TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 40

PTI được mở room 100% cho cổ đông ngoại; Hanwha Life ra mắt sản phẩm liên kết đơn vị; Philippines mở cửa thị trường bảo hiểm nông nghiệp

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 40

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Quảng Nam: Bảo hiểm Agribank chi trả gần 900 triệu đồng bảo hiểm Bảo an tín dụng cho khách hàng

(ABIC) – Ngày 19/10, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) vừa tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng cho 6 khách hàng tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam với số tiền gần 900 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm Agribank – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Đợt này, Bảo hiểm Agribank đã phối hợp với Agribank Tiên Phước (Quảng Nam) chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng cho 6 khách hàng gồm: Nguyễn Thanh Kim (Tiên Hiệp) được chi trả với số tiền 304,5 triệu đồng, Nguyễn Đình Ba (Tiên Hiệp) 103,2 triệu đồng, Huỳnh Ngọc Quốc (Tiên Lập) 103,5 triệu đồng, Bùi Văn Kỳ (Tiên Châu) 62.3 triệu đồng, Phạm Thị Hoàng (Tiên Cẩm) 102,7 triệu đồng, Lê Hồng Sơn (Tiên Hà) 204.8 triệu đồng. Tổng số tiền được Công ty Bảo hiểm Agribank chi trả cho 6 khách hàng là gần 900 triệu đồng.

Ông Hải cho biết thêm, những khách hàng được chi trả lần này có vay vốn tại Agribank Tiên Phước để sử dụng cho phương án sản xuất kinh doanh của gia đình. Trong quá trình vay vốn, khách hàng quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng và đã được nhân viên ngân hàng tận tình giải thích đầy đủ về điều kiện tham gia, phí bảo hiểm, đặc biệt là về quyền lợi khách hàng nhận được khi tham gia sản phẩm bảo hiểm, nên những khách hàng này đã tự nguyện tham gia với mức trách nhiệm 100%.

Thời gian qua, những khách hàng này không may bị bệnh đột ngột và qua đời. Khi nhận được thông tin từ gia đình khách hàng, đại diện Công ty Bảo hiểm Agribank đã phối hợp với Agribank Tiên Phước đến trực tiếp động viên thăm hỏi, thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả bồi thường 100% theo mức trách nhiệm đã tham gia. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ một phần lãi vay và hỗ trợ thêm gia đình 1 triệu đồng tiền mai táng phí.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Bảo hiểm Agribank đã giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho 244 trường hợp khách tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng, với số tiển 12,5 tỷ đồng, riêng 9 tháng đầu năm 2021 Bảo hiểm Agribank đã chi trả cho cho 40 khách hàng với tổng số tiền là 3,3 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Lệ Xuân ở thôn 4, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, là vợ khách hàng Nguyễn Thanh Kim cho biết: Chồng bà không may mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời, đối với gia đình bà là mất mát quá lớn, khoản bồi thường 304,5 triệu đồng của Công ty Bảo hiểm Agribank đã giúp gia đình bà trả được nợ cho ngân hàng, gia đình bà gửi lời cảm ơn chân thành đến công ty. Trước đó, gia đình bà có vay vốn tại Agribank Tiên Phước để làm ăn và có tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng.

“Qua đây, tôi cũng nhắn nhủ đến quý khách hàng có vay vốn nên tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng, khi gặp trường hợp rủi ro như gia đình tôi sẽ được bảo hiểm chi trả, bớt đi gánh nặng cho gia đình…”, bà Xuân chia sẻ.

Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng của Bảo hiểm Agribank như là “lá chắn” vững chắc giúp người dân giảm thiểu rủi ro tài chính trong cuộc sống. Vì đây là một trong những sản phẩm bảo hiểm liên kết với Ngân hàng Agribank, khi xảy ra vấn đề bảo hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người vay vốn, sẽ được công ty trả nợ thay cho khách hàng.

Theo ông Anh, qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng cho 6 hộ gia đình hôm nay, càng khẳng định rõ tính thiết thực của việc tham gia bảo hiểm, dù có thêm một khoản chi phí nhỏ, nhưng khi có tai nạn, rủi ro bệnh tật xảy ra, những người thụ hưởng không phải gánh thêm gánh nặng tài chính bên cạnh việc mất mát người thân.

Hiện nay, Công ty Bảo hiểm Agribank đang triển khai rất nhiều sản phẩm bảo hiểm như: Bảo an tín dụng, bảo hiểm Bảo an chủ thẻ, bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, xe máy, nhà tư nhân… rất thiết thực đối với mọi đối tượng khách hàng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

PTI được mở room 100% cho cổ đông ngoại

(ĐTCK) – Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có công văn thông báo cho Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa là 100%, hợp lệ theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Ủy ban chứng khoán cũng đề nghị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện cập nhật điều chỉnh trên hệ thống về tỷ lệ sở hữu nước ngoài với hãng bảo hiểm này theo quy định của Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Được biết, PTI thông qua quyết định nới room lên 100% tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/6/2020. PTI kỳ vọng nới room để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận, tăng xếp hạng tín dụng quốc tế…

Hiện nay, PTI đang có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (chiếm khoảng 22% cổ phần), VNDirect (chiếm khoảng 18%) và Công ty bảo hiểm DB (chiếm 37%).

Sau 6 năm trở thành cổ đông chiến lược của PTI với những kết quả đã đạt được, Tập đoàn DB của Hàn Quốc cũng đang muốn mở rộng tỷ lệ sở hữu tại hãng bảo hiểm này. Theo quy định VNPost sẽ phải thóa vốn khỏi PTI trong thời gian tới và DB đánh giá đây sẽ là cơ hội tốt để có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại PTI.

Việc Ủy ban Chứng khoán có văn bản xác nhận việc cho phép cổ đông nước ngoài được tăng tỷ lệ cổ phần lên 100% sẽ là cơ hội tốt cho DB thực hiện mong muốn của mình. DB hiện là Tập đoàn lớn thứ 2 về bảo hiểm xe cơ giới và dẫn đầu về bảo hiểm trực tuyến tại thị trường Hàn Quốc.

6 tháng năm 2021 PTI đạt doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 45,5% kế hoạch năm.

Bảo hiểm Agribank khẳng định vị thế tại top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2021

(ABIC) – Thực hiện Quyết định số 161/2001/QĐ-TTg ngày 23/10/2001 của Thủ tướng Chính Phủ về việc “Phê duyệt chiến lược phát triển Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010” với mục tiêu trở thành tập đoàn Tài chính – Ngân hàng hàng đầu trong khu vực, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát Việt Nam (Agribank) đề xướng thành lập Bảo hiểm Agribank, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Bảo hiểm Phi nhân thọ và đầu tư tài chính.

Đề xuất này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cấp Giấy phép thành lập và hoạt động số 38/GP-KDBH ngày 18/10/2006 cho Bảo hiểm Agribank. Ngay từ khi hoạt động, Bảo hiểm Agribank đã xác định phương hướng kinh doanh là: Gắn hoạt động kinh doanh của Bảo hiểm Agribank với hoạt động kinh doanh của Agribank và phát triển kinh doanh tại khu vực nông nghiệp, nông thôn thông qua sản phẩm bảo hiểm liên kết với sản phẩm ngân hàng, đặc biệt là qua hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Từ năm 2009, Bảo hiểm Agribank đã tập chung nguồn lực và triển khai xây dựng mô hình kênh phân phối sản phẩm liên kết Ngân hàng – Bảo hiểm (Bancassurance) qua hệ thống hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch của Agribank rộng khắp toàn quốc. Ðến nay, hệ thống này đã bao gồm 171 tổng đại lý và gần 30.000 đại lý viên hầu hết là cán bộ ngân hàng được đánh giá có trình độ chất lượng năng lực nghiệp vụ cao, có tinh thần trách nhiệm và khả năng giao tiếp tốt với khách hàng, có kinh nghiệp làm việc và trao đổi với bà con nông dân.

Chính vì lựa chọn hướng đi riêng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, Bảo hiểm Agribank đã đạt được những thành công đáng kể trong gần 15 năm hoạt động. Tất cả các chỉ tiêu chủ yếu như: doanh thu bán hàng, trích quỹ dự phòng nghiệp vụ, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân người lao động của Bảo hiểm Agribank đều tăng trưởng nhanh và bền vững. Từ 28 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm năm 2007, sau 10 năm hoạt động Bảo hiểm Agribank đã cán mốc doanh thu 1.087 tỷ đồng năm 2016 và đạt tới 1.906 tỷ đồng vào năm 2020. Tương tự như vậy, với việc phát triển mô hình kênh Banca, đến nay Bảo hiểm Agribank đã phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng, vượt xa con số khiêm tốn là gần 300 nghìn khách hàng năm 2011.

Những con số quý báu này thể hiện lượt hộ nông dân được bảo hiểm tính mạng và sức khỏe, lượt doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nông nghiệp-nông thôn được bảo hiểm tài sản và trách nhiệm. Trong thời gian qua, Bảo hiểm Agribank đã giải quyết gần 190 nghìn vụ bồi thường cho các rủi ro mà khách hàng bảo an tín dụng gặp phải với tổng giá trị lên tới 3.976 tỷ đồng, giúp các hộ trả nợ vay ngân hàng, yên tâm tái sản xuất và đủ điều kiện tiếp tục vay vốn tại ngân hàng. Đây chính là giá trị to lớn mà Bảo hiểm Agribank đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp và trên địa bàn nông thôn.

Sau gần 15 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm Agribank đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của đông đảo khách hàng trân quý: bà con nông dân Việt Nam, tổ hội hợp tác xã, doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, chính quyền địa phương,… Với nỗ lực không ngừng – đa dạng hóa sản phẩm, Bảo hiểm Agribank cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm phù hợp với mọi hoạt động kinh doanh: Bảo an tín dụng, bảo hiểm xe cơ giới, BH tàu thuyền, BH trâu bò,… Bảo hiểm Agribank mong muốn cùng Ngân hàng Agribank đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ Bgân hàng – Bảo hiểm.

Ngoài các hoạt động kinh doanh, bảo hiểm Agribank luôn chú trọng thực hiện công tác cộng đồng, an sinh xã hội, đặc biệt hướng đến bà con nông dân. Năm 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bảo hiểm Agribank đã ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 số tiền gần 3 tỉ đồng tại các điểm nóng, khu vực giãn cách. Từ 10/8/2021 đến nay, Bảo hiểm Agribank triển khai cây ATM gạo hỗ trợ bà con khó khăn khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự ủng hộ của hệ thống Agribank, cán bộ nhân viên Bảo hiểm Agribank và các khách hàng, đồng nghiệp, Cây ATM gạo đã kêu gọi được gần 90 tấn gao cứu trợ người dân khó khăn trước đại dịch. Cùng với đó, Bảo hiểm Agribank luôn tiên phong ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội nhằm đem đến cuộc sống tốt hơn cho bà con nông dân Việt Nam: Ủng hộ bồn chứa nước chống hạn mặn tại Bến Tre, xây cầu vượt lũ tại Nghệ An, ủng hộ trang thiết bị xây dựng trường học tại Điện Biên, tặng nhà tình nghĩa tại Hà Giang… Trong quá trình vươn tới danh hiệu đơn vị hàng đầu trên thị trường, Bảo hiểm Agribank nỗ lực là doanh nghiệp thực hiện hoạt động cộng đồng tốt nhất và cung cấp dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng.

Kết quả phân tích, đánh giá Top các doanh nghiệp uy tín do VietNam Report công bố từ năm 2012 đến nay đã được cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Uy tín của các doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị trong giai đoạn bình thưởng mới. Theo VietNam Report, uy tín của các công ty bảo hiểm được lượng hóa một cách khách quan, độc lập căn cứ theo 3 tiêu chí quan trọng: (1) Năng lực và hiệu quả tài chính trên báo cáo tài chính kiểm toán; (2) Uy tín về truyền thông dựa trên phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty bảo hiểm trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Điều tra về mức độ hài lòng của khách hàng, đánh giá của chuyên gia tài chính và điều tra về tình hình kinh doanh và tốc độ tăng trưởng.

Vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay, trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh và những đóng góp nổi bật đối với nền kinh tế nói chung, với thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và các hoạt động cộng đồng, Bảo hiểm Agribank đã vinh dự được xếp hạng Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2021 của Việt Nam. Những thành công Bảo hiểm Agribank có được trước hết là nhờ sự hỗ trợ của hệ thống Agribank; sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự tin tưởng của khách hàng – hàng triệu người nông dân trân quý trên khắp vùng đồng bằng, miền núi, biên giới, miền biển và hải đảo trong cả nước. Bảo hiểm Agribank luôn nỗ lực nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và chú trọng phục vụ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn – khu vực có vị thế quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội của đất nước.

Hanwha Life Việt Nam và Vietbank hợp tác chiến lược

(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam và Vietbank vừa công bố ký kết hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Thỏa thuận của đôi bên có hiệu lực từ tháng 10/2021.

Theo đó, Hanwha Life Việt Nam và Vietbank sẽ phân phối bảo hiểm nhân thọ trên mạng lưới với 122 điểm giao dịch rộng khắp cả nước của Vietbank.

Những năm gần đây, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn và tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp 30% tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ. Việc hợp tác giữa Hanwha Life Việt Nam và Vietbank là một phần trong chiến lược dài hạn của cả hai doanh nghiệp, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tài chính ưu việt.

Trước khi tham gia vào thị trường Bancasurance, Hanwha Life Việt Nam đã và đang khám phá và theo đuổi các cơ hội hợp tác với nhiều đối tác trong lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như Fintech, chăm sóc sức khỏe, các công ty công nghệ… để xây dựng nền tảng “cuộc sống”, giúp Hanwha Life Việt Nam đến gần hơn với khách hàng.

Tính đến tháng 9/2021, công ty đã và đang được hơn 890 nghìn khách hàng tin tưởng và giao phó trọng trách bảo vệ bản thân và gia đình.

Hanwha Life Việt Nam ra mắt sản phẩm bảo hiểm đầu tư

(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị “LIFE FUN:D – SỐNG THỎA CHẤT” với nhiều quyền lợi vượt trội.

Khi tham gia “LIFE FUN:D – SỐNG THỎA CHẤT”, khách hàng sẽ được bảo vệ chu toàn đến năm 99 tuổi trước rủi ro Tử vong hoặc Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, đồng thời linh hoạt gia tăng quyền lợi bảo vệ trước các rủi ro bất ngờ khác như mắc bệnh hiểm nghèo, nằm viện, tai nạn… với các sản phẩm bảo hiểm bổ sung đa dạng.

Đặc biệt, “LIFE FUN:D – SỐNG THỎA CHẤT” còn giúp khách hàng gia tăng số tiền bảo hiểm ở các cột mốc quan trọng của cuộc đời như kết hôn, sinh con, nhận con nuôi hợp pháp, con chuyển cấp học… mà không cần thẩm định sức khỏe.

Bên cạnh nền tảng bảo vệ chu toàn, “LIFE FUN:D – SỐNG THỎA CHẤT” còn giúp khách hàng đón đầu cơ hội và tạo dựng tương lai vững chắc với lợi thế đầu tư từ việc hợp tác cùng công ty quản lý quỹ VinaCapital.

Ngoài phần phí bảo hiểm đã đóng, khách hàng có thể chủ động đầu tư thêm bất cứ khi nào có nhu cầu để gia tăng tài khoản đóng thêm lên đến 10 lần phí bảo hiểm cơ bản. Khách hàng có cơ hội được đầu tư thông qua 3 Quỹ liên kết đơn vị (Quỹ Cổ phiểu hàng đầu, Quỹ Tăng trưởng, Quỹ Bền vững) với chính sách đầu tư từ thận trọng tới mạo hiểm, cho phép khách hàng linh hoạt thay đổi tỷ lệ đầu tư hay linh động chuyển đổi quỹ nhằm đạt được lợi nhuận kỳ vọng cùng khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân.

Ngoài ra, với “LIFE FUN:D – SỐNG THỎA CHẤT” khách hàng còn nhận được các quyền lợi cộng thêm hấp dẫn để gia tăng tài sản bền vững như: Thưởng duy trì hợp đồng lên đến 50% Phí bảo hiểm cơ bản, Thưởng đặc biệt lên đến 650% Phí bảo hiểm cơ bản; hay khi đáo hạn hợp đồng, khách hàng sẽ nhận được toàn bộ Giá trị tài khoản hợp đồng đã tạo dựng cùng Hanwha Life Việt Nam.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp với địa bàn rộng hơn

(ĐTCK) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết, căn cứ trên những cơ sở pháp lý và thực tiễn, góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể:

Thứ nhất, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là nhằm triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Thứ hai, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/1/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có thời gian thực hiện từ ngày 26/6/2019 đến ngày 31/12/2021. Do đó, cần thiết phải ban hành kịp thời Quyết định về thực hiện chính sách cho giai đoạn tiếp theo (kể từ ngày 1/1/2022) để đảm bảo việc thực hiện chính sách được liên tục, ổn định, không bị ngắt quãng và không có khoảng trống về pháp lý gây khó khăn cho việc tham gia bảo hiểm của người nông dân (do đặc điểm sản xuất nông nghiệp theo mùa, vụ có thể kéo dài từ đầu năm này sang năm khác) và các cấp chính quyền, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong tổ chức thực hiện.

Thứ ba, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp tạo điều kiện phát triển bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ tại dự thảo Quyết định như sau: Cây trồng là cây lúa; vật nuôi gồm trâu, bò, lợn; nuôi trồng thủy sản gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Việc lựa chọn đối tượng bảo hiểm trên căn cứ theo đề xuất của Bộ NN&PTNT, là các đối tượng có quy mô, diện tích mang tính đại diện cho các vùng miền, tạo thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Về mức hỗ trợ, để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, kế thừa quy định tại Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đề xuất quy định tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tối đa theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác: 20% phí bảo hiểm nông nghiệp; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể: 20%.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN&PTNT và cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện hỗ trợ cho các địa bàn, cụ thể:

Cây lúa, tại 7 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

Đối với trâu, bò: Tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với lợn: Tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tại 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo Bộ Tài chính, cơ sở đề xuất là phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định về địa bàn được hỗ trợ: “Địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp”.

So với địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT, dự thảo mở rộng hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò) tại địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và vật nuôi (lợn) tại địa bàn các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai. Theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, đây là các tỉnh, thành phố có đàn bò lớn (trên 300.000 con), số lượng chăn nuôi đàn lợn lớn (trên 1 triệu con)…

Bộ Tài chính ước tính kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay là khoảng 74,9 tỷ đồng/năm (trong đó kinh phí hỗ trợ bảo hiểm cây lúa khoảng 18,4 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ bảo hiểm trâu, bò, lợn khoảng 47,5 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng khoảng 9 tỷ đồng/năm). Trường hợp các địa phương triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng, Bộ Tài chính sẽ căn cứ tình hình triển khai hàng năm để ước số phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ phù hợp với thực tiễn.

  1. Tin quốc tế

Nhật Bản: Ba công ty BHNT lớn tham gia Liên minh chủ sở hữu tài sản không phát thải ròng

(AIR) – Ba công ty bảo hiểm Nhật Bản vừa tham gia Liên minh chủ sở hữu tài sản không phát thải ròng do Liên hợp quốc triệu tập (Net-Zero Asset Owner Alliance), bổ sung thêm tổng cộng 1,4 tỷ đô la vào tổng tài sản được quản lý (AUM) và nâng tổng số thành viên lên 53.

Bảo hiểm nhân thọ Nippon Life, Sumitomo Life và Meiji Yasuda của Nhật Bản đã công bố tư cách thành viên của họ, cam kết có danh mục phát thải bằng không vào năm 2050 và thiết lập các mục tiêu tạm thời 5 năm một lần phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 ° C. Điều này thể hiện sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng chủ sở hữu tài sản trong liên minh.

Trước đó, Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life đã gia nhập Liên minh này vào tháng 3 năm nay.

Ông Akiko Osawa, Giám đốc đầu tư của Nippon Life Insurance, cho biết: “Nippon Life đã đặt trọng tâm vào sự gắn bó với các công ty được đầu tư trong suốt nhiều thập kỷ và xây dựng niềm tin vào mối quan hệ này. Các con đường dẫn đến trung tính carbon khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia, khu vực, ngành công nghiệp và công ty. Thông qua sự gắn bó lâu dài dựa trên sự tin tưởng vào mối quan hệ với những công ty được đầu tư trong các tình huống khác nhau, chúng tôi thúc đẩy nỗ lực của họ đối với quá trình khử cacbon và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Ông Iwao Matsumoto, CIO tại Sumitomo Life Insurance, cho biết: “Với tư cách là chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm, chúng tôi cam kết không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và thường xuyên báo cáo về tiến độ. Những nỗ lực của chúng tôi để đóng góp vào việc hiện thực hóa một xã hội bền vững sẽ được tăng cường khi tham gia Liên minh”.

Ông Masao Aratani, thành viên HĐQT, Phó chủ tịch Meiji Yasuda Life Insurance, cho biết: “Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng có thể nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề ESG với một mạng lưới toàn cầu và thu thập thông tin bằng cách tham gia Liên minh Chủ sở hữu Tài sản Net-Zero. Sáng kiến này cho phép chúng tôi đóng góp vào việc thúc đẩy công bố thông tin trên toàn cầu và giảm khí nhà kính. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng cam kết này sẽ góp phần thúc đẩy khuôn khổ đầu tư có trách nhiệm và sự tương ứng nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2 ròng trong danh mục đầu tư vào năm 2050”.

Liên minh đã phát triển chỉ trong hai năm từ bảy thành viên sáng lập quản lý 2,54 tỷ đô la lên tới hơn 50 chủ sở hữu tài sản, quản lý tổng cộng gần 9 tỷ đô la tài sản. Đây là thông tin công bố của Sáng kiến Tài chính Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI). UNEP FI là sự hợp tác giữa UNEP và ngành tài chính toàn cầu nhằm huy động nguồn tài chính của khu vực tư nhân cho phát triển bền vững.

Hồng Kông: Bảo hiểm Avo gọi vốn được 260 triệu đô la Hồng Kông

(INA) – Công ty TNHH Bảo hiểm Avo đã huy động được 260 triệu đô la Hồng Kông (33,43 triệu USD) vốn đầu tư mới trong vòng gọi vốn gần nhất của mình.

Công ty bảo hiểm có kế hoạch sử dụng các khoản tiền này để đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm của Avo và nâng cao năng lực kỹ thuật với tư cách là một công ty đóng vai trò quan trọng trong thị trường bảo hiểm Hồng Kông.

Ông Winnie Wong, thành viên HĐQT điều hành kiêm Tổng Giám đốc Avo, nói: “Chúng tôi rất biết ơn vì đợt huy động vốn này. Đây không chỉ là dấu hiệu của sự tin tưởng mà còn là động lực thúc đẩy nỗ lực của chúng tôi trong việc phát triển và đổi mới sản phẩm. Avo có thể hoàn thiện hơn nữa trải nghiệm bảo hiểm, giúp mở rộng phạm vi bảo hiểm của Công ty đối với cuộc sống hàng ngày của khách hàng”.

Avo là công ty đầu tiên nhận được giấy phép bảo hiểm phi nhân thọ online ở Hồng Kông, kết hợp công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm hàng thập kỷ từ công ty mẹ Asia Insurance.

Ấn Độ: Thiếu ‘ý chí chính trị’ sẽ không trì hoãn IPO Tập đoàn BHNT LIC

(INA) – Việc thiếu “ý chí chính trị” sẽ không phải là lý do cho bất kỳ sự chậm trễ nào trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Life Insurance Corp – doanh nghiệp nhà nước của Ấn Độ – vì chính phủ cho biết họ quyết tâm hoàn thành thương vụ vào tháng Ba.

Trong một báo cáo của Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho biết họ đang nỗ lực để hoàn thành đợt phát hành này và vấn đề không nằm ở chính phủ vì lý do là phải thực hiện đúng quy trình.

Sitharaman nói rằng việc định giá gần như cần thiết hàng năm đối với một công ty có quy mô như LIC đã không được thực hiện. Bà cũng nói rằng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian vì trước đó công ty bảo hiểm 65 tuổi này không được đánh giá cao.

Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch huy động 133 tỷ đô la trong đợt IPO lần này, đánh dấu đợt IPO lớn nhất của Ấn Độ từ trước đến nay.

Phí bảo hiểm Thái Lan tăng trưởng chậm trong năm 2021

(INA) – Theo Fitch Ratings, phí bảo hiểm Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm 2021. Nguyên nhân được cho là do áp lực của nền kinh tế và nợ hộ gia đình cao hơn, cùng với tác động lên các kênh phân phối từ các biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm cả việc phong tỏa trong quý III.

Fitch nói rằng các công ty bảo hiểm đã được bảo vệ trước nguy cơ tổn thất cao hơn và giảm quy mô rủi ro bằng cách vốn hóa hợp lý, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu theo luật định. Ngoài ra, Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm cũng cung cấp hỗ trợ thanh khoản bổ sung thông qua các khoản miễn trừ liên quan đến vốn cho các công ty bảo hiểm có hồ sơ tín nhiệm yếu hơn và khối lượng yêu cầu bồi thường Covid-19 cao.

Công ty xếp hạng cũng cho biết tăng trưởng phí bảo hiểm trong trung hạn tiếp tục được thúc đẩy bởi tỷ lệ thâm nhập thấp, dân số già, chi phí y tế cao hơn và lợi ích từ giảm thuế.

Fitch bình luận: “Chúng tôi kỳ vọng rủi ro đối với số lượng yêu cầu bồi thường Covid-19 cao hơn có thể kiểm soát được, vì các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến đại dịch tương đối nhỏ so với tổng giá trị thị trường, thêm vào đó là động lực tích cực từ việc tăng tỷ lệ tiêm chủng. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng phí bảo hiểm qua các kênh trực tuyến sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, sau khi các công ty bảo hiểm triển khai đầy đủ nền tảng kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh của họ, vốn được đẩy nhanh bởi đại dịch và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng”.

Hồng Kông: QBE tăng cường bảo hiểm gia đình với công nghệ an ninh nhà thông minh Kangaroo

(INA) – QBE Hồng Kông sẽ đẩy mạnh các gói bảo hiểm nhà ở của mình với công nghệ an ninh nhà thông minh giúp chủ nhà phát hiện và ngăn chặn thiệt hại do nước và độ ẩm.

Để thực hiện điều đó, QBE Hồng Kông sẽ hợp tác với Kangaroo, công ty khởi nghiệp an ninh nhà thông minh có trụ sở tại Hồng Kông.

Thiệt hại về nước là loại thiệt hại phổ biến thứ hai, không kể thiên tai, đối với chủ nhà. Trung bình, một yêu cầu bồi thường thiệt hại về nước có thể lên đến 5.000 đô la. Chủ nhà cũng có thể phải sơ tán hoặc gặp bất tiện trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần nếu việc sửa chữa trên diện rộng. Khách hàng của QBE sẽ nhận được Cảm biến nước + khí hậu đơn giản và an toàn của Kangaroo, có giá 250 đô la Hồng Kông, được cung cấp miễn phí khi họ mua bảo hiểm nhà trực tuyến từ QBE Hồng Kông.

Mục tiêu của việc nâng cấp lên các sản phẩm bảo hiểm gia đình của QBE là giúp khách hàng giảm thiểu những tai nạn có thể tránh được, tiết kiệm tiền bạc, thời gian và sự bất tiện cho mọi người.

Ông Dhruv Garg, người đồng sáng lập Kangaroo, chia sẻ: “Tôi luôn bị cuốn hút bởi cách mọi người đón nhận và điều chỉnh công nghệ theo nhu cầu của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh gia đình. Với Cảm biến Nước + Khí hậu, chúng tôi biết mọi người đánh giá cao cách thiết bị có thể nhanh chóng thông báo cho họ trên điện thoại nếu họ bị rò rỉ từ đường ống vỡ. Từ việc kiểm tra độ ẩm nơi cất giữ túi xách hoặc chai rượu đến việc biết nhiệt độ trong phòng của trẻ mà không đánh thức chúng. Đặc biệt là ở Hồng Kông, nơi có rất nhiều những biến động theo mùa”.

Gói bảo vệ home plus của QBE Hong Kong cung cấp bảo hiểm toàn diện cho đồ đạc trong nhà, vật nuôi và chỗ ở tạm thời trong các trường hợp không lường trước được. Sử dụng nền tảng xác nhận quyền sở hữu kỹ thuật số một cửa của QBE, khách hàng được tự động kết nối tương ứng với mạng lưới giám định viên và nhà thầu xây dựng dựa trên bản chất thiệt hại xảy ra đối với ngôi nhà của mình.

Philippines: Cơ quan quản lý mở cửa thị trường bảo hiểm nông nghiệp

(AIR) – Theo thông tư mới đây của Ủy ban Bảo hiểm Philippines (IC), các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được phép cung cấp bảo hiểm nông nghiệp.

Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng có thể hợp tác về bảo hiểm nông nghiệp với các công ty bảo hiểm khu vực công và tư nhân trong nước và quốc tế, các nhà tái bảo hiểm, nhà cung cấp công nghệ và các cơ quan đa phương.

Hiện nay, bảo hiểm nông nghiệp trong nước hầu hết do PCIC cung cấp thông qua chương trình bảo hiểm cây trồng nhiều rủi ro. Chương trình này bảo vệ cho những tổn thất do thời tiết, thiên tai, sâu bệnh, đối với nhiều loại hàng hóa nông nghiệp khác nhau (ví dụ: lúa, ngô, các cây trồng có giá trị thương mại cao, vật nuôi và thủy sản).

Thông tư lưu ý rằng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trong nông dân khá thấp, chỉ ở mức 8-14% đối với lúa và chỉ 2-6% đối với ngô trong các năm từ 2013 đến 2017.

Giải thích về quyết định mở bảo hiểm nông nghiệp, IC nói rằng sự phát triển và sẵn có của các nền tảng công nghệ mới cho phép các công ty bảo hiểm tư nhân xác định chính xác hơn các rủi ro liên quan đến nông nghiệp và nâng cao hiệu quả chi phí trong việc cung cấp bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân ở các vùng sâu vùng xa. Đồng thời, PCIC sẵn sàng chia sẻ dữ liệu và thông tin liên quan, cũng như cung cấp và chia sẻ năng lực với các công ty bảo hiểm tư nhân muốn cung cấp bảo hiểm nông nghiệp,

Cũng theo IC, các công ty bảo hiểm tư nhân công nhận và coi lĩnh vực nông nghiệp là một thị trường mới và tiềm năng. Việc tăng vốn hóa cho phép họ trang trải các rủi ro thảm họa thường xuất hiện trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động liên quan.

Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể đăng ký tham gia Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) để thí điểm cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp. Cơ chế quản lý thử nghiệm sẽ hoạt động trong 5 năm để đánh giá việc khu vực tư nhân tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của ngành và các bên liên quan. Cơ chế quản lý thử nghiệm có thể gia hạn theo quyết định của IC.

Theo Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, trợ cấp của chính phủ mà PCIC nhận được lên tới 28,6 tỷ PHP (564 triệu USD) trong hai thập kỷ qua. Với tư cách là Chủ tịch hội đồng quản trị PCIC mới, Dominguez muốn PCIC hợp tác với khu vực tư nhân trong việc bảo hiểm cây trồng của nông dân, vì ông dự định giảm sự phụ thuộc của cơ quan vào trợ cấp của nhà nước.

Thông tư định nghĩa “bảo hiểm nông nghiệp” bao gồm bảo hiểm sản phẩm hoặc tài sản được sử dụng trong canh tác cây trồng (ví dụ như ngũ cốc, ngũ cốc và các loại cây trồng khác cũng như trái cây và rau quả), vật nuôi (ví dụ như sữa, gia súc, lợn và thịt bò), chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò sữa và thủy sản bao gồm tất cả các hoạt động của chuỗi giá trị như sản xuất, vận chuyển, chế biến lưu trữ, đóng gói, bảo quản và tiếp thị. Định nghĩa này loại trừ bất kỳ sản phẩm bảo hiểm nào đã được phân loại theo các danh mục bảo hiểm hiện có, ví dụ: hỏa hoạn, hàng hải, kỹ thuật…

‘Gánh nặng’ tổn thất lớn từ thiên tai không ảnh hưởng đến thu nhập của Munich Re

(INN) – Munich Re cho biết những tổn thất do thiên tai đã gây ra “gánh nặng” cho kết quả kinh doanh quý III nhưng Công ty vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh trên đà đạt được mục tiêu lợi nhuận 2,8 tỷ euro (4,3 tỷ USD) trong năm.

Các số liệu sơ bộ của Munich Re cho thấy công ty tái bảo hiểm đã có thu nhập khoảng 400 triệu euro (618 triệu đô la) trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9. Kết quả kinh doanh chính thức quý III sẽ được công bố vào tháng tới.

Với kết quả sơ bộ quý III như trên, Munich Re đã đạt được lợi nhuận 2,1 tỷ € (3,2 tỷ USD) trong 9 tháng tính đến hết tháng 9.

Cơn bão Bern dẫn đến lũ lụt và lũ quét ở Đức và các nước lân cận đã gây ra tổn thất bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) khoảng 600 triệu euro (928 triệu đô la), trong khi cơn bão Ida ở Mỹ gây thiệt hại 1,2 tỷ euro (1,9 tỷ đô la).

Nhà tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại không bị tổn thất COVID-19 “đáng chú ý” nào trong quý III, Munich Re cho biết.

Lợi nhuận của Munich Re năm ngoái đã giảm 55,3% xuống còn 1,2 tỷ euro do hậu quả của đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ phí bảo hiểm châu Âu sẽ tăng

(INN) – Munich Re dự kiến tỷ lệ phí tái bảo hiểm ở châu Âu sẽ có xu hướng cao hơn vào mùa tái tục tháng Giêng sắp tới, với lý do một số yếu tố như thiệt hại lớn do lũ lụt nghiêm trọng trên lục địa và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Thành viên Hội đồng quản trị Doris Hopke cho biết: “Giá phí tăng đối với các tài sản khác nhau và các khoản tổn thất lớn mới nhất khiến tỷ lệ tái bảo hiểm ở châu Âu cao hơn đáng kể.

“Ngoài ra, lạm phát cao hơn đi kèm với việc lãi suất đầu tư tiếp tục ở mức thấp.

“Theo đó, tôi thấy một số chỉ số cho thấy thị trường định giá cứng sẽ tiếp tục diễn ra ở các kỳ tái tục sắp đến”.

Nhà khổng lồ tái bảo hiểm cho biết những thiệt hại nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong năm nay là do lũ lụt xảy ra ở Trung Âu vào giữa tháng Bảy. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 46 tỷ € (71,9 tỷ USD), trong đó hơn 9 tỷ € (14,1 tỷ USD) đã được bảo hiểm.

Nước Đức đã trải qua thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất khi thảm họa lũ lụt hồi tháng 7 dẫn đến tổng thiệt hại lên tới 33 tỷ Euro (51,5 tỷ USD) và thiệt hại được bảo hiểm ít nhất 7 tỷ Euro (10,9 tỷ USD).

Đồng thời, nền kinh tế khu vực đồng euro đã chứng kiến lạm phát tăng vọt, với mức giá cao hơn 3% trong tháng Chín.

“Lạm phát cao hơn cũng dẫn đến chi phí yêu cầu bồi thường cao hơn,” Munich Re nhận định. “Về dài hạn, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ bình thường trở lại, nhưng vẫn ở trên mức trước khi xảy ra dịch COVID”.

“Ngược lại, mặt bằng lãi suất hầu như không thay đổi. Tổng hợp lại, hai yếu tố này đang tạo ra một áp lực tăng giá khi nói đến giá phí bảo hiểm”.

Bà Hopke, người đã phát biểu vào tuần trước tại cuộc họp online Baden-Baden Reinsurance, nói rằng biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến các thảm họa thời tiết.

Trong các slide trình bày mà bà cung cấp tại cuộc họp, Munich Re cho rằng hành động của chính phủ là cần thiết để hạn chế tổn thất ở vùng đồng bằng ngập lụt và bảo hiểm bắt buộc hoặc bao gồm rủi ro lũ lụt trong các hợp đồng tiêu chuẩn dành cho chủ nhà có thể là một biện pháp để giảm khoảng cách bảo vệ.

Theo Munich Re, khoảng cách bảo vệ ở châu Âu vẫn còn rất lớn, với chỉ 35% thiệt hại do thời tiết được bảo hiểm kể từ năm 1980.

BTV (Tổng hợp).