TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 39

FWD đóng góp hơn 1 triệu USD phòng chống Covid-19; Fubon Life ra mắt ứng dụng quản lý HĐ trên điện thoại di động; Chubb mua lại Cigna châu Á-Thái Bình Dương

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 39

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

VBI Thanh Hóa chi trả 800 triệu đồng Bảo hiểm người vay vốn

(VBI) – Ngày 12/10/2021, VBI Thanh Hóa đã phối hợp cùng Ngân hàng VietinBank Bắc Thanh Hóa tổ chức chi trả 500 triệu đồng quyền lợi gói Bảo hiểm Người vay vốn cho gia đình khách hàng Đồng Văn Lộc và 300 triệu đồng cho gia đình khách hàng Nguyễn Văn Loan.

Vì cần vay vốn kinh doanh, ông Lộc và ông Loan đã tới Ngân hàng VietinBank Bắc Thanh Hóa để được hỗ trợ vay vốn. Tại đây, hai khách hàng đã được cán bộ Ngân hàng VietinBank Bắc Thanh Hóa tư vấn tham gia Bảo hiểm Người vay vốn với quyền lợi bảo hiểm tử vong/ thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn và bệnh đặc biệt với quyền lợi bảo hiểm lần lượt là 500 triệu đồng và 300 triệu đồng.

Không lâu sau, ông Lộc và ông Loan qua đời. Ngay sau khi nhận được tin buồn, VBI Thanh Hóa đã nhanh chóng liên hệ và hướng dẫn gia đình hai khách hàng làm hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người thụ hưởng.

Tại buổi Lễ, vợ ông Đồng Văn Lộc xúc động cảm ơn VBI Thanh Hóa và VietinBank Bắc Thanh Hóa đã kịp thời thăm hỏi, động viên và chi trả sớm quyền lợi, giúp gia đình bớt đi nỗi lo tài chính, vượt qua mất mát để ổn định cuộc sống.

VBI vẫn luôn là là đơn vị bảo vệ vững chãi, cam kết đảm bảo quyền lợi cho tất cả các khách hàng tham gia bảo hiểm trong những giai đoạn khó khăn. Với số tiền chi trả bảo hiểm, VBI mong rằng, gia đình khách hàng có thể an tâm ổn định cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh này.

Gói sản phẩm người vay vốn được áp dụng với tất cả cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vay vốn tại các ngân hàng liên kết với VBI. Khi tham gia bảo hiểm người vay vốn tại VBI, khách hàng sẽ được cán bộ ngân hàng tư vấn chặt chẽ các thủ tục, quyền lợi cũng như các ưu đãi. Đặc biệt, với công nghệ mới được tích hợp trong ứng dụng MyVBI, khách hàng sẽ được trải nghiệm những tiện ích thông minh giúp tiết kiệm 50% thời gian so với phương thức truyền thống. Ứng dụng cho phép khách hàng tham gia bảo hiểm dễ dàng chỉ sau một chạm, giải quyết hồ sơ nhanh chóng và rút ngắn thời gian bồi thường chỉ còn 30 phút.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm PVI hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu 9 tháng đầu năm 2021

(PVI) – Ngày 21/10/2021, Bảo hiểm PVI tổ chức Hội nghị Sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021. Hội nghị do ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc, chủ trì.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, Bảo hiểm PVI đạt tổng doanh thu 7.583,7 tỷ đồng, hoàn thành 107,8% kế hoạch 9 tháng và 79,2% kế hoạch năm 2021, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng bảo hiểm gốc, doanh thu tăng trưởng 10,1% so với 9 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 686,6 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 161,9% kế hoạch 9 tháng, 106,4% kế hoạch năm.

Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất lọt Top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhât Việt Nam, theo công bố mới đây của Vietnam Report. Bảo hiểm PVI cũng vững vàng vị trí nhà Bảo hiểm Công nghiệp số 1 thị trường với doanh thu từ bảo hiểm cho các doanh nghiệp tăng trưởng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.

3 tháng cuối năm 2021, Bảo hiểm PVI tập trung áp dụng các biện pháp linh hoạt, hiệu quả để phấn đấu đạt mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng; đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử; tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Hội nghị cũng đã khen thưởng các Đơn vị thành viên và các Ban Tổng công ty đã có thành tích xuất sắc trong quản lý và kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021.

PJICO 6 năm liên tiếp lọt vào tốp đầu trong bảng xếp hạng bảo hiểm uy tín

(PJICO) – Tổng công ty CP bảo hiểm Petrolimex tiếp tục được xướng tên trong Lễ công bố Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2021. PJICO đứng thứ 4/10 trong bảng xếp hạng và đây là năm thứ 6 liên tiếp Công ty nằm trong danh sách tốp đầu danh hiệu này. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, uy tín doanh nghiệp đã vươn lên trở thành yếu tố bên trong quan trọng thứ 3 ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DNBH trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Theo Vietnam Report, uy tín của các công ty bảo hiểm được lượng hóa một cách khách quan, độc lập, căn cứ theo kết quả năng lực tài chính doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông theo phương pháp Media coding, và thực hiện khảo sát đối tượng nghiên cứu, các bên liên quan. Cụ thể, các chỉ số năm 2020 của PJICO về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, độ nhận biết, sự hài lòng của khách hàng về các sản phẩm/dịch vụ cùng uy tín trên truyền thông đã được đưa ra mã hóa… Về kết quả kinh doanh năm 2020 của PJICO, tổng doanh thu đạt 4.146 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2019, đây là năm PJICO có kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay.

Năm 2021, ngay từ những tháng đầu năm, PJICO đã đi tiên phong trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh ở tất cả các khâu để đáp ứng xu thế thị trường và ứng phó với kịch bản đại dịch Covid-19 kéo dài như tư vấn, bán bảo hiểm, cấp đơn bảo hiểm, hóa đơn điện tử, giám định bồi thường, tái bảo hiểm.

Tại Nghị quyết HĐQT công bố gần nhất, PJICO sẽ phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng, việc này sẽ giúp PJICO tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới, tăng cường năng lực tài chính và tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia các dự án đấu thầu lớn trên thị trường. Dự kiến, thời gian hoàn thành việc phát hành tăng vốn điều lệ trong quý I/2022, PJICO sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào tháng 12/2021 để trình cổ đông xem xét thông qua phương án phát hành cổ phiểu.

Phương án phát hành cổ phiếu thưởng lần này từ nguồn Quỹ thặng dư vốn sau thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ của PJICO với Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) sẽ giúp hiện thực hóa gia tăng lợi ích cho các cổ đông hiện hữu của PJICO. Bên cạnh lợi ích được tăng số cổ phần sở hữu, cổ đông còn được hưởng cổ tức năm 2021 bằng tiền nhiều hơn phương án đã thông qua tại ĐHĐCĐ đầu năm. Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ sẽ làm tăng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, gia tăng tính thanh khoản và tính hấp dẫn của cổ phiếu PGI trên thị trường chứng khoán.

Bảo Việt: Triển khai chương trình siêu khuyến mại (Grand Sale) trên toàn quốc để tri ân khách hàng

(BVH) – Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, trong bối cảnh dần chuyển mình sang giai đoạn “bình thường mới”, Bảo Việt triển khai nhiều chương trình khuyến mại trong toàn hệ thống nhằm chung sức cùng người dân Việt Nam vượt qua đại dịch Covid 19.

Bảo Việt Nhân thọ triển khai chương trình “Nhịp sống mới, bình an tới” từ ngày 18/10/2021 đến 31/12/2021. Với tổng giải thưởng lên tới 5 tỷ đồng, chương trình là lời tri ân đặc biệt của Bảo Việt Nhân thọ dành cho khách hàng, chung sức cùng người Việt vượt dịch Covid 19. Khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới của Bảo Việt Nhân thọ trong dịp này sẽ có cơ hội tham gia quay thưởng và nhận các giải thưởng hấp dẫn, trong đó giải thưởng lớn nhất là 02 xe ô tô trị giá hơn 551 triệu đồng mỗi xe và 900 giải thưởng giá trị khác. Bảo Việt Nhân thọ đã luôn nỗ lực không ngừng để mang lại cuộc sống an khang, hạnh phúc cho các gia đình Việt, xứng đáng là doanh nghiệp có bề dầy lịch sử 25 năm khai mở thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Bảo hiểm Bảo Việt đưa ra chương trình ưu đãi “Chắc tay lái – Vui nhận quà” trong thời gian từ ngày 01/09/2021 đến 30/11/2021. Thấu hiểu những lo lắng của khách hàng trong việc tham gia giao thông, Chương trình ưu đãi “Chắc tay lái – Vui nhận quà” giảm phí 10% đối với Bảo hiểm Ôtô tự nguyện. Chương trình bảo hiểm ô tô tự nguyện ưu đãi bao gồm: Bảo hiểm vật chất; Bảo hiểm TNDS tự nguyện của chủ xe ô tô; Bảo hiểm TNDS của chủ xe đối với hàng hóa trên xe ô tô; Bảo hiểm tai nạn người trên xe. Với mức phí chi phí hợp lý và đăng ký tham gia dễ dàng, đồng thời sử dụng chứng nhận điện tử không lo rách nát hay thất lạc, cùng tổng đài hỗ trợ hoạt động 24/7, chắc chắn các chương trình bảo hiểm xe cơ giới của Bảo hiểm Bảo Việt sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho chủ xe cũng như xã hội.

Đối với các sản phẩm đầu tư tài chính khác: Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng triển khai chương trình khuyến mại “Mở liền tay, Nhận ngay tiền mặt”, mỗi khách hàng mở tài khoản eKYC (mở tài khoản chứng khoán định danh điện tử trực tuyến eKYC), sẽ nhận ngay 100.000 đồng vào tài khoản chứng khoán ở lần đăng nhập thành công đầu tiên. Chương trình “Giới thiệu bạn, Thưởng không giới hạn” cũng sẽ tặng ngay khách hàng hiện tại của BVSC số tiền 100.000 đồng vào tài khoản chứng khoán khi giới thiệu người mở tài khoản và có giao dịch đầu tiên thành công tối thiểu 200.000 đồng.

Fubon Life Việt Nam ra mắt ứng dụng quản lý hợp đồng bảo hiểm trên điện thoại di động

(TBTCO) – Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, Fubon Life Việt Nam vừa chính thức cho ra mắt ứng dụng quản lý hợp đồng bảo hiểm trên điện thoại di động (Ứng dụng Fubon Life VN).

Ứng dụng mới ra mắt sẽ hỗ trợ khách hàng dễ dàng quản lý hợp đồng bảo hiểm online, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đây là phiên bản ứng dụng điện thoại của cổng thông tin khách hàng dành cho tất cả khách hàng sở hữu hợp đồng bảo hiểm tại Fubon Life Việt Nam, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng trong việc phục vụ khách hàng, gia tăng các dịch vụ mới đến cho khách hàng, thực hiện triết lý “Khách hàng là trung tâm” trong hoạt động kinh doanh và cũng là động thái tiếp theo của Fubon Life Việt Nam trong chiến lược “số hóa dịch vụ bảo hiểm” sau việc cho ra mắt cổng thông tin điện tử dành cho khách hàng vào năm 2019.

Ứng dụng “Fubon Life Việt Nam” ra đời với mục tiêu trở thành người bạn đồng hành hữu ích của khách hàng trong việc quản lý hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại công nghệ số, khi smartphone đang trở thành vật dụng không thể thiếu của mỗi cá nhân. Ứng dụng “Fubon Life VN” đã có trên kho ứng dụng của App store và CH Play dành cho hệ điều hành iOS và Android.

Giờ đây, thay vì phải tốn chi phí cho những cuộc điện thoại kết nối lên tổng đài, thông qua ứng dụng “Fubon Life VN”, chỉ bằng các thao tác vô cùng đơn giản, khách hàng có thể dễ dàng chủ động quản lý, tra cứu tất cả những thông tin về hợp đồng bảo hiểm (ngày hiệu lực/đáo hạn của hợp đồng, tình trạng hợp đồng, giá trị hoàn lại, thông tin về lịch sử đóng phí…); đóng phí bảo hiểm; gửi yêu cầu trực tuyến thật tiện lợi hoặc tra cứu thông tin hóa đơn điện tử.., nhanh chóng mọi lúc mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn.

Đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp của bộ phận nghiệp vụ bảo hiểm sẽ liên tục cập nhật thông tin mới nhất lên ứng dụng cho khách hàng. Trong tương lai, Fubon Life Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung nhiều tính năng khác cho ứng dụng quản lý hợp đồng bảo hiểm trên điện thoại di động, đồng thời hỗ trợ khách hàng quản lý thông tin hợp đồng bảo hiểm của mình một cách minh bạch và bảo mật.

Ông Rick.Chiang – Tổng giám đốc Fubon Life Việt Nam, chia sẻ: “Trong bối cảnh chuyển đổi số và hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc ra mắt ứng dụng quản lý hợp đồng bảo hiểm trên điện thoại di động là bước đi kịp thời và phù hợp để thích ứng với tình hình chung. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước tiến mới trong việc mang đến sự thuận tiện và trải nghiệm thật sự tích cực cho khách hàng”.

Cũng theo ông Rick Chiang, ứng dụng quản lý hợp đồng bảo hiểm trên điện thoại di động của Fubon Life Việt Nam không chỉ giúp cho bản thân mỗi khách hàng có thể tự tra cứu tất cả những thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình, mà còn giúp cho việc giao dịch với khách hàng của Fubon Life Việt Nam trở nên thuận tiện hơn, nhất là trong công tác quản lý hồ sơ khách hàng, nâng mức độ chuyên nghiệp của công ty lên một tầm cao mới.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để phát triển thị trường an toàn, hiệu quả

(TBTCO) – Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 20 năm, nhằm kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Sáng 22/10, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo tờ trình, đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự.

Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập…

Chính phủ cho rằng, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.

Việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, theo Chính phủ, sẽ bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, luật phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua, tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như tờ trình của Chính phủ.

Theo ủy ban này, việc sửa đổi luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả; tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Việc sửa đổi luật này cũng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ – tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Về hồ sơ và bố cục dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định.

Liên quan đến một số nội dung sửa đổi trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất sửa đổi về hợp đồng bảo hiểm. Theo Bộ Tài chính, nội dung về hợp đồng bảo hiểm cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.

Về vấn đề này, dự thảo luật đã bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự và thực tiễn của thị trường như: điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt HĐBH, HĐBH vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền…

Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp, tại dự thảo luật đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm trong các công tác này và định hướng việc giải quyết tranh chấp.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với các quy định về HĐBH và cho rằng HĐBH là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định tại chương này như hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, HĐBH vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng… để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Một vấn đề dư luận quan tâm đó là quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.

Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật quy định áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Đây là nội dung có tính kỹ thuật và chuyên môn sâu, có tác động lớn đến các doanh nghiệp đang hoạt động do việc chuyển đổi mô hình quản lý tài chính với yêu cầu, đòi hỏi cơ sở dữ liệu, khả năng tính toán cũng như quản trị của các doanh nghiệp phải đáp ứng ở mức độ cao hơn.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ khả năng đáp ứng các quy định về quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm Việt Nam trong việc tính toán yêu cầu về vốn trên cơ sở rủi ro, sự đồng bộ hóa về các dữ liệu với cơ quan quản lý, giám sát về hoạt động bảo hiểm.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

FWD đóng góp hơn 1 triệu USD hỗ trợ phòng chống Covid-19

(TBTCO) – Ở thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản chống chế được dịch Covid-19 ở hầu hết các tỉnh thành, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở về bình thường mới. Đồng hành bền bỉ cùng Chính phủ và lực lượng y tế tuyến đầu trong suốt cuộc chiến vừa qua không ai khác hơn là các doanh nghiệp. Vừa đảm bảo chăm sóc đời sống cho nhân viên, vừa xoay sở điều hành kinh doanh trong thời gian giãn cách kéo dài, vừa xông pha vào trận tuyến bằng việc ủng hộ vật tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện đã chiến, các doanh nghiệp lớn cũng chính là những “anh hùng” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của cộng đồng doanh nghiệp “anh hùng”. Bằng nhiều các hoạt động khác nhau, công ty đã đóng góp hơn 23 tỷ đồng để cùng Chính phủ và người dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Bà Nguyễn Phương Anh – Phó Tổng giám đốc Phát triển các dự án chiến lược và thương hiệu FWD Việt Nam, cho biết: “Là công ty bảo hiểm luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu, FWD Việt Nam hiểu được tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc chung tay bảo vệ cộng đồng trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh. Đó là lý do chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức để kịp thời hỗ trợ cho các bệnh viện và những người đang gặp khó khăn. Chung tay giúp đỡ lẫn nhau là yếu tố quan trọng giúp chúng ta sớm vượt qua được đại dịch này”.

Theo đó, FWD Việt Nam đã đóng góp 1 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ; hỗ trợ Bộ Y tế 1 tỷ đồng trang bị hệ thống giao ban trực tuyến phục vụ hoạt động điều hành chống dịch; ủng hộ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh tổng số tiền là 4 tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động tiêm chủng và điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

FWD Việt Nam cũng trao tặng 2.000 phần quà gồm khẩu trang, đồ bảo hộ và thực phẩm dinh dưỡng, với tổng trị giá 2 tỷ đồng đến 2.000 y, bác sỹ tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An và Nghệ An. Bên cạnh đó, Tập đoàn FWD cũng đã thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh trao tặng 20 máy thở với tổng trị giá hơn 5,5 tỷ đồng cho các bệnh viện điều trị Covid-19 tại thành phố.

Song song đó, FWD Việt Nam luôn đồng hành và kịp thời chăm sóc, hỗ trợ tài chính cho hàng trăm khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị 10 tỷ đồng, giúp khách hàng an tâm và vững tin hơn trong việc bảo vệ sức khỏe.

FWD là tập đoàn bảo hiểm châu Á được thành lập vào năm 2013 với khoảng 10 triệu khách hàng tại 10 thị trường, bao gồm một số thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với tầm nhìn thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm, FWD là công ty bảo hiểm khác biệt, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, giúp quá trình tham gia bảo hiểm đơn giản, nhanh chóng và dễ dàng hơn nhờ vào các giải pháp sáng tạo, sản phẩm dễ hiểu được hỗ trợ bởi công nghệ số thông minh.

Tuy gia nhập thị trường Việt Nam muộn hơn nhiều đơn vị khác, FWD đã nhanh chóng vươn lên trở thành thương hiệu bảo hiểm nhân thọ uy tín được yêu thích rộng rãi với hàng loạt giải thưởng lớn như: Giải thưởng công ty có môi trường làm việc tốt nhất châu Á trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021; công ty bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2021 của The Global Economics; Công ty bảo hiểm dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng thuộc Giải thưởng Rồng Vàng 2020 và 2021; Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2020 của Alphabe…

  1. Tin quốc tế

Allianz Life ra mắt gói dịch vụ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân COVID-19

(INA) – Công ty bảo hiểm Allianz Life Insurance Malaysia Berhad (Allianz Life) đang hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà Speedoc để giới thiệu dịch vụ đầu tiên thuộc loại này có tên gọi Allianz Care @ Home. Đây là dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà dành cho khách hàng là bệnh nhân COVID-19.

Với các giải pháp chăm sóc y tế một cửa này, bệnh nhân COVID-19, được phân loại từ Loại 3 trở lên, có thể được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà trong khi chờ nhập viện.

Một đội ngũ y tế sẽ được cử đến nhà khách hàng để chăm sóc và hỗ trợ y tế sơ bộ, đồng thời hỗ trợ việc nhập viện đến các trung tâm y tế được chỉ định để điều trị thêm.

Vào đầu tháng 9, Bộ trưởng Y tế Tan Sri Dr Noor Hisham Abdullah cho biết, tình hình điều trị COVID-19 tại một số bang đã vượt quá công suất giường bệnh, bao gồm Penang với 117% công suất, Perlis là 102% và Johor 101%.

Các bang gần đạt công suất giường COVID-19 là Kelantan là 95%, Kedah là 94% và Sabah là 92%. Trong khi đó, công suất giường của Selangor là 66% và Kuala Lumpur là 58%.

Phát biểu về vấn đề này, Tổng Giám đốc Allianz Life, ông Joseph Gross, nói: “Những gì chúng tôi có thể làm với tư cách là một công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ là mang dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp đến tận nhà khách hàng để mang lại cho họ sự an tâm trong khi chờ đợi có giường trong bệnh viện. Điều này rất quan trọng vì COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của bệnh viện trong việc xử lý một lượng lớn bệnh nhân bị bệnh nặng”.

Chubb mua lại mảng kinh doanh châu Á-Thái Bình Dương của Cigna với giá 5,75 tỷ đô la

(INA) – Công ty bảo hiểm toàn cầu Chubb Limited sẽ mua lại mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Cigna tại bảy thị trường Châu Á – Thái Bình Dương với giá 5,75 tỷ USD.

Các hoạt động kinh doanh được mua lại bao gồm bảo hiểm tai nạn và sức khỏe (A&H) và kinh doanh nhân thọ của Cigna tại Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand và Thái Lan, Hồng Kông và Indonesia và cổ phần của Cigna trong một liên doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quy mô giao dịch trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Sau khi hoàn tất giao dịch, thị phần của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong danh mục đầu tư toàn cầu của Chubb sẽ tăng từ khoảng 4 tỷ đô la lên 7 tỷ USD và chiếm khoảng 20% cổ phần của công ty – không bao gồm Trung Quốc. Hơn 80% phí bảo hiểm mà doanh nghiệp có được là từ các sản phẩm A&H bổ sung, tiếp tục xây dựng vị thế dẫn đầu của Chubb trong lĩnh vực A&H bổ sung toàn cầu, với phí bảo hiểm tăng từ 3,7 tỷ USD lên 6,1 tỷ USD. Cùng với nhau, A&H và bảo hiểm nhân thọ sẽ chiếm 21% tổng doanh thu phí bảo hiểm của công ty so với mức 14% hiện nay.

Ông Evan G. Greenberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chubb, bình luận: “Việc bổ sung hoạt động kinh doanh của Cigna, chủ yếu là lĩnh vực A&H, sẽ cân bằng hơn nữa danh mục đầu tư toàn cầu của chúng tôi đối với khu vực quan trọng này. Chúng tôi từ lâu đã ngưỡng mộ và tôn trọng hoạt động kinh doanh của Cigna ở châu Á bao gồm những con người tài năng, sản phẩm sáng tạo, khả năng kỹ thuật và phân tích, phân phối và quản lý. Chúng tôi biết rõ những doanh nghiệp này vì công ty đã có quy mô kinh doanh khá lớn trong khu vực và trên toàn cầu”.

Ngành bảo hiểm Thái Lan cung cấp bảo hiểm dị ứng vắc xin

(INA) – Công ty xếp hạng AM Best cho biết, các sản phẩm bảo hiểm dị ứng vắc xin do Thái Lan tung ra nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài chính quan trọng ở quốc gia Đông Nam Á và mang lại cơ hội tốt cho tăng trưởng kinh doanh nhưng các công ty bảo hiểm nên thận trọng với những rủi ro liên quan đến các sản phẩm mới.

Trong một bài bình luận của AM Best, “Các công ty bảo hiểm Thái Lan cung cấp sản phẩm gây dị ứng vắc xin sáng tạo, nhưng rủi ro thẩm định vẫn còn”, công ty xếp hạng cho biết rằng với các biến thể mới đã xuất hiện, cùng với sự chần chừ của vắc xin, sự ra đời gần đây của bảo hiểm dị ứng vắc xin cung cấp cơ hội tăng trưởng cho phân khúc bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Thái Lan, vốn được hỗ trợ bởi nhu cầu bảo hiểm y tế mạnh mẽ vào năm 2020.

AM Best nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro. Việc giảm thiểu rủi ro hiệu quả sẽ cần được hỗ trợ bởi quản lý rủi ro khi thẩm định thận trọng, bao gồm việc sử dụng tái bảo hiểm một cách thích hợp, chiến lược định giá hiệu quả, điều khoản bảo hiểm được xác định rõ ràng và các giới hạn thận trọng phù hợp với nhu cầu rủi ro của công ty.

“Các công ty bảo hiểm sẽ cần phải theo sát các diễn biến liên quan đến vắc xin liên quan đến tần suất và xu hướng nghiêm trọng của các tác dụng phụ trong nước và toàn cầu để chủ động quản lý và hạn chế rủi ro của họ nếu các xu hướng bất lợi phát triển. Hồ sơ vắc xin COVID-19 khác nhau giữa các nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới đã lưu ý rằng thiếu dữ liệu chất lượng toàn diện liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng của các loại vắc xin cụ thể. Những phát triển tích cực hoặc tiêu cực trong những lĩnh vực này có thể mang lại những tác động quan trọng đối với các công ty bảo hiểm Thái Lan cung cấp bảo hiểm dị ứng vắc xin, ”AM Best cho biết.

Anh: bồi thường gián đoạn kinh doanh do COVID tăng cao

(INN) – Cơ quan quản lý tài chính (FCA) cho biết các khoản thanh toán cuối cùng cho các khiếu nại bảo hiểm gián đoạn kinh doanh liên quan đến đại dịch COVID-19 ở Anh đã lên tới 766,6 triệu Bảng (1,4 tỷ USD).

Tổng giá trị của các khoản thanh toán tạm thời / ban đầu được thực hiện trong trường hợp 4.403 yêu cầu bồi thường chưa được hoàn tất là 329,4 triệu Bảng (609,4 triệu USD).

Bản cập nhật cho thấy 28.866 chủ hợp đồng (trong số 42.222 người yêu cầu bồi thường được chấp nhận) đã nhận được ít nhất một khoản thanh toán tạm thời.

FCA đang theo dõi các khoản thanh toán sau quyết định kháng cáo vụ án của Tòa án Tối cao được công bố vào ngày 15 tháng 1. Kháng cáo này có lợi đáng kể cho các chủ hợp đồng.

Trước đó, FCA đã thúc giục các công ty bảo hiểm thanh toán đầy đủ các yêu cầu hợp lệ càng sớm càng tốt để hỗ trợ khách hàng.

Phí bảo hiểm P&C cá nhân kỹ thuật số khu vực Nam Á đạt 7,5 tỷ USD trong 5 năm

(AIR) – Theo một nghiên cứu thị trường của Swiss Re, thị trường tài sản kỹ thuật số & bảo hiểm cá nhân dự kiến sẽ đạt mức phí bảo hiểm tích lũy 7,5 tỷ USD trong 5 năm tới trên khắp Nam và Đông Nam Á.

Swiss Re đã khảo sát 5.600 người tiêu dùng tại sáu quốc gia từ Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam để xác định thái độ của họ đối với việc mua bảo hiểm P&C trực tuyến.

Báo cáo tiết lộ rằng cứ năm người tiêu dùng trong khu vực thì có hai người sẵn sàng mua bảo hiểm trực tuyến, trong đó Ấn Độ là thị trường sẵn sàng nhất để mua bảo hiểm kỹ thuật số. Tiếp theo là Thái Lan và Indonesia, với Singapore là thị trường ít sẵn sàng nhất cho bảo hiểm trực tuyến.

Bảo hiểm du lịch là sản phẩm được ưa chuộng nhất khi mua bảo hiểm trực tuyến.

Cuộc khảo sát cũng xác định mối quan tâm chính của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến. 40% người được hỏi nói rằng việc không có bất kỳ liên hệ nào của con người để giúp giải thích sản phẩm hoặc làm nổi bật các điều khoản ẩn sẽ ngăn cản họ chuyển sang các nền tảng trực tuyến.

Những người được hỏi ở Indonesia (47%) và Thái Lan (43%) nói rằng việc thiếu người đại diện hỗ trợ quá trình khiếu nại bảo hiểm sẽ khiến họ không thể chuyển sang kênh kỹ thuật số.

Ông Victor Kuk, Giám đốc Tái bảo hiểm P&C tại Swiss Re, nói: “Bước đầu tiên đối với các công ty bảo hiểm muốn mở rộng phạm vi tiếp cận kỹ thuật số là thúc đẩy sự tin tưởng và quen thuộc hơn với các dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số giữa khách hàng. Bảo hiểm cung cấp sự tin tưởng và bảo hiểm kỹ thuật số cũng không có gì khác. Để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang các kênh kỹ thuật số khi mua bảo hiểm P&C, ngành bảo hiểm trước tiên phải tập trung vào việc phát triển các sản phẩm đơn giản, theo mô-đun và hợp lý hóa các quy trình tích hợp kỹ thuật số để củng cố niềm tin và sự tin tưởng của người tiêu dùng”.

Cơ quan quản lý bảo hiểm Hồng Kông nhấn mạnh quy trình quản lý các hợp đồng mồ côi

(AIR) – Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông (IA) nhấn mạnh tình trạng khiếu kiện phát sinh sau khi đại lý bảo hiểm nghỉ việc và không tiếp tục chăm sóc hợp đồng bảo hiểm (các hợp đồng này được gọi là “hợp đồng mồ côi”).

Bài báo viết, “Trong những tháng gần đây, chúng tôi đã thấy một số khiếu kiện phát sinh từ vấn đề này. Các khiếu kiện bao gồm từ các vấn đề về dịch vụ và vận hành cho đến những hành vi sai trái nghiêm trọng”.

IA đưa ra bốn mẫu đơn khiếu nại đã nhận được và cho rằng các ví dụ chứng minh tầm quan trọng mà các công ty bảo hiểm – đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ tham gia hợp đồng bảo hiểm với cam kết dài hạn – phải đảm bảo rằng các hợp đồng bảo hiểm mồ côi tiếp tục được phục vụ đúng cách. IA cũng liệt kê các biện pháp kiểm soát và quy trình mà các công ty bảo hiểm và những người chủ chốt trong quản lý lực lượng đại lý phải có để giải quyết vấn đề này.

Đáp lại, Liên đoàn các công ty bảo hiểm Hồng Kông (HKFI) cho biết trong một tuyên bố: “Bảo hiểm là hoạt động kinh doanh của con người. Phục vụ các chủ hợp đồng một cách công bằng và không bị gián đoạn là một thành phần quan trọng trong tôn chỉ kinh doanh của các doanh nghiệp. Về khía cạnh này, chúng tôi hoan nghênh những điểm cần lưu ý do IA gợi ý như một lời nhắc nhở nồng nhiệt đối với các công ty bảo hiểm cũng như các đại lý được cấp phép của họ và nêu bật một lĩnh vực mà ngành có thể cải thiện trong mỗi vấn đề về “Ứng xử trong trọng tâm”.

“Là động lực chính của sự phát triển ngành, HKFI đã và đang tận tâm cung cấp các khóa đào tạo về đạo đức chất lượng trong ngành cho các trung gian nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ của ngành.

“Các chủ hợp đồng được nhắc nhở rằng khi các đại lý phục vụ đã nghỉ việc thì sẽ không còn tư cách giải quyết các vấn đề liên quan”.

Hồng Kông: công ty bảo hiểm online thu được 22,6 triệu USD từ vòng gọi vốn

(AIR) – Bowtie, công ty bảo hiểm online đầu tiên của Hồng Kông, đã kết thúc vòng tài trợ Series B1 trị giá 22,6 triệu đô la do Mitsui & Co dẫn đầu, với sự tham gia của nhà đầu tư hiện tại Sun Life Hồng Kông.

Mitsui là một trong những công ty thương mại lớn nhất của Nhật Bản và là cổ đông lớn nhất của IHH Healthcare Berhad, một trong những mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất thế giới. Khoản đầu tư của Mitsui thúc đẩy tham vọng của Bowtie trong việc mở rộng quy mô khắp châu Á và đồng phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên giá trị trong khu vực.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, Bowtie đã cung cấp bảo hiểm cho các gia đình với tổng giá trị hơn 3 tỷ USD, bảo vệ hơn 40.000 khách hàng. Bowtie đứng số một trong kênh phân phối trực tiếp ở Hồng Kông.

Với vòng tài trợ mới nhất, Bowtie đang chú ý đến việc mở rộng hoạt động của mình để lấp đầy khoảng trống bảo vệ 886 tỷ đô la Hồng Kông, mở rộng hoạt động trên khắp châu Á và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe dựa trên giá trị bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ông Michael Chan, đồng Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Bowtie, cho biết “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Mitsui để thiết kế lại cơ bản cách khách hàng điều hướng cả hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng dịch vụ trong khi giá cả thực sự phải chăng”.

Ông Koichiro Sato, Giám đốc điều hành của MBK Healthcare Management (Chi nhánh Hồng Kông), một công ty con của Mitsui, cho biết “Đây là khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi vào một công ty bảo hiểm sức khỏe, từ lâu đã trở thành câu đố còn thiếu trong hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe dựa trên giá trị của chúng tôi. Chúng tôi đã chọn Bowtie vì tầm nhìn chung của chúng tôi là làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng hơn”.

Ông Fred Ngan, đồng Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Bowtie, cho biết: “Bowtie đã phát triển gấp 10 lần trong năm qua. Vòng tài trợ này là một minh chứng cho năng lực của chúng tôi trên thị trường bảo hiểm kỹ thuật số của Hồng Kông. Chúng tôi mong muốn đẩy nhanh hành trình này trên khắp châu Á ”.

AXA công bố kế hoạch quản lý rừng trị giá 1,7 tỷ đô la Mỹ

(AIR) – Công ty bảo hiểm toàn cầu AXA có trụ sở chính tại Paris đã công bố các cam kết mới nhằm bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách thực hiện kế hoạch chống lại sự suy thoái của các hệ sinh thái rừng.

Để bảo vệ các hệ sinh thái này, AXA sẽ đầu tư 1,5 tỷ EUR (1,74 tỷ USD) để hỗ trợ quản lý rừng bền vững, bao gồm 500 triệu EUR vào các dự án trồng rừng ở các nước mới nổi, cho phép thu giữ tổng cộng 25 megaton CO2 mỗi năm.

AXA cũng sẽ tăng cường các yêu cầu đầu tư và bảo hiểm trong các hoạt động góp phần tích cực vào nạn phá rừng. Điều này sẽ liên quan đến một số ngành sản xuất đậu nành, dầu cọ, gỗ và gia súc ở những vùng mà các ngành công nghiệp này đóng góp mạnh vào nạn phá rừng.

Trong một tuyên bố, AXA cho biết, “Phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học và phát thải các-bon. Nó thậm chí còn thể hiện sự mất mát kép đối với khí hậu vì rừng là những yếu tố đóng góp lớn nhất vào việc thu giữ các-bon ”.

Hiện tại, với hơn 60.000ha rừng trong danh mục của mình, tất cả đều được chứng nhận bởi Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng hoặc Hội đồng quản lý rừng, các nhà quản lý đầu tư AXA đóng vai trò tích cực trong việc quản lý rừng bền vững.

Hơn nữa, AXA đang tham gia sáng kiến ​​Các Di sản Thế giới do Nguyên tắc Bảo hiểm Bền vững của Liên hợp quốc và WWF đưa ra, và sẽ thực hiện các biện pháp loại trừ cụ thể đối với các hoạt động bảo hiểm của mình để bảo vệ các khu bảo tồn đa dạng sinh học chính do UNESCO xác định. Một nửa trong số các địa điểm này, trải rộng trên 110 quốc gia, được công nhận là điểm nóng về đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai.

“Rừng đại diện cho 80% đa dạng sinh học của Trái đất và đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. AXA đã đi tiên phong trong ngành tài chính bằng cách áp dụng, vào năm 2013, các hạn chế đối với hoạt động dầu cọ không bền vững để bảo vệ các hệ sinh thái đang bị căng thẳng. Khi đối mặt về tình trạng khẩn cấp về khí hậu và trước COP26, chúng tôi tự hào mở rộng cam kết và công bố các biện pháp mới để chống nạn phá rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo tồn đa dạng sinh học “, ông Thomas Buberl, Giám đốc điều hành của AXA cho biết.

AXA sẽ tiếp tục cam kết bảo tồn đa dạng sinh học thông qua công việc của mình với tư cách là thành viên sáng lập của Lực lượng Đặc nhiệm về Tiết lộ Tài chính liên quan đến Thiên nhiên. Sáng kiến ​​này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển một khuôn khổ báo cáo cho phép các tổ chức tài chính xác định và phân tích các hoạt động kinh tế có tác động vật chất trực tiếp và gián tiếp đến đa dạng sinh học.

BTV (Tổng hợp).