TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN12

FWD hoàn tất thương vụ M&A tại Malaysia; Thay đổi lãnh đạo Generali Châu Á; BIC và SGI ký kết biên bản ghi nhớ

I, Tin trong nước

1, Tin bồi thường, tổn thất

MIC chi trả bảo hiểm cho gia đình 2 học sinh chết đuối tại Hòa Bình

(MIC) – Sáng ngày 27/3/2019, Đoàn cán bộ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã đến thăm hỏi, động viên, trao tiền bồi thường bảo hiểm học sinh cho gia đình 2 em Trương Anh Minh và Nguyễn Đức Huy tại Hòa Bình.

Em Trương Anh Minh và Nguyễn Đức Huy (sinh năm 2007), hiện đang là học sinh lớp 6 trường THCS Hữu Nghị, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trước đó vào ngày 20/3/2019, em Minh và Huy nằm trong nhóm 10 em ra sông Đà (phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình) tắm sông và không may bị chết đuối.

Ngay sau khi nhận được thông tin, MIC đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục và thực hiện nghĩa vụ, gửi lời chia buồn mong gia đình 2 em sớm vượt qua nỗi mất mát to lớn này.

Cháy lớn cơ sở sản xuất đệm mút ở Hà Nội

TPO – Chiều tối 31/3, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở sản xuất đệm mút, ghế sofa tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Theo thông tin ban đầu, vụ cháy xảy ra vào khoảng 17h53 ngày 31/3 tại hộ kinh doanh đệm mút ghế sofa do ông Trần Văn Tiên thuê xưởng sản xuất của một hộ dân thôn Nghĩa Hảo (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ).

Vào thời điểm trên, người dân phát hiện lửa khói bốc lên nghi ngút tại cơ sở sản xuất của ông Tiên nên hô hoán mọi người chữa cháy, đồng thời báo cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, cảnh sát PCCC&CNCH công an huyện Chương Mỹ huy động 3 xe chữa cháy và nhiều cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.

Đến khoảng hơn 18h cùng ngày, lực lượng chức năng đã dập tắt được đám cháy.
Vụ cháy xảy ra tại khu xưởng sản xuất có diện tích khoảng 300m2 (xây tường gạch, lợp mái tôn), đồng thời ảnh hưởng tới một nhà dân liền kề.

Hiện tại, lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đồng thời xác định thiệt hại.

2, Một vòng doanh nghiệp

BIC và SGI ký kết biên bản ghi nhớ nhằm phát triển bảo hiểm bảo lãnh

(BIC) – Ngày 26/03/2019, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) đã tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ nhằm phát triển bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam.

Lễ ký kết có sự tham dự và chứng kiến của Ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Về phía các bên tham gia ký kết có ông Kim Sang Taek, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SGI, ông Trần Hoài An, Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc BIC, cùng sự góp mặt của các lãnh đạo cấp cao của cả hai bên.

Theo biên bản được ký kết, BIC và SGI sẽ hợp tác trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam. Hai bên cũng sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc đề xuất các Cơ quan quản lý Nhà nước cải tiến, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho sự phát triển của bảo hiểm bảo lãnh.

Theo ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC, bảo hiểm bảo lãnh vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp mới chỉ quen với hình thức bảo lãnh ngân hàng, đồng thời, các quy định pháp lý cho nghiệp vụ này cũng chưa thực sự hoàn thiện. Hiện nay, thị trường bảo hiểm mới chỉ ghi nhận một vài doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên thực hiện một số dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh và chủ yếu là bảo lãnh cho nhà thầu nước ngoài hoặc bảo lãnh cho các nhà thầu xây dựng công trình nội ngành. Tuy nhiên, theo ông An, tiềm năng phát triển bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam là rất lớn. Với dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định trong thời gian tới, nhu cầu bảo lãnh sẽ gia tăng. Bảo hiểm bảo lãnh sẽ cung cấp cho khách hàng thêm một kênh đảm bảo an toàn tài chính và đóng góp một phần vào tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.

Về phía SGI, ông Kim Sang Taek, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SGI, đánh giá BIC là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn tại Việt Nam, có năng lực tài chính vững mạnh và nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ nói chung và bảo hiểm bảo lãnh nói riêng. Trong khi đó, SGI là công ty bảo hiểm bảo lãnh hàng đầu tại Hàn Quốc, đã hợp tác với các định chế triển khai bảo hiểm bảo lãnh tại nhiều nước trên thế giới. Hợp tác giữa 2 doanh nghiệp hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của bảo hiểm bảo lãnh tại thị trường Việt Nam.

Biên bản được ký kết là lời khẳng định của BIC và SGI trong việc nâng quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới thông qua giao kết hợp tác cụ thể hơn, gắn kết và mạnh mẽ hơn để phát triển bảo hiểm bảo lãnh trở thành một sản phẩm có vị trí và tỷ trọng doanh thu cao tại thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới.

Thành lập Phòng Kinh doanh ABIC khu vực Hà Giang

(ABIC) – Sáng 9/3/2019 tại trụ sở Agribank tỉnh Hà Giang, ABIC Phú Thọ tổ chức lễ công bố quyết định về việc thành lập Phòng Kinh doanh khu vực Hà Giang trực thuộc ABIC Phú Thọ và quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ Phòng Kinh doanh khu vực Hà Giang.

Đến dự buổi lễ về phía ABIC có sự hiện diện của Ông Lê Hồng Quân – Thành viên HĐQT Công ty, Ông Lê Đình Huy Phó giám đốc phụ trách chi nhánh ABIC Phú Thọ, cùng các ông bà trong ban giám đốc, các trưởng phó phòng của chi nhánh ABIC Phú Thọ và cán bộ tại Phòng Kinh doanh khu vực Hà Giang.

Về phía Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang có sự hiện diện của Ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang, Cùng các ông/ bà trong ban Giám Đốc, trưởng các phòng nghiệp vụ tại hội sở tỉnh và các giám đốc Agribank chi nhánh loại II trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Lê Hồng Quân Thành viên HĐQT Công ty đã ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Phòng KDKV Hà Giang đồng thời có ý kiến chỉ đạo, động viên các cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo.

Cũng tại buổi lễ Ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã ghi nhận những đóng góp của Phòng KDKV Hà Giang tới sự phát triển chung của Agribank trong những năm vừa qua. Đồng thời khẳng định mong muốn Agribank và ABIC tiếp tục đồng hành, bán chéo sản phẩm để đem lại các dịch vụ hữu ích và đa dạng cho khách hàng.

Nhìn lại 10 năm nỗ lực phấn đấu phát triển, Điểm kinh doanh khu vực Hà Giang từ thời điểm ban đầu chỉ với 01 cán bộ, doanh thu còn hạn chế, đến hết năm 2018 đã có 04 cán bộ hoạt động, với doanh thu đạt 8,6 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch giao. Doanh thu kế hoạch năm 2019 dự kiến đạt 11 tỷ đồng.

Điểm kinh doanh khu vực Hà Giang thông qua 19 phòng giao dịch, Chi nhánh huyện của Agribank để cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng, hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo hiểm bao phủ khắp các huyện thị trên toàn tỉnh Hà Giang, từng bước khẳng định vị thế của ABIC trên địa bàn.

Ghi nhận những nỗ lực của Điểm kinh doanh khu vực Hà Giang, Hội đồng quản trị công ty đã xem xét và chấp thuận nâng cấp thành Phòng Kinh doanh Khu vực Hà Giang.

3, Quản lý thị trường bảo hiểm

Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019

(ĐTCK) – Tại hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019 ngày 29/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp và năng lực kinh doanh.

Cùng với đó, rà soát lại các hoạt động kinh doanh, các sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm theo cách thức hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tránh cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng an toàn về thị trường tài chính.

Theo thống kê từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, năm qua, năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm được tăng cường.

Đã có 18 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tăng vốn điều lệ, trong đó có 13 doanh nghiệp bảo hiểm và 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với tổng số tiền là hơn 20.400 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị cũng cho biết, trước tình hình lãi suất Chính phủ giảm, Cục quản lý và giám sát bảo hiểm đã chủ động theo dõi tình hình tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tình hình vốn chủ sở hữu không đáp ứng quy định như Generali, Metlife, VCLI….

Đồng thời, có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng thanh toán, bổ sung vốn, quản lý dòng tiền, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp bảo đảm quyền lợi và cam kết với khách hàng, rà soát hoạt động đầu tư, tính toán mức lãi suất.

Liên quan đến tiềm năng của thị trường, tại Hội nghị, ông Hải cũng khẳng định dư địa để các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động cũng như tương lai phát triển các sản phẩm bảo hiểm tại Việt Nam còn rất lớn.

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng cho rằng, tiềm năng của bảo hiểm vẫn còn rất lớn sau khi kết thúc năm 2018 với nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, từ công tác xây dựng thể chế, đến kết quả kinh doanh, chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã đạt chỉ tiêu về doanh thu, tổng tài sản, đầu tư, dự phòng, tổng nguồn vốn… với mức tăng trưởng 2 con số và nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có lãi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhưng tiềm năng của bảo hiểm trong tất cả các lĩnh vực trong xã hội còn rất lớn, trong khi đó công tác quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa theo kịp đòi hỏi của thị trường”, ông Khánh nói.

Người đứng đầu Cục quản lý và giám sát bảo hiểm cũng cho rằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện một số đề án, đặc biệt là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)… sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, tháo gỡ cơ bản những khó khăn vướng mắc hiện nay.

Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Cũng tại Hội nghị, ông Hải đã đề nghị Cục quản ký và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế pháp luật về thị trường bảo hiểm và trọng tâm là xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể về Đề án tái cấu trúc thị trường bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trình Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể năm 2019 và những năm tiếp theo.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2018 thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, các doanh nghiệp bảo hiểm cơ bản đảm bảo an toàn tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển hiệu quả.

Cụ thể, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt hơn 160.000 tỷ đồng, tương đương 2,9% GDP. Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt hơn 27.000 tỷ đồng.

Năm 2019, cơ quan quản lý thị trường cũng dự kiến mức tăng trưởng 20%, tăng cường tính an toàn, bền vững, hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng, góp phần ổn định nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; đồng thời, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của thị trường.

4, Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ

(IRT) – Sáng ngày 18/3/2019, tại Thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ từ ngày 18 đến 23 tháng 3 năm 2019 cho các học viên đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Trong thời gian 5,5 ngày đào tạo, khóa học trang bị cho các học viên những kiến thức về lý thuyết và thực tế trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: Tổng quan về bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm; bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm trách nhiệm và tái bảo hiểm.

Tại khóa đào tạo, ngoài việc cung cấp những kiến thức về các nghiệp vụ trong bảo hiểm phi nhân thọ, giảng viên còn đưa ra các tình huống thực tế trên thị trường, phương hướng giải quyết và giải đáp các vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình triển khai nghiệp vụ tại đơn vị. Khóa đào tạo đã luôn nhận được sự đánh giá cao từ các học viên tham gia học tập. Khóa đào tạo tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2019.

5, Bảo hiểm với cộng đồng

ABIC hiến máu nhân đạo

(ABIC) – Sáng ngày 18/03/2019, tại Trụ sở chính Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Tầng 6, Tòa nhà 29T1 Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra ngày hội hiến máu nhân đạo mang tên “ABIC – Giọt hồng hy vọng”.

Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta về tình yêu thương cộng đồng. Với sự hưởng ứng của lãnh đạo, cán bộ nhân viên và đoàn viên thanh niên, Đoàn thanh niên cơ sở ABIC và Công đoàn phối hợp với Viện huyết học truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu mang tên “ABIC – Giọt hồng hy vọng” kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/03/1931 – 26/03/2019) và hưởng ứng các hoạt động của tháng thanh niên do Đoàn khối DNTW và Đoàn thanh niên Agribank phát động.

Đây là lần đầu tiên ABIC tổ chức thực hiện, Chương trình đã thu hút 105 người đăng ký bao gồm Lãnh đạo, Công đoàn viên và Đoàn viên thanh niên tại Trụ sở Chính, ABIC Hà Nội, ABIC Phú Thọ. Ngoài những chế độ cho người hiến máu theo quy định của Bộ Y tế, Cán bộ nhân viên ABIC tham gia hiến máu được còn được công ty chi trả thêm kinh phí xét nghiệm chuyên sâu để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa bệnh tật.

MIC trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Bạch Mai

(MIC) – Bệnh viện Bạch Mai được biết đến là cơ sở y tế khám và chữa bệnh uy tín hàng đầu cả nước, tại đây hàng ngày có hàng ngàn bệnh nhân đang được thăm khám và điều trị. Nhiều người bệnh, họ coi bệnh viện chính là “Nhà” của mình. Xuất phát từ tấm lòng dành cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các khoa của Bệnh viện Bạch Mai, nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019), ngày 20/3/2019, Tổng Công Ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã tổ chức chương trình “MIC trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn – 2019” nhằm chung tay san sẻ nỗi đau của các bệnh nhân và hướng tới các hoạt động tình nguyện.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, MIC luôn nỗ lực để chia sẻ rủi ro với cộng đồng bằng sự thấu hiểu và sẻ chia. Chính vì vậy trong quá trình hoạt động, MIC luôn gắn liền với các hoạt từ thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống đóng góp tích cực vào sự bình an, sự thịnh vượng của xã hội.

Tập đoàn SGI Hàn Quốc hỗ trợ 50 gia đình tại Hòa Bình

(ĐTCK) – 50 tình nguyện viên từ Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (Seoul Guarantee Insurance – SGI) Hàn Quốc đến Việt Nam tham gia dự án xây nhà theo đội nhóm do Habitat for Humanity Việt Nam (Habitat Vietnam) thực hiện tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, 50 hộ gia đình tại xã Cuối Hạ sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Cụ thể, dự án hỗ trợ 8 căn nhà mới, 22 căn nhà được nâng cấp, cũng như cung cấp hệ thống nước sạch và vệ sinh (WATSAN) cho 20 hộ gia đình và công trình WATSAN cho 450 giáo viên và học sinh của một trường THCS của xã.

Bên cạnh đó, tổ chức cũng chú trọng tăng cường nhận thức thông qua buổi tập huấn vệ sinh thân thể và môi trường (WASH) cho các em học sinh. Với mong muốn đóng góp một phần công sức của mình vào dự án, tập thể 50 nhân viên SGI tình nguyện tham gia quá trình xây dựng 4 trong 8 căn nhà mới của các hộ gia đình thuộc dự án.

SGI được thành lập vào năm 1969, là một tổ chức bảo lãnh hàng đầu của Hàn Quốc thông qua việc thu được 1,8 tỷ USD doanh thu phí bảo hiểm và 396 triệu USD thu nhập ròng trong năm 2018. SGI mở chi nhánh tại Hà Nội năm 2014, trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đầu tiên có chi nhánh tại Việt Nam.

II, Tin quốc tế

Thay đổi lãnh đạo Generali Châu Á

(IAN) – Tin tức cho biết, ông Ken Lai, Giám đốc đánh giá rủi ro phát hành tại Châu Á tại công ty Bảo hiểm Doanh nghiệp và Thương mại Toàn cầu Generali (của Italia), sẽ trở thành Giám đốc Bảo hiểm Doanh nghiệp và Thương mại toàn cầu khu vực châu Á, tiếp sau quyết định bổ nhiệm ông Hayden Seach.

Ông Seach đã giữ vị trí này tại châu Á kể từ tháng 4 năm 2014 và sẽ chuyển đến Milan để đảm nhận vai trò mới, cao cấp hơn tại Generali.

Đồng thời, ông Kelvin Woo, Giám đốc đánh giá rủi ro tài sản và thiệt hại (P&C) châu Á, sẽ tiếp quản vai trò Giám đốc đánh giá rủi rotừ ông Lai. Ông Woo là một quản lý cấp cao đã có thời gian làm việc lâu năm tại Generali.

Những thay đổi trên chưa được chính thức xác nhận. Tuy nhiên nếu xảy ra thì chúng có thể sẽ có hiệu lực trong hai tháng tới. Generali từ chối bình luận về vấn đề này.

Ông Roberto Leonardi là một quản lý khu vực của Generali Châu Á Thái Bình Dương – nơi hãng đang hiện diện tại 10 thị trường.

Nhận xét về kết quả của công ty năm 2018, ông Leonardi nói: “Kết quả kinh doanh năm 2018 của chúng tôi cho thấy công ty đã kết thúc tốt đẹp kế hoạch chiến lược 2015-2018, hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra. Châu Á chứng tỏ tiềm năng của mình với sự đóng góp ngày càng tăng cho phân khúc bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

Đây là kết quả của sự làm việc chăm chỉ và cống hiến của các chi nhánh công ty tại tám quốc gia châu Á. Công ty đang ở vị thế tốt để hướng tới các mục tiêu mới trong kế hoạch chiến lược Generali 2021, và tự tin rằng châu Á sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng của chúng tôi”.

Zhong An:tổn thất lớn mặc dù doanh thu phí tăng mạnh

(IAN) – Tổng doanh thu phí bảo hiểm của Zhong An Online đạt tốc độ tăng rất lớn trong năm 2018 tới 89%, lên 11,3 tỷ Tệ (1,68 tỷ USD). Tuy nhiên, tổn thất cũng ở mức cao với 1,8 tỷ Tệ (tương đương 268 triệu USD) so với 996 triệu Tệ trong năm 2017.

ZhongAnOnlinebị ảnh hưởng bởi tỷ lệ hoạt động kết hợp là 120,9% (mặc dù cải thiện 12 điểm phần trăm so với năm 2017), một khoản lỗ đầu tư do sự suy giảm kinh tế toàn cầu và tăng đầu tư vào công ty Thông tin và Dịch vụ công nghệZhongAn.

Tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽđối với lĩnh vực ngoài xe cơ giới và công ty hiện đang kiểm soát 31% thị phần bảo hiểm phi xe cơ giới trực tuyến tại Trung Quốc. Công ty cho biết tăng trưởng doanh thu phí từ bảo hiểm sức khỏe, tài chính tiêu dùng và xe cơ giới là 225,3%.

Hiện, công ty đang cung cấp dịch vụ cho hơn 400 triệu người và 56% khách hàng của họ dưới 35 tuổi.

Công ty cho biết họ đang hướng tới tăng trưởng chất lượng cao hơn với trọng tâm lớn hơn là lợi nhuận, tận dụng công nghệ và dữ liệu lớn.

Jin Chen, đồng Tổng Giám đốc của ZhongAn Online, cho biết: “Mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô phức tạp và cạnh tranh ngày càng gay gắt trên toàn ngành, ZhongAn Online vẫn cố gắng đạt được sự tăng trưởng vững chắc, nhờ vào sự cống hiến của công ty cho chiến lược động cơ kép của Bảo hiểm + Công nghệ”.

Ông Chen nói thêm: “Chúng tôi phá vỡ cách làm bảo hiểm truyền thống bằng công nghệ và bằng cách xuất khẩu bí quyết kỹ thuật của chúng tôi và một mô hình kinh doanh đã được chứng minh được phát triển và cải tiến trong vài năm qua. Chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh có tiềm năng, như bảo hiểm sức khỏe, tài chính tiêu dùng và hệ sinh thái tự động, để hiện thực hóa sự tăng trưởng chất lượng cao. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nền tảng internet hàng đầu để cải thiện hơn nữa các chỉ số kinh doanh bảo hiểm và tỷ lệ kết hợp”.

Zhong An hiện đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Cổ phiếu của Zhong An xông đã gặp khó khăn kể từ IPO hồi năm 2017 và hiện có giá trị 27,05 đô la Hồng Kông so với 59,7 đô la Hồng Kông tại thời điểm IPO.

FWD hoàn tất thương vụ M&A tại Malaysia

(IAN) – Hãng bảo hiểm Hồng Kông FWD đã bổ nhiệm ông Salim Majid Zain làm Tổng Giám đốc FWD Takaful. Tên cũ của công ty này là HSBC Amanah Takaful (Malaysia).
Ông Zain (ảnh) sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo, giám sát và phát triển tất cả các khía cạnh của công ty.

Gần đây nhất, ông Salim là Tổng Giám đốc của Zurich Takaful Malaysia trong 12 năm. Ông nghỉ việc tại đây vào tháng 1/2019 và người kế nhiệm là ông Mukash Dhawan.

Quyết định bổ nhiệm này diễn ra đồng thời với thời điểm Tập đoàn FWD đã đạt được tất cả các phê duyệt cần thiết để hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của công ty bảo hiểm HSBC Holdings Châu Á Thái Bình Dương, HSBC Amanah Takaful (Malaysia).

FWD đã trở thành cổ đông lớn nhất trong liên doanh và dự định đổi tên doanh nghiệp thành FWD Takaful. Đây sẽ là thị trường thứ chín của công ty trên toàn khu vực và cũng là đơn vị kinh doanh bảo hiểm takaful đầu tiên của Tập đoàn.

Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Huỳnh Thanh Phong, nói: “Malaysia đại diện cho việc xâm nhập vào một thị trường mục tiêu và là cột mốc chiến lược khác trong hành trình của chúng tôi. FWD thấy tiềm năng phát triển lớn ở Malaysia và tôi rất vui khi được hợp tác với đội ngũ FWD mới tại Malaysia để phát triển kinh doanh và dấu ấn của Tập đoàn thông qua đầu tư dài hạn và thực hiện chiến lược hướng tới khách hàng”.

Các cổ đông khác của HSBC Amanah Takaful bao gồm Malaysia ED JAB Capital Bhd (31%) và
Employees Provident Fund (20%).

Giám đốc Rủi ro của Lloyd’s chuyển việc

(IBM) – Bà Hilary Weaver (ảnh) gia nhập Lloyd’s Luân đôn từ tháng 5 năm 2004sau khi làm việc tại KPMG trong gần 13 năm. Giờ đây, hãng đã thông báo cho biết bà Weaver sẽ nghỉ việc tại Lloyd’s vào cuối tháng 3/2019.

Bà là thành viên của Ban điều hành Lloyd’s từ năm 2016, khi đó với tư cách là Trưởng phòng kiểm toán nội bộ. Bà còn là người chủ trì nhóm đa dạng của Lloyd’s và là thành viên sáng lập của Ủy ban Inclusion@Lloyd’s.

Bà Weavernói: “Lloyd’s là một thương hiệu toàn cầu mạnh và tôi tự hào về những gì công ty đã đạt được trong thời gian tôi ở đây”.

“Trong thời gian làm việc tại đây, tôi đã phục vụ bốn đời CEO và ba đời Chủ tịch và vì vậy nghĩ rằng đã đến lúc cần tìm kiếm thử thách tiếp theo. Mặc dù không còn tiếp tục làm việc nhưng tôi mong muốn được nhìn thấy thị trường Lloyd’s tiếp tục thành công”.

Với vai trò là Giám đốc Rủi ro, bà Weaver là người đại diện cho Lloyd’s trong Cục Gian lận bảo hiểm và cũng là thành viên của tiểu ban bảo hiểm hành nghề của Cơ quan quản lý Quy định Thận trọng.

Ông John Neal, Tổng Giám đốc Lloyd’s, nhận xét: “Bà Hilary đã đóng góp đáng kể trong 16 năm qua, gần đây nhất là trong việc xây dựng chức năng quản lý rủi ro của Tập đoàn. Chúng tôi rất cảm ơn và gửi tới bà những lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai”.

Campuchia tăng mạnh doanh thu phí bảo hiểm năm 2018

(IAN) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Campuchia, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2018 tại thị trường Campuchia đã đạt 196,4triệu đô la Mỹ so với mức 151,6 triệu đô la Mỹ năm 2017. Đóng góp chính cho kết quả này là nhờ doanh thu bảo hiểm nhân thọ với tỷ trọng gần 30%.

Cụ thể, tổng phí bảo hiểm nhân thọ tăng 51% và bảo hiểm P&C tăng 15%. Phí bảo hiểm xe cơ giới tăng 26%, bảo hiểm tài sản tăng 15% và bảo hiểm tai nạn/sức khỏe cá nhân tăng 12%.

Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Campuchia, ông Huy Vatharo nhận xét: “Với sự hiểu biết ngày càng tăng của người dân Campuchia về lợi ích của bảo hiểm, tôi không nghi ngờ gì về việc ngành này sẽ tiếp tục đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và những năm tới”.

Tính đến năm ngoái, có 12 công ty bảo hiểm P&C và 8 công ty bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại vương quốc này. Tính tổng thể, các công ty bảo hiểm đã chi trả tổng cộng 22,3 triệu đô la Mỹ trong thời gian 12 tháng.

Trong khi đó, Công ty Đường và Cầu Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đường cao tốc Campuchia đầu tiên với mức giá khoảng 2 tỷ USD và là tuyến đường bốn làn kéo dài 190km giữa Phnom Penh và thành phố cảng phía tây nam đất nước Sihanoukville. Sau khi hoàn thành vào năm 2023, dự kiến sẽ cắt giảm hành trình từ năm giờ xuống chỉ còn hai giờ.

Hanwha Life bổ nhiệm Đồng Tổng Giám đốc

(IAN) – Trong một cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tuần trước, hãng bảo hiểm nhân thọ Hanwha có trụ sở tại Seoul đã bổ nhiệm ông Yeo Seung-joo làm đồng Tổng Giám đốc.Ông tham gia điều hành cùng Tổng Giám đốc kiêm Phó chủ tịch Cha Nam-gyu.

Ông Seung-joo là một Giám đốc điều hành giàu kinh nghiệm với việc lãnh đạo hoạt động M&A và quá trình chuyển đổi của các công ty Hanwha khác trong Tập đoàn.

Ông đã làm việc tại Tập đoàn từ năm 2012 với vai trò Giám đốc kế hoạch chiến lược và đã quản lý tất cả các bộ phận tài chính của Tập đoàn kể từ năm 2017. Trước đó, ông là Giám đốc điều hành của Hanwha Investment & Securities Co.

Được biết, Hanwha Life là nhà thầu tiềm năng cho công ty thẻ tín dụng và bảo hiểm Lotte Card của Hàn Quốc, có khả năng thực hiện đấu thầu chung với công ty cổ phần tư nhân MBK Partners.

Hanwha Life được thành lập vào năm 1946 và là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên hoạt động tại Hàn Quốc. Tổng tài sản hiện đã đạt trên 100 tỷ USD. Hãng còn có sự hiện diện ở Trung Quốc và Việt Nam.

China Life: lợi nhuận giảm 65%

(IAN) – Lợi nhuận ròng của Life Life China là 11,5 tỷTệ (1,71 tỷ USD) trong tài chính 2018; đây là mức giảm lớn 64,7% so với năm 2017.

Hãng có tổng doanh phí bảo hiểm là Rmb535,8 tỷ đồng, tăng 4,7% theo năm. Điều này có nghĩa là thị phần của công ty đạt 20,4%, là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Trung Quốc.

China Life cho biết, môi trường vĩ mô 2018 rất phức tạp và không ổn định, và việc tái cấu trúc ngành bảo hiểm đã vượt quá mong đợi về cả chiều sâu và chiều rộng.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại một chút vào năm ngoái với lãi suất có xu hướng giảm trên thị trường trái phiếu và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán chỉ đứng sau năm 2008; kết quả là cả thu nhập chênh lệch và giá trị hợp lý thông qua lãi hoặc lỗ của cổ phiếu và quỹ đều âm.

Hãng cho biết, họ đã tiếp tục thực hiện các chiến lược đầu tư của mình về đầu tư dài hạn, đầu tư giá trị và đầu tư thận trọng và duy trì lợi nhuận đầu tư ròng ổn định bằng cách nắm bắt cơ hội lãi suất tương đối cao ở các giai đoạn nhất định và tăng phân bổ vào tài sản lãi suất cố định trong thời kỳ dài.

Điều kiện kinh tế không ổn định ở Trung Quốc khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn; tuy nhiên nền kinh tế đã tăng trưởng trong quý I.

Aon bổ nhiệm Lãnh đạoM&A và giải pháp giao dịch

(IBM) – Hãng môi giới hàng đầu Aon đã bổ nhiệm ông Edwin Charnaud làm Chủ tịch hoạt động M&A và giải pháp giao dịch khu vực Trung Đông và châu Phi.

Bắt đầu từ ngày 15 tháng Tư, Charnaud sẽ hướng dẫn nhóm giải pháp M&A và giao dịch khu vực và đóng góp những hiểu biết chiến lược để giúp thực hiện kế hoạch tăng trưởng của mình. Ông cũng sẽ tập trung vào việc củng cố mối quan hệ với các khách hàng quỹ cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng.

Trước khi gia nhập Aon, ông Charnaud đã làm việc tại Marsh với vai trò chủ tịch cơ sở hạ tầng toàn cầu và là người đứng đầu EMEA quỹ cổ phần tư nhân và M&A từ năm 2004. Trước đây, ông cũng từng làm việc tại Willis.

Trong tuyên bố gần đây, Aon viết: “Ông Charnaud mang đến nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho khách hàng liên quan đến vốn cổ phần tư nhân, M&A và các giao dịch cơ sở hạ tầng.

Ông Alistair Lester, Tổng Giám đốc M&A và các giải pháp giao dịch Aon khu vực EMEA, nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi Edwin sẽ tham gia với tư cách là chủ tịch EMEA của Aon M&A và các giải pháp giao dịch. Từ lâu, ông đã được công nhận là một cá nhân ưu việt trong lĩnh vực quỹ cổ phần tư nhân, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái M&A của chúng tôi. Ông ấy là người mà tôi đã ngưỡng mộ và tôn trọng từ lâu; ông ấy có một hồ sơ rất mạnh trên thị trường và chúng tôi sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kinh nghiệm và hiểu biết của anh ấy khi công ty tiếp tục theo đuổi tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên gia và giải pháp bảo hiểm giao dịch sáng tạo cho cộng đồng M&A”.

BTV (Tổng hợp).