Bảo Minh hợp tác với Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul; Số hóa để thu hẹp khoảng cách bảo vệ; Lloyd’s bổ nhiệm mới thành viên Hội đồng
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy dãy kiốt ở Hà Đông, Hà Nội: tiệm sửa xe máy bị đổ sập
(LĐO) – Vụ hỏa hoạn xảy ra tại dãy nhà trên khu đất dịch vụ 3, Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) rồi lan ra 2 nhà liền kề, khiến 1 cửa hàng sửa xe máy bị đổ sập.
Tối 4/12, thông tin từ Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, vào hồi 18h29 cùng ngày, đơn vị nhận được tin báo cháy tại số 19 khu đất dịch vụ 3, Văn Phú, phường Phú La.
Nhận được tin báo, Công an quận Hà Đông đã điều 2 xe chữa cháy, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực 4 điều 2 xe chữa cháy cùng các cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa.
Theo cơ quan chức năng, tiếp cận hiện trường, phát hiện ngọn lửa đang cháy tại nhà số 19, số 17, bắt đầu lan sang nhà số 21 và số 15; đám cháy đã làm sập cấu kiện của nhà số 19 (sửa xe máy).
Đến khoảng 20h30, đám cháy cơ bản được khống chế, lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp tục phun nước làm mát, đề phòng lửa bùng phát trở lại.
Xem thêm:
Đám cháy không gây thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản đang được thống kê.
Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được điều tra, làm rõ.
Cháy cửa hàng kinh doanh đồ gỗ ở phố Minh Khai, Hà Nội
(LĐO) – Đám cháy xảy ra tại khu vực tầng 3 ngôi nhà có diện tích hơn 30m2 mặt sàn, vừa làm nhà ở vừa kinh doanh đồ gỗ.
Khoảng 7h sáng 1/12, người dân lưu thông trên tuyến phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng phát hiện một đám cháy bùng lên dữ dội trên nóc một ngôi nhà 3 tầng nằm sát mặt phố.
Nhận được tin báo, Công an phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng phối hợp lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tiến hành sơ tán người dân và tổ chức cứu hoả.
Do đám cháy xuất phát từ tầng cao nhất của ngôi nhà và đang lan sang nhà liền kề, đã gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy cơ sở.
Ngay sau đó, Công an quận Hai Bà Trưng cùng sự chi viện của Công an quận Hoàn Kiếm và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an TP Hà Nội đã điều 7 xe chuyên dụng, xe thang có mặt kịp thời tiếp cận, phối hợp xử lý hoả hoạn.
Đến khoảng 7h50 cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn và không có thiệt hại về người.
Thông tin ban đầu, đám cháy xảy ra tại khu vực tầng 3 ngôi nhà, nằm ở đầu ngõ 146 phố Minh Khai có diện tích hơn 30m2 mặt sàn, vừa làm nhà ở vừa kinh doanh đồ gỗ.
Đám cháy lan nhanh lên khu vực tầng thượng chủ yếu là mái tôn, phá vỡ các kết cấu tạm của một số nhà liền kề.
Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
- Một vòng doanh nghiệp
Prudential Việt Nam cùng MSB “Trao yêu thương – Vững sức vươn tầm”
(TBTCO) – Prudential Việt Nam vừa phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai hai chương trình khuyến mại lớn nằm trong chiến dịch “Trao yêu thương – Vững sức vươn tầm”. Thông qua đó, Prudential và Ngân hàng MSB mong muốn cùng khách hàng kết nối, trao gửi những thương yêu để tiếp thêm sức mạnh cho mỗi bước chân trên hành trình bảo vệ sức khỏe và xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.
Prudential và MSB hiểu rằng, cuộc sống là một hành trình đầy ý nghĩa và trên hành trình ấy luôn có những cột mốc mà mỗi chúng ta mong muốn đạt đến để kiếm tìm những giá trị tốt đẹp dành cho bản thân, gia đình và những người thương yêu. Và những bước chân trên con đường nỗ lực vươn tầm ấy sẽ càng thêm vững chắc khi được tiếp thêm sức mạnh bằng yêu thương và cả sự an tâm. Chính vì vậy, nhân mùa yêu thương của những ngày cuối năm, Prudential cùng MSB mong muốn giúp các khách hàng của mình kết nối và trao gửi những thương yêu, để mỗi cột mốc trên hành trình vươn tầm đều “vững sức” và đầy ắp “yêu thương” bằng chiến dịch “Trao yêu thương – Vững sức vươn tầm”.
Xem thêm:
Theo đó, với tất cả các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do Prudential phát hành thông ngân hàng đối tác của Prudential là MSB từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 31/12/2022, các khách hàng sẽ nhận được voucher mua vàng PNJ trị giá từ 2 triệu đồng cho đến 35 triệu đồng, tùy thuộc vào phí bảo hiểm thực thu tại kỳ đóng phí đầu tiên tương ứng của một hợp đồng hợp lệ. Tổng giá trị giải thưởng dự kiến lên đến 1.170.000.000 đồng.
Với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do Prudential phát hành thông ngân hàng đối tác của Prudential là MSB từ ngày 9/12/2022 đến hết ngày 28/02/2023, khách hàng sẽ có cơ hội nhận được một xe Honda SH 125i với trị giá gần 80.000.000 đồng bằng hình thức quay số trúng thưởng. Tổng số lượng giải thưởng bao gồm 10 xe Honda SH 125i – 10 cơ hội cho 10 khách hàng may mắn nhất.
Các sản phẩm được áp dụng chương trình quay số trúng thưởng bao gồm: PRU-Đầu Tư Linh Hoạt, PRU-An Tâm Trọn Đời, PRU-Cuộc Sống Bình An và PRU-Tương Lai Tươi Sáng.
Cuối năm là thời điểm thích hợp để mỗi người dành thời gian quan tâm tới những người thân yêu và thiết lập kế hoạch bảo vệ tài chính, sức khỏe để tiếp tục vững bước trên hành trình vươn tới những cột mốc tiếp theo. “Trao yêu thương – Vững sức vươn tầm” chính là một món quà mà Prudential và MSB mong muốn gửi trao cho các khách hàng của mình, từ đó giúp họ có cơ hội kết nối, trao gửi những yêu thương cho những người xung quanh và được tiếp theo sức mạnh để “vươn tầm” ra biển lớn.
Săn sale tới 40% mừng VBI sinh nhật tuổi 14
(TBTCO) – Tưng bừng mừng sinh nhật, Bảo hiểm VietinBank – VBI mang đến chương trình ưu đãi “Săn sale VBI 14 tuổi” nhằm tri ân khách hàng đã tin tưởng đồng hành cùng VBI trong suốt nhiều năm qua.
Cụ thể, từ nay đến ngày 31/12/2022, khách hàng nhận được vô vàn “deal hời” khi tham gia bảo hiểm VBI qua website chính thức của VBI hoặc app MyVBI.
Các chương trình ưu đãi bao gồm: Giảm 6% bảo hiểm sức khỏe VBICare; giảm 40% bảo hiểm du lịch quốc tế VBIEnjoy; giảm 40% bảo hiểm du lịch nội địa VBIEnjoy với khách đoàn từ 10 người trở lên; nhận voucher du lịch 1 triệu đồng tại Suntour Việt Nam khi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô và bảo hiểm sức khoẻ VBI(*).
Khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán tiện lợi qua thẻ ATM/internet banking/thẻ quốc tế, ví điện tử hoặc trả góp 0% lãi suất khi thanh toán qua Payoo (với hóa đơn tối thiểu từ 2 – 3 triệu đồng áp dụng từng ngân hàng).
App MyVBI – ứng dụng bảo hiểm số tích hợp các công nghệ hiện đại bậc nhất trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, giúp khách hàng thực hiện yêu cầu chi trả bồi thường chỉ với 2 bước: (1) Tải app; (2) Lựa chọn mục “Yêu cầu bồi thường” và cung cấp đầy đủ thông tin. Trong vòng 30 phút, VBI sẽ đánh giá hồ sơ và thông báo kết quả tới khách hàng qua SMS/Email.
Đặc biệt, trong hành trình đơn giản hóa tối đa trải nghiệm yêu cầu bồi thường, gần đây VBI đã cho ra mắt trang web Khai báo và giám định tổn thất xe cơ giới. Với website này, VBI là công ty bảo hiểm đầu tiên tự phát triển và áp dụng công nghệ livestream trực tuyến xuyên suốt trong quá trình khách hàng khai báo tổn thất xe. Công nghệ livestream giúp ghi nhận thời gian thực tế khách hàng thực hiện thao tác trên trang web và cho phép quay lại video thay thế, đồng thời chụp các hình ảnh tổn thất xe trong quá trình quay video.
Bảo Minh đạt thỏa thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul
(IAV) – Ngày 6/12 vừa qua, tại Văn phòng Trụ Sở Chính của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI).
Tham dự buổi lễ có ông Phạm Minh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Bảo Minh, cùng đại diện các phòng ban chức năng Bảo Minh. Về phía SGI có ông Hwang Eui Tak, Phó Tổng Giám đốc, cùng đội ngũ lãnh đạo và cán bộ nhân viên của SGI cùng tham dự.
Với lịch sử thành lập lên đến hơn 28 năm và sẽ cán đích doanh thu trong năm 2022 vượt mức 6.000 tỷ đồng, Bảo Minh đã đạt được thỏa thuận hợp tác với công ty SGI trong lĩnh vực Bảo hiểm bảo lãnh & Tái bảo hiểm.
Được biết, SGI được thành lập từ năm 1969, là đơn vị duy nhất và lớn nhất tại Hàn Quốc chuyên cung cấp đa dạng các dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh tổng hợp. Đồng thời cũng là đơn vị có thị phần đứng đầu về bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng tại Hàn Quốc, được S&P xếp hạng tín nhiệm mức A+, Fitch Rating đánh giá ở mức AA-.
Bản thỏa thuận hợp tác là cơ sở để hai bên cùng xây dựng kế hoạch hợp tác chi tiết nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, lợi thế của hai bên để đạt được các mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho sự phát triển của mảng bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam – một lĩnh vực còn khá mới mẻ và chưa phát huy hết được lợi thế của nó đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Tại buổi lễ, lãnh đạo hai đơn vị bày tỏ niềm vui mừng và tin tưởng sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác sẽ mở ra cơ hội cho sự phát triển của hai bên và các Bên cũng bày tỏ mong muốn sẽ được hợp tác và hỗ trợ lâu dài.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Bảo hiểm bắt buộc với xe máy: Trái chiều bỏ và giữ
(ĐTCK) – Năm 2022, đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy lại dấy lên, hình thành rõ nét hơn 2 luồng ý kiến trái chiều: Bỏ và giữ.
Nên chuyển sang hình thức mua tự nguyện
Tháng 11/2022, góp ý cho dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mà Bộ Tài chính xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất loại bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy do sản phẩm này không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi có tỷ lệ chi trả rất thấp.
Thực tế cho thấy, sau nhiều năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy tính đến năm 2019 vẫn ở mức rất thấp, chưa đến 6% (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm), trong khi tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là 2%.
Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy không phải mới. Tháng 7/2022, đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện đã được cử tri một số tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu… gửi tới Chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi người dân.
Trước đó, năm 2020, trong kiến nghị gửi lên Bộ Giao thông – Vận tải về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cử tri TP. Hà Nội đề xuất bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Bộ này có văn bản trả lời rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói chung, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy nói riêng là loại bảo hiểm bắt buộc và đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nên muốn sửa đổi, bổ sung cần có lộ trình và phải được Quốc hội thông qua.
Nhiều ý kiến từ phía người dân và chuyên gia bảo hiểm đồng tình với đề xuất trên của VCCI, theo đó, người dân nào thấy cần thiết thì họ sẽ tự nguyện mua. Khi bảo hiểm là tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm nào thực sự mang lại lợi ích cho người mua sẽ tồn tại, còn những doanh nghiệp bảo hiểm yếu kém, chỉ chực chờ thu tiền phí mà không nỗ lực chăm sóc khách hàng, cùng lo giúp khách hàng chi trả sẽ bị đào thải, như thế mới đúng quy luật cung – cầu.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, không chỉ nên bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, mà cần tiến tới bỏ cả bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô và chuyển hết sang hình thức mua tự nguyện, ai tham gia mới có quyền lợi, như vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ đền bù cho khách hàng.
Theo kinh nghiệm quốc tế thì nên giữ
Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm giữ quan điểm nên duy trì bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Dẫn chiếu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy, thậm chí có những nước áp dụng cả với xe đạp điện. Quy định này được áp dụng ở cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe), hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe).
Hơn nữa, để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore… quy định, việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Hiện nay, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất, giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy.
Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, không nên bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, mà nên hướng tới tăng phí, tăng chất lượng phục vụ, giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn hơn.
Là người từng hỗ trợ hàng trăm ca đòi bảo hiểm xe máy bắt buộc nói riêng, xe cơ giới nói chung, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair đặt vấn đề, nếu bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy thì ai sẽ đền bù cho nạn nhân các vụ tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra?
Về mức chi trả bảo hiểm còn thấp, theo ông Vũ Xuân Thưởng, Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), là do cơ chế chính sách cũ được áp dụng trước tháng 3/2021 quá chặt chẽ. Hy vọng, khi người dân hiểu hơn về chính sách mới, biết đòi bồi thường, công ty bảo hiểm tích cực hỗ trợ khách hàng, chi trả bảo hiểm nhanh gọn… thì số ca được chi trả bảo hiểm sẽ gia tăng.
Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ thẩm định dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bộ Tài chính cho biết, nếu Bộ Tư pháp thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ sẽ bỏ quy định này ra khỏi dự thảo.
Từ góc nhìn độc lập, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Điều 8, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về các loại hình bảo hiểm bắt buộc, trong đó có nêu bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhưng không nói rõ xe máy hay ô tô. Điều luật này giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.
Do đó, nghị định dưới luật được phép quy định chi tiết các nội dung liên quan, bao gồm cả phạm vi áp dụng, nghĩa là có thể lựa chọn áp dụng bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô, mà không áp dụng với xe máy.
Trong khi chưa có sự thống nhất cao về việc bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy, nhiều quan điểm cho rằng, trước mắt cần tăng chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm, tăng cường truyền thông, sau này có thể tính tới giảm phí, nhưng quan trọng vẫn là giúp khách hàng nhận tiền bảo hiểm nhanh gọn để dần xóa bỏ định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi”.
- Nhịp đập thị trường
Số hóa để thu hẹp khoảng cách bảo vệ
(ĐTCK) – Không ít công ty bảo hiểm nhân thọ đã hoàn tất lộ trình “không giấy” trong một số khâu giao dịch với khách hàng.
Gia nhập thị trường có phần muộn hơn so với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác, song công nghệ số đã giúp Generali tạo lợi thế cạnh tranh và nhanh chóng bứt phá sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, 100% công tác phục vụ khách hàng của Generali có thể được thực hiện “không giấy”. Việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm, theo dõi tình trạng hợp đồng, đóng phí, cập nhật thông tin, hoán đổi quỹ đầu tư, mua sản phẩm mới… đều có thể thực hiện trên hệ sinh thái kỹ thuật số GenVita. Công tác huấn luyện, đào tạo, quản lý, hỗ trợ đại lý của Công ty cũng được số hóa thành công.
Ngoài ra, Generali tiên phong gỡ bỏ quy định nộp chứng từ gốc trong giải quyết quyền lợi bảo hiểm, thay thế việc gặp mặt trực tiếp khách hàng khi giao kết hợp đồng bảo hiểm bằng việc gặp gỡ trực tuyến (remote selling), thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử… Các trải nghiệm này tiếp tục được Generali tập trung nâng cấp nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, sự thuận tiện và an toàn cho khách hàng, đội ngũ.
Trong năm 2022, Generali đã ra mắt thành công bộ hợp đồng bảo hiểm tích hợp giữa hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử. Công ty đang nỗ lực nâng cấp hệ sinh thái kỹ thuật số chăm sóc sức khỏe và chuẩn bị ra mắt GenVita phiên bản mới cùng nhiều trải nghiệm trực tuyến mới.
FWD cũng đã trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ loại bỏ hoàn toàn giấy tờ và tiền mặt trong giao dịch, phát hành 100% hợp đồng bảo hiểm điện tử và số hóa mọi quy trình. Tại Việt Nam, FWD được đánh giá là công ty bảo hiểm có thế mạnh về phân tích dữ liệu và ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, voicebot, dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Công ty hiểu được nhu cầu của khách hàng cũng như cách thức và thời điểm khách hàng muốn tương tác, qua đó mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Mới đây, FWD ra mắt Trợ lý công nghệ Fi được phát triển trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, có khả năng tương tác hai chiều và giải đáp khách hàng với các thông tin liên quan đến bảo hiểm FWD. Trợ lý công nghệ Fi hoạt động 24/7 và có thể hỗ trợ khách hàng đồng thời qua điện thoại (voicebot) và qua tin nhắn (chatbot).
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong và luôn cam kết tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm cũng như chuyển đổi kỹ thuật số để đơn giản hóa trải nghiệm của khách hàng, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm, Manulife cũng hướng đến cung cấp một hệ sinh thái toàn diện thông qua ứng dụng chăm sóc sức khoẻ ManulifeMOVE.
Theo đó, khách hàng không chỉ được tặng thưởng khi thực hiện các hoạt động cải thiện sức khoẻ trên ứng dụng này, mà còn có thể truy cập vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện như dịch vụ bác sĩ trực tuyến, dịch vụ khám bệnh trực tuyến và nhà thuốc trực tuyến…
Từ năm 2022, ManulifeMOVE còn tích hợp thêm tính năng quản lý, truy cập thông tin hợp đồng bảo hiểm. Khi đăng nhập vào ManulifeMOVE, khách hàng có thể theo dõi hợp đồng bảo hiểm một cách tiện lợi và tiếp cận nhanh chóng với các giải pháp kỹ thuật số như eClaims, thanh toán trực tuyến, ManuConnect. Bên cạnh đó, khách hàng có thể truy cập thẻ bảo lãnh viện phí và định vị cơ sở y tế liên kết với Manulife gần nhất bằng GPS.
Số liệu mới được Swiss Re chia sẻ về niềm tin mua bảo hiểm của người Việt Nam cho thấy, 52% số người được khảo sát cho rằng, không cần phải mua bảo hiểm, không cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các sản phẩm bảo hiểm; 40% đôi khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bảo hiểm; chỉ có 8% không tự tin vào sức khỏe và luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các giải pháp của bảo hiểm.
Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ người dân tin vào các giải pháp bảo hiểm còn rất thấp. Chính vì thế, dù nỗ lực đưa ra các giải pháp để rút ngắn khoảng cách, bù đắp các khoản thiếu hụt bảo vệ từ bảo hiểm, nhưng các công ty bảo hiểm vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Mặt khác, để tồn tại và phát triển, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải có chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số kết hợp với lộ trình thực hiện hợp lý và xoay quanh khách hàng.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo Minh và Đại học Tài chính – Marketing ký hợp tác toàn diện và ra mắt quỹ học bổng Bảo Minh “Chắp cánh Ước mơ”
(BMI) – Chiều ngày 10/12/2022, Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) đã cùng phối hợp tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện và ra mắt Quỹ học bổng Bảo Minh – “Chắp cánh ước mơ”.
Buổi lễ có sự hiện diện của Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các sở ban ngành TP.HCM; ông Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, PGS.TS Hồ Thuỷ Tiên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng trường, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, hiệu trưởng nhà trường, toàn thể cán bộ chủ chốt của 02 bên, cùng đông đảo các bạn sinh viên của Trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo 2 đơn vị trong công tác thiết lập các chương trình, hành động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chia sẻ và học tập lẫn nhau trong các lĩnh vực thuộc khối ngành kinh tế. Bộ trưởng cũng đề nghị, sau lễ ký kết 2 bên đẩy nhanh các nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác, để từ đó đẩy mạnh việc khai thác, tận dụng nguồn lực giữa các bên, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người học, người đi làm, triển khai thực hiện các công trình, đề tài nghiên cứu về các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của đất nước.
Trong nội dung kí kết, Bảo Minh cùng UFM sẽ ra mắt và giới thiệu Quỹ học bổng Bảo Minh “Chắp cánh ước mơ” – với số tiền tài trợ năm đầu tiên là 2 tỷ đồng, với mong muốn được đồng hành, chia sẻ, động viên, khen thưởng kịp thời các bạn sinh viên của Trường Đại học Tài chính – Marketing có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, có thể tự tin bước đi trong chuyến hành trình chinh phục ước mơ, hoài bão của mình, trở thành những người có ích cho đất nước, cho xã hội.Ngoài ra,hai bên cam kết hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của hai bên, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn theo nhu cầu doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế; Kết nối thực hiện các đề tài, dự án, tư vấn, chuyển giao khoa học và công nghệ; Hợp tác về lĩnh vực truyền thông, phát triển thương hiệu.
Tại buổi lễ, Nhà trường cũng đã xét chọn dựa vào các tiêu chí mà Quỹ đặt ra, trao tặng tới 10 bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập xuất sắc, mỗi suất học bổng trị giá 20 triệu đồng.
- Tin quốc tế
Úc: Lạm phát ảnh hưởng đến bảo hiểm xây dựng và kỹ thuật
(AIR) – Chi phí vật liệu và hàng hóa gia tăng sẽ ảnh hưởng đến thị trường xây dựng và kỹ thuật, nhưng tỷ lệ phí bảo hiểm sẽ tiếp tục giảm. Đây là nhận định trong một blog nằm trong loạt bài “Bảo hiểm năm tới 2023” của công ty luật Clyde & Co được đăng trên trang web của công ty luật toàn cầu.
Bà Sarah Metcalfe và James Rigney, cố vấn đặc biệt của Clyde & Co, cho biết gia tăng chi phí, phần lớn là do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các chuyên gia xây dựng và kỹ thuật ở Úc.
Lạm phát giá nguyên liệu thô như gỗ và thép, bắt đầu trong giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến Nga-Ukraine. Và môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu, đặc biệt là lãi suất tăng cao, cùng với tình trạng thiếu lao động, cũng sẽ khiến các chuyên gia xây dựng và kỹ thuật cảm thấy bị siết chặt.
Trong bối cảnh đó, tỷ lệ phí đối với bảo hiểm bồi thường trách nhiệm nghề nghiệp đã giảm nhẹ sau một thời gian thị trường thu hẹp lại. Việc giảm công suất và kết quả là tăng tỷ lệ phí, kéo theo một loạt tổn thất lớn, đáng chú ý là vụ cháy chung cư Lacrosse ở Melbourne năm 2014 và thảm kịch Grenfell Tower năm 2016 ở London năm 2016. Cả hai sự kiện đó đều liên quan đến tấm ốp dễ cháy trên nhà cao tầng các tòa nhà dân cư, và các vụ kiện pháp lý sau đó và sự can thiệp của cơ quan quản lý đã ảnh hưởng đến nhu cầu của các công ty bảo hiểm đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm bồi thường nghề nghiệp. Nhưng gần đây, công suất đã quay trở lại thị trường với tác động làm giảm giá phí trung bình cho nhiều nghiệp vụ.
Tuy nhiên, các giai đoạn suy thoái kinh tế thường chứng kiến sự gia tăng các yêu cầu bồi thường nghề nghiệp và các công ty bảo hiểm cũng có thể thấy yêu cầu bồi thường tăng lên đáng kể khi các điều kiện kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng.
Pakistan: Cơ quan quản lý đưa ra báo cáo khái niệm về RBC cho các công ty bảo hiểm
(AIR) – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Pakistan (SECP) đã ban hành một báo cáo khái niệm (concept paper) về chế độ Vốn dựa trên Rủi ro (RBC), phác thảo các kế hoạch chuyển từ chế độ dựa trên khả năng thanh toán hiện tại sang chế độ RBC cho lĩnh vực bảo hiểm của Pakistan.
SECP cho biết trong một tuyên bố rằng khuôn khổ được đề xuất phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất, nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro doanh nghiệp và thực hành công bố thông tin công khai của các công ty bảo hiểm.
Chế độ được đề xuất nhằm mục đích làm cho các yêu cầu về vốn nhạy cảm hơn với mức độ rủi ro mà các công ty bảo hiểm cá nhân đang gánh chịu. Nó sẽ bao gồm:
(a) Trụ cột 1 – Yêu cầu về vốn tối thiểu;
(b) Trụ cột 2 – Rà soát giám sát; và
(c) Trụ cột 3 – Kỷ luật thị trường.
Ngược lại, các yêu cầu hiện tại của Pháp lệnh Bảo hiểm 2000 và Quy tắc Bảo hiểm 2017 quy định khung an toàn vốn dựa trên quy tắc cho các công ty bảo hiểm ở Pakistan.
Báo cáo khái niệm dựa trên các khuyến nghị của Nhóm công tác kỹ thuật (TWG) do SECP thành lập với sự tham vấn của Hiệp hội chuyên gia định phí Pakistan.
Báo cáo này cân nhắc và đề xuất mô hình khái niệm cho chế độ RBC bao gồm các lĩnh vực rộng lớn sau:
(a) Công thức RBC và tiêu chí mục tiêu;
(b) Phân bậc vốn bao gồm vốn khả dụng (cả chính và bổ sung);
(c) Những rủi ro cuối cùng sẽ được coi là một phần của Chế độ RBC;
(d) Phương pháp tính vốn và định lượng các rủi ro đã xác định; và
(e) Phương pháp định giá tài sản và nợ phải trả.
Cơ quan quản lý bảo hiểm Singapore và Trung Quốc tăng cường hợp tác
(IBM) – Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) và Ủy ban quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã tăng cường hợp tác giám sát và mối quan hệ tại hội nghị bàn tròn song phương lần thứ 12 giữa hai cơ quan quản lý, được tổ chức vào ngày 2 tháng 12 vừa qua.
Cuộc họp do Phó Giám đốc điều hành MAS (giám sát tài chính) Ho Hern Shin và Phó Chủ tịch CBIRC Zhou Liang đồng chủ trì, đã thảo luận về những phát triển quy định và giám sát gần đây trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Theo MAS, cả hai cơ quan quản lý cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực kịp thời, chẳng hạn như tài chính xanh và công nghệ giám sát.
“MAS và CBIRC đã tổ chức hội nghị bàn tròn thường xuyên này từ năm 2006,” ông Ho nói. “Hội nghị bàn tròn tiếp tục là một nền tảng quan trọng để cả hai bên tìm hiểu về những phát triển quan trọng trên thị trường tài chính của nhau và trao đổi thông tin để tạo điều kiện giám sát hợp nhất các thực thể có liên quan.”
Lloyd’s bổ nhiệm mới thành viên Hội đồng
(IBM) – Lloyd’s mới đây thông báo cho biết, họ đã chào đón ông Richard Dudley vào Hội đồng của Lloyd’s với tư cách là thành viên mới nhất.
Dudley kế nhiệm Dominic Christian, người sẽ từ chức thành viên hội đồng vào ngày 31 tháng 1 năm 2023, sau chín năm phục vụ. Quyết định bổ nhiệm ông Dudley sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2023.
Vậy Richard Dudley là ai?
Dudley là Giám đốc toàn cầu về chiến lược khí hậu tại Aon. Ông đã làm việc tại thị trường của Lloyd’s gần 30 năm và hiện đang trong Ủy ban cố vấn chuyển đổi và công nghệ của Lloyd’s. Dudley cũng là thành viên Ủy ban hành động điều hành trong Lực lượng Đặc nhiệm Bảo hiểm của Sáng kiến Thị trường Bền vững. Trước đây, ông là Giám đốc điều hành Trung tâm Môi giới Toàn cầu của Aon và Giám đốc điều hành của Bộ phận Chuyên môn của Vương quốc Anh và Ireland của Tái bảo hiểm Aon.
Ông Bruce Carnegie-Brown, Chủ tịch Lloyd’s, cho biết, ông “rất vui mừng” chào đón Dudley với tư cách là thành viên hội đồng mới.
Chủ tịch Bruce cho biết: “Việc bầu chọn Richard là minh chứng cho sự đóng góp phi thường mà anh ấy đã thực hiện để thúc đẩy các mục tiêu của ngành bảo hiểm.
“Trong bối cảnh chúng tôi đang tiếp tục xây dựng một Lloyd’s bền vững và toàn diện, Richard sẽ đóng vai trò quan trọng để giúp chúng tôi thực hiện mục đích của mình.”
Ông nói thêm: “Tôi vô cùng biết ơn tất cả những nỗ lực của Dom trong chín năm qua. Anh ấy rời Hội đồng sau khi đã đạt được những tiến bộ rõ ràng, đặc biệt là về sự chuyển đổi văn hóa của thị trường Lloyd’s và sự lãnh đạo về khí hậu của chúng tôi thông qua Lực lượng Đặc nhiệm Bảo hiểm Sáng kiến Thị trường Bền vững.”
Về phần mình, ông Dudley nói: “Thật vinh dự khi được tham gia Hội đồng của Lloyd’s. Đối với thị trường của chúng tôi, các cơ hội phát triển và tiếp tục chứng tỏ giá trị xã hội tập thể càng rõ ràng và quan trọng hơn bao giờ hết”.
Dudley cũng nói rằng ông quyết tâm với tư cách là một thành viên hội đồng để “giúp hỗ trợ Lloyd’s xây dựng công việc của mình để trở thành công ty bảo hiểm cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng và giúp thúc đẩy quá trình hiện đại hóa thị trường thành công”.
WTW bổ nhiệm 3 thành viên HĐQT mới
(IBM) – WTW đã nhất trí lựa chọn 3 thành viên hội đồng quản trị mới – đây là một phần của quy trình lập kế hoạch kế nhiệm trong nhiều năm.
Theo đó, ba thành viên mới gồm Stephen Chipman, Jackie Hunt và Fredric Tomczyk sẽ chính thức tham gia hội đồng quản trị WTW từ ngày 1 tháng 4 năm sau.
Ông Chipman là giám đốc điều hành của Grant Thornton Hoa Kỳ và Radius. Ông Hunt đã từng có kinh nghiệm làm việc ở những công ty như Aviva, Hibernian Group, PwC, RSA, Standard Life, Prudential Plc và Allianz. Ông Tomczyk trước đây từng là Phó chủ tịch hoạt động tại Ngân hàng Toronto-Dominion và là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc TD Ameritrade.
Ở chiều ngược lại, các thành viên HĐQT hiện tại là Brendan O’Neill và Linda Rabbitt đã thông báo rằng họ sẽ không tái tranh cử tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2023 do các cam kết khác và để thực hiện kế hoạch kế nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Paul Thomas nói: “Thay mặt hội đồng quản trị, tôi xin chào mừng ba thành viên mới, đồng thời cảm ơn Brendan và Linda, hai thành viên sắp mãn nhiệm vì những cống hiến hết mình của họ trong nhiều năm cho WTW”.
“Chúng tôi rất vui mừng khi đã xác định được những ứng cử viên tiềm năng như Stephen, Jackie và Fred. Mỗi người trong số họ đều có kinh nghiệm đáng kể trong việc lãnh đạo các công ty dịch vụ tài chính và chuyên nghiệp năng động cũng như kiến thức chuyên môn sâu rộng về tài chính và hoạt động”.
Trong số các thành viên hội đồng quản trị WTW có cựu Tổng Giám đốc của Lloyd, bà Dame Inga Beale, người đã gia nhập từ tháng 1 năm 2022.
WTW bổ nhiệm Giám đốc giải pháp tài chính toàn cầu
(IBM) – WTW đã thông báo bổ nhiệm ông Evan Freely (ảnh) làm Giám đốc giải pháp tài chính toàn cầu. Ông Freely sẽ làm việc tại trụ sở New York và báo cáo lên ông Alastair Swift – Giám đốc kinh doanh, rủi ro và môi giới toàn cầu tại WTW.
Trong vai trò mới của mình, ông Freely sẽ chịu trách nhiệm về nhóm tài chính toàn cầu của công ty gồm 130 chuyên gia về rủi ro chính trị và tín dụng ở 24 quốc gia. Nhóm bao gồm tín dụng thương mại, ngân hàng và thị trường vốn, quản lý đầu tư, công nghệ tài chính và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Freely có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm rủi ro chính trị và tín dụng toàn cầu. Trước khi gia nhập WTW, ông từng là Chủ tịch và Giám đốc Châu Mỹ tại BPL Global. Trước đây ông từng là lãnh đạo thực hành toàn cầu cho các chuyên ngành tín dụng tại Marsh.
Ông Swift cho biết: “Trong môi trường kinh tế không chắc chắn ngày nay, khách hàng ngày càng tìm kiếm các giải pháp tài chính cho nhu cầu rủi ro chính trị và tín dụng của họ, và lĩnh vực này là một lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ.
“Nền tảng sâu rộng của Evan về các giải pháp tài chính, cùng với đề xuất giá trị của WTW về hiểu biết sâu sắc về dữ liệu, phân tích và dịch vụ khách hàng đặc biệt, sẽ cho phép WTW xây dựng dựa trên sức mạnh và chiều sâu của các giải pháp tài chính toàn cầu mà chúng tôi cung cấp trên toàn cầu. Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Evan đến với ngôi nhà WTW.”
Về phần mình, ông Freely nói: “Tôi rất vui khi được trao cơ hội lãnh đạo nhóm giải pháp tài chính của WTW, đây là nhóm đã có uy tín trên thị trường.
“Tôi mong muốn được làm việc với các đồng nghiệp WTW trong quá trình tiếp tục đầu tư vào con người và công nghệ để cung cấp dịch vụ cao nhất trong ngành cho khách hàng.”
Ông Freely là nhân sự bổ sung mới nhất cho WTW. Vào thứ Sáu, công ty đã công bố bổ nhiệm ba thành viên hội đồng quản trị mới, những người sẽ đảm nhận vai trò mới của họ vào tháng Tư.
Doanh thu của các công ty bảo hiểm Singapore được hưởng lợi từ phân phối kỹ thuật số
(IBM) – Một nghiên cứu mới đây tiết lộ rằng các công ty bảo hiểm hàng đầu ở Singapore dự kiến sẽ mang lại doanh thu cao hơn trong những năm tới nhờ phân phối kỹ thuật số và tăng cường các tùy chỉnh cho khách hàng.
Theo một báo cáo của công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, việc tăng cường áp dụng phân phối và tùy chỉnh kỹ thuật số sẽ cho phép các công ty bảo hiểm tăng cường các dịch vụ của họ khi các hạn chế do COVID-19 nới lỏng và hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi.
Báo cáo đã liệt kê năm công ty bảo hiểm lớn nhất tại Singapore – Great Eastern, Manulife, Prudential, AIA và Income. Ngành bảo hiểm bị chi phối bởi 5 công ty này, chiếm 75,8% thị phần GWP vào năm 2021, trong khi 10 công ty hàng đầu chiếm 89,2%. Thị phần của 5 công ty bảo hiểm hàng đầu và 10 công ty bảo hiểm hàng đầu tăng lần lượt 3,2 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm vào năm 2021 so với năm 2020.
Thị phần của Great Eastern đã tăng lên trong ba năm qua, từ mức 19% vào năm 2019, 23,3% vào năm 2020 và 25,7% vào năm 2021.
Ông Manogna Vangari, nhà phân tích bảo hiểm tại GlobalData cho biết: “Việc mở rộng quy mô công nghệ nhanh chóng và tăng cường áp dụng kỹ thuật số hóa đã cho phép các công ty bảo hiểm tạo ra các cơ hội mới và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
“Để xây dựng một doanh nghiệp bền vững, các công ty bảo hiểm Singapore đã tăng cường các kênh phân phối của mình bằng cách thêm các công cụ kỹ thuật số vào các kênh cốt lõi của họ như đại lý, tư vấn tài chính và bancassurance.”
Báo cáo cũng nêu bật các mối quan hệ đối tác khác nhau của các công ty bảo hiểm, giúp họ cung cấp dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm hơn và thúc đẩy tăng trưởng.
Vào tháng 4, Manulife và Ngân hàng DBS đã hợp tác để tung ra các sản phẩm bảo vệ chi phí thấp, có thể tùy chỉnh, chẳng hạn như ProtectFirst, dành cho giới trẻ Singapore. Prudential đã công bố quan hệ đối tác với Smarter Health và Privé Technologies vào tháng 11 năm 2021 để mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự giàu có trên ứng dụng di động Pulse.
Manogna cho biết: “Các công ty bảo hiểm Singapore dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng có lãi trong những năm tới, được thúc đẩy bởi sự chuyển hướng sang các sáng kiến kỹ thuật số và tùy chỉnh cho khách hàng”.
Nhật Bản: Lật lại vụ sa thải nhân viên vì bán bảo hiểm sai quy định
(IBM) – Một tòa án Nhật Bản đã đảo ngược quyết định sa thải một nhân viên bưu điện vì bị cáo buộc liên quan đến việc bán các sản phẩm Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản không phù hợp.
Vào năm 2019, Japan Post Holdings đã bị sa thải vì tính phí bảo hiểm gấp đôi cho khách hàng và các vi phạm bán hàng khác, dẫn đến một cuộc điều tra kéo dài và một số quan chức cấp cao của công ty trước đây thuộc sở hữu của chính phủ phải từ chức.
Sau vụ bê bối bán hàng không phù hợp, hơn 3.000 nhân viên của Japan Post Holdings đã nhận các hình phạt như đình chỉ công tác và 28 người bị sa thải, Jiji Press đưa tin.
Tuy nhiên, Tòa án quận Sapporo đã đứng về phía nguyên đơn và phán quyết rằng việc sa thải anh ta là bất hợp pháp. Vào thứ Năm, tòa án cũng đã yêu cầu Japan Post trả số tiền lương chưa thanh toán cho nguyên đơn, người ở độ tuổi 40. Japan Post đã đệ đơn kháng cáo phán quyết vào cùng ngày.
Phán quyết nói rằng nguyên đơn trước đây là phụ trách bán hàng tại một bưu điện ở Hokkaido và anh ta đã bị sa thải vào tháng 9 năm 2020 vì “đã ký tổng cộng 19 hợp đồng mới cho các sản phẩm bảo hiểm mà không kiểm tra ý định của khách hàng”.
Báo cáo cho biết phán quyết này là phán quyết đầu tiên trong tổng số sáu vụ kiện liên quan được đệ trình lên ba tòa án quận. Các trường hợp cũng đã được đệ trình tại Mito ở tỉnh Ibaraki và Kanazawa ở tỉnh Ishikawa.
BTV (Tổng hợp).