TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 41

Manulife đầu tư 1 triệu USD cùng Kiva hỗ trợ người dân Đông Nam Á; Dai-ichi Life Việt Nam chính thức ra mắt website mới; Generali Việt Nam bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 41

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC bồi thường 45 triệu đồng cho khách hàng bị hack tài khoản ngân hàng

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm BIDV Bắc Trung Bộ (BIC Bắc Trung Bộ) vừa tổ chức trao số tiền bồi thường 45 triệu đồng bảo hiểm an ninh mạng cá nhân – BIC Bảo an tài khoản cho khách hàng D.Q.A.

Chị D.Q.A hiện đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa. Ngày 08/09/2023, chị D.Q.A không may bị kẻ gian hack và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận được thông tin từ chị D.Q.A, BIC Bắc Trung Bộ đã nhanh chóng phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ và chi trả bồi thường 45 triệu đồng với quyền lợi Gian lận chuyển tiền trực tuyến của sản phẩm BIC Bảo an tài khoản cho khách hàng.

Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân BIC Bảo an tài khoản bảo vệ toàn diện khách hàng có tài khoản ngân hàng trước những rủi ro trên không gian mạng với 3 quyền lợi bảo hiểm ưu việt: mua sắm trực tuyến, gian lận chuyển tiền và trộm cắp danh tính trực tuyến. Sản phẩm bồi thường tối đa cho khách hàng tới 135 triệu đồng trong khi phí bảo hiểm rất hấp dẫn chỉ 500 đồng/ngày.

BIC Bảo an tài khoản hiện có thể đặt mua rất đơn giản và nhanh chóng trên các kênh online của BIC như website mybic.vn, ứng dụng BIC Online hay app BIDV SmartBanking (miễn phí trên iOS và Android). Quá trình bồi thường cũng được BIC rút ngắn và tối ưu hóa nhằm mang tới sự thuận tiện nhất cho khách hàng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Generali Việt Nam bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc

(TBTCO) – Công ty TNHH BHNT Generali Việt Nam (Generali Việt Nam) vừa chính thức bổ nhiệm bà Nguyễn Phương Anh vào vị trí Tổng Giám đốc kể từ ngày được Bộ Tài Chính chấp thuận.

Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị Tổng Giám đốc Generali Việt Nam, bà Nguyễn Phương Anh đã nắm giữ nhiều vai trò lãnh đạo cấp cao khác nhau trong ngành bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng, ở đa dạng các lĩnh vực và kênh phân phối bao gồm ngân hàng bán lẻ, thương mại kỹ thuật số, tiếp thị, huấn luyện đào tạo các kênh phân phối, kênh hợp tác ngân hàng và đại lý tổ chức.

Bà Nguyễn Phương Anh có kinh nghiệm dày dặn về chuyên môn lẫn điều hành. Với kiến thức sâu rộng về thị trường, năng lực lãnh đạo vượt trội và tư duy “lấy khách hàng làm trọng tâm”, bà Phương Anh được tin tưởng sẽ thành công để dẫn dắt Generali Việt Nam theo đuổi chiến lược tăng trưởng bền vững, hướng đến được mục tiêu trở thành “Người bạn Trọn đời” của khách hàng.

Ông Jaime Anchustegui – Tổng giám đốc Generali quốc tế, nhận định: “Chúng tôi rất vui mừng chào đón sự gia nhập của bà Nguyễn Phương Anh vào hàng ngũ lãnh đạo của Generali. Tôi tin rằng năng lực điều hành xuất sắc của bà Phương Anh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Generali đẩy mạnh các kế hoạch kinh doanh và khẳng định dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam. Là thị trường đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận cho Tập đoàn Generali trong những năm tới, châu Á và Việt Nam là khu vực quan trọng mà chúng tôi cam kết đầu tư vào con người để tăng cường năng lực lãnh đạo theo chiến lược “Người bạn Trọn đời – Lifetime Partner 24” mà Generali đang theo đuổi”.

Bà Nguyễn Phương Anh bày tỏ: “Tôi thực sự vui mừng khi nhận trọng trách mới từ sự tín nhiệm của Tập đoàn Generali. Hoạt động kinh doanh của Generali tại Việt Nam đang có những bước tiến ngày càng mạnh mẽ, thế nên tôi hy vọng sẽ tiếp tục duy trì được đà phát triển vững chắc này để tiếp tục phục vụ khách hàng tại Việt Nam. Với mục tiêu trở thành “Người bạn Trọn đời” của khách hàng, tôi rất mong đợi được làm việc với toàn thể đội ngũ Generali Việt Nam để nâng cao hơn nữa chuẩn mực trải nghiệm khách hàng mà công ty đã xây dựng thành công trong nhiều năm qua”.

Dai-ichi Life Việt Nam chính thức ra mắt website mới

(ĐTCK) – Nằm trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) chính thức ra mắt website mới tại địa chỉ: https://www.dai-ichi-life.com.vn/.

Theo đó, website mới được tích hợp những cải tiến công nghệ số để mang đến các tính năng vượt trội cho người sử dụng.

Ưu điểm của website mới là cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, nổi bật nhất với tính năng tối ưu công cụ tìm kiếm theo đúng nhu cầu và lịch sử tìm kiếm, giúp người dùng rút ngắn thời gian tra cứu các sản phẩm, dịch vụ, cũng như tìm hiểu thông tin về Dai-ichi Life Việt Nam.

Đặc biệt, website mới còn cung cấp công cụ tính phí bảo hiểm, giúp khách hàng tự thiết lập kế hoạch tài chính, lựa chọn giải pháp bảo vệ phù hợp với khả năng tài chính của bản thân và gia đình một cách đơn giản, dễ dàng, tiện lợi.

Với giao diện thân thiện, thiết kế hiện đại và tốc độ xử lý dữ liệu cao, website mới tương thích cùng nhiều kích thước màn hình thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, máy tính bảng…), đồng thời bổ sung chế độ màn hình tối (dark mode), giúp người dùng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi.

Trên nền tảng mới này, đường liên kết nhanh cũng đã được tạo để kết nối đến các ứng dụng công nghệ số của Công ty, bao gồm: Dai-ichi Connect – Cổng thông tin Khách hàng, Dai-ichi Success – Nền tảng Trợ lý số dành cho Tư vấn Tài chính, Dai-ichi ON – Nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến, và iTrust – Nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cùng Công ty Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN); các kênh truyền thông mạng xã hội chính thức của Công ty: Facebook, Youtube, LinkedIn, Zalo, tạo nên một hệ sinh thái số toàn diện với dịch vụ một cửa trực tuyến (one-stop e-service) nhằm mang đến sự thuận tiện cao nhất cho người sử dụng.

Tuân thủ các quy định theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới trong mọi hoạt động, website mới của Dai-ichi Life Việt Nam đã được thiết kế các tính năng bảo mật cao nhằm bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, giúp người dùng an tâm trong mọi thao tác, tìm kiếm thông tin.

Ông Đặng Hồng Hải, Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ: “Trong những năm qua, chuyển đổi số đã trở thành một trong những chiến lược trọng tâm trong kế hoạch tăng trưởng bền vững của Dai-ichi Life Việt Nam. Trang website mới sẽ giúp tối ưu hóa trải nghiệm và mang đến nhiều tiện ích cho đối tượng sử dụng: Khách hàng và gia đình, Đối tác, Nhân viên, Tư vấn Tài chính và Cộng đồng. Với triết lý kinh doanh “Khách hàng là trên hết”, Dai-ichi Life Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư hệ sinh thái số với chuỗi quy trình xuyên suốt nhằm mang đến sự hài lòng cao nhất cho khách hàng và hướng đến mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam”.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ gặp nhiều biến động và thách thức, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy trì đà tăng trưởng và đạt mức lợi nhuận tương đương cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt xấp xỉ 1.600 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 300 tỷ đồng. Cùng với mức vốn chủ sở hữu 9.800 tỷ đồng và tổng tài sản trên 62.000 tỷ đồng (tăng 7,5% so với đầu năm 2023), Dai-ichi Life Việt Nam nằm trong nhóm Top 3 Công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lớn nhất có hiệu quả kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.

Luôn cam kết mang đến cho khách hàng những quyền lợi ưu việt và giá trị thiết thực, trong 6 tháng đầu năm 2023, Dai-ichi Life Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 2.100 tỷ đồng cho 160.000 trường hợp, trong đó chi trả quyền lợi bảo hiểm Chăm sóc Sức khỏe hơn 500 tỷ đồng cho hơn 90.000 trường hợp, nâng tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 17.000 tỷ đồng cho hơn 1,5 triệu trường trường hợp trong hơn 16 năm qua.

Với những nỗ lực mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Dai-ichi Life Việt Nam đã được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế vinh danh qua nhiều giải thưởng cao quý “Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á 2023” và “Thương hiệu truyền cảm hứng 2023” lần thứ 3 liên tiếp (2021-2023) do Enterprise Asia bình chọn và trao tặng vào ngày 5/10/2023; “Top 2 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín năm 2023” trong hai năm liên tiếp (2022- 2023) Vietnam Report phối hợp cùng Báo điện tử Vietnamnet công bố vào ngày 4/8/2023, đồng thời nằm trong nhóm Top 3 Công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lớn nhất có hiệu quả kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, xếp vị trí thứ 45/1.000 Doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam năm 2021.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam ký hợp tác kinh doanh với Bảo hiểm Samsung Vina

(ĐTCK) – Ngày 11/10, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Ngân hàng Shinhan) và Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina (Bảo hiểm Samsung Vina) công bố ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm Tài sản của Bảo hiểm Samsung Vina tới các khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Shinhan.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết, các sản phẩm bảo hiểm Tài sản sẽ được triển khai phân phối thông qua hệ thống mạng lưới của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc, giúp các khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam tiếp cận một loạt dịch vụ bảo hiểm mới, với chuyên môn bảo hiểm của Bảo hiểm Samsung Vina.

Tại buổi lễ ký kết, ông Kang GewWon, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin tưởng quan hệ hợp tác sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có của hai bên để từ đó giúp nâng cao năng lực, tạo lợi thế cạnh tranh cho Ngân hàng Shinhan và Bảo hiểm Samsung Vina trên thị trường”.

Ông Ye Young Hae, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina cho hay: “Với chiến lược phát triển kinh doanh theo hướng tăng trưởng bền vững và hiệu quả, tập trung vào công tác quản trị rủi ro và chia sẻ rủi ro với khách hàng bằng các dịch vụ chất lượng cao, Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina và Ngân hàng Shinhan cho thấy sự tương đồng trong tầm nhìn và mục tiêu phát triển kinh doanh. Lễ ký kết này đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai bên và là tiền đề cho những thành công tiếp theo trong quan hệ hợp tác giữa Bảo hiểm Samsung Vina và Ngân hàng Shinhan”.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây với tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng đều qua hàng năm. Trong đó, theo số liệu 6 tháng đầu năm 2023 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu bảo hiểm tài sản chiếm tỷ trọng 29% và đạt mức tăng trưởng 10.9% so với cùng kỳ.

Thông qua mối quan hệ hợp tác với Bảo hiểm Samsung Vina – một trong những công ty bảo hiểm uy tín tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng Shinhan kỳ vọng mang đến khách hàng doanh nghiệp những giá trị thiết thực, giúp khách hàng doanh nghiệp có thêm những lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp, cũng như tiếp cận các giải pháp ngân hàng toàn diện mà Ngân hàng mang lại.

Sun Life Việt Nam trở thành đối tác bảo hiểm nhân thọ chính thức của Saigon Heat

(TBTCO) – Sun Life Việt Nam và Saigon Heat vừa chính thức tổ chức ký kết hợp tác, trở thành đối tác bảo hiểm nhân thọ chính thức. Với việc hợp tác này, Sun Life Việt Nam sẽ đồng hành cùng đội bóng Saigon Heat để khơi dậy niềm đam mê chinh phục trái bóng cam, nâng tầm sự phát triển của bóng rổ trong nước và thực hiện các chương trình cộng đồng truyền cảm hứng rèn luyện thể thao đến thế thế hệ trẻ.

Từ năm 2018 đến nay, Sun Life Việt Nam đã tham gia trao tặng 442 trụ bóng rổ và 2.210 quả bóng rổ cho 255 trường học tại các địa phương trên cả nước. Việc hợp tác với Saigon Heat cũng là một phần trong cam kết phát triển các tài năng thể thao trong hành trình phát triển bền vững về sức khỏe thể chất và tinh thần cho cộng đồng và khách hàng của Sun Life Việt Nam.

Với sự đồng hành của nhà bảo hiểm đến từ Canada này, các tài năng trẻ của Saigon Heat sẽ an tâm cống hiến và chạm tới những thành công lớn hơn trong sự nghiệp, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ. Đây cũng chính là tinh thần Sun Life Việt Nam đang hướng đến nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, rèn luyện ý chí, kỹ năng, tính kỷ luật và tinh thần đồng đội, khuyến khích một lối sống lành mạnh cho các thanh thiếu niên và cộng đồng.

Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, cho biết: “Tại Canada, Sun Life đã ký hợp tác tài trợ nhiều năm cùng đội tuyển bóng rổ Canada đấu giải quốc gia cũng như giải FIBA World Cup. Tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng với tinh thần của một đội bóng ý chí mạnh mẽ, luôn có khát khao chiến thắng và gặt hái nhiều thành công trong những năm qua như Saigon Heat, việc Sun Life đồng hành cùng đương kim vô địch VBA 2023 trong mùa giải 2023 – 2024 sắp tới hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho một cộng đồng và đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên sống khỏe mạnh và tích cực, phát triển cân bằng giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần thông qua các hoạt động thể thao”.

Là tập đoàn chú trọng đến sự phát triển bền vững, Sun Life mong muốn thông qua bóng rổ nói riêng và thể thao nói chung góp phần cải thiện sức khỏe thể chất cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Với sự bắt tay này, Sun Life và Saigon Heat sẽ cùng nhau đưa bóng rổ và nền tảng thể thao đến với nhiều người hơn, đồng thời giúp nâng tầm môn thể thao này tại Việt Nam.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm

(TBTCO) – Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Nghiêm cấm hành vi tác động, xúi giục khách hàng

Cụ thể, tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư số 135/2012/TT-BTC ngày 15/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, Thông tư số 52/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và các văn bản có liên quan khác.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.

Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.

“Bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng” – Văn bản của NHNN nêu rõ.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thay cho nhân viên của TCTD.

“Nghiêm cấm hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư” – NHNN nhấn mạnh.

Công văn nêu rõ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và Trưởng Ban Kiểm soát của TCTD chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên.

Tăng cường phối hợp công tác giữa 2 cơ quan quản lý

Cũng liên quan tới hoạt động bán bảo biểm qua kênh ngân hàng, ngày 5/10/2023 vừa qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã chính thức ký kết Quy chế phối hợp công tác.

Quy chế đề ra các nguyên tắc, phương thức phối hợp giữa hai đơn vị, trong đó nêu cụ thể trách nhiệm của mỗi bên trong việc phối hợp, xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền phổ biến hướng dẫn cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; phân luồng thông tin phản ánh, kiến nghị liên quan tới hoạt động đại lý bảo hiểm; định hướng xây dựng và kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng.

Việc phối hợp công tác theo quy chế này sẽ giúp hai bên nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra và giám sát; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp; phát hiện các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động đại lý bảo hiểm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả (nếu có); đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Được biết, vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với NHNN và các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Trong đó, đã quy định, bổ sung rõ hơn về yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là TCTD phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý.

Quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý; việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý khi trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý…

Ngoài ra, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cũng đang hoàn thiện bước cuối cùng và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng này. Trong dự thảo, Bộ Tài chính bổ sung một số quy định nhằm tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động đại lý, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kiểm soát hoạt động đại lý. Chẳng hạn như, yêu cầu ghi âm quá trình tư vấn đối với các sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm liên kết đầu tư; sửa đổi các giới hạn đối với các khoản chi phí hoa hồng, bổ sung giới hạn đối với chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm hướng đại lý tới việc chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm…

  1. Nhịp đập thị trường

“Hồi sức” cho bảo hiểm

(ĐTCK) – Sau thời gian dài duy trì đà tăng trưởng 2 con số, thị trường bảo hiểm đang cần được “hồi sức”.

Bancassurance bị siết chặt, thị trường gặp khó

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 52.900 tỷ đồng) và lũy kế 9 tháng năm giảm 6,9% (ước đạt 165.600 tỷ đồng), trong đó doanh thu từ mảng bảo hiểm nhân thọ giảm 10,7% (ước đạt 113.400 tỷ đồng). Theo cơ quan này, một trong những nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm gặp khó là do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán qua ngân hàng (bancassurance).

Theo ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt, thời gian qua, cơ quan quản lý có nhiều động thái siết chặt kênh bancassurance. Cụ thể, sau khi ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân khi ra ngân hàng thực hiện các thủ tục vay vốn thì bị “ép” mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới được xem xét giải ngân gây nhiều bức xúc, vào ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời xác minh thông tin và xử lý ngân hàng có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm.

Tiếp đó, ngày 29/6/2023, Bộ Tài chính ban hành kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm (gồm BIDV Metlife, MB Ageas, Prudential Việt Nam, Sun Life Việt Nam) đã triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, kết luận thanh tra số 811/KL-BTC đối với Sun Life Việt Nam và kết luận thanh tra số 812/KL-BTC đối với Prudential Việt Nam đã chỉ ra tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất lần lượt là 73% và 41% cho thấy việc bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng tồn tại nhiều vấn đề, chưa đúng mục đích của người mua.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), đây là kỳ thanh tra tập trung vào các hoạt động trong năm tài chính 2021, có xem xét thêm các kỳ liên quan, không liên quan đến tình hình khiếu nại của khách hàng diễn ra khá phức tạp từ đầu năm 2023 đến nay. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2023 sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Sau các hoạt động thanh tra, nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị hủy và doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng cho khách hàng dẫn đến giảm doanh thu. Ngoài ra, Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 yêu cầu các ngân hàng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải có bộ phận chuyên trách riêng và người đứng đầu bộ phận này phải có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Theo các chuyên gia pháp lý, đây là một thay đổi quan trọng so với Nghị định 73/2016/NĐ-CP liên quan tới hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Niềm tin xuống thấp

Thị trường tài chính vốn nhạy cảm và niềm tin là điều doanh nghiệp luôn phải giữ gìn. Khách hàng, người dân bất an trước bảo hiểm – vốn được ví như “chiếc khiên” bảo vệ, giúp họ sẵn sàng ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống – lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin lớn chưa từng có.

“Người dân khó có thể an tâm đầu tư vào nơi thường xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Hệ lụy tất yếu là ảnh hưởng đến doanh thu của một kênh phân phối luôn đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ)”, ông Đoàn Thanh Tùng, người từng nhiều năm làm việc cho một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn và hỗ trợ 12 ca đòi bồi thường miễn phí giúp khách hàng trong 3 năm qua nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng đại lý bảo hiểm bằng mọi cách ký được hợp đồng nhằm hưởng hoa hồng cao, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo… là nguyên nhân chính khiến khách hàng mất niềm tin vào bảo hiểm. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm vì doanh thu nên có phần buông lỏng quản lý các đại lý, tư vấn viên.

Theo Vietnam Report, những lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng khiến niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung chưa bao giờ xuống thấp như hiện tại. Từ đầu năm tới nay, những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, việc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023.

Những năm trước, chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm được công bố luôn tăng trưởng 2 chữ số, ở quanh ngưỡng 22%/năm, nhưng lần đầu tiên giảm vào quý II/2022 và đến nay vẫn chưa thể hồi phục (quý I/2023 tăng trưởng 6,8%, quý II/2023 giảm 3,1% và quý III/2023 giảm 10,4%).

Hiện số liệu thống kê mới nhất chưa công bố, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 15.508 tỷ đồng (theo IAV), trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng như Manulife (giảm 1.988 tỷ đồng), AIA (giảm 1.177 tỷ đồng), Prudential (giảm 1.157 tỷ đồng), MB Ageas (giảm 1.040 tỷ đồng), Dai-ichi Life (giảm 665 tỷ đồng), Generali (giảm 211 tỷ đồng), Bảo Việt Nhân thọ (giảm 186 tỷ đồng), Sun Life (giảm 111 tỷ đồng)…

Hồi sức cách nào?

Theo các thành viên thị trường, thị trường bảo hiểm đang trong giai đoạn khó khăn, một phần xuất phát từ niềm tin vào bảo hiểm sụt giảm, nên điều quan trọng nhất lúc này là lấy lại niềm tin từ khách hàng thông qua nhiều giải pháp đồng bộ.

“Về phía cơ quan quản lý, cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng và giải quyết dứt điểm những tồn tại, còn các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phải thanh lọc để loại bỏ những đại lý vi phạm, đào tạo lại lực lượng nhân viên kinh doanh và đại lý cho chuẩn mực để từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng đối với bảo hiểm, bộ hợp đồng bảo hiểm cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu hơn…”, ông Đoàn Thanh Tùng nêu quan điểm.

Thực tế, thời gian qua, trong nỗ lực hướng tới khách hàng, nhiều công ty bảo hiểm đã chỉnh sửa lại bộ hợp đồng bảo hiểm theo hướng rút gọn và sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, Prudential Việt Nam cho ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới chỉ 8 trang, Bảo Việt Nhân thọ đưa ra bộ tài liệu tóm tắt về các điều khoản bảo hiểm và các điểm cần lưu ý giúp khách hàng nắm rõ hơn những điểm nổi bật của sản phẩm, các điểm trọng yếu liên quan đến quyền lợi của mình…

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đánh giá, từ đầu tháng 8/2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ bắt đầu ghi nhận sự chuyển biến theo chiều hướng tốt lên. Với các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tích cực triển khai, sự nỗ lực thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm, niềm tin của khách hàng sẽ được củng cố, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù doanh thu phí giảm, nhưng chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 57.100 tỷ đồng); tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 15,4% (ước đạt 746,7 tỷ đồng); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9%…

Ở góc nhìn khác, PGS-TS. Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris nhìn nhận, thị trường bảo hiểm khó có thể phục hồi nhanh do tình hình kinh tế chung chậm lại, đặc biệt sau “cú sốc” niềm tin vừa qua. Do đó, điều cần ưu tiên nhất lúc này với các doanh nghiệp là duy trì hợp đồng bảo hiểm cũ.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Doanh nghiệp bảo hiểm chung tay nối dài hành trình nhân ái

(TBTCO) – Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang triển khai nhiều chương trình an sinh giáo dục, từ đó tiếp thêm nguồn động lực để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, vững vàng và yên tâm hơn trên hành trình đến trường.

Chung tay tiếp sức đến trường

Đại diện Bảo Việt Nhân thọ cho biết: Chào đón năm học 2023-2024, công ty đã triển khai chương trình “Quà vui tới trường” trao tặng 6.000 chiếc balo, với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Đây là hoạt động nằm trong chương trình an sinh giáo dục do Bảo Việt Nhân thọ thực hiện với thông điệp “có an là có điểm tựa”.

Được biết, tính đến nay là 18 năm, Bảo Việt Nhân thọ phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao tặng hơn 30.000 suất học bổng, với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng đến các em học sinh khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn trên khắp 63 tỉnh, thành. Năm 2023, Quỹ Xe đạp chở ước mơ sẽ tiếp tục nối dài hành trình nhân ái, trao tặng 5.000 xe đạp cho trẻ em nghèo trên cả nước.

Đại diện AIA Việt Nam cho biết, công ty đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa trao thêm 110 chiếc xe đạp, 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và nhiều phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Quảng Bình. Sự kiện đánh dấu tròn 10 năm AIA Việt Nam khởi xướng “Hành trình cuộc sống” hướng tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp các tỉnh thành, trong đó có 9 năm gắn bó với Quảng Bình. Tròn một thập kỷ qua, hơn 23.000 chiếc xe đạp, 700 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hàng chục nghìn suất quà… đã được AIA Việt Nam trao đến tận tay những học sinh cần được hỗ trợ nhất.

Mới đây, ngày 16/9, với mong muốn tiếp sức đến trường và chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh trong năm học mới, đại diện Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp của Dai-ichi Life Việt Nam đã đến thăm, trao tặng hơn 350 phần quà khuyến học và dinh dưỡng cho học sinh Trường Tiểu học Vinh Hiền, cơ sở 2, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời triển khai các hoạt động giáo dục về môi trường, trồng cây xanh và tặng sách cho thư viện nhà trường…

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình “Kết nối triệu yêu thương – Hạnh phúc cho cộng đồng”, do Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp của Dai-ichi Life Việt Nam triển khai trên toàn quốc, xuyên suốt bốn lĩnh vực: sức khỏe y tế, giáo dục, môi trường và từ thiện xã hội, nhằm mang đến những thay đổi tích cực và cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa trên cả nước.

Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, mới đây công ty đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội trao tặng 174 chiếc xe đạp cho học sinh thuộc một số quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội trong chương trình “Cùng em đến trường”. Chương trình đã mang tới những món quà ý nghĩa, động viên tinh thần các em trước thềm năm học mới.

Đại diện Generali Việt Nam cho biết, công ty vừa phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên chính thức khánh thành công trình bếp ăn mới khang trang và tổ chức ngày hội Trung thu cho các em nhỏ tại điểm bản Xa Dung B, Trường mầm non Ban Mai, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Trước đó, Shinhan Life Việt Nam đã hợp tác với Công ty BNJ Việt Nam triển khai chương trình giáo dục iLead dành cho thanh thiếu niên tại Làng trẻ em SOS Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Bae Seung Jun – Phó Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam, đây là một dự án cộng đồng dài hạn, bắt đầu được triển khai từ năm 2023 và kéo dài đến năm 2025 tại Làng trẻ em SOS Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Góp phần vào sự phát triển bền vững của thế hệ tương lai

Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, trong năm 2023, chương trình “Cùng em đến trường” của Prudential sẽ tổ chức hơn 20 sự kiện trao tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh, với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng tại nhiều địa phương. Ngoài ra, các hoạt động ứng phó với thiên tai và “Hỗ trợ gạo – Trao gửi yêu thương” sẽ được Prudential thực hiện tại các tỉnh thành, với tổng ngân sách gần 2 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Quân – Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam kiêm Chủ tịch Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp chia sẻ: Những phần quà khuyến học và dinh dưỡng được trao tặng hôm nay nhằm chia sẻ khó khăn và tiếp sức đến trường cho các em trong năm học mới.

Ông Bae Seung Jun – Phó Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam cho biết, các hoạt động nâng cao trách nhiệm xã hội luôn là một trong những ưu tiên của Shinhan Life khi hoạt động tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững của thế hệ tương lai, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu cơ bản, mà còn tạo điều kiện để các em có thể phát triển toàn diện, làm chủ được cuộc sống của bản thân, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Được biết, một trong những chương trình vì cộng đồng mà Shinhan Life đã nhận được phản hồi tích cực từ các bậc cha mẹ trên toàn quốc, đó là chương trình trao tặng miễn phí hơn 50.000 hợp đồng bảo hiểm ung thư máu “Shinhan – An Bình” được triển khai từ khi bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cho đến nay hàng nghìn gia đình trên khắp cả nước đã được nhận miễn phí hợp đồng bảo hiểm Shinhan – An Bình, bảo vệ tương lai cho con trẻ. “Món quà sức khỏe” này hỗ trợ tài chính lên đến 100 triệu đồng dành cho trẻ em trong trường hợp chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu.

Bà Vũ Thị Thúy Huyền – Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam chia sẻ: 10 năm là chặng đường đủ dài để AIA Việt Nam thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã đồng hành và chứng kiến niềm hạnh phúc của nhiều trẻ em lần đầu có xe đạp mới đi học, lần đầu cầm số tiền lớn nộp học phí để hiện thực ước mơ trở thành tân sinh viên…

  1. Tin quốc tế

Manulife tăng trưởng 60% ở phân khúc khách hàng có thu nhập ròng cao

(INA) – Manulife đang tập trung vào phân khúc dân số có thu nhập ròng cao ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sau khi dự kiến mức tăng trưởng 60% trong vòng 5 năm tới.

Ông Thomas Lee, Giám đốc sản phẩm của Manulife Singapore, cho biết công ty từ lâu đã xác định nhóm dân số thu nhập ròng cao là lĩnh vực trọng tâm chính, đồng thời sự tăng trưởng đáng kể trong phân khúc này đã giúp Manulife luôn dẫn đầu.

Ông Lee nói: “Phân khúc khách hàng thu nhập cao rất quan trọng đối với Manulife”. Ông cũng lưu ý rằng phân khúc này là thị trường sinh lợi cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính chuyên biệt.

Một trong những sản phẩm chủ lực của Manulife, Signature Indexed Universal Life Select, đã đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của những cá nhân có thu nhập ròng cao bằng cách cung cấp cả bảo hiểm tích lũy tài sản và bảo hiểm.

Theo ông Lee, sự cạnh tranh trong phân khúc khách hàng thu nhập ròng cao ngày càng gay gắt đã đem lại lợi ích cho khách hàng. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng điều đó tốt cho khách hàng vì có nghĩa là có nhiều lựa chọn sản phẩm hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng giá cả cũng trở nên cạnh tranh hơn.

Ông Lee xác định ba xu hướng chính đang định hình thị trường bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức về bảo hiểm và lập kế hoạch tài chính. Điều này càng được đẩy nhanh khi đại dịch quét qua toàn cầu.

Xu hướng thứ hai là sự xuất hiện của thế hệ trẻ có thu nhập ròng cao hơn, báo trước việc giải phóng tiền mặt để đầu tư – một sự khác biệt so với tư duy bảo toàn tài sản của thế hệ cũ.

Ông cũng đề cập đến nhu cầu ngày càng tăng về lập kế hoạch tài sản, bao gồm các quỹ tín thác và cơ cấu tài sản phức tạp mà các công ty bảo hiểm phải đáp ứng.

Ông trích dẫn sự gia tăng đáng kể về lãi suất như một ví dụ về cách động lực thị trường có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của sản phẩm, nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá và điều chỉnh sản phẩm thường xuyên để duy trì tính phù hợp.

Về các sáng kiến gắn kết khách hàng của Manulife, ông Lee đã đề cập đến Vòng tròn Ngọc lục bảo được thiết kế để hiểu rõ hơn và phục vụ những khách hàng có thu nhập ròng cao.

Ông cũng giới thiệu chương trình Dịch vụ Khách hàng Cá nhân của Manulife nhằm trang bị cho các tư vấn tài chính kiến thức chuyên môn nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng có thu nhập ròng cao.

Ông Lee cho biết các chiến lược của Manulife Singapore nhằm tăng cường tập trung vào khách hàng thu nhập ròng cao bao gồm đổi mới và tiếp tục đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như khả năng phân phối, mở rộng quan hệ đối tác với các ngân hàng, kênh tư vấn tài chính và các nhà môi giới quốc tế.

Ông cho biết, sự hợp tác giữa các thị trường này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy các quy trình thân thiện với khách hàng.

Manulife đầu tư 1 triệu USD cùng Kiva thúc đẩy các cơ hội kinh tế toàn diện tại Châu Á

(LĐO) – Tập đoàn Manulife vừa công bố hợp tác với nền tảng vay vốn phi lợi nhuận Kiva nhằm hỗ trợ cấp vốn cho các hộ kinh doanh nhỏ ở Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam thông qua khoản đầu tư trị giá 1 triệu đô la Mỹ, được phân bổ trong vòng ba năm.

Theo thỏa thuận, một phần vốn trực tiếp cho các hộ gia đình này sẽ được cấp từ quỹ Đối ứng (Match Fund) của Manulife trên nền tảng Kiva. Điều này giúp đơn giản hóa quy trình cấp vốn để giúp các chủ hộ thực hiện ước mơ cải thiện kinh tế nhằm hỗ trợ gia đình và đóng góp cho cộng đồng của họ. Khi các khoản vay được tất toán, chúng sẽ được hoàn lại vào Quỹ Đối ứng Manulife để tái phân bổ cho các hộ gia đình mới.

Cam kết này của Manulife là một trong những trọng tâm chính của Chương trình lan tỏa sức ảnh hưởng nhằm thúc đẩy các cơ hội kinh tế toàn diện cho các nhóm yếu thế ở thị trường mới nổi, đồng thời làm cho các giải pháp tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân.

Bà Sarah Chapman – Giám đốc Chương trình Phát triển bền vững Toàn cầu của Manulife – cho biết: “Chúng tôi tự hào về sự hợp tác với Kiva, điều này sẽ giúp hàng trăm chủ hộ gia đình tiếp cận những nguồn lực tài chính mà họ cần trong việc phát triển kinh doanh và kiến tạo cộng đồng của họ. Cam kết này thể hiện sức mạnh nguồn vốn tập thể trong việc giúp chúng tôi tiếp cận được các cá nhân và cộng đồng yếu thế tại các thị trường mới nổi ở Châu Á, nhất là các thị trường Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines”.

Tại Việt Nam, nhiều chủ hộ gia đình đầu tiên đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ nền tảng Kiva. Điển hình là chị Luật (54 tuổi) – một phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Được nhận khoản vay khoảng 51 triệu đồng, chị có thể mua phân bón và thuê thêm nhân công hỗ trợ sản xuất, gia tăng sản lượng cho nông trại gia đình. Thông qua đó, khoản hỗ trợ cần thiết này đã đóng vai trò là bậc thang giúp gia đình chị từng bước cải thiện thu nhập và có cuộc sống ổn định hơn.

Kiva là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, được sáng lập năm 2005 với sứ mệnh kết nối mọi người thông qua hoạt động vay và cho vay, hướng tới mục tiêu sử dụng nguồn lực dù là nhỏ nhất để giúp người nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Kiva cấp vốn cho người vay thông qua nguồn quỹ huy động từ cộng đồng đến từ các cá nhân trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Kiva đang hợp tác với 3 đơn vị để cấp vốn vay bao gồm: Tài chính vi mô Thanh Hóa, Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình, Tổ chức Doanh nhân Thế giới tại Việt Nam – Chương trình anh chị em.

AXA XL bổ nhiệm nhân sự quản lý tại Singapore

(INA) – AXA XL mới đây đã bổ nhiệm cô Grace Yeap là thành viên mới nhất của nhóm quản lý khủng hoảng và rủi ro đặc biệt tại Singapore.

Dựa trên hồ sơ LinkedIn, cô sẽ giám sát việc quản lý rủi ro trong bạo lực chính trị và khủng bố. Các nhiệm vụ khác mà công việc của cô yêu cầu là quản lý khẩu vị rủi ro, quản lý tài khoản và cộng tác với các nhà môi giới.

Trước đây, Yeap là nhà đánh giá rủi ro cấp cao về tài sản và khủng bố ở thị trường tầm trung và bộ phận thương mại nhỏ tại Chubb trong hơn ba năm.

Các công ty bảo hiểm khác mà Yeap đã hợp tác là Bảo hiểm Thu nhập (trước đây là Thu nhập NTUC), Integral Plus Services, Arthur J. Gallagher & Co., và MS First Capital Insurance.

AM Best: Triển vọng tiêu cực đối với bảo hiểm phi nhân thọ Indonesia

(INA) – AM Best dự báo triển vọng ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Indonesia vẫn ở mức tiêu cực do rủi ro tín dụng tái bảo hiểm gia tăng và áp lực tiềm ẩn đối với tỷ suất lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm.

Điều này là do chi phí tái bảo hiểm tăng cao, phạm vi bảo hiểm bị hạn chế hơn và sức mạnh tài chính suy yếu của các công ty tái bảo hiểm trong nước, dẫn đến tổn thất đáng kể ở nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau.

Trong điều kiện thị trường tái bảo hiểm trở nên sôi động hơn, các công ty bảo hiểm gốc dự kiến sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm.

Để đối phó với chi phí tái bảo hiểm cao hơn, các công ty bảo hiểm Indonesia có thể lựa chọn tăng mức duy trì, nhưng quyết định này làm tăng sự biến động về thu nhập và khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro thảm họa đáng kể hơn, khi xem xét tính nhạy cảm của đất nước trước các thảm họa thiên nhiên.

Các yếu tố khác góp phần vào triển vọng tiêu cực này bao gồm tổn thất của nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng, tốc độ tăng phí bảo hiểm tài sản chậm hơn và số lượng yêu cầu bồi thường bảo hiểm y tế tăng lên.

“Indonesia vẫn là một thị trường đang phát triển với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ tương đối thấp. AM Best kỳ vọng các công ty bảo hiểm của Indonesia xác định và đáp ứng nhu cầu bảo hiểm, cũng như khám phá các kênh phân phối khác nhau để thu hẹp khoảng cách và mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ về phí bảo hiểm trong dài hạn”, AM Best cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, về lâu dài, AM Best dự đoán sự tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ do sự mở rộng kinh tế của Indonesia và sự phát triển không ngừng của thị trường bảo hiểm, dẫn đến tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng tăng.

Chi phí chương trình y tế cho nhân viên của các doanh nghiệp APAC sẽ tăng, cao nhất kể từ năm 2015

(INA) – Aon cho biết dự kiến tỷ lệ xu hướng y tế trung bình vào năm 2024 là 10,1%, tăng từ mức 9,2% vào năm 2023, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2015.

Theo Báo cáo Tỷ lệ Xu hướng Y tế Toàn cầu năm 2024 của Aon, các vấn đề về tim mạch, ung thư hoặc sự phát triển của khối u cũng như huyết áp cao hoặc tăng huyết áp là những nguyên nhân chính gây ra chi phí của các chương trình y tế.

Do tầm quan trọng ngày càng tăng của các chương trình bảo hiểm y tế do nhà tuyển dụng tài trợ cũng như nhu cầu dự đoán và quản lý chi phí một cách chính xác, báo cáo này đóng vai trò là nguồn tài nguyên quý giá cho các tổ chức đang tìm cách lập kế hoạch ngân sách toàn cầu và các chiến lược mang lại lợi ích nhằm thúc đẩy khả năng duy trì lực lượng lao động vào năm 2024 và hơn thế nữa.

Các tỷ lệ xu hướng này phản ánh tỷ lệ phần trăm tăng lên trong chi phí chương trình y tế trên mỗi nhân viên, bao gồm cả chương trình được bảo hiểm và chương trình tự bảo hiểm.

Dữ liệu này trang bị cho các tổ chức đưa ra quyết định sáng suốt, giải quyết tình trạng lạm phát giá dự kiến, khám phá những tiến bộ công nghệ y tế và hiểu mô hình sử dụng cũng như sự thay đổi chi phí từ các chương trình xã hội.

Báo cáo rút ra những hiểu biết sâu sắc từ 113 văn phòng của Aon liên quan đến việc môi giới, quản lý và tư vấn về các chương trình bảo hiểm y tế do nhà tuyển dụng tài trợ trên toàn thế giới.

Những hiểu biết sâu sắc này được hình thành bởi sự tương tác với khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ trong danh mục chương trình bảo hiểm y tế của công ty. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, báo cáo dự đoán tỷ lệ xu hướng y tế vào năm 2024 là 9,7%, tăng từ mức 9,2% vào năm 2023, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2015.

Những yếu tố đóng góp hàng đầu vào chi phí chương trình y tế ở Châu Á Thái Bình Dương là các vấn đề về tim mạch, ung thư hoặc sự phát triển của khối u cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa.

Những phát hiện chính từ nghiên cứu cũng nêu bật các chiến lược giảm nhẹ như sáng kiến chăm sóc sức khỏe, điều chỉnh kế hoạch, hạn chế chi phí, hạn chế tiếp cận và các kế hoạch phúc lợi linh hoạt để chống lại chi phí y tế gia tăng và hỗ trợ sức khỏe của nhân viên.

Khoảng 32% người sử dụng lao động chia sẻ chi phí yêu cầu bồi thường y tế bằng cách thực hiện các chương trình bảo hiểm y tế hạn chế dành cho nhân viên, chẳng hạn như đồng bảo hiểm, khoản khấu trừ và giới hạn hoặc bằng cách đồng tài trợ phí bảo hiểm.

Ngoài ra, khoảng 20% công ty đã áp dụng chiến lược tài trợ hoặc chia sẻ rủi ro, bao gồm bảo hiểm kết hợp và các thỏa thuận ràng buộc, để quản lý chi phí chương trình y tế của nhân viên ngày càng tăng.

Các tình trạng mãn tính, không hoạt động thể chất và quản lý căng thẳng không đầy đủ vẫn là những yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến tình trạng bệnh lý và các khiếu nại bồi thường bất lợi trong tương lai.

Allianz Trade bổ nhiệm tân Giám đốc quốc gia tại Ấn Độ

(INA) – Allianz Trade đã bổ nhiệm ông Imran Khan làm Giám đốc Quốc gia khu vực Ấn Độ vì họ tin rằng Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo của Châu Á.

Theo nghiên cứu thị trường của mình, Ấn Độ đang trên đà vượt xa các nước trong khu vực về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trung bình từ 6,4% từ năm 2023 đến năm 2027 so với mức tăng trưởng 4,1% vào năm 2024 và 3,9% vào năm 2025 đối với Châu Á Thái Bình Dương.

Về xuất khẩu, Mỹ cho đến nay vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ, với lợi nhuận xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến đạt 6,86 tỷ USD vào năm 2024. Tiếp theo là UAE và Hà Lan là các đối tác xuất khẩu hàng đầu, với lợi nhuận xuất khẩu ước đạt 2,68 tỷ USD và 1,58 tỷ USD tương ứng. Trung Quốc và Singapore lọt vào top 5 với mức tăng xuất khẩu lần lượt đạt 1,29 tỷ USD và 1,01 tỷ USD.

Trong số các lĩnh vực then chốt, Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng xuất khẩu cao nhất từ ​​phần mềm và dịch vụ CNTT với khoảng 19,28 tỷ USD vào năm 2024.

Đối với tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp, Allianz Trade dự báo tình trạng mất khả năng thanh toán sẽ phục hồi ở Ấn Độ trong năm nay, phần lớn là do hiệu ứng bắt kịp do các tòa án đình chỉ kéo dài trong những năm Covid. Tình trạng mất khả năng thanh toán ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng +36% trong năm nay và +6% vào năm 2024.

Mặc dù số lượng người mất khả năng thanh toán tương đối cao, cả yêu cầu về vốn lưu động (WCR) và số ngày tồn đọng doanh thu (DSO) ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng nhẹ lần lượt là 5 ngày và 3 ngày. Nhìn chung, Châu Á và Châu Mỹ Latinh vẫn là hai khu vực duy nhất có tình trạng mất khả năng thanh toán chưa trở lại mức năm 2019 vào năm 2024.

Theo ông Khan, Ấn Độ sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2030, nhờ tầng lớp trung lưu đông đảo và đang phát triển nhanh chóng, giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

“Hơn nữa, Ấn Độ sẽ là một trong những thị trường tăng trưởng dài hạn quan trọng nhất đối với các công ty đa quốc gia trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất như ô tô, điện tử, dược phẩm, hóa chất đặc biệt và các dịch vụ như ngân hàng, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và CNTT,” ông Khan nói.

Prudential mở rộng phạm vi phủ sóng bệnh viện ở Trung Quốc đại lục

(INA) – Prudential Hồng Kông đã mở rộng phạm vi phủ sóng bệnh viện tại Trung Quốc đại lục, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước (YoY) lên hơn 4.200 bệnh viện.

Prudential đã mở rộng danh sách bệnh viện được chỉ định ở Trung Quốc đại lục, trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên ở Hồng Kông chi trả cho tất cả các bệnh viện công Loại 3 trên khắp đại lục, cũng như các bệnh viện Loại 2A ở 15 thành phố địa phương.

Ông Candy Au Yeung, Giám đốc Điều hành Khách hàng của Prudential Hong Kong Limited, nói: “Theo dữ liệu, hơn 4/5 hoặc 87% yêu cầu bồi thường liên quan đến chi phí y tế phát sinh ở Trung Quốc đại lục vào năm 2022 là từ các bệnh viện được chọn trong danh sách bệnh viện của chúng tôi, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương ở Trung Quốc đại lục”.

Ngoài ra, Prudential đã ra mắt Kênh Y tế Xanh vào năm 2021 để cải thiện hơn nữa dịch vụ y tế của mình. Kênh Y tế Xanh bao phủ hơn 1.600 bệnh viện Loại 3A tại 26 tỉnh ở Trung Quốc đại lục, cung cấp cho khách hàng dịch vụ đặt lịch hẹn khám bệnh một cửa.

Khách hàng có chương trình bảo hiểm y tế được chỉ định bị ốm khi ở Trung Quốc đại lục có thể truy cập cổng thông tin trực tuyến hoặc gọi đến đường dây nóng dịch vụ Medical Green Channel 24 giờ để đăng ký hỗ trợ.

Sau đó, những người quản lý hồ sơ chuyên trách sẽ giúp họ đảm bảo đặt chỗ ưu tiên cho các cuộc hẹn khám ngoại trú và/hoặc nhập viện tại các bệnh viện được chọn. Hơn nữa, nhân viên hộ tống sẽ đến các bệnh viện được chỉ định để hỗ trợ khách hàng trong quá trình đăng ký. Nếu khách hàng đủ điều kiện nhận được ủy quyền trước cho Dịch vụ không dùng tiền mặt, Prudential sẽ thay mặt họ thanh toán các chi phí y tế, giúp họ có thể tập trung hoàn toàn vào việc phục hồi sức khỏe.

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Singapore sẽ đạt quy mô 7,35 tỷ đô la Singapore vào năm 2028

(INA) – Tổng phí bảo hiểm gốc (GWP) của ngành bảo hiểm phi nhân thọ Singapore sẽ đạt 7,35 tỷ đô la Singapore (5,5 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,8%.

Theo GlobalData, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và nhu cầu bảo hiểm y tế gia tăng sau đại dịch sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ chậm lại so với năm 2021 và 2022.

Trong năm 2023 và 2024, GlobalData kỳ vọng ngành này sẽ tăng trưởng lần lượt là 6,9% và 5,6%.

Về ngành nghề kinh doanh, bảo hiểm Tai nạn và Sức khỏe Cá nhân (PA&H) đang dẫn đầu ngành, chiếm 23,9% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ GWP vào năm 2023.

Vào năm 2022, bảo hiểm PA&H đã tăng 32,6% do nhu cầu về bảo hiểm y tế tăng cao do nhận thức ngày càng tăng sau đại dịch, chi phí y tế tăng do lạm phát và việc nới lỏng các hạn chế đi lại.

Xếp sau PA&H là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm xe cơ giới, lần lượt chiếm 19,1% và 18,4% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vào năm 2023.

Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý, tài chính, hàng hải, hàng không và vận chuyển (MAT) và bảo hiểm hỗn hợp chiếm 38,6% còn lại trong GWP bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023.

BTV (Tổng hợp).