FWD ra mắt Trợ lý công nghệ Fi trên nền tảng trí tuệ nhân tạo; VNI thua kiện vụ cháy xe Ford Ranger; Indonesia thành lập cơ quan Bảo đảm hợp đồng bảo hiểm
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Bảo Việt Nhân thọ chi trả 1,7 tỷ đồng cho khách hàng tai nạn tại Bà Rịa – Vũng Tàu
(BVNT) – Năm 1995, vợ chồng bà Nguyễn Thị Khuế từ Quảng Bình vào Bà Rịa Vũng Tàu lập nghiệp với nghề lau dọn tàu cá. Cả đời ông bà tần tảo, lam lũ, trải qua bao thăng trầm, mong để dành chút vốn liếng đến khi tuổi già vợ chồng trở về sinh sống tại quê nhà. Mong ước đó giờ đây chẳng thể trở thành hiện thực khi bà Nguyễn Thị Khuế đã ra đi mãi mãi, không lời từ biệt chồng con.
Nhận được thông tin bà Nguyễn Thị Khuế, 53 tuổi trú tại Long Điền, Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gặp rủi ro, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục chi trả 1,7 tỷ đồng cho gia đình.
- Một vòng doanh nghiệp
Prudential Việt Nam chính thức ra mắt trang “Tự do tuổi 50”
(TBTCO) – Prudential Việt Nam vừa chính thức ra mắt trang “Tự do tuổi 50” kỳ vọng sẽ trở thành thư viện thông tin hữu ích cho cộng đồng, giúp mỗi người tìm ra giải pháp hướng đến cuộc sống độc lập khi về già, bắt đầu từ việc chuẩn bị tốt các khía cạnh tài chính, sức khỏe, tinh thần và các mối quan hệ gia đình – xã hội.
Cũng trong trang thông tin này, Prudential phát triển công cụ “Tính toán tài chính” để từ đó mọi người có thể xây dựng kế hoạch dự phòng tài chính cho tương lai tuổi già an nhàn, tự chủ.
Trang thông tin “Tự do tuổi 50” gồm các dữ liệu mang tính đại diện cho nhóm dân số Việt Nam trong độ tuổi từ 30 – 44 và nội dung xoay quanh bốn khía cạnh trọng tâm ảnh hưởng đến cuộc sống độc lập khi về già, bao gồm, một là: tự do về tài chính với 4 chỉ số ảnh hưởng gồm các nguồn thu nhập; tình trạng lao động – việc làm; môi trường và đảm bảo tài chính; tình trạng lối sống.
Hai là sự gắn kết với gia đình và xã hội với 4 chỉ số ảnh hưởng gồm hoàn cảnh và cuộc sống gia đình; đóng góp tài chính; đóng góp phi tài chính; tham gia các hoạt động xã hội.
Ba là sự chuẩn bị về sức khỏe thể chất và tinh thần với 4 chỉ số ảnh hưởng gồm hoạt động thể chất; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; sức khỏe tinh thần và tình cảm; tiếp tục học hoặc nỗ lực nâng cao kỹ năng/chuyên môn.
Bốn là sự mong đợi và sự chuẩn bị cho cuộc sống về già với 4 chỉ số ảnh hưởng gồm cảm nhận cuộc sống về già; kỳ vọng cuộc sống về già; chuẩn bị cho cuộc sống về già; mức độ chuẩn bị cho cuộc sống về già.
Bốn khía cạnh trên được tổng hợp dựa trên báo cáo khảo sát “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” được Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học thực hiện và phối hợp cùng Prudential Việt Nam và Viện Khoa học lao động xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khảo sát trên 2.019 đối tượng trong nhóm tuổi từ 30 – 44. Các nội dung và số liệu từ báo cáo khảo sát được Prudential cô đọng và hình ảnh hóa lại thành các infographic, video để người đọc dễ dàng tham khảo và tra cứu thông tin cần thiết.
Trong nhóm khía cạnh tự do về tài chính, Prudential Việt Nam còn đặc biệt phát triển công cụ “Tính toán tài chính” để mọi người có thể thực hành ngay kế hoạch dự phòng tài chính cho tuổi già độc lập. Cụ thể, với thao tác nhập liệu đơn giản, công cụ sẽ hỗ trợ xử lý dữ liệu và cho người dùng biết mức thu nhập tối thiểu cần tích lũy hàng tháng để từ đó tìm ra giải pháp giúp đạt được mục tiêu tự do tài chính ở độ tuổi mà người dùng mong muốn.
Trang thông tin “Tự do tuổi 50” cùng công cụ “Tính toán tài chính” là một trong nhiều hoạt động mà Prudential triển khai với mong muốn đóng góp tiếng nói về thực trạng già hóa dân số và giúp cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ gia tăng nhận thức và trang bị được các công cụ, kỹ năng và giải pháp thiết thực để chuẩn bị tốt cho một tuổi già như mong đợi.
Tập đoàn Bảo Việt chi trả hơn 2.246 tỷ đồng cổ tức bằng tiền trong tháng 12
(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt đã thông qua Nghị quyết chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30,261% trên mệnh giá cổ phiếu, tương đương số tiền chi trả hơn 2.246 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết vừa ban hành, Bảo Việt sẽ chốt danh sách chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30,261% vào ngày 28/11/2022. Theo đó, từ ngày 28/12/2022, cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ được chi trả 3.026,1 đồng. Mức cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30,261% trên mệnh giá cổ phiếu, tương đương số tiền chi trả hơn 2.246 tỷ đồng, được coi là mức cổ tức hấp dẫn trên thị trường chứng khoán hiện nay. Như vậy, tổng số tiền dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông của BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 11.700 tỷ đồng.
Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Từ khi cổ phần hóa đến năm 2022, tổng số tiền Bảo Việt nộp vào Ngân sách Nhà nước lên đến gần 27.000 tỷ đồng.
Theo số liệu trước soát xét, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Bảo Việt đạt 40.254 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.551 và 1.250 tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tại 30/09/2022 gần 8 tỷ USD, đạt 190.853 tỷ đồng, tăng 12,6% so với thời điểm 31/12/2021.
Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 1.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 795 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6,9% và 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng tài sản Công ty mẹ tại ngày 30/9/2022 đạt 19.559 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt 19.278 tỷ đồng, tăng tương ứng 3,4% và 4,1% so với thời điểm 31/12/2021.
Trợ lý công nghệ Fi của FWD sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ khách hàng đa phương thức
(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) vừa chính thức ra mắt Trợ lý công nghệ Fi (phiên âm tiếng Việt: “Phi”) nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và số hóa trải nghiệm khách hàng.
Được phát triển trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, Trợ lý công nghệ Fi có khả năng tương tác hai chiều và giải đáp khách hàng với các thông tin liên quan đến bảo hiểm FWD một cách dễ dàng và nhanh chóng từ thông tin sản phẩm, hướng dẫn đóng phí và nhận hợp đồng bảo hiểm… đến hướng dẫn cập nhật hoặc điều chỉnh thông tin hợp đồng, các bước yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm… Bên cạnh đó, Trợ lý công nghệ Fi hoạt động 24/7 và có thể hỗ trợ khách hàng đồng thời qua điện thoại (voicebot) và qua tin nhắn (chatbot), từ đó có thể phục vụ khách hàng liên tục trên nhiều phương thức khác nhau.
Trước đó, FWD cũng đã ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… và xây dựng một hệ sinh thái công nghệ thông minh tương thích với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, qua đó mang đến khách hàng hành trình trải nghiệm bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến. Đến nay, FWD là doanh nghiệp tiên phong loại bỏ hoàn toàn giấy tờ và tiền mặt trong giao dịch, phát hành 100% hợp đồng bảo hiểm điện tử và số hóa mọi quy trình để giúp trải nghiệm của khách hàng ngày một thuận tiện và đơn giản hơn.
FWD là tập đoàn bảo hiểm châu Á, với khoảng 10 triệu khách hàng tại 10 thị trường, bao gồm một số thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhất trên thế giới. Có mặt tại thị trường Việt Nam từ 2016, FWD Việt Nam tập trung vào việc xây dựng một hành trình tham gia bảo hiểm đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi, với các sản phẩm phù hợp và dễ hiểu, được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số. Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, FWD cam kết thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm.
Vụ cháy xe Ford Ranger tại Quảng Nam năm 2019: Bảo hiểm Hàng Không thua kiện
(ĐTCK) – Ngày 9/11 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã tuyên án buộc bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không – VNI (36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) bồi thường cho nguyên đơn – ông Vương Ngọc Ánh 883,5 triệu đồng.
Đây là tổng số tiền tổn thất toàn bộ chiếc xe, tiền gốc, tiền lãi chậm trả 10%/năm trong thời gian hơn 3 năm (tính từ ngày VNI có nghĩa vụ trả tiền cho đến ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm) và toàn bộ chi phí giám định.
Vụ tranh chấp bảo hiểm giữa chủ xe là ông Ánh và VNI xảy ra sau khi chiếc xe Ford Ranger bị cháy vào ngày 16/7/2019 tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khiến đầu xe và khoang động cơ bị tác động nhiệt mạnh do đám cháy, phần nhựa và cao su hầu như đã thành tro sau vụ cháy.
Theo trình bày của chủ xe, ngay trong ngày 16/7/2019, ông Ánh đã liên hệ với VNI Đà Nẵng, đã gửi thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường.
Sau đó nhiều lần, vào các ngày 22/09/2019; 01/10/2019; 20/12/2019, ông Ánh tiếp tục gửi đơn yêu cầu VNI giải quyết bồi thường tổn thất và VNI cũng đã có văn bản trả lời với nội dung là phải đợi có kết luận điều tra của Công an thì mới tiến hành xem xét giải quyết.
Phía VNI cho rằng, vụ cháy này không xuất phát từ bản thân nội tại của tài sản mà có dấu hiệu tác động của bên ngoài nên đã yêu cầu chủ xe phối hợp với VNI thông báo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác định rõ lý do cháy, chủ quan hay khách quan, làm rõ có dấu hiệu vi phạm hình sự trong vụ cháy hay không?
Theo VNI, phương án bồi thường sẽ được xác định sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra cũng như các bên đánh giá được chi tiết mức độ thiệt hại. Trong văn bản gửi chủ xe do Tổng giám đốc VNI – ông Trần Trọng Dũng ký ngày 25/12/2019 cũng đã nêu rõ quan điểm này.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Núi Thành cùng Phân viện khoa học hình sự tại Đà Nẵng cũng đã thu lượm dấu vết cháy và mẫu vật để giám định vào ngày 18/7/2019.
Theo Bản kết luận giám định ngày 14/8/2019 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP Đà Nẵng và Thông báo kết luận giám định số 213/TB-KLGĐ ngày 03/9/2019 của Cơ quan CSĐT huyện Núi Thành thì “Điểm xuất phát cháy nằm ở mặt trên nắp capo của xe ô tô. Nguyên nhân cháy ở mặt trên nắp capo và cản nhựa phía trước của xe ô tô có lớp nhiên liệu (xăng), do tác động từ bên ngoài làm cháy lớp nhiên liệu (xăng) ở mặt trên nắp capo, bắt cháy vào cản trước (bằng nhựa), cháy lan ra xung quanh gây ra vụ cháy xe nói trên.”.
Căn cứ vào biên bản giám định trên, VNI cho rằng, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định có tác động gây cháy từ bên ngoài, có thể nhận định có dấu hiệu tội phạm hoặc có hành vi phá hoại.
Nhưng chủ xe không đồng ý và cho rằng, hiện không có bất cứ quy định nào yêu cầu phải có hồ sơ kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát trong hồ sơ giải quyết bồi thường.
Ngoài ra, quy tắc bảo hiểm của VNI quy định “Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, người điều khiển xe và những người có quyền lợi liên quan đến sở hữu, khai thác và sử dụng xe” là trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Tuy nhiên, tại Bản kết luận giám định thì hoàn toàn không có nhận định nào cho thấy nguyên nhân cháy là do lỗi cố ý của chủ xe, người điều khiển xe và những người có quyền lợi liên quan đến sở hữu, khai thác và sử dụng xe. Như vậy, không rơi vào bất kỳ điểm loại trừ nào nêu tại điều 13 của Quy tắc bảo hiểm
Chủ xe cho biết thêm, căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm…”, thế nhưng trên thực tế đã không được bị đơn ghi trong Hợp đồng bảo hiểm ngày 16/12/2018, điều này vi phạm Luật kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, VNI không được vận dụng bất cứ điều khoản loại trừ bảo hiểm nào để từ chối bồi thường.
“Chưa kể, theo luật kinh doanh bảo hiểm “doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”, nhưng khi ký hợp đồng bảo hiểm này, VNI đã không đính kèm bộ quy tắc bảo hiểm, không thực hiện nghĩa vụ giải thích rõ cho tôi về các điều khoản loại trừ bảo hiểm. Như vậy, các điều khoản loại trừ bảo hiểm quy định trong Quy tắc bảo hiểm không có hiệu lực trong hợp đồng bảo hiểm này”, ông Ánh nói thêm.
Cuối cùng, chủ xe đã có đơn khởi kiện VNI lần đầu ra Tòa án nhân dân huyện Núi Thành từ vào ngày 6/1/2020. Và đến ngày 8/11 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã tuyên VNI thua kiện.
Techcombank và Manulife Việt Nam kỷ niệm 9 năm hợp tác
(ĐTCK) – Techcombank và Manulife Việt Nam vừa kỷ niệm cột mốc 9 năm hợp tác song phương, cam kết mang lại những giải pháp bảo hiểm và tài chính toàn diện và vượt trội nhất cho người Việt.
Kể từ khi ký kết quan hệ hợp tác vào năm 2013, Techcombank và Manulife Việt Nam đã phối hợp cung cấp nhiều sản phẩm mới đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe, tiết kiệm và hưu trí của cộng đồng đồng thời đẩy mạnh ứng dụng số hóa để cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp bảo hiểm bảo vệ kết hợp với đầu tư, trong năm 2021, Techcombank và Manulife Việt Nam đã thành công cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư SuperLink (ILP) – một giải pháp toàn diện đáp ứng nhu cầu bảo vệ đa dạng và nhu cầu gia tăng tài sản đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
Mới đây nhất, hai tổ chức tiếp tục cho ra mắt giải pháp bảo hiểm liên kết đầu tư ‘Legacy’ với quyền lợi bảo vệ lên đến 200% số tiền bảo hiểm cùng số lượng 12 quỹ liên kết đơn vị nhiều nhất thị trường. Đặc biệt, các quỹ liên kết đơn vị được quản lý bởi các chuyên gia tài chính hàng đầu của Manulife Investment Management Viet Nam và Techcom Capital.
Ngoài ra, cùng chung mục tiêu mang đến những trải nghiệm khách hàng dẫn đầu thị trường như Techcombank, chiến lược tổng thể của Manulife Việt Nam là ứng dụng số hóa, với các giải pháp như ePolicy (hợp đồng điện tử) và ePOS (Giải pháp tư vấn trực tuyến dựa trên nhu cầu khách hàng), để tạo nên sự thuận tiện và dễ dàng cho khách hàng.
Cả hai giải pháp này cùng với công cụ iTCBLife và đội ngũ chuyên viên tư vấn tài chính của Techcombank sẽ giúp tối ưu hóa năng lực của hai bên để mang lại các hoạch tài chính, bảo vệ tốt nhất cho khách hàng với các giải pháp phù hợp.
Khách hàng của Techcombank còn được trải nghiệm quy trình yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng hơn, đơn giản hơn với ứng dụng eClaims, nhờ đó họ có thể nộp và gửi hồ sơ trực tuyến, đồng thời các quyết định chi trả cũng được thực hiện nhanh chóng. Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán phí bảo hiểm trực tuyến thông qua tính năng thu phí bảo hiểm tự động của ứng dụng ngân hàng Techcombank Mobile.
Năm 2021, Techcombank đứng thứ 2 trên thị trường bancassurance tại Việt Nam, cung cấp sự bảo vệ cho gần 120.000 khách hàng. Trong khi đó, Manulife Việt Nam dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới .
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới trong 9 tháng tăng lên gần 50%
(ĐTCK) – 9 tháng đầu năm 2022, những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới (47%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (37,1%), bảo hiểm sức khỏe (31%)
Số liệu thống kê chính thức của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu khoảng 15.954 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 32%, cao hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2021 (30,1%).
Có 20 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài trong tổng số 30 doanh nghiệp bảo hiểm hội viên có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc chung của thị trường và 9 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường chung của thị trường.
Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ 2021 (chưa bao gồm Opes) (năm 2021 tăng trưởng 1,8% so với năm 2020).
Xét theo nghiệp vụ: Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 13.040 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 26,2% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 17,2% so với cùng kỳ; bồi thường 6.126 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 47%.
Doanh thu bảo hiểm bắt thuộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5%, tăng 14,6% so với cùng kỳ; bồi thường 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,4%.
Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,7%; bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7%.
Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 16.347 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,8%, tăng 29,5% so với cùng kỳ; bồi thường 5.074 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31%.
Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 6.075 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,2%, giảm 1,7% so với cùng kỳ; bồi thường 1.804 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 29,7%.
Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 6.988 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ; bồi thường 1.391 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,9%.
Doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 5.205 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,5%, tăng 19%; bồi thường 792 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 15,2%.
Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.782 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,6%, tăng 46,9% so với cùng kỳ; bồi thường 599 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%.
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 2.372 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,8%, tăng trưởng so với cùng kỳ 17,4%; bồi thường 457 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,3%.
Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 2.060 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1%, tăng trưởng 11,7%; bồi thường 764 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 37,1%…
- Nhịp đập thị trường
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng
(TBTCO) – Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ 2021, thị trường vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. AM Best – công ty toàn cầu chuyên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở tại Mỹ, dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì trong thời gian tới.
Tập đoàn Bảo Việt cho biết, tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng năm 2022 toàn tập đoàn đạt 40.254 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% (so với cùng kỳ năm 2021). Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.551 và 1.250 tỷ đồng. Kết thúc quý III/2022, tổng doanh thu của Bảo hiểm Bảo Việt đạt 8.373 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Tập đoàn Bảo Việt cũng thông qua nghị quyết chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30,261% trên mệnh giá cổ phiếu, tương đương số tiền chi trả hơn 2.246 tỷ đồng – đây là mức cổ tức hấp dẫn trên thị trường chứng khoán hiện nay. Như vậy, tổng số tiền dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông của Tập đoàn Bảo Việt từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 11.700 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng năm 2022, Bảo hiểm PVI hoàn thành 118,6% kế hoạch 9 tháng và 90% kế hoạch năm 2022, tăng trưởng 26%, đạt tổng doanh thu 9.560 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 436,2 tỷ đồng, hoàn thành 117,6% kế hoạch 9 tháng, 70,6% kế hoạch năm.
Đại diện Bảo Minh cho biết, quý III/2022 doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt gần 1.173 tỷ đồng, tăng gần 40%. Doanh thu hoạt động tài chính quý III/2022 tăng 73% lên hơn 121 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Bảo Minh đạt 85 tỷ đồng, tăng 37%.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Bảo Minh ghi nhận tổng doanh thu kinh doanh đạt 3.495 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 21% lên 3.242 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 244 tỷ đồng, tăng 17%…
Theo số liệu của Bảo hiểm BIC, quý III/2022, BIC ghi nhận doanh thu đạt hơn 833 tỷ đồng, tăng 35% (so với cùng kỳ). Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng 43%. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng 8% lên 82 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu phí bảo hiểm của Bảo hiểm BIC đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 36%; doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 2.551 tỷ đồng, tăng 39%.
Đại diện Bảo hiểm MIC cho biết, trong quý III/2022, doanh thu phí bảo hiểm gốc của tổng công ty đạt 1.079 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.132 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 38% và 57%. Lợi nhuận trước thuế đạt 63,4 tỷ đồng, tăng 54%. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm xấp xỉ 3.221,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 đạt 170,4 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bảo hiểm VietinBank (VBI), 9 tháng năm 2022, VBI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% và là một trong số ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ có lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2022 so với 2021.
Với kết quả và nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, tổ chức A.M. Best mới đây đã công bố xếp hạng tín nhiệm năm 2022 của Bảo hiểm BIC, tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính của BIC là B++ (Tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành là bbb, triển vọng Ổn định. Kết quả trên được A.M. Best công bố dựa trên những đánh giá tích cực đối với các mặt hoạt động của BIC, bao gồm: năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, hồ sơ năng lực và hệ thống quản trị rủi ro.
Mới đây, vượt qua hàng trăm doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, Bảo hiểm Bảo Việt giành chiến thắng và trở thành doanh nghiệp đạt giải “Sáng kiến bảo hiểm số của năm tại Giải thưởng Bảo hiểm châu Á 2022 (Insurance Asia Awards).Đây là giải thưởng thường niên để vinh danh các doanh nghiệp bảo hiểm xuất sắc có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành bảo hiểm trong khu vực. Giải thưởng được đánh giá và xét duyệt độc lập bởi hội đồng các chuyên gia, cố vấn dày dặn kinh nghiệm, là lãnh đạo của các công ty bảo hiểm đa quốc gia hoặc từ những tổ chức tư vấn bảo hiểm lớn châu Á.
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, lần thứ 2 liên tiếp Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất được vinh danh trong Bảng xếp hạng Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (giai đoạn 2020-2021 và 2021-2022), có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam đồng thời duy trì được hiệu quả kinh doanh ổn định và bền vững trong giai đoạn 2021-2022.
Bảo hiểm PVI cũng được tổ chức xếp hạng năng lực tài chính uy tín hàng đầu thế giới A.M. Best xếp hạng B++ và giải thưởng Công ty bảo hiểm phi nhân thọ tốt nhất Việt Nam 2021 (Best Non – Life Insurance Company), từ Tạp chí Tài chính quốc tế (International Finance Magazine – IFM) của Vương quốc Anh.
Trong báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam”, AM Best – công ty toàn cầu chuyên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở tại Mỹ, duy trì triển vọng ổn định đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam. AM Best dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế theo hướng phục hồi bền vững sau đại dịch.
Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, đang nỗ lực mở rộng thị trường tại các địa bàn tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn, đẩy mạnh ứng dụng số…, kỳ vọng sớm hoàn thành mục tiêu năm 2022.
- Bảo hiểm với cộng đồng
VNI đồng hành cùng giải chạy Seabank Run for the Future “Cộng đồng chạy vì tương lai”
(VNI) – Bảo hiểm VNI là đơn vị đồng hành của Giải chạy Seabank Run For The Future “Cộng đồng chạy vì tương lai” diễn ra sáng ngày 5/11/2022 vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Giải chạy do Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) tổ chức nhằm hưởng ứng các phong trào thể dục thể thao cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi cùng chung tay góp sức vì thế hệ trẻ, trao tặng học bổng cho các trẻ em nghèo hiếu học, gây quỹ học bổng Ươm Mầm Ước Mơ.
Đây là lần đầu tiên VNI tham gia đồng hành cùng Giải chạy thường niên Seabank Run For The Future đã được Ngân hàng TMCP Đông Nam Á tổ chức từ năm 2018. Giải chạy với quy mô lớn thu hút hơn 5.500 vận động viên đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, nội bộ Ngân hàng Seabank và mở rộng ra cả CBNV các đơn vị tham gia, góp phần kích cầu ngành dịch vụ tài chính nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung, quảng bá hình ảnh, con người, cảnh quan thiên nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Với đường chạy đạt chứng nhận AIMS của Hiệp hội Marathon quốc tế, Giải Seabank Run For The Future là điều kiện thuận lợi với những VĐV bán chuyên nghiệp hướng tới thành tích cao. Từ đó, có thể sử dụng thành tích này làm một phần tiêu chí đăng ký dự những sự kiện marathon lớn khác.
VNI tự hào là đơn vị đồng hành giải chạy Seabank Run For The Future 2022 với vai trò của Nhà tài trợ Học bổng – góp phần gây quỹ học bổng Ươm Mầm Ước Mơ được Seabank phát động. Qua đó, VNI cũng mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực thông qua những sản phẩm bảo hiểm hữu ích, từ đó mang đến những giá trị tích cực, góp phần nâng cao giá trị cuộc sống.
Tham gia đa dạng ở nhiều nội dung thi, các VĐV của VNI hào hứng ghi dấu ấn riêng ở các cự ly như: 10km nam/nữ, cự ly 5km bán chuyên nghiệp nam/nữ, chạy 3km phong trào nam/nữ; nội dung 1,5km chạy tiếp sức dành cho gia đình.
Kết quả chung cuộc, đoàn VĐV của VNI xuất sắc dành được 2 giải khuyến khích ở các nội dung:
– Cự ly 10km nam thuộc về Anh Nguyễn Đăng Bình – VNI Thăng Long
– Chạy tiếp sức gia đình thuộc về gia đình chị Nguyễn Thị Hà Phương – TP Đấu thầu / Ban Dự án Trụ sở chính.
Cũng tại sự kiện lần này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Ban Phát triển Kinh doanh đại diện Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã trao tài trợ học bổng trị giá 20 triệu đồng gửi tặng quỹ Ươm Mầm Ước Mơ.
Với mong muốn lan tỏa tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, thể hiện vai trò của doanh nghiệp đối với các hoạt động cộng đồng, nhiều năm qua, Bảo hiểm Hàng không (VNI) liên tục tham gia các sự kiện thể thao lớn và nhỏ nhằm góp phần tích cực xây dựng chuỗi giá trị vì tương lai bền vững.
- Tin quốc tế
Cựu Giám đốc AXA trở thành Giám đốc kênh đại lý của Sun Life Hồng Kông
(INA) – Sun Life Hồng Kông đã bổ nhiệm cô Eleonore Chow làm Giám đốc kênh Đại lý.
Trước khi gia nhập Sun Life, cô Chow là Giám đốc Phân phối Đối tác tại AXA, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược và lãnh đạo các nhóm để đạt được các mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả. Cô cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại các công ty bảo hiểm lớn.
Trong vai trò mới của mình, Chow sẽ lãnh đạo các kênh đại lý của Sun Life Hong Kong cũng như các chức năng phân phối cốt lõi. Cô ấy sẽ tiếp tục phát triển quy mô và khả năng của lực lượng đại lý của công ty, thúc đẩy họ trở thành đại lý tốt nhất, được kính trọng nhất trong ngành. Cô cũng sẽ phát triển lực lượng đại lý gồm các cá nhân Trung Quốc Đại lục để giúp chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao dịch vụ và năng suất xuất sắc của Sun Life Hồng Kông, cũng như tăng thị phần.
Chubb bổ nhiệm Giám đốc bán lẻ khu vực châu Á-Thái Bình Dương
(INA) – Chubb đã công bố việc bổ nhiệm ông Ben Howell vào vị trí Giám đốc Bán lẻ bảo hiểm phi nhân thọ khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong vai trò mới của mình, ông Howell sẽ chịu trách nhiệm chung về hiệu quả tài chính của hoạt động kinh doanh bảo hiểm bán lẻ của Chubb, bao gồm bảo hiểm tai nạn, sức khỏe và bảo hiểm cá nhân. Ông sẽ báo cáo lên ông Paul McNamee, Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Chubb.
Ông Howell hiện là Giám đốc phụ trách Tai nạn & Sức khỏe (A&H) khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Chubb.
Howell có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, trong đó có hơn một thập kỷ ở Châu Á. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại công ty tiền thân của Chubb ở Sydney, Úc vào năm 2002 trước khi bắt đầu sự nghiệp quốc tế của mình ba năm sau đó với một công ty bảo hiểm khác. Sau đó, ông trở lại Chubb vào năm 2016 và gắn bó với công ty kể từ đó đến nay.
Nhiều thanh niên Úc có kế hoạch đi du lịch mà không có bảo hiểm
(INA) – Hội đồng Bảo hiểm Úc cho biết một số lượng đáng kể những người dưới 30 tuổi đang có kế hoạch đi du lịch mà không có sự bảo vệ của sản phẩm bảo hiểm du lịch thích hợp.
Trích dẫn kết quả khảo sát chung với trang web Smartraveller của Chính phủ Úc, nhìn chung, người Úc có kế hoạch đi du lịch nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, sau hai năm phong tỏa, nhiều người có ý định đi du lịch với tâm lý thận trọng.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát chung năm 2022 cho thấy một số lượng lớn đáng báo động những người có niềm tin sai lầm về sự hỗ trợ mà họ sẽ nhận được từ Chính phủ Úc nếu có điều gì đó xảy ra với họ khi ở nước ngoài.
12% số người dưới 30 tuổi là “những người chủ động từ chối” bảo hiểm du lịch, những người chủ động lên kế hoạch đi du lịch mà không có bảo hiểm, so với 3% số người trên 30 tuổi. Lý do phổ biến nhất được đưa ra cho điều này là không chắc chắn rằng có cần bảo hiểm du lịch hay không.
70% số người được hỏi và 78% những người dưới 30 tuổi cho biết họ dự định đi du lịch thường xuyên hơn trong tương lai để bù cho hai năm 2020-2021. Có 68% số người cho biết đại dịch đã khiến họ cảm thấy kém tự tin hơn khi đi du lịch nước ngoài và chín phần mười (86%) nói rằng họ sẽ thận trọng hơn khi đi du lịch đến những nơi có thể khó quay lại Úc hơn trong một cuộc khủng hoảng.
Hơn hai phần ba nghĩ rằng nếu người Úc gặp trường hợp khẩn cấp về y tế ở nước ngoài, một người đại diện sẽ đảm bảo rằng họ nhận được sự điều trị y tế cần thiết. Cứ hai người thì có một người tin rằng nếu có người Úc gặp trường hợp khẩn cấp về y tế ở nước ngoài, Chính phủ Úc sẽ sắp xếp và tài trợ cho việc hồi hương.
95% nói rằng tình trạng hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ do các yêu cầu bồi thường liên quan đến Covid-19 sẽ là một cân nhắc quan trọng khi chọn mua bảo hiểm du lịch.
Chính phủ Indonesia thành lập cơ quan Bảo đảm hợp đồng bảo hiểm
(INA) – Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) đang ủy quyền cho Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi (LPS) thành lập Cơ quan Bảo đảm Hợp đồng (LPP) để cung cấp sự bảo vệ cho các chủ hợp đồng trong trường hợp công ty bảo hiểm bị thu hồi giấy phép hoặc bị vỡ nợ.
Trước đây, LPS chỉ làm nhiệm vụ bảo lãnh tiền gửi ngân hàng. Đề xuất ban đầu của chính phủ là thành lập LPP để bảo vệ các hợp đồng. Tuy nhiên, thời gian sớm nhất để thành lập và hoạt động LPP là trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Indonesia: Các công ty bảo hiểm muốn mua cổ phần kiểm soát của bảo hiểm nhân thọ BNI
(INA) – Một số công ty bảo hiểm đang để mắt đến việc nắm giữ cổ phần kiểm soát trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Ngân hàng PT Bank Negara Indonesia, một báo cáo của Bloomberg cho biết.
Theo báo cáo, những gã khổng lồ trong ngành như Prudential và Singapore Life Holdings chỉ là một số ít công ty bảo hiểm đang xem xét việc tham gia đấu giá để mua cổ phần kiểm soát của Bảo hiểm nhân thọ PT BNI.
Các nguồn tin tiết lộ rằng tập đoàn PT Astra International có trụ sở tại Jakarta cũng bày tỏ sự quan tâm đến thỏa thuận này, mặc dù tất cả các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ và việc mua bán chính thức vẫn chưa bắt đầu.
Đầu tháng 7 năm nay, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã thảo luận với các tư vấn về việc bán 60% cổ phần của mình trong Bảo hiểm nhân thọ PT BNI. Giao dịch này có thể bao gồm quan hệ đối tác bancassurance, cho phép công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình tại các chi nhánh của ngân hàng.
Trung Quốc: Waterdrop giới thiệu bảo hiểm cho bệnh ung thư vú tái phát
(INA) – Công ty công nghệ tập trung vào dịch vụ bảo hiểm và sức khỏe Waterdrop mới tung ra sản phẩm bảo hiểm cho bệnh ung thư vú tái phát.
Thống kê SEER của Viện Ung thư Quốc gia (NCI) tiết lộ rằng tỷ lệ tái phát ung thư vú lên tới 30%. Theo Sách trắng năm 2022 về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú ở Trung Quốc, hơn 70% bệnh nhân ung thư vú lo lắng về khả năng tái phát.
Sản phẩm có ngưỡng bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm linh hoạt, phạm vi bảo hiểm rộng và không có khoản khấu trừ đối với Thuốc chống ung thư. Gói bảo hiểm dành cho những người ở Giai đoạn 0-III, không giới hạn loại phụ.
Chương trình cung cấp các quyền lợi bảo hiểm lên tới 41,38 nghìn USD (300 nghìn Tệ) cho trường hợp ung thư vú tái phát và người được bảo hiểm cũng có thể chọn quyền lợi 41,38 nghìn USD (300 nghìn Tệ cho chăm sóc sức khỏe và 68,97 nghìn USD (500 nghìn Tệ) quyền lợi cho các loại thuốc đặc trị. Sản phẩm cũng thanh toán 100% trong phạm vi bảo hiểm, không khấu trừ Thuốc chống ung thư
Các chủ hợp đồng còn được cung cấp các dịch vụ như tư vấn tâm lý, quản lý chăm sóc sức khỏe giúp họ có tư duy tốt hơn và quản lý chăm sóc sức khỏe khoa học.
Sản phẩm này dành cho những người từ 18 đến 65 tuổi và giới hạn độ tuổi có thể được mở rộng đến 75 khi người được bảo hiểm gia hạn hợp đồng của mình mà không bị gián đoạn.
Ấn Độ: IRDAI đề xuất cho phép DN bảo hiểm đầu tư vào công ty chưa niêm yết
(INA) – Cơ quan quản lý và phát triển bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) đang kêu gọi chính phủ cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào các công ty chưa niêm yết.
Theo đề xuất này, các công ty bảo hiểm có thể được phép mua hơn 10% cổ phần chưa niêm yết mà không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý, theo một báo cáo của Reuters trích dẫn các nguồn tin.
Hiện tại, IRDAI không cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết mà không được phép.
Động thái này có khả năng mở ra cánh cửa cho các nguồn tài trợ mới cho các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ.
Ấn Độ: Đàm phán sáp nhập Aditya Birla Capital, Nippon Life thất bại
(INA) – Một báo cáo cho biết các cuộc thảo luận về việc sáp nhập giữa Aditya Birla Capital và Nippon Life đã bị phá vỡ.
Các nguồn tin cho biết Nippon Life, công ty sở hữu 49% cổ phần của Reliance Nippon, liên doanh bảo hiểm nhân thọ với Reliance Capital, đã từ chối giảm cổ phần. Nippon Life được cho là đang lên kế hoạch hợp nhất Reliance Nippon Life với Birla Sun Life Insurance – công ty được tài trợ bởi Aditya Birla Capital.
Cổ phần của Nippon Life sẽ bị pha loãng xuống dưới 10% nếu việc sáp nhập thành công, tuy nhiên, công ty bảo hiểm Nhật Bản này không thoải mái với việc mất tất cả quyền cổ đông và quyền quản trị vì theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI), một pháp nhân không thể sở hữu hai pháp nhân bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ.
Do đó, Birla Sun Life bắt buộc phải hợp nhất với Reliance Nippon Life Insurance nếu cuộc đấu giá thành công. Reliance Capital và các công ty con hiện đang trong tình trạng giải quyết mất khả năng thanh toán, với khoản nợ hợp nhất khoảng 4,93 tỷ đô la.
AXA phủ nhận tin đồn rút khỏi thị trường Hàn Quốc
(INA) – Báo cáo của Business Korea cho biết, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Phi nhân thọ AXA Hàn Quốc Guillaume Mirabaud phủ nhận việc công ty sẽ rời khỏi thị trường Hàn Quốc.
Công ty bảo hiểm của Pháp gia nhập thị trường vào năm 2001. Những tin đồn về việc hãng này rút lui khỏi thị trường thỉnh thoảng lại nổi lên.
“Bốn công ty hàng đầu trên thị trường đang tiếp tục mở rộng và sự chênh lệch này là điều không mong muốn. Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng thu hút thêm vốn và đầu tư từ nước ngoài, nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải cải thiện về cơ sở hạ tầng và chính sách”, ông Mirabaud nói.
AXA là công ty bảo hiểm nước ngoài duy nhất trên thị trường bảo hiểm xe cơ giới của Hàn Quốc.
BTV (Tổng hợp).