2 DN bảo hiểm vào top 100 thương hiệu toàn cầu; Du khách đến Thái Lan phải mua bảo hiểm bắt buộc COVID-19; PTI ra mắt đơn vị thành viên thứ 50
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
ABIC chi trả 311 triệu đồng cho khách hàng Quảng Trị
(ABIC) – Vừa qua, Agribank PGD Bắc Cửa Việt – Gio Linh, Quảng Trị (Agribank Bắc Cửa Việt), đã phối hợp với Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng tổng số tiền 311 triệu đồng cho hộ gia đình ông Lê Văn Hùng.
Ông Trương Viết Loan, Giám đốc Công ty cổ phẩn Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp – Chi nhánh Đà Nẵng đại diện phía công ty cho biết, hộ ông Lê Văn Hùng ở khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có vay vốn Agribank Bắc Cửa Việt để sử dụng cho phương án sản xuất kinh doanh của gia đình.
Được biết, trong quá trình vay vốn, khách hàng quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng và đã được nhân viên ngân hàng tận tình giải thích đầy đủ về điều kiện tham gia, về phí bảo hiểm, đặc biệt là về quyền lợi khách hàng nhận được khi tham gia sản phẩm bảo hiểm này nên ông Hùng đã tự nguyện tham gia với mức trách nhiệm 300 triệu đồng.
Sau đó, không may khách hàng trên bị bệnh đột ngột qua đời. Khi nhận được thông tin từ gia đình khách hàng, đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp phối hợp với Agribank Bắc Cửa Việt đến trực tiếp động viên thăm hỏi, thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả bồi thường 100% theo mức trách nhiệm đã tham gia. Ngoài ra, công ty còn trợ cấp một phần lãi vay với số tiền trên 10 triệu đồng và hỗ trợ thêm gia đình 1 triệu đồng tiền mai táng phí.
Tại buổi chi trả, bà Võ Thị Vân, ở khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là vợ khách hàng Lê Văn Hùng cho biết, chồng bà không may mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời, đối với gia đình bà là mất mát quá lớn, khoản bồi thường 311 triệu đồng của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp đã giúp gia đình bà giảm nhẹ gánh nặng tài chính khi không còn trụ cột gia đình, gia đình bà gửi lời cảm ơn chân thành đến công ty.
“Qua đây, tôi cũng nhắn nhủ đến quý khách hàng có vay vốn nên tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng, khi gặp trường hợp rủi ro như gia đình tôi sẽ được bảo hiểm chi trả, bớt đi gánh nặng cho gia đình”, bà Vân chia sẻ.
Còn ông Mai Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hộ ông Lê Văn Hùng hôm nay càng khẳng định rõ tính thiết thực của việc tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng, tham gia bảo hiểm dù có thêm một khoản chi phí nhỏ, nhưng khi có tai nạn, rủi ro bệnh tật xảy ra, những người thụ hưởng không phải gánh thêm gánh nặng tài chính bên cạnh việc mất mát người thân.
- Một vòng doanh nghiệp
Quý 3/2020, lợi nhuận BMI tăng trưởng 53,16%
(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo Minh (mã BMI – HOSE) thông báo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, quý III/2020, Bảo Minh đạt 58,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 53,16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 158,4 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, Bảo Minh đạt tổng doanh thu (bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm, đầu tư) 3.672 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13,68% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 94,3% so với kế hoạch doanh thu đề ra đầu năm.
Cũng trong 9 tháng, BMI tập trung vào hiệu quả kinh doanh, không chạy theo doanh thu nhưng vẫn đảm bảo đúng kế hoạch.
Đồng thời, Công ty tăng cường hợp tác với ngân hàng nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm tới đối tượng khách hàng cá nhân (Hợp tác với MSB, VIB), hợp tác với các bệnh viện để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng khi tham gia bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại Bảo Minh.
Đây cũng mục tiêu chính của Bảo Minh trong giai đoạn tới, đảm bảo sản phẩm bảo hiểm mang tới khách hàng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng như cầu càng tăng trong giai đoạn bình thường mới khi đại dịch covid vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sun Life Việt Nam ra mắt công cụ tư vấn và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến
(ĐTCK) – Sun Life Việt Nam vừa chính thức giới thiệu SunSmart, một ứng dụng mới trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm giúp đội ngũ kinh doanh mang đến những trải nghiệm phục vụ khách hàng tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
SunSmart là công cụ cho đội ngũ kinh doanh tư vấn và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm với những tính năng vượt trội.
Bao gồm: Quản lý thông tin và tư vấn giải pháp tài chính cho Khách hàng mọi lúc mọi nơi mà không cần internet; Nâng cao trải nghiệm khách hàng và hiệu quả làm việc cho Tư vấn tài chính (TVTC) thông qua tính năng điền, kiểm tra thông tin và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến; Đóng phí bảo hiểm qua Cổng Thanh toán Trực tuyến tiện lợi, không dùng tiền mặt SunSmart là bước tiến mới của Sun Life Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tư vấn và hiệu quả cho đội ngũ kinh doanh.
Theo ông Larry Magde, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, với chiến lược “Khách hàng trọn đời”, Sun Life Việt Nam không chỉ giúp khách hàng đạt được an toàn tài chính trọn đời và tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh hơn, mà còn đưa ra nhiều công cụ, ứng dụng kĩ thuật số để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Generali Việt Nam lọt Top 10 Doanh nghiệp tiêu biểu có Nguồn nhân lực Hạnh phúc
(ĐTCK) – Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam tin rằng, phải có nguồn nhân lực hạnh phúc thì doanh nghiệp mới làm cho khách hàng hạnh phúc được.
Danh hiệu “Top 10 Doanh nghiệp tiêu biểu có Nguồn nhân lực Hạnh phúc” được đo lường và xác định từ khảo sát “Nguồn nhân lực Hạnh phúc – Happiness at Work”, thực hiện độc lập bởi Anphabe, đơn vị tư vấn tiên phong về các giải pháp Nguồn nhân lực Hạnh Phúc và Môi trường làm việc.
Khảo sát này đo lường sự hài lòng của nhân viên về công ty của mình dựa trên 6 nhóm tiêu chí: Danh tiếng công ty, Môi trường làm việc, Lãnh đạo và quản lý, Tưởng thưởng và phúc lợi, Cơ hội phát triển, Chất lượng công việc cuộc sống.
Anphabe là đơn vị thực hiện Khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam thường niên với hơn 70.000 người đi làm có kinh nghiệm tại hơn 700 công ty trong 20 ngành nghề khác nhau trên toàn quốc.
Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, kết quả này không chỉ phản ánh một môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ cạnh tranh và cơ hội phát triển vượt trội, mà còn nói lên niềm tự hào, sự gắn kết của đội ngũ đối với tổ chức, cũng như những giá trị tích cực công việc của họ có thể mang lại cho khách hàng và cộng đồng.
Với chiến lược trở thành “Người bạn Trọn đời” của khách hàng, đối tác và nhân viên, Generali Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp và gắn kết cùng văn hóa SOHI (Simplification, Ownership, Human Touch, Innovation – Đơn giản, Chủ động, Nhân văn, Sáng tạo).
Kết quả này có được từ việc triển khai thành công những kế hoạch và chính sách nhân sự chiến lược như: khuyến khích sự đa dạng và hòa nhập (Diversity & Inclusion), thúc đẩy cân bằng công việc và cuộc sống, trao quyền, đẩy mạnh tính sáng tạo và đổi mới, cũng như tăng cường sự gắn kết và cống hiến với các hoạt động cộng đồng ý nghĩa.
PTI ra mắt đơn vị thành viên thứ 50 tại Kiên Giang
(PTI) – Ngày 22 tháng 10 năm 2020, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tổ chức thành công lễ ra mắt đơn vị mới “Công ty Bảo hiểm Bưu điện Kiên Giang” (PTI Kiên Giang) tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đây là đơn vị thành viên thứ 50 của PTI, hoạt động chính thức tại khu vực miền Nam.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Ngô Hen – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, ông Huỳnh Hoàng Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ quan doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, ông Huỳnh Ngọc Ấn – Phó giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh Kiên Giang cùng sự chứng kiến của các cơ quan thông tấn và báo chí địa phương. Ngoài ra, ông Kim Kang Wook – Phó chủ tịch HĐQT PTI, ông Bùi Xuân Thu – Ủy viên HĐQT – Tổng giám đốc PTI, các Phó tổng giám đốc cùng đại diện các ban trụ sở chính và lãnh đạo các đơn vị PTI khu vực miền Nam cũng đã tham dự buổi lễ ra mắt đơn vị mới.
Khu vực miền Nam vẫn luôn là thị trường có nhiều tiềm năng, là địa bàn trọng điểm mà PTI tập trung phát triển. Do đó, sự ra đời của PTI Kiên Giang được kỳ vọng sẽ đem đến làn gió mới, cung cấp các sản phẩm đa dạng với dịch vụ đạt chất lượng và đạt hiệu quả cao, góp phần củng cố uy tín của thương hiệu PTI tới khách hàng. Hiện tại, với 50 đơn vị thành viên, PTI đang ngày một mở rộng mạng lưới hoạt động, mang những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng.
Ông Nguyễn Xuân Khoa – Giám đốc PTI Kiên Giang cho biết: “PTI Kiên Giang mặc dù là một đơn vị non trẻ, nhưng tôi tin rằng với sự trẻ trung, năng động và chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự, chúng tôi sẽ trở thành một tập thể lớn mạnh, sớm bắt kịp với các đơn vị khác trên toàn hệ thống.”
PTI ký kết hợp đồng bảo hiểm với Liên danh Acciona – Vinci
(PTI) – Ngày 21 tháng 10 năm 2020, tại Khách sạn Central Palace Hotel Saigon đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng bảo hiểm cho Gói thầu thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè giữa Công ty Bảo hiểm Bưu điện Thống Nhất (PTI Thống Nhất) cùng Liên danh nhà thầu Acciona Agua S.A.U và Vinci Construction Vinci Construction Grands Project (Pháp). Tham gia lễ ký kết có ông Lê Ngọc Đăng – Giám đốc PTI Thống Nhất, ông Thibault de Certaines – Giám đốc dự án và ông Luis Sanchez Lillo – Phó Giám đốc dự án.
Theo đó, PTI Thống Nhất sẽ cung cấp gói bảo hiểm rủi ro xây dựng, lắp đặt bao gồm trách nhiệm dành cho bên thứ 3 cho Gói thầu thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè. PTI sẽ chi trả bồi thường cho những thương vong hay ốm đau bất ngờ cho người thứ ba (chết hay không chết người) hoặc tổn thất bất ngờ đối với tài sản của người thứ ba.
Đại diện PTI cho biết: “Gói thầu thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một gói thầu rất lớn trị giá lên đến 307 triệu USD, do vậy, việc chúng tôi ký kết thành công hợp đồng bảo hiểm với Liên danh Acciona – Vinci có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là minh chứng cho chất lượng sản phẩm bảo hiểm của PTI mà qua đó còn khẳng định vị thế của PTI trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.”
Được biết, Liên danh Acciona – Vinci là đơn vị trúng thầu Gói thầu thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè thuộc gói thầu XL-02 dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM với đề xuất công nghệ MBBR nhằm đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, thân thiện với môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Hiện tại, PTI đang là doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 2 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong năm 2019, doanh thu bảo hiểm gốc của PTI vượt mốc 5.700 tỷ đồng trở thành doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thị trường.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Sửa luật để hoàn thiện “sân chơi” bảo hiểm
(ĐTCK) – Tại buổi đối thoại về các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vừa tổ chức tại TP.HCM, nhiều đề xuất được đưa ra nhằm hoàn thiện pháp luật bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Đơn cử, trong bài tham luận của mình, Ths. Bùi Thị Hằng Nga, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc xác định trích lập dự phòng nghiệp vụ cho mục đích thanh toán theo quy định tại Khoản 1, Điều 96 – Luật Kinh doanh bảo hiểm là không hoàn toàn chính xác, bởi ngoài trách nhiệm bảo hiểm, có hợp đồng bảo hiểm còn mang các quyền lợi tích lũy về số tiền đầu tư, nên để đầy đủ hơn cần sửa theo hướng “Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm đảm bảo cho những trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm…”.
Tương tự, quy định tại Khoản 3 – Điều 96 luật này cũng nên sửa đổi thành “Bộ Tài chính quy định về cơ sở, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm” để đảm bảo tính khái quát, thay vì chỉ quy định về “mức trích lập, phương pháp trích lập”.
“Đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, nên bỏ giới hạn các tài sản doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư, bổ sung quy định về danh mục các khoản đầu tư bị cấm và hạn mức từng khoản mục đầu tư; bổ sung quy định tính toán số vốn tối thiểu cần thiết tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của từng doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các hoạt động kinh doanh khác, hoạt động đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro…”, bà Nga đề xuất.
Hay với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm – một loại dịch vụ mới trên thị trường, TS. Phan Phương Nam, Trường Đại học Luật TP HCM cho biết, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực này, gây khó khăn trong công tác quản lý.
“Một trong các nguyên tắc hoạt động của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ‘tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm’, nhưng tiêu chuẩn lại do tổ chức cung cấp dịch vụ tự quy định nên tiềm ẩn rủi ro kém minh bạch”, ông Nam nêu ví dụ.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phải “xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”, còn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì không xác định trách nhiệm, như vậy sẽ thiếu cơ sở để giám sát việc chấp hành hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ của đối tượng này.
Ông Đồng Hoàng Nam, Giám đốc cấp cao Phòng Pháp lý Prudential đánh giá, doanh nghiệp bảo hiểm hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thu nhập thông tin tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm do một số bệnh viện không chấp nhận chữ ký điện tử trên bộ hợp đồng bảo hiểm.
“Để tháo gỡ vướng mắc, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng chữ ký điện tử trong các giao dịch bảo hiểm, làm rõ định nghĩa ‘cơ quan bảo hiểm’ theo Điều 59, Khoản 4 – Luật Khám chữa bệnh có bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm hay không; mở rộng một số trường hợp cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho một số mục đích cụ thể (ví dụ phòng chống trục lợi bảo hiểm)”, ông Nam kiến nghị.
Liên quan tới vướng mắc trong việc tố cáo hành vi gian lận, trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm theo Điều 213 – Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi năm 2017, theo ông Nam, hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện một số trường hợp có hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm nhưng chưa thể tố cáo đến cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự do quy định phải có yếu tố cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả của hành vi mới cấu thành tội phạm hình sự.
“Để tăng tính răn đe cũng như phù hợp với tình hình thực tế, cần sửa đổi quy định này theo hướng tội gian lận, trục lợi cấu thành khi hoàn tất hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm”, ông Nam nói.
Nghệ An – Tỉnh đầu tiên có doanh thu và bồi thường bảo hiểm nông nghiệp
(TBTCO) – Ngày 20/10, Đoàn công tác của Bộ Tài chính do ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Đoàn công tác còn có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt,….
Về phía tỉnh Nghệ An, buổi làm việc có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An, đại diện Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan và đại diện các huyện có triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp,…
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Châu – Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính Nghệ An cho biết, triển khai Nghị định 58/2018/NĐ-CP và Quyết định 22/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sát sao của UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc quyết tâm của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương và Công ty Bảo Việt Nghệ An, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp bước đầu đã cho kết quả, đặc biệt là đối với cây lúa. Tại Nghệ An, UBND cấp tỉnh, huyện, xã đều có quyết định thành lập Ban chỉ đạo về bảo hiểm nông nghiệp.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo một cách bài bản, kỹ lưỡng, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã nhanh chóng ban hành quyết định phê duyệt địa bàn và đối tượng được hỗ trợ chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
Theo đó, thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 7.291 hộ gia đình của 102 xã tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên tổng số 246 xã của 8 huyện thuộc địa bàn được thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa.
Tổng diện tích lúa được bảo hiểm là 1.465 ha/ 59.000 ha tổng diện tích sản xuất vụ hè thu, mùa của 8 huyện. Tổng giá trị bảo hiểm là 39.107 triệu đồng và tổng số phí bảo hiểm là 2.007 triệu đồng (phần đối tượng tham gia bảo hiểm nộp là 674 triệu đồng; phần ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1.333 triệu đồng).
Như vậy, Nghệ An là tỉnh đầu tiên của cả nước có doanh thu bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm đối với cây lúa theo Nghị định 58 và Quyết định 22.
Theo ông Nguyễn Bá Trung – Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An, hiện công ty đã chuẩn bị xong hồ sơ bồi thường và sẵn sàng bồi thường bảo hiểm cho các xã chịu thiệt hại trên cây lúa. “Dù số lượng hộ tham gia, nhưng chất lượng khá tốt, khi tỷ lệ đóng phí rất cao, trong đó điểm nhấn là các hộ bình thường có tỷ lệ đóng phí tới 80%. Phần đối tượng tham gia bảo hiểm nộp là 674 triệu đồng, không chênh quá nhiều so với phần NSNN hỗ trợ là 1.333 triệu đồng” – ông Trung nói.
Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe chia sẻ của đại diện Sở NN&PTNT, đại diện lãnh đạo một số huyện, ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp bước đầu cho kết quả khả quan tại Nghệ An là do có sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành và sự nỗ lực triển khai của doanh nghiệp bảo hiểm, mà cụ thể là Bảo Việt Nghệ An.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính cũng đã trao đổi, đề xuất với Đoàn công tác một số vướng mắc còn gặp phải trong quá trình triển khai thực tế, như: Thời gian triển khai ngắn, chính sách ban hành còn có độ trễ,…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Huyền đã ghi nhận và giải đáp một số vấn đề địa phương nêu; đồng thời, các ý kiến đề xuất, kiến nghị phù hợp sẽ được tổng hợp để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền, để hoàn thiện chính sách, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất của người nông dân.
Đánh giá cao công tác triển khai bảo hiểm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn còn gặp phải để triển khai hiệu quả hơn nữa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để cùng hoàn thiện chính sách để công tác triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm đem lại kết quả cao nhất” – ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh.
- Bảo hiểm với cộng đồng
VNI ủng hộ 1 tỷ đồng cho quỹ Vì người nghèo
(ABIC) – Tối ngày 17/10, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 tại Hà Nội. Sự kiện do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” là sự kiện thường niên được tổ chức vào ngày 17/10 (Ngày Quốc tế xóa nghèo) hàng năm. Nhân dịp này, đại diện VNI; ông Trần Trọng Dũng – Tổng giám đốc đã tới tham dự và trao số tiền ủng hộ 1 tỷ đồng góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng nghèo, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, VNI đã nhanh chóng thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ ủng hộ 1,7 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Song song với đó, VNI xây dựng Quỹ hỗ trợ gần 01 tỷ đồng cho các đơn vị và cán bộ nhân viên VNI bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên toàn hệ thống nhằm chăm lo đời sống và chia sẻ khó khăn với CBNV.
Là một doanh nghiệp luôn đề cao trách nhiệm xã hội, bên cạnh các hoạt động kinh doanh, VNI luôn chú trọng các hoạt động an sinh xã hội và trách nhiệm với cộng đồng như: ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa bão; ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”; tặng nhà Nghĩa tình đồng đội tại Bến Tre…vv. Các chương trình nghĩa tình giúp giáo dục CBNV trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc cũng được VNI thường xuyên tổ chức như: Hành trình về nguồn tri ân anh hùng liệt sỹ hàng năm; phối hợp với Viện Huyết học truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo…vv. Những hoạt động xã hội này đã và đang khẳng định bản sắc cũng như nét đẹp văn hóa của VNI tới cộng đồng xã hội.
- Tin quốc tế
Phí bảo hiểm toàn cầu lập kỷ lục 7,9 nghìn tỷ USD
(INN) – Nghiên cứu Rủi ro Bảo hiểm mới nhất của Aon cho biết, doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu năm 2019 đứng ở mức cao nhất mọi thời đại là 5,6 nghìn tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm là 3,2%.
Nghiên cứu đánh giá các lĩnh vực tăng trưởng và lợi nhuận trên toàn cầu. Theo đó, phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) tăng 4% trên toàn thế giới, đem lại lợi nhuận đánh giá rủi ro trên toàn cầu với tỷ lệ kết hợp là 97,4%.
Úc vượt trội với tỷ lệ kết hợp 94,3% và New Zealand đạt 86,7%.
Tổng phí bảo hiểm P&C (GWP) của Úc đạt 30,08 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái và tỷ lệ kết hợp ròng lũy kế trong 5 năm là 94,1%, tốt hơn con số toàn cầu là 97,8%.
Tăng trưởng phí bảo hiểm hàng năm năm 2019 ở Úc là 7,1%, gần gấp đôi tỷ lệ trung bình 5 năm là 3,8%.
Trên toàn cầu, bảo hiểm xe cơ giới là ngành kinh doanh phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng hàng năm 6% trong 5 năm qua, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Aon cho biết, trong năm 2019, phí bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe toàn cầu đã tăng 2% và phí tái bảo hiểm tăng 13%.
Trong năm thứ tư liên tiếp, Malaysia và Indonesia được xếp hạng trong 10 vị trí hàng đầu trong Chỉ số Cơ hội Quốc gia của Aon. Các quốc gia này đã cho thấy tỷ lệ tổng hợp thấp, phí bảo hiểm và tăng trưởng GDP lành mạnh, và một môi trường chính trị ổn định.
Báo cáo cho biết: “Để đạt được tăng trưởng bảo hiểm mạnh mẽ, tốt nhất là các công ty bảo hiểm nên nhìn xa hơn các nền kinh tế phát triển”.
Tổn thất bảo hiểm do bão Delta gây ra lên đến 3 tỷ USD
(INN) – Công ty mô hình rủi ro thảm họa AIR Worldwide cho biết tổn thất bảo hiểm do bão Delta có thể lên tới 1-3 tỷ USD sau khi đổ bộ vào khu vực vẫn đang phục hồi sau cơn bão Laura sáu tuần trước đó.
Delta đã vượt qua bờ biển bang Louisiana vào ngày 9 tháng 10, đây là cơn bão cấp 2 với sức gió duy trì 161 km/h. Tổng lượng mưa đạt tới 43 cm ở một số nơi ở góc tây nam của bang.
Hai cơn bão gần đây đổ bộ cách nhau khoảng 19 km, mặc dù sức gió tối đa của Delta yếu hơn đáng kể so với bão Laura.
AIR cho biết hai cơn bão ở gần nhau có thể làm trầm trọng thêm tác động đến các cấu trúc đã bị hư hại hoặc suy yếu, mặc dù cũng có thể các tòa nhà có khả năng bị hư hại chịu thêm tác động nhỏ từ vùng Delta yếu hơn.
Một trường hợp tương tự về các cơn bão nhiệt đới tấn công một khu vực liên tiếp và nhanh chóng là hồi năm 2004, các cơn bão Frances và Jeanne ảnh hưởng gần như cùng một nơi trên bờ biển phía đông của Florida trong vòng sáu tuần.
AIR Worldwide cho biết: “Đã có báo cáo về sự khuếch đại tổn thất vào thời điểm đó, đặc biệt là ở Florida. “Với những sự kiện liên tiếp này, không thể loại trừ điều tương tự ở Louisiana, mặc dù thực tế là chúng là những sự kiện khác nhau và thuộc các điều kiện bảo hiểm khác nhau.”
Công ty thông tin tài sản CoreLogic ước tính tổng thiệt hại trên đất liền của Hoa Kỳ lên đến 1,2 tỷ USD, ước tính thiệt hại cho các giàn khoan dầu khí ngoài khơi Vịnh Mexico là 800.000 – 1,5 tỷ USD. “Thiệt hại do Bão Laura mở rộng vào đất liền và tập trung vào các mái nhà và lớp ốp bên ngoài của tòa nhà, và tác động của Delta có thể gây ra tác động kép,” Giám đốc Giải pháp Bảo hiểm Tom Larsen cho biết.
Lloyd’s khuyến cáo ngành bảo hiểm thiết kế các sản phẩm đơn giản hơn
(INN) – Lloyd’s muốn ngành làm cho các sản phẩm bảo hiểm ít phức tạp hơn và mang đến cho khách hàng sự chắc chắn hơn.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, Lloyd’s cho biết COVID-19 đã nêu bật nhu cầu cấp thiết của các công ty bảo hiểm trong việc phát triển “các sản phẩm bảo hiểm đơn giản hơn” để đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra.
Sự phức tạp của sản phẩm vốn là vấn đề từ nhiều năm nay, một phần trở nên tồi tệ hơn do các từ ngữ trong hợp đồng dài dòng, hiện đang được chú ý vì các tranh chấp về việc hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh có bảo vệ cho đại dịch hay không.
Lloyd’s cho biết trong báo cáo: “Sản phẩm càng phức tạp thì càng ít có khả năng mang lại sự an tâm cho khách hàng. Tệ hơn nữa, có thể xảy ra trường hợp nếu khách hàng không hiểu đầy đủ các điều khoản về sản phẩm, họ có thể vi phạm các điều khoản đó hoặc tin rằng đã được bảo hiểm trong khi thực tế không phải như vậy.
“COVID-19 là dịp để ngành bảo hiểm nắm bắt và xem xét lại cách phục vụ khách hàng tốt hơn, và qua đó củng cố vai trò xã hội quan trọng của nó.”
Được chuẩn bị với sự cộng tác của Lloyd’s Global và UK Advisories, báo cáo nêu ra những cách thức mà các công ty bảo hiểm có thể giảm bớt sự phức tạp và cung cấp cho khách hàng sự chắc chắn hơn về bảo hiểm của mình.
Lloyd’s nói rằng những thách thức phải được giải quyết do kết quả của một cuộc khảo sát hồi đầu năm nay cho thấy thái độ đối với bảo hiểm đã xấu đi do COVID-19, với “nhận thức rằng một số hợp đồng đã không hoạt động như khách hàng mong đợi”.
Lloyd’s sẽ bắt đầu làm việc vào năm tới để cung cấp các tài liệu sản phẩm “rõ ràng hơn và đơn giản hơn” để nâng cao hiểu biết của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm. Điều này sẽ được bổ sung với việc giới thiệu tài liệu tóm tắt hợp đồng trả trước được chuẩn hóa của Lloyd’s, tài liệu này ban đầu sẽ có sẵn cho các chủ hợp đồng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Công việc này là một phần trong hành động khẳng định của chính Lloyd’s nhằm giải quyết “những phức tạp khác biệt” phát sinh từ sự không chắc chắn về phạm vi bảo hiểm của đại dịch và dẫn đến tranh chấp tại tòa án giữa công ty bảo hiểm và khách hàng.
Lloyd’s ủng hộ cho 197 tổ chức từ thiện toàn cầu
(INN) – Lloyd’s cho biết họ đã quyên góp 12 triệu bảng Anh (21,88 triệu USD) cho 197 tổ chức từ thiện trên toàn thế giới kể từ tháng 3.
Lloyd’s cũng đã cung cấp 20.000 chiếc khẩu trang và hơn 10.000 suất ăn cho 17 tổ chức từ thiện và bệnh viện tuyến đầu ở Anh, cũng như khuyến khích nhân viên tình nguyện. Vào tháng 3, Lloyd’s đã cam kết hỗ trợ gói trị giá 15 triệu bảng Anh (27,34 triệu USD) cho các tổ chức từ thiện ứng phó với đại dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành John Neal cho biết Lloyd’s đã hỗ trợ “khiêm tốn” cho các tổ chức từ thiện vì họ phải đối mặt với những khó khăn tài chính khắc nghiệt trong thời điểm mà nhu cầu dịch vụ tiếp tục tăng.
“Nếu bạn hỏi một tổ chức từ thiện xem họ cần gì ngay bây giờ, thì đó là nguồn tài trợ khẩn cấp không hạn chế để đảm bảo tổ chức của họ không chỉ có thể tồn tại mà còn quan trọng là tiếp tục cung cấp các dịch vụ quan trọng cho cộng đồng trên toàn thế giới,” ông nói.
Các khoản đóng góp từ thiện bao gồm:
5 triệu bảng Anh (9,12 triệu đô la) cho Quỹ hỗ trợ COVID-19 của Hiệp hội các nhà bảo hiểm Anh, làm lợi cho Quỹ hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp quốc gia hỗ trợ các tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
3 triệu bảng Anh (5,47 triệu đô la) cho 114 tổ chức từ thiện do các đồng nghiệp của Lloyd’s trên toàn cầu đề cử.
2 triệu bảng Anh (3,65 triệu đô la) cho các đối tác từ thiện hiện có và các tổ chức có khả năng ứng phó tốt nhất với tác động của đại dịch bao gồm Trussell Trust, Centrepoint và The Mental Health Foundation.
1 triệu bảng Anh (1,82 triệu đô la) cho 37 dự án được hỗ trợ bởi các văn phòng toàn cầu của Lloyd.
Khoản quyên góp bổ sung 1 triệu bảng Anh (1,82 triệu đô la) cho Giải thưởng từ thiện của Lloyd’s Market để kỷ niệm những nỗ lực của các cá nhân làm việc trong thị trường Lloyd’s.
Vị trí của ngành bảo hiểm trong top 100 thương hiệu toàn cầu
(IBM) – Bảng xếp hạng các thương hiệu toàn cầu tốt nhất của Interbrand vừa công bố 100 thương hiệu hàng đầu thế giới.
Năm nay, danh sách này được thống trị bởi những gã khổng lồ công nghệ – Apple chiếm vị trí số một, với Amazon thứ hai, Microsoft thứ ba và Google và Samsung lần lượt xếp tiếp theo trong top 5. Vậy chỗ đứng của ngành bảo hiểm như thế nào?
Năm thứ hai liên tiếp, Allianz trở thành thương hiệu bảo hiểm hàng đầu theo bảng xếp hạng, tiến lên vị trí thứ 39 trong danh sách.
Ông Christian Deuringer, Giám đốc thương hiệu & quan hệ đối tác tại Allianz SE, cho biết: “Chúng tôi vô cùng tự hào là thương hiệu bảo hiểm số một và đã đảm bảo vị trí của mình trong danh sách Top 40 thương hiệu toàn cầu tốt nhất. Chỉ trong 10 năm, Allianz đã từ vị trí thứ 67 trong danh sách với giá trị 4,9 tỷ USD vào năm 2010, lên vị trí thứ 39 với giá trị gần 13 tỷ USD vào năm 2020.
“Trong lúc một nửa số thương hiệu trong Top 100 không tăng trưởng trong năm nay thì giá trị thương hiệu của Allianz đã tăng 7% bất chấp đại dịch, lên 12,935 tỷ USD.
“Chúng tôi đã đặt cho mình mục tiêu trở thành thương hiệu Top 25 vào năm 2025”.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại: AXA là công ty bảo hiểm duy nhất trong danh sách, giữ vị trí 48. Định giá thương hiệu của hãng tăng 3% trong năm, mặc dù thứ hạng đã giảm từ vị trí 46.
Chubb bổ nhiệm Giám đốc bảo hiểm thiệt hại Vương quốc Anh và Ireland
(IJN) – Chubb vừa công bố việc bổ nhiệm ông Alex Forman làm Giám đốc bảo hiểm thiệt hại khu vực Vương quốc Anh và Ireland (UK&I).
Với vai trò này, ông Forman sẽ chịu trách nhiệm về lợi nhuận và tăng trưởng của danh mục sản phẩm bảo hiểm thiệt hại của Chubb’s UK&I với việc giám sát dòng sản phẩm đối với tất cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm thiệt hại trong toàn khu vực. Ông sẽ làm việc tại trụ sở ở Luân đôn và báo cáo lên ông Mark Roberts, Giám đốc đánh giá rủi ro bảo hiểm P&C khu vực UK&I.
Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực ngay sau khi ký.
Ông Forman trước đây là Giám đốc đánh giá rủi ro bán lẻ của Vương quốc Anh cho Swiss Re Corporate Solutions, sau khi gia nhập công ty này vào năm 2012.
Ông Roberts nhận xét: “Việc bổ nhiệm này sẽ giúp Chubb đi đầu trong thị trường bảo hiểm thiệt hại bằng cách đem đến sự tăng trưởng và các giải pháp hiệu quả vào thời điểm thú vị cho doanh nghiệp của chúng tôi”.
Du khách đến Thái Lan phải mua bảo hiểm bắt buộc COVID-19
(AIR) – Theo thông báo chính thức từ Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm Thái Lan (OIC), du khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ có thể mua bảo hiểm COVID-19 bắt buộc trực tuyến trước khi đến thăm đất nước này.
Pattaya Mail đưa tin rằng Tổng Hiệp hội Thái Lan và Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Thái Lan cùng với 16 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn trong nước đang hợp tác với nhau để cung cấp chương trình bảo hiểm COVID-19 cho du khách nước ngoài.
Hợp đồng bảo hiểm này đã được chính phủ Thái Lan phê duyệt và có thể được sử dụng trong quá trình xin visa Thái Lan. Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu ngay lập tức khi du khách đến Thái Lan và trong trường hợp du khách phải nhập viện điều trị thì không cần trả trước chi phí hoặc được bảo lãnh chi phí tại các bệnh viện tư nhân trên toàn quốc.
Theo ông Yuthasak Supasorn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), du khách nước ngoài dự định đến thăm Thái Lan trong thời kỳ đại dịch sẽ phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc với mức chi trả ít nhất 100.000 USD cho việc điều trị COVID-19.
“TAT hy vọng chương trình bảo hiểm COVID-19, theo quy định của OIC, mang lại sự an tâm hơn cho du khách nước ngoài và hy vọng giúp du khách trong nước dễ dàng hơn trước khi khởi hành từ quốc gia xuất xứ của họ,” ông Yuthasak nói.
Tuy nhiên, phạm vi bảo hiểm không vượt quá 100.000 đô la (tương đương 3,16 triệu THB).
Trong trường hợp tử vong do COVID-19, công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi trị giá 100.000 USD cho người thụ hưởng.
Sản phẩm này đã được thiết kế để khách hàng có thể mua trực tuyến. Thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm có nhiều mức, từ 30 ngày đến một năm.
Phí bảo hiểm dao động từ 1.600 THB đến 4.800 THB cho 30 ngày bảo hiểm; từ 2,880 THB đến 8,640 THB cho kỳ hạn 60 ngày; từ 3.840 THB đến 12.160 THB cho 90 ngày; từ 7.680 THB đến 23.040 THB cho 120 ngày và từ 14.400 THB đến 43.200 THB cho kỳ hạn một năm.
Đại dịch làm thay đổi ngành bảo hiểm Ấn Độ
(AIR) – Đại dịch virus Corona dự kiến sẽ làm thay đổi bối cảnh bảo hiểm ở Ấn Độ với việc tăng cường tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, giảm chi phí và khuyến khích sự thay đổi có ý thức trong tổ hợp sản phẩm.
Các công ty bảo hiểm cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều vì họ có lựa chọn cho phép nhân viên của mình tiếp tục làm việc tại nhà, dẫn đến tiết kiệm chi phí văn phòng và tiền thuê nhà. Đó là nội dung trả lời phỏng vấn của ông Rushabh Gandhi, Phó Giám đốc điều hành IndiaFirst Life, với tạp chí Press Trust of India.
“Đại dịch sẽ thay đổi toàn cảnh ngành bảo hiểm. Cơ sở chi phí của các công ty bảo hiểm sẽ giảm xuống vì chỉ phát sinh các chi phí quan trọng và các chi phí ‘xa xỉ’ sẽ giảm đáng kể”, ông Gandhi nói.
Điều thứ hai sẽ xảy ra do hậu quả của đại dịch sẽ là sự thay đổi có ý thức trong tổ hợp sản phẩm bảo hiểm, ông nói.
Ông lưu ý rằng số lượng hợp đồng thuộc danh mục bảo vệ sẽ tăng lên và về mặt tiết kiệm, mọi người sẽ thích các sản phẩm dựa trên lợi nhuận được đảm bảo.
Ông nói: “Rất nhiều người đang nghĩ đến việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm để giữ tiền trong một thời gian dài do lãi suất trên thị trường đang giảm”.
Ông Gandhi cũng cho biết, khả năng thâm nhập bảo hiểm có thể cải thiện do đại dịch.
Ông nói rằng bảo hiểm vốn là “sản phẩm đẩy” thì giờ đây đang trở thành “sản phẩm kéo”. Cụ thể là, trước đó các công ty bảo hiểm phải thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm, nhưng đây là lần đầu tiên, trong ít nhất 10-20% trường hợp, khách hàng đang hỏi công ty bảo hiểm có những sản phẩm nào.
BTV (Tổng hợp).