TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 36 NĂM 2018

Khách hàng Bảo Việt trúng xe Mercedes 1,5 tỷ đồng; “VITA – Lá Chắn Vàng” bảo hiểm ung thư; Tokio Marine mua cổ phần tại Hollard Insurance

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Hanwha Life chi trả hơn 2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ở Hà Tĩnh

(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam và Tổng đại lý Hanwha Life tại Hà Tĩnh vừa chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 2 tỷ đồng cho gia đình khách hàng Nguyễn Việt Phương, ngụ tại ngõ 4, đường Nguyễn Huy Tự, khối 16, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Khách hàng Nguyễn Việt Phương tham gia Hợp đồng bảo hiểm An Khang Tài Lộc tại Hanwha Life Việt Nam từ ngày 10/05/2017 với số tiền bảo hiểm là 980 triệu đồng và sản phẩm bổ sung Bảo hiểm rủi ro do tai nạn nâng cao số tiền bảo hiểm 50 triệu đồng, phí đóng 13,534 triệu/năm.

Ngày 27/06/2018, anh Nguyễn Việt Phương không may tử vong do tai nạn. Ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, Hanwha Life Việt Nam đã động viên, thăm hỏi gia đình khách hàng và nhanh chóng giải quyết, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng với số tiền là hơn 2 tỷ đồng.

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe Libertybảo hiểm sức khỏebảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Có mặt ở Hà Tĩnh từ năm 2012, Hanwha Life Việt Nam đã xây dựng được 5 trung tâm phục vụ khách hàng, trong đó tại TP. Hà Tĩnh có 2 Văn phòng trung tâm phục vụ khách hàng. Ngoài ra, còn có các văn phòng tại Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân với gần 1.500 tư vấn tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây tiếp cận các giải pháp tài chính và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiên tiến.

Đến nay, Hanwha Life Việt Nam đã chi trả hơn 5,7 tỷ đồng tiền quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ở Hà Tĩnh.

PVI chi trả 108 triệu đồng bảo hiểm cho khách hàng bị tai nạn do sử dụng điện

(ĐTCK) – Ngày 31/8/2018, tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Bảo hiểm PVI Đông Đô đã chi trả số tiền bồi thường 108 triệu đồng cho ông Nguyễn Quý Dũng là thân nhân người không may bị tai nạn do sử dụng điện xảy ra ngày 15/8/2018.

Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc, Bảo hiểm PVI Đông Đô đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết và tiến hành bồi thường, chia sẻ một phần mất mát với gia đình khách hàng.

Bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện có mức phí rất nhỏ nhưng phạm vi bảo hiểm rộng, bao gồm chủ hộ và các thành viên khác trong gia đình cùng một hộ khẩu.

Thậm chí với điều khoản mở rộng, các thành viên khác trong gia đình (con cái, ông bà, cha mẹ, những người có quan hệ huyết thống với chủ hộ) không có trong hộ khẩu nhưng sống cùng chủ hợp đồng sử dụng điện cũng thuộc đối tượng bảo hiểm.

Đây là sản phẩm bảo hiểm được xây dựng phù hợp nhằm mang đến sự bảo vệ tối ưu cho người sử dụng điện đã được nhà bảo hiểm triển khai rộng trên cả nước và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần chia sẻ rủi ro với các hộ gia đình khi không may xảy ra sự việc không mong muốn.

2. Một vòng doanh nghiệp

Khách hàng Bảo Việt trúng ô tô Mercedes trị giá 1,5 tỷ đồng

(BVH) – Ngày 09/9/2018, tại Đồng Nai, Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức lễ quay thưởng đợt 3, đợt quay thưởng cuối cùng của chương trình khuyến mại “Mùa hè sôi động”.

Chương trình “Mùa hè sôi động” – chương trình tri ân khách hàng lớn nhất mùa hè năm 2018 của Tập đoàn Bảo Việt với tổng giá trị quà tặng lên đến 15 tỷ đồng diễn ra từ 1/6 đến 29/8/2018 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng với những con số ấn tượng. Trong 3 tháng, chương trình thu hút hơn 115.000 khách hàng tham gia, phát ra hơn 320.000 mã dự thưởng. Chỉ với chương trình này, Bảo Việt đã đạt hơn 3.300 tỷ đồng tổng doanh thu và huy động vốn. Chương trình mang tới nhiều ưu đãi và quà tặng được trao cho các khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty Chứng khoán Bảo Việt và Ngân hàng TMCP Bảo Việt tại 63 tỉnh/ thành phố trên toàn quốc.

Trước sự chứng kiến của gần 700 khách hàng, cơ quan thông tấn báo chí tại Đồng Nai, Bảo Việt tiến hành quay thưởng đợt 3 chương trình “Mùa hè sôi động”, tìm ra chủ nhân của gần 250 giải thưởng có giá trị, trong đó có giải thưởng đặc biệt với giá trị cao nhất chương trình – chiếc Mercedes-Benz C200 trị giá 1,5 tỷ đồng. Trước đó, Bảo Việt đã tổ chức 2 đợt quay thưởng tại Hải Phòng và Nghệ An và trao tặng gần 500 giải thưởng giá trị và hữu ích tới khách hàng trên toàn quốc.

Lễ quay thưởng cũng tiếp tục tìm ra chủ nhân của gần 250 giải thưởng giá trị bao gồm: 01 Xe máy Honda Vision 2018, 03 Điện thoại Iphone X 64GB, 64 Ti vi Samsung Smart 43 inch, 80 Tủ lạnh Electrolux 254l, và 93 Quạt phun sương Kangaroo. Tổng số khách hàng trúng các giải thưởng giá trị trong chương trình “Mùa hè sôi động” của Bảo Việt đến nay là hơn 700 người. Danh sách chi tiết các khách hàng trúng thưởng qua các đợt quay thưởng được công bố trên website Bảo Việt và thông báo trực tiếp tới khách hàng. Lễ trao thưởng ô tô Mercedes sẽ được Bảo Việt tổ chức trong tháng 9/2018.

Bảo hiểm PVI và SmartBuddy hợp tác về bảo hiểm trực tuyến

(ĐTCK) – Ngày 8/9/2018, tại TP.HCM, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) và SmartBuddy Việt Nam (thuộc Fram – Thủy Điển, chuyên về lĩnh vực bảo hiểm – tài chính hoạt động trên nền tảng trực tuyến) đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp trực tuyến sản phẩm bảo hiểm viện phí và bảo hiểm tai nạn cá nhân.

Ngay sau lễ ký thỏa thuận, hai bên đã tổ chức giới thiệu 2 sản phẩm này tới khách hàng trên giao diện website www.smartbuddy.vn.

Chỉ sau một số thao tác đơn giản, khách hàng đã sở hữu những gói sản phẩm bảo hiểm quyền lợi cao với mức phí chỉ từ 10.000 đồng/tháng. Khách hàng có thể lựa chọn thanh toán linh hoạt qua các loại thẻ ngân hàng hoặc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.

Một khác biệt lớn của 2 sản phẩm được giới thiệu lần này là các yêu cầu bồi thường cũng được thực hiện trực tuyến. Khách hàng có thể điền trực tiếp các thông tin vào Hồ sơ bồi thường trực tuyến trên www.smartbuddy.vn để được bồi thường.

Bảo hiểm PVI cho biết thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến khác ra thị trường. Mục tiêu hai bên hướng tới là thiết kế những sản phẩm bảo hiểm thân thiện, dễ tiếp cận với người mua, hỗ trợ tư vấn và bồi thường nhanh chóng nhằm mang đến thị trường Việt Nam những sản phẩm bảo hiểm thiết thực, gần gũi với đời sống của tất cả mọi người.

BSH hợp tác với SHB Finance

(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) và Công ty Tài chính TNHH MTV TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác bán chéo sản phẩm nhằm cung cấp cho khách hàng giải pháp tài chính ngân hàng – bảo hiểm tích hợp, trọn gói với nhiều giá trị gia tăng.

Theo đó, BSH và SHB Finance sẽ triển khai chương trình bán chéo sản phẩm bảo hiểm Bảo An Tín cho các khách hàng vay tín chấp; tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng trên quy mô toàn hệ thống; không ngừng đổi mới hoạt động, sản phẩm, cải tiến quy trình và chất lượng dịch vụ trên cơ sở tận dụng thế mạnh của mỗi bên.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết với việc đưa sản phẩm cho vay tiền mặt là sản phẩm chủ đạo, SHB Finance thể hiện chiến lược tập trung nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đông đảo khách hàng đại chúng với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng.

SHB Finance sẽ song song mở rộng mạng lưới dịch vụ và theo kế hoạch sẽ có mặt tại gần 30 tỉnh thành và cung cấp dịch vụ cho khoảng 30.000 khách hàng cho đến hết năm 2018.

Bảo hiểm Bảo Việt ký kết hợp tác cùng các tổ chức quốc tế

(BVH) – Ngày 07/09/2018, tại Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 về Hợp tác phát triển bảo hiểm giữa Trung Quốc và các nước ASEAN tại thành phố Nam Ninh, Tổng Công ty bảo Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty CP hữu hạn bảo hiểm tài sản Nhân dân Trung Quốc (PICC P&C).

Thông qua hoạt động ký kết hợp tác này, hai đơn vị sẽ cùng phát huy thế mạnh của mình để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, cũng như cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc; đặc biệt là các dự án được đầu tư theo chính sách “Một vành đai, một con đường” của Chính phủ Trung Quốc. Hai bên cũng cam kết cung cấp các dịch vụ bảo hiểm quá cảnh, đánh giá rủi ro cho khách hàng của nhau, nhận tái bảo hiểm cho các khách hàng lớn…

Cũng trước đó, đẩy mạnh mục tiêu vươn cao, vươn xa mang giá trị Việt mở rộng trên thị trường quốc tế, Bảo hiểm Bảo Việt đã ký kết cùng Bangkok Insurance – một trong những đơn vị bảo hiểm uy tín hàng đầu của Thái Lan – hợp tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho các doanh nghiệp 2 bên cùng phát triển tại thị trường trong nước. Việc trở thành đối tác chiến lược giữa Bảo hiểm Bảo Việt và PICC P&C (Trung Quốc); cũng như với Bangkok Insurance (Thái Lan) sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác lâu dài và bền vững giữa những công ty lớn nhất tại thị trường bảo hiểm. Mối quan hệ này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa các nước, tạo niềm tin sâu sắc cho các nhà đầu tư phát triển kinh doanh mạnh mẽ và bền vững.

‘VITA – Lá Chắn Vàng’ bảo vệ vượt trội trước bệnh ung thư

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm ung thư “VITA – Lá Chắn Vàng” giúp khách hàng an tâm được bảo hiểm trước tất cả các loại bệnh ung thư và được hoàn lại 100% phí nếu không mắc bệnh. Đây là quyền lợi độc đáo duy nhất hiện có trên thị trường.

Theo đó, “VITA – Lá Chắn Vàng” được phát triển trên tiêu chí “đơn giản, hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm” với các quyền lợi ưu việt vượt trội như: Đơn giản, khách hàng chỉ cần đóng phí 1 lần để được bảo vệ trong vòng 10 năm hoặc đóng phí mỗi năm trong vòng 5 năm. Khách hàng chỉ cần trả lời một số câu hỏi và hợp đồng được tự động phát hành. Hiệu quả với lựa chọn hoàn phí, khách hàng nhận lại 100% phí bảo hiểm đã đóng tại thời điểm hợp đồng đáo hạn nếu không mắc bệnh ung thư. Đây là quyền lợi đặc biệt lần đầu tiên được giới thiệu với bảo hiểm ung thư. Ngoài ra, khách hàng có thể chủ động lên kế hoạch bảo vệ toàn diện hơn với quyền lợi hỗ trợ mất/giảm thu nhập và quyền lợi tử vong do tai nạn.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi đối tượng khách hàng có thể tham gia, “VITA – Lá Chắn Vàng” được thiết kế với mức phí rất rẻ. Khách hàng có thể mua cho bản thân hoặc cho con với mức phí chỉ từ 98.000 đồng/năm. Quyền lợi chi trả khi mắc bệnh ung thư lên đến 500 triệu đồng.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết: “Theo báo cáo gần nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao thứ hai trên thế giới. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi. Theo kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George, 55% bệnh nhân ung thư tại Việt Nam bị cạn kiệt về tài chính hoặc tử vong chỉ trong vòng 12 tháng sau khi phát hiện bệnh. Rõ ràng, ung thư không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tạo ra gánh nặng tài chính cho người bệnh và gia đình. Với “VITA – Lá Chắn Vàng”, chúng tôi mong muốn được chia sẻ gánh lo với khách hàng của mình và đồng hành cùng họ trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Khách hàng có thể dễ dàng tham gia “VITA – Lá Chắn Vàng” qua nhiều hình thức: đại lý tư vấn trực tiếp, giao dịch trực tuyến tại trang GenVita.vn của Generali Việt Nam hoặc các trang thương mại điện tử sẽ sớm được triển khai…

3. Nhịp đập thị trường

Hội thảo Actuarial 2018 “Đón nhận những thay đổi trong ngành bảo hiểm”

(IRT) – Trong hai ngày 06-07/9/2018, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm phối hợp cùng Hội các chuyên gia định phí (Actuary) Singapore và Hội các chuyên gia định phí (Actuary) Phi nhân thọ Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Đón nhận những thay đổi trong ngành bảo hiểm” tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có các diễn giả là chuyên gia đến từ Hội Actuary Singapore và Hội Actuary Phi nhân thọ Hoa Kỳ Mỹ và gần 100 đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm, Công ty tư vấn Actuary và trường đại học đào tạo ngành Actuary tại Việt Nam.

Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các diễn giả đã trao đổi về những nội dung liên quan đến Vai trò của chuyên gia tính toán trong định phí sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ; Xác định chi phí bồi thường trong bảo hiểm phi nhân thọ; Khung khổ và nguyên lý trong Quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM); Các thông tin chuyên sâu về Mô hình dự đoán; Số hóa và phân tích dữ liệu đối với kênh phân phối; Cung cấp an toàn tài chính hưu trí thông qua an sinh xã hội; Nguyên lý định phí và dự phòng trong Bảo hiểm sức khỏe; Rủi ro an ninh mạng. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng chia sẻ những kinh nghiệm phát triển ngành Actuary tại các quốc gia trên thế giới .

Các đại biểu đều cho rằng Hội thảo Actuarial 2018 “Đón nhận những thay đổi trong ngành bảo hiểm” đã đem đến những nội dung hữu ích cho các đại diện DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung.

Tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ tại Hà Nội

(IRT) – Tiếp theo 02 khóa đào tạo cơ bản bảo hiểm phi nhân thọ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 14-19/8/2018 và thành phố Đà Nẵng từ ngày 21-26/8/2018, sáng ngày 4/9/2018 Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức khai giảng khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho hơn 65 học viên là cán bộ của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội.

Khóa học cung cấp các kiến thức cơ bản trong các lĩnh vực bảo hiểm Phi nhân thọ.
Đây là khóa đào tạo được tổ chức theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp bên cạnh các khóa đào tạo chung cho toàn thị trường đã liên tục được tổ chức hằng tháng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo khóa đào tạo này, Trung tâm sẽ tổ chức lớp phi nhân thọ cơ bản cho thị trường tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến từ ngày 17 đến 22 tháng 9 năm 2018.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

PTI tặng 31.000 USD cho Hội gia đình Hàn Việt

(PTI) – Ngày 8/9/2018, tại hội trợ các gia đình Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra ở khu đô thị Sông Đà – Mỹ Đình, PTI đã trao tặng 31.000 USD cho các thành viên trong Hội gia đình Hàn Việt. Đây là một trong rất nhiều hoạt động mà PTI và đối tác chiến lược – bảo hiểm DB- triển khai cho cộng đồng của 2 nước.

Cụ thể, PTI sẽ trao tặng 50 gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cao cấp cho 50 hộ gia đình trong Hội. Với gói SP bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, các thành viên trong hội, khi không may bị ốm bệnh, sẽ được thăm khám và chữa trị tại các bệnh viện 5 sao của Việt Nam.

Món quà nhằm đem lại sự bảo vệ tốt nhất cho các gia đình Việt Hàn, giúp họ yên tâm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, qua đó, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho việc thành lập trường mầm non đầu tiên trong Hội gia đình Hàn Việt, PTI và bảo hiểm DB cũng sẽ tài trợ một số thiết bị giáo dục, tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho những trẻ em mang 2 dòng máu Hàn – Việt.

5. Tin quốc tế

Thị trường bảo hiểm mạng tăng gấp đôi trong 2 năm tới

(IAN) – Theo Munich Re, trong vòng hai năm, quy mô thị trường bảo hiểm an ninh mạng đã tăng gấp đôi lên hơn 8 tỷ USD.

Thành viên hội đồng quản trị của Munich, ông Torsten Jeworreks, nói trong một tuyên bố rằng các rủi ro trên mạng vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế kết nối mạng.

Theo ước tính của Munich Re, các công ty có thể tăng hơn gấp đôi chi tiêu của họ vào bảo hiểm an ninh mạng từ 3,4-4 tỷ USD năm 2017 lên 8-9 tỷ USD vào năm 2020.

Với nền kinh tế kỹ thuật số có năng suất được cải thiện, Munich Re cho biết cũng có sự gia tăng về mạng lưới các máy móc, dẫn đến rủi ro rất phức tạp.

Đến năm 2030, ước tính số lượng thiết bị kết nối trên toàn thế giới sẽ tăng từ 27 tỷ lên 125 tỷ.

Tổn thất do bão Jebi gây ra khoảng 4,5 tỷ USD

(IAN) – AIR Worldwide ước tính tổn thất do ngành công nghiệp gây ra bởi cơn bão Jebi sẽ vào khoảng từ 2,3 tỷ USD đến 4,5 tỷ USD.

Bão Jebi, gây sạt lở đất tại Nhật Bản vào ngày 4 tháng 9, là cơn bão mạnh nhất tấn công Nhật Bản trong 25 năm.
AIR cho biết đã có sự gián đoạn kinh doanh đáng kể do bão, đặc biệt là sản xuất và du lịch, với tác động lan rộng đến vận chuyển đường bộ và đường biển, cùng với những thiệt hại to lớn đối với nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Sân bay Kansai đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển trong khu vực đã bị đóng cửa, kéo theo việc phá vỡ các chuỗi cung ứng. Các ước tính tổn thất được bảo hiểm theo mô hình của AIR bao gồm thiệt hại được bảo hiểm đối với tài sản (cả về cấu trúc lẫn nội dung) và xe cơ giới.

Tokio Marine dự định mua cổ phần tại Hollard Insurance

(IAN) – Hãng bảo hiểm Tokio Marine có trụ sở chính ở Chiyoda-Ku, Nhật Bản, dự định mua cổ phần thiểu số tại Bảo hiểm Hollard của Nam Phi.

Kế hoạch này dự kiến sẽ thúc đẩy sự mở rộng của công ty ở châu Phi.

Theo thỏa thuận ban đầu, Tokio Marine sẽ trả 5 tỷ Rupee (327 triệu USD) cho 22,5% cổ phần công ty Hollard có trụ sở tại Johannesburg, một trong những nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và thiệt hại lớn nhất khu vực châu Phi cận Sahara.
Nếu thỏa thuận được hoàn thành, nó sẽ cho phép Tokio có được chỗ đứng trên các thị trường như Nam Phi và Botswana.
Động thái này dự kiến sẽ phù hợp với kế hoạch của tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thu hút 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 5 năm tới.

Anbang bán cổ phần tại hãng bảo hiểm Vivat với giá trên 1,5 tỷ USD

(IAN) – Theo một báo cáo của Reuters, Anbang đang tìm cách bán lại công ty Vivat trị giá khoảng 1,6 tỷ USD đến 2 tỷ USD chỉ sau 3 năm kể từ khi mua lại công ty bảo hiểm của ngân hàng quốc doanh Hà Lan SNS Reaal với giá danh nghĩa 1 EUR (1,16 USD) và tiền mặt 1,35 tỷ Euro.

Hai công ty bảo hiểm của Hà Lan, Aegon và ASR đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đăng ký mua đấu giá Vivat.
Các hoạt động của hãng bảo hiểm Vivat bao gồm công ty bảo hiểm nhân thọ cá nhân Reaal, công ty bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm hưu trí Zwitserleven và Actiam.

Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành điều tra Anbang về việc bán các tài sản ở nước ngoài trị giá 10 tỷ USD.

Tháng 5, cựu chủ tịch Wu Xiaohui đã bị kết án 18 năm tù vì tội gian lận và tham ô.

Swiss Re: ngành bảo hiểm bị mắc kẹt về thu nhập

(INN) – Swiss Re cảnh báo, các công ty bảo hiểm ở các nền kinh tế phương Tây lớn và Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để tăng lợi nhuận khi điều kiện thị trường yếu vẫn đang tiếp diễn.

Theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Swiss Re, tỷ lệ phí bảo hiểm phải tăng nhanh hơn so với xu hướng tuyên bố để đạt được cải thiện bền vững về lợi nhuận.

Nhưng môi trường định giá khó khăn, hiệu suất đầu tư yếu và mức vốn cao khiến cho các công ty bảo hiểm không chắc chắn có thể sớm thu hẹp được khoảng cách về thu nhập.

Swiss Re cho biết, tỷ suất lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cần phải cải thiện khoảng 5-9 điểm phần trăm nếu doanh nghiệp bảo hiểm muốn có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 10%.

“Ngành bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu đang ở giai đoạn yếu của chu kỳ sinh lợi … Mặc dù tỷ lệ phí bảo hiểm khiêm tốn… cần phải thực hiện nhiều việc để cải thiện hiệu suất kinh doanh bảo hiểm”, báo cáo viết.

Năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 6%, giảm từ mức 7% trong năm 2016.

PICC hợp tác với DNV GL và VeChain về blockchain

(IBM) – Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC) đã hợp tác với công ty VeChain blockchain và công ty quản lý rủi ro DNV GL trong nỗ lực nhằm nắm bắt công nghệ blockchain mới nổi.
PICC tin rằng công nghệ blockchain có thể làm giảm thời gian quay vòng và phí bảo hiểm, ngăn chặn gian lận, cải thiện sự tuân thủ và kinh nghiệm giải quyết bồi thường. Ứng dụng của công nghệ trong các thiết bị IOT tiên tiến và các hợp đồng thông minh trong ngành bảo hiểm sẽ có khả năng giúp các công ty đạt được một mô hình kinh doanh sinh lợi hơn nhiều.

Bằng cách hợp tác với DNV GL và VeChain có trụ sở tại Na Uy, PICC có thể cung cấp các giải pháp mạnh mẽ bảo vệ dữ liệu người dùng, phân phối quyền sở hữu và nâng cao trí thông minh nhân tạo hiện có của mình. Những giải pháp này sẽ được thực hiện mà không cần phải đào tạo khách hàng của PICC về công nghệ blockchain, đồng thời vẫn cung cấp được những lợi ích tối đa của công nghệ.

PICC với tổng giá trị tài sản 126 tỷ USD trên toàn cầu, cho biết việc lựa chọn đối tác kể trên do những giải pháp mà đối tác này đã phục vụ cho các vấn đề thực sự trong doanh nghiệp và chính phủ.

VeChainThor là công ty có trụ sở tại Thượng Hải, cung cấp cho các doanh nghiệp các công cụ, tính năng bảo mật và quản trị để kiểm soát tài sản của mình một cách chính xác, đồng thời cộng tác trên nhiều ngành, lĩnh vực và thậm chí cả các quốc gia. Bằng cách tích hợp công nghệ này với các dịch vụ đảm bảo của DNV GL, PICC có thể mở rộng các dịch vụ hiện tại của mình.

Ông George Kang, Tổng Giám đốc Bảo hiểm DNV GL khu vực Trung Quốc đại lục, nói: “Vai trò của DNV GL là đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu từ góc độ hoạt động kinh doanh. Kết hợp với Nền tảng VeChainThor, chúng tôi sẽ cung cấp một nền tảng tin cậy mạnh mẽ để hỗ trợ PICC với việc quản lý dữ liệu nâng cao và xử lý dữ liệu hiệu quả”.

Ấn Độ: mùa mưa gây thiệt hại hơn 4 tỷ USD

(IAN) – Mùa mưa năm nay đã gây thiệt hại kinh tế tại bang Kerala của Ấn Độ ước tính hơn 300 tỷ Rupee (4,25 tỷ đô la Mỹ). Trong đó, thiệt hại trực tiếp và chi phí gián đoạn kinh doanh vẫn đang được đánh giá.

Theo Impact Forecasting, đơn vị phát triển mô hình thảm họa của Công ty Giải pháp Tái bảo hiểm của Aon, trong tháng 8, Kerala đã bị ngập lụt do lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1924, khiến hơn 500 người chết hoặc mất tích.

Các quan chức chính phủ liệt kê hơn 23.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, với những tác động lớn hơn đối với khu vực thương mại, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
GIC báo cáo rằng hơn 13.000 đơn yêu cầu bảo hiểm đã được nộp, với khoản thanh toán là 12,4 tỷ Rupee. Tổng số này dự kiến sẽ tăng lên tới 45 tỷ Rupee.

Các sự kiện đáng chú ý khác được trình bày chi tiết trong báo cáo bao gồm một loạt các trận động đất mạnh đã ảnh hưởng đến đảo Lombok của Indonesia, với ít nhất bốn chấn động đáng kể xảy ra kể từ cuối tháng Bảy.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia cho thấy ít nhất 560 người đã thiệt mạng tại Lombok vì một loạt các chấn động mạnh đã bắt đầu, phần lớn trong số đó đã thiệt mạng do chấn động mạnh nhất vào ngày 5 tháng 8.
Hơn 83.300 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy.
Tổng thiệt hại kinh tế phát sinh từ các trận động đất lên tới 528 triệu USD.

Ấn Độ: thị trường bảo hiểm đạt quy mô 280 tỷ USD vào năm 2019-20

(AIR) – Phòng công nghiệp Assocham (Ấn Độ) trích dẫn một nghiên cứu chung được tiến hành với công ty nghiên cứu APAS, cho biết, doanh thu ngành bảo hiểm của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 280 tỷ USD vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2020 (FY2020), nhờ sự hỗ trợ từ chương trình bảo hiểm y tế Ayushman Bharat của chính phủ nước này.
Các động lực tăng trưởng khác như tăng thu nhập khả dụng, sự hiện diện của các hãng bảo hiểm toàn cầu và giảm bớt các quy định pháp lý cũng giúp nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trong nước, nghiên cứu cho biết.
“Một số yếu tố như tầng lớp trung lưu đang phát triển, dân số trẻ và tăng nhận thức về nhu cầu bảo vệ và lập kế hoạch nghỉ hưu sẽ cho phép tăng trưởng hơn nữa”.

Trong một tuyên bố gần đây, Assocham cho biết nghiên cứu chỉ ra sự thâm nhập bảo hiểm trong nước đã đạt 3,7% vào năm 2017, từ 2,71% năm 2001, và tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 3,2 triệu Rupee (44 tỷ USD) trong năm tài chính 2012 lên 5 tỷ Rupee trong năm tài chính 2018.

Chương trình bảo hiểm Ayushman Bharat đầy tham vọng của chính phủ bảo vệ cho 100 triệu gia đình nghèo dễ bị tổn thương với chi phí 500.000 Rupee chăm sóc và nằm viện cho mỗi gia đình sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cho ngành bảo hiểm vì nó sẽ có tác động lớn trên một loạt các lĩnh vực liên quan và tạo ra hàng nghìn công việc mới.
Theo cơ quan quản lý bảo hiểm, các công ty tư nhân hiện đang nắm giữ gần 48% thị phần ngành bảo hiểm phi nhân thọ và 29% bảo hiểm nhân thọ, sẽ có cơ hội tăng trưởng lớn.

BTV (Tổng hợp).