InsurTech Singapore huy động được 1 triệu USD; 4 công ty BHNT lớn Nhật Bản cùng đầu tư vào trái phiếu khí hậu; FWD Việt Nam, MB Ageas Life là nơi làm việc tốt nhất châu Á
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Fubon Life Việt Nam chi trả hơn 130 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng
(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) vừa chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng H.V.M (61 tuổi) tại Hải Phòng không may bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm lên tới 132.668.000 đồng.
Được biết, khách hàng H.V.M (61 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã tham gia bảo hiểm nhân thọ của Fubon Life Việt Nam từ ngày 12/1/2019 với sản phẩm chính Phúc Bảo Phát Lộc và sản phẩm bổ trợ Phúc Bảo Bổ Trợ Tử Kỳ Do Tai Nạn.
Ngày 22/12/2020, khách hàng H.V.M đi làm ruộng, quả sứ trên cột điện cao thế bị vỡ làm dây điện cao thế chùng xuống và hút người lên cao. Khách hàng H.V.M được điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác từ ngày 22/12/2020 đến ngày 4/1/2021 và từ ngày 17/1/2021 đến ngày 1/2/2021 với chẩn đoán “Bỏng điện cao thế 10% độ IV, V đầu, mặt, cổ, hai tay, hai chân. Tổn thương não, liệt tứ chi do dòng điện”.
Ngày 10/9/2021, khách hàng gửi đơn yêu cầu bồi thường cho Fubon Life Việt Nam. Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của khách hàng, mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19, Fubon Life Việt Nam đã nhanh chóng giải quyết chi trả quyền lợi cho khách hàng với mong muốn hỗ trợ kịp thời cho khách hàng trong lúc khó khăn và đảm bảo quyền lợi như đã cam kết; khách hàng đã nhận được số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm 132.668.000 đồng .
Vợ khách hàng H.V.M chia sẻ: “Nhận được sự chi trả kịp thời và sự quan tâm thăm hỏi, phục vụ chu đáo của Fubon Life Việt Nam, gia đình chúng tôi đã được bù đắp phần nào gánh nặng tài chính trong thời điểm khó khăn này. Chúng tôi vô cùng cảm kích”.
Ông Rick.Chiang – Tổng giám đốc Fubon Life Việt Nam chia sẻ: “Cuộc sống luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ập đến bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình. Với mong muốn bảo vệ an ninh tài chính và dự phòng cho tương lai của khách hàng, các gói bảo hiểm của Fubon Life Việt Nam luôn hướng đến việc tối đa hóa quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm, qua đó giảm bớt gánh nặng cho khách hàng trong những trường hợp không may trong cuộc sống”.
- Một vòng doanh nghiệp
Bảo hiểm Quân đội: Top 2 về trải nghiệm số, khẳng định hướng đi đúng đắn trong đầu tư công nghệ
(MIC) – Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã được vinh danh, trao giải “Top 2 công ty bảo hiểm phi nhân thọ được khách hàng hài lòng về trải nghiệm số nhất” và “Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu”.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Chuyển đổi số ngành tài chính ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số” diễn ra vào ngày 7/10 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Hội đồng đánh giá đã công bố kết quả chương trình khảo sát mức độ hài lòng của người sử dụng, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ Bảo hiểm.
Giải thưởng nhằm tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp chứng khoán và cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam có nhiều thành tựu trong quá trình chuyển đổi số, từ đó đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đạt hiệu quả cao trên 3 khía cạnh: Nâng cao hiệu quả quản trị; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
MIC đã xuất sắc được vinh danh đồng thời 2 giải thưởng “Top 2 công ty bảo hiểm phi nhân thọ được khách hàng hài lòng về trải nghiệm số nhất” và “Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu”. Trong đó, Hội đồng chuyên gia đã đánh giá dựa trên14 tiêu chí như điểm số ứng dụng, điểm số an toàn bảo mật thông tin, điểm sáng tạo và 11 tiêu chí khác về quy mô doanh nghiệp, các chỉ số tăng trưởng tài chính…
Trong cuộc chạy đua về công nghệ bảo hiểm số siêu tốc, MIC chọn cho mình hướng đi khác biệt, luôn là thương hiệu tiên phong trong ngành về chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, cơn bão Covid khiến nhiều doanh nghiệp truyền thống loay hoay trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, tiếp cận khách hàng từ xa thì MIC lại có cú lội ngược dòng.
Trước đó, từ 2019 MIC đã áp dụng công nghệ cấp đơn siêu tốc, MIC đã thành công triển khai ấn chỉ điện tử siêu tốc. Đến thời điểm tháng 3 năm nay, khi Nghị định 03/2021/NĐ-CP và thông tư 04/2021/TT-BTC về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới có hiệu lực, thì MIC đã hoàn toàn chủ động về công nghệ và mang đến cho khách hàng sự thuận tiện với Giấy chứng nhận điện tử bảo hiểm xe máy/ô tô.
Là một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc top đầu của ngành, MIC hiểu rằng, mong muốn của khách hàng thời nay luôn đi liền với sự tiện ích từ Công nghệ. Giờ đây khách hàng của MIC chỉ cần thao tác trong 10-30 giây là có thể sở hữu được giấy chứng nhận bảo hiểm như mong muốn.
Mặt khác, sau khi sở hữu sản phẩm bảo hiểm, việc làm thế nào để hỗ trợ được tốt nhất cho khách hàng khi rủi ro không may xảy ra cũng là điều mà MIC luôn trăn trở. Bởi đây chính là thách thức của nhiều doanh nghiệp vì nếu hỗ trợ, bồi thường chậm trễ sẽ không đáp ứng được mong muốn của khách hàng.
Một trong những điểm nổi bật nhất về công nghệ của MIC là ra mắt trải nghiệm không giới hạn trên ứng dụng (APP) MIC. Qua đó, khách hàng sẽ thực hiện thao tác mua bảo hiểm vô cùng tiện ích, nhanh chóng dù ở bất kỳ đâu với chiếc điện thoại thông minh. APP sẽ được tích hợp công nghệ bồi thường siêu tốc thông qua các ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và công nghệ ORC (nhận dạng ký tự quang học).
Nếu như trước đây, khách hàng phải mất nhiều thời gian liên hệ cơ quan chức năng xác nhận, đảm bảo hiện trường. Đồng thời liên hệ giám định viên làm thủ tục khai báo tổn thất và làm biên bản yêu cầu bồi thường. Thông thường thủ tục bồi thường truyền thống 10-15 ngày để hoàn tất. Nhưng với công nghệ bồi thường siêu tốc MIC chỉ sau 5 phút khách hàng đã nhận ngay phương án bồi thường.
Khi phát sinh sự cố, khách hàng chỉ cần gọi tổng đài 1900 558891 hoặc vào app MIC để khai báo online, tất cả các bước từ chụp ảnh hiện trường đến xác nhận biên bản giám định đều được thực hiện trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian chờ cho khách hàng.
Đây được giới chuyên môn nhận định là giải pháp thông minh dành cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Hi vọng với những đổi mới về công nghệ này sẽ giúp khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của MIC lên tầm cao mới.
BIC lần thứ 10 được bình chọn là Thương hiệu mạnh Việt Nam
(BIC) – Gần hai thập kỷ trôi qua kể từ năm 2003, sáng kiến tạo dựng và phát triển một cộng đồng doanh nghiệp “Thương hiệu Mạnh Việt Nam” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) – VnEconomy – Vietnam Economic Times khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2021 (lần thứ 18) tôn vinh những nỗ lực, bản lĩnh kiên cường, bền bỉ của doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19. Tôn vinh những sáng tạo không ngừng của doanh nghiệp, chủ động thích ứng, chuyển đổi số mạnh mẽ, phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đảm bảo tốt chính sách lao động việc làm, tích cực đóng góp trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
Top 100 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2020-2021 đã được khảo sát, bình xét dựa trên hồ sơ đăng ký tham dự của các doanh nghiệp, cũng như đề cử của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các chuyên gia nghiên cứu thương hiệu trên cả nước và Ban biên tập, bạn đọc của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times. Những doanh nghiệp trong các ngành này đã bền bỉ xây dựng thương hiệu trong nhiều năm qua và trở thành những đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ uy tín của Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng, hoạt động kinh doanh của BIC 2020 – 2021 vẫn duy trì được những bước tiến tích cực và bền vững. Vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới – A.M. Best đã tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính của BIC năm 2021 là B++ (Tốt). Tạp chí Forbes Việt Nam cũng vừa công nhận BIC là 1 trong 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu tại Việt Nam năm 2021 với giá trị thương hiệu được định giá ở mức 10 triệu USD.
Bảo hiểm Trễ – Hủy chuyến bay của PTI nhận giải thưởng Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu 2021
(PTI) – Sáng ngày 7 tháng 10 năm 2021, tại diễn đàn trực tuyến “Dịch vụ Tài chính và Hội thảo Future Banking 2021” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán tổ chức, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã vinh dự được trao tặng giải thưởng “Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu 2021” dành cho Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo tiêu biểu.
Sản phẩm được trao giải thưởng của PTI là Bảo hiểm Trễ – Hủy chuyến bay. Ra đời vào đầu năm 2020, Bảo hiểm Trễ – Hủy chuyến bay không chỉ được đánh giá mới lạ, sáng tạo lần đầu tiên có mặt trên thị trường mà còn đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng khi tình trạng trễ chuyến bay đang ngày càng phổ biến. Với những thủ tục nhanh gọn đơn giản, Bảo hiểm Trễ – Hủy chuyến bay của PTI còn nổi trội so với các đơn vị khác khi khách hàng không cần đến những thủ tục hồ sơ phức tạp mà chỉ cần cung cấp thông tin liên quan đến chuyến bay là hoàn toàn có thể được nhận bồi thường trong vòng 60 phút.
Đại diện PTI cho biết bên cạnh việc tập trung ứng dụng công nghệ vào nâng cao chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp này cũng đầu tư nguồn lực vào việc tạo ra các sản phẩm bảo hiểm mới như thành lập Phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm mới tại công ty thành viên PTI Digital nhằm tập trung nghiên cứu xu thế cũng như nhu cầu của người tiêu dùng trong cuộc sống hiện đại.
Được biết, giải thưởng Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu – Financial Service Awards (FSA) là giải thưởng thường niên, song hành cùng với chuỗi sự kiện Diễn đàn Dịch vụ Tài chính Việt Nam do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính đã có những hoạt động xuất sắc và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của ngành tài chính. Giải thưởng năm nay tiếp tục tôn vinh các doanh nghiệp có những thành tựu, đóng góp giá trị cho sự phát triển công nghệ số, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Bảo hiểm PVI hợp tác kinh doanh với Viettel Store
(PVI) – Ngày 14/10/2021, Tổng công ty Bảo hiểm PVI và Trung tâm bán lẻ – chi nhánh Công ty TNHH Nhà nước MTV TM&XNK Viettel (Viettel Store) đã tổ chức lễ ký kết và ra mắt gói Bảo hiểm cho thiết bị điện tử. Theo đó, các thiết bị điện tử mua mới tại Viettel Store sẽ được tham gia gói bảo hiểm tránh rủi ro rơi vỡ hoặc bị hư hại bởi chất lỏng với rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Cụ thể, các thiết bị điện tử mua mới tại Viettel Store, trừ đồng hồ thông minh dành cho trẻ em, sẽ được tham gia gói bảo hiểm nhằm tránh rủi ro rơi vỡ hoặc bị hư hại bởi chất lỏng với rất nhiều quyền lợi như: Miễn phí 100% chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện; Hủy dịch vụ trong 30 ngày không mất phí; Không giới hạn số lần khiếu nại trong suốt thời gian bảo hiểm; Không giới hạn thời gian thông báo bồi thường (thông báo trong thời hạn bảo hiểm); Bảo hiểm có hiệu lực ngay khi khách hàng thanh toán phí và nhận thiết bị; Phạm vi bảo hiểm rộng: Việt Nam và (60 ngày đi du lịch) trên khắp thế giới…
Hiện nay các thiết bị điện tử thông minh (điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ, máy tính xách tay) đã trở thành vật dụng thiết yếu với bất kì cá nhân nào. Không chỉ đơn thuần là công cụ làm việc, kết nối, lưu trữ những thông tin quan trọng, các thiết bị điện tử thông minh còn là tài sản, đồ trang sức, là vật dụng để hiện phong cách cá nhân. Do vậy, việc có thêm sản phẩm bảo vệ cho các thiết bị điện tử là hết sức quan trọng và cần thiết.
Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, các nội dung hợp tác kinh doanh cụ thể sẽ được triển khai chi tiết giữa các đơn vị thành viên hai bên trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh sản phẩm bảo hiểm cung cấp cho khách hàng, hai bên cũng sẽ triển khai kế hoạch quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tới hệ thống khách hàng của mỗi bên.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV TM&XNK Viettel, cho biết: “Đối với sản phẩm đặc thù như bảo hiểm, hiện hệ thống bán lẻ Viettel Store đang triển khai hợp tác các dòng sản phẩm: Bảo hiểm nhân thọ và Phi nhân thọ. Việc hợp tác với Tổng công ty Bảo hiểm PVI lần này là cơ hội mở rộng thêm sản phẩm để phục vụ khách hàng đa dạng và phong phú nhất trên toàn hệ thống bán lẻ Viettel Store. Hơn nữa việc hợp tác hôm nay giữa hai bên mở ra tiền đề cho sự hợp tác, phát triển kinh doanh thêm các sản phẩm khác trong lĩnh vực bảo hiểm.”
Tại lễ ký, ông Phạm Anh Đức – Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI chia sẻ: “Bảo hiểm PVI tin tưởng sự hợp tác với Viettel Store – nhà mạng bán điện thoại lớn nhất Việt Nam sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả cho cả đôi bên, đồng thời sẽ là bước mở đầu cho những kế hoạch, chương trình hợp tác lâu dài hơn nữa giữa hai thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Tài chính – Viễn thông và trên hết đem lại những tiện ích tốt nhất cho khách hàng.”
Dai-ichi life Việt Nam nhận giải thưởng “Công ty bảo hiểm nhân thọ có ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021”
(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) vừa được vinh danh là “Công ty Bảo hiểm Nhân thọ có Ứng dụng Công nghệ Thông tin – Chuyển đổi số tiêu biểu” tại chương trình Giải thưởng Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu 2021.
Giải thưởng do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông Số Việt Nam khảo sát, bình chọn và trao giải theo hình thức trực tuyến vào ngày 7/10/2021.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, Giải thưởng Dịch vụ Tài chính tiêu biểu – Finacial Services Awards (FSA) là Giải thưởng thường niên, do Tập đoàn Dữ liệu Quốc Tế IDG tổ chức song hành cùng chuỗi sự kiện Diễn đàn Dịch vụ Tài chính Việt Nam – Vietnam Financial Services Forum.
Năm nay, với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Tài chính, Ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số”, giải thưởng nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp có những hoạt động xuất sắc, đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng và công nghệ thông tin.
Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào nhận Giải thưởng “Công ty Bảo hiểm Nhân thọ có Ứng dụng Công nghệ Thông tin – Chuyển đổi số Tiêu biểu năm 2021”. Giải thưởng này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Dai-ichi Life Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số hóa, sử dụng sức mạnh công nghệ để mang đến trải nghiệm ưu việt cho khách hàng, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh cũng như nâng cao nhận diện thương hiệu cho Công ty.
Với triết lý kinh doanh “Khách hàng là trên hết”, chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng nhiều tiện tích và giá trị vượt trội từ một nền tảng kết nối đa dạng, tự động hóa, không ngừng được “Kaizen’” – sáng tạo, đổi mới nhằm gia tăng trải nghiệm công nghệ cao và chuyên nghiệp hơn cho khách hàng”.
Theo ông Quân, giải thưởng này cũng là sự ghi nhận vô cùng ý nghĩa và động lực to lớn đối với Dai-ichi Life Việt Nam trong thời điểm Công ty đang hướng đến chào mừng cột mốc phục vụ 4 triệu khách hàng và Kỷ niệm chặng đường 15 năm đồng hành, “Kết nối triệu yêu thương” cùng đất nước và người dân Việt Nam (18/1/2007 – 18/1/2022).
Trong những năm gần đây, với việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, Dai-ichi Life Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra chiến lược quan trọng liên quan đến việc chuyển đổi số. Công ty đặc biệt đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong công tác chăm sóc, quản lý và tương tác với khách hàng nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm khách hàng, mang đến sự hài lòng và tin tưởng đối với sản phẩm, dịch vụ của Công ty.
Theo đó, từ năm 2019, Ứng dụng trên thiết bị di động Dai-ichi Connect (Dai-ichi Connect App) được ra mắt như một phương tiện hiện đại, đa dạng tiện ích, dễ sử dụng và mang tính bảo mật cao dành cho khách hàng trong việc tra cứu thông tin và quản lý hợp đồng bảo hiểm với Dai-ichi Life Việt Nam.
Hơn 2 năm qua, Dai-ichi Connect liên tục được nâng cấp, phát triển các tính năng mới như điều chỉnh hợp đồng trực tuyến, lịch sử giao dịch, thư viện tài liệu… Dai-ichi Connect trên giao diện Web (Cổng Thông tin Khách hàng) và giao diện máy tính bảng (Tablet) cũng được nâng cấp song song để mang đến trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng trên các nền tảng số của Dai-ichi Life Việt Nam.
Đặc biệt, khách hàng của Dai-ichi Life Việt Nam có thể trực tiếp mua sản phẩm Bảo hiểm Chăm sóc sức khỏe (Health Care) trên ứng dụng này. Bên cạnh đó, Công ty đã đưa vào sử dụng hệ thống Call Center mới hơn, hiện đại hơn để hỗ trợ công tác tiếp nhận, chăm sóc khách hàng qua điện thoại được nhanh chóng. Trong quý IV/2020, Dai-ichi Life Việt Nam đã trang bị thêm hệ thống máy tính bảng tại tất cả quầy dịch vụ khách hàng nhằm hỗ trợ khách hàng theo dõi thông tin cũng như ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng về các dịch vụ của Công ty.
Không dừng lại ở việc triển khai công nghệ liên quan đến dịch vụ khách hàng, Dai-ichi Life Việt Nam còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho đội ngũ kinh doanh, cụ thể bằng việc đưa vào chức năng e-application trên ứng dụng Mobile Agency Portal (mAGP) – cho phép hồ sơ yêu cầu bảo hiểm được nộp online (nộp trực tuyến).
Ngoài ra, Dai-ichi Life Việt Nam đã ứng dụng các công nghệ khác như RPA, trí thông minh nhân tạo (AI), blockchain… trong chiến lược phát triển công nghệ lâu dài của công ty. Trong năm 2020, Công ty đã đưa ứng dụng công nghệ RPA vào quy trình tuyển dụng nhân viên tư vấn, xử lý hồ sơ, quy trình nhập liệu, quy trình kế toán…
Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công AI như một công cụ xử lý hình ảnh hỗ trợ phòng nghiệp vụ trong công tác phân loại xử lý chứng từ, hồ sơ, bóc tách thông tin trên biểu mẫu, hình ảnh. Công ty còn đưa vào thử nghiệm các ứng dụng AI khác như chat bot, voice bot, nhận diện khuôn mặt, eKYC… Với kết quả thử nghiệm khả quan, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ sớm đưa các ứng dụng này vào thực tế sử dụng.
MB Ageas Life được vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất châu Á 2021
(ĐTCK) – Ngày 8/10/2021, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life vinh dự góp mặt trong danh sách những công ty tại Việt Nam có môi trường làm việc tốt nhất châu Á do HR Asia – tạp chí uy tín hàng đầu về Nhân sự tại khu vực châu Á tổ chức và bình chọn.
HR Asia – Nơi làm việc tốt nhất Châu Á là chương trình giải thưởng thường niên được tổ chức tại 13 quốc gia và thị trường như Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Maylaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam,…
Giải thưởng nhằm đánh giá, công nhận những nơi làm việc có chính sách nhân sự vượt trội, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và thường xuyên tổ chức các hoạt động nội bộ sôi nổi nhằm gia tăng sự gắn kết của nhân viên. Giải thưởng đã và đang tạo động lực cho các tổ chức tại Châu Á nâng cao tiêu chuẩn về môi trường làm việc xuất sắc trong khu vực.
Năm nay, khoảng 30.000 nhân sự từ 581 doanh nghiệp tại Việt Nam đã tham gia khảo sát Mô hình đánh giá mức độ gắn kết tổng thể (Total Engagement Assessment Model TEAM), khảo sát độc quyền về mức độ gắn kết tổng thể của nhân viên do Tạp chí HR Asia nghiên cứu.
Cuộc khảo sát chuyên sâu này cung cấp cho các doanh nghiệp cái nhìn toàn diện về nhu cầu, mong muốn và mức độ gắn kết của nhân viên. Từ đó đưa ra những chính sách linh hoạt và phù hợp với từng thời điểm.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên MB Ageas Life đạt được giải thưởng ngoài khu vực và lãnh thổ của Việt Nam nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xây dựng môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với mọi khó khăn, thử thách và đặc biệt là khi tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và tại Việt Nam.
Mặc dù ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, MB Ageas Life đã không ngừng nỗ lực để có kết quả xuất sắc trên thị trường. Kết thúc tháng 8/2021, MB Ageas Life mạnh mẽ ở vị trí Top 6 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ về doanh thu khai thác mới, trong đó kênh Bancas đứng ở vị trí thứ 4, kênh Agency vươn lên với vị trí Top 7 trên thị trường.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức giải thưởng, so với điểm trung bình ngành, MB Ageas Life đạt số điểm vượt trội. Điểm số mà MB Ageas Life giành được gần như tuyệt đối và là điểm số cao nhất trong số các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia giải thưởng này. Đồng thời, còn là số điểm cực kỳ ấn tượng trong lịch sử của Giải thưởng từ năm 2018 khi Giải thưởng đến Việt Nam.
FWD Việt Nam được vinh danh là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất châu Á
(TBTCO) – FWD Việt Nam vừa được vinh danh là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất châu Á năm 2021, do tạp chí nhân sự hàng đầu là HR Asia công bố.
FWD Việt Nam đã hai năm liên tiếp nhận được giải thưởng vinh dự này, nhờ vào những thành tích nổi bật trong việc gắn kết nhân viên và xây dựng văn hóa làm việc lý tưởng.
Chị Nguyễn Kim Mai Thư – Phó Tổng giám đốc Phát triển nguồn nhân lực FWD Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi hai năm liên tiếp nhận giải thưởng này. FWD Việt Nam luôn cam kết xây dựng một môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập nhằm nuôi dưỡng tinh thần tiên phong và những ý tưởng lớn. Giải thưởng này là sự khẳng định cho cam kết và nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi trong việc xây dựng FWD Việt Nam ngày càng tốt hơn cho cả khách hàng và nhân viên và thông qua đó hiện thực hóa tầm nhìn khác biệt của chúng tôi Thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm”.
9 tháng, PJICO ước lợi nhuận gần 250 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm
(ĐTCK) – Tin từ Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, tính đến hết tháng 9/2021, PJICO ước đạt lợi nhuận trước thuế 247 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ, hoàn thành 122% kế hoạch năm.
Dự kiến cả năm 2021, lợi nhuận PJICO ước đạt 280 – 290 tỷ đồng và đây là năm Công ty có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong hơn 26 năm hoạt động, duy trì quy mô lợi nhuận ở mức 200 – 300 tỷ đồng.
Về doanh thu phí bảo hiểm gốc, 9 tháng đầu năm 2021, PJICO đã đạt 2.340 tỷ đồng. Hãng bảo hiểm này đang nỗ lực triển khai mọi giải pháp phấn đấu đạt tổng doanh thu như kế hoạch đề ra năm 2021 là hơn 4.199 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc kỳ vọng đạt hơn 3.565 tỷ đồng.
Trước đó, PJICO cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ và điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2021.
Cụ thể, PJICO dự kiến sẽ phát hành gần 22,18 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 25 cổ phiếu mới). Giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 221,8 tỷ đồng.
Ngày 15/10, Công ty chốt danh sách cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2021. Thời hạn cuối nhận phiếu trả lời vào ngày 1/11/2021.
Việc tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng sẽ giúp PJICO tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới, tăng cường năng lực tài chính và tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia các dự án đấu thầu lớn trên thị trường và đáp ứng yêu cầu mới của luật pháp (nếu có) trong dài hạn.
- Nhịp đập thị trường
9 tháng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả 37.977 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm
(ĐTCK) – Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 37.977 tỷ đồng, tăng 11,69% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 14.568 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 23.409 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 535.867 tỷ đồng (tăng 23,37% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.172 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 481.695 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần, lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên, lĩnh vực bảo hiểm vẫn có những bước phát triển đáng khích lệ với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 151.993 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.890 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 108.103 tỷ đồng.
- Bảo hiểm với cộng đồng
BIC ủng hộ hơn 70 triệu đồng cho bà con bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Cần Thơ
(BIC) – Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế – xã hội của nước ta. Trong đó, Thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Rất nhiều gia đình và người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống xáo trộn, cần hỗ trợ về các nhu yếu phẩm, chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày.
Phát huy tinh thần vì cộng đồng, BIC Miền Tây đã nhanh chóng triển khai chương trình tặng quà an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, từng cán bộ BIC Miền Tây cũng tìm kiếm và trao quà tận tay cho các trường hợp khó khăn tại khu vực cán bộ đang sinh sống.
Các hoạt động an sinh xã hội phòng chống Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục được BIC triển khai trên toàn quốc. Hy vọng những hành động ý nghĩa từ BIC sẽ góp phần kêu gọi nhiều hơn sự chung tay vì cộng đồng của các tổ chức, doanh nghiệp để đất nước ta sớm vượt qua dịch bệnh và trở lại với cuộc sống bình thường.
- Tin quốc tế
Nhật Bản: 4 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn lần đầu tiên cùng nhau đầu tư vào trái phiếu khí hậu
(AIR) – Một nhóm các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đã đầu tư vào hai trái phiếu xanh kỳ hạn 15 năm do Ngân hàng Thế giới phát hành.
Đây là lần đầu tiên các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản hợp tác đầu tư vào trái phiếu để thể hiện sự ủng hộ tập thể của họ đối với tính cấp thiết của hành động vì khí hậu.
Các công ty tham gia đầu tư bao gồm: Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Tương hỗ Fukoku, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Nippon và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo.
Ngân hàng Thế giới cho biết các trái phiếu – huy động được 274 triệu đô la Úc (202 triệu USD) và 241 triệu đô la NZ (168 triệu USD) – đều sẽ đến hạn vào tháng 9 năm 2036. Mục đích phát hành trái phiếu này để hỗ trợ tài chính cho các dự án khí hậu và vai trò quan trọng của các ngân hàng phát triển đa phương trong việc cung cấp tài chính cho khí hậu ở các nước đang phát triển hướng tới Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) diễn ra vào tháng 11 năm 2021.
Ông Jingdong Hua, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết “Ngân hàng Thế giới cung cấp nguồn tài chính khí hậu lớn nhất cho các nước đang phát triển. Các nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển các nguồn lực cần thiết cho các nước thành viên của Ngân hàng Thế giới do họ nỗ lực giảm phát thải và xây dựng các cộng đồng và nền kinh tế xanh hơn, linh hoạt hơn. Chúng tôi rất biết ơn các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đã cùng nhau thể hiện sự hỗ trợ đối với tài chính khí hậu ở các nước đang phát triển và cảm ơn sự đầu tư của họ”.
Ngân hàng Thế giới đã phát hành hơn 185 trái phiếu Xanh bằng 23 loại tiền tệ, với tổng giá trị tương đương gần 16 tỷ USD kể từ khi phát hành lần đầu vào năm 2008. Trái phiếu Xanh của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tài trợ cho các dự án ở các nước thành viên đáp ứng các tiêu chí cụ thể về tăng trưởng carbon thấp và thích ứng với khí hậu, tìm cách giảm thiểu biến đổi khí hậu hoặc giúp những người bị ảnh hưởng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các loại dự án đủ điều kiện bao gồm lắp đặt năng lượng tái tạo, dự án tiết kiệm năng lượng và công nghệ mới trong quản lý chất thải và nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ tài chính cho các dự án quản lý rừng và đầu nguồn và cơ sở hạ tầng nhằm ngăn ngừa thiệt hại do lũ lụt liên quan đến khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu.
Ấn Độ: Chủ tịch đầu tiên của IRDAI kêu gọi xem xét cơ quan quản lý bảo hiểm
(AIR) – Chủ tịch đầu tiên của IRDAI đã kêu gọi thành lập một ủy ban để xem xét cơ quan quản lý bảo hiểm Ấn Độ được thành lập vào năm 1999.
Ông N Rangachary nói với Indo-Asian News Service (IANS): “Đã đến lúc đánh giá IRDAI. Đã hơn hai thập kỷ kể từ khi IRDAI ra đời. Trên thực tế, mọi tổ chức quản lý cần được xem xét lại đều đặn.”
Quan điểm của ông được ủng hộ bởi một số chuyên gia trong ngành, những người đã từng là thành viên của IRDAI và người đứng đầu một số công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Ông R Ramakrishnan, thành viên của Ủy ban Malhotra về Cải cách Bảo hiểm, nói với IANS: “Đã đến lúc IRDAI được xem xét lại hoàn toàn. Điều này đáng lẽ phải được thực hiện vào cuối năm năm đầu tiên. Muộn còn hơn không!”
Được hỏi về những gì sẽ được xem xét, các chuyên gia cho biết toàn bộ tổ chức, cơ cấu của IRDAI và các quy định quản lý lĩnh vực này.
Ông SB Mathur, cựu chủ tịch của LIC, cho biết: “Việc xem xét nên dựa trên các chính sách nguồn nhân lực của IRDAI và các khía cạnh pháp lý bao gồm các thủ tục và thiết lập tổ chức. IRDAI nên được minh bạch hóa”.
Trung Quốc: PICC và Ping An lọt vào top 10 tập đoàn bảo hiểm P&C lớn nhất toàn cầu
(AIR) – Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Insuramore, một nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị và tư vấn trong lĩnh vực bảo hiểm, hai công ty PICC và Ping An của Trung Quốc được xếp hạng trong số 10 tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên thế giới về tổng phí bảo hiểm trực tiếp P&C.
Bảng xếp hạng toàn cầu của Insuramore cho thấy 10 nhóm bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu chiếm 25,3% tổng phí bảo hiểm trực tiếp của P&C trên toàn thế giới vào năm 2020 (giảm nhẹ so với mức 25,5% vào năm 2019).
Theo thứ tự giảm dần, năm công ty hàng đầu trên thế giới là State Farm, PICC, Allianz, AXA và Berkshire Hathaway Insurance, và theo sau từ vị trí thứ sáu đến thứ mười là Ping An, Liberty Mutual, Progressive, Allstate và Tokio Marine. Tổng cộng, tổng phí bảo hiểm trực tiếp kết hợp của các công ty này đạt khoảng 480,8 tỷ đô la trên thị trường toàn cầu cho các nghiệp vụ bảo hiểm P&C.
Về sự phân chia giữa các nghiệp vụ bảo hiểm P&C thương mại và tư nhân, chỉ có duy nhất PICC được xếp hạng trong số năm tập đoàn bảo hiểm hàng đầu trên toàn cầu cho cả hai hoạt động vào năm 2020. AXA xếp thứ hai theo tổng phí bảo hiểm trực tiếp cho các nghiệp vụ thương mại và thứ năm cho các nghiệp vụ tư nhân. Tiếp sau đó là AIG, Allianz và Chubb. Ở nhóm thứ hai, theo thứ tự giảm dần, là 4 tập đoàn có trụ sở tại Hoa Kỳ, gồm State Farm, Allstate, Progressive và Berkshire Hathaway.
Nepal: Chính phủ thảo luận cách giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm COVID-19 chưa thanh toán
(AIR) – Bộ trưởng Tài chính Nepal, ông Janardan Sharma, bắt đầu thảo luận về việc giải quyết các khiếu nại bảo hiểm COVID-19 chưa được thanh toán cho các chủ hợp đồng hoặc người thụ hưởng của họ.
Ông Sharma đã triệu tập các quan chức, trong đó có ông Surya Prasad Silwal, chủ tịch Beema Samiti (Cơ quan quản lý bảo hiểm), nhằm thảo luận về các nguồn lực và biện pháp cần thiết để giải quyết các yêu cầu bảo hiểm, myRepublica đưa tin.
Beema Samiti đã được hướng dẫn để nghiên cứu vấn đề và tiến hành giải quyết các yêu cầu bảo hiểm COVID-19. Trong số đó, hơn 11 tỷ NPR (91 triệu đô la) yêu cầu bồi thường chưa được thanh toán.
Theo Hiệp hội các nhà bảo hiểm Nepal (NIA), việc giải quyết các yêu cầu bảo hiểm COVID-19 đã bị hoãn lại kể từ tuần đầu tiên của tháng 8 năm nay.
Ông Sharma nói rằng Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra quyết định về các khoản thanh toán. “Các cuộc thảo luận hiện đang được tiến hành tại Bộ để giải quyết vấn đề,” ông nói thêm.
Gần như tất cả 20 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trong nước đều bán các sản phẩm bảo vệ trước rủi ro COVID-19.
Khi chương trình bảo hiểm được triển khai vào tháng 4 năm 2020, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, Ủy ban Tái bảo hiểm và Bảo hiểm Nepal và chính phủ đã đồng ý thanh toán các yêu cầu bảo hiểm COVID-19.
Chỉ thị Bảo hiểm COVID quy định rằng công ty bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán tối đa 1 tỷ NPR, công ty tái bảo hiểm 1-2 tỷ NPR, quỹ thảm họa của công ty bảo hiểm 2-2,5 tỷ NPR và Ủy ban bảo hiểm 2,5-3,5 tỷ NPR. Chỉ thị cũng nêu rõ rằng chính phủ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán nếu các yêu cầu bồi thường vượt quá 3,5 tỷ NPR.
Singapore: Công ty khởi nghiệp InsurTech huy động được 1 triệu USD trong vòng hạt giống
(AIR) – Surer, một công ty InsurTech có trụ sở tại Singapore đã huy động được 1 triệu đô la để tài trợ cho nền tảng công nghệ cốt lõi và đầu tư vào team công nghệ để cung cấp theo lộ trình sản phẩm của hãng.
Các quỹ mới đến từ công ty đầu tư tư nhân Na Uy Kistefos, công ty bảo hiểm chuyên gia toàn cầu Markel Corporation thông qua chi nhánh đầu tư InsurTech, Markel Digital Investments và một nhà đầu tư thiên thần. Antler, một công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu giai đoạn đầu, cũng đã đầu tư vào Surer trong một vòng trước đó.
Ra mắt vào tháng 9 năm 2020, Surer là nền tảng InsurTech dựa trên đám mây đã tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số, nơi các trung gian bảo hiểm và công ty bảo hiểm có thể tận dụng công nghệ của mình để tăng cường quy trình, quy trình, tuyển dụng và phân phối sản phẩm. Surer sẽ giúp thúc đẩy điều phối mạng, cho phép giao tiếp và truyền tải thông tin hiệu quả để giúp cả hai bên phục vụ khách hàng cuối cùng tốt hơn.
Người đồng sáng lập Surer Gordon Tay cho biết, “Với các quỹ mới, chúng tôi tin rằng Surer có thể tận dụng hơn nữa vị thế độc nhất của chúng tôi để xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số được kết nối hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy tình huống ‘ba bên cùng có lợi’, nơi các chủ hợp đồng có thể được phục vụ với chất lượng cao hơn vì một lực lượng bán hàng trung gian hiệu quả cao hiện có thể mở rộng quy mô kinh doanh của họ mà không gặp trở ngại, điều này cuối cùng mang lại nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho các Công ty bảo hiểm. Hệ sinh thái kỹ thuật số này cuối cùng sẽ bao gồm các doanh nghiệp muốn đóng gói bảo hiểm với các sản phẩm họ đang bán”.
Kể từ khi ra mắt, Surer đã có sức hút mạnh mẽ với hơn 350 lượt đăng ký trung gian và yêu cầu demo, hơn 1.000 đề xuất bảo hiểm được gửi và hơn 1,2 triệu đô la Singapore (0,89 triệu đô la) tổng phí bảo hiểm được giao dịch trên Surer. Kỳ vọng doanh số giao dịch trên nền tảng của Surer sẽ vượt qua mốc 2 triệu đô la Singapore vào cuối năm 2021.
Surer gần đây đã được xếp hạng trong số ba công ty hàng đầu cho ‘InsurTech của năm’ tại ‘Giải thưởng Cố vấn & Đại lý Cuộc sống Tin cậy Châu Á lần thứ 6’ và được Hiệp hội FinTech Singapore chứng nhận là nhà cung cấp dịch vụ InsurTech.
Châu Âu: thiệt hại do lũ lụt vào tháng 7 lên tới 15 tỷ đô la
(INN) – Cresta cho biết sự kiện lũ lụt ở Tây Âu vào tháng 7 đã gây ra thiệt hại lên tới 11 tỷ USD, đồng thời xếp hạng sự kiện này là lớn nhất trong năm nay đối với các khu vực bên ngoài nước Mỹ.
Các cơn bão đối lưu nghiêm trọng ở châu Âu vào tháng 6 cũng gây ra thiệt hại 5,1 tỷ USD và trận động đất ở Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 2 đã dẫn đến thiệt hại 2,5 tỷ USD.
Tại Trung Quốc, lượng mưa cực lớn ở tỉnh Hà Nam đã gây ra thiệt hại liên quan đến lũ lụt là 1,9 tỷ USD, đại diện cho tổn thất do thảm họa lớn nhất từ trước đến nay đối với thị trường bảo hiểm Trung Quốc, theo danh sách tổn thất của Cresta’s Clix.
Cresta cho biết, ba trong số các sự kiện thảm họa lớn có liên quan đến các đợt mưa lớn trong những tháng mùa hè gây ra lũ lụt và mưa đá tàn khốc.
Điều này phù hợp với các dự báo mô hình liên quan đến khí hậu, cho thấy sự gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng mưa cực đoan do nhiệt độ cao hơn và khả năng giữ nước trong khí quyển tăng lên.
Cresta được thành lập bởi ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm vào năm 1977 với tư cách là một cơ quan độc lập nhằm cung cấp dữ liệu nhất quán để hỗ trợ đánh giá rủi ro. Cresta được quản lý bởi công ty con Perils của Zurich. Chỉ số Clix bao gồm các khoản tổn thất lớn của ngành kể từ năm 2000.
“Khi chỉ số được mở rộng, chúng tôi hy vọng rằng các xu hướng dự đoán về tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã được chỉ ra bởi các dự báo mô hình tập trung vào khí hậu sẽ ngày càng rõ ràng trong chuỗi thời gian này”, Giám đốc Kỹ thuật Clix Matthias Saenger bình luận.
Xếp hạng của Allianz phản ánh sức mạnh bảng cân đối kế toán: AM Best
(INN) – AM Best đã xác nhận xếp hạng tín dụng của Allianz SE và các công ty con, cho biết rằng các đánh giá phản ánh sức mạnh bảng cân đối kế toán của nhà khổng lồ bảo hiểm Đức.
Doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty con được xếp hạng có xếp hạng sức mạnh tài chính là A + và xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành dài hạn là aa.
AM Best cho biết triển vọng của các xếp hạng tín dụng này là ổn định.
Cơ quan xếp hạng cho biết: “Allianz có thành tích về hiệu suất hoạt động ổn định và mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi hồ sơ thu nhập đa dạng của hãng”.
“Lĩnh vực bảo hiểm tài sản/thiệt hại thể hiện hiệu quả hoạt động mạnh mẽ liên tục, với tỷ lệ kết hợp trung bình trong 5 năm là 95,1%, được hỗ trợ bởi khả năng định giá mạnh mẽ trên toàn tập đoàn”.
Cơ quan xếp hạng cho biết Allianz có sự đa dạng hóa vượt trội theo địa lý và ngành nghề kinh doanh. Điều này được hỗ trợ bởi các vị trí hàng đầu tại nhiều thị trường phát triển và mới nổi, cung cấp đầy đủ các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, cũng như các dịch vụ quản lý tài sản.
“Vị thế cạnh tranh của hãng được hỗ trợ bởi quy mô, khả năng quản lý mạnh mẽ, chiến lược năng động và thương hiệu mạnh,” AM Best cho biết.
Sompo Singapore sử dụng máy bay không người lái để đánh giá rủi ro tài sản trong tương lai
(INA) – Đánh giá rủi ro cho các khách hàng doanh nghiệp của Sompo Insurance Singapore hiện có thể được thực hiện bằng máy bay không người lái vì công ty mới thông báo cho biết, họ đã nhận được cả Giấy phép khai thác Máy bay không người lái (UA) và Giấy phép Phi công UA từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS).
Hai kỹ sư từ Sompo Singapore hiện đã được cấp phép để tiến hành đánh giá rủi ro các khu vực không thể tiếp cận hoặc nguy hiểm và xác định các nguy cơ tiềm ẩn một cách chính xác và hiệu quả bằng một máy bay không người lái.
Việc kiểm tra các tòa nhà và cơ sở kinh doanh thường được tiến hành thông qua kiểm tra trực quan vật lý và đo nhiệt độ trong các thông số an toàn. Sau đó, các rủi ro tiềm ẩn sẽ được đánh giá và xác định bằng các thông tin thu thập được và các tài liệu do khách hàng cung cấp.
Theo Sompo Singapore, máy bay không người lái có tiềm năng chưa được khai thác trong việc kiểm tra kỹ lưỡng và hiệu quả hơn mà các kỹ sư không thể thực hiện được.
Chiếc máy bay không người lái này có cảm biến camera có khả năng zoom 32x mạnh mẽ cho phép kiểm tra cận cảnh chi tiết có thể xác định chính xác các vấn đề tiềm ẩn. Ngoài ra, camera ảnh nhiệt có khả năng phát hiện các điểm nóng của thiết bị hoặc nhà cửa hoạt động trên nhiệt độ tối ưu của nó. Một số rủi ro có thể xảy ra có thể được xác định và khắc phục dễ dàng hơn bao gồm nhiệt độ cao bất thường gây ra hỏa hoạn tiềm ẩn và sự xuống cấp của một khu vực gây ra rò rỉ mưa có thể xảy ra.
“Sompo Singapore cam kết cung cấp giải pháp quản lý rủi ro toàn diện cho khách hàng của chúng tôi ngoài lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cốt lõi. Việc phát hiện rủi ro sớm và chính xác hơn giúp khách hàng của chúng tôi khắc phục các rủi ro tiềm ẩn tại nhà kho, nhà máy, cơ sở và các tấm pin mặt trời trên mái nhà của họ, đồng thời ngăn ngừa các tình huống nguy hiểm xảy ra. Dịch vụ mở rộng này không chỉ giảm thiểu gián đoạn kinh doanh mà còn tạo ra môi trường hoạt động an toàn hơn”, ông Pui Phusangmook, Giám đốc điều hành Sompo Singapore, cho biết.
BTV (Tổng hợp).