TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 38

Điều kiện thị trường tái bảo hiểm không chắc chắn; Generali tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; VINARE – Thai Re phối hợp đào tạo nghiệp vụ

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 38

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo Minh bồi thường công trình bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang

(IAV) – Ngày 10/11/2022, Tổng công ty CP Bảo Minh (Bảo Minh) đã trao tiền bồi thường lên tới hơn 16,7 tỷ đồng cho Công ty Trường Phát – đơn vị thi công công trình bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang do sự cố cọc nghiêng trong quá trình xây dựng bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang được Sở Y tế Kiên Giang quyết định đầu tư xây dựng mới với qui mô lên tới 9 tầng, diện tích xây dựng 17.400m2 và hơn 1.000 giường bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu về khám chữa bệnh. Tổng mức đầu tư cho dự án gần 3.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, Bệnh viện Đa khoa mới tại đây sẽ là cơ sở khám, chữa bệnh, nghiên cứu y học, huấn luyện và đào tạo, hợp tác quốc tế và quản lý y tế hiện đại của cả một tỉnh đang có tốc độ phát triển trong những năm gần đây.

Ngày 28/04/2015, UBND tỉnh đã tổ chức lễ động thổ khởi công công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa mới Kiên Giang tại số 13 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Khu đô thị Phú Cường, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá. Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ “bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng” cho dự án trọng điểm này. Do sự cố bất ngờ và không lường trước được trong quá trình thi công đã gây ra thiệt hại đối với một số hạng mục của công trình làm ảnh hưởng tiến độ xây dựng dẫn đến việc Bệnh viện Đa khoa mới Kiên Giang mới chính thức đi vào hoạt động chậm hơn dự kiến.

Trong quá trình xử lý sự cố đáng tiếc này, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh đã phối hợp nhanh chóng, kịp thời cùng khách hàng, nhằm sớm khắc phục sự cố để tiếp tục thi công công trình, giảm thiểu tổn thất cũng như những tác động xấu của sự cố đến tiến độ chung của công trình và Bảo Minh sẽ tiến hành chi trả số tiền bồi thường lên tới hơn 16,5 tỷ đồng cho tổn thất đã diễn ra.

Đại diện nhà thầu – ông Vương Đức Trường, Tổng Giám đốc công ty Trường Phát cho biết: “Với sự hỗ trợ kịp thời của Bảo Minh, đơn vị thi công có thể vững tâm khắc phục sự cố đồng thời tiếp tục thực hiện cũng như hoàn thành các kế hoạch được giao trong thời gian sớm nhất. Qua đó, tôi xin gửi tới lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Bảo Minh vì đã xử lý vụ việc một cách khách quan & nhanh chóng và đúng theo phương châm Tận tình phục vụ”.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Khách hàng của Bảo hiểm VietinBank – VBI sẽ được bảo lãnh viện phí tại Bệnh viện Tim Hà Nội

(TBTCO) – Sáng 29/11, Bảo hiểm VietinBank – VBI và Bệnh viện Tim Hà Nội chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác bảo lãnh viện phí, với mong muốn gia tăng quyền lợi cho khách hàng, tạo điều kiện giúp người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận có cơ hội được khám chữa bệnh tim mạch chuyên sâu nhanh chóng, thuận tiện và giảm bớt chi phí.

Lễ ký kết có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank – VBI; bà Đỗ Quý Chi – Phó Giám đốc Ban Bồi thường phụ trách nghiệp vụ con người; bà Đỗ Thị Mùa – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo lãnh viện phí.

Về phía Bệnh viện Tim Hà Nội có PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền – Giám đốc Bệnh viện Tim; Ths. BS Đinh Tiến Dũng – Phòng Công tác xã hội và đại diện lãnh đạo các khoa, phòng tại bệnh viện;…

Hiện nay, VBI là một trong những đơn vị tiên phong hợp tác cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám với mạng lưới rộng khắp cả nước. Dịch vụ bảo lãnh viện phí của Bảo hiểm VietinBank – VBI giúp khách hàng giảm bớt gánh nặng chi phí nằm viện, khám bệnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thu thập hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện trong hệ thống bảo lãnh của VBI, khách hàng chỉ cần xuất trình thông tin tại quầy dịch vụ bảo lãnh trước khi sử dụng dịch vụ y tế để được bảo hiểm bảo lãnh viện phí. Việc phát triển và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các bệnh viện, phòng khám trong hệ thống bảo lãnh viện phí được VBI đặc biệt chú trọng, qua đó nâng tầm trải nghiệm dịch vụ của khách hàng khi khám chữa bệnh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank – VBI, cho biết: “Lễ ký kết hợp tác giữa VBI và Bệnh viện Tim Hà Nội hôm nay sẽ đặt nền móng thúc đẩy bước tiến mới trong tiến trình hợp tác bền vững giữa hai bên. Nội dung thỏa thuận là căn cứ quan trọng trong việc xác định, triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong hoạt động hợp tác bảo lãnh viện phí; từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho người dân được khám chữa bệnh tim mạch chuyên sâu tại bệnh viện công lập tuyến đầu, chất lượng cao”.

Theo thỏa thuận hợp tác, VBI sẽ thay khách hàng thanh toán trực tiếp cho Bệnh viện Tim Hà Nội các chi phí y tế phát sinh thuộc phạm vi bảo hiểm theo chương trình bảo hiểm sức khỏe của VBI bao gồm: chi phí khám bệnh và chữa bệnh ngoại trú; chi phí điều trị nội trú (bao gồm các chi phí trước khi nhập viện, nằm viện và phẫu thuật, chi phí ngay sau khi xuất viện); chi phí điều trị tai nạn; chi phí cấp cứu 24/7; …

Với chính sách linh hoạt và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quy trình bảo lãnh, VBI có thời gian giải quyết yêu cầu bảo lãnh “siêu tốc”: nha khoa hoặc ngoại trú tối đa 15 phút; nội trú tối đa 2 giờ kể từ khi nhận đầy đủ thông tin. Thông qua hình thức bảo lãnh viện phí, khách hàng có thể yên tâm khám chữa bệnh mà không cần phải thanh toán tiền mặt ngay lập tức, số tiền bảo lãnh có thể lên tới 100% chi phí thực tế tùy theo quyền lợi bảo hiểm và hồ sơ bệnh án.

PGS. TS Nguyễn Sinh Hiền – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bày tỏ hi vọng mối quan hệ hợp tác giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và Bảo hiểm VietinBank – VBI sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp, thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng; xứng đáng là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tim mạch của Thủ đô Hà Nội; bệnh viện chuyên khoa tim mạch tuyến cuối của cả nước.

Việc ký kết hợp tác giữa Bảo hiểm VietinBank – VBI và Bệnh viện Tim Hà Nội nằm trong định hướng chiến lược về phát triển mạng lưới, đa dạng đối tác nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tối ưu nhất của VBI; đồng thời đem đến cho khách hàng thêm cơ hội tiếp cận những sản phẩm bảo hiểm toàn diện và nhân văn, góp phần “bảo toàn giá trị cuộc sống”.

Ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số thời tiết dành cho nông dân trồng lúa

(TBTCO) – Việt Nam là một trong 05 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong đó, 95% sản lượng xuất khẩu đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình hình sản xuất gạo trong khu vực đang gặp phải nhiều thách thức do các điều kiện khí hậu khắc nghiệt như lũ lụt, lượng mưa thay đổi dẫn đến sản lượng giảm sút, ảnh hưởng tới sinh kế của nông dân trồng lúa.

Ước tính cho thấy chỉ cần tăng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm lên 1% sẽ giúp giảm gần 22% chi phí khắc phục thảm họa. Mặc dù bảo hiểm có thể bảo vệ người nông dân trước những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, chi phí cho bảo hiểm là tương đối cao. Hơn nữa, nhận thức về bảo hiểm trong cộng đồng nông dân còn thấp, thách thức về phân phối và khung pháp lý là những tác nhân chính ảnh hưởng đến việc phát triển và phân phối sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Cân nhắc những thách thức và cơ hội cho bảo hiểm nông nghiệp, Igloo với năng lực công nghệ bảo hiểm toàn diện đã cố gắng tạo ra chuỗi giá trị tối ưu nhất để cung cấp bảo hiểm nông nghiệp trên quy mô lớn. Với sự hỗ trợ đánh giá rủi ro từ PVI và SCOR, Igloo đã sử dụng công nghệ blockchain để phát triển Bảo hiểm Chỉ số thời tiết tự động hóa việc giải quyết các yêu cầu bảo hiểm thông qua việc ứng dụng các hợp đồng thông minh. Với mức phí bảo hiểm từ 220.000 VND/ha và diện tích bảo vệ tối thiểu là 0,1 ha, sản phẩm bảo vệ người nông dân trước tình trạng lượng mưa bất thường.

Dựa trên dữ liệu lượng mưa được thu thập từ Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn và giám sát bởi Igloo, Bảo hiểm Chỉ số thời tiết sẽ tự động thanh toán các khoản bồi thường dựa trên những giá trị đã được xác định trước cho người nông dân trong trường hợp xảy ra tổn thất do các sự kiện thời tiết hoặc thiên tai. Khâu giám định bồi thường được loại bỏ giúp giảm chi phí giao dịch và cho phép nông dân nhận được thanh toán nhanh hơn. Việc tích hợp blockchain cũng sẽ đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn và quyền riêng tư cho dữ liệu của nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam cho biết: “Sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số thời tiết được tạo ra nhằm bảo vệ người nông dân trồng lúa trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ngập úng hoặc hạn hán. Với quy trình giải quyết yêu cầu bảo hiểm nhanh chóng, đơn giản và khách quan, sản phẩm này mang lại sự thuận tiện và yên tâm cho người nông dân vì các khoản thanh toán giờ đây sẽ dựa trên các sự kiện đã được dự tính trước và các chỉ số chính thức có thể được truy cập công khai. Sản phẩm đã bảo vệ cho gần 6.000 ha và chúng tôi đang hướng tới bảo vệ cho 50.000 ha trong những mùa vụ sắp tới thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp công-tư”.

Sản phẩm này được cung cấp bởi Bảo hiểm PVI và hiện được phân phối thông qua nền tảng dịch vụ trung gian của Igloo – Ignite. Đối tác tái bảo hiểm SCOR là công ty tái bảo hiểm quốc tế được công nhận về năng lực tài chính và kỹ thuật đối với các sản phẩm bảo hiểm dựa trên thời tiết trên toàn thế giới. Hiện sản phẩm này cung cấp các khoản bồi thường tự động cho người nông dân trong trường hợp lượng mưa tại 8 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt hoặc cao quá mức trong vòng 5 ngày liên tiếp.

Tập đoàn Generali tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và vị thế tài chính

(TBTCO) – Tập đoàn Generali vừa thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và vị thế tài chính vững mạnh.

Cụ thể, doanh thu phí gộp tăng lên 59,8 tỷ Euro (+1,3%) nhờ tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ (+10,3%), dẫn đầu bởi nghiệp vụ bảo hiểm phi cơ giới. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ (BHNT) giảm nhẹ (-2,9%).

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh BHNT đạt 7,7 tỷ Euro, nhờ tăng trưởng ở dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị và sản phẩm bảo vệ, phù hợp với chiến lược tái định vị danh mục sản phẩm BHNT.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng mạnh lên 4,8 tỷ Euro (+7,8%), nhờ vào kết quả tích cực từ mảng BHNT và phi nhân thọ. Tỷ lệ kết hợp đạt 93,3% (cao hơn 2% so với cùng kỳ 2021). Tỷ lệ lợi nhuận hợp đồng khai thác mới đạt kết quả xuất sắc 5,42% (so với 4,76% cùng kỳ 2021).

Lợi nhuận thuần ổn định ở mức 2,2 tỷ Euro (-0,8%). Nếu loại trừ ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư bị giảm giá tại thị trường Nga, lợi nhuận thuần sẽ đạt mức 2,4 tỷ Euro (+5,5%).

Vị thế tài chính cực kỳ vững mạnh với biên khả năng thanh toán đạt 223% (so với 227% cuối năm 2021).

Phó Tổng giám đốc Tài chính Tập đoàn Generali, ông Cristiano Borean, nhận định: “Kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm thể hiện vị thế vững chắc của Tập đoàn Generali trên nền tảng chiến lược đúng đắn của chúng tôi nhằm tập trung vào các mảng kinh doanh có khả năng sinh lời tốt nhất và nguồn doanh thu đa dạng. Điều này giúp chúng tôi tiếp tục tạo ra giá trị ngay cả trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay. Generali tiếp tục duy trì thành công đà tăng trưởng bền vững và liên tục gia tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, cho thấy kế hoạch chiến lược “Người bạn trọn đời 24: Thúc đẩy tăng trưởng” đang được triển khai hiệu quả và đúng hướng”.

Ra mắt ứng dụng bảo hiểm IZIon24

(TBTCO) – Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Ideal Life vừa tổ chức họp báo ra mắt sản phẩm insurtech IZIon24 – ứng dụng bảo hiểm bỏ túi với kỳ vọng giúp hàng triệu người dân được bảo vệ.

Ông Nguyễn Thanh Duy – Giám đốc Ideal Life, cho biết trong điều kiện đó IZIon24 ra đời với mong muốn trở thành cầu nối nhằm mang sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm phù hợp đến với khách hàng thông qua các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, Ideal Life cũng muốn thay đổi quan niệm của người dân Việt Nam về bảo hiểm thông qua việc mang đến trải nghiệm dễ dàng và giá trị gia tăng khi sử dụng ứng dụng IZIon24.

Theo ông Duy, chỉ với mức phí từ vài trăm đến 1 – 2 triệu/năm, người dân vẫn có thể yên tâm và hưởng những quyền lợi khám chữa bệnh với tổng quyền lợi bảo hiểm có thể lên đến vài chục hay vài trăm triệu đồng.

IZIon24 được biết đến là ứng dụng bảo hiểm bỏ túi thuộc Ideal Life với nhiều điểm khác biệt như: đa sản phẩm đa mức giá, tính năng so sánh sản phẩm, yêu cầu bồi thường trực tuyến, tái tục nhanh chóng chỉ với 1 lần chạm, quản lý bảo hiểm ngay trên ứng dụng mọi lúc, mọi nơi..

Chẳng hạn quy trình yêu cầu bồi thường luôn khiến người tham gia bảo hiểm ngán ngẩm, nay đã được thiết lập sẵn, rõ ràng và minh bạch ngay trên ứng dụng. Khi cần được chi trả cho các vấn đề liên quan đến viện phí hay sự cố, người dùng chỉ cần làm theo hướng dẫn trên ứng dụng là có thể nhận số tiền bồi thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Người dùng sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin và hiểu được mục đích, quyền lợi của từng loại bảo hiểm.

Theo ông Duy, mọi lúc, mọi nơi, người dân có thể mua sản phẩm bảo hiểm cho người thân ngay trên IZIon24 và dễ dàng quản lý hợp đồng. Nếu hợp đồng hết hạn, chỉ cần một lần chạm duy nhất là đã có thể tái tục gói bảo hiểm cũ.

Ngoài ra, ứng dụng IZIon24 còn cho phép người dùng so sánh các gói sản phẩm với giao diện trực quan, từ đó dễ dàng tìm được sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình và người thân mà không cần phải tham khảo từ nhiều nguồn.

  1. Nhịp đập thị trường

Thương vụ nghìn tỷ tiếp tục khuấy động thị trường bancassurance

(TBTCO) – Thị trường bảo hiểm, ngân hàng vừa chứng kiến cú bắt tay hợp tác giữa LienVietPostbank và Dai-ichi Life Việt Nam. Thương vụ này làm thị trường bancassurance Việt Nam càng thêm sôi động.

Cú bắt tay nghìn tỷ của LienVietPostBank

Cuối tuần qua, sự kiện LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 15 năm được thị trường đặc biệt chú ý. Không chỉ bởi đây là sự kết hợp giữa hai thương hiệu danh tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm mà còn bởi đội ngũ tư vấn quốc tế hùng hậu tham gia thương vụ này.

Cụ thể, J.P. Morgan – định chế tài chính hàng đầu thế giới, là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho LienVietPostBank, Linklaters tư vấn luật và Milliman là đơn vị tư vấn định giá. Linklaters là hãng luật hàng đầu thế giới, hiện cung cấp dịch vụ tư vấn luật trên 100 quốc gia, tham gia tư vấn luật cho nhiều giao dịch bancassurance tại khu vực châu Á. Trong khi đó, Milliman cũng là công ty hàng đầu thế giới về tư vấn định giá bảo hiểm nhân thọ, đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn cho các giao dịch hợp tác bancassurance tại khu vực châu Á.

Giá trị thương vụ đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tuy vậy, với giá trị thương hiệu của LienVietPostBank, Dai-ichi Life cũng như nhìn vào danh sách đơn vị tư vấn và định giá – đều là các tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu thế giới, có thể thấy đây chắc chắn là một thương vụ “khủng”, giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

LienVietPostBank là cái tên hiếm hoi còn lại trong hệ thống ngân hàng chưa ký hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận lên tới 72% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành mục tiêu của cả năm, trong đó có đóng góp lớn từ mảng dịch vụ (tăng 43%).

Sức khỏe lành mạnh, tệp khách hàng bán lẻ chất lượng, mạng lưới chi nhánh rộng lớn cùng hệ thống ngân hàng số đang được phát triển mạnh…, LienVietPostBank là ngân hàng được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để mắt tới. Trong khi đó, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Việt Nam.

Cú bắt tay này được dự đoán sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Thực tế, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền, LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam đã có 6 năm hợp tác, cung cấp dịch vụ tài chính cho gần 180.000 khách hàng với tổng doanh thu phí bảo hiểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch mục tiêu ký kết ban đầu. LienVietPostBank cũng lọt vào top 9 ngân hàng có doanh số bancassurance lớn nhất hệ thống hiện nay.

Việc LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền khiến thị trường bancassuarance càng thêm sôi động. Tính đến đầu năm nay, trên thị trường đã có 61 hợp đồng hợp tác ngân hàng – bảo hiểm diễn ra. Trong đó có 40 hợp đồng hợp tác theo hình thức độc quyền và 21 hợp đồng hợp tác không độc quyền.

Trong những tháng đầu năm, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm nhiều cú bắt tay giữa ngân hàng với bảo hiểm như: Agribank và FWD Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam với Shinhan Việt Nam, VPBank và AIA gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm lên 19 năm…

Trước đó, rất nhiều thương vụ bắt tay ngàn tỷ đã được ký kết: Vietinbank – Manulife, Vietcombank – FWD, ACB – Sunlife, Techcombank – Manulife, MSB – Prudential, VIB – Prudential, Sacombank – Daiichi Life…

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng có lợi thế về mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, ngân hàng số phát triển…, rất phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nên bancassurance đang ngày càng bùng nổ. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như giúp cung cấp nhiều tiện ích đa dạng hơn cho khách hàng.

Dư địa tăng trưởng của Bancassurance tại Việt Nam vẫn còn rất lớn

Bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, thời gian qua, hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới.

“Doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định” – bà Phương cho biết. Về phía ngân hàng, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai hoạt động bancassurance. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng tới 23%. Doanh thu phí từ bancassurance hiện đang chiếm khoảng 5 – 10% tổng thu nhập hoạt động của mỗi ngân hàng.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bancassurance Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tích cực do tăng trưởng kinh tế giai đoạn từ nay tới năm 2025 tăng trung bình 6,5 – 7%/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm của Việt Nam còn thấp (hiện đang là 2,7% và Chính phủ mong muốn nâng lên mức 3,5% vào năm 2025). Đặc biệt, mức độ bao phủ bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất thấp. Hiện chỉ khoảng 10% dân số Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ trong khi con số này tại Malaysia là 50%, tại Singapore là 80%.

Hiện nay, tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng cũng rất thấp, mới chiếm 5-8% lượng khách hàng của ngân hàng, đây cũng chính là dư địa để các ngân hàng tăng tốc trong lĩnh vực này. Với nền tảng số ngày càng cải thiện, các ngân hàng dễ dàng mở rộng kênh phân phối bảo hiểm hơn nữa, thông qua tệp khách hàng sẵn có. Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay.

  1. Tin đào tạo

VINARE – Thai Re phối hợp đào tạo nâng cao nghiệp vụ bảo hiểm/tái bảo hiểm

(VNR) – Ngày 8-12/11 vừa qua, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt nam (VINARE) đã kết hợp với Công ty Thai Reinsurance Public Company Ltd (Thai Re) tổ chức chương trình đào tạo nghiệp vụ với tên gọi “Insurance Business Simulation Board Game: Underwriting Marketer” tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VINARE và Thai Re được kí kết vào tháng 6 năm 2022 vừa qua, trong đó hai công ty cam kết hợp tác đào tạo nhân sự cho cán bộ cũng như khách hàng của hai bên.

Khóa học có sự tham gia của 18 cán bộ đã có ít nhất 2-5 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm, trong đó có 5 cán bộ từ VINARE và 13 cán bộ từ 13 công ty bảo hiểm gốc trên thị trường Việt Nam. Chương trình được thiết kế nhằm cho phép các thành viên tham gia có thêm sự hiểu biết về các khía cạnh trọng tâm của việc kinh doanh bảo hiểm thông qua việc mô phỏng hoạt động kinh doanh kết hợp với trò chơi. Khóa học lần này được kỳ vọng sẽ đem đến cho các cán bộ tham dự một cái nhìn tổng quan hơn về thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm, đánh giá được thị trường nhằm xác định đúng sản phẩm cần cung cấp, có thể phân tích và lập chiến lược các kênh bán hàng từ đó đem về được lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp cho người tham dự học cách tối ưu hóa nguồn lực, có khả năng đưa ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và đồng nghiệp, trau dồi kỹ năng lên kế hoạch và giải quyết tình huống cũng như những cuộc khủng hoảng không lường trước được. Chương trình lần này được cung cấp bởi công ty Blue Venture Training – một công ty thuộc Thai Re Group.

Đây được xem là đóng góp của VINARE trong việc trong việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm Việt Nam.

  1. Tin quốc tế

Hồng Kông: Cơ quan quản lý cảnh báo về các trang web Sun Life giả mạo

(INA) – Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông đang cảnh báo công chúng về các trang web lừa đảo tự xưng là của Sun Life Hồng Kông.

Trong một thông báo, IA đã xác định rằng các trang web giả mạo có tên miền “http://sun-lifegroup.info” và “http://sun-lifegroup.net” không có mối liên hệ nào với Sun Life – công ty bảo hiểm đã được cấp phép.

“Vụ việc đã được báo cáo cho Lực lượng cảnh sát Hồng Kông để điều tra thêm. Bất kỳ ai đã cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web nói trên hoặc đã thực hiện bất kỳ giao dịch nào thông qua trang web nên gọi cho Đường dây nóng Dịch vụ Khách hàng của Sun Life theo số 2103-8928 và báo cáo vụ việc cho Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông,” IA cho biết.

Theo Pháp lệnh Bảo hiểm, bất kỳ công ty nào tiến hành kinh doanh bảo hiểm tại hoặc từ Hồng Kông đều phải được IA cấp phép.

Trước đó, IA cũng cảnh báo về một trang web giả mạo tương tự có mục đích là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bowtie.

Australia: Bão và lũ lụt khiến các công ty bảo hiểm thiệt hại hơn 8 tỷ USD trong 3 năm qua

(AIR) – Dữ liệu mới do Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) công bố mới đây cho thấy tổn thất bảo hiểm do bão lũ kể từ tháng 1 năm 2020 đến nay đã lên tới 12,3 tỷ đô la Úc (8,3 tỷ đô la).

Trong tổng số này, gần một nửa (46%) hay 5,65 tỷ đô la Úc đã phát sinh do lũ lụt từ tháng 2 đến tháng 3 năm nay. Đây là thảm họa thiên nhiên có tổn thất lớn hơn trận mưa đá ở Sydney năm 1999, trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử Úc.

ICA cho biết trong một tuyên bố rằng mọi tiểu bang phía đông đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi lũ lụt trong ba năm qua, trong khi Nam Úc và Tây Úc đã bị bão và hoạt động của lốc xoáy tấn công.

Kể từ tháng 1 năm 2020, gần 788.000 yêu cầu bồi thường liên quan đến lũ lụt và bão được tuyên bố là Thảm họa Bảo hiểm hoặc Sự kiện Quan trọng đã được các công ty bảo hiểm tiếp nhận, nghĩa là chỉ trong ba năm, cứ 25 người Úc trưởng thành thì có một người yêu cầu bảo hiểm vì thời tiết ẩm ướt và khắc nghiệt này.

Thời tiết khắc nghiệt vào tháng 7 làm ngập lụt các khu vực phía tây Sydney và các vùng lân cận đã dẫn đến gần 22.000 yêu cầu bồi thường với chi phí 244 triệu đô la Úc.

Các cơn bão và lũ lụt vào giữa tháng 10 đổ bộ vào Tasmania, Victoria và New South Wales đã tạo ra hơn 17.200 yêu cầu bồi thường với thiệt hại được bảo hiểm ước tính là 477 triệu đô la Úc.

Lũ lụt ảnh hưởng đến miền Trung Tây của New South Wales cho đến nay đã phát sinh gần 3.600 yêu cầu bồi thường. Với các công ty bảo hiểm hiện đang được triển khai và hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng, ước tính về mức độ thiệt hại vẫn đang được xác định.

Giám đốc điều hành ICA Andrew Hall cho biết: “Mỗi một trong số 788.000 yêu cầu bồi thường do thời tiết khắc nghiệt và ẩm ướt phát sinh trong ba năm qua đều thể hiện sự gián đoạn đáng kể đối với chủ nhà, người thuê nhà, chủ nhà cho thuê, chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất chính hoặc chủ sở hữu phương tiện cơ giới.

“Thực tế là cứ 25 người trong chúng tôi thì có một người phải nộp đơn yêu cầu bảo hiểm vì thời tiết khắc nghiệt này là điều rất nghiêm trọng.

Chúng ta không được bỏ qua những gì dữ liệu này đang đặt ra đòi hỏi là đầu tư vào giảm thiểu thiệt hại ở cấp độ cộng đồng, trang bị thêm nhà ở, mua lại nhà trong những trường hợp cực đoan nhất và hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn.

“Chúng ta cũng cần ngừng xây nhà theo cách có hại và phải làm cho những ngôi nhà mới chắc chắn hơn.”

Ấn Độ: Không có giá đấu riêng biệt cho các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Reliance Capital

(AIR) – Nhóm Hinduja gồm Oaktree, Torrent và nhóm Piramal gồm Cosmea Financial và UV ARC đã gửi giá đấu cuối cùng của họ cho Reliance Capital (RCap). Thời hạn chào bán cuối cùng đối với tài sản của RCap đã kết thúc vào ngày 28 tháng 11 năm 2022.

Financial Express trích dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết, không có giá đấu riêng biệt nào được đăng ký đối với các dự án bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của RCap.

Cả Birla Sun Life và Nippon Life, những công ty quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đều rút lui khỏi quá trình đấu giá. Nippon, công ty có 49% cổ phần trong Reliance Nippon Life Insurance, đã thể hiện sự quan tâm đến việc đấu giá 51% cổ phần của công ty này với một đối tác Ấn Độ. Tuy nhiên, nó đã không thể tìm thấy đối tác.

Tương tự, Bảo hiểm nhân thọ Birla Sun đã rút lui khỏi cuộc đua sau khi Nippon Life từ chối sáp nhập do lo ngại cổ phần của họ giảm xuống dưới 10%.

Cả Bảo hiểm Zurich và nhà đầu tư cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ Advent International, những công ty đã gửi hồ sơ tham dự đấu giá không ràng buộc cho BH phi nhân thọ Reliance General Insurance trong vòng đầu tiên, đều bị loại ở vòng cuối cùng.

Tái bảo hiểm: Điều kiện thị trường không chắc chắn

(AIR) – AM Best đã duy trì triển vọng phân khúc thị trường tái bảo hiểm toàn cầu ở mức ‘Ổn định’, với lý do các điều kiện thị trường rất không chắc chắn gồm các yếu tố tích cực và tiêu cực bù trừ cho nhau.

Theo một Báo cáo mới của Best, có tiêu đề “Triển vọng Phân khúc Thị trường: Tái bảo hiểm Toàn cầu”, nguyên nhân chính trong số các nguyên nhân tiêu cực là hoạt động thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng tiếp tục thử thách mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Điều này đang được kết hợp bởi sự không chắc chắn về địa chính trị và kinh tế, bên cạnh chi phí yêu cầu bồi thường ngày càng tăng.

Mặc dù xu hướng định giá được cải thiện và các điều khoản và điều kiện chặt chẽ hơn, nguồn vốn truyền thống mới vẫn thận trọng và vẫn đứng ngoài cuộc. Những hạn chế tương tự đang được nhìn thấy ở khía cạnh chứng khoán liên kết với bảo hiểm của thị trường, đặc biệt là đối với năng lực nhượng tái.

Ông Carlos Wong-Fupuy, Giám đốc cấp cao của AM Best cho biết: “Mặc dù phân khúc này vẫn được vốn hóa tốt, nhưng việc tăng lãi suất liên tục và thị trường đầu tư biến động đã làm giảm đáng kể vốn chủ sở hữu của cổ đông trên cơ sở giá trị thị trường”.

Báo cáo trích dẫn một số yếu tố tích cực bù đắp, bao gồm đà tăng giá và nâng cao kỷ luật thị trường, bao gồm các điều khoản và điều kiện chặt chẽ hơn. Nhu cầu về năng lực tái bảo hiểm tiếp tục tăng lên do các hãng bảo hiểm gốc tìm kiếm kết quả ổn định và hiệu quả sử dụng vốn trong môi trường thị trường không chắc chắn.

Những kỳ vọng ban đầu về việc tăng tỷ lệ tái bảo hiểm bắt đầu thu hút nguồn vốn mới vào năm 2019, với hy vọng rằng hoạt động khắc phục thảm họa tự nhiên sẽ giảm bớt và trở lại mức trung bình trong lịch sử. Hy vọng đó đã bị phủ nhận bởi cơn bão tàn khốc Ian, ước tính là một trong những sự kiện được bảo hiểm tốn kém nhất trong lịch sử gần đây. Nhưng ngay cả khi không có các sự kiện thảm họa lớn, thì việc tích lũy các sự kiện quy mô vừa và nhỏ đã có tác động đáng kể đến tỷ lệ yêu cầu bồi thường, đôi khi vào những thời điểm không mong muốn trong năm.

Marsh bổ nhiệm Giám đốc toàn cầu mới về cổ phần tư nhân và M&A

(IBM) – Nhà môi giới bảo hiểm toàn cầu Marsh đã thông báo bổ nhiệm ông Paul Knowles (ảnh trên) làm Giám đốc toàn cầu về mua bán và sáp nhập (M&A) vốn cổ phần tư nhân (PEMA) cho Marsh Specialty. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1.

Knowles hiện là Giám đốc Marsh Specialty cho Lục địa Châu Âu. Ông ấy sẽ báo cáo với Lucy Clarke, Chủ tịch Marsh Specialty and Global Placement, và sẽ chuyển từ Luân đôn đến New York.

Trong vai trò mới của mình, Knowles sẽ lãnh đạo nhóm PEMA của Marsh Specialty, nhóm làm việc với khách hàng để đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi và chốt giao dịch ở cả bên mua và bên bán.

Knowles bắt đầu sự nghiệp bảo hiểm của mình tại Sedgwick vào năm 1990, làm việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng và bất động sản. Ông gia nhập JLT năm 1996. Năm 2006, Knowles trở thành lãnh đạo mảng xây dựng và bất động sản của JLT, đồng thời được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của JLT Specialty UK & Europe vào năm 2015. Ông được bổ nhiệm vào vai trò hiện tại khi Marsh McLennan mua lại JLT vào năm 2019.

Clarke nói: “Tôi biết sự tập trung vững chắc của Paul vào khách hàng và cam kết mang lại sự xuất sắc có nghĩa là nhóm PEMA toàn cầu xuất sắc của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo của anh ấy.

“Bất ổn kinh tế toàn cầu đã tạo ra sự không chắc chắn và bối cảnh rủi ro ngày càng phức tạp cho cả người mua và người bán tài sản, đồng thời khiến đây càng trở thành thời điểm quan trọng để tập trung vào hiệu suất danh mục đầu tư,” Knowles nói. “Khách hàng của chúng tôi cần các giải pháp tích hợp có thể cải thiện việc thực hiện giao dịch, giảm bớt sự không chắc chắn trước và sau giao dịch, cải thiện bảng cân đối kế toán và tối ưu hóa lợi tức đầu tư. Tôi mong muốn được làm việc với các đồng nghiệp ở Marsh McLennan để phục vụ tốt cho khách hàng.”

AGCS bổ nhiệm Giám đốc toàn cầu về giải pháp ngành và quản lý khách hàng

(IBM) – Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS) đã thông báo bổ nhiệm ông Martin Zschech (ảnh trên) – hiện là Giám đốc phân phối khu vực cho trung và đông Âu – vào vai trò mới trong tổ chức là Giám đốc toàn cầu về giải pháp ngành và quản lý khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 Ngoài ra, ông Zschech sẽ kế nhiệm ông Paul Schiavone trong vai trò Giám đốc giải pháp ngành toàn cầu cho các dịch vụ tài chính.

Ông Zschech sẽ báo cáo lên ông Jeremy Sharpe, Giám đốc phân phối toàn cầu. Trong vai trò mới của mình, ông sẽ tăng cường tập trung vào việc thúc đẩy Giải pháp ngành Toàn cầu (GIS) của AGCS, một phương pháp phân phối dẫn đầu ngành.

Ông Henning Haagen, Giám đốc khu vực kiêm Giám đốc thị trường và thành viên hội đồng quản trị của AGCS cho biết: “Khách hàng và nhà môi giới là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi rất biết ơn vì đã nhận được kết quả rất tốt trong cuộc khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng hàng năm trong năm nay. “Trong vai trò mới của mình, Martin sẽ đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục phát triển hơn nữa chiến lược phân phối tập trung vào ngành của mình và phát triển các cấp độ dịch vụ và quản lý quan hệ khách hàng theo cách tiếp cận nhất quán trên toàn cầu. Với kiến ​​thức nền tảng về đánh giá rủi ro và hiểu biết sâu sắc về khách hàng, Martin sẽ là người ủng hộ hiệu quả cho tất cả các chủ đề về khách hàng trong tổ chức của chúng tôi.”

GIS là một phần trong chiến lược “AGCS MỚI” của công ty. GIS nhắm mục tiêu đến các phân khúc ngành cụ thể, trong đó các giám đốc GIS là đầu mối liên hệ duy nhất, những người hợp tác chặt chẽ với việc đánh giá rủi ro và quản lý tài khoản để tạo ra kiến thức chuyên môn dành riêng cho ngành.

Với việc tạo ra vai trò mới, các giám đốc GIS hiện tại Blanca Berruguete (xây dựng) và Jody Yee (công nghệ, truyền thông và viễn thông), cùng với Nishma Tate trong quản lý khách hàng toàn cầu, sẽ báo cáo lên Zschech. AGCS sẽ bổ sung thêm một giám đốc GIS về năng lượng và năng lượng tái tạo trong tương lai gần.

Chubb bổ nhiệm Giám đốc Tài chính Malaysia

(IBM) – Chubb đã bổ nhiệm Abbas Choker (ảnh) làm Giám đốc Tài chính tại Malaysia.

Trong vai trò mới của mình, ông Choker sẽ lãnh đạo các vấn đề tài chính của Chubb, bao gồm tài chính doanh nghiệp, thuế, ngân quỹ và đầu tư tại Malaysia.

Ông Choker có hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, trước đây đã từng làm việc cho các công ty bảo hiểm lớn trên nhiều thị trường ở Châu Á, Úc và New Zealand. Gần đây nhất, ông là Giám đốc tài chính của Australia và New Zealand tại Berkshire Hathaway Specialty Insurance.

“Tôi rất vui khi có Abbas tham gia với vai trò quan trọng này,” Steve Crouch, chủ tịch quốc gia của Chubb tại Malaysia cho biết. “Kinh nghiệm sâu rộng của Abbas trong quản lý tài chính cùng với kiến thức sâu rộng của ông về hoạt động bảo hiểm sẽ là vô giá đối với hoạt động của Chubb tại Malaysia khi chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc thực hiện chiến lược của mình và mang lại sự tăng trưởng dài hạn và bền vững.”

Xếp hạng ESG cao hơn dẫn đến hiệu suất đánh giá rủi ro cao hơn

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 38(IBM) – Theo một nghiên cứu mới từ nhà môi giới bảo hiểm quốc tế Howden và công ty bảo hiểm chuyên biệt Fidelis, xếp hạng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cao hơn sẽ kéo theo hiệu quả đánh giá rủi ro tốt hơn.

Báo cáo đã xem xét kỹ lưỡng tỷ lệ tổn thất trên 30.000 hợp đồng, với giá trị phí bảo hiểm khoảng 9 tỷ đô la, khớp chúng với xếp hạng ESG của bên thứ ba. Howden cho biết đây là nghiên cứu lớn nhất từng được thực hiện để thiết lập mối liên hệ giữa các yếu tố này.

Phân tích cho thấy xếp hạng môi trường có mối tương quan mạnh nhất với tỷ lệ tổn thất. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt giữa các ngành. Trong số các nghiệp vụ được xem xét trong báo cáo, bảo hiểm tài sản cho thấy mối tương quan mạnh nhất giữa điểm ESG cao hơn và trải nghiệm tổn thất tốt hơn.

David Howden, Giám đốc điều hành của Howden Group Holdings cho biết: “Thật tuyệt khi thấy cách tiếp cận chủ động mà Fidelis và các công ty bảo hiểm khác đang thực hiện để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa hồ sơ ESG và rủi ro. “Dữ liệu ủng hộ niềm tin từ lâu của chúng tôi rằng khách hàng sẽ được tưởng thưởng khi có mức độ ESG cao. Đây là một cách rõ ràng mà ngành bảo hiểm có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Tôi hy vọng trong tương lai gần, ESG sẽ được tích hợp vào các quy trình bảo lãnh phát hành và các quyết định về giá ở một mức độ lớn hơn nhiều.”

Ông Richard Brindle, Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn kiêm Giám đốc đánh giá rủi ro của Fidelis cho biết: “Đây là một ví dụ tuyệt vời về việc làm đúng đắn cũng là điều mang lại lợi nhuận cao nhất. “Có thể nói rõ mối liên kết này sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tương tác của chúng tôi với các bên liên quan chính, đặc biệt là cộng đồng đầu tư.”

BTV (Tổng hợp).