Lloyd’s châu Á ra mắt tổ hợp năng lượng tái tạo mới; PVI hoàn thành mục tiêu khát vọng 10.000 tỷ đồng; Generali vào “Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021”
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy lớn kho vải chợ Ninh Hiệp, nhiều tài sản bị thiêu rụi
(Laodong) – Vụ cháy xảy ra tại một kho chứa vải thuộc khu vực kho vải xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khiến nhiều tài sản của tiểu thương bị thiêu rụi.
Tối 30/12, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) – xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ hoả hoạn ở kho chứa vải cạnh chợ Ninh Hiệp.
Theo đó, vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 17h30 cùng ngày, tại khu vực nhà kho chứa vải cạnh chợ Ninh Hiệp. Ngay sau đó, gần 10 xe cứu hoả cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đã có mặt tại hiện trường triển khai công tác cứu hộ cứu nạn.
Sau khi hỏa hoạn bùng phát, hàng chục tiểu thương trong chợ vội vã dọn đồ đạc, di tản tài sản đi nơi khác. Tuy nhiên, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng khiến nhiều tiểu thương hoảng loạn, bất lực trước cảnh tài sản bị thiêu rụi.
Cũng theo cơ quan chức năng, đến hơn 20h cùng ngày, đám cháy vẫn đang bùng phát dữ dội, hiện các lực lượng PCCC, công an cùng chính quyền đang tích cực di dời hàng hóa và khống chế, dập tắt ngọn lửa.
Anh Nguyễn Cương – người dân sống gần khu vực chợ Ninh Hiệp – chia sẻ: “Chợ vải Ninh Hiệp là nơi từng xảy ra nhiều vụ cháy, nhưng chưa bao giờ chợ cháy to như thế này”.
Đến gần 21h cùng ngày, lực lượng chức năng chưa thể thống kê về thiệt hại vụ hỏa hoạn.
- Một vòng doanh nghiệp
Bảo hiểm PVI hoàn thành mục tiêu khát vọng: 10.000 tỷ đồng doanh thu
(PVI) – Xác định năm 2021 sẽ là một năm gặp vô vàn khó khăn, thách thức do dịch bệnh covid -19 kéo dài và ngày càng có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021, Ban Lãnh đạo và tập thể CBNV Bảo hiểm đã đặt ra mục tiêu rất thách thức nhưng cũng đầy khát vọng: 10.000 tỷ đồng doanh thu đồng thời duy trì vị trí số 1 thị trường về quy mô vốn điều lệ và hiệu quả nghiệp vụ.
Không nằm ngoài dự đoán, làn sóng covid lần thứ 4 ập đến đã tác động nặng nề lên nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là khu vực miền Nam, nơi có rất nhiều đơn vị thành viên lớn của Bảo hiểm PVI đang hoạt động. Nền kinh tế bị đình trệ, đứt gẫy chuỗi cung ứng, xáo trộn thị trường lao động và sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, với chiến lược kinh doanh đúng đắn cùng với các giải pháp linh hoạt, thích ứng đã được đề ra trước đó giúp Bảo hiểm PVI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về thị phần và duy trì vị trí số 1 thị trường về hiệu quả kinh doanh cũng như đứng đầu về các chỉ tiêu tài chính khác như vốn điều lệ, tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận trước thuế và tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu… Bên cạnh đó, tên tuổi Bảo hiểm PVI cũng được xướng lên tại nhiều lễ trao giải danh giá: Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc nhất Việt Nam; Công ty bảo hiểm phi nhân thọ tốt nhất Việt Nam 2021, Công ty bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam 2021…
Trong không khí về đích đầy khí thế của cả hệ thống Bảo hiểm PVI, bảng vinh danh lần lượt gọi tên các Ban, các Đơn vị thành viên đã hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu: Bảo hiểm PVI Quảng Nam, Bảo hiểm PVI Thái Nguyên, Bảo hiểm PVI Huế, Ban Bảo hiểm Dự án, ban Bảo hiểm Hàng hải, Ban Tái Bảo hiểm, Ban Bảo hiểm Hàng không, Ban Bảo hiểm Dầu khí. Với sự đóng góp không ngừng nghỉ “vượt bão” của từng cá nhân, từng tập thể trong hệ thống Bảo hiểm PVI, các đơn vị về đích sớm đã góp phần viết lên khúc ca khải hoàn 10.000 tỷ doanh thu đầy tự hào, đầy ấn tượng chào mừng tuổi trẻ 25 năm PVI trong những ngày cuối cùng của năm 2021.
Khép lại 1 năm đầy biến động nhưng với rất nhiều trái ngọt, Bảo hiểm PVI tiếp tục tự tin bước vào năm 2022 với các đỉnh cao mới, khát vọng mới, sẵn sàng trong hành trình ghi dấu ấn trên bản đồ bảo hiểm của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Bảo hiểm Hàng không cán đích doanh thu 2.000 tỷ đồng
(VNI) – Bất chấp những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã kiên cường vượt “bão” Covid-19 chinh phục mốc doanh thu bảo hiểm 2.000 tỷ đồng ngay những ngày cuối năm 2021. Tuần qua, VNI đã tổ chức sự kiện chào mừng thành tích đáng tự hào này theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của bà Lê Thị Hà Thanh, đại diện ban lãnh đạo tại trụ sở chính và các điểm cầu truyền hình trên toàn hệ thống.
13 năm dựng xây và phát triển, đến nay VNI đã không ngừng ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường bảo hiểm với vốn điều lệ tăng gấp đôi (đạt 1.000 tỷ đồng), doanh thu tăng tới 20 lần (đạt hơn 2.300 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 30%/năm và tổng tài sản tăng lên 5 lần (đạt 3.000 tỷ đồng). Số lượng công ty thành viên cũng tăng gấp 9 lần với 45 Công ty và 1.600 CBNV trên toàn hệ thống.
Ngay thời khắc khép lại năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp với biến chủng mới, VNI đã xuất sắc lập kỳ tích doanh thu vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Đáng tự hào hơn, mức tăng trưởng 100% doanh thu bảo hiểm gốc này lại đến từ 2 năm mà nền kinh tế chịu tác động nặng nề chưa từng có bởi “bão” Covid.
Chia sẻ tại sự kiện, Tổng Giám đốc Trần Trọng Dũng nhấn mạnh “Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện vị thế của VNI trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tạo tiền đề để VNI phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chinh phục những đỉnh cao mới trong những năm tiếp theo. Với những kết quả đạt được trong những năm qua, tôi tin rằng với quyết tâm và nỗ lực hết mình, không khó khăn nào chúng ta không thể vượt qua, không gian nan nào làm chúng ta chùn bước.”
Với tinh thần đồng tâm hợp lực; VNI luôn chủ động thích ứng và linh hoạt nhiều chính sách kinh doanh để thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh doanh. Minh chứng là doanh thu từ các nghiệp vụ chính của VNI vẫn liên tục tăng trưởng hiệu quả. Không chỉ tạo nên doanh thu vượt trội, VNI còn đạt vị trí Top 1 Doanh thu bảo hiểm TNDS xe cơ giới và Top 5 Doanh thu Bảo hiểm nghiệp vụ xe cơ giới trên thị trường.
Thay mặt HĐQT và Ban lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT Lê Thị Hà Thanh ghi nhận và gửi lời cảm ơn tới những cống hiến, nỗ lực của 1.600 CBNV VNI đã cùng tạo nên những thành tựu của VNI ngày hôm nay. “Với tất cả niềm tin và tự hào, doanh thu VNI đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Tôi kêu gọi toàn thể CBNV VNI tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nhanh chóng thích ứng để tìm ra các giải pháp hiệu quả với trạng thái bình thường mới. Đồng thời tận dụng thời cơ để VNI tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất và lượng trong những năm tiếp theo, hiện thực hóa mục tiêu tiến vào Top 5 Doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ. Những gì chúng ta đã đạt được chỉ là điểm khởi đầu trên chặng đường của những cột mốc xa hơn. Chúng ta luôn phải nỗ lực, cố gắng, quyết tâm để cùng nhau đoàn kết, cống hiến trí tuệ bản lĩnh tạo dựng thương hiệu VNI ngày một lớn mạnh, mang đến niềm tin cho khách hàng, cổ đông. Chúc các CBNV VNI luôn mạnh khỏe, bình an, đoàn kết cùng nhau vươn lên những tầm cao mới trong hành trình phát triển của VNI.” – Chủ tịch HĐQT Lê Thị Hà Thanh chia sẻ.
Bảo Việt: Top 6/100 Báo cáo tích hợp tốt nhất thế giới do LACP bình chọn
(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt được Hiệp hội Truyền thông chuyên nghiệp Hoa Kỳ (League of American Communication Professional-LACP) vinh danh với nhiều hạng mục giải thưởng; nổi bật nhất là Giải Bạch kim dành cho Báo cáo thường niên và Giải Bạch kim Báo cáo phát triển bền vững xuất sắc nhất ngành tài chính – bảo hiểm.
Chất lượng báo cáo của Bảo Việt đã được hội đồng thẩm định đánh giá cao khi đạt điểm tuyệt đối 9 hạng mục quan trọng nhất với tổng điểm 99/100, báo cáo của Bảo Việt được xếp hạng 6/100 báo cáo tốt nhất thế giới (Worldwide Top 100 Reports Rankings: 6) và xếp hạng 4/80 báo cáo tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Asia – Pacific Top 80 Reports Ranking: 4).
Trong mùa giải năm nay, Bảo Việt vinh dự đạt nhiều giải thưởng, trong đó nổi bật là Giải Bạch kim dành cho báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững xuất sắc nhất ngành tài chính – bảo hiểm (Best reports within its industry: Platinum Award) và thuộc Top 5 báo cáo tốt nhất Việt Nam (Country – Based Honors: Top 5 Vietnamese Reports).
Với thông điệp “Bình thường mới – Tâm thế mới” tại cả 2 báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững, Bảo Việt thể hiện một tinh thần sẵn sàng thay đổi cách thức vận hành, quản trị, kinh doanh để phù hợp với hành vi, nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh kinh doanh song hành cùng đại dịch Covid-19.
Nếu báo cáo thường niên sử dụng phong cách thiết kế isometric hiện đại cùng infographics minh họa đã được công phu thực hiện đem lại điểm nhấn 3D ấn tượng thì báo cáo phát triển bền vững mang tới bức tranh với nhiều mảng màu sắc tương phản của cuộc sống khi con người nhận ra các hệ quả của tư duy kinh doanh ngắn hạn và bỏ qua các vấn đề về phát triển bền vững. Từ đó, trong trạng thái bình thường mới, Bảo Việt mang đến một tâm thế mới tràn đầy năng lượng để sẵn sàng ứng phó với thách thức và nắm bắt những cơ hội mới.
Khi doanh nghiệp thực hiện tốt việc báo cáo toàn diện cùng các thông tin minh bạch thì lợi ích của nhà đầu tư cũng được gia tăng và đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, Bảo Việt đã tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc lập báo cáo như: báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC) để thông tin được tích hợp và lượng hóa đến các chỉ tiêu cụ thể một cách đầy đủ trên các khía cạnh tài chính, quản trị, trách nhiệm môi trường và xã hội. Cùng với việc sử dụng Thẻ điểm quản trị ASEAN phiên bản mới nhất, Bảo Việt còn áp dụng tiêu chuẩn GRI Standards. Đây là bộ tiêu chuẩn mang tới phương pháp tiếp cận toàn diện, đầy đủ và có hệ thống nhất từ trước tới nay, được Bảo Việt tiên phong áp dụng để lập báo cáo phát triển bền vững liên tục trong 4 năm vừa qua.
Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn của các doanh nghiệp trong nước khi phải thích ứng với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, nhờ sớm đầu tư vào nền tảng công nghệ, củng cố nội lực, cũng như chính sách ứng phó linh hoạt, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Bảo Việt vẫn đạt được tăng trưởng khả quan. Trong vai trò là một doanh nghiệp đầu ngành, Tập đoàn Bảo Việt luôn duy trì vị trí là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế và cổ tức. Ngày 30/11/2021, Tập đoàn Bảo Việt đã dành gần 667 tỷ đồng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2020, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến năm 2021 lên tới gần 9.500 tỷ đồng tiền mặt.
Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 24.000 tỷ đồng…
Generali được vinh danh “Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021”
(ĐTCK) – Generali Việt Nam vừa được vinh danh “Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021” theo khảo sát của Anphabe.
Khảo sát này đo lường sự hài lòng của nhân viên về công ty dựa trên 6 nhóm tiêu chí: Danh tiếng công ty, Tưởng thưởng, Cơ hội phát triển, Môi trường làm việc, Lãnh đạo và quản lý, Chất lượng công việc cuộc sống và Sức hấp dẫn thương hiệu nhà tuyển dụng từ những đánh giá khách quan của người đi làm cùng ngành.
Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam: “Xây dựng Generali trở thành ‘Hơn cả một nơi làm việc’ với một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, gắn kết, năng động, sáng tạo và hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược trở thành Người bạn Trọn đời của khách hàng của Generali Việt Nam. Kết quả này sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào đội ngũ nhân sự và môi trường làm việc của mình”.
Trong năm 2021, hàng loạt sáng kiến của chiến lược nhân sự “Hơn cả một nơi làm việc” của Generali đã được triển khai thành công. Cụ thể, với thế mạnh tiên phong về công nghệ, Generali đã số hóa hầu hết các hoạt động của công ty, bao gồm các quy trình quản lý nhân sự như hệ thống thông tin nhân sự tích hợp và xuyên suốt GenME, nền tảng đào tạo huấn luyện WeLearn, ứng dụng ghi nhận và khen thưởng GenCoins mang đến nhiều trải nghiệm thuận tiện, thú vị cho đội ngũ và nâng cao hiệu quả công việc.
Generali cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình Phát triển Nhân tài Generali, chương trình Quản trị viên tập sự Genext. Ngoài việc được đào tạo, khai vấn và hưởng các phúc lợi đặc biệt, các “hạt giống” nhân tài này cũng có cơ hội học tập kinh nghiệm ở các công ty trong tập đoàn ở châu Âu và các nước châu Á…
Bên cạnh đó, Generali Việt Nam xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng ý nghĩa, thiết thực, tạo cơ hội cho đội ngũ tham gia đóng góp, thiện nguyện, nâng cao giá trị tinh thần, ý nghĩa công việc và niềm tự hào đối với công ty.
Trước đó, Generali cũng được vinh danh doanh nghiệp xuất sắc ở hai giải thưởng “Gắn kết Nhân viên” và “Ứng dụng công nghệ & Đột phá nhân sự” thuộc hạng mục “Nhân Sự Xuất Sắc” tại chương trình “Chứng nhận Việt Nam xuất sắc – Vietnam Excellence 2021”, ghi nhận cho thành công của chiến lược quản trị nhân sự, phát triển con người và môi trường làm việc tại đây.
MIC và Viettel Post ký kết hợp tác toàn diện
(TBTCO) – Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa ký kết hợp tác toàn diện. MIC hợp tác với Viettel Post hướng tới xây dựng mối quan hệ chiến lược bền vững, phát huy thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh của mỗi đơn vị nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Với thỏa thuận hợp tác toàn diện này, MIC và Viettel Post sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ do hai bên cung cấp, giúp lựa chọn được các giải pháp tối ưu chi phí và mở rộng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, MIC sẽ sử dụng các dịch vụ do Viettel Post cung cấp, trong đó có dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ quảng bá hình ảnh tại mạng lưới bưu cục và sử dụng nền tảng số của Viettel Post,…
Bên cạnh đó, phía Viettel Post cũng cam kết sử dụng các dịch vụ phía MIC cung cấp như: Bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm sức khỏe cho cán bộ nhân viên và phân phối các sản phẩm của MIC trên các nền tảng và mạng lưới của Viettel Post.
Hiện nay, MIC là thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam bảo vệ cho hàng triệu khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời nhận được sự tin tưởng của các thương hiệu lớn. MIC có trên 160 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ bảo vệ đa dạng nhu cầu cùng các quyền lợi thiết thực trong cuộc sống như: Bảo hiểm xe máy – ô tô, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm nhà tư nhân,…và được khẳng định uy tín thông qua các giải thưởng khách hàng, đối tác bình chọn như: Top 5 Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín, Top 2 Sản phẩm dịch vụ được khách hàng hài lòng về trải nghiệm số…
Tham dự sự kiện, ông Đinh Như Tuynh – Chủ tịch Ủy ban điều hành MIC chia sẻ: “MIC hiện nay đã có mạng lưới 69 công ty thành viên và trên 4.500 địa lý toàn quốc. Tuy nhiên, với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, chương trình hợp tác này sẽ giúp gia tăng các điểm chạm để từ đó mang đến cho khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất mọi lúc mọi nơi”.
MIC hy vọng chương trình hợp tác này sẽ giúp khách hàng có thêm những lựa chọn mới về dịch vụ bảo hiểm, đồng thời thiết kế cho ra mắt các sản phẩm tích hợp giữa bảo hiểm và logistics mang tới cho khách hàng tiện ích, tối ưu lợi ích trong một dịch vụ.
Bên cạnh đó tăng cường phát triển đối tác, đặc biệt là những đối tác lớn, khai thác chéo các mảng dịch vụ khác nhau, tận dụng hiệu quả mạng lưới để tăng thêm giá trị và tiện ích cho khách hàng là một hướng đi để cộng hưởng giá trị các bên và nhân lên lợi ích chung.
Ông Trần Trung Hưng – Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết: “Hiện nay, Viettel Post đã có mặt tại 63 tỉnh thành toàn quốc, hệ thống bưu cục, điểm giao dịch đến tận vùng sâu vùng xa, huyện đảo. Đây cũng là thế mạnh của Viettel Post để mở rộng điểm phân phối bảo hiểm của MIC và gia tăng thêm tiện ích cho các khách hàng của Viettel Post”.
MIC và Viettel Post tin rằng, chương trình hợp tác toàn diện này sẽ là “cánh tay” nối dài giúp đẩy mạnh truyền thông, phát triển thương hiệu của cả hai đơn vị đến gần hơn với khách hàng trong thời gian tới. Đồng thời, là điểm mốc thể khẳng định sự thành công trong chiến lược chuyển đổi số của cả hai bên, tạo điều kiện để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm cơ bản với trải nghiệm đơn giản, thuận tiện mọi lúc, mọi nơi.
Ngân hàng Bắc Á thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Bảo hiểm Quân đội
(MIC) – Trung tuần tháng 12/2021, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) vừa chính thức ký kết hợp tác với Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) – đánh dấu cột mốc quan trọng cho chiến lược kinh doanh của cả hai bên.
Thỏa thuận hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho khách hàng của BAC A BANK dễ dàng tiếp cận danh mục sản phẩm bảo hiểm đa dạng của MIC ngay tại 146 Chi nhánh/ Phòng giao dịch trên toàn quốc. Không những được tối ưu quyền lợi bảo hiểm, Khách hàng có thể sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán phí bảo hiểm qua thẻ ghi nợ, dịch vụ ngân hàng điện tử… vô cùng đơn giản, thuận tiện.
Khởi đầu quan hệ hợp tác chiến lược này, dựa trên phân khúc khách hàng cá nhân hiện có, BAC A BANK và MIC giới thiệu các sản phẩm thiết yếu như Bảo hiểm hiểm xe ô tô; Bảo hiểm nhà; Bảo hiểm tài sản; Bảo hiểm hàng hóa; Bảo hiểm tín dụng cá nhân… được thiết kế chuyên biệt phù hợp với nhu cầu người dùng. Đặc biệt hiện nay MIC có hệ thống bệnh viện liên kết bảo lãnh trực tiếp tại 170 bệnh viện và 250 gara ô tô liên kết mang lại sự thuận tiện cho khách hàng. Đồng thời các chương trình bảo vệ được thiết kế linh hoạt với mức phí cạnh tranh nhất thị trường.
Đại diện Bảo hiểm Quân đội – Ông Đinh Như Tuynh – Chủ tịch Ủy Ban điều hành chia sẻ: “Thoả thuận hợp tác với BAC A BANK nằm trong chiến lược phát triển đa kênh của MIC giai đoạn 2021- 2025 nhằm kiện toàn hệ thống phân phối – tư vấn dịch vụ bảo hiểm toàn diện, hiện đại và tận tâm với mục tiêu cuối cùng là mang lại giải pháp bảo vệ tốt nhất cho khách hàng mỗi bên.”
Về phía Ngân hàng TMCP Bắc Á, ông Đặng Trung Dũng – Phó Tổng Giám đốc thường trực – Ngân hàng Bán lẻ nhấn mạnh: “Trong nỗ lực cung cấp giải pháp tài chính toàn diện, hiệu quả, BAC A BANK rất chú trọng nâng cao giá trị gia tăng tới Khách hàng. Trên cơ sở triển khai thành công mô hình bancassurance cùng các đối tác uy tín, BAC A BANK một lần nữa mong muốn quan hệ hợp tác với MIC sẽ “gặt hái quả ngọt” khi Khách hàng cùng lúc trải nghiệm vô vàn tiện ích từ dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm.”
Trong thời gian tới, BAC A BANK và MIC sẽ tiếp tục nghiên cứu, ra mắt các sản phẩm bảo hiểm thiết thực cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, mang đến cho khách hàng cá nhân – doanh nghiệp thêm nhiều lựa chọn ưu việt để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Là ngân hàng đa năng, hiện đại, BAC A BANK hiện đạt mức vốn điều lệ 7.085 tỷ đồng với mạng lưới hoạt động trải dài toàn quốc gồm 1 Hội sở, 45 chi nhánh, 146 điểm giao dịch tại 32 tỉnh thành kinh tế trọng điểm. Với thế mạnh về chất lượng nhân sự cùng dịch vụ khách hàng tận tâm, BAC A BANK chắc chắn sẽ song hành cùng MIC trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm ngân hàng – bảo hiểm tới đông đảo Khách hàng.
Chủ tịch VINARE nhận bàn giao Cơ quan VINABAI từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm
(VINARE) – Ngày 24/12/2021, tại trụ sở Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã ký quyết định bàn giao Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (VINABAI) cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiếp quản. Theo đó, Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị VINARE, Chủ tịch Cơ quan VINABAI đã ký quyết định nhận bàn giao Cơ quan VINABAI từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Đến tham dự buổi lễ bàn giao có ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, ông Ngô Xuân Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng các thành viên.
Cơ quan VINABAI được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007, căn cứ theo Nghị định thứ số 05 ngày 08/4/2001 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (ASEAN), được Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước ASEAN ký ngày 08/4/2001 tại Kuala Lumpur – Malaysia. Tính đến nay, chương trình đã tròn 20 năm hoạt động tại khu vực.
PTI bổ nhiệm hai Phó Tổng giám đốc mới trong năm 2021
(PTI) – Cuối tháng 12 năm 2021, tại Trụ sở chính Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã diễn ra lễ công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp cao. Theo đó, PTI sẽ có thêm 02 Phó tổng giám đốc mới là ông Hoàng Mạnh Huyên và ông Đỗ Phúc Hiệp.
Hai tân Phó Tổng giám đốc của PTI đều có nhiều năm công tác và gắn bó với PTI. Ông Hoàng Mạnh Huyên từng nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm LaneXang (LAP) và có nhiều đóng góp cho PTI khi ở vai trò Trợ lý Tổng giám đốc PTI. Trong khi đó, gia nhập PTI từ năm 2010 tới nay với vai trò Giám đốc ban Công nghệ thông tin, ông Đỗ Phúc Hiệp đã góp nhiều công sức cho tiến trình chuyển đổi số tại PTI, giúp việc số hóa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Mạnh Huyên cho biết không chỉ từng có thời gian gắn bó với PTI, ông còn có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại Bưu điện Việt Nam, do đó ông hiểu rõ và đặt kì vọng rất lớn vào việc phát triển kênh VNPost tại doanh nghiệp này. Trước đó, trong nhiều năm, PTI luôn được biết đến là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có mạng lưới rộng lớn phủ khắp cả nước với hơn 10.800 điểm bán hàng tại các bưu điện và bưu cục.
Với định hướng trở thành doanh nghiệp tiên phong về ứng dụng công nghệ thông tin, trong 3 năm trở lại đây, PTI luôn tập trung dành nguồn lực cho việc phát triển hệ thống, chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ ưu việt, linh hoạt, vững chắc, làm cơ sở cho phát triển và triển khai các dịch vụ khác. Việc bổ nhiệm Giám đốc ban CNTT – ông Đỗ Phúc Hiệp – vào vị trí Phó Tổng giám đốc cho thấy tham vọng của doanh nghiệp này trong tiến trình chuyển đổi số.
Với quyết định bổ nhiệm cùng lúc 02 thành viên ban Tổng giám đốc, PTI sẽ hoàn thiện hơn cơ cấu nhân sự điều hành, bổ sung những nhân sự có trình độ chuyên môn cao và có nhiều năm kinh nghiệm công tác vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Hai phó tổng mới quản lý ban VNPost và ban Công nghệ thông tin sẽ cùng với ban lãnh đạo hiện tại tiếp tục đưa PTI trở thành doanh nghiệp có dẫn đầu thị trường về công nghệ và chất lượng lượng dịch vụ theo đúng như mục tiêu kỳ vọng mà doanh nghiệp này đang đặt ra.
Hanwha Life Việt Nam ra mắt “Bảo hiểm hỗ trợ viện phí toàn cầu”
(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam giới thiệu sản phẩm mới – Bảo hiểm hỗ trợ viện phí toàn cầu, nhằm hỗ trợ chi trả một khoản tiền cho mỗi ngày nằm viện giúp khách hàng yên tâm chữa bệnh, sớm quay lại cuộc sống và công việc thường nhật.
Là sản phẩm bảo hiểm bổ sung đi kèm với sản phẩm bảo hiểm chính, Bảo hiểm hỗ trợ viện phí toàn cầu hướng tới nhóm khách hàng trong độ tuổi từ 25 – 45 tuổi, từ những người làm công việc tự do, còn độc thân đến những người đã lập gia đình.
Sản phẩm bảo hiểm này sẽ hỗ trợ tài chính khi khách hàng phải nhập viện điều trị, bảo vệ khách hàng mọi lúc, mọi nơi trên hành trình cuộc sống, tùy theo gói bảo hiểm mà khách hàng đã tham gia và sau thời gian chờ theo quy định của sản phẩm bảo hiểm.
Khi tham gia Bảo hiểm hỗ trợ viện phí toàn cầu, khách hàng sẽ được chi trả 100% số tiền bảo hiểm cho mỗi ngày nằm viện, được chăm sóc sức khỏe dài lâu đến năm 75 tuổi.
Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng những quyền lợi gia tăng khác như: được chi trả thêm một khoản bằng số tiền bảo hiểm khi nằm viện tại khoa/phòng chăm sóc đặc biệt (ICU); hoặc 6 lần số tiền bảo hiểm khi cần phải phẫu thuật.
Đặc biệt, trong trường hợp khách hàng mắc các bệnh như Sốt rét, Sốt xuất huyết Dengue hoặc Rubella, Hanwha Life Việt Nam sẽ hỗ trợ ngay cho khách hàng một khoản tiền gấp 2 lần số tiền bảo hiểm cho mỗi bệnh sau khi nhận được kết quả chẩn đoán.
Và cùng với phạm vi bảo hiểm đã được mở rộng khắp toàn cầu, khách hàng có thể yên tâm cho những chuyến du lịch, công tác tại nước ngoài nếu có vấn đề về sức khỏe.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm nhân thọ khai phá “miền đất mới”
(ĐTCK) – Sau đại lý, tổng đại lý và bancassurance, những mô hình cũ được cho là đã hết dư địa khai thác, các công ty bảo hiểm nhân thọ bắt đầu đẩy mạnh hơn việc khai phá “miền đất mới” là các đại lý tổ chức.
Bắt tay đại lý tổ chức, mở rộng kênh phân phối
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn ở mức thấp trong khu vực, GDP tăng trưởng đều đặn ở mức cao, lợi thế nhân khẩu học… là những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển dài hạn của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hiện tại, để gia tăng thị phần, chiến lược của hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn là mở rộng kênh phân phối. Theo đó, các nhà bảo hiểm bắt đầu đẩy mạnh hơn việc hợp tác với đối tác mới là đại lý tổ chức, sau khi các mô hình cũ như đại lý, tổng đại lý hay liên kết với ngân hàng (bancassurance) đã cạn dư địa khai thác.
Đơn cử, mới đây, Hanwha Life Việt Nam thông báo sẽ hợp tác với ASIANLINK – một đại lý tổ chức cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ, để bán chéo các sản phẩm bảo hiểm, sau khi đại lý tổ chức này ký kết hợp tác chiến lược với Bảo hiểm VietinBank (VBI) vào đầu tháng 11/2021 vừa qua. Qua mối quan hệ hợp tác này, hệ thống kinh doanh của ASIANLINK và VBI sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, phân phối sản phẩm của Hanwha Life Việt Nam, đồng thời đem đến giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng.
Trước đó, BIDV MetLife cũng công bố mối quan hệ hợp tác với một đại lý tổ chức là Công ty TND Assurance nhằm mục đích mở rộng kênh phân phối tại Việt Nam.
So với đại lý cá nhân hay tổng đại lý, đại lý tổ chức phát triển sau, nên kế thừa được những ưu điểm của mô hình cũ và rất thành công tại các thị trường phát triển như Bắc Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, mô hình này còn khá mới mẻ, nhưng cũng đã đạt được những thành công nhất định. Thực tế, nhiều khách hàng tìm đến các đại lý tổ chức không chỉ để được tư vấn về bảo hiểm nhân thọ, mà còn là các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như du lịch, nhà cửa, ô tô, cháy nổ…, cho thấy sự linh hoạt của đại lý tổ chức, giúp khách hàng được cung cấp giải pháp toàn diện và mang đến sự hài lòng cao nhất.
Trong một diễn biến khác, cũng nhằm mở rộng kênh phân phối, AIA Việt Nam mới cho ra mắt 2 sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử Tiki. Đây là bước khởi đầu trong thỏa thuận hợp tác “chiến lược – toàn diện – độc quyền” 10 năm giữa AIA Việt Nam và Tiki.
“Cùng với Tiki, AIA Việt Nam muốn thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm trực tuyến bằng cách thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, thiết thực, phí thấp và tận dụng sức mạnh của công nghệ để đưa bảo hiểm gần gũi hơn với người dân Việt Nam”, ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam nói.
Cùng với những tên tuổi cũ, “tân binh” Shinhan Life cũng sẽ chính bước vào cuộc đua chinh phục thị trường 100 triệu dân này từ tháng 1/2022. Hiện vẫn chưa rõ chiến lược tạo nên sự khác biệt của tân binh này, nhưng với lợi thế về tài chính, công nghệ cũng như kinh nghiệm từ Tập đoàn mẹ Shinhan, Shinhan Life được đánh giá sẽ là cái tên “đáng gờm” trên thị trường nhân thọ Việt Nam.
Sẵn sàng đối mặt với thử thách
Đại dịch Covid-19 một mặt mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng mặt khác cũng mang đến sự tích cực, đó là góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo đó, người tiêu dùng giờ đây đã quen thuộc hơn với các dịch vụ giao dịch trực tuyến, điều này phần nào được thể hiện qua con số hơn 75% số người được khảo sát mong muốn được quản lý hợp đồng bảo hiểm của họ theo hình thức trực tuyến tại cuộc khảo sát “Manulife Asia Care Survey” tiến hành đầu năm 2021, thời điểm làn sóng dịch thứ 4 chưa bùng phát tại Việt Nam.
Điểm đáng ghi nhận nữa là sau khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ, tỷ lệ khách hàng tham gia và tương tác với các công ty bảo hiểm bằng hình thức trực tuyến không những không giảm, mà còn tăng lên.
“Hơn 2/3 khách hàng của chúng tôi tiếp tục tương tác với công ty qua hình thức trực tuyến”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Là doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào công nghệ, Generali đã nhanh chóng thích ứng với “bình thường mới”, xem dịch bệnh là “chất xúc tác” để thay đổi mạnh mẽ hơn công tác phục vụ khách hàng, quản lý và huấn luyện đại lý, với mục tiêu vừa nâng cao trải nghiệm của khách hàng, vừa tăng cường tính hiệu quả.
Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, hiện nay, toàn bộ công tác quản lý, phục vụ khách hàng, hỗ trợ kinh doanh của Công ty đã có thể thực hiện “không giấy”, chẳng hạn như xóa bỏ quy định nộp chứng từ gốc trong giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử, tăng cường giao kết hợp đồng bảo hiểm trực tuyến (remote selling)…, nhờ vậy mà chỉ số đo lường mức độ hài lòng khách hàng của Generali luôn ở mức cao.
“Generali sẽ còn đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt một số sản phẩm mới đáp ứng đầy đủ các nhu cầu bảo vệ, đầu tư và chăm sóc sức khỏe của khách hàng”, bà Tina Nguyễn thông tin.
Còn theo ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số toàn diện để có thể đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Thông qua các giải pháp công nghệ số, Manulife Việt Nam cũng hy vọng có thể thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa khách hàng và Công ty.
- Tin quốc tế
Lloyd’s châu Á ra mắt tổ hợp năng lượng tái tạo mới
(AIR) – Lloyd’s, thị trường hàng đầu thế giới về các giải pháp rủi ro thương mại, doanh nghiệp và chuyên biệt, đã thành lập một tổ hợp năng lượng tái tạo mới, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia hỗ trợ. Đây là một phần trong lộ trình Lloyd’s chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng xanh hơn.
Tổ hợp này được phát triển bởi nền tảng Lloyd’s Châu Á, tập hợp chuyên môn và năng lực đánh giá rủi ro đối với rủi ro năng lượng tái tạo và được định vị để tận dụng các cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực này, chẳng hạn như xây dựng trên bờ, cũng như rủi ro hoạt động của năng lượng mặt trời và các dự án năng lượng gió.
Tổ hợp này có sự tham gia của Chaucer, Markel và Munich Re Syndicate và có công suất làm việc tối đa 100 triệu đô la cho mỗi dự án.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo đã có sự tăng trưởng đáng kể ở châu Á trong thập kỷ qua, với sự mở rộng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và điện gió, đồng thời các quốc gia lớn trong khu vực đang đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. ASEAN đã đặt ra mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng trong khu vực – đến năm 2025 thu được 23% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp từ năng lượng tái tạo.
Dự kiến Châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục vượt trội hơn các khu vực khác với tư cách là thị trường đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới với công suất được dự đoán sẽ tăng lên đến 2 terawatt vào năm 2030.
Ant Group đóng cửa nền tảng tương hỗ chăm sóc sức khỏe
(AIR) – Theo tin từ Bloomberg, Ant Group cho biết họ sẽ đóng cửa nền tảng chăm sóc sức khỏe tương hỗ Xianghubao vào ngày 28 tháng 1 trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt các quy định về dịch vụ tài chính.
Xianghubao, ra mắt vào năm 2018, cung cấp cho người dùng một kế hoạch sức khỏe cơ bản bao gồm nhiều loại bệnh hiểm nghèo khác nhau. Các thành viên chia sẻ chi phí y tế của bất kỳ người nào bị bệnh.
Nền tảng này có 75 triệu người dùng, ít hơn 25% so với cuối năm 2020. Kể từ khi ra mắt, Xianghubao đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho chi phí y tế của 179.000 thành viên, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.
Vào tháng 9 năm 2020, CBIRC cho biết các nền tảng hỗ trợ tương hỗ trực tuyến có các tính năng của bảo hiểm thương mại nhưng không được kiểm soát, đồng thời rủi ro của chúng cũng “không phải là không đáng kể” vì các nền tảng này có hàng triệu người dùng.
Hai năm vừa qua, các nhóm khác đã đóng cửa các chương trình hỗ trợ sức khỏe tương hỗ trên Internet. Trong số đó có công ty giao đồ ăn Meituan và công ty công cụ tìm kiếm Baidu.
Malaysia: Các công ty bảo hiểm được đề nghị cứu trợ chi phí sửa chữa cho xe bị lũ lụt
(AIR) – Một nhà hoạt động vì người tiêu dùng đã kêu gọi các công ty bảo hiểm giảm 50% chi phí sửa chữa các phương tiện bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn do lượng mưa “có một trong 100 năm” gây ra kể từ ngày 17 tháng 12 năm 2021.
Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia (FOMCA), ông Marimuthu Nadason cho biết, “Nhiều xe cộ đã được phát hiện không có bảo hiểm cho các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt. Có tới 95% chủ xe sẽ không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào cho chi phí sửa chữa”.
“Các công ty bảo hiểm nên xem xét những trường hợp như vậy miễn là khách hàng đã mua bảo hiểm tại công ty”, ông nói.
Ông Marimuthu nêu rõ một số lý do tại sao các chủ phương tiện đã bỏ qua việc bảo hiểm ô tô của họ trước các thảm họa thiên nhiên.
“Thứ nhất, đa số người Malaysia không biết rằng các sản phẩm bảo hiểm cung cấp bảo hiểm mang tính tùy chọn cho các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt.
“Thứ hai, các công ty bảo hiểm đã không tư vấn cho người mua xe về bảo hiểm này trước khi họ tham gia bảo hiểm.
“Cuối cùng, lũ lụt ngày càng lan tràn và người Malaysia, đặc biệt là từ Selangor, đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của chúng.”
Ông Marimuthu cho biết FOMCA dự định gửi thư tới Ngân hàng Trung ương Negara và chính phủ để can thiệp bằng cách đề nghị các công ty bảo hiểm quảng bá các sản phẩm bảo hiểm thiên tai cho công chúng.
Tổng Hiệp hội Bảo hiểm Malaysia (PIAM) đã ước tính rằng các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải đối mặt với 2 tỷ MYRn (479 triệu USD) đến 3 tỷ MYR (718 triệu USD) trong tổng số yêu cầu bồi thường liên quan đến lũ lụt. Các ước tính này bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân thực tế và tiềm năng và các rủi ro thương mại do hậu quả trực tiếp từ lũ quét và mùa gió mùa trong thời gian tới.
Ngoài tổng chi phí bồi thường ước tính do lũ lụt, ngành bảo hiểm nói chung đang quyên góp 2,43 triệu MYR cho Quỹ cứu trợ lũ lụt mới được thành lập vào tháng 12 năm 2021, như một sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) để hỗ trợ cộng đồng lái xe bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời điểm khó khăn. Hỗ trợ CSR này ban đầu sẽ ở dạng trợ cấp cho việc dọn dẹp tại các xưởng của các xe cộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt (thay vì sửa chữa ở giai đoạn này), giới hạn ở mức trợ cấp 500 MYR cho ô tô hoặc xe thương mại và 100 MYR cho một xe máy. Với điều kiện, chiếc xe này phải đang được bảo hiểm hoặc bảo hiểm lần cuối vào ngày 1 tháng 6 năm 2021.
Đài Loan: China Development Financial Holding hoàn tất thâu tóm China Life
(AIR) – China Development Financial Holding Corp đã hoàn tất việc tiếp quản China Life Insurance, biến công ty bảo hiểm nhân thọ 59 tuổi trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Trung Quốc.
The Taipei Times đưa tin cho biết, China Life, công ty có mặt trên Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan từ năm 1995, không còn giao dịch cổ phiếu của mình trên bảng chính từ ngày 30 tháng 12.
Được thành lập vào năm 1963, China Life là một trong những công ty bảo hiểm lâu đời nhất ở Đài Loan, trong khi China Development Financial được thành lập vào năm 2001.
Theo tuyên bố từ công ty, China Life sẽ giữ tên công ty và biểu tượng của mình, và quyền lợi của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tiếp quản. Tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện tại sẽ vẫn có hiệu lực với các điều kiện và điều khoản không thay đổi.
China Life đã báo cáo lợi nhuận ròng 28,42 tỷ Đài tệ (1,03 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 76% so với giai đoạn tương ứng vào năm 2020. Tổng tài sản đạt mức kỷ lục 2,26 nghìn tỷ Đài tệ tính đến cuối tháng 9 năm 2021.
China Development Financial Holding Corp cho biết họ hy vọng sẽ thu được nhiều đóng góp lợi nhuận hơn từ China Life. Từ nay, China Life cùng với KGI Securities, KGI Bank và CDIB Capital Group sẽ trở thành một trong bốn trụ cốt chính của tập đoàn.
Hồng Kông: Cơ quan bảo hiểm giới thiệu các Kế hoạch Liên kết Bảo vệ
(AIR) – Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông (IA) tuần trước đã ra mắt các Kế hoạch Liên kết Bảo vệ (PLP), một danh mục mới của các sản phẩm thuộc Chương trình Bảo đảm Liên kết Đầu tư (ILAS), cung cấp mức độ bảo vệ cao được tích hợp sẵn.
Cơ quan quản lý cũng đã ban hành một lưu ý để chính thức hóa quy trình bật đèn xanh cho việc đánh giá các sản phẩm của ILAS. Ghi chú cung cấp thêm thông tin về các yêu cầu liên quan đến thiết kế sản phẩm và công bố thông tin, v.v., đặc biệt chú ý đến các sản phẩm ILAS có mức độ bảo vệ bảo hiểm cao, đồng thời bổ sung hướng dẫn bổ sung và quy trình ủy quyền nâng cao liên quan đến các sản phẩm ILAS do Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) giới thiệu vào tháng 11 năm 2021.
Quy trình đèn xanh hợp lý hóa các thủ tục áp dụng quy định liên quan thông qua sự phối hợp nâng cao giữa IA và SFC. Theo cơ chế nâng cao, một khi công ty bảo hiểm được IA bật đèn xanh, thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể nộp đơn đăng ký của mình lên SFC để được cấp phép.
Ngoài ra, IA đã cập nhật Ghi chú Diễn giải của Hướng dẫn Bán các Sản phẩm thuộc Chương trình Bảo đảm Liên kết Đầu tư (GL26) để đưa ra các tính năng của PLP một cách chi tiết hơn.
Bà Carol Hui, giám đốc điều hành các nghiệp vụ dài hạn của IA, cho biết: “Mục đích của PLP là giới thiệu một sản phẩm có yếu tố bảo vệ tỷ lệ tử vong cao hơn, cấu trúc phí đơn giản và minh bạch và các lựa chọn quỹ hạn chế để thu hẹp khoảng cách bảo vệ và tạo điều kiện cho việc bao gồm tài chính. Với sự ra mắt của PLP, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích việc lập kế hoạch nghỉ hưu sớm của thế hệ trẻ không được phục vụ và mở rộng các lựa chọn sản phẩm có sẵn trên thị trường để đáp ứng nhu cầu lập kế hoạch nghỉ hưu của một cá nhân trong suốt vòng đời của mình”.
Bảo hiểm phi nhân thọ Ấn Độ 2022: Kỳ vọng người đứng đầu IRDAI mới, rà soát quy định và hợp nhất thị trường
(AIR) – Một chủ tịch IRDAI mới, xem xét các quy định hiện hành, hợp nhất thị trường, tập trung vào lợi nhuận, các công ty lớn hơn thu được lợi ích từ các khoản đầu tư vào công nghệ và sửa đổi tăng phí bảo hiểm TNDS xe cơ giới đối với người thứ ba, là một số dự báo cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Ấn Độ trong năm nay.
Vị trí chủ tịch IRDAI đã bị bỏ trống kể từ khi chủ tịch trước đây, ông Subhash Chandra Khuntia, kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 6 tháng 5 năm 2021. Hơn nữa, có một số quy định cũ cần được xem xét lại.
Ông Gopal Balachandran, Giám đốc Tài chính kiêm Giám đốc Rủi ro của ICICI Lombard General Insurance, bình luận: “Đã hai thập kỷ kể từ khi mở cửa ngành bảo hiểm đến nay. Trọng tâm giai đoạn trước đó là tăng trưởng. Hiện nay, ngành sẽ tiến tới hợp nhất do đã ở vào giai đoạn trưởng thành, các công ty cũng bắt đầu xem xét khả năng sinh lời chứ không chỉ đơn thuần là các con số tăng trưởng. Việc đạt được những lợi ích từ quy mô kinh tế sẽ là một lý do khác có thể thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực này”.
Các nhà quản lý doanh nghiệp bảo hiểm cũng nói rằng sẽ rất thú vị khi chứng kiến các công ty bảo hiểm kỹ thuật số chỉ bán trực tuyến, sẽ mở rộng quy mô kinh doanh của họ như thế nào trong năm nay.
Bình luận về triển vọng của lĩnh vực phi nhân thọ trong năm 2022, ông Rakesh Jain, Giám đốc điều hành của Reliance General Insurance, nói với IANS rằng với biến thể Omicron mới, rất khó để nói điều gì một cách chắc chắn. Ông nói, “Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ khiến mọi người sợ rủi ro hơn và tích cực hướng tới sự bảo vệ. Mọi người sẽ khôn ngoan trong việc lựa chọn chính sách bảo hiểm y tế có phạm vi bao phủ rộng và đánh giá các chính sách hiện có của họ khi xem xét các yêu cầu bảo vệ đang thay đổi”.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng bày tỏ sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế và tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 tăng lên.
Ấn Độ: Doanh nghiệp BHNT tăng tỷ lệ phí bảo hiểm tử kỳ dưới áp lực từ các nhà tái bảo hiểm
(AIR) – Các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Ấn Độ gần đây đã tăng tỷ lệ phí bảo hiểm cho các hợp đồng bảo hiểm tử kỳ sau áp lực từ các công ty tái bảo hiểm buộc các công ty bảo hiểm gốc phải thực hiện các hoạt động đánh giá rủi ro có kỷ luật.
Trong khi các công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng gia tăng yêu cầu bồi thường liên quan đến các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, các giám đốc điều hành ngành nói với Indo-Asian News Service (IANS) rằng danh mục bảo hiểm tử kỳ đang bị lỗ và các nhà tái bảo hiểm đã kiên quyết tăng tỷ lệ phí kể từ năm 2018.
Theo lời của giám đốc điều hành cấp cao của một công ty bảo hiểm nhân thọ, các nhà tái bảo hiểm cảm thấy rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ tập trung vào doanh thu và không đánh giá rủi ro một cách thận trọng.
Ông nói thêm: “Mặc dù bảo hiểm nhân thọ là một trò chơi theo quy luật số lớn, nhưng số lượng hợp đồng ngày càng tăng dẫn đến yêu cầu bồi thường cao hơn.
Vào năm 2020, GIC Re quyết định chỉ chấp nhận tái bảo hiểm nếu khách hàng trong một số ngành nhất định được tính mức phí bảo hiểm trên cơ sở ‘burning cost’ (chi phí tổn thất quá khứ) như Cục Thông tin Bảo hiểm (IIB) đưa ra. Tỷ lệ ‘burning cost’ được tính bằng cách chia số tiền bồi thường cho số tiền bảo hiểm.
Động thái của GIC Re có hiệu lực đã buộc các công ty bảo hiểm gốc phải tăng lãi suất gấp nhiều lần, trong một số trường hợp là gấp 9 lần.
Pakistan: Tổng công ty Bảo hiểm Nhân thọ Nhà nước tham gia bảo hiểm y tế toàn dân
(AIR) – Tổng công ty Bảo hiểm Nhân thọ Nhà nước (SLIC), chính phủ liên bang và chính quyền bang Punjab đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) vào tháng trước để cung cấp bảo hiểm y tế cho người dân Islamabad và Punjab. Đây là một phần của chương trình bảo hiểm y tế toàn dân có tên gọi là Chương trình Sehat Sahulat.
Thông qua sáng kiến bảo vệ sức khỏe xã hội này, các gia đình nghèo có thẻ Sehat Sahulat sẽ được cung cấp miễn phí bảo hiểm y tế để đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nhà trị giá 1 triệu PKR (5.700 USD) cho mỗi gia đình mỗi năm từ các bệnh viện trong danh mục.
Các dịch vụ y tế bao gồm phẫu thuật tim hở, đặt stent, quản lý ung thư, thủ thuật phẫu thuật thần kinh, xử trí bỏng, quản lý tai biến, lọc máu, quản lý chăm sóc đặc biệt, đỡ đẻ, mổ cắt lớp và các quy trình y tế / phẫu thuật khác cùng với cấy ghép thận. Khả năng di chuyển liên tỉnh/liên huyện cho phép người được bảo hiểm tự khám chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện nào ở Pakistan.
Vào tháng 11 năm 2021, SLIC đã giành được hợp đồng mua thẻ bảo hiểm y tế trong ba năm tiếp theo.
Tiến sĩ Faisal Sultan, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng (SAPM) về Y tế, bày tỏ hy vọng rằng chính quyền các bang Sindh và Balochistan cũng sẽ sớm tham gia chương trình bảo hiểm.
“Sehat Sahulat là chương trình hàng đầu của chính phủ theo tầm nhìn và chỉ thị của Thủ tướng Imran Khan nhằm cung cấp hỗ trợ để giúp người bệnh trang trải chi phí chăm sóc sức khỏe trong trường hợp nghiêm trọng. Chương trình này sẽ mang lại sự cải thiện mạnh mẽ trong điều trị và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho người dân và sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế”, Tiến sĩ Sultan nói thêm.
Thủ tướng Khan đã phát động việc phát thẻ y tế theo kế hoạch này vào ngày 31/12/2021 tại Punjab. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, ông nói rằng 30 triệu gia đình sẽ được hưởng lợi từ chương trình bảo hiểm y tế mà chính phủ sẽ phải chi trả 400 tỷ PKR.
Ông cho biết, thẻ Sehat sẽ thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe trên khắp Punjab vì nó sẽ thu hút khu vực tư nhân xây dựng bệnh viện ngay cả ở những vùng sâu vùng xa. Đồng thời, chính phủ sẽ đóng cửa các bệnh viện công ở những khu vực xa xôi mà bác sĩ không muốn làm việc để tiết kiệm chi phí. Chính phủ sẽ khuyến khích khu vực tư nhân bằng cách cho phép nhập khẩu miễn thuế thiết bị y tế để mở rộng mạng lưới các bệnh viện tư nhân.
Singapore: Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm xe cơ giới thấp hơn 2020
(IBM) – Lợi nhuận của thị trường bảo hiểm xe cơ giới Singapore dự kiến sẽ giảm tổng thể trong năm 2021, sau kết quả rất tốt với 104,5 triệu đô la Singapore lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020.
Theo báo cáo của GlobalData, sự sụt giảm lợi nhuận là do tần suất các vụ tai nạn đường bộ và tổn thất do gian lận bảo hiểm ngày càng gia tăng.
Ông Swarup Kumar Sahoo, nhà phân tích bảo hiểm cấp cao tại GlobalData, cho biết: “Ở Singapore, số ca tử vong liên quan đến tai nạn đã tăng 11%, trong khi thương tật tăng 15% từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020. Sau đó, tỷ lệ kết hợp của ngành bảo hiểm xe cơ giới Singapore, giảm từ 102,6% vào năm 2019 xuống 87,9% vào năm 2020, dự kiến sẽ tăng vào năm 2021.”
Tỷ lệ kết hợp của năm công ty bảo hiểm xe cơ giới hàng đầu ở Singapore trở nên tồi tệ hơn, với NTUC Income dẫn đầu thị trường ghi nhận 91,7% vào năm 2020, giảm từ 96,5% vào năm 2019. Ở vị trí thứ hai, tỷ lệ kết hợp của AXA Singapore vào năm 2020 là 92%, giảm từ 107,2% trong Năm 2019.
Ông Sahoo cho biết: “Vào năm 2021, doanh số bán xe tăng trưởng nhờ sự phục hồi kinh tế và nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện (EV), dự kiến sẽ giúp các công ty bảo hiểm bù đắp một phần khoản lỗ kinh doanh bảo hiểm của họ. Doanh số bán xe điện ở Singapore đã tăng 127% từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2021.”
Việc áp dụng công nghệ của các công ty bảo hiểm xe cơ giới Singapore ngày càng tăng, với việc tung ra các sản phẩm dựa trên công nghệ mới, chẳng hạn như bảo hiểm ngắn hạn và hệ thống định phí thanh toán theo yêu cầu.
Gian lận là một lĩnh vực tập trung khác của các công ty bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Singapore ước tính rằng khoảng 20% các yêu cầu bảo hiểm xe máy bị thổi phồng hoặc gian lận. Các công ty bảo hiểm đang tìm cách khai thác công nghệ để cải thiện khả năng phòng ngừa và phát hiện gian lận. NTUC Income gần đây đã ra mắt ứng dụng di động Orange Eye cho phép người lái xe ô tô gửi các đoạn phim trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Ông Sahoo cho biết: “Các công ty bảo hiểm xe cơ giới Singapore đang mong muốn có một sự thay đổi lớn trong việc cung cấp sản phẩm của họ trong những năm tới với việc chính phủ thúc đẩy việc áp dụng xe điện để đáp ứng các mục tiêu của Kế hoạch Xanh Singapore 2030. Việc gia tăng tổn thất kinh doanh bảo hiểm do tỷ lệ tai nạn cao và gian lận trong bảo hiểm xe máy sẽ tiếp tục đặt ra thách thức đối với lợi nhuận của các công ty bảo hiểm trong vài năm tới”.
BTV (Tổng hợp).