FWD tiếp tục đứng số 1 về trải nghiệm khách hàng; Manulife Việt Nam chống biến đổi khí hậu với cam kết trồng rừng; Dajia bán cổ phần tại công ty con bảo hiểm ở Hàn Quốc
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Bảo hiểm Quân đội chi trả bồi thường 1,5 tỷ đồng cho khách hàng tham gia Bảo hiểm vật chất ô tô
(MIC) – Bảo hiểm vật chất xe ô tô được xem là tấm thẻ an toàn, giúp chủ sở hữu giảm bớt gánh nặng chi phí, khắc phục nhanh các thiệt hại khi có sự cố bất ngờ xảy ra và đó cũng chính là câu chuyện của một khách hàng tại Thành phố Nha Trang.
Trong quá trình tham gia giao thông, chiếc xe BMW sở hữu của Công Ty Cổ Phần Cam Ranh Riviera Resort đã không may gặp sự cố trong vùng ngập nước tại đường Nguyễn Tất Thành – Tp Nha Trang và bị chết máy giữa đường. Khách hàng đã liên hệ báo cáo sự cố với giám định viên hiện trường và phía MIC cùng cơ quan chức năng đã phối hợp nhanh chóng ghi nhận sự việc. Sau khi ghi tiến hành đưa xe về gara và kiểm tra, thẩm định các thiệt hại, MIC cũng tiến hành các thủ tục tiến hành xác minh, xử lý hồ sơ chi trả cho khách hàng quyền lợi bảo hiểm vật chất xe 1,5 tỷ đồng.
Việc chi trả này nhằm giúp khách hàng san sẻ chi phí thiệt hại về tài chính đồng thời khắc phục các tổn thất và sớm ổn định cuộc sống.
Bảo hiểm vật chất là gói bảo hiểm không bắt buộc khi mua xe, tuy nhiên lại giúp ích cho khách hàng rất nhiều trong quá trình sử dụng xe ô tô. Trong những trường hợp không mong muốn như: va chạm dẫn đến xây xước, hỏng hóc, xe bị thủy kích tấn công trong mùa mưa bão hoặc không may bị mất cắp… thì bảo hiểm vật chất xe ô tô chính là “phao cứu sinh” đỡ đần cho chủ xe về mặt tài chính.
- Một vòng doanh nghiệp
FWD tiếp tục giữ vị trí số 1 về trải nghiệm khách hàng trong ngành bảo hiểm tại Việt Nam
(ĐTCK) – FWD tiếp tục giữ vị trí số 1 về trải nghiệm khách hàng năm thứ hai liên tiếp trong ngành bảo hiểm tại Việt Nam theo Báo cáo về Trải nghiệm khách hàng Xuất sắc Toàn cầu 2022 của KPMG.
Cũng theo báo cáo này, FWD là công ty nằm trong top 3 những thương hiệu có trải nghiệm khách hàng xuất sắc xét trên tất cả các ngành nghề tại Việt Nam năm 2022.
Theo ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng giám đốc FWD Việt Nam: “Tại FWD, trải nghiệm khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi liên tục ứng dụng các công nghệ mới nhất để mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đồng thời, đảm bảo khách hàng có những trải nghiệm liền mạch nhất. Điều này cũng khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm”.
Với việc ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ voicebot, dữ liệu lớn và điện toán đám mây, FWD đã xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tương thích với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng và mang lại một hành trình trải nghiệm bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến, nhanh chóng và thuận tiện.
Xem thêm: Tư vấn bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên
Theo kết quả khảo sát, FWD được xếp hạng cao tại hai trong sáu trụ cột về trải nghiệm xuất sắc là “Chính trực” và “Thời gian và Công sức”, cho thấy FWD đã mang đến những dịch vụ nhất quán và đáng tin cậy cùng những trải nghiệm liền mạch và hiệu quả cho khách hàng, qua đó, khẳng định cam kết lâu dài của công ty trong việc thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm.
Bảo Việt: 15 năm đồng hành, đóng góp và được vinh danh tại Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết
(TBTCO) – Bảo Việt được vinh danh Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất Việt Nam trong nhóm vốn hóa lớn (Large cap) của năm 2022 và đồng thời nhận Giải doanh nghiệp báo cáo tin cậy nhất dành cho Báo cáo phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất trong minh bạch thông tin năm 2022 đã được vinh danh tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 15 – năm 2022.
Vượt qua gần 600 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, vượt qua các vòng thẩm định khắt khe của ban tổ chức, Bảo Việt được vinh danh Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất Việt Nam trong nhóm vốn hóa lớn (Large cap) của năm 2022 và đồng thời nhận Giải doanh nghiệp báo cáo tin cậy nhất dành cho Báo cáo phát triển bền vững. Đây là các giải thưởng quan trọng của cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức. Công ty chứng khoán Bảo Việt – đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt cũng được trao giải Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất Việt Nam trong nhóm vốn hóa vừa (Mid cap).
Đặc biệt, tại cuộc bình chọn năm nay, Bảo Việt đã được ban tổ chức vinh danh, trao kỷ niệm chương đặc biệt dành cho doanh nghiệp 15 năm đồng hành, đóng góp cùng chương trình. Hội đồng bình chọn luôn đánh giá cao về chất lượng báo cáo, ghi nhận nỗ lực vượt trội của Bảo Việt trong việc minh bạch thông tin trong nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn.
Với việc lựa chọn “Chủ động thích ứng” là thông điệp chủ đạo, Bảo Việt mong muốn khắc họa chân dung và hoạt động thực chất của doanh nghiệp khi đối mặt với những thách thức từ môi trường kinh doanh, từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và diễn biến phức tạp của đại dịch trong một năm với rất nhiều biến cố.
Trong bối cảnh biến động toàn cầu, Bảo Việt tin rằng, chỉ khi chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động, doanh nghiệp có thể làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động, chủ động tìm tòi, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành để thích ứng với các thách thức hiện hữu và những thay đổi trong tương lai, từ đó giữ vững và duy trì nhịp độ hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống.
Để tạo được sự khác biệt, ấn tượng cho Báo cáo năm nay, Bảo Việt ứng dụng giải pháp công nghệ để đổi mới báo cáo: đổi mới phương thức truyền tải báo cáo trên nền tảng kỹ thuật số (Podcast – Broadcasting) và interactive PDF cho độc giả sử dụng trên máy tính cá nhân và các thiết bị di động, giúp người đọc có trải nghiệm thú vị hơn khi đọc báo cáo với phần nhạc nền và giọng đọc truyền cảm giúp thổi hồn cho những trang báo cáo trở nên sống động hơn. Báo cáo năm nay cũng được thiết kế với phong cách sáng tạo, tinh tế. Xuyên suốt báo cáo của Bảo Việt là những bản nhạc, lời ca và hình ảnh con người cùng hòa quyện, mang đến âm hưởng của sự lạc quan, lan tỏa tình người ấm áp, đồng hành và chia sẻ cùng nhau để mạnh mẽ vượt qua thách thức.
Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Bảo Việt đã có một số hoạt động cải thiện quản trị doanh nghiệp như củng cố đội ngũ người quản trị công ty, đánh giá tổng thể hoạt động, tuân thủ Thẻ điểm quản trị ASEAN. Bảo Việt cho rằng khi doanh nghiệp kết hợp và quản trị tốt các nguồn lực trong hệ thống sẽ giúp các nguồn lực bổ sung sức mạnh cho nhau, tạo nên những giá trị cộng hưởng, những giá trị lớn hơn cho cổ đông và các bên liên quan.
Tiêu chí chấm báo cáo thường niên năm nay lần đầu tiên thực hiện theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Việc chấm điểm báo cáo thường niên (BCTN) ở vòng sơ khảo tiếp tục được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập, Kết quả sơ khảo sau đó được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.
Năm 2022 là năm thứ 15 Cuộc bình chọn đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết với sứ mệnh hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp niêm yết nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, tăng cường khả năng truyền tải thông tin đến các nhà đầu tư, hướng đến quản trị hiệu quả và phát triển ngày càng bền vững, cũng đồng thời là năm thứ 15 Bảo Việt duy trì vị thế cao trong các hạng mục giải của Cuộc bình chọn.
Tòa nhà PVI nhận Danh hiệu “Công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh” năm 2022
(PVI) – Tối 12/12/2022, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Lễ trao danh hiệu công trình xây dựng sử dụng Năng lượng xanh thành phố Hà Nội năm 2022.
Tại lễ trao giải, Tòa nhà PVI là một trong số ít tòa nhà có số điểm đánh giá cao nhất – hạng 5 sao, được Sở Công Thương Hà Nội trao danh hiệu “Công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh” nhờ việc triển khai thực hiện các giải pháp mang lại hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, có thể áp dụng cho nhiều công trình ở quy mô khác nhau.
Chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu Công trình xây dựng sử dụng Năng lượng xanh năm 2022 đã thu hút 100 đơn vị tham gia trên địa bàn Thành phố; Các đơn vị tham gia chương trình được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, hỗ trợ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ 4.0.
Tòa nhà PVI vinh dự đạt danh hiệu “Công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh” hạng 5 sao với các giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình như: sử dụng hệ thống quản lý, điều khiển tự động BMS; sử dụng thiết bị thuộc danh mục dán nhãn năng lượng; cách nhiệt tường bao quanh với không gian có điều hòa không khí; vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; diện tích thông gió tự nhiên của phòng tối thiểu bằng 5% diện tích sàn sử dụng của phòng tiếp giáp với không gian bên ngoài; hệ thống điều hòa không khí hiện đại, hệ thống điều hòa chiller có chỉ số COP đạt yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD; mật độ công suất chiếu sáng trung bình trong công trình đạt yêu cầu theo QCVN 09:2017/BXD; động cơ điện trong công trình đạt yêu cầu theo bảng 2.6 của QCVN 09:2017/BXD.
Tòa nhà PVI – Tòa nhà văn phòng hạng A, là nơi đặt trụ sở chính của Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings), Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm PVI, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty Cổ phần CQ TDT ASIA, Chi nhánh Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina tại Hà Nội, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, Công ty TNHH Nissan Việt Nam, Công ty TNHH Nittsu System Việt Nam,…. Tòa nhà PVI luôn nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô – dôn. Tòa nhà PVI tiếp tục phát huy mô hình sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
11 tháng năm 2022, thị trường bảo hiểm tăng trưởng 15,67%
(ĐTCK) – Tính đến ngày 30/11/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt ước đạt 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2022, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến ngày 30/11/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt ước đạt 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước ước khoảng 52.001 tỷ đồng, tăng 22,16% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước ước khoảng 52.001 tỷ đồng, tăng 22,16%.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 806.855 tỷ đồng, tăng 18,73% so với cùng kỳ năm trước; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 669.671 tỷ đồng, tăng 19,07% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 174.213 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước;
Tính đến ngày 30/11/2022, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, sẽ tạo ra cú huých và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Luật khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Ngoài ra, Luật cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp không phải phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước kia mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.
Để triển khai Luật đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường.
Đến nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng 3 nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm trình Chính phủ và đang dự thảo 3 Thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm theo Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 3.
- Nhịp đập thị trường
Doanh nghiệp bảo hiểm với một năm thành công vượt trội
(TBTCO) – Với những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cũng như mang đến những giá trị bền vững và dài hạn cho cộng đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã và đang khép lại một năm 2022 thành công, với kết quả kinh doanh ấn tượng và những giải thưởng danh giá uy tín trong và ngoài nước, tạo đà để doanh nghiệp tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Vinh danh tại nhiều giải thưởng danh giá
Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, tại chương trình đánh giá công bố các doanh nghiệp bền vững năm 2022 (CSI 2022), Prudential Việt Nam được vinh danh với hai hạng mục giải thưởng quan trọng gồm: Top 10 doanh nghiệp bền vững lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Prudential Việt Nam còn được xướng tên trong Top 5 doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, tôn trọng quyền trẻ em.
Trước đó, Prudential Việt Nam cũng được vinh danh với hai giải thưởng “Công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế của năm” và “Sáng kiến ESG của năm” tại Insurance Asia Awards 2022. Đồng thời, công ty cũng được ghi nhận là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”, bởi HR Asia Awards 2022.
Chuỗi chiến thắng này tiếp tục khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện của Prudential tại thị trường Việt Nam. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Prudential được công nhận là “Công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế của năm” (International Life Insurer of the Year) và năm thứ 5 liên tiếp nhận danh hiệu “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”. Đối với giải thưởng “Sáng kiến ESG của năm” – giải thưởng dành cho những dự án thiết thực đóng góp trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển bền vững, lần đầu tiên công ty được vinh danh với 2 dự án tiêu biểu là giáo dục tài chính sớm cho trẻ em Cha-Ching và độc lập tuổi về già.
Một tên tuổi khác là Dai-ichi Life Việt Nam – doanh nghiệp duy nhất trong ngành bảo hiểm nhân thọ vừa vinh dự đạt hai giải thưởng lớn tại khu vực châu Á – Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2022 – cho hai hạng mục: “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” (Corporate Excellence Award) và “Thương hiệu truyền cảm hứng” (Inspirational Brand Award), do Enterprise Asia – tổ chức phi chính phủ hàng đầu châu Á – bình chọn và trao tặng.
Manulife Việt Nam cũng được vinh danh là một trong những “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2022”, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp ghi danh tại Giải thưởng nhân sự uy tín – HR Asia Awards. Chiến thắng năm nay là minh chứng cho sự tín nhiệm của cộng đồng đối với Manulife Việt Nam trong nỗ lực xây dựng một văn hóa học tập và phát triển, khuyến khích sự công nhận, quan tâm đến nhân viên và thúc đẩy các tư tưởng tiến bộ.
Đại diện FWD Việt Nam cho biết, công ty liên tục được vinh danh tại nhiều giải thưởng uy tín về nhân sự trong nước và quốc tế như: năm thứ 5 liên tiếp nằm trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”, xếp hạng 2 toàn ngành bảo hiểm năm 2022, theo kết quả khảo sát của Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc hạnh phúc tại Việt Nam; Top 15 doanh nghiệp tiêu biểu có nguồn nhân lực hạnh phúc năm 2022, theo kết quả khảo sát của Anphabe…
Khẳng định những nỗ lực tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng
Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ “Tôn chỉ mục đích của Prudential Việt Nam là giúp mọi người đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Bằng cách mang đến những giải pháp chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bảo vệ tài chính và gia tăng tài sản, chúng tôi mong muốn cùng đồng hành với khách hàng của mình trong hành trình xây dựng kế hoạch và theo đuổi các mục tiêu lớn trong cuộc sống. Những giải thưởng quốc tế uy tín này khẳng định những nỗ lực tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng của Prudential Việt Nam luôn được ghi nhận bởi các tổ chức uy tín và điều này chính là động lực để chúng tôi làm tốt hơn mỗi ngày”.
“Tại Manulife Việt Nam, chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng doanh nghiệp tốt hơn để phục vụ cộng đồng tốt hơn. Điều đó có nghĩa là tiếp tục nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thúc đẩy các cơ hội kinh tế toàn diện và phát triển một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Khi mà chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực từ trong ra ngoài, thì giải thưởng này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa và đội ngũ nhân viên trong việc tạo ra những khác biệt có ý nghĩa cho cộng đồng” – ông Sang Lee – Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam, cho biết.
Ông Huỳnh Hữu Khang – Tổng giám đốc FWD Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi liên tục nhận được nhiều giải thưởng danh giá về nhân sự trong năm 2022 khi FWD vẫn còn là một công ty tương đối trẻ. Đây là sự ghi nhận đầy ý nghĩa cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi trong việc tạo ra một môi trường làm việc nơi mỗi nhân viên đều cảm thấy được chăm sóc, được tin tưởng và được phát triển bản thân trên hành trình cùng nhau thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm”.
Ông Trần Đình Quân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi Dai-ichi Life Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất trong ngành bảo hiểm vinh dự được trao hai giải thưởng châu Á lớn tại APEA trong hai năm liên tiếp – 2021 và 2022. Đây là sự ghi nhận vô cùng ý nghĩa cho những nỗ lực của công ty trên chặng đường hơn 15 năm gắn bó cùng đất nước và người dân Việt Nam. Giải thưởng APEA 2022 một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu của Dai-ichi Life Việt Nam trên thị trường và là nguồn động lực to lớn để công ty tiếp tục mang đến các giá trị vượt trội cho khách hàng, đối tác và cộng đồng.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Manulife Việt Nam tiếp tục thúc đẩy mục tiêu chống biến đổi khí hậu với cam kết trồng rừng
(Manulife) – Manulife Việt Nam công bố đóng góp thêm 15.000 cây xanh vào hoạt động trồng rừng tại sự kiện triển lãm thuộc chương trình “Lan Tỏa Sức Ảnh Hưởng”, thể hiện cam kết của công ty trong việc chung tay giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Trải dài một tuần, sự kiện triển lãm thuộc chương trình “Lan Tỏa Sức Ảnh Hưởng” của Manulife mang đến cho nhân viên cơ hội để đóng góp vào nỗ lực chung của công ty trong việc xây dựng doanh nghiệp tốt hơn, hướng đến một thế giới tốt hơn. Chương trình được thiết kế để giúp Manulife đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn tại các thị trường đang hoạt động, nhằm thúc đẩy sự đổi mới, cải tiến dịch vụ và sản phẩm cũng như tăng cường đầu tư vào cộng đồng.
Một trong những khoản đầu tư cho cộng đồng được Manuife chú trọng gần đây là hoạt động cùng khách hàng trồng rừng. Sáng kiến này nhằm khuyến khích khách hàng nâng cao nhận thức về những nỗ lực bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Bà Marilyn Wang, Giám đốc Tiếp thị & Truyền thông của Manulife Việt Nam cho biết: “Các sáng kiến trồng cây quy mô lớn không chỉ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi hệ sinh thái, mà còn gửi một thông điệp quan trọng về việc cần thay đổi cũng như củng cố niềm tin rằng mỗi chúng ta đều có thể tạo ra sự khác biệt”.
“Với hoạt động cùng khách hàng trồng rừng, chúng tôi muốn đề cao những lợi ích môi trường của việc chuyển đổi số cũng như giúp thay đổi thói quen lâu dài của khách hàng về sự phụ thuộc vào giấy tờ. Manulife cũng đã cam kết giảm 35% sản lượng giấy sử dụng vào năm 2025 để đảm bảo lượng giấy còn lại đến từ các nguồn khai thác bền vững”, bà Marilyn Wang nói thêm.
Theo đó, Manulife Việt Nam đang khuyến khích khách hàng sử dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình giao dịch, đồng thời cải thiện tương tác của khách hàng với công ty.
Trong chiến dịch trồng cây mới nhất, kéo dài từ ngày 28/11 đến hết tháng 12/2022, Manulife Việt Nam khuyến khích khách hàng thực hiện đăng ký để sử dụng những tiện ích của cổng thông tin khách hàng ManuConnect. Chiến dịch này nhằm thu hút 15.000 khách hàng sử dụng dịch vụ số. Đổi lại, Manulife Việt Nam sẽ thay mặt họ trồng 15.000 cây xanh tại Rừng Cà Mau thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
ManuConnect được thiết kế để cung cấp trải nghiệm trực tuyến hoàn toàn, cho phép khách hàng xem xét và quản lý các hợp đồng của họ. Nó cũng đóng vai trò như một trung tâm kiến thức lưu trữ tất cả các hợp đồng, chi tiết giao dịch, thông tin cá nhân và lịch sử yêu cầu giải quyền quyền lợi bảo hiểm của khách hàng. Mới đây nhất, ManuConnect cho ra mắt hai tính năng gồm tính năng Tạo tài khoản Manulife ID tự động và tính năng Xác nhận hợp đồng trực tuyến nhằm tiện lợi hóa hơn nữa quy trình quản lý hợp đồng cho khách hàng.
Với sự phối hợp từ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Manulife đặt mục tiêu phủ xanh hơn 4 khu rừng trải dài khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, với cam kết trồng tổng cộng 24.200 cây, tương đương 12,8 héc ta rừng trong năm 2023. Theo Gaia, mỗi hecta rừng trồng có thể hấp thụ khoảng 99-123,2 tấn CO2 mỗi năm.
“Những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có thể nhận thấy rõ trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Chương trình cùng khách hàng trồng rừng của Manulife không chỉ thể hiện cam kết của công ty trong việc tham gia chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam mà còn cho thấy sự sẵn lòng tham gia giải quyết vấn đề trên nhiều phương diện. Chúng tôi tự hào được làm việc với một công ty đang thúc đẩy một tương lai bền vững cho người dân Việt Nam”, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, người sáng lập Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết.
- Tin quốc tế
Marsh Malaysia bổ nhiệm tân CEO
(INA) – Nhà môi giới bảo hiểm Marsh đã bổ nhiệm ông Chou Sean Chong làm Tổng Giám đốc mới của Công ty môi giới bảo hiểm Marsh (Malaysia), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Ông Chou sẽ làm việc tại trụ sở Kuala Lumpur. Ông báo cáo lên ông James Addton-Smith, Giám đốc điều hành Marsh Nam Á.
Ông kế nhiệm CB Lim, hiện là Giám đốc khách hàng và văn phòng công ty quốc gia (CCO) của Marsh McLennan Malaysia.
Trước khi đảm nhận vai trò mới, ông Chou gần đây nhất là Phó giám đốc điều hành Marsh Malaysia. Ông gia nhập công ty lần đầu tiên vào năm 2007 với tư cách là Giám đốc Phát triển kinh doanh và cũng từng là lãnh đạo chuyên môn.
Chubb được cơ quan quản lý đồng ý tăng tỷ lệ sở hữu tại Huatai lên 83,2%
(INA) – Công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại quốc tế Chubb đã được Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc chấp thuận để tăng tỷ lệ sở hữu trong Công ty TNHH Tập đoàn Bảo hiểm Huatai (Huatai) từ 47,3% lên 83,2%.
Huatai là công ty cổ phần của một số công ty con bao gồm Công ty Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại Huatai, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Huatai và Công ty Quản lý Tài sản Huatai. Hoạt động bảo hiểm của Huatai có hơn 700 chi nhánh, 23.000 đại lý và khoảng 19 triệu khách hàng tại Trung Quốc. Huatai Asset Management đang quản lý hơn 100 tỷ đô la tài sản và được cấp phép để quản lý các tổ chức, quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ bán lẻ. Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, Tập đoàn Huatai có tài sản trên 10 tỷ đô la (không bao gồm quỹ của bên thứ ba) và vốn chủ sở hữu trên 2 tỷ đô la. Vào năm 2021, Huatai có tổng doanh thu hơn 2 tỷ đô la.
Ông Evan G. Greenberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chubb, nói: “Trung Quốc hiện là thị trường bảo hiểm lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Với một xã hội già hóa và giàu có hơn, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm và quản lý tài sản. Chúng tôi có tầm nhìn dài hạn và tôi tin rằng Huatai sẽ phát triển và đã đến lúc trở thành đơn vị đóng góp có ý nghĩa vào doanh thu và thu nhập của chúng tôi trong tương lai”.
Công ty dự kiến giao dịch sẽ kết thúc sớm vào quý 1 năm 2023.
Trung Quốc: Sunshine Group giao dịch trên sàn Hồng Kông từ ngày 10/12
(Reuters) – Cổ phiếu Tập đoàn Bảo hiểm Sunshine của Trung Quốc (6963.HK) đã mở cửa phù hợp với giá phát hành của họ vào thứ Sáu trong phiên ra mắt tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Công ty đã huy động được 863 triệu USD bằng cách bán cổ phiếu của mình với giá 5,83 đô la Hồng Kông mỗi cổ phiếu trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO).
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông .HSI, đã tăng 0,2% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Trong bản cáo bạch của mình, Bảo hiểm Sunshine cho biết họ có các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, tai nạn, tài sản và thiệt hại. Tổng tài sản đầu tư của công ty là 416,3 tỷ nhân dân tệ (58,3 tỷ USD) tính đến ngày 30 tháng 6 năm nay.
Đây là đợt IPO lớn thứ hai ở Hồng Kông từ đầu năm đến nay, khi thị trường tài chính của thành phố gặp khó khăn với số lượng bán cổ phần mới thấp.
Theo dữ liệu của Refinitiv, từ đầu năm đến nay, các công ty đã huy động được gần 7 tỷ đô la trong các đợt IPO, khiến đây là năm tồi tệ nhất trong một thập kỷ.
Cuộc chiến của Nga chống Ukraine, lãi suất tăng, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát đã làm giảm nhu cầu mua cổ phiếu IPO của các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Nhu cầu từ các nhà đầu tư mua vào các đợt IPO của Hồng Kông cũng vẫn yếu do các cổ đông lẻ của thành phố không đăng ký mua tất cả cổ phiếu được chào bán cho họ trong thương vụ của Bảo hiểm Sunshine.
Theo tài liệu niêm yết của công ty, phần bán lẻ đã được đăng ký dưới mức, trong khi phần dành cho tổ chức chỉ được đăng ký mua gấp 1,34 lần.
Các giao dịch ở Hồng Kông đã được đăng ký vượt mức lên tới hàng nghìn lần trong thời kỳ thị trường đạt đỉnh vào năm 2020 khi các cổ đông tổ chức và nhỏ lẻ tranh nhau giành cổ phần trong hầu hết các đợt IPO.
Chẳng hạn, nhà sản xuất nước đóng chai Nongfu Spring 9633.HK của Trung Quốc đã được đăng ký vượt mức hơn 1.148 lần trong đợt huy động được 1 tỷ đô la vào tháng 9 năm 2020.
Nhu cầu yếu đối với các đợt IPO vào năm 2022, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Hồng Kông, khiến cho phần lớn doanh số bán cổ phiếu mới trong năm nay giao dịch dưới giá phát hành.
Malaysia: Ngân hàng Trung ương ban hành chính sách về quản lý rủi ro khí hậu
(AIR) – Bank Negara Malaysia (BNM), ngân hàng trung ương Malaysia, đã ban hành chính sách mới đặt ra các nguyên tắc và yêu cầu về quản lý rủi ro khí hậu và phân tích kịch bản cho các tổ chức tài chính, bao gồm các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm, nhằm tăng cường khả năng phục hồi của khu vực tài chính trước các rủi ro liên quan đến khí hậu và để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi công bằng và có trật tự sang nền kinh tế các-bon thấp.
Trước những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra đối với sự ổn định tài chính về lâu dài, Ngân hàng kỳ vọng các tổ chức tài chính sẽ ứng phó–
(a) khẩn trương thực hiện các hành động sớm để thực hiện các thay đổi hướng tới xây dựng khả năng phục hồi khí hậu;
(b) về mặt chiến lược, bằng cách tính toán xem các hành động hôm nay ảnh hưởng như thế nào đến kết quả trong tương lai theo một loạt các kịch bản và khung thời gian trong dài hạn;
(c) một cách toàn diện, khi củng cố các khuôn khổ quản lý rủi ro để giải quyết những rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra. Cụ thể, các tổ chức tài chính phải quản lý những rủi ro này bằng cách nhận ra các yếu tố đặc biệt của rủi ro liên quan đến khí hậu: có ảnh hưởng sâu rộng về chiều rộng và cường độ, có thể thấy trước nhưng rất phức tạp do tính không chắc chắn, phi tuyến tính, không thể đảo ngược và phụ thuộc vào các hành động ngắn hạn; và
(d) một cách toàn diện, thông qua sự hợp tác lớn hơn giữa nhiều bên liên quan hơn khi quản lý tác động hệ thống của các rủi ro liên quan đến khí hậu. Các tổ chức tài chính sẽ thu được lợi ích từ sự điều phối và hài hòa tập thể lớn hơn, đặc biệt là thông qua các nền tảng toàn ngành, bao gồm cả những nền tảng được hỗ trợ bởi Ủy ban hỗn hợp về biến đổi khí hậu (JC3) và Cộng đồng những người hành nghề VBI.
Ngân hàng kỳ vọng các tổ chức tài chính có một khuôn khổ quản lý rủi ro hiệu quả, tích hợp tất cả các rủi ro trọng yếu, bao gồm cả rủi ro liên quan đến khí hậu và tương tác của chúng với các loại rủi ro khác. Về vấn đề này, các yêu cầu cụ thể trong chính sách này liên quan đến rủi ro liên quan đến khí hậu bổ sung cho các yêu cầu hiện tại của Ngân hàng đối với các tổ chức tài chính để quản lý rủi ro trọng yếu và cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc xem xét rủi ro liên quan đến khí hậu như một phần không thể thiếu của các tổ chức tài chính’ quản trị, quản lý rủi ro, ICAAP, kiểm tra căng thẳng và thực hành công bố thông tin.
Ngày có hiệu lực
Chính sách có hiệu lực vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, tuân theo các thông số kỹ thuật chuyển tiếp liên quan đến quản trị, chiến lược, khẩu vị rủi ro và quản lý rủi ro sẽ có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2023; và đối với phân tích kịch bản, chỉ số và mục tiêu cũng như thông tin công bố sẽ có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Trong quá trình chuyển đổi, BNM mong muốn các tổ chức tài chính có sự quan tâm thích đáng đến các hành động mà họ nên thực hiện để–
(a) giảm thiểu rủi ro xung quanh tình trạng mất ổn định kinh tế do việc rút vốn đột ngột khỏi các lĩnh vực hoặc hoạt động kinh tế dễ bị tổn thương trước các rủi ro liên quan đến khí hậu, vốn có thể tiềm ẩn các vòng phản hồi bất lợi đối với nền kinh tế rộng lớn hơn và sự ổn định tài chính;
(b) thúc đẩy quá trình chuyển đổi của khách hàng và đối tác sang các hoạt động bền vững hơn;
(c) mở rộng tài trợ cho các cơ hội liên quan đến khí hậu và các hoạt động kinh tế bền vững, bao gồm đưa ra các giải pháp, thị trường và sản phẩm mới để hỗ trợ nền kinh tế các-bon thấp; và
(d) điều chỉnh tốt hơn các chiến lược kinh doanh và các mục tiêu liên quan đến khí hậu trong việc hỗ trợ các cam kết toàn cầu và quốc gia6 nhằm giải quyết biến đổi khí hậu.
Ấn Độ: IRDAI thành lập nhóm làm việc để đề xuất thay đổi khung pháp lý
(AIR) – IRDAI đã thành lập một nhóm làm việc gồm 15 thành viên để đề xuất một khung pháp lý hiệu quả sau khi đã loại bỏ thuế quan đối với bảo hiểm hỏa hoạn, kỹ thuật và xe cơ giới (thiệt hại riêng) trong những năm gần đây.
Các điều khoản tham chiếu của nhóm làm việc là:
- Đề xuất các cách tiếp theo sau khi ngừng áp thuế đối với các nghiệp vụ bảo hiểm hỏa hoạn, kỹ thuật và xe cơ giới (thiệt hại riêng).
- Đề xuất khung pháp lý cho các công ty bảo hiểm triển khai các cấu trúc sản phẩm tùy chọn (chẳng hạn như Tổn thất đầu tiên, Tổn thất vượt mức, Giá trị thỏa thuận) trong các nghiệp vụ Tài sản và Kỹ thuật cũng như cho phép các hợp đồng ngắn hạn và dài hạn cho tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại;
- Kiểm tra mức độ phù hợp của việc tiếp tục các sản phẩm tiêu chuẩn hiện có trong lĩnh vực Bảo hiểm hỏa hoạn, cụ thể là đơn Hỏa hoạn và các hiểm họa có liên quan tiêu chuẩn, Bharat Griha Raksha, Bharat Laghu Udyam Suraksha và Bharat Sookshma Udyam Suraksha.
- Đề xuất mô hình kinh doanh phù hợp để tăng quyền tự do lựa chọn sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là trường hợp mua xe mới và xem xét trường hợp ngừng MISP.
đ. Kiểm tra phạm vi cho các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại mới cho các rủi ro nhỏ, vừa và lớn.
Nhóm Công tác sẽ tiến hành tham vấn rộng rãi với các bên liên quan trong quá trình thảo luận và trước khi đưa ra các khuyến nghị cuối cùng. Nhóm công tác sẽ đệ trình báo cáo của mình trong thời gian ba tuần kể từ ngày có quyết định thành lập là 7/12/2022.
Trung Quốc: Tập đoàn Dajia bán cổ phần tại công ty con bảo hiểm ở Hàn Quốc
(AIR) – Theo các nguồn tin, Tập đoàn bảo hiểm Dajia của Trung Quốc đang tìm cách bán toàn bộ cổ phần của mình trong công ty con ABL Life Insurance của Hàn Quốc.
Tờ The Korea Economic Daily cho biết, với tỷ lệ giá thị trường trên giá trị sổ sách (P/B) từ 0,3 đến 0,5 lần mà các công ty bảo hiểm niêm yết của Hàn Quốc có, giá trị thỏa thuận dự kiến sẽ từ 300 tỷ KRW (230,4 triệu USD) đến 400 tỷ KRW.
Dajia đã chọn công ty luật hàng đầu của Hàn Quốc Kim & Chang làm tư vấn pháp lý cho giao dịch mua bán và dự kiến sẽ chọn một công ty quản lý chính.
Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Dajia vào tháng 6 năm 2019 để tiếp quản các hoạt động chính của Tập đoàn bảo hiểm Anbang đang bị bao vây khi cựu chủ tịch của Anbang, Wu Xiaohui, bị kết án 18 năm tù vào năm 2018 vì tội lừa đảo và tham ô.
Một nguồn tin cho biết chính quyền Trung Quốc đã không bán được 98,8% cổ phần của Dajia vào năm ngoái – họ sẽ cố gắng bán lại sau khi thoái vốn các tài sản không cốt lõi của tập đoàn.
ABL Life ban đầu là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Cheil của Hàn Quốc được thành lập vào năm 1954. Cheil, công ty bảo hiểm lớn thứ tư của Hàn Quốc về quy mô tài sản vào những năm 1990, đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và được bán cho công ty bảo hiểm khổng lồ Allianz của Đức vào năm 1999. Anbang đã mua Bảo hiểm nhân thọ Allianz tại Hàn Quốc với giá 3 triệu USD vào năm 2017 và đổi tên thành ABL Life trong cùng năm.
Thái Lan: Các công ty bảo hiểm nhân thọ thu lợi từ lãi suất tăng, nhưng lạm phát tiềm ẩn rủi ro
(AIR) – Fitch Ratings cho biết các công ty bảo hiểm nhân thọ của Thái Lan có thể được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn thông qua biên độ đầu tư rộng hơn và rủi ro tái đầu tư thấp hơn.
Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu cho biết thêm, họ cũng sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc đáp ứng mức lãi suất cao trong các sản phẩm cũ có bảo đảm hoàn trả.
Tuy nhiên, Fitch dự kiến lợi ích sẽ thấp hơn so với các công ty bảo hiểm ở các thị trường châu Á khác có khoảng cách thời hạn rộng hơn.
Môi trường lạm phát hiện tại có thể làm tăng rủi ro mất hiệu lực đối với các hợp đồng hiện tại khi các chủ hợp đồng chuyển sang các sản phẩm mới có lợi nhuận cao hơn và các công ty bảo hiểm nhân thọ Thái Lan có thể đối mặt với những thách thức trong tăng trưởng kinh doanh mới.
Fitch kỳ vọng vốn hóa tổng thể của các công ty bảo hiểm nhân thọ Thái Lan có thể quản lý được, bất chấp thị trường chứng khoán biến động, điều này sẽ có tác động ngắn hạn đến thu nhập của họ.
Rủi ro thua lỗ chưa thực hiện từ các khoản nắm giữ có thu nhập cố định được hạn chế vì hầu hết các khoản đầu tư được phân loại là nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Nâng cao hồ sơ doanh nghiệp thông qua số hóa
Các công ty bảo hiểm nhân thọ Thái Lan đã tăng cường số hóa kể từ đại dịch COVID-19 để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, tối ưu hóa chi phí và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng các đại lý và bancassurance sẽ vẫn là các kênh phân phối quan trọng, trong khi phân phối trực tuyến sẽ tăng trong dài hạn. Tác động của số hóa đối với xếp hạng của các công ty bảo hiểm nhân thọ Thái Lan có thể sẽ ở mức thấp đến trung bình. Các công ty bảo hiểm cũng tập trung vào nỗ lực đối phó với các rủi ro ngày càng tăng liên quan đến mạng để ngăn chặn sự ngừng hoạt động và thiệt hại về thu nhập và giá trị thương hiệu.
Fitch kỳ vọng dân số già sẽ tiếp tục mang lại cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe. Các công ty bảo hiểm nhân thọ có khả năng quản lý hoạt động đánh giá rủi ro thông qua phòng ngừa rủi ro. Các quy định của địa phương đã hỗ trợ và cho phép các công ty bảo hiểm đối phó với những thay đổi nhanh chóng trên thị trường và điều kiện kinh tế đầy biến động. Ví dụ: các quy tắc đã được điều chỉnh để cho phép bán các sản phẩm bảo hiểm bằng kỹ thuật số và cung cấp cho các công ty bảo hiểm nhiều lựa chọn hơn để quản lý lợi tức đầu tư.
BTV (Tổng hợp).