Sun Life Việt Nam bổ nhiệm tân CEO; Willis Towers Watson sở hữu 100% doanh nghiệp tại Ấn Độ; Generali được vinh danh doanh nghiệp xuất sắc
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
BIC chi trả bảo hiểm cho khách hàng hơn 730 triệu đồng
(BIC) – Ngày 05/11/2021, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Khánh Hòa (Chi nhánh BIDV Khánh Hòa) đã gặp gỡ và trao hơn 730 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho thân nhân khách hàng Đ. Q. H. (trú tại TP. Nha Trang).
Tháng 3/2020, ông Đ. Q. H. và vợ có tham gia vay vốn tại Chi nhánh BIDV Khánh Hoà và được cán bộ tín dụng ngân hàng tư vấn tham gia sản phẩm bảo hiểm “Người vay vốn – BIC Bình An” với số tiền bảo hiểm hơn 720 triệu đồng. Tháng 2/2021, ông H. gặp tai nạn nổ bình ga mini lúc nấu ăn gây chấn thương nặng với tình trạng tổn thương 2 mắt và vết thương tay phải.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Công ty Bảo hiểm BIDV Nam Trung Bộ đã phối hợp với Chi nhánh BIDV Khánh Hòa thăm hỏi, động viên gia đình khách hàng, đồng thời tích cực phối hợp với các bên liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện chi trả toàn bộ quyền lợi bảo hiểm với số tiền hơn 730 triệu đồng cho gia đình ông Đ. Q. H. bao gồm: Số tiền tham gia bảo hiểm, hỗ trợ 60 ngày tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bảo hiểm và tiền trợ cấp nằm viện.
Việc kịp thời chi trả quyền lợi bảo hiểm, đồng hành, chia sẻ khó khăn tài chính cùng thân nhân khách hàng vượt qua nỗi đau mất đi trụ cột kinh tế, sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An tiếp tục khẳng định được giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc. Đối với ngân hàng, BIC Bình An thực sự trở thành một công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng.
VBI Vĩnh Phúc chi trả 150 triệu đồng Bảo hiểm người vay vốn
(VBI) – Ngày 25/10/2021, VBI Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng Ngân hàng Đông Á Bank Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên tổ chức chi trả 150 triệu đồng quyền lợi Bảo hiểm Người vay vốn cho gia đình khách hàng Nguyễn Duy Lượng.
Vào ngày 19/12/2018, ông Lượng tới Ngân hàng Đông Á Bank Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên để vay vốn kinh doanh. Tại đây, ông Lượng đã được các cán bộ Ngân hàng Đông Á Bank Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên tư vấn tham gia gói Bảo hiểm Người vay vốn với quyền lợi bảo hiểm lên tới 150 triệu đồng với mức phí bảo hiểm chỉ hơn 1 triệu 700 nghìn đồng cho thời hạn 4 năm.
Không lâu sau, ông Lượng đã không may qua đời do tai nạn giao thông. Sự ra đi đột ngột của ông để lại nỗi đau cho những người thân yêu. Ngay sau khi nhận được thông tin từ gia đình, VBI Vĩnh Phúc đã nhanh chóng phối hợp cùng Ngân hàng Đông Á Bank Vĩnh Phúc – PGD Phúc Yên tổ chức thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình ông thu thập hồ sơ hoàn thiện hồ sơ để nhận chi trả bảo hiểm sớm nhất
Qua trường hợp này, mỗi chúng ta có thể thấy được giá trị nhân văn của Bảo hiểm cũng như tầm quan trọng của sản phẩm Bảo hiểm Người vay vốn trong hoạt động tín dụng. VBI hy vọng rằng, khoản chi trả bảo hiểm sẽ hỗ trợ gia đình khách hàng vơi bớt phần nào gánh nặng về tài chính khi mất đi người thân yêu trong gia đình.
Gói sản phẩm người vay vốn được áp dụng với tất cả cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vay vốn tại các ngân hàng liên kết với VBI. Khi tham gia bảo hiểm người vay vốn tại VBI, khách hàng sẽ được cán bộ ngân hàng tư vấn chặt chẽ các thủ tục, quyền lợi cũng như các ưu đãi. Đặc biệt, với công nghệ mới được tích hợp trong ứng dụng MyVBI, khách hàng sẽ được trải nghiệm những tiện ích thông minh giúp tiết kiệm 50% thời gian so với phương thức truyền thống. Ứng dụng cho phép khách hàng tham gia bảo hiểm dễ dàng chỉ sau một chạm, giải quyết hồ sơ nhanh chóng và rút ngắn thời gian bồi thường chỉ còn 30 phút.
- Một vòng doanh nghiệp
Ông Luc Nhon Ly làm Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam
(VNF) – Ông Luc Nhon Ly đã có hơn 26 năm kinh nghiệm làm việc cho Bảo hiểm Sun Life khu vực Việt Nam, Myanmar, Canada trong nhiều vai trò liên quan đến điều hành, tài chính, chiến lược…
Sun Life Financial Inc. ngày 9/11 thông báo rằng ông Luc Nhon Ly (Lý Nhơn) đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (CEO) của Sun Life Việt Nam. Việc bổ nhiệm diễn ra sau khi cựu Giám đốc điều hành Việt Nam Larry Madge trở lại văn phòng công ty của Sun Life tại Toronto.
Ông Luc có bằng Cử nhân Khoa học tính toán (Actuarial Science) và bằng Thạc sĩ Khoa học thống kê tại Đại học Montreal. Ông là thành viên Hiệp hội Định phí Hoa Kỳ và Hiệp hội Định phí Canada.
Ông Luc Nhon Ly đã có hơn 26 năm kinh nghiệm làm việc cho Sun Life bao gồm các vai trò điều hành, tài chính, chiến lược và tính toán trên khắp Việt Nam, Myanmar và Canada. Ông gia nhập Sun Life từ Công ty AIA, nơi ông từng là CEO của AIA Myanmar và trước đó đã có 12 năm làm việc tại AIA Việt Nam, chủ yếu trên cương vị là Giám đốc Tài chính.
Ông Kevin Strain, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Life cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và chào đón Luc Nhon Ly đến với Sun Life. Ông Luc gia nhập với chúng tôi vào thời điểm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đang phát triển và có tiềm năng to lớn. Trong 5 năm qua, số lượng Khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 lần và doanh số bán hàng tăng gấp 4 lần. Ông Luc là một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược và kinh doanh, đồng thời là một người dày dạn kinh nghiệm và được đánh giá cao ở thị trường Việt Nam với những thành công đã được kiểm chứng. Tôi tin tưởng ông ấy sẽ là tài sản to lớn dẫn dắt giai đoạn tiếp theo trên hành trình của chúng tôi tại Việt Nam để giúp nhiều Khách hàng hơn đạt được sự an toàn tài chính trọn đời và cuộc sống khỏe mạnh hơn”.
Ông Luc Nhon Ly cho biết: “Tôi rất vui mừng khi gia nhập Sun Life vào thời điểm mà chúng tôi nhìn thấy những cơ hội to lớn ở thị trường Việt Nam. Tham vọng của tôi là đưa Sun Life trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình tại Việt Nam, được biết đến với những con người đầy nhiệt huyết và sáng tạo, những người đang tiếp thêm nguồn năng lượng mới cho những gì chúng tôi làm. Đó không phải là mục tiêu nhỏ, nhưng Việt Nam có rất nhiều nhân tài và đang ngày càng phát triển rất mạnh mẽ. Vì vậy, đây chính là địa điểm và thời điểm thích hợp để chúng tôi tạo ra tác động, ảnh hưởng”.
6 tháng đầu năm 2021, Sun Life Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mới lên tới 564%, nhờ vào sự tăng trưởng đáng kể của các kênh đại lý, bancassurance và các kênh hợp tác khác.
Bảo hiểm PVI vinh dự nhận 2 giải thưởng quốc tế từ International Finance – Vương quốc Anh
(PVI) – Bảo hiểm PVI vừa vinh dự nhận 02 giải thưởng Best CSR Insurance Company – Non Life – Vietnam 2021 và Best Non – Life Insurance Company – Vietnam 2021 từ Tạp chí Tài chính Quốc tế International Finance Magazine (IFM) của Vương quốc Anh.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, Bảo hiểm PVI đạt tổng doanh thu 7.583,7 tỷ đồng, hoàn thành 107,8% kế hoạch 9 tháng và 79,2% kế hoạch năm 2021, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng bảo hiểm gốc, doanh thu tăng trưởng 10,1% so với 9 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 686,6 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 161,9% kế hoạch 9 tháng, 106,4% kế hoạch năm. Bảo hiểm PVI cũng vững vàng vị trí nhà Bảo hiểm Công nghiệp số 1 thị trường với doanh thu từ bảo hiểm cho các doanh nghiệp tăng trưởng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020…
Với những kết quả đạt được, Bảo hiểm PVI nhận giải Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ Tốt nhất Việt Nam 2021 – Best Non – Life Insurance Company, Vietnam 2021 do IFM trao tặng.
Năm 2019 – 2020, không chỉ tập trung phát triển kinh doanh, Bảo hiểm PVI còn luôn tích cực chung tay cùng xã hội, cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19. Bảo hiểm PVI đã trao tặng, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam, phối hợp cùng Công đoàn Y tế Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình “Bảo hiểm an toàn cho cán bộ Y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19”… Chính từ những hoạt động đó, Bảo hiểm PVI vinh dự nhận thêm 01 giải thưởng từ IFM là Best Corporate Social Responsibility (CSR) Insurance Company – Non Life, Vietnam 2021 – Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ Thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội Tốt nhất Việt Nam 2021.
IFM là tạp chí chuyên ngành tài chính – ngân hàng uy tín có trụ sở chính tại Luân Đôn, Anh Quốc. Hàng năm, IFM tổ chức trao giải nhằm vinh danh các cá nhân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tạo nên giá trị và sự khác biệt quan trọng, thể hiện những chuẩn mực cao nhất về sáng tạo cũng như hiệu quả hoạt động.
IFM thuộc nhóm các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, có liên kết đối tác với các tổ chức kiểm toán uy tín toàn cầu như KPMG, Deloitte, Earnst & Young, PwC. IFM được giới chuyên gia đánh giá cao về giá trị, tính chính xác và kịp thời của các thông tin thị trường tài chính bảo hiểm.
Tại Việt Nam, Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất nhận được các giải thưởng của IFM. Năm 2013, Bảo hiểm PVI là công ty bảo hiểm đầu tiên của Việt Nam giành danh hiệu Best Insurance Company của IFM.
PJICO sắp họp ĐHCĐ trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 25%, vốn điều lệ vượt mức 1.100 tỷ đồng
(PJICO) – Ngày 3/12 tới đây, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico – mã chứng khoán: PGI) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021, danh sách cổ đông dự họp đã được chốt vào ngày 5/11 vừa qua.
Theo tài liệu họp đã công bố, HĐQT Pjico dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn, bên cạnh đó điều chỉnh phương án chia cổ tức năm 2021.
Cụ thể, Pjico sẽ phát hành hơn 22 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 25%. Nguồn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần; tại thời điểm 30/6/2021, con số này thể hiện trên BCTC là hơn 359 tỷ đồng.
Thời điểm thực hiện quý 4 năm nay hoặc quý 1/2022. Hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Pijico sẽ tăng từ 887 tỷ đồng lên mức 1.109 tỷ đồng.
Trong tờ trình, Pjico cho biết tính đến cuối 2020, doanh nghiệp đứng trong top 5 về thị phần doanh thu nhưng vốn điều lệ dưới mốc 1.000 tỷ đồng và chỉ đứng thứ 8 – mức thấp hơn nhiều so với quy mô doanh thu hiện tại.
Do đó, việc phát hành cổ phiếu thưởng cũng sẽ giúp hiện thực hóa khoản thặng dự cho các cổ đông hiện hữu sau thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ SFMI năm 2017; đồng thời lợi ích cổ đông cũng được tăng lên do số cổ phần này còn được hưởng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt. Về hoạt động, phát hành sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính và sức mạnh tranh tranh khi tham gia các dự án đấu thầu lớn trên thị trường.
Về cơ cấu cổ đông lớn tại Pjico, công ty mẹ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) nắm hơn 36 triệu cổ phần (40,95% vốn), ngân hàng Vietcombank (mã chứng khoán HoSE) sở hữu hơn 7 triệu cổ phiếu (8,03% vốn) và cổ đông chiến lược SFMI sở hữu 17,7 triệu cổ phiếu (20% vốn).
Song song với đó, Pjico cũng trình cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức 2021 từ 5% tiền mặt và 7% cổ phiếu thành chỉ là 5% bằng tiền mặt do đã tiến hành thưởng cổ phiếu 25% theo phương án trên.
Về hoạt động kinh doanh, Pjico là quán quân tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng trong quý 3, nâng tổng LNST 9 tháng đầu năm lên 322 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 92% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó lợi nhuận quý 3 tăng mạnh kh gấp gần 4 lần lợi nhuận đạt được quý 3/2020.
Tại thời điểm 30/9/2021, Pjico có 287 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và khoảng 359 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Trên thị trường, cổ phiếu PGI sau nhịp tăng mạnh theo sóng của cổ phiếu ngành bảo hiểm đang quay đầu điều chỉnh. Chốt phiên ngày 11/11, thị giá PGI đạt 30.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 53% trong 4 tháng qua.
Generali được vinh danh doanh nghiệp xuất sắc trong “Gắn kết nhân viên” và “Ứng dụng công nghệ và Đột phá nhân sự”
(ĐTCK) – Generali Việt Nam vừa được vinh danh doanh nghiệp xuất sắc ở hai giải thưởng “Gắn kết Nhân viên” và “Ứng dụng công nghệ và Đột phá nhân sự” thuộc hạng mục “Nhân sự xuất sắc” tại chương trình “Chứng nhận Việt Nam xuất sắc – Vietnam Excellence 2021”.
Hàng loạt sáng kiến quản trị nhân sự xoay quanh 4 trọng tâm “Học hỏi, Phát triển, Vui sống, Thăng hoa” của chiến lược nhân sự “Hơn cả một nơi làm việc” đã được Generali triển khai thành công trong thời gian qua.
Cụ thể, trong thời gian giãn cách kéo dài, Generali nhanh chóng lên kế hoạch, tổ chức các hoạt động gắn kết nhân viên với nhiều chủ đề thiết thực dưới các hình thức đa dạng, liên tục đổi mới, nhằm duy trì kết nối giữa nhân viên cũng như tạo thêm hứng khởi trong công việc.
Nổi bật là chuỗi hoạt động “Sống đỏ cùng Gen” (Live Red): Virtual Teambuilding, GenOlympics, Miss GenUniverse, cùng các hội thảo trực tuyến về sức khỏe và cân bằng công việc, cuộc sống…
Thêm vào đó, Generali nhanh chóng triển khai tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên, tư vấn viên, gửi quà thăm hỏi, đồng thời hỗ trợ tài chính cho những cá nhân không may nhiễm Covid-19, thúc đẩy tinh thần lạc quan, tích cực của đội ngũ.
Kết quả chương trình “Chứng nhận Việt Nam xuất sắc – Vietnam Excellence 2021” được Anphabe – công ty tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc công bố sau 3 vòng chọn lọc chặt chẽ từ thẩm định hồ sơ, khảo sát nhân viên và đánh giá từ ban cố vấn uy tín.
Trong năm 2020, Generali Việt Nam được vinh danh “Top 10 Doanh nghiệp tiêu biểu có Nguồn nhân lực Hạnh phúc” theo khảo sát của Anphabe.
- Nhịp đập thị trường
Thị trường bảo hiểm còn nhiều thách thức trong mùa tái tục 2022
(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm bảo hiểm Quốc gia (VINARE) vừa tổ chức Hội nghị bàn tròn Tái bảo hiểm – Nhận định về mùa tái tục 2022 theo hình thức trực tuyến (webinar), trong bối cảnh “bình thường mới”.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VINARE cho biết, ngành bảo hiểm, một bộ phận không tách rời của nền kinh tế, cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, với bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng 9 tháng 2021 thấp kỷ lục trong vòng 10 năm gần đây – chỉ hơn 2% so với cùng kỳ năm trước.
“Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã trải qua một mùa tái tục 2021 với khá nhiều khó khăn do những biến động của thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm trong nước và quốc tế, và dự đoán sẽ còn nhiều thách thức trước mắt trong mùa tái tục 2022 tới đây”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội mới để doanh nghiệp hướng đến hiệu quả hoạt động và nghiên cứu, đầu tư cải tiến quy trình phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, kênh khai thác…
Cũng tại Hội nghị, đại diện Công ty tái bảo hiểm Swiss Re, ông Balasubramanian Nagarajan – Giám đốc chi nhánh Kuala Lumpur – phụ trách thị trường Việt Nam đã chia sẻ quan điểm xu hướng thị trường “hard” sẽ vẫn tiếp diễn, nguồn vốn tái bảo hiểm dư thừa nhưng việc cung cấp năng lực tái bảo hiểm tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh tổn thất phức tạp và rủi ro lạm phát gia tăng với các công ty bảo hiểm.
Các chuyên gia của Swiss Re cũng đã đưa ra cái nhìn của một nhà tái bảo hiểm quốc tế về tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam cũng như những đánh giá về mùa tái tục tới.
Cả VINARE và Swiss Re đều đưa ra các khuyến cáo trong việc khai thác các loại hình rủi ro mới của thị trường bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các điều khoản loại trừ về bệnh truyền nhiễm, rủi ro an ninh mạng cũng như các ảnh hưởng khác của Covid-19 với thị trường bảo hiểm như rủi ro gián đoạn kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Hội nghị cũng đã thảo luận về các vấn đề đang được quan tâm trên thị trường như việc khai thác các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cũng như thu xếp tái bảo hiểm cho các nhà máy điện than trong bối cảnh các yếu tố ESG đang được các nhà bảo hiểm/tái bảo hiểm chú trọng.
Qua Hội nghị, VINARE mong muốn được hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đưa ra các giải pháp tái bảo hiểm hiệu quả cho mùa tái tục 2022 sắp tới cũng như hướng tới sự phát triển ổn định và ổn định của thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm Việt Nam.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo Việt đã trao hơn 6 tỷ đồng học bổng cho sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân trong 7 năm liên tiếp
(TBTCO) – Bảo Việt xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai và là đầu tư mang tính nền tảng. Năm học 2021 – 2022, Tập đoàn Bảo Việt trao 650 triệu đồng học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai” cho sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Các suất học bổng Bảo Việt được trao cho các em sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực trong học tập, sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học… Đây là năm thứ 7, chương trình học bổng mang tên “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai” được Bảo Việt trao tặng cho sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân với tổng số tiền tài trợ lên tới hơn 6 tỷ đồng bao gồm: 203 suất học bổng dành cho sinh viên xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và các tài trợ giáo dục khác.
Tại lễ khai giảng năm học 2021-2022, đại diện Tập đoàn Bảo Việt đã trao tổng giá trị học bổng 650 triệu đồng cho đại diện nhà trường và các Thủ khoa của trường và Thủ khoa chuyên ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bảo Việt còn trao các suất học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó với mong muốn động viên, khích lệ tinh thần của các em. Học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai” có ý nghĩa rất lớn đối với các em, giúp các em luôn nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, trang bị hành trang vững chắc cho tương lai rộng mở.
Bảo Việt xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai và là đầu tư mang tính nền tảng. Trong những năm qua, Bảo Việt luôn dành ưu tiên ngân sách cho các hoạt động phát triển giáo dục như tặng học bổng cho các sinh viên xuất sắc, xây dựng trường học, tài trợ các dụng cụ học tập cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, trao quà và học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình học bổng Bảo Việt với ý nghĩa thiết thực và thời gian đồng hành bền vững có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các thế hệ sinh viên, trở thành nguồn động viên to lớn cho các em vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học.
- Tin quốc tế
Hàn Quốc: Ngành bảo hiểm và cơ quan quản lý thảo luận về tự do hóa để thúc đẩy tăng trưởng
(AIR) – Hai cơ quan quản lý tài chính của Hàn Quốc – Ủy ban dịch vụ tài chính hoạch định chính sách (FSC) và cơ quan giám sát thị trường Dịch vụ giám sát tài chính (FSS) – đã gặp những người đứng đầu các công ty bảo hiểm và tập đoàn ngân hàng lớn để thảo luận về các sáng kiến chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của các bên tham gia thị trường thông qua việc bãi bỏ những quy định không cần thiết.
Theo một báo cáo trên tờ The Korea Herald, Chủ tịch FSC Koh Seung-beom cho biết: “Sự chuyển đổi tài chính kỹ thuật số nhanh chóng và sự phát triển của các doanh nghiệp nền tảng trực tuyến đang thay đổi nhanh chóng bối cảnh ngành bảo hiểm của quốc gia”.
Những người tham dự cuộc họp bao gồm lãnh đạo các công ty bảo hiểm hàng đầu như Samsung Life, Kyobo Life, Hanwha Life và Shinhan Life.
Đối với các công ty bảo hiểm, ông Koh nói rằng FSC sẽ cung cấp miễn trừ theo quy định để cho phép họ tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới. Ông nói rằng sẽ cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ trả trước điện tử, theo đó khách hàng mua thẻ ghi nợ trả trước. FSC cũng có kế hoạch xúc tiến các thủ tục phê duyệt để ra mắt các công ty con của công ty bảo hiểm cung cấp các dịch vụ mới như các giải pháp quản lý sức khỏe kỹ thuật số.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của lĩnh vực bảo hiểm, FSC sẽ khuyến khích các công ty bảo hiểm tham gia “hệ thống ngân hàng mở” do chính phủ đưa ra vào tháng 12 năm 2019, cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng khác nhau thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Trong khi đó, thống đốc FSS Jeong Eun-bo tuyên bố bãi bỏ quy định hiện tại để cho phép các công ty thành viên trong tập đoàn tài chính được chia sẻ thông tin khách hàng với nhau vì mục đích kinh doanh, với sự đồng ý của khách hàng. Hiện tại, việc trao đổi thông tin khách hàng trong tập đoàn tài chính là không được phép.
Ông Jeong cũng chỉ ra rằng FSS sẽ cải tiến cách tiếp cận giám sát của mình. Trọng tâm sẽ là hỗ trợ cho vay đối với ngành bảo hiểm thay vì phạt các công ty bảo hiểm. Ông nói: “Kế hoạch hiện tại của FSS liên quan đến các hoạt động thanh tra sẽ được tổ chức lại với trọng tâm là các phương pháp tiếp cận chủ động hơn là việc xử lý kỷ luật”.
Ấn Độ: IPO Policybazaar được đăng ký mua vượt mức 16,59 lần
(AIR) – Đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của PB Fintech, công ty mẹ của thị trường bảo hiểm trực tuyến Policybazaar, đã được đăng ký vượt mức 16,59 lần.
Theo đó, PB Fintech đã nhận được đặt mua tổng cộng 572,3 triệu cổ phiếu so với 34,5 triệu cổ phiếu được chào bán, dẫn đến tỷ lệ đặt mua gấp 16,59 lần.
Theo một báo cáo của Bloomberg Quint, các nhà đầu tư tổ chức dẫn đầu cuộc đấu thầu trong đợt IPO được đăng ký 1,59 lần vào ngày 2 tháng 11 và 54% vào ngày 1 tháng 11.
IPO bao gồm một đợt phát hành mới trị giá 37,5 tỷ INR (504 triệu USD) và một đề nghị bán – do SoftBank Vision Fund và các nhà sáng lập Yashish Dahiya, Alok Bansal, Founder United Trust, Shikha Dahiya và Rajendra Singh Kuhar chào bán – trị giá 19,6 tỷ INR ở phía trên cuối vùng giá 940-980 INR/cổ phiếu. Cùng với đó, công ty đã bán 13% vốn cổ phần trả sau IPO trị giá 57,1 tỷ INR. Trong số này, các nhà đầu tư chủ chốt (cornerstone investor) đã đóng góp 25,69 tỷ INR vào ngày 29 tháng 10.
Số tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu mới trong đợt IPO sẽ được sử dụng để quảng bá thương hiệu, tài trợ cho các cơ hội mới; đầu tư chiến lược và mua lại, mở rộng hoạt động bên ngoài Ấn Độ và chi phí hoạt động chung.
Willis Towers Watson sở hữu 100% hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ
(AIR) – Willis Towers Watson (WTW), công ty tư vấn, môi giới và giải pháp hàng đầu thế giới, đã ký thỏa thuận để mua 51% cổ phần còn lại mà công ty chưa sở hữu.
WTW hiện nắm giữ 49% cổ phần của Willis Towers Watson India Insurance Brokers (WTW India) và những thay đổi gần đây trong quy định pháp lý đã giúp WTW có thể sở hữu tới 100% cổ phần của nhà môi giới Ấn Độ.
Bà Pamela Thomson-Hall, Giám đốc WTWW Quốc tế, cho biết: “Là một trong những nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 17% trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 năm tới, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng nhu cầu và cơ hội đối với không gian mạng, sức khỏe và lợi ích, bảo hiểm cây trồng và bảo đảm tại thị trường Ấn Độ. Việc mua lại 100% quyền sở hữu WTW Ấn Độ sẽ cho phép chúng tôi tận dụng hơn nữa các cơ hội tăng trưởng đáng kể trong thị trường này và phục vụ tốt hơn nhu cầu đang phát triển nhanh chóng của khách hàng tại Ấn Độ”.
“Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của quản lý rủi ro và bảo hiểm trong việc bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi của doanh nghiệp và cộng đồng trước cú sốc đại dịch ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ. Chúng tôi cam kết với thị trường Ấn Độ và nhận thấy chúng tôi có thể đóng vai trò quan trọng để giúp nâng cao mức độ thâm nhập thấp của bảo hiểm và thu hẹp khoảng cách bảo vệ mà quốc gia này cần”.
Ông Rohit Jain, Giám đốc WTW Ấn Độ, nói thêm: “Đây là thời điểm chưa từng có đối với nhân loại và doanh nghiệp, đặc biệt là những rủi ro phải đối mặt với cả hai. Các dạng rủi ro đang nổi lên như biến đổi khí hậu, đại dịch, các mối đe dọa trên mạng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng đòi hỏi các giải pháp toàn diện và tức thời nhằm giảm thiểu rủi ro, ứng phó sự cố và đền bù tổn thất. WTW đã có sự hiện diện đáng kể ở Ấn Độ và việc mua lại này là một cột mốc quan trọng khác nhằm mang đến cho khách hàng của chúng tôi những sản phẩm và giải pháp tốt nhất, công nghệ và cái nhìn sâu sắc chưa từng có để đưa ra quyết định dựa trên rủi ro một cách đúng đắn”.
Để hoàn tất, giao dịch này vẫn phải được sự phê duyệt pháp lý và tuân thủ các quy định thông thường.
Trung Quốc xin ý kiến về dự thảo quy định trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trực tuyến
(AIR) – Theo Bloomberg, việc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đưa ra dự thảo quy định vào tuần trước đã làm tăng thêm lo ngại về những hạn chế đối với tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trực tuyến.
Dự thảo quy định đang được lấy ý kiến của công chúng, làm rõ một số vấn đề, trong đó có quy định cấm tư vấn y tế trực tuyến để chẩn đoán ban đầu.
Tài liệu có tiêu đề “Quy định về Quy chế Tư vấn Y tế Trực tuyến (Dự thảo Lấy ý kiến)”, nêu rõ rằng các bác sĩ được yêu cầu xác thực danh tính thực của họ trước khi cung cấp dịch vụ tư vấn để đảm bảo rằng các cuộc tư vấn trực tuyến đó được cung cấp bởi bác sĩ nói trên. Dự thảo cho biết không nên sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để thay thế. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải công bố danh sách các nhà cung cấp được phê duyệt để cải thiện việc giám sát. Hơn nữa, tất cả các cuộc hẹn trực tuyến phải được ghi lại và lưu trữ trong ít nhất 15 năm.
Bình luận về các quy tắc mới được đề xuất, WeDoctor do Tencent hậu thuẫn cho biết trong một tuyên bố rằng các chính sách quản lý đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên Internet đang trở nên minh bạch và chuẩn hóa hơn. Đồng thời, các công ty cung cấp dịch vụ y tế thực tế với hệ thống tuân thủ quy định hợp lý sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các quy định chặt chẽ hơn.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này bao gồm Alibaba Health và Ping An Good Doctor.
Theo NHC, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2021, số bệnh viện Internet ở Trung Quốc đã vượt quá 1.600. Bệnh viện Internet là nhà cung cấp các dịch vụ y tế trực tuyến như tư vấn trực tuyến. Bệnh viện Internet đầu tiên ở Trung Quốc được thành lập vào năm 2015 tại tỉnh Chiết Giang bởi nền tảng dịch vụ y tế kỹ thuật số WeDoctor.
Vào tháng 7 năm 2019, Cục Quản lý An ninh Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia cho biết rằng các dịch vụ y tế trực tuyến sẽ được hệ thống bảo hiểm y tế của quốc gia chi trả.
Doanh thu AXA tăng 7% lên $87,76 tỷ USD
(INA) – AXA đã công bố báo cáo cho biết, hiệu quả hoạt động 9 tháng đầu năm tăng trưởng 7% lên khoảng 87,76 tỷ đô la (76 tỷ euro), phản ánh sự tăng trưởng trong hầu hết các phân khúc kinh doanh của công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) tăng 5%, với các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại tăng 7%, chủ yếu nhờ tác động của giá phí thuận lợi, đặc biệt là ở AXA XL, đồng thời doanh thu ổn định đối với các nghiệp vụ cá nhân. Bảo hiểm sức khỏe tăng 4% với tốc độ tăng trưởng liên tục trên hầu hết các khu vực địa lý trong khi bảo hiểm nhân thọ & tiết kiệm tăng 12%, phản ánh hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của bảo hiểm tiết kiệm cá nhân ở Pháp, chủ yếu là sản phẩm liên kết đơn vị, cũng như tăng trưởng mạnh mẽ ở châu Á chủ yếu ở Nhật Bản và Hồng Kông. Trong khi đó, quản lý tài sản tăng 17%, nhờ vào phí quản lý và hiệu suất cao hơn.
Đối với hoạt động kinh doanh tại Châu Á của AXA, tổng doanh thu đã tăng 8% lên 8,34 tỷ euro, với phần lớn doanh thu đến từ Nhật Bản là 4,26 tỷ euro.
Ông Alban de Mailly Nesle, Giám đốc Tài chính của AXA cho biết: “AXA tiếp tục đạt được hiệu quả hoạt động xuất sắc trong chín tháng đầu năm 2021. Doanh thu tổng thể tăng 7%, với tất cả các nghiệp vụ kinh doanh và khu vực địa lý đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ này”.
Allianz Châu Á Thái Bình Dương bổ nhiệm Giám đốc khu vực
(INA) – Allianz thông báo cho biết, bà Anusha Thavarajah sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành khu vực của Allianz Châu Á Thái Bình Dương.
Bà Thavarajah sẽ kế nhiệm Solmaz Altin, người đã quyết định rời công ty sau 13 năm.
Hiện đang làm Giám đốc điều hành khu vực về đời sống & sức khỏe của Allianz Châu Á Thái Bình Dương, Thavarajah trước đây làm việc cho AIA Malaysia trước khi gia nhập Allianz vào tháng 12 năm 2019. Bà có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ tài chính, từng đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo cấp cao khác nhau tại Vương quốc Anh, Hồng Kông và Malaysia, và là chủ tịch của Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Malaysia.
Quyết định bổ nhiệm sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12.
Sun Life cam kết đạt mức phát thải ròng vào năm 2050
(INA) – Sun Life đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính (GHG) ròng bằng 0 vào năm 2050 cho cả các khoản đầu tư và hoạt động của mình với các mục tiêu tạm thời sẽ được công bố vào năm 2022.
Đối với các khoản đầu tư của mình, Sun Life có kế hoạch đạt được mức phát thải ròng bằng không trong tài khoản chung, tài khoản này có nguồn từ phí bảo hiểm và được quản lý bởi công ty quản lý tài sản SLC Management. Các công ty quản lý tài sản khác của Sun Life cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực phát thải ròng. Các công ty này bao gồm: MFS Investment Management (MFS), BentallGreenOak (BGO) và InfraRed Capital Partners (InfraRed) và SLGI Asset Management Inc. (SLGI Asset Management).
Sun Life cũng sẽ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm tuyệt đối 50% lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động so với năm 2019. Điều này bao gồm việc giảm phát thải từ các văn phòng của Sun Life và du lịch của công ty. Mức độ cam kết mới này được xây dựng dựa trên thông báo cắt giảm trước đó của Sun Life tuyên bố rằng họ sẽ làm việc theo hướng giảm cường độ phát thải khí nhà kính xuống 30%.
“Đạt được mức phát thải ròng vào năm 2050 có nghĩa là đảm bảo rằng chúng tôi đang thực hiện các giải pháp từ danh mục đầu tư đến hoạt động để giúp hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Những nỗ lực phối hợp của Công ty đối với vấn đề toàn cầu này, cùng với sự hợp tác trong toàn ngành của chúng tôi, sẽ giúp bảo vệ môi trường có thể sống được và cải thiện sức khỏe và an ninh của các cộng đồng trên toàn thế giới”, ông Alanna Boyd, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc phát triển bền vững, cho biết.
Australia: Bồi thường rủi ro thảm họa năm 2022 dự kiến đạt 770 triệu USD
(INA) – Công ty TNHH Tập đoàn Bảo hiểm Australia (IAG) đã nâng mức dự kiến về chi phí yêu cầu bồi thường thiệt hại ròng do rủi ro thiên nhiên trong năm tài chính 2022 lên 1,045 tỷ đô la Úc (770 triệu đô la Mỹ) so với giả định trước đó là 765 triệu đô la Úc (568 triệu đô la Mỹ), sau trận mưa đá tại Nam Úc, bão tại Victoria và các sự kiện khác trong nửa cuối tháng 10.
“Chi phí yêu cầu bồi thường rủi ro thiên nhiên ròng trong bốn tháng đầu tiên đã vượt quá các giả định trước đó của IAG khoảng 280 triệu đô la Úc. Dự báo sửa đổi cho năm tài chính 2022 cũng bao gồm khoảng 510 triệu đô la Úc cho các sự kiện nguy hiểm trong phần còn lại của năm”, IAG cho biết.
IAG trước đây đã đưa ra lời khuyên rằng họ sẽ tăng đáng kể mức dự phòng rủi ro thiên nhiên từ năm 2021 đến năm 2022, tuy nhiên công ty bảo hiểm cho biết rằng các yêu cầu bồi thường kinh nghiệm từ đầu năm đến nay là bất ngờ theo mùa và đã vượt quá các giả định ban đầu.
Mức tăng 280 triệu đô la Úc trong chi phí yêu cầu bồi thường ròng về rủi ro thiên nhiên tương đương với khoảng 360 điểm cơ bản ở mức lợi nhuận bảo hiểm công bố. Do đó, IAG đã giảm tỷ lệ kỳ vọng lợi nhuận bảo hiểm năm tài chính 2022 từ 13,5 – 15,5% xuống 10,0 – 12,0%. Các giả định khác không thay đổi.
IAG ước tính rằng khoản khấu trừ 270 triệu đô la Úc (sau tái bảo hiểm quota share) trong doanh thu bảo hiểm năm tài chính 2022 đã bị xói mòn 209 triệu đô la Úc do các hiện tượng thời tiết gần đây. Tổng mức bảo vệ tổng hợp lên tới 236 triệu đô la Úc. Sau khi thu xếp tái bảo hiểm, mức giữ lại bảo hiểm thảm họa tối đa là 95 triệu đô la Úc.
Các công ty bảo hiểm tín dụng Indonesia phải đối mặt với yêu cầu bồi thường gia tăng
(INA) – Theo đánh giá của Fitch Ratings, điều kiện kinh tế yếu hơn sẽ khiến các công ty bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng Indonesia phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường gia tăng. Sự gia tăng nguy cơ vỡ nợ giữa các con nợ có thể ảnh hưởng đến việc phát triển yêu cầu bồi thường, đặc biệt là sau đợt lây nhiễm Covid thứ hai vào tháng 6 năm 2021.
“Fitch kỳ vọng các công ty bảo hiểm tín dụng có thể tuân thủ các yêu cầu quy định về vốn hóa bất chấp sự gia tăng các yêu cầu bồi thường và tăng trưởng kinh doanh. Các yêu cầu bao gồm việc duy trì vốn dựa trên rủi ro trên 120% và tổng tỷ lệ điều chỉnh tối đa và hệ số kiểm soát năng suất tối đa lần lượt là 40x và 20x”, Fitch cho biết.
Đã có sự gia tăng trong hoạt động cho vay ngang hàng về công nghệ tài chính (fintech P2P) ở Indonesia trong năm năm qua, tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm tín dụng và người bảo lãnh có thể mở rộng bằng cách bảo hiểm hoặc bảo lãnh các khoản tiền của người cho vay. Tuy nhiên, Fitch cho rằng điều kiện kinh tế yếu kém và những người đi vay dễ bị tổn thương hơn trong phân khúc cho vay fintech có nghĩa là có rủi ro cao hơn về các khoản nợ xấu, điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của các bên cho vay và hiệu quả bảo vệ của các công ty bảo hiểm và công ty bảo lãnh hỗ trợ cho các bên cho vay.
Fitch Ratings báo cáo việc đánh giá rủi ro thận trọng và mở rộng danh mục đầu tư có chọn lọc đã giúp các công ty bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh tín dụng ở Indonesia hạn chế tình trạng khiếu kiện tăng vọt do suy thoái kinh tế trong đại dịch.
BTV (Tổng hợp).