Cần tính lại phí bảo hiểm nhân thọ; Ấn Độ thành lập lực lượng đặc nhiệm về bancassurance; HSBC Life bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Hà Nội: 4 vụ cháy nổ trong ngày 7/11
(Baoxaydung) – Ngày 7/11, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 3 vụ cháy tại các quận, huyện và 1 vụ nổ nghiêm trọng tại quận Hoàng Mai.
Theo tin từ Công an thành phố Hà Nội, ngày 7/11, trên địa bàn xảy ra 3 vụ cháy tại các quận, huyện và 1 vụ nổ nghiêm trọng tại quận Hoàng Mai, làm 2 người bị thương nặng, nguy cơ tử vong cao.
Trước đó, khoảng 15 giờ 50 cùng ngày, nhận được tin báo cháy nhà dân tại số 195 phố Vũ Xuân Thiều, thuộc tổ 13 phường Phúc Lợi, quận Long Biên, người dân đã nhanh chóng hô hoán, kích hoạt điểm chữa cháy công cộng tổ liên gia an toàn phòng, chống cháy nổ và báo cơ quan chức năng.
Thời điểm xảy ra cháy chủ nhà đi vắng, đám cháy xuất phát từ tầng 2, tiếp giáp với mặt ngõ hẹp nên người dân, Đội Phòng cháy, Chữa cháy Cơ sở đã chủ động tận dụng 5 phút đầu tiên dùng các biện pháp dập lửa.
Công an phường Phúc Lợi, Đội Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, Công an quận Long Biên cũng có mặt kịp thời phối hợp xử lý, dập tắt lửa, không để lây lan sang các nhà dân liền kề. Theo thông tin ban đầu, đám cháy không gây thiệt hại về người.
Cùng ngày 7/11, khoảng 9 giờ 50, tại số 250 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai xảy ra vụ việc nghiêm trọng được cho là xuất phát từ nổ bình nén khí, khiến nhiều người bị thương.
Ngay sau vụ việc, lực lượng chức năng Công an quận Hoàng Mai đã khẩn trương xuống hiện trường, tổ chức cứu nạn, cứu hộ, phối hợp với người dân đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Hai nạn nhân bị chấn thương nặng, nguy cơ tử vong cao, là anh N.V.T (sinh năm 1997) và anh L.V.H (sinh năm 1992), cùng trú tại tỉnh Thanh Hóa.
Hiện Công an quận đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an thành phố, tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Một vòng doanh nghiệp
Manulife Việt Nam ra mắt quy trình xác thực và giám sát phát hành hợp đồng qua ứng dụng M-Pro
(ĐTCK) – Manulife Việt Nam cho biết đang chuẩn bị triển khai quy trình xác thực và giám sát để đảm bảo 100% khách hàng đều được tư vấn đầy đủ, rõ ràng trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, Manulife cũng chuẩn bị cho ra mắt bộ hợp đồng mới với mẫu mã trang trọng, hiện đại, bao gồm bảng tóm tắt thông tin quan trọng về hợp đồng để tăng cường tính minh bạch và gia tăng trải nghiệm khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng đọc và hiểu quyền lợi sản phẩm bảo hiểm đã chọn.
Quy trình xác thực và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm qua ứng dụng M-Pro dự kiến sẽ được triển khai thử nghiệm vào cuối tháng 11/2023 trước khi chính thức áp dụng vào đầu năm 2024.
Theo quy trình mới, sau khi khách hàng được đại lý tư vấn, nộp đơn yêu cầu bảo hiểm và trải qua quá trình thẩm định, hợp đồng bảo hiểm vẫn chưa được phát hành ngay mà khách hàng cần thực hiện thêm bước xác thực thông tin để giúp công ty giám sát chất lượng tư vấn cũng như chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Khách hàng được yêu cầu truy cập vào ứng dụng M-Pro để thực hiện định danh điện tử và kiểm tra các thông tin cá nhân đã cung cấp. Đồng thời, các thông tin quan trọng về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm quyền lợi sản phẩm, những lưu ý về rủi ro đầu tư, trách nhiệm đóng phí và các điều khoản quan trọng khác được trình bày đầy đủ, rõ ràng và súc tích, để khách hàng có thể hiểu rõ và xác nhận trước khi phát hành hợp đồng. Khách hàng cũng sẽ tự xác nhận tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu bảo hiểm của mình.
Manulife cho biết, quy trình xác thực và giám sát phát hành hợp đồng M-Pro được thiết kế thân thiện, dễ sử dụng cho mọi đối tượng khách hàng, giúp công ty kiểm tra, đánh giá độc lập nội dung tư vấn của đại lý thuộc tất cả các kênh phân phối trước khi phát hành hợp đồng bên cạnh các hình thức có sẵn trước đó như Cuộc gọi chào mừng (Welcome call), Khảo sát mua hàng ẩn danh (Mystery shopping).
Quy trình mới này không chỉ nhằm đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả, nâng cao chất lượng tư vấn của đại lý, mà còn giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và vai trò chủ động của khách hàng trong quá trình tìm hiểu, tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Nằm trong chuỗi hoạt động cải tiến quy trình bán hàng, Manulife cho biết công ty đang chuẩn bị phát hành bộ hợp đồng bảo hiểm với diện mạo mới, được nâng cấp cả về nội dung lẫn hình thức. Bộ hợp đồng mới này sẽ kèm theo bảng tóm tắt có chứa các thông tin quan trọng mà khách hàng cần lưu ý, chẳng hạn như quyền lợi sản phẩm, điều khoản loại trừ, thời hạn bảo hiểm, thời hạn đóng phí bắt buộc, định kì đóng phí, thời hạn cân nhắc hợp đồng…, nhằm giúp khách hàng nắm được các thông tin quan trọng nhất của hợp đồng và dễ dàng tra cứu trong quá trình tham gia bảo hiểm.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư vào thị trường Việt Nam của Manulife là gần 1 tỷ USD. Trung bình mỗi tháng, Manulife Việt Nam chi trả gần 42.000 yêu cầu giải quyết quyền lợi cho khách hàng, với tổng chi bồi thường quyền lợi và trả tiền bảo hiểm nửa đầu 2023 đạt hơn 8.800 tỷ đồng.
Hyundai Marine & Fire Insurance: Đầu tư vào Bảo hiểm VietinBank – VBI là sự lựa chọn đúng đắn và mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu
(TBTCO) – Ngày 24/10/2023 vừa qua, tại Hàn Quốc, đoàn lãnh đạo Bảo hiểm VietinBank (VBI) tham dự Hội nghị thường niên giữa Bảo hiểm VietinBank (VBI) với đối tác chiến lược Hyundai Marine & Fire Insurance (HMFI) – công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 2 tại Hàn Quốc. Sự kiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai công ty.
Tham gia hội nghị, về phía Hyundai Marine & Fire Insurance (HMFI) có sự tham gia của ông Han Jae-Weon – Phó Tổng giám đốc; ông Hong Young – Giám đốc Điều hành và các cán bộ cấp cao của công ty. Về phía Bảo hiểm VietinBank (VBI), có ông Nguyễn Huy Quang – Chủ tịch HĐQT và tập thể ban lãnh đạo VBI tham dự hội nghị.
Đánh giá cao kết quả VBI đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023
Tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm VietinBank – VBI đã chia sẻ tình hình phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam nói chung và kết quả kinh doanh của VBI nói riêng.
Cụ thể, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có quy mô theo doanh thu bảo hiểm gốc khoảng 2,7 tỷ USD, tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2018 (là năm Hyundai Marine & Fire Insurance trở thành cổ đông chiến lược của Bảo hiểm VietinBank – VBI) đến nay trung bình khoảng 10%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam chỉ đạt 1,3%. Tuy nhiên, doanh thu bảo hiểm gốc tại Bảo hiểm VietinBank – VBI đạt tốc độ tăng trưởng 16,6%, cao gấp 13 lần tốc độ tăng trưởng thị trường chung.
Về uy tín thương hiệu, VBI đã lọt TOP 4, từ thứ hạng thứ 8 tăng 4 bậc với danh hiệu công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất năm 2023.
Những thành tựu nêu trên là kết quả từ sự nỗ lực của hai đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ, cùng vượt qua khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, những diễn biến khó lường của nền kinh tế toàn cầu, thể hiện định hướng sáng suốt và quyết tâm hợp tác lâu dài, bền vững.
Trước những kết quả tích cực Bảo hiểm VietinBank – VBI đã đạt được trong suốt thời gian qua, ban lãnh đạo HMFI gửi lời chúc mừng, ghi nhận thành tích và cho biết thêm VBI là một trong những đơn vị nước ngoài hoạt động hiệu quả nhất, đồng thời khẳng định VBI là lựa chọn đầu tư đúng đắn đối với công ty. Trong tình hình kinh tế khó khăn, HMFI đã và đang cắt giảm vốn đầu tư đối với các đối tác bảo hiểm phi nhân thọ tại thị trường nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên, HMFI đang kỳ vọng rất nhiều và mong muốn được tăng tỷ lệ sở hữu tại VBI.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm – vì lợi ích và sự phát triển chung
Tại hội nghị thường niên, các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những bước phát triển sâu rộng của hai bên. Đồng thời, phía VBI mong muốn HMFI sẽ chia sẻ nhiều hơn nữa về cách tiếp cận thị trường, những định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực, kịp thời, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của HMFI, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của VBI tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, VBI đề xuất nâng cao năng lực tái bảo hiểm thông qua việc HMFI sẽ tham gia nhận các dịch vụ tái tạm thời có người được bảo hiểm là Hàn Quốc, hợp tác thiết kế các cơ sở vật chất tài sản – kỹ thuật để nâng cao năng lực bảo hiểm của VBI.
Không chỉ vậy, VBI mong muốn HMFI hỗ trợ tăng cường tiếp cận, khai thác các khách hàng FDI nói chung và khách hàng Hàn Quốc nói riêng; hỗ trợ hệ thống và quy trình công nghệ thông tin mới nhất nhằm đáp ứng xu hướng hiện nay; hỗ trợ công tác quản lý rủi ro định phí và rủi ro trục lợi; chia sẻ phương thức triển khai chi trả bồi thường các sản phẩm bảo hiểm Micro…
Hoạt động hội thảo chuyên đề giàu ý nghĩa
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị, các nhà lãnh đạo của VBI và HMFI đã tiến hành tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, phát triển những lợi thế cũng như nhìn nhận những khó khăn còn tồn tại và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Bốn chủ đề chính được đưa ra thảo luận trong hội thảo gồm có: chuyển đổi bán hàng qua kênh Telesale, kênh online trên nền tảng website hoặc SMS; hệ thống quản lý rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm; phát triển bền vững Bảo hiểm sức khoẻ cho khách hàng cá nhân thông qua kênh bancas; giải pháp xây dựng hệ thống kênh bán hàng online kết nối đa đối tác.
Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp và mỗi bên đều có được những chia sẻ sâu sắc, những bài học đắt giá đối với mỗi thị trường. Hyundai Marine & Fire Insurance – HMFI khẳng định với tinh thần học hỏi, sáng tạo không ngừng nghỉ, Bảo hiểm VietinBank – VBI chắc chắn sẽ phát triển, trở thành công ty bảo hiểm dẫn đầu tại thị trường Việt Nam trong tương lai không xa.
Bảo hiểm PJICO hợp tác với Tập đoàn TTC
(ĐTCK) – Tập đoàn TTC sẽ dành quyền ưu tiên cho Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) áp dụng các chính sách ưu đãi thực hiện dịch vụ Bảo hiểm cho các sản phẩm/dịch vụ do TTC phát triển, hợp tác đầu tư, phân phối độc quyền.
Đó là các sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành nghề tiêu biểu, bao gồm Nông nghiệp; Bất động sản nghỉ dưỡng; Bất động sản du lịch; Bất động sản công nghiệp; Du lịch; Nhóm sản phẩm đường cát, mật rỉ, cồn và dịch vụ logistics; Điện năng lượng mặt trời; Xây dựng – công nghiệp, dân dụng và hạ tầng…
Đây là những nội dung thỏa thuận hợp tác vừa được PJICO và Tập đoàn TTC ký hợp tác tại TP.HCM.
Cũng theo thỏa thuận trên, PJICO cam kết sẽ ưu tiên cho Tập đoàn TTC: Hợp tác, phát triển sản phẩm/dịch vụ mà PJICO có quyền sử dụng; Phân phối các sản phẩm/dịch vụ do PJICO phát triển, hợp tác đầu tư, phân phối độc quyền theo các hình thức phù hợp với quy định của Pháp luật.
Cụ thể, các sản phẩm bảo hiểm trong khuôn khổ hợp tác bao gồm nhưng không giới hạn: Bảo hiểm Xe cơ giới, Bảo hiểm Tài sản – Hỗn hợp, Bảo hiểm Kỹ thuật, Bảo hiểm Hàng hải, Bảo hiểm Con người…
Sự kiện ký kết giữa TTC và PJICO là dấu mốc khởi đầu để hai bên cùng song hành, mở rộng tệp khách hàng trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp gia tăng nguồn khách hàng tiềm năng và quảng cáo chéo thông qua hệ sinh thái của các bên.
Lễ ký kết cũng đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ đối tác giữa TTC và PJICO sau những hợp tác hiệu quả trước đây.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Tranh cãi đề xuất bỏ xử phạt bảo hiểm xe máy
(ĐTCK) – Đang có những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất bỏ xử phạt bảo hiểm xe máy.
Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất bỏ xử phạt bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe máy, xe mô tô – thường được gọi tắt là bảo hiểm xe máy. Trong đó, không ít độc giả là khách hàng đã tham gia bảo hiểm xe máy cho biết, quy định xử phạt nếu không mua loại bảo hiểm này cần được xem xét bãi bỏ vì không còn phù hợp.
Trước đó, cử tri TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải xem xét bỏ xử phạt nếu chủ xe máy, mô tô không mua bảo hiểm xe. Đề xuất này được nhiều người tham gia giao thông hưởng ứng khi cho rằng đây là đề xuất thiết thực, tiết kiệm chi phí cho người tham gia giao thông.
Lý do bãi bỏ được đưa ra là bởi trong nhiều trường hợp, loại hình bảo hiểm này không phát huy tác dụng khi xảy ra tai nạn hay va chạm trên đường, việc mua bảo hiểm chỉ là “cho có” nhằm đối phó với cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra (để không bị phạt tiền).
Anh Nguyễn Minh Trung (người dân ở phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ít người đi đòi tiền đền bù từ bảo hiểm khi tai nạn xảy ra do thủ tục rườm rà, bất tiện theo kiểu nhận “được vạ thì má sưng”. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng từng phản ánh thực tế này.
Theo quy định tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe máy, xe mô tô… nếu không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới Phạm Văn Dũng cho rằng, không nên bỏ phạt bởi thực tế xe máy là nguồn nguy hiểm cao, rất cần phải mua bảo hiểm bắt buộc và rất cần xử lý nghiêm nếu không mua.
“Thay vì bỏ phạt, cần yêu cầu các công ty bảo hiểm thực hiện đúng vai trò của mình là bồi thường đúng và đủ theo quy định, đồng thời nên chăng hạ phí bảo hiểm cần đóng xuống còn khoảng 28.000 đồng/năm nhưng vẫn giữ nguyên quyền lợi được hưởng”, ông Dũng nói.
Đề xuất giảm phí bảo hiểm xe cũng được nhiều khách hàng hưởng ứng. Chị Bùi Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) mong muốn giá bảo hiểm bắt buộc xe máy giảm xuống dưới 30.000 đồng/năm, thay vì 66.000 đồng/năm như hiện tại, như vậy dễ khiến người dân chấp nhận và tham gia hơn.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, cần tìm hiểu lý do bỏ phạt là vì thủ tục yêu cầu bồi thường phức tạp, hoặc thực tế ít trường hợp bồi thường, hay vì người dân chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn đằng sau tấm thẻ bảo hiểm, chứ không thể nói bỏ là bỏ ngay được.
“Nếu lý do là thủ tục yêu cầu bồi thường phức tạp thì phải điều chỉnh lại các quy định về hồ sơ, thủ tục để giảm thiểu các bước xác minh và tránh trục lợi bảo hiểm, từ đây các doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải tuân thủ. Nếu do người dân chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn của chính sách thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để phổ cập kiến thức bảo hiểm, giúp người dân mua bảo hiểm thông thái, tập trung truyền thông 2 nội dung chính là ý nghĩa của loại bảo hiểm này và quyền lợi, trách nhiệm khi mua bảo hiểm của khách hàng. Nếu do thực tế ít trường hợp bồi thường thì cần chia sẻ những trường hợp cụ thể bởi trên thực tế có nhiều ca đã được bồi thường và được cơ quan truyền thông đưa tin, giúp tăng lòng tin cho người dân”, đại diện Bảo hiểm – Sài Gòn (BSH) nói, đồng thời cho biết thêm, BSH đang đồng hành cùng VECOM tổ chức cuộc thi “Sinh viên kinh doanh số” với nội dung tìm hiểu về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, giúp thế hệ khách hàng Gen Z – công dân mới của đất nước – hiểu hơn ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm và chính sách của Nhà nước.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia bảo hiểm, nếu muốn bỏ phạt bảo hiểm xe máy hay chuyển hình thức bảo hiểm này từ bắt buộc sang tự nguyện thì phải hủy Nghị định 67/2023/NĐ-CP mới ban hành và sửa đổi các luật liên quan, khi một phần nghị định này căn cứ vào Điều 601 – Luật Dân sự: Xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ…
“Nếu vi phạm luật mà không phạt thì luật ra đời để làm gì? Thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy sau nhiều lần sửa đổi đến nay đã đơn giản nhiều, không có gì là phức tạp cả. Các công ty bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe. Cơ quan quản lý là Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cần truyền thông, phổ cập rộng rãi đến người dân về luật và quy định mới vừa ban hành. Phảo phổ cập thì người dân mới hiểu, mới bớt than thủ tục chi trả bảo hiểm còn phức tạp”, ông Nguyễn Khắc Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair nêu quan điểm, đồng thời cho biết thêm, ông mới thu xếp 1 ca nạn nhân bị tử vong do một chủ xe máy đâm vào và được Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ nhân đạo 45 triệu đồng. Đây là trường hợp chủ xe máy không có bảo hiểm, nếu có thì gia đình nạn nhân được đền bù 150 triệu đồng.
“Cần nhắc lại là quỹ này có được là do doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp thông qua việc bán bảo hiểm bắt buộc xe máy”, ông Xuân nhấn mạnh.
Cần tính lại phí bảo hiểm nhân thọ
(ĐTCK) – Theo giới chuyên môn, cần xem lại cách tính phí bảo hiểm nhân thọ cho người dân Việt Nam, sớm áp dụng bảng phí mới so với mức phí đang còn cao hiện tại để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Phí bảo hiểm nhân thọ đang còn cao
Theo một chuyên gia đào tạo ngành bảo hiểm của một trường đại học lớn, tại Việt Nam, bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm dùng để tính phí bảo hiểm áp dụng chung cho toàn thị trường hiện quá lạc hậu, trong khi tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
“Hệ lụy là người tham gia bảo hiểm phải chịu mức phí đóng cho tỷ lệ tử vong (phần bảo hiểm) quá cao khi mua bảo hiểm, bất kể là mua của công ty nào”, vị này nói và cho biết thêm, bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm được lập trên cơ sở số liệu thống kê của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Bảng này cho biết tình hình tử vong thực tế của những người được bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm nhân thọ, được sử dụng để tính phí bảo hiểm và dự phòng trong bảo hiểm nhân thọ.
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi – mức tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (tương đương 8,16 triệu người).
Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2012, tuổi thọ trung bình của dân Việt Nam là 71 tuổi và tăng lên 72 tuổi vào năm 2015.
Hơn 20 năm làm việc trong ngành bảo hiểm nhân thọ, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai cho biết, khi các công ty nước ngoài bước chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam cách đây hơn 20 năm, họ đã áp dụng bảng tỷ lệ tử vong của Mỹ năm 1980 để tính phí bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Năm 2012, bảng tỷ lệ tử vong của Việt Nam được WHO và WB làm không khác nhiều so với bảng tỷ lệ tử vong năm 1980 của Mỹ, nên các công ty bảo hiểm nhân thọ không cần cập nhật công thức tính phí.
Tuy nhiên, theo bà Mai, hiện tại, bảng định phí của các nước khác đang áp dụng mức phí dưới chuẩn (rẻ hơn chuẩn) để tính cho người được bảo hiểm có sức khỏe trên chuẩn (không hút thuốc lá), trong khi toàn bộ khách hàng là người tham gia bảo hiểm Việt Nam đang nhận phí chuẩn, đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm là phụ nữ, trẻ em, đàn ông không hút thuốc, uống rượu… đang chịu thiệt thòi bởi vẫn phải trả phí cho rủi ro không thuộc về mình.
“Tôi ngạc nhiên khi nhìn một bảng minh họa sản phẩm đầu tư liên kết chung của một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Mỹ bán cho một Việt kiều với mức phí dưới chuẩn (preferred premium). Từ đây, tôi hiểu tại sao Việt kiều Mỹ chê mua bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ”, bà Mai nói.
Cần tính lại phí bảo hiểm nhân thọ
Vị chuyên gia đào tạo trên cho hay, nếu tính theo bảng tỷ lệ tử vong hiện tại thì các công ty bảo hiểm nhân thọ đang có lợi, nhưng các công ty này có thời gian hoạt động tại Việt Nam còn ngắn nên chưa thể xây dựng được bảng tỷ lệ tử vong của mình (do quy định về mặt kỹ thuật), trong khi thị trường các nước có thể xây dựng được. Chính vì vậy, cần có bảng tỷ lệ tử vong dân số cập nhật và bảng tỷ lệ tử vong cho thị trường bảo hiểm.
Cùng góc nhìn, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai cho rằng, cần điều chỉnh phí bảo hiểm về đúng giá trị đối với các khách hàng có sức khỏe tốt (trên chuẩn hiện tại), bên cạnh kiểm soát tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm tỷ lệ chi trả thực trên chi trả ước tính.
Giám đốc định phí của một công ty bảo hiểm cũng thừa nhận, bảng tỷ lệ tử vong dùng để tính phí bảo hiểm áp dụng chung cho toàn thị trường hiện đã lỗi thời nên cần được cập nhật để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Theo giới chuyên môn, cần xem lại cách tính phí bảo hiểm cho người dân Việt và sớm áp dụng trên thực tiễn, bởi ngoài chịu phí cho những rủi ro không hề có, các khách hàng Việt Nam còn phải chịu phí cho những rủi ro cộng thêm trên “phí chuẩn oan” khi họ bị tăng phí vô tội vạ phụ thuộc vào trình độ của các thẩm định viên (underwriters) khác nhau trong những công ty bảo hiểm khác nhau. Thư tăng phí diễn tả sự tăng phí cũng không đồng nhất giữa các công ty bảo hiểm, trong khi khách hàng không hiểu, ngay cả đại lý của các công ty bảo hiểm cũng không hiểu lý do vì sao phí tăng. Khi khách hàng không hiểu thì họ dễ chán bảo hiểm, không mua bảo hiểm, nhất là trong bối cảnh còn có nhiều điều tiếng xung quanh hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện nay.
“Ngành bảo hiểm nhân thọ rất cần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam vì doanh thu phí bảo hiểm phục vụ cho đầu tư trong nước, không được mang ra khỏi biên giới. Các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở đều có sự đóng góp vốn đầu tư do các công ty bảo hiểm huy động vốn của hơn 10 triệu người dân Việt có hợp đồng bảo hiểm. Con số 90 triệu người dân Việt còn lại là một thị trường rất lớn để khai thác, huy động vốn đầu tư xây dựng đất nước”, bà Mai nhấn mạnh.
Được biết, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề xuất xây dựng bảng tỷ lệ tử vong mới cho thị trường. Giới chuyên gia cho rằng, Hiệp hội và Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần sớm hoàn thiện tài liệu này để áp dụng mức phí bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động điều chỉnh tăng quyền lợi để vừa giữ chân khách hàng cũ, vừa thu hút khách hàng mới cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm phi nhân thọ nỗ lực vượt khó để về đích
(TBTCO) – Báo cáo số liệu 9 tháng năm 2023 từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, kết quả kinh doanh tích cực hơn dù trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn và đã được các tổ chức uy tín nâng hạng tín nhiệm. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực số hóa, mở rộng thị trường…, kỳ vọng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Nỗ lực số hóa, mở rộng thị trường
Nhận định năm 2023 là một năm đầy khó khăn thách thức, với tâm thế sẵn sàng, Bảo hiểm PVI đã quyết tâm đổi mới từ định hướng cho tới chiến lược kinh doanh để thích ứng với thị trường và đã khẳng định những bước chuyển mình đúng đắn.
Báo cáo số liệu từ Bảo hiểm PVI cho thấy, kết thúc 9 tháng năm 2023, Bảo hiểm PVI đã xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu, với tổng doanh thu đạt 10.721 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch 9 tháng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 536,5 tỷ đồng, hoàn thành 128,6% kế hoạch 9 tháng, tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo số liệu từ Bảo hiểm Bảo Việt cho thấy, kết thúc 9 tháng, doanh nghiệp này đạt 8.575 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 2,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đẩy mạnh số hóa, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, công ty đang triển khai website mới phiên bản beta tại địa chỉ: https://beta.baovietonline.com.vn/. Tại phiên bản mới, website được cập nhật thêm tính năng so sánh các chương trình bảo hiểm, gợi ý sản phẩm phù hợp có thể mua cùng, công cụ tính phí bảo hiểm…, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chủ động tài chính để ra quyết định lựa chọn các giải pháp bảo vệ phù hợp.
Với mong muốn mang đến sự thuận tiện cho khách hàng, Bảo hiểm MIC cũng ra mắt tính năng khai báo bồi thường bảo hiểm sức khỏe MIC Care và Health Care doanh nghiệp trên App MIC. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng khai báo bồi thường viện phí online ngay trên App MIC mà không cần tốn kém thời gian đi lại và xử lý thủ tục giấy tờ phức tạp như hình thức khai báo bồi thường truyền thống.
Tính năng khai báo bồi thường trên App MIC có nhiều ưu điểm như: khách hàng chủ động khai báo thông tin mọi lúc, mọi nơi; dễ dàng chụp ảnh hồ sơ khám bệnh và có thể bổ sung hồ sơ ngay trên App MIC; theo dõi toàn bộ trạng thái xử lý hồ sơ trên App MIC…
Trước đó, Bảo hiểm PJICO và Tập đoàn FPT cũng khởi động Dự án tư vấn thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2028. Việc triển khai dự án được kỳ vọng sẽ tiếp tục chuyển đổi số trên nhiều mảng hoạt động, hướng tới xây dựng môi trường số, xây dựng văn hóa và nhân lực số. Dự án kỳ vọng nâng cao trải nghiệm tiện ích của các sản phẩm dịch vụ với tiêu chí luôn mang lại những giá trị cao nhất cho khách hàng tham gia bảo hiểm tại PJICO.
Bên cạnh việc đẩy mạnh số hóa, các doanh nghiệp cũng mở rộng mạng lưới, đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines. Theo đó, Pacific Airlines và BIC sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, giới thiệu và tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau trong việc tiếp cận với những khách hàng có nhu cầu về các dịch vụ, sản phẩm của hai bên. Sự hợp tác được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, đồng thời tạo ra trợ lực để hai bên cùng phát triển…, giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành mục tiêu năm 2023.
Ghi dấu ấn trên thị trường bảo hiểm
Với dấu ấn trong hoạt động kinh doanh, Bảo hiểm PVI trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất có vốn của doanh nghiệp Việt Nam, không hợp nhất báo cáo tài chính với các công ty quốc tế lớn mạnh được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best điều chỉnh xếp hạng năng lực tài chính và tín dụng dài hạn đối từ B++ (Tốt) lên A- (xuất sắc) và xếp hạng năng lực tín dụng dài hạn của tổ chức phát hành từ bbb+ (Tốt) lên a- (xuất sắc). Các xếp hạng này cho thấy năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI được AM Best đánh giá hiệu quả hoạt động tốt, hệ thống quản trị rủi ro (ERM) phù hợp.
Trước đó, BIC cũng được AM Best – tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới định hạng năng lực tài chính aaa.VN cao nhất tại Việt Nam. Cụ thể, AM Best tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính của BIC là B++ (tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành là bbb (tốt). Đặc biệt, năm 2023, AM Best bổ sung thêm định hạng tín nhiệm trong phạm vi quốc gia (National Scale Rating – NSR) áp dụng cho thị trường từng nước, được quy đổi từ kết quả định hạng theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, mức định hạng năm 2023 của BIC sau khi quy đổi sẽ được xếp hạng trong nước là aaa.VN, cao nhất tại Việt Nam. Triển vọng nâng hạng cho các chỉ tiêu là Ổn định.
Mới đây, ngày 5/10, Bảo hiểm BSH cũng được vinh danh giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2023” (Corporate Excellence Award) do Enterprise Asia – tổ chức phi chính phủ về kinh doanh tại khu vực châu Á – đánh giá và bình chọn. Đây là giải thưởng hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh tại châu Á nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích vượt trội, liên tục đổi mới, phát triển bền vững và có đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Trước đó, Bảo hiểm PJICO tiếp tục được vinh danh trong Lễ công bố Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2023 năm thứ 8 liên tiếp. Theo đó, top 10 đơn vị bảo hiểm uy tín là những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, có vị thế và đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của ngành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo hiểm Quân đội khánh thành công trình lớp học Mầm non Biên Cương tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
(MIC) – Ngày 3/11, đại điện Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Quân đội và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã khánh thành và trao tặng công trình phụ trợ cho điểm trường mầm non Biên Cương tại bản Huổi Luông – xã Mường Lèo – huyện Sốp Cộp – tỉnh Sơn La.
Xuất phát từ tinh thần tự nguyện, đặt lòng yêu thương và tình yêu của mình vào việc hỗ trợ cộng đồng, đem lại đóng góp ý nghĩa khi xây dựng các trường học cho các em nhỏ nơi vùng cao, tập thể CBNV thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã chung tay gây quỹ “Trường mới cho em” với mong muốn xây dựng một ngôi trường giúp các em nhỏ vùng cao có điều kiện học tập tốt hơn. Dự án mầm non Biên cương được MIC đầu tư 300 triệu đồng xây dựng công trình phòng học kiên cố cho 55 cháu, gồm 3 nhóm lớp (2 lớp mẫu giáo và 1 nhóm trẻ) đang theo học, 100% học sinh là con em dân tộc Mông).
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Ban lãnh đạo MIC, Chủ tịch Hội phụ nữ – Giám đốc khối Phát triển Nguồn nhân lực Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa khẳng định: Việc vun đắp, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp. Đối với MIC, với sứ mệnh Kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng tôi luôn đồng cảm, đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục. Là một thương hiệu Bảo hiểm phi nhân thọ với 70 đơn vị trên toàn quốc, hàng năm MIC đã tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Công trình Trường mầm non Biên Cương, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La trị giá 300 triệu đồng là một trong những công trình ưu tiên nằm trong kế hoạch tài trợ cho giáo dục của MIC trong năm 2023.
Công trình được khởi công tháng 9/2023 với sự phối hợp của các các chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Lèo (BĐBP tỉnh Sơn La), dự án xây dựng một số hạng mục cho điểm trường Mầm non Biên cương với sân chơi, nhà bếp nấu ăn, công trình vệ sinh đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Huyện Sốp Cộp là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn ở Sơn La, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, thế nhưng những đứa trẻ ở Sốp Cộp luôn được thầy cô giáo ở đây yêu thương, chỉ đường đi tìm ‘con chữ’. Với mục tiêu cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao đời sống sinh hoạt cho các em học sinh vùng cao và các thầy cô công tác an tâm hơn trong việc giảng dạy, giúp các em nhỏ an tâm tới trường.
- Tin quốc tế
Ấn Độ: Zurich mua 51% cổ phần trong công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Ngân hàng Kotak Mahindra
(INA) – Zurich đã công bố mua lại 51% cổ phần của Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Kotak – chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ của ngân hàng Kotak Mahindra Bank. Thỏa thuận này ước tính trị giá 488 triệu USD, hiện đang chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Zurich dự định mua thêm 19% cổ phần trong tương lai.
Giao dịch này dự kiến sẽ là khoản đầu tư bảo hiểm nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực bảo hiểm của Ấn Độ kể từ khi thay đổi quy định về quyền sở hữu vào năm 2021.
Ông Tulsi Naidu, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Zurich, cho biết: “Ấn Độ là một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới với tiềm năng to lớn và chúng tôi rất vui mừng được thực hiện cam kết quan trọng với một đối tác xuất sắc”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và mức độ thâm nhập bảo hiểm thấp, kết hợp với nhận thức ngày càng tăng và những thay đổi pháp lý thuận lợi, khiến Ấn Độ trở thành thị trường bảo hiểm có sức hấp dẫn cao và đang phát triển nhanh chóng.
Đến năm 2030, Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế toàn cầu lớn thứ ba thế giới.
Ấn Độ thành lập lực lượng đặc nhiệm về bancassurance
(INA) – Cơ quan quản lý và phát triển bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm trên kênh bancassurance. Mặc dù các ngân hàng có quyền lựa chọn thành lập các pháp nhân riêng biệt để phân phối bảo hiểm với tư cách là nhà môi giới bảo hiểm nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện lựa chọn này.
Điều khoản tham chiếu của lực lượng đặc nhiệm bao gồm:
– Đề xuất các quy định pháp lý liên quan đến yêu cầu ứng xử thị trường đối với các đối tác bancassurance, đặc biệt trong việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc bán sai hoặc ép bán trong mô hình phân phối này.
– Đánh giá hiệu quả của mô hình bancassurance hiện tại và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của mô hình này.
– Nghiên cứu các thông lệ quốc tế tốt nhất trong mô hình này và đề xuất mọi điều chỉnh cần thiết đối với các yêu cầu pháp lý trong nước.
– Giải quyết bất kỳ vấn đề thích hợp nào khác được chuyển đến lực lượng đặc nhiệm.
Cho dù có mạng lưới chi nhánh ngân hàng rộng khắp trên cả nước song sự đóng góp của các ngân hàng với tư cách là đại lý doanh nghiệp mới chiếm 5,93% phí bảo hiểm phi nhân thọ và 17,44% phí bảo hiểm khai thác mới bảo hiểm nhân thọ trong năm 2022-2023.
Để mở rộng sản phẩm bảo hiểm tới mọi ngóc ngách của đất nước và đạt đến “chặng cuối”, việc tận dụng mạng lưới chi nhánh ngân hàng rộng lớn là điều cần thiết.
Điều này đòi hỏi phải xem xét lại mô hình trung gian Bancassurance hiện tại và những sửa đổi tiềm năng đối với khung pháp lý với sự tập trung mạnh mẽ vào việc bảo vệ lợi ích của các bên mua bảo hiểm.
Do đó, nhóm đặc nhiệm đã bổ nhiệm ông J. Meena Kumari, Giám đốc điều hành khối Nhân thọ của IRDAI, làm Chủ tịch.
Lực lượng đặc nhiệm dự kiến sẽ gửi đề xuất của mình trong vòng hai tháng kể từ ngày thành lập.
HSBC Life bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao
(INA) – HSBC Life vừa công bố các quyết định bổ nhiệm quan trọng đối với đội ngũ lãnh đạo cấp cao của mình, tất cả đều sẽ có trụ sở tại Hồng Kông.
Cả ba vị trí mới bổ nhiệm này đều sẽ báo cáo lên ông Greg Hingston, Giám đốc điều hành của HSBC Global Insurance and Partnerships.
Trong đó, cô Winnie Ching giữ chức vụ Giám đốc Sản phẩm Toàn cầu bắt đầu từ ngày 6 tháng 11. Trước khi đảm nhận vai trò tại HSBC Life, cô Ching đã giữ nhiều vị trí quản lý khác nhau tại Swiss Re trong thập kỷ qua. Vị trí mới nhất của cô là Giám đốc Rủi ro khu vực Châu Á và Giám đốc Toàn cầu về quản lý rủi ro sức khỏe và nhân thọ.
Ông Raj Kumar được bổ nhiệm làm Giám đốc Khách hàng và Tiếp thị Toàn cầu, bắt đầu từ ngày 13 tháng 11. Ông Kumar giữ vị trí Giám đốc Tiếp thị tại Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Anh và EMEA và hiện là Ngân hàng Đổi mới HSBC.
Cô Alison Law sẽ đảm nhận vai trò Giám đốc Phân phối Toàn cầu, bắt đầu từ ngày 22 tháng 12. Law trở lại HSBC từ Ngân hàng Hang Seng, nơi cô là Giám đốc bộ phận ngân hàng tư nhân và dịch vụ ủy thác. Trước Ngân hàng Hang Seng, cô đã làm việc tại HSBC hơn 25 năm, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực bảo hiểm, chiến lược, phân phối và quản lý tài sản.
Công ty bảo hiểm cho biết những quyết định bổ nhiệm chiến lược này là công cụ thúc đẩy chiến lược tăng trưởng dài hạn của HSBC Life, củng cố hơn nữa vị thế của Tập đoàn HSBC với tư cách là nhà quản lý tài sản quốc tế nổi tiếng, đặc biệt tập trung vào thị trường châu Á.
Bảy quốc gia được hưởng lợi từ hành động phòng ngừa ban đầu và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai
(INA) – Sáng kiến Hành động phòng ngừa (AA) và Giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRR) đã hoàn thành Giai đoạn 1 tại bảy quốc gia dễ bị tổn thương bởi rủi ro.
Trong Giai đoạn 1, MapAction và Start Network đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương ở Nepal, Bangladesh, Philippines, Zimbabwe, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Senegal và Madagascar để xây dựng năng lực cũng như giải quyết các rào cản kỹ thuật và quy trình trong việc sử dụng GIM.
Sáng kiến này được tổ chức bởi Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF), một cơ chế hợp tác công tư do ngành bảo hiểm dẫn đầu và do Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác đồng chủ trì. Đây cũng là sự hợp tác với MapAction và Start Network.
Những điểm nổi bật chính của Sáng kiến hành động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Giai đoạn 1 bao gồm:
– Hoàn thành nhiệm vụ tại 7 quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
– Sự tham gia của 13 chuyên gia Quản lý thông tin không gian địa lý MapAction (GIM).
– Đào tạo hơn 150 lãnh đạo cộng đồng về GIM.
– Tiến độ của 7 dự án dữ liệu quan trọng.
Nỗ lực này đã giúp khám phá các cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến dữ liệu trong các dự án hành động phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các quốc gia này.
Một phần quan trọng trong công việc của Giai đoạn 1 liên quan đến việc cung cấp chương trình đào tạo về Hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho các chuyên gia AA và DRR. Chương trình này đã được đón nhận nồng nhiệt và tạo ra nhu cầu đào tạo tùy chỉnh hơn.
Nỗ lực này được hỗ trợ và tài trợ bởi bảy công ty thành viên của IDF: Aon, AXA, AXIS Capital, Milliman, Swiss Re Foundation, WTW và Zurich Insurance.
Trước mối đe dọa toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra và nhu cầu cấp thiết để thích ứng và giảm thiểu tác động của nó, đặc biệt đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương, sáng kiến này đã được đưa ra vào năm 2021.
Mục tiêu của chương trình là đẩy nhanh hành động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro ở bảy quốc gia thường xuyên xảy ra khủng hoảng, với mục đích giảm thiểu tác động của thảm họa đối với các cá nhân và cộng đồng. Giai đoạn 1 của chương trình AA và DRR đã cho thấy những kết quả tích cực, tạo tiền đề cho Giai đoạn 2 đầy tham vọng.
Sáng kiến này cũng phản ánh cam kết của IDF và Start Network đối với Đối tác hành động sớm thông báo rủi ro (REAP), mà họ là thành viên và được quản lý theo chương trình Giảm thiểu rủi ro thiên tai của IDF.
Khóa đào tạo về GIS trang bị cho các tổ chức phi chính phủ địa phương những thông tin cần thiết để cung cấp hỗ trợ nhân đạo hiệu quả sau thảm họa. Nó cho phép họ xác định nơi nào cần nhân viên tuyến đầu nhất và xác định những thách thức như đường bị hư hỏng và mất điện có thể ảnh hưởng đến công việc của họ.
MapAction, được hỗ trợ bởi các thành viên IDF, cộng tác với Start Network để đào tạo nhân viên nhân đạo về cách sử dụng công nghệ dữ liệu và không gian địa lý cho hành động dự đoán và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Dựa trên sự thành công của Giai đoạn 1, IDF, hợp tác với MapAction và Start Network, đang nỗ lực phát triển Giai đoạn 2 (2023-2025) để tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi khủng hoảng dài hạn và hành động phòng ngừa.
Người châu Á ưu tiên lập kế hoạch tài chính nhất khi bị bệnh
(INA) – Theo một khảo sát của Peak Reinsurance, ước tính có khoảng 18% người tiêu dùng ở châu Á ưu tiên lập kế hoạch tài chính khi bị bệnh, trong khi việc tiếp cận các chuyên gia hàng đầu cũng có mức độ ưu tiên tương tự.
Ông Franz-Josef Hahn, Giám đốc điều hành của Peak Re, cho biết: “Tôi hy vọng nghiên cứu này có thể cung cấp nguồn dữ liệu phong phú về các chủ đề mới nổi này và thúc đẩy cuộc đối thoại có chất lượng về các xu hướng và nhu cầu sắp tới ở châu Á mới nổi. Bằng cách chia sẻ ý tưởng, chúng ta có thể cùng nhau phục vụ phân khúc này tốt hơn và góp phần thu hẹp khoảng cách về bảo vệ”.
Peak Re, công ty tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Hồng Kông, đã công bố những phát hiện chính của Khảo sát người tiêu dùng trung lưu châu Á năm 2023, được thực hiện với sự cộng tác của Intuit Research.
Cuộc khảo sát tập trung vào thái độ và nhu cầu của người tiêu dùng liên quan đến sức khỏe, tinh thần và an ninh mạng. Những phát hiện chính bao gồm:
– Khi phải đối mặt với chẩn đoán bệnh nghiêm trọng, thông tin về bệnh của người tiêu dùng (13%) đứng thứ ba và nhận được ý kiến y tế thứ hai (12%) thứ tư.
– 43% người thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi ở châu Á được khảo sát cho biết đã gặp phải các triệu chứng về sức khỏe tâm thần trong hai năm qua.
– Khoảng một nửa số người được hỏi lưu ý rằng chương trình bảo hiểm của họ chi trả các chi phí liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Ông Clarence Wong, Chuyên gia kinh tế trưởng của Peak Re, cho biết: “Sức khỏe tinh thần và an ninh mạng là hai trong số những rủi ro chính mà người tiêu dùng trên toàn thế giới phải đối mặt, nhưng với tốc độ số hóa nhanh chóng và nhịp độ cuộc sống hàng ngày nhanh chóng, đây cũng là những vấn đề cấp bách cần được quan tâm chặt chẽ ở khu vực châu Á. Đã đến lúc ngành bảo hiểm phải xem xét cách chúng ta có thể giúp cung cấp sự hỗ trợ và bảo vệ xã hội tốt hơn bằng cách xây dựng khả năng phục hồi về sức khỏe tâm thần và an ninh mạng”.
65% người châu Á thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi đã gặp phải các vấn đề về an ninh mạng, chẳng hạn như bắt nạt trên mạng, hack, phần mềm độc hại, lừa đảo hoặc đánh cắp danh tính. Mối quan tâm hàng đầu của họ là tổn thất tài chính, bên cạnh những lo lắng về xếp hạng tín dụng cá nhân, sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày và tổn hại về mặt tinh thần.
Cuộc khảo sát cũng theo dõi những thay đổi về thái độ và hành vi trong năm qua. Nó tiết lộ rằng tầng lớp trung lưu mới nổi ở châu Á vẫn lạc quan, với 52% kỳ vọng khả năng di chuyển sẽ tăng lên vào năm 2023, so với 51% vào năm 2022.
Bất chấp hơn 50% số người được hỏi đã quay trở lại nơi làm việc sau đại dịch, mô hình làm việc kết hợp vẫn được ưa chuộng. Hơn nữa, những người được hỏi đang tham gia vào nhiều hoạt động trong nhà và ngoài trời hơn so với năm trước.
Lợi nhuận 9 tháng của Ping An đạt 12 tỷ USD
(INA) – Trong chín tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Ping An Trung Quốc đã đạt mức lợi nhuận hoạt động là 15,4 tỷ USD (112,5 tỷ RMB) và lợi nhuận ròng là 12,0 tỷ USD (87,6 tỷ RMB). ROE hoạt động hàng năm ở mức 6,7%.
Khách hàng bán lẻ đạt gần 230 triệu, tỷ lệ hợp đồng là 2,99. Giá trị khai thác mới về Nhân thọ & Sức khỏe (NBV) tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, tiêu dùng hộ gia đình được cải thiện nhưng thị trường toàn cầu vẫn không ổn định. Ping An tập trung vào các dịch vụ tài chính cốt lõi, tăng cường bảo vệ bảo hiểm cho nền kinh tế thực và tiếp tục phương pháp tiếp cận “tích hợp tài chính + chăm sóc sức khỏe”, nhấn mạnh vào nhu cầu của khách hàng, khả năng kỹ thuật số và phát triển chất lượng cao.
Ping An Life chứng kiến năng suất tăng 94,4%, trong khi các kênh đổi mới đóng góp tới 15,8% NBV. Công ty cũng cải thiện các sản phẩm bảo hiểm bằng cách tận dụng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của mình.
Chiến lược tài chính tích hợp của Ping An đã thúc đẩy phát triển khách hàng bán lẻ, dẫn đến tăng trưởng khách hàng là 1,5% và số hợp đồng trên mỗi khách hàng ở mức 2,99.
Ping An P&C duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và lợi nhuận ròng của Ping An Bank tăng 8,1%. Hoạt động kinh doanh quản lý tài sản của công ty phải đối mặt với những thách thức do sự biến động của thị trường.
Hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của Ping An đóng một vai trò quan trọng, với gần 64% khách hàng bán lẻ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Công ty đã mở rộng cơ sở khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ cũng như tích hợp các nguồn lực chăm sóc sức khỏe cao cấp, chẳng hạn như PKU Healthcare Group.
Công ty bảo hiểm cũng cho biết AI đóng một vai trò quan trọng trong dịch vụ khách hàng và quản lý rủi ro, giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh tài chính cốt lõi của công ty.
($1,00 = RMB7,32)
Ấn Độ: Bán hết trái phiếu kỳ hạn 50 năm theo đăng ký của các công ty bảo hiểm
(INA) – Reuters dẫn lời các nhà giao dịch cho biết, các công ty bảo hiểm Ấn Độ đã mua phần lớn trong cuộc đấu giá trái phiếu siêu dài hạn lần đầu tiên của chính phủ. Trong đó, một công ty bảo hiểm lớn của nhà nước đã đăng ký mua khoảng một nửa số trái phiếu phát hành.
Vào ngày 3 tháng 11 năm 2023, chính phủ đã bán 100 tỷ INR (1,2 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 50 năm, kỳ hạn dài nhất, với lãi suất 7,46%.
Một quan chức ngân khố cấp cao nói với Reuters: “Có khả năng một công ty bảo hiểm lớn của nhà nước đã mua một nửa số trái phiếu. Điều này thậm chí không có gì đáng ngạc nhiên và nhìn vào mức giới hạn và sổ đặt mua tổng thể, đây có vẻ là một lập luận hợp lý”.
Dữ liệu của RBI cho thấy trái phiếu kỳ hạn 50 năm đã chứng kiến các giá thầu trị giá 402 tỷ INR, với tỷ lệ chào mua trên 4 lần, so với tỷ lệ chỉ khoảng 2,5 lần đối với trái phiếu kỳ hạn 5 và 10 năm có tính thanh khoản cao.
Các nhà giao dịch kỳ vọng hai phiên đấu giá trái phiếu còn lại cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt và tờ báo sẽ trở thành một phần của các cuộc đấu giá thường xuyên trong những năm tới, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng từ các công ty bảo hiểm.
Trước đó, chính phủ chỉ bán trái phiếu kỳ hạn 30 và 40 năm. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí cần thời hạn dài hơn để thực hiện một số cam kết dài hạn của họ.
Khoản lỗ ròng của Prudential Financial tăng lên 802 triệu USD trong Quý 3
(LII) – Prudential Financial đã báo cáo khoản lỗ ròng 802 triệu USD trong Quý 3 năm 2023 so với khoản lỗ ròng 92 triệu USD một năm trước.
Trong quý kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, khoản lỗ ròng thuộc về Prudential Financial trên mỗi cổ phiếu phổ thông ở mức 2,23 USD, so với 0,26 USD năm ngoái.
Thu nhập hoạt động được điều chỉnh sau thuế đạt tổng cộng 1,26 tỷ USD hoặc 3,44 USD trên mỗi cổ phiếu phổ thông so với 896 triệu USD hoặc 2,37 USD trên mỗi cổ phiếu phổ thông trong quý trước.
Công ty bảo hiểm nhân thọ có trụ sở tại Hoa Kỳ này có bốn mảng hoạt động, bao gồm PGIM, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp quốc tế.
PGIM, bộ phận quản lý đầu tư toàn cầu của công ty, công bố thu nhập hoạt động đã điều chỉnh là 211 triệu USD, giảm so với mức 219 triệu USD trong quý 3 năm 2022.
Ngược lại, thu nhập hoạt động trước thuế được điều chỉnh của các doanh nghiệp Mỹ đã tăng 76,9% lên 1,08 tỷ USD từ mức 615 triệu USD một năm trước đó.
Các doanh nghiệp quốc tế, bao gồm Gibraltar Life & Other và Life Planner, đã báo cáo thu nhập hoạt động đã điều chỉnh là 811 triệu USD, tăng từ mức 748 triệu USD một năm trước.
Bộ phận Doanh nghiệp & Khác đã báo cáo khoản lỗ, trên cơ sở thu nhập hoạt động đã điều chỉnh, là 504 triệu USD so với khoản lỗ 415 triệu USD vào năm ngoái.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Prudential Financial Charles Lowrey cho biết: “Kết quả quý 3 của chúng tôi phản ánh động lực tiếp tục diễn ra trong các hoạt động kinh doanh của chúng tôi, bao gồm lợi ích từ doanh số bán hàng mạnh mẽ và quý thứ năm liên tiếp có mức tăng trưởng thu nhập cơ bản”.
Đồng thời, Prudential Financial đang lên kế hoạch cắt giảm 243 vị trí lãnh đạo cấp cao nhằm tiết kiệm chi phí, Bloomberg đưa tin.
Động thái này chủ yếu sẽ tác động đến các cấp phó chủ tịch và phó chủ tịch cấp cao khác nhau.
Công ty dự định giảm khoảng 1/3 số lượng cấp quản lý hiện có, báo cáo trích dẫn một bản ghi nhớ được Prudential chia sẻ với nhân viên của mình.
“Sự phức tạp không cần thiết sẽ làm chúng tôi chậm lại và tăng thêm chi phí vận hành. Do đó, chúng tôi đã bắt tay vào nỗ lực toàn diện nhằm đơn giản hóa cơ cấu tổ chức của mình, bắt đầu bằng việc giảm đáng kể số lượng lãnh đạo cấp cao”, ông Lowrey cho biết.
BTV (Tổng hợp).