AIA cam kết phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050; VBI chinh phục khách hàng với Bồi thường Online siêu tốc; Bảo Việt – Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
VBI Vĩnh Phúc bồi thường bảo hiểm người vay vốn
(VBI) – Ngày 30/11/2021, VBI Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng Ngân hàng Đông Á – CN Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên tổ chức chi trả 6 triệu đồng quyền lợi Bảo hiểm Người vay vốn cho gia đình khách hàng Nguyễn Thị Hằng.
Ngày 09/04 /2021, với nhu cầu vay vốn kinh doanh, bà Hằng đã đến Ngân hàng Đông Á – CN Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên để vay vốn. Tại đây, bà đã được cán bộ ngân hàng tư vấn tham gia gói bảo hiểm người vay vốn với số tiền bảo hiểm lên đến 20 triệu đồng với mức phí bảo hiểm chỉ hơn 100 nghìn đồng.
Không lâu sau, bà Hằng đã qua đời do bị cảm lạnh, sự ra đi đột ngột của bà đã để lại sự đau đớn cho những người thân yêu ở lại. Ngay sau khi nhận được thông tin từ gia đình, VBI Vĩnh Phúc đã nhanh chóng phối hợp cùng Ngân hàng Đông Á – CN Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên tổ chức thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình bà Hằng thu thập hồ sơ hoàn thiện hồ sơ để nhận chi trả bảo hiểm sớm nhất.Qua trường hợp này, mỗi chúng ta có thể thấy được giá trị nhân văn của Bảo hiểm cũng như tầm quan trọng của sản phẩm Bảo hiểm Người vay vốn trong hoạt động tín dụng. VBI hy vọng rằng, khoản chi trả bảo hiểm sẽ hỗ trợ gia đình khách hàng vơi bớt phần nào gánh nặng về tài chính khi mất đi người thân yêu trong gia đình.
Gói sản phẩm người vay vốn được áp dụng với tất cả cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vay vốn tại các ngân hàng liên kết với VBI. Khi tham gia bảo hiểm người vay vốn tại VBI, khách hàng sẽ được cán bộ ngân hàng tư vấn chặt chẽ các thủ tục, quyền lợi cũng như các ưu đãi. Đặc biệt, với công nghệ mới được tích hợp trong ứng dụng MyVBI, khách hàng sẽ được trải nghiệm những tiện ích thông minh giúp tiết kiệm 50% thời gian so với phương thức truyền thống. Ứng dụng cho phép khách hàng tham gia bảo hiểm dễ dàng chỉ sau một chạm, giải quyết hồ sơ nhanh chóng và rút ngắn thời gian bồi thường chỉ còn 30 phút.
- Một vòng doanh nghiệp
Bảo Việt – Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn
(TBTCO) – Tạp chí Forbes Việt Nam vừa tổ chức lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Tập đoàn Bảo Việt là thương hiệu duy nhất trong ngành bảo hiểm được vinh danh. Đây là lần thứ 9 Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này và cũng là lần thứ 9 Bảo Việt có mặt trong danh sách.
Với chủ đề “Con đường phía trước”, Diễn đàn kinh doanh 2021 được Forbes Việt Nam tổ chức trong bối cảnh các làn sóng dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh doanh nghiệp Việt, khả năng xoay trở, mạnh dạn đầu tư để tìm cơ hội, mang lại hiệu quả kinh doanh khả quan và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Các công ty trong danh sách vinh danh năm 2021 có nền tảng vững vàng, không chỉ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020 mà còn được kỳ vọng có sức bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách nhất trong 10 năm qua. Forbes Việt Nam tin tưởng rằng, các doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa không miễn nhiễm với các khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng có sức bật ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.
Để được vinh danh trong danh sách này, Tập đoàn Bảo Việt và các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn theo phương pháp xếp hạng của Forbes áp dụng trên toàn cầu, có xét đến yếu tố đặc thù của thị trường Việt Nam. Forbes Việt Nam đánh giá dữ liệu tính toán trên các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2021. Forbes Việt Nam điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị, triển vọng phát triển ngành…
Ngày 9/12, Bảo Việt cũng được vinh danh trong Top 10 “Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2021” và Top 5 “Doanh nghiệp tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh 2021”, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Prudential Việt Nam ra mắt giải pháp “làm mới” chế độ phúc lợi giúp doanh nghiệp thu hút nhân sự
(TBTCO) – Prudential Việt Nam vừa thông báo về việc ra mắt sản phẩm PRU – Gắn Kết trong thời gian tới. Đây là sản phẩm bảo hiểm nhóm dành cho khách hàng doanh nghiệp với chi phí hợp lý, mang đến giải pháp bảo vệ thiết thực cho các nhân sự của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngày càng có nhu cầu xây dựng một chiến lược gắn kết nhân sự hiệu quả để thu hút và giữ chân nhân tài trong xu hướng luân chuyển nhân lực hiện nay. Sản phẩm PRU- Gắn Kết cung cấp cho các doanh nghiệp một giải pháp phúc lợi khác biệt dành cho đội ngũ nhân sự, có thể tùy chỉnh để phù hợp với mô hình hoạt động và nhu cầu bảo vệ của tổ chức.
Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, đây là giai đoạn mà người lao động rất cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực từ doanh nghiệp mà mình đang làm việc và cống hiến. Những doanh nghiệp thực sự thấu cảm và có những hành động quan tâm thiết thực đến nhân sự sẽ có được lợi thế tốt hơn trong việc thu hút và gìn giữ những nhân tài”.
“Gói giải pháp PRU-Gắn Kết ra đời với mong muốn cung cấp thêm giải pháp để các doanh nghiệp có thể thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm với đội ngũ nhân viên, giúp họ có thể vững tâm đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường phát triển. Đây cũng là minh chứng cho cam kết không ngừng mang đến những giải pháp mới cho khách hàng của các ngân hàng đối tác, giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu tuyển dụng, thông qua những sản phẩm bảo hiểm đa dạng và thiết thực của Prudential” – ông Phương Tiến Minh nhấn mạnh.
Người lao động đang kỳ vọng nhiều hơn vào chế độ phúc lợi của doanh nghiệp, đặc biệt, vấn đề sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này được minh chứng rõ hơn theo số liệu báo cáo “Nhân sự ngành năng lượng” của Navigos phát hành trong tháng 8 vừa qua, đứng đầu trong các khó khăn mà người lao động đang gặp phải là việc đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ phức tạp của dịch bệnh, với 92% ý kiến. Đồng thời, 79% người tham gia khảo sát chia sẻ quan điểm sẽ rời công ty hiện tại vì các yếu tố như lương, thưởng và phúc lợi xã hội.
PRU-Gắn Kết là một giải pháp “làm đầy” chế độ phúc lợi dành cho nhân viên – tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp, mang lại một trải nghiệm mới về phúc lợi chăm sóc sức khỏe tại môi trường làm việc.
Bên cạnh quyền lợi chăm sóc sức khỏe thiết thực như điều trị nội trú, ngoại trú, nha khoa hay thai sản, với mạng lưới bảo lãnh viện phí rộng khắp Việt Nam và 1 số nước Đông Nam Á, PRU-Gắn Kết còn là giải pháp hỗ trợ, san sẻ gánh nặng về tài chính với nhân viên và gia đình khi có những biến cố lớn ngoài mong muốn như tai nạn, thương tật,… Đặc biệt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể linh hoạt thiết kế gói giải pháp riêng, phù hợp với từng nhóm nhân viên với mức chi phí hợp lý. Thông qua đó, nhân viên sẽ vững tâm trước những rủi ro về sức khỏe và tài chính, tạo nên sự gắn kết sâu sắc, an tâm cống hiến cùng doanh nghiệp.
PRU-Gắn Kết phù hợp với mọi quy mô từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các doanh nghiệp lớn, giúp doanh nghiệp nhận diện được những cơ hội giữa những thách thức. Với PRU-Gắn Kết, doanh nghiệp có thể nâng tầm phúc lợi với tầm nhìn dài hạn và toàn diện, tạo nên sự khác biệt bên cạnh các đãi ngộ truyền thống, thể hiện được sự thấu hiểu, quan tâm và trân trọng sức khỏe của nhân viên, trở thành “thỏi nam châm” thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trong bối cảnh nhiều biến động.
Gói sản phẩm PRU-Gắn Kết dự kiến sẽ được Prudential Việt Nam phân phối thông qua kênh đối tác ngân hàng trong thời gian tới.
AIA Việt Nam ra mắt hai sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế đầu tiên trên Tiki
(ĐTCK) – AIA Việt Nam vừa ra mắt hai sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử Tiki.
Đó là Bảo hiểm Care Nex – Hỗ trợ Chi phí Nằm viện và Phẫu thuật do Tai nạn và Bảo hiểm Ultra Care Nex – Hỗ trợ Chi phí Nằm viện và Phẫu thuật, gỡ nỗi lo viện phí và mang lại sự an tâm cho khách hàng trong cuộc sống hiện đại.
Đây là bước khởi đầu quan trọng cho thỏa thuận hợp tác “Chiến lược – Toàn diện – Độc quyền” 10 năm giữa AIA Việt Nam và Tiki.
Thông qua hợp tác độc quyền với Tiki, AIA Việt Nam một lần nữa khẳng định hướng đi khác biệt khi không chỉ tập trung vào chất lượng của các kênh phân phối hiện tại (kênh đại lý truyền thống và kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), mà còn tiên phong phân phối bảo hiểm qua nền tảng thương mại điện tử nhằm mở rộng hơn hệ sinh thái công nghệ tích hợp mà công ty đã xây dựng thành công trước đó.
Ưu điểm nổi bật của hai sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế đến từ quy trình nhanh chóng với các bước đăng ký đơn giản trên nền tảng kỹ thuật số.
Mua các sản phẩm này trên Tiki, khách hàng có thể chủ động trải nghiệm và tham gia bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến từ khâu tìm hiểu sản phẩm, kê khai thông tin, nộp hồ sơ, thẩm định, đóng phí, đến nhận hợp đồng bảo hiểm điện tử, yêu cầu bồi thường bảo hiểm online 24/7… dù ở bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào.
Trong tương lai, AIA Việt Nam sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm bảo vệ sức khoẻ và tài chính “đo ni đóng giày” theo nhu cầu của mọi đối tượng người dùng số, đồng thời mang đến trải nghiệm mới thú vị cho khách hàng trên nền tảng công nghệ “tất cả trong một” của Tiki.
VBI chinh phục khách hàng với Bồi thường Online siêu tốc
(VBI) – Trong xu thế 4.0 toàn cầu và đặc biệt trong thời kỳ đại dịch như hiện nay, bồi thường online chính là chìa khoá giúp các doanh nghiệp bảo hiểm chinh phục trái tim khách hàng.
Quan niệm “Bảo hiểm mua dễ, khó đòi”
Không phải nghiễm nhiên mà người ta hay nói “Bảo hiểm mua dễ, khó đòi”. Thực tế, quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm tại thị trường Việt Nam hiện nay vẫn còn khá phức tạp, vì vậy mà nhiều người cho rằng các công ty bảo hiểm đang cố tình gây khó khăn đối với người tham gia. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, việc di chuyển, gặp gỡ gặp nhiều khó khăn, việc làm hồ sơ yêu cầu bồi thường của khách hàng như càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Chị Trần Khánh Vy – một khách hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đang tham gia cho con một gói bảo hiểm sức khỏe tại công ty bảo hiểm X. Hai tháng trước, con tôi phải nằm viện mất cũng khá nhiều chi phí, tôi đã liên hệ tư vấn viên để được hỗ trợ làm thủ tục bồi thường nhưng vì đang giãn cách nên bạn đó không thể qua hỗ trợ trực tiếp mà chỉ hướng dẫn tôi để tự thực hiện. Tôi đã phải chạy ngược chạy xuôi vào bệnh viện mấy lần mới xin đủ giấy tờ để làm hồ sơ, sau đó chờ thẩm định và phê duyệt cũng mất thêm mấy tuần nữa. Vẫn biết tham gia bảo hiểm là tốt nhưng nếu thủ tục bồi thường phức tạp như vậy, tôi nghĩ không ít người sẽ quyết định không dùng bảo hiểm cho đỡ mất thời gian”.
Hiểu rõ điều này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang đưa ra các giải pháp như cho phép khách hàng bảo lãnh viện phí ngay tại bệnh viện, làm hồ sơ yêu cầu bồi thường online,… nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc yêu cầu bồi thường. Bảo hiểm VietinBank – VBI là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ, cải tiến quy trình bồi thường với ứng dụng bảo hiểm số hàng đầu My VBI.
Ứng dụng MyVBI – Thay đổi quan niệm của khách hàng bồi thường bảo hiểm
Ở thời điểm mới ra mắt, khi khái niệm “bồi thường online” vẫn còn lạ lẫm với khách hàng, số lượng khách hàng yêu cầu bồi thường qua app MyVBI chỉ khoảng 18,6%/ tổng số vụ. Sau 4 năm nghiên cứu và phát triển, không ngừng đổi mới sáng tạo để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dễ dàng hơn, hiện tại, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ khai báo bồi thường qua app My VBI đã đạt tới 70%/ tổng số vụ.
Chị Nguyễn Thuỵ Ngọc Phượng – Một khách hàng của VBI chia sẻ “Tôi đã tham gia bảo hiểm của VBI được hơn 1 năm nay nhưng gần đây tôi mới được trải nghiệm dịch vụ bồi thường trực tuyến. Khi Sài Gòn trải qua 4 tháng giãn cách, chỉ với app MyVBI, tôi có thể tự làm hồ sơ yêu cầu bồi thường một cách dễ dàng, quá trình giải quyết bồi thường và thanh toán cũng được xử lý rất nhanh chóng. VBI xác nhận bồi thường online 24/7. Nhờ có app MyVBI, tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về bảo hiểm, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục để VBI đồng hành cùng gia đình mình trong nhiều năm nữa.”
Có thể thấy, sự tiện lợi của ứng dụng MyVBI khi hỗ trợ khách hàng làm thủ tục bồi thường dễ dàng chỉ với vài thao tác trên điện thoại đã thay đổi hoàn toàn định kiến của khách hàng về quy trình bảo hiểm từ trước đến nay.
Với ứng dụng MyVBI, khách hàng có thể tham gia bảo hiểm trực tuyến, tra cứu mạng lưới hệ thống VBI, mạng lưới gara và các cơ sở y tế trong trường hợp cần được trợ giúp. Ứng dụng My VBI còn là ứng dụng đầu tiên trả về cho khách hàng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Chatbot, Autocall để tự động hóa quy trình tái tục, giúp khách hàng duy trì bảo hiểm liên tiếp qua từng năm để tối ưu quyền lợi và ngay lập tức đáp ứng sự tương tác hai chiều với khách hàng.
My VBI Ứng dụng chuyển đổi số xuất sắc
Vừa qua, VBI đã lần thứ 2 liên tiếp giành được giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc nhất với ứng dụng MyVBI tại lễ trao giải Chuyển đổi số Việt Nam 2021. Giải thưởng này chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực của VBI trong việc không ngừng ứng dụng công nghệ để tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển ngành bảo hiểm bền vững và mang tới nhiều lợi ích nhất cho khách hàng.
Ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc Bảo hiểm VietinBank – VBI chia sẻ“Đối với VBI, chúng tôi xác định trải nghiệm khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, các bước chuyển đổi số của VBI cũng tập trung vào câu chuyện làm sao để các sản phẩm, dịch vụ của mình chạm được đến những điểm chạm của khách hàng trong suốt hành trình trải nghiệm của khách hàng nhằm tạo cho khách hàng sự thỏa mãn, thích thú nhất cũng như sự thuận tiện nhất khi sử dụng.”
Với phương châm “Tiên phong công nghệ – Trải nghiệm đỉnh cao”, app MyVBI hiện đang được VBI tiếp tục phát triển, cải tiến bằng những công nghệ tân tiến nhất thế giới nhằm đơn giản hoá hơn nữa thủ tục và quy trình bồi thường cho khách hàng.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế
(ĐTCK) – Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài… Đáng chú ý, giới hạn các tài sản đầu tư có thể bị bãi bỏ, nhằm góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Thống nhất giữa các luật liên quan
Nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động đầu tư tại dự thảo Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được phép đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, trừ trường hợp vay đối với trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, kho tàng… Hạn chế đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản thấp hoặc có tính đầu cơ như kim loại quý, tài sản cố định vô hình. Quy định này dựa trên kinh nghiệm được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống kê.
Ban soạn thảo cho biết, với bản chất là kinh doanh, quản trị rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm cam kết với khách hàng, thu phí và sử dụng số tiền thu được đem đi đầu tư. Việc bảo đảm nghĩa vụ với khách hàng tham gia bảo hiểm phải được ưu tiên hàng đầu, cũng như hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Vì vậy, cấm doanh nghiệp không được đi vay để đầu tư nhằm hạn chế rủi ro vỡ nợ.
Còn việc hạn chế đầu tư trực tiếp bất động sản là xuất phát từ rủi ro đầu tư bất động sản, tính thanh khoản thấp của loại hình đầu tư này. Doanh nghiệp chỉ được phép đầu tư vào gián tiếp vào bất động sản, nhằm tránh rủi ro đầu cơ và giảm rủi ro thanh khoản. Quy định này được tham khảo kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc…, cũng như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Thực tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 20%/10% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ, nhưng không hướng dẫn cụ thể về các hình thức đầu tư vào bất động sản. Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản. Do vậy, hiện vẫn chưa có công ty bảo hiểm nào đầu tư vào bất động sản.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, nguồn vốn của công ty bảo hiểm là vốn chủ sở hữu, nguồn tiền thu được của người tham gia bảo hiểm được đem trích lập dự phòng nghiệp vụ và nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Để đảm bảo việc chi trả thường xuyên các yêu cầu trả tiền bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, dự thảo Luật chỉ cho phép doanh nghiệp đem đầu tư một phần dự phòng nghiệp vụ, phần còn lại phải giữ tiền mặt để chi trả cho khách hàng.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung nguyên tắc đầu tư để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện và quản lý đầu tư, trong đó quy định rõ dự phòng nghiệp vụ chỉ được phép đầu tư tại Việt Nam, trừ trường hợp dự phòng nghiệp vụ của hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và hợp đồng bảo hiểm có quyền lợi liên kết với chỉ số nước ngoài. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài được tăng cường tính chủ động trong hoạt động đầu tư. Tùy theo chiến lược kinh doanh, việc quản trị rủi ro tài sản và bảo hiểm, doanh nghiệp được phép lựa chọn tài sản đầu tư nằm trong phạm vi không bị hạn chế của Luật.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về đầu tư ra nước ngoài. Thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm (tại Lào, Campuchia) như BIC. Thị trường bảo hiểm ở nhiều nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ được đánh giá là tiềm năng khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thấp hơn so với bình quân của thế giới. Mặt khác, với mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm tài chính bảo hiểm của khu vực, cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài là tất yếu.
Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 20 hiệp định thương mại khác. Tận dụng các cam kết quốc tế về hiện diện thương mại và cung cấp dịch vụ qua biên giới, cùng với việc mở rộng hàng hóa xuất nhập khẩu sang các quốc gia khác, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ có thêm khách hàng tại nước ngoài.
Việc đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm; tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối; được Bộ Tài chính chấp thuận và thực hiện dưới tên của doanh nghiệp đó; thực hiện quản lý và theo dõi tách biệt nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư, doanh thu, chi phí của hoạt động đầu tư ra nước ngoài; không được sử dụng tiền, tài sản của người tham gia bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Quy định trên nhằm minh bạch hóa, bảo đảm công bằng giữa chủ sở hữu và các khách hàng tham gia bảo hiểm. Việc tách quỹ bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên sử dụng tiền phí thu được của khách hàng phục vụ cho chính hợp đồng của khách hàng. Việc theo dõi tách biệt các nguồn vốn, tài sản, doanh thu, chi phí góp phần theo dõi hiệu quả hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, nhà đầu tư, khách hàng tham gia bảo hiểm có thể thuận tiện đánh giá hiệu quả hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ nào lãi, lỗ, quy mô và mức độ tăng trưởng…, qua đó phản ánh chất lượng quản lý kinh doanh, xu thế phát triển và rủi ro tiềm tàng của doanh nghiệp. Việc tách quỹ còn nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm (Luật Bảo hiểm của Singapore và Malaysia có các quy định tương tự).
Đề xuất bỏ giới hạn các tài sản đầu tư
Hoạt động đầu tư của khối công ty bảo hiểm thời gian qua chưa đa dạng, trong khi nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn. Việc đa dạng hóa hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở nâng cao công tác quản lý vốn theo rủi ro sẽ góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Danh mục đầu tư của khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chiếm 79,8% tổng số tiền đầu tư. Số còn lại được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương (2,8%); cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh và không có bảo lãnh, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào doanh nghiệp khác, ủy thác đầu tư (16,3%); cho vay, kinh doanh bất động sản (1,1%).
Tỷ suất lợi nhuận hoạt động đầu tư trong năm qua vào cổ phiếu, trái phiếu đạt 6%, tiền gửi, trái phiếu chính phủ là 7%, các khoản đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác là 2%.
Đối với khối bảo hiểm nhân thọ, hoạt động đầu tư được cải thiện hơn, song danh mục đầu tư vẫn chưa đa dạng.
Tại Việt Nam, do chưa áp dụng mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, nên quy định hiện hành về đầu tư được đánh giá là thận trọng, các loại tài sản được đầu tư bị giới hạn, thiếu vắng tài sản đầu tư có thời hạn dài trên thị trường để cân đối thời hạn giữa tài sản với trách nhiệm.
Từ năm 2015 trở về trước, có nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 – 15 năm, nhưng thiếu những kỳ hạn dài hơn, trong khi nhu cầu từ doanh nghiệp bảo hiểm luôn cần trái phiếu kỳ hạn dài hoặc trái phiếu không có trái tức (zero coupon bond) để kéo dài kỳ hạn đầu tư của tài sản, hạn chế rủi ro tái đầu tư, rủi ro mất cân bằng giữa thời hạn của tài sản đầu tư và thời hạn trách nhiệm. Kể từ năm 2016, Chính phủ phát hành trái phiếu kỳ hạn 20 năm và 30 năm, nhưng giá trị gọi thầu khiêm tốn, khoảng 13% tổng giá trị trái phiếu gọi thầu tất cả các kỳ hạn. Mức lãi suất kỳ vọng để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ít nhất bằng tỷ lệ lạm phát cộng với 3%.
Doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (tự doanh hoặc ủy thác qua công ty quản lý quỹ) từ nguồn vốn chủ sở hữu vượt quá vốn pháp định hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu, tùy số nào lớn hơn. Doanh nghiệp được tự doanh đầu tư vào các loại công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng không quá 5% tổng số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức nước ngoài (trừ trái phiếu chính phủ nước ngoài) và không vượt quá hạn mức tự doanh đăng ký đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi và chăm sóc sức khỏe, hiện không có quy định riêng, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc góp vốn vào doanh nghiệp thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi.
Đối với các công cụ phái sinh cho mục đích giảm thiểu rủi ro, trong các loại hình tài sản đầu tư quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành không đề cập đến công cụ này.
Về cho vay, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm được cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng Nghị định 73/2016/NĐ-CP không có quy định về cho vay và theo Luật Các tổ chức tín dụng, chỉ các tổ chức tín dụng mới được cho vay. Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cho khách hàng tạm ứng trên cơ sở giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm với tỷ lệ rất nhỏ so với tổng tài sản đầu tư (tỷ lệ này năm 2018 là 2,6%).
Hiện các hoạt động cho vay cho các dự án/thương mại khá phổ biến trên thị trường, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động đầu tư theo hướng bỏ giới hạn các tài sản đầu tư mà doanh nghiệp có thể đầu tư như quy định hiện hành. Thay vào đó, tính toán số vốn tối thiểu cần thiết tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của từng doanh nghiệp, qua đó góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Những doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình tài sản đầu tư có độ rủi ro cao, tính thanh khoản thấp sẽ có yêu cầu về vốn tối thiểu cao hơn so với các doanh nghiệp đầu tư vào các tài sản có tính an toàn cao. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp được đầu tư ra nước ngoài đối với một số trường hợp. Đề xuất chính sách này sẽ gắn liền với mô hình vốn trên cơ sở rủi ro được áp dụng và rủi ro tài sản sau khi được lượng hóa phù hợp với tình hình thị trường.
Động lực phát triển mới cho môi giới bảo hiểm
(ĐTCK) – Quy định mới tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ tạo động lực cho các công ty môi giới bảo hiểm phát triển.
Số lượng công ty môi giới chiếm 30%
Số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 75 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hiện tại có 23 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, gồm 5 doanh nghiệp được thành lập năm 2021 (năm 2020 có 3 doanh nghiệp mới).
Ngoại trừ Aon Vietnam, Marsh Vietnam và Willis Towers Watson Vietnam Insurance Broker có quy mô nhân sự quanh ngưỡng 100 người, hầu hết công ty môi giới bảo hiểm có số lượng nhân sự dưới 30 người, thậm chí chỉ vài người.
Một số công ty có cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (tính đến hết năm 2020) như Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm LK Việt Nam do Công ty LK Insurance Service Co. Ltd góp vốn 100%, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Bảo An do Công ty TNHH Tư vấn quản lý và đại lý bảo hiểm Bảo An góp vốn 100%, Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Bolttech Việt Nam do Công ty cổ phần Giải pháp số Bolttech Việt Nam góp vốn 92%.
Năm 2020, tổng doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đạt 962 tỷ đồng, tăng 15%, trong đó, hoa hồng môi giới bảo hiểm đạt 880 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2019, tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm trên phí bảo hiểm thu xếp bình quân là 9,09%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu môi giới bảo hiểm đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là hoa hồng môi giới bảo hiểm.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi, trong đó, liên quan đến doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định mới nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp, giảm bớt điều kiện đối với các nhà đầu tư để phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế.
Cụ thể, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) giảm bớt thủ tục hành chính, chuyển từ hình thức chấp thuận sang thông báo; chỉ thực hiện phê chuẩn đối với các chức danh chủ chốt (tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật); giảm bớt điều kiện đối với một số chức danh như chủ tịch hội đồng quản trị, kế toán trưởng; bỏ các quy định về kiểm soát, kiểm toán nội bộ để phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đơn thuần, vốn nhỏ – hiện vốn pháp định đối với hoạt động môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm là 4 tỷ đồng).
Đồng thời, dự thảo bổ sung các quy định để nâng cao chất lượng hoạt động môi giới bảo hiểm như nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, nghĩa vụ công khai thông tin, hạch toán tách biệt tài khoản thu hộ, chi hộ.
Hiện tại, không ít quy định về môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm như quyền và nghĩa vụ đang được quy định tại các văn bản dưới luật nên việc áp dụng gặp khó khăn; một số quy định chưa rõ ràng, chưa phản ánh đúng bản chất hoạt động, gây nhầm lẫn giữa các hoạt động đại lý, môi giới và phụ trợ bảo hiểm; các khoản thù lao/quyền lợi của đại lý, môi giới chưa được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch.
Cũng giống như kênh đại lý bảo hiểm, chất lượng hoạt động của môi giới bảo hiểm chưa thực sự chuyên nghiệp, bài bản, do thiếu các quy định về nguyên tắc hoạt động…
Đối với lĩnh vực môi giới bảo hiểm, quy mô, bản chất hoạt động, mức độ tác động đến thị trường, khách hàng, yêu cầu quản lý, giám sát khác các doanh nghiệp bảo hiểm.
Vậy nhưng, các quy định đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm như điều kiện đối với các nhà đầu tư, thủ tục cấp phép, thủ tục hành chính, quy định về thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ, điều kiện, tiêu chuẩn người quản trị điều hành… được áp dụng như đối với doanh nghiệp bảo hiểm, do đó chưa phù hợp và gây khó khăn đối với các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong việc tuân thủ quy định pháp luật.
Bộ Tài chính cho biết, pháp luật đang quy định chung chung về chứng chỉ đối với môi giới bảo hiểm, nên thị trường sử dụng nhiều loại chứng chỉ về bảo hiểm khác nhau như chứng chỉ bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản, chứng chỉ tái bảo hiểm, chứng chỉ bảo hiểm tài sản, chứng chỉ bảo hiểm sức khỏe…
Thực tế đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng cá nhân thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm về nội dung đào tạo, việc tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ môi giới bảo hiểm.
Cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của thị trường bảo hiểm, quy trình thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm cần chuyên nghiệp hơn.
Điều này đòi hỏi có những quy định cụ thể về quy trình thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, các tài liệu cần lưu trữ, quy định về minh bạch hóa thông tin đối với khách hàng và các bên thứ ba về tỷ lệ hoa hồng, mối quan hệ với doanh nghiệp bảo hiểm, các thông tin gây ra xung đột lợi ích, quản lý và bảo vệ tiền của khách hàng từ việc thu hộ, chi hộ.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu trên. Việc không quy định thời hạn của chứng chỉ đại lý bảo hiểm và chứng chỉ môi giới bảo hiểm sẽ giúp tiết kiệm chi phí khi đại lý bảo hiểm hoặc các cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác (tiếp tục sử dụng chứng chỉ đã có, chỉ cần được doanh nghiệp cập nhật lại sản phẩm bảo hiểm).
Khi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hạch toán tách biệt tài khoản thu hộ chi hộ doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, không bị chiếm dụng hoặc sử dụng khoản tiền này vào các mục đích khác của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Bộ Tài chính đánh giá, các quy định mới sẽ giúp môi trường đầu tư thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển cho lĩnh vực môi giới bảo hiểm, do quy định pháp luật về điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cắt giảm, đơn giản hóa, đa dạng hóa các đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ…
Đồng thời, việc trao thẩm quyền cho Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm) để thống nhất quản lý trong tổng thể thi, cấp, công nhận đối với chứng chỉ môi giới bảo hiểm; quản lý, giám sát trực tiếp, thực hiện thanh tra, kiểm tra về môi giới bảo hiểm sẽ đảm bảo cho môi giới bảo hiểm hoạt động kinh doanh lành mạnh, thị trường phát triển hiệu quả.
Ngoài ra, việc bổ sung kênh phân phối là môi giới cá nhân – người đại diện cho quyền lợi khách hàng để tiếp cận khách hàng cũng sẽ tạo động lực phát triển cho khối doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong thời gian tới.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Tổng Giám đốc PTI được bầu vào Hội đồng trường Học viện Tài chính
(PTI) – Sáng ngày 7 tháng 12 năm 2021, Học viện Tài chính đã tổ chức buổi lễ Công bố Quyết định công nhận Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, ông Bùi Xuân Thu – Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ là đại diện của cộng đồng xã hội tham gia làm thành viên Hội đồng trường.
Việc Tổng giám đốc của PTI được bầu làm thành viên Hội đồng trường cho thấy uy tín của doanh nghiệp cũng như uy tín cá nhân của ông Bùi Xuân Thu, đồng thời cho thấy sự hợp tác phát triển giáo dục giữa PTI và Học viện Tài chính đã đạt được những thành công nhất định. Được biết, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của Học viện, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động, huy động nguồn lực cho Học viện, thực hiện giám sát các hoạt động của Học viện, gắn Học viện với cộng đồng và xã hội, đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Học viện theo quy định của pháp luật.
Ông Bùi Xuân Thu hiện đang là Tổng giám đốc của PTI – một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất thị trường, đồng thời là phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Với hơn 30 năm kinh nghiệm điều hành trong ngành tài chính, ông Bùi Xuân Thu đã có nhiều đóng góp thiết thực cho Học viện Tài chính cũng như cho việc nuôi dưỡng nguồn nhân lực của bảo hiểm trong tương lai.
Trong nhiều năm qua, PTI luôn dành sự quan tâm đầu tư đặc biệt cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bảo hiểm với tổng chi phí tài trợ khoảng 10 tỷ đồng. Riêng đối với Học viện Tài chính, PTI đã xây dựng nhiều chương trình hợp tác chặt chẽ. Bắt đầu từ năm 2014, hai bên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với nhiều hoạt động ý nghĩa cho sinh viên, có thể kể đến như: Dự án “Nuôi dưỡng tài năng bảo hiểm”; Trao tặng học bổng, phòng học tiếng anh đa năng theo tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng chương trình tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên và tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại PTI…
Được biết, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 được bầu các thành viên tham gia ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau như: Đại diện giảng viên, Đại diện viên chức và người lao động, Đại diện cộng đồng xã hội. Phía Học viện kỳ vọng rằng nhân sự mới trúng cử thành viên Hội đồng trường sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi, toàn diện những nhiệm vụ được giao, đổi mới giáo dục và đưa Học viện Tài chính ngày càng phát triển vững mạnh.
PTI tham dự lễ trao Giải Báo chí về Bảo hiểm
(PTI) – Ngày 9/12/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã tổ chức Lễ trao Giải Báo chí về Bảo hiểm 2020 – 2021 và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm 2022.
Giải thưởng báo chí về bảo hiểm là Giải thưởng thường niên uy tín dành cho các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp và người làm báo không chuyên có tác phẩm báo chí về lĩnh vực bảo hiểm được đăng, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Tổng giám đốc PTI – ông Bùi Xuân Thu đã tới tham dự với vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Phó Ban tổ chức Giải Báo chí về Bảo hiểm 2020-2021. Tại buổi lễ, ông chia sẻ “Những năm qua, thị trường bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Cụ thể, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hay tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khối ASEAN, của châu Á hay là mức trung bình thế giới”.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi trong mùa giải 2020-2021, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo, cho biết nhiều vấn đề thời sự, nhiều thay đổi chuyển mình, ứng dụng công nghệ trong ngành bảo hiểm để đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng và để thích ứng với bối cảnh giãn cách xã hội trong đại dịch đã được phân tích, phản ánh kịp thời với góc nhìn đa chiều. “Nhiều bài viết được đầu tư, có tính phát hiện, phản biện cao và hiệu quả lan tỏa xã hội tích cực, thể hiện được tính công bằng và cân bằng trong việc đưa tin, trở thành cầu nối hiệu quả giữa người dân và doanh nghiệp bảo hiểm cũng như với các cơ quản lý Nhà nước.
- Tin quốc tế
WTW mua lại hãng môi giới bảo hiểm hàng không Aerosure tại Sydney
(INA) – Willis Towers Watson (WTW) đã công bố mua lại công ty môi giới bảo hiểm hàng không Aerosure có trụ sở tại Sydney.
Aerosure, có trụ sở tại Sydney, sẽ trở thành một phần của hoạt động kinh doanh Hàng không Vũ trụ Toàn cầu của WTW. Công ty cung cấp một bộ giải pháp môi giới bảo hiểm hàng không để phục vụ nhu cầu bảo hiểm và rủi ro của ngành hàng không ở Úc và New Zealand, cũng như toàn bộ khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Ông Greg Rector, Giám đốc điều hành của Aerosure, sẽ chuyển đến WTW với tư cách là Giám đốc điều hành của Bộ phận Hàng không Australasia, và sẽ có sự tham gia của các đồng nghiệp từ Aerosure.
Ông Simon Weaver, Giám đốc môi giới và rủi ro doanh nghiệp khu vực Châu Á và Châu Úc, đồng thời là Giám đốc Australasia, cho biết: “WTW đã hợp tác chặt chẽ với Aerosure để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng hàng không địa phương trong nhiều năm. Chúng tôi biết rằng đội ngũ Aerosure chia sẻ các giá trị và đặc tính của WTW. Đưa Aerosure gia nhập vào WTW phản ánh chiến lược toàn cầu của chúng tôi là hợp tác với các doanh nghiệp có hiệu suất cao và tiềm năng cao trong các thị trường và các ngành đã chọn”.
AIA cam kết phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050
(INA) – AIA Group Limited đã công bố cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo một thông cáo, AIA sẽ chịu sự giám sát của Ủy ban chỉ đạo Khí hậu và Mạng lưới mới được thành lập do ông Lee Yuan Siong, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn AIA đứng đầu. Giám đốc Đầu tư của Tập đoàn AIA có trách nhiệm giám sát trực tiếp việc tích hợp cam kết phát thải ròng bằng 0 của Công ty vào quy trình tham gia danh mục đầu tư của mình. Tiến độ thực hiện các mục tiêu liên quan đến khí hậu đầy tham vọng của công ty sẽ được báo cáo thường xuyên cho Ban Giám đốc Công ty.
AIA cũng hứa sẽ đưa các thông tin cập nhật về tiến độ thực hiện phát thải ròng bằng không trong báo cáo ESG hàng năm để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Công ty cũng sẽ tiếp tục báo cáo tiến độ của mình đối với các Nguyên tắc của LHQ về Đầu tư có trách nhiệm (PRI), Nguyên tắc UNEP FI về Bảo hiểm Bền vững (PSI) và hướng tới khuôn khổ của Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD).
Ông Lee Yuan Siong, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn AIA cho biết: “Cam kết của chúng tôi về phát thải ròng vào năm 2050 sẽ hỗ trợ việc cung cấp giá trị bền vững lâu dài cho khách hàng, cổ đông và cộng đồng. AIA hoàn toàn tập trung vào Châu Á và được thúc đẩy bởi mục đích của chúng tôi là giúp mọi người sống Khỏe hơn, Lâu hơn, Tốt hơn, chúng tôi có trách nhiệm giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đóng góp vào sự phát triển bền vững và lành mạnh hơn cho châu Á”.
AIA gần đây đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi hoạt động khai thác than và nhiệt điện than sớm trước 7 năm so với mục tiêu đã đề ra.
Hồng Kông cấp phép kinh doanh bảo hiểm dài hạn cho CPIC Life (HK)
(INA) – Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông đã cấp phép cho Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc Thái Bình Dương (HK) được hoạt động kinh doanh bảo hiểm dài hạn tại vùng lãnh thổ này.
Theo ông Candy Yuen, Tổng Giám đốc CPIC Life (HK), việc cấp phép sẽ giúp thực hiện mục tiêu của công ty là trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có trải nghiệm khách hàng tốt nhất tại Hồng Kông.
Tập đoàn cho biết, họ có kế hoạch ra mắt ứng dụng Pacific Care Home để cung cấp cho khách hàng của họ quyền truy cập vào các dịch vụ quản lý sức khỏe của tập đoàn.
CPIC Life (HK) là công ty trong danh sách Global 500 với các sản phẩm tập trung vào các giải pháp bảo vệ sức khỏe, quản lý tài sản và hưu trí.
AXA Hồng Kông giới thiệu ứng dụng đánh giá sức khỏe tâm thần tức thì
(INA) – AXA Hồng Kông vừa tung ra bản nâng cấp mới nhất trên ứng dụng Emma cho phép đánh giá sức khỏe tâm thần tức thì cho khách hàng.
Có tên gọi là Mind Healer, đây là nền tảng tư vấn trực tuyến một cửa để đánh giá và hỗ trợ sức khỏe tâm thần tức thì.
Đây là sản phẩm của quá trình hợp tác giữa AXA Hồng Kông và TheraTalk, nhà cung cấp dịch vụ tâm lý dựa trên công nghệ đầu tiên của Hồng Kông. Sau khi hoàn thành một đánh giá đơn giản, nhân viên tư vấn sẽ được chỉ định cho người sử dụng để tư vấn trực tuyến bằng văn bản theo kết quả đánh giá.
Ngoài ra, AXA Hồng Kông đã tập hợp danh sách các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nhau, từ bác sĩ đa khoa có bằng cấp về tâm lý học đến bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học lâm sàng được chứng nhận tại 27 địa điểm ở Hồng Kông, tạo thành “mạng lưới sức khỏe tâm trí”. Các chuyên viên này sẽ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp. Danh sách mạng lưới này sẵn sàng phục vụ cho người lao động được bảo hiểm và những người phụ thuộc theo hợp đồng bảo hiểm Quyền lợi Nhân viên AXA1.
Nâng cấp dịch vụ mới nhất này là một phần trong nỗ lực của AXA Hồng Kông nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm thần của khách hàng và những người phụ thuộc.
Hồng Kông: Ngân hàng ZA ra mắt gói bảo hiểm tiết kiệm mới
(INA) – Ngân hàng kỹ thuật số Hồng Kông ZA Bank mới đây đã đưa ra một kế hoạch bảo hiểm tiết kiệm mới với sự hợp tác của ZA Insure.
Kế hoạch này đi kèm với tỷ suất sinh lợi đảm bảo lên đến 2,5% / năm, sẽ mang lại cho người dùng sự bảo vệ vốn và tích lũy tài sản.
Chương trình bảo hiểm có tên gọi là Bảo hiểm Tiết kiệm ZA, bao gồm gói bảo hiểm tiết kiệm HKD ba năm với một kỳ hạn thanh toán phí bảo hiểm duy nhất và hiện là gói bảo vệ có yêu cầu đầu vào thấp nhất ở Hồng Kông dựa trên sự so sánh mức phí bảo hiểm tối thiểu của các sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm có kỳ hạn được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm lớn tính đến tháng 11 năm 2021.
Người dùng có thể bắt đầu kế hoạch tiết kiệm của mình ngay cả với khoản phí bảo hiểm thấp tới 1 HKD. Gói này cũng cho phép người dùng rút tiền từ hợp đồng mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
Ông Calvin Ng, đồng giám đốc Ngân hàng Bán lẻ tại ZA Bank, nói: “Sản phẩm hàng đầu của chúng tôi ‘ZA Savings Go’ đã được người dùng đón nhận nồng nhiệt và điều đó đã tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng khi thiết kế ‘ZA Savings Insurance’. Việc giới thiệu sản phẩm này đánh dấu một bước đột phá khác trong quá trình đổi mới sản phẩm của công ty. Chúng tôi hy vọng ‘ZA Savings Insurance’ có thể hỗ trợ người dùng dần dần đạt được các mục tiêu tài chính của họ”.
Biến đổi khí hậu thúc đẩy ngành bảo hiểm áp dụng các thông lệ ESG
(INA) – Theo công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, quản lý rủi ro dài hạn của biến đổi khí hậu là động lực chính để áp dụng và tích hợp các thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong lĩnh vực bảo hiểm.
Một cuộc thăm dò trong ngành từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2021 cho thấy 21,6% nói rằng việc giảm thiểu rủi ro dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra là động lực chính để áp dụng các thông lệ ESG trong ngành bảo hiểm. 20,2% cho biết đây là một phần quan trọng trong giá trị và đạo đức của công ty trong khi 19,2% cho biết đây là cách để doanh nghiệp phân biệt mình với các đối thủ cạnh tranh.
Phần còn lại được chia cho những người nói rằng thực hành ESG là cơ hội PR tốt (14,1%), khách hàng mong đợi họ áp dụng các thực hành ESG tại chỗ (10,8%), đó là yêu cầu của pháp luật (7,5%) và nhân viên và ban quản lý mong đợi doanh nghiệp thực hiện ESG (6,6%).
Ông Beatriz Benito, nhà phân tích bảo hiểm cấp cao của GlobalData, cho rằng ngành bảo hiểm phải đối mặt với tương lai chi phí leo thang và hậu quả của các hiện tượng thời tiết và thiên tai ngày càng nghiêm trọng, điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn cùng với biến đổi khí hậu.
“Số lượng yêu cầu bồi thường ngày càng tăng – thường xuyên hơn là không liên quan đến các khoản chi lớn – cuối cùng sẽ khiến một số khu vực đất không thể sử dụng được.” Benito nói.
Ông nói thêm rằng tương lai đầy thách thức này sẽ tiếp tục khuyến khích những công ty bảo hiểm chưa chấp nhận ESG vào các giá trị doanh nghiệp và hoạt động của họ để áp dụng các thông lệ ESG tốt hơn trong tương lai. Benito nhấn mạnh rằng ESG là con dao hai lưỡi đối với một số công ty bảo hiểm.
“Với việc các quốc gia đang nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về phát thải, các công ty bảo hiểm có thể tạo điều kiện cho việc chuyển đổi hướng tới nền kinh tế các-bon thấp bằng cách điều chỉnh các chính sách đánh giá rủi ro và đầu tư. Ví dụ, bằng cách rút khỏi bảo hiểm các ngành sử dụng nhiều carbon. Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm tạo ra doanh thu đáng kể từ các ngành sử dụng nhiều hóa thạch và sẽ ít có xu hướng thực hiện các hành động cần thiết với luật pháp chặt chẽ hơn mà chỉ đẩy nhanh việc rút lui của họ trong các lĩnh vực này”, ông Benito nói.
Trung Quốc: Nhà chức trách thu hồi 8 tỷ USD từ gian lận bảo hiểm sức khỏe
(AIR) – Theo dữ liệu chính thức, hoạt động chống gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe của Trung Quốc đã thu hồi được 50,6 tỷ CNY (7,93 tỷ USD) do gian lận xảy ra từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 10 năm 2021.
Hoạt động này đã được Cơ quan Quản lý An ninh Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia (NHSA), Bộ Công an và Ủy ban Y tế Quốc gia đồng khởi động vào tháng 4.
Ông Jiang Chengjia, một quan chức cấp cao của NHSA, cho biết chiến dịch quốc gia nhằm vào gian lận bảo hiểm y tế đã kiểm tra 2,34 triệu cơ sở y tế tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 9/12. Tân Hoa xã dẫn lời quan chức cho hay, chính quyền đã ra lệnh trừng phạt đối với gần 1 triệu cơ sở y tế mà họ đã kiểm tra.
Tính đến cuối tháng 10, đã điều tra tổng số 3.970 trường hợp trong hoạt động liên kết, và quỹ bảo hiểm y tế cơ sở quốc gia đã đình chỉ hợp đồng dịch vụ với 142 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chấm dứt hợp đồng với 61 cơ sở.
NHSA cho biết, hoạt động chống gian lận quốc gia sẽ được kéo dài thêm một năm nữa. Kế hoạch ban đầu là kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm nay.
Bangladesh: Chính phủ thắt chặt các quy định về quỹ bảo hiểm nhân thọ
(AIR) – Vụ Định chế Tài chính của Bộ Tài chính Bangladesh đã gặp gỡ các bên liên quan để thảo luận về các quy định nhằm tách biệt các quỹ bảo hiểm nhân thọ nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng.
The Financial Express đưa tin cho biết, đại diện từ Hiệp hội Bảo hiểm Bangladesh và Diễn đàn Bảo hiểm Bangladesh, một nền tảng gồm các CEO của các công ty bảo hiểm và Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm (IDRA), đã tham gia cuộc họp này.
Nguồn tin cho biết, động thái này là một phần của các biện pháp nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý quỹ và ngăn chặn việc nội gián lạm dụng quỹ.
Quỹ bảo hiểm nhân thọ có sự đóng góp của cả nhà tài trợ công ty và chủ hợp đồng. Chủ hợp đồng thường có lợi ích lớn hơn. Các cáo buộc đã được đưa ra rằng một số nhà tài trợ của các công ty bảo hiểm nhân thọ thu các lợi ích tài chính phi đạo đức từ quỹ mặc dù thực tế rằng cổ phần của họ trong quỹ chỉ khoảng 10%.
Một người tham gia cuộc họp cho biết, “Chúng tôi tin rằng, sau khi ban hành quy định về vấn đề này, ngành sẽ đạt được niềm tin hơn”. Ông cũng nói rằng có nhiều thách thức trong việc thực hiện kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng một khi quy định được thực hiện, nó sẽ là bước nhảy vọt cho ngành.
Tổng quy mô của các quỹ bảo hiểm nhân thọ trong lĩnh vực này là gần 500 tỷ BDT (5,9 tỷ USD). Trong số này, 360 tỷ BDT được đầu tư chủ yếu vào chứng khoán chính phủ và tiền gửi lãi suất cố định.
BTV (Tổng hợp).