TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 43

Sun Life ra mắt sản phẩm Bảo vệ sức khỏe toàn diện; Bảo hiểm hàng hải phục hồi sau đại dịch; HSBC cung cấp giải pháp quản lý quỹ cho công ty bảo hiểm

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

PVI bồi thường trên 138 tỷ đồng cho vụ cháy Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông

(AVI) – Ngày 05/11/2020, tại Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã thực hiện đợt chi trả bồi thường cuối cùng vụ tổn thất cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông với tổng số tiền chi trả các đợt là trên 138 tỷ đồng.

Khoảng 18h ngày 28/8/2019, một vụ cháy đã xảy ra trong khuôn viên phía Nam khu vực kho chứa hàng hóa, nhà xưởng thuộc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông với tổng diện tích kho, xưởng xảy ra cháy là khoảng 6.000m2. Các kho, xưởng bị cháy là kho compact, bóng đèn huỳnh quang, phích, đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác. Trước đó, ngày 14/01/2019, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tham gia bảo hiểm Cháy và các Rủi ro đặc biệt tại Bảo hiểm PVI với số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Lãnh đạo và cán bộ Giải quyết khiếu nại của Bảo hiểm PVI đã chỉ định Giám định viên và chủ động, tích cực phối hợp với Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, các cơ quan chức năng đánh giá tổn thất nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ cháy.

Sau quá trình giám định kiểm đếm hàng hóa thiệt hại của Giám định viên, dọn dẹp hiện trường, xử lý môi trường của quân đội và cung cấp hồ sơ chứng minh thiệt hại ban đầu, chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn, Bảo hiểm PVI đã nhanh chóng thực hiện 2 lần tạm ứng bồi thường cho Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vào ngày 30/12/2019 và ngày 02/6/2020, mỗi lần số tiền tạm ứng là 50 tỷ đồng để giúp Công ty bước đầu giải quyết khó khăn, khắc phục tổn thất. Ngày 05/11/2020, Bảo hiểm PVI đã thực hiện chi trả đợt cuối cùng số tiền bảo hiểm với trị giá hơn 38 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ: Lịch sử hơn 60 năm phát triển, Công ty chưa bao giờ gặp sự cố như vụ cháy ngày 28/8/2019 vừa qua. Qua quá trình Bảo hiểm PVI xử lý vụ việc kịp thời, Công ty càng khẳng định việc lựa chọn Bảo hiểm PVI là đúng đắn. Chúng tôi đã đặt niềm tin vững chắc vào một đối tác lớn, tin cậy. Cán bộ của Bảo hiểm PVI đã sát cánh với chúng tôi ngay sau khi xảy ra vụ cháy. Công tác bồi thường được thực hiện nhanh chóng giúp Công ty có dòng tiền khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất.

Phát biểu sau khi chi trả bồi thường cho khách hàng, ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI cho biết: Là Nhà bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, với trách nhiệm của mình, không chỉ tại sự cố cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mà tại bất kỳ các sự cố, thiên tai khác, Bảo hiểm PVI cũng thường xuyên đôn đốc, chủ động phối hợp với các công ty giám định độc lập và các bên liên quan nhanh chóng kháo sát, đánh giá rủi ro nhằm thực hiện tạm ứng và bồi thường, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người và tài sản của bên tham gia bảo hiểm.

Sản phẩm bảo hiểm Cháy và các Rủi ro đặc biệt thuộc nghiệp vụ bảo hiểm Tài sản của Bảo hiểm PVI. Là nhà bảo hiểm đứng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm Tài sản, xây dựng, lắp đặt và kỹ thuật cho các công trình, dự án, Bảo hiểm PVI luôn đồng hành cùng chủ đầu tư, các nhà thầu để đưa ra các giải pháp quản lý rủi ro và bảo hiểm hiệu quả nhất. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và năng lực tài chính vững mạnh, Bảo hiểm PVI luôn là điểm tựa an toàn cho các công trình trọng điểm quốc gia cũng như các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Bảo hiểm VietinBank ứng trước 10 tỷ đồng cho tổn thất bão số 6

(ĐTCK) – Bão số 6 gây ra mưa lớn dài ngày trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề khiến hàng nghìn nhà dân tại miền Trung, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, ngập sâu trong mưa lũ, thiệt hại lớn về người và của.

Ngay sau diễn biến của cơn bão số 6, với kinh nghiệm và nghiệp vụ bảo hiểm, Bảo hiểm VietinBank đã khẩn trương cử lực lượng giám định viên đến hiện trường doanh nghiệp khách hàng, đồng thời tham gia công tác hỗ trợ và cứu hộ đối với những tổn thất về hàng hóa ngập nước, hệ thống điện chập cháy, đất đá đồi núi gây sạt lở công trình đang thi công, máy móc bị ngập nước để hỗ trợ khách hàng giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả sau cơn bão, Bảo hiểm VietinBank đã quyết định tạm ứng dự phòng trước 10 tỷ đồng để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp bị thiệt hại trong cơn bão số 6 tập trung tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và TP.HCM; bao gồm các công trình thủy điện, khu công nghiệp, các công ty sản xuất hàng hóa bánh kẹo, đồ gia dụng, điện lạnh, thiết bị dân dụng, hàng điện tử…

Ông Vũ Dương Quý, Giám đốc Ban bồi thường Bảo hiểm VietinBank cho biết: “Mỗi năm đến đợt bão lũ, anh em cán bộ Bồi thường VBI luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị các tình huống ứng phó và túc trực kịp thời để hỗ trợ khách hàng tại hiện trường nhằm hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất. Thấu hiểu những khó khăn và rủi ro của những khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất trong đợt mưa lũ, nên mặc dù hàng năm VBI luôn phải chi trả số tiền bồi thường rất lớn, hàng chục tỷ đồng cho những tổn thất của khách hàng doanh nghiệp, nhưng VBI vẫn liên tục tái tục, cam kết đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp sản xuất để mang lại những giá trị bảo toàn và ổn định nền kinh tế, xã hội”.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cán bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện. Bảo hiểm VietinBank cùng cán bộ người lao động đang chung tay liên tục ủng hộ miền Trung bão lũ với số tiền hơn 300 triệu đồng trong 2 ngày kêu gọi.

Bảo hiểm VBI Nghệ An bồi thường 500 triệu đồng cho khách hàng tử vong do điện giật

(ĐTCK) – Trong tháng 10, Công ty Bảo hiểm VietinBank Nghệ An (VBI Nghệ An) đã phối hợp cùng chi nhánh VietinBank Bắc Nghệ An tổ chức chi trả 500 triệu đồng tiền bồi thường gói bảo hiểm người vay vốn cho gia đình ông Đoàn Khắc Hiến, tử vong do bị điện giật.

Tham dự tại buổi trao bồi thường có ông Nguyễn Vũ Trung – Phó giám đốc VietinBank Bắc Nghệ An, ông Nguyễn Minh Thông – Trưởng phòng kinh doanh VietinBank Bắc Nghệ An cùng các cán bộ phòng giao dịch.

Vào ngày 24/6/2019, với nhu cầu vay vốn để làm ăn, ông Đoàn Khắc Hiếu được các cán bộ ngân hàng tư vấn gói bảo hiểm người vay vốn với số phí 1,75 triệu đồng/năm. Nhưng vào ngày 15/6/2020, ông Hiếu đã không may tử vong do bị điện giật tại nhà, mang đến sự mất mát vô cùng lớn đối với gia đình.

Nhận được thông tin, VBI Nghệ An đã nhanh chóng phối hợp với VietinBank Bắc Nghệ An tổ chức thăm hỏi, động viên, hướng dẫn bà Lê Thị Liên là vợ ông Đoàn Khắc Hiếu hoàn thiện hồ sơ để nhận chi trả bồi thường bảo hiểm theo đúng quy định với tổng số tiền 500 triệu đồng.

Bảo hiểm người vay vốn là một sản phẩm vô cùng tiện ích của VBI, gói sản phẩm hỗ trợ chi trả lên tới 2 tỷ đồng với quyền lợi bảo hiểm tai nạn, tối đa 500 triệu đồng với quyền lợi sinh mạng do ốm đau, bệnh tật. Không những thế, VBI có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hỗ trợ giải quyết bồi thường nhanh chóng, thuận tiện.

Gói sản phẩm người vay vốn được áp dụng với tất cả cá nhân từ 18 đến 65 tuổi, là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vay vốn tại các ngân hàng ở Việt Nam.

Với những khách hàng tham gia vay vốn tại ngân hàng VietinBank, các khách hàng sẽ được các cán bộ ngân hàng tư vấn chặt chẽ các thủ tục cùng các quyền lợi, ưu đãi đặc biệt khi tham gia bảo hiểm người vay vốn VBI.

Bên cạnh các gói sản phẩm bảo hiểm hữu ích này, VBI còn cung cấp rất nhiều những sản phẩm bảo hiểm hữu ích khác phù hợp với tài chính và nhu cầu của khách hàng như: Bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm ô tô – xe máy, bảo hiểm tai nạn con người để đem lại cho khách hàng cuộc sống an tâm, tốt đẹp hơn.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Dai-ichi Life Việt Nam lọt Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020

(ĐTCK) – Dai-ichi Life Việt Nam vừa được vinh danh trong “Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) năm 2020”.

Theo kết quả xếp hạng, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong hai doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt nhất ngành bảo hiểm nhân thọ, đồng thời giữ vị trí 69/500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020.

Đây là năm đầu tiên Dai-ichi Life Việt Nam tham gia chương trình khảo sát – đánh giá này và đạt được thứ hạng cao như một ghi nhận đáng quý cho hiệu quả và năng lực kinh doanh, cũng như nỗ lực đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Riêng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần kể từ khi thành lập, tăng 14% so với năm 2018 và chiếm 12% thị phần tổng doanh thu phí.

Tổng tài sản do Dai-ichi Life Việt Nam quản lý đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Đặc biệt, Dai-ichi Life Việt Nam đã chính thức vượt cột mốc phục vụ trên 3 triệu khách hàng vào ngày 18/12/2019.

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng PROFIT500, Vietnam Report cũng tiến hành nghiên cứu khảo sát các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt, khả năng tăng trưởng lợi nhuận trước tác động của đại dịch Covid-19 và định hướng phát triển kinh doanh trong thời kỳ “bình thường mới”.

Ở tiêu chí này, Dai-ichi Life Việt Nam đã chứng tỏ vị thế tiên phong và năng lực kinh doanh khi từ đầu năm đến nay liên tục ra mắt 4 sản phẩm mới với nhiều ưu điểm vượt trội, triển khai 5 chương trình khuyến mại lớn với tổng trị giá trên 32 tỷ đồng…

Sun Life Việt Nam ra mắt sản phẩm bảo hiểm Bảo vệ sức khỏe toàn diện

(ĐTCK) – Theo hãng bảo hiểm đến từ Canada, sản phẩm Bảo vệ sức khỏe toàn diện được thiết kế là sản phẩm bổ sung cung cấp quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khách hàng có độ tuổi từ 30 ngày tuổi đến tối đa 70 tuổi để giúp họ có kế hoạch tốt nhất trong việc bảo vệ sức khỏe với sự hỗ trợ tài chính khi gặp rủi ro.

Bảo vệ sức khỏe toàn diện mang đến nhiều quyền lợi (tùy theo Kế hoạch bảo hiểm mà khách hàng lựa chọn) như: Chi trả chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú, chăm sóc thai sản và nha khoa; Chi trả chi phí điều trị ung thư theo các liệu pháp truyền thống và hiện đại; Bảo hiểm cho cả trẻ em và người lớn đến 70 tuổi; Hệ thống Bảo lãnh viện phí uy tín tại Việt Nam và châu Á; Tổng quyền lợi chi trả hàng năm lên đến 1 tỷ đồng.

Được thiết kế nhằm giúp khách hàng an tâm điều trị, khám chữa bệnh mà không phải lo lắng về các chi phí y tế phù hợp với nhu cầu của mỗi Khách hàng, Sun Life Việt Nam cũng đã liên kết với đối tác để có hệ thống các bệnh viện, phòng khám chất lượng, rộng khắp, giúp Khách hàng được khám chữa bệnh bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao cùng với chất lượng dịch vụ tốt nhất nhằm hướng đến tương lai an toàn tài chính với cuộc sống khỏe mạnh.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp ép khách vay phải mua bảo hiểm

(ĐTCK) – Ngày 30/10 vừa qua, trong công văn số 7929- NHNN- TTGSHH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các tổ chức này tuân thủ quy định pháp luật và phát triển lành mạnh, bền vững. Công văn do ông Nguyễn Văn Du, Q.Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng nhà nước ký.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Đồng thời, các ngân hàng phải chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cho khách hàng có nhu cầu và giúp khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm… Các ngân hàng phải quán triệt, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm cho nhân viên, trong đó cần đặc biệt lưu ý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Yêu cầu trên được đưa ra do thực tế thời gian qua lộ diện nhiều trường hợp “ép”, lơ là khâu tư vấn được dư luận và cơ quan truyền thông lên tiếng trong khi doanh thu từ kênh bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng tăng đáng kể những năm gần đây.

Công văn cũng đề nghị các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm gửi cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trước ngày 15/11/2020. Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

10 tháng, bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế 434.625 tỷ đồng

(ĐTCK) – Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bảo hiểm duy trì đà tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 148.547 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm 2019.

Cũng trong 10 tháng qua, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đạt 537.326 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế 434.625 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 38.975 tỷ đồng.

Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường ước đạt 131,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đạt 531,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với 9 tháng năm 2019.

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9 năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.969 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5.7%; bồi thường 13.996 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 34% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Còn với mảng bảo hiểm nhân thọ, doanh thu bảo hiểm của khối này ước đạt 89.914 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến hết tháng 9/2020, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 2.194.800 hợp đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,1%, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 5,6%, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 27,3%, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 8,0% giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 3%, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 11.123.468 tăng 14%.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng   

Bảo Việt Nhân thọ hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho đồng bào vùng lũ

(AVI) – Từ đầu tháng 10, các cơn bão từ biển Đông đổ bộ vào đất liền khiến cả miền Trung ngập trong biển nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân. Theo Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tính đến ngày 25/10/2020, các tỉnh miền Trung có khoảng 885 ngôi nhà bị hư hỏng, 1.418ha lúa và 7.871ha hoa màu bị ngập, hư hại; 7.039 gia súc và 927.792 gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tại các vùng “rốn lũ”, nhiều nơi nước dâng cao đến 4m, chạm nóc nhà, người dân phải chuyển sang nhà bè tránh lũ và di chuyển bằng ghe thuyền đến điểm cứu hộ.

Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại, mất mát nặng nề về người và tài sản, để kịp thời cứu trợ cho bà con, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ đã nhanh chóng thực hiện chương trình “Cùng miền Trung vượt lũ”, trao tặng 1.5 tỷ đồng cho các gia đình khó khăn tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Bên cạnh sự hỗ trợ từ Công ty, các cán bộ, tư vấn viên Bảo Việt Nhân thọ cũng đã tình nguyện ủng hộ một ngày lương để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên, khích lệ bà con vượt qua nghịch cảnh, sớm khôi phục lại cuộc sống sau thiên tai.

Cơn lũ lịch sử vừa qua đã cướp đi mạng sống của gần 150 người dân và khiến hàng chục người mất tích. Trong đó, 02 khách hàng của Bảo Việt Nhân thọ cũng đã không may thiệt mạng do lũ cuốn và sạt lở. Ngay khi nhận được thông tin, các cán bộ và tư vấn viên Bảo Việt Nhân thọ đã đến thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình khách hàng. Đồng thời, nhằm hỗ trợ nhanh chóng các gia đình có nguồn tài chính vững vàng để ổn định cuộc sống, Bảo Việt Nhân thọ đã ưu tiên giải quyết và hoàn tất quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm chỉ trong 01 ngày làm việc.

Theo đó, Bảo Việt Nhân thọ đã thực hiện chi trả 445 triệu đồng cho gia đình khách hàng bị thiệt mạng do lật ghe tại Thừa Thiên Huế. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, khách hàng mới 31 tuổi và tham gia hợp đồng bảo hiểm được hơn 1 năm thì sự việc đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, tại Quảng Nam, Bảo Việt Nhân thọ cũng đã chi trả 394 triệu đồng cho gia đình khách hàng bị lũ cuốn, hợp đồng bảo hiểm của con trai khách hàng cũng được Bảo Việt Nhân thọ duy trì miễn phí và tiếp tục được bảo vệ cho đến ngày đáo hạn.

Đại diện Bảo Việt Nhân thọ cho biết: “Lũ lụt là thiên tai địch họa khó lường. Thông qua chương trình cứu trợ, chúng tôi mong muốn góp một phần sức lực để hỗ trợ người dân sớm vượt qua mất mát, hy vọng tất cả bà con đều được an toàn. Dù bảo biểm nhân thọ là nguồn tài chính vững chắc cho gia đình khi xảy ra rủi ro, những ngày này, chúng tôi đều cầu mong không có khách hàng nào thương vong do lũ mà nhận được chi trả.”

Bảo hiểm Vietinbank và khách hàng ủng hộ đồng bào miền Trung

(VBI) – Hơn 1000 cán bộ Bảo hiểm VietinBank và các mạnh thường quân, khách hàng đã cùng nhau quyên góp hơn 300 triệu đồng, 5,5 tấn gạo cùng rất nhiều quà tặng, nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ.

Trong những ngày qua, đồng bào miền Trung đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trước những hậu quả to lớn từ bão lũ. Tất cả người dân cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với những món quà nhỏ là nhu, yếu phẩm, mong chia sẻ những khó khăn với người dân nơi đây.

Tại Bảo hiểm VietinBank – VBI, ngay khi có thông tin, Đoàn Thanh niên đã phát động chiến dịch thiện nguyện “Vì miền Trung thân yêu”. Kết quả đem lại vô cùng ấn tượng. Chỉ sau hơn một ngày phát động, hơn 1000 cán bộ người lao động và các mạnh thường quân, khách hàng của VBI đã chung tay đóng góp được hơn 300 triệu đồng, 5,5 tấn gạo và rất nhiều nhu yếu phẩm khác để gửi tới bà con miền Trung. Số tiền trên càng ấn tượng hơn nữa khi trước đó 1 tuần, toàn thể cán bộ VBI đã quyên góp được gần 300 triệu đồng cho chương trình thiện nguyện tại Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Đây là hành động thiết thực, nghĩa cử cao đẹp chung tay cùng đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn trước thiên tai, lũ lụt của toàn thể cán bộ nhân viên và các khách hàng của VBI.

Ngay sau khi nhận được sự đóng góp ủng hộ, ngày 27 và 28 -9 vừa qua, Đoàn Thanh niên VBI đã ngay lập tức tiến hành lên đường trao tận tay 1250 phần quà là tiền mặt và các nhu yếu phẩm đến tay bà con vùng lũ tại huyện Quảng Ninh, huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình, xã Hải Ba, xã Hải Thượng thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị và một số địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.

Anh Lê Quang Vinh – Bí thư Đoàn thanh niên VBI chia sẻ: “Đi đến những nơi chịu thiệt hai từ lũ lụt tại miền Trung chúng tôi mới thấu hiểu hết những khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây và luôn tâm niệm phải trao tận tay những phần quà ý nghĩa, thiết thực nhất tới người dân. VBI sẽ tiếp tục thực hiện các hành trình sẻ chia trong thời gian tới để lan tỏa tấm lòng nhân ái tới không chỉ bà con đồng bào miền Trung mà còn trên mọi miền tổ quốc.”

Trước đó, nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả sau cơn bão, Bảo hiểm VietinBank – VBI cũng đã quyết định tạm ứng dự phòng trước 10 tỷ đồng để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp bị thiệt hại trong cơn bão số 6 tập trung tại các tỉnh: Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn; bao gồm các Công trình Thủy Điện, Khu công nghiệp, các Công ty sản xuất hàng hóa bánh kẹo, đồ gia đụng, điện lạnh, thiết bị dân dụng, hàng điện tử v…v

Các chỉ đạo thiết thực này sát với thực tế tình hình khó khăn của khách hàng, người dân thể hiện sứ mệnh đối với xã hội và khách hàng của Bảo hiểm VietinBank.

  1. Tin quốc tế

Ấn Độ: Công ty bảo hiểm chi trả bồi thường tai nạn bảo hiểm hàng không lớn nhất

(AIR) – Các công ty bảo hiểm Ấn Độ đã bồi thường 6,6 tỷ INR (89 triệu USD) cho một vụ tai nạn máy bay của hãng Air India Express bị tai nạn vào tháng 8. Đây là khoản chi trả bồi thường lớn nhất thị trường hàng không nước này.

Báo cáo của Indian Express dẫn lời ông Atul Sahai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng bảo hiểm New India Assurance, cho biết trong tổng giá trị bồi thường 89 triệu đô la, 51 triệu đô la cho tổn thất toàn bộ thân tàu bay và 38 triệu đô la cho trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh đối với những hành khách chết hoặc bị thương và mất hành lý, v.v.

Bảo hiểm New India do nhà nước kiểm soát, là nhà bảo hiểm chính của Air India, đã thanh toán 3,3 tỷ INRR (51 triệu đô la) bồi thường thân tàu by cho Air India, cũng là khoản chi cao nhất từng có trên thị trường bảo hiểm hàng không Ấn Độ tại phân khúc này.

Phần lớn các yêu cầu bồi thường được tài trợ bởi một số công ty tái bảo hiểm toàn cầu bao gồm GIC Re, công ty đã chi trả 7 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh việc thanh toán toàn bộ yêu cầu bồi thường thân tàu, New India Assurance cũng thanh toán 35 triệu INR cho trách nhiệm pháp lý để cứu trợ ngay lập tức cho những hành khách bị ảnh hưởng.

Vào ngày 7 tháng 8, chuyến bay xấu số của Air India Express từ Dubai đến Kerala ở miền nam Ấn Độ đã trượt khỏi đường băng, trở thành một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ. Máy bay khi hạ cánh trong đêm đã trượt khỏi đường băng trên đỉnh núi và rơi xuống một thung lũng sâu phía dưới 35 feet và vỡ thành nhiều mảnh, giết chết 21 người trên khoang, bao gồm cả phi công và khiến nhiều người khác bị thương nặng. Có tổng số 190 người trên máy bay.

Air India đã nộp phí bảo hiểm 30 triệu đô la cho giá trị bảo hiểm 10 tỷ đô la cho đội bay của mình trong thời gian gia hạn từ 2020-21 bắt đầu vào ngày 1 tháng 4. Tổng trách nhiệm theo chính sách trách nhiệm mà hãng hàng không chi trả là khoảng 750 triệu đô la.

Hơn 95% tài khoản khách hàng tại Air India được tái bảo hiểm với thị trường London và với các nhà tái bảo hiểm toàn cầu.

Liên danh bốn công ty bảo hiểm nhà nước, gồm New India Assurance, National Insurance, Oriental Insurance và United India Insurance, là những nhà bảo hiểm chính của Air India.

Phần của New India Assurance trong phí bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường là 40%, số 60% còn lại được chia đều cho National Insurance, Oriental Insurance và United India.

Mưa đá ở Úc gây tổn thất bảo hiểm ít nhất 140 triệu USD

(AIR) – Trận mưa đá đổ bộ vào phía đông nam Queensland vào ngày 31 tháng 10 đã gây ra thiệt hại ít nhất là 195 triệu đô la Úc (140 triệu đô la) cho đến nay. Các khoản tổn thất dự kiến sẽ tăng lên khi các yêu cầu bồi thường tăng lên.

Hầu hết các yêu cầu bồi thường là thiệt hại xe cơ giới. Ngoài ra còn có thiệt hại cho mái nhà, cửa sổ trần và các tấm pin mặt trời, và thiệt hại nội thất cho một tỷ lệ đáng kể các ngôi nhà.

Hội đồng Bảo hiểm Australia (ICA) cho biết, đây được coi là thảm họa đầu tiên của mùa thiên tai 2020/21 với 17.000 yêu cầu bồi thường đã nộp.

Ông Andrew Hall, Giám đốc điều hành ICA, nói: “Với việc ICA đưa ra tuyên bố thảm họa, các công ty bảo hiểm sẽ ưu tiên các yêu cầu bồi thường từ những khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa đá này và sẽ hướng sự chú ý khẩn cấp đến những người cần được hỗ trợ nhất”.

Theo ông, các công ty bảo hiểm đang dự kiến một loạt các yêu cầu bồi thường khi nhiều chủ hộ và doanh nghiệp kiểm tra thiệt hại và liên hệ với các công ty bảo hiểm hoặc công ty môi giới bảo hiểm của mình.

Bão Rolly gây thiệt hại kinh tế gần 40 triệu USD

(AIR) – Bão Rolly, được xác nhận là xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất thế giới cho đến nay, đã gây ra hư hại và tổn thất tổng cộng gần 2 tỷ PHP (40 triệu USD) đối với ngành nông nghiệp Philippines.

Manila Bulletin đưa tin, dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (DRRM) của Bộ Nông nghiệp (DA) cho thấy mức hư hại và tổn thất mà ngành nông nghiệp phải gánh chịu do cơn bão Rolly hiện là 1,75 tỷ PHP. Số nông dân bị ảnh hưởng cũng tăng lên 26.948 người trong khi tổng diện tích nông nghiệp bị thiệt hại là 26.261 ha.

Bão Rolly đổ bộ vào Bato, Catanduanes vào ngày 1 tháng 11 và gây ra lũ lụt lớn tại tỉnh này, sau đó di chuyển gây thiệt hại nghiêm trọng ở các khu vực khác của quần đảo.

Ngoài hỗ trợ tài chính của chính phủ, Tổng công ty Bảo hiểm Cây trồng Philippines (PCIC) đã dành ra 1 tỷ PHP trong quỹ bồi thường để chi trả cho tổn thất của nông dân trong trận bão.

Ngành bảo hiểm hàng hải phục hồi khiêm tốn sau đại dịch

(AIR) – Do đại dịch virus Corona ảnh hưởng đáng kể đến thương mại, vận chuyển, giá cả hàng hóa và hoạt động của người tiêu dùng nên triển vọng cho ngành bảo hiểm hàng hải vẫn chưa chắc chắn. Mặc dù vậy, một phân tích từ Liên minh Bảo hiểm Hàng hải Quốc tế (IUMI) cho thấy đang có sự khởi đầu của quá trình phục hồi ở mức độ khiêm tốn trong hầu hết các nghiệp vụ.

Phân tích cho thấy phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực tương đối ổn định và những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi khiêm tốn của thị trường là đáng khích lệ. Tuy nhiên, COVID-19 đã tạo ra một mức độ không chắc chắn mới.

Cũng cần lưu ý rằng khoảng cách giữa phí bảo hiểm thân tàu toàn cầu và dung tích tàu toàn cầu tiếp tục được nới rộng, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Theo IUMI, tỷ lệ tổn thất thân tàu đã được cải thiện một chút và môi trường tổn thất ở mức ổn định, ngoại trừ các vụ cháy tàu lớn tiếp tục xảy ra. Điều này, cùng với việc giảm khả năng đánh giá rủi ro, dường như cho thấy sự phục hồi của thị trường nhưng từ mức cơ bản đặc biệt thấp.

Tỷ lệ tổn thất do bảo lãnh hàng hóa cũng được cải thiện nhẹ nhưng thương mại toàn cầu giảm mạnh do COVID-19 và sự tích tụ rủi ro trên tàu và trên bờ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vẫn có sự phục hồi của thị trường trên tất cả các khu vực.

Gần đây, IUMI đã phát hành bản phân tích năm 2020 về thị trường bảo hiểm hàng hải toàn cầu – có tên gọi là “IUMI Stats”. Bản báo cáo trình bày một loạt dữ liệu thống kê từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm dữ liệu của liên minh, để cung cấp cái nhìn sâu sắc về thị trường bảo hiểm hàng hải trong bối cảnh thương mại và vận chuyển toàn cầu.

“Làm việc với một số đối tác có giá trị, Ủy ban Dữ kiện và Số liệu của chúng tôi đã đưa ra phân tích thống kê của năm nay, trong đó có các phân tích chuyên sâu và bình luận. IUMI thu thập dữ liệu về phí bảo hiểm hàng hải toàn cầu cùng với tỷ lệ tổn thất, yêu cầu bồi thường và các dữ liệu khác. Trong khi dữ liệu của chúng tôi bao gồm năm 2019, chúng tôi cũng cố gắng bình luận về tình trạng chung của đánh giá rủi ro hàng hải nhưng điều đó đã vô cùng thách thức trong năm nay”, tổng thư ký IUMI Lars Lange nói.

Năm nay, và lần đầu tiên, báo cáo cũng bao gồm những phát hiện ban đầu từ cơ sở dữ liệu các yêu cầu chính của IUMI. Trong ba năm qua, Liên minh đã thu nạp 22 hiệp hội bảo hiểm quốc gia, với 6.800 hồ sơ về các tổn thất lớn trên biển đã được nộp.

Nhiều sân chơi hơn cho bảo hiểm vi mô trong dịch COVID-19

(AIR) – Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang tạo ra những cơ hội to lớn cho các công ty bảo hiểm vi mô tham gia và phát triển lĩnh vực này.

Các diễn giả tại hội nghị quốc tế về bảo hiểm vi mô (tổ chức online) nhấn mạnh rằng trong bảy tháng qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến những người thuộc phân khúc thu nhập thấp và ngành bảo hiểm phải chung tay ứng phó với thách thức này.

Đại dịch đã làm gia tăng các vấn đề, đặc biệt đối với phụ nữ nghèo, và các công ty bảo hiểm cần đưa ra các sản phẩm đơn giản, giá cả phải chăng và bền vững để giải quyết nhu cầu của họ.

Cô Shilpi Shastri, cố vấn chiến lược-bảo hiểm của tổ chức Women’s World Banking, nói rằng bảo hiểm đã tạo ra một trải nghiệm tích cực cho phụ nữ trong thời kỳ đại dịch. Cô nói: “Số tiền phụ nữ nhận được từ các yêu cầu bảo hiểm giúp trả nợ và quản lý mức tiêu dùng”. Cô kêu gọi các công ty bảo hiểm phát triển một mô hình tổng thể cho các cộng đồng khác nhau.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói và khó khăn do mất việc làm và sinh kế làm nổi bật nhu cầu cấp thiết phải tung ra các sản phẩm bảo hiểm chi phí thấp trên khắp các thị trường.

Ông Rehan Butt, Giám đốc thương mại của MicroEnsure Pakistan, cho biết những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp của xã hội cần những sản phẩm đơn giản, không ràng buộc.

Theo ông, “Ngành bảo hiểm cần đơn giản hóa các quy trình hoạt động và đưa AI vào quy trình yêu cầu bồi thường”. Ông nói thêm rằng tương lai của các công ty bảo hiểm là các sản phẩm đơn giản, ngắn hạn và tiện lợi.

Sự gia tăng của công nghệ có giá cả phải chăng và AI đang mở đường cho các công ty bảo hiểm phát triển và phân phối hiệu quả các sản phẩm bảo hiểm chi phí thấp.

Ông Syed Nayyar Hussain, Trưởng phòng thuộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Pakistan, nói rằng họ khuyến khích sự đổi mới và áp dụng công nghệ của ngành.

Ông Gilles Renouil, Giám đốc toàn cầu về các sản phẩm bảo hiểm của Women’s World Banking, cho biết rằng ngành bảo hiểm phải làm việc với các cơ quan quản lý với tư cách là đối tác và tương tác với khách hàng cũng như cung cấp các dịch vụ bổ sung để nâng cao niềm tin của họ trong lĩnh vực này.

Hội nghị kéo dài 5 ngày, do Quỹ Munich Re phối hợp với Mạng lưới bảo hiểm vi mô tổ chức.

Allianz Malaysia cung cấp bảo hiểm COVID-19 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

(AIR) – Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Allianz Malaysia vừa giới thiệu một sản phẩm bảo hiểm hỏa hoạn linh hoạt có tên là “Smart Retail Shield” dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang tìm kiếm biện pháp bảo vệ bổ sung trước tác động của COVID-19.

Sản phẩm này cung cấp lợi ích giảm bớt sự bất tiện, cung cấp bảo hiểm cho việc đóng cửa cơ sở do COVID-19.

Theo quyền lợi của sản phẩm, công ty bảo hiểm sẽ trả quyền lợi cho người mua bảo hiểm trong tối đa 14 ngày trong trường hợp người được bảo hiểm hoặc nhân viên của người được bảo hiểm mắc các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 trong khi đang thực hiện lệnh hạn chế đi lại của cơ quan công quyền.

Giám đốc bán hàng của Allianz Malaysia, ông Horst Habbig, nói: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải trải qua thời kỳ khó khăn trong cuộc khủng hoảng này… chúng tôi muốn cung cấp phạm vi bảo hiểm có thể tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu chính xác của họ và đồng thời giải quyết môi trường kinh doanh hiện tại trong điều kiện đại dịch vẫn đang tiếp diễn”.

Lợi nhuận thuần Hannover Re dự kiến đạt 939 triệu USD

(AIR) – Trong một thông báo gần đây, Hannover Re cho biết, thu nhập thuần dự kiến năm tài chính 2020 của tập đoàn là hơn 800 triệu EUR (939 triệu USD).

Công ty tái bảo hiểm gần đây đã tăng dự phòng cho các tổn thất liên quan đến đại dịch về tái bảo hiểm P&C thêm 100 triệu EUR lên tổng số tiền 700 triệu EUR vào cuối tháng 9. Trong lĩnh vực tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, gánh nặng từ đại dịch COVID-19 hiện ở mức 160 triệu EUR.

Giám đốc điều hành Hannover Re, Jean-Jacques Henchoz cho biết: “Những tác động liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể được ước tính tốt hơn sau khi kết thúc quý thứ ba và do đó, chúng tôi tin rằng giờ đây chúng tôi đang ở vị trí một lần nữa để đưa ra định hướng lợi nhuận cho năm 2020 và năm 2021”.

“Mặc dù chúng tôi cảm thấy rất thoải mái với định hướng năm 2020 dựa trên việc dự phòng thận trọng, nhưng triển vọng cho năm tới phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của đại dịch. Tuy nhiên, biến động giá phí tái bảo hiểm cho chúng tôi cơ sở để lạc quan”, ông nói.

Thu nhập ròng của tập đoàn tái bảo hiểm sau chín tháng đạt 667,8 triệu EUR trong khi tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 10,9% vào ngày 30 tháng 9 năm 2020 lên 19,3 tỷ EUR trước thuế.

Trong lĩnh vực tái bảo hiểm P&C, tác động của đại dịch COVID-19 hiện có thể được ước tính tốt hơn đáng kể – ít nhất là trong năm nay.

Hơn nữa, sự cải thiện ngày càng tăng và bền vững về giá phí và các điều kiện cho các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm cũng thể hiện rõ qua các đợt tái tục khác nhau trong năm do những căng thẳng liên quan đến đại dịch, tổn thất lớn và môi trường lãi suất thấp.

Hannover Re ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm P&C tăng 14,5% lên 13,3 tỷ EUR trước thuế. Phí bảo hiểm thuần cũng tăng 13,2% lên 10,5 tỷ EUR.

Tuy nhiên, chi phí thuần tổn thất lớn trong chín tháng đầu năm lên tới 1,1 tỷ EUR. Trong tổng số tiền này, 700 triệu EUR là do các tác động liên quan đến đại dịch.

Về mặt tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, tổng giá trị yêu cầu bồi thường liên quan đến đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 9 đã lên tới 160 triệu EUR. Phần lớn trong số này là do các khoản chi trả cho bệnh tật và tử vong ở Mỹ.

Ông Henchoz cho biết: “Sự gia tăng dự phòng dành cho COVID-19 trong tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe phản ánh chính sách dự phòng thận trọng của chúng tôi để đối phó với sự lây lan toàn cầu của bệnh truyền nhiễm. Chúng tôi rất hài lòng với hiệu quả hoạt động kinh doanh cho dù dự phòng rủi ro tăng mạnh”.

HSBC cung cấp giải pháp quản lý quỹ cho công ty bảo hiểm

(AIR) – HSBC đã đưa ra một giải pháp quản lý quỹ cải tiến cho các công ty bảo hiểm có trụ sở tại Châu Á, sau khi áp dụng tại HSBC Life, doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở tại Hồng Kông.

Ngân hàng cho biết hiện đang cung cấp dịch vụ kế toán, định giá và các dịch vụ quản trị khác cho HSBC Life nhằm nỗ lực nâng cao năng lực quản lý quỹ của mình.

Hơn 56 tỷ đô la tài sản dưới quyền quản lý đã được giới thiệu với nhiều kế hoạch hơn trên khắp Hồng Kông và Singapore.

Edward Turner, Giám đốc sản phẩm toàn cầu, lĩnh vực bảo hiểm, dịch vụ chứng khoán tại HSBC cho biết: “Sự hợp tác này với HSBC Life đã tăng cường cung cấp các dịch vụ chứng khoán bảo hiểm của chúng tôi, cung cấp một giải pháp mạnh mẽ và có khả năng mở rộng đáp ứng nhu cầu kế toán và dữ liệu phức tạp của khách hàng bảo hiểm của công ty”.

Ông Omar Malik, Giám đốc tài chính HSBC Life, cho biết: “Việc triển khai giải pháp end-to-end này đã đưa HSBC Life hướng tới một bộ quy trình tốt nhất trong lĩnh vực quản lý quỹ và kế toán tài sản. Việc tự động hóa đã cho phép cung cấp dữ liệu kịp thời hơn để hỗ trợ việc ra quyết định chiến lược cũng như hợp lý hóa việc quản lý và báo cáo tài chính một cách đáng kể”.

Ông Turner nói thêm, “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các khách hàng bảo hiểm trong việc thuê ngoài các chức năng khối back và middle office trong 12 tháng qua. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khi tốc độ thay đổi gia tăng theo các tiêu chuẩn và quy định kế toán, tập trung vào các loại tài sản mới và cải tiến mô hình hoạt động. Với các dịch vụ chứng khoán chuyên biệt của chúng tôi, khách hàng bảo hiểm có thể cải thiện mô hình hoạt động, giảm chi phí và trở nên linh hoạt hơn”.

BTV (Tổng hợp).