TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 39

Ngành tái bảo hiểm “chưa sẵn sàng cho IFRS 17”; Ngành bảo hiểm Thái được mở rộng đầu tư; Chubb Life ra mắt sản phẩm bảo hiểm liên kết chung linh hoạt

I.            Tin trong nước

1.       Tin bồi thường, tổn thất

Cháy kho sơn giữa TP.Hà Tĩnh trong đêm

(Thanhnien) – Đến 23 giờ 30 ngày 8/10, lực lượng chức năng mới khống chế được hoàn toàn vụ cháy tại kho chứa sơn nằm trên địa bàn TP.Hà Tĩnh. Rất may vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người.

Sáng ngày, 9/10, thông tin từ Công an TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị này phối hợp một số đơn vị liên quan đang tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ cháy nổ tại một kho chứa sơn đóng trên địa bàn để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 21 giờ ngày 8.10, một số người dân nghe nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ kho chứa sơn của Công ty TNHH MTV Linh Lâm (ở số 116, đường Quang Trung, tổ dân phố Bắc Quý, P.Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) nên chạy qua xem. Khi đến nơi, người dân phát hiện lửa, khói trong kho chứa sơn và đang lan nhanh ra bên ngoài nên báo tin cho lực lượng chức năng.

Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hà Tĩnh ngay sau đó đã điều 4 xe cứu hỏa cùng 35 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức dập lửa.

Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hỏa đến nơi, lửa đã bao trùm toàn bộ kho chứa rộng khoảng 500 m2. Do bên trong kho chứa có hàng trăm thùng sơn đang bốc cháy dữ dội và các cửa đều bị khóa chặt khiến công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn.

Thời điểm này, trời bất ngờ đổ mưa rất to, nhưng lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục phun nước để dập lửa. Sau hơn 2 giờ, lực lượng chức năng đã dập tắt được hoàn toàn đám cháy.

Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng gần như toàn bộ khu vực kho chứa sơn và hàng hóa ở trong kho đã bị thiêu rụi. Thiệt hại ước tính thiệt hại do hỏa hoạn gây ra là hơn 1 tỷ đồng.

2.       Một vòng doanh nghiệp

PVIRe được chấp thuận niêm yết trên HNX

(PVI) – Sở GDCK Hà Nội thông báo chấp thuận cho Tổng Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI RE) được niêm yết 72,8 triệu cổ phiếu trên HNX với mã chứng khoán PRE. Số cổ phiếu PVI Re đăng ký niêm yết tương ứng với số vốn điều lệ 728 tỷ đồng của công ty.

Tổng Công ty Tái bảo hiểm PVI có trách nhiệm công bố thông tin theo quy định.

PVI Re là doanh nghiệp kinh doanh chính trong ngành tái bảo hiểm, bao gồm kinh doanh nhận, nhượng tái bảo hiểm các nghiệp vụ phi bảo hiểm nhân thọ trong các lĩnh vực tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không; bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân vỏ tàu…và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác.

PVI Re là công ty con của PVI Holdings trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, được thành lập tháng 11/2011 với vốn điều lệ ban đầu 460 tỷ đồng. Thán 10/2013 công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, và tiếp tục tăng vốn, đến năm 2018 vốn điều lệ PVI Re tăng lên thành 728 tỷ đồng và từ đó đến nay công ty không tăng thêm vốn.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 8/5/2020 PVI Re có 2 cổ đông lớn nắm giữ 82,99% vốn điều lệ. Trong đó công ty mẹ – CTCP PVI sở hữu 73,11% và một cá nhân – ông Nguyễn Phúc Anh – sở hữu 9,88% vốn.

Trước đó, từ tháng 12/2019 PVIRe đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE. Và đến nay, sau gần 1 năm, PVI Re đã được HNX chấp thuận niêm yết.

Kết quả kinh doanh, năm 2019 PVI Re đạt hơn 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11,6% so với năm 2018. EPS đạt 1.850 đồng.

Tính đến 31/12/2019 PVI Re còn 3.629 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 675 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng tài sản cũng tăng được 693 tỷ đồng lên gần 4.490 tỷ đồng.

Còn 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PVI Re đạt 424 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt 73,6 tỷ đồng.

Bảo hiểm Agribank nhận danh hiệu “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân”

(ABIC) – Tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020 tổ chức vào tối 13/10, lần đầu tiên Ban Tổ chức chương trình trao danh hiệu “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân” cho Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng N​ông nghiệp (Bảo hiểm Agribank – ABIC) và 26 doanh nghiệp tiêu biểu khác, đồng hành cùng nông dân trong các lĩnh vực.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 -14/10/2020), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Lễ tôn vinh nhằm vinh danh những nông dân Việt Nam xuất sắc, đóng góp công sức, tài năng, sáng tạo của người nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng tạo nên sức lan tỏa manh mẽ về “Mẫu hình người nông dân mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Trong số 63 nông dân xuất sắc đến từ 63 tỉnh thành vinh dự được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đích thân trao danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc 2020, có 14 người ở lĩnh vực chăn nuôi, 15 người ở lĩnh vực trồng trọt, 11 người ở lĩnh vực thủy hải sản, 10 người ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và 13 người ở lĩnh vực Phát minh sáng kiến, nông thôn mới và bảo vệ tổ quốc.

Đặc biệt, tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020 tổ chức vào tối 13/10, Ban Tổ chức chương trình ngoài việc vinh danh những tấm gương Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong nhiều nhóm ngành, lĩnh vực, Ban Tổ chức cũng trao danh hiệu “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân” cho 27 doanh nghiệp tiêu biểu, đồng hành cùng nông dân trên các lĩnh vực: Cung cấp tín dụng; cung cấp giống, vật tư, phân bón; thu mua, chế biến nông sản cho nông dân, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

Đây là lần đầu tiên trong 8 năm tổ chức chuỗi sự kiện Tự hào nông dân Việt Nam (kể từ năm 2013 đến nay), Ban Tổ chức vinh danh cho các doanh nghiệp có sự đóng góp tích cực trong sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. 

Trong số 27 doanh nghiệp được vinh danh, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank – ABIC) được xướng tên là một trong số đơn vị đồng hành của nhà nông trong hành trình chinh phục nông thôn mới với nhiều đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà trong thời gian qua.

Theo Ban Tổ chức, việc vinh danh các “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân” nhằm khẳng định và đề cao vai trò, đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, phát hiện, tôn vinh và nhân rộng những mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong các hoạt động sản xuất kinh doanh vì một nền nông nghiệp bền vững: sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống nông thôn văn minh hiện đại và bảo vệ môi trường.

Để nhận danh hiệu “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân”, Bảo hiểm Agribank đã phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí do Ban tổ chức đề ra như doanh nghiệp đạt kết quả sản xuất kinh doanh ổn định bao gồm: Có doanh thu lớn; Lợi nhuận sau thuế hợp lý;  Đảm bảo và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.Có thương hiệu, có sức ảnh hưởng tới thị trường, người dân khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Agribank phải thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; doanh nghiệp hoạt động đúng các quy định của pháp luật, cụ thể như: Nghĩa vụ về thuế, và các khoản nộp thuế, ngân sách nhà nước; Thực hiện tốt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; Đảm bảo lương, phúc lợi xã hội cho người lao động, cộng đồng.

Bảo hiểm Agribank có trách nhiệm xã hội về giữ gìn, bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp và cộng đồng: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xử lý rác thải, chất thải, cảnh quan môi trường nơi làm việc, nơi sản xuất,…

Hanwha Life Việt Nam hợp tác chiến lược cùng YAN Financial

(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam vừa ký kết hợp tác chiến lược cùng YAN Financial giúp tư vấn và phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ một cách chuyên nghiệp.

Theo thỏa thuận hợp tác, YAN Financial sẽ là đối tác của Hanwha Life Việt Nam trong việc phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm đến các khách hàng thông qua kênh phân phối của YAN Financial.

Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên kênh phân phối dịch vụ tài chính toàn diện và rộng khắp, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho khách hàng. Đồng thời, giúp Hanwha Life Việt Nam đa dạng và mở rộng kênh phân phối thông qua đại lý tổ chức (Corporate agency) bên cạnh các kênh đã có như bán bảo hiểm qua ngân hàng và đại lý tư vấn tài chính truyền thống.

Hiện nay, Hanwha Life Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đa dạng hóa kênh phân phối và mở rộng mạng lưới.

Hanwha Life Việt Nam đã hợp tác với Woori Bank (một trong những ngân hàng lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam) từ năm 2017, cũng như hợp tác với các đại lý tổ chức khác như TCA, Movin, BOM Finance, The World Link… và mới nhất là YAN Financial.

Năm 2019, Hanwha Life Việt Nam đã bắt tay chiến lược với Thebank.vn, giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm bảo hiểm phù hợp trên nền tảng công nghệ trực tuyến.

Với chiến lược hướng đến khách hàng và lấy khách hàng làm trọng tâm phát triển, Hanwha Life Việt Nam đang tăng tốc hợp tác với nhiều đối tác trong các lĩnh vực khác nhau, như ngân hàng, Fintech, các công ty số… để xây dựng dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp công ty có thể tiếp cận gần hơn đến khách hàng của mình.

Tháng 9 năm nay, Hanwha Life đã ký kết chiến lược với ví điện tử MoMo, đơn vị thanh toán trung gian Payoo và hợp tác với một số đối tác Fintech khác như QRCode-VNPay nhằm số hóa kênh thanh toán phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Chubb Life Việt Nam giới thiệu sản phẩm bảo hiểm liên kết chung Kế hoạch tài chính linh hoạt

(TBTCO) – Chubb Life Việt Nam vừa chính thức giới thiệu sản phẩm bảo hiểm liên kết chung Kế hoạch Tài chính linh hoạt.

Đáp ứng nhu cầu được bảo hiểm khác nhau và riêng biệt của mỗi cá nhân, “Kế hoạch Tài chính linh hoạt” được thiết kế linh hoạt để khách hàng có thể chủ động lựa chọn một trong ba gói quyền lợi: Quyền lợi 99 – Vững tâm tuổi vàng, quyền lợi 80 – An yên tuổi cao niên và quyền lợi 65 – An nhàn tuổi hưu trí, cùng nhiều ưu điểm nổi bật được tích hợp trong sản phẩm như: Khách hàng hoàn toàn chủ động trong việc chọn lựa kế hoạch bảo vệ cho bản thân với các gói quyền lợi 99, quyền lợi 80 hay quyền lợi 65; chủ động và linh hoạt về mức phí bảo hiểm đầu tư phù hợp với kế hoạch tài chính của bản thân và gia đình; nhận lại 100% giá trị tài khoản hợp đồng khi đáo hạn; quyền lợi tuổi vàng chi trả vào năm 75 tuổi với mức chi trả là 50% tổng phí bảo hiểm rủi ro đã khấu trừ của quyền lợi bảo hiểm cơ bản (áp dụng cho quyền lợi 99); nhận thêm 25% tổng số tiền lãi đầu tư của mỗi 4 năm. 

Bên cạnh các quyền lợi bảo hiểm chính, sản phẩm Kế hoạch Tài chính linh hoạt cung cấp thêm các quyền lợi bảo hiểm gia tăng về thương tật, bệnh nan y, hỗ trợ nằm viện nhằm bảo vệ khách hàng trước các rủi ro về bệnh hoặc tai nạn… từ đó an tâm tận hưởng cuộc sống và thực hiện những ước mơ riêng.

Ông Lâm Hải Tuấn –  Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng mỗi khách hàng sẽ có nhu cầu bảo vệ và khả năng tài chính không giống nhau. Vì thế, mỗi sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng cần được thiết kế riêng biệt theo từng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Sản phẩm Kế hoạch Tài chính linh hoạt với 3 gói quyền lợi sẽ giúp khách hàng chủ động lựa chọn gói quyền lợi phù hợp với mình. Đây cũng là cách chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để mang đến cho mỗi khách hàng những giá trị thiết thực nhất”.

Bên cạnh danh mục sản phẩm bảo hiểm đa dạng và khác biệt, Chubb Life Việt Nam cũng chú trọng vào việc đầu tư phát triển công nghệ số nhằm mang đến sự thuận tiện, nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng khi đồng hành và giao dịch với công ty.

Doanh thu của PTI vượt mốc 4.200 tỷ 9 tháng đầu năm

(PTI) – Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết tổng doanh thu đạt 4.280 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 68,5% kế hoạch năm.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020, hai nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người vẫn là hai nghiệp vụ chính, đem đến hơn 80% nguồn doanh thu cho PTI. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt 1.948 tỷ và doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm con người đạt 1,478 tỷ đồng. Các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật và bảo hiểm hàng hải cũng đạt mức doanh thu lần lượt là 682 và 171 tỷ đồng, tăng trưởng 24% và 7,8%.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm nay, bảo hiểm xe cơ giới bị ảnh hưởng khá nhiều do sự sụt giảm mạnh của lượng xe ô tô bán ra thị trường cũng như do đại dịch Covid-19, thế nhưng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 70/2020 quy định về mức thu lệ phí trước bạ mới dành cho xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước giảm 50% so với mức cũ tại Nghị định 20/2019 có hiệu lực từ ngày 28/6 đến hết năm 2020 thì thị trường mua bán xe đã dần ổn định trở lại, hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 20/07/2020, cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đã chính thức áp dụng việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là người Trung Quốc có hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Quy định mới này cũng đã mang đến những cơ hội mới cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Đại diện PTI cho biết, với mức tăng trưởng như hiện tại, doanh nghiệp này vẫn có khả năng hoàn thành kế hoạch vào cuối năm 2020. Năm nay, PTI đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6.250 tỷ đồng.

Sau 22 năm hoạt động và phát triển, PTI đã trở thành công ty bảo hiểm có uy tín với hơn 100 sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao, có mức phí cạnh tranh và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng luôn được đánh giá cao. PTI hiện đang là doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 3 trên thị trường, trong đó bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người đều đang giữ vị trí thứ 2 thị trường.

Tập đoàn Bảo Việt nộp ngân sách Nhà nước 23.000 tỷ đồng; dự kiến chi trả 600 tỷ đồng cổ tức trong tháng 11/2020

(BVH) – Tập đoàn Bảo Việt đã được Tổng cục Thuế bình chọn trong số 30 “người nộp thuế tiêu biểu” tại “Lễ tôn vinh Người nộp thuế tiêu biểu” nhân tháng doanh nhân Việt Nam và kỷ niệm 30 năm đồng hành và phát triển cùng ngành Thuế đất nước (1990-2020), để biểu dương thành tích xây dựng, phát triển và có đóng góp to lớn cho ngân sách nhà nước của người nộp Thuế. “Lễ tôn vinh Người nộp thuế tiêu biểu” có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Tư vấn thuế Việt Nam… và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được tuyên dương đã được lựa chọn dựa trên một hệ thống tiêu chí phù hợp: là các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, địa bàn hoạt động; có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Với hệ thống tiêu chí này, Tổng cục Thuế đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Tư vấn thuế tham gia xem xét, đánh giá thông tin của người nộp thuế, bình chọn ra 30 người nộp thuế tiêu biểu, xuất sắc nhất trong toàn quốc để tôn vinh, nhận Bằng khen của Bộ Tài chính. 

Là doanh nghiệp với quy mô tổng tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 140.000 tỷ đồng, Bảo Việt luôn duy trì vị trí là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước thông qua nộp thuế và cổ tức. Tính chung từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến năm 2020, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt nộp vào ngân sách Nhà nước lên đến hơn 23.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Bảo Việt tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển cộng đồng vì một cộng đồng phát triển lành mạnh, thịnh vượng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bảo hiểm – dịch vụ tài chính như Bảo Việt có thể phát triển và phục vụ lâu dài, trong đó ưu tiên các mục tiêu tạo công ăn việc làm, thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững trong hệ thống, Bảo Việt hiện có khoảng 6.600 cán bộ, 250.000 đại lý hoạt động trên khắp cả nước. Các hoạt động của Bảo Việt góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp đã tác động toàn diện, sâu rộng tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Ngành bảo hiểm tuy không chịu tác động mạnh như một số ngành khác nhưng vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng…

Bảo Việt duy trì kết quả kinh doanh khả quan, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ giữ vị trí số 1 thị trường. Thông qua việc triển khai hiệu quả các giải pháp kinh doanh, Bảo Việt đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định, góp phần đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng.

Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ trọng vốn hóa lớn và thanh khoản cao, Tập đoàn Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Những năm vừa qua, BVH là mã cổ phiếu duy trì ổn định chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Trong tháng 11 năm 2020, Tập đoàn Bảo Việt dự kiến dành gần 600 tỷ đồng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2019, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 9.000 tỷ đồng bằng tiền mặt.

BIC ưu đãi tới 25% phí bảo hiểm nhân ngày Phụ nữ Việt Nam

(BIC) – Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, để cám ơn khách hàng đã luôn gắn bó, đồng hành cùng Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), BIC gửi tới khách hàng chương trình ưu đãi khi mua bảo hiểm tại website baohiemtructuyen.com.vn.

Theo đó, từ ngày 13/10/2020 đến ngày 20/10/2020, khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến tại BIC sẽ được giảm ngay 20% phí bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An (áp dụng cho khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC), 25% phí bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân.

Đặc biệt, khách hàng sẽ nhận thêm ưu đãi 10% (tối đa 1.000.000 đồng) khi thanh toán phí bảo hiểm bằng thẻ quốc tế của Ngân hàng BIDV trong thời gian diễn ra chương trình.

BIC Tâm An được đánh giá là một trong những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tốt nhất thị trường hiện nay. Sản phẩm phù hợp với mọi thành viên trong gia đình với 9 chương trình bảo hiểm linh hoạt. Tổng mức chi trả lên tới 1 tỷ đồng trong khi phí bảo hiểm chỉ từ 100.000 đồng/tháng. BIC Tâm An có quyền lợi bảo hiểm thai sản ưu việt, dịch vụ bảo lãnh viện phí tiện lợi tại hơn 130 cơ sở y tế cao cấp, uy tín có liên kết với BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, sản phẩm không áp dụng đồng chi trả đối với mọi lứa tuổi.

Cũng tại baohiemtructuyen.com.vn, khách hàng có thể tham gia bảo hiểm tai nạn của BIC với tổng mức chi trả tối đa 50 triệu đồng, giúp bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống.

Cùng với những sản phẩm ưu việt được cung cấp trực tuyến, mua bảo hiểm tại baohiemtructuyen.com.vn, khách hàng không cần tốn chi phí, thời gian di chuyển, đi lại hay chờ đợi cán bộ bảo hiểm. Toàn bộ quá trình mua bảo hiểm đều có thể thực hiện online chỉ trong vài phút từ tra cứu thông tin sản phẩm, quy trình bồi thường đến đặt mua, thanh toán. Khách hàng có thể đăng ký nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (có giá trị pháp lý tương đương với bản giấy) qua email sau khi thanh toán hoặc đăng ký nhận bản cứng trong vòng 1 ngày làm việc.

VBI khuyến mãi Pink Care tháng 10

(VBI) – Nhân dịp tháng 10 nơ hồng – Tháng nâng cao nhận thức về Ung thư vú, VBI hưởng ứng triển khai chương trình khuyến mãi siêu hấp dẫn! Với mỗi đơn bảo hiểm PinkCare, khách hàng sẽ có một mã quay số trúng thưởng để nhận những quà tặng “trendy” nhất, mà người phụ nữ nào cũng yêu.

Chương trình khuyến mãi được diễn ra từ 13/10/2020 đến 12/11/2020, tất cả các khách hàng khi mua sản phẩm bảo hiểm PinkCare đều có cơ hội quay số trúng thưởng các sản phẩm:
– Robot hút bụi trị giá 6 triệu đồng

– Máy lọc không khí trị giá 3,5 triệu đồng

– Nồi chiên không dầu trị giá 2 triệu đồng

– 300 mã giảm giá Urbox (*) để bạn có thể sử dụng dịch vụ tại hàng trăm nhà hàng, café và các địa điểm mua sắm, vui chơi.

– Chương trình riêng cho khách hàng Online: Với 50 khách hàng đầu tiên mỗi tuần (từ 13/10 – 12/11/2020) mua PinkCare trên LandingPage/App My VBI, hệ thống sẽ tự động tặng 1 voucher Urbox trị giá 50.000 về email của khách hàng.

3.       Quản lý thị trường bảo hiểm

Triển khai bài bản chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp tại Vĩnh Phúc

(TBTCO) – Các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực vào cuộc và triển khai rất bài bản chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Ngày 13/10, Đoàn Công tác của Bộ Tài chính do đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài chính Vĩnh Phúc, lãnh đạo một số huyện đang triển khai bảo hiểm nông nghiệp; cùng đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

Tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Công – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã có báo cáo về việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tưởng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn của sở đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các nội dung về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò, để người dân biết, đăng ký tham gia thực hiện.

Cùng với đó, Sở NN&PTNN cũng đã ban hành văn bản gửi các huyện, thành phố để lựa chọn địa bàn hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò. Trên cơ sở kết quả lựa chọn từ các huyện, thành phố và các ý kiến tham gia góp ý, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm đối với trâu, bò theo quy định. Theo đó, địa bàn được hỗ trợ phí bạo hiểm nông nghiệp trân, bò của tỉnh gồm có 57 xã, thị trấn của 8/9 huyện, thành phố.

Tiếp đó, ngày 01/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò; trong đó danh sách phê duyệt đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm có 1.351 hộ/16 xã/6 huyện (trong đó có 67 hộ nghèo, 273 hộ cận nghèo và 1.011 hộ khác); với tổng đàn trâu, bò có 3.244 con.

Tại buổi làm việc, đại diện một số cơ quan liên quan của tỉnh, đại diện các địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chia sẻ về thực tiễn triển khai và một số khó khăn còn gặp phải.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là rất đúng và rất trúng, nhằm mục đích hỗ trợ cho người nông dân khi gặp phải rủi ro, dịch bệnh trong sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, do đây là chính sách mới và do thói quen, tập quán sản xuất chăn nuôi của người dân chưa thay đổi, nên quá trình triển khai còn gặp phải khó khăn.

Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác cũng đã đánh giá cao công tác triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, khi các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn đã tích cực vào cuộc và triển khai rất bài bản. Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp một số vấn đề mà từ phía địa phương nêu.

Một số ý kiến đề xuất được nêu trong buổi làm việc sẽ được đoàn công tác ghi nhận và chuyển tải tới các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới.

Đại diện đoàn công tác khẳng định, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp là chính sách lâu dài và luôn lấy người nông dân là trung tâm. Vì vậy, việc triển khai ở từng địa phương cần có sự thích ứng về cơ bản với khả năng chi trả của người nông dân, cũng như điều kiện, thói quen sản xuất, nuôi, trồng của địa phương. Mong rằng các cơ quan, địa phương, cũng như các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực hơn nữa để triển khai có hiệu quả trên thực tiễn.

4.       Bảo hiểm với cộng đồng   

Bảo hiểm BSH tài trợ 1 tỷ đồng cho giải Golf dành cho doanh nhân

(BSH) – Bảo hiểm BSH là một trong các nhà tài trợ lớn nhất của giải “Golf Sao Vàng” lần thứ VI khi tài trợ giải thưởng “Hole in one” trị giá 1 tỷ đồng. Giải đấu quy tụ gần 130 tay Golf là doanh nhân, chủ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Giải “Golf Sao Vàng” lần thứ VI do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HanoiSME) tổ chức, khai mạc sáng 7/10 trên sân Golf Hill Top Valley Golf Club (thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Giải “Golf Sao Vàng” trong những năm qua có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây không chỉ là một hoạt động thể thao đơn thuần mà thông qua giải đấu đã thúc đẩy mối quan hệ, sự gắn kết giữa các lãnh đạo doanh nghiệp hội viên HanoiSME với các sở, ban ngành của TP Hà Nội. Giải năm nay hướng tới chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời nằm trong chuỗi sự kiện “Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long 2020”.

Bảo hiểm BSH vinh dự là nhà một trong các nhà tài trợ lớn nhất của giải đấu với trị giá lên đến 1 tỷ đồng cho người trúng giải “Hole in one”. Giải thưởng “Hole in one” của giải “Golf Sao Vàng” lần thứ VI nằm ở lỗ số 17, có khoảng cách 175 yard (160 m) đối với Golf thủ nam và 135 yard (123m) đối với Golf thủ nữ. Đây là thử thách không nhỏ với các tay Golf nhưng cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của các Golfer ở các giải đấu Golf.

Ông Lê Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm BSH cho biết: “Hole in one là một giải thưởng lớn. Bất kỳ ai chơi Golf đều mong muốn một lần trong đời thực hiện thành công một cú đánh “Hole in one”. Nó thể hiện đẳng cấp và trình độ của người chơi. BSH rất vinh dự được tài trợ giải thưởng “Hole in one” và hy vọng sẽ có Golf thủ may mắn giành được giải thưởng có giá trị này”.

Ngoài giải “Hole in one”, giải đấu còn nhiều giải thưởng có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng ở các hạng mục khác như: Best Gross (giải đánh ít gậy nhất), Nearest to the Pin (giải phát bóng gần cờ nhất), Nearest to the line (cú đánh bóng gần đường kẻ trắng ở giữa fairway nhất)…

5.       Tin quốc tế

Ngành tái bảo hiểm “chưa sẵn sàng cho IFRS 17”

(INN) – S&P Global Ratings đã cảnh báo rằng hầu hết các công ty tái bảo hiểm sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS 17) – bộ quy tắc kế toán mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2023.

IFRS 17 là một trong những sửa đổi lớn nhất được thực hiện đối với lĩnh vực kế toán bảo hiểm trong hơn 20 năm qua, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm có trụ sở bên ngoài Hoa Kỳ phải điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán với các chỉ số chính mới.

Mặc dù các sửa đổi gần đây đối với IFRS 17 đã loại bỏ các sai lệch kế toán đáng kể đối với các công ty bảo hiểm gốc có thể tạo ra rủi ro cho các nhà tái bảo hiểm, song S&P tin rằng việc chuyển sang áp dụng quy tắc mới vẫn là thách thức đối với các công ty tái bảo hiểm.

Trong một báo cáo gần đây, S&P cho biết: “Hầu hết các công ty tái bảo hiểm chưa sẵn sàng cho IFRS 17. Theo quan điểm của chúng tôi, hệ thống kế toán và quản lý rủi ro của các công ty tái bảo hiểm cũng như công ty bảo hiểm gốc phải rất lâu nữa mới sẵn sàng cho IFRS 17”.

“Bên cạnh những thách thức về kỹ thuật kế toán, việc phát triển các chỉ số hiệu suất chính (KPI) mới và đưa các bên liên quan quan trọng, cả bên trong và bên ngoài, theo kịp tốc độ thay đổi sẽ là một nhiệm vụ then chốt”.

“Điều đó có nghĩa rằng, chúng tôi hiện không dự đoán được khả năng các nhà tái bảo hiểm sẽ sửa đổi phương thức đánh giá rủi ro thận trọng và khẩu vị rủi ro đầu tư, hoặc điều chỉnh hoạt động quản lý vốn của mình”.

Theo S&P, quy định mới là “sự thay đổi hoàn toàn” cho các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Sau khi được áp dụng chính thức, quy định này có thể tiết lộ các thông tin mới, đưa ra những cách mới để phân tích hiệu suất, bao gồm khả năng sinh lời trong giao dịch tái bảo hiểm.

S&P cho biết: “Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng thay đổi kế toán sẽ thúc đẩy các hoạt động xếp hạng, nhưng về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng các chỉ số KPI mới sẽ định hình việc phân bổ tài sản chiến lược, chính sách cổ tức hoặc cách tiếp cận tái bảo hiểm của các công ty”.

Bão Delta lập kỷ lục về số cơn bão đổ bộ vào Mỹ

(INN) – Bão Delta đã lập kỷ lục về số lượng cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào bờ biển Hoa Kỳ hàng năm, sau khi quét vào khu vực bờ biển Louisiana vào tuần trước.

Delta trở thành cơn bão thứ 10 đổ bộ vào Hoa Kỳ trong năm nay, đánh bại kỷ lục cao nhất 9 cơn vào năm 1916.

Nhà khí tượng học Philip Klotzbach tại Đại học Bang Colorado cho biết, mùa mưa bão năm nay cũng đánh dấu năm đầu tiên có số lượng cơn bão đổ bộ vào Louisiana nhiều nhất kể từ năm 2005 khi bang này chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão Cindy, Katrina và Rita.

Bão Delta đã vượt qua bờ biển Louisiana vào tối thứ Sáu tuần trước theo giờ địa phương với cường độ bão cấp 2 trước khi nhanh chóng suy yếu do mang theo mưa lớn và lũ lụt.

Hồi tháng 8, Đại học Bang Colorado đã dự báo xác suất trên mức bình thường đối với các cơn bão lớn đổ bộ dọc theo bờ biển lục địa Hoa Kỳ và ở vùng biển Caribe, một phần do nước ấm hơn bình thường ở Đại Tây Dương nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Đến thời điểm này năm nay, đã có 25 cơn bão so với mức trung bình 9,6 cơn bão giai đoạn 1981-2010.

Philippines gia tăng số người được bảo hiểm vi mô

(AIR) – Tính đến cuối tháng 3 năm nay, có khoảng 48,22 triệu người Philippines được bảo hiểm vi mô. Đây là thông tin do Ủy ban bảo hiểm Philippines (IC) cung cấp khi công bố báo cáo quý I chưa được kiểm toán của các công ty bảo hiểm.

Theo ước tính của ông Dennis Funa, Tổng Giám đốc IC, số người được bảo hiểm vi mô tăng 28,89% so với mức 37,41 triệu vào ngày 31/3/2019.

Ông Funa cho biết, các hiệp hội tương hỗ (MBA) vẫn là tổ chức lớn nhất trên thị trường bảo hiểm vi mô, với 27,1 triệu người Philippines tham gia.

Các MBA cũng tạo ra 1,08 tỷ PHP (22 triệu USD) phí bảo hiểm vi mô, 54,5% tổng phí bảo hiểm toàn ngành và 1,99 tỷ PHP trong quý 1/2020. Tuy nhiên, ông Funa lưu ý rằng phí bảo hiểm của các MBA giảm 10,06% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Có lẽ, điều này là do một số MBA đã ngừng thu tiền đóng góp và gia hạn cho các thành viên của họ vào tháng 3 năm 2020, đánh dấu sự khởi đầu của việc chính phủ áp dụng các hướng dẫn kiểm dịch cộng đồng nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19,” ông Funa nói.

Trong khi đó, tính đến ngày 31/3/2020, có 13,35 triệu người Philippines được bảo hiểm vi mô thông qua các công ty bảo hiểm nhân thọ, cao hơn 24,67% so với 10,71 triệu người vào cuối tháng 3 năm 2019.

Lĩnh vực nhân thọ cũng ghi nhận mức tăng 6,54% trong phí bảo hiểm vi mô lên 648,15 triệu PHP trong quý 1/2020.

IC cho biết rằng ngành bảo hiểm nước này đã tạo ra 78,15 tỷ PHP doanh thu phí bảo hiểm trong quý đầu tiên, tăng 10,53% so với 70,71 tỷ PHP được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Du khách ngắn hạn có thể mua bảo hiểm COVID-19 tại Singapore

(AIR) – Sản phẩm bảo hiểm COVID-19 mới ra mắt do HL Assurance đánh giá rủi ro và Changi Travel Services phân phối hiện đã có sẵn để cung cấp cho những du khách ngắn hạn đến Singapore. Du khách có thể mua sản phẩm này lúc đến Singapore hoặc trước khi đến. Tuy nhiên, những du khách trên 70 tuổi và dưới 3 tuổi không đủ điều kiện tham gia.

Sản phẩm này có tên là ChangiAssure, cung cấp hỗ trợ viện phí lên tới 100.000 đô la Singapore  trong trường hợp người được bảo hiểm bị nhiễm virus Corona khi đang ở Singapore.

Theo The Business Times, sản phẩm này được tung ra thị trường vào thời điểm Singapore đã nới lỏng hạn chế đi lại để cho phép người dân được di chuyển và đi công tác trong các trường hợp thiết yếu.

Hiện tại, nước này đã có các thỏa thuận song phương với Trung Quốc, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia để cho phép đi lại cho các mục đích kinh doanh và ngoại giao thiết yếu.

Du lịch thông thường cũng được phép cho du khách đến từ Úc (ngoại trừ bang Victoria), Brunei, New Zealand và Việt Nam – những người đã nộp đơn xin đi lại bằng đường hàng không.

Tuy nhiên, trang web của Changi Travel Services nói rằng ChangiAssurance chỉ cung cấp cho khách du lịch từ Trung Quốc, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Hàn Quốc.

Sản phẩm này bao gồm hai mức độ. Gói cơ bản cung cấp bảo hiểm lên tới 8.000 đô la Singapore cho việc nhập viện hoặc chi phí tại cơ sở cách ly, trong trường hợp người được bảo hiểm bị nhiễm COVID-19 ở Singapore.

Trong khi đó, gói cao cấp cung cấp bảo hiểm lên tới 100.000 đô la Singapore cho cùng mục đích. Ngoài ra, gói cao cấp còn bảo hiểm lên tới 100.000 đô la Singapore cho các chi phí nhập viện do tai nạn không liên quan đến COVID-19, cũng như lên đến 200.000 đô la Singapore cho trường hợp tử vong và tàn tật ở Singapore.

Chương trình này cũng bảo vệ cho những rủi ro khi đi lại ở Singapore như mất hành lý và đồ dùng cá nhân, chậm và hủy chuyến đi.

Các báo giá do trang web cho thấy: phí bảo hiểm một kế hoạch cơ bản cho chuyến thăm Singapore ba tuần vào khoảng 75 đô la Singapore; gói cao cấp khoảng 331,50 đô la Singapore. Yêu cầu bồi thường có thể được gửi trực tuyến hoặc tại các quầy thực tế tại Sân bay Changi của Singapore.

Thái Lan nới lỏng quy định đầu tư cho các công ty bảo hiểm

(AIR) – Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Thái Lan (TLAA) đang thúc giục cơ quan quản lý bảo hiểm, Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC), nghiên cứu tính khả thi của việc cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào nhiều quỹ và trái phiếu hơn.

Các công ty bảo hiểm đang chú ý đến trái phiếu cơ sở hạ tầng, quỹ cơ sở hạ tầng không niêm yết, cho vay cơ sở hạ tầng và cho vay hợp vốn.

Theo báo cáo của Thời báo Bưu điện Bangkok, ông Chuchatr Pramoolpol, Phó Tổng thư ký của OIC, cho biết các công ty bảo hiểm ở nhiều nước tham gia vào các dự án cho vay, nhưng điều này rất mới ở Thái Lan do rủi ro cao.

OIC đang tham vấn với Ngân hàng Thái Lan dựa trên kinh nghiệm của mình trong việc quản lý các ngân hàng thương mại và hoạt động kinh doanh cho vay.

Ông Chuchatr nói: “Chúng tôi không muốn các công ty bảo hiểm trở thành đơn vị đứng đầu thu xếp cho các khoản vay hợp vốn. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm có thể là người đồng cho vay ban đầu, không phải là người cho vay chính, và sau đó sẽ học hỏi trong suốt quá trình.”

Tổng thư ký OIC Suthiphon Thaveechaiyagarn cho biết, OIC có thể cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào các siêu dự án của chính phủ, đặc biệt là ở Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), và khuyến khích chính phủ sử dụng bảo hiểm để quản lý rủi ro.

Ông nói: “EEC là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển 20 năm của đất nước, trong đó các công ty bảo hiểm có thể tham gia và cung cấp các công cụ quản lý rủi ro cho chính phủ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực đó”.

OIC đã nới lỏng các quy định đối với các khoản đầu tư của các công ty bảo hiểm. Vào tháng 2, cơ quan quản lý đã nới lỏng các quy định để cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào các tài sản như viện dưỡng lão, các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe dài hạn và các công ty InsurTech.

OIC cũng nâng trần đầu tư của các công ty bảo hiểm vào REITs nước ngoài và quỹ cơ sở hạ tầng lên 30% tài sản đầu tư của công ty (từ 20% trước đây) và nới lỏng các quy tắc bảo hiểm rủi ro tiền tệ.

Đại dịch biến Lloyd’s thành thị trường của thế kỷ 21

(AIR) – Tổng Giám đốc điều hành John Neal của Lloyd’s nói rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy kế hoạch của Lloyd’s chuyển đổi trụ sở mang tính biểu tượng của mình ở Thành phố Luân đôn thành một nơi làm việc cho tương lai.

Đó là nội dung bài phát biểu của ông tại một cuộc trò chuyện ảo trong mùa tái tục tái bảo hiểm do chủ tịch toàn cầu của Aon, ông Dominic Christian, tổ chức.

“Tòa nhà của Lloyd’s đã gần 35 năm tuổi, vậy làm sao nó có thể trở thành môi trường thích hợp cho thị trường hoạt động? Lần đầu tiên, chúng tôi có cả năng lực ảo và năng lực thực hoạt động đồng thời tại Lloyd’s”.

Ông nói: “Chúng tôi cũng đã đặt ra một số ý tưởng để chia nhỏ phòng đánh giá rủi ro và quyết định nó sẽ như thế nào trong thế kỷ 21 và thị trường Lloyd’s sẽ như thế nào trong thế kỷ 21”.

Vào tháng 6 năm nay, Lloyd’s đã nhanh chóng triển khai kế hoạch thử nghiệm xây dựng các yếu tố của một căn phòng ảo để ứng phó với đại dịch.

Ông Neal trước đó đã tuyên bố rằng phòng đánh giá rủi ro ảo sẽ là một môi trường trực tuyến “kết hợp các tính năng tốt nhất của 1 Lime Street với công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các phương thức kinh doanh hiệu quả, thông minh và hợp tác”.

Điều này có nghĩa là các nhà môi giới và các nhà bảo hiểm gốc sẽ có thể tổ chức các cuộc họp ảo riêng tư tại các gian hàng kỹ thuật số mới và sẽ có bàn trợ giúp ở tầng trệt của tòa nhà để giúp những người đang gặp khó khăn với hệ thống kỹ thuật số mới.

Trong cuộc trò chuyện, ông Neal cũng nói thêm rằng quá trình ‘chuyển đổi’ mà Lloyd’s và ngành đang trải qua là nhằm giảm chi phí kinh doanh với mục tiêu cuối cùng là giảm giá thành sản phẩm.

“Tôi đã thực sự rõ ràng khi tôi kêu gọi cộng đồng đầu tư, rằng (giảm chi phí) không phải là một món quà để tăng lợi nhuận mà nó phải là một món quà cho giá thành của sản phẩm”, ông nói.

Vương quốc Anh: các nhà bảo hiểm mở rộng hỗ trợ COVID-19 cho bảo hiểm nhà và xe cơ giới

(AIR) – Thành viên của Hiệp hội các công ty bảo hiểm Anh (ABI) đã cam kết mở rộng hỗ trợ của họ cho những người làm việc tại nhà và tài xế ô tô cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Việc tiếp tục hỗ trợ thêm có thể giúp ích đáng kể cho nhiều người trong số 17 triệu chủ hợp đồng bảo hiểm gia đình và 27 triệu khách hàng bảo hiểm xe cơ giới ở Vương quốc Anh.

ABI cho biết, nếu bên mua bảo hiểm là nhân viên văn phòng và làm việc tại nhà vì đại dịch, bảo hiểm nhà của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Bên mua bảo hiểm không bắt buộc phải liên hệ với công ty bảo hiểm để cập nhật tài liệu hoặc gia hạn bảo hiểm.

Ngoài ra, nếu khách hàng phải lái xe đến và đi từ công sở vì ảnh hưởng của COVID-19, hợp đồng bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng. Không bắt buộc phải liên hệ với công ty bảo hiểm để cập nhật tài liệu hoặc gia hạn bảo hiểm.

Các cam kết tạm thời vẫn đang được xem xét và lần xem xét tiếp theo đối với bảo hiểm nhà và xe cơ giới sẽ diễn ra trước ngày 31 tháng 12 năm 2020. Nếu các chủ hợp đồng có ít thay đổi tạm thời hơn về cách làm việc tại nhà hoặc lái xe sẽ tiếp tục trong 12 tháng tới và đang tái tục hợp đồng bảo hiểm thì nên thảo luận những thay đổi này với công ty bảo hiểm của mình.

Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Laura Hughes của ABI cho biết: “Việc gia hạn các hỗ trợ tạm thời này nhấn mạnh cam kết của các công ty bảo hiểm trong việc giúp đỡ khách hàng vượt qua thời gian thử thách liên tục này.”

Virus Corona làm gia tăng bồi thường bảo hiểm

(INN) – Một báo cáo từ Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS) cho biết, tình trạng sụt giảm các khiếu nại bồi thường vì phong tỏa xã hội do COVID-19 đã bị “áp đảo” bởi mức tăng đột biến do virus này gây ra ở các lĩnh vực khác.

AGCS cho biết “sự sụt giảm mạnh” trong hoạt động kinh tế và các biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn đến “giảm quan trọng” trong các yêu cầu bồi thường đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực hàng không, bên cạnh đó cũng giảm số vụ tai nạn tại nơi làm việc, trên đường và ở nơi công cộng.

Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, đã có một sự giảm nhẹ so với dự kiến trong các yêu cầu bồi thường về tài sản và thiệt hại truyền thống trong khu vực doanh nghiệp cỡ trung bình, với sự giảm rõ rệt hơn về hàng hóa và hàng không khiếu nại”.

“Chi phí bồi thường về gián đoạn kinh doanh không liên quan đến COVID-19 cũng đã giảm xuống do nhiều nhà sản xuất và chuỗi cung ứng của họ đã đi vào chế độ ngủ đông và chỉ đang dần dần hoạt động online trở lại.”

Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường đã tăng lên trong các ngành kinh doanh khác và “sự không chắc chắn đáng kể” vẫn còn. Xu hướng tích cực của yêu cầu bồi thường đối với các công ty bảo hiểm đã bị COVID-19 lấn át.

“Chúng tôi đã nhận được hàng nghìn khiếu nại liên quan đến COVID-19 từ lĩnh vực giải trí [nơi AGCS là nhà cung cấp bảo hiểm chính cho ngành điện ảnh, truyền hình và sự kiện] và thị trường doanh nghiệp quy mô trung bình, và những khiếu nại này chỉ được bù đắp một phần bằng việc giảm các khiếu nại về thương vong hàng không và tài sản”, Giám đốc bồi thường ngắn hạn toàn cầu, ông Ray Hogendoorn, bình luận.

“Mặc dù căn cứ vào điều khoản đã thống nhất thì nhiều yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản thương mại sẽ không được bảo hiểm, tuy nhiên nhà bảo hiểm vẫn phải bồi thường”.

Báo cáo cũng cho biết, phạm vi bảo hiểm trong các trận đại dịch trong tương lai hoặc sự hồi sinh của COVID-19 cần phải được thể hiện “rõ ràng hơn nhiều”.

Theo báo cáo, trong đại dịch lần này, các công ty bảo hiểm đã làm rõ các từ ngữ và thông báo cho bên mua bảo hiểm về loại trừ hoặc phạm vi bảo hiểm.

Ông Hogendoorn nói: “Theo thời gian, có thể có sự thay đổi từ ngữ hợp đồng khỏi các điều khoản về đại dịch.

“Phạm vi bảo hiểm sẽ rõ ràng hơn nhiều về những gì được bảo vệ và loại trừ đối với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. Việc đối phó với các yêu cầu bồi thường trong đại dịch tiếp theo hy vọng sẽ dễ dàng hơn nhiều”.

BTV (Tổng hợp).