TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 46

Omicron làm tăng quan ngại của các nhà bảo hiểm Thái Lan; VBI và Bom Finance Việt Nam hợp tác chiến lược; HDBank bán bảo hiểm cho FWD Việt Nam

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 46

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

ABIC Hồ Chí Minh chi trả 18,6 tỷ đồng bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm hỏa hoạn

(ABIC) – Ngày 13/1/2021, tại Dự án trang trại heo của Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản Hùng Dũng, thôn Đăk Wi, xã Đăk Nhau, Bù Đăng, Bình Phước; xảy ra vụ cháy làm hư hỏng gần như toàn bộ hệ thống chuồng trại, kiến trúc và máy móc thiết bị trang trại nhà heo đẻ số 1, quy mô 5000 con. Thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank khoảng 18,6 tỷ đồng. Đây là một dự án trang trại heo khép kín, sử dụng hệ thống năng lượng sạch bằng pin mặt trời, có diện tích 22 ha nhằm cung ứng con giống và kiểm soát tốt nhất cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ngay khi nhận được thông tin vụ cháy, Bảo hiểm Agribank đã phối hợp với khách hàng và các cơ quan chức năng để tìm hiểu nguyên nhân cháy, đánh giá tổn thất, phân loại thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm. Với tinh thần đồng hành và sẻ chia cùng khách hàng khi gặp rủi ro, ngày 21/7/2021, Bảo hiểm Agribank đã tạm ứng bồi thường số tiền 7 tỷ đồng nhằm giúp khách hàng giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian chờ bổ sung đầy đủ hồ sơ theo luật định.

Ngày 3/12/2021, sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ theo quy định và Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản Hùng Dũng có văn bản chấp thuận bồi thường, Bảo hiểm Agribank đã lập tức thực hiện chi trả số tiền bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

Phát biểu tại buổi lễ chi trả, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản Hùng Dũng gửi lời cảm ơn Bảo hiểm Agribank Hồ Chí Minh vì đã luôn đồng hành, hợp tác, sẻ chia kịp thời trong thời điểm doanh nghiệp gặp rủi ro. Qua đó cũng đánh giá việc tham gia bảo hiểm tài sản, trách nhiệm và con người cho doanh nghiệp là một phương án trích dự phòng rủi ro rất quan trọng và hữu ích, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gắn bó, hợp tác cùng Bảo hiểm Agribank Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Ông Quách Tá Khang – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Bảo hiểm Agribank TP Hồ Chí Minh cho biết: ” 11 tháng đầu năm 2021, Bảo hiểm Agribank Hồ Chí Minh đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng 1.960 vụ với số tiền bồi thường hàng trăm tỷ đồng thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm con người, xe cơ giới, bảo hiểm hỏa hoạn và nhiều nghiệp vụ bảo hiểm khác.

BIC chi trả hơn 700 triệu đồng tiền bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Đồng Tháp

(BIC) – Ngày 06/12/2021, tại Phòng Giao Dịch Tháp Mười – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã trao hơn 700 triệu đồng tiền bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An – cho gia đình khách hàng Nguyễn Văn Ngon không may tử vong do tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Ngon tham gia bảo hiểm người vay vốn cho toàn bộ hai khoản vay tại Chi nhánh BIDV Đồng Tháp – PGD Tháp Mười để phục vụ sản xuất kinh doanh và chăn nuôi gia súc. Vào ngày 08/08/2021, khi di chuyển giao thông, ông đã không may gặp tai nạn giao thông và tử vong sau đó. Ngay khi nhận được tin báo từ gia đình ông Ngon, BIC Cửu Long (đơn vị cấp đơn bảo hiểm cho ông Ngon) đã gửi lời thăm hỏi, động viên tới gia đình khách hàng, đồng thời, gấp rút phối hợp với gia đình và BIDV Đồng Tháp thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bồi thường theo quy định.

Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông Nguyễn Văn Ngon là 705.287.657 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bồi thường; trợ cấp mai táng phí.

Việc kịp thời chi trả quyền lợi bảo hiểm, đồng hành, chia sẻ khó khăn tài chính cùng thân nhân khách hàng vượt qua nỗi đau mất đi trụ cột kinh tế, sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An tiếp tục khẳng định được giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc. Đối với ngân hàng, BIC Bình An thực sự trở thành một công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng.

Manulife Việt Nam chi hơn 238 tỷ đồng trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng trong tháng 11/2021

(ĐTCK) – Manulife Việt Nam vừa chi trả số tiền kỷ lục 10,2 triệu USD (hơn 238 tỷ đồng) để giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng trong tháng 11/2021.

Tổng số tiền nêu trên bao gồm cả khoản chi trả quyền lợi cho một khách hàng với số tiền chi trả lớn nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động của Manulife Việt Nam.

“Trong một lĩnh vực được định nghĩa bằng việc thực hiện đúng cam kết và tạo được sự tin tưởng thì việc chi trả quyền lợi cho khách hàng được xem như là “khoảnh khắc của sự thật”. Đây cũng là sự tương tác có ý nghĩa và quan trọng nhất đối với khách hàng. Nó giúp thể hiện rõ giá trị và vai trò của ngành bảo hiểm nhân thọ trong việc bảo vệ tương lai tài chính của các cá nhân và gia đình”, ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết.

Bảng xếp hạng các thương hiệu Ngân hàng và Bảo hiểm của YouGov Việt Nam năm 2021 đã vinh danh Manulife Việt Nam là ‘Thương hiệu bảo hiểm được giới thiệu nhiều nhất’, một danh hiệu thể hiện sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với các thương hiệu.

Manulife Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và năng lực số hóa của mình kể từ năm 2017, bao gồm việc chuyển đổi trải nghiệm nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của khách hàng thông qua việc cho ra đời ứng dụng eClaims. Giải pháp số hóa này cho phép người dùng nộp yêu cầu bồi thường bảo hiểm trực tuyến chỉ trong vòng chưa đến một phút, mang lại trải nghiệm tự phục vụ thuận tiện và đơn giản cho khách hàng.

Vừa qua, nền tảng eClaims đã được nâng cấp để tất cả các quyền lợi yêu cầu bồi thường bảo hiểm đều có thể được nộp trực tuyến, đồng thời cung cấp công nghệ tự động hóa cũng như giao diện thân thiện hơn cho người dùng.

Theo thống kê từ Manulife Việt Nam, 95% yêu cầu bồi thường bảo hiểm được nộp qua cổng eClaims và khoảng 95% yêu cầu bồi thường của khách hàng được thanh toán trực tuyến.

  1. Một vòng doanh nghiệp

VBI và Bom Finance Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược 2021

(VBI) – Ngày 08/12/2021, lễ ký kết hợp tác toàn diện phân phối bảo hiểm giữa Tổng Công ty Cổ phần Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI) và BOM Finance đã diễn ra tại Hà Nội.

Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Huy Quang  – Chủ Tịch HĐQT VBI, ông Hur Jung Hoe – Thành viên HĐQT VBI, bà Trần Thị Hương Thủy – Phó Tổng giám đốc VBI, ông Lại Trung Kiên – Giám Đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank Đông Đô, bà Hoàng Thu Thủy – Phó Giám đốc Ban Khách hàng TSC. Về phía BOM Finance có sự tham dự của ông Kim Chul Mo – Tổng Giám Đốc Công ty TNHH BOM Finance Service Việt Nam cùng các cán bộ của BOM.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Huy Quang – Chủ tịch HĐQT VBI chia sẻ: “Tôi tin rằng sự hợp tác với VBI là bước đi đúng đắn để các khách hàng của BOM Finance có thêm sự lựa chọn và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các giải pháp tài chính tối ưu nhất thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, VBI và BOM sẽ cùng phối hợp để thực hiện quảng bá hình ảnh của hai bên hướng tới mục tiêu là các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc thông qua các kênh truyền thông để tăng cường vị thế của hai bên trên thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và thị trường khách hàng Hàn Quốc nói riêng. Tôi tin rằng với chiến lược hợp tác đã đề ra, VBI và BOM sẽ có sự phát triển rực rỡ trong thời gian tới”.

Cũng tại buổi lễ, Ông Kim Chul Mo – Tổng Giám Đốc Công ty BOM Finance chia sẻ: “BOM rất vui mừng và vinh dự được cùng với VBI bước vào một giai đoạn mới trên chặng đường phát triển bền vững của cả hai doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng việc hợp tác cùng VBI sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển của hai bên nhằm đưa các sản phẩm bảo hiểm ưu việt của VBI đến gần hơn với khách hàng toàn quốc”.

Việc hợp tác với BOM, một lần nữa, thể hiện sự năng động và nhạy bén của VBI trong việc đón đầu xu thế thị trường để thực hiện chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối, góp phần mang đến an sinh xã hội lâu dài cho người dân Việt Nam.

HDBank bán bảo hiểm cho FWD Việt Nam

(ĐTCK) – HDBank và FWD Việt Nam vừa triển khai hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam qua hệ thống kênh phân phối của HDBank trên toàn quốc.

Theo đó, giai đoạn khởi đầu, HDBank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam bao gồm: Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung là “FWD Đón đầu thay đổi 3.0”; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị “FWD bộ đôi tài sản”;

Cùng 7 sản phẩm bảo hiểm bổ trợ là FWD Care Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo 2.0, FWD Care Bảo hiểm miễn đóng phí bệnh hiểm nghèo 2.0, FWD Care Bảo hiểm miễn đóng phí nâng cao 2.0, FWD Care Bảo hiểm sức khỏe 2.0, FWD Care Bảo hiểm tai nạn, FWD Care Bảo hiểm trợ cấp nằm viện, FWD Care Bảo hiểm tử vong và thương tật; Sản phẩm bảo hiểm trực tuyến “FWD bộ 3 Bảo vệ”.

Thông qua hợp tác này, khách hàng HDBank được tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm uy tín đến từ FWD Việt Nam, được trải nghiệm dịch vụ hỗ trợ bởi công nghệ số hàng đầu, giúp quá trình tham gia bảo hiểm dễ dàng và nhanh chóng hơn: chỉ mất vài phút để mua một hợp đồng bảo hiểm hay thực hiện vài thao tác “chạm” để yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, khách hàng an tâm trải nghiệm cuộc sống vì FWD Việt Nam đã giảm thiểu, loại trừ mọi rủi ro, tổn thất, thiệt hại khi chọn bảo hiểm từ các sản phẩm. Khách hàng được bảo vệ tối đa, với mức phí bảo hiểm không đổi.

Ngày vàng Khuyến mại 12.12: BIC giảm tới 30% phí bảo hiểm sức khỏe trực tuyến

(BIC) – Chào mừng tháng sinh nhật, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) gửi tặng khách hàng chương trình Ngày vàng Khuyến mại, ưu đãi tới 30% phí bảo hiểm sức khỏe khi mua trực tuyến. Ưu đãi áp dụng duy nhất trong ngày 12/12/2021.

Cụ thể, khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC sẽ được giảm ngay 30% phí bảo hiểm. Khách hàng tái tục cũng có thể được hưởng ưu đãi tới 20% khi tiếp tục tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC. Đặc biệt, khi thanh toán phí bảo hiểm bằng thẻ BIDV Visa Cashback Platinum, khách hàng sẽ được hoàn tiền 3%, tối đa tới 600.000 đồng.

Để đặt mua bảo hiểm và tận hưởng các ưu đãi của chương trình, khách hàng có thể truy cập website bảo hiểm trực tuyến mybic.vn hoặc tải ứng dụng BIC Online (miễn phí trên iOS và Android). Toàn bộ quá trình đặt mua bảo hiểm, bao gồm tìm hiểu thông tin, nhận tư vấn, đăng ký mua, thanh toán và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm đều được thực hiện trên môi trường trực tuyến. Khách hàng có thể mua bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi mà không cần gặp trực tiếp cán bộ bảo hiểm.

Bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An hiện là một trong những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tốt nhất trên thị trường với 07 chương trình bảo hiểm linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu và khả năng thanh toán của khách hàng. Tổng mức chi trả của BIC Tâm An lên tới 1 tỷ đồng. Phí bảo hiểm cạnh tranh, chỉ từ 3.300 đồng/ngày. Khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời được hưởng dịch vụ bảo hiểm viện phí tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế cao cấp, uy tín có liên kết với BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, với ứng dụng BIC Online, khách hàng có thể khai báo và nhận tiền bảo hiểm sức khỏe đơn giản chỉ bằng thao tác trên điện thoại hay máy tính bảng.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bộ Tài chính – Ngân hàng nhà nước sẽ tăng cường thanh kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng

(ĐTCK) – Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Đây là nội dung trong thông cáo báo chí tháng 11/2021 vừa được phát đi từ Bộ Tài chính liên quan đến hiện tượng nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Về các biện pháp quản lý, giám sát, ngay từ cuối năm 2019, sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có các công văn số 978/QLBH-NT ngày 24/12/2019, công văn số 27/QLBH-PNT ngày 14/01/2020 và công văn số 14097/BTC-QLBH ngày 17/11/2020 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động, đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động làm việc và lưu ý đối tác ngân hàng nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng đại lý, không được ép mua bảo hiểm kèm các gói sản phẩm vay của ngân hàng.

Mới đây nhất, ngày 31/7/2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 8533/BTC-QLBH gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).

Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và không mang tính bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/7/2014 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm đảm bảo hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

  1. Tin quốc tế

Singapore: LIA, IMAS ra mắt cổng thông tin điện tử cho cộng đồng đầu tư

(IBM) – Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Singapore (LIA) đã hợp tác với Hiệp hội Quản lý Đầu tư Singapore (IMAS) để đại tu một trang web được thiết kế nhằm giúp cộng đồng đầu tư đưa ra các quyết định sáng suốt.

Cổng FundSingapore.com được tân trang lại, cung cấp thông tin cập nhật về hiệu suất, rủi ro và lợi nhuận cũng như phân tích rõ ràng về phí của hơn 9.500 quỹ được phân phối ở Singapore. Cổng thông tin trang web được xây dựng bởi New Wealth, thành viên fintech của IMAS, và được Morningstar Research cung cấp dữ liệu.

Ông Carmen Wee, Giám đốc điều hành IMAS, cho biết: “Singapore, với tư cách là một trung tâm đầu tư lớn với 4,7 nghìn tỷ đô la Singapore tài sản đang được quản lý, có cơ hội duy nhất để hướng những khoản đầu tư này vào các khoản đầu tư có trách nhiệm nhằm khuyến khích các kết quả tốt hơn về môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Với tư cách là hiệp hội quản lý đầu tư quốc gia, chúng tôi cố gắng đạt được điều đó bằng cách cung cấp cho các nhà đầu tư các công cụ phân tích, phân tích rủi ro và bền vững và củng cố sức mạnh nghiên cứu trên toàn bộ ngành ở một nơi trung lập để các nhà đầu tư có thể truy cập vào trang web để xác nhận đầu tư quỹ. Chúng tôi trao quyền cho các nhà đầu tư khai thác sức mạnh của kiến ​​thức để đưa ra các lựa chọn đầu tư sáng suốt”.

Ông Pauline Lim, Giám đốc điều hành LIA, cho biết: “Đối với các thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ, mục tiêu của các công ty bảo hiểm nhân thọ là tiếp cận mọi người trong xã hội, sẵn sàng cho những nhu cầu phát triển của cuộc sống bằng các sản phẩm phù hợp. Cổng thông tin FundSingapore.com cung cấp nguồn tài nguyên cập nhật để các nhà đầu tư tự học và phân tích. Họ có thể khám phá và phát triển hồ sơ đầu tư cá nhân của mình khi sử dụng cổng thông tin này trong các giai đoạn của cuộc đời”.

WTW công bố diễn đàn rủi ro cho các cảng và thiết bị đầu cuối

(IBM) – Willis Towers Watson mới đây đã công bố ra mắt một diễn đàn rủi ro dành riêng cho ngành công nghiệp cảng và thiết bị đầu cuối.

Diễn đàn bao gồm các thành viên khách hàng cảng và thiết bị đầu cuối trên toàn thế giới, cũng như các chuyên gia diễn đàn rủi ro từ Willis Towers Watson. Diễn đàn hoạt động dưới dạng một mạng lưới của các thành viên để khám phá việc xác định và ứng phó rủi ro trong quá trình cung cấp các dịch vụ quản lý rủi ro phù hợp với nhu cầu người dùng.

Diễn đàn đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro tại Trường Kinh doanh Judge của Đại học Cambridge, một đối tác của Mạng lưới Nghiên cứu Willis, để phát triển một chỉ số về các yếu tố phá vỡ rủi ro dự kiến ra mắt vào năm tới.

Ben Abraham, Giám đốc điều hành phụ trách hàng hải toàn cầu tại Willis Towers Watson, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được phát triển một cộng đồng rủi ro chuyên dụng cho một lĩnh vực quan trọng như vậy. Các cảng và thiết bị đầu cuối đã phải đối mặt với sự thay đổi lớn và áp lực do các vấn đề như chuyển đổi công nghệ, biến đổi khí hậu, mạng, chuỗi cung ứng và rủi ro hoạt động đang thay đổi cấu trúc của ngành. Diễn đàn Rủi ro Cảng và Thiết bị đầu cuối cung cấp một mạng lưới mà thông qua đó, kiến thức và chuyên môn có thể được chia sẻ để xây dựng ngành mạnh hơn và linh hoạt hơn. Sự phát triển của mạng lưới này theo sau sự thành công của cộng đồng hàng không vũ trụ toàn cầu và chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển các mạng lưới rủi ro chuyên biệt này trên một số lĩnh vực khác nhau để giúp phát triển các giải pháp tùy chỉnh, phù hợp với nhu cầu người dùng”.

Ấn Độ: Các công ty bảo hiểm theo dõi độc lực và tác động của biến thể Omicron

(AIR) – Các công ty bảo hiểm Ấn Độ đang thực hiện tăng giá phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn, đồng thời đang chờ xem tác động của biến thể Omicron trước khi hoàn thiện chiến lược của mình.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở miền nam châu Phi vào tháng trước và đã gây ra báo động toàn cầu về lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới. Nó hiện được coi là một mối đe dọa chưa được biết đến mặc dù thông tin từ Nam Phi và toàn cầu cho thấy rằng biến thể này có thể đã tăng khả năng lây truyền nhưng những người bị nhiễm bệnh chủ yếu có các triệu chứng nhẹ.

Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bajaj Allianz, ông Tarun Chugh, chia sẻ với The Times of India: “Hai đến ba tuần tới và những phát hiện từ Nam Phi là rất quan trọng. Việc tăng giá sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn của chúng tôi đang được tiến hành và mọi thứ dự kiến ​​sẽ ổn định. Nhưng với điều này, đang có một chút ẩn số”.

Ông nói thêm rằng cơ quan chức năng đang theo dõi xem liệu biến thể này có phải là chất độc hay không và có rất nhiều trường hợp nhập viện.

Ông Chugh cho biết, các công ty tái bảo hiểm đã thông báo vào tháng 9 rằng họ sẽ tăng mức phí bảo hiểm và theo sau đó, nhiều công ty bảo hiểm đã nghĩ đến việc tăng giá sản phẩm của mình, nhưng biến thể Omicron có thể làm trì hoãn quyết định cuối cùng.

Thái Lan: Omicron làm tăng mối quan ngại của các nhà bảo hiểm

(AIR) – Theo một báo cáo trên Bangkok Business, ông Anon Vangvasu, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Thái Lan (TGIA), cho biết biến chủng Omicron là một rủi ro bổ sung cho ngành bảo hiểm sau sự lây lan của biến chủng Delta.

Ông nói rằng Hiệp hội lo ngại về cách làn sóng mới của COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm tình hình thanh khoản của các công ty bảo hiểm.

Hiệp hội đang chờ đợi thêm thông tin về chủng Omicron từ các cơ quan y tế công cộng, bao gồm cả thông tin chi tiết về tỷ lệ tử vong.

Một số công ty bảo hiểm ở Thái Lan đã phải vật lộn với hàng núi khiếu nại phát sinh từ các biến chủng COVID-19 trước đó, chẳng hạn như Delta.

Dữ liệu tính đến ngày 15 tháng 11 năm 2021 cho thấy tổng số khiếu nại mà các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chi trả cho rủi ro từ COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu lên tới hơn 37 tỷ THB (1,1 tỷ USD) trong khi tổng số vốn của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là khoảng 132 tỷ THB.

TGIA bày tỏ lo ngại rằng tổng số tiền bồi thường COVID-19 mà các công ty bảo hiểm chi trả đến ngày 31/12/2021 có thể vượt quá 40 tỷ THB, chiếm khoảng 30% tổng vốn của lĩnh vực phi nhân thọ. Trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm mới, một số công ty bảo hiểm có thể phải chi trả COVID-19 tới 60% -70% số vốn của mình, khiến rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Ấn Độ: Các bang nợ hàng triệu USD tiền trợ cấp phí bảo hiểm cây trồng

(AIR) – Một số bang lớn của Ấn Độ đã trì hoãn việc chi trả trợ cấp phí bảo hiểm theo chương trình bảo hiểm nông nghiệp hàng đầu của chính phủ, dẫn đến việc các công ty bảo hiểm trì hoãn việc giải quyết bồi thường cho nông dân.

Tờ Hindustan Times đưa tin, các khoản trợ cấp của chương trình bảo hiểm nông nghiệp có tên gọi Pradhan Mantri Fasal Bima Yojana (PMFBY) đang bị nợ.

Lũy kế trong 3 năm tài chính, tính đến ngày 24/11/2021, chính phủ các bang đã nợ 47,44 tỷ INR (630 triệu USD). Đây là số liệu được Bộ trưởng Nông nghiệp Narendra Singh Tomar tiết lộ trong một cuộc trả lời bằng văn bản tại Quốc hội.

Người nông dân mua bảo hiểm PMFBY phải trả 2% phí cho cây trồng mùa hè hoặc kharif và 1,5% cho cây lương thực rabi hoặc gieo hạt vụ đông và hạt có dầu. Đối với các loại cây trồng thương mại và làm vườn, người trồng trọt phải trả 5% phí bảo hiểm cố định. Số dư được thanh toán bởi chính quyền trung ương và tiểu bang, được chia sẻ trên cơ sở 50:50. Tỷ lệ là 90:10 trong trường hợp của các bang phía đông bắc.

Việc chậm trả tiền đền bù có thể đẩy hàng triệu nông dân vào cảnh nghèo đói, khiến họ chỉ còn ít tiền cho vụ gieo sạ tiếp theo. Ngoài ra, sự chậm trễ thanh toán cản trở khả năng của nông dân trong việc trả các khoản vay nông nghiệp của mình.

John Chen nghỉ việc Chủ tịch Swiss Re Trung Quốc, Brian Han kế nhiệm

(AIR) – Nhà khổng lồ tái bảo hiểm toàn cầu Swiss Re vừa thông báo rằng ông John Chen đã quyết định thôi giữ vai trò chủ tịch Swiss Re Trung Quốc và Giám đốc điều hành Chi nhánh Bắc Kinh.

Ông Chen sẽ từ chức kể từ ngày 31 tháng 1 năm 2022. Kể từ khi gia nhập Swiss Re vào tháng 6 năm 2016. Ông được coi là nhân tố chính trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty và xây dựng đội ngũ ở Trung Quốc, Reinsurance News đưa tin.

Swiss Re đã đề nghị ông Brian Han, Phó Giám đốc Swiss Re Trung Quốc, đảm nhận vai trò lãnh đạo tạm thời cho các hoạt động của công ty tại quốc gia này trong khi họ tìm kiếm người thay thế lâu dài trong những tháng tới. Ông Han gia nhập Swiss Re vào tháng 7 năm 2020 và được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Chi nhánh Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2021.

Ông Russell Higginbotham, Giám đốc điều hành Tái bảo hiểm khu vực Châu Á tại Swiss Re, cho biết, “Tôi muốn nhân cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn đối với John vì những cống hiến và đóng góp của anh ấy”.

“Swiss Re vẫn cam kết đầu tư vào tương lai dài hạn của Trung Quốc và là một phần của thị trường tăng trưởng cao năng động này,” ông Higginbotham nói thêm. “Chúng tôi kiên định trong cam kết phục vụ khách hàng thông qua kiến ​​thức và chuyên môn của mình, đồng thời tích cực hỗ trợ khách hàng trong việc làm cho thế giới trở nên bền vững hơn.”

AIA bổ nhiệm tân Giám đốc Khu vực

(INA) – AIA Group Limited đã bổ nhiệm ông Leo Grepin làm Giám đốc Điều hành Khu vực và Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn.

Ông Grepin sẽ phụ trách các quốc gia Úc, New Zealand và Indonesia cũng như lãnh đạo các chức năng Chiến lược Tập đoàn và Phát triển Doanh nghiệp của AIA. Ông sẽ là thành viên của Ủy ban điều hành Tập đoàn và báo cáo lên ông Lee Yuan Siong, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn.

Ông Grepin gia nhập AIA từ Sun Life, nơi ông là Chủ tịch khu vực Châu Á, chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động trong khu vực. Trước khi gia nhập Sun Life, ông làm việc tại Bridgewater Associates, một quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu, phụ trách nhóm quản lý việc xây dựng danh mục đầu tư và tạo giao dịch cho tất cả các quỹ. Ông cũng đã có 15 năm làm việc tại McKinsey & Company và lãnh đạo nhóm dịch vụ khách hàng toàn cầu phục vụ một số công ty bảo hiểm đa quốc gia với tư cách là Đối tác cao cấp.

Ông Grepin có bằng Thạc sĩ Khoa học Hàng không và Du hành vũ trụ của Học viện Công nghệ Massachusetts và bằng Cử nhân Kỹ thuật Cơ khí (Hons) của Đại học McGill.

Chubb Singapore bổ nhiệm Giám đốc bảo hiểm quốc tế

(INA) – Chubb đã bổ nhiệm ông Tulio Puente làm Giám đốc một bộ phận mới thành lập của International Personal Lines (IPL) tại Singapore và sẽ báo cáo trực tiếp với Scott Simpson, chủ tịch quốc gia của Chubb tại Singapore.

Với vai trò mới của mình, Puente sẽ chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng và quản lý chung của bộ phận IPL của Singapore, bao gồm các dịch vụ rủi ro cá nhân, cung cấp bảo hiểm cho những ngôi nhà và vật có giá trị cao, bảo hiểm dân cư và bảo hiểm đặc biệt như bảo vệ mạng và thiết bị cá nhân.

Ông Puente gia nhập Chubb vào năm 2014 và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau với trách nhiệm ngày càng cao ở Châu Mỹ Latinh và Châu Á Thái Bình Dương. Sự nghiệp của ông với công ty bao gồm kinh nghiệm về đánh giá rủi ro, quản lý danh mục đầu tư và kiểm soát kinh doanh cho Consumer Lines, phân tích dữ liệu cho nhóm Direct Marketing và gần đây nhất là đánh giá rủi ro cho Specialty Personal Lines.

Trước khi gia nhập Chubb, ông Puente từng là kinh tế gia cho Ngân hàng Trung ương Mexico và trong ngành viễn thông ở Trung Quốc.

BTV (Tổng hợp).