MSIG thúc đẩy bảo hiểm xe điện tại Singapore; Marsh liên doanh với MST Insurance Service; Bảo hiểm PVI khẳng định vị thế số 1 thị trường
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy tàu cá trong đêm, 12 ngư dân thoát nạn
(Tuoitre) – Tàu cá của Thừa Thiên Huế trong lúc đánh bắt cá trên biển thì bất ngờ bốc cháy. May mắn 12 ngư dân trên tàu thoát nạn.
Sáng 5-11, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế xác nhận một tàu cá bị bốc cháy trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.
Cụ thể, khoảng 19h ngày 4-11, tàu cá mang số hiệu TTH-95294TS của ông Trần Minh Khánh (trú huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang đánh bắt trên biển ở vị trí cách cửa Thuận An (TP Huế) 40 hải lý về hướng Đông Bắc thì bất ngờ bốc cháy.
Lúc này có 12 ngư dân đang đứng trước boong tàu để bắt cá. Thấy có lửa và khói bốc lên từ khoang máy, các ngư dân đã nhanh chóng quẳng lưới cụ xuống biển và nhảy xuống thuyền thúng thoát nạn.
Tất cả các ngư dân này ngay sau đó được hai tàu cá của ông Trần Văn Lộc và Trần Văn Khanh (anh trai ông Khánh) cứu vớt an toàn.
Ngọn lửa sau đó nhanh chóng bao trùm lấy toàn bộ tàu cá TTH-95294TS khiến tàu cá này bị chìm sau đó.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế, tàu cá TTH-95294TS rời cửa biển Thuận An đi đánh bắt cá vào sáng 1-11. Lúc xuất bến, trên tàu có đầy đủ các loại giấy tờ và phương tiện cứu hỏa, cứu sinh theo quy định.
- Một vòng doanh nghiệp
Tăng trưởng hai con số, Bảo hiểm PVI khẳng định vị thế số 1 thị trường
(TBTCO) – Năm 2023 là một năm khó khăn của ngành bảo hiểm nói chung và của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng khi 9 tháng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ, ước đạt 52.200 tỷ đồng.
Bảo hiểm PVI nổi lên như một điểm sáng trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khi doanh nghiệp này mới đây đã công bố mức tăng trưởng hai con số trong 9 tháng đầu năm, tiếp tục vững vàng vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất có vốn của doanh nghiệp Việt Nam, không hợp nhất báo cáo tài chính với các công ty quốc tế lớn mạnh được AM Best điều chỉnh xếp hạng năng lực tài chính từ B++ (Tốt) lên A- (Xuất sắc).
Tự tin về đích
Nhận định năm 2023 là một năm đầy khó khăn thách thức, với tâm thế sẵn sàng, tập thể cán bộ, lãnh đạo Bảo hiểm PVI đã quyết tâm đổi mới từ định hướng cho tới chiến lược kinh doanh để thích ứng với thị trường và đã khẳng định những bước chuyển mình đúng đắn.
Báo cáo số liệu từ Bảo hiểm PVI cho thấy, kết thúc 9 tháng, Bảo hiểm PVI đã xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu, tiếp tục vững vàng vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, với tổng doanh thu đạt 10.721 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch 9 tháng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 536,5 tỷ đồng, hoàn thành 128,6% kế hoạch 9 tháng, tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Được biết, để duy trì và tạo nền tảng phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, toàn hệ thống Bảo hiểm PVI đã nỗ lực tăng tốc mở rộng thị trường, tích cực triển khai ký kết hợp tác với nhiều đối tác lớn như: Triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về việc tham gia bảo hiểm cho các nhà máy điện của Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) của PVN; ký thỏa thuận hợp tác toàn diện (MOU) với Công ty TNHH Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại NongHyup (Bảo hiểm NH P&C) Hàn Quốc…
Mới đây, ngày 10/8, Bảo hiểm PVI đã được EVN phê duyệt là nhà thầu bảo hiểm đứng đầu Gói thầu số 26 (BH03-QT1) – Bảo hiểm thi công xây dựng công trình và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong quá trình xây dựng Nhà máy chính – Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, tiếp tục khẳng định tên tuổi và vị thế hàng đầu của Bảo hiểm PVI trên thị trường.
Bảo hiểm PVI cũng là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các khách hàng công nghiệp, là sự lựa chọn cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: dự án đường cao tốc Bắc Nam 2020-2025, dự án sân bay Long Thành Đồng Nai, dự án cầu Tân Vũ, dự án đường sắt đô thị Metro Bến Thành – Suối Tiên…
Chia sẻ về mục tiêu những tháng cuối năm, đại diện Bảo hiểm PVI tin tưởng, công ty sẽ về đích sớm các chỉ tiêu kinh doanh, tiếp tục duy trì vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Theo đó, những tháng cuối năm, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử và kênh môi giới; tận dụng lợi thế rating A- mở rộng quan hệ với các đối tác nhằm nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động bảo hiểm; đảm bảo khối bán lẻ vừa tăng trưởng quy mô, vừa tăng trưởng hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến rating; sử dụng vốn hiệu quả; duy trì và phát huy môi trường làm việc dân chủ, chủ động, sáng tạo…
Đại diện Bảo hiểm PVI cũng tự tin khẳng định công ty sẽ có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô cũng như phạm vi hoạt động, không chỉ trong nước mà cả khu vực và xa hơn là ở châu Á trong thời gian tới.
Lần thứ 3 lọt Top 50 doanh nghiệp đạt lợi nhuận xuất sắc nhất Việt Nam
Với dấu ấn trong hoạt động kinh doanh và nỗ lực không ngừng nghỉ, Bảo hiểm PVI trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất có vốn của doanh nghiệp Việt Nam, không hợp nhất báo cáo tài chính với các công ty quốc tế lớn mạnh được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best điều chỉnh xếp hạng năng lực tài chính và tín dụng dài hạn đối từ B++ (Tốt) lên A- (Xuất sắc) và xếp hạng năng lực tín dụng dài hạn của tổ chức phát hành từ bbb+ (Tốt) lên a- (Xuất sắc). Các xếp hạng này cho thấy năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI được AM Best đánh giá hiệu quả hoạt động tốt, hệ thống quản trị rủi ro (ERM) phù hợp.
Có thể thấy, việc điều chỉnh triển vọng nâng hạng phản ánh hoạt động kinh doanh của Bảo hiểm PVI có sự ổn định vững vàng và khả năng sinh lợi cao. Trong đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm thương mại và công nghiệp có doanh thu cao và hiệu quả.
Các xếp hạng trên cũng cho thấy, năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI được AM Best đánh giá là rất mạnh, đồng thời cho thấy hiệu quả hoạt động tốt, hệ thống quản trị rủi ro (ERM) phù hợp. Bảo hiểm PVI còn được hưởng lợi do công ty mẹ của PVI, Tập đoàn HDI, được nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm.
Bảo hiểm PVI cũng tự hào khi lần thứ 3 liên tiếp là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất được vinh danh trong Bảng xếp hạng Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021; 2021 – 2022 và 2022 – 2023 (Top 50).
Bảng xếp hạng Top 50 được lựa chọn từ danh sách Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam và được công bố bởi báo VietnamNet dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Vietnam Report nhằm ghi nhận và tôn vinh Top 50 Doanh nghiệp đạt lợi nhuận xuất sắc nhất Việt Nam, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam đồng thời duy trì được hiệu quả kinh doanh ổn định và bền vững.
Các tiêu chí xếp hạng chính của Top 50 gồm: lợi nhuận trước thuế; doanh nghiệp 3 năm liên tiếp có tên trong bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh cao và ổn định trong giai đoạn 2022-2023.
Với vị thế của doanh nghiệp dẫn đầu thị trường có môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phúc lợi và thu hút nhân tài hấp dẫn cùng văn hóa làm việc chủ động, phát huy tối đa sức sáng tạo của mỗi cá nhân, Bảo hiểm PVI vinh dự được bình chọn Top 10 doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ có nơi làm việc tốt nhất và xếp hạng 54/500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2023.
Bảo hiểm PVI cũng được vinh danh tại nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như: 8 năm liên tiếp được bình chọn công ty bảo hiểm hàng đầu trong Top 10 Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ uy tín 2023 bởi Vietnam Report; giải thưởng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sáng tạo nhất 2023 do tạp chí International Finance Magazine (IFM) bình chọn; vinh danh trong danh sách giải thưởng “Insurance Asia Awards” của Insurance Asia News – Tạp chí Bảo hiểm châu Á hạng mục Doanh nghiệp bảo hiểm kỹ thuật số tốt nhất năm 2023…
Với việc tích cực mở rộng thị trường, chuyển đổi bộ nhân diện thương hiệu cùng chiến lược kinh doanh hiệu quả, Bảo hiểm PVI đã và đang đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ, tự tin hoàn thành sớm các mục tiêu kinh doanh năm 2023 bất chấp những khó khăn mà thị trường bảo hiểm đang phải đối mặt.
Chubb Life lần thứ 7 đạt “Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam”
(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life) giữ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng doanh nghiệp ngành bảo hiểm nhân thọ lợi nhuận tốt nhất, khẳng định chiến lược kinh doanh bền vững, hiệu quả đúng đắn.
Chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên giá trị và cam kết với khách hàng
Giải thưởng “Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam” được định kỳ công bố thường niên dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế do Vietnam Report thực hiện.
Lợi nhuận và tỷ suất sinh lời trên doanh thu của năm 2022 là một trong những tiêu chí mang tính quyết định đến thứ hạng, thể hiện hiệu quả hoạt động, khả năng phát triển lâu dài của doanh nghiệp, bên cạnh các tiêu chí khác về quy mô tài sản, quy mô lao động, tiềm năng tăng trưởng doanh thu, uy tín trên truyền thông và mức độ tuân thủ pháp luật, chính sách của Nhà nước.
Bảng xếp hạng PROFIT500 năm nay ghi nhận sự xuất hiện lần thứ 7 liên tiếp của Chubb Life. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Chubb Life giữ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng doanh nghiệp cùng ngành đã phần nào phản ánh nỗ lực không ngừng của Chubb Life trong hoạt động kinh doanh năm 2022.
“Chất riêng” giúp Chubb Life phát triển bền vững trong nhiều năm
Trong giai đoạn vừa qua nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều biến động khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát ở mức cao. Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi chịu tác động đó.
Với ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT), bên cạnh khó khăn chung còn đối mặt với tình trạng niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân bằng giữa chất và lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
Đối với riêng Chubb Life, cơ hội để lội ngược dòng giữa những “cơn sóng” nhờ vào chiến lược tăng trưởng hiệu quả. Chubb Life là doanh nghiệp BHNT hiếm hoi trên thị trường có lợi nhuận ngay từ năm thứ 5 hoạt động và duy trì mức tăng trưởng bền vững trong 14 năm liên tiếp. Các khoản lãi trong đầu tư năm 2022 là yếu tố quan trọng giúp Chubb Life nằm trong nhóm doanh nghiệp BHNT có mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Toàn bộ số lợi nhuận đó đều được tái đầu tư trong nước để mở rộng và phát triển lâu dài. Biên khả năng thanh toán luôn cao gấp nhiều lần so với quy định của nhà nước, tính đến tháng 9/2023, con số này đạt hơn 5.600 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với yêu cầu của luật định.
Bên cạnh đó, nguồn doanh thu gia tăng theo năm còn cho phép Chubb Life kiến tạo giá trị bảo vệ tròn vẹn cho các gia đình Việt. Tính lũy kết đến tháng 9/2023, Chubb Life đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 5.800 tỷ đồng, góp phần xây dựng giá trị thật cho khách hàng.
Cùng với hệ thống đại lý, bộ phận chi trả (Claim) đã luôn hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền lợi khách hàng theo triết lý “bảo hiểm là bảo vệ” ngay từ những ngày đầu Chubb Life tham gia thị trường.
Với những thành quả đã đạt được, Chubb Life có đầy đủ cơ sở để vững bước trên những chặng đường đồng hành tiếp theo cùng khách hàng Việt Nam. Hoạt động kinh doanh hiệu quả đã tạo nền tảng thuận lợi giúp Chubb Life đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua thuế và các khoản khác trên 287 tỷ đồng năm 2022.
Trong vòng 18 năm doanh nghiệp này cũng dành hơn 34 tỷ đồng triển khai các hoạt động hướng đến cộng đồng, tạo được hiệu ứng tích cực tại nhiều tỉnh thành và địa phương.
Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng 14,1%
(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023. Theo đó, công ty mẹ và các đơn vị thành viên Bảo Việt ghi nhận mức tăng trưởng khả quan về kết quả kinh doanh.
Tổng doanh thu hợp nhất tăng 6,2%
Sau 9 tháng đầu của năm 2023, lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.712 và 1.428 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,2% và 14,1% (so với cùng kỳ năm 2022). Tổng doanh thu hợp nhất đạt 42.777 tỷ đồng, tăng trưởng 6,2%. Tổng tài sản hợp nhất tại 30/09/2023 đạt 215.293 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm 31/12/2022.
Tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.164 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 826 tỷ đồng, bám sát kế hoạch được đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Tổng tài sản công ty mẹ đạt 18.278 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 18.090 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 4% và 4,6% so với thời điểm 31/12/2022.
Tập đoàn Bảo Việt đã thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 9,54% trên mệnh giá, tương đương 708 tỷ đồng, dự tính sẽ chi trả cuối năm 2023. Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Dự kiến tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông Bảo Việt từ khi cổ phần hóa đến hết năm 2023 lên tới hơn 12.400 tỷ đồng.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập (15/01/1965 – 15/01/2025), Bảo Việt triển khai chiến lược phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh nhằm tạo ra các giá trị mới và chia sẻ các giá trị đó với cộng đồng. Năm 2023, Bảo Việt được công nhận trong bảng xếp hạng tính bền vững doanh nghiệp toàn cầu (Corporate Sustainability Assessment – CSA) của S&P Global. Để được đánh giá trong bảng xếp hạng DJSI, Bảo Việt cần đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trên nhiều yếu tố như: sức khỏe tài chính doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, tính minh bạch, hoạt động bền vững của doanh nghiệp…
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đạt 8.575 tỷ đồng tổng doanh thu
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 8.575 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 2,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bảo hiểm Bảo Việt luôn đặt khách hàng làm trung tâm để xây dựng các chương trình bảo hiểm đa dạng, quyền lợi tối ưu, đảm bảo toàn diện các nhu cầu thực tiễn của khách hàng. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Bảo Việt nhiều năm liên tiếp được công nhận là nhà bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam; được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ghi nhận và trao tặng các giải thưởng uy tín như “Sáng kiến bảo hiểm số của năm” (Insurance Asia Awards), “Sáng kiến chuyển đổi bảo hiểm số tốt nhất Việt Nam” (Global Business Outlook Awards 2022) cũng như Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho khách hàng (Global Banking & Finance Review).
Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập, với mục tiêu tiên phong và đồng hành cùng khách hàng trong thời đại số, Bảo hiểm Bảo Việt hiện đang triển khai website mới phiên bản beta tại địa chỉ: https://beta.baovietonline.com.vn/. Tại phiên bản mới, website được cập nhật thêm tính năng so sánh các chương trình bảo hiểm, gợi ý sản phẩm phù hợp có thể mua cùng, công cụ tính phí bảo hiểm… giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chủ động tài chính để ra quyết định lựa chọn các giải pháp bảo vệ phù hợp, hướng tới sự an tâm trong cuộc sống.
Bảo hiểm Bảo Việt đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi bảo hiểm với mong muốn khách hàng có thể chủ động lựa chọn cho bản thân và gia đình các chương trình bảo vệ với quyền lợi tối ưu ở các mức phí linh hoạt như chương trình hoàn tiền 10% hoặc tham gia bảo hiểm trả góp lãi suất 0% trong cả năm.
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đạt 33.170 tỷ đồng tổng doanh thu
Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, với mức tăng trưởng tổng doanh thu khả quan 8,5%, đạt 33.170 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Lợi nhuận sau thuế đạt 796 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.
Luôn coi khách hàng là trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững, thấu hiểu, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của các gia đình Việt, Bảo Việt Nhân thọ không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công cụ mới vào đào tạo kỹ năng trên toàn hệ thống để phục vụ, tư vấn và tiếp cận khách hàng ngày một thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, Bảo Việt Nhân thọ cũng tích cực nghiên cứu và đưa vào thị trường những sản phẩm ngày càng ưu việt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục lần thứ 7 là đơn vị dẫn đầu Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín Việt Nam 2023 và được vinh danh là “doanh nghiệp truyền cảm hứng” 2023 do Enterprise Asia – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á khảo sát, đánh giá và bình chọn…
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Tiếp tục “nhắc nhở” việc phân phối bảo hiểm
(ĐTCK) – Cơ quan quản lý mới có công văn khuyến cáo về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nói chung và sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nói riêng.
Nhiều lưu ý
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khuyến cáo về hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Thực tế, việc khuyến nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng là 2 nội dung không phải quá mới.
Trong khi đó, vấn đề ngân hàng nên ký độc quyền hay bán sản phẩm cho nhiều công ty bảo hiểm cùng lúc còn nhiều ý kiến trái chiều và ở một số thị trường như Hàn Quốc không có việc bán độc quyền, mà ngân hàng bán sản phẩm cho nhiều nhà bảo hiểm để nâng cao sức cạnh tranh cũng như gia tăng lựa chọn cho khách hàng. Hay như việc nhân viên công ty bảo hiểm có mặt ở ngân hàng và tư vấn trực tiếp cho khách mua bảo hiểm cũng từng được triển khai rộng rãi trước khi hình thức ký kết độc quyền ngân hàng bảo hiểm nở rộ như hiện nay.
Cụ thể, tại Công văn số 7688/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các nghị định liên quan. Trong đó, cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm: Nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp cho khách hàng.
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cũng bị nghiêm cấm.
Công văn cũng nêu rõ, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc/giám đốc và trưởng ban kiểm soát của tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trên.
Trước đó, hồi đầu tháng 10/2023, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính và lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước đã ký quy chế phối hợp công tác giữa 2 cơ quan. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, đây là dấu mốc quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan quản lý chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện quy chế, chức năng nhiệm vụ được giao; rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm…
Kỳ vọng hồi phục từ cuối quý II/2024
Liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định về kinh doanh bảo hiểm ở những bước cuối cùng. Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính bổ sung một số quy định nhằm tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động đại lý, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm soát hoạt động đại lý. Chẳng hạn, yêu cầu ghi âm quá trình tư vấn đối với các sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm liên kết đầu tư; sửa đổi các giới hạn đối với các khoản chi phí hoa hồng, bổ sung giới hạn đối với chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm hướng đại lý tới việc chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm…
Ngoài ra, từ tháng 9/2022, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu cao từ hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, hiện tại, quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã chặt chẽ hơn, đặc biệt là việc phân phối bảo hiểm qua kênh bancassurance. Đây là thay đổi mang tính tích cực, không chỉ hướng đến cải thiện chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn yêu cầu tập trung hơn vào việc bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, trong tháng 9/2023, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí mới qua kênh bancassurance giảm mạnh nhất với mức giảm gần 60%, kênh đại lý (Agency) giảm hơn 51% và các kênh khác giảm khoảng 40%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về tình hình thị trường quý cuối năm 2023, lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong tốp 10 thị phần doanh thu nói rằng, sẽ chưa có nhiều khả quan, cho dù tình hình 9 tháng đầu năm nay “có đỡ hơn một chút”, đặc biệt là việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý. Dẫu vậy, theo vị này, với việc hành lang pháp lý được hoàn thiện hơn và các công ty bảo hiểm đang cố gắng củng cố lại quy trình bán hàng, tập trung vào chất lượng, trải nghiệm khách hàng, kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục dần từ cuối quý II/2024.
- Nhịp đập thị trường
Hoàn phí bảo hiểm… không dễ
(ĐTCK) – Sau lùm xùm liên quan tới kênh bán qua ngân hàng, nhiều công ty bảo hiểm bị khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm và trả lại tiền phí đã đóng trước đó. Có trường hợp được xem xét trả lại ngay, nhưng cũng có trường hợp không được hoàn trả.
Hàng chục người đòi hủy hợp đồng, trả lại tiền bảo hiểm
Mới đây nhất, Manulife Việt Nam đồng loạt phát thư từ chối hoàn lại tiền phí khiến khách hàng không đồng tình. Thư này được đưa ra sau khoảng 5 tháng, sau khi hàng loạt khách gửi đơn khiếu nại bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm tại SCB thành bảo hiểm nhân thọ Manulife. Thế nhưng, sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, công ty bảo hiểm yêu cầu bổ sung chứng cứ và khách hàng đã bổ sung, nhưng vẫn từ chối hoàn trả, khách hàng không phục và tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Tất nhiên, không phải trường hợp nào công ty bảo hiểm cũng từ chối hoàn trả. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, người đại diện pháp lý của khách hàng Nguyễn Việt Cường (Vũ Thạnh, Hà Nội) cho biết, sau vài lần gửi đơn khiếu nại tới SCB và Manulife Việt Nam đã được xem xét hoàn lại số tiền phí bảo hiểm 150 triệu đã đóng trong 3 năm qua.
Trước đó, phản ánh tới người viết, khách hàng trên cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn (anh làm nghề chạy xe ôm, vợ làm thuê, có 2 con nhỏ, ở nhà thuê), tích góp nhiều năm mới được 100 triệu đồng và mang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gong (SCB) và được nhân viên ngân hàng tư vấn tách thành 2 sổ, mỗi sổ 50 triệu đồng. Sổ thứ 2 lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, được tặng gói bảo hiểm bảo vệ (nằm viện được trả 1 triệu đồng/ngày, trường hợp tử vong sẽ được chỉ trả 3,6 tỷ đồng).
Do khách hàng không am hiểu về bảo hiểm nên nhân viên ngân hàng tự khai hồ sơ (khai khống công việc thu nhập của khách hàng này là nhân viên chở hàng và thu nhập 50 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập thực tế chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng). Sau 3 năm đóng phí, giờ tài chính khó khăn, khách hàng muốn rút một phần tiền để trang trải sinh hoạt gia đình thì mới biết không được rút vì tất cả số tiền đã đóng là bảo hiểm bảo vệ, chứ không phải gửi tiết kiệm, nếu hủy sẽ mất gần hết số tiền đã đóng. Vì vậy, khách hàng này cầu cứu nhiều nơi và được một chuyên gia bảo hiểm hỗ trợ.
Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (VICS – CORP) cho biết, thời gian qua, Công ty nhận được yêu cầu hỗ trợ từ hàng chục người tham gia bảo hiểm nhân thọ của Manulife, Prudential, Sun Life, BIDV Metlife… yêu cầu hủy đồng bảo hiểm và hoàn lại tiền phí, đến nay có gần một nửa số người yêu cầu đã được công ty bảo hiểm thanh toán.
Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) – đơn vị hoạt động theo mô hình tổng đại lý bảo hiểm cũng cho hay, vừa qua, trung tâm hỗ trợ bồi thường miễn phí của Công ty đã hỗ trợ cho một số khách hàng đòi thêm tiền bảo hiểm. Theo đơn vị này, thời gian qua, số lượng vụ việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan tới bảo hiểm nhân thọ gia tăng nhanh, nên nhiều chuyên gia hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ đòi bảo hiểm “bất đắc dĩ” cũng tăng theo, trong đó có cả những người đã từng làm cho công ty bảo hiểm ở những vị trí chủ chốt.
Không ít khách hàng sau khi được công ty bảo hiểm hoàn tiền đã ký bản cam kết bảo mật thông tin và rút khỏi các nhóm khiếu nại. Trong khi đó, những trường hợp chưa được công ty bảo hiểm sắp xếp làm việc, hoặc sau khi làm việc biết rằng không được hoàn trả lại tiền… nên tiếp tục khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan chức năng.
Hiểu đúng, làm đúng để không bị “câu giờ”
Có ý kiến cho rằng, bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn tìm cách né tránh bồi thường để tăng lợi nhuận của mình, nhưng chuyên gia huấn luyện bảo hiểm Nguyễn Đức Thắng cho biết, bảo hiểm nhân thọ sẽ chi trả bảo hiểm khi khách hàng gặp rủi ro (quyền lợi bảo hiểm) và cũng chi trả ngay cả khi khách hàng không gặp rủi ro (đáo hạn hợp đồng). Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải thận trọng trong việc chi trả bồi thường (cho số ít không may gặp rủi ro) để đảm bảo quyền lợi đáo hạn của khách hàng (số đông bình an), chứ không phải là vì mục tiêu lợi nhuận.
“Lợi nhuận chính của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến từ việc đem nguồn tiền được hình thành từ việc tham gia bảo hiểm dài hạn của khách hàng đi đầu tư tài chính và lợi nhuận thu về từ hoạt động này sau khi trừ đi các chi phí hoạt động sẽ được chia cho cả doanh nghiệp và khách hàng’, ông Thắng nói.
Còn đại lý bảo hiểm lâu năm Lê Thanh cho hay, trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh thu bảo hiểm nhân thọ vẫn đạt trên 113.000 tỷ đồng là con số không hề nhỏ, tổng chi trả toàn ngành ước đạt 57.000 tỷ đồng cũng là con số rất ấn tượng, cho thấy nhu cầu bảo hiểm vẫn lớn và số tiền bảo hiểm chi trả đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ lưỡng để trang bị sản phẩm bảo hiểm phù hợp vì sự an toàn của mình và gia đình trước tiên.
Chuyên gia của VICS – CORP cũng cho rằng, trong các trường hợp đòi tiền như trên, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là nhân viên ngân hàng tư vấn sai và ngân hàng có nhân viên tư vấn sai, còn doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp làm rõ. Bởi thế, khách hàng cần khiếu nại đúng nơi và có đủ căn cứ chứng minh sai phạm để tránh bị “câu giờ” khi đòi lại tiền bảo hiểm.
“Gửi tiền tiết kiệm bị ngân hàng bị ‘hô biến’ thành bảo hiểm nhân thọ thì cần khiếu nại ngân hàng trước tiên, nếu đủ căn cứ chứng minh ‘lừa dối khách hàng’ có thể kiện ra tòa lấy lại tiền sau khi có phán quyết của tòa”, chuyên gia VICS – CORP nói.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn sau khi buộc phải từ chối một vài trường hợp khiếu nại của khách hàng cho biết, công ty ông đang làm đúng theo quy định của Bộ Tài chính, hết thời hạn 21 ngày cân nhắc hợp động bảo hiểm là không hoàn phí được, giờ chỉ có tòa án quyết định trách nhiệm cụ thể của từng người có liên quan.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo hiểm BSH đồng hành cùng sinh viên trường Đại học Mỏ – Địa chất, tìm hiểu về xu hướng kinh tế số 2024
(BSH) – Sáng ngày 28/10, Bảo hiểm BSH đã đồng hành cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức thành công hội thảo E- Unitour 2023 với chủ đề “Xu hướng mới trong kinh doanh số và cơ hội cho sinh viên” tại trường Đại học Mỏ Địa chất (Hà Nội). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Sinh viên kinh doanh số 2023” nhằm tạo cơ hội cho sinh viên sớm tiếp cận và học hỏi các kiến thức về lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (KTS).
Trước xu thế phát triển nở rộ của ngành TMĐT , bảo hiểm BSH có những đổi mới trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc ứng dụng công nghệ và các phương thức TMĐT trong kinh doanh. Nhờ sự sáng tạo trong việc xây dựng môi trường làm việc, chương trình đào tạo, chính sách đãi ngộ người lao động, năm 2022, Bảo hiểm BSH được vinh danh “Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm phi nhân thọ”.
Trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực số và các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, trong đó các công việc cần ứng dụng AI ( trí tuệ nhân tạo) đang có xu hướng gia tăng. Tại sự kiện, Bà Trần Ánh Nguyệt – Giám đốc Marketing của thương hiệu bảo hiểm BSH đã chia sẻ với sinh về “Bí quyết giúp khác biệt trong mắt nhà tuyển dụng” thời đại số. Phần trình bày của đại diện BSH đã thu hút sự quan tâm từ gần 400 sinh viên trường Đại học Mỏ – Địa chất.
Bên cạnh đó, đại diện BSH cũng tham gia thảo luận, tương tác, giải đáp những thắc mắc cho các bạn sinh viên liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số. Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng đưa ra những lời khuyên thực tế về con đường khởi nghiệp, kinh doanh cũng như cách xây dựng thương hiệu cá nhân giúp các bạn sinh viên đã và đang có ý tưởng khởi nghiệp thêm tự tin và bản lĩnh hơn.
Trước Đại học Mỏ – Địa chất, BSH đã giao lưu, kết nối với sinh viên trường Học Viện Bưu chính Viễn thông và trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Vào ngày 30/10 tới, BSH sẽ tiếp tục đồng hành cùng VECOM tại hội thảo E-unitour 2023 diễn ra tại trường Đại học Đông Đô với nhiều nội dung hấp dẫn và bổ ích dành cho các bạn sinh viên.
- Tin quốc tế
Ngành bảo hiểm Trung Quốc tăng trưởng ổn định về tài sản trong quý 3
(INA) – Tân Hoa Xã đưa tin, dữ liệu chính thức từ Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NAFR) tiết lộ rằng tổng tài sản của ngành bảo hiểm Trung Quốc lên tới khoảng 4,12 nghìn tỷ USD vào cuối quý 3 năm 2023.
Con số này tương ứng với mức tăng 10,8% so với năm trước.
Ngoài ra, doanh thu phí bảo hiểm của Trung Quốc đã tăng 11% so với cùng kỳ lên 590 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2023.
Chi bồi thường và thanh toán trong cùng kỳ tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 190 tỷ USD.
Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thương mại của Trung Quốc mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng
(INA) – Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc đang mở rộng các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thương mại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già ngày càng tăng.
Việc mở rộng này diễn ra sau khi một chương trình thí điểm được triển khai tại Chiết Giang và Trùng Khánh vào năm 2021 và được mở rộng trên toàn quốc vào năm 2022.
Chương trình giờ đây sẽ là hoạt động kinh doanh thường xuyên của các công ty bảo hiểm nhân thọ đủ tiêu chuẩn.
Để đủ điều kiện, các công ty bảo hiểm phải có vốn chủ sở hữu vào cuối năm trước không thấp hơn 696,5 triệu USD và không thấp hơn 75% vốn cổ phần của công ty.
Các công ty bảo hiểm đủ tiêu chuẩn có thể hợp tác với các ngân hàng lớn, ngân hàng cổ phần và ngân hàng thương mại thành phố để quảng bá và bán các sản phẩm bảo hiểm tài trợ thương mại trong khu vực hoạt động của họ.
Động thái này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết nhu cầu tài chính ngày càng tăng liên quan đến dân số già.
Nhật Bản: Marsh liên doanh với MST Insurance Service
(INA) – Nikkei Asia đưa tin cho biết, nhà môi giới bảo hiểm Marsh đã hợp tác với công ty MST Insurance Service của Nhật Bản để thành lập MST Marsh, một liên doanh 50-50 tập trung vào việc cung cấp các khuyến nghị chuyên biệt về bảo hiểm doanh nghiệp.
Liên doanh này nhằm mục đích giải quyết một ngành vẫn đang quay cuồng vì vụ bê bối ấn định giá. MST Marsh nhắm đến các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn với doanh thu hàng năm từ 30 tỷ đến 200 tỷ Yên (khoảng 200 triệu USD đến 1,3 tỷ USD).
Cách tiếp cận độc đáo của MST Marsh bao gồm các đề xuất bảo hiểm phù hợp, bao gồm các lĩnh vực truyền thống như bảo hiểm hỏa hoạn và trách nhiệm pháp lý cũng như các rủi ro mới nổi như tấn công mạng và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tại Nhật Bản, nhiều công ty thường mua bảo hiểm thông qua các đại lý nội bộ thiếu chuyên môn.
Sự thiếu chuyên môn này đã góp phần gây ra các vấn đề ấn định giá gần đây liên quan đến các công ty bảo hiểm tai nạn lớn.
MST Marsh tìm cách giảm thiểu điều này bằng cách cung cấp cho các đại lý hiểu rõ hơn về rủi ro của khách hàng, giảm khả năng có bảo hiểm không phù hợp và giúp các công ty đánh giá tính công bằng trong phí bảo hiểm của mình.
Ngoài ra, các đại lý độc lập ít có xung đột lợi ích hơn so với các đại lý nội bộ.
Theo truyền thống, Marsh hoạt động với tư cách là nhà môi giới bảo hiểm, đại diện cho khách hàng tìm kiếm bảo hiểm.
Các nhà môi giới, đứng về phía người mua, thường được coi là phù hợp hơn với lợi ích của công ty so với các đại lý đại diện cho người bán bảo hiểm. Tuy nhiên, mô hình môi giới chưa thành công ở Nhật Bản, chỉ chiếm khoảng 1% thị trường bảo hiểm.
Sự hợp tác của Marsh với MST, một đại lý bảo hiểm quan trọng có liên kết với một tổ chức tài chính ở Nhật Bản, giúp họ mở rộng cơ sở khách hàng của mình. MST có mối quan hệ lâu dài với Ngân hàng MUFG.
MST Marsh mặc dù hoạt động như một đại lý bảo hiểm song sẽ tận dụng chuyên môn môi giới toàn cầu của Marsh để nâng cao dịch vụ tại thị trường Nhật Bản.
MSIG thúc đẩy bảo hiểm xe điện tại Singapore
(INA) – Bảo hiểm MSIG có trụ sở tại Singapore đã mở rộng chương trình bảo hiểm xe cơ giới cá nhân để mang lại nhiều lợi ích hơn dành riêng cho chủ sở hữu xe điện (EV) do sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện ở nước này.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore, số lượng xe điện ở Singapore đã tăng hơn 200% từ 3.634 chiếc vào năm 2021 lên 11.290 chiếc tính đến tháng 8 năm 2023 và doanh số bán xe điện hàng tháng đã liên tục vượt quá 20% tổng số xe đăng ký mới kể từ tháng 7 năm 2023.
Ông Jeremy Lian, Phó Chủ tịch Cấp cao về Dịch vụ Kỹ thuật tại MSIG Singapore, nhấn mạnh cam kết của công ty trong việc giảm lượng khí thải carbon và hỗ trợ phong trào xe điện.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về bảo hiểm xe điện, MSIG đã tăng cường chương trình bảo hiểm xe cơ giới tư nhân, cung cấp các lợi ích bổ sung mà không phải trả thêm phí cho chủ sở hữu xe điện và khuyến khích nhiều người tiêu dùng sử dụng xe điện hơn.
Gói MotorMax Plus của MSIG hiện bao gồm các lợi ích sau dành cho chủ sở hữu xe điện:
– Trợ cấp vận chuyển lên tới 30 ngày nếu xe điện đang được sửa chữa sau tai nạn.
– Thay thế xe điện bị hư hỏng bằng một chiếc xe mới nếu tuổi đời dưới 12 tháng.
– Bảo hiểm y tế để bảo vệ người mua bảo hiểm và hành khách trong trường hợp bị thương do rò rỉ ắc quy xe điện.
– Dịch vụ kéo khẩn cấp cho xe điện.
Lợi nhuận hoạt động ròng sơ bộ của Munich Re đạt 1,3 tỷ USD
(INA) – Trong một tuyên bố mới đây, Munich Re cho biết đã đạt được lợi nhuận hoạt động ròng sơ bộ khoảng 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) trong quý 3 năm 2023, vượt qua kỳ vọng 1,1 tỷ euro.
Hoạt động tái bảo hiểm tài sản-thiệt hại có tổn thất lớn thấp hơn một chút so với kỳ vọng, trong khi tổn thất tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe vượt quá dự kiến.
ERGO mang lại hiệu quả kinh doanh mạnh mẽ và nhất quán, mặc dù công ty phải đối mặt với kết quả thấp hơn do tổn thất do thiên tai tăng lên so với hai quý trước.
Trong chín tháng đầu năm, kết quả của Munich Re đạt 3,6 tỷ euro (3,8 tỷ USD), Munich Re cho biết điều này giúp công ty vượt mục tiêu hàng năm ban đầu là 4 tỷ euro (4,2 tỷ USD).
Do đó, Munich Re đã tăng mục tiêu lợi nhuận ròng hàng năm cho năm 2023 lên 4,5 tỷ euro (4,8 tỷ USD).
Tuy nhiên, dự báo này phải chịu những bất ổn tiềm ẩn phát sinh từ sự phát triển địa chính trị và kinh tế vĩ mô, giữ mức lỗ lớn trong phạm vi thông thường và tránh những biến động đáng kể trên thị trường tiền tệ hoặc vốn, những thay đổi lớn trong quy định thuế hoặc các yếu tố ngoại lệ khác.
Munich Re sẽ công bố kết quả quý 3 cuối cùng vào ngày dự kiến là ngày 8 tháng 11.
($1,0 = €0,9)
Lợi nhuận Great Eastern phân bổ cho cổ đông tăng 21% trong quý 3
(INA) – Công ty bảo hiểm Great Eastern đã công bố mức tăng trưởng 21% về lợi nhuận dành cho các cổ đông lên 180,2 triệu USD trong quý 3 năm 2023.
Trong một báo cáo tài chính, Great Eastern cũng ghi nhận tổng doanh thu mới có trọng số là 419,4 triệu USD, tăng 5% từ mức 398,8 triệu USD trong quý 3 năm 2023.
Doanh nghiệp bảo hiểm cho biết hoạt động kinh doanh cơ bản của họ vẫn tốt nhưng trầm lắng do yêu cầu bồi thường y tế cao hơn ở Singapore và Malaysia.
Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn của các công ty con của tập đoàn rất cao và cao hơn mức quy định tối thiểu.
Tổng Giám đốc Great Eastern Khor Hock Seng cho biết tập đoàn này tiếp tục mang lại giá trị bền vững bằng cách tham gia vào các quan hệ đối tác và thâu tóm ở Malaysia và Singapore.
Sompo International bổ nhiệm lãnh đạo mới về quản lý khủng hoảng, bảo hiểm P&C thương mại
(INA) – Sompo International đã bổ nhiệm cô Pei Ru Chiew làm Giám đốc Quản lý khủng hoảng, Bảo hiểm P&C thương mại ở Châu Á Thái Bình Dương (APAC).
Cô Chiew sẽ có trụ sở tại Singapore và báo cáo cho ông Paul O’Neill, Chủ tịch Bộ phận Thương mại, Bảo hiểm, APAC.
Trước khi gia nhập Sompo International, cô Chiew từng làm việc trong nhóm AXA XL Singapore với tư cách là nhà bảo lãnh cấp cao về Chiến tranh, Khủng bố và Bạo lực Chính trị.
Trước đó, Chiew cũng từng giữ chức vụ Chuyên gia JLT với tư cách là nhà môi giới và quản lý Rủi ro Tín dụng, Chính trị và An ninh, và Marsh Asia với tư cách là nhà môi giới Khủng bố và Bạo lực Chính trị.
Ông O’Neill cho biết: “Trong quá trình Sompo International tiếp tục theo đuổi các mục tiêu toàn cầu của mình, ưu tiên hàng đầu bao gồm việc tăng cường mối quan hệ của chúng tôi trong APAC. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về bảo hiểm bạo lực chính trị và khủng bố ở khu vực này. Kinh nghiệm sâu rộng của Pei Ru trong lĩnh vực này giúp cô có thể hợp tác chặt chẽ với các khách hàng và đối tác môi giới của chúng tôi để cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ”.
Allianz Trade APAC bổ nhiệm Giám đốc BH thương mại tại Hồng Kông
(INA) – Allianz Trade tại Châu Á Thái Bình Dương đã bổ nhiệm Tricia Koh làm Giám đốc Bảo hiểm Thương mại tại Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc (Trung tâm Hồng Kông). Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11.
Cô Tricia Koh sẽ làm việc tại trụ sở Hồng Kông, thay thế ông Hassan Omaish, người đã đảm nhận vai trò Giám đốc Môi giới và Quan hệ Đối tác Toàn cầu tại Paris.
Koh ban đầu gia nhập Tập đoàn Allianz vào năm 2007 thông qua chương trình sau đại học.
Từ năm 2009 đến năm 2014, cô làm việc ở bộ phận Quản lý Thị trường tại Allianz Commercial (trước đây là Allianz Global Corporate & Specialty). Năm 2017, cô tái gia nhập Tập đoàn Allianz với tư cách là Giám đốc Tiếp thị Khu vực tại Allianz Trade ở Châu Á Thái Bình Dương, nơi cô lãnh đạo một nhóm trong khu vực trong việc phát triển và thực hiện các chiến lược tiếp thị và bán hàng khác nhau trên nhiều kênh phân phối.
Koh có bằng thạc sĩ về Luật Thuế Quốc tế và bằng cử nhân thương mại của Đại học Sydney. Cô cũng có bằng thạc sĩ thứ hai về Bảo hiểm và Quản lý rủi ro tại Đại học Deakin.
Allianz Commercial bổ nhiệm Giám đốc Bảo hiểm tài sản Châu Á
(INA) – Jude Cross được Allianz Commercial bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo hiểm tài sản Khu vực Châu Á.
Ông có hơn hai mươi năm kinh nghiệm trong ngành, từng đảm nhiệm nhiều vai trò đánh giá và xử lý rủi ro. Cross có hiểu biết sâu rộng về nhiều nghiệp vụ bảo hiểm.
Gần đây, ông giữ chức vụ Giám đốc Bảo hiểm tài sản khu vực tạm thời kể từ tháng 6 năm 2023. Ông gia nhập Allianz vào năm 2016 với tư cách là chuyên gia đánh giá rủi ro cấp cao và Trưởng nhóm hành nghề khu vực về Hóa chất, Dược phẩm và F&B, cung cấp hỗ trợ thẩm định và đánh giá rủi ro cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Vào tháng 11 năm 2019, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc khu vực của Công ty Tư vấn rủi ro Allianz, đóng góp tích cực vào các sáng kiến chiến lược ngành kinh doanh, bao gồm cả việc quảng bá Tư vấn rủi ro với tư cách là đề xuất giá trị cho khách hàng.
BTV (Tổng hợp).