TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 39

FWD ra mắt quỹ VC đầu tư vào công nghệ bảo hiểm Malaysia; PVI triển khai phương thức khai báo bồi thường trực tuyến; Bảo Việt đứng đầu Top 10 Doanh nghiệp bền vững

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 39

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo Minh xử lý bồi thường tai nạn tại Thừa Thiên Huế

(BMI) – Khuya 09/11/2022 , tài xế xe khách N.H.T.T (49 tuổi, trú tỉnh Khánh Hòa) lái xe khách giường nằm chở 38 người chạy trên đường lưu thông tạm thời cao tốc Cam Lộ – La Sơn, khi đến xã Hương Thọ, TP Huế, thì tông vào ôtô tải chạy chiều ngược lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 02 người tử vong, bao gồm 02 hành khách trên xe giường nằm tử vong tại chỗ, các nạn nhân khác vẫn đang được điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế.

Được biết, xe khách mang biển kiểm soát 47F – 002.86 có tham gia bảo hiểm Trách nhiệm Dân sự (TNDS) bắt buộc do Đơn vị Bảo Minh Đắk Lắk (thuộc hệ thống các Công ty thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh) cấp theo đúng quy định của Nhà nước. Nhận được tin báo cũng như mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn, Bảo Minh Đắk Lắk đã phối hợp với Bảo Minh Thừa Thiên Huế tiến hành thăm hỏi & tạm ứng trước 120.000.000 đ tiền bồi thường cho gia đình có 02 hành khách tử vong, đồng thời khẩn cấp liên hệ xác minh thông tin của tài xế lái xe tải để tiến hành trao tiền bồi thường cho người nhà.

Công tác tính toán tổn thất, xử lý khắc phục thiệt hại cho tất cả các bên vẫn đang được Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh chỉ đạo các Công ty thành viên thực hiện gấp rút.

Theo Nghị Định số 03/NĐ-CP ngày 15/01/2021 về Bảo hiểm Bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới & Thông tư số 04/2021/TT-BTC, mức Trách nhiệm bảo hiểm được quy định như sau:

– Đối với tổn thất về người: 150.000.000 đ / 1người / 1 vụ tai nạn;

– Đối với tổn thất về tài sản: 100.000.000 đ / 1 vụ tai nạn.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Việt đứng đầu Top 10 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 7 năm liên tiếp

(TBTCO) – Lễ công bố các doanh nghiệp Bền vững Việt Nam 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Bảo Việt được vinh danh trong Top 10 “Doanh nghiệp bền vững Việt Nam lĩnh vực thương mại – dịch vụ” và Top 5 “Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em 2022”

Vượt qua hàng trăm ứng cử viên là các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực trong các hoạt động về phát triển bền vững trong năm 2022, Bảo Việt tiếp tục được vinh danh trong Top 10 “Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam 2022” và Top 5 “Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em 2022”. Đây cũng là năm thứ 7 Bảo Việt là một trong các doanh nghiệp bền vững xuất sắc Việt Nam trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ.

Từ các hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn 148 hồ sơ để hội đồng xét duyệt đánh giá, chấm điểm và trình Ban Chỉ đạo quyết định 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu nhất để biểu dương tại lễ công bố. Trong đó, ở Top 10 các doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ và sản xuất, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 40%, 25% và 35%.

Thông qua việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trọng yếu về 3 yếu tố chính: kinh tế, xã hội, môi trường và đạt điểm đánh giá cao chung cuộc. Việc tham gia và đạt thứ hạng cao tại Bảng xếp hạng 7 năm liên tiếp đã phản ánh những đóng góp liên tục của Tập đoàn Bảo Việt trong việc chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, được các nhà thẩm định ghi nhận và phản ánh trong kết quả xếp hạng năm nay.

Chương trình với chủ đề Chuyển đổi, Bứt phá: Doanh nghiệp vững bền – Quốc gia thịnh vượng chia sẻ các thông tin về lộ trình xây dựng nền kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu; hiện thực hóa kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; phát triển thương mại xanh; thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Đây không chỉ là câu chuyện, là niềm tự hào của ngày hôm nay, mà còn lan tỏa ý nghĩa và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng bền vững, thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường toàn cầu, thiếp lập hệ thống liên kết mạng lưới các doanh nghiệp bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh.

Tại Lễ công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt cũng được vinh danh trong Top 100 “Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam”.

Dai-ichi Life Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì Cộng đồng – Saigon Times CSR 2022” lần thứ tư

(ĐTCK) – Ngày 30/11/2022, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam tiếp tục được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” trong buổi lễ Tôn vinh các Doanh nghiệp vì Cộng đồng – “Saigon Times CSR 2022” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức tại Khách sạn Caravelle, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là năm thứ tư liên tiếp (2019-2022) Dai-ichi Life Việt Nam được trao tặng danh hiệu cao quý này, một lần nữa ghi nhận và tôn vinh những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng của Công ty thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nhằm mang đến những giá trị bền vững cho cộng đồng, xã hội và tác động tích cực cho môi trường, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.

Ông Trần Đình Quân, Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam kiêm Chủ tịch Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi Dai-ichi Life Việt Nam tiếp tục là một trong 40 doanh nghiệp được vinh danh “Doanh nghiệp vì Cộng đồng – Saigon Times CSR 2022”. Đây là niềm tự hào và nguồn động viên to lớn để Dai-ichi Life Việt Nam không ngừng nỗ lực lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp nhằm mang đến cuộc sống an tâm, hạnh phúc cho khách hàng và gia đình cũng như vì sự phát triển bền vững cho xã hội”.

Là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với uy tín thương hiệu Nhật Bản và vị thế hàng đầu hiện nay, song hành với mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, Dai-ichi Life Việt Nam luôn định hướng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của Công ty.

Trong suốt hơn 15 năm qua, Dai-ichi Life Việt Nam đã đóng góp hơn 60 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trên toàn quốc, xuyên suốt bốn lĩnh vực: sức khỏe y tế, giáo dục, môi trường và từ thiện xã hội. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Dai-ichi Life Việt Nam đã tài trợ hơn 6,3 tỷ đồng để thực hiện các chương trình thiết thực như: trao tặng 34 hệ thống lọc nước uống sạch cho 17 trường học tại các tỉnh, thành trên toàn quốc; hiến máu nhân đạo với gần 120.000 ml máu được hiến tặng; phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 500 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể; trao học bổng, quà khuyến học và chăm sóc sức khỏe cho hơn 5.300 học sinh vùng sâu vùng xa; trao hơn 600 suất hỗ trợ cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai…

“Giải thưởng “Doanh nghiệp vì Cộng đồng – Saigon Times CSR 2022” càng trở nên ý nghĩa hơn trong thời điểm Dai-ichi Life Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm chặng đường 15 năm “Gắn bó dài lâu” cùng đất nước và người dân Việt Nam (2007-2022). Với thông điệp “Kết nối Triệu Yêu Thương” và sứ mệnh bảo đảm cuộc sống bình an, tương lai tươi sáng cho khách hàng và gia đình, con người, sức khỏe, cộng đồng và môi trường sẽ luôn là trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của Dai-ichi Life Việt Nam. Hướng đến tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục lan tỏa tình yêu thương – yêu thương bản thân và gia đình, yêu thương cộng đồng, yêu thương trái đất đến mỗi người, mỗi nhà thông qua giải pháp bảo vệ tài chính, chăm sóc sức khỏe ưu việt và các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường thiết thực.”, ông Quân chia sẻ thêm.

Một điểm nhấn trong năm 2022, bên cạnh các hoạt động đánh dấu mốc son 15 năm hình thành và phát triển (2007 – 2022), nhằm hưởng ứng dự án “Happiness – Dai-ichi” của Tập đoàn Dai-ichi Life nhân kỷ niệm 120 năm thành lập (1902 – 2022), vào đầu tháng 10/22, Dai-ichi Life Việt Nam đã ra mắt Dự án “Kết nối Triệu Yêu Thương – Hạnh phúc cho mọi người”, trong đó, “Hạnh phúc cho Cộng đồng” và “Hạnh phúc cho Trái đất” là hai trong ba mục tiêu chính của dự án, thể hiện mong muốn chung tay cùng cộng đồng địa phương thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cam kết hành động ứng phó “vì một tương lai an tâm hạnh phúc” cho khách hàng, gia đình, cộng đồng cũng như thế hệ mai sau.

Dự án đã và đang được triển khai với chương trình “Nước sạch học đường” – tài trợ hệ thống máy lọc nước cung cấp 15 triệu lít nước sạch cho các trường học vùng sâu vùng xa; chương trình hỗ trợ giáo dục và dinh dưỡng cho 15.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chương trình “Giảm thiểu rác thải nhựa, giảm thiểu khí thải carbon” và trồng 15.000 cây xanh tại các thành phố lớn… Bên cạnh chiến dịch phủ xanh đô thị, công ty còn đẩy mạnh truyền thông giáo dục thường kỳ nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, giảm thiểu khí thải carbon và sử dụng năng lượng hiệu quả…

Là thành viên của Tập đoàn Dai-ichi Life, công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) được thành lập vào tháng 1/2007, và đây là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Tập đoàn Dai-ichi Life có công ty BHNT sở hữu 100% vốn.

Ngày 3/10/2018, Dai-ichi Life Việt Nam đã được Bộ Tài chính cấp Giấy phép chấp thuận cho đợt tăng vốn thứ tám lên gần 7.700 tỷ đồng để đầu tư mở rộng kinh doanh. Với việc tăng vốn này, Dai-ichi Life Việt Nam trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn đầu tư lớn nhất thị trường, minh chứng tiềm lực tài chính vững mạnh cũng như cam kết “Gắn bó dài lâu” với khách hàng Việt Nam.

Công ty Dai-ichi Life Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 về mạng lưới kinh doanh với 300 văn phòng và Tổng đại lý “phủ sóng” khắp 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng thông qua đội ngũ 1.800 Nhân viên và 120.000 Tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Dai-ichi Life Việt Nam cũng là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn đầu tư lớn nhất thị trường – 7.700 tỷ đồng.

Sau hơn 15 năm hoạt động, Dai-ichi Life Việt Nam đã ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc về tầm vóc, vị thế với số lượng khách hàng tăng gấp 12 lần, số nhân viên và tư vấn tài chính tăng 20 lần, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 50 lần, tổng vốn đầu tư tăng 41 lần, và tổng giá trị tài sản tăng 64 lần; giữ vị trí Top 3 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ nước ngoài về thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm tại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế của công ty 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt hơn 1.787 tỷ đồng.

PVI tổ chức Họp tổng kết chủ đề Rủi ro tuân thủ và Kiểm toán nội bộ

(PVI) – Ngày 25/11/2022, tại trụ sở Công ty cổ phần PVI đã diễn ra buổi Họp tổng kết chủ đề Rủi ro tuân thủ và Kiểm toán nội bộ sau 1 tuần làm việc nghiêm túc và hiệu quả của các chuyên gia đến từ Talanx/HDI – Tập đoàn tài chính Bảo hiểm hàng đầu thế giới.

Tham dự cuộc họp, gồm có ông Nguyễn Xuân Hòa – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng Giám Đốc PVI, Ông Dương Thanh Danh Francois – Phó chủ tịch HĐQT PVI cùng đại diện Ban Lãnh đạo PVI và các công ty trong hệ thống PVI gồm: Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ PVI. Đại diện của Talanx/HDI gồm có ông Trương Minh Đức – Kiểm toán nội bộ Talanx, Bà Yuliana Spitzer – Giám đốc Tuân thủ Talanx và ông Martin Wienke – Cố vấn cao cấp về Tuân thủ của HDI.

Là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, PVI luôn tiên phong trong việc áp dụng những thông lệ và chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính và quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh việc triển khai dự án lập BCTC theo chuẩn mực IFRS 17 về hợp đồng bảo hiểm, PVI cũng đang đồng thời triển khai Dự án xây dựng hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM) theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt nhất. Dự án được khởi động giai đoạn 1 từ tháng 8 năm 2020, và hiện đã hoàn thành giai đoạn 2 vào tháng 10 năm nay với sự đồng hành của các chuyên gia tư vấn đến từ PWC và Deloitte.

Trong suốt 1 tuần làm việc hiệu quả, các chuyên gia Tuân thủ từ HDI/Talanx Global đã phối hợp cùng với Ban PCTT&QTRR rà soát kết quả thực hiện dự án Tuân thủ và Quản trị rủi ro (ERM), đồng thời đánh giá và tư vấn thêm cho PVI về cách thức quản trị rủi ro tuân thủ và đào tạo văn hóa tuân thủ tại PVI theo các thông lệ tốt của Châu Âu & Quốc tế để hoàn thiện hệ thống tuân thủ của PVI.

Các chuyên gia đánh giá rất cao kết quả về tiến độ và chất lượng hoàn thành Dự án ERM, cũng như các sản phẩm quy trình, quy chế, đào tạo được ứng dụng tại PVI và các đơn vị thành viên cho giai đoạn tiếp theo của dự án này.

Bộ phận Tuân thủ tại PVI bước đầu đã đảm bảo được chức năng cơ bản bao gồm: chức năng giám sát rủi ro tuân thủ, cảnh báo sớm, tư vấn và đào tạo. PVI đã xây dựng được đầy đủ bộ khung Quy chế tuân thủ, Quy trình báo cáo tuân thủ hợp nhất toàn hệ thống, hệ thống đào tạo online, offline. Nhân sự bố trí thực hiện chức năng tuân thủ được đánh giá cao về năng lực, trình độ chuyên môn, và sự phù hợp.

Trong giai đoạn tiếp theo, HDI/ Talanx sẽ tiếp tục đồng hành cùng PVI để hoàn thiện hơn về các phương pháp đánh giá sâu, phòng ngừa rủi ro tuân thủ trong các hoạt động của toàn hệ thống PVI, hỗ trợ cung cấp PVI các hệ thống báo cáo chuyên nghiệp hơn để giảm thiểu thời gian và nâng cao hiệu quả.

Bảo hiểm PVI triển khai phương thức khai báo bồi thường trực tuyến

(PVI) – Khách hàng của Bảo hiểm PVI có thể khai báo hồ sơ và giải quyết bồi thường chăm sóc sức khoẻ online, tiết kiệm được thời gian đi lại.

Nhằm mang đến cho khách hàng dịch vụ có chất lượng cao và thuận tiện trong việc gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường khi không may xảy ra sự kiện bảo hiểm, Bảo hiểm PVI đã xây dựng phương thức khai báo bồi thường trực tuyến (online) để khách hàng có thể khai báo hồ sơ bồi thường mọi lúc mọi nơi mà không phụ thuộc vào thời gian hoặc không gian, không cần phải gửi kèm theo các chứng từ giấy truyền thống, tiết kiệm chi phí chuyển phát hồ sơ và hoàn toàn bảo mật.

Quan trọng nhất, khách hàng theo dõi được tiến trình giải quyết hồ sơ của mình chỉ bằng cách tải ứng dụng app myPVI trên Appstore/CH play và truy cập website: bhcn.pvi.com.vn.

Qua phương thức khai báo hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm PVI có thể hỗ trợ khách hàng giải quyết hồ sơ online mà không cần đối chiếu hồ sơ giấy, có thể lưu trữ hồ sơ điện tử vĩnh viễn và hỗ trợ khách hàng cung cấp lại các chứng từ y tế nhanh chóng nhất trong trường hợp cần thiết.

Sau khi khai báo hồ sơ yêu cầu bồi thường trực tuyến thành công, khách hàng không cần gửi hồ sơ bản cứng đến Bảo hiểm PVI. Trong trường hợp cần thiết, Bảo hiểm PVI sẽ gửi thông báo yêu cầu cung cấp.

Trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, khách hàng có thể liên hệ với tổng đài hỗ trợ của PVI (1900 545458) để được hỗ trợ.

  1. Nhịp đập thị trường

Giúp chi trả bảo hiểm xe máy nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ

(ĐTCK) – Trước những tranh cãi về việc duy trì bảo hiểm bắt buộc xe máy, gần đây Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tiếp tục có cuộc họp bàn cách phục vụ người tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc tốt hơn.

Tại đây, nhiều ý kiến được đưa ra hướng tới việc mang lại sự thuận lợi cho người tham bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy (tạm gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) .

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, không phải đến giờ mà từ trước, Hiệp hội và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã có nhiều cuộc họp trên tinh thần “cầu thị và lắng nghe ý kiến khách hàng”, cùng trao đổi, phân tích tình hình thực tế để có những giải pháp hiệu quả , thiết thực hơn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

“Không ai tham gia bảo hiểm để mong xảy ra rủi ro để được chi trả. Nhưng với trường hợp đã tham gia bảo hiểm và chẳng may xảy ra rủi ro sau đó thì Hiệp hội đều mong người tham gia bảo hiểm được hưởng quyền lợi bồi thường kịp thời nhất từ các doanh nghiệp bảo hiểm, chứ không phải khuyến khích người dân mua bảo hiểm để đấy, cho có, để đối phó.Bản chất loại hình bảo hiểm bắt buộc này là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra bao gồm cả xe máy, trong mọi trường hợp đều nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm, tính nhân văn của bảo hiểm là ở chỗ đó”, Tổng thư ký IAV chia sẻ.

  1. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng cho biết, chương trình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới (bao gồm cả xe máy lẫn ô tô) ra đời là nhằm bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra và hiện được hầu hết các quốc gia áp dụng (như Nhật Bản, Thái Lan …). Nhờ có bảo hiểm đã có một nguồn để chi trả cho các vụ tai nạn giao thông xảy ra do xe máy và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông do xe máy gây ra, giúp nhanh chóng khắc phục những tổn thất về người mà không phụ thuộc vào việc người chủ xe máy đó có khả năng chi trả hay không.

Ông Minh cho rằng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, phương tiện cơ giới luôn luôn được xem là nguồn nguy hiểm, thậm chí là nguồn nguy hiểm cao độ, kể cả đối với xe máy khi đi với tốc độ cao, nên để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới thì cần duy trì chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới, trong đó có cả ô tô và xe máy; để đảm bảo các chủ xe khi mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm chi trả cho các hậu quả mà họ có thể gây ra khi tham gia giao thông.

Theo Bộ Tài chính, môtô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện giao thông chủ yếu (khoảng 72 triệu xe môtô, xe máy đã được đăng ký) và nguồn gây tai nạn lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 63% số vụ tai nạn giao thông. Bởi vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gồm môtô, xe máy là một giải pháp bảo đảm tài chính cho chủ xe với chi phí thấp (55.000 – 60.000 đồng) và mức trách nhiệm bồi thường cao (lên đến 150 triệu đồng). Khi không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải nằm viện không thể bồi thường cho nạn nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn.

Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc xe tham gia bảo hiểm thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm bắt buộc này. Quỹ bảo hiểm thực hiện chi nhân đạo cho các nạn nhân trong cả nước.

Mới đây Quỹ bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã trao hỗ trợ nhân đạo cho gia đình các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Lạng Sơn, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Kontum và Gia Lai, số tiền chi hỗ trợ nhân đạo là: 45 triệu đồng/1 người/1 vụ. Dù số tiền còn nhỏ nhưng phần nào là sự động viên, chia sẻ đối với người thân của các nạn nhân.

Còn đối với các xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc xe máy, các DNBH thời gian qua cũng đã chi trả bảo hiểm bắt buộc xe máy lên tới tiền tỷ và đang nỗ lực cải tiến các bước chi trả bảo hiểm, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời hơn, thuận tiện hơn.

Đơn cử như BSH, tổng số vụ bồi thường tính đến 26/10/2022 là 20 vụ với tổng số tiền chi trả lên đến hơn 1,4 tỷ đồng, có trường hợp bồi thường lên đến 150 triệu đồng. Gần đây đã bồi thường cho nạn nhân 2 vụ (75 triệu đồng ngày 13/5/2022 và 100 triệu đồng hôm 1/10/2021). Một số nhà bảo hiểm như PTI thì cam kết chi trả bồi thường cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ bồi thường, có doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng để hoàn thiện hồ sơ xác nhận của các cơ quan chức năng…

Nguồn hỗ trợ bảo hiểm lẫn ngoài bảo hiểm kể trên là sự động viên, chia sẻ đối với người thân của các nạn nhân. Tính đến hết tháng 9/2022, riêng trong mảng bảo hiểm xe cơ giới, các công ty bảo hiểm đã bồi thường 562 tỷ đồng.

Giúp chi trả bảo hiểm xe máy nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ

Trước những băn khoăn về số tiền chi trả đối với bảo hiểm xe máy bắt buộc còn khiêm tốn, nhiều ý kiến cho rằng cần có những tổng hợp, đánh giá nghiêm túc để biết được có phải số liệu tổn thất ít hay số lượng tai nạn giao thông nhiều nhưng bồi thường ít, từ đó đưa ra giải pháp gỡ khó, giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ quy định này.

Bởi trên thực tế, như Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, lâu nay, ai cũng kêu khó đòi bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc, thậm chí kêu gọi xóa sổ loại hình bảo hiểm này, nhưng đi ngược với đám đông, vẫn có quan điểm cho rằng dễ.

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair- tổ chức từng đã hỗ trợ hàng trăm ca đòi bảo hiểm xe máy bắt buộc nói riêng, xe cơ giới nói chung suốt thời gian qua cho biết: “Thủ tục đòi bảo hiểm đơn giản, việc đầu tiên ngay sau khi xảy ra tai nạn xe là mở ngay giấy chứng nhận bảo hiểm ra, gọi số hotline của công ty bảo hiểm, thủ tục bồi thường bảo hiểm này đã được đơn giản hóa nhiều, trường hợp không có người tử vong thì không cần hồ sơ công an như trước, giúp việc đòi bồi thường bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ người tham gia bảo hiểm có đi đòi bảo hiểm không. Do đó, muốn được công ty bảo hiểm bồi thường thì chủ xe phải tự tìm hiểu quy định pháp luật để đi đòi. Sẽ không có công ty bảo hiểm nào tự nguyện mang tiền đến đền bù nếu chủ xe không làm các thủ tục đòi bồi thường”.

Dưới góc nhìn nhân văn, ông Xuân cùng một số chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu người mua hiểu quyền lợi và biết đòi, công ty bảo hiểm biết nghĩ cho khách hàng (giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn) chắc chắn số ca được chi trả bảo hiểm sẽ tăng vọt. Do đó, điều cần quan tâm ở đây là cần tuyên truyền thật tốt để người dân hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy, ngay từ khi bán sản phẩm này cũng cần chủ động hướng dẫn chi tiết người mua cách đòi bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.

Những tranh cãi về việc bãi bỏ hay tiếp tục cũng đã được đặt lên bàn đại biểu quốc hội khi thảo luận nhưng cuối cùng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 vẫn quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc nên theo các chuyên gia giờ là lúc tìm cách giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ quy định này.

Hội nghị Định phí Bảo hiểm Việt Nam 2022: Mang bảo hiểm dễ tiếp cận đến với tất cả mọi người

(ĐTCK) – Sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch, Hội nghị Định phí bảo hiểm Việt Nam 2022 (VAC 2022) đã tổ chức trở lại.

Với chủ đề Bảo hiểm cho mọi người (Insurance for Everyone), VAC 2022 không chỉ cập nhật các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực bảo hiểm, mà còn thảo luận loạt giải pháp nhằm gia tăng phạm vi tiếp cận bảo hiểm cho tất cả khách hàng.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2021, Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ – thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%) hay Mỹ (90%). Mức độ thâm nhập chỉ chiếm 2% GDP năm 2020. Do đó, mang bảo hiểm dễ tiếp cận đến với tất cả mọi người đã được lựa chọn làm chủ đề của hội nghị VAC năm nay.

Ông Wayne Besant – CEO AIA Việt Nam (doanh nghiệp đăng cai tổ chức hội nghị định phí lần này) cho biết, giữa thời điểm bảo hiểm phát triển mạnh mẽ cả về quy mô hệ thống doanh nghiệp, danh mục sản phẩm đa dạng và phạm vi tiếp cận phổ biến nhờ công nghệ như hiện nay, mục tiêu của ngành bảo hiểm không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ phần ít dân số. Thay vào đó, mục tiêu tiếp cận gần hơn đến cuộc sống của mọi người dân đã trở thành định hướng phát triển của toàn ngành, tác động đến đặc tính sản phẩm của từng doanh nghiệp.

Để đạt được điều này, ông Lê Thành Nam – Phó Tổng giám đốc Tài chính AIA Việt Nam nhấn mạnh vai trò của những người làm định phí, các chuyên gia định phí sẽ phải làm việc cật lực hơn để tạo ra nhiều dòng sản phẩm bảo hiểm sáng tạo đáp ứng từng nhu cầu cuộc sống và phù hợp với từng nhóm khách hàng, cân bằng quyền lợi giữa khách hàng và công ty. Trong đó, các sản phẩm và quyền lợi liên quan đến tai nạn thương tật luôn thường trực, bệnh hiểm nghèo đang gia tăng, chi phí y tế ngày càng cao… sẽ được ngành quan tâm và chú trọng hơn cả.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng sẽ tham gia toạ đàm “Bảo hiểm cho Mọi người”. Nội dung Phiên tọa đàm xoay quanh những giải pháp bảo hiểm hiện đại phù hợp với nhu cầu của mọi người thời kỳ hậu Covid-19 và lạm phát tăng cao, những cách thức đưa bảo hiểm thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống và dễ dàng tiếp cận hơn…

  1. Tin quốc tế

Tập đoàn FWD ra mắt quỹ VC đầu tư vào công nghệ bảo hiểm Malaysia

(INA) – FWD Group Holdings đã công bố ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 10,24 triệu USD với sự hợp tác của công ty đầu tư mạo hiểm Artem Ventures có trụ sở tại Malaysia.

Quỹ này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm và công nghệ tài chính Hồi giáo ở Malaysia.

Theo FWD, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Malaysia, đóng góp hơn một phần ba tổng sản phẩm quốc nội và mang lại cơ hội việc làm cho hơn bốn triệu lao động ở Malaysia.

Ông Sim Preston, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn FWD, cho biết: “Bằng cách ra mắt TIM Ventures, chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp ở Malaysia bằng cách không chỉ cung cấp tài chính cho họ mà còn giúp kết nối họ với các mạng lưới và kiến ​​thức chuyên môn mà họ cần để thành công. Chúng tôi hy vọng sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp có chung tầm nhìn với chúng tôi khi chúng tôi cùng hợp tác để thay đổi cách mọi người cảm nhận về takaful”.

Quỹ đã đầu tư vào bốn công ty khởi nghiệp, bao gồm cả những người chiến thắng từ FWD Start-Up Studio, một chương trình tiền tăng tốc được ra mắt vào năm 2021, với mục đích trở thành một trung tâm đổi mới hàng đầu ở Malaysia.

Tập đoàn FWD là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ toàn châu Á với khoảng 10 triệu khách hàng trên 10 thị trường, bao gồm một số thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Vụ án tham nhũng liên quan đến cựu Phó chủ tịch China Continent được chuyển giao để truy tố

(AIR) – Vụ án tham nhũng đối với Chen Yong, cựu Phó chủ tịch kiêm Giám đốc China Continent Property & Casualty Insurance, đã được chuyển cho viện kiểm sát để xem xét và truy tố.

Điều này đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quý Châu công bố vào ngày 30 tháng 11, sau khi Ủy ban giám sát tỉnh Quý Châu hoàn thành các cuộc điều tra.

Vài ngày trước, theo chỉ đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuân Nghĩa (thuộc tỉnh Quý Châu) đã quyết định bắt giữ Chen vì nghi ngờ tham nhũng và nhận hối lộ. Chen từng là giám sát kinh doanh của China Reinsurance (Group).

Chen đã làm việc trong ngành bảo hiểm nhiều năm, trong đó có 17 năm tại China Continent. Ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT China Continent vào tháng 6 năm 2014 và trở thành Giám đốc công ty vào tháng 4 năm 2015. Ông được thăng chức trở thành Phó chủ tịch của công ty vào tháng 1 năm 2017. Vào tháng 3 năm 2021, China Continent thông báo rằng Chen sẽ được chuyển sang làm giám sát kinh doanh của China Re Group và đồng thời giữ chức Phó chủ tịch China Continent.

China Continent được thành lập tại Thượng Hải vào tháng 10 năm 2003. Đây là công ty bảo hiểm tài sản dưới sự bảo trợ của Tập đoàn Tái bảo hiểm Trung Quốc. Tập đoàn nắm giữ 64,30% cổ phần tại công ty.

Vào tháng 5 năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát Nhà nước thông báo rằng Chen bị tình nghi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng và phải đối mặt với một cuộc điều tra kỷ luật.

Trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của chính quyền trung ương, một số quan chức trong ngành bảo hiểm đã bị cách chức trong năm nay và bị điều tra.

Nổi bật nhất trong số họ là Vương Bân, từng là Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy của công ty bảo hiểm lớn nhất đất nước China Life. Vào tháng 9, ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và cách chức vì tội hối lộ và tham nhũng.

Australia: Howden mua lại 100% công ty môi giới bảo hiểm chuyên biệt

(AIR) – Howden, nhà môi giới bảo hiểm quốc tế, đã tăng cổ phần của mình lên 100% trong AlphaXO Risk Partners (AlphaXO), công ty môi giới bảo hiểm chuyên biệt có trụ sở tại Sydney.

Howden cho biết trong một tuyên bố rằng đội ngũ lãnh đạo vẫn không thay đổi tại AlphaXO với việc ông Andrew Glover tiếp tục giữ vai trò là giám đốc điều hành.

Được thành lập vào năm 2007, AlphaXO là một trong những công ty tư vấn rủi ro và môi giới bảo hiểm chuyên nghiệp hàng đầu ở khu vực Thái Bình Dương. Đây cũng là một trong những trung gian bảo hiểm hàng hải hàng đầu trong khu vực với đội ngũ giàu kinh nghiệm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm theo yêu cầu cho tàu thuyền và thuyền viên chuyên nghiệp.

AlphaXO tư vấn về tất cả các loại rủi ro hàng hải, từ thân tàu và máy móc, bảo vệ và bồi thường, hàng hóa, trách nhiệm pháp lý hàng hải, đóng và sửa chữa tàu cũng như tất cả các rủi ro liên quan, bao gồm mạng, chiến tranh, bắt cóc và đòi tiền chuộc.

Nhận xét về việc mua lại, ông Matt Bacon, Giám đốc điều hành của Howden Pacific, cho biết: “Việc tăng tỷ lệ sở hữu trong AlphaXO giúp củng cố vị thế của chúng tôi trên thị trường bảo hiểm Úc, New Zealand và Thái Bình Dương. Điều này phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ lâu dài với khách hàng, đồng thời cung cấp năng lực và chuyên môn đầy đủ về dịch vụ.”

Ông Glover cho biết: “Chúng tôi đã có mối quan hệ lâu dài với Tập đoàn Howden – đơn vị đã mua cổ phần ban đầu trong doanh nghiệp gần mười năm trước. Với việc thành lập Howden gần đây ở khu vực Thái Bình Dương, chúng tôi tin tưởng rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để cả hai doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với nhau.”

Ấn Độ: Chính phủ đề xuất sửa đổi luật bảo hiểm

(AIR) – Bộ Tài chính Ấn Độ đang đề xuất loại bỏ các yêu cầu về vốn thanh toán tối thiểu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe ở Ấn Độ. Đây là một phần của quá trình cải cách đáng kể khuôn khổ pháp lý bảo hiểm của nước này.

Vụ Dịch vụ Tài chính, thuộc Bộ Tài chính, đã công bố các đề xuất sửa đổi đối với Đạo luật Bảo hiểm 1938 và Đạo luật Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm 1999 và kêu gọi đóng góp ý kiến/gợi ý.

Các sửa đổi được đề xuất chủ yếu tập trung vào việc tăng cường an ninh tài chính cho các chủ hợp đồng, thúc đẩy lợi ích của các chủ hợp đồng, cải thiện lợi nhuận cho các chủ hợp đồng và tạo điều kiện cho nhiều người tham gia hơn vào thị trường bảo hiểm.

Indo-Asian News Service đưa tin cho hay, những thay đổi được đề xuất bao gồm loại bỏ vốn thanh toán 1 tỷ INR (12,3 triệu USD) theo luật định đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ và 2 tỷ INR đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, cho phép thành lập các loại công ty bảo hiểm khác nhau bao gồm cả công ty bảo hiểm và thay đổi các điều khoản đầu tư.

Thay vào đó, chính phủ đề xuất trao cho IRDAI quyền quy định mức vốn tối thiểu cần thiết, tùy thuộc vào quy mô và quy mô hoạt động, loại hoặc phân loại kinh doanh bảo hiểm và loại hoặc loại công ty bảo hiểm.

Ngoài các yêu cầu về vốn, những thay đổi được đề xuất trong các lĩnh vực như ngành nghề kinh doanh, đầu tư của các công ty bảo hiểm, thành phần của cả Hội đồng bảo hiểm phi nhân thọ và Hội đồng bảo hiểm nhân thọ, và quyền hạn của IRDAI.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phân phối các sản phẩm tài chính khác và cung cấp các dịch vụ liên quan hoặc phụ trợ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Có ý kiến cho rằng các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được phép chuyên môn hóa trong các lĩnh vực kinh doanh như xe cơ giới/du lịch và các lĩnh vực khác.

Chính phủ cũng đã đề xuất quy định số tiền bảo hiểm xe cơ giới tối thiểu của bên thứ ba được cấp đơn bởi các công ty bảo hiểm xe cơ giới độc lập – có thể được thành lập trong tương lai.

Nhật Bản: các yếu tố cơ bản về đánh giá rủi ro bảo hiểm sẽ phục hồi vào năm 2023

(AIR) – Theo Fitch Ratings, các yếu tố cơ bản về đánh giá rủi ro của các công ty bảo hiểm Nhật Bản có khả năng phục hồi trong năm 2023, do những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 giảm dần.

Trong báo cáo có tiêu đề “Triển vọng bảo hiểm Nhật Bản 2023”, Fitch cũng nói rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Nhật Bản tiếp tục có mức độ rủi ro lớn đối với rủi ro thị trường tài chính, những rủi ro này sẽ được giảm thiểu nhờ đủ vốn. Bất kỳ căng thẳng đáng kể nào trên thị trường tài chính – đặc biệt là cổ phiếu trong nước, tiếp theo là thị trường tiền tệ và lãi suất trái phiếu nước ngoài – có thể ảnh hưởng đến mức an toàn vốn của ngành bảo hiểm.

Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu có quan điểm trung lập đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Nhật Bản.

Fitch cho biết các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản sẽ có thể tạo ra thu nhập tổng thể ổn định ngay cả sau khi xem xét tác động tiêu cực của COVID-19 và vốn hóa sẽ duy trì ở mức lành mạnh trong tương lai gần.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đã phải gánh chịu những tổn thất được bảo hiểm đáng kể do sự gia tăng “số ca nhập viện được cho là” khi nhiều người bị ốm hơn trong thời điểm số ca mắc COVID-19 tăng đột biến do biến thể Omicron gây ra vào năm 2022. Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng thu nhập từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ phục hồi từ 2023, vì cơ quan quản lý Nhật Bản đã thay đổi các quy định vào cuối tháng 9 năm 2022.

Trong khi đó, chênh lệch đầu tư đã tăng lên ở mức hơn 50%, một phần do tác động tiêu cực tạm thời đối với lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm từ COVID-19.

Tuy nhiên, Fitch tin rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản sẽ tăng đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản siêu dài hạn vào năm 2023 thay vì trái phiếu nước ngoài, nhờ lợi suất trái phiếu đồng yên Nhật tăng vừa phải. Do đó, cơ quan này kỳ vọng rủi ro lãi suất của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản, vốn gây ra bởi sự không phù hợp về thời hạn tài sản và trách nhiệm pháp lý, sẽ giảm đáng kể.

Thu nhập từ việc kinh doanh các sản phẩm bảo vệ có lãi (chẳng hạn như bảo hiểm sức khỏe và bảo vệ tử vong), khá ổn định và sinh lãi nhiều hơn so với hầu hết các khu vực pháp lý khác bên ngoài Nhật Bản, vẫn chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Nhật Bản cũng có khả năng đạt được khả năng sinh lời khá trong hoạt động đánh giá rủi ro nội địa trong năm 2023, một phần là do phí bảo hiểm tài sản tiếp tục tăng, được củng cố bởi độc quyền, mặc dù rất có thể các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro thiên tai nghiêm trọng ở Nhật và Mỹ.

Phí bảo hiểm nên tiếp tục tăng đối với bảo hiểm tài sản để đối phó với những tổn thất được bảo hiểm do thảm họa, điều này sẽ thúc đẩy kết quả trong trung hạn.

Fitch cho biết: “Chúng tôi đánh giá triển vọng ổn định đối với bảy trong số chín công ty bảo hiểm Nhật Bản được xếp hạng, còn lại là một công ty có triển vọng tích cực và một công ty có xếp hạng theo dõi tích cực (RWP). Triển vọng tích cực là do thế mạnh cụ thể của công ty trong các nguyên tắc cơ bản về tín dụng. Xếp hạng RWP là do triển vọng từ việc sắp xếp lại hoạt động kinh doanh bảo hiểm quốc tế”.

Các công ty bảo hiểm Nhật Bản được xếp hạng giữa ‘BBB+’ và ‘AA-‘. Các công ty bảo hiểm có hồ sơ tín dụng tốt hơn có xu hướng tiếp cận với hoạt động kinh doanh chất lượng và áp dụng các chiến lược đánh giá rủi ro thận trọng ở cả Nhật Bản và nước ngoài.

Philippines: Nhiều công ty nước ngoài dự kiến sẽ tham gia thị trường bảo hiểm

(AIR) – Nhiều công ty nước ngoài có khả năng sẽ tham gia vào thị trường bảo hiểm ở Philippines khi hạn chót cho đợt tăng vốn cần thiết cuối cùng đang đến gần – một động thái sẽ ảnh hưởng đến các công ty bảo hiểm nhỏ trong nước.

The Philippine Star đưa tin dẫn lời Hiệp hội các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm Philippines (PIRA), tổ chức bảo trợ đại diện cho lợi ích của ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, cho biết một số công ty nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Philippines.

Tổng Giám đốc PIRA Michael Rellosa nói với The Star: “Chúng tôi được người Hàn Quốc tiếp cận để M&A. Họ đại diện cho vốn của Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản”.

Theo Bộ luật Bảo hiểm, các công ty bảo hiểm hiện tại phải có giá trị ròng ít nhất là 1,3 tỷ PHP (23,3 triệu USD) trước ngày 31 tháng 12 năm nay từ mức tối thiểu bắt buộc hiện tại là 900 triệu PHP.

Thật không may, không phải tất cả các công ty bảo hiểm đều có thể tuân thủ yêu cầu 1,3 tỷ PHP, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 đã cắt giảm giá trị ròng của các công ty bảo hiểm trong hai năm qua.

Bộ luật bảo hiểm ban hành năm 2013 yêu cầu về vốn đối với các công ty bảo hiểm được tăng lên ba năm một lần cho đến năm 2022. Giá trị tài sản ròng yêu cầu là 250 triệu PHP vào năm 2013, 550 triệu PHP vào năm 2016, 900 triệu PHP vào năm 2019 và 1,3 tỷ PHP vào năm 2022 .

Ông Rellosa cho biết số lượng thành viên của PIRA hiện tại đã giảm xuống còn 56 từ 130 và con số này có thể giảm xuống còn khoảng 40 vào năm tới.

Australia ban hành hướng dẫn để giải quyết sự thiên vị thuật toán trong việc sử dụng AI

(AIR) – Viện Actuaries và Ủy ban Nhân quyền Úc (AHRC) nói rằng mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn đưa ra quyết định nhanh hơn và thông minh hơn, nhưng cần có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn khả năng phân biệt đối xử.

Tài nguyên Hướng dẫn được ban hành vào ngày 1 tháng 12 và do Viện và AHRC cùng chuẩn bị được thiết kế để giúp các chuyên gia tính toán và công ty bảo hiểm tuân thủ luật chống phân biệt đối xử của liên bang khi AI được sử dụng để định phí hoặc đánh giá rủi ro các sản phẩm bảo hiểm.

Theo bà Elayne Grace, Tổng Giám đốc Viện Actuaries Úc: “Sự hợp tác này thể hiện bản chất phức tạp của các vấn đề mà xã hội đang phải đối mặt và nhu cầu về cách tiếp cận đa ngành, đặc biệt là khi dữ liệu và công nghệ được sử dụng để định hình việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như bảo hiểm”.

Bà Lorraine Finlay, Ủy viên Nhân quyền cho biết: “Với việc các doanh nghiệp ngày càng sử dụng AI để đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của mọi người, điều cần thiết là chúng ta phải có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo tính toàn vẹn của luật chống phân biệt đối xử”.

“Nhưng nếu không có biện pháp bảo vệ đầy đủ, có khả năng sự thiên vị thuật toán có thể khiến mọi người bị phân biệt đối xử do các đặc điểm như tuổi tác, chủng tộc, khuyết tật hoặc giới tính”.

Hướng dẫn này được phát triển sau một báo cáo năm 2021 của AHRC xem xét các tác động nhân quyền của các công nghệ mới và mới nổi, bao gồm cả việc ra quyết định dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Một trong những khuyến nghị của báo cáo đó là một bộ hướng dẫn được phát triển để các tổ chức chính phủ và phi chính phủ sử dụng về việc tuân thủ luật chống phân biệt đối xử của liên bang khi AI được sử dụng trong quá trình ra quyết định.

Một cuộc khảo sát các thành viên của Viện Actuaries trong năm nay cho thấy ít nhất 70% cho thấy cần có thêm hướng dẫn để tuân thủ trong lĩnh vực mới nổi hoặc trong việc sử dụng AI rộng rãi hơn.

Chuyên gia định phí Chris Dolman, người đứng đầu nhóm làm việc của Viện trong việc chuẩn bị Tài nguyên Hướng dẫn với tư cách là đại diện của Ủy ban Thực hành Khoa học Dữ liệu, cho biết hướng dẫn này liệt kê một số chiến lược dành cho các công ty bảo hiểm liên quan đến dữ liệu được các hệ thống AI sử dụng để giải quyết sai lệch thuật toán và tránh kết quả phân biệt đối xử .

Theo ông Dolman, điều này bao gồm thiết kế nghiêm ngặt, kiểm tra và giám sát thường xuyên các hệ thống AI. Nó cũng cung cấp một số lời khuyên thiết thực cho các công ty bảo hiểm để giúp giảm thiểu rủi ro của một khiếu nại phân biệt đối xử thành công phát sinh từ việc sử dụng AI để định phí rủi ro.

Ông nói: “Trong bối cảnh bảo hiểm, AI có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm liên quan đến định phí, đánh giá rủi ro, tiếp thị, dịch vụ khách hàng, bao gồm quản lý bồi thường hoặc hoạt động nội bộ.

“Tài nguyên hướng dẫn này tập trung vào việc sử dụng AI trong các quyết định định phí và đánh giá rủi ro, vì những quyết định này có khả năng sử dụng AI và về bản chất, chúng sẽ có tác động tài chính có thể đáng kể đối với một cá nhân. Những quyết định như vậy cũng có nhiều khả năng làm phát sinh khiếu nại phân biệt đối xử từ khách hàng. Tuy nhiên, nhiều nguyên tắc chung được vạch ra cũng có thể áp dụng cho việc sử dụng quá trình ra quyết định dựa trên thông tin của AI trong các bối cảnh khác”, ông Dolman nói.

Hàn Quốc: Xếp hạng tín dụng của Meritz Fire & Marine được cải thiện nhờ khả năng sinh lời cao

(AIR) – AM Best lưu ý rằng Công ty Bảo hiểm Hàng hải & Hỏa hoạn Meritz đã công bố khả năng sinh lời cao trong những năm gần đây, được hỗ trợ bởi hiệu suất đầu tư vượt trội liên tục và hiệu suất kinh doanh bảo hiểm được cải thiện.

Công ty đã báo cáo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức hai con số trong mỗi năm năm qua với mức trung bình là 17,7% (2017-2021).

Mặc dù Meritz tiếp tục vượt trội so với các công ty trong nước về tỷ lệ tổn thất và lợi nhuận đầu tư, nhưng tỷ lệ chi phí của công ty đã tăng mạnh trước năm 2019, do hoạt động kinh doanh mới tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, xu hướng này đã ổn định và tỷ lệ chi phí của Meritz đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây khi công ty điều chỉnh lại chiến lược kênh của mình với sự tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ chi phí cố định.

Tỷ lệ tổn thất chung của công ty tiếp tục giảm trong giai đoạn gần đây. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi tỷ lệ tổn thất được cải thiện trong các nghiệp vụ bảo hiểm dài hạn do cơ sở phí bảo hiểm mở rộng và kỷ luật đánh giá rủi ro chặt chẽ hơn, cũng như những nỗ lực gần đây của cơ quan quản lý nhằm bình thường hóa các yêu cầu y tế bằng cách kiểm soát việc điều trị quá mức tại các phòng khám.

Trong khi đó, hiệu suất đầu tư mạnh mẽ của Meritz, được hỗ trợ bởi lợi nhuận cạnh tranh từ các khoản vay liên quan đến bất động sản, tiếp tục là nguồn thu nhập chính, với lợi tức đầu tư ròng trung bình 5 năm (bao gồm cả lãi/lỗ vốn) là 4,9% (2017-2021).

AM Best đã nâng Xếp hạng Sức mạnh Tài chính của Meritz lên A (Xuất sắc) từ A- (Xuất sắc) và Xếp hạng Tín dụng Nhà phát hành Dài hạn lên “a” (Xuất sắc) từ “a-” (Xuất sắc). Triển vọng của các xếp hạng tín dụng này đã được sửa đổi thành ‘Ổn định’ từ ‘Tích cực’.

Ngoài khả năng sinh lời cao, xếp hạng phản ánh sức mạnh của bảng cân đối kế toán của Meritz, được AM Best đánh giá là mạnh, cũng như hiệu quả hoạt động tốt, hồ sơ kinh doanh trung lập và quản lý rủi ro doanh nghiệp phù hợp.

AM Best đánh giá vốn hóa đã điều chỉnh theo rủi ro của Meritz là rất mạnh, được đo bằng Tỷ lệ an toàn vốn (BCAR) của Best, được hỗ trợ bởi khả năng tạo vốn nội bộ mạnh mẽ và tính linh hoạt tài chính tốt.

Lãi suất tăng nhanh gần đây đã gây áp lực đáng kể lên vốn của công ty do các khoản lỗ chưa thực hiện đối với việc nắm giữ trái phiếu dài hạn. Tuy nhiên, AM Best kỳ vọng rằng độ nhạy vốn hiện tại đối với lãi suất sẽ được giảm nhẹ sau khi IFRS 17 có hiệu lực vào năm 2023, theo đó sự không phù hợp về kế toán giữa tài sản có và nợ phải trả bảo hiểm sẽ được giải quyết phần lớn.

AM Best cũng lưu ý rằng công ty mẹ của công ty bảo hiểm, Tập đoàn tài chính Meritz (MFG), gần đây đã công bố kế hoạch hủy niêm yết Meritz khỏi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc và chuyển công ty thành một công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn vào quý đầu tiên của năm 2023. Về chính sách cổ tức trong tương lai theo cấu trúc mới, AM Best kỳ vọng rằng dòng thu nhập mạnh mẽ của Meritz sẽ tiếp tục hỗ trợ sức mạnh của bảng cân đối kế toán trong trung hạn.

Meritz là công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ năm tại Hàn Quốc và thị phần của công ty đã tăng dần trong 5 năm qua từ 8,6% năm 2017 lên 11,3% vào năm 2021 xét về tổng phí bảo hiểm gốc (GPW). Công ty có chiến lược tập trung vào bảo hiểm dài hạn (86% GPW năm 2021), bao gồm nhiều loại rủi ro cá nhân khác nhau như tai nạn, bệnh tật và chi phí y tế. Mặc dù kênh tổng đại lý vẫn là kênh phân phối chính, nhưng Meritz gần đây đã cố gắng mở rộng kênh đại lý trực thuộc để tăng cường kiểm soát phân phối cũng như cải thiện khả năng sinh lời tổng thể.

BTV (Tổng hợp).