Lạm phát khiến kỳ tái tục 01/01 khó khăn; Lỗ hổng trong chính sách bảo hiểm than của Korean Re; Bảo Việt Nhân thọ nhận giải “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy nhà kho 600 m2 ở Bình Định: Mì gói, bánh kẹo bị thiêu rụi
(TNO) – Nhà kho chứa mì gói, dầu ăn, bánh kẹo… của một doanh nghiệp ở Bình Định rộng hơn 600 m2 đang khóa cửa bất ngờ bốc cháy dữ dội trong đêm, khói bay mờ mịt nhiều khu vực trong nội thành Quy Nhơn.
Gần 20 giờ ngày 4/12, người dân phát hiện có đám cháy bên trong nhà kho của Công ty TNHH dịch vụ Cảng Quy Nhơn ở ngã ba Phan Chu Trinh – Lê Đức Thọ (thuộc P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) nên hô hoán dập lửa và báo với các cơ quan chức năng.
Nhà kho này do Công ty TNHH Kim Khánh thuê để chứa hàng nhu yếu phẩm, mì gói, dầu ăn, bánh kẹo… Cửa nhà kho bị khóa nên người dân và bảo vệ công ty không thể chữa cháy bên trong.
Đến 20 giờ 5 phút, trực ban Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Định nhận được tin báo cháy nên đã báo với lãnh đạo để triển khai lực lượng và phương tiện đến hiện trường tổ chức chữa cháy. Lúc này, đám cháy đã bùng phát, khói bốc lên mù mịt tại khu vực nhà kho và lan ra lân cận.
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phá cửa sắt cửa kho để xịt nước vào bên trong nhưng việc chữa cháy vẫn rất khó khăn.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định đã huy động hết các lực lượng, phương tiện chữa cháy ở TP.Quy Nhơn, Đội PCCC tại khu vực Phú Tài, tại Nhơn Hội và của Công ty xăng dầu Bình Định… để dập lửa. Lực lượng chữa cháy tận dụng các cột nước chữa cháy ven đường và bơm nước từ khu vực lân cận để chữa cháy.
- Một vòng doanh nghiệp
Bảo Việt Nhân thọ nhận giải “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”
(Dân trí) – HR Asia có năm thứ 4 trao giải “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” cho Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ trong nhiều năm qua đã duy trì được động lực tăng trưởng. Năm 2022, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng top 10 “Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất Việt Nam” do Vietnam Report công bố
Theo đại diện công ty, để duy trì vị thế là doanh nghiệp đầu ngành, Bảo Việt Nhân thọ đã có nhiều chuyển đổi, thích ứng với những thay đổi của ngành, của thị trường lao động.
Giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” là ghi nhận cho những thành tựu và triết lý kinh doanh “Con người là tài sản vô giá” của Bảo Việt Nhân thọ.
Ông William Ng – Tổng biên tập tạp chí HR Asia – chia sẻ “Để đạt được giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” của HR Asia thì các doanh nghiệp phải đạt những tiêu chí môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, chế độ phúc lợi xứng đáng cho người lao động. Năm nay là năm thứ 4 Bảo Việt Nhân thọ nhận giải thưởng này, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng môi trường làm việc theo chuẩn châu Á cho người Việt”.
Ông Nguyễn Đức Hải – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ – chia sẻ: “Đứng trên góc độ là người sử dụng lao động, ngoài việc quan tâm đến chế độ, phúc lợi như các doanh nghiệp khác, ở Bảo Việt Nhân thọ, chúng tôi còn tập trung tạo dựng những cơ hội sự nghiệp, lộ trình phát triển tối ưu bằng những chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng cá nhân và kiến thức; xây dựng văn hóa mở nơi mọi nhân viên được khuyến khích sáng tạo và thể hiện bản thân; ngoài ra còn là tâm lý, sức khỏe của người lao động, từ đó hỗ trợ tối đa để nhân viên phát huy năng lực”.
Cùng với đó, công nghệ và chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng đã được Bảo Việt Nhân thọ ứng dụng thông qua các hệ thống quản lý trên điện thoại, hệ thống dữ liệu cập nhật real-time để người lao động có trải nghiệm tốt nhất trong công việc.
Năm 2022, sau Covid-19, Bảo Việt Nhân thọ cũng đã bắt nhịp với thị trường, thực hiện nhiều chính sách thu hút và phát triển nhân tài. Trong đó, nổi bật là vị trí phụ trách kinh doanh khu vực trên toàn quốc được nhiều ứng viên quan tâm.
Dự kiến trong năm 2023, Bảo Việt Nhân thọ sẽ tiếp tục tuyển dụng hơn 100 vị trí tại trụ sở chính và các công ty thành viên trên toàn quốc.
Dai-ichi Life Việt Nam khai trương Văn phòng thứ 6 tại tỉnh Kiên Giang
(ĐTCK) – Tiếp tục thực hiện chiến lược tăng trưởng bền vững thông qua việc mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các thị trường trọng điểm, hôm nay, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) chính thức khai trương Văn phòng Kinh doanh Phú Quốc, tọa lạc tại số 332B, đường Nguyễn Trung Trực, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đây là văn phòng thứ 6 tại tỉnh Kiên Giang, nâng tổng số lên 300 văn phòng được Dai-ichi Life Việt Nam đưa vào hoạt động trên toàn quốc. Nhân dịp này, Dai-ichi Life Việt Nam đã trao tặng 20 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cho học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn TP. Phú Quốc.
Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, cho biết: “Được mệnh danh là “đảo ngọc”, thành phố biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang tiến nhanh trên hành trình trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Với triết lý kinh doanh “Khách hàng là trên hết”, nhằm mang đến các giải pháp bảo vệ tài chính và chăm sóc sức khỏe chất lượng Nhật Bản cùng dịch vụ thuận tiện cho khách hàng nơi đây, hôm nay, chúng tôi vui mừng khai trương thêm một Văn phòng Kinh doanh mới tại Phú Quốc. Cùng với 5 văn phòng đang hoạt động hiệu quả tại TP. Rạch Giá và các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất, chúng tôi tin rằng Văn phòng Kinh doanh Phú Quốc sẽ tiếp tục trở thành điểm đến tin cậy của khách hàng địa phương, thể hiện cam kết của Công ty trong việc đồng hành mang lại cuộc sống an tâm, thịnh vượng cho người dân trên mọi miền đất nước, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang”.
“Bên cạnh nỗ lực kinh doanh bền vững, với thông điệp “Kết nối Triệu Yêu Thương”, Dai-ichi Life Việt Nam mong muốn lan tỏa yêu thương thông qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng thiết thực nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam, đặc biệt cho trẻ em. Nhân dịp này, chúng tôi xin trao tặng 20 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cho các em học sinh vượt khó học giỏi tại TP. Phú Quốc để góp phần tiếp thêm niềm vui đến trường và động viên các em phấn đấu học tập thật tốt”, ông Quân chia sẻ thêm.
Trải qua hành trình 15 năm hình thành và phát triển, Dai-ichi Life Việt Nam đã ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc về tầm vóc, vị thế với số lượng khách hàng tăng gấp 12 lần, số nhân viên và tư vấn tài chính tăng 20 lần, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 50 lần, tổng vốn đầu tư tăng 41 lần, và tổng giá trị tài sản tăng 64 lần; giữ vị trí Top 3 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ nước ngoài về thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm tại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế của công ty trong 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt hơn 1.787 tỷ đồng. Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự được xếp hạng vị trí thứ 70 trong Top 500 Doanh nghiệp Lớn nhất Việt Nam 2022 theo kết quả báo cáo đánh giá của Vietnam Report và báo Vietnam Net vào tháng 11 vừa qua.
Dai-ichi Life Việt Nam đã xây dựng mạng lưới kinh doanh vững mạnh, giữ vị trí thứ ba trên thị trường với 300 văn phòng “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng và gia đình thông qua đội ngũ 1.800 Nhân viên và 120.000 Tư vấn Tài chính chuyên nghiệp. Dai-ichi Life Việt Nam cũng là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn đầu tư lớn nhất thị trường – 7.700 tỷ đồng.
PJICO được vinh danh Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2022
(PJICO) – Ngày 01/12/2022 tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) vinh dự được vinh danh trong 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2022 (TOP50). Đây là bảng xếp hạng uy tín do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt thực hiện.
TOP50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam là một bảng xếp hạng giá trị và uy tín thực hiện thường niên, với sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế, kinh doanh hàng đầu từ Trường Kinh doanh Harvard, nhằm tìm kiếm và vinh danh các công ty kinh doanh hiệu quả trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có tên trong bảng xếp hạng, PJICO cùng các doanh nghiệp khác đã chứng minh kết quả kinh doanh liên tiếp trong 3 năm, trong đó, các chỉ số tăng trưởng như doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên cổ phiếu được xem xét, đánh giá nghiêm ngặt. Kết quả đo lường đã đánh giá khách quan năng lực quản trị, ghi nhận sự phát triển của các doanh nghiệp Việt.
Cũng mới đây, PJICO tiếp tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới A.M.Best đánh giá, xếp hạng Năng lực tài chính, Năng lực tín dụng của tổ chức phát hành ở mức Tốt, triển vọng của cả hai chỉ tiêu ổn định.
Kết quả xếp hạng từ A.M.Best đã đánh giá sức mạnh năng lực tài chính của PJICO ở mức cao so với các doanh nghiệp bảo hiểm tại thị trường Việt Nam, đồng thời cũng phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh được duy trì và phát triển bền vững trong nhiều năm qua.
Tính đến hết tháng 10/2022, doanh thu lũy kế của PJICO đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 200 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch 2022.
PVI Re thông báo về việc chào bán cổ phiếu ra công chúng
(PVI) – Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI trân trọng thông báo về việc chào bán cổ phiếu ra công chúng với nội dung như sau:
- Tên cổ phiếu: Cổ phiếu Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI
- Loại cổ phiếu: Cổ phiếu phổ thông
- Số lượng cổ phiếu chào bán: 31.600.000 cổ phiếu, trong đó:
– Số lượng cổ phiếu Tổ chức phát hành chào bán: 31.600.000 cổ phiếu
– Số lượng cổ phiếu cổ đông/chủ sở hữu/thành viên chào bán: 0 cổ phiếu.
- Giá chào bán: 20.000 đồng/cổ phiếu
- Tổng giá trị vốn huy động: 632.000.000.000 đồng, trong đó:
– Giá trị vốn huy động của Tổ chức phát hành: 632.000.000.000 đồng;
– Giá trị vốn huy động của cổ đông/chủ sở hữu/thành viên: 0 đồng.
- Phương thức phân phối: Cổ phiếu phát hành thêm được chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua
- Số lượng đăng ký mua tối thiểu: không quy định
- Thời gian nhận đăng ký mua: Từ ngày 23/12/2022 đến ngày 12/01/2023
Thời gian thực hiện chuyển nhượng quyền mua: Từ ngày 23/12/2022 đến ngày 09/01/2023
- Địa điểm nhận đăng ký mua cổ phiếu:
– Đối với cổ đông đã lưu ký: Người sở hữu làm thủ tục chuyển nhượng quyền mua, đăng ký đặt mua và nộp tiền đặt mua cổ phiếu tại các Thành viên lưu ký nơi mở tài khoản lưu ký.
– Đối với cổ đông chưa lưu ký: Người sở hữu làm thủ tục chuyển nhượng quyền mua, đăng ký đặt mua tại Trụ sở Công ty (Tầng 25, Tòa nhà PVI, Lô VP2, Khu nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa, phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) và nộp tiền mua cổ phiếu vào tài khoản phong tỏa.
- Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu: Từ ngày 23/12/2022 đến ngày 12/01/2023
- Tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu:
– Số tài khoản: 000003720735
– Mở tại: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – Chi nhánh Đại An
– Chủ tài khoản: Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI
Chi tiết tin xem tại đây: https://www.pvire.com.vn/chi-tiet/pvi-re-thong-bao-ve-viec-chao-ban-co-phieu-ra-cong-chung
- Nhịp đập thị trường
Rủi ro thua kiện vì từ chối chi trả bảo hiểm do xe đang sửa chữa
(ĐTCK) – Trường hợp xe đang sửa chữa trong garage mà bị cháy nổ, ngập nước… thường bị từ chối bồi thường theo điều khoản loại trừ tại hợp đồng bảo hiểm, thế nhưng khi ra tòa mọi việc có thể khác.
Ngày 14/4/2019, xe ô tô Mercedes của một khách hàng nữ sửa tại garage thì garage này bị cháy do chập điện, dẫn đến xe ô tô bị thiêu trụi. Bảo hiểm Bảo Việt đã từ chối bồi thường do thiệt hại xảy ra trong quá trình sửa chữa được quy định tại điều khoản loại trừ của hợp đồng bảo hiểm. Không đồng tình, khách hàng đã khởi kiện nhà bảo hiểm này ra tòa. Qua 2 lần xét xử, 2 cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm (ngày 31/5/2022) tại TP.HCM đã buộc Bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường thiệt hại toàn bộ chiếc xe Mercedes với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Trong một trường hợp khác, mới đây, ngày 14/10/2022, xe ô tô Kia Seltos của chị L sửa chữa tại KIA Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng thì bị ngập nước trong cơn mưa lũ lịch sử vừa qua. Bảo hiểm Hàng Không (VNI) từ chối bồi thường với lý do tương tự. Không đồng tình, khách hàng đã kiện công ty bảo hiểm ra tòa và vụ việc đang trong quá trình giải quyết.
Ngoài 2 vụ việc trên, còn một số vụ tương tự khác nhưng các bên đang thương thảo, chưa khởi kiện ra tòa. Giải thích lý do không chi trả, các công ty bảo hiểm đều chung một lập luận rằng, trong điều khoản loại trừ bảo hiểm vật chất xe ô tô đính kèm bộ hợp đồng đã ký giữa bên mua và bên bán bảo hiểm có điểm loại trừ là thiệt hại trong quá trình sửa chữa (tức là thiệt hại xảy ra trong quá trình sửa chữa và do quá trình sửa chữa). Xe chưa nghiệm thu bàn giao cho chủ xe vẫn được coi là đang sửa chữa.
Đơn cử, điều khoản loại trừ của Bảo hiểm Bảo Việt nêu rõ sẽ từ chối bảo hiểm đối với thiệt hại do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, giảm giá trị thương mại, hỏng hóc do khuyết tật hoặc hỏng hóc thêm do sửa chữa, trong quá trình sửa chữa (bao gồm cả chạy thử)…
Còn phía khách hàng, Infair – đơn vị bảo vệ quyền lợi của khách hàng cho rằng, công ty bảo hiểm đã cố tình giải thích sai điểm loại trừ để từ chối bồi thường. Điểm loại trừ đã thể hiện rõ, chỉ loại trừ những tổn thất trong quá trình sửa chữa do một hỏng hóc bất kỳ do rủi ro được bảo hiểm gây ra hoặc sửa chữa thông thường gây ra và những tổn thất phát sinh thêm do việc sửa chữa không đúng quy trình kỹ thuật thông thường, hoặc do tay nghề kém gây ra. Bản chất điểm loại trừ này là nhà bảo hiểm xác định trong quá trình sửa chữa rủi ro cháy nổ, hư hỏng thêm do thao tác kém có khả năng xảy ra cao hơn nên không thể bảo hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa phát sinh các sự cố bất ngờ không liên quan đến hoạt động sửa chữa như cháy nổ, ngập lụt… dẫn đến xe đang sửa chữa được bảo hiểm là do rủi ro được bảo hiểm khác gây ra, nguyên nhân không liên quan đến hoạt động sửa chữa nên không thể áp dụng điểm loại trừ này, do đó công ty bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe.
Công ty bảo hiểm cũng không được thế quyền đòi chủ garage đền bù, bởi theo quy định tại Điều 49 – Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, để được thế quyền cần phải thoả mãn 2 điều kiện.
Thứ nhất, bên gây thiệt hại là bên thứ ba. Cụ thể, garage khi được chủ xe giao quản lý, sửa chữa xe có phát sinh trách nhiệm giữ gìn bảo quản xe theo hợp đồng dân sự, nên trách nhiệm của garage với chủ xe là trách nhiệm trong hợp đồng, nghĩa là garage không phải bên thứ ba (bên thứ ba là bên phát sinh trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, tức là giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại không có một hợp đồng thoả thuận trước). Khi được giao quản lý xe, chủ garage được coi là bên được bảo hiểm, có quyền thay mặt chủ xe thực hiện các thủ tục yêu cầu bảo hiểm bồi thường cho chủ xe, tương tự như việc lái xe thay mặt chủ xe thực hiện các thủ tục yêu cầu bảo hiểm bồi thường.
Thứ hai, trường hợp được coi là bên thứ ba thì garage phải là bên có lỗi. Thực tế, khi cơ quan công an kết luận cháy nổ do nguyên nhân khách quan (cháy nổ, ngập lụt… vì do bất khả kháng), tức là chủ garage không có lỗi gây ra thiệt hại nên không có trách nhiệm phải đền bù. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2023 quy định rõ về thế quyền theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm, cụ thể là công ty bảo hiểm phải bồi thường cho khách hàng xong mới được đòi thế quyền.
Theo quy định mới, công ty bảo hiểm không được quyền đòi bên thứ ba toàn bộ số tiền đã bồi thường, mà được theo công thức: Số tiền = Thiệt hại thực tế của bên mua bảo hiểm x Lỗi của bên thứ ba. Phần lỗi của người được bảo hiểm, phần khấu hao công ty bảo hiểm bồi thường theo điều khoản thay thế mới thuộc trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm. Ngoài ra, công ty bảo hiểm được quyền khấu số tiền bồi thường theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
- Tin đào tạo
VNI tổ chức khóa học “Đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên nội bộ”
(VNI) – Một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2022 được Ban Lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) ưu tiên hàng đầu chính là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ CBNV, thông qua các khóa đào tạo kỹ năng, tư duy….. Trong hai ngày 3-4/11/2022, tại Hà Nội, VNI đã triển khai tổ chức khóa học “Đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên nội bộ” với nhiều hoạt động bổ ích dành cho các cán bộ của VNI.
Tham dự khóa học có bà Lê Thị Hà Thanh – Chủ tịch HĐQT VNI; ông Nguyễn Thành Quang – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ VNI cùng các học viên là Lãnh đạo các Ban TSC, VPMN và Lãnh đạo các đơn vị thành viên.
Giảng viên phụ trách khóa Đào tạo là thạc sĩ Lưu Tiến Dũng – Giám đốc phát triển chương trình – Công ty Đào tạo và tư vấn Nhận thức mới, người có 17 năm kinh nghiệm về đào tạo kỹ năng cho các giảng viên nội bộ.
Qua khóa học “Đào tạo kỹ năng giảng viên nội bộ”, ông Lưu Tiến Dũng đã chia sẻ với các cán bộ VNI cách nhận biết các yếu tố: Khả năng, tư duy, kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức… Ông Dũng cho rằng mọi thứ đều có sẵn trong bản thân mỗi người và vấn đề đặt ra là chúng ta cần khai thác nó như nào cho thật sự hiệu quả. Sự kết nối giữa con người với nhau, cơ hội thực hành ngay những kiến thức đã học và rút kinh nghiệm những điều còn hạn chế… sẽ là vũ khí tạo nên sức mạnh giúp mỗi CBNV của VNI gặt hái được thành công.
Những chia sẻ gợi mở cùng với những tình huống thiết thực trong quá trình làm công tác quản lý, đào tạo kỹ năng giảng dạy của ông Lưu Tiến Dũng đã được các học viên tham gia khóa học hưởng ứng, thảo luận nhiệt tình. Những nút thắt trong hoạt động giảng dạy nghiệp vụ thực tế ở VNI cũng được mọi người phân tích, giải quyết và rút kinh nghiệm. Những kiến thức, kinh nghiệm trong khóa học chính là hành trang quan trọng trong chặng đường phía trước của CBNV Bảo hiểm Hàng không (VNI).
“Nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên nội bộ” sẽ giúp Bảo hiểm hàng không (VNI) đào tạo thêm nhiều nhân tài, những nhân tài đó sẽ tiếp tục đào tạo những nhân tài mới và tiếp nối để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng đủ các tiêu chí tài và đức, đưa VNI lên tầm cao mới.
- Tin quốc tế
Lỗ hổng trong chính sách bảo hiểm than của Korean Re
(IBM) – Chính sách đánh giá rủi ro năng lượng than của Korean Re đã bị các nhóm môi trường chỉ trích vì những “kẽ hở” của nó, điều này được cho là sẽ cho phép Korean Re cung cấp bảo hiểm cho các dự án than ở nước ngoài.
Vào tháng 11, Korean Re, công ty tái bảo hiểm lớn thứ hai châu Á, đã thông báo rằng họ sẽ không còn cung cấp tái bảo hiểm cho các hoạt động khai thác than hoặc xây dựng nhà máy điện mới, bắt đầu từ tháng này.
Ông Peter Bosshard, điều phối viên của chiến dịch quốc tế Insure Our Future, cho biết: “Mặc dù chúng tôi hoan nghênh động thái này của Korean Re, nhưng những hạn chế mới về than của họ yếu hơn so với chính sách của tất cả các công ty tương đương khác ở quốc tế.
“Những hạn chế của Korean Re không đề cập đến các hợp đồng tái bảo hiểm cố định cho các hoạt động khai thác than đang diễn ra và thậm chí còn cho phép tiếp tục hỗ trợ cho nhiều dự án than mới.”
Chính sách bảo hiểm than của Korean Re cho phép các trường hợp ngoại lệ dựa trên chính sách năng lượng quốc gia hoặc nhu cầu ở các quốc gia đang phát triển, điều mà Insure Our Future cho rằng đi ngược lại nhu cầu toàn cầu trong việc loại bỏ dần năng lượng đốt than để đáp ứng ngưỡng tăng nhiệt độ 1,5°C. Korean Re là một trong những nhà cung cấp bảo hiểm cuối cùng còn lại cho các nhà máy điện than thuộc sở hữu của Hàn Quốc tại Philippines, Việt Nam và Indonesia.
Ông Bosshard cho biết: “Chính sách này cũng bỏ qua nhu cầu chấm dứt hỗ trợ cho các dự án dầu khí mới. Korean Re nên cải thiện chính sách nhiên liệu hóa thạch của mình để phản ánh khoa học khí hậu và các thông lệ tốt nhất của ngành.”
Năm ngoái, công ty tái bảo hiểm khổng lồ Swiss Re cho biết họ sẽ loại bỏ dần than khỏi hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm cố định vào năm 2030 giữa các quốc gia OECD và đến năm 2040 trên toàn cầu. Do tái bảo hiểm cố định chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm nên các nhóm khí hậu quốc tế đang thúc giục các công ty tái bảo hiểm khác áp dụng các chính sách tương tự trong việc loại bỏ ngành than.
Ông Seungjun Lee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ESG tại Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Hàn Quốc cho biết: “Việc Korean Re thông báo loại bỏ dần than trong các hợp đồng mới về tái bảo hiểm tạm thời là một bước tiến có ý nghĩa đối với ngành. Chúng tôi hy vọng tác động sẽ còn lớn hơn nếu công ty cũng hạn chế than từ các hợp đồng tái bảo hiểm cố định”.
Ông Sooyoun Han, một nhà nghiên cứu tài chính khí hậu tại Solutions for Our Climate có trụ sở tại Seoul, lập luận rằng việc Korean Re rời khỏi than đá sẽ có ý nghĩa kinh doanh tốt, vì nhiên liệu hóa thạch mang lại nhiều khoản nợ hơn.
Ông Han cho biết: “Việc thoát khỏi ngành than nhanh chóng cuối cùng sẽ cải thiện lợi nhuận của Korean Re. Điều đó không chỉ làm giảm mức độ rủi ro từ các doanh nghiệp than, vốn đang nhanh chóng trở thành tài sản bị mắc kẹt, mà còn từ các thảm họa khí hậu đang làm tăng trách nhiệm tài chính của các công ty bảo hiểm theo cấp số nhân.”
Kroll mở rộng kinh doanh định giá với việc mua lại AVC
(IBM) – Kroll đã mua lại Appraisal & Valuation Consultants (AVC), công ty độc lập chuyên về định giá bảo hiểm dầu khí, hóa chất, điện, khai thác mỏ, chế biến kim loại và các cơ sở ngoài khơi.
Theo Kroll, việc mua lại AVC sẽ đem đến lại chuyên môn và công nghệ bổ sung, qua đó mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực định giá bảo hiểm ngành năng lượng. AVC, có trụ sở tại London, Manchester và Manila, sẽ tham gia cùng Kroll để thành lập một nhóm năng lượng chuyên dụng trong bộ phận dịch vụ tư vấn tài sản cố định của mình.
Trong hơn 30 năm qua, AVC đã thực hiện các công việc định giá cho nhiều công ty năng lượng và điện lực tại các thị trường như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Myanmar, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Philippines và Việt Nam.
Ông Antony Attwell, Tổng Giám đốc và đồng sáng lập của AVC, sẽ trở thành Giám đốc điều hành tại Kroll và lãnh đạo công ty mới. Ông sẽ báo cáo lên Rebecca Fuller, Giám đốc điều hành và lãnh đạo dịch vụ tư vấn tài sản cố định toàn cầu.
Ông Attwell cho biết: “Danh tiếng trên thị trường và nền tảng toàn cầu của Kroll khiến động thái này trở thành một bước tiếp theo thú vị cho công ty chúng tôi. Chúng tôi mong muốn mang kiến thức chuyên môn của mình đến Kroll và hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực năng lượng và hơn thế nữa. Đội ngũ chuyên gia tư vấn định giá của chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm đáng kể ở châu Á, được củng cố bởi nhu cầu ngày càng tăng về giá trị chi phí thay thế chính xác, áp lực từ các công ty bảo hiểm và lạm phát gia tăng”.
Về phần mình, ông Srividya Gopal, Giám đốc điều hành kiêm quản lý khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Kroll cho biết: “Các đồng nghiệp mới của chúng tôi mang đến kiến thức chuyên môn phong phú sẽ mang lại lợi ích cho các khách hàng năng lượng của chúng tôi vào thời điểm lạm phát đang đẩy chi phí thay thế lên cao và nhiều người không được bảo hiểm đầy đủ.
“Việc mua lại giúp tăng cường khả năng cung cấp cho khách hàng năng lượng các giải pháp hỗ trợ công nghệ sẽ thúc đẩy tính nhất quán và hiệu quả trong việc định giá tài sản cố định, thiết lập một tiêu chuẩn xuất sắc mới trên thị trường. Nhóm cũng mang lại các mối quan hệ khách hàng bền chặt ở các thị trường bổ sung ở Châu Á-Thái Bình Dương, EMEA và Châu Mỹ. Chúng tôi rất vui khi có họ tham gia vào quá trình này”.
GIG Gulf bổ nhiệm Giám đốc Nhân sự
(IBM) – GIG Gulf đã bổ nhiệm cô Caroline Bertrand (ảnh) làm Giám đốc Nhân sự, mở rộng vai trò của cô từ Giám đốc tiếp thị, kỹ thuật số và trải nghiệm khách hàng.
Theo GIG Gulf, vai trò mới của Bertrand sẽ tập trung vào việc thực hiện các chiến lược phát triển nghề nghiệp toàn diện và nuôi dưỡng lực lượng lao động đa dạng trong khu vực cho công ty.
Bertrand đã có hơn 20 năm làm việc tại AXA, nắm giữ các vai trò ở một số thị trường toàn cầu, bao gồm Bỉ, Pháp, Mexico và Trung Đông. Cô gia nhập GIG thông qua việc mua lại AXA Gulf và quá trình đổi thương hiệu sau đó.
Ông Paul Adamson, Tổng Giám đốc GIG Gulf, cho biết: “Đã làm việc với Tập đoàn AXA hơn 20 năm – trên phạm vi quốc tế và trong GCC – Caroline có vị trí đặc biệt thuận lợi để tận dụng kinh nghiệm toàn cầu sâu rộng và sự hiểu biết của mình về các hoạt động của chúng tôi để thành công trong việc xây dựng một thương hiệu nhân viên mạnh mẽ cho GIG Gulf.
“Cô ấy đã mang lại những kết quả nổi bật trong quá trình chuyển đổi của chúng tôi sang GIG Gulf và sự nhạy bén trong kinh doanh sâu sắc của cô ấy, cùng với khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, sẽ là tài sản chính của GIG khi chúng tôi tiếp tục thúc đẩy các nhóm có hiệu suất cao trên toàn khu vực Vùng Vịnh.”
Về phần mình, cô Bertrand cho biết: “Tôi rất vui mừng thông báo rằng gần đây tôi đã được bổ nhiệm làm giám đốc nhân sự tại GIG Gulf, bên cạnh các trách nhiệm của tôi về tiếp thị, kỹ thuật số và CX.
“Giờ đây, tôi có thể tập trung vào việc xây dựng trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng và nhân viên, đồng thời tiếp tục phát triển thương hiệu và công ty GIG Gulf trong khu vực, cùng với nhóm của tôi và các đồng nghiệp trong ban điều hành.”
Nghị sĩ Hồng Kông bị buộc tội có nhận xét phân biệt giới tính tại diễn đàn bảo hiểm
(IBM) – Nhà lập pháp ngành bảo hiểm và thành viên Hội đồng điều hành Hồng Kông Chan Kin-por (ảnh trên) đã bị chỉ trích vì đưa ra nhận xét bị cáo buộc là phân biệt giới tính tại Diễn đàn Bảo hiểm Châu Á vào ngày 5 tháng 12.
Khi tham gia một phiên trò chuyện tại diễn đàn, ông Chan nói rằng “các cô gái ở quán bar Hồng Kông xinh đẹp hơn” khi liệt kê những ưu điểm của việc kinh doanh ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông, The Standard đưa tin.
Tuyên bố đã khiến cô Iris Lun, đồng sáng lập trang web so sánh bảo hiểm 10Life, người đã theo dõi diễn đàn hầu như tức giận. Lun đã đăng trên LinkedIn về nhận xét đó, gọi đó là “phân biệt giới tính và thiếu nhạy cảm”, và cô ấy thất vọng vì không ai chỉ ra điều đó, chỉ nghe thấy tiếng cười yếu ớt từ khán giả trực tiếp. Cô cũng ghi nhận sự thiếu đa dạng giữa các diễn giả và thành viên tham gia hội thảo, những người hầu hết là những người đàn ông lớn tuổi có quan hệ với chính phủ.
Lun viết trong bài đăng của mình: “Những bình luận thiếu nhạy cảm và phân biệt giới tính như vậy không bao giờ nên xảy ra trong bất kỳ môi trường chuyên nghiệp nào, chứ đừng nói đến một diễn đàn ngành quốc tế.
“Tôi hy vọng mọi người thuộc mọi giới tính có thể giúp lên án những hành vi sai trái không phù hợp này trong tương lai, vì sự tiến bộ của nhân loại.”
Nhiều chuyên gia bảo hiểm đã đồng ý với Lun trong các bình luận về bài đăng của cô ấy, gọi nhận xét của Chan là “xúc phạm”, “thiếu chuyên nghiệp” và “thô tục”.
Chan đáp lại những lời chỉ trích, nói rằng ông đã bị hiểu sai và ông “không có ý thiếu tôn trọng” đối với phụ nữ.
Chan nói rằng ông đưa ra tuyên bố khi thảo luận về sự cạnh tranh giữa Singapore và Hồng Kông với Bộ trưởng Tài chính Paul Chan, và rằng ông chỉ trích dẫn một số “quý ông” nói rằng họ thích các cô gái ở quán bar của Hồng Kông hơn. Tuy nhiên, ông không xác định được những “quý ông” này là ai.
Ông Chan cho rằng ông đã không chủ động đưa ra bối cảnh cho cuộc trò chuyện nên ông bị khán giả hiểu nhầm.
Lạm phát khiến kỳ tái tục ngày 1 tháng 1 trở nên khó khăn
(AIR) – Lạm phát dự kiến sẽ trở thành một vấn đề quan trọng tại kỳ tái tục ngày 1 tháng 1 năm 2023, là một thách thức liên tục đối với khả năng sinh lời của các hãng bảo hiểm. Đây là dự báo được đăng trên trang web của công ty luật toàn cầu Clyde & Co.
Bà Eva-Maria Barbosa, một đối tác có trụ sở tại văn phòng của Clyde & Co ở Munich, cho biết tại cuộc họp Baden-Baden vào tháng 10 năm 2022, nhận định lạm phát luôn hiện hữu trong tâm trí các công ty tái bảo hiểm châu Âu.
Bà Barbosa cho biết tác động của lạm phát đối với chi phí kinh doanh có nghĩa là các tổn thất được bảo hiểm sẽ tốn kém hơn trong tất cả các ngành kinh doanh, dẫn đến sự gia tăng không thể tránh khỏi đối với các khoản miễn thường khi tái tục bảo hiểm.
Trên góc độ của các công ty tái bảo hiểm, điều này có nghĩa là giảm số lượng hoạt động kinh doanh lớp đầu tiên có lợi nhuận cao hơn mà họ có thể thực hiện, khiến cho danh mục đầu tư bị lệch sang hướng biến động nhiều hơn và tổn thất lớn.
Đồng thời, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các tổn thất do thảm họa tự nhiên đang khiến các công ty tái bảo hiểm phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ đối với các rủi ro ở Châu Âu.
Từ trước tới nay, các công ty bảo hiểm coi bảo hiểm thảm họa châu Âu là giải pháp hữu hiệu chống lại rủi ro bão ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các sự kiện gần đây như lũ lụt ở thung lũng Ahr của Đức và mưa đá ở Pháp đang làm mất cân bằng giữa hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ và châu Âu.
Bà Barbosa cho biết, hiện tại thực tế không có nguồn vốn thay thế nào để bảo vệ cho những rủi ro này, khả năng tái bảo hiểm tự nhiên sẵn có của các công ty tái bảo hiểm sẽ giảm mạnh trong các lần tái tục sắp tới và diễn biến này có thể sẽ kéo dài sang năm tới.
Trung Quốc: tỷ lệ khả năng thanh toán thấp hơn so với cùng kỳ 2021
(AIR) – Theo Ủy ban Điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), ngành bảo hiểm nước này duy trì hoạt động ổn định và khả năng thanh toán đầy đủ trong ba quý đầu năm nay.
Tỷ lệ khả năng thanh toán toàn diện trung bình của 181 công ty bảo hiểm là 212% vào cuối tháng 9 và tỷ lệ khả năng thanh toán cốt lõi trung bình của họ là 139,7%.
Điều này có nghĩa là ngành bảo hiểm của Trung Quốc vẫn nằm trong phạm vi tỷ lệ khả năng thanh toán có thể chấp nhận được và khả năng kiểm soát rủi ro của ngành này là phù hợp, bất chấp những biến động kinh tế ở Trung Quốc do hậu quả của đại dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn của Bắc Kinh so với phần còn lại của thế giới.
Đối với các công ty bảo hiểm tài sản, tỷ lệ khả năng thanh toán tổng hợp trung bình là 238,9%. Đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ này là 204% và đối với các công ty tái bảo hiểm là 309,1%.
Ủy ban cho biết họ sẽ thắt chặt giám sát lĩnh vực này để hạn chế rủi ro tài chính.
Việc triển khai Hệ thống khả năng thanh toán định hướng theo rủi ro của Trung Quốc (C-ROSS) Giai đoạn II có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 đã dẫn đến tỷ lệ khả năng thanh toán nhìn chung thấp hơn trong năm nay. So sánh các tỷ lệ khả năng thanh toán tại ngày 30 tháng 9 năm 2022 và ngày 30 tháng 9 năm 2021 như sau:
30/9/2022 | 30/9/2021 | |
Số công ty bảo hiểm | 181 | 179 |
Tỷ lệ khả năng thanh toán tổng hợp bình quân | 212% | 240% |
Tỷ lệ khả năng thanh toán lõi bình quân | 139.7% | 227.3% |
Tỷ lệ khả năng thanh toán tổng hợp bình quân – P&C | 238.9% | 285.6% |
Tỷ lệ khả năng thanh toán tổng hợp bình quân – nhân thọ | 204% | 231.6% |
Tỷ lệ khả năng thanh toán tổng hợp bình quân – tái bảo hiểm | 309.1% | 307.3% |
Ấn Độ: IRDAI cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ưu đãi, nợ thứ cấp của các công ty bảo hiểm địa phương
(AIR) – Cơ quan quản lý bảo hiểm IRDAI đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài (FPI), đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi và nợ thứ cấp do các công ty bảo hiểm Ấn Độ phát hành.
Cơ quan quản lý hiện cũng đã cho phép các khoản nợ thứ cấp do các công ty bảo hiểm Ấn Độ phát hành được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán địa phương chứ không phải trên các sàn giao dịch nước ngoài.
Trong một bộ quy định mới có tiêu đề “Quy định về các hình thức vốn khác năm 2022”, cơ quan quản lý quy định rằng lượng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII)/nhà đầu tư danh mục nước ngoài (FPIs), trong hai loại công cụ – cổ phần ưu đãi và nợ thứ cấp – không thể vượt quá giới hạn ngành được quy định bởi Đạo luật Quản lý Ngoại hối (FEMA).
IRDAI quy định rằng tổng số lượng của các công cụ trong ‘Các hình thức vốn khác’ phải thấp hơn (tại bất kỳ thời điểm nào) của (i) 50% tổng vốn cổ phần đã góp và thặng dư vốn cổ phần của một công ty bảo hiểm hoặc (ii) 50% giá trị ròng của công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, IRDAI tuyên bố rằng vấn đề nợ thứ cấp sẽ phải ở dạng vĩnh viễn hoặc thời gian đáo hạn/mua lại không được ít hơn 10 năm đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty bảo hiểm phi nhân thọ và công ty bảo hiểm tái bảo hiểm. Thời gian đáo hạn/quy đổi không được ít hơn bảy năm đối với các công ty bảo hiểm sức khỏe.
Các công ty bảo hiểm không được phép phát hành cổ phiếu ưu đãi hoặc nợ thứ cấp với “quyền chọn bán”. Tuy nhiên, một công ty bảo hiểm có thể phát hành các công cụ có “quyền chọn mua” tùy thuộc vào các điều kiện nhất định được đáp ứng.
Bên cạnh các khoản nợ có thể được coi là nợ thứ cấp, IRDAI đã tự trao quyền để chỉ định bất kỳ công cụ nào khác là nợ thứ cấp.
Các công ty bảo hiểm trong nước giờ đây cũng có thể đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi hoặc trái phiếu thứ cấp do các công ty bảo hiểm khác phát hành. Quy định duy nhất là một công ty bảo hiểm không thể đầu tư vào ‘các hình thức vốn khác’ của một công ty bảo hiểm khác có chung một công ty mẹ.
IRDAI cho biết công ty mẹ của các công ty bảo hiểm Ấn Độ cũng có thể đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi hoặc nợ thứ cấp.
Australia: QBE Ventures đầu tư vào công ty tổng hợp dữ liệu không gian địa lý Geosite
(INN) – QBE Ventures đã đầu tư vào Geosite, công ty tổng hợp dữ liệu không gian địa lý có trụ sở tại California. Theo QBE Ventures, nền tảng này thực hiện “công việc nặng nhọc” để trích xuất thông tin liên quan đến bảo hiểm.
Geosite tự động mã hóa địa lý cho các công ty bảo hiểm, tận dụng nhiều công cụ để cung cấp cho các công ty bảo hiểm dữ liệu vị trí chính xác nhất có thể. QBE cho biết kết hợp với các dữ liệu khác như hình ảnh từ radar trong không gian, các công ty bảo hiểm có thể phát triển một bức tranh rủi ro toàn diện về một địa điểm, tòa nhà hoặc khu vực cụ thể.
Alex Taylor, Giám đốc Công nghệ Mới nổi Toàn cầu của QBE Ventures cho biết: “Nền tảng của Geosite giúp các hãng vận tải có thể phục vụ các chức năng khác nhau cần thiết cho các hoạt động bảo hiểm hiện đại, hiệu quả.
“Thậm chí có thể nhận biết được tổn thất của khách hàng trước cả chính khách hàng. Điều này được thực hiện thông qua sự giao thoa giữa dữ liệu danh mục về vị trí tòa nhà và dữ liệu từ chế độ xem vệ tinh.”
Việc có quyền truy cập vào nhiều nguồn dữ liệu “cũng vô ích nếu chúng ta không thể tạo ra một bức tranh thống nhất,” ông Taylor nói, và khả năng sử dụng những hiểu biết không gian địa lý mới phụ thuộc vào khả năng khớp nó với “các điểm dữ liệu đã có”.
Sử dụng Geosite, vị trí và danh tính của một cấu trúc có thể được xác minh ngay lập tức khi nhận được thông báo tổn thất đầu tiên. Thông tin tổn thất dự đoán có thể được tạo dựa trên bản chất của sự kiện – ví dụ như độ sâu lũ lụt và vật liệu xây dựng – kết hợp với các nền tảng phân tích thị giác máy tính.
Dữ liệu hiện có sẵn từ các vệ tinh – Radar khẩu độ trực quan, hồng ngoại và tổng hợp – máy bay và drone. Tuy nhiên, ông Taylor cho biết việc triển khai giữa các công ty bảo hiểm “vẫn còn khiêm tốn” và “các điểm dữ liệu đơn lẻ thường đáp ứng một phần hạn chế những gì các công ty bảo hiểm cần biết ”.
Cho đến gần đây, khả năng hiển thị tài sản bất động sản của khách hàng bị hạn chế nghiêm trọng và phần lớn tài sản không được mã hóa địa lý hoặc mã hóa địa lý không chính xác.
Ông nói: “Khả năng ứng phó với các sự kiện lớn của ngành bảo hiểm và bảo hiểm để chuẩn bị cho chúng sẽ “được biến đổi” bởi công nghệ Geosite.
“Khi mức độ phổ biến của các thảm họa thiên nhiên gia tăng, việc tích hợp hiệu quả các công cụ này sẽ là điểm khác biệt chính giữa những người tham gia trong ngành. Hiểu biết chính xác về vị trí của các tài sản sẽ hỗ trợ một loạt các hoạt động trong suốt vòng đời bảo hiểm, bao gồm cả việc đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường tốt hơn.
“Những công cụ này là chìa khóa để quản lý chi phí và kiểm soát phí bảo hiểm”.
BTV (Tổng hợp).