Allianz công bố kế hoạch chuyển đổi phát thải bằng 0; Chủ tịch Sompo Nhật Bản từ chức; PTI triển khai sản phẩm Bảo hiểm vi mô đầu tiên cho TPBank
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
BIC chi trả hơn 770 triệu đồng tiền bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại BIDV Buôn Hồ
(TBTCO) – Tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Buôn Hồ (BIDV Buôn Hồ) và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã trao hơn 770 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An cho đại diện gia đình khách hàng N.Q.T, không may tử vong do tai nạn lao động.
Được biết, ông N.Q.T (trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) là khách hàng vay vốn tại Chi nhánh BIDV Buôn Hồ. Sau khi được cán bộ BIDV tận tình tư vấn sản phẩm bảo hiểm Người vay vốn BIC Bình An, khách hàng đã đồng thuận và tự nguyện tham gia bảo hiểm cho khoản vay của mình.
Vào ngày 19/07/2023, khi đang lao động tại vườn của gia đình, ông T. không may bị điện giật dẫn đến tử vong. Ngay khi nhận được tin báo từ gia đình ông T., BIC Tây Nguyên (đơn vị cấp đơn bảo hiểm cho ông T.) đã gửi lời thăm hỏi, động viên tới thân nhân khách hàng, đồng thời, gấp rút phối hợp với gia đình và BIDV Buôn Hồ thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bồi thường theo quy định.
Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông N.Q.T là 770.949.624 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bồi thường; trợ cấp mai táng phí.
Thời gian qua, BIC Bình An đã thay mặt hàng nghìn khách hàng trả nợ cho ngân hàng, giúp đỡ gia đình khách hàng nhanh chóng vượt qua nỗi đau mất mát, ổn định cuộc sống. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sản phẩm BIC Bình An đã được đông đảo khách hàng vay vốn tại BIDV đón nhận.
Ngoài ra, việc khách hàng tham gia bảo hiểm người vay vốn đã giúp ngân hàng có thêm công cụ quản trị rủi ro, bảo đảm an toàn tài chính trong suốt thời gian cấp tín dụng cho khách hàng.
Đến nay, BIC đã triển khai thành công sản phẩm bảo hiểm người vay vốn trên toàn quốc, sản phẩm này đã trở thành điểm tựa cho cả khách hàng và ngân hàng trong suốt quá trình cấp tín dụng.
Tại BIDV, khách hàng vừa được tư vấn tiếp cận nguồn vốn, vừa được tư vấn tham gia bảo hiểm cho chính khoản vay của mình, qua đó tạo được sự yên tâm về tinh thần cho người được bảo hiểm vì luôn có nguồn tài chính cần thiết để giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống, giảm được gánh nặng cho người thân hoặc không bị thanh lý tài sản khi rủi ro xảy ra.
Đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, kịp thời chi trả tiền bảo hiểm vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội
(TBTCO) – Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản do vụ cháy gây ra để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm, chi trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm.
Liên quan tới vụ cháy chung cư mini mới đây, ngày 14/9/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trong vụ cháy tại phố Khương Hạ (Hà Nội).
Văn bản của Cục cho biết, vụ cháy chung cư tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đêm 12/9/2023 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Nhằm nhanh chóng khắc phục thiệt hại, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm do vụ cháy gây ra để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Tại văn bản này, Cục cũng đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp gửi báo cáo về Cục trước ngày 19/9/2023.
- Một vòng doanh nghiệp
Manulife Việt Nam khai trương Văn phòng giao dịch mới tại Lancaster Hà Nội
(ĐTCK) – Manulife Việt Nam chính thức khai trương văn phòng mới tại tòa nhà Lancaster Hà Nội nhằm tạo thêm cơ hội phục vụ và đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng, đồng thời nâng cao trải nghiệm làm việc và kết nối cho đội ngũ nhân viên và tư vấn viên.
Tọa lạc tại vị trí đắc địa trên Đường Láng, quận Đống Đa – trục kết nối ba quận trung tâm Thủ đô Hà Nội, văn phòng mới của Manulife Việt Nam không chỉ là điểm giao dịch thuận tiện cho khách hàng khu vực Hà Nội nói chung, mà còn tạo thêm nhiều cơ hội phục vụ và đáp ứng mọi nhu cầu tương tác, học tập và làm việc của nhân viên và đội ngũ tư vấn tại Hà Nội.
Văn phòng mới được thiết kế theo phong cách hiện đại với không gian mở, đi kèm với hệ thống hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm mang lại trải nghiệm giao dịch và làm việc thoải mái, linh hoạt và thân thiện, giúp kết nối khách hàng, nhân viên và đội ngũ tư vấn viên. Có quy mô 02 tầng và diện tích hơn 1.800 m2, văn phòng sẽ bao gồm đầy đủ Trung tâm Dịch vụ khách hàng, khu vực làm việc và hoạt động của đội ngũ kinh doanh, khu vực dành riêng cho tư vấn viên chuyên nghiệp Manulife Pro, hệ thống phòng đào tạo huấn luyện và các khu vực chức năng khác.
Với việc lựa chọn tòa nhà Lancaster làm địa điểm cho Văn phòng giao dịch mới, Manulife Việt Nam thể hiện cam kết trong việc không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng đồng thời xây dựng môi trường làm việc thu hút, nuôi dưỡng nhân tài. Manulife Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe và tài chính ngày càng tăng của người dân Việt Nam.
PTI triển khai sản phẩm Bảo hiểm Vi mô đầu tiên cho TPBank
(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phối hợp với HIVE By Income (HIVE), một trong những công ty bảo hiểm hỗn hợp hàng đầu tại Singapore và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ra mắt mô hình sản phẩm Bảo hiểm tích lũy, được tích hợp với các giao dịch trực tuyến của ngân hàng.
Sản phẩm bảo hiểm đột phá này còn được gọi là “TPBank PA+” cho phép khách hàng của TPBank dễ dàng tích lũy quyền lợi Bảo hiểm tai nạn cá nhân sau mỗi lần chuyển tiền hoặc mỗi giao dịch thanh toán được thực hiện, nâng cao mức độ tương tác và giá trị trong trải nghiệm ngân hàng số của khách hàng.
TPBank PA+ là sản phẩm bảo hiểm được thiết kế phù hợp với hoạt động hàng ngày của khách hàng trên ứng dụng của TPBank, với trải nghiệm dễ dàng và thuận tiện mà chưa từng có sản phẩm Bảo hiểm nào trước đây mang lại.
Với mức phí bảo hiểm thấp chỉ từ 5.000 đồng/hợp đồng, giải pháp này giúp loại bỏ các rào cản tài chính, và mọi khách hàng đều có thể tiếp cận bảo hiểm tai nạn cá nhân một cách dễ dàng nhất.
Chỉ với ba bước đơn giản trong quy trình đăng ký, khách hàng TPBank có thể được bảo vệ toàn diện với quyền lợi lên đến 300 triệu đồng.
Điều làm nên sự khác biệt của “TPBank PA+” là sự linh hoạt của sản phẩm, qua đó khách hàng có thể tham gia hoặc dừng tích lũy quyền lợi bảo hiểm bất cứ lúc nào, giúp đảm bảo sự chủ động của khách hàng.
Là những đơn vị dẫn đầu trong ngành, HIVE, TPBank và PTI cam kết thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và tài chính toàn diện, với kế hoạch mở rộng giải pháp bảo hiểm vi mô chi trả trên từng giao dịch bao gồm cả Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Bảo hiểm Quân đội triển khai bảo lãnh viện phí ngày nghỉ cho khách hàng tham gia bảo hiểm sức khỏe MIC
(MIC) – Bảo lãnh viện phí là một trong những quyền lợi quan trọng của Bảo hiểm sức khỏe. Đây là hình thức công ty bảo hiểm sẽ thanh toán trực tiếp một phần, từng phần hoặc tất cả chi phí y tế cho khách hàng khám và điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống bảo lãnh viện phí của công ty bảo hiểm.
Thông thường khách hàng có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm sức khỏe khác thường gặp bất tiện khi chỉ được áp dụng quyền lợi trong trong thời gian hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 khiến chúng ta e ngại nếu phải khám bệnh vào ngày nghỉ cuối tuần. Điều này gây bất tiện cho hầu hết mọi người khi phải xin nghỉ làm trong tuần hay tự thanh toán trước các chi phí y tế nếu đi khám chữa bệnh vào cuối tuần hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp xảy ra vào ngày nghỉ sẽ khiến chúng ta lo lắng về quyền lợi viện phí.
Với tinh thần luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, Bảo hiểm Quân đội chính thức triển khai dịch vụ bảo lãnh viện phí ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) từ 01/09/2023. Theo đó, các khách hàng có hợp đồng bảo hiểm sức khỏe còn hiệu lực tại MIC áp dụng giải quyết bồi thường tại Trung tâm dịch vụ khách hàng khi khám chữa bệnh vào các ngày nghỉ cuối tuần theo thời gian làm việc của cơ sở y tế trong danh sách bảo lãnh của MIC sẽ được bảo lãnh viện phí trực tiếp như tất cả các ngày trong tuần.
Để sử dụng dịch vụ bảo lãnh viện phí tại các cơ sở y tế liên kết bảo lãnh của MIC, khách hàng thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Xuất trình thẻ bảo lãnh viện phí và giấy tờ tại quầy tư vấn.
- Thực hiện theo hướng dẫn của tư vấn viên tại bệnh viện.
- Bệnh viện trả lời về yêu cầu bảo lãnh.
- Thanh toán các chi phí ngoài chi phí bảo lãnh (nếu có).
Mọi thông tin cần hỗ trợ, Quý khách vui lòng liên hệ:
– TTDVKH phía Bắc: 024 6263 2020
– TTDVKH phía Nam: 028 2253 5510
– Hotline 1900 55 88 91
Tải App MIC – Bảo hiểm Quân đội để tra cứu nhanh hệ thống bệnh viện bảo lãnh viện phí của MIC: https://s.mic.vn/App-MIC
Lưu ý: với trường hợp khách hàng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế chưa có liên kết bảo lãnh trực tiếp với MIC quý vị có thể chụp hình các giấy tờ khám chữa bệnh và gửi hồ sơ bồi thường online trên App MIC mà không cần chờ đợi.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Nhiều quy định mới về bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới, cháy nổ và hoạt động đầu tư xây dựng
(TBTCO) – Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nghị định 67/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 6/9/2023.
Mức điều chỉnh phí bảo hiểm xe cơ giới tối đa là 15%
Theo quy định tại Nghị định 67, đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, hành khách theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
Nghị định cũng quy định về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản, cụ thể: Do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn; do xe ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại sau: thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra; thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
Mức phí bảo hiểm đối với mô tô 2 bánh dưới 50 cc là 55.000 đồng, mô tô 2 bánh từ 50cc trở lên là 60.000 đồng, xe máy điện là 55.000 đồng, xe ô tô không kinh doanh vận tải dưới 6 chỗ là 437.000 đồng, từ 6 – 11 chỗ là 794.000 đồng…
Căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định.
Bổ sung quy định về tăng, giảm 25% phí bảo hiểm đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Nghị định số 67/2023/NĐ-CP nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm) phát sinh từ rủi ro cháy, nổ trừ các trường hợp loại trừ bên trên.
Nghị định quy định đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II và khoản 1 Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo nghị định này.
Cụ thể, trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 10 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 25.000 m3 trở lên; nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) tỷ lệ phí bảo hiểm/năm là 0,05%; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar là 0,4%; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 5.000 m3 trở lên là 0,05%….
Nghị định nêu rõ căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.
Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ cơ sở hạt nhân): Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 điều 4 nghị định này.
Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) 75% tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo nghị định này.
Sửa đổi quy định về phí bảo hiểm cháy, nổ đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ trở lên
Nghị định 67 cũng quy định, đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng là trách nhiệm dân sự của nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng đối với người thứ ba phát sinh từ việc thực hiện công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình xây dựng từ cấp II trở lên. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm bằng giá trị hợp đồng tư vấn khảo sát xây dựng, hợp đồng tư vấn thiết kế xây dựng.
Nghị định cũng quy định về mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng.
Theo đó, đối với công trình xây dựng có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng và không thuộc các loại công trình xây dựng đê, đập, cảng, bến cảng, cầu cảng, bến tàu, đập chắn sóng và các công trình thủy lợi; các công trình xây dựng sân bay, máy bay, vệ tinh, không gian; các công trình sửa chữa và đóng tàu; các công trình xây dựng năng lượng trên biển và dưới nước; các dự án xe lửa, xe điện, tàu tốc hành và dự án ngầm dưới đất, hầm mỏ: mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo nghị định này.
Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.
Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với công trình xây dựng có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị hợp đồng tư vấn trên 80 tỷ đồng hoặc các công trình không áp dụng mức phí bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm.
Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 điều 4 nghị định này. Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) 75% tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo nghị định này.
- Nhịp đập thị trường
Ngân hàng sốt sắng đào tạo bán bảo hiểm
(ĐTCK) – Ngoài việc chủ động tự đào tạo đội ngũ bán bảo hiểm, công ty bảo hiểm là đối tác của ngân hàng cũng đứng ra “đặt hàng” công tác này.
Cuối tháng 8/2023, theo đơn đặt hàng của Bảo hiểm MAP – công ty bảo hiểm liên kết với VietABank, nhiều nhân sự của ngân hàng này đã tham gia 2 chương trình đào tạo dành cho cấp quản lý tầm trung và tốp sellers (bankers xuất sắc trong mảng bancassurance) tại TP.HCM.
Tại LPBank, từ tháng 4/2023 đến nay, ngân hàng này đã phối hợp với Bảo hiểm Xuân Thành cử 3.000 nhân sự trực tiếp bán bảo hiểm tham gia học tập tại Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI Institute) nhằm nâng cao chuyên môn và thi lấy chứng chỉ về bảo hiểm của Bộ Tài chính.
Đại diện HDI Institute cho biết, ngoài LPBank, còn có 2 ngân hàng lớn đã mời chuyên gia của viện này về đào tạo cho bộ phận lãnh đạo, quản lý chủ chốt kênh bancassurance.
Một số ngân hàng cũng đã cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo bán bảo hiểm tại những cơ sở có chức năng đào tạo về bảo hiểm khác như Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM).
Trước đây, việc đào tạo bán bảo hiểm thường dành cho đại lý của các công ty bảo hiểm là chủ yếu, trong khi giảng dạy cho các nhân viên, cán bộ ngân hàng ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngân hàng đã chú trọng hơn công tác này, nhất là sau những lùm xùm liên quan tới kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, chú trọng phát triển kênh bancassurance thường bắt tay đào tạo sớm hơn.
Đơn cử, năm 2021, ACB đã mời nhiều chuyên gia về đào tạo cho nhân viên Ngân hàng với yêu cầu đảm bảo tư vấn bảo hiểm “đúng và đủ”. Trước đó, năm 2020, Techcombank gây chú ý với tuyên bố tự đào tạo gần 4.000 nhân viên của mình để tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm (thay vì sử dụng tư vấn của công ty bảo hiểm). Một số nhà băng khác từng có động thái tương tự.
Theo các chuyên gia, khi mở lớp đào tạo, ngân hàng và công ty bảo hiểm thường đặt mục tiêu tương tự nhau, đó là đảm bảo hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa của bảo hiểm, giá trị nghề nghiệp, cách tiếp cận đúng với khách hàng, làm sao để có kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp…, từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch First Step – công ty chuyên về huấn luyện đội ngũ kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp cho biết, tư duy của người quản lý là yếu tố rất quan trọng, bởi cho dù đào tạo nhân viên nhiều bao nhiêu mà lãnh đạo không ủng hộ, không đặt trọng tâm vào việc tư vấn bảo hiểm đúng đắn cho khách hàng, không để tâm đến sự nguy hại của việc “ép” khách hàng tham gia bảo hiểm… thì việc đào tạo sẽ không có tác dụng.
“Để chương trình đào tạo đảm bảo hiệu quả, các ngân hàng cần tập trung đào tạo đội ngũ lãnh đạo trước khi triển khai ở cấp nhân viên”, ông Thắng nhấn mạnh.
Động thái sốt sắng đào tạo bán bảo hiểm từ các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin của khách hàng dành cho bảo hiểm vốn suy giảm mạnh sau những lùm xùm thời gian qua. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn khôi phục niềm tin vào bảo hiểm thì không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng hành động, mà cụ thể nhất là nghiêm túc học hỏi những điều cơ bản nhất về giá trị cơ bản của bảo hiểm, tạo niềm tin và hiểu biết đúng trong chính mỗi nhân viên ngân hàng, từ đó mới lan tỏa được cho khách hàng.
Phần lớn lãnh đạo các ngân hàng, công ty bảo hiểm từng thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên lùm xùm tại kênh bancassurance thời gian qua là do thiếu kiến thức cơ bản về bảo hiểm, nên nếu được đào tạo bài bản sẽ hạn chế đáng kể tình trạng đổ vỡ.
- Bảo hiểm với cộng đồng
BIC tài trợ hệ thống lọc nước và khu vui chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Định
(TBTCO) – Trong không khí vui tươi chào đón năm học mới, Công ty Bảo hiểm BIDV Bình Định (BIC Bình Định) đã thay mặt Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) tổ chức lễ bàn giao hệ thống lọc nước và thiết bị trường học cho Trường mầm non xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Cùng với đó, BIC Bình Định cũng gửi tặng 186 chiếc ba lô cho các em học sinh của trường để sẵn sàng bước vào năm học mới.
Được biết, xã Canh Liên vẫn còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 83%. Trong quý I/2023, trường mẫu giáo xã Canh Liên đã được xây dựng mới tại làng Hà Giao, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định với quy mô gồm 4 phòng học, 1 nhà ăn, 1 nhà bếp, 1 dãy nhà hiệu bộ và cổng ngõ tường rào. Tuy vậy, nguồn nước uống tại trường vẫn là nguồn nước phèn, chưa được lọc, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, thiết bị học tập và vật dụng vui chơi của các em học sinh tại trường vẫn còn rất thiếu thốn.
Nhằm mang tới cho các em học sinh những điều kiện học tập tốt hơn, đảm bảo sức khỏe để hướng tới một tương lai tươi sáng, BIC đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Canh thực hiện chương trình xây dựng hệ thống lọc nước và khu vui chơi cho các em học sinh của trường mẫu giáo xã Canh Liên. Công trình lọc nước và khu vui chơi được khởi công từ ngày 4/8/2023 và nhanh chóng hoàn thành để chào đón năm học mới 2023 – 2024. Tổng kinh phí thực hiện là gần 300 triệu đồng.
BIC hiện là 1 trong 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, BIC cũng thường xuyên thực hiện các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình hướng tới thế hệ tương lai, mầm non của đất nước. Trong những năm qua, BIC đã tài trợ xây dựng công trình điểm trường mầm non Co Phường tại Sơn La, đồng thời liên tục có những chương trình tài trợ học bổng cho các học sinh, sinh viên trên toàn quốc, góp phần ươm mầm cho những tài năng phát triển và đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Trong thời gian tới, BIC sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh vì cộng đồng và triển khai thêm nhiều hơn nữa những chương trình ý nghĩa cho xã hội
Bảo Việt Nhân thọ trao 6.000 suất “quà vui tới trường” cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn
(TBTCO) – Chào đón năm học 2023 – 2024, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ triển khai chương trình “Quà vui tới trường” trao tặng 6.000 chiếc balo, với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình an sinh giáo dục do Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ thực hiện với thông điệp “có an là có điểm tựa”. Bảo Việt Nhân thọ hy vọng rằng, mỗi chiếc balo sẽ là người bạn đồng hành, trở thành điểm tựa tinh thần để các em và gia đình an tâm vượt qua mọi thử thách, biến ước mơ thành hiện thực.
Trong cuộc sống của mỗi người, có được một điểm tựa vững chãi chính là điều may mắn nhất. Điểm tựa giúp chúng ta cảm thấy chắc chắn, yên tâm, vững vàng. Với các em nhỏ, trên hành trình lớn khôn có được điểm tựa An đồng hành sẽ giúp các em chắp cánh vươn xa. Hiểu được điều đó, trong những năm qua, Bảo Việt Nhân thọ đã luôn nỗ lực bền bỉ mang An tới các gia đình Việt. Bên cạnh việc phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là điểm tựa tài chính vững chắc, Bảo Việt Nhân thọ cũng luôn chú trọng đầu tư cho các hoạt động an sinh giáo dục hướng tới trẻ em, trong đó có các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trở thành điểm tựa tinh thần cho các em tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Năm học mới đã đến với niềm vui hân hoan và hạnh phúc. Nhưng với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, niềm vui tới trường của các em cũng đi kèm với những nỗi lo của gia đình về chi phí để trang trải việc học hành, mua sắm sách vở và đồ dùng học tập. Để chia sẻ khó khăn đó với các em học sinh, giúp cho niềm vui đến trường của các em được trọn vẹn, Bảo Việt Nhân thọ đã triển khai chương trình an sinh giáo dục đầy ý nghĩa “Quà vui tới trường”, tặng 6.000 học bổng là balo cao cấp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, động viên tinh thần ham học hỏi, khuyến khích các em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập thành tài.
Đại diện Bảo Việt Nhân thọ cho biết: “Trẻ em là tương lai của đất nước. Đầu tư cho giáo dục và trẻ em chính là đầu tư vì sự an phát và thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Là thương hiệu bảo hiểm nhân thọ luôn hoạt động vì lợi ích của người Việt, Bảo Việt Nhân thọ mong muốn thông qua những chương trình an sinh giáo dục, mang lại cho các em học sinh niềm vui và niềm khích lệ. Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực học tập ngày hôm nay, trong tương lai các em sẽ trở thành người công dân ưu tú, mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội”.
Trước đó, trong năm nay, Bảo Việt Nhân thọ cũng đã trao tặng 5.000 chiếc học bổng xe đạp, đánh dấu 18 năm triển khai thành công chương trình “Quỹ xe đạp chở ước mơ” trao tặng 33.000 chiếc xe cho các em học sinh hiếu học trên khắp đất nước, thực hiện sứ mệnh của một doanh nghiệp bảo hiểm quốc gia luôn hoạt động vì lợi ích của người Việt.
Với những cố gắng mạnh mẽ để đem lại quyền lợi và giá trị ngày càng lớn hơn cho khách hàng và cộng đồng, Bảo Việt Nhân thọ là công ty bảo hiểm nhân thọ duy nhất đạt “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022” và vinh dự nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất cho gia đình Việt Nam 2023” và được giới chuyên môn và cộng đồng đánh giá là “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất Việt Nam”, trong nhiều năm.
- Tin quốc tế
Du khách Trung Quốc thúc đẩy doanh số của FWD Hồng Kông
(INA) – Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu khai thác mới của FWD Hồng Kông đối với du khách Trung Quốc đại lục tăng 88 lần so với năm trước, vượt xa mức tăng trưởng trung bình 82 lần của ngành.
Doanh số khai thác mới của FWD từ du khách Trung Quốc đại lục cũng tăng trở lại hơn 90% so với mức trước đại dịch, vượt qua mức trung bình của ngành là 86%.
Theo thống kê của Cục Bảo hiểm, FWD Hồng Kông đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2023, đứng thứ tư về số lượng trường hợp khai thác mới, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Mức tăng trưởng này vượt xa mức tăng trung bình ngành là 17%.
So với nửa đầu năm 2019 trước đại dịch, số trường hợp khai thác mới tăng 61% so với cùng kỳ năm trước và thị phần của FWD cũng tăng đều đặn.
Hơn nữa, phí bảo hiểm năm đầu tiên của FWD trong nửa đầu năm 2023 đã tăng ấn tượng 81% so với cùng kỳ năm 2019, đứng thứ ba ở Hồng Kông về mức tăng trưởng.
Mạng lưới phân phối đa kênh của FWD đã định vị rất tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm bảo vệ từ cả người dân Hồng Kông và du khách Trung Quốc đại lục sau khi hoạt động du lịch xuyên biên giới được nối lại vào đầu năm 2023.
Nền tảng bán hàng trực tuyến và trực tiếp của FWD vẫn là nền tảng dẫn đầu ngành, đứng đầu về số lượng trường hợp khai thác mới ở Hồng Kông.
Ngoài ra, lực lượng đại lý gắn liền với FWD tiếp tục phát triển vượt trội, đứng đầu về mức tăng trưởng ròng về số lượng nhân viên trung gian bảo hiểm nhân thọ ở Hồng Kông.
Howden thâu tóm công ty bảo hiểm Insurance Underwriters (NZ)
(INA) – Công ty Bảo hiểm Insurance Underwriters (NZ) (IUNZ) đã công bố việc sáp nhập vào Tập đoàn Howden có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Trong một bài đăng trên LinkedIn, IUNZ cho biết giao dịch này thể hiện sự độc lập của Howden, phù hợp với đặc tính đã xác định IUNZ kể từ khi thành lập vào năm 2017.
IUNZ tin rằng sự hợp tác với một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng cách tận dụng sức mạnh của sự tập trung vào cộng đồng và tinh thần độc lập trên quy mô toàn cầu.
Howden Group là công ty bảo hiểm toàn cầu được thành lập vào năm 1994, chia sẻ các giá trị và tính độc lập với IUNZ. Chuyên môn của Howden trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ những hiểu biết toàn cầu, nguồn lực và chuyên môn về môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm và dịch vụ đánh giá rủi ro, phục vụ nhiều khách hàng từ cá nhân đến các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất.
Công ty bảo hiểm New Zealand cho biết quá trình chuyển đổi không nhằm mục đích thay đổi hướng đi, đổi tên hoặc gián đoạn lực lượng lao động của công ty.
Với việc tích hợp vào Howden, IUNZ có quyền truy cập vào nhiều nguồn tài nguyên hơn, giúp công ty luôn dẫn đầu trong ngành bảo hiểm đang phát triển.
Chủ tịch Sompo Nhật Bản từ chức vì hành vi sai trái của Bigmotor
(Nikkei) – Mới đây, Bảo hiểm Sompo Nhật Bản thông báo rằng Chủ tịch Giichi Shirakawa sẽ từ chức vì công ty xử lý các yêu cầu bồi thường bảo hiểm bị cáo buộc gian lận của đại lý ô tô lớn Bigmotor.
Công ty cho biết thời điểm từ chức – được Nikkei đưa tin đầu tiên – sẽ được quyết định trong tương lai.
Sompo Holdings và Sompo Japan đã tổ chức một cuộc họp báo vào chiều thứ Sáu tuần trước, với Kengo Sakurada, chủ tịch công ty mẹ, giải thích những phát hiện mới nhất về mối quan hệ với Bigmotor.
Công ty bảo hiểm này đã bị chỉ trích vì nối lại giao dịch với Bigmotor vào năm ngoái trong khi nhận thức được khả năng gian lận của đại lý ô tô. Sompo Japan đã thảo luận về việc có nên bắt đầu lại các giao dịch với Bigmotor tại cuộc họp hội đồng quản trị vào tháng 7 năm 2022 hay không, nơi Shirakawa thúc đẩy việc nối lại giao dịch mặc dù ông nhận ra rằng các cáo buộc gian lận là rất mạnh.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Shirakawa cho biết: “Chúng tôi quyết định tiếp tục kinh doanh với Bigmotor với điều kiện họ thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự tái diễn”. Ông xin lỗi và nói: “Đó là một quyết định vội vàng mà tôi vô cùng hối hận”.
“Tôi chỉ yêu cầu cải thiện vì tôi sợ phản ứng dữ dội từ Bigmotor”, ông nói và thừa nhận rằng doanh thu đáng kể từ công ty – 12 tỷ yên (81,4 triệu USD) mỗi năm – là lý do khiến công ty bảo hiểm không quyết liệt theo đuổi những cáo buộc.
Hai công ty đã đem lại công việc kinh doanh cho nhau. Sompo Japan đã giới thiệu những khách hàng gặp tai nạn đến Bigmotor để sửa chữa, trong khi Bigmotor bán bảo hiểm trách nhiệm ô tô cho Sompo Japan với tư cách là đại lý.
Các công ty bảo hiểm trên khắp Nhật Bản đã ngừng giới thiệu khách hàng đến Bigmotor để sửa chữa sau khi cáo buộc gian lận được đưa ra ánh sáng, nhưng riêng Sompo Japan đã tiếp tục hoạt động kinh doanh với đại lý này vào tháng 7 năm 2022.
Ông Sakurada tại Sompo Holdings cho biết: “Chúng tôi chân thành xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện và lo ngại nào mà điều này đã gây ra”.
Các cáo buộc bao gồm việc chuỗi cửa hàng bán xe cũ đã tính phí quá cao sau khi cố tình làm hỏng xe và gian lận yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Ông Shirakawa được bổ nhiệm làm chủ tịch Sompo Japan vào tháng 4 năm 2022. Khi đó ông 51 tuổi và là người đứng đầu trẻ nhất của một tổ chức tài chính lớn ở Nhật Bản.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của Sompo Japan về vấn đề này. Cơ quan này đã thông báo cho Bigmotor và Sompo Japan về kế hoạch điều tra tại chỗ. Hôm thứ Ba vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng ta cần xem xét hệ thống quản lý kinh doanh và hệ thống kiểm soát nội bộ của họ”.
Manulife bổ nhiệm tân Giám đốc toàn cầu về quan hệ chính phủ
(INA) – Manulife đã bổ nhiệm bà Maryscott Greenwood làm Giám đốc Toàn cầu về Quan hệ Chính phủ, quyết định có hiệu lực từ ngày 16 tháng 10.
Tại vai trò này, Greenwood sẽ tập trung vào việc vận động và truyền thông cho các bên liên quan về lợi ích của công ty ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Những nỗ lực của bà sẽ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh mới và nâng cao giá trị cổ đông.
Bà sẽ là thành viên của Nhóm Lãnh đạo Toàn cầu của công ty, báo cáo với Tổng Cố vấn James D. Gallagher của Manulife.
Greenwood đã từng đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau bao gồm thành viên HĐQT, CEO, người sáng lập và nhà ngoại giao.
Trước đây, bà là đối tác sáng lập của Crestview Strategy US LLC, một công ty tư vấn quan hệ chính phủ ở Washington, D.C. Bà cũng giữ chức vụ giám đốc điều hành và đồng lãnh đạo Tập đoàn tại Dentons U.S. LLP, lãnh đạo chiến lược khách hàng cho Canada, Hoa Kỳ và thực tiễn công việc của chính phủ liên bang.
Trước đó trong sự nghiệp của mình, Greenwood từng là nhà ngoại giao Hoa Kỳ do Tổng thống bổ nhiệm tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Ottawa, Canada và là Chánh văn phòng của Đại sứ Hoa Kỳ.
Allianz công bố kế hoạch chuyển đổi phát thải bằng 0
(INA) – Allianz đã công bố kế hoạch chuyển đổi ròng bằng 0 đầu tiên nhằm thúc đẩy mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp.
Công ty có kế hoạch tăng doanh thu từ các giải pháp chuyển đổi trong danh mục bảo hiểm thương mại của họ lên 150% và cam kết đầu tư thêm 20 tỷ euro vào năm 2030.
Ngoài ra, Allianz đã đặt ra các mục tiêu trung hạn để đẩy nhanh việc giảm phát thải trong danh mục bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại (P&C).
Các mục tiêu này bao gồm giảm 30% lượng khí thải carbon cho phân khúc xe cơ giới bán lẻ và giảm 45% cường độ phát thải khí nhà kính (GHG) trong phân khúc bảo hiểm thương mại vào năm 2030.
Về danh mục đầu tư của mình, Allianz đã vượt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2025 và hiện đang đặt mục tiêu giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Hơn nữa, Allianz đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế net-zero. Họ cam kết hợp tác cùng với khách hàng, đối tác và các nhà hoạch định chính sách của mình để thúc đẩy các nỗ lực loại bỏ cacbon.
Kế hoạch hành động
Kế hoạch phát thải ròng đặt năm mục tiêu là năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch cho biết họ hy vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2029, sớm hơn một năm so với mục tiêu để phù hợp với thời hạn báo cáo về các khoản đầu tư của khách hàng và bảo hiểm P&C. Cùng với đó, mục tiêu cuối năm 2029 là -65% so với năm 2019 trong khi 70% được dựa trên cuối năm 2030.
Mục tiêu cũng xoay quanh danh mục đầu tư của công ty P&C cùng với lượng phát thải được báo cáo do AGCS quản lý với năm 2022 là năm cơ sở.
Mục tiêu mới nhất áp dụng cho Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.
Ngoài ra, tính khả thi về mặt kỹ thuật của đội tàu sử dụng 100% nhiên liệu hóa thạch sẽ được xem xét lại hàng năm.
Các giải pháp khí hậu được xác định một cách toàn diện. Đây là những hoạt động kinh tế có tác động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, các giải pháp chuyển đổi là các công nghệ trong Tuyên bố của Allianz về Năng lượng tái tạo/Năng lượng ít cacbon.
Tuy nhiên, cam kết và mục tiêu không có giá trị ròng của nó không áp dụng cho tài sản do bên thứ ba quản lý.
Prudential SG giới thiệu cách chuyển đổi sang PRUSHield
(INA) – Prudential Singapore ra mắt PRUSShield EasySwitch, cho phép các chủ hợp đồng có Chương trình Shield chuyển sang sản phẩm PRUSHield và các sản phẩm bổ trợ.
Từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 31 tháng 12, các cá nhân đủ điều kiện có thể tận dụng quy trình hợp lý này. Thay vì trải qua quá trình đánh giá rủi ro hoàn chỉnh và điền vào một bảng câu hỏi dài về sức khỏe, họ sẽ chỉ cần trả lời ba câu hỏi liên quan đến sức khỏe.
Nếu đơn đăng ký của khách hàng được chấp thuận, Prudential sẽ công nhận ngày bắt đầu hợp đồng Shield hiện tại của họ với một công ty bảo hiểm khác là ngày bắt đầu hợp đồng PRUSShield mới.
Điều này có nghĩa là tất cả các quyền lợi của hợp đồng và yêu cầu bồi thường sẽ được áp dụng tương ứng. Ngoài ra, thời gian chờ đợi đối với một số điều kiện nhất định thường được áp dụng sẽ được miễn, tùy thuộc vào thời hạn của hợp đồng trước đó.
Điều đáng chú ý là khoảng 71% cư dân Singapore, tổng cộng 2,9 triệu sinh mạng, được bảo hiểm bởi các Chương trình Bảo vệ Tích hợp (IP), cung cấp phạm vi bảo hiểm bổ sung ngoài MediShield Life.
Allianz Trade APAC bổ nhiệm Giám đốc quốc gia tại Ấn Độ
(INA) – Allianz Trade Châu Á-Thái Bình Dương mới đây đã bổ nhiệm ông Imran Khan làm Giám đốc quốc gia tại Ấn Độ, hiệu lực bắt đầu từ ngày 1 tháng 9.
Ông Khan có khoảng 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm tín dụng thương mại và ngành ngân hàng. Ông có hiểu biết sâu sắc về phát triển kinh doanh, giữ chân khách hàng và quản lý khiếu nại.
Trong bài đăng trên LinkedIn, ông Khan viết: “Tín dụng Thương mại là cốt lõi của mọi hoạt động kinh doanh là điều quan trọng cần được bảo vệ và Allianz Trade, công ty bảo hiểm tín dụng thương mại giàu kinh nghiệm và lớn nhất thế giới, sẽ sẵn lòng quản lý rủi ro tín dụng cho các Khách hàng Ấn Độ quý giá của chúng tôi. Trong hành trình này, ‘Đối tác môi giới’ của chúng tôi đóng vai trò then chốt là đối tác kinh doanh chủ chốt và tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với họ”.
Trước đây, ông Khan đã làm việc tại Công ty môi giới bảo hiểm Prudent, WTW, Confidential, Origin Insurance Brokers, Ngân hàng Mashreq và Indiabulls.
Ấn Độ: PB Fintech tìm hiểu hoạt động tái bảo hiểm
(AIR) – PB Fintech, công ty vận hành các nền tảng tổng hợp về bảo hiểm và tín dụng như PolicyBazaar và PaisaBazaar, đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình.
Các nguồn tin nói với CNBC-TV18 rằng công ty này đã tổ chức các cuộc trao đổi không chính thức với cơ quan quản lý IRDAI để hiểu thị trường tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh tiềm năng. Công ty cũng đang làm việc với các chuyên gia pháp lý về việc tham gia tái bảo hiểm.
Các nguồn tin cũng chỉ ra rằng PB Fintech sẽ tìm cách tự mình bắt đầu hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm mà không cần có đối tác nước ngoài hoặc trong nước. Ở giai đoạn sau, công ty sẽ khám phá khả năng thu hút đầu tư từ đối tác nước ngoài hoặc Ấn Độ vào hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của mình, CNBC-TV18 đưa tin.
Trong khi đó, PB Fintech đã làm rõ rằng họ không có kế hoạch trở thành công ty bảo hiểm trực tiếp hoặc xin bất kỳ giấy phép nào như vậy vì điều đó sẽ gây xung đột lợi ích với các đối tác bảo hiểm của mình. Theo hồ sơ trao đổi vào ngày 8 tháng 9 năm 2023: “Chúng tôi không ngừng nỗ lực để hợp tác và hỗ trợ các đối tác bảo hiểm của mình trong việc phát triển sản phẩm và đề xuất và sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Thị trường tái bảo hiểm ở Ấn Độ có thể là một cơ hội thú vị, không giống như bảo hiểm trực tiếp vốn là một thị trường đông đúc, BQ Prime đưa tin, trích lời ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.
Tổn thất thảm họa được bảo hiểm trung bình hàng năm tăng lên 133 tỷ USD
(IBM) – Theo dữ liệu mới của Verisk, tổn thất bảo hiểm trung bình do thảm họa thiên nhiên hiện ở mức khoảng 133 tỷ USD hàng năm, đây là mức cao kỷ lục.
Theo Verisk, ngành bảo hiểm sẽ phải chuẩn bị cho tổng thiệt hại được bảo hiểm trên 100 tỷ USD do thiên tai hàng năm và khoản thiệt hại thực tế hàng năm có thể lên tới hơn 200 tỷ USD.
Báo cáo tiết lộ rằng lũ lụt, giông bão nghiêm trọng và cháy rừng hiện chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng thiệt hại, trong đó giông bão nghiêm trọng chiếm 70% tổng thiệt hại được bảo hiểm. Gần 40% tổn thất trung bình hàng năm toàn cầu (AAL) được bảo hiểm là do giông bão nghiêm trọng.
Theo Verisk, các tổn thất được bảo hiểm toàn cầu chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu vì ước tính thiệt hại kinh tế có thể vượt quá 400 tỷ USD.
Sự khác biệt khá lớn giữa tổn thất được bảo hiểm và tổn thất kinh tế – khoảng cách bảo vệ – thể hiện chi phí của thảm họa đối với xã hội. Verisk đã ước tính tổn thất 1% hoặc 100 năm của người được bảo hiểm toàn cầu trong năm là 370 tỷ USD.
Ông Bill Churney, Chủ tịch giải pháp cho các sự kiện khắc nghiệt của Verisk, cho biết: “Sự tăng trưởng về giá trị rủi ro, chủ yếu do việc tiếp tục xây dựng ở những khu vực có nguy cơ cao và chi phí thay thế tăng lên – phần lớn là do lạm phát – là những yếu tố quan trọng nhất làm tăng tổn thất thảm họa”.
“Yếu tố quan trọng khác là tác động của biến đổi khí hậu, thường được coi là nguyên nhân chính khiến tổn thất gia tăng. Tuy nhiên, mặc dù điều này chỉ đóng một vai trò nhất định nhưng mức độ rủi ro tăng lên hàng năm và giá trị thay thế tăng lên có tác động ngắn hạn lớn hơn nhiều”.
Theo Verisk, các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cho những tổn thất đáng kể và tự tin chấp nhận rủi ro của mình để có thể vượt qua những năm đầy thử thách này mà không gặp rủi ro về khả năng thanh toán.
Ông Churney cũng cho rằng mô hình tiếp cận xác suất sẽ giúp hiểu được rủi ro thảm họa và các công ty bảo hiểm/tái bảo hiẻm có thể sử dụng các mô hình đó để xem xét những tổn thất gần đây.
BTV (Tổng hợp).