TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 44

Vietnam Post thoái vốn tại PTI; Munich Re tổn thất 2,7 tỷ USD quý III do thiên tai; VBI bầu Chủ tịch HĐQT mới

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 44

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

VBI An Giang chi trả 50 triệu đồng bảo hiểm người vay vốn

(VBI) – Ngày 22/11/2021, VBI An Giang đã phối hợp cùng Ngân hàng VietinBank An Giang – PGD Phú Hòa tổ chức chi trả 50 triệu đồng quyền lợi Bảo hiểm Người vay vốn cho gia đình khách hàng Trần Văn Qui.

Vào ngày 20/07/2020, ông Qui tới Ngân hàng VietinBank An Giang – PGD Phú Hòa để vay vốn kinh doanh. Tại đây, ông Qui đã được các cán bộ tư vấn tham gia gói Bảo hiểm Người vay vốn với mức phí bảo hiểm chỉ hơn 1 triệu đồng.

Trong quá trình tham gia bảo hiểm, ông Qui đã không may mắc căn bệnh ung thư. Dù gia đình tích cực chữa trị nhưng ông Qui đã không qua khỏi. Ngay sau khi nhận được thông tin từ gia đình, VBI VBI An Giang đã nhanh chóng phối hợp cùng Ngân hàng VietinBank An Giang – PGD Phú Hòa tổ chức thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình ông thu thập hồ sơ hoàn thiện hồ sơ để nhận chi trả bảo hiểm sớm nhất.

Bà Võ Thị Kim Nga – Vợ khách hàng Trần Văn Qui bày tỏ: “Số tiền chi trả bảo hiểm 50 triệu đồng đã giúp gia đình chúng tôi trả được phần nào món nợ cho ngân hàng. Tôi xin được cảm ơn tất cả các cán bộ đã đồng hành, tận tình hướng dẫn chúng tôi hoàn thiện các thủ tục chi trả quyền lợi bảo hiểm. Gia đình tôi xin trân trọng cảm ơn.”

Qua trường hợp này, mỗi chúng ta có thể thấy được giá trị nhân văn của Bảo hiểm cũng như tầm quan trọng của sản phẩm Bảo hiểm Người vay vốn trong hoạt động tín dụng. VBI hy vọng rằng, khoản chi trả bảo hiểm sẽ hỗ trợ gia đình khách hàng vơi bớt phần nào gánh nặng về tài chính khi mất đi người thân yêu trong gia đình.

Gói sản phẩm người vay vốn được áp dụng với tất cả cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vay vốn tại các ngân hàng liên kết với VBI. Khi tham gia bảo hiểm người vay vốn tại VBI, khách hàng sẽ được cán bộ ngân hàng tư vấn chặt chẽ các thủ tục, quyền lợi cũng như các ưu đãi. Đặc biệt, với công nghệ mới được tích hợp trong ứng dụng MyVBI, khách hàng sẽ được trải nghiệm những tiện ích thông minh giúp tiết kiệm 50% thời gian so với phương thức truyền thống. Ứng dụng cho phép khách hàng tham gia bảo hiểm dễ dàng chỉ sau một chạm, giải quyết hồ sơ nhanh chóng và rút ngắn thời gian bồi thường chỉ còn 30 phút.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Vietnam Post thoái vốn tại PTI

(PTI) – Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc tổ chức bán đấu giá cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sở hữu. Theo đó, Vietnam Post sẽ bán đấu giá toàn bộ 18.225.648 cổ phần, tương đương 22,67% vốn điều lệ của PTI. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 17/12/2021.

Việc chuyển nhượng vốn của Vietnam Post tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nhằm thực hiện phương án cơ cấu lại khoản vốn góp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 316/TB-VPCP ngày 06/9/2019, văn bản số 4476/VPVP-DMDN ngày 4/6/2020 và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 3415/BTTTT-QLDN ngày 17/8/2020.

Việc thoái vốn khỏi PTI không có bất cứ sự ảnh hưởng nào đến khách hàng hiện tại đang sử dụng các dịch vụ bảo hiểm do PTI cung cấp qua mạng lưới Bưu điện. Sau khi thoái vốn, Vietnam Post sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với PTI với vai trò là đối tác chiến lược triển khai các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ trên mạng lưới bưu điện nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai bên.

Vietnam Post chính thức hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm PTI trên mạng lưới Bưu điện từ tháng 3/2008. Trong quá trình triển khai dịch vụ, hai bên luôn phối hợp chặt chẽ, không ngừng cải tiến dịch vụ từ thủ công sang ứng dụng CNTT vào khai thác và quản lý trên hệ thống phần mềm. Hiện nay mạng lưới Bưu điện đã cung cấp đa dạng các sản phẩm bảo hiểm PTI thuộc tất cả các nhóm Bảo hiểm xe cơ giới, Bảo hiểm con người, Bảo hiểm Tài sản – Kỹ thuật, Bảo hiểm hàng hóa…

Với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Vietnam Post đã nỗ lực tập trung phân phối những sản phẩm đơn giản, thiết thực với mức giá hợp lý đến mọi tâng lớp nhân dân, đặc biệt là  khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua gần 13.000 bưu cục, điểm phục vụ, Bưu điện – Văn hóa xã trên toàn quốc, qua đó, bảo vệ người dân không may gặp rủi ro trong cuộc sống.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh số bảo hiểm PTI trên kênh Bưu điện đã có mức tăng trưởng đột phá, năm 2020 doanh số phí bảo hiểm PTI thông qua hệ thống Bưu điện đã vượt mốc trên 1.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Vietnam Post và PTI sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa các quy trình cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Việc triển khai các công cụ bán hang ứng dụng công nghệ đã mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ hiện đại, thuận tiện.

AIA Việt Nam nhận 2 giải thưởng lớn về công nghệ

(ĐTCK) – AIA Việt Nam nhận giải thưởng kép tại Asian Technology Excellence Awards 2021, nhờ 2 dự án ấn tượng và nỗ lực cải tiến chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

AIA Việt Nam vừa vinh dự nhận giải thưởng từ Asian Technology Excellence Awards 2021 (Công nghệ Xuất sắc Châu Á). Đây là giải thưởng uy tín nhất khu vực ghi nhận những doanh nghiệp chủ động đón đầu làn sóng công nghệ và nắm bắt xu hướng số hóa trong các lĩnh vực. Giải thưởng do Tạp chí Kinh doanh Châu Á bình chọn, dựa trên các dự án và sáng kiến đổi mới công nghệ tiêu biểu nhất.

Không chỉ lọt vào top 20 công ty được tôn vinh năm nay, AIA Việt Nam còn giành chiến thắng với 2 dự án. Dự án EDEN chiến thắng hạng mục “Cloud – Life Insurance” (Bảo hiểm Nhân thọ – Đám mây) và dự án Remote Sales Platform (Nền tảng Bán hàng Từ xa) ở hạng mục “Online Services – Life Insurance” (Bảo hiểm Nhân thọ – Dịch vụ trực tuyến). AIA Việt Nam cũng là công ty bảo hiểm duy nhất trong nước nhận về giải thưởng này.

Hiện AIA đang bước tiếp vào quá trình chuyển đổi, tập trung vào chuyển đổi số hóa TDA (Technology, Digital, Analytics). Công ty sẽ vận dụng công nghệ, kỹ thuật số và công cụ phân tích làm đòn bẩy giúp nâng cao trải nghiệm và mang đến cho khách hàng những sản phẩm ưu việt trên nền tảng kỹ thuật số.

PTI ký kết hợp tác toàn diện với SeABank

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa ký kết hợp tác toàn diện nhằm phân phối đa dạng các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng.

Theo đó, các sản phẩm được phân phối qua SeABank bao gồm: Bảo hiểm xe ô tô; Bảo hiểm xe máy; Bảo hiểm nhà tư nhân; Bảo hiểm tai nạn hộ gia đình…

Việc PTI trở thành đối tác chính cung cấp bảo hiểm cho SeABank sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm khác biệt và đáng tin cậy. PTI đánh giá cao lịch sử phát triển lâu đời và mạng lưới rộng khắp của SeABank trên toàn quốc.

Với lợi thế công nghệ hiện đại của mình, PTI hy vọng việc hợp tác giữa đôi bên không chỉ mang tới cho khách hàng những sản phẩm bảo hiểm đa dạng một cách nhanh chóng và thuận tiện mà còn giúp khách hàng có những phút giây trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Hiện tại, PTI đang là một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất thị trường với hơn 100 sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao.

PTI đang là doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong trên thị trường về ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại trong quy trình cấp đơn, quản lý và xử lý bồi thường, đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Được biết, chiến lược phát triển của SeABank trong tương lai là trở thành ngân hàng bán lẻ tiêu biểu tại Việt Nam trong đó tập trung đặc biệt vào khách hàng cá nhân, đồng thời phát triển mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn. Các sản phẩm, dịch vụ của SeABank được thiết kế đa dạng phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của từng đối tượng và phân khúc khách hàng.

VBI bầu Chủ tịch HĐQT mới

(VBI) – Chiều 26/11/2021, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại Trụ sở chính VBI.

Tham dự Đại hội có các đại biểu đến từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam: Ông Trần Văn Tần – Ủy viên HĐQT NHCT Việt Nam, Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng Giám đốc NHCT Việt Nam, Bà Phan Diệu Tiên – Trưởng phòng Thị trường Vốn NHCT Việt Nam, Ông Phạm Trọng Nghĩa – Phó phòng Thị trường Vốn NHCT Việt Nam; các cổ đông sáng lập đại diện vốn của VietinBank; Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cùng các cổ đông khác.

Tại Đại hội, VBI trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với bà Nguyễn Hồng Vân để đảm nhận công việc khác tại Ngân hàng Nhà nước đồng thời bầu cử bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017- 2022.

Nhận được sự tín nhiệm của đa số thành viên HĐQT, ông Nguyễn Huy Quang đã chính thức trở thành tân Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch Nguyễn Huy Quang đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo Ngân hàng Công Thương, các thành viên Hội đồng quản trị cũng như các cổ đông của VBI khi đã tin tưởng và trao cho ông trọng trách lớn lao này. Đồng thời ông cho biết sẽ cống hiến hết sức mình để đưa VBI chinh phục những tầm cao mới, mang lại lợi ích tối đa cho các cổ đông và toàn thể CBNV VBI.

Ông Nguyễn Huy Quang sinh năm 1979 là cử nhân Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, là Thạc sỹ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng Đại học Monash (Úc).

Ông Quang từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại Ngân hàng VietinBank từ năm 2004 đến nay, như: Phó giám đốc Khối Quản lý Rủi ro kiêm Trưởng phòng Quản lý Rủi ro Tín dụng, Đầu tư Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Cũng tại Đại hội, VBI đã trình cổ đông sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty: Sửa đổi các điều khoản liên quan đến người đại diện theo pháp luật, sửa đổi từ Tổng giám đốc là Người đại diện theo pháp luật thành Chủ tịch HĐQT là Người đại diện theo pháp luật, phù hợp với quy định tại Điều 12, Điều 24, Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020.

Kết quả kinh doanh tính đến hết quý III/2021, VBI ghi nhận doanh thu gốc và tái đạt 1.711 tỷ đồng, tăng 11.48% so với cùng kỳ; Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 159,8 tỷ đồng và lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 127,86 tỷ đồng, đều tăng trưởng 52,82% so với cùng kỳ.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm chật vật bán bảo hiểm thân vỏ xe

(ĐTCK) – Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang chật vật với bài toán kinh doanh bảo hiểm thân vỏ xe ô tô, mảng nghiệp vụ đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu doanh thu các năm trước.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 10 được cải thiện, với mức tăng 120% so với tháng 9, tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm 10,4%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA đạt 218.734 xe các loại, tăng 3% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, để đạt được doanh số bán xe mới tương đương với năm 2020 là khó khả thi. Năm 2020, việc Chính phủ triển khai chính sách giảm thuế trước bạ 50% với các dòng xe ô tô lắp ráp trong nước từ cuối tháng 6 đến hết năm 2020 đã tạo đột biến về doanh số bán xe, với con số 400.000 xe được tiêu thụ trong cả năm, đặc biệt tập trung vào hai tháng cuối năm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gia tăng doanh số mảng bảo hiểm thân vỏ xe.

Năm nay, ngay cả khi đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô được chấp thuận và triển vào đầu tháng 12 tới, theo phụ trách mảng bảo hiểm xe của một công ty bảo hiểm lớn, “cũng khó lòng cứu được đà giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài suốt quý III”.

Thị trường bảo hiểm xe cơ giới cả năm 2021 khó giữ được nhịp tăng trưởng như nhiều năm trước là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong ngành.

Bảo hiểm xe cơ giới vốn là nghiệp vụ đóng góp tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu của khối phi nhân thọ và có đà tăng trưởng rất tốt hàng năm. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2020, phân khúc bảo hiểm này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 6,26% và đóng góp 30,53% trong cơ cấu doanh thu của khối phi nhân thọ; thậm chí, năm 2019 tăng trưởng tới 12,51%, chiếm 30,56% trong cơ cấu doanh thu của khối.

Trở lại với tình hình kinh doanh nghiệp vụ này của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay, thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, mức tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm… âm tới 7,9%.

Cũng theo số liệu của IAV, doanh thu phí của bảo hiểm xe cơ giới trong 8 tháng đầu năm đạt 10.279 tỷ đồng, giảm 7,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện (bao gồm bảo hiểm thân vỏ xe) giảm hơn 5% so với cùng kỳ; doanh số bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới giảm tới 14,86% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm liên tiếp trong những tháng gần đây khiến tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới chỉ còn 27,6%/tổng doanh thu, lui xuống sau nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.

Từ các doanh nghiệp kỳ cựu như Bảo Việt, PVI, PTI, PJICO…, hay những nhân tố mới như MIC, BSH cũng không tránh khỏi những khó khăn trong thuyết phục khách hàng mua mới cũng như tái tục hợp đồng bảo hiểm xe ô tô. Thời gian qua, một số công ty bảo hiểm như PJICO, BIC, Bảo Việt, BSH… đã triển khai chính sách giảm phí, tăng thời gian bảo hiểm cho khách hàng nhằm cứu vãn tình thế.

Tuy vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu thách thức từ hiện tượng thực tế là nhiều chủ xe có xu hướng bỏ mua bảo hiểm thân vỏ xe từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Thay vào đó, họ dùng số tiền mua bảo hiểm để lập quỹ sửa xe.

Trên một diễn đàn mạng xã hội mới đây, chủ đề “không mua bảo hiểm xe, thay vào đó là lập quỹ tự sửa xe” được bàn luận rất rôm rả.

Anh Nguyễn Tuấn Trường (Hà Nội) kể, đầu tháng 4/2020, anh hết hạn hợp đồng bảo hiểm thân vỏ xe ô tô cũng đúng thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước để phòng chống dịch. Lúc đó, anh tự nhủ xe ô tô cá nhân của mình cũng ít đi hơn trước nên rủi ro va quệt trên đường cũng bớt đi nên không mua bảo hiểm từ đó đến nay.

“Gần 2 năm nay, tôi không hề mua bảo hiểm thân vỏ xe sau hơn 10 năm miệt mài mua. Hơn 60 triệu đồng phí bảo hiểm lẽ ra phải đóng tôi mang đi gửi ngân hàng, tổng gốc và lãi đến nay là gần 70 triệu đồng. Từ đó đến nay, tôi chỉ mất gần 10 triệu đồng sửa xe sau vài lần va quệt nhẹ. Nếu Covid vẫn chưa dứt hẳn, tôi vẫn không mua bảo hiểm”, anh Trường bộc bạch.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Sun Life Việt Nam triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 300 triệu đồng dành cho lao động giúp việc tại TP. Hồ Chí Minh

(TBTCO) – Sun Life Việt Nam vừa phối hợp với tổ chức CARE International tại Việt Nam (CARE) triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 300 triệu đồng dành cho 265 lao động nữ giúp việc gia đình tại TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19.

Theo đó, gói hỗ trợ sẽ được thực hiện dưới hình thức trao tặng phiếu mua hàng tại một số siêu thị, bách hóa trên địa bàn thành phố cho 265 nữ giúp việc, mỗi phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, CARE và Sun Life Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức đào tạo kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho người lao động, qua đó giúp họ nâng cao sức khỏe tài chính cá nhân và an toàn tài chính cho gia đình.

Gói hỗ trợ được xây dựng dựa trên đánh giá nhanh của CARE về ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ tư tại Việt Nam tới lao động phổ thông, đặc biệt là phụ nữ. Mất thu nhập và biến động công việc do giãn cách kéo dài khiến nhiều lao động gặp khó khăn trong việc trang trải những nhu cầu cơ bản nhất. Họ cũng đối diện với cuộc sống bấp bênh trong bối cảnh hồi phục hậu Covid-19.

Sun Life Việt Nam và CARE đề cao việc đồng hành cùng các nhóm lao động yếu thế trong quá trình ứng phó và hồi phục sau đại dịch Covid-19. Việc thực hiện gói hỗ trợ dành cho lao động nữ giúp việc lần này nhằm ghi nhận vai trò và giá trị của những người làm công việc chăm sóc trong gia đình và ngoài xã hội do những tác động của Covid-19.

Với những khó khăn và thử thách do dịch Covid-19, Sun Life Việt Nam đã có những hành động thiết thực để chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng và cộng đồng, với mong muốn giúp khách hàng và tư vấn tài chính đạt được an toàn tài chính và một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Trong số các hoạt động đó, Sun Life Việt Nam đã triển khai “Chương trình hỗ trợ liên quan đến dịch Covid-19” dành cho khách hàng và tư vấn tài chính bị nhiễm Covid-19, với tổng giá trị của chương trình 2 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Sun Life Việt Nam cũng đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Khoản đóng góp này bao gồm 500.000.000 đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ Việt Nam và 703.000.000 đồng thông qua Hội chữ Thập đỏ Việt Nam để hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

  1. Tin quốc tế

Ra mắt khuôn khổ hướng dẫn cho các quốc gia dễ tổn thương về khí hậu

(INN) – Các công ty bảo hiểm hàng đầu đã phát hành khuôn khổ hướng dẫn để rà soát các phản ứng tài chính đối với thảm họa thiên nhiên ở các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu.

Tài liệu này có tên gọi là “Khung khả năng chống chịu với thiên tai cho các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu” do Lực lượng Đặc nhiệm Bảo hiểm ban hành, nhằm chủ động bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thông qua cách tiếp cận đầu tư công-tư mới.

Thiệt hại kinh tế không được bảo hiểm do thiên tai ở các nước đang phát triển và mới nổi vẫn ở mức trên 90% tổng thiệt hại.

Chủ tịch Munich Re Joachim Wenning cho biết: “Đối với người dân dễ bị tổn thương ở các khu vực này, khả năng chống chịu với rủi ro thời tiết ngày càng lớn là rất quan trọng để tạo ra sự thịnh vượng lâu dài”.

Khuôn khổ mới nêu bật tiềm năng cho các ngân hàng phát triển đa phương, các nhà tài trợ viện trợ quốc tế và khu vực tư nhân hợp tác để tạo ra các giải pháp tài chính và giảm thiểu rủi ro có tác động cao. Nó giúp giải quyết các nguy cơ bao gồm hạn hán, lũ lụt xoáy thuận nhiệt đới, bão đối lưu và cháy rừng.

Ông Bruce Carnegie -Brown, Chủ tịch Lloyd’s và Lực lượng Đặc nhiệm Bảo hiểm, nói: “Khuôn khổ này tạo ra cơ hội sống còn cho các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình để xây dựng khả năng chống chịu với rủi ro thời tiết ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt, cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế và xã hội bền vững sau thảm họa”.

Theo ông, ngành bảo hiểm toàn cầu đóng một vai trò quan trọng cùng với tài chính tư nhân, các nhà tài trợ quốc tế và các cơ quan chính phủ trong việc giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển.

Lực lượng Đặc nhiệm Bảo hiểm là một phần của Sáng kiến Thị trường Bền vững của Hoàng tử xứ Wales.

Thu nhập AIG quý III tăng trưởng tốt

(INN) – Khối kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của AIG hoạt động mạnh mẽ trong quý thứ ba, nhờ các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại tăng 17%. Đó là nội dung được AIG công bố trong báo cáo về thu nhập gần đây.

Cụ thể, AIG đã tạo ra thu nhập ròng tổng thể là 1,66 tỷ USD trong ba tháng tính đến tháng 9, tăng mạnh so với 281 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Thu nhập trước thuế điều chỉnh của hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đạt 811 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với mức 416 triệu USD cùng kỳ.

Tổng phí bảo hiểm trong quý tăng 13% lên 9,3 tỷ USD trong khi tỷ lệ kết hợp cải thiện 7,5 điểm phần trăm lên 99,7% do kết quả kinh doanh bảo hiểm  mạnh mẽ, bao gồm giảm lỗ do rủi ro thảm họa, trừ đi phí tái bảo hiểm và phí khôi phục hợp đồng.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIG, ông Peter Zaffino, cho biết: “Trong bối cảnh rủi ro thảm họa tăng mạnh và đại dịch toàn cầu đang diễn ra, các đồng nghiệp AIG đã thể hiện khả năng phục hồi liên tục và đang hoạt động ở mức độ cao, mang lại giá trị cho các bên liên quan và vượt trội trong tất cả các lĩnh vực”.

“Bảo hiểm phi nhân thọ đã đạt được kết quả rất tốt thể hiện kỷ luật trong đánh giá rủi ro hiện đã gắn liền với văn hóa của chúng tôi và những lợi ích từ nỗ lực giảm thiểu biến động thông qua khẩu vị rủi ro rõ ràng và chương trình tái bảo hiểm hoạt động tốt”.

AIG cho biết kết quả đánh giá rủi ro các nghiệp vụ thương mại tiếp tục cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ do cơ cấu kinh doanh được cải thiện và tăng trưởng phí bảo hiểm cùng với việc tăng tỷ lệ phí.

Phí bảo hiểm ròng nghiệp vụ bảo hiểm thương mại tại Bắc Mỹ tăng 18% lên 2,58 tỷ USD và bảo hiểm thương mại quốc tế tăng 15% lên 2,07 tỷ USD.

Thu nhập bảo hiểm phi nhân thọ đạt 20 triệu USD, hoàn nhập khoản lỗ 423 triệu USD của năm trước.

AIG cho biết thu nhập kinh doanh bảo hiểm đã bao gồm 628 triệu USD tổn thất thảm họa, chủ yếu là từ cơn bão Ida và lũ lụt ở Anh và châu Âu.

“Bất chấp mức độ gia tăng của rủi ro thảm họa toàn cầu trong quý III… tổn thất của AIG đã được giảm thiểu bằng cách cải thiện hoạt động đánh giá rủi ro và tăng cường các biện pháp bảo vệ tái bảo hiểm”, công ty bảo hiểm cho biết.

Thảm họa thiên nhiên khiến Munich thiệt hại 2,7 tỷ USD trong quý III

(INN) – Munich Re báo cáo thiệt hại do thiên tai lớn ở mức “trên mức trung bình” trong quý thứ ba nhưng vẫn tự tin rằng doanh nghiệp vẫn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm là 2,8 tỷ € (4,4 tỷ USD).

Trong quý III, lợi nhuận tổng thể là 366 triệu euro (573 triệu đô la), tăng so với mức 199 triệu euro (311 triệu đô la) một năm trước đó.

Lợi nhuận Khối tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) là 138 triệu euro (216 triệu đô la), cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 23 triệu euro (36 triệu đô la) cùng kỳ năm trước.

Doanh số phí tái bảo hiểm P&C đã tăng lên 8 tỷ € (12,5 tỷ USD) từ 6,8 tỷ € (10,7 tỷ USD).

Trong quý III, bồi thường thảm họa thiên nhiên ở mức cao khiến tỷ lệ kết hợp tăng thêm 0,6 điểm phần trăm so với một năm trước đó lên mức 112,8%.

Các sự kiện tổn thất lớn trong quý – có giá trị tổn thất từ 10 triệu euro (15,7 triệu đô la)/vụ trở lên –  gây thiệt hại tổng cộng là 1,97 tỷ euro (3 tỷ đô la), bao gồm 1,2 tỷ euro (1,9 tỷ đô la) do bão Ida và 500 triệu euro (783 triệu đô la) do bão Bernd. Tổn thất lớn trong cùng kỳ năm trước là 1,52 tỷ Euro (2,4 tỷ USD).

Bão Ida và các thảm họa thiên nhiên khác chiếm 1,73 tỷ euro (2,7 tỷ đô la) tổng thiệt hại lớn phải gánh chịu, so với 474 triệu euro (742 triệu đô la) một năm trước đó.

Giám đốc tài chính Christoph Jurecka cho biết: “Những hình ảnh khủng khiếp về sự tàn phá của bão Ida và bão Bernd vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi”.

“Doanh nghiệp, chính phủ và các cá nhân cần phải nỗ lực hết sức để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Paris nhằm làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu và ngăn chặn khả năng các thảm họa thiên nhiên gia tăng thêm nữa”.

Munich Re cho biết hiện họ hy vọng tỷ lệ kết hợp của Khối tái bảo hiểm P&C sẽ đạt 100% phí bảo hiểm thuần vì thiệt hại do thiên tai cao trong quý thứ ba tăng so với ước tính trước đó là 96%.

Willis Towers Watson bổ nhiệm Giám đốc Hồng Kông và Ma Cao

(IBM) – Willis Towers Watson đã bổ nhiệm ông Ted Hodgkinson (ảnh) làm Giám đốc Hồng Kông và Ma Cao, kiêm nhiệm vị trí hiện tại là Giám đốc rủi ro doanh nghiệp và môi giới cho các thị trường đó.

Ông Hodgkinson đã giữ chức Giám đốc lâm thời kể từ tháng 10 và chính thức thay thế Roger Steel, người đã nghỉ hưu vào tháng 9.

Trong vai trò mới của mình, ông Hodgkinson sẽ lãnh đạo hơn 300 nhân viên của Willis Towers Watson (WTW) Hồng Kông và Ma Cao, hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo kinh doanh từ các bộ phận khác nhau của công ty để tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ, đổi mới và tăng trưởng. Ông báo cáo lên Clare Muhiudeen, Giám đốc khu vực châu Á của WTW.

Bình luận về sự kiện này, ông Muhiudeen nói: “Chúng tôi vô cùng vui mừng khi Ted lãnh đạo hoạt đọng kinh doanh tại Hồng Kông và Ma Cao, là những thị trường quan trọng của WTW ở châu Á. Dựa trên các nền tảng công việc hiện tại và đảm bảo chúng tôi luôn mang đến những điều tốt nhất của WTW cho khách hàng, tôi tin tưởng rằng Ted sẽ tiếp tục thực hiện tầm nhìn và ưu tiên của Tập đoàn, đồng thời định vị WTW cho tương lai thành công trên các thị trường của chúng tôi.”

Hodgkinson gia nhập WTW vào năm 2018 từ Bảo hiểm An toàn tại Thái Lan. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý ở châu Á, đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau tại Aon ở Hồng Kông, Singapore và Sydney.

Ông Hodgkinson chia sẻ: “Chúng tôi còn một hành trình thú vị phía trước và tôi mong muốn được dẫn dắt đội ngũ đồng nghiệp tận tâm của mình để mang lại giá trị khách hàng duy nhất và giúp khách hàng giải quyết những thách thức phức tạp ngày nay và thành công”.

Korean Re có hiệu suất kinh doanh ổn định

(IBM) – Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) cho biết, Korean Re có thể sẽ duy trì phần lớn hiệu suất kinh doanh bảo hiểm ổn định mặc dù COVID-19. Điều này được hỗ trợ bởi chính sách đánh giá rủi ro thắt chặt của nhà tái bảo hiểm, với việc giảm các tài khoản không sinh lời và loại trừ bảo hiểm đổi với các trường hợp hủy sự kiện hoặc gián đoạn kinh doanh để quản lý tác động của đại dịch.

S&P kỳ vọng tỷ lệ kết hợp của Korean Re sẽ là 99% -100% trong hai năm tới. Tỷ lệ kết hợp trung bình trong 5 năm của nhà tái bảo hiểm là khoảng 99,5%, phù hợp với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Vị trí thống lĩnh thị trường của Korean Re tại Hàn Quốc với lịch sử hoạt động lâu đời và mối quan hệ chặt chẽ với các công ty bảo hiểm chính trong nước có thể sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng doanh thu ổn định trong danh mục tái bảo hiểm trong nước trong hai năm tới. Công ty đang chiếm thị phần khoảng 60% trên thị trường bảo hiểm P&C của Hàn Quốc về tổng phí bảo hiểm năm 2020.

Korean Re có mức độ biến động vốn và thu nhập thấp, do tỷ lệ áp dụng tái bảo hiểm tại các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại và rủi ro thảm họa ở mức cao. Các thỏa thuận hoa hồng liên quan đến kinh nghiệm tổn thất với những công ty nhượng tái địa phương cũng hỗ trợ sự ổn định thu nhập của hãng. Điều đó nói lên rằng, mức độ tiếp xúc với các sự kiện thảm họa thiên nhiên có thể tăng lên do sự hiện diện ngày càng tăng của công ty trên phạm vi quốc tế. Hoạt động kinh doanh ở nước ngoài chiếm khoảng 26% tổng phí bảo hiểm năm 2020.

Xếp hạng của S&P cho Korean Re là: Xếp hạng sức mạnh tài chính: A- / Ổn định /–; Xếp hạng tín dụng của nhà phát hành: A- / Ổn định /–.

Công ty môi giới thuộc Lloyd’s trở thành công ty con của Mitsui

(AIR) – Công ty Mitsui & Co có trụ sở tại Tokyo đã quyết định tăng cổ phần của mình lên 51% tại Pana Harrison (Châu Á) [PHA] – công ty môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm được cấp phép và quản lý tại Singapore.

PHA do đó sẽ trở thành công ty con của Mitsui và sẽ đổi tên thành Mitsui Bussan Pana Harrison.

Năm 2009, Mitsui đã thành lập công ty môi giới nội bộ có tên gọi là Mitsui & Co Risk Solutions, chuyên cung cấp các chức năng môi giới và quản lý rủi ro cho tập đoàn, chủ yếu trong các ngành năng lượng, điện & cơ sở hạ tầng và tài nguyên khoáng sản và kim loại. Vào năm 2020, Mitsui đầu tư vào công ty môi giới PHA của Lloyd’s và từ đó tới nay đã mở rộng hoạt động kinh doanh môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Với việc tăng cổ phần và đổi tên PHA, Mitsui sẽ tận dụng mạng lưới kinh doanh rộng khắp toàn cầu và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài để phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm trên toàn thế giới. Bằng cách xây dựng các chức năng môi giới và phát triển các mối quan hệ bền chặt hơn với các thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu, Mitsui đặt mục tiêu mở rộng và tăng cường cơ sở khách hàng trong và ngoài tập đoàn Mitsui và mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời củng cố lịch sử 40 năm của PHA và mở rộng kết hợp hiện diện trên thị trường Châu Á. Mitsui đã xác định “Thị trường Châu Á” là trọng tâm chiến lược quan trọng trong Kế hoạch Quản lý Trung hạn 2023 của mình.

Lợi nhuận ròng ngành bảo hiểm Hàn Quốc tăng 37% trong 3 quý đầu năm

(AIR) – Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS), thu nhập của các công ty bảo hiểm xứ kim chi trong chín tháng đầu năm nay đã tăng hơn 37% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thị trường chứng khoán tăng giá.

Theo Yonhap News Agency trích dẫn dữ liệu của FSS, lợi nhuận ròng tổng hợp của các công ty bảo hiểm hoạt động tại Hàn Quốc đạt 7,63 tỷ KRW (6,4 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, tăng 37,3% so với một năm trước đó.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã chứng kiến lợi nhuận ròng kết hợp tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,69 tỷ KRW trong chín tháng đầu năm. FSS lý giải, sự gia tăng lợi nhuận giữa các công ty bảo hiểm nhân thọ là do tăng thu nhập từ thị trường chứng khoán tăng giá và lãi suất tăng.

Lợi nhuận ròng kết hợp của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng đột biến 62,6% lên 3,94 tỷ KRW. FSS cho biết thu nhập tăng mạnh do tỷ lệ tổn thất đối với bảo hiểm ô tô trong chín tháng đầu năm nay thấp hơn một năm trước khi bùng phát COVID-19.

Doanh thu phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng 0,9% so với cùng kỳ lên 82,24 tỷ KRW, trong khi doanh thu phí của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tăng 3,5% lên 73,39 tỷ KRW.

Úc: Doanh nghiệp vừa và nhỏ điều chỉnh mô hình kinh doanh do hậu quả của đại dịch COVID-19

(AIR) – Theo kết quả khảo sát của chỉ số Bảo hiểm SME Vero năm 2021, 2/3 số Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Úc đã thay đổi mô hình kinh doanh của họ do COVID-19.

Vero, một trong những công ty bảo hiểm nói chung lớn nhất của Úc, đã khảo sát 1.500 chủ doanh nghiệp/người ra quyết định là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Úc để hiểu sâu hơn về việc đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh, hành vi mua bảo hiểm và nhận thức của họ về ngành bảo hiểm.

Kể từ năm ngoái, đã có sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các thay đổi chủ động đối với hoạt động kinh doanh như thay đổi mô hình, thay đổi sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc chuyển sang hoạt động từ xa hoặc trực tuyến và nhiều doanh nghiệp đang xem xét thay đổi thêm.

Ông Anthony Pagano, Giám đốc trung gian thương mại của Vero, cho biết các nhà môi giới nên làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sửa đổi sản phẩm, dịch vụ của mình để đảm bảo phù hợp với tình hình thay đổi.

“Nghiên cứu cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đã rất khác so với thời điểm đầu năm 2020, và mặc dù họ có thể đã chủ động thay đổi mô hình để phù hợp với điều kiện đại dịch, nhưng nhiều doanh nghiệp lại tụt hậu khi điều chỉnh hoạt động của mình.

Ông Pagano nói: “Có một rủi ro là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được bảo hiểm dưới mức hoặc không phù hợp do những thay đổi mà họ đã thực hiện và không xem xét các tác động quan trọng đến chương trình bảo hiểm hoặc hoạt động kinh doanh của họ.

Càng ngày, những thay đổi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện đối với hoạt động kinh doanh càng trở nên lâu dài với hơn 80% nói rằng họ sẽ giữ tất cả hoặc một số thay đổi mà họ đã thực hiện đối với hoạt động kinh doanh của mình, tăng 19% so với thời điểm này năm ngoái.

Phần lớn (87%) những doanh nghiệp dự định giữ lại tất cả các thay đổi đã trao đổi với nhà môi giới của mình, con số này đối với các doanh nghiệp dự định giữ lại một số thay đổi là 57%.

Ông Pagano cho biết: “Khách hàng thông qua các công ty môi giới có nhiều khả năng đã tăng hoặc điều chỉnh chương trình bảo hiểm của mình, trong khi khách hàng trực tiếp có nhiều khả năng đã hủy bỏ, cho thấy giá trị mà một nhà môi giới có thể mang lại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn”.

Các cuộc trò chuyện với nhà môi giới có thể ảnh hưởng đến những thay đổi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện đối với chương trình bảo hiểm của mình. Theo đó, các doanh nghiệp đã tiếp xúc với nhà môi giới ít có khả năng thực hiện các thay đổi tiêu cực đối với chương trình bảo hiểm của mình. “Điều này cho thấy rằng các nhà môi giới đóng một vai trò rõ ràng trong việc đảm bảo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra các quyết định phù hợp về cách giảm bảo hiểm của họ một cách tốt nhất”.

Generali trong top đầu lĩnh vực bảo hiểm tại bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Bền vững Dow Jones

(TBTCO) – Generali tiếp tục góp mặt trong bảng xếp hạng (BXH) Chỉ số Phát triển bền vững Dow Jones toàn cầu (Dow Jones Sustainability World Index – DJSI) và Chỉ số Phát triển bền vững Dow Jones châu Âu (DJSI Europe), củng cố vị thế dẫn đầu của tập đoàn về phát triển bền vững, với vị trí top 5 lĩnh vực bảo hiểm.

Các chỉ số này ghi nhận cách thức tiếp cận xuất sắc của Generali nhằm tích hợp các chiến lược phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu của tập đoàn là trở thành “Người bạn trọn đời” của khách hàng.

Những nỗ lực, thành công nổi bật của tập đoàn trong chiến lược “Generali 2021” chính là việc gia tăng doanh thu phí từ các sản phẩm bảo hiểm có tác động tích cực lên môi trường và xã hội lên 17 tỷ Euro và dành 6 tỷ Euro cho các khoản đầu tư bền vững.

Generali là thành viên của Liên minh Các tổ chức sở hữu tài sản không phát thải (NZAOA) và Liên minh Các doanh nghiệp bảo hiểm không phát thải (NZIA), nhằm tập trung giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu thông qua hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi.

Ra mắt vào năm 1999 và là một hệ tiêu chuẩn toàn cầu dành riêng cho phát triển bền vững, DJSI xếp hạng các công ty hàng đầu trên thế giới dựa trên phân tích của RobecoSAM về các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, cùng phương pháp đánh giá của S&P Dow Jones Indices. Tại Generali, bộ tiêu chí đánh giá về phát triển bền vững doanh nghiệp S&P là công cụ giúp tập đoàn liên tục nâng cao các giải pháp và tính hiệu quả về phát triển bền vững.

Generali là một trong những tập đoàn bảo hiểm và quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới. Được thành lập năm 1831, Generali hiện đang có mặt tại 50 quốc gia và đạt 70,7 tỷ Euro doanh thu phí bảo hiểm năm 2020. Với hơn 72.000 nhân viên phục vụ 65,9 triệu khách hàng, Generali đang dẫn đầu tại thị trường châu Âu và có vị thế ngày càng quan trọng tại các thị trường châu Á và châu Mỹ La Tinh.

BTV (Tổng hợp).