương Văn phòng Tổng đại lý tại địa chỉ 546 Phạm Văn Đồng, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Đây là văn phòng Tổng đại lý thứ 2 tại Q.Bình Thạnh, thứ 17 tại TP.HCM và là văn phòng thứ 124 trong hệ thống tổng đại lý của Dai-ichi Life Việt Nam, nâng tổng số lên 170 văn phòng và Tổng đại lý được đưa vào hoạt động trên cả nước.
Nhân dịp này, 20 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng đã được Dai-ichi Life VN trao tặng cho các em nhỏ hiếu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.
Bên cạnh 16 văn phòng thuộc hệ thống Tổng đại lý của Công ty tại các quận 5, 6, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh và Thủ Đức, việc khai trương văn phòng Tổng đại lý thứ 2 tại Bình Thạnh tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh về nội lực của Dai-ichi Life VN tại TP.HCM, cũng như uy tín thương hiệu của công ty ở thị trường trong nước
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều chỉnh cho Generali Việt Nam
(IRT) – Ngày 25/12/2015, Bộ Tài chính cấp Giấy phép điều chỉnh số 61/GPĐC11/KDBH cho phép Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động số 61 GP/KDBH ngày 20/4/2011 với nội dung sau:
Vốn điều lệ của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam là 1.651.000.000.000 (một nghìn sáu trăm năm mươi mốt tỷ) đồng.
Bộ Tài chính chấp thuận cho VietinAviva triển khai Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đóng phí ngắn hạn
(IRT) – Ngày 23/12/2015, Bộ Tài chính có Công văn số 19146/BTC-QLBH chấp thuận cho Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva triển khai Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đóng phí ngắn hạn.
Công ty có trách nhiệm triển khai sản phẩm trên theo đúng quy tắc, điều khoản và biểu phí được phê chuẩn kèm theo Công văn số 19146/BTC-QLBH và quy định của pháp luật hiện hành.
4. Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm trực tuyến vào cuộc chiến mới
(ĐTCK) – Dù doanh thu bảo hiểm trực tuyến tính trên tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường phi nhân thọ đang còn là con số rất nhỏ bé, nhưng không vì thế mà kênh bảo hiểm này không có sự cạnh tranh.
Ngược lại, kênh phân phối này đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty bảo hiểm, không chỉ là việc đầu tư để mở rộng thị trường mà còn có các “chiêu trò” giảm giá…. Có lẽ vì vậy mà một số doanh nghiệp bảo hiểm không muốn chia sẻ nhiều về doanh thu hay số lượng khách hàng có được từ kênh này.
Thực tế, bảo hiểm trực tuyến không chỉ đang bùng nổ và cạnh tranh khốc liệt ở thị trường Việt Nam, theo Bản tin Bảo hiểm và Đời sống, nhiều công ty bảo hiểm xe cơ giới tại Hàn Quốc đang có kế hoạch tung ra một loạt sản phẩm bảo hiểm cho phép khách hàng có thể mua trực tuyến, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty bảo hiểm xe hơi có hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua Internet. Một công ty bảo hiểm dự kiến, siêu thị bảo hiểm online sẽ giúp tăng thị phần của công ty này lên trên mức hiện tại 25%.
Tại thị trường Việt Nam, trong số các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, ngoài những doanh nghiệp đã có “số má” trong bảo hiểm trực tuyến như BIC, PTI hay Liberty, thì thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm khác cũng đã vào cuộc ở mảng này, chẳng hạn như MIC hay PJICO…
Đại diện một công ty bảo hiểm đang triển khai kênh bán hàng trực tuyến cho biết, khác với khách hàng của các kênh truyền thống, khách hàng mua bảo hiểm online nhìn chung có hiểu biết cao hơn về bảo hiểm. Những người vào web để mua bảo hiểm thường quan tâm đến sự thuận tiện, tính an toàn của website và những ưu đãi dành cho họ.
“Tuy nhiên, kênh bán hàng online cũng phải cạnh tranh với các kênh truyền thống là những người gần khách hàng hơn và có thể sẵn sàng ‘bán máu’ để có được hợp đồng. Chính vì thế, việc phát triển kênh bán hàng này cũng đang gặp những khó khăn nhất định”, vị đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.
Nhận định về mức độ cạnh tranh của bảo hiểm trực tuyến, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác nói rằng, để tăng sự hấp dẫn cho kênh bán hàng vẫn còn khá mới mẻ này, thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã triển khai ồ ạt các chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Tất nhiên, khi quyết định bung ra những chương trình khuyến mại “khủng” như vậy, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận thua lỗ về doanh thu và hiệu quả kinh doanh, nhưng đổi lại, họ sẽ thu hút được một số lượng lớn khách hàng tham gia mua bảo hiểm, tăng lượng truy cập vào website, qua đó tăng cường quảng bá thương hiệu.
Đối với việc cạnh tranh bằng giảm phí bảo hiểm, không chỉ ở kênh trực tuyến, mà cả ở kênh bán hàng truyền thống đến nay vẫn có những quan điểm khác nhau. Có những công ty không ủng hộ xu hướng này bởi họ cho rằng, phí rẻ có thể tại sự hấp dẫn cho khách hàng lúc mua, nhưng chưa hẳn đã là tốt khi họ không được chăm sóc đúng mức lúc cần làm bồi thường. Thói quen giảm phí cho khách hàng bằng nhiều cách không những vi phạm quy định của cơ quan chức năng, mà còn khiến cho thị trường bị rối loạn về giá.
Thực tế, theo các chuyên gia trong ngành bán hàng trực tuyến, thương mại trực tuyến nói chung và bảo hiểm trực tuyến nói riêng là một cuộc chơi dài hơi nên không thể chơi theo kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh”, dù có đổ nhiều tiền. Ngay cả việc triển khai các chương trình khuyến mãi lớn nếu không có chiến lược dài hạn thì cũng khó trụ vững.
Cùng với nhiều hoạt động khuyến mại rầm rộ, một xu hướng mới trong việc phát triển của bảo hiểm trực tuyến là các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác, các sàn thương mại điện tử, đồng thời xây dựng, đóng gói các sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho từng kênh phân phối. Với dự báo về sự bùng nổ về tiềm năng phát triển của thương mại điện tử, các doanh nghiệp bảo hiểm chắc chắn sẽ phải liên kết với các đối tác bên ngoài để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng doanh thu…
II. Tin quốc tế
Động đất 6,7 độ Richter tại Ấn Độ, ít nhất 6 người chết
(TNO) – Ít nhất 6 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương tại bang Manipur (Ấn Độ) sau trận động đất mạnh 6,7 độ Richter xảy ra sáng 04/01/2016.
Tại thành phố Imphal, thủ phủ bang Manipur, nhiều nhà cửa bị hư hỏng nặng và đổ sập, theo tờ Times of India ngày 04/01.
Trận động đất xảy ra vào 4 giờ 36 sáng 04/01, có tâm chấn tại huyện Tamenglong, cách Imphal 35 km, theo Cục khí tượng Ấn Độ.
Trong khi đó, đài RT (Nga) dẫn thông báo từ Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay tâm chấn sâu 55 km và cách thành phố Imphal 29 km về phía tây, gần biên giới với Myanmar. Rung lắc được cảm nhận tại các bang Tây Bengal, Arunachal Pradesh, Assam, Jharkhand, Bihar của Ấn Độ cũng như tại các nước lân cận như Bangladesh, Bhutan và Myanmar.
Thành phố Imphal có dân số hơn 400.000 người, trong khi toàn bang Manipur có khoảng 2.570.000 người.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Lực lượng phản ứng thảm hoạ quốc gia (NDRF) đã được điều đến những vùng bị ảnh hưởng. Văn phòng Thủ tướng cũng cho biết ông Modi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình.
Tổn thất do thiên tai năm 2015 giảm mạnh
(Insuranceasianews) – Theo Munich Re, 27 tỷ USD là tổng giá trị các tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm do thiên tai gây ra trong năm 2015 trên toàn cầu, là mức thấp nhất trong 6 năm tính từ năm 2009.
Trong bản báo cáo thường niên về thảm họa tự nhiên, Munich Re cho biết sở dĩ như vậy vì các cơn bão mạnh năm 2015 chỉ đổ bộ vào các vùng thưa dân cư và không gây sạt lở đất.
Thêm vào đó, hiệu ứng El Nino có tác động làm giảm số cơn bão tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2015 giảm xuống 90 tỷ USD so với mức 110 tỷ USD năm 2014, đồng thời chỉ bằng 1/2 với mức trung bình 10 năm (180 tỷ USD).
Tuy nhiên, tổng số người chết do thiên tai trong năm vừa qua lên tới 23.000 người, gấp 3 lần con số tương ứng năm 2013 (7.700 người). Phần lớn số người chết năm 2015 do trận động đất tại Nepal hồi tháng 4. Mặc dù vậy, theo Munich Re, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình 10 năm là 68.000 người.
Sau sáp nhập, Giám đốc Tài chính của Willis nghỉ việc với 3,75 triệu USD
(Bloomberg) – Willis Towers Watson Plc, doanh nghiệp vừa hoàn thành sáp nhập hồi tuần trước, cho biết ông John Greene, Giám đốc Tài chính, sẽ nghỉ việc trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, ông Greene vẫn tiếp tục làm việc cho Willis Towers Watson với cương vị tư vấn chuyển đổi và được nhận khoản thù lao trả một lần trị giá 3,75 triệu USD. Đồng thời, ông cũng sẽ được nhận quyền lợi tích lũy cho nhân viên và 1 năm bảo hiểm sức khỏe. Hợp đồng tư vấn của ông với Công ty sẽ kết thúc vào ngày 15/6 và có thể được điều chỉnh tùy vào tình hình thực tế.
Giao dịch sáp nhập giữa hãng môi giới bảo hiểm Willis và nhà tư vấn Towers Watson một mặt đem lại những lợi thế về thuế cho Towers Watson, mặt khác giúp Willis có đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong ngành bảo hiểm như Marsh & McLennan và Aon – những doanh nghiệp cũng kinh doanh hoạt động tư vấn.
Mặc dù các cổ đông của Willis sở hữu phần lớn cổ phần của công ty sau sáp nhập song ban điều hành mới lại được đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc Towers Watson trước đây – ông John Haley.
Ông Haley nói: “Willis Towers Watson có những lợi thế đặc biệt trong việc kết nối giữa nhân tài, tài sản và ý tưởng, cũng như cách thức đem lại hiệu quả hoạt động và tăng trưởng vượt trội cho khách hàng”.
Ông Roger Millay, nguyên Giám đốc Tài chính tại Towers Watson, giờ đây vẫn đảm nhiệm chức vụ này tại Willis Towers.
Willis hoàn thành thâu tóm Gras Savoye
(Actuarialpost) – Công ty mẹ thuộc Tập đoàn Willis (Willis Group Holdings plc) đã hoàn tất việc thâu tóm Gras Savoye, nhà môi giới bảo hiểm hàng đầu Pháp.
Ngày 22/4/2015, Willis thông báo chính thức chào mua 70% cổ phần còn lại tại Gras Savoye. Đến ngày 29/12/2015, giao dịch đã được hoàn tất sau khi được sự chấp thuận của cổ đông, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Willis và Gras Savoye sẽ đồng hành nhằm mang lại những lợi ích tốt nhất cho khách hàng, thúc đẩy sáng tạo và áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm quản lý rủi ro. Việc sáp nhập sẽ kết hợp tốt giữa mạng lưới toàn cầu của Willis và thế mạnh của Gras Savoye tại Pháp, Trung Âu, Đông Âu và châu Phi, tạo thành một quyền lực mới trên toàn cầu. Đồng thời, Gras Savoye sẽ tiếp tục giữ nguyên tên và thương hiệu của mình.
Giao dịch sáp nhập này được thực hiện trên nền tảng của 40 năm quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên nên sẽ đảm bảo giảm thiểu được những tác động bất lợi hậu sáp nhập.
Bên cạnh đó, thương vụ hợp nhất giữa Willis và Towers Watson được thông báo hôm 30/6 vừa qua dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2016. Khi đó, Gras Savoye sẽ trở thành một bộ phận thuộc Willis Towers Watson – tập đoàn toàn cầu với hơn 39.000 nhân viên tại trên 120 quốc gia.
Những thế mạnh mà Gras Savoye sẽ đóng góp vào doanh nghiệp sau sáp nhập:
• Danh tiếng tại thị trường Pháp – nơi Gras Savoye là nhà môi giới lớn nhất và chiếm vị trí hàng đầu tại thị trường các doanh nghiệp quy mô vừa.
• Khả năng tiếp cận các thị trường tăng trưởng cao như Trung và Đông Âu, Trung Đông và trên 30 quốc gia châu Phi.
• Kinh nghiệm chuyên sâu và khả năng tiếp cận khối khách hàng đa quốc gia, nhất là Pháp – quốc gia có 31 doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune Global 500, đứng thứ 4 toàn cầu và thứ nhất tại châu Âu.
• Đội ngũ chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực, bao gồm Xây dựng, Tài nguyên thiên nhiên và Giao thông, Nguồn nhân lực và Phúc lợi, Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông.
Trung Quốc thành lập quỹ đầu tư bảo hiểm nhằm cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng
(Insuranceasianews) – Cơ quan quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) vừa thành lập 1 quỹ đầu tư mới nhằm đầu tư trở lại 40 tỷ tệ (6,15 tỷ USD) nguồn vốn bảo hiểm vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Hôm thứ 2 tuần trước, CIRC cho biết quỹ này sẽ do Công ty Đầu tư bảo hiểm Trung Quốc quản lý. Đây là công ty mới được thành lập với số vốn 1,2 tỷ tệ và 46 cổ đông – trong đó có 27 công ty bảo hiểm, 15 công ty quản lý tài sản và 4 công ty tư nhân.
Hãng thông tấn Xinhua cho biết khoản đầu tư đầu tiên của Công ty sẽ là các dự án cảng của Công ty China Merchants Steam Navigation Company tại nước ngoài. Quỹ cũng sẽ hỗ trợ các dự án về khí thiên nhiên hóa lỏng giữa Trung Quốc với Nga.
Quỹ này đã được sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước trong tháng Bảy 2015. Tại thời điểm đó, quỹ dự kiến sẽ có số vốn tới 300 tỷ tệ.
Quỹ cũng sẽ được dùng để cấp vốn cho các dự án chiến lược như cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng đô thị, bảo tồn nguồn nước, Sáng Kiến Con Đường Tơ Lụa v.v…Quỹ cũng có thể đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi, hậu cần, y tế, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngành bảo hiểm Nhật Bản tiếp tục theo đuổi M&A trong năm 2016
(Insuranceasianews) – Năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn của Nhật Bản sẽ tiếp tục cuộc chơi M&A sau khi đã đầu tư hàng tỷ USD cho hoạt động này trong năm 2015.
Nippon Life đã thâu tóm đối thủ nhỏ hơn là Mitsui Life và khối kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng Quốc gia Australia trong năm trước, giờ đây vẫn còn 8,3 tỷ USD cho hoạt động M&A năm nay.
Ông Yoshinobu Tsutsui, Tổng Giám đốc Nippon Life, cho biết hãng sẽ tìm kiếm các giao dịch M&A tại Hoa Kỳ vì đây là thị trường lớn nhất trên thế giới.
Về phần mình, ông Tsuyoshi Nagano, Tổng Giám đốc Tokio Marine – doanh nghiệp đã mua lại HCC Insurance của Hoa Kỳ với giá khoảng 7,5 tỷ USD – nói với hãng tin Kyodo rằng công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các mục tiêu thâu tóm tại châu Á và châu Mỹ La tinh.
Một công ty bảo hiểm lớn khác của Nhật Bản, MS&AD Insurance, cũng cho biết họ đang hướng tới thị trường Mỹ, tương tự như cách làm của Dai-ichi Life mua lại Protective Life vào tháng 2/2015.
Generali bổ nhiệm Giám đốc quan hệ môi giới tại châu Á
(Insuranceasianews) – Khối bảo hiểm Doanh nghiệp và Thương mại toàn cầu của Generali (GC&C) vừa cử ông Giovanni di Meo tới châu Á để đảm nhận vị trí quản lý các mối quan hệ với khách hàng doanh nghiệp, thương mại và môi giới khu vực châu Á.
Ông Di Meo có nhiệm vụ nâng cao vị thế của Generali trong khu vực thông qua các giải pháp thúc đẩy hoạt động phân phối và phát triển năng lực của đội ngũ bán hàng.
Bình luận về sự kiện này, ông Hayden Seach, Giám đốc GC&C châu Á, nói: “ông Di Meo hoàn toàn thích hợp với vai trò dẫn dắt các nhu cầu của nhà môi giới và khách hàng tới các giải pháp bảo hiểm phù hợp”.
Trước khi chuyển tới châu Á, ông Di Meo là Giám đốc Marketing và giải pháp giá trị của GC&C tại Milan, Italia, với vai trò chính là định vị lại thương hiệu Generali trong lĩnh vực bảo hiểm doanh nghiệp trên toàn cầu.
Trước đó, ông từng là Giám đốc sáng tạo, có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và giới thiệu các chiến lược phân phối đa kênh.
Từ năm 2010 đến 2013, ông là thành viên HĐQT Finest – công ty tài chính thuộc sở hữu của các tổ chức công và ngân hàng tư nhân tại Italia, cung cấp vốn và kỹ năng cho doanh nghiệp Italia để thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường nước ngoài.
BTV (tổng hợp).
Comments are closed.