TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 39

Công ty InsurTech Ấn Độ được niêm yết trên Nasdaq; Tập đoàn AIA bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập; Bảo Minh bổ nhiệm nhân sự Ban Điều hành

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 39

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả hơn 1 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Nam Định

(TBTCO) – Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Định (Chi nhánh BIDV Nam Định) vừa tổ chức gặp gỡ và trao hơn 1 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn (BIC Bình An) cho thân nhân khách hàng không may gặp rủi ro tại Nam Định.

Khách hàng được chi trả bảo hiểm là ông T.D.T.C (sinh năm 1972). Ông C. vay sản xuất kinh doanh tại chi nhánh BIDV Nam Định với tổng số tiền 1 tỷ đồng, đồng thời tham gia sản phẩm bảo hiểm BIC Bình An cho toàn bộ khoản vay.

Ngày 16/06/2023, ông C. không may gặp tai nạn khi đang lao động trên công trường dẫn tới tử vong. Ngay khi nhận được tin báo từ thân nhân khách hàng, BIC và chi nhánh BIDV Nam Định đã gửi lời thăm hỏi, động viên và hướng dẫn gia đình hoàn thiện các thủ tục để được chi trả bảo hiểm theo quy định. Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông C. là 1,058 tỷ đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian làm thủ tục chi trả bảo hiểm và tiền trợ cấp mai táng.

Sau 18 năm có mặt trên thị trường, BIC đã và đang nỗ lực cung cấp tới khách hàng rất nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, thiết thực mà nổi bật trong số đó là bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An. Kể từ khi triển khai, BIC Bình An đã góp phần chia sẻ rủi ro với hơn 2.500 gia đình trên toàn quốc. Số tiền chi trả lớn nhất đến nay là hơn 4 tỷ đồng.

Với những quyền lợi thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, BIC Bình An ngày càng khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy với mỗi khách hàng vay vốn trước các rủi ro không thể lường trước trong cuộc sống, đồng thời cung cấp cho ngân hàng công cụ bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp khách hàng không may xảy ra rủi ro, mất khả năng trả nợ.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Minh bổ nhiệm nhân sự Ban Điều hành

(BMI) – Ngày 22/09/2023, Bảo Minh đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc cho ông Nguyễn Thành Nam & Quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Phó Tổng Giám đốc cho ông Phạm Minh Tuân. Đây là một sự kiện đặc biệt trong năm, diễn ra cùng thời điểm với sự kiện Bảo Minh chính thức giành lại vị trí thứ 3 trên thị trường bảo hiểm Phi Nhân Thọ Việt Nam.

Tham dự buổi Lễ công bố, có ông Đinh Việt Tùng – Chủ tịch HĐQT, ông Vũ Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc TCT CP Bảo Minh; các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành, Ban chấp hành Đảng bộ; đại diện lãnh đạo các đoàn thể, Văn phòng, các phòng Ban trực thuộc Tổng công ty (TCT).

Mở đầu buổi lễ, Phó Giám đốc phụ trách Ban Nhân sự đã công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ của Bảo Minh. Căn cứ yêu cầu công việc và công tác cán bộ, được sự chấp thuận của Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Ban Tái Bảo hiểm giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty, và bổ nhiệm lại chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Phạm Minh Tuân

Ông Nguyễn Thành Nam và ông Phạm Minh Tuân là những cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, đều từng đảm nhận những vị trí quan trọng tại Bảo Minh và đại diện cho thế hệ nhân sự gắn bó lâu năm với ngành bảo hiểm. Tại buổi lễ Công bố, ông Đinh Việt Tùng – Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Với bộ máy Ban Điều Hành đã được kiện toàn, ông nhắn nhủ toàn thể thành viên Ban Điều Hành và hệ thống Bảo Minh luôn đồng lòng, đoàn kết để cùng nhau vượt qua các khó khăn trở ngại trong thời gian tới, đồng thời ông cũng tuyên dương Bảo Minh nhân dịp chính thức vươn lên vị trí top 3 thị trường bảo hiểm Phi nhân thọ Việt Nam”. Tổng giám đốc Vũ Anh Tuấn cũng thay mặt Ban Điều Hành, toàn thể Cán bộ nhân viên Bảo Minh cảm ơn ông Đinh Việt Tùng và tin tưởng Bảo Minh với sự Quyết tâm cao độ, sẽ tiếp tục phat triển vững mạnh trong thời gian mới, giữ vững vị trị thứ 3 trên thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ và cùng vươn tới những cột mốc cao hơn trong tương lai.

VINARE kỷ niệm 29 năm thành lập

(VNR) – Sáng 27/9, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 29 năm thành lập (27/9/1994 – 27/9/2023). Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT VINARE, ông Mai Xuân Dũng – TGĐ VINARE, Ban Lãnh đạo, toàn thể CBNV VINARE và đặc biệt là sự tham dự của các cán bộ nguyên Lãnh đạo VINARE đã về hưu.

Khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT VINARE đã có những chia sẻ về thành tích đạt được trong hoạt động kinh doanh của VINARE thời gian qua. Không chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, mà trong vòng 3 năm trở lại đây (2020-2023), kết quả kinh doanh của VINARE liên tục được cải thiện, tăng trưởng và vượt mức kế hoạch đề ra. Thành công này có được là nhờ sự gắn bó đoàn kết của cổ đông; sự phối hợp, chỉ đạo xuyên suốt giữa Hội đồng quản trị với Ban Điều hành cũng như sự nỗ lực của cả tập thể VINARE giúp con thuyền VINARE không ngừng phát triển bền vững.

Là một doanh nghiệp tái bảo hiểm hàng đầu trên thị trường, VINARE luôn tuân thủ quản trị theo đúng các quy định của pháp luật. Nhiều quy chế nội bộ quan trọng đã được sửa đổi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc như quy chế đầu tư, tài chính sửa đổi, quy chế quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, của Tổng giám đốc, quy trình phát sinh chứng từ nghiệp vụ, quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số cũng như Bộ Quy tắc ứng xử và Đạo đức nghề nghiệp…

Cũng trong năm qua, VINARE đã chú trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo, thành lập bộ phận Kiểm toán nội bộ, bổ nhiệm Chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán được chấp thuận của Bộ Tài chính. Cơ chế, chính sách đối với người lao động luôn được chú trọng đẩy mạnh, để người lao động có thể yên tâm công tác.

“Nhìn lại quá trình trong 3 năm vừa qua, VINARE đã đi đúng hướng. Chúng ta luôn đẩy mạnh phát triển, khai thác được nhiều dịch vụ để trao đổi với thị trường trong nước và quốc tế, trong bối cảnh rating được xếp hạng ở mức cao, không thay đổi, thể hiện sự cố gắng nỗ lực của cán bộ nhân viên, sự ủng hộ chặt chẽ của các đối tác, bạn hàng trên nguyên tắc đồng lợi và bền vững. Và VINARE sẽ tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng mạnh hơn, luôn nhìn về phía trước để tăng trưởng hiệu quả, phát triển bền vững, vươn tầm và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Trên hết, quan điểm phát triển bền vững là luôn phải cần sự đoàn kết, nhìn nhau cùng cố gắng và hỗ trợ lẫn nhau”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị VINARE chia sẻ.

Trải qua 29 năm hình thành và phát triển, vị thế, hình ảnh của VINARE ngày càng được khẳng định vững vàng. Trong con mắt bạn bè quốc tế cũng như những đối tác trong nước, VINARE là doanh nghiệp hoạt động bài bản, chuyên nghiệp và có tiếng nói nhất định trong thị trường bảo hiểm. Với vai trò là một trong những nhà tái bảo hiểm hàng đầu tại khu vực, VINARE sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp giá trị gia tăng cho thị trường như quản lý rủi ro, đào tạo, sản phẩm, chương trình Tái bảo hiểm cũng như các giải pháp phát triển bền vững.

“VINARE sẽ luôn duy trì đoàn kết nội bộ, thực hiện theo đúng những định hướng mà các thế hệ tiền bối đi trước để lại, để VINARE ngày một phát triển hơn nữa hướng tới tuổi 30 ngày càng thành công”, ông Mai Xuân Dũng – Tổng giám đốc VINARE nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, ông Lê Song Lai, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VINARE, Nguyên Phó Tổng giám đốc SCIC đã gửi lời chúc mừng tới VINARE nhân dịp kỷ niệm 29 năm thành lập.

“Tôi rất vui mừng vì mặc dù không còn làm tại SCIC nhưng vẫn có cơ hội về thăm lại VINARE và thấy rằng trong 3 năm qua công ty đã không ngừng phát triển và gặt hái được nhiều thành công. Tôi hy vọng rằng Ban lãnh đạo VINARE sẽ đưa ra nhiều chiến lược, để dẫn dắt VINARE ngày càng khẳng định được vị thế, hình ảnh của mình không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế”, ông Lê Song Lai cho biết.

Bên cạnh đó, ông Trịnh Quang Tuyến – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VINARE đã có những chia sẻ về thành tích mà VINARE đã đạt được trong những năm vừa qua.

“Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, mừng lắm. Điều mừng đầu tiên chính là sự đoàn kết nội bộ của công ty, giữa Ban lãnh đạo với nhân viên. Phải có sự đoàn kết này thì mới hoàn thành được nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn của thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của công ty trong những năm qua liên tục phát triển. Tổng công ty đã đẩy mạnh hợp tác trong nước nhưng đồng thời tăng cường mở rộng dịch vụ nước ngoài. Các cán bộ VINARE hãy cùng chung tay dưới sự lãnh đạo của Ban điều hành, để duy trì được kết quả và hiệu quả kinh doanh tốt, đồng thời đoàn kết để đưa VINARE ngày càng phát triển hơn nữa”, ông Trịnh Quang Tuyến chia sẻ.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

“Lỗi hệ thống” trong bán bảo hiểm qua ngân hàng

(ĐTCK) – Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, dư luận và cử tri băn khoăn việc có hay không sự “bắt tay” giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm…

Có hay không việc bắt tay tư vấn sai?

Đây là một trong những nội dung được bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra tại phiên họp của cơ quan này tại Hà Nội mới đây. Một vấn đề nổi cộm khác được đề cập tới là hành vi tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên công ty bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng, hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm…, hậu quả là có hàng ngàn đơn tố cáo, khiếu nại của người dân liên quan tới vấn đề này, ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống ngân hàng – bảo hiểm.

“Tính đến ngày 31/5/2023, Bộ Công an đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm và tố cáo SCB đã móc nối với Manulife Việt Nam có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng”, báo cáo của nhóm nghiên cứu trên nêu rõ.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc khách hàng bị tư vấn sai đã rõ ràng và được đề cập tại các kết luận thanh tra, còn việc có hay không sự bắt tay, móc nối cần được điều tra làm rõ.

Luật sư Lưu Vũ Anh, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt cho rằng, hành vi móc nối ở đây đang được nghi ngờ là có, dù chưa có kết luận cụ thể, đặc biệt là những tố cáo về những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.

“Dù chưa có căn cứ chứng minh chính thức, nhưng qua thu thập cho thấy, có một số tin nhắn nội bộ của nhân viên ngân hàng thể hiện là được đào tạo như thế”, luật sư Vũ Anh nói.

Cùng góc nhìn, ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, sự bắt tay giữa đôi bên có thể được thể hiện ở việc có sai phạm mà không “tuýt còi”, không có chế độ kiểm tra chéo, trong khi những sai phạm nhỏ lẻ này đã xuất hiện rải rác từ 4-5 trước. Một số đại lý bảo hiểm cá nhân của công ty bảo hiểm nhân thọ đã thừa nhận điều này.

Các chuyên gia cho rằng, cần quyết tâm điều tra làm rõ hành vi móc ngoặc trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, cho dù không đơn giản. Nếu kết luận thanh tra chỉ tập trung thừa nhận lỗi của nhân viên tư vấn, bỏ qua việc “soi” lỗi của lãnh đạo, quản lý công ty bảo hiểm, ngân hàng là chưa bao quát hết vấn đề. Lãnh đạo công ty bảo hiểm, ngân hàng luôn khẳng định doanh nghiệp làm đúng, nhưng trên thực tế, nhân viên trong quá trình tư vấn bán bảo hiểm qua ngân hàng ở nhiều chi nhánh lại mắc lỗi sai giống nhau. Do đó, cần điều tra xác minh có hay không “lỗi hệ thống” liên quan tới hành vi này, chứ không thể chỉ đổ lỗi cho nhân viên.

Hoạt động thanh tra cần thực hiện đồng bộ

Trước đó, cuối tháng 6/2023, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng và các nội dung liên quan tại 4 công ty bảo hiểm gồm BIDV Metlife, MB Ageas, Prudential Việt Nam, Sun Life Việt Nam. Kết luận cũng nêu rõ thời kỳ thanh tra là năm 2021 và các thời kỳ có liên quan.

Theo kết luận thanh tra, năm 2021, Prudential Việt Nam nhận được 1.799 khiếu nại của khách hàng liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Qua đó, phát hiện vi phạm của 10 đại lý bảo hiểm và 25 nhân viên ngân hàng trong hoạt động đại lý.

Sun Life Việt Nam nhận được 1.069 khiếu nại của khách hàng trong năm 2021 liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm phân phối qua ngân hàng. Trong thời gian này, Sun Life Việt Nam bán bảo hiểm qua 2 ngân hàng là ACB và TPBank.

Với MB Ageas, năm 2021 tiếp nhận 595 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm phát hành qua kênh ngân hàng thông qua 2 nguồn chính là từ đường dây nóng 57,48%) và các phòng ban trong Công ty (29,4%). Lúc này, MB Ageas triển khai bán bảo hiểm với 2 tổ chức tín dụng là MBBank và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit).

Tại BIDV Metlife, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện 21 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng nguyên tắc bán bảo hiểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, trên đây chỉ là kết luận thanh tra tại 4 công ty bảo hiểm, nếu tiến hành thanh tra trên diện rộng thì kết quả có thể lặp lại các lỗi tương tự. Theo kết luận thanh tra, các sai phạm có đặc điểm chung là không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ; không bảo đảm chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, khiến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm được phê duyệt bởi Bộ Tài chính…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý các ngân hàng cũng cần vào cuộc thanh tra. Bởi nếu chỉ có cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm là Bộ Tài chính thanh tra các công ty bảo hiểm sẽ không thể phát hiện đầy đủ các sai phạm, vì nhân viên ngân hàng thường là người tiếp cận khách hàng đầu tiên và việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm (nếu có) xuất phát là từ phía ngân hàng. Chưa kể, ngân hàng thường gắn chỉ tiêu bán bảo hiểm vào hoạt động tín dụng và “bỏ túi” phí hoa hồng thu từ công ty bảo hiểm nên hoạt động thanh tra cần được thực hiện đồng bộ.

Ở góc nhìn khác, theo luật sư Ngô Thị Thu Hà, Đoàn luật sư TP.HCM, cuộc thanh tra được thực hiện cho năm 2021, nhưng đến cuối tháng 6/2023 (tức hơn 1,5 năm sau) mới được công bố – đúng thời điểm nhạy cảm khi những lùm xùm liên quan tới kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng lên đến đỉnh điểm, khiến nhiều người lầm tưởng đây là 4 công ty bảo hiểm liên quan đến các đơn thư khiếu nại, tố cáo thời điểm hiện tại. Để tránh hiểu nhầm, đầu tháng 7/2023, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có thông báo nêu rõ hoạt động thanh tra của Bộ Tài chính tại 4 doanh nghiệp nhân thọ không liên quan đến tình hình khiếu nại của khách hàng diễn ra phức tạp từ đầu năm 2023 đến nay.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hồng Sơn cho rằng, kết luận thanh tra nêu rõ “thời kỳ thanh tra là năm 2021 và các thời kỳ có liên quan”, nghĩa là có thể thanh tra cho năm 2022 và năm 2023 mới thanh tra xong năm hoạt động 2021, như vậy cũng là muộn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu công bố sớm và công khai rộng rãi các vi phạm kèm theo đó là các biện pháp khắc phục, tăng cường quản lý mà Bộ Tài chính yêu cầu công ty bảo hiểm thực hiện (chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý, giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm, rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi, có đầy đủ chứng từ…) thì có lẽ mọi việc không đi quá xa như hôm nay. Và từ đây, một câu hỏi được đặt ra là những quyết định xử phạt trước đây đang ở đâu và được công khai đến đâu?

Theo Bộ Tài chính, những vi phạm này sẽ được xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh, tạo sự răn đe. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai trên các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch. Cơ quan này cũng cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng tại 10 doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Thêm lưu ý về bảo hiểm xe theo quy định mới

(ĐTCK) – Nghị định 67/2023/NĐ-CP mới ban hành có những điểm mới liên quan tới bảo hiểm xe cần lưu ý.

Nhà bảo hiểm phải tự thu thập hồ sơ công an

Một trong những điểm mới được xem là tạo điều kiện hơn cho người được bảo hiểm, đó là doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu liên quan đến hồ sơ công an, chứ không phải thuộc trách nhiệm của người được bảo hiểm như trước đây.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải tự thu thập bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba (thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn); biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

Theo Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, trước đây, pháp luật quy định cơ quan công an chỉ cung cấp hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp có người tử vong, các trường hợp khác không cung cấp hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngay cả với bảo hiểm vật chất xe, các quy tắc bảo hiểm cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải tự giám định xác định nguyên nhân tổn thất, mà không yêu cầu hồ sơ công an. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều phớt lờ quy định này, đòi khách hàng cung cấp hồ sơ công an…, làm mất thời gian và tốn kém chi phí cho khách hàng.

Cũng theo Nghị định 67/2023, hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định theo hướng đơn giản hóa, nhanh gọn hơn. Cụ thể, khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Tuy nhiên, liên quan tới nguyên tắc bồi thường (tại Điều 12), ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, nghị định mới vẫn giữ nguyên quy định: Khi tai nạn xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản (giữ nguyên hiện trường – PV) khi chưa có ý kiến chấp thuận của công ty bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Có thể giảm phí mà không lo bị “tuýt còi”

Một điểm mới nữa tại Nghị định 67/2023 được ông Phạm Văn Dũng, người đồng sáng lập Bảo hiểm trực tuyến – IBAOHIEM chỉ ra, đó là cho phép tăng hoặc giảm 15% phí bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới.

Cụ thể, Điều 8 – Nghị định 67/2023 quy định, căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo nghị định này.

Theo ông Dũng, dù chưa nói rõ trong trường hợp nào thì được tăng hoặc giảm, nhưng đó cũng là cơ hội để các công ty bảo hiểm linh hoạt hơn trong việc áp phí bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, thay vì không được giảm giá dưới mọi hình thức như trước đây.

“Với quy định mới, khả năng trong năm tới, nhiều công ty bảo hiểm sẽ giảm phí bảo hiểm bắt buộc để cạnh tranh mà không lo bị cơ quan quản lý ‘tuýt còi’, nghĩa là công ty bảo hiểm sẽ tránh được vi phạm khi giảm giá phí bảo hiểm bắt buộc xe”, ông Dũng phân tích.

  1. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm thay chất đại lý

(ĐTCK) – Sau khủng hoảng của kênh phân phối qua ngân hàng, ngành bảo hiểm phải trở lại với kênh đại lý theo cách tiếp cận mới.

Mở rộng đội ngũ đại lý…

Nằm trong chiến lược mở rộng kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, Dai-ichi Life Việt Nam tiếp tục chiến dịch tuyển dụng 20.000 tư vấn tài chính và 1.000 nhân sự cấp quản lý, bao gồm các vị trí giám đốc ban kinh doanh, trưởng/phó phòng kinh doanh dành cho kênh đại lý trên toàn quốc trong năm 2023.

Bên cạnh các nội dung huấn luyện về chính sách, quy định và sản phẩm, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, các tư vấn viên của Dai-ichi Life Việt Nam còn được đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng quan trọng theo tiêu chuẩn Nhật Bản để phát triển bản thân và sự nghiệp lâu dài cùng Công ty…

Trong một diễn biến khác, Hanwha Life Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ với Việt Insurance (VIS) – một đại lý bảo hiểm tổ chức nhằm mở rộng mạng lưới phân phối và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Việc hợp tác cùng VIS phân phối sản phẩm bảo hiểm giúp Hanwha Life Việt Nam có thêm cầu nối trung gian và gia tăng giá trị, lợi ích đến khách hàng tiềm năng tại các địa phương, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Trong khuôn khổ hợp tác lần này, VIS sẽ phân phối toàn bộ sản phẩm của Hanwha Life Việt Nam.

Theo đại diện Hanwha Life Việt Nam, trong thời gian tới, nhà bảo hiểm này sẽ tiếp tục củng cố, chuẩn hóa hệ thống kênh phân phối hiện tại, đồng thời xây dựng chiến lược mở rộng kênh phân phối mới, tạo động lực tăng trưởng bền vững tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam có 4 mô hình đại lý chính là đại lý truyền thống, văn phòng tổng đại lý (GA), đại lý toàn thời gian và đại lý tổ chức. Trong đó, mô hình đại lý toàn thời gian chỉ mới được xây dựng cách đây vài năm, nên hiệu quả doanh thu so với các mô hình đại lý khác còn khá hạn chế. Tuy nhiên, về lâu dài, hướng tới mô hình đại lý toàn thời gian là xu thế tất yếu. Tính đến nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã xây dựng được đội ngũ đại lý toàn thời gian, có thể kể đến là AIA, Dai-ichi Life, Manulife, Generali, Hanwha Life…

Được biết, một hãng bảo hiểm khác là Chubb Life cũng sẽ nghiên cứu bổ sung thêm đội ngũ đại lý toàn thời gian và văn phòng tổng đại lý vào đội ngũ đại lý của mình. Lâu nay, Chubb Life chủ yếu tập trung vào đại lý truyền thống, nên theo lãnh đạo hãng bảo hiểm này, thời gian tới, Chubb Life sẽ đa dạng hóa các mô hình đại lý song song với việc tiếp tục nâng cấp chất lượng của đội ngũ này.

“Chiến lược thu hút nhân tài đi cùng sự đầu tư mạnh mẽ và liên tục cho việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ kinh doanh giúp Chubb Life phát triển bền vững tại Việt Nam. Đối với Chubb Life, những chuyên viên tư vấn giỏi chuyên môn, thạo kỹ năng, sành công nghệ và đặc biệt, luôn đặt lợi ích khách hàng làm trọng tâm, chính là lực lượng nòng cốt khẳng định giá trị và chất lượng dịch vụ cũng như sự đồng hành dài lâu với khách hàng”, ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam nói.

… đi kèm với nâng cao chất lượng

Theo ông Nguyễn Đức Thắng – Chủ tịch GAMA Việt Nam, trong số thị trường bảo hiểm nhân thọ đang phát triển, Việt Nam được đánh giá cao nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh và liên tục trong thời gian dài (25 năm). Tuy nhiên, sự phát triển “quá nóng” cũng có mặt trái, đó là năng lực chuyên môn của người tư vấn bảo hiểm chưa theo kịp sự phát triển của thị trường do chưa thực sự nhận thức đúng đắn về vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của nghề nghiệp, vẫn còn chú ý nhiều vào” yếu tố bên ngoài” mà chưa đầu tư bài bản cho “yếu tố bên trong” bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn. Đặc biệt, phần lớn tư vấn viên bảo hiểm còn xem đây là công việc làm thêm, dẫn tới việc chưa toàn tâm, toàn ý cho công việc.

“Số lượng tư vấn viên bảo hiểm bán thời gian quá nhiều, đó chính là nhược điểm của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chính vì thế, dù còn nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng mới, nhưng bên cạnh phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý bảo hiểm bán thời gian, việc phát triển đội ngũ đại lý tư vấn toàn thời gian là xu hướng phát triển tất yếu của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp bảo hiểm mang tính cá nhân hóa của phân khúc khách hàng đô thị lớn.

Đại diện Generali Việt Nam chia sẻ, việc phát triển đội ngũ tư vấn tài chính toàn thời gian giúp tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, khi trải nghiệm khách hàng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của hãng bảo hiểm đến từ Ý và những nỗ lực đầu tư liên tục thời gian qua trên phương diện này đã giúp Generali Việt Nam liên tục dẫn đầu về chỉ số RNPS đo lường mức độ hài lòng toàn phần của khách hàng.

Generali Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển Văn hóa S.M.I.L.E (nụ cười) đối với đội ngũ Gen E – là đội ngũ chuyên viên tư vấn tài chính thế hệ mới với các tố chất khác biệt: Chuẩn mực xuất sắc (Standard), thái độ chuyên nghiệp (Manner), cá tính khác biệt (Iconic), phẩm chất Người bạn trọn đời (Loyalty) và chất lượng vượt trội (Extraordinary), qua đó giúp đội ngũ này không ngừng phát triển thương hiệu cá nhân và góp phần định nghĩa lại hình ảnh chuyên viên tư vấn tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm.

Với AIA Việt Nam, Nest by AIA và AIA Exchange không đơn thuần chỉ là các thay đổi về hình thức văn phòng, mà còn là sự thay đổi về “chất” khi nơi đây quy tụ đội ngũ chuyên viên tư vấn năng động và chuyên nghiệp.

“Chúng tôi luôn định hướng và khuyến khích các tư vấn viên xem đây là sự nghiệp, thay vì chỉ coi đó là một công việc đơn thuần. Trọng tâm của chúng tôi là xây dựng đội ngũ đại lý chuyên nghiệp, toàn thời gian, làm chủ công nghệ số và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp và dịch vụ của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam”, ông Wayne Besant – Tổng giám đốc AIA Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý nhằm hỗ trợ tối đa đại lý có thể ở lại lâu dài với nghề, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ có nhiều chiến lược mới trong việc tối ưu hóa nguồn khách hàng hiện hữu, xây dựng các chiến lược giúp các đại lý quản lý được tệp khách hàng dễ dàng hơn… Đó cũng chính là đường đi của những thị trường bảo hiểm phát triển.

Để bảo hiểm tăng “độ phủ”

(ĐTCK) – Cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm vừa diễn ra nhìn ở khía cạnh tích cực cũng khiến người dân quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này. Do đó, vấn đề cốt lõi ở đây là cần có một chiến lược truyền thông bài bản, xuyên suốt để đưa bảo hiểm đến gần hơn với người dân, từ đó gia tăng “độ phủ”.

Cần chứng minh tầm quan trọng của bảo hiểm

“Cú sốc” truyền thông của thị trường bảo hiểm non trẻ tại Việt Nam vừa trải qua, thực tế cũng là những vấn đề từng xảy ra tại nhiều thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand… và gần đây nhất là Indonesia, khi thị trường này đang trải qua các vấn đề tương tự với thị trường bảo hiểm Việt Nam, hiện đang trong quá trình chấn chỉnh lại từ câu chuyện bán bảo hiểm liên kết đơn vị (ILB).

Cựu CEO một công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc chia sẻ, việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị tại thị trường Việt Nam cũng có những giai đoạn gặp khó khăn khi lãi suất suất xuống thấp, thị trường chứng khoán mất điểm…, dẫn tới việc một bộ phận khách hàng kéo đến các công ty bảo hiểm nhân thọ để khiếu nại việc giá trị hợp đồng của họ bị giảm sút và việc giải quyết những câu chuyện như vậy không hề đơn giản. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho khách hàng hiểu và các quy định bán những sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được rà soát kỹ lưỡng để bổ sung các điều kiện chặt chẽ, rõ ràng hơn.

“Cuộc khủng hoảng truyền thông ở thị trường bảo hiểm Việt Nam dường như làm gia tăng những cái nhìn không mấy thiện cảm về bảo hiểm, nhưng dẫu sao người dân cũng đã chủ động tìm hiểu và việc của các công ty bảo hiểm là phải làm sao cho người dân quan tâm và có cái nhìn tích cực hơn về ngành. Các công ty bảo hiểm phải chứng minh cho người dân thấy tại sao nên tham gia bảo hiểm”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhìn nhận.

Dù những trải nghiệm không vui của khách hàng với ngành bảo hiểm thời gian qua là có thật, nhưng đó là con số rất nhỏ với những gì ngành bảo hiểm đã làm cho khách hàng hay cho nền kinh tế suốt những năm tháng qua. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm cũng mong muốn công chúng nhìn nhận khách quan hơn đối với bảo hiểm, bởi nếu không hữu ích thì các sản phẩm bảo hiểm đã không tồn tại hàng trăm năm trên thế giới và cũng trải qua vài thập kỷ phát triển tại Việt Nam.

Đại diện một công ty bảo hiểm cho hay, cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm vừa qua là lời nhắc nhở các doanh nghiệp bảo hiểm còn rất nhiều việc phải làm, cũng là động lực để mỗi doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, góp phần xây dựng thị trường bảo hiểm minh bạch, chuyên nghiệp và đáng tin cậy.

Thực tế, dù thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua một đợt “rung lắc” niềm tin, dẫn tới doanh thu khai thác mới sụt giảm mạnh, nhưng vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng khai phá. Điều đó phần nào lý giải cho việc các tập đoàn tài chính – bảo hiểm lớn liên tục gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

Ngoài ra, thời gian gần đây, lãnh đạo cấp cao nhiều tập đoàn bảo hiểm nước ngoài thường xuyên có các chuyến công tác tại Việt Nam và đều thể hiện mối quan tâm sâu sắc tới thị trường bảo hiểm trong nước, qua đó mong muốn các cấp lãnh đạo nhánh nhân thọ của tập đoàn mẹ cũng như công ty tại Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp kịp thời để có thể phát triển ổn định, bền vững tại đây.

Giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về bảo hiểm

Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về phát triển ngành bảo hiểm, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, Chính phủ đang mong muốn duy trì mức tăng trưởng đến năm 2030 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia có mức thu nhập thuộc loại trung bình – cao trên thế giới, có nghĩa là thu nhập của người dân được kỳ vọng tăng lên bình quân 6%/năm trong 7 năm tới. Với tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 2,7% GDP như hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 3,5% GDP vào năm 2025.

“Tại Việt Nam, mức độ bao phủ của bảo hiểm nhân thọ hiện rất thấp, chỉ khoảng 10-11% so với các thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Singapore…, cho nên tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn”, ông Lực nhấn mạnh.

Tiềm năng là vậy, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại cần được xử lý một cách rốt ráo bởi sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả sinh lợi của các doanh nghiệp, một trong số đó là minh bạch thông tin bảo hiểm, bao gồm các vấn đề: Tranh chấp khi xử lý bồi thường gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường; những phát sinh từ việc thực hiện bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng…); đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, điều kiện bảo hiểm chưa rõ ràng…

“Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải triển khai toàn diện chương trình ‘Giáo dục tài chính quốc gia’ và hiện là thời điểm thích hợp để thúc đẩy chương trình này, bởi chỉ có như vậy chúng ta mới thúc đẩy được chiến lược tài chính toàn diện”, ông Lực nhìn nhận.

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.

Chẳng hạn, Hanwha Life Việt Nam đã đồng hành cùng các trường đại học và doanh nghiệp xã hội để triển khai nhiều chương trình nâng cao kiến thức bổ ích cho học sinh, sinh viên, một trong số đó là chuỗi hoạt động cộng đồng nâng cao kiến thức tài chính – bảo hiểm hướng đến đa dạng nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Sau TP.HCM, hành trình mang kiến thức tài chính đến giới trẻ tiếp tục được Hanwha Life Việt Nam mở rộng đến các tỉnh miền Tây, với 2 điểm trường đầu tiên tại Bến Tre và Tiền Giang. Đối tượng thụ hưởng chương trình tại đây đa phần là các gia đình khó khăn, hiểu biết và nhận thức về tài chính – bảo hiểm còn hạn chế…

“Thế giới ngày càng phát triển, độ tuổi tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngày càng trẻ. Vì thế, không bao giờ là quá sớm khi dạy các em về giá trị của đồng tiền hay ý nghĩa của việc tích lũy tài chính. Chúng tôi cho rằng, hiểu biết về tài chính nói chung, bảo hiểm nói riêng cần được xem như một kỹ năng cần thiết và khi đó, giới trẻ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống”, đại diện Hanwha Life Việt Nam cho hay.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Fubon Life Việt Nam mang đến trung thu đầy ắp yêu thương cho trẻ em

(TBTCO) – Hòa trong không khí rộn ràng của mùa trung thu 2023 đang đến, với mong muốn chung tay mang đến một mùa trung thu ấm áp cho trẻ em, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) đã mang Tết Trung thu đến với trẻ em Khu 1, thị trấn Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Nhân dịp tết Trung thu 2023, Fubon Life Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Mạnh Cường – là văn phòng Tổng đại lý của Fubon Life Việt Nam, cùng với chính quyền địa phương, các đoàn thể khu 1, thị trấn Tiên Lãng, TP. Hải Phòng tổ chức một đêm trung thu vô cùng sôi động và náo nhiệt cho các em học sinh tại đây.

Tại chương trình, trong niềm hân hoan, phấn khởi, các em nhỏ được phá cỗ và thưởng thức các tiết mục múa lân, các tiết mục biểu diễn văn nghệ sôi nổi và thú vị “cây nhà lá vườn” do các em học sinh trường Tiểu học Minh Đức tham gia biểu diễn.

Chương trình thu hút sự quan tâm của rất nhiều gia đình, phụ huynh và các em nhỏ hòa mình vào không khí vui nhộn, đầy hào hứng của đêm hội trăng rằm. Trong lễ trung thu, Fubon Life Việt Nam đã chuẩn bị gần 400 phần quà gồm bánh kẹo, đèn lồng…, tặng cho các em nhỏ.

Với triết lý kinh doanh “Tất cả vì con người”, bên cạnh nỗ lực kinh doanh, Fubon Life Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ưu ái tới thế hệ tương lai của đất nước, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết.

Bà Lo, Mei-Fang – Tổng giám đốc của Fubon Life Việt Nam chia sẻ: “Thị trường tại Hải Phòng là thị trường trọng điểm của chúng tôi trong hơn mười năm qua. Văn phòng tổng đại lý tại Tiên Lãng Hải Phòng cũng là văn phòng tổng đại lý đầu tiên được thành lập của Fubon Life Việt Nam. Chúng tôi luôn cam kết mang đến các sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho bà con nơi đây. Song song với việc phát triển các hoạt động kinh doanh, chúng tôi cũng luôn chú trọng tới các công tác xã hội hướng về cộng đồng”.

Theo đó, nhiều hoạt động cộng đồng đã được Fubon Life Việt Nam khởi động ngay từ năm 2010 khi mới tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam như: Chương trình học bổng “Vì nhân tài ngành bảo hiểm Việt Nam”, trao gần 100 triệu đồng học bổng cho 32 sinh viên của 4 trường đại học. Hàng nghìn suất quà đã trao tới học sinh nghèo vượt khó, tới các bệnh nhi ở hai miền Nam Bắc. Hơn 10.000 suất cháo “Cháo yêu thương” Fubon Life Việt Nam đã trao tới tay người bệnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Bảo Việt dành hơn 8 tỷ đồng cho Quỹ học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai”

(TBTCO) – Đại diện Tập đoàn Bảo Việt vừa trao 650 triệu đồng cho đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong khuôn khổ chương trình học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai”.

Đồng hành cùng sinh viên ngành kinh tế trong 9 năm liên tiếp

Tại Hà Nội, nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, đại diện Tập đoàn Bảo Việt đã trao học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai” với số tiền 650 triệu đồng cho đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Chương trình học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai” là chương trình thường niên giữa Tập đoàn Bảo Việt và một số trường đại học, đã được triển khai trong 9 năm qua, với tổng số tiền tài trợ lên tới hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, riêng trường đại học Kinh tế Quốc dân, số tiền của quỹ học bổng đã trao là hơn 5 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm – đầu tư – tài chính – ngân hàng, Bảo Việt luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước. Học bổng “Bảo Việt – Niềm tin thắp sáng tương lai” có ý nghĩa động viên tinh thần thiết thực đối với các em sinh viên nỗ lực trong học tập và trong cuộc sống, chuẩn bị hành trang vững chắc cho các em tự tin bước tới tương lai.

Chương trình học bổng được trao cho các em sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực trong học tập, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và các tài trợ giáo dục khác.

Chương trình học bổng Bảo Việt với ý nghĩa thiết thực và thời gian đồng hành bền vững có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các thế hệ sinh viên, trở thành nguồn động viên to lớn cho các em vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Bảo Việt luôn quan tâm đến nguồn nhân lực kế cận, tập trung việc góp phần thu hút thêm nhiều sinh viên tài năng đến với chuyên ngành kinh tế, tài chính, bảo hiểm. Bảo Việt luôn trao cơ hội tìm hiểu về ngành tài chính – bảo hiểm cho sinh viên các trường đại học trong cả nước nói chung, cũng như Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng.

Tặng học bổng “Quỹ xe đạp chở ước mơ” cho trẻ em nghèo hiếu học

Cũng nhân dịp khai giảng năm học mới, Bảo Việt triển khai chương trình “Quỹ xe đạp chở ước mơ”. Đây là chương trình học bổng thường niên do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ phối hợp với Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam thực hiện, chung tay cùng Nhà nước trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hỗ trợ những phần quà thiết thực để các em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống và trở thành những công dân đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Trong 18 năm qua, Bảo Việt Nhân thọ đã trao tặng hơn 33.000 suất học bổng, giá trị gần 37 tỷ đồng đến các em học sinh khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn trên khắp 63 tỉnh thành. Năm 2023, hơn 5.000 chiếc xe đạp từ “Quỹ xe đạp chở ước mơ” sẽ tiếp tục được Bảo Việt Nhân thọ dành tặng đến các em học sinh hiếu học trên cả nước.

Chào đón năm học mới 2023-2024, để chia sẻ với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp cho niềm vui đến trường của các em được trọn vẹn, Bảo Việt Nhân thọ đã triển khai chương trình an sinh giáo dục đầy ý nghĩa “Quà vui tới trường”, tặng 6.000 học bổng là balo cao cấp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, động viên tinh thần ham học hỏi, khuyến khích các em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập thành tài.

Trong gần 60 năm qua, Bảo Việt luôn hoạt động với tinh thần “Vì người Việt” để bảo vệ tài chính, bình an cho mọi tổ chức và cá nhân hướng tới một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng. Bảo Việt dành ưu tiên ngân sách cho các hoạt động phát triển giáo dục như tặng học bổng cho các sinh viên xuất sắc, xây dựng trường học, tài trợ các dụng cụ học tập cho các địa bàn vùng sâu vùng xa, trao quà và học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc kết hợp mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận kinh tế với thực hiện phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.

  1. Tin quốc tế

Lloyd’s Luân đôn và UNCDF hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu

(INA) – Lloyd’s, thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu, thay mặt cho Lực lượng đặc nhiệm bảo hiểm của Sáng kiến Thị trường Bền vững, đã công bố quan hệ đối tác với Quỹ Phát triển Vốn Liên hợp quốc (UNCDF) để mở rộng khả năng tiếp cận bảo hiểm cho các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu.

Thỏa thuận này sẽ bao gồm sự hợp tác chặt chẽ để thiết kế các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo nhằm bảo vệ tài chính trước những cú sốc liên quan đến khí hậu ở các Quốc gia Đảo Nhỏ đang phát triển (SIDS) và các Quốc gia kém phát triển nhất (LDC).

Mục tiêu ban đầu của quan hệ này tập trung vào việc phát triển và nhân rộng các giải pháp trên khắp Fiji và Quần đảo Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác cũng sẽ nhằm mục đích nhân rộng mô hình này ở các khu vực khác, bao gồm cả Châu Á và một số khu vực của Châu Phi.

UNCDF và Lloyd’s sẽ hợp tác để thúc đẩy Quan hệ đối tác công-tư ở những khu vực này với mục tiêu giảm khoảng cách bảo vệ.

Ngoài ra, họ sẽ đảm bảo rằng kiến thức thu được sẽ được chia sẻ với các bên liên quan quan trọng ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, bao gồm các tổ chức tư vấn hoạch định chính sách, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu học thuật.

Lloyd’s, với tư cách là Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm bảo hiểm, sẽ hợp tác chặt chẽ với UNCDF để xác định và giải quyết các thách thức chính sách tiềm ẩn có thể cản trở sự phát triển bảo hiểm rủi ro khí hậu ở các thị trường mới nổi.

Lloyd’s cũng sẽ thúc đẩy các phương pháp thực hành tốt nhất cho các nhà hoạch định chính sách ở khu vực SID và LDC để giảm thiểu rủi ro thảm họa khí hậu một cách hiệu quả.

Singlife hợp tác với AIC, Homage để chăm sóc lâu dài

(INA) – Singlife đã công bố hai mối quan hệ hợp tác với Cơ quan Chăm sóc Tích hợp (AIC) và Homage, nhằm hỗ trợ khách hàng giải quyết sự phức tạp của việc chăm sóc dài hạn.

Singlife đã chính thức hợp tác với AIC bằng việc ký Biên bản ghi nhớ (MOU).

Theo MOU này, AIC và Singlife sẽ hợp tác để nâng cao kiến thức và nguồn lực cần thiết cho các tư vấn tài chính của Singlife để nâng cao nhận thức về việc chăm sóc.

Họ cũng sẽ nêu bật các hỗ trợ và dịch vụ khác nhau dành cho cả người chăm sóc và người được chăm sóc.

Ngoài ra, nhân viên Singlife sẽ tích cực tham gia với tư cách tình nguyện viên trong các chương trình của AIC, chẳng hạn như Chương trình Bạn bè Đại sứ Thế hệ Bạc. Sự tham gia này sẽ cho phép họ kết nối với người cao tuổi tại nhà của họ và trong môi trường cộng đồng.

Những quan hệ đối tác này là một phần của Singlife Care Collab, một trung tâm dịch vụ y tế cung cấp cho khách hàng Singlife và gia đình họ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc phòng ngừa, chăm sóc dài hạn và một loạt dịch vụ từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Singapore đang phải đối mặt với thách thức của tình trạng già hóa nhanh chóng, với 1/5 số người Singapore hiện là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Đến năm 2030, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên gần 1/4, đưa Singapore trở thành xã hội “siêu già”. Do đó, chăm sóc cộng đồng và người già đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ chăm sóc dễ tiếp cận và giá cả phải chăng, Bộ Y tế và AIC đã cam kết tăng gấp đôi số lượng Trung tâm Người cao tuổi đang hoạt động vào năm 2025.

Nhật Bản: Thời tiết bất ổn trong tháng 8 khiến bồi thường bảo hiểm tăng cao

(INA) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản (GIAJ), tổng số tiền chi trả bồi thường của Nhật Bản đã tăng trong tháng 8 lên 39,7 tỷ Yên, chủ yếu do lượng mưa từ Baiu (mùa mưa) và Bão số 2 Mawar.

Để so sánh, con số này lớn hơn 23,9 tỷ Yên vào cuối tháng 7. Tổng khối lượng yêu cầu bồi thường đạt 43,6 tỷ Yên, trong khi số tiền bồi thường được thanh toán là 34,6 tỷ Yên.

Trong số đó, bảo hiểm thiệt hại do hỏa hoạn có số tiền chi trả bồi thường cao nhất là 24,5 tỷ Yên. Tiếp theo là bảo hiểm thiệt hại cho phương tiện của chính mình (12,8 tỷ Yên) và bảo hiểm tai nạn khác bao gồm bảo hiểm tai nạn cá nhân (2,5 tỷ Yên).

Việc kiểm đếm các yêu cầu bồi thường được chấp nhận bao gồm các trường hợp trong đó các công ty bảo hiểm đã nhận được khiếu nại về việc đánh giá thiệt hại, truy vấn về phạm vi bảo hiểm và hướng dẫn hợp đồng với chủ hợp đồng.

Số lượng yêu cầu bồi thường và tổng số tiền thanh toán thực tế bao gồm cả các giá trị ước tính.

Những số liệu thống kê này bao gồm dữ liệu tổng hợp từ các đơn vị thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản, Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Nước ngoài của Nhật Bản và các nhóm tương tự.

Ấn Độ tạo diễn đàn cho insurtechs, fintechs hợp tác

(INA) – Cơ quan quản lý và phát triển bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) đã quyết định tổ chức các phiên họp Open House cho các công ty InsurTech và FinTech.

Sáng kiến này nhằm mục đích khuyến khích đối thoại và thúc đẩy đổi mới công nghệ trên nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động liên quan đến bảo hiểm, đồng thời tìm kiếm ý kiến đóng góp từ các công ty InsurTech và FinTech để đề xuất các giải pháp và ý tưởng hiệu quả và suôn sẻ cho các hoạt động liên quan đến bảo hiểm.

Những đổi mới này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ do các công ty bảo hiểm cung cấp cho khách hàng và góp phần tăng cường tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trong nước.

Các phiên họp Open House này sẽ diễn ra tại Trụ sở chính của IRDAI từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều vào ngày 15 hàng tháng.

Nếu ngày 15 rơi vào ngày lễ thì buổi họp sẽ được dời sang ngày làm việc tiếp theo. Trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Thành viên toàn thời gian cao cấp nhất cùng với các quan chức cấp cao của IRDAI sẽ tham dự.

Tất cả các đơn vị InsurTech và FinTech đều được khuyến khích tham gia vào sáng kiến này và đưa ra các giải pháp sáng tạo và thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp liền mạch các dịch vụ bảo hiểm cho các chủ hợp đồng.

Hàn Quốc huy động được 73,8 nghìn tỷ Won từ quỹ chính sách cho vốn đầu tư mạo hiểm tại các tổ chức tài chính

(INA) – Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) báo cáo cho biết, các tổ chức tài chính chính sách đã cung cấp 73,8 nghìn tỷ Won trong quỹ chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực chiến lược của mình, vượt kế hoạch cung cấp ban đầu là 66,7% vào tháng 8 và đạt 80,4% mục tiêu hàng năm.

Thừa nhận những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế xuất phát từ Trung Quốc cũng như lãi suất và giá dầu cao đang diễn ra, Phó Chủ tịch FSC Kim So-young nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp quỹ chính sách hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thiếu vốn.

Cơ quan tư vấn này, được thành lập vào năm ngoái, nhằm mục đích điều chỉnh các chiến lược ngành của chính phủ với việc phân bổ vốn chính sách. Vào năm 2023, các cơ quan chức năng cam kết hỗ trợ 91 nghìn tỷ Won trong quỹ chính sách cho 5 lĩnh vực chiến lược quan trọng.

Để đảm bảo cung cấp liên tục hỗ trợ tài chính chính sách cho các ngành khác nhau, các cơ quan chức năng đã thảo luận về sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các chương trình chính sách ngành do các bộ liên quan giám sát và kế hoạch ngân sách trong cuộc họp cơ quan tư vấn lần thứ 4 về hỗ trợ tài chính chính sách hôm nay.

Phó Chủ tịch Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết nguồn tài chính chính sách với kế hoạch tài chính để hỗ trợ nhất quán các ngành khác nhau.

Ngoài ra, các cuộc thảo luận còn đề cập đến việc cải tổ “Quỹ Thang tăng trưởng”, ban đầu dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp mạo hiểm với thời hạn đầu tư 10 năm kết thúc vào tháng 8.

“Quỹ Thang tăng trưởng” mới sẽ ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực thiếu vốn như lĩnh vực công nghệ sâu và khí hậu, nơi đầu tư của khu vực tư nhân không đủ.

Mỗi năm, 200 tỷ Won từ khoản đầu tư “Quỹ Thang Tăng trưởng” ban đầu sẽ được tái đầu tư để tạo ra hơn 1 tỷ Won trong quỹ cho thị trường thứ cấp và các khoản đầu tư chiến lược.

Ấn Độ: Công ty InsurTech được niêm yết trên Nasdaq

(AIR) – Công ty khởi nghiệp InsurTech của Ấn Độ Roadzen đã niêm yết cổ phiếu của mình trên Thị trường Toàn cầu Nasdaq, giao dịch cổ phiếu và chứng quyền bắt đầu vào ngày 22 tháng 9.

Được thành lập ở Ấn Độ với tầm nhìn toàn cầu, Roadzen tập trung vào việc cung cấp các giải pháp bảo hiểm đơn giản, thông minh và an toàn hơn cho người lái xe trên toàn thế giới. Công ty coi AI là một lực lượng biến đổi trong việc định hình lại thị trường bảo hiểm ô tô trị giá 800 tỷ USD và quyết tâm trở thành người dẫn đầu trong sự giao thoa giữa AI, tính di động và bảo hiểm.

Roadzen đã thiết lập quan hệ đối tác với một số công ty ô tô toàn cầu, bao gồm Mercedes, Audi, Volvo-Eicher, Mitsubishi, Skoda, Seat, Renault và Dacia, các công ty bảo hiểm lớn như Axa, Societe Generale và Arch, cũng như các công ty đội xe như CJ Darcl.

Ông Malhotra cho biết: “Hiện đang có sân chơi lớn cho việc phát triển ô tô kết nối và phát triển phần cứng cho ô tô, bao gồm chip và cảm biến, nơi tôi nghĩ sẽ có rất nhiều đổi mới và Ấn Độ có thể là một thành viên đáng kể vì có đến 1,5 tỷ ô tô trên đường”.

Indonesia: Ngành bảo hiểm sẵn sàng nắm bắt cơ hội trao đổi carbon

(AIR) – Ông Bern Dwyanto, Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Indonesia (AAUI) cho biết, việc thành lập cơ quan trao đổi carbon ở Indonesia mang lại cơ hội cho ngành tài chính, bao gồm cả ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo ông Bern, hiệu quả hoạt động của ngành bảo hiểm phi nhân thọ có liên quan mật thiết đến sự phát triển công nghiệp. Ông nói với CNBC Indonesia rằng ngành bảo hiểm hỗ trợ sự phát triển của các ngành khác, bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh carbon.

Ông Bern nói thêm: “Tuy nhiên, chắc chắn cần có những nghiên cứu và nghiên cứu sâu hơn để chúng tôi có thể hỗ trợ hoạt động buôn bán carbon này và quyết định đâu là những chương trình tốt nhất có thể được đưa ra”.

Kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy ngành bảo hiểm có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những người tham gia trao đổi carbon khỏi rủi ro khí hậu và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tín chỉ carbon của họ.

Indonesia đã khánh thành sàn trao đổi carbon đầu tiên vào ngày 26 tháng 9 năm 2023 nhằm mục đích hạn chế tác động đến khí hậu của ngành điện, chủ yếu là điện than, và đạt được Net Zero vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

Tập đoàn AIA bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập không điều hành

(INA) – Hội đồng quản trị của Tập đoàn AIA thông báo việc bổ nhiệm bà Nor Shamsiah Binti Mohd Yunus, còn được gọi là “Nor Shamsiah Mohd Yunus”, làm thành viên HĐQT độc lập không điều hành và là thành viên của Ủy ban bổ nhiệm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 21 tháng 9.

Ông Edmund Tse, Chủ tịch Tập đoàn AIA, bày tỏ sự hào hứng với việc bà Mohd Yunus tham gia Hội đồng quản trị, trích dẫn sự nghiệp của bà ở Malaysia và sự hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế. Ông nhấn mạnh chuyên môn đáng kể của bà trong việc thúc đẩy tăng trưởng và quản trị ngành tài chính, điều này sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị khi AIA mở rộng trên các thị trường đa dạng của mình.

Bà Mohd Yunus 59 tuổi, hiện giữ chức vụ Hiệu trưởng tại Đại học INCEIF (Trung tâm Giáo dục Quốc tế về Tài chính Hồi giáo) ở Malaysia.

Bà tự hào đã có 34 năm làm việc tại Ngân hàng Negara Malaysia (BNM), nơi bà đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Đáng chú ý, bà giữ chức Phó Thống đốc từ tháng 11/2010 đến tháng 6/2016 và giữ chức Thống đốc từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2023.

Bà cũng từng đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch HĐQT BNM, Trưởng ban Chính sách tiền tệ, Trưởng ban Điều hành ổn định tài chính, Trưởng ban Quản lý dự trữ, Trưởng ban Quản lý rủi ro, Trưởng ban Công nghệ số.

Trong nhiệm kỳ của mình, bà Mohd Yunus đại diện cho BNM với tư cách là Giám đốc đương nhiên của Perbadanan Insurans Deposit Malaysia (Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Malaysia), từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Ngân hàng Trung ương Đông Nam Á (SEACEN), và từng là thành viên không điều hành của Ban Giám sát Kiểm toán Malaysia.

Kinh nghiệm quốc tế của bà bao gồm giữ chức vụ Trợ lý Giám đốc Phòng Thị trường Vốn và Tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018. Kiến thức chuyên môn sâu rộng của bà Mohd Yunus bao gồm quy định và giám sát các ngân hàng và công ty bảo hiểm, phát triển, thực thi khu vực tài chính và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Bupa bổ nhiệm tân Giám đốc điều hành Hồng Kông

(INA) – Bupa Hồng Kông vừa bổ nhiệm bà Fiona Harris làm Giám đốc điều hành, có hiệu lực từ ngày 3 tháng 10. Bà kế nhiệm ông Andrew Merrilees, người sẽ rời công ty sau 5 năm.

Harris có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó có 30 năm làm việc tại Bupa, trong đó có 17 năm giữ vai trò lãnh đạo trong ngành Bảo hiểm Y tế Vương quốc Anh.

Kiến thức sâu rộng của Harris trang bị cho bà khả năng lãnh đạo thành thạo ngành chăm sóc sức khỏe, nhấn mạnh việc chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm và thúc đẩy đổi mới cũng như áp dụng công nghệ để hỗ trợ nhu cầu của khách hàng.

Với tư cách là Giám đốc điều hành mới, Harris sẽ giám sát Bupa Hong Kong và Quality HealthCare Medical Services hướng tới một tương lai phát triển, tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ và chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm này còn phải được sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

BTV (Tổng hợp).