LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký hợp đồng độc quyền; Manulife ra mắt chiến dịch “Bước đến Hạnh phúc”; Indonesia ban hành bảng tỷ lệ bệnh hiểm nghèo cho định phí
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới: Hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông ở xã Chư Á
(TBTCO) – Tại trụ sở UBND xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa trao số tiền 135 triệu đồng hỗ trợ nhân đạo cho gia đình ông K’sor Năm có 3 con tử vong do tai nạn giao thông.
Gia đình ông K’sor Năm có hộ khẩu thường trú tại làng Chuét Ngol, xã Chư Á, Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông K’sor Năm có 3 người con là K’sor Dương, K’sor Giang, K’sor Niên bị tử vong do tai nạn giao thông. Xe gây tai nạn không tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cụ thể, em Ksor Dương điều khiển xe mô tô biển số 81K5-0363 chở theo 2 em ruột là Ksor Giang và Ksor Niên lưu thông trên đường Lê Duẩn khi rẽ trái qua đường Nguyễn Tuân thì tông vào xe ô tô con nhãn hiệu HONDA-CRV màu trắng (chưa có biển số) do anh Trương Văn Chung (sinh năm 1988, trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển. Vụ tai nạn đã khiến cả 3 anh em tử vong.
Thực hiện Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Nghị định 03/2021/NĐ-CP, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình ông K’sor Năm, với số tiền 45 triệu đồng/nạn nhân, tổng số tiền chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình ông Năm là 135 triệu đồng.
Chi hỗ trợ nhân đạo là một trong những nội dung chi của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới theo quy định. Công tác chi hỗ trợ nhân đạo được thực hiện trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại). Đây là chính sách nhân văn song hành cùng chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Một vòng doanh nghiệp
LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký hợp đồng độc quyền kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng 15 năm
(TBTCO) – Ngày 22/11/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) tổ chức Lễ Ký kết Hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền. J.P. Morgan – định chế tài chính hàng đầu thế giới – là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho LienVietPostBank trong giao dịch này. Hợp đồng này dự kiến được triển khai từ tháng 12/2022 và kéo dài trong 15 năm.
Theo thỏa thuận tại hợp đồng này, Dai-ichi Life Việt Nam là đối tác duy nhất độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các quyền lợi bổ trợ ưu việt nhất theo lựa chọn của khách hàng LienVietPostBank. Khách hàng sẽ được giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm đa dạng của Dai-ichi Life Việt Nam qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trên 63 tỉnh, thành của LienVietPostBank cùng hệ thống ngân hàng số đang được phát triển mạnh, nhanh chóng, tiện lợi, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng phù hợp với chiến lược chuyển đổi số nhằm hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam bắt đầu từ tháng 11/2016. Sau 6 năm hợp tác, LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tài chính cho gần 180.000 khách hàng với tổng doanh thu phí bảo hiểm vượt xa so với kế hoạch mục tiêu ký kết ban đầu. Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp đã nỗ lực hỗ trợ và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho gần 1.320 khách hàng. Đến tháng 6/2022, LienVietPostBank nằm trong nhóm 9 ngân hàng có doanh số Bancassurance cao nhất trên thị trường Việt Nam.
Phát huy kết quả đạt được và thế mạnh của hai bên, Dai-ichi Life Việt Nam và LienVietPostBank tiếp tục cam kết hợp tác lâu dài, bền vững trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tin tưởng lẫn nhau và có những chiến lược mang tầm vĩ mô để đầu tư cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động bancassurance tại Việt Nam.
Ông Phạm Doãn Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết, trên cơ sở thành công từ hợp tác lần đầu, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng – bảo hiểm của hai bên, trong hành trình hợp tác 15 năm tới, LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam cam kết mang tới cho hàng triệu khách hàng của LienVietPostBank những giải pháp bảo hiểm nhân thọ toàn diện, không chỉ được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng mà còn với một mức chi phí thật sự cạnh tranh trên thị trường và chất lượng dịch vụ tốt nhất nhờ sự đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi trên nền tảng số. Với lợi thế đặc biệt về mạng lưới phủ khắp cả nước, LienVietPostBank sẽ đẩy mạnh phân phối các sản phẩm bảo vệ tài chính chất lượng Nhật Bản của Dai-ichi Life Việt Nam đến khách hàng, góp phần đa dạng danh mục sản phẩm dịch vụ. Hai bên sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực để khai thác và phát huy các thế mạnh của nhau.
Để khai thác hiệu quả hơn hợp tác bancassurance này, ông Phạm Doãn Sơn cho hay, LienVietPostBank sẽ phối hợp chặt chẽ với Dai-ichi Life Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về sản phẩm và kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng có đủ năng lực bao gồm kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Qua đó, đội ngũ bán hàng có thể đưa ra những tư vấn tối ưu và phù hợp nhất với nhu cầu và tình hình tài chính của khách hàng…
Ông Trần Đình Quân – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, chia sẻ: “Tiếp theo những thành quả tốt đẹp trong chặng đường 6 năm đầu tiên hợp tác, thoả thuận hợp tác độc quyền 15 năm lần này giữa Dai-ichi Life Việt Nam- một thương hiệu bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản với kinh nghiệm, uy tín và vị thế hàng đầu thị trường, cùng LienVietPostBank, với mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước, sẽ giúp củng cố thêm nền tảng vững chắc mối quan hệ hai bên, hướng tới mục tiêu đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và an sinh lâu dài của khách hàng và gia đình thông qua những sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ chất lượng Nhật Bản của Dai-ichi Life Việt Nam”.
Điều này đặc biệt ý nghĩa hơn khi thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhất là từ khi dịch bệnh Covid bùng phát, sự đa dạng của các sản phẩm bảo hiểm với những khoản phúc lợi tốt đã khuyến khích người tham gia bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn trong thời gian qua và cả tới đây. Theo thống kê, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ được tính bằng tổng phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam ở mức dưới 2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới là 3,3%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia 4%, Thái Lan 3,4%, Ấn Độ 3,2%…
“Chúng tôi kỳ vọng hành trình hợp tác 15 năm tiếp theo giữa Dai-ichi Life Việt Nam và LienVietPostBank sẽ ghi dấu thêm nhiều mốc son ấn tượng, không chỉ mang đến giải pháp tài chính ưu việt, sự tin tưởng, hài lòng cao nhất cho khách hàng mà còn góp phần giúp kênh Bancassurance tăng trưởng bền vững trên thị trường bảo hiểm Việt Nam”- ông Trần Đình Quân chia sẻ thêm.
Manulife Việt Nam ra mắt chiến dịch “Bước đến Hạnh phúc” nhằm nâng cao nhận thức về bảo hiểm
(ĐTCK) – Ngày 22/11/2022, Manulife Việt Nam công bố ra mắt chiến dịch ‘Bước đến Hạnh phúc’, nhằm nâng cao nhận thức về sự “thiếu hụt bảo vệ”.
Một trong những ưu tiên của Manulife trong chương trình ‘Lan tỏa Sức ảnh hưởng’ được giới thiệu gần đây là mở ra các cơ hội kinh tế toàn diện cho tất cả mọi người, thúc đẩy sự dịch chuyển đi lên của các nhóm thiểu số và làm cho các giải pháp tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn. Xuyên suốt chiến dịch này, Manulife Việt Nam sẽ xây dựng kho kiến thức tài chính thông qua các bài báo, các đoạn phim ngắn và các trò chơi tương tác trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức về khoản thiếu hụt bảo vệ cũng như tầm quan trọng của việc có các kế hoạch bảo hiểm nhân thọ đúng và đủ.
Khoản ‘thiếu hụt bảo vệ’ – tức khoản thiếu hụt khi nguồn lực tài chính hiện hữu của khách hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo vệ trong trường hợp sự kiện không may xảy ra. Số liệu từ một báo cáo của tổ chức Swiss Re cho thấy, khoản ‘thiếu hụt bảo vệ’ trong năm 2019 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khoản 83.000 tỷ USD vào năm 2019. Tại Việt Nam, năm 2021, chỉ có 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ. Mức độ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tính theo GDP khá thấp, chỉ chiếm khoảng 2,47% tổng GDP năm 2021. Bên cạnh đó, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm khoảng 43% tổng chi phí y tế, cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) .
Với mong muốn trở thành cầu nối bảo vệ, Manulife Việt Nam đã và đang đầu tư không ngừng vào sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số hóa cũng như đơn giản hóa trải nghiệm khách hàng để giúp nhiều khách hàng hơn nữa có cơ hội tiếp cận với bảo hiểm.
“Một giải pháp quan trọng để thu hẹp khoản ‘thiếu hụt bảo vệ’ là đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách thiết kế các gói sản phẩm phù hợp. Là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, Manulife cam kết cung cấp các gói sản phẩm và dịch vụ ưu việt để góp phần mang lại sự bảo vệ về sức khỏe, nhân thọ và hưu trí cho người dân”, ông Phùng Bá Khang, Giám đốc Khối Sản phẩm & Sức khỏe của Manulife Việt Nam chia sẻ.
Black Friday 25/11: Tận hưởng siêu ưu đãi tới 40% tại BIC
(TBTCO) – Ngày 25/11/2022, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) gửi tặng khách hàng chương trình khuyến mại Black Friday, giảm phí tới 40% nhiều sản phẩm bảo hiểm.
Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng tham gia bảo hiểm tại BIC sẽ nhận ngay nhiều ưu đãi hấp dẫn như: giảm 40% phí bảo hiểm du lịch; giảm 30% phí bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân – BIC Tâm An (áp dụng với khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC hoặc căn cứ trên thực tế quá trình tham gia bảo hiểm tại BIC của khách hàng); giảm 30% phí bảo hiểm tai nạn con người 24/24; giảm 25% phí bảo hiểm an ninh mạng cá nhân – BIC Bảo An Tài khoản; giảm 20% phí bảo hiểm bệnh ung thư – BIC Phúc Tâm An.
Để tận hưởng những ưu đãi của chương trình, khách hàng có thể mua bảo hiểm trực tuyến mọi lúc mọi nơi tại website mybic.vn, ứng dụng BIC Online và BIDV SmartBanking (miễn phí trên iOS và Android). Khi tham gia trực tuyến, khách hàng có thể dễ dàng tra cứu các thông tin về quyền lợi, phí bảo hiểm, mạng lưới liên kết, hướng dẫn bồi thường…; thanh toán online đơn giản, nhanh chóng thông qua các phương thức đa dạng như: chuyển khoản, thẻ quốc tế visa-master, thẻ nội địa, ví điện tử…; có thể đăng ký nhận ngay giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử qua email sau khi thanh toán (với giá trị pháp lý tương đương với giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng). Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể mua trực tiếp tại các phòng kinh doanh, công ty thành viên hoặc các đại lý của BIC trên toàn quốc.
Prudential Việt Nam ra mắt chương trình khuyến mại đặc biệt bày tỏ thông điệp gắn kết yêu thương
(TBTCO) – Từ ngày 1/11/2022 đến ngày 12/12/2022, Prudential Việt Nam triển khai chương trình khuyến mại “Khi Tình Yêu Đủ Lớn, Tận Hưởng Khoảnh Khắc Sum Vầy”, mong muốn đồng hành cùng khách hàng thể hiện tình yêu với người thân thương, thông qua những giải thưởng vô cùng hấp dẫn và ý nghĩa: 03 chuyến du lịch châu Âu trọn gói dành cho bốn người tại năm quốc gia Pháp, Luxembourg, Đức, Bỉ, Hà Lan trong 09 ngày 08 đêm, cùng 30 chiếc điện thoại Iphone 14 Pro 256GB.
Khách hàng sẽ nhận được mã số dự thưởng (MSDT) khi sở hữu hợp đồng bảo hiểm hợp lệ, thỏa điều kiện tham gia chương trình thông qua các kênh phân phối sau: Kênh phân phối đại lý tại các văn phòng tổng đại lý Prudential; kênh bán hàng thành thị PruVenture; kênh đối tác ngân hàng, bao gồm: Standard Chartered, MSB, PVcombank, VIB, UOB, ShinhanBank, SeaBank.
Trong đó, mỗi hợp đồng có phí bảo hiểm thực thu tại kỳ đóng phí đầu tiên từ 15.000.000 đồng đến dưới hoặc bằng 60.000.000 đồng sẽ nhận được một (01) MSDT; hoặc mỗi hợp đồng có phí bảo hiểm thực thu tại kỳ đóng phí đầu tiên trên 60.000.000 đồng thì sẽ nhận được hai MSDT.
Chương trình được tổ chức dựa trên cơ cấu quay số trúng thưởng với 250.000 MSDT dự kiến được phát hành. Một MSDT chỉ có thể trúng duy nhất một giải trong cơ cấu giải thưởng của chương trình. Mỗi hợp đồng bảo hiểm hợp lệ chỉ có thể nhận tối đa hai MSDT. Trong trường hợp khách hàng tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm, tổng số lượng MSDT khách hàng nhận được sẽ là tổng số lượng MSDT của tất cả các hợp đồng bảo hiểm hợp lệ.
Giải thưởng sẽ được phân bổ đều tại 3 khu vực trên toàn quốc theo quy định của chương trình. Buổi lễ quay số trúng thưởng sẽ diễn ra vào ngày 19/12/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.
Thông qua chương trình, Prudential không chỉ mang đến những giải pháp bảo vệ thiết thực, mà còn mong muốn sát cánh cùng khách hàng trong cách thể hiện tình yêu của mình với những người thân yêu.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
“Mở cửa” cho bảo hiểm đầu tư
(ĐTCK) – Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi), từ năm 2023, công ty bảo hiểm được quyền tự do đầu tư, kinh doanh, mà chỉ hạn chế một số lĩnh vực rủi ro nhằm bảo đảm an toàn.
Khơi thông dòng vốn bảo hiểm
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2021 ước đạt 577.069 tỷ đồng (tăng 22,24% so với năm 2020). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.223 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.846 tỷ đồng. Điều này cho thấy, số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn liên tục tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số ngay cả thời điểm kinh tế gặp khó khăn.
Tuy lĩnh vực bảo hiểm cũng được nhìn nhận đã và đang đầu tư vô cùng lớn vào nền kinh tế, nhưng hoạt động đầu tư chưa đa dạng do giới hạn bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành từ năm 2000.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đủ lớn mạnh và có sự tham gia của hầu hết tập đoàn bảo hiểm lớn nhất trên thế giới, nên việc ban hành danh mục đầu tư không còn phù hợp. Vì vậy, từ năm 2023, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” như hiện nay.
Một đột phá nữa đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là từ năm 2023 sẽ không cấm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là nội dung rất mới nên Quốc hội giao Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bao gồm cả nội dung này.
Theo quy định mới, kể từ năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm được tự do kinh doanh, đầu tư ngoài những lĩnh vực cấm nêu trên. Song, để bảo đảm an toàn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư một tỷ lệ cụ thể để phân tán rủi ro, tránh trường hợp “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Cụ thể, theo Điều 99 – Quy định chung về đầu tư trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác; không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được phép đầu tư kim khí quý, đá quý; đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ một số trường hợp có quy định khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cũng không được kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh…
Đảm bảo an toàn là trên hết
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đủ lớn mạnh nên việc ban hành danh mục đầu tư không còn phù hợp. Vì vậy, từ năm 2023, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” như hiện nay.
Hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư, chứ không tới từ hiệu quả kinh doanh bảo hiểm gốc, nên việc quy định mới “mở cửa” cho hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi nhuận mới hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Dẫu vậy, là ngành kinh doanh có đặc thù riêng nên quan điểm xuyên suốt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là đầu tư an toàn.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, trong danh mục đầu tư của BIC, Ban điều hành ổn định đầu tư tiền gửi vào các ngân hàng tốt nhất, tập trung khai thác cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất, đồng thời cẩn trọng hơn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. BIC không tham gia mua trái phiếu của các doanh nghiệp không có mục đích sử dụng vốn rõ ràng.
Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư là một mục tiêu quan trọng, nhưng chỉ tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn và có tỷ lệ sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi.
Trong chiến lược dài hạn đến năm 2025, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cũng xác định sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư để đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, mà vẫn tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng và rủi ro đầu tư để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn…
Không chỉ khối phi nhân thọ, đầu tư sinh lời nhưng phải an toàn cũng là nguyên tắc cao nhất của các doanh nghiệp nhân thọ. Với khối này, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết hạn mức đầu tư đối với mỗi sản phẩm bảo hiểm, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ quy định chung về nguyên tắc đầu tư tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.
Chẳng hạn, với bảo hiểm liên kết đơn vị, cơ cấu danh mục đầu tư của mỗi quỹ liên kết đơn vị phải bảo đảm không được đầu tư vào quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu chính phủ; không được đầu tư vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trái phiếu chính phủ; tài sản của quỹ liên kết đơn vị không được đầu tư trực tiếp vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý; không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của các công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam…
Tương tự với quy định về đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện, tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý; không được đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…
Danh mục và hạn mức đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện cụ thể như sau: Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế, nhưng không quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện vào một tổ chức tín dụng; mua trái phiếu chính phủ không hạn chế, nhưng không thấp hơn 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ; trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương không vượt quá 25% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ… Tùy vào sự thay đổi của thị trường tài chính và hoạt động đầu tư, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh danh mục và hạn mức đầu tư quy định tại khoản này.
- Tin quốc tế
Tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới chậm lại ở Singapore
(INA) – Theo một báo cáo của công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, mức tăng trưởng của bảo hiểm xe cơ giới ở Singapore chỉ ở mức 2,7% do doanh số bán xe cơ giới giảm.
Mặc dù vẫn duy trì vị trí là hãng bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất tại Singapore, chiếm 24,6% thị phần trong tổng phí bảo hiểm gốc (GWP) vào năm 2021, chi phí đáng kể để sở hữu một chiếc ô tô mới như chi phí cấp giấy chứng nhận sở hữu (COE) tăng 15,2% đã góp phần làm giảm doanh số bán xe.
Mặt khác, bảo hiểm tài sản dự kiến sẽ tăng trưởng 9,9% vào cuối năm 2022, chủ yếu do hoạt động xây dựng trong nước gia tăng. Theo Cơ quan Quản lý Xây dựng (BCA), tổng giá trị hợp đồng xây dựng năm 2022 lên tới 32 tỷ đô la Singapore (23 tỷ USD). Nhu cầu dự kiến về cơ sở hạ tầng mới cũng cho thấy một bức tranh tích cực dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2028.
GlobalData cũng ước tính rằng bảo hiểm tai nạn và sức khỏe cá nhân (PA&H) dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 7,5% từ năm 2021 đến năm 2026, nhờ nhận thức ngày càng tăng về lập kế hoạch tài chính và bảo vệ.
Tổng cộng, GlobalData ước tính rằng ngành bảo hiểm phi nhân thọ ở Singapore sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7,2% từ 3,5 tỷ đô la vào năm 2021 lên 5,1 tỷ đô la vào năm 2026, tính theo GWP.
Indonesia: Các công ty bảo hiểm muốn mua cổ phần kiểm soát của công ty BHNT thuộc Ngân hàng PT Bank Negara
(INA) – Theo báo cáo của Bloomberg, một số công ty bảo hiểm đang để mắt đến việc thâu tóm cổ phần kiểm soát trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Ngân hàng PT Bank Negara Indonesia.
Báo cáo cho biết, những gã khổng lồ trong ngành như Prudential và Singapore Life Holdings chỉ là một số ít công ty bảo hiểm đang xem xét tham gia đấu giá để mua cổ phần kiểm soát của Bảo hiểm nhân thọ PT BNI.
Các nguồn tin tiết lộ rằng tập đoàn PT Astra International có trụ sở tại Jakarta cũng bày tỏ sự quan tâm đến thỏa thuận này, mặc dù tất cả các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ và việc mua bán chính thức vẫn chưa bắt đầu.
Đầu tháng 7 năm nay, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã thảo luận về việc bán 60% cổ phần của mình trong Bảo hiểm nhân thọ PT BNI với các nhà tư vấn. Giao dịch này có thể bao gồm quan hệ đối tác bancassurance, cho phép một công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình tại các chi nhánh của ngân hàng.
Indonesia ban hành bảng tỷ lệ bệnh hiểm nghèo, phục vụ định phí
(AIR) – Bảng tỷ lệ bệnh hiểm nghèo dự kiến sẽ là tài liệu tham khảo cho các công ty bảo hiểm ở Indonesia trong việc thiết kế các sản phẩm cao cấp và định giá.
Phát biểu vào tuần trước tại buổi ra mắt ấn bản đầu tiên của Bảng tỷ lệ mắc bệnh hiểm nghèo của Indonesia, bà Maria Elvida Rita Dewi, Giám đốc Tài chính của Reasuransi Indonesia Utama (Indonesia Re) cho biết: “Mặc dù đây là lần đầu tiên bảng tỷ lệ này có mặt ở Indonesia nhưng nó chỉ mang tính chất tham khảo và chưa trở thành tiêu chuẩn cho ngành bảo hiểm”.
Bảng tỷ lệ mắc bệnh ở Indonesia được xây dựng bởi Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI) cùng với Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), Hiệp hội các chuyên gia tính toán Indonesia (PAI), Indonesia Re và Swiss Re.
Cơ sở để biên soạn bảng tỷ lệ này là ngành bảo hiểm cần một tài liệu tham khảo cho các chuyên gia định phí để phát triển sản phẩm và định phí bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cung cấp sự bảo vệ trước bệnh hiểm nghèo.
“Quá trình biên soạn khá dài. Chúng tôi đã thu thập chúng từ nửa cuối năm 2018 và vừa hoàn thành vào Quý II/2022. Một lý do khiến quá trình kéo dài là dữ liệu không đồng nhất.
Trước đây, các công ty bảo hiểm sử dụng dữ liệu từ các nước láng giềng và điều chỉnh chúng cho phù hợp với hoàn cảnh của Indonesia.
Cơ quan quản lý bảo hiểm Hồng Kông cảnh báo công chúng về trang web bảo hiểm giả mạo
(INA) – Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông đang cảnh báo công chúng về một trang web bảo hiểm giả sử dụng tên của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bowtie – một công ty bảo hiểm đã được cấp phép.
Theo IA, Bowtie đã xác nhận rằng trang web không có mối liên hệ nào với công ty.
Vụ việc đã được báo cáo cho Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông để điều tra thêm. IA khuyên bất kỳ ai đã cung cấp thông tin cá nhân cho trang web nói trên hoặc đã thực hiện bất kỳ giao dịch bảo hiểm nào thông qua trang web nên gọi cho Đường dây nóng Dịch vụ Khách hàng của Bowtie và báo cáo vụ việc cho Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông.
“Bất kỳ công ty nào tiến hành kinh doanh bảo hiểm tại hoặc từ Hồng Kông đều phải được IA cấp phép theo Pháp lệnh Bảo hiểm. Danh sách đầy đủ các công ty bảo hiểm được cấp phép tại Hồng Kông có thể được tìm thấy trên Sổ đăng ký công ty bảo hiểm trên trang web của IA,” IA cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên IA cảnh báo công chúng về các trang web giả mạo. Vào tháng 9, cơ quan quản lý bảo hiểm đã cảnh báo công chúng về việc “Hong Kong Vibrate Co., Limited” là một công ty trái phép và không có giấy phép, thực hiện cung cấp thông tin giả mạo. Mới đây, IA cũng cảnh báo về lừa đảo trên Whatsapp.
Hai trong số ba người Hồng Kông tiếp tục bị COVID kéo dài
(INA) – Kết quả cuộc khảo sát của Manulife Hồng Kông cho biết, hai phần ba số người Hồng Kông đã nhiễm COVID-19 cũng bị ảnh hưởng của COVID kéo dài.
Các tác động kéo dài phổ biến nhất của COVID bao gồm các triệu chứng về hô hấp, nhận thức và tâm thần, có thể dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, gây mất thu nhập và gánh nặng tài chính cho các gia đình dễ bị tổn thương.
Để giúp đỡ các gia đình không được phục vụ đầy đủ do COVID kéo dài, Manulife đã triển khai Chương trình Phiếu sức khỏe Manulife – Phục hồi sau COVID với sự hợp tác của Trung tâm Dịch vụ Gia đình Cơ đốc giáo (CFSC).
Bắt đầu từ ngày 21 tháng 11 năm 2022, Chương trình sẽ cung cấp tối đa 1.000 buổi dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người thụ hưởng đủ điều kiện kém may mắn trong độ tuổi từ 6 đến 80 được chẩn đoán mắc COVID-19 và đang có các triệu chứng COVID kéo dài. Ưu tiên sẽ được dành cho những người sống trong các đơn vị chia nhỏ và căn hộ nhỏ ở các quận như Kwun Tong, Lei Yue Mun, Sham Shui Po, Shatin, Tin Shui Wai, Tsuen Kwai Tsing và Wong Tai Sin.
Các dịch vụ y tế toàn diện do Chương trình cung cấp được thiết kế để giúp ngăn chặn tình trạng tồi tệ hơn của COVID kéo dài và giúp mọi người xây dựng khả năng phục hồi. Các dịch vụ bao gồm tư vấn Tây y, tư vấn và kê đơn thuốc Trung y, tư vấn dinh dưỡng, vật lý trị liệu, vận động trị liệu và châm cứu. Các dịch vụ này được cung cấp thông qua CFSC và bốn tổ chức từ thiện khác: Asbury Methodist Social Service, Free Methodist Church of Hong Kong-Social Service Division, Hong Kong Single Parent Association, và Society for Community
Chương trình được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác trước đây của Manulife với CFSC thông qua “Chương trình Phiếu sức khỏe Manulife” được triển khai vào năm 2021 cũng như “Chương trình Tăng cường Sức khỏe Manulife cho Người cao tuổi” được triển khai vào tháng 5 năm nay. Tính đến hôm nay, hơn 2.100 cuộc tư vấn miễn phí đã được cung cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, người già độc thân và các cặp vợ chồng với sự hỗ trợ hạn chế của gia đình và những người có vấn đề về di chuyển từ năm khu vực có nguồn lực hạn chế.
Người Trung Quốc đại lục bắt đầu tiết kiệm từ khi còn trẻ để nghỉ hưu
(AIR) – Độ tuổi trung bình mà một người Trung Quốc đại lục bắt đầu tiết kiệm để nhận lương hưu đã giảm mạnh từ 38 xuống 35, theo một cuộc khảo sát về triển vọng chăm sóc người cao tuổi ở nước này do Fidelity International và Ant Fortune công bố.
Theo một báo cáo trên tờ China Daily, nhận thức và hành vi lập kế hoạch nghỉ hưu tiếp tục được cải thiện khi chính sách hưu trí cá nhân của Trung Quốc trở thành trụ cột thứ ba để hỗ trợ hệ thống lương hưu của đất nước với chương trình lương hưu cơ bản do chính phủ điều hành là trụ cột đầu tiên và kế hoạch niên kim nhân viên tự nguyện hình thành trụ cột thứ hai.
Nhưng cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người không coi lương hưu là một quá trình liên tục trong suốt cuộc đời của họ và hiểu biết của họ về đầu tư lương hưu sau khi nghỉ hưu là chưa đầy đủ.
Theo khảo sát, những người trong độ tuổi từ 18-34 chi trung bình tới 1.940 CNY (274,86 USD) hàng tháng trong năm 2022, so với 1.624 CNY của năm 2021.
Trong khi đó, nhận thức về quỹ tuổi già của công chúng đã bắt đầu thay đổi từ tiết kiệm sang đầu tư. Tỷ lệ những người thích đầu tư dài hạn để xây tổ ấm tăng lên 15% từ 10% vào năm ngoái.
Cuộc khảo sát hàng năm lần này là cuộc khảo sát thứ năm kể từ năm 2018. Tổng cộng hơn 170.000 người đã được phỏng vấn. Riêng năm nay là hơn 10.000 người.
Singlife with Aviva bổ nhiệm Phó Giám đốc Đầu tư
(IBM) – Singlife with Aviva đã bổ nhiệm ông Allen Kuo (ảnh) làm Phó Giám đốc đầu tư của tập đoàn. Đây là một phần trong nỗ lực của công ty tìm cách tăng cường khả năng đầu tư của mình, bao gồm cả các nỗ lực bền vững.
Làm việc tại trụ sở Singapore, ông Kuo cũng sẽ giám sát việc thực hiện chiến lược đầu tư bền vững của Singlife, tập trung vào nỗ lực của công ty để đáp ứng các nhiệm vụ của ESG.
Ông Kuo có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm đầu tư và quản lý rủi ro trên nhiều loại tài sản, chuyên về tài chính định lượng và rủi ro đầu tư. Ông đã đảm nhiệm các vai trò đầu tư cấp cao tại Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông.
Trước khi gia nhập Singlife, Kuo là Giám đốc và Phó giám đốc rủi ro của văn phòng đầu tư chính của Đại học California. Ông đã từng giữ các vị trí cấp cao tại ING Investment Management với tư cách là Giám đốc quản lý rủi ro đầu tư và tại Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải. Ông cũng giúp thành lập một trong những quỹ phòng hộ “xanh” đầu tiên vào năm 2006.
Kim Rosenkilde, Giám đốc đầu tư Singlife with Aviva, cho biết: “Trong bối cảnh Singlife tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình trong việc dẫn đầu về tính bền vững trong các dịch vụ tài chính, việc thu hút nhân tài phù hợp và lựa chọn các khoản đầu tư tác động là chìa khóa để thúc đẩy những nỗ lực của chúng tôi.
“Tôi chắc chắn rằng kinh nghiệm phong phú của Allen sẽ là tài sản lớn cho nhóm và mong muốn được hợp tác chặt chẽ với anh ấy trong hành trình đầu tư của chúng tôi.”
Kuo sẽ là một phần của Văn phòng Đầu tư Singlife, được thành lập vào tháng 1 sau vụ sáp nhập dẫn đến việc thành lập Singlife with Aviva. Các thành viên khác của văn phòng là nhân viên đầu tư cấp cao Mike Duncan và các nhân viên đầu tư Shae Kuek, Mervyn Ng và William Chow.
Generali châu Á bổ nhiệm tân CEO Hồng Kông
(INA) – Generali Châu Á đã bổ nhiệm bà Cecilia Chang làm Tổng Giám đốc của Generali Life (Hong Kong) Limited và Tổng Giám đốc của Assicurazioni Generali S.p.A. Chi nhánh Hồng Kông.
Cô Chang gia nhập Tập đoàn Generali vào năm 2016 tại Hồng Kông với tư cách là Giám đốc Bộ phận Tài chính và Đánh giá rủi ro, khu vực Châu Á cho mảng Doanh nghiệp & Thương mại Toàn cầu (GC&C) và chuyển đến Milan vào năm 2018 với vị trí Giám đốc Bộ phận Tài chính & Đánh giá rủi ro Toàn cầu tại GC&C.
Trước khi gia nhập Generali, cô bắt đầu sự nghiệp bảo hiểm của mình với tư cách là luật sư doanh nghiệp cho một hãng vận chuyển có trụ sở tại Chicago và giữ các vị trí lãnh đạo trong bộ phận đánh giá rủi ro tại các công ty bảo hiểm đa quốc gia ở Hoa Kỳ và Châu Á.
BTV (Tổng hợp).