TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 48

Bảo hiểm Trung Quốc “lo lắng” trước nguy cơ bùng phát COVID-19; Bảo Minh dự kiến đạt 6.230 tỷ đồng doanh thu; BSH đạt top 10 nơi làm việc tốt nhất 2022

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 48

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Cháy xưởng sản xuất viên nén gỗ ở Bình Phước

(VTC News) – Chiều 25/12, xưởng sản xuất viên nén gỗ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kim Ngọc, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước bốc cháy, thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị.

Thông tin ban đầu, khoảng 14h chiều 25/12, người dân phát hiện cháy tại kho chứa gỗ dăm rộng gần 3.000m2 của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kim Ngọc, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành và cùng nhau dập lửa nhưng bất thành.

Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bình Phước điều 9 xe chữa cháy cùng hơn 50 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với công an địa phương triển khai phương án dập lửa.

Sau hơn 2 giờ, lực lượng chức năng đã khống chế được ngọn lửa, không cho lan sang các khu vực khác. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản, máy móc trong nhà xưởng của công ty, ước thiệt hại nặng nề.

Nguyên nhân vụ cháy đang được các ngành chức năng tỉnh Bình Phước điều tra làm rõ.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm BSH đạt top 10 nơi làm việc tốt nhất 2022

(TBTCO) – Ngày 21/12/2022 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (Bảo hiểm BSH) vinh dự góp mặt trong Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm phi nhân thọ 2022.

Bảng xếp hạng “Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” nằm trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu về Top 10 nơi làm việc tốt nhất năm 2022 (Top 10 Best WorkPlaces). Chương trình nhằm đánh giá, khảo sát và xếp hạng thường niên về quy mô lao động, thu nhập bình quân, môi trường làm việc và sự hài lòng của người lao động, đánh giá từ các ứng viên tuyển dụng cũng như các bên liên quan trong các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bảng xếp hạng Top 10 nơi làm việc tốt nhất được lựa chọn dựa trên các nhóm tiêu chí như: nhóm tiêu chí liên quan đến nhân sự và uy tín nhà tuyển dụng (quy mô nhân sự, cơ cấu lực lượng lao động, uy tín thương hiệu nhà tuyển dụng,..); nhóm tiêu chí liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và triển vọng tăng trưởng (doanh thu, tốc độ tăng trưởng, thị phần,…); nhóm tiêu chí liên quan đến thu nhập và chế độ phúc lợi (thu nhập bình quân, chính sách nhân sự, môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp,…).

Trải qua nhiều vòng đánh giá và khảo sát, Bảo hiểm BSH xuất sắc góp mặt trong danh sách Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm phi nhân thọ 2022.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, bên cạnh việc chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của thị trường, bảo hiểm BSH luôn hướng tới xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Ngoài việc đề cao tinh thần và sức mạnh đoàn kết, BSH luôn đảm bảo chính sách và quyền lợi cho mỗi cán bộ nhân viên.

Xem thêm: Bảo hiểm thai sản, bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt, bảo hiểm sức khỏe cho bé

Với hơn 1.600 cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống, Bảo hiểm BSH đang từng bước xây dựng cầu nối, truyền tải những văn hóa tốt đẹp đến với toàn thể cán bộ nhân viên trên khắp mọi miền tổ quốc đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hội tụ và phát triển nhân tài.

Bảo hiểm BSH luôn quan tâm về đời sống, vật chất, tinh thần, thu nhập của người lao động như: trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,… các chế độ tham quan nghỉ mát, thăm hỏi ốm đau, đào tạo, khen thưởng. Ngoài ra, hàng năm BSH còn mua bảo hiểm kết hợp tai nạn con người cho người lao động.

Ngoài ra, BSH tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp đào tạo, teambuilding thường niên để mang đến khoảng thời gian thư giãn, tái tạo sức lao động đồng thời tạo sự gắn kết giữa các nhân viên trong đại gia đình BSH. Đồng thời vào những dịp sinh nhật Tổng công ty, các chương trình thi đua mang đậm chất văn hóa doanh nghiệp được tổ chức như: Cuộc thi video “Nét đẹp văn hóa BSH – Mừng BSH 13 tuổi”; cuộc thi nấu ăn, cuộc thi văn nghệ, thể thao “San sẻ yêu thương – Gắn tình đoàn kết” chào mừng kỷ niệm thành lập;…

Với sự nỗ lực trong phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Bảo hiểm BSH đã nhận được những bằng khen danh giá như bằng khen doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động trong giai đoạn 2016 – 2020 do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức trao tặng; bằng khen của UBND TP. Hà Nội khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua phát triển văn hóa doanh nghiệp năm 2022

BSH lọt Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm phi nhân thọ 2022 sẽ là động lực to lớn để BSH ngày càng trở thành nơi làm việc được yêu thích, góp phần nâng cao chất lượng tuyển dụng và thu hút được nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hanwha Life Việt Nam không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng

(ĐTCK) – Không ngừng nỗ lực tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, Hanwha Life Việt Nam tập trung phát triển mạng lưới phục vụ, đẩy mạnh số hóa các thủ tục bảo hiểm. Nhờ đó, công ty “ghi điểm” là một trong những công ty bảo hiểm được tín nhiệm nhất Việt Nam trên hành trình phục vụ khách hàng và cộng đồng, góp phần gia tăng khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho người dân.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2021, Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ – thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%) hay Mỹ (90%). Do đó, đưa bảo hiểm thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống và dễ dàng tiếp cận hơn là một trong những mục tiêu mà Hanwha Life Việt Nam tích cực theo đuổi.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hanwha Life Việt Nam luôn lấy khách hàng làm trung tâm và không ngừng nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng bởi theo công ty, sự an tâm, hài lòng khi tham gia bảo hiểm sẽ tạo ra niềm tin cho khách hàng, từ đó, dần lan tỏa và nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm. Đẩy mạnh kênh phân phối chuyên nghiệp là một mũi nhọn chiến lược của Hanwha Life Việt Nam. Vì bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tài chính đặc biệt, đòi hỏi sự giải đáp kỹ lưỡng từ đội ngũ tư vấn viên nên đây được xem là mắt xích rất quan trọng kết nối khách hàng và công ty bảo hiểm, tạo ra “cánh tay nối dài” của Hanwha Life đến mọi miền đất nước, giúp khách hàng thuận tiện, dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu tìm hiểu bảo hiểm.

Để thúc đẩy nhanh tiến trình này, Hanwha Life Việt Nam đã và đang hợp tác với nhiều đối tác khác nhau: kênh đại lý truyền thống, kênh đại lý tổ chức, kênh hợp tác ngân hàng, các công ty chăm sóc sức khỏe, các công ty công nghệ…

Việc tìm kiếm những đơn vị uy tín và chất lượng để hợp tác luôn là tiêu chí được Hanwha Life Việt Nam đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, các điểm phục vụ khách hàng của Hanwha Life Việt Nam không chỉ có đội tư vấn viên, mà còn có cả đội ngũ chăm sóc khách hàng, đảm bảo hành trình trải nghiệm của khách hàng từ khâu tìm hiểu, mua bảo hiểm đến khi cần dịch vụ hậu mãi luôn đơn giản và nhanh chóng.

Đến nay, Hanwha Life đã có hơn 160 điểm phục vụ khách hàng cùng 37.000 tư vấn tài chính chất lượng cao, chuyên nghiệp và tận tâm, đồng lòng mang đến trải nghiệm khác biệt và hài lòng nhất cho khách hàng.

Song hành với việc mở rộng mạng lưới, Hanwha Life Việt Nam rất chú trọng tăng cường chuyển đổi số hóa để gia tăng mạnh mẽ khả năng kết nối và đáp ứng tối đa những nhu cầu hiện hữu của khách hàng. Công ty đã hoàn tất quy trình “không giấy” trong một số khâu giao dịch và chăm sóc khách hàng thông qua cổng thông tin khách hàng trực tuyến (Customer portal) kết hợp với ứng dụng trên di động LIME giúp khách hàng chủ động quản lý hợp đồng trực tuyến (e-Policy), bảo lãnh phát hành và bảo hiểm tự động (auto underwriting), thanh toán trực tuyến (e-Payment),…; hay các quy trình số hóa khác như quản lý khách hàng tiềm năng và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến (E-submission), giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (JetClaim),…

Công ty cũng xây dựng ứng dụng LIME Pro cho đội ngũ tư vấn tài chính, giúp tư vấn viên có thêm lợi thế phục vụ khách hàng một cách năng suất, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, tính năng của LIME Pro có thể giúp tư vấn viên chăm sóc sát sao khách hàng trong suốt hành trình bán hàng cho đến lên lịch nhắc nhở tự động các sự kiện quan trọng của khách hàng như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm hợp đồng,…từ đó, tư vấn viên sẽ không bỏ lỡ các giai đoạn kết nối với khách hàng của mình.

Đại diện công ty chia sẻ: “Với mạng lưới phân phối ngày càng rộng khắp, đội ngũ tư vấn tài chính chuyên nghiệp, cùng chiến lược số hóa toàn diện tạo nên chất lượng dịch vụ khách hàng vượt trội, Hanwha Life Việt Nam đang trong tâm thế vững vàng trên hành trình giữ chân khách hàng hiện hữu, chiếm được tình cảm của nhiều khách hàng mới, từ đó, mang bảo hiểm đến gần hơn với người Việt, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”.

Năm 2022, nhiều chỉ tiêu tài chính của Hanwha Life Việt Nam không ngừng gia tăng so với năm 2021 như: lượng khách hàng mới tăng 15%, doanh thu phí mới tăng 20%, tỷ lệ duy trì hợp đồng của khách hàng đạt đến 70% với doanh thu phí tái tục là 2.500 tỷ đồng, tương đương tăng gần 15%. Đặc biệt, năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, công ty vẫn duy trì mạch tăng trưởng 2 con số trong 4 năm liên tiếp. Mức lợi nhuận trước thuế ước tính tăng đến 60% so với năm trước và là mức cao nhất trong lịch sự hoạt động tại Việt Nam.

Bảo Minh dự kiến đạt 6.230 tỷ đồng tổng doanh thu

(BMI) – Chiều ngày 21/12/2022, tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) đã tiến hành Hội nghị “Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023” với sự tham gia của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), các khách mời cùng toàn thể lãnh đạo Tổng Công ty và các Giám đốc đơn vị thành viên trên toàn hệ thống Bảo Minh.

Trong năm 2022 này, Bảo Minh sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu trước thời hạn với số tổng doanh thu dự kiến đạt 6.230 tỷ đồng, hoàn thành 109,3% và tăng trưởng 16,51% so với cùng kỳ. Đồng thời Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 340 tỷ tăng trưởng 11% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở những kết quả kinh doanh đã đạt được trong năm 2022, ông Vũ Anh Tuấn – Bí Thư Đảng ủy, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc đã phân tích, đánh giá những mặt thành công cũng như những mặt còn hạn chế trong hoạt động kinh doanh của toàn bộ hệ thống, và đưa ra các ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc triển khai nhiệm vụ đồng thời đưa ra mục tiêu trong tăng trưởng năm 2023 tối thiểu là 6% đối với doanh thu và 10% đối với lợi nhuận trước thuế tuy nhiên vẫn đảm bảo công tác duy trì kiểm soát khâu bồi thường, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Cũng tại Hội nghị, ông Đinh Việt Tùng – Phó Tổng Giám đốc SCIC – Chủ Tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh cho rằng, kế hoạch kinh doanh, phát triển của Bảo Minh đang thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn không được bỏ qua mục tiêu đưa thu nhập của cán bộ nhân viên Bảo Minh tiếp tục được nâng cao, bảo đảm đời sống của CBNV Bảo Minh.

Kết thúc Hôị nghị, ông Vũ Anh Tuấn động viên toàn thể cán bộ nhân viên cùng các đại lý của Bảo Minh không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt kết quả thật tốt, góp phần nâng cao đời sống cá nhân, giữ vững và nâng cao vị thế của Bảo Minh trên thị trường bảo hiểm trong nước cũng như quốc tế.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp và kết thúc cùng ngày.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

“Viên gạch” đầu tiên xây kho dữ liệu chung bảo hiểm

(ĐTCK) – Sau nhiều ngóng đợi, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm đã được đặt “viên gạch” đầu tiên khi chính thức được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Tầm quan trọng của kho dữ liệu chung bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm (Điều 11). Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư chi phí và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống này nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy, ngoài trở thành công cụ thống kê và dự báo thị trường bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro và phòng chống gian lận bảo hiểm, kho dữ liệu này còn hỗ trợ công ty bảo hiểm xây dựng mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm trong phòng chống gian lận bảo hiểm; chuẩn hóa công tác thiết kế sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro, tăng cường tính minh bạch và chủ động của các bên tham gia thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tham gia và cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính trên cơ sở dữ liệu chung này.

Theo Bộ Tài chính, trước đây, do thiếu quy định về dữ liệu thống kê chung và chính thống nên công tác tính phí bảo hiểm, quản lý rủi ro, phòng chống trục lợi… của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam hầu hết đều dựa trên số liệu thống kê riêng lẻ của từng doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là doanh nghiệp bảo hiểm tính phí bảo hiểm phi kỹ thuật, không tương xứng với quyền lợi bảo hiểm để cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

“Riêng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, mặc dù đã có phần mềm thu thập cơ sở dữ liệu chung của các doanh nghiệp bảo hiểm nhưng tính cập nhật chưa cao, còn thiếu nhiều trường dữ liệu quan trọng (trước đây, hệ thống này do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý, khai thác, nay chuyển về cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính).

Thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa xây dựng được kho cơ sở dữ liệu thống kê chung, có mức độ tin cậy cao, có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời, toàn diện số liệu của các ngành kinh tế – xã hội, mặt khác cũng chưa có quy định và chế tài rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến khách hàng cho cơ quan quản lý, nên các doanh nghiệp bảo hiểm không có cơ sở, định hướng trong việc cung cấp thông tin hình thành cơ sở dữ liệu chung của thị trường. Do đó, chưa có mặt bằng chung để so sánh, đánh giá chất lượng sản phẩm bảo hiểm, phòng chống trục lợi bảo hiểm, công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như tăng cường công tác hoạch định chính sách”, Bộ Tài chính thông tin.

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngành bảo hiểm đều có trung tâm dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường, cũng như các chủ thể tham gia. Ở Việt Nam, với dư địa khai thác lớn, thị trường bảo hiểm cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê chung phục vụ các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý, giám sát.

Với bên mua bảo hiểm, khi có kho dữ liệu chung thì quyền lợi của đối tượng này sẽ được đảm bảo tốt hơn, bởi đây là cơ sở để tính phí sản phẩm bảo hiểm một cách chính xác nhất, từ đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tương xứng với mức phí đóng, ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tính phí bảo hiểm phi kỹ thuật.

Hiện tại, Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành các quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm thuộc các lĩnh vực có ảnh hưởng đến an sinh xã hội (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ…); phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe…

Tuy nhiên, để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng quyền tự chủ, linh hoạt của doanh nghiệp, hạn chế việc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính cần có một tổ chức hỗ trợ công tác quản lý, giám sát bảo hiểm thực hiện một phần công việc như định kỳ rà soát và đề xuất mức phí sàn tương ứng với quyền lợi bảo hiểm tối thiểu…

Mặt khác, kinh doanh bảo hiểm là việc chấp nhận rủi ro xảy ra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.

Vì vậy, đây là ngành nghề kinh doanh dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu thống kê của nhiều đối tượng bảo hiểm thuộc các ngành nghề khác nhau. Đối với cơ quan quản lý, tại nhiều quốc gia, hệ thống dữ liệu bảo hiểm (đặc biệt là các thông tin thống kê đã được tập hợp, phân loại theo các tiêu thức sẵn có) là căn cứ có giá trị cao cho công tác hoạch định chính sách vĩ mô, quản lý, giám sát thị trường tài chính nói chung, thị trường bảo hiểm nói riêng.

Do đó, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm, có mức độ tin cậy cao, có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời sẽ góp phần xây kho số liệu của các ngành kinh tế – xã hội. Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Từng đề xuất công ty bảo hiểm đóng góp tài chính để xây kho dữ liệu chung

Báo cáo Quốc hội hồi tháng 6/2022, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư ngân sách xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm là cần thiết, nhưng cần bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng Nhà nước thực hiện vì cơ sở dữ liệu này cũng phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm và tỷ lệ đóng góp sẽ do Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc bấy giờ nhìn nhận, việc Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm là nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mà không phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm như quy định tại dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo.

Trước đó, trong lần báo cáo tới các bên liên quan vào năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, với các khoản phát sinh chi phí cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê chung phục vụ các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý, giám sát, có thể sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài chính) để trang trải và cho phép tổ chức này được thu phí từ việc sử dụng cơ sở dữ liệu đó, giúp làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo được mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành.

Sau nhiều ngóng đợi, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm đã được đặt “viên gạch” đầu tiên khi chính thức được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm vững vàng sau đại dịch

(TBTCO) – Đẩy mạnh số hóa cùng với nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm khép lại năm 2022 với nhiều kết quả tích cực. Tính tới ngày 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%; đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,56%. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được nâng cao, kênh phân phối tiếp tục được đa dạng hóa trên nền tảng trực tuyến…, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Số hóa là động lực tăng trưởng

Năm 2022 có thể thấy sự chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp bảo hiểm với việc đẩy mạnh số hóa trên toàn hệ thống, từ quản trị đến bán hàng, cấp đơn, triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, chi trả bồi thường…, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tạo thuận tiện cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ mới.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: Chuyển đổi số luôn là mũi nhọn ưu tiên trong chiến lược phát triển của Bảo hiểm Bảo Việt với mục tiêu sử dụng sức mạnh của công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng. Các giải pháp công nghệ vừa gia tăng sự minh bạch, tối ưu tính chính xác trong các thao tác, thủ tục vừa mang đến những trải nghiệm nhanh – gọn – hiệu quả cho khách hàng, tăng sức cạnh tranh và giúp khẳng định vị thế của thương hiệu Bảo hiểm Bảo Việt trên thị trường cả trong nước và quốc tế.

Bảo hiểm Bảo Việt cũng tiên phong số hóa quy trình bồi thường bảo hiểm, mang lại trải nghiệm nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng. Quá trình số hóa được thể hiện đồng nhất tại các bước như thẩm định bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm…, thông tin đồng bộ giúp quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng, hạn chế sai sót, giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng.

Đại diện Prudential Việt Nam chia sẻ, công ty đã phát triển nhiều sáng kiến số hóa, đơn cử như quy trình bồi thường tự động hay quy trình thẩm định tự động cũng được đẩy nhanh tiến độ và đạt những kết quả ấn tượng. Theo đó, tỷ lệ quyết định bồi thường tự động, tỷ lệ quyết định thẩm định tự động đạt mức rất cao.

Đại diện FWD cho biết, hành trình trải nghiệm bảo hiểm dành cho khách hàng của FWD được đánh giá là toàn diện, xuyên suốt và liền mạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đón đầu và chiếm ưu thế trong việc ra mắt các sản phẩm trên các nền tảng công nghệ như sàn thương mại điện tử, các ứng dụng ngân hàng số. Nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng và thông minh là những trải nghiệm về bảo hiểm mà doanh nghiệp này đã và đang mang đến cho khách hàng.

Đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết: Công ty nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ trên nền tảng trực tuyến nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ của lực lượng kinh doanh. LIME Pro là ứng dụng nền tảng đầu tiên trong hệ sinh thái số của Hanwha Life Việt Nam. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ tư vấn bán hàng hiện đại phù hợp xu hướng công nghệ mới.

Thị trường đón nhận nhiều sản phẩm mới

Năm 2022, thị trường cũng đón nhận nhiều sản phẩm mới, theo đó bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động kết nối với các ví điện tử, sàn thương mại điện tử, ngân hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi, ứng dụng gọi xe… để cùng ra mắt các sản phẩm mới, bán chéo sản phẩm, đa dạng hóa kênh phân phối cũng như khép kín dịch vụ, mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.

Là một trong những nhà bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, Bảo hiểm PVI đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đa dạng kênh bán hàng, từ website công ty, website bán bảo hiểm trực tuyến, app PVI e-insurance, app PVI Mobile, đến các ví điện tử hay ứng dụng thanh toán trực tuyến như Momo, VNPAY…

Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, công ty đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm bảo hiểm trực tuyến

PRU-EASY365M giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và linh hoạt chi trả phí hàng tháng chỉ với 55.000 đồng/tháng, với các quyền lợi bảo vệ trước rủi ro do tai nạn và 3 bệnh lý nghiêm trọng phổ biến chỉ trong một sản phẩm.

“Prudential luôn tập trung vào nhu cầu thực sự của khách hàng và đưa ra các giải pháp bảo vệ sức khỏe, tài chính ngày càng sáng tạo, đơn giản, thích ứng với từng đối tượng khách hàng. Với PRU-EASY365, hy vọng hàng chục triệu khách hàng đến từ các đối tác cung cấp nền tảng số sẽ có thêm lựa chọn vừa vặn cho túi tiền của mình khi được thanh toán linh hoạt theo từng tháng nhưng đảm bảo quyền lợi bảo vệ cả năm” – đại diện Prudential Việt Nam nhấn mạnh.

Manulife Việt Nam cũng hợp tác với siêu ứng dụng MoMo để triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến và giải pháp thanh toán cho khách hàng, đồng thời thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để các giải pháp tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi khách hàng.

Sự hợp tác này đánh dấu bước ngoặt cho Manulife Việt Nam trong việc trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu cung cấp giải pháp bảo hiểm sức khỏe thông qua nền tảng MoMo, giúp hơn 31 triệu người dùng MoMo có thể tiếp cận được sản phẩm bảo hiểm sức khỏe toàn diện Max – Sống Khỏe.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đã thiết kế và đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm bán trực tuyến với thủ tục đơn giản, đăng ký nhanh chóng và ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn.

Nâng hạng trên thị trường

Với kết quả ấn tượng trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm đã được các tổ chức xếp hạng đánh giá cao và vinh danh tại nhiều giải thưởng uy tín.

Đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, A.M. Best – Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới tiếp tục xếp hạng năng lực tài chính của Bảo hiểm BIC là B++ (Tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành là bbb, triển vọng Ổn định. Kết quả định hạng trên được A.M. Best công bố dựa trên những đánh giá tích cực đối với các mặt hoạt động của Bảo hiểm BIC, bao gồm: năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, hồ sơ năng lực và hệ thống quản trị rủi ro.

Với kết quả kinh doanh tốt, Bảo hiểm PVI tự hào lần thứ 2 là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất được tôn vinh trong trong Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022, theo công bố mới đây của Vietnam Report.

Prudential Việt Nam cũng được vinh danh với hai giải thưởng “Công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế của năm” và “Sáng kiến ESG của năm” tại Insurance Asia Awards 2022. Đồng thời, công ty cũng được ghi nhận là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” bởi HR Asia Awards 2022.

Với mũi nhọn đầu tư vào quá trình chuyển đổi số, Bảo hiểm Bảo Việt đã gặt hái thành quả bằng giải thưởng “Sáng kiến Bảo hiểm số của năm” tại Giải thưởng Bảo hiểm châu Á 2022. Trước đó Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã nhận giải thưởng “Sáng kiến chuyển đổi bảo hiểm số tốt nhất Việt Nam” do Giải thưởng Triển vọng kinh doanh toàn cầu năm 2022 (Global Business Outlook Awards 2022) trao tặng.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Phú Hưng Life tiếp tục đồng hành cùng sức khỏe người dân Việt

(PHL) – Để khẳng định sứ mệnh đồng hành cùng sức khỏe của người dân Việt, vừa qua, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã tiếp tục triển khai ngày hội “Khỏe cùng Phú Hưng Life” tại tỉnh Bến Tre. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy lối sống khỏe mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng và cộng đồng.

Ngày 17/12/2022, Phú Hưng Life đã phối hợp cùng đội ngũ kinh doanh tại tỉnh Bến Tre tổ chức chương trình thăm, khám kết hợp tư vấn sức khỏe cho hơn 150 khách hàng và người dân địa phương tại Trung Tâm TTC Đồng Khởi 2, Bến Tre.

Tại ngày hội, các khách hàng và người dân đã được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát, tư vấn về chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động, các vấn đề liên quan đến huyết áp, chiều cao, cân nặng, độ loãng xương… Đây là hoạt động hỗ trợ cộng đồng nằm trong khuôn khổ chương trình chăm sóc khách hàng của Phú Hưng Life đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước.

Tiếp tục đồng hành cùng chương trình là sự chia sẻ từ Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng với chủ đề “Tiểu đường – Hiểu để không còn nỗi lo” nhằm mang đến nhiều thông tin hữu ích, giúp khách hàng nâng cao kiến thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cả gia đình.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Đằng Giao, Giám đốc kinh doanh miền, Miền Nam 2 đã phát biểu “Phú Hưng Life luôn chú trọng việc tổ chức các hoạt động mang tính thiện nguyện cho xã hội như: các chương trình tặng quà cho học sinh khó khăn, chương trình kiểm tra sức khỏe,… trên địa bàn khắp cả nước. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của Phú Hưng Life đối với cộng đồng và cuộc sống của người dân Việt Nam trong suốt hành trình gần 10 năm vừa qua”.

Bên cạnh phát triển thị trường, Phú Hưng Life luôn chú trọng đến các hoạt động vì công đồng về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tài trợ học bổng với nhiều đóng góp tích cực cho các tỉnh thành, khu vực trên cả nước. Điển hình là Phú Hưng Life cũng đã thực hiện các chương trình giáo dục ý nghĩa như các khóa tập huấn “Quản lý tài chính dành cho tương lai” cho chị em phụ nữ khu vực Mekong. Dự kiến sắp tới năm 2023, Phú Hưng Life sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động tập huấn về tài chính tại Miền Tây cho phụ nữ và khám chữa bệnh cho người dân khó khăn tại các tỉnh phía Bắc.

  1. Tin quốc tế

Allianz Trade bổ nhiệm Giám đốc điều hành Trung Quốc

(IBM) – Allianz Trade đã bổ nhiệm ông Maxim Ryzhkov (ảnh) làm Giám đốc điều hành Allianz Trade tại Trung Quốc, quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1.

Làm việc tại trụ sở Thượng Hải, Ryzhkov sẽ lãnh đạo công ty bảo hiểm thương mại tại một trong những thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương. Ông sẽ báo cáo lên ông Paul Flanagan, Giám đốc điều hành khu vực của Allianz Trade tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó, ông Ryzhkov là Giám đốc thương mại của Allianz Trade (trước đây gọi là Euler Hermes) khu vực Bắc Âu, nơi ông giám sát danh mục sản phẩm thương mại ở các nước Bắc Âu và Baltic kể từ năm 2018. Ông gia nhập Allianz Trade vào năm 2013 với tư cách là Giám đốc thương mại và Phó tổng quản lý, chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động thương mại ở Nga và các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung của các Quốc gia Độc lập. Trước Allianz Trade, Ryzhkov đã giữ nhiều vị trí quản lý khác nhau trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Canada và Nga. Ông có bằng MBA của Trường Kinh doanh Judge thuộc Đại học Cambridge.

Ông Flanagan bình luận: “Trung Quốc là mảnh ghép lớn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chúng tôi và tôi rất vui vì chúng tôi có đúng người để giúp thúc đẩy thị trường này tiến lên phía trước.

“Với chuyên môn đã được chứng minh và kinh nghiệm sâu rộng trong việc phát triển danh mục sản phẩm thương mại và quản lý các chủ đề chuyển đổi, Maxim chắc chắn sẽ thúc đẩy chiến lược và tham vọng tăng trưởng của chúng tôi tại Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng Maxim, cùng với đội ngũ quản lý địa phương, sẽ đạt được thành công lớn tại thị trường quan trọng này.”

Về phần mình, ông Ryzhkov nói: “Tôi rất vinh dự được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Trung Quốc và tôi rất biết ơn về những năm thành công và thú vị mà tôi đã trải qua tại Bắc Âu”.

“Cùng với đội ngũ mới của mình, tôi mong muốn tiếp tục quảng bá thương hiệu Allianz Trade, giúp khách hàng của chúng tôi duy trì tăng trưởng kinh doanh lâu dài và giảm thiểu rủi ro phát sinh từ những bất ổn kinh tế trong tương lai.”

Chubb bổ nhiệm Giám đốc khí hậu toàn cầu

(IBM) – Chubb đã thông báo bổ nhiệm bà Maggie Peloso (ảnh) làm Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn, đồng thời là quan chức phụ trách khí hậu toàn cầu và giám đốc điều hành của Quỹ từ thiện Chubb. Bà sẽ đảm nhận vai trò này vào ngày 16 tháng 1.

Trong vai trò mới được thành lập về khí hậu toàn cầu, bà Peloso sẽ chịu trách nhiệm về các chiến lược liên quan đến khí hậu của Chubb, bao gồm các sáng kiến kinh doanh và chính sách công. Peloso gia nhập Chubb từ công ty luật Vinson & Elkins, nơi bà từng là đối tác phát triển bền vững chính.

Peloso là một chuyên gia về các vấn đề môi trường và khí hậu toàn cầu, đồng thời là tác giả của nhiều nghiên cứu và báo cáo về tính bền vững và rủi ro khí hậu. Bà có bằng tiến sĩ về môi trường của Đại học Duke và bằng luật của Đại học Stanford. Bà là thành viên hội đồng quản trị của Viện Luật Môi trường và là thành viên hội đồng quản trị trước đây của Surfrider Foundation. Bà là cựu thành viên của Hội đồng Môi trường, Năng lượng và Tài nguyên của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ.

Ông Evan G. Greenberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chubb cho biết: “Tôi rất vui mừng được chào đón Maggie đến với Chubb. Cô ấy đã hợp tác chặt chẽ với chúng tôi với tư cách là cố vấn bên ngoài và thể hiện khả năng lãnh đạo cũng như chuyên môn của mình về nhiều vấn đề khí hậu. Là một công ty bảo hiểm, hoạt động kinh doanh của chúng tôi là cung cấp sự bảo vệ cho những người được bảo hiểm và cung cấp cho họ khả năng phục hồi trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu thông qua các sản phẩm và dịch vụ”.

“Chúng tôi khuyến khích và tích cực hỗ trợ các nỗ lực của xã hội chuyển sang trạng thái không phát thải carbon đồng thời hỗ trợ một cách có trách nhiệm nhu cầu về an ninh năng lượng. Kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của Maggie về các vấn đề khí hậu sẽ nâng cao vai trò hàng đầu của Chubb trong việc giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu vì lợi ích của khách hàng và xã hội của chúng tôi.”

Ông Joseph Wayland, Phó Chủ tịch điều hành kiêm cố vấn chung của Tập đoàn Chubb, nói: “Chubb tham gia nghiên cứu và vận động chính sách về các vấn đề khí hậu, cả trong và ngoài nước, thông qua các tổ chức ngành và tổ chức quốc tế”.

“Chuyên môn và quan điểm của Maggie sẽ rất quan trọng trong quá trình giúp Chubb hiểu sâu hơn về cách các chính sách đánh giá rủi ro có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm phát thải [khí nhà kính] và khi chúng tôi tiếp tục làm việc tích cực để nâng cao chuyên môn của ngành trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Với tư cách là giám đốc điều hành của Quỹ từ thiện Chubb, bà Peloso sẽ lãnh đạo quỹ trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận và đẩy mạnh sứ mệnh hỗ trợ các dự án giải quyết vấn đề theo những cách có thể đo lường được và bền vững.

Marsh bổ nhiệm 3 nhân sự quản lý

(IBM) – Nhà môi giới bảo hiểm toàn cầu Marsh đã công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo mới tại Marsh Captive Solutions.

Có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2, cô Lorraine Stack (hình trên bên trái), hiện đang là trưởng nhóm bán hàng và tư vấn quốc tế, sẽ đảm nhận thêm vai trò lãnh đạo các hoạt động của Marsh Capital Solutions tại Ireland. Cô Stack làm việc tại trụ sở Dublin và sẽ báo cáo lên ông Ellen Charnley, Chủ tịch Marsh Captive Solutions.

Với vai trò mới đang chờ phê duyệt theo quy định, Stack sẽ lãnh đạo một nhóm quản lý các phụ huynh đơn thân và các phương tiện chuyên dụng có trụ sở tại Dublin, cũng như lãnh đạo nhóm phát triển kinh doanh và tư vấn quốc tế. Stack có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành. Cô ấy kế nhiệm Brian McDonagh, người sẽ nghỉ hưu ở Marsh sau 27 năm.

Stuart Herbert, (hình trên ở giữa) hiện là lãnh đạo của Marsh Captive Solutions Châu Á Thái Bình Dương, đã được bổ nhiệm vào vai trò mới là lãnh đạo thực hành tư vấn bảo hiểm chuyên ngành quốc tế, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1. Anh ấy sẽ báo cáo với Stack. Trong vai trò mới của mình, Herbert sẽ lãnh đạo một nhóm chịu trách nhiệm nghiên cứu tính khả thi của hoạt động bảo hiểm chuyên ngành và đánh giá chiến lược cho các chủ hợp đồng bảo hiểm chuyên ngành hiện tại và tương lai.

Herbert đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau kể từ khi gia nhập Marsh Captive Solutions vào năm 1998. Với vai trò mới, anh sẽ chuyển từ Singapore đến Vương quốc Anh. Herbert kế nhiệm Stephen Hawkes, người sắp nghỉ hưu sau 29 năm gắn bó với Marsh.

Nisala Weerasooriya (hình trên bên phải) sẽ kế nhiệm Herbert với tư cách là người lãnh đạo các hoạt động của Marsh Captive Solutions ở Châu Á Thái Bình Dương. Vai trò mới của Weerasooriya bao gồm giám sát các văn phòng bảo hiểm chuyên ngành ở Singapore, Úc và Labuan ở Malaysia.

Weerasooriya đã có hơn 30 năm kinh nghiệm tại Marsh. Anh ấy hiện đang là người đứng đầu các hoạt động của Marsh Captive Solutions ở New York. Với vai trò mới của mình, Weerasooriya sẽ chuyển đến Singapore và báo cáo lên ông William Thomas-Ferrand, lãnh đạo của Marsh Captive Solutions, International.

Ông Charnley cho biết: “Trong suốt sự nghiệp của mình, Lorraine, Stuart và Nisala đã thể hiện khả năng lãnh đạo gương mẫu và sự cống hiến không ngừng trong việc hỗ trợ khách hàng. Trong thời điểm tăng trưởng bảo hiểm chuyên ngành chưa từng có này, kinh nghiệm đáng kể của họ sẽ là vô giá khi chúng tôi tìm cách cung cấp các dịch vụ và tài nguyên nâng cao cho khách hàng”.

Đây là những quyết định bổ nhiệm mới nhất tại Marsh. Tháng trước, công ty đã bổ nhiệm Paul Knowles làm Giám đốc toàn cầu về cổ phần tư nhân và M&A và Michael Kolodner làm Giám đốc năng lượng tái tạo toàn cầu cho Marsh Specialty.

Milliman bổ nhiệm Giám đốc tư vấn bảo hiểm nhân thọ Indonesia

(IBM) – Milliman đã bổ nhiệm ông Junaidi Amin (ảnh) làm trưởng bộ phận tư vấn bảo hiểm nhân thọ, Indonesia.

Junaidi làm việc tại trụ sở Jakarta và gia nhập Milliman từ EY, nơi ông là associate partner. Trước đó, ông giữ vai trò lãnh đạo tại một số công ty bảo hiểm ở Indonesia, bao gồm cả vị trí Giám đốc định phí cho Chubb Life Indonesia và Giám đốc rủi ro của AXA Indonesia. Ông cũng đã có 15 năm đảm nhận nhiều vai trò trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Bỉ và Hà Lan.

Junaidi là thành viên của Hiệp hội chuyên gia định phí Indonesia và có bằng CFA. Ông có bằng Thạc sĩ khoa học định phí của Đại học Amsterdam và bằng Thạc sĩ kinh tế/kinh tế lượng của Đại học Erasmus Rotterdam.

Richard Holloway, Giám đốc điều hành BHNT khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ tại Milliman cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Junaidi để lãnh đạo đội ngũ đang phát triển của công ty hỗ trợ thị trường Indonesia đang phát triển nhanh chóng.

“Chuyên môn của Junaidi, kiến thức về thị trường địa phương và bề dày kinh nghiệm trong ngành ở Indonesia và Châu Âu sẽ giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và mở rộng đội ngũ nhân tài ở Jakarta”.

Các công ty bảo hiểm Trung Quốc “lo lắng” trước nguy cơ bùng phát dịch COVID-19

(IBM) – Nhiều công ty bảo hiểm Trung Quốc đã ngừng cung cấp các sản phẩm bảo hiểm COVID, do ngành bảo hiểm đang chuẩn bị cho một đợt thanh toán khổng lồ khi các ca nhiễm virus corona tăng vọt.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng các sản phẩm bảo hiểm COVID-19 giá rẻ phổ biến trước đây không còn được bán trên hầu hết các cổng thương mại điện tử lớn, chỉ còn một sản phẩm dành riêng cho COVID được bán trực tuyến.

Báo cáo của 21st Century Business Herald cho biết, sản phẩm thường trực duy nhất được bán bởi Ant Insurance do Alibaba hậu thuẫn và được đánh giá rủi ro bởi Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Sản phẩm này có phí bảo hiểm hàng tháng là 2,61 nhân dân tệ (0,51 đô la Singapore), với các quyền lợi bao gồm 100 nhân dân tệ mỗi ngày nhập viện do COVID.

Khi Bắc Kinh bắt đầu thu hẹp quy mô hạn chế đại dịch trong bối cảnh công chúng phản đối mức độ nghiêm trọng của chúng, các chuyên gia dự đoán có tới 90% dân số có thể bị nhiễm bệnh. Một lượng lớn yêu cầu bồi thường như vậy có thể gây thiệt hại về tài chính cho các công ty bảo hiểm.

Đã có báo cáo về việc bệnh nhân COVID-19 gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường từ công ty bảo hiểm. Trong một trường hợp, công ty bảo hiểm đã yêu cầu người yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm hạt nhân COVID-19, cũng như chụp X-quang ngực ban đầu và xét nghiệm máu. Tuy nhiên, do hệ thống y tế đang phải chịu áp lực lớn do tình trạng nhiễm COVID gia tăng, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi thực hiện các xét nghiệm này.

Mặc dù vậy, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc gần đây đã thúc giục các công ty bảo hiểm phát triển các sản phẩm bảo hiểm giá cả phải chăng để giúp khách hàng đối phó với các chi phí khi bị nhiễm COVID-19.

Chubb chiếm đa số cổ phần trong Tập đoàn Bảo hiểm Huatai, Trung Quốc

(IBM) – Một báo cáo của GlobalData cho biết việc Chubb mua thêm cổ phần trong Tập đoàn Bảo hiểm Huatai của Trung Quốc sẽ củng cố hơn nữa vị thế của hãng bảo hiểm khổng lồ tại khu vực.

Tháng trước, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã phê duyệt kế hoạch của Chubb tăng tỷ lệ sở hữu tại Huatai từ 47,3% lên 83,2%. Theo GlobalData, động thái này sẽ cho phép Chubb tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tiếp cận với cơ sở khách hàng của Huatai gồm 19 triệu khách hàng và mạng lưới 400 chi nhánh và 23.000 đại lý, trải khắp 20 trên tổng số 31 tỉnh ở Trung Quốc.

Sau khi thỏa thuận hoàn tất, thị phần kết hợp tại Trung Quốc của Chubb và Huatai (lần lượt là 0,18% và 0,14% vào năm 2021) sẽ cải thiện đáng kể và sẽ nâng thứ hạng của Chubb trong số các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc từ vị trí thứ 17 vào năm 2021.

Shabbir Ansari, nhà phân tích bảo hiểm cấp cao của GlobalData cho biết: “Thương vụ Huatai sẽ cho phép Chubb tiếp cận hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Trung Quốc, vì công ty này chỉ hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại trước khi mua lại.

“Trung Quốc là thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai trên toàn cầu, xét về phí bảo hiểm, sau Mỹ và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,56% trong giai đoạn 2021-2026.”

Thỏa thuận Huatai được đưa ra sau khi Chubb mua lại các doanh nghiệp bảo hiểm tai nạn, sức khỏe và nhân thọ của Cigna tại sáu thị trường châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 1 tháng 7. Các thị trường này là Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Thái Lan, Hồng Kông và Indonesia. Thương vụ Cigna đã tăng gấp đôi phí bảo hiểm nhân thọ của Chubb trong quý 3 năm 2022.

Ansari cho biết: “Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Chubb đang hướng tới khu vực APAC, khu vực đóng góp gần 60% hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Chubb.

“Giao dịch mua lại Huatai sẽ củng cố hơn nữa dấu ấn của Chubb trong khu vực và tăng thị phần từ Trung Quốc, vốn chiếm 18,6% hoạt động kinh doanh của Chubb vào năm 2021.”

Huatai có danh mục đầu tư kinh doanh đa dạng, bao gồm bảo hiểm P&C và bảo hiểm nhân thọ, sẽ hỗ trợ Chubb mở rộng sang cả lĩnh vực cá nhân và thương mại trong khu vực.

Ansari cho biết: “Việc bổ sung Bảo hiểm Huatai sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ của Chubb và hỗ trợ đạt được sự đa dạng hóa về sản phẩm, khách hàng và địa lý.

“Dân số giàu có đang tăng nhanh và dân số già ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ Chubb mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các dịch vụ quản lý tài sản và bảo hiểm nhân thọ.”

Lloyd’s giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh trong vụ Metallica

(IBM) – Frantic, Inc., hay còn được gọi là Metallica, sẽ phải tự trang trải các tổn thất do trì hoãn các buổi hòa nhạc ở Nam Mỹ năm 2020 mà không được bảo hiểm sau vụ thua kiện của ban nhạc trước Lloyd’s.

Hợp đồng bảo hiểm của Metallica bảo vệ cho các trường hợp hủy bỏ, bị cấm và không biểu diễn, nhưng loại trừ các bệnh truyền nhiễm.

Theo tài liệu tòa án, Thẩm phán Holly J. Fujie đã phán quyết: “Dựa trên các bằng chứng nêu trên, Tòa án nhận thấy rằng Bị đơn đã thực hiện nghĩa vụ chứng minh rằng sự gia tăng nhanh chóng của COVID-19 đã gây ra việc hủy bỏ và rằng nó thuộc điều khoản loại trừ bệnh truyền nhiễm.

“Nguyên đơn lập luận rằng cách đọc các điều khoản hợp đồng của Bị đơn là quá rộng và lập luận rằng có những vấn đề thực tế có thể giải quyết được về nguyên nhân trực tiếp hiệu quả của việc hủy bỏ. Lập luận của Nguyên đơn không thuyết phục Tòa án.”

Thẩm phán, của Tòa án Tối cao của Bang California, cho biết bằng chứng do công ty bảo hiểm đệ trình chứng minh rằng đại dịch đã thúc đẩy các hạn chế đi lại đến Nam Mỹ và hạn chế tụ tập nơi công cộng; do đó, COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp, đủ khả năng tác động khiến các buổi hòa nhạc bị hủy bỏ.

Không rõ có bao nhiêu tổn thất mà Metallica đang cố gắng phục hồi đối với yêu cầu bảo hiểm bị từ chối.

BTV (Tổng hợp).