TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 41

Swiss Re mua 23% cổ phần công ty BH kỹ thuật số tại Ấn Độ; PTI sẽ ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa; FWD xếp số 1 về trải nghiệm khách hàng

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 41

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả hơn 750 triệu đồng bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Nghệ An

(BIC) – Ngày 29/10/2021, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phủ Diễn (Chi nhánh BIDV Phủ Diễn) tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi và trao hơn 750 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho khách hàng không may gặp rủi ro tại Nghệ An.

Khách hàng được chi trả bảo hiểm là ông Nguyễn Văn Trúc, vay vốn tại Phòng Giao dịch Hoàng Mai thuộc Chi nhánh BIDV Phủ Diễn với số tiền 850 triệu đồng. Sau khi được cán bộ ngân hàng BIDV tư vấn về quyền lợi bảo hiểm, khách hàng trên đã tham gia sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An.

Hơn 1 tháng trước, ông Trúc không may gặp tai nạn xe máy nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Ngay khi nhận được thông tin, BIC đã phối hợp với Chi nhánh BIDV Phủ Diễn tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình khách hàng, đồng thời tích cực hướng dẫn các bên liên quan hoàn thiện thủ tục để nhanh chóng chi trả bảo hiểm cho thân nhân khách hàng. Số tiền chi trả cho gia đình ông Trúc là 757.162.941 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi vay tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ chi phí nằm viện trong thời gian điều trị; hỗ trợ tiền lãi trong thời gian hoàn thiện thủ tục chi trả bảo hiểm và trợ cấp mai táng…

Tại buổi lễ chi trả, đại diện gia đình của ông Nguyễn Văn Trúc rất cảm động và bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến BIDV cũng như BIC trong khi vay vốn, tư vấn tham gia sản phẩm bảo hiểm và đặc biệt là trong công tác bồi thường rất tận tình, chu đáo, chính xác để kịp thời chia sẻ gánh nặng về tài chính, giúp gia đình sớm ổn định cuộc sống.

BIC hiện là một trong những công ty bảo hiểm đi đầu trong việc triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) với sản phẩm chủ lực là bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An. Tham gia sản phẩm, khách hàng sẽ hưởng các quyền lợi bảo hiểm, bao gồm: được chi trả 100% số tiền bảo hiểm trong trường hợp tử vong/thương tật vĩnh viễn do tai nạn; được chi trả tới 100% số tiền bảo hiểm, tối đa 200 triệu đồng trong trường hợp ốm đau, bệnh tật; được bảo hiểm cho cả các bệnh đặc biệt như: ung thư, bệnh huyết áp, bệnh tim mạch, hay các bệnh liên quan đến tái tạo máu như: lọc máu, thay máu, chạy thận nhân tạo; được hỗ trợ chi phí nằm viện do tai nạn; hỗ trợ tiền lãi trong thời gian xử lý hồ sơ khiếu nại và được trợ cấp mai táng phí.

  1. Một vòng doanh nghiệp

FWD xếp hạng số 1 về trải nghiệm khách hàng tại Việt Nam

(ĐTCK) – FWD Việt Nam vừa thông báo, Công ty đã xếp hạng Số 1 về Trải nghiệm khách hàng xét trên tất cả ngành nghề tại Việt Nam trong năm nay, theo Báo cáo về Trải nghiệm khách hàng xuất sắc Việt Nam 2021 của KPMG.

FWD Việt Nam được xếp hạng cao nhất tại ba trong sáu trụ cột về trải nghiệm xuất sắc là ‘Kỳ vọng’, ‘Sự đồng cảm’ và ‘Giải pháp’.

Báo cáo về Trải nghiệm khách hàng xuất sắc toàn cầu 2021 của KPMG (CEE) đã khảo sát 1.500 khách hàng của 76 thương hiệu trong và ngoài nước tại Việt Nam. Ở quy mô toàn cầu, Báo cáo đã khảo sát 88.000 khách hàng của gần 3.000 thương hiệu tại 26 thị trường.

Ông Đào Hữu Phúc, Phó tổng giám đốc công nghệ thông tin và nghiệp vụ FWD Việt Nam cho biết, điều này chứng thực rằng, các công nghệ tiên tiến mà FWD Việt Nam đã triển khai không chỉ mang đến cho khách hàng trải nghiệm số hóa và sự thuận tiện mà còn thể hiện tầm nhìn của FWD Việt Nam trong việc thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm.

FWD Việt Nam đã áp dụng các công nghệ mới để cải tiến chất lượng các hoạt động và nâng cao trải nghiệm của khách hàng tại Việt Nam. Trong số những thành tựu được ghi nhận phải kể đến voicebot, Trợ lý công nghệ đầu tiên trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ hoạt động của Trung tâm dịch vụ khách hàng.

Voicebot có thể thực hiện các cuộc gọi tự động và tương tác hai chiều với khách hàng để trao đổi và cập nhật thông tin về hợp đồng bảo hiểm và phí bảo hiểm. Công nghệ AI cũng cho phép công ty tối ưu hóa chi phí và quản lý rủi ro, qua đó mang đến khách hàng các dịch vụ nhanh chóng hơn.

FWD Việt Nam luôn cam kết làm cho bảo hiểm trở nên đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn thông qua việc ra mắt hàng loạt các cải tiến như chi trả bồi thường bảo hiểm trực tuyến trong 24 giờ, kiểm thử tự động, thẩm định tự động, bồi thường bảo hiểm tự động và đặc biệt là ‘FWD Bảo hiểm dễ hiểu’, dự án tiên phong trên thị trường nhằm thay đổi nhận thức lâu nay của nhiều người về một bảo hiểm phức tạp trở nên rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu hơn.

PTI ký kết hợp tác với công ty Bảo hiểm công nghệ hàng đầu của Singapore

(PTI) – Mới đây, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty Bảo hiểm NTUC Income (Income) đã tiến hành ký kết hợp tác triển khai các sản phẩm bảo hiểm công nghệ (insurtech) tại Việt Nam. Lễ ký kết được tổ chức thông qua cầu truyền hình với sự tham dự của ông Bùi Xuân Thu – Tổng giám đốc PTI, ông Andrew Yeo – Tổng giám đốc Income và ông Peter Tay – Giám đốc công nghệ Income.

Việc hợp tác với Income – một công ty bảo hiểm hàng đầu tại Singapore – sẽ giúp PTI rút ngắn thời gian nghiên cứu, sớm đưa ứng dụng công nghệ tiên tiến đã triển khai thành công tại Singapore vào Việt Nam. Sự hợp tác này được xây dựng trên mô hình bảo hiểm dịch vụ (IaaS) mà Income đang có nhiều kinh nghiệm triển khai nhằm tận dụng được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam.

Đại diện PTI cho biết, các sản phẩm bảo hiểm cá nhân truyền thống như xe, con người thường chú trọng vào việc bảo vệ khách hàng khỏi các rủi ro về tổn thất tài chính, tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, những rủi ro bất ngờ tăng vọt cũng sẽ gây ra những thiệt hại khác cho khách hàng. Sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ số sẽ giúp phát huy được lợi thế của 2 bên, từ đó, đem lại những sản phẩm bảo hiểm mới, độc đáo cho người dân Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu triển khai hợp tác, PTI và Income sẽ đưa ra thị trường một sản phẩm độc đáo, lần đầu tiên có mặt trên thị trường – sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa – chi trả cho khách hàng phần cước phí taxi bị tăng giá. Cụ thể, vào những ngày mưa lớn, khách hàng sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ mà bị tăng cước phí thì PTI sẽ chi trả 60% cước phí của chuyến đi đó. Phí bảo hiểm sẽ được tính toán thông qua phân tích dữ liệu thay đổi và dự báo biến đổi thời tiết trí bằng thông minh nhân tạo AI. Mức phí sẽ được tính theo ngày với thời hạn từ 0:00 giờ đến 24:00 giờ. Được biết, đây là một sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới, trước đó sản phẩm này mới chỉ được NTUC Income triển khai ở Singapore.

PTI hiện đang là một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp dẫn đầu về mảng bảo hiểm trực tuyến. Trước đó PTI đã luôn năng động trong việc phát triển các sản phẩm mới ứng dụng nhiều công nghệ có thể kể đến như bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm trễ hủy chuyến bay, bảo hiểm tai nạn theo chuyến… Trong tương lai, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới mẻ đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm khách hàng nhằm mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.

PTI sẽ ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa

(ĐTCK) – Hãng bảo hiểm PTI dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa cho những khách hàng thường xuyên sử dụng taxi công nghệ tại Việt Nam, vào giữa tháng 11/2021.

Cụ thể, khách hàng khi đi taxi công nghệ mà bị tăng cước phí khi trời mưa thì sẽ được bảo hiểm PTI chi trả 60% cước phí của chuyến đi.

Với sự hợp tác cùng với công ty NTUC Income – công ty bảo hiểm tiên phong trong lĩnh vực insurtech (bảo hiểm công nghệ) tại Singapore, Bảo hiểm Trời mưa của PTI sẽ được ứng dụng công nghệ AI trong toàn bộ quá trình, từ việc dự báo thời tiết, tính mức phí đến việc chi trả bồi thường…

Bên cạnh đó, quyền lợi bảo hiểm cũng được xây dựng một cách linh hoạt để khách hàng chủ động lựa chọn hình thức, thời gian tham gia phù hợp với nhu cầu của mình.

Đại diện doanh nghiệp bảo hiểm này cho biết, bảo hiểm truyền thống thường được biết đến là một phương tiện bảo vệ mọi người khỏi tổn thất tài chính, tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, những rủi ro đến từ thời tiết xấu và giá cả tăng vọt cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới khách hàng. Do đó, việc có một sản phẩm bảo hiểm giúp khách hàng không còn lo ngại khi di chuyển lúc trời mưa lớn là vô cùng cần thiết.

Được biết, PTI là một doanh nghiệp năng động trong việc phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt các các sản phẩm ứng dụng nhiều công nghệ. Trước đó, hãng bảo hiểm này đã cho ra mắt một số sản phẩm bảo hiểm độc đáo như bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm trễ hủy chuyến bay, bảo hiểm tai nạn theo chuyến…

Hai công ty bảo hiểm của Bảo Việt đạt doanh thu khả quan trong 9 tháng

(ĐTCK) – Thông tin được cung cấp từ Tập đoàn Bảo Việt cho biết, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại 2 công ty con là Bảo Việt Nhân thọ và Bảo hiểm Bảo Việt đều khả quan trong 9 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021, Bảo Việt Nhân thọ (hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ) đạt tổng doanh thu 27.519 tỷ đồng, tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 22.068 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5%, tiếp tục giữ vững vị trí trong top dẫn đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Còn Bảo hiểm Bảo Việt (hoạt động trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ) đạt tổng doanh thu 7.595 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 6.444 tỷ đồng, khẳng định vị thế trong top đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Bảo hiểm Bảo Việt vừa được ghi nhận là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam duy nhất vinh dự nhận được giải thưởng Sáng kiến bảo hiểm số của năm 2021 ((Digital Insurance Initiative of the Year – Việt Nam) do Insurance Asia Awards 2021 đánh giá và trao tặng.

Giải thưởng được trao cho công ty đã có những sáng kiến và giải pháp kỹ thuật số về bảo hiểm, thực hiện một cách khép kín các quy trình kinh doanh của công ty để đáp ứng hiệu quả nhu cầu mới hoặc hiện có trong lĩnh vực bảo hiểm.

PVI sơ kết hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 và triển khai kế hoạch kinh doanh quý IV năm 2021

(PVI) – Ngày 29/10/2021, tại Trụ sở chính Tòa nhà PVI, Công ty cổ phần PVI (PVI) đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 và triển khai kế hoạch kinh doanh Quý IV năm 2021.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, toàn hệ thống PVI đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Kế hoạch kinh doanh do HĐQT/ĐHĐCĐ giao: Tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 8.326 tỷ đồng, hoàn thành 161,66% KH 9T/2021; tổng doanh thu Công ty Mẹ ước đạt 877 tỷ đồng, hoàn thành 141,44% KH 9T/2021. Kết quả đạt được đã ghi nhận sự nỗ lực của toàn thể CBNV trong toàn hệ thống và sự đóng góp, trách nhiệm của các cán bộ chủ chốt trong bối cảnh dịch Covid đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo PVI đã có những phát biểu chỉ đạo cụ thể đối với từng đơn vị nhằm định hướng các giải pháp các giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 do HĐQT/ĐHĐCĐ giao, hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập PVI.

Siêu ưu đãi Ngày vàng 11/11/2021: BIC giảm 30% phí bảo hiểm sức khỏe trực tuyến

(BIC) – Duy nhất trong ngày 11/11/2021, khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe trực tuyến tại Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) sẽ được nhận ngay ưu đãi giảm 30% phí bảo hiểm.

Để đặt mua bảo hiểm và tận hưởng các ưu đãi của chương trình, khách hàng có thể truy cập website bảo hiểm trực tuyến mybic.vn hoặc tải ứng dụng BIC Online (miễn phí trên iOS và Android). Toàn bộ quá trình đặt mua bảo hiểm, bao gồm tìm hiểu thông tin, nhận tư vấn, đăng ký mua và thanh toán đều được thực hiện trên môi trường trực tuyến. Khách hàng có thể mua bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi mà không cần gặp trực tiếp cán bộ bảo hiểm. Ưu đãi ngày vàng 11.11.2021 được áp dụng cho khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC.

Bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An hiện là một trong những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tốt nhất trên thị trường với 07 chương trình bảo hiểm linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu và khả năng thanh toán của khách hàng. Tổng mức chi trả của BIC Tâm An lên tới 1 tỷ đồng. Phí bảo hiểm cạnh tranh, chỉ từ 3.300 đồng/ngày. Khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời được hưởng dịch vụ bảo hiểm viện phí tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế cao cấp, uy tín có liên kết với BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, với ứng dụng BIC Online, khách hàng có thể khai báo và nhận tiền bảo hiểm sức khỏe đơn giản chỉ bằng thao tác trên điện thoại hay máy tính bảng.

  1. Nhịp đập thị trường

Quý buồn của khối bảo hiểm phi nhân thọ

(ĐTCK) – Doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối phi nhân thọ trong quý III/2021 suy giảm tới 14% so với cùng kỳ 2020, mức giảm kỷ lục từ trước đến nay.

Mặc dù đã có những dự báo từ trước về kết quả kinh doanh kém tích cực của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quý III/2021, nhưng con số tăng trưởng âm 14% vẫn khiến nhiều thành viên thị trường bất ngờ.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có tới 18/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong Top đầu thị phần dù giữ được đà tăng trưởng trong tháng 7 và 8 vẫn báo cáo doanh thu bảo hiểm gốc giảm sút mạnh hoặc không tăng trưởng trong quý III. Chẳng hạn, Bảo hiểm Bảo Minh có doanh thu bảo hiểm gốc giảm hơn 20% so với cùng kỳ, PVI giảm 1%.

MIC là doanh nghiệp hiếm hoi giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc 4% trong quý vừa qua.

Lý do chủ yếu khiến doanh thu bảo hiể gốc của khối bảo hiểm phi nhân thọ sụt giảm thê thảm trong quý III là việc nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM và Hà Nội – hai khu vực đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất – bị “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế vì đại dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch.

Mặc dù việc “đóng băng” này cũng giúp tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thấp hơn (ở mức 30,6% so với mức 34% của cùng kỳ năm ngoái), nhưng doanh thu tăng trưởng âm quá lớn khiến kết quả 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp bảo hiểm cũng bị giảm khá nhiều.

Tổng hợp doanh thu tính đến tháng 9/2021 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, khối phi nhân thọ chỉ tăng trưởng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Quý IV, mặc dù các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã mở cửa trở lại để phát triển kinh tế, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khá thận trọng. Thực tế, đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp bảo hiểm mới rục rịch khởi động lại nhiều hoạt động kinh doanh.

Trong hai tháng cuối năm, theo đại diện PTI, “thị trường có thể sẽ tăng trưởng cao do các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bung nguồn lực để vét doanh thu cuối năm. Dẫu vậy, mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng trong 2 tháng cuối năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 10% so với cùng kỳ”.

Thông tin được Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cung cấp, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đặt mục tiêu tăng trưởng phí bảo hiểm gốc âm hoặc thấp trong năm 2021.

Bức tranh chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 kém tích cực, tuy vậy vẫn có những điểm sáng.

Chẳng hạn, Bảo hiểm PVI nhờ vẫn giữ được tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu năm nên 9 tháng ghi nhận tổng doanh thu 7.583,7 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 79,2% kế hoạch năm 2021.

Tính riêng phí bảo hiểm gốc, doanh thu 9 tháng của PVI tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 686,6 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 106,4% kế hoạch năm…

Trong khi đó, PTI báo lãi 9 tháng đạt hơn 200 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Hay PJICO báo lãi trước thuế 9 tháng trên 322 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 160% kế hoạch cả năm. Đây là năm PJICO có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong hơn 26 năm hoạt động.

Trong đó, phần lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng phí là khoảng 44 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đạt 36%, tăng vọt so với mức 19% của cùng kỳ năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên nguồn vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 15,4%, tăng mạnh so với mức 9,7% cùng kỳ…

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu bảo hiểm vẫn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BVH tăng hơn 8,55% trong tuần qua, đóng cửa ở vùng giá 64.700 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu BMI ghi nhận mức tăng 16,4%, đóng cửa tại mức giá 45.800 đồng/cổ phiếu.

Cùng thời gian, cổ phiếu PGI của PJICO tăng từ 27.300 đồng/cổ phiếu lên 31.050 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 13,7%.

Ngoài đà hưng phấn chung của thị trường chứng khoán, khiến dòng tiền lan tỏa vào hầu hết các nhóm cổ phiếu thì đà tăng của các cổ phiếu bảo hiểm còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng đây là nhóm tăng trưởng ổn định trong dài hạn, cùng với những câu chuyện riêng như thoái vốn nhà nước và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một số doanh nghiệp.

Được biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị triển khai kế hoạch thoái vốn năm 2021 tại một số doanh nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI).

Hiện SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tỷ lệ 2,98%), nắm giữ 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%).

Đón nhận thông tin SCIC có kế hoạch thoái vốn, các cổ phiếu ngành bảo hiểm như BVH, BMI, PVI, MIG… đã tăng mạnh trong thời gian qua. Theo BSC, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp các công ty bảo hiểm được định giá lại.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn thông báo chính thức cho PTI về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại hãng bảo hiểm này. Theo đó, hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại PTI là 100% phù hợp với quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Đối với PJICO, sau khi công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng và điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2021, dự kiến hãng bảo hiểm này sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào tháng 12/2021 để trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu.

Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp PJICO tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới, tăng cường năng lực tài chính và tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia các dự án đấu thầu lớn trên thị trường. Dự kiến, thời gian hoàn thành việc phát hành tăng vốn điều lệ là trong quý I/2022.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Hanwha Life Việt Nam tặng quà trị giá 724 triệu đồng cho người dân vùng dịch TP. Hồ Chí Minh

(TBTCO) – Hanwha Life Việt Nam vừa đồng hành cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Quỹ Child-fun Vietnam, trao tặng 2.215 phần quà và 1.000 bộ đồ bảo hộ đến những người dân chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch và những cán bộ phòng chống dịch trên địa bàn quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh).

Tổng giá trị quà tặng của công ty trong đợt này là 724 triệu đồng. Trước đó Hanwha Life cũng đã đóng góp 3 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống Covid-19 tại Việt Nam, với mong muốn sớm đưa đất nước trở lại tình trạng bình thường. Những nỗ lực từ phía công ty là nguồn động viên tinh thần to lớn với đội ngũ chống dịch và những hộ có người thân nhiễm bệnh, gia đình có phụ nữ mang thai, có con nhỏ, cha mẹ già…

Hiện tại TP. Hồ Chí Minh đã đi qua giai đoạn nghiêm trọng nhất và đang nỗ lực cho thời kỳ “bình thường mới”, nhưng những hậu quả do dịch để lại cũng không nhỏ. Dịch bệnh không những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng mà còn để lại những ảnh hưởng khá lớn về kinh tế.

Với tầm nhìn trở thành “Công ty bảo hiểm được tín nhiệm nhất tại Việt Nam” và sứ mệnh hoạt động “Cung cấp dịch vụ và giải pháp hướng đến khách hàng”, Hanwha Life Việt Nam cam kết sẽ không ngừng đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động từ thiện hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng, đất nước Việt Nam.

Ông Im Dong Jun – Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi muốn đóng góp một phần giá trị vào hành trình chung tay cùng cả nước vượt dịch. Hanwha Life Việt Nam thấu hiểu những khó khăn, mất mát mà những gia đình có người thân bị nhiễm bệnh đang phải đối mặt. Chúng tôi hy vọng sự đồng hành và những chia sẻ nhỏ của công ty có thể tiếp sức, động viên tinh thần cho cộng đồng người dân Việt. Chúng tôi muốn mọi người biết rằng, mình không đơn độc trên hành trình chiến đấu này, Hanwha Life Việt Nam luôn bên bạn”.

Hanwha Life Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường có nhiều hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ngay từ khi dịch khởi phát tại Việt Nam. Trong năm 2020 công ty đã trao tặng gần 9.000 trang phục bảo hộ dành cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch trên cả nước. Đóng góp ý nghĩa và thiết thực lần này của Hanwha Life Việt Nam một lần nữa thể hiện trách nhiệm xã hội và cam kết cộng đồng trên hành trình mang lại những giá trị nhân sinh song song cùng với sự phát triển bền vững của công ty.

  1. Tin quốc tế

Ấn Độ: Swiss Re mua 23% cổ phần công ty bảo hiểm của Paytm

(AIR) – Công ty dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số Paytm mới đây đã thông báo cho biết, công ty tái bảo hiểm toàn cầu Swiss Re sẽ mua 23% cổ phần của chi nhánh bảo hiểm Paytm Insuretech (PIT) với giá khoảng 9,2 tỷ INR (122,6 triệu USD).

Paytm cho biết: “Swiss Re sẽ đầu tư (bằng cổ phiếu vốn chủ sở hữu và cổ phiếu ưu đãi bắt buộc chuyển đổi) khoảng 9.200 triệu INR (trả trước 3.973 triệu INR và phần còn lại theo từng đợt, tùy thuộc vào việc hoàn thành các mốc nhất định) vào PIT cho tổng cổ phần 23%”.

PIT có kế hoạch tận dụng cơ sở khách hàng và hệ sinh thái người bán của Paytm để phát triển các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo.

Năm ngoái, Paytm và ông Vijay Shekhar Sharma, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận mua lại 100% cổ phần của công ty bảo hiểm phi nhân thọ Raheja QBE với giá 76 triệu USD.

Khoản đầu tư của Swiss Re cũng như việc mua lại Raheja QBE đều cần phải tuân theo các phê duyệt theo quy định.

Ông Sharma cho biết: “Chúng tôi mong muốn được hưởng lợi từ khả năng bảo hiểm toàn cầu của Swiss Re và xây dựng các sản phẩm sáng tạo để thâm nhập vào thị trường Ấn Độ. Bản thân ông cũng sẽ đầu tư vào PIT theo năng lực cá nhân của mình.

Ping An phác thảo kế hoạch hoạt động Tài chính Xanh nâng cao về tính trung hòa carbon

(AIR) – Tập đoàn Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc đã công bố kế hoạch hoạt động nâng cao của mình cho Green Finance +, nhằm hỗ trợ “mục tiêu 30-60” của Trung Quốc – tức là đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và trung tính carbon vào năm 2060.

Ping An đã thông báo rằng bản thân công ty sẽ đạt được trung hòa carbon bằng cách giảm lượng khí thải carbon nội bộ trước, sau đó đầu tư hoặc mua các khoản tín dụng carbon để phù hợp với các tiêu chuẩn hoạt động quốc tế.

Green Finance + là một kế hoạch hoạt động được nâng cấp bao gồm năm khía cạnh, bao gồm hoạt động xanh, tài sản xanh, bảo hiểm xanh, từ thiện xanh và công nghệ xanh.

Ngoài việc hướng tới các hoạt động xanh với tính trung lập carbon, đầu tư của Ping An vào các tài sản xanh sẽ giúp thiết lập các tiêu chuẩn và chính sách cho tài chính xanh. Ping An cũng sẽ đưa ra một lộ trình về tính trung lập carbon trong danh mục tài sản.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xanh, công ty thúc đẩy đổi mới chính sách và sản phẩm, đồng thời sẽ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm xanh toàn diện. Trong hoạt động từ thiện xanh, công ty đang lên kế hoạch cho Quỹ từ thiện Carbon Neutral và sẽ tổ chức các hoạt động phúc lợi công cộng. Trong lĩnh vực công nghệ xanh, công ty sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế công nghệ của mình để đạt được tính trung hòa carbon.

Vào tháng 4 năm 2021, Ping An đã công bố mục tiêu về tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cho các khoản đầu tư xanh không dưới 20%, phí bảo hiểm xanh không dưới 70% và dư nợ tín dụng xanh không dưới 20%. Ping An đặt mục tiêu đạt được các mục tiêu tổng thể vào năm 2025 với vốn đầu tư và tín dụng là 400 tỷ CNY và tổng phí bảo hiểm xanh là 250 tỷ CNY. Tính đến cuối quý 3 năm 2021, Ping An đã đạt được khoản đầu tư xanh là 208,89 tỷ CNY, tín dụng xanh là 53,28 tỷ CNY và bảo hiểm xanh là 25,11 tỷ CNY.

Lần đầu tiên Google Pay cộng tác với công ty bảo hiểm Ấn Độ

(AIR) – SBI General Insurance, công ty bảo hiểm hàng đầu tại Ấn Độ, đã hợp tác công nghệ với nền tảng thanh toán kỹ thuật số Google Pay. Đây là lần hợp tác đầu tiên của Google Pay với một nhà cung cấp bảo hiểm ở Ấn Độ.

Liên minh sẽ cho phép khách hàng mua gói bảo hiểm sức khỏe của SBI General trực tiếp thông qua ứng dụng Google Pay, công ty bảo hiểm cho biết trong một tuyên bố. Sự hợp tác này phù hợp với kế hoạch của SBI General nhằm mở rộng phân phối các giải pháp bảo hiểm thông qua các kênh kỹ thuật số.

Người dùng Google Pay hiện có thể mua các gói bảo hiểm sức khỏe khi đang di chuyển trên Google Pay Spot. Đối thủ của Google Pay là PhonePe đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên nền tảng của mình và sự hợp tác mới có thể chứng kiến sự cạnh tranh mới giữa hai nền tảng thanh toán.

Phát biểu khi khởi động sự hợp tác, Giám đốc điều hành SBI General Insurance Prakash Chandra cho biết, “Đại dịch (COVID-19) đã thúc đẩy việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số cho các nhu cầu khác nhau và theo kỳ vọng của họ từ các giải pháp tài chính cũng đã trưởng thành. Sự hợp tác này là một nỗ lực khác để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về bảo hiểm sức khỏe, do đó, mang lại một số lượng lớn hơn những người tham gia bảo hiểm”.

Ông nói thêm, “Với sự hợp tác này, Arogya Sanjeevani, một chương trình bảo hiểm sức khỏe tiêu chuẩn, sẽ được SBI General cung cấp trên nền tảng Google Pay với mức phí phải chăng”.

Manulife Hồng Kông bổ nhiệm COO

(IBM) – Manulife Hồng Kông đã bổ nhiệm cô Candy Au Yeung (ảnh trên) làm Giám đốc hoạt động. Cô Candy báo cáo lên ông Damien Green, Giám đốc điều hành Manulife Hồng Kông, và Mark Van Den Broek, Giám đốc thông tin và Giám đốc hoạt động của Manulife Châu Á.

Với vai trò này, Au Yeung phụ trách các hoạt động của Manulife Hồng Kông, đặc biệt trong các chức năng cốt lõi là đánh giá rủi ro, yêu cầu bồi thường, quản lý hợp đồng, hỗ trợ văn phòng và đại lý, phục vụ khách hàng thu nhập cao và dịch vụ khách hàng. Cô cũng phụ trách việc thúc đẩy văn hóa dịch vụ của công ty và cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua tăng cường áp dụng kỹ thuật số.

Au Yeung gia nhập Manulife từ Prudential Hồng Kông, nơi cô gần đây nhất là Giám đốc cấp cao về dịch vụ khách hàng, yêu cầu bồi thường, mạng lưới y tế và quản lý hợp đồng. Trước khi gia nhập Prudential, cô đã làm việc cho một số công ty bảo hiểm quốc tế trong khu vực, chẳng hạn như Zurich, MetLife, Bupa và AIA, trong sự nghiệp hơn 20 năm qua.

Manulife Hồng Kông cho biết: “Quyết định bổ nhiệm này phản ánh trọng tâm chiến lược của Manulife trong việc chuyển đổi trải nghiệm khách hàng bằng cách phát triển các quy trình và dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm hơn, đồng thời triển khai các công cụ kỹ thuật số mới, cũng như hỗ trợ tối ưu cho lực lượng đại lý tập trung vào tăng trưởng của mình. Au Yeung sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi hoạt động của công ty và chương trình trải nghiệm khách hàng”.

Nhật Bản thu về 4,7 tỷ USD từ việc thoái vốn Bưu điện Nhật Bản

(IBM) – Chính phủ Nhật Bản sẽ huy động được 836,7 tỷ yên (7,4 tỷ USD) từ kế hoạch thoái vốn cổ phần tại công ty Japan Post Holdings.

Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các nỗ lực tái thiết và phục hồi ở các khu vực bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần Tōhoku năm 2011, Reuters đưa tin.

Japan Post Holdings điều hành hệ thống bưu điện của đất nước và cung cấp các dịch vụ tài chính như bảo hiểm và ngân hàng. Sau khi hoàn tất việc thoái 1,03 tỷ cổ phiếu (27% cổ phần), chính phủ Nhật Bản sẽ nắm giữ một phần ba công ty – đây là mức thấp nhất được pháp luật cho phép.

Vào năm 2015, Japan Post Holdings và các công ty con Japan Post Insurance và Japan Post Bank, đã bắt tay vào nỗ lực tư nhân hóa lớn nhất Nhật Bản trong 30 năm qua.

Tokyo đã huy động được 3,05 nghìn tỷ yên từ hai lần thoái vốn trước đó khỏi Japan Post Holdings và các chi nhánh của nó. Con số này tương ứng với khoảng 10% tổng ngân sách tái thiết là 32 nghìn tỷ yên.

So với các đợt bán cổ phiếu trước đây, lần thoái vốn mới nhất này sẽ thu được một khoản tiền nhỏ hơn đáng kể. Điều này có thể liên quan đến vụ bê bối bán hàng không đúng quy mô lớn đã làm rung chuyển chi nhánh bảo hiểm của Japan Post Holdings, khiến giá trị cổ phiếu của công ty giảm sút và phá vỡ tiến trình tư nhân hóa. Công ty bảo hiểm đã bị chỉ trích vì tính phí bảo hiểm gấp đôi và các hành động phi đạo đức khác, với chủ yếu là đối tượng khách hàng cao tuổi.

Đại lý bảo hiểm Singapore bị đi tù vì hành vi không trung thực

(IBM) – Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành lệnh cấm 6 năm đối với cựu nhân viên bảo hiểm Koh Kesheng Stedtson sau khi anh ta bị kết án vì các tội danh liên quan đến không trung thực, cụ thể là giả mạo và gian lận.

Do đó, Koh bị cấm cung cấp bất kỳ dịch vụ tư vấn tài chính nào hoặc tham gia quản lý, làm giám đốc hoặc trở thành cổ đông đáng kể của bất kỳ công ty tư vấn tài chính nào theo Đạo luật Cố vấn Tài chính của Singapore. Anh ta cũng bị cấm làm hoặc quản lý một trung gian bảo hiểm theo Đạo luật Bảo hiểm.

Theo MAS, Koh là đại diện bán hàng của Manulife Singapore từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 2 năm 2015. Trong quá trình này, Koh đã khiến bảy khách hàng tin nhầm rằng phí bảo hiểm được thanh toán cho các hợp đồng bảo hiểm hiện tại của họ từ một công ty bảo hiểm khác sẽ được chuyển sang các hợp đồng mới do Manulife phát hành. Koh sau đó đã giả mạo các tài liệu để đánh lừa khách hàng rằng giá trị tiền mặt của các hợp đồng bảo hiểm hiện tại của họ đã được chuyển thành công sang các hợp đồng Manulife mới.

Tuy nhiên, các hợp đồng bảo hiểm trước đây của khách hàng đã hết hiệu lực do họ đã ngừng thanh toán phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm trước đó, dẫn đến việc mất hiệu lực hợp đồng bảo hiểm và không thể đòi lại phí bảo hiểm đã đóng.

Vào ngày 15 tháng 2, Koh đã nhận tội và bị Tòa án Tiểu bang kết tội bốn tội gian lận và hai tội giả mạo. Koh bị kết án 24 tuần tù.

MSIG Hồng Kông thiết lập quan hệ đối tác với CoverGo

(INA) – MSIG Insurance (Hồng Kông) Limited vừa hợp tác với công ty bảo hiểm CoverGo để hợp lý hóa hệ sinh thái khách hàng của MSIG Hồng Kông cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm sức khỏe của mình.

Hệ thống mới, được gọi là MediGo, được xây dựng bằng cách tạo lập CoverHealth, nền tảng bảo hiểm sức khỏe mô-đun do CoverGo tạo ra, để phù hợp với nhu cầu chính xác của MSIG Hồng Kông và môi trường khách hàng.

MediGo cho phép MSIG Hồng Kông chia sẻ dữ liệu quan trọng với tất cả các bên liên quan; đồng bộ hóa các quy trình kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong thời gian thực để nâng cao hiệu quả trên toàn diện.

Ông Philip Kent, Giám đốc điều hành MSIG Hong Kong cho biết: “Bước tiến mới nhất này trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của MSIG Hồng Kông đặt khách hàng lên hàng đầu và cải thiện trải nghiệm của hệ thống y tế của chúng tôi ở mọi điểm tiếp xúc. Thông qua sự hợp tác này, bắt đầu với Group Medical, khách hàng bảo hiểm sức khỏe của chúng tôi sẽ có thể sử dụng cổng thông tin trực tuyến để làm mọi thứ từ tìm bác sĩ và gửi yêu cầu bồi thường đến kiểm tra tình trạng quyền lợi của mình, tất cả đều cùng ở một chỗ”.

PolicyPal mua công ty fintech có trụ sở tại Hoa Kỳ

(INA) – Công ty công nghệ bảo hiểm PolicyPal có trụ sở tại Singapore đã mua lại Value Champion, công ty fintech tập trung tại châu Á.

Có trụ sở tại Hoa Kỳ, Value Champion cung cấp các nguồn lực và tư vấn cho những người muốn vay vốn, thẻ tín dụng, bảo hiểm hoặc tư vấn tài chính chung. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, công ty đã có hơn 200.000 người tiêu dùng ở bốn thị trường Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Ấn Độ sử dụng sản phẩm của mình.

Với việc mua lại, PolicyPal có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực lập kế hoạch tài chính và quản lý lối sống cho khách hàng châu Á cũng như cung cấp cho họ một loạt các sản phẩm tài chính và ý tưởng đầu tư, bằng cách sử dụng Value Champion làm công ty con tại các thị trường mới.

Đổi lại, người dùng của Value Champion trên khắp châu Á sẽ có thể truy cập các tài nguyên và giải pháp kết hợp của AMTD’s SpiderNet trên toàn khu vực, bao gồm cả PolicyPal (thông qua công ty con, Baoxianbaobao, có thương hiệu là PolicyPalFA) để bắt đầu hành trình lập kế hoạch tài chính của họ. Bốn trang web trực tuyến của Value Champion ở Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ giữ nguyên tên riêng và hoạt động dưới tư cách là các công ty con của PolicyPal.

Trung Quốc siết chặt bán bảo hiểm trực tuyến

(INA) – Trung Quốc mới đây đã đặt ra các quy định chặt chẽ hơn đối với việc bán bảo hiểm nhân thọ trực tuyến nhằm mục đích loại bỏ những bất thường trong ngành.

Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã đưa ra các quy định mới chặt chẽ hơn vào ngày 22 tháng 10 năm ngoái, quy định rằng các công ty bảo hiểm và công ty môi giới đủ điều kiện sẽ chỉ được phép bán bảo hiểm nhân thọ trực tuyến trên toàn quốc với điều kiện họ đáp ứng các yêu cầu như tỷ lệ khả năng thanh toán tối thiểu 120% trong bốn quý liên tiếp.

Các quy định mới cũng đưa ra giới hạn về những sản phẩm có thể được bán trực tuyến, bao gồm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, cũng như bảo hiểm nhân thọ có thời hạn và một số sản phẩm khác.

Các công ty bảo hiểm sẽ có thời hạn đến cuối năm để tuân thủ hoặc được lệnh ngừng bán các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến trước ngày 1 tháng 1.

Sun Life bổ nhiệm tân Chủ tịch châu Á

(INA) – Sun Life vừa bổ nhiệm bà Ingrid Johnson làm Chủ tịch mới của Sun Life Châu Á.

Bà Johnson sẽ kế nhiệm ông Léo Grépin, người đã rời Sun Life vào ngày 15 tháng 10 để theo đuổi các cơ hội khác.

Với 25 năm kinh nghiệm thương mại quốc tế trong ngành bảo hiểm và dịch vụ tài chính, bà Johnson sẽ chịu trách nhiệm về một trong những trụ cột chiến lược phát triển nhanh nhất của Sun Life bao gồm các hoạt động kinh doanh nhân thọ, sức khỏe và quản lý tài sản tại tám thị trường châu Á – Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.

Trước khi gia nhập Sun Life, bà Johnson là Giám đốc Tài chính Tập đoàn của hai công ty niêm yết Old Mutual plc ở Luân đôn và Nam Phi và là thành viên của các hội đồng quản trị công ty con khác nhau. Trong thời gian làm việc tại Old Mutual plc, bà đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tái cơ cấu và hủy niêm yết tập đoàn có mức vốn hóa thị trường trị giá 12 tỷ bảng Anh thành bốn tổ chức niêm yết hoàn toàn độc lập.

BTV (Tổng hợp).