TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 46

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sẽ thay đổi sau COVID-19; ACB dừng phân phối cho AIA và Manulife; Prudential triển khai công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

ABIC Phú Thọ chi trả 192 triệu đồng bảo hiểm Bảo an Tín dụng

(ABIC) – Ngày 12/11/2020, ABIC – Phú Thọ phối hợp cùng với Agribank – Chi nhánh Thị xã Phú Thọ tổ chức buổi lễ chi trả bồi thường cho hai gia đình khách hàng trên địa bàn thị xã Phú Thọ với số tiền 192 triệu đồng.

Buổi lễ được tổ chức tại hội trường UBND xã Hà Thạch –Thị xã Phú Thọ với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo Agribank thị xã Phú Thọ.

Thay mặt gia đình người em trai của Người được bảo hiểm – Ông Nguyễn Trọng Thịnh chia sẻ: “Năm 2017, anh tôi có vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thị xã Phú Thọ để làm vốn đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Quá trình vay vốn, cán bộ tín dụng đã tư vấn cho anh tôi mua bảo hiểm cho khoản vay, phòng khi rủi ro xảy ra, phía bảo hiểm sẽ thanh toán cả gốc và lãi. Nghĩ rằng, cuộc sống có nhiều bất trắc, nếu chuyện không may xảy ra thì người thân có chỗ để dựa nên anh trai tôi đã bỏ ra 650.000 VNĐ để tham gia bảo hiểm. Thời gian ngắn sau đó, anh trai tôi mắc bệnh trọng phải chạy chữa khắp nơi, tốn nhiều công sức, tiền bạc mà  bệnh không khỏi rồi anh tôi qua đời.

Ngay khi anh tôi nằm xuống, cán bộ ABIC Phú Thọ và Agribank thị xã Phú Thọ đã đến thăm viếng, trao số tiền 1 triệu đồng để hỗ trợ tiền mai táng và hôm nay, bảo hiểm ABIC trao số tiền 102 triệu đồng giúp gia đình anh tôi thanh toán toàn bộ khoản vay ngân hàng. Món tiền không hề nhỏ, nếu không tham gia bảo hiểm thì gia đình anh tôi, vợ và các con của anh tôi không biết dựa vào đâu để trả khoản vay đó và chắc sẽ rơi vào bế tắc”.

Với tính nhân văn mà sản phẩn “Bảo an tín dụng” mang lại, từ đầu năm 2020, cả nước đã có hơn 3 triệu khách hàng của Agribank mua sản phẩm này. Trong đó, tại Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã có hơn 70.000 lượt người và có 180 khách hàng gặp rủi ro đã được bồi thường hơn 8,5 tỷ đồng.
Ông Lê Diên Dũng – Giám đốc Agribank Chi nhánh thị xã Phú Thọ cho biết: “Các sản phẩm bảo hiểm nói chung và “Bảo an tín dụng” nói riêng, mang ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi đã chỉ đạo các giao dịch viên, nhất là các cán bộ tín dụng phải tuyên truyền, vận động khách hàng của mình tham gia bảo hiểm khi vay vốn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khách hàng không hiểu hết ý nghĩa của sản phẩm “Bảo an tín dụng” nên chưa nhiệt tình tham gia. Cuộc sống luôn rất nhiều bất trắc, một phần nhỏ trong tổng số món vay sẽ an toàn hơn rất nhiều cho cả ngân hàng và người vay vốn khi bất trắc xảy ra!”.

Cùng với chia sẻ, Ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch xã Hà Thạch cũng có những ý kiến: Bản thân gia đình Ông cũng đã được ABIC chi trả bồi thường năm 2013, khi đó Bố của Ông có đứng ra vay tiền cho ông xây nhà, không may Bố của ông gặp rủi ro và đã được ABIC chi trả với số tiền 50 triệu đồng. Ông Quyết cho rằng việc tư vấn cho người dân tham gia bảo hiểm khi vay vốn là rất tốt và hết sức cần thiết để phòng ngừa khi không may gặp rủi ro về sức khỏe, về tính mạng thì đã có Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp thay người vay vốn trả nợ khoản vay tại Ngân hàng nông nghiệp, điều đó đã làm giảm bớt những khó khăn về tài chính cho gia đình. Ông đánh giá sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tín dụng mang tính nhân văn cao cả, mình vì mọi người, mọi người vì mình, khi mình may mắn không gặp rủi ro, thì phần phí mua bảo hiểm cũng đã giúp đỡ được các gia đình không may gặp rủi ro trong cuộc sống.

  1. Một vòng doanh nghiệp

ACB dừng phân phối sản phẩm bảo hiểm của AIA và Manulife Việt Nam

(ĐTCK) – ACB vừa phát đi thông báo cho biết sẽ ngừng hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam tại tất cả chi nhánh, phòng giao dịch kể từ ngày 2/12.

Quyết định trên được đưa trong bối cảnh ACB và Sun Life Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn 15 năm.

Dự kiến việc hợp tác giữa ACB và Sun Life Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2021 thông qua mạng lưới của ACB trên 48 tỉnh, thành.

Giá trị của thương vụ chưa được các bên tiết lộ nhưng theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền sẽ giúp cho ACB có được khoản phí trả trước khá lớn. Với tập khách hàng hiện có, BVSC ước tính mức phí trả trước có thể hơn 90 triệu USD (tương đương 2.100 tỷ đồng).

Trong khi đó, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng ứng đoán mức phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể vào khoảng 2.500 – 3.000 tỷ đồng.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức phí trả trước mà ACB nhận được lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng).

ACB sở hữu tập khách hàng nhiều tiềm năng để khai thác. Đặc biệt, ACB có mạng lưới 371 chi nhánh cùng với số lượng khách hàng cá nhân thường xuyên lớn lên tới 3,6 triệu người.

Prudential và SeABank gia tăng trải nghiệm khách hàng bằng sản phẩm bảo hiểm số

(TBTCO) – Với nền tảng dịch vụ ngân hàng số hiện đại, SeABank là ngân hàng đối tác đầu tiên triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số của Prudential Việt Nam.

Nhân sự kiện kỷ niệm 1 năm thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 20 năm, Prudential Việt Nam và Ngân hàng SeABank vừa ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số Pru-Bảo vệ 24/7 thông qua nền tảng e-banking của ngân hàng. Với nền tảng dịch vụ ngân hàng số hiện đại, SeABank là ngân hàng đối tác đầu tiên triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số này của Prudential Việt Nam.

Được ra mắt lần đầu vào giữa tháng 11/2020, sản phẩm Pru-Bảo vệ 24/7 giúp hỗ trợ tài chính cho khách hàng trước rủi ro hàng ngày như tai nạn, bỏng, ngộ độc thực phẩm hoặc tử vong và thương tật vĩnh viễn do tai nạn. Sản phẩm có mức phí thấp với 144.000đ/năm cho gói cơ bản và 374.000đ/năm cho gói nâng cao. Sản phẩm Pru-Bảo vệ 24/7 hiện đang được phân phối trên trang mua bảo hiểm trực tuyến ePrudential cùng một số nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Grab và tiếp theo là thông qua các dịch vụ ngân hàng số của SeABank gồm: ứng dụng SeAMobile, ngân hàng trực tuyến SeANet.

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm khách hàng của Prudential Việt Nam và SeABank, nhằm mang đến những sản phẩm và dịch vụ hiện đại, bắt kịp xu hướng số hóa của thị trường.

Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ tại sự kiện: “Sự kiện ký kết hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm trực tuyến Pru-Bảo vệ 24/7 trên các nền tảng e-banking của ngân hàng SeABank thể hiện cam kết hợp tác lâu dài của hai doanh nghiệp trong việc không ngừng phát triển các sản phẩm và dịch vụ bắt kịp xu hướng số hóa của thị trường, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu bảo vệ của khách hàng trong hành trình tham gia bảo hiểm”.

Từ đầu năm 2020, SeABank và Prudential Việt Nam đã chính thức hợp tác chiến lược triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) độc quyền trong thời hạn 20 năm với việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm đầu tư và bảo hiểm nhân thọ. Sau 9 tháng triển khai đã có hơn 10.000 khách hàng của SeABank được bảo vệ và tích lũy tài chính.

Prudential Việt Nam triển khai công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động

(TBTCO) – Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là cơ hội để Prudential Việt Nam đẩy nhanh quá trình thanh toán các gói bảo hiểm và mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa và Ngân hàng Sacombank hợp tác triển khai đồng thời công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động kết hợp với giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc của Visa. Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) là một trong những đối tác doanh nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ hiện đại này.

Cùng với các kênh nộp phí bảo hiểm miễn phí như Momo, ViettelPay, ZaloPay, VNPAY-QR…, phương thức thanh toán mới là nỗ lực của Prudential nhằm mang đến cho khách hàng những giải pháp nộp phí bảo hiểm đa dạng, thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.

Bà Nguyễn Thị Giang – Phó Tổng giám đốc Công nghệ và Giao dịch bảo hiểm của Prudential Việt Nam cho biết: “Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi đẩy nhanh quá trình thanh toán các gói bảo hiểm và mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Đồng hành triển khai công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại cùng Visa và Ngân hàng Sacombank, chúng tôi hy vọng giải pháp này sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn và thuận tiện hơn cho khách hàng thân thiết của mình”.

Thấu hiểu tầm quan trọng của chuyển đổi số, những năm qua, Prudential Việt Nam đã triển khai hàng loạt các giải pháp số đặt trải nghiệm khách hàng làm ưu tiên. Một trong những cải tiến mà doanh nghiệp này ứng dụng thành công là tự động hóa quy trình phát hành hợp đồng. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm cũng được số hóa xuyên suốt, không có sự can thiệp của con người.

Bên cạnh đó, ngày 11/11 vừa qua Prudential lần đầu ra mắt sản phẩm bảo hiểm tai nạn PRU – Bảo Vệ 24/7, bán trên trang bảo hiểm trực tuyến ePrudential và nền tảng của các đối tác thương mại điện tử như Shopee và Grab. Với mức giá hợp lý và sự thuận tiện cho khách hàng, sản phẩm được đón nhận tích cực với hơn 3.000 hợp đồng sau 15 ngày ra mắt.

Với những nỗ lực cải tiến sản phẩm và dịch vụ lấy khách hàng làm trọng tâm, đầu tháng 11 vừa qua, Prudential Việt Nam xếp thứ 2 trong “Top 10 thương hiệu có trải nghiệm khách hàng xuất sắc nhất 2020”, dựa trên khảo sát trải nghiệm khách hàng thực hiện bởi KPMG.

Lần đầu tiên có bảo hiểm rủi ro không gian mạng cho cá nhân tại Việt Nam

(TBTCO) – Ngày 2/12, tại Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) chính thức ra mắt sản phẩm bảo hiểm các rủi ro trên không gian mạng mang tên CyberGuard. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường Việt Nam với sứ mệnh bảo vệ khách hàng cá nhân trước các rủi ro trên không gian mạng.

Khi thói quen của người tiêu dùng chuyển từ offline sang online nhiều hơn thì cũng đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thói quen giao dịch, tiêu dùng online gia tăng. Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thời điểm phục hồi sau dịch, việc thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ khiến thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến tăng trưởng.

Nắm bắt xu hướng chuyển dịch của xã hội, BSH tiên phong ra mắt sản phẩm bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng. Lần đầu tiên tại Việt Nam có nhà bảo hiểm nhận trách nhiệm bồi thường cho người mua trên môi trường mua bán trực tuyến. CyberGuard của BSH bồi thường cho khách hàng khi bị mất cắp tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, bị đánh cắp dữ liệu/tài sản kỹ thuật số; bị trộm cắp thông tin cá nhân trên môi trường mạng gây ra tổn hại về tài chính và uy tín, danh dự cho người được bảo hiểm.

BSH cũng là đơn vị đầu tiên trên thị trường phối hợp với đối tác hàng đầu tại Mỹ về an ninh mạng là Cyberscout để cung cấp tới khách hàng một sản phẩm nhiều ưu điểm và quy trình dịch vụ khác biệt so với các loại hình bảo hiểm sẵn có.

Khi gọi đến tổng đài 1800400136, khách hàng của BSH sẽ được hướng dẫn thông tin nhằm hạn chế tối đa tổn thất cũng như giúp phong tỏa các hành vi phạm pháp, nội dung tiêu cực ảnh hưởng đến người được bảo hiểm. BSH cam kết xác nhận bồi thường trong vòng 36h, kể từ khi khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan. Các chuyên gia về an ninh mạng luôn đồng hành cùng khách hàng BSH trong quá trình điều tra và xử lý sự cố. Đây cũng là một ưu điểm đáng kể của CyberGuard.

Cũng trong ngày ra mắt, BSH đã công bố đối tác chiến lược đầu tiên là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trong đó, SHB gửi tặng hơn 1.000 quà tặng là các hợp đồng bảo hiểm CyberGuard tích hợp cùng quyền lợi trong thẻ Visa dành tặng cho khách hàng cao cấp. Tích hợp quyền lợi bảo hiểm rủi ro không gian mạng cùng với tiện ích của thẻ ngân hàng sẽ giúp bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến, đảm bảo tốt nhất quyền lợi và tối ưu trải nghiệm khách hàng. Đây đồng thời là cam kết của Ngân hàng SHB trong việc luôn đảm an ninh an toàn đi đôi với phát triển công nghệ số.

PJICO tri ân khách hàng mua bảo hiểm xe ô tô

(PJICO) – Từ ngày 01/12/2020, Bảo hiểm PJICO áp dụng chương trình “Mua Bảo hiểm hiệu, nhận quà sành điệu”, theo đó, khách hàng mua bảo hiểm vật chất xe ô tô của PJICO trên toàn quốc sẽ được tặng 01 sạc pin dự phòng không dây đa năng.

Chương trình được áp dụng đến 28/02/2021, trên toàn hệ thống PJICO, các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và mọi kênh khai thác khác.

Chương trình là hoạt động tri ân khách hàng nhân dịp PJICO tròn 25 tuổi. Đây cũng là dịp để nhà bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường này thể hiện cam kết mang lại dịch vụ chất lượng bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm bảo hiểm tốt trong giai đoạn “bình thường mới”.

PJICO hiện là nhà bảo hiểm phi nhân thọ bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Suốt 25 năm qua, Công ty đã phát triển mạnh mẽ, là đối tác tin cậy của nhiều khách hàng, đặc biệt là trong sản phẩm bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới, sức khỏe.

9 tháng đầu năm 2020, bảo hiểm xe cơ giới PJICO tăng 12% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm xe (chỉ 7%), góp phần đưa tổng doanh thu bảo hiểm gốc trong giai đoạn này tăng trưởng tới 22,3% số với cùng kỳ, đạt 2.617 tỷ đồng.

PJICO hiện có mạng lưới bán hàng và hỗ trợ bán hàng trực tiếp rộng lớn trên toàn quốc với 61 công ty thành viên và 1.600 cán bộ bán hàng.

Trong đó, kênh đại lý xăng dầu Petrolimex được coi là kênh chiến lược, đột phá của PJICO với mạng lưới bán hàng hơn 2.600 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, phục vụ hàng triệu lượt khách hàng mua xăng dầu.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Tổng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng ước tăng 16% so với cùng kỳ

(TBTCO) – Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2020, tổng giá trị tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 542.757 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế 449.355 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.781 tỷ đồng.

Tính tới cuối tháng 11, thị trường bảo hiểm hiện có 69 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 542.757 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 94.269 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 448.488 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 449.355 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 48.172 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 401.183 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm tới hết tháng 11/2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.781 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.154 tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 111.627 tỷ đồng.

  1. Tin quốc tế

Công ty InsurTech giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, bắt tay cùng Shopee

(AIR) – Công ty InsurTech Cover Genius, có nền tảng phân phối bảo hiểm bảo vệ khách hàng của một số công ty trực tuyến lớn nhất thế giới, đã công bố việc mở rộng các sản phẩm bảo hiểm và bảo hành bưu kiện sang châu Á và hợp tác với một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khu vực, Shopee.

Với sự bùng nổ của COVID-19 vào đầu năm 2020, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến khi thực hiện việc đặt hàng tại nhà. Số lượng người mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 310 triệu người vào cuối năm 2020, với lĩnh vực thương mại điện tử trị giá 150 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.

Ông Arijit Chakraborty, Giám đốc điều hành Cover Genius khu vực châu Á, cho biết việc mở rộng bảo hiểm và bảo hành sản phẩm của công ty InsurTech sang châu Á là nhằm cung cấp cho khách hàng mức độ bảo vệ mà trước đây không thể thực hiện được. “Khách hàng muốn bảo vệ tất cả các giao dịch mua của họ, dù lớn hay nhỏ, và họ muốn được bảo vệ từ chính các thương hiệu họ yêu thích. Chúng tôi biết rằng nếu mua bảo hiểm hoặc bảo hành tại thời điểm thanh toán thì giá trị đơn đặt hàng trung bình sẽ cao hơn 62%, nhưng rất ít người mua sắm được trao cơ hội đó”.

Theo quan hệ đối tác này, khách hàng bán lẻ và người bán của Shopee Thái Lan có quyền truy cập vào nền tảng Cover Genius’ XCover, nơi các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới có thể bán bảo hiểm và bảo hành theo quy định tại hơn 60 quốc gia và 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Cover Genius sẽ cung cấp cho khách hàng bán lẻ của Shopee sự bảo vệ phù hợp với các mặt hàng trong giỏ hàng của họ, các chính sách dễ hiểu, quy trình kỹ thuật số hoàn toàn và thanh toán ngay lập tức cho các yêu cầu đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, mạng lưới người bán của Shopee sẽ được hưởng các sản phẩm bảo hiểm tùy chỉnh cho bưu kiện và quá cảnh.

Cover Genius là một công ty InsurTech toàn cầu có văn phòng tại New York, San Francisco, Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, New Zealand và Úc.

Cover Genius cùng phối hợp với các đối tác trong việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm.

Triển vọng 2021 của thị trường bảo hiểm Hàn Quốc xấu đi

(AIR) – Trong báo cáo có tựa đề “Triển vọng xếp hạng 2020 của Fitch: Bảo hiểm Hàn Quốc”, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế nói rằng triển vọng 2021 xấu đi chủ yếu là do gánh nặng chênh lệch âm tăng trung bình 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2020, chủ yếu từ các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn, do hậu quả của sản phẩm có tỷ lệ tín dụng bình quân từ 6% trở lên trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài.

Tuy nhiên, triển vọng ngành của Fitch đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc vào năm 2021 là ổn định, chủ yếu là do sự tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm y tế dài hạn và các nghiệp vụ phi nhân thọ, đồng thời ngành sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong việc quản lý tỷ lệ tổn thất.

Fitch đã sửa đổi triển vọng xếp hạng đối với bảo hiểm Hàn Quốc từ mức Ổn định sang Tiêu cực.

Fitch dự kiến sự ổn định kinh doanh nói chung của bảo hiểm Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị cản trở bởi virus Corona. Các hạn chế đối với các kênh phân phối trực tiếp do các biện pháp giãn cách xã hội dai dẳng và rủi ro tài sản tiềm ẩn do thị trường tài chính biến động có thể vẫn còn, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào.

Fitch dự kiến lợi nhuận tổng thể của các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ giảm liên tục trong thời gian gần và trung hạn, do gánh nặng dự phòng cao hơn và lợi suất đầu tư thấp hơn trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp. Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể sẽ ít bị áp lực hơn, mặc dù hoạt động đánh giá rủi ro vẫn chịu áp lực – chủ yếu do tỷ lệ tổn thất cao trong nghiệp vụ xe cơ giới và chăm sóc sức khỏe dài hạn.

Ngành BHNT Nhật Bản duy trì lợi nhuận lành mạnh bất chấp đại dịch

(AIR) – Bất chấp áp lực từ đại dịch, các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ duy trì lợi nhuận ổn định vào năm 2021.

Theo Fitch Ratings, các công ty bảo hiểm sẽ được hỗ trợ bởi tỷ suất tử vong và tỷ lệ mắc bệnh xuất phát từ các hợp đồng đang có hiệu lực và truyền thống lợi nhuận ổn định.

Lợi nhuận cốt lõi tích lũy tại 9 công ty bảo hiểm nhân thọ truyền thống của Nhật Bản trong nửa đầu năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2021 là 1,2 tỷ JPY (11,5 tỷ USD), ổn định so với một năm trước đó.

Fitch ước tính rằng hơn 95% lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đến từ các hợp đồng có hiệu lực ổn định, được tích lũy trong vài thập kỷ, có tỷ lệ hủy bỏ và mất hiệu lực thấp, ngay cả khi chịu áp lực kinh tế do đại dịch gây ra.

Các hợp đồng đang có hiệu lực đã giữ cho thu nhập ổn định mặc dù tổng phí bảo hiểm khai thác mới hàng năm đã giảm 32% so với tháng 4 và tháng 9 năm 2020 do các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hoạt động quốc tế của các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn của Nhật Bản, vốn đã mở rộng sau khi mua lại các công ty bảo hiểm nhân thọ có trụ sở tại Hoa Kỳ và Úc trong những năm gần đây, cho thấy một số điểm yếu – đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Ví dụ, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của Protective Life Corporation, công ty con bảo hiểm nhân thọ của Dai-ichi Life Insurance tại Hoa Kỳ, đã giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của Tập đoàn Tài chính StanCorp, công ty con bảo hiểm nhân thọ tại Mỹ của hãng Meiji Yasuda Life Insurance, cũng giảm 10%.

Trong khi đó, lợi nhuận giữ lại tích lũy và quỹ dự phòng cùng với lãi chứng khoán chưa thực hiện đã dẫn đến tỷ lệ biên khả năng thanh toán theo luật định của 9 công ty bảo hiểm nhân thọ truyền thống của Nhật Bản cải thiện lên mức trung bình là 1012%, từ mức 1000% vào cuối tháng 3 năm 2020.

Fitch kỳ vọng các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ duy trì mức độ an toàn vốn cao đối với xếp hạng tín dụng của họ, được hỗ trợ bởi sự tích lũy ổn định của lợi nhuận giữ lại và tiếp tục phát hành chứng khoán lai (hybrid-capital) dựa trên sự linh hoạt tài chính vững chắc của họ.

Đại dịch có thể thúc đẩy cơ cấu lại các chương trình bảo hiểm

(AIR) – Đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà môi giới bảo hiểm phải làm việc với khách hàng của họ để xem xét lại cách cấu trúc các chương trình bảo hiểm.

Theo ông Stephen Hamill, Giám đốc quản lý rủi ro của Austbrokers Comsure Insurance Brokers, đại dịch, cùng với các mối nguy hiểm khác bao gồm biến đổi khí hậu, đã tạo ra hoàn cảnh mà các nhà môi giới phải giúp khách hàng của họ điều chỉnh lại hướng đi thông qua bối cảnh kinh doanh đã bị thay đổi rất nhiều.

Trong một sách trắng mới có tiêu đề “Điều hướng rủi ro trong bối cảnh thay đổi”, ông Hamill cho biết: “Các thị trường sản xuất toàn cầu và chuỗi cung ứng đang chịu áp lực rất lớn, vì vậy các doanh nghiệp Úc phải hiểu rõ khả năng tiếp xúc và phụ thuộc vào thị trường quốc tế khi xem xét lập kế hoạch liên tục kinh doanh”.

Theo ông, vốn sẵn có là rất quan trọng đối với việc mở rộng kinh doanh và các nhà tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bền vững đối với các tiêu chí cho vay. Điều này có nghĩa là nhiều lựa chọn toàn cầu trước đây có thể được thay thế bằng các lựa chọn trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáng tin cậy hơn.

“Doanh nghiệp giờ đây muốn có khả năng dự đoán và định giá chính xác rủi ro trong các quyết định kinh doanh. Khi tội phạm mạng và kỹ thuật xã hội trở thành những hình thức mới về cướp và xâm phạm quyền riêng tư, điều cần thiết là phải củng cố niềm tin vào chuỗi cung ứng và các nền tảng giao dịch mạng trong tương lai”, ông nói.

Ông cũng lưu ý rằng các công ty bảo hiểm đang xác định lại khẩu vị rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro trong môi trường thay đổi. Do đó, các nhà môi giới cần làm việc với khách hàng của mình để thực hiện quản lý rủi ro hiệu quả với nguồn bảo hiểm thích hợp.

Ông Hamill nói rằng các nhà môi giới cần giúp khách hàng suy nghĩ về mức độ chấp nhận rủi ro của họ, đặt câu hỏi tại sao họ mua một số loại bảo hiểm nhất định và xem xét cách giảm thiểu rủi ro có thể thay đổi tác động của những rủi ro tiềm ẩn mà doanh nghiệp của họ phải đối mặt. Ông nói: “Các công ty môi giới cần hỗ trợ khách hàng đối chiếu dữ liệu và sử dụng các công cụ quản lý rủi ro để phát triển sổ đăng ký rủi ro cho các rủi ro mà khách hàng muốn chuyển cho công ty bảo hiểm.”

Ông Hamill chỉ ra rằng khách hàng cũng cần cân nhắc các khía cạnh sau:

  • Trách nhiệm quản lý đối với các tổn thất liên quan đến virus Corona không được bảo hiểm;
  • Đánh giá tác động của gián đoạn kinh doanh: DN phải thay đổi hoặc đóng cửa;
  • Các hợp đồng cung cấp với các điều khoản khó khăn, bao gồm các khung thời gian chặt chẽ mà không có thời gian gia hạn hoặc các điều khoản bất khả kháng không đầy đủ;
  • Đánh giá giá trị tài sản – lượng cổ phiếu sẽ giảm hay tăng sau COVID-19?
  • Trách nhiệm công nghệ – sự liên kết toàn cầu là mối đe dọa cũng như cơ hội.

Philippines: công ty bảo hiểm được phép bán hàng từ xa kể từ ngày 26 tháng 11

(AIR) – Theo Ủy ban Bảo hiểm Philippines (IC), các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ hiện được phép vĩnh viễn bán sản phẩm từ xa.

Trong thông tư ngày 26 tháng 11, Ủy viên Bảo hiểm Dennis Funa nói rằng cơ quan quản lý nhận thấy rằng cần phải thể chế hóa việc bán hàng từ xa như một phương thức bán sản phẩm bảo hiểm lâu dài ngay cả sau khi đại dịch virus Corona kết thúc.

Ban đầu, IC cho phép bán hàng từ xa trong và sau giai đoạn cách ly cộng đồng được tăng cường để hỗ trợ ngành bảo hiểm trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Giai đoạn này, kéo dài từ giữa tháng 3 đến tháng 5, chứng kiến hầu hết mọi người buộc phải ở nhà và nhiều công ty buộc phải thực hiện sắp xếp công việc tại nhà để tiếp tục hoạt động hoặc có nguy cơ thua lỗ.

Ông Funa cho biết việc bán hàng từ xa bao gồm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chẳng hạn như hội nghị từ xa, hội nghị truyền hình, hội nghị máy tính hoặc hội nghị âm thanh.

Các công ty bảo hiểm được khuyến cáo rằng họ sẽ chỉ bảo hiểm cho những người và / hoặc rủi ro ở Philippines, và các sáng kiến bán hàng từ xa không được sử dụng trong việc bán hàng xuyên biên giới.

Công ty bảo hiểm cũng sẽ áp dụng các biện pháp để đảm bảo rằng không xảy ra việc bán hàng xuyên biên giới. Các công ty bảo hiểm và nhân viên bán hàng cũng phải đảm bảo rằng phải tuân thủ tất cả các yêu cầu chống rửa tiền do IC ban hành ở tất cả các giai đoạn của quy trình bán hàng từ xa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26 tháng 11 năm 2020.

Malaysia: Công ty bảo hiểm giúp nhiều người dân địa phương tiếp cận bảo hiểm

(AIR) – Bảo hiểm AmMetLife vừa đưa ra sản phẩm bảo hiểm trọn đời ProtectEase và sản phẩm bổ trợ bệnh hiểm nghèo CriticalEase nhằm giúp nhiều người Malaysia được bảo vệ sức khỏe và tài chính trong đại dịch COVID-19.

AmMetLife cho biết khách hàng hiện có thể tiếp cận với bệnh hiểm nghèo và bảo hiểm nhân thọ mà không cần phải đánh giá rủi ro y tế hoặc tài chính. ProtectEase cung cấp cho khách hàng bảo hiểm toàn diện cho trường hợp tử vong, bao gồm bảo hiểm bổ sung cho trường hợp tử vong do tai nạn, cũng như thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

Khách hàng cũng có thể tăng cường khả năng bảo vệ bằng cách bổ sung CriticalEase, một công cụ chấp nhận được đảm bảo bao gồm 38 loại bệnh hiểm nghèo, bao gồm đau tim, ung thư và đột quỵ. Ông Ramzi Toubassy, Giám đốc điều hành AmMetLife, nói: “Kể từ khi đại dịch xảy ra, việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải lập kế hoạch cho những điều bất ngờ có nghĩa là khách hàng đang tìm kiếm một đối tác bảo hiểm với các giải pháp đơn giản và dễ dàng để giúp họ bảo vệ gia đình của mình. Các sản phẩm như ProtectEase và CriticalEase mang đến sự an tâm để khách hàng của chúng tôi có thể tự tin vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 và hơn thế nữa”.

Kỳ tái tục tháng Giêng sẽ “dài hơn và phức tạp hơn”

(INN) – Guy Carpenter đã cảnh báo mùa tái tục ngày 1 tháng 1 sắp tới và các cuộc đàm phán liên quan có thể sẽ “kéo dài hơn và phức tạp hơn” do COVID-19 và những diễn biến bất lợi đáng kể về bảo hiểm xe cơ giới thương mại và bảo hiểm trách nhiệm.

Trách nhiệm pháp lý y tế và trách nhiệm pháp lý khác cũng đang có dấu hiệu bất lợi trong thời gian gần đây, làm tăng thêm áp lực. Tần suất tổn thất gia tăng trong các sản phẩm có trách nhiệm kéo dài cũng là một yếu tố bổ sung, với tổn thất chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận trước mùa tái tục. Tần suất tổn thất gia tăng và mức độ nghiêm trọng đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các hãng bảo hiểm, khiến xu hướng chi phí tổn thất tăng cao.

Nhà môi giới tái bảo hiểm cho biết các xu hướng tích cực như lãi suất sơ cấp tăng, giá trị tài sản đang thu hồi và dòng vốn mới tràn vào thị trường không đủ để cải thiện khẩu vị rủi ro của các nhà tái bảo hiểm. “Quá trình phát triển tổn thất COVID-19 tiếp tục chậm và không chắc chắn. Đây sẽ là một yếu tố vào ngày 1 tháng 1 đối với các lần tái tục riêng lẻ và có thể có khả năng ảnh hưởng đến sự sẵn sàng triển khai vốn nói chung của các nhà tái bảo hiểm”.

“Dựa trên các yếu tố khác nhau, mùa tái tục ngày 1 tháng 1 và các cuộc đàm phán liên quan dự kiến sẽ kéo dài và phức tạp hơn những năm trước”.

Guy Carpenter cho biết giá trị trung bình của tất cả các thiệt hại COVID-19 công khai ước tính là 66 tỷ đô la Mỹ và thiệt hại được báo cáo do đại dịch thông qua các công bố thu nhập quý 3 cho đến nay là hơn 25 tỷ đô la Mỹ.

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sẽ thay đổi sau COVID-19

(INN) – Fitch Ratings cho biết sau đại dịch Corona, có thể phải định nghĩa lại bảo hiểm gián đoạn kinh doanh để các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về những gì họ được bảo hiểm.

Các công ty bảo hiểm của Vương quốc Anh đã bác bỏ nhiều yêu cầu bồi thường gián đoạn kinh doanh liên quan đến đại dịch dựa trên quy định tại điều khoản hợp đồng, cho rằng phạm vi bảo hiểm không được áp dụng trong các trường hợp này. Tuy nhiên, một phiên tòa mới đây của Tòa án Tối cao lại thiên về ủng hộ các chủ hợp đồng. Người ta đang chờ đợi có quyết định kháng cáo.

Theo Fitch: “Với quy mô của đại dịch và khó khăn trong việc xác định chính xác các thiệt hại liên quan do gián đoạn kinh doanh, có thể các giải pháp do chính phủ tài trợ sẽ được phát triển để sẵn sàng cho các đại dịch trong tương lai, có thể tương tự như các giải pháp áp dụng ở một số khu vực pháp lý đối với thiệt hại do thiên tai”.

Công ty xếp hạng cho biết các tổ chức tài chính sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế lâu dài do sự bùng phát COVID-19 có thể ảnh hưởng đến xếp hạng trong dài hạn: “Điều này có thể là tiêu cực đối với hồ sơ tín nhiệm của hầu hết các ngân hàng và đối với các công ty bảo hiểm sức khỏe Hoa Kỳ, nhưng sẽ ít quan trọng hơn đối với các tổ chức tài chính và quỹ phi ngân hàng”.

BTV (Tổng hợp).