TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 44

Willis Towers Watson tăng trưởng 70%; Lợi nhuận Chubb sụt giảm; Bảo Việt triển khai ứng dụng BaoViet MyDoc

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Cháy chung cư mini trên phố Trung Kính

TTO – Ngọn lửa cháy dữ dội kèm theo cột khói đen bốc lên cuồn cuộn từ tầng 8 của tòa nhà chung cư mini khiến nhiều người dân hốt hoảng tháo chạy ra ngoài thoát thân.

Thông tin ban đầu, khoảng 13h30 ngày 5-11, người dân trên phố Trung Kính phát hiện ngọn lửa kèm theo cột khói đen bốc lên nghi ngút từ tầng 8 toà nhà chung cư mini (số 8 đường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Ngọn lửa sau đó bùng lên dữ dội và lan sang những ngôi nhà bên cạnh. 

Phát hiện cháy, nhiều người dân trong chung cư và các hộ bên cạnh tháo chạy ra ngoài. 

Nhận được tin báo, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy điều hàng chục cán bộ chiến sĩ cùng 7 xe cứu hỏa tới hiện trường dập lửa. 

Đến 14h đám cháy cơ bản được khống chế.

Tại hiện trường, nhiều mảnh kính vỡ bắn tung tóe xuống mặt đường. Vụ hỏa hoạn cũng khiến một số ngôi nhà xung quanh bị cháy lan.

Hiện công an đang thống kê thiệt hại và điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn.

2. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm Bảo Việt triển khai ứng dụng BaoViet MyDoc

(BVH) – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt chính thức ký kết hợp tác cùng MyDoc – một trong những doanh nghiệp hàng đầu Singapore về chăm sóc sức khỏe xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số. Phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ số, đa dạng kênh tiếp cận, xây dựng các lợi ích thiết thực cho khách hàng,… là chuỗi các hoạt động được Bảo hiểm Bảo Việt chú trọng đầu tư trong thời gian gần đây nhằm hướng tới việc mở rộng kênh tư vấn, tiếp cận các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Dân số Việt Nam đang già đi, điều này làm gia tăng sự căng thẳng đối với các dịch vụ y tế. Các bệnh viện ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, khiến bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm. Thêm vào đó, chi phí y tế ngày càng tăng. Thực tế, Việt Nam có tỷ lệ lạm phát y tế cao nhất ở châu Á và dự kiến ​​sẽ chi 22,7 tỷ đô la Mỹ cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2021.

Với hơn 40% thị phần về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của toàn thị trường, Bảo hiểm Bảo Việt đã tiên phong áp dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm, trong hoạt động kinh doanh để giải quyết hiệu quả các vấn đề này một cách kịp thời. Nền tảng tư vấn sức khỏe BaoViet MyDoc đã được chứng minh sẽ giúp bệnh nhân tránh nhập viện không cần thiết, đồng thời chi phí chăm sóc sức khỏe cũng được giảm thiểu đáng kể.

Bảo Việt MyDoc là một ứng dụng dễ sử dụng, tích hợp nhiều chức năng về lưu trữ hồ sơ và truyền thông; kết nối mạng lưới bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa và các bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam. Ứng dụng này giúp bệnh nhân tiếp cận mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm tư vấn của bác sĩ, kê đơn trực tuyến, nhật ký sức khỏe cá nhân hay các chương trình quản lý bệnh trạng dài hạn. Người sử dụng có thể kiểm tra sức khỏe và tư vấn với bác sĩ, với trung tâm chẩn đoán và bệnh viện. Bệnh nhân cũng có thể gửi tin nhắn và đặt lịch tư vấn qua video với bác sĩ sau khi nhận được kết quả xét nghiệm.

Về phía các bác sĩ, họ có thể sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn, đa dạng hình thức tiếp cận với bệnh nhân. Sử dụng ứng dụng này, bác sĩ cũng có thể tạo thời gian biểu làm việc cho họ. Khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt sẽ có thể trao đổi trực tuyến với các bác sĩ thông qua tư vấn bằng video, giảm thời gian chờ đợi các dịch vụ y tế truyền thống.

Thông qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ lựa chọn các đối tác y tế và dược phẩm có uy tín, kinh nghiệm lâu năm trên thị trường để cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng tốt nhất tới khách hàng. Các bác sĩ được tuyển chọn sẽ phải thực hành trên nền tảng BaoViet MyDoc, tham gia đào tạo và phải vượt qua các tư vấn kiểm tra trước khi đạt được chứng nhận.

Ông Đỗ Hoàng Phương – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ “Việc ra mắt ứng dụng BaoViet MyDoc sẽ mang lại cho khách hàng những trải nghiệm về dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, linh hoạt theo một cách hoàn toàn mới. Chỉ với chiếc điện thoại di động kết nối internet, Khách hàng có thể truy cập vào các dịch vụ y tế mọi lúc mọi nơi, bao gồm tư vấn bác sĩ, đơn thuốc điện tử và chứng chỉ y tế điện tử.

Với dịch vụ tư vấn trực tuyến mới này do Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp, các khách hàng giờ đây sẽ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn hơn, đặc biệt là những người sống xa thành phố bị hạn chế với các dịch vụ y tế truyền thống.”

Bác sĩ Snehal Patel, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của MyDoc, cho biết, “Chúng tôi rất vui mừng được làm việc với Bảo hiểm Bảo Việt, cũng như các đối tác y tế, dược phẩm uy tín về sự chuyển đổi lớn đối với hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao kết hợp với tiềm lực vững mạnh của Bảo hiểm Bảo Việt trên thị trường ngành sẽ đảm bảo cho Khách hàng của doanh nghiệp nhận được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong thời đại kỹ thuật số.

Hợp tác với Bảo hiểm Bảo Việt là bước khởi đầu cho kế hoạch mở rộng của chúng tôi trên toàn khu vực. Mục tiêu của chúng tôi là liên kết hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của khu vực thông qua hợp tác với các đối tác hàng đầu như Bảo hiểm Bảo Việt”.

Nền tảng BaoViet MyDoc có sẵn bằng cả Tiếng Anh và Tiếng Việt. Dịch vụ này hiện đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2019, và dự kiến sẽ được triển khai rộng trên toàn quốc trong năm 2020.

Thái độ tích cực được lan tỏa tại Bảo hiểm VietinBank

(VBI) – Song hành cùng những sứ mệnh tạo ra giá trị kinh tế để giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, Bảo hiểm VietinBank (VBI) luôn chú trọng xây dựng môi trường doanh nghiệp thân thiện, lành mạnh, tràn ngập thái độ tích cực.

Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã có gần 11 năm hình thành, phát triển để tạo ra những giá trị đóng góp vào xã hội và khẳng định vị thế là doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Trải qua từng năm với những giá trị dần được đổi mới, VBI hiện đang tập trung phát triển nguồn nhân lực không chỉ tốt về kỹ năng & chuyên môn mà còn hướng người lao động xây dựng một thái độ tích cực cho bản thân.

Những kiến thức chuyên môn có thể được học từ trường lớp hay thông qua quá trình làm việc lâu năm, còn thái độ tích cực lại đòi hỏi mỗi một cá nhân luôn phải tự nhìn lại bản thân mình để rèn luyện được cách nhìn nhận vấn đề một cách tích cực.

Ông Lê Tuấn Dũng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm VietinBank cho biết: “Yếu tố mà VBI kỳ vọng nhiều nhất đối với các nhân viên chính là một thái độ tích cực. Chúng tôi luôn thấu hiểu, nhìn nhận và đánh giá cao những cán bộ có tư duy và thái độ tích cực.  Những cán bộ không những giỏi về chuyên môn mà còn mang trong mình một thái độ tích cực chắc chắn sẽ là những viên ngọc quý, tỏa sáng trong tương lai cùng Doanh nghiệp.”

Ngay từ những bước đầu phát triển, VBI luôn chú trọng đầu tư xây dựng, cải tiến môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp sao cho phù hợp với thời đại và xu thế thị trường mà vẫn giữ được những bản sắc tích cực của riêng mình. 6 giá trị cốt lõi của VBI đó là: “Quyết liệt – Sáng tạo – Đổi mới – Chân thành – Tin cậy – Trách nhiệm”. Đây được coi kim chỉ nam giúp hơn 1000 cán bộ VBI định hướng con đường phát triển, định hình thái độ tích cực của cá nhân trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Những hoạt động vì cộng đồng với quy mô lớn, các chương trình thiện nguyện vì người nghèo… là nơi để những trái tim VBI gần lại với nhau, lan tỏa sự yêu thương tích cực của mình tới những mảnh đời kém may mắn hơn. Đồng thời thông qua các chương trình, VBI cũng giúp các cán bộ trân trọng và nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực hơn.

Các chiến dịch truyền cảm hứng thái độ tích cực nội bộ như “Tôi chọn nghề bảo hiểm”, “Đánh thức năng lượng”, “Thái độ tích cực quyết định thành công”… luôn nhận được sự hưởng ứng từ 100% cán bộ cũng như Ban Lãnh đạo VBI, thể hiện một khí thế tích cực, một nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp của VBI.

VBI là một môi trường đáng để trải nghiệm cho bất kỳ ai đang mong muốn tìm một nơi để học hỏi và định hướng phát triển bản thân từ kỹ năng cho đến thái độ.

6 CHỮ VÀNG “GIÁ TRỊ CỐT LÕI” VBI

Quyết liệt – Làm tới cùng: Theo sát và kiên định, nhẫn nại và quyết tâm thực hiện.

Sáng tạo – Không gì là không thế: Tập trung vào giải pháp. Hỏi tại sao và/hoặc Tại sao không? Nếu có ý tưởng, hãy làm thử.

Đổi mới – Khát khao đạt tới sự thỏa mãn: Cởi mở với quan điểm và ý tưởng mới, học điều mới mỗi ngày, can đảm đối mặt với thách thức.

Tin cậy – Vững chãi từ bên trong: Giữ lời hứa, có mặt khi cần, nhất quán trong lời nói và hành động.

Chân thành – Như một người thân: Lắng nghe để thấu hiểu, bỏ qua mọi lỗi lầm, giúp đỡ và cho đi.

Trách nhiệm – Giúp đỡ và tạo điều kiện: Chịu trách nhiệm cho hành động của mình, năng lực thuyết phục con người, trách nhiệm cho khâu trước và khâu sau trong một quá trình.

Bứt phá năng lượng cùng Hội thao VBI Khu vực Miền Bắc 2019

(VBI) – Trong 2 ngày 02 – 03/11/2019 tại Trung tâm Văn Hóa – Thông tin và Thể thao Tây Hồ, Hội thao Bảo hiểm Vietinbank (VBI) Khu vực miền Bắc 2019 đã được tổ chức thành công. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thao toàn hệ thống VBI lần thứ 2.

Về tham dự hội thao có gần 200 vận động viên đến từ 16 Công ty thành viên,13 Ban Trụ sở chính cùng Ban Tổng Giám Đốc, Ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo các đơn vị.

Hội thao luôn là sự kiện thu hút đông đảo cán bộ VBI tham dự. Phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội thao, ông Lê Tuấn Dũng cho biết: “VBI giờ đây không đơn thuần là một gia đình mà trở thành một cộng đồng với những con người có cùng mong muốn, cùng ý chí. Ở VBI, những cán bộ đến không chỉ làm việc hăng say mà còn được cân bằng được cuộc sống, có niềm vui thông qua các hoạt động đoàn thể nâng cao tinh thần cán bộ. Hội thao VBI là một hoạt động gắn liền với những giá trị cốt lõi của VBI để giúp mọi người được học , trao đổi, làm việc kết hợp dễ dàng hơn.”

Tại hội thao VBI khu vực miền Bắc, các vận động viên đã tham gia tranh tài với 04 môn thi đấu: Kéo co, Bóng đá, Tennis và Nhảy hiện đại. Sau thời gian chuẩn bị và tập luyện, các VĐV đã mang đến tinh thần quyết liệt, tạo khí thế sôi nổi và hào hứng đến toàn thể cán bộ VBI.

Kết thúc Hội thao, những đội, cá nhân xuất sắc đã được Ban Tổ chức vinh danh tại Lễ bế mạc và trao giải thưởng.

Chung cuộc, Ban tổ chức Hội Thao đã trao 35 giải thưởng cho các cá nhân và tập thể. Giải Nhất bóng đá mini thuộc về liên minh VBI Hải Phòng – VBI Nam Định, giải Nhất bộ môn tennis thuộc về VBI Tràng An, giải Nhất bộ môn kéo co thuộc về VBI Tràng An, giải Nhất bộ môn nhảy hiện đại thuộc về liên minh VBI Đông Bắc – VBI Tây Bắc – VBI Quảng Ninh.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm của Bảo Việt dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

(BVH) – Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 (trước soát xét), theo đó Bảo Việt và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 32.560 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Bảo Việt Nhân thọ: Tổng doanh thu ước đạt 23.090 tỷ đồng, tăng trưởng 5,3% trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 18.198 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ năm 2018, tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Bảo Việt Nhân thọ cũng ra mắt sản phẩm ‘An Phát Cát Tường’ – giải pháp tài chính ưu việt giúp người dân Việt Nam được bảo vệ và đảm bảo về tài chính trước các rủi ro khó lường, trong đó có quyền lợi chi trả cho rủi ro mắc bệnh ung thư từ ngay giai đoạn đầu và đột quỵ, hỗ trợ tài chính để khách hàng an tâm điều trị, đồng thời có giải pháp tích lũy hiệu quả cho các kế hoạch tương lai. ‘An Phát Cát Tường’ vinh dự nhận giải thưởng “Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới ưu việt nhất Việt Nam năm 2019” do Tổ chức Đánh giá Tài chính và Ngân hàng toàn cầu (Anh Quốc) bình chọn. Vừa qua, Vietnam Report đã công bố Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín Việt Nam”, theo đó, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục dẫn đầu danh sách dựa trên các tiêu chí đánh giá toàn diện do các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm thực hiện.

Nhằm mang đến các giá trị gia tăng cho khách hàng, Bảo Việt Nhân thọ liên tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông minh vào quá trình quản lý vận hành và phục vụ khách hàng như chatbot tự động phục vụ khách hàng 24/24 giờ; đa dạng hình thức thanh toán; rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm chỉ còn 15 phút – là thời gian ngắn nhất được công bố trên thị trường cho tới nay, ra mắt ứng dụng MyBVLife, phục vụ khách hàng nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Năm 2019, Bảo Việt Nhân thọ triển khai chương trình “Tri ân tưng bừng – Đón mừng sinh nhật” từ ngày 15/8 – 13/10/2019, trao hơn 750 phần quà giá trị cho các khách hàng với tổng trị giá lên đến hơn 5,6 tỷ đồng.

Bảo hiểm Bảo Việt: Tổng doanh thu ước đạt 8.719 tỷ đồng, tăng trưởng 5,6%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 7.794 tỷ đồng, tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018, khẳng định vị thế số 1 ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Bảo hiểm Bảo Việt đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh và quản trị, giúp việc tra cứu, truy cập thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn cho khách hàng đồng thời gia tăng việc bảo mật và quản lý hệ thống.

Ngày 23/10/2019, Bảo hiểm Bảo Việt đã cho ra mắt nhóm sản phẩm mới bao gồm Bảo hiểm Du lịch (Travel Easy), Bảo hiểm Trễ chuyến bay (Flight Easy), Bảo hiểm Thiết bị điện tử (Gadget Easy) và Bảo hiểm hàng hóa (E-cargo Policy) trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0. Khách hàng sẽ hoàn toàn chủ động trong việc mua, đăng ký, quản lý và theo dõi các đơn hàng bảo hiểm của mình thông qua phần mềm trực tuyến. Việc yêu cầu bảo hiểm cũng dễ dàng và nhanh gọn hơn khi các thủ tục đều được thực hiện trên nền tảng công nghệ mới. Đặc biệt, đối với sản phẩm bảo hiểm Trễ chuyến bay (Flight Easy), khách hàng sẽ ngay lập tức nhận được bồi thường khi có thông báo từ hệ thống với vài bước cung cấp thông tin trực tuyến mà không cần phải chờ đợi hay nộp nhiều loại hồ sơ giấy tờ.

Trong khi đó, Bảo hiểm Hàng hóa lại là trải nghiệm chưa từng có trên thị trường khi Bảo hiểm Bảo Việt triển khai phần mềm E-Cargo Policy để khách hàng chủ động kiểm soát bảo hiểm hàng hóa của mình. Dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, khách hàng doanh nghiệp giờ đây có thể chủ động soạn, in, cấp đơn và quản lý hợp đồng thông qua hệ thống trực tuyến chỉ trong 3 bước đơn giản. Giấy chứng nhận sẽ được phát hành mọi lúc, mọi nơi thông qua phần mềm trực tuyến với phạm vi bảo hiểm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của từng chuyến hàng, cắt giảm các thủ tục giấy tờ rắc rối.

Bảo hiểm Bảo Việt không ngừng cải tiến để triển khai những giải pháp bảo hiểm tốt nhất, với tôn chỉ “Khách hàng làm trung tâm” để thấu hiểu và hiện thực hóa các mong muốn của khách hàng. Ba năm liên tục, Bảo hiểm Bảo Việt vinh dự là đơn vị bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam nhận được giải thưởng “Thương hiệu bảo hiểm tốt nhất Việt Nam 2019” do tạp chí Global Brands Magazine (Vương quốc Anh) trao tặng.

Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF): Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) ghi nhận mức tăng trưởng 9,47% trở thành quỹ mở trái phiếu hoạt động tốt nhất thị trường. Bên cạnh đó, các danh mục đầu tư của khách hàng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt tiếp tục giữ vững vị trí top 2 công ty Quản lý Quỹ có Tổng tài sản quản lý lớn nhất thị trường, đạt 60.795 tỷ đồng. Tính đến hết Quý III/2019, tổng doanh thu của BVF ước đạt 85,44 tỷ đồng tương đương với 73% kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Hệ thống giao dịch trực tuyến của BVSC đã và đang được hoàn thiện gồm các công cụ như BVS@Trade, BVS@Mobile, BVS@Bloomberg … được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. Tính đến hết Quý III/2019, tổng doanh thu của BVSC ước đạt 388 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch năm.

3. Nhịp đập thị trường

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ: Lãi sau thuế có thể tăng 15 – 20% trong năm nay

(TBTCVN) – Tính đến hết ngày 20/9/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt mức 109.871 tỷ đồng, tăng 20% (so với cùng kỳ năm 2018).  Tuy nhiên, kỳ vọng với việc các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện hiệu quả hoạt động và lãi suất tiền gửi tiếp tục giữ ở mức cao như hiện tại, khiến cho lợi nhuận sau thuế toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng từ 15% – 20% trong năm nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 20/9/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt mức 109.871 tỷ đồng, tăng 20% (so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, doanh thu phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 37.299 tỷ đồng, tăng 12%. 

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng, trong năm 2019, doanh thu phí gốc toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 10% – 12%. “Với kỳ vọng nhu cầu tăng cao do cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ bảo hiểm phi nhân thọ/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (chỉ mới 1,3% so với mức từ 3% – 4% trong khu vực thị trường đang phát triển), phí bảo hiểm phi nhân thọ/người ở mức thấp (chỉ 21 USD/người so với 70 USD/người tại thị trường đang phát triển)” – BSC phân tích. 

Số liệu thống kê cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quý II/2019 tăng trưởng mạnh, chủ yếu đến từ tăng doanh thu tài chính. Do cạnh tranh cao, lợi nhuận thuần từ nghiệp vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 3,8%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 572 tỷ đồng (tăng 21,8%) nhờ việc cải thiện lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tính sang quý III, nhìn chung các kết quả kinh doanh toàn ngành vẫn duy trì đà tăng tích cực, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận có sự phân hóa, chẳng hạn như PVI: Lãi ròng 9 tháng vẫn ghi nhận tăng tốt, nhưng doanh thu và lợi nhuận quý III lại sụt giảm trên 30%.

Mặc dù vậy, trong năm 2019 này, BSC vẫn kỳ vọng với việc các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua việc áp dụng công nghệ giúp giảm thiểu chi phí, từ đó cải thiện tỷ lệ kết hợp. Cùng với đó, việc lãi suất tiền gửi tiếp tục giữ ở mức cao như hiện tại sẽ giúp cho lợi nhuận sau thuế toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng từ 15% – 20% trong năm 2019.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam còn rất lớn. Bởi Nhà nước đang khuyến khích phát triển các lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, điển hình là chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã chính thức triển khai trở lại sau thời gian thí điểm… Với một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định như Việt Nam, các loại hình bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ,… sẽ tiếp tục được quan tâm, khai thác. Chính vì vậy, đây là cơ hội nền tảng giúp các doanh nghiệp bảo hiểm “tính kế”, tìm kiếm cơ hội, đi trước thị trường để có thể phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Nhận định về các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường từ nay tới cuối năm, BSC vẫn đưa ra đánh giá khả quan và hướng tới đầu tư trong trung, dài hạn. BSC đưa 3 nguyên nhân để lý giải cho nhận định của mình, là: Lãi suất tiền gửi tăng giúp doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện lợi nhuận tài chính; phí gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn được dự báo tăng trưởng đều đặn từ 10% – 12% trong tương lai; việc áp dụng công nghệ vào hoạt động bảo hiểm giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động bảo hiểm. 

Tuy nhiên, “chúng tôi xin lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành không có nhiều đột biến và triển vọng các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cải thiện mạnh mẽ khi các thương vụ thoái vốn, nới “room” diễn ra. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp đầu ngành khi định giá hiện tại là tương đối rẻ so với mức tăng trưởng bền vững của ngành bảo hiểm phi nhân thọ” – BSC lưu ý và khuyến nghị.

Dự kiến trong thời gian tới, Nhà nước sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như PVI và BMI. Với việc 2 doanh nghiệp này khẳng định được vị thế trong ngành cũng như có thị phần tương đối tốt trên thị trường, BSC kỳ vọng việc thoái vốn tại 2 tổng công ty bảo hiểm này sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Bảo hiểm liên kết đầu tư giữ thế chủ đạo

(ĐTCK) – Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư ra thị trường khiến tỷ trọng doanh thu của dòng sản phẩm này tiếp tục tăng cao, dự kiến chiếm hơn 80% doanh thu phí mới.

Những sản phẩm mới cũng được các doanh nghiệp thiết kế đơn giản, phù hợp hơn với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng.

Chẳng hạn như sau khi ra mắt một loạt sản phẩm đình đám, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, nhu cầu bảo hiểm và đầu tư của các khách hàng, mới đây, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý là Generali tiếp tục thông báo sẽ bán qua kênh trực tuyến sản phẩm mới là VITA – Sống An Nhiên.

Sản phẩm đáp ứng nhu cầu bảo vệ toàn diện cho khách hàng trước các rủi ro tai nạn với nhiều lựa chọn linh hoạt cho khả năng tài chính của nhiều đối tượng khách hàng. Thời hạn bảo hiểm 10 năm hoặc đến 60 tuổi, nhưng không vượt quá 30 năm.

Trong khi đó, Prudential Việt Nam đưa ra thị trường cùng lúc hai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung là Pru-Bảo vệ tối ưu và Pru – Chủ động cuộc sống với những quyền lợi nổi trội kết hợp giữa bảo vệ và tích lũy.

Cụ thể, khi tham gia Pru-Bảo vệ tối ưu, bên cạnh quyền lợi tích lũy, khách hàng được bảo vệ trước 99 bệnh lý nghiêm trọng khác nhau. Còn sản phẩm Pru-Chủ động cuộc sống sẽ mang đến cho khách hàng sự linh hoạt trong các lựa chọn bảo hiểm để đáp ứng những nhu cầu khác nhau trong từng giai đoạn cuộc sống…

Trước đó, hồi cuối tháng 7/2017, Manulife Việt Nam đã thiết kế “Manulife – Hành trình hạnh phúc” – giải pháp toàn diện kết hợp tiết kiệm, đầu tư; đồng thời giúp khách hàng bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống.

Cụ thể, sản phẩm sẽ bảo vệ tài chính tối ưu trước các rủi ro tử vong và thương tật do tai nạn; gia tăng bảo vệ cho cả gia đình với danh mục các sản phẩm bổ trợ đính kèm đa dạng; hưởng lãi suất đầu tư thực tế từ Quỹ Liên kết chung, không thấp hơn mức lãi suất cam kết…

Việc các doanh nghiệp liên tục đưa các sản phẩm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết ra thị trường khiến cơ cấu doanh thu phí mới có sự biến động mạnh ở hai sản phẩm chính là liên kết đầu tư và các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.

Nửa đầu năm 2019, theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 70,89% doanh thu phí khai thác mới.

Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng 13,67%; bảo hiểm tử kỳ chiếm  tỷ trọng 2,55%; doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 10,57%.

So với cùng  kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 49,53%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 37,75%.

Sự thay đổi doanh thu của hai sản phẩm này xuất phát từ việc các công ty bảo hiểm đẩy mạnh việc bán sản phẩm liên kết đầu tư sau khi Nghị định 151/2018/NÐ-CP quy định về điều kiện đại lý được bán sản phẩm liên kết đầu tư được ban hành.

Ngoài ra, trong giai đoạn lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thấp, các công ty bảo hiểm cũng chủ động đẩy mạnh việc bán bảo hiểm liên kết đầu tư và giảm bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhằm giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các sản phẩm này theo Thông tư  50/2017/TT-BTC.

Ðược biết, lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học và lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao. Nếu đẩy mạnh doanh số đối với sản phẩm này, chi phí trích lập dự phòng toán học có thể sẽ tăng mạnh.

Dù gánh nặng dự phòng toán học có thể giảm sau khi Thông tư 01/2019/TT-BTC có hiệu lực (thay đổi công thức của lãi suất kỹ thuật trong tính toán dự phòng toán học), nhưng dòng cơ cấu doanh thu do dòng bảo hiểm liên kết đầu tư mang lại chưa thể đảo chiều khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục các sản phẩm này ra thị trường và có kế hoạch đẩy mạnh việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn  nhận, với lợi thế đang có, khả năng doanh thu phí của sản phẩm liên kết đầu tư sẽ chiếm trên 80% tổng doanh thu của thị trường.

4. Tin quốc tế

Trung Quốc hướng dẫn về thời gian giải quyết bồi thường

(IAN) – Trung Quốc đang tìm cách cải thiện việc xử lý các khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực bảo hiểm và ngân hàng, đó là nội dung bản dự thảo hướng dẫn từ Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc.

Các hướng dẫn hy vọng các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ hoàn thành việc xử lý các khiếu nại của người tiêu dùng với các sự kiện rõ ràng và các tranh chấp đơn giản và thông báo cho người khiếu nại về kết quả trong vòng 15 ngày.

Đối với các khiếu nại phức tạp hơn, thời gian xử lý có thể được kéo dài đến một tháng. Văn bản này quy định rằng các ngân hàng và công ty bảo hiểm không nên từ chối các khiếu nại hợp lý từ người tiêu dùng.

Văn bản hướng dẫn cũng yêu cầu thiết lập cơ chế theo dõi nguồn và giảm thiểu tổn thất, ngoài khả năng cải thiện các sản phẩm và dịch vụ sau khi xử lý khiếu nại.

Ngoài việc cố gắng điều tiết hơn nữa các dịch vụ tài chính, chính phủ Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, tình trạng bất ổn dân sự dai dẳng ở Hồng Kông và dịch tả lợn châu Phi không thể kiểm soát đang đe dọa sinh kế của hàng triệu nông dân nhỏ trên cả nước.

Zurich bổ nhiệm Giám đốc Bảo hiểm phi nhân thọ Hồng Kông

(IAN) – Penny Seach, Giám đốcBảo hiểm thương mại kiêm Giám đốc đánh giá rủi ro của Zurich Hồng Kông, Giám đốc khu vực về Bảo hiểm trách nhiệm, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Bảo hiểm phi nhân thọZurich Hồng Kông.

Cô Seach (trong ảnh) đảm nhận vai trò này bên cạnh các chức danh hiện tại về đánh giá rủi ro và bảo hiểm trách nhiệm. Cô sẽ lãnh đạo kế hoạch chiến lược vững chắc cho đặc khu này, tập trung vào “khách hàng, đổi mới và đơn giản hóa”.

Ngoài ra, ông Geoffrey Au, cựu Giám đốc rủi ro tại Châu Á Thái Bình Dương và hiện là Giám đốc khối thuộc BHNT Hồng Kông, đã được bổ nhiệmGiám đốc điều hành BHNT Zurich Hồng Kông.

Cả Au và Seach đều báo cáo lên ông Eric Hui, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Zurich (Hồng Kông). Giờ đây, Hui sẽ tập trung vào các sáng kiến kinh doanh và phát triển Trung Quốc, bên cạnh các cơ hội hợp tác và liên doanh mới, cũng như triển vọng từ Sáng kiến Một vành đai Một Con đường và Khu vực Vịnh Lớn.

Trong một thay đổi khác, ông Anthony Seeto, Giám đốc khách hàng, phân phối và phát triển thị trường thuộc khối bảo hiểm thương mại Zurich Hồng Kông đã trở thành Giám đốc Bảo hiểm thương mại, Zurich Hồng Kông.

Ông Seeto sẽ báo cáo lên Seach và báo cáo ma trận cho Chris Waterman, Giám đốc Bảo hiểm thương mại, Châu Á Thái Bình Dương.

Người phát ngôn của Zurich nói: “Cơ cấu kinh doanh mới của Hồng Kông sẽ cho phép chúng tôi tối ưu hóa tăng trưởng, tăng sự nhanh nhẹn và tối đa hóa sự phối hợp trong hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông. Nó cũng sẽ mang lại sự rõ ràng và tập trung hơn, cho phép chúng tôi phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trên thị trường”.

Những thay đổi kể trên có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11.

Lợi nhuận Chubb sụt giảm

(INN) – Chubb đã công bố mức giảm 11,4% lợi nhuận ròng trong quý 3 xuống còn 1,09 tỷ USD.

Thu nhập đã bị ảnh hưởng từ khoản lỗ do hạch toán theo giá thị trường (mark-to-market) là 119 triệu USD liên quan chủ yếu đến danh mục tái bảo hiểm niên kim thay đổi. Cùng kỳ năm 2018, Chubb đã ghi nhận bổ sung 165 USD vào lợi nhuận thực hiện được điều chỉnh.

Mảng kinh doanh bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) có kết quả hoạt động tốt với phí bảo hiểm ròng tăng 6,2% lên tới 8,01 tỷ USD trong quý này.

Thu nhập kinh doanh bảo hiểm tăng 12,6% lên 754 triệu đô la Mỹ và tỷ lệ kết hợp được cải thiện về 90,2% từ 90,9%.

Tổn thất thảm họa trước thuế giảm xuống còn 232 triệu USD từ mức 450 triệu USD.

Ông Evan Greenberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, nói: “Tăng trưởng diễn ra rộng khắp trên toàn cầu… Chúng tôi được hưởng lợi từ môi trường định phí và đánh giá rủi ro được cải thiện cũng như sự lựa chọn chất lượng của Chubb từ những người mua bảo hiểm thương mại”.

“Giá cả tiếp tục ổn định trong quý – trong nhiều trường hợp với tốc độ gấp đôi hoặc cao hơn của quý đầu tiên – với tốc độ tăng nhanh và lan rộng đến nhiều loại hình kinh doanh hơn.

“Chúng tôi cũng được hưởng lợi từ nhiều sáng kiến tăng trưởng liên quan đến sản phẩm, khách hàng và phân phối tại Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Mỹ Latinh”.

Willis Towers Watson tăng trưởng 70% thu nhập trong Quý III

(INN) – Thu nhập ròng Quý III của hãng môi giới toàn cầu Willis Towers Watson (WTW) đã tăng 70% lên 75 triệu USD nhờ 4 phân khúc kinh doanh cốt lõi của công ty đều thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu.

Tập đoàn này cho biết, đã có sự cải thiện khiêm tốn về giá phí trên thị trường.

Giám đốc điều hành, ông John Haley, nói: “Tôi hài lòng với kết quả kinh doanh quý III. Chúng tôi sẽ đạt kết quả tốt trong cả năm và vẫn tự tin vào khả năng tiếp tục mang lại lợi nhuận tăng trưởng”.

Vào tháng 7, WTW cho biết, mùa tái tục giữa năm đã chứng kiến đà tăng giá rõ rệt, với hầu hết các khu vực địa lý và loại sản phẩm đều tăng giá, đồng thời thắt chặt hơn các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng.

Không phát hành thêm được ILS trong Quý III

(INN) – Số liệu Willis Re cho thấy, trong Quý III năm nay, thị trường không phát hành thêm được chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) mới nào.

Đây là kết quả tồi tệ nhất cho thị trường ILS trong quý III trong 6 năm vừa qua. Số liệu phát hành Quý III trong 3 năm liền trước lần lượt là 1,6 tỷ USD năm 2018, 500 triệu đô la trong năm 2017 và 900 triệu đô la trong năm 2016. Con số này vào năm 2014 chỉ là 300 triệu USD.

Bên cạnh đó, lũy kế 9 tháng vừa qua chỉ có rất ít chứng khoán được phát hành so với hai năm qua. Trong quý II/2019 giá trị chứng khoán phát hành là 1,7 tỷ USD so với 4 tỷ đô la năm 2018 và 6,2 tỷ USD năm 2017.

Trong quý I, chỉ có 1,1 tỷ USD chứng khoán được phát hành so với 3,1 tỷ USD năm 2018 và 1,7 tỷ USD trong năm 2017.

Giám đốc điều hành Willis Securities Bill Dubinsky nói rằng công ty hy vọng thị trường sẽ tăng trưởng nhiều hơn trong quý IV dưới các hình thức chứng khoán thanh khoản hơn, và tăng thêm vào năm tới.

Lợi nhuận Swiss Re sụt giảm

(INN) – Hiệu suất kinh doanh bảo hiểm của Swiss Re đã bị ảnh hưởng bởi 1,7 tỷ đô la Mỹ bồi thường các yêu cầu thảm họa lớn trong chín tháng đầu năm 2019, bao gồm từ cơn bão Dorian và vụ phá sản bắt buộc của Thomas Cook trong quý III.

Các khoản bồi thường bao gồm khoảng 430 triệu đô la Mỹ do hậu quả siêu bão Faxai tại Nhật Bản và 300 triệu đô la Mỹ đối với cơn bão Dorian ở Đại Tây Dương.

Swiss Re ước tính tổng giá trị tổn thất được bảo hiểm toàn thị trường do siêu bão Faxai gây ra là 7 tỷ USD và Dorian ở mức 4,5 tỷ USD.

Ước tính các khiếu nại từ các sự kiện nhân tạo lớn, bao gồm cả vụ phá sản gần đây của Thomas Cook và trước đó là vụ tai nạn của hãng hàng không Etopian và vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX, lên tới 310 triệu USD.

Tỷ lệ kết hợp của Swiss Re Tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C Re) trở nên tồi tệ đến 101,4%, từ mức 99,5% một năm trước đó, mặc dù ban lãnh đạo cho biết họ đang đi đúng hướng để đạt tỷ lệ kết hợp bình thường là 98% vào năm 2019.

Giám đốc điều hành Swiss Re, ông Christian Mumenthaler, nói: “Vị trí hàng đầu trên thị trường của công ty và tỷ lệ phí dương từ đầu năm tới nay khiến cho chúng tôi rất tự tin cho mùa tái tục sắp tới”.

Hiệu suất đầu tư mạnh mẽ đã thúc đẩy lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của Swiss Re đạt 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập ròng của P&C Re tăng 39% lên 880 triệu đô la Mỹ.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe tiếp tục đạt hiệu suất tốt với thu nhập ròng tăng lên 651 triệu đô la Mỹ trong chín tháng.

Công ty Giải pháp doanh nghiệp có tỷ lệ kết hợp lên tới 127%, bị ảnh hưởng bởi các hành động tái định vị doanh nghiệp như đã công bố vào tháng 7, cũng như thiệt hại thảm họa nhân tạo và tự nhiên lớn khoảng 90 triệu đô la Mỹ trong thời gian chín tháng, bao gồm từ cơn bão Dorian và vụ phá sản Thomas Cook.

Hội đồng quản trị Swiss Re Board đã quyết định chống lại đợt thứ hai của chương trình mua lại cổ phần công khai, một phần xuất phát từ những tuyên bố thảm họa lớn. Đợt đầu tiên, bắt đầu vào ngày 6 tháng 5, đã hoàn thành hơn 60% vào ngày 30 tháng 9.

Bảo hiểm Hỏa hoạn và Hàng hải Samsung hoàn thành đầu tư chiến lược vào Canopius

(AIR) – Canopius Group Ltd. tuyên bố Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) đã hoàn thành khoản đầu tư chiến lược vào công ty này.

Theo Canopius, khoản đầu tư sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Canopius, phát sinh từ giao dịch mua lại AmTrust của Lloyd’s gần đây. Số tiền đầu tư lần đầu tiên được công bố vào tháng Năm song không được các bên tiết lộ.

Ngoài khoản đầu tư, Canopius và SFMI sẽ tích cực tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh doanh trong bảo hiểm và tái bảo hiểm chuyên biệt, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Canopius, ông Michael Watson, bình luận: “Tôi rất hân hạnh được chào đón SFMI với tư cách là đối tác kinh doanh và nhà đầu tư chiến lược tại Canopius. Sức mạnh tài chính đặc biệt và mạng lưới giấy phép bổ sung của SFMI sẽ rất thuận lợi khi chúng tôi thực hiện các bước chuyển đổi tiếp theo để xây dựng một nhượng quyền thương mại tái bảo hiểm đặc biệt hàng đầu toàn cầu. Chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng SFMI với sự nhiệt tình cao nhất”.

Khoản đầu tư này của SFMI theo sau thông báo tháng trước về việc Canopius đã hoàn tất việc mua lại AmTrust tại Lloyd’s. Vào tháng 3 năm 2018, Canopius đã trở thành một doanh nghiệp độc lập sau khi Sompo Holdings bán lại với giá 952 triệu đô la cho tập đoàn cổ phần tư nhân do Centerbridge Partners dẫn đầu.

Về Canopius: Canopius có trụ sở tại Luân đôn, là một công ty tái bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu với các hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Úc, Bermuda, Trung Quốc, Ireland, Hà Lan, Singapore, Anh và Hoa Kỳ. Canopius cấp đơn thông qua nghiệp đoàn 4444 và 1861 của Lloyd’s (được quản lý bởi Canopius Manage Agents Ltd.) và một công ty bảo hiểm Canopius US Insurance, Inc.của Hoa Kỳ.

Về SFMI: SFMI là công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại Hàn Quốc, có trụ sở tại Seoul. Ngoài kinh doanh bảo hiểm tài sản & thiệt hại, SFMI cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm như hưu trí doanh nghiệp, niên kim và bảo hiểm y tế.

Tái bảo hiểm P&C duy trì đà tăng trưởng

(AIR) – Bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn phát triển mạnh và tăng trưởng doanh thu phí trong khu vực tiếp tục vượt xa các khu vực khác nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế của khu vực, tài sản của dân chúng và nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đây là phát biểu của bà Qian Zhu, Phó Giám đốc Tín dụng cao cấp tại Công ty Dịch vụ Nhà đầu tư Moody’s, tại một hội thảo do Saudi Re tổ chức gần đây tại Kuala Lumpur.

Các công ty bảo hiểm P&C cũng đang khám phá các động lực tăng trưởng mới từ các sản phẩm bảo hiểm phi xe cơ giới, trong khi các nguyên tắc định phí đang ngày càng trở nên quan trọng đối với việc bảo vệ lợi nhuận đánh giá rủi ro trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, bà nói thêm.

Cũng theo bà Qian Zhu, nhu cầu dài hạn về bảo hiểm nhân thọ ở châu Á vẫn còn mạnh, được củng cố bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khoảng cách bảo vệ đáng kể, lấy ví dụ về Trung Quốc – nơi thu nhập bảo hiểm nhân thọ tăng 16% trong nửa đầu năm 2019, so với năm trước.

Tại hội thảo, ông Ismail Mahbob, thành viên Hội đồng quản trị Saudi Re, đã đề cập đến tiềm năng nâng cao của hoạt động kinh doanh bảo hiểm takaful đạt 2,79 tỷ Ringgit Malaysia vào năm 2018.

Ông cũng thảo luận về các kênh phân phối và sự phối hợp sản phẩm cho thị trường takaful cũng như các thách thức và cơ hội kinh doanh bảo hiểm Hồi giáo trong bối cảnh thị trường Malaysia.

Ông Ahmad Al-Qarishi, Giám đốc rủi ro và Giám đốc actuary Saudi Re, đã thảo luận về sự phát triển của mô hình vốn và tác động của nó đối với việc ra quyết định của các công ty bảo hiểm và quản lý rủi ro đối tác.

Ông Liu Kim Hock, Giám đốc chính chi nhánh Saudi Re Labuan, cho biết hội thảo đã thu hút hơn 40 người tham gia đại diện cho các nhà quản lý, công ty bảo hiểm và môi giới. Hội thảo cung cấp cơ hội để tích cực tham gia vào một cuộc đối thoại giữa các chuyên gia bảo hiểm về các vấn đề trong ngành.

Saudi Re, công ty tái bảo hiểm được Moody’s xếp hạng A3, đã thành lập chi nhánh tại Labuan vào năm 2014. Công ty chuyên về các giải pháp tái bảo hiểm cố định và tái bảo hiểm tạm thời trong lĩnh vực phi nhân thọ tại hơn 40 thị trường trên khắp Trung Đông, Châu Á, Châu Phi và Lloyd’s.

BTV (Tổng hợp).